Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:46:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người mang bí số 209  (Đọc 14557 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:40:06 pm »

         
        - Tên sách :  Người mang bí số 209

        - Tác giả : Nguyễn Trường

        - Nhà xuất bản Long An

        - Năm xuất bản : 1988

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:42:07 pm »

       
CHƯƠNG MỘT

        “Theo tin tình báo cho biết tại tỉnh Long An có tên tình báo CIA mang bí số 209 hiện là cán bộ có chức vụ trong tỉnh. Bằng mọi giá các đồng chỉ phải tìm ra với thời gian ngắn nhất.”

        Đại uý Lê Thanh Tùng, cán bộ bảo vệ nội bộ của ty công an Long An cầm bức điện “tuyệt mật” của Cục An Ninh quốc gia do đồng chí trưởng ty vừa trao lại mà lòng lo lắng. Ông biết rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Tên tình báo là ai trong hàng ngũ trung cao cấp trong tỉnh? Đụng đến đội ngũ cán bộ này đâu phải dễ dàng. Đụng đến họ là chạm đến nhiều người. Nếu không khéo léo, họ “quật” lại dễ bị kỷ luật, mất chức như chơi. Hơn nữa gặp những đồng chí cán bộ trung cao cấp điều tra, làm việc là phải tế nhị. Chính cái tế nhị này là cái khó. Hình ảnh những người cán bộ trong tỉnh lần lượt hiện ra trong ông. Ông điểm qua những người xem có khả năng dùng phương pháp loại dần được không. Đối với việc điều tra, chứng cứ là vấn đề quan trọng nhất. Nhưng trước khi đi tìm chứng cứ phải biết khoanh vùng một số đối tượng nghi vấn mới có thể đi sâu vào tìm ra chứng cứ.

        Một sự ngẫu nhiên xảy ra với ông. Ngay buổi sáng này, thiếu uý Nam vừa trao cho ông lá thư của một đồng chí cán bộ Ban chấp pháp. Ông cẩn thận xé bao thư và bắt đầu đọc:

        “Kính gởi Ty công an Long An.

        Tôi tên Châu Văn Thanh, cán bộ Ban chấp pháp tỉnh Long An, tôi xin tố cáo tới Ty công an một việc như sau"

        Ngày 27 tháng 7 vừa rồi tôi có lên làm việc với Công ty Thương nghiệp Mộc Hoá, lúc vừa xong thì tôi nghe tiếng gọi:

        - Sáu Thanh, Sáu Thanh!

        Tôi đảo mắt nhìn quanh và nhận ra anh Ba Bá đang đứng dưới cầu thang. Anh Ba vẫy tôi xuống nắm tay tôi hỏi chuyện rất thân mật, rồi anh hạ giọng nhỏ:

        - À em, có biết vì sao thằng Văn Ngọc Sáu, thằng Đường nó đã học tập cải tạo rồi mà cũng bị bắt nữa, sao kỳ vậy? Kể cả ông Chín vừa rồi cũng bị bắt? Em có biết nguyên nhân nào hay không? Mấy thằng đó toàn là cơ sở của anh không đó. Nếu lúc chiến tranh anh không tổ chức nó thì đâu làm công tác được.

        Tôi trả lời:

        - Hôm nào tới nay tôi lu bu câu chuyện về tình hình biên giới chưa về tỉnh nên không biết ai bắt và khai báo ra sao.

        - Cha, ngán cái đời công tác vùng yếu quá. Quan hệ lung tung có khi mang hậu quả.

        Tôi đáp để củng cố anh.

        - Có gì đáng kể đâu, đôi khi người ta nghi cái gì đó không chừng.

        - Đâu em về dưới làm việc, nghiên cứu xem sao. Bữa nào rảnh thả ra anh chơi.

        Tôi dạ chứ không nói gì thêm. Ngoài ra tôi đến nhà anh Lâm Văn Sáu ở Rạch Cá Rô, trước đây anh là sĩ quan cảnh sát đặc biệt ngụy. Ngồi nói chuyện với Sáu một lúc, tôi bỗng nhớ ra. Năm 1974, Công an Kiến Tường bắt Nguyễn Văn Ngởi cũng là cảnh sát đặc biệt, loại tổ chức tình báo địa phương. Qua khai thác Ngởi đã khai, tổ chức tình báo Kiến Tường giải thể Sáu để đi sâu vào xã hội quần chúng.

        Sau khi uống trà một lúc, Sáu nói anh ta không phải đi học tập cải tạo vì Bá móc anh ra hoạt động hồi chiến tranh, được Ba Bá xác nhận là cơ sở cách mạng.

        Thưa cán bộ Ty công an!

        Tôi nghĩ rằng anh Ba Bá là cán bộ công đoàn, không làm quân báo, công an, hay binh vận mà móc nối, xây dựng cơ sở, quan hệ với nhiều người là địch, ngoan cố, có hận thù với cách mạng. Như vậy tôi nghi quá. Tôi xin báo để các đồng chí rõ. Tôi cam đoan lời tố cáo của tôi là sự thật vì giữa tôi và anh Bá không có hận thù ghét bỏ gì với nhau.”
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:43:30 pm »


        Đại uý Sáu Tùng gỡ kính, cầm trên tay tư lự. Về Ba Bá, có nhiều điểm đáng nghi lắm. Hồi chiến tranh chống Mỹ, Ba Bá đã lần lượt giữ chức Bí thư chi bộ Tuyên Thạch, rồi thị uỷ viên thị xã Mộc Hoá kiêm thư ký công đoàn thị xã. Hiện nay Ba Bá đang giữ chức vụ quan trọng của tỉnh. Bộ nội vụ ra chỉ thị 17, tăng cường công tác bảo vệ đảng, làm trong sạch nội bộ. Chỉ thị này có phổ biến cho cán bộ cao cấp nghiên cứu. Tỉnh uỷ Long An đã thành lập tiểu ban đặc biệt để xem xét tình hình cán bộ trong tỉnh. Tiểu ban nhận định, tại sao những năm chiến tranh tỉnh Kiến Tường lại bị đánh điểm, nhất là các cơ quan thuộc thị uỷ thị xã Mộc Hoá... Từ ngày thành lập cơ quan này, Ba Bá thường sang dò la, nghe ngóng về sự phát hiện của tiểu ban. Kết hợp với lá thư tố cáo của Sáu Thanh, đại uý Tùng thấy đây là vấn đề nghiêm trọng. Có thể Ba Bá là đầu mối tình báo cho địch ở tỉnh Kiến Tường mang bí số 209 mà cục An ninh quốc gia vừa phát hiện ra. Nhưng làm sao điều tra, xác minh ra đây? Nếu đúng Ba Bá là tình báo địch, còn có thể phăng ra ổ phản động đang nằm trong hàng ngũ cán bộ ta mà chúng đã chui sâu, leo cao từ ngày còn chiến tranh. Vụ Ba Bá bỗng trở thành vấn đề nổi cộm nhất, yêu cầu ông phải làm ngay. Ông bóp trán suy nghĩ. Bắt đầu công việc này từ đâu? Phải tuyệt đối bí mật, vì nếu lộ ra, có thể Ba Bá và đồng bọn sẽ trốn chạy, hay thủ tiêu tài liệu, ám sát lẫn nhau để bịt đầu mối. Giả thuyết Ba Bá không là tình báo địch, đó chỉ là sự hiểu lầm thì việc này cần phải thận trọng. Giờ giao ban buổi chiều, Sáu Tùng, gặp riêng trưởng ty công an sau khi mọi người đã ra về hết.

        - Báo cáo đồng chí, như sáng đồng chí vừa giao nhiệm vụ truy tìm tên tình báo mang bí số 209, chúng tôi đang nghi vấn Ba Bá... Đây là trường hợp đụng đến cán bộ cao cấp nên chúng tôi xin ý kiến đồng chí trước khi mở cuộc điều tra.

        Bằng một giọng sôi nổi, đại uý báo cáo với trưởng ty những nghi vấn mà ông được đồng sự báo, những nhận định rút ra sau khi tổng hợp xử lý tin tức.

        Trưởng ty chăm chú nghe. Bằng giọng chậm rãi, ông căn dặn:

        - Tôi ủng hộ đề nghị của các đồng chí, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật, vấn đề này các đồng chí nên để ít người tham gia, làm đến đâu phải báo cáo cho tôi hay đến đó. Nhưng mọi báo cáo, các đồng chí nên viết tay, không đưa đánh máy. Còn tài kiệu, hồ sơ về vấn đề Ba Bá, các đồng chí phải cất cẩn thận, bỏ vào tủ khoá kỹ.

        Lời dặn kỹ lưỡng của trưởng ty làm cho Sáu Tùng vừa phấn khởi vừa lo lắng.

        Khi trở về phòng làm việc, đại uý Tùng liền gọi thiếu uý Nam lên dặn:

        - Đồng chí xếp chuyến đi Bến Tre lại, có một công việc khá quan trọng đang chờ chúng ta phải giải quyết ngay đây.

        Đại uý nói sơ qua cho Nam biết về vấn đề Ba Bá. Rồi ông dặn:

        - Tôi sẽ đi Mộc Hoá. Còn đồng chí ở nhà hoàn thành gấp cho tôi lý lịch và mọi tài liệu liên quan đến Ba Bá... Tóm lại đồng chí phải hỏi, ghi chép hết sức khách quan. Cuộc điều tra về Ba Bá chỉ có tôi và đồng chí được biết. Nếu đồng chí để lộ là phải chịu kỷ luật đấy.

        Căn dặn về vấn đề bí mật với thiếu uý Nam để tăng thêm phần quan trọng thôi thúc anh hăng hái công tác. Sáu Tùng biết Nam là cán bộ trinh sát thông minh, táo bạo và rất có ý thức bảo mật. Có nhiệm vụ quan trọng, ông thường giao cho Nam và anh đều hoàn thành một cách xuất sắc. Lần này, nhiệm vụ điều tra về Ba Bá phức tạp. Sáng, ông đã cử Nam đi điều tra xác minh lý lịch một nhân viên ở công ty du lịch quê ở Bến Tre mà cơ quan đang nghi vấn. Nhưng nhiệm vụ mới này buộc ông phải đảo lộn tất cả.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:58:39 pm »


CHƯƠNG HAI

        Thị trấn Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười. Hồi còn chiến tranh, Đồng Tháp là căn cứ cách mạng, hành lang chiến lược của Nam Bộ. Quân khu 8 và lực lượng của ta muốn xuống Mỹ Tho, Bến Tre... đều phải đi trên đất Kiến Tường. Ngày 17 tháng 2 năm 1956 định tách Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Tân An, thành lập tỉnh Mộc Hóa. Ngày 26-10-1956 địch đổi tên là tỉnh Kiến Tường. Lúc đó gồm bốn huyện: Châu Thành, Kiến Bình, Tuyên Bình, Tuyên Nhơn. Đến ngày Mỹ nhảy vào miền Nam, lực lượng quân đội địch đóng trên đất Mộc Hóa phải nói là dày đặc. Năm 1967 tại Kiến Tường, địch đưa lên một tiểu đoàn bộ binh, chín đại đội chiến đấu, hai mươi đội dân vệ, hai tiểu đoàn biệt kích một trung đội thám sát, một đại đội tuần giang hạm, một đại đội cơ giới, ba trung đội pháo binh. Đến năm 1968, chúng điều lên sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng một đại đội của sư đoàn 21. Lúc đó tại Mộc Hóa, quân đội Mỹ - ngụy đã nhiều hơn thường dân. Bởi tầm quan trọng chiến lược như vậy nên chiến tranh ở đây đã diễn ra vô cùng ác liệt. Địch càn quét, đánh điểm, bắn phá liên miên. Và tất nhiên chúng cũng có đội ngũ tình báo, phượng hoàng, thám sát khá lớn. Vì thế chắc chắn Mỹ sẽ đưa nhân viên tình báo CIA xuống tỉnh Kiến Tường. Bởi từ đây địch có thể cài người vào các cơ quan tỉnh ủy Kiến Tường và quân khu Tám...

        Vừa đi sóng đôi cùng Ba Cảnh, đại uý Tùng vừa nghĩ lan man. Ông không để ý đến buổi chiều đã tắt nắng. Mộc Hóa như đông vui hơn. Con đường lớn dẫn ra núi đất rộng thênh thang. Đây là con đường hai chiều, ở giữa là công viên có hàng ghế đá còn mới đặt dưới những lùm cây cối xanh um. Gió từ đồng trống thổi về lồng lộng mát rượi. Sáu Tùng nói với Ba Cảnh:

        - Tôi chưa hình dung được sơ đồ các cơ quan tỉnh đóng trên thị xã này. Vừa đi, anh Ba vừa giới thiệu cho tôi biết với nghe.

        Ba Cảnh vừa đi vừa khoát tay:

        - Đường chúng ta đang dạo mát đây ngày trước là đường Cộng Hòa, cắt đường này là đường Đốc Binh Kiều. Đối diện với bệnh viện là ty Chiêu hồi. - Sáu Tùng nhìn theo tay chỉ của Ba Cảnh. Dãy nhà ty Chiêu hồi cất theo kiểu nhà máy ghe uốn cong - Còn kế bên đó nữa là B18 Mỹ đóng. Phía sau B18 là sân bay Mộc Hóa đó.

        Sáu Tùng nhìn thấy đường băng rộng chạy về hướng Nam. Kiểu sân bay này, Máy Bay 4 động cơ có thể lên xuống được.

        Bất ngờ Sáu Tùng dừng bước, xoay người nhìn thẳng vào mắt Ba Cảnh ngập ngừng:

        - Này anh Ba. Hôm nay tôi lên đây hỏi anh về ông Ba Bá. Hồi trước anh có công tác cùng với ông ta nên biết được nhiều vấn đề…

        Ba Cảnh cũng dừng lại nhìn Sáu Tùng:

        - Ba Bá hả? Tôi đang định báo cáo về ty, tiện đây tôi xin trình bày luôn: Hôm ấy vào hồi 7 giờ sáng cũng tại văn phòng làm việc của tôi đây, anh Ba Bá đến thăm tôi. Ảnh hỏi:

        - Anh có biết vụ công an bắt Đường và Mỹ Linh không?

        Tôi trả lời:

        - Không rõ.

        Ba Bá nói:

        - Mấy bữa rày cha mẹ con Mỹ Linh mắng tôi, nói hồi nào tôi tổ chức con bà làm cách mạng sao bây giờ không đứng ra xác nhận, để con bả bị bắt. Gia đình Nói nặng nhẹ tôi đủ thứ. Kể cả vợ thằng Đường cũng chạy theo vì nó biết tôi tổ chức chồng nó. Tôi nói thật, nếu có chiến tranh trở lại, tôi sẽ không công tác cùng yếu nữa. Chẳng những đời tôi mà còn đời con cháu, tôi cũng không cho nó làm. Anh coi tôi với Út Nhung mà thằng Tuấn khai nói tôi với bà Út Nhung là đầu mối của nó…

        Hai người đã mỏi chân, Họ lại đi sóng đôi nhau một cách Nhàn tản. Sáu Tùng chậm rãi hỏi:

        - Hôm Ba Bá nói với đồng chí, còn ai nghe được không?

        - Có bốn đồng chí ở Bộ Nội vụ ngoài Hà Nội mới vô cùng nghe. Tôi bỗng nghĩ vì sao Ba Bá lại nói ra điều đó. Không biết các đồng chí điều tra can phạm làm sao Ba Bá lại biết. Các đồng chí nên xem xét coi mình có lộ ra ở khâu nào không?

        - Vụ Ba Bá chúng tôi mới bắt đầu. Chắc là anh Ba có tật giật mình thôi.

        - Để tôi kể cho đồng chí nghe những năm Ba Bá hoạt động ở tỉnh Kiến Tường này. Hồi đó Công an ta cũng có một thời gian theo dõi anh ta. Sau thấy không có gì nên thôi. Công an nghi Ba Bá bắt đầu từ vụ tên Ngạn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:59:12 pm »


        Năm 1967, anh Ba Bá về công tác nông hội tỉnh, rồi được Thường vụ tỉnh uỷ Kiến Tường rút, đưa về công tác xã Bình Hiệp, thuộc vùng thị xã Mộc Hoá, thay đồng chí Chín Xuân, cán bộ của tỉnh phụ trách xã Bình Hiệp. Chi bộ Bình Hiệp học phân công Ba Bá phụ trách ấp Cái Đôi. Dân số ấp này trên sáu trăm người. Vùng này rất quan trọng, nó có tầm chiến lược vì ta từ biên giới muốn xuống Tuyên Thạch, Mộc Hóa… phải đi qua đây. Khi nhận nhiệm vụ, Chi bộ phân công Ba Bá gặp đồng chí Tư Tuyền, lúc đó là thường vụ thị ủy phụ trách biên giới kiêm nhiệm thị xã. Ba Bá hỏi Tư Tuyền xây dựng cơ sở ở ấp Cái Đôi, biết mấy người. Tư Tuyền nói, biết Năm Ngạn, Anh này là Đảng viên được đồng chí Tám Thắng giúp đỡ, phát triển. Được giới thiệu của Tư Tuyền, Ba Bá đột vô ấp chiến lược Cái Đôi, đi ngang qua nhà Ngạn và móc Ngạn ra hướng biên giới. Tại gò Năm Dồ, vùng giáp ranh giữa ta và nước bạn, Ba Bá tổ chức học tập cho Ngạn Đồng thời giao nhiệm vụ cho anh ta đi vận động quần chúng, bám rễ, xâu chuỗi và thu tài chánh, nắm tình hình, quy luật địch… Diệt cho đường tên công an ác ôn Trần Văn Kính, Nguyễn Văn Hầu. Lúc ấy Ngạn nhận hết. Ba Bá giao cho Ngạn phụ trách từ khúc Cái Đôi Bé trở xuống. Còn Ba Bá phụ trách từ Cái Đôi Lớn trở lên đầu khu. Thời gian đó Ngạn cũng vận động thu được một số tiền quà gởi vô cho ta. Còn việc diệt hai tên ác ôn, Ngạn không làm được. Ngạn nói là đảng viên hợp pháp sợ hành động sẽ lộ.

        Đến khoảng tháng chín năm 1968, Ngạn trở vô căn cứ, nói địch phát hiện ra anh ta là cộng sản nên xin vô hoạt động bất hợp pháp. Lúc ấy Ngạn cùng đi với cháu ruột tên là Nguyễn Văn Côn. Ba Bá có báo cáo lên thường vụ thị xã uỷ, đồng chí Mười Phúc chỉ đạo cho Ngạn và Côn ở chung với Ba Bá và móc gia đình gởi quần áo vô. Hồi đó họ ở nhờ nhà người Campuchia gần biên giới, đó là căn nhà ngói khá rộng. Họ ngủ ở đây còn tài liệu gởi nhà ông Khâm. Tên Ngạn khá thông minh, nhanh nhẹn, tên Côn thì hơi lù khù, văn hoá thấp, chữ viết chưa rành. Ba Bá đạo diễn cấp trên cấp cho Ngạn khẩu K.54, Tám Côn giữ cây AK.

        Hồi ấy ta chủ trương giải tán phòng vệ dân sự, lấy súng địch. Ba Bá được chỉ đạo đột vô ấp chiến lược Cái Đôi. Hướng của Ba Bá lấy được hai cây súng Garăng, còn hướng của Ngạn không lấy được khẩu nào. Khi về, thị uỷ giao cho Ba Bá kiểm điểm Ngạn. Bá làm qua loa và báo cáo Ngạn không muốn lấy súng địch vì thương anh em phòng vệ dân sự bị ngụy bỏ tù tội nghiệp.

        Thời gian đó Đường dây giữa thị xã qua Tuyên Thạch bị lộ. Địch phục kích liên miên. Chúng lại biết trước kế hoạch tiến công ấp chiến lược Cái Đôi phòng bị sẵn sàng đón anh ta, cơ sở bị lộ. Cán bộ nào về công tác ở thị xã, địch đều biết. Lúc đó chúng tôi Bá - Ngạn nên cử người theo dõi. Nhưng Phải nhờ đến nội tuyến của ta báo về tên Ngạn là công an địch, ta mới bắt hắn. Lúc đó chúng tôi có mời Ba Bá lên làm việc. Nhưng người xây dựng, giới thiệu Ngạn không phải là Ba Bá. Hơn nữa lúc Ngạn chạy vô xin hoạt động bất hợp pháp, Bá có báo cáo và xin phép cấp trên nên chúng tôi không có lý do kiểm điểm ông ta mà chỉ phê bình về tinh thần bảo mật, để Ngạn đánh cắp mất tài liệu “chỉ thị vùng ven” của Trung Ương cục phát xuống cho cán bộ thị uỷ viên làm tài liệu học tập. Học xong đáng lẽ phải nộp tài liệu về trên thì Ba Bá kêu mất. Khi ta bắt Ngạn, hắn cũng nhận đã đánh cắp tài liệu đó trong xắc cốt của Ba Bá. Hồi ấy Bá nhận là không cảnh giác. Chỉ nguyên việc Ngạn trở vô xin hoạt động bất hợp pháp, gia đình Ngạn còn trong ấp chiến lược mà địch để yên ổn, không khủng bố cũng đủ đáng nghi rồi. Thế mà hồi ấy, Bá không nhìn thấy vấn đề đơn giản đó.

        Sáu Tùng thật thà:

        - Hồi chiến tranh chống Mỹ, tụi tui lại hoạt động vùng Đức Hoà, Đức Huệ. Vùng Kiến Tường này thú thiệt tụi tui biết rất ít. Hồi anh Ba làm an ninh Kiến Tường, vụ con Mỹ Linh ra sao? Hiểu được nguồn gốc Mỹ Linh chúng tôi mới có cơ sở hiểu thêm tại sao Ba Bá lại phản ứng khi ta bắt Mỹ Linh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 08:59:46 pm »


        - Chuyện Mỹ Linh như vầy: Hồi đó ta kẹt người đi công văn nên Ba Bá, Chín Hưng, Tư Hoà… họp nhất trí chọn cô ả. Mỹ Linh được giao cho thị xã uỷ quản lý. Thời kỳ này thị xã uỷ cũng bị bom pháo liên tục. Công an nghi vấn Mỹ Linh nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Hồi ấy Mỹ Linh lại yêu đồng chí Chuẩn, trung đội trưởng X.16 của quân khu Tám, đóng ở Cái Rưng. Họ ăn ở với nhau có chửa và đặt vấn đề tuyên bố. Anh Tư Tuyền, thủ trưởng X.16 không chịu vì công an đang nghi vấn Mỹ Linh. Hơn nữa gia đình Mỹ Linh toàn phản động, chồng trước của ả là tình báo địch, bị ta bắt xử tử… Lúc ấy Bá và một đồng chí cán bộ của mình bơi xuồng vô tận X.16 can thiệp, nhận Mỹ Linh là cơ sở của ta, đề nghị X.16 cho tổ chức lễ tuyên bố kẻo tội nghiệp tụi nó. Tuy nhiên X/16 vẫn không chấp nhận. Cuối cùng Mỹ Linh và Chuẩn tự ở với nhau. Ban chỉ huy X.16 mặc nhận. Thời kỳ này ở đâu cũng bị bom pháo ngập trời, ấy vậy mà cơ quan X.16 đóng ở Cái Rưng vẫn bằng chân như vại, không hề bị bom pháo hay đánh điểm.

        - À thì ra Mỹ - ngụy đã khoanh cho X.16 vùng an toàn đấy. Ở đó có cơ quan chồng Mỹ Linh mà. Tình yêu có khi cũng được việc đấy chứ.

        Ba Cảnh cũng bật cười vì nhận xét của Sáu Tùng. Kể về Mỹ Linh đến đây ông thấy đã đủ vì đoạn sau Sáu Tùng đã biết. Mãi đến ngày giải phóng, ta khai thác bọn phòng nhì ngụy, và lục hồ sơ của chúng ra mới phát hiện Mỹ Linh là công an địch.

        - Như vậy Mỹ Linh là tình báo của địch nay đã rõ, nhưng hồi ấy Ba Bá có biết không? Có liên quan gì với Ba Bá không? Như khả năng Mỹ Linh là đồng bọn của Ba Bá?

        - Điều này chúng tôi cũng chưa nắm chắc được. Hồi ấy công an Kiến Tường chỉ nghi Mỹ Linh thôi. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí nội tuyến đang nằm trong phòng nhì của địch. Song không tìm ra tên Mỹ Linh. Sau hoà bình mới tìm ra được. Đầu mối Mỹ Linh cũng khá quan trọng nên địch mới giữ kín đến ngay trong cơ quan phòng nhì địch mà nội tuyến của mình cũng chịu không biết.

        - Còn vụ tên Đường, mà Ba Bá đánh động, anh Ba biết chớ - Sáu Tùng bỗng chuyển “gam”.

        - Biết. Tôi là thổ công vùng Đồng Tháp Mười này mà. Tên Đường cũng được Ba Bá xây dựng cơ sở. Sau hoà bình ta mới phát hiện ra cùng lúc với Mỹ Linh. Vấn đề hoạt động cài cắm của tên Đường do phòng nhì địch thực hiện cũng tương tự như vụ Mỹ Linh.

        Sáu Tùng thở dài:

        - Thiệt lạ lùng! Chúng tôi thẩm vấn binh sĩ phòng nhì, F đặc biệt, An ninh quân đội… nhưng không ai biết Ba Bá có hoạt động cho địch. Lục tất cả hồ sơ cũng không hề có tên Ba Bá. Có khả năng ông ta là tình báo cho cơ quan CIA Mỹ. Nếu Bá làm cho Mỹ thì thiệt khó điều tra vì mọi tài liệu, hồ sơ khi lên máy bay về nước, tụi CIA đã mang đi sạch trơn. Còn lại hồ sơ sống, đó là nhân viên người Việt nằm trong cơ quan CIA.

        - Tôi cũng nghĩ như vậy.

        Vừa đi vừa nói chuyện say sưa, hai người đã đến Núi Đất lúc nào không hay. Đây là thắng cảnh đẹp của Mộc Hoá. Các đồng chí lãnh đạo đảng và quân đội ta đến Mộc Hoá đều lên xem Núi Đất. Giữa đồng bằng mênh mông có một cái núi, cây cối um tùm kể cũng hay hay. Người ở vùng rừng núi chỉ mơ được xuống đồng bằng nhìn cho đã tầm mắt. Người ở đồng bằng lại thích có núi leo chơi.

        Núi Đất này được đắp từ đầu năm 1958, thời đó tên trung tá tỉnh trưởng Kiến Tường Đinh Văn Phát đã bắt tù chính trị của ta đào hố đắp núi. Chúng lại bắt anh em chở đá về phủ lên trên. Trông bề ngoài giống như núi đá. Bên trên núi đá chúng cho đắp tượng đức Mẹ. Rồi xây đường tròn trôn ốc đi lên, tạo ra vẻ giống như núi tự nhiên. Dưới hồ, chúng cho trồng sen, xây nhà thuỷ tạ. Có lẽ đây là thuỷ tạ đẹp mà ngộ nghĩnh giữa vùng cây cảnh thơ mộng nên Ngô Đình Diệm, đến Kiến Tường đã đòi ngủ một đêm ở đây.

        Ba Cảnh cùng Sáu Tùng leo núi một lúc chừng mỏi chân, họ bèn ghé vào tiệm giải khát trên nhà thuỷ tạ. Đây là quán của công ty cấp III Mộc Hoá. Tối đến đèn bật lên, khung cảnh Núi Đất càng đẹp một cách huyền ảo. Những cặp tình nhân từ thị trấn kéo ra, nghe nhạc, uống nước hay dạo quanh hồ. Họ còn dẫn nhau lên Núi Đất tình tự. Mai nầy, cùng với khu Rạch Rừng, nơi đây sẽ là danh lam thắng cảnh của Mộc Hoá thu hút khách thập phương.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 09:00:10 pm »


        - Nhà thuỷ tạ nhỏ như vậy, lại không kín đáo, thằng Diệm ngủ lạnh chịu gì nổi, anh Ba?

        - Nhà thuỷ tạ ta đang ngồi đây mới dựng sau hoà bình. Còn nhà thuỷ tạ của tên tỉnh trường Phát xây kiên cố, đẹp lắm. Nhưng hôm tiếp quản, anh em mình phá sập mất - Ba Cảnh giải thích.

        Khi phố xã đã lên đèn, Ba Cảnh và Sáu Tùng lại lững thững thả bộ về. Sáu Tùng hỏi Ba Cảnh:

        - Anh biết dinh tỉnh trưởng ngụy chỗ nào?

        - Đối diện với cơ quan chúng tôi đó. Toà hành chánh thì ngay chỗ uỷ ban huyện. Trước nó là thế nào bây giờ các cơ quan ta tiếp quản cũng tương tự như vậy.

        - Anh biết cơ quan tình báo CIA Mỹ đóng ở đâu không?

        - Sau tiếp quản tôi điều tra mãi mới ra. Nó nằm ngay trong thánh đường đạo Tin lành Mộc Hoá này.

        - Ta lại đó nghen.

        Ba Cảnh cười… Không hiểu sao Sáu Tùng lại thích đi dạo đến thế.

        Thánh đường Mộc Hoá nằm kế bên sân lễ, giữa một khu đất rộng, cây cối xanh tươi. Trước cửa nhà thờ, được đắp rất nhiều tượng kể về các tích đạo. Sáu Tùng không mấy chú ý đến tượng. Ông lại chủ động kéo Ba Cảnh đi sâu vào phía ngôi nhà dành cho các nữ tu sĩ. Đó là dãy nhà trệt, cất giống như cư xá. Các phòng đều đóng cửa. Cuối dãy mới có một cánh cửa mở. Ngồi trước cửa là một cô gái dưới hai mươi tuổi, da trắng, khuôn mặt tròn. Từ cái miệng đến đôi mắt đều đẹp như vẽ.

        Ba Cảnh hỏi cô gái:

        - Cha ở nhà nào, cháu?

        - Dạ, cha ở nhà đúc đẹp nhất đó.

        - Dường như cha đi vắng phải không cháu?

        - Dạ, cha vừa mới đi khỏi thì hai bác tới. Dạ thưa, hai bác kiếm cha có chuyện chi không?

        Ba Cảnh lúng túng:

        - À, có, có chút chuyện…

        Cô gái kéo ghế mời:

        - Hai bác ngồi nghỉ, chút xíu cha về.

        Hai ông già không từ chối. Sáu Tùng tranh thủ:

        - Nhà để xe của cha, cháu biết ở chỗ nào không?

        - Dạ kế bên nhà của cha đó. Nhưng sau giải phóng, người ta phá đi rồi.

        - Cháu ở đây lâu chưa mà biết rành vậy?

        - Dạ, con mới đến đây. Quê con ở Thái Trị. Mẹ con có quen với cha nên xin cho con trọ ở đây để đi học.

        Sáu Tùng nghĩ. Cái con bé này chắc sống sung sướng. Chớ dân vùng Đồng Tháp này, nếu phải ra ruộng với nước phèn và nắng mưa thì làm sao lại trắng như bột thế kia.

        Dọc đường về Sáu Tùng nói với Ba Cảnh:

        - Tôi nghe nói cơ quan CIA Mỹ đóng ở đây. Nhưng không hiểu vì sao chúng lại đặt cơ quan ở nơi có nhiều người qua lại như thế?

        Ba Cảnh giải thích:

        - Người ta đi lễ có giờ và có ngày chớ anh Sáu. Những giờ ngày đó, bọn chúng đâu có làm việc. Tụi Mỹ ưa đi nhà thờ nên chính tụi nó ở trong khu nhà thờ lại rất ít người để ý. Không thì anh hỏi ngay những nhà dân bên cạnh thánh đường này coi. Chả ai ngờ được ở ngay bên thánh đường linh thiêng lại có cơ quan CIA Mỹ.

        Sáu Tùng bật cười. Ông biết ơn Ba Cảnh đã cho biết bao chuyện mới mẻ. Cuộc du lịch này thật lý thú. Nhờ nó mà ông đã hình dung ra những điều có liên quan đến vụ án Ba Bá.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 09:01:22 pm »


CHƯƠNG BA

        Trại cải tạo ở Mộc Hoá nằm ở ngoại ô thị trấn. Nhìn từ xa tưởng đó là một nông trường bộ vừa mới xây dựng trên Đồng Tháp Mười. Những căn nhà lá mọc lên ngay hàng thẳng lối. Ở khoảng giữa khu nhà mới có một căn nhà mái tôn, đồng trống mênh mông nên nó nổi bật hẳn lên, sáng rực dưới nắng.

        Khách đến gần mới nhận ra những con kinh mới đào, đất còn tươi rói. Dưới mương, một tốp người đang đẩy bè cỏ đứng cao chất ngất trôi theo dòng nước. Có lẽ họ sẽ dùng cọ làm củi đun bếp. Trên đồng, một màu xanh mượt trải ra bao la. Trên các liếp là rau muống, rau cải, khoai mì… thỉnh thoảng Sáu Tùng mới thấy một tốp người đang lúi húi tưới rau.

        Nhà của Ban quản lý trại đúng là căn nhà tôn mà anh đã nhìn thấy từ xa. Trại trưởng Ba Long và Sáu Tùng đều là người cùng ngành, quen biết nhau từ lâu nên việc gặp gỡ trở nên thân mật. Sáu Tùng đi vào vấn đề chính:

        - Tên Võ Văn Tuấn, thám sát ngụy vẫn còn trong trại của anh chứ?

        - Còn - Ba Long ngạc nhiên - Có việc gì không anh Sáu?

        - Anh có hồ sơ của tên Tuấn ở đây không, cho tôi mượn chút.

        Ba Long bước sang phòng bên, lát sau ông cầm trên tay tập hồ sơ dày, trao cho Sáu Tùng:

        - Tôi đoán anh còn nghi ngờ về chi tiết tên Tuấn nhận làm việc cho cơ quan CIA Mỹ?

        Sáu Tùng nhìn bạn cười:

        - Anh đoán trúng phóc.

        Trao đổi dăm ba câu chuyện, Ba Long ý tứ rút ra khỏi phòng để Sáu Tùng “đánh vật” với xấp hồ sơ.

        Một lúc sau Sáu Tùng gấp tập hồ sơ lại, đang ngồi uống trà, khuôn mặt đăm chiêu. Thấy anh bước vào, Sáu Tùng phấn khởi nói:

        - Anh Ba này. Theo như hồ sơ các anh ghi được, tên Tuấn nhận có công tác cho cơ quan tình báo Mỹ ở Kiến Tường. Đầu mối là Lê Văn Bộ. Nhưng hắn khai là đầu mối giả, hắn gạt Mỹ để lấy tiền xài phải không? Các anh đã cho thẩm tra lại chưa?

        - Chưa, vì mọi việc hãy còn mới mẻ.

        - Được rồi, anh gọi tên Tuấn lên đây cho tôi gặp nó chút.

        Ba Long quay ra cửa gọi người phục vụ rồi quay vào nói với Sáu Tùng:

        - Tên Tuấn là cán bộ đại đội phó ra chiêu hồi năm 1969. Lúc ấy chiến tranh đang ác liệt. Hắn được bọn Mỹ - ngụy ở Mộc Hoá chú ý, Đưa vào trại chiêu hồi học bốn lăm ngày rồi cho về quê. Tuấn về làm ở hãng nước đá. Nhưng Tuấn còn trong tuổi quân dịch nên lại ra làm lính thám sát để khỏi phải ra trận. Vì theo Tuấn khai, chiêu hồi để tránh cái chết mà lại đi lính ra trận thì đằng nào cũng sáp vào cái chết cả. Hắn văn hóa thấp, con nhà nghèo, trông nông dân đặc sệt nên chắc cũng chỉ làm đến như vậy là hết. Anh coi xong hồ sơ, chữ Tuấn viết như gà bới, câu cú lung tung, lỗi chính tả cả đống. Hắn không biết diễn đạt cho trôi chảy điều muốn nói. Cỡ tên Tuấn chả làm nên công chuyện gì.

        - Đừng chủ quan - Sáu Tùng nhắc, anh còn nhớ hắn đã từng giữ chức đại đội phó đằng mình đấy nhé. Coi nào, hồi năm 1969 là đại đội phó, cứ cho là thiếu uý đi, thì lúc ấy tôi và anh chắc chắn là lính của anh ta rồi đó nghe.

        Cả hai cùng cười.

        Người phục vụ báo đã dẫn Tuấn đến. Ba Long gật đầu:

        - Cứ dẫn anh ta vô đây.

        Một người đàn ông da ngăm đen khỏe mạnh bước vào, Sáu Tùng đưa mắt quan sát kỹ đối tượng. Tuấn trạc ngoài 40, người thấp nhưng to, chắc, khuôn mặt lớn, hơi rỗ, mũi tẹt, mắt gian xảo, miệng rộng. Tuấn ngồi xuống ghế đối diện với ông, tay lóng ngóng như thừa thãi. Sáu Tùng, đẩy bịch thuốc rê về phía ông ta:

        - Anh cứ tự nhiên.

        Chẳng nói chẳng rằng, Tuấn thò tay móc thuốc rê, những ngón tay to, ngắn lóng ngóng cuộn thuốc, bật quẹt. Chờ cho Tuấn trở lại bình tĩnh, Sáu Tùng mới lên tiếng:

        - Anh Bảy đã có gia đình mới chưa?

        Sáu Tùng hỏi như vậy vì anh đọc trong hồ sơ, biết Tuấn có vợ trước, đã ly dị. Tuấn cưới vợ sau tên là Nhiều có một con, đến năm 1974 cô ả lại trúng pháo chết.

        - Dạ thưa cán bộ. Mới hoà bình, tôi chưa kịp xây dựng gia đình.

        Sáu Tùng nghĩ, Tuấn trả lời lưu loát và biết dùng từ như vậy cơ mà. Không lẽ người ta nói một đằng và viết một nẻo.

        - Tôi hỏi và anh phải trả lời thành thật. Chỉ có thành thật mới sớm được về sum họp với gia đình. Còn quanh co rồi cuối cùng chúng tôi cũng biết, anh sẽ phải ở đây lâu đấy. Những năm làm lính thám sát, anh có xây dựng được đầu mối nào là người của cách mạng không?

        - Dạ thưa cán bộ. Tôi không xây dựng được đầu mối nào cả vì tôi là người kháng chiến ra chiêu hồi, tôi sợ trở vô cứ, anh em ở trỏng đều biết tôi, họ sẽ xử tôi ngay.

        - Vậy anh lấy tin tức ở đâu? Không lẽ chừng ấy năm làm lính thám sát, anh không làm nên chuyện gì mà chúng để yên cho anh sao?

        - Dạ thưa cán bộ. Đơn bị thám sát chúng tôi được chia làm trung đội, tiểu đội và tổ. Tổ của tôi gồm 3 người, nắm tin vùng xã Tuyên Thạch do anh Trương Văn Bảy làm tổ trưởng và một tổ viên là Văn Ngọc Sáu. Tôi lấy tin tức do người thân đi làm đồng, kể lại Việt cộng đóng ở đâu. Ngoài ra tôi còn có người chị dâu là Ba Duyên làm đầu mối đi vô cứ, vô đồng dò la tin tức…
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 09:02:03 pm »


        - Trong hồ sơ anh khai có cộng tác với cơ quan tình báo Mỹ?

        - Dạ, tôi có cộng tác với chúng một thời gian, chẳng qua tôi dóc láo để kiếm tiền.

        - Theo tôi biết muốn cộng tác với CIA Mỹ, nó yêu cầu anh phải có đầu mối. Đầu mối phải là người có chức vụ quan trọng trong hàng ngũ đối phương. Và tụi Mỹ cũng không phải là trẻ con để anh lừa gạt chúng. Chúng sẽ kiểm tra rất kỹ về đầu mối. Hơn nữa đầu mối phải có lý lịch, ảnh và nhiều thủ tục khác nữa. Vậy đầu mối của anh là ai mà thời gian qua chúng để yên cho anh lĩnh lương và còn cho anh bí số nữa.

        Hỏi xong câu đó, Sáu Tùng tin rằng Võ Văn Tuấn, sẽ cứng họng và phải khai ra người mà anh đang cần. Nhưng trên khuôn mặt lạnh như tiền của anh ta vẫn không tỏ vẻ lúng túng. Hắn bập sâu một hơi thuốc rồi trả lời:

        - Dạ thưa cán bộ. Thiệt tình tôi chỉ dóc láo bọn Mỹ để lấy tiền xài. Tôi khai man đầu mối là Lê Văn Bộ, đại đội trưởng đặc công của tỉnh Kiến Tường do tôi móc. Lúc đầu tôi cũng nghĩ rằng sẽ nhờ chị ruột anh Bộ móc nối nên hứa liều với Mỹ. Nó nói nếu móc được nó sẽ trả lương tháng 15 ngàn đồng. Đó là khoản tiền lớn nên tôi nhận lời. Tôi kiếm chị Phố để nói rõ yêu cầu của mình. Lúc này tôi có người cậu làm ở Ban Hai cho biết tụi chúng sẽ bắt chị Phố vì cô ta là cơ sở cách mạng. Tôi đến báo cho Phố biết tin đó. Phố tỏ ra sợ sệt. Tôi mới nói với Phố là nếu chịu cộng tác với Mỹ, tôi sẽ bảo lãnh. Phố nhận lời đi móc em ruột mình. Tụi Mỹ yêu cầu Bộ phải gửi lý lịch, ảnh ra để tụi nó làm hồ sơ và chưa có được sự cộng tác của Bộ nên tôi tự viết lấy lý lịch. Vì người cùng xóm nên tôi viết lý lịch Bộ không mấy khó khăn. Còn hình, tôi nhờ chị Phố về nhà lấy hình của Bộ treo trên tường. Tôi dán hình vô, vậy là có hồ sơ của Bộ rồi tụi Mỹ cho Bộ bí số 208. Còn tôi bí số 205.

        - Không có Bộ công tác, anh lấy tài liệu tin tức ở đâu đưa cho Mỹ?

        - Dạ thưa cán bộ. Tôi lấy tin ở bên cơ quan thám sát và cả tin tôi lấy được, về chế biến thành tin của Lê Văn Bộ.

        - Nhưng tụi Mỹ còn lạ gì tuồng chữ của anh. Làm sao anh qua mặt được chúng?

        - Dạ thưa, khi viết thành bản tin rồi, tôi nhờ anh bạn Tô Văn Sơn viết lại, nên tụi Mỹ vẫn tưởng đó là chữ của Bộ. Mỗi lần nhờ chép như vậy, tôi đều chia tiền lương của Lê Văn Bộ cho Sơn.

        - Sơn quê ở đâu?

        - Thưa cán bộ, anh Sơn quê ở Gò Ớt Tuyên Thạch.

        - Đầu mối Lê Văn Bộ kéo dài được bao lâu?

        - Thưa cán bộ. Đầu mối anh Bộ được một năm thì chấm dứt.

        - Tại sao lại chấm dứt?

        - Dạ thưa… vì Thị Phố không móc được Bộ. Chị sợ tụi Ban II bắt nên trốn lên Tây Ninh. Từ đó không tìm ra chị Phố nữa. Thời kỳ này tụi Mỹ nó nghi ngờ tôi. Chúng bắt tôi ngồi máy trắc nghiệm. Tôi sợ sẽ không thể nói dối được lâu nên báo với chúng Bộ đã đi học ở Miền Đông. Tụi Mỹ tin và không cấp lương cho tôi và Bộ nữa.

        - Cơ quan CIA Mỹ có mấy người. Anh làm việc trực tiếp với Mỹ hay qua một người Việt Nam?

        - Dạ thưa… Tôi làm việc qua tên thông dịch. Tôi chỉ đến cơ quan CIA có một lần vào lúc cơ quan vắng hết chỉ có một tên Mỹ còn lại.

        - Tên Mỹ đó tên là gì? Tên phiên dịch tên là gì?

        - Dạ thưa người Mỹ đó tên là Fennesca còn tên thông dịch tên là Nguyễn Văn Đoàn. Tôi thường làm việc, nhận chỉ thị và lương qua tên Đoàn và đến nhà riêng Đoàn chớ không đến văn phòng.

        - Anh có biết thêm những người khác ở văn phòng CIA không?

        - Thưa thấy có cô đánh máy, người lái xe, và một vài người nữa nhưng tôi không biết tên. Tôi có hỏi Đoàn nhưng hắn không nói.

        - Anh có chụp hình với Đoàn hay với ai ở cơ quan CIA không? Anh có tấm hình nào của chúng không?

        - Thưa… không.

        - Anh còn nhớ mặt chúng không?

        - Thưa, nhớ mặt Đoàn và cô đánh máy.

        Sáu Tùng rút ra xấp hình, xoè trên bàn cho Tuấn coi:

        - Anh coi ai là người đánh máy.

        Tuấn xem một lát, chọn ra một tấm.

        - Thưa, đây. Tôi ngờ ngợ, không biết có đúng không?

        Sáu Tùng ngắm nhìn cô gái mặc áo dài trắng, tóc xoã ngang vai, đội nón lá, tay cắp cặp, miệng đang cười. Phía sau là cảnh một trường học có hai lầu. Sáu Tùng đánh dấu vào sau tấm ảnh rồi nhìn thẳng vào Tuấn:

        - Anh có quen Ba Bá không?

        - Dạ có.

        - Anh và Ba Bá từ trước đến nay quan hệ thế nào?

        - Thưa. Gia đình tôi và anh Ba Bá là người cùng xã. Anh là cán bộ xã. Gia đình tôi nghèo được anh Ba giúp đỡ từ nhỏ đến lớn. Tôi cũng được anh dìu dắt, đi hoạt động cách mạng. Tôi được kết nạp đảng Lao động Việt Nam cũng do anh Ba giúp đỡ giới thiệu. Anh là phó bí thư chi bộ kiêm xã đội trưởng trực tiếp phụ trách đội võ trang của xã. Tôi là đội viên võ trang của xã luôn luôn ở cạnh anh Ba, Khi đi công tác, anh cho tôi đi cạnh để bảo vệ. Tình cảm anh em rất thắm thiết. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ gì sai đối với anh Ba Bá.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 09:02:30 pm »


        - Khi anh đi chiêu hồi, anh Ba có biết không?

        - Lúc đi chiêu hồi, tôi không biết rõ anh Ba công tác ở đâu.

        - Sau khi đi chiêu hồi, anh có gặp Ba Bá lần nào không?

        - Thưa, không.

        - Anh có nhận được thư của anh Ba lần nào không?

        Hỏi Tuấn câu này, Sáu Tùng tin rằng, thế nào Tuấn cũng sẽ mắc bẫy, anh được Ba Cảnh cho biết hồi Tuấn ra chiêu hồi, hắn tỏ ra chống phá Cách mạng một cách điên cuồng. Ba Cảnh xin ý kiến để viết thư cho Tuấn, đại ý nói rõ lượng khoan hồng của Cách mạng, chỉ cho Tuấn thấy sức mạnh của lực lượng Cách mạng, ngày toàn thắng không xã nữa. Tuấn nên suy nghĩ lại, nếu chịu lập công chuộc tội sẽ được chấp nhận Tuấn là cơ sở của Cách mạng. Thư gửi đến tận tay Tuấn, song hắn vẫn không có phản ứng gì. Hôm sau Ba Cảnh gặp Bá và nói “Chú có tình cảm với thằng Tuấn, chú viết thư cho nó, kêu gọi nó làm cơ sở cho ta coi”. Ba Bá nhận lời và viết thư cho Tuấn. Ba Bá cẩn thận đưa thư ấy cho Ba Cảnh coi mới dán vào và đưa cho một nữ giao liên mang thư đi. Nữ giao liên ấy sẽ trao cho chị ruột Tuấn và chắc chắn Tuấn cũng sẽ nhận được.

        Sáu Tùng hỏi câu đó nhằm đánh vào tâm lý sợ sệt của Tuấn. Nếu Ba Bá là đầu mối của Tuấn thì Tuấn sẽ sợ mọi việc liên quan đến Ba Ba sau ngày hắn đã ra chiêu hồi nên chắc chắn Tuấn sẽ chối không. Nhưng Sáu Tùng không ngờ Tuấn lại trả lời:

        - Dạ thưa, tôi có nhận được một lá thư của anh Ba gửi ra. Lá thư đó kêu gọi tôi quay lại cộng tác với cách mạng. Nhưng tôi sợ tụi Mỹ, tụi thám sát nên không dám nhận.

        Câu trả lời của Tuấn làm Sáu Tùng tin Tuấn nói thật, hẳn không có gì liên quan đến Ba Bá. Nhưng giá hắn chỉ nói “có nhận được một lá thứ của Ba Bá” rồi để ông hỏi, lá thư ấy nói gì rồi hắn mới thanh minh thì ông lại không nghi ngờ. Đằng này ngay trong câu trả lời, hắn đã vội thanh minh về lá thư làm ông nghĩ khác về Tuấn. Hắn khôn ngoan chứ không phải là người văn hoá thấp như anh trại trưởng nhận xét. Được rồi, tất cả những lời anh ta khai trên sẽ được thẩm tra lại. Ông sờ tay vào túi áo. Chiếc máy thu băng cồm cộm trong tay. Đó là loại thu băng đặc biệt, nhỏ như hộp diêm quẹt nhưng có độ nhạy cao và một cuộn băng có thể ghi trong vài giờ đồng hồ. Toàn bộ cuộc thẩm vấn này đã được máy ghi lại. Đầu mối Lê Văn Bộ? Không lẽ tụi Mỹ cũng ngây thơ vậy sao? Võ Văn Tuấn, hãy chờ đấy.

        Sáu Tùng đã dừng cuộc thẩm vấn. Nhưng suy nghĩ một lúc, ông lại kêu Tuấn lên, quyết định đánh đòn cân não:

        - Về đầu mối Lê Văn Bộ, anh có thể tạm dừng. Tôi hỏi thẳng rằng ngoài Bộ ra anh còn một đầu mối nữa khá bự. Tài liệu tôi đã có nhưng anh chưa thật thà khai báo. Rõ là anh cố tình che dấu. Cách mạng sẽ khoan hồng cho bất kỳ ai thật thà khai báo. Cách mạng sẽ không trả thù. Anh nên trả lời cho đúng.

        Mồ hôi đổ ra ướt đầm trên mặt, Tuấn bóp trán lia lịa, khổ sở. Sáu Tùng nói tiếp:

        - Tôi rất ít thời gian gặp anh nhưng chính tôi là người giám sát mức độ khai báo thật thà hay cố tình che giấu, từ đó xét tha sớm hay kéo dài.

        Chiếc áo Tuấn mặc đã ướt đầm mồ hôi, khuôn mặt tái dần. Hắn lúng túng nói một cách nặng nhọc:

        - Thưa cán bộ, tôi xin khai, mong cán bộ sớm tha cho tôi được sum họp với gia đình.

        Bằng cách kể không đầu không cuối, hắn đã khai với Sáu Tùng về Ba Bá. Sáu Tùng kiên nhẫn nghe. Nhưng để đảm bảo hồ sơ chứng cứ, ông rút giấy viết trao cho Tuấn:

        - Bây giờ suy nghĩ và viết lại những việc liên quan đến Ba Bá. Anh khai rõ từ khi khai triển đầu mối… đến những ý định của Mỹ. Nhờ gì ghi nấy, viết càng nhiều càng tốt.

        Tuấn run run nhận giấy viết, Sáu Tùng đứng lên cười.

        - Anh có thể về trại được rồi.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM