Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:17:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức thời trận mạc  (Đọc 12324 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 10:17:19 am »

Rạng sáng ngày 13 tháng 4, đội hình Trung đoàn 66 bắt đầu xuất phát hành quân. Trước đó mấy ngày, Trung đoàn 24 cũng đã hành quân theo trục đường số 1. Đội hình Trung đoàn 66 đi trước sở chỉ huy Sư đoàn. Tiếp sau là Trung đoàn pháo binh 68. Riêng Trung đoàn 9 được hành quân bằng đường biển do tàu vận tải của hải quân chở từ quân cảng Đà Nẵng vào cảng Quy Nhơn - Bình Định. Bộ đội hành quân trên xe cơ giới với khí thế phấn khởi, vì được tiếp tục tiến sâu vào phía nam để tham gia các trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 13 tháng 4, đội hình đi đầu của Trung đoàn 66 đến vị trí tạm dừng ở nam thị xã Quảng Ngãi. Tôi chỉ huy các bộ phận tiền trạm của cơ quan, đơn vị đưa các đơn vị lần lượt vào vị trí trú quân. Ngay sau đó, tôi tranh thủ báo cáo với Ban chỉ huy Trung đoàn tình hình khu vực đóng quân và kế hoạch chặng tiếp theo của bộ phận tiền trạm.

Khoảng 10 giờ tối 13 tháng 4, bộ phận tiền trạm chúng tôi lại tiếp tục xuất phát theo trục đường số 1 tiến về tỉnh Bình Định. Xe đi trong đêm, trên con đường “Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”, không gian thật tĩnh mịch, im ắng, các xóm làng đang êm ả chìm trong giấc ngủ của cuộc sống mới, cuộc sống độc lập, tự do. Sáng sớm ngày 14 tháng 4, khi đến thị xã Bình Định thì gặp Đoàn tiền trạm của sư đoàn đang tạm dừng để nắm tình hình ở phía trước, nên bộ phận tiền trạm của trung đoàn cũng phải tạm dừng. Sau đó chúng tôi tiếp tục chuẩn bị vị trí trú quân tạm dừng cho đơn vị. Khi đội hình của trung đoàn hành quân đến nơi và vào vị trí an toàn thì bộ phận chúng tôi lại tiếp tục đi trước.

Tối 16 tháng 4, qua sóng phát thanh, tôi và mấy anh em nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin chiến thắng. Cánh quân Duyên hải Quân đoàn 2 chúng tôi và Sư đoàn 3 - Sao Vàng đã đập tan tuyến phòng thủ từ xa của quân đoàn 3 ngụy ở Phan Rang, chiếm sân bay Thành Sơn, bắt hai tướng ngụy là Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang. Tôi vô cùng phấn khởi với chiến thắng to lớn của quân đoàn mình trên đường hành tiến “thần tốc” vào phía Nam và thầm mong nhanh chóng được tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ngày 20 tháng 4, đội hình hành quân của trung đoàn tiếp tục hành quân đến thị xã Phan Thiết tỉnh Bình Thuận, được biết hôm qua Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 mới giải phóng thị xã. Cũng từ đây bộ phận tiền trạm của chúng tôi trở về đội hình hành quân của trung đoàn. Tại đây sư đoàn thông báo cho biết thị xã Hàm Tân tỉnh Bình Tuy vẫn còn địch và chúng đang chuẩn bị rút chạy. Đồng chí Tham mưu trưởng quân đoàn Bùi Công Ái trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 66: Trung đoàn được tăng cường Tiểu đoàn thiết giáp 5 của Lữ đoàn 203, Tiểu đoàn pháo binh 12 của Trung đoàn pháo binh 68, 1 tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly của Trung đoàn pháo phòng không 268, có nhiệm vụ tiến công diệt địch ở Hàm Tân, theo trục đường số 28, vận dụng phương pháp tác chiến tiến công trong hành tiến.

Lúc này, Trung đoàn 66 cách thị xã Hàm Tân khoảng 20 cây số. Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Trung đoàn 66 đã nhanh chóng hạ quyết tâm giải phóng thị xã Hàm Tân trong ngày 22 tháng 4, đồng thời hoàn chỉnh quyết tâm và các kế hoạch chiến đấu. Ban chỉ huy Trung đoàn đã khẩn trương tổ chức giao nhiệm vụ, hiệp đồng cho các đơn vị.

17 giờ ngày 22 tháng 4, toàn bộ đội hình trung đoàn và các đơn vị tăng cường đã vào vị trí tập kết chiến đấu. Đến 18 giờ cùng ngày, các đơn vị triển khai xong đội hình xuất phát tiến công. Đúng 18 giờ 40 phút ngày 22 tháng 4, Trung đoàn trưởng ra lệnh cho pháo binh thực hành hoả lực chuẩn bị vào trận địa pháo, sân bay và vào các vị trí địch đóng quân trong thị xã Hàm Tân. Sau 20 phút hỏa lực bắn chế áp, đúng 19 giờ đội hình chiến đấu của trung đoàn bắt đầu xung phong. Khi đến cầu Hàm Tân thì cầu bị sập nên ô tô chở bộ binh không vượt qua được, xe thiết giáp phải đi vòng xuống ngầm để vượt qua sông, đội hình bộ binh phải xuống xe để triển khai chiến đấu. Đến 19 giờ 45 phút, đội hình bộ binh đi đầu của Tiểu đoàn 8 đến cách sân bay chừng 300 mét, dùng hỏa lực bắn vào sân bay và xung phong đánh chiếm sân bay. Lúc này Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý và giao nhiệm vụ cho tôi trực tiếp xuống chỉ huy Tiểu đoàn 8, sau khi đánh chiếm sân bay xong chỉ để lại một bộ phận chốt giữ, còn lại đại bộ phận của Tiểu đoàn 8 nhanh chóng phối hợp với Tiểu đoàn 7 đánh vào thị xã.

Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 22 tháng 4 chúng tôi bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 7 ở bắc thị xã Hàm Tân. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 7 tiến công từ phía bắc, Tiểu đoàn 8 tiến công từ phía tây nam theo trục đường số 28 vào thị xã. Khoảng 21 giờ ngày 22 tháng 4, chúng tôi nổ súng tiến công. Sau gần 2 giờ chiến đấu, toàn bộ lực lượng địch ở thị xã Hàm Tân bị tiêu diệt và bỏ chạy. Các đơn vị thừa thắng truy kích địch đến tận cảng biển của thị xã Hàm Tân. Sau đó trung đoàn để lại một bộ phận phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chốt giữ trong thị xã, còn hầu hết lực lượng trở về vị trí tập kết để chuẩn bị nhận nhiệm vụ tiếp theo.

Sáng ngày 23 tháng 4, trung đoàn tiếp tục hành quân trong đội hình của sư đoàn. Đêm 23 tháng 4, trung đoàn vào vị trí tập kết ở rừng cao su đồn điền Ông Quế, cách thành phố Sài Gòn khoảng 60 cây số về phía đông. Tại đây, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - trận quyết quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trung đoàn 66 chúng tôi được giao nhiệm vụ làm lực lượng dự bị của sư đoàn, sẵn sàng thay thế các trung đoàn 9 và 24. Trung đoàn 9 đảm nhiệm tiên công vào căn cứ Nước Trong. Trung đoàn 24 đảm nhiệm tiến công vào trường sĩ quan bộ binh ngụy ở căn cứ Thái Lan trước đây, giáp căn cứ Nước Trong. Khi Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm hai căn cứ trên thì Trung đoàn 66 có nhiệm vụ nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công theo trục đường số 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn. Tiếp đó, sáng ngày 24 tháng 4, cán bộ quân sự cấp trưởng từ đại đội trở lên và các đồng chí Trung đoàn trưởng, Trung đoàn phó và Tham mưu trưởng đi trinh sát thực địa, nắm tình hình địch ở căn cứ Nước Trong và phía đông tổng kho Long Bình.

Ngày 25 tháng 4, các đơn vị của trung đoàn làm xong mọi công tác chuẩn bị. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn với khí thế rất cao, mọi người đều hồ hởi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên những chiếc mũ cứng, cán bộ, chiến sĩ đều dán khẩu hiệu “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”.

Đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, những phát pháo đầu tiên hoả lực chuẩn bị của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 bắn vào căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh của địch. Sau giai đoạn hỏa lực chuẩn bị, bộ đội Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 thực hành xung phong tiến công đánh địch ở căn cứ Nước Trong và trường sĩ quan bộ binh. Suốt ngày 27 tháng 4 các đơn vị Trung đoàn 9, Trung đoàn 24 vẫn chưa đánh chiếm được các mục tiêu đã định. Quân địch dựa vào công sự kiên cố và thế phòng ngự vững chắc của các căn cứ trước đây Mỹ và chư hầu từng đóng giữ để chống trả ta quyết liệt. Cuộc chiến đấu diễn ra rất gay go, căng thẳng.

Đến sáng ngày 28 tháng 4, địch vẫn chống trả quyêt liệt. Trung đoàn 9 vẫn chưa đánh chiếm được căn cứ Nước Trong. Chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 đưa Tiểu đoàn 7 lên tăng cường chiến đấu cho Trung đoàn 9. Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 7 cơ động lên chi viện cho Trung đoàn 9. Khoảng 9 giờ ngày 28 tháng 4, khi Tiểu đoàn 7 đến sở chỉ huy Trung đoàn 9, đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 7 sẵn sàng vào chiến đấu nếu hướng chủ yếu của Trung đoàn 9 gặp khó khăn. Nhưng đến khoảng 10 giờ ngày 28 tháng 4, hướng chủ yếu của Trung đoàn 9 đã phát triển chiến đấu thuận lợi. Đến chiều ngày 28 tháng 4, Trung đoàn 9 làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong. Trung đoàn 24 đã làm chủ được trường sĩ quan bộ binh đồng thời đánh chiếm được ngã ba Thái Lan và cầu sông Buông trên đường số 15. Được lệnh của sư đoàn, tôi và Tiểu đoàn 7 trở về đội hình chiến đấu của trung đoàn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 10:24:51 am »

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4, các đơn vị của Trung đoàn 66 đã tập kết ở ngã ba Thái Lan, cạnh trục đường số 15 đi vào căn cứ Nước Trong. Đây là một rừng cao su rậm rạp. Từ lúc này, Trung đoàn 66 nằm trong đội hình lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2. Căn cứ vào ý định thọc sâu và sử dụng lực lượng của quân đoàn, trung đoàn tổ chức bố trí đội hình chiến đấu như sau: Đại đội 2 của Tiểu đoàn 7, mỗi tiểu đội ngồi trên một chiếc xe tăng của phân đội đi đầu trong đội hình dẫn Lữ đoàn xe tăng 203. Lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 7 ngồi trên xe thiết giáp và xe ô tô. Cứ mỗi trung đội ngồi trên một chiếc ô tô. Sau đội hình Tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 là đội hình Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9, mỗi trung đội cũng ngồi trên một chiếc ô tô vận tải quân sự.

Để thực hành tiến công trong hành tiến, chúng tôi bố trí bộ đội ngồi trên xe theo tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu, có thể phát huy được hỏa lực, hoặc khi nhảy ra khỏi xe triển khai đội hình chiến đấu được ngay. Tôi được phân công chỉ huy Tiểu đoàn 7 đi đầu đội hình tiến công hành tiến của trung doàn. Tôi đi trên chiếc xe Jeép do dồng chí Đào Ngọc Vân, quê ở Thanh Hóa lái, đi cùng với tôi còn có đồng chí Nguyễn Khắc Nhu - Trung úy, Trợ lý tác chiến, một chiến sĩ vệ binh, một chiến sĩ truyền đạt là đồng chí Nguyễn Huy Hoàng và đồng chí Bàn Nguyên Thất - chiến sĩ thông tin 2 oát.

Đến 15 giờ ngày 29 tháng 4, khi đội hình hành tiến của Tiểu đoàn 7 đã triển khai xong, tôi dùng máy thông tin 2 oát báo cáo về Ban chỉ huy Trung đoàn là Đại đội 2 Tiểu đoàn 7 đã nhập vào đội hình xe tăng, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Đúng 17 giờ, lực lượng thọc sâu xuất phát. Xe chúng tôi và xe Ban chỉ huy Tiểu đoàn 7 đi sau phân đội xe tăng đi đầu của tiểu đoàn xe tăng thuộc Lữ đoàn 203. Đến 19 giờ ngày 29 tháng 4, phân đội xe tăng đến cầu sông Buông. Trên trời có rất nhiều tiếng máy bay các loại, nhưng không thấy chúng đánh phá (sau này tôi mới biết đó là các máy bay địch chở người di tản và một số sĩ quan, công chức cao cấp của ngụy bỏ chạy ra Vũng Tàu). Do cầu sông Buông bị địch phá hỏng, nên đội hình hành tiến phải tạm dừng chờ bộ đội công binh của quân đoàn và sư đoàn khắc phục. Đến 21 giờ tối 29 tháng 4, Binh đoàn thọc sâu lại tiếp tục hành tiến. Do cầu yếu, chỉ từng xe một vượt cầu nên mất khá nhiều thời gian. Khoảng 23 giờ tối 29 tháng 4, đầu đội hình đến ngã ba Long Bình và đầu cầu xa lộ qua sông Đồng Nai. Đây là một chiếc cầu lớn và quan trọng trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà, bộ đội đặc công của ta đã đánh chiếm và chốt giữ từ mấy ngày trước. Ngay tại đầu cầu xa lộ, do đêm tối, chiếc xe tăng đi đầu lao lên dải phân cách nên bị đội bụng, xích quay tại chỗ không chạy được nên toàn bộ đội hình phải dừng lại.

Sau đó, chúng tôi phải cho bộ đội xuống xe và tìm cách khắc phục sự cố được bằng cách kéo chiếc xe tăng bị đội bụng lùi lại. Tới gần 24 giờ tối 29 tháng 4, đội hình hành tiến thọc sâu theo đường xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa lao thẳng về hướng Sài Gòn. Khoảng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4, chúng tôi đến ngã ba xa lộ Đại Hàn thì gặp địch đang tổ chức chốt chặn, chúng dùng hoả lực bắn vào đội hình của ta. Bộ phận đi đầu đội hình đã triển khai đội hình xe tăng và bộ binh đánh trả quân địch. Trận đánh diễn ra được khoảng từ 15 đến 20 phút thì địch bỏ chạy, bộ đội ta lại tiếp tục hành tiến. Khoảng 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, bộ đội ta qua cầu Rạch Chiếc, cầu này cũng đã có bộ đội đặc công ta đánh chiếm từ ngày hôm trước và kiên cường chốt giữ cầu không cho địch phá hoại. Đến 6 giờ sáng ngày 30 tháng 4, phân đội xe tăng đi đầu cùng Đại đội 2 đến đầu cầu Sài Gòn. Khi thấy xe tăng và bộ binh ta, quân địch đã chống trả quyết liệt. Trên đỉnh dốc cầu, địch bố trí các ụ súng dã chiến bằng thùng phi đổ đất đặt hoả khí chống tăng và mấy chiếc xe tăng M.41 liên tục bắn chặn vào phân đội xe tăng đi đầu của ta. Cùng lúc đó, địch ở hai bên đầu cầu phía bên kia sông Sài Gòn dùng hỏa lực xe tăng và pháo bắn thẳng bắn sang đội hình của chúng tôi rất ác liệt. Dưới sông Sài Gòn có nhiều tàu chiến và giang thuyền chạy ngang, chạy dọc mặt sông, chúng dùng pháo và các hoả khí bắn chặn quyết liệt về đầu cầu phía bắc. Lúc nàv, tôi báo cáo nhanh với dồng chí Trung đoàn trưởng là đội hình đi dầu bị địch bắn trả rất quyết liệt phải dừng lại triển khai chiến đấu. Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn ra lệnh cho tôi chỉ huy triển khai Tiểu đoàn 7 phối hợp cùng lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203 nhanh chóng tiêu diệt địch, đánh chiếm cầu và vượt qua cầu bằng được, không để địch phá cầu. Tôi cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 7 điều Trung đội ĐKZ 75 của tiểu đoàn, đồng thời trung đoàn cũng điều Đại đội ĐKZ 75 của trung đoàn lên phía trước. Ngay sau đó, hoả lực xe tăng, pháo 85 ly bắn thẳng của sư đoàn và ĐKZ 75, B.40, B.41, 12,7 ly của Tiểu đoàn 7 đồng loạt chế áp hỏa lực vào quân địch trên cầu, bên kia cầu và tàu của chúng dưới sông. Khoảng 20 phút sau, bộ đội ta bắn cháy 2 chiếc xe tăng M.41 trên đỉnh cầu Sài Gòn, bắn cháy và chìm 2 tàu chiến địch trên sông Sài Gòn, số tàu chiến địch còn lại vội chạy xuôi theo sông Sài Gòn.

Lúc này tôi quan sát thấy trên tháp pháo một chiếc xe tăng của ta có một đồng chí bi thương nặng gục xuống, chiến sĩ bộ binh và các đồng chí pháo thủ đưa đồng chí đó xuống mặt đường để băng bó, cấp cứu, được một lúc thì đồng chí đó hy sinh. Sau này tôi mới được biết đó là đồng chí Ngô Văn Nhỡ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn xe tăng đi đầu đội hình của Lữ đoàn 203. Tại đầu cầu Sài Gòn, ta bị địch bắn trả làm cháy 2 xe tăng, một xe bị đứt xích, hy sinh và bị thương một số đồng chí. Một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 7 cũng bị thương vong ở ngay đầu cầu Sài Gòn.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 30 tháng 4, địch vẫn chống trả rất quyết liệt, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra liên tục và rất ác liệt. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, quân địch chống trả yếu ớt, sau đó bỏ chạy.

Lúc này đồng chí Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn và đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn đã trực tiếp đến vị trí tôi đang chỉ huy Tiểu đoàn 7 chiến đấu. Đồng chí Hoàng Đan ra lệnh cho tôi phải nhanh chóng đưa bộ đội vượt qua cầu để chiếm giữ đầu cầu bên kia, không cho dịch phá cầu. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 7 lên xe bám theo lực lượng xe tăng nhanh chóng vượt qua cầu. Lúc này trên mặt cầu, hai chiếc xe tăng M.41 của địch đang cháy rất dữ dội, từng xe một phải lách thật nhanh đổ vượt qua vì lửa bốc rất cao, đạn trong xe tăng vẫn nổ dữ dội. Khi mấy chiếc xe tăng của ta qua được đầu cầu bên kia thì tôi cũng lên xe Jeep lao theo.

Đội hình hành tiến của lực lượng thọc sâu tiếp tục tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đến ngã tư Hàng Xanh, vì không biết đường vào nội đô nên xe chúng tôi phải dừng lại để hỏi dường. Lúc này địch đã rút khỏi cầu Sài Gòn chạy vào nội đô, nhưng nhân dân vẫn chưa dám ra đường, mà đóng kín cửa ở trong nhà. Chúng tôi phải vào nhà dân để hỏi đường vào dinh Độc Lập, có tiếng nói vọng ra: Quân giải phóng quẹo tay trái vượt qua cầu Thị Nghè thì đến dinh Độc Lập. Nghe thấy vậy, thế là chúng tôi nhảy vội lên xe, rẽ tay trái chạy thẳng đến cầu Thị Nghè. Lúc này đội hình hành quân của ta xe tăng và ô tô đan cài, xe nọ vượt xe kia không thành thứ tự hàng lối nào cả. Đến cách cầu Thị Nghè hơn 100 mét thì bộ phận đi đầu đội hình phải dừng lại vì gặp địch tổ chức bố trí cả xe bọc thép chốt chặn bên kia đầu cầu. Bộ phận xe tăng và bộ binh đi đầu lại tiếp tục triển khai chiến đấu. Trận chiến đấu diễn ra khoảng 20 phút, xe bọc thép địch bị xe tăng ta bắn nổ tung, bọn địch vội vã tháo chạy.

Sau khi vượt cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đến Thảo Cầm Viên. Chúng tôi lại phải dừng lại để hỏi đường, vì lúc này đường vào thành phố rất nhằng nhịt, nhiều ngả đường khác nhau. Xe chúng tôi vừa dừng, thì thấy trong Thảo Cầm Viên có một người vác lá cờ Giải phóng chạy vội ra phía xe chúng tôi. Ông ta khoảng chừng 40 tuổi. Tôi hỏi ông ta đường vào dinh Độc Lập phải đi lối nào, ông ta bảo cho ông ta lên xe để chỉ đường. Như vậy, chiếc xe Jeep của tôi lúc này gồm có tôi ngồi ghế phía trước, đồng chí Đào Ngọc Vân lái xe, băng ghế phía sau và gác-đờ-bu xe có đồng chí Nguyễn Khắc Nhu - Trợ lý tác chiến, đồng chí Nguyễn Huy Hoàng - chiến sĩ truyền đạt, đồng chí Bàn Nguyên Thất - chiến sĩ thông tin 2 oát và người dân di theo chỉ đường. Sau đó, xe chúng tôi chạy thẳng từ cổng Thảo Cầm Viên theo một con đường rất lớn. Đến ngã tư đường Hồng Thập Tự - Mạc Đĩnh Chi, các loại xe của lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tràn lên, chia làm hai mũi lao thẳng về hướng dinh Độc Lập. Xe chúng tôi đi đến đâu, người đàn ông lại giới thiệu tên đường phố và những tòa nhà cao hai bên đường, như bên phải là tòa đại sứ Mỹ, bên trái là nhà thờ Đức Bà... Đến cách ngã ba khoảng 100 mét, chúng tôi thấy một tòa nhà trước mặt rất to, ông ta chỉ tay và nói to: Đó, dinh Độc Lập đó! Chiếc xe Jeep của tôi nhanh chóng lách vượt qua những xe tăng và xe chở bộ binh lao lên, cách hàng rào khoảng 50 mét, tôi thấy chiếc xe tăng thứ nhất khựng lại ở phía bên trái trước cây cột lớn của hàng rào sắt, lúc đó tôi chưa biết đó là cổng chính của dinh Độc Lập. Tôi thoáng nghĩ tại sao chiếc xe kia không húc đổ hàng rào mà lại dừng lại ở bên ngoài, thì liền thấy chiếc xe tăng thứ hai lao vào khoảng trống bên phải chiếc xe tăng thứ nhất đang dừng. Hàng rào bật ra, chiếc xe tăng thứ hai đi vòng bên phải vào trong sân tòa nhà lớn, chiếc xe Jeép của tôi lao theo sau chiếc xe thứ hai vượt qua hàng rào vừa bật ra. Khi qua hàng rào, tôi mới biết đây là cánh cổng của dinh Độc Lập, xe của tôi liền vòng bên trái đi vào sát tòa nhà. Lúc này, các chiến sĩ Đại đội 2 Tiểu đoàn 7 cùng các xe tăng của Lữ đoàn 203 đang tràn vào sân dinh Độc Lập. Lực lượng lính ngụy bảo vệ dinh và lực lượng lính biệt kích tăng cường bảo vệ dinh Độc Lập hoảng hốt, một số quăng súng, cởi quần áo ngồi sụp xuống chân tường, số đông tự chạy dồn về đồi đất góc sân phía tây dinh Độc Lập.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 10:29:55 am »

Chúng tôi nhanh chóng xuống xe. Đồng chí Đào Ngọc Vân với tay lấy lá cờ của người đàn ông đi theo chỉ đường. Người đàn ông ấy vội kéo lại và nói: Đây là cờ của tôi chứ. Thấy vậy tôi liền hô: Cờ của ai cũng cứ mang lên mà cắm. Thế là tôi cùng đồng chí Nhu, đồng chí Thất, đồng chí Hoàng, đồng chí Vân tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào toà nhà lớn và chạy lên tầng trệt của dinh Độc Lập. Khi vào đến sảnh chúng tôi gặp rất nhiều người, người vác máy quay phim, người cầm máy ảnh, người khoác túi nhốn nháo dưới sảnh ở chân cầu thang. Sau này tôi mới biết họ là các phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước. Tôi đưa tay rẽ họ ra và hỏi một nhà báo người Việt: Tôi muốn lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập thì đi theo đường nào? Có tiếng người trong đám đông nói ra: Quân giải phóng đi bên trái cũng được, đi bên phải cũng được. Anh nhà báo nói: “Ngài theo cầu thang bên tay mặt lên cũng được”. Lúc này tôi mới để ý thấy trước mặt tôi có hai đường để đi lên cầu thang. Tôi dẫn anh em chạy lên theo cầu thang bên trái, trong tay tôi lăm lăm khẩu súng ngắn K.54 đã lên đạn, đồng chí Nhu cũng cầm súng ngắn trên tay. Đồng chí Hoàng giương khẩu AK về phía trước, đồng chí Bàn Nguyên Thất đeo sau lưng máy 2 oát cũng đeo khẩu AK trước ngực, đồng chí Đào Ngọc Vân đeo AK sau lưng tay vác lá cờ và người dân chỉ đường cũng chạy theo chúng tôi. Khi đi lên bậc thang trên cùng nối vào hành lang, đến sảnh của lầu 1, tôi thấy một người to cao, mặc áo cộc tay màu xám chạy đến trước mặt. Ông giơ tay tự giới thiệu: Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc. Lúc này tôi mới biết toàn bộ nội các chính quyền Dương Văn Minh đang trong dinh Độc Lập. Vì trước đó tôi nghĩ họ đã bỏ chạy hết khi thấy Quân giải phóng tiến vào và nghĩ vào dinh Dộc Lập là chỉ để cắm cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc dinh mà thôi.

Trước tình huống này, chúng tôi không lên sân thượng để cắm cờ nữa. Sau khi tự giới thiệu xong, ông Hạnh dẫn chúng tôi đi khoảng chục bước, qua hành lang để vào một phòng rộng. Từ ngoài hiên nhìn qua tấm kính trong suốt tôi thấy đây là một gian phòng lớn, được trang trí đẹp, nền trải thảm xanh, các ghế ngồi bọc nhung, các cửa sổ che rèm trắng và ở trong phòng có rất đông người đang đứng, ngồi lộn xộn. Chúng tôi bước vào sát cửa, cửa kính mở ra, mọi người trong phòng đứng dậy cả, tôi thấy hai người, một người to cao mặc áo cộc tay màu xám đeo kính, một người thấp dậm, mặc com-plê rất sang trọng. Ông Nguyễn Hữu Hạnh chỉ tay vào người to cao, mang kính và giới thiệu: Đây là tổng thống Dương Văn Minh, sau đó ông chỉ tiếp vào người thấp mặc com-plê sang trọng nói: Đây là thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Sau khi ông Hạnh giới thiệu xong, ông Dương Văn Minh bước lại gần và nói với tôi: Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao. Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt, nói lớn: Các anh là kẻ thất bại, các anh bị bắt làm tù binh, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho Quân giải phóng!

Nghe tôi nói xong, nét mặt Dương Văn Minh thoáng chút bối rối và nói: Xin được bắt tay Quân giải phóng. Tôi liền gạt đi: Các anh là kẻ thù của chúng tôi, chúng tôi không bắt tay các anh! Nghe vậy, Dương Văn Minh cúi đầu, ông Vũ Văn Mẫu dịch lùi về hàng ghế định ngồi xuống. Lúc này, những thành viên trong nội các chính quyền Sài Gòn cũng tản dần ra ngồi xuống ghế. Tôi vẫn kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Cùng thời gian trên, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ Giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 dinh Độc Lập cùng một số chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được dinh Độc Lập.

Lúc này ngoài sân dinh Độc Lập và ngoài đường phố tiếng súng AK nổ rất nhiều, tôi biết là quân ta đang bắn súng để chào mừng chiến thắng, nhưng ông Minh và ông Mẫu vẫn nghĩ là đang còn nổ súng giao chiến nên ông Minh nói trong vẻ lo lắng: Ngoài đường phố súng nổ rất dữ, đi ra đài phát thanh không bảo đảm an toàn, cho chúng tôi được tuyên bố đầu hàng tại đây. Nhưng tôi suy nghĩ là phải đưa ra đài phát thanh để phát lên làn sóng mới lan truyền được khắp nơi và để quân đội ngụy Sài Gòn nhanh chóng bỏ vũ khí, kết thúc chiến tranh, nên chúng tôi kiên quyết bắt hai ông Minh và Mẫu phải ra xe để đến đài phát thanh. Lúc này, tiếng súng AK bên ngoài vẫn nổ mạnh. Tôi giải thích cho hai ông: Quân giải phóng đã làm chủ thành phố Sài Gòn nên bắn để chào mừng chiến thắng chứ không phải còn đánh nhau ngoài đường phố. Chúng tôi bảo đảm an toàn cho các ông.

Sau đó ông Minh và ông Mẫu nói nhỏ gì với nhau, tôi không nghe rõ, rồi các ông ấy chấp thuận theo chúng tôi xuống sân dinh Độc Lập để ra đài phát thanh. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 66 và Lữ đoàn 203 đã lên các tầng nhà rất đông. Chúng tôi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi ra khỏi phòng họp. Khi xuống đến cửa sảnh, ông Minh giơ tay về phía bên trái của dinh Độc Lập chỉ vào một chiếc xe sang trọng và nói: Mời cấp chỉ huy lên xe của chúng tôi để đến đài phát thanh. Tôi chỉ vào chiếc xe Jeep bám đầy bụi đất và cắm lá ngụy trang nói với ông ta: Chúng tôi đã có xe để đưa ông đi!

Thế là tôi dẫn Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên chiếc xe Jeep do đồng chí Đào Ngọc Vân lái để đi ra đài phát thanh. Trên xe lúc này, đồng chí Đào Ngọc Vân ngồi ở ghế lái, còn ghế bên cạnh tôi để Dương Văn Minh ngồi bên trong, tôi ngồi bên ngoài, Vũ Văn Mẫu và đồng chí Nhu, đồng chí Phùng Bá Đam - Trưởng tiểu ban Cán bộ Trung đoàn 66 ngồi ở băng ghế phía sau, còn đồng chí Thất và đồng chí Hoàng ngồi ở hai bên cạnh sườn xe. Ra khỏi cổng dinh Độc Lập, tôi bảo ông Minh chỉ đường để chúng tôi ra đài phát thanh. Vì đến lúc này chúng tôi vẫn chưa biết đài phát thanh ở vị trí nào. Trong phương án tác chiến của trung đoàn trước khi tiến công vào nội đô, theo nhiệm vụ thì Tiểu đoàn 7 cùng Lữ đoàn xe tăng 203 đánh chiếm dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn, Tiểu đoàn 9 đánh chiếm bộ tư lệnh hải quân ngụy và cảng Ba Son, nên tôi đoán chắc chắn ở đài phát thanh, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đã chiếm giữ ở đó.

Ra khỏi cổng dinh Độc Lập, đi ngược lại con dường trước đây ít phút chúng tôi vừa tiến vào, tôi thấy xe tăng, ô tô chở bộ đội giải phóng và nhân dân thành phố đã đổ ra đông nghịt. Ông Minh nói với tôi: Xe cứ đi thẳng, đến cuối đường này thì rẽ trái. Tôi nhìn thấy quang cảnh ngoài đường và dưới các hàng cây trong dinh Độc Lập, xe tăng, ô tô của ta đã đỗ đầy, Quân giải phóng và nhân dân hòa lẫn nhau. Tôi hỏi ông Minh: Ông thấy sức mạnh của Quân giải phóng thế nào? Ồng Minh nói: Trước sức mạnh của Quân giải phóng, chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thất bại. Tôi nói tiếp: Biết sẽ thất bại tại sao ông không đầu hàng từ trước, để đến khi chúng tôi đánh vào tận sào huyệt của các ông, các ông mói phải tuyên bố đầu hàng? Ông Minh nói: Khi Quân giải phóng chưa tiến quân vào nội đô, mà chúng tôi đã tuyên bố đầu hàng, bên dưới tôi nhiều người không đồng tình, họ khử chúng tôi mất.

Xe đi đến gần cổng Thảo Cầm Viên, ông Minh chỉ rẽ sang bên trái, sau đó lại chỉ rẽ tiếp về tay phải rồi ông Minh nói xe dừng lại. Ngay lúc đó tôi cũng đã nhận ra một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 8. Chúng tôi xuống xe đưa ông Minh và ông Mẫu vào trong sân của đài phát thanh Sài Gòn. Lúc này, ở đài phát thanh Sài Gòn, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đã chiếm giữ. Vừa vào đến sân thì tôi gặp Chính trị viên của Tiểu đoàn 8 Hoàng Trọng Tình chạy ra báo cáo với tôi: Theo mệnh lệnh của trung đoàn, Tiểu đoàn 8 đã đánh chiếm đài phát thanh, bảo đảm an toàn, giữ không cho dân vào phá. Tôi nói: Vậy là tốt, tôi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra để tuyên bố đầu hàng, đồng chí dẫn tôi lên phòng làm việc của đài phát thanh. Thế là đồng chí Tình dẫn chúng tôi lên tầng 2 của tòa nhà đài phát thanh. Vào một căn phòng rộng, máy móc hiện đại còn nguyên, nhưng điện đã bị cắt, tôi thấy có nhiều máy móc và cả mi-crô trên bàn làm việc. Ngay lúc đó, một ông già chạy đến gặp chúng tôi và nói: Tôi là người bảo vệ gác cổng đài phát thanh, khi Quân giải phóng vào, nhân viên đài phát thanh bỏ chạy hết. Đồng chí Hoàng Trọng Tình cũng nói: Khi chúng tôi vào còn một số người mặc thường phục ở đây, nhưng bây giờ họ chạy đâu cả. Tôi hỏi người bảo vệ: Tìm nhân viên đài phát thanh ở đâu bây giò? Ông bảo vệ nói: Nếu Quân giải phóng muốn sử dụng đài phát thanh, chờ tôi chút xíu để tôi đi gọi họ.

Vào phòng bá âm, chúng tôi mời Dương Văn Minh và Vũ Văn Mầu ngồi xuống ghế, anh em chúng tôi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Mỗi người mỗi câu, mỗi ý, tôi là người chắp bút. Nội dung bản thảo như sau: “Tôi - đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương bỏ vũ khí, trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Ngay lúc đó, một người to cao, đội mũ cứng đến trước mặt tôi hỏi: Anh là ai? Tôi trả lời: Tôi là Phạm Xuân Thệ - Đoàn phó Đoàn Đông Sơn. Người đó tự giới thiệu: Tôi là Bùi Tùng - Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Khi vào dinh Độc Lập chúng tôi thấy anh đã đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh nên chúng tôi ra đây luôn. Tôi liền nói: May quá, chúng tôi đã đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra đây và đang cùng soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng, mời anh cùng làm việc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 01:42:51 pm »

Sau khi viết xong, tôi đưa cho Dương Văn Minh xem, vì viết vội và chữ tôi khó đọc, nên Dương Văn Minh đề nghị tôi đọc lại cho ông ta chép. Tôi đồng ý, nhưng khi tôi dọc đến chữ “tổng thống”, ông ta dừng lại và nói: “Báo cáo chỉ huy, vì ông Hương bỏ chạy nên tôi mới lên đảm trách mấy ngày nay, tôi chỉ là đại tướng thôi”. Tôi liền nói: Dù chỉ nắm quyền một giờ hay một ngày, ông cũng là tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Thấy tôi có thái độ cương quyết, Dương Văn Minh buộc phải chép tiếp nguyên văn bản thảo do chúng tôi đã soạn thảo. Sau khi ông Minh viết xong toàn bộ lời tuyên bố đầu hàng, xem lại thấy đúng ý định của chúng tôi, tôi gọi đồng chí Thái Bá Quang - Trung úy, Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn giữ chiếc cát sét Hi-ta-chi mang theo từ Đà Nẵng để ghi âm lời đọc của Dương Văn Minh. Khi đồng chí Quang ấn nút thu của chiếc cát sét thì băng lại bị rối. Chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần vẫn không được. Thấy vậy, tôi đã phê bình đồng chí Quang là bảo quản máy không chu đáo.

Lúc này có một nhà báo nước ngoài người to và cao bước đến, ông ta đưa chiếc máy ghi âm của ông cho chúng tôi mượn để ghi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Sau này tôi mới biết đó là ông Morít - một nhà báo của Cộng hoà Liên bang Đức.

Trong quá trình chúng tôi làm việc thì đồng chí Trịnh Viết Cả - Tiểu đội trưởng trinh sát Trung đoàn được nhà báo Kỳ Nhân biết nơi ở của nhân viên đài phát thanh Sài Gòn đã dẫn đường đến cư xá của họ và yêu cầu họ về đài phát thanh làm việc, đến lúc này họ cũng đã có mặt. Sau khi nhà báo nước ngoài ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh xong, thì chúng tôi mở máy nghe lại thấy đúng với nguyên văn bản soạn thảo.

Sau khi ghi âm xong lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, chúng tôi bàn nhau phải có lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng. Lúc này đồng chí Bùi Tùng là người chỉ huy cao nhất ở đó nên chúng tôi đề nghị anh thay mặt Quân giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng. Đồng chí Tùng nói với tôi: Anh phát biểu luôn. Nhưng tôi nói: Anh là người miền Nam, thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, anh phát biểu đúng giọng hơn. Đồng chí Tùng nhất trí và đọc cho nhà báo nước ngoài ghi âm tiếp: Chúng tôi thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của đại tướng Dương Văn Minh - tổng thống chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, chúng tôi nói với nhân viên đài phát thanh: các anh mở máy làm việc theo hệ thống như trước lúc Quân giải phóng đánh chiếm đài phát thanh. Nhân viên đài phát thanh nói: Báo cáo các ông, toàn bộ máy móc của hệ thống đài phát thanh đã hoạt động tốt. Xin mời các ông làm việc. Ngay lúc này, Vũ Văn Mẫu đề nghị được phát biểu với nội dung là kêu gọi nhân dân Sài Gòn hãy bình tĩnh, Quân giải phóng đã làm chủ thành phố, không xảy ra tắm máu như những lời tuyên truyền trước đây, nhưng chúng tôi nói với ông ta là không cần thiết.

Sau đó, chúng tôi đưa Dương Văn Minh vào ngồi trước bàn làm việc. Nhà báo nước ngoài mở máy ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh vừa ghi âm xong chuyển sang máy phát của đài phát thanh Sài Gòn để phát trên sóng lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của tổng thống chính quyền Sài Gòn và lời chấp nhận đầu hàng của đại diện Quân giải phóng. Quang cảnh ở phòng phát thanh cũng được một nhà báo kịp ghi lại bằng hình ảnh (Tấm ảnh đó hiện được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, với ký hiệu P7877c).

Sau khi lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Quân giải phóng được công bố trên đài phát thanh Sài Gòn, chúng tôi lại đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên chiếc xe Jeep của tôi về dinh Độc Lập. Về đến dinh Độc Lập, tôi đã thấy Bộ Tư lệnh Sư đoàn có đồng chí Nguyễn Ân - Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Bình - Chính ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cùng nhiều cán bộ cao cấp khác đang đứng ở sân dinh Độc Lập. Trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn tôi chỉ mới biết đồng chí Nguyễn Hữu An là Tư lệnh Quân đoàn, vì khi thành lập quân đoàn ở ngoài Quảng Trị, chúng tôi đang chuẩn bị chiến đấu ở Quảng Đà. Đến tháng 9 năm 1974, sau khi giải phóng Thượng Đức, đồng chí Nguyễn Hữu An vào kiểm tra đơn vị nên tôi mới biết đồng chí là Tư lệnh Quân đoàn.
Khi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu xuống khỏi xe Jeep, tôi báo cáo vối đồng chí Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An và đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn An cùng một số đồng chí cán bộ của quân đoàn đang ở đó là tôi đã đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng và đã đưa về đến đây. Có một cán bộ trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn có mặt lúc đó đã phê bình tôi là đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu đi mà không báo cáo cấp trên. Tôi không biết nói sao, bởi thực lòng trong tình thế đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao sớm để tổng thống ngụy quyền tuyên bố đầu hàng, chiến sự sè sớm chấm dứt, bớt đi những sự hy sinh không đáng có. Liền sau đó, đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân nói: “Đây là Thệ - Trung đoàn phó Trung doàn 66 Sư đoàn 304, sai đâu sẽ kiểm điểm sau, để cho đồng chí ấy về chỉ huy đơn vị”. Như gỡ được thế bí, tôi vội lùi ra. Cùng lúc đó, bất ngờ có một quả đạn cối nổ ngay trước cửa sân dinh Độc Lập. Đồng chí Nguyễn Văn Duyên - Phó phòng Tác chiến quân đoàn bị mảnh văng vào mặt, máu chảy đầm đìa. Mọi người vội vã chạy vào tầng trệt dinh Độc Lập. Sau đó, tôi được biết một đơn vị nào đó vào nội đô sau, tưởng ta chưa chiếm được dinh Độc Lập nên đã bắn cối vào.

Về sự kiện bắt tổng thống và nội các chính quyền Sài Gòn, Lịch sử Đảng bộ Quân đoàn 2 (1974-2009) và Lịch sử Đảng bộ Trung đoàn xe tăng 203 (1965-2010) viết: “Quân địch hoàn toàn tan rã. Được nhân dân và biệt động thành Sài Gòn dẫn dường, xe tăng của lữ đoàn, đi đầu đội hình là Đại đội xe tăng 4, theo đại lộ Hồng Thập Tự tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, xe tăng 843 do dồng chí Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe, kíp xe gồm: Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ và Lừ Văn Thái luôn dẫn đầu. Tiếp sau là xe 390 do Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy, kíp xe gồm: Lê Đình Phượng, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sỹ Nguyên (riêng pháo thủ Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau). Xe 843 tiến đến trước hàng rào dinh Độc Lập húc thẳng vào cổng phụ, bên cạnh cổng chính, xe bị mắc kẹt dừng lại. Ngay lúc dó, xe 390 lao lên húc đổ cổng chính dinh Độc Lập. Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe 843 cầm lá cờ Giải phóng, chạy lên cắm trên đỉnh nóc dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Lúc ấy là 11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Cùng thời gian, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ và một số cán bộ, chiến sĩ lực lượng thọc sâu của Quân đoàn và biệt động thành tiến vào dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ áp giải tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh. Trong lúc đồng chí Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng thì đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đến, mọi người cùng bàn bạc, soạn thảo tiếp. Đồng chí Thệ đọc cho Dương Văn Minh chép lại nội dung bản tuyên bố đầu hàng. Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh Sài Gòn.

Từ đài phát thanh Sài Gòn vừa được giải phóng, Dương Văn Minh tuyên bố “Tôi đại tướng Dương Văn Minh - tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam” (Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb Quân đội nhân dân, 2004, tr. 257, 258).

Dương Văn Minh vừa dứt lời, đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 vinh dự thay mặt các đơn vị quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, dõng dạc đọc lời tuyên bố: “Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh - tổng thống chính quyền Sài Gòn. Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 01:44:21 pm »

Sau lúc ấy, tôi lên xe về đơn vị. Sau đó tôi ra bộ tư lệnh hải quân ngụy để kiểm tra Tiểu đoàn 9. Lúc này Tiểu đoạn 9 đã chiếm giữ bộ tư lệnh hải quân và cảng Ba Son, nhưng một số người dân xô vào cảng Ba Son để cướp tài sản. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 phải bảo vệ không để cho dân vào cướp phá, đóng kín các cánh cổng và tổ chức canh gác chu đáo. Sau đó tôi về Ban chỉ huy Tiểu đoàn 9 đang đóng tại bộ tư lệnh hải quân ngụy. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, tôi đi tắm giặt và lấy trong ba lô bộ quần áo Tô Châu mới toanh ra mặc, còn bộ quần áo cũ do đã mặc nhiều ngày nên tôi bỏ luôn. Sau này, tôi cứ tiếc mãi vì không giữ lại bộ quần áo còn vương bụi đường mà tôi đã mặc trong giờ phút lịch sử đáng nhớ của dân tộc.

Khoảng 17 giờ 30 phút tối 30 tháng 4, tôi về Sở chỉ huy Trung đoàn đang ở tòa nhà Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ, ở trước cửa dinh Độc Lập, về phía tay trái cách khoảng 500 mét. Về đến đây tôi gặp đồng chí Nguyễn An - Sư đoàn trưởng đang ở sở chỉ huy Trung đoàn. Vừa thấy tôi, đồng chí Ân nói: Việc đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh, các cậu xử trí như thế là đúng đấy, không có gì sai sót đâu. Lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm...

Khoảng 18 giờ tối 30 tháng 4, chúng tôi nhận được lệnh của quân đoàn là bàn giao lại dinh Độc Lập cho đơn vị bạn, Trung đoàn trưởng và tôi cùng Sư đoàn trưởng lên xe đến dinh Độc Lập. Chúng tôi chỉ đạo Tiểu đoàn 7 bàn giao lại các vị trí đóng quân canh phòng cho một đơn vị của Quân đoàn 4, sau đó rút toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 7 và các đại đội trực thuộc ra khỏi dinh Độc Lập.

Tối 30 tháng 4, bộ phận hậu cần của trung đoàn tổ chức bữa ăn rất thịnh soạn, ngoài thịt hộp ra còn có cả thịt gà tươi, rau tươi và bia 333 để uống. Chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả. Khoảng 21 giò tối chúng tôi hội ý, Ban chỉ huy Trung đoàn nắm tình hình các đơn vị xong thì về chỗ ở và lăn ngay ra sàn nhà để ngủ. Mặc dù thức trắng nhiều đêm, từ khi đánh địch ở Hàm Tân đến nay hầu như không đêm nào tôi được ngủ trọn giấc, nhưng tôi vẫn nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, suy nghĩ miên man, nhớ thương nhiều đồng đội đã hy sinh trước giờ toàn thắng, những hình ảnh của nội các chính quyền Sài Gòn trong thời khắc cuối cùng, hình ảnh một số người dân vào cướp phá ở cảng Ba Son, rồi nghĩ đất nước đã được hòa bình thống nhất, tôi sẽ được về thăm quê hương, cha mẹ, anh em và người vợ trẻ (chúng tôi cưới nhau mới được vài ngày tôi đã trở lại chiến trường chiến đấu từ năm 1973 đến nay chưa một lần gặp mặt)... Mãi đến 3 giờ sáng tôi mới thiếp di. Tang tảng sáng ngày 1 tháng 5, đồng chí công vụ gọi tôi mới choàng dậy. Bước ra ngoài sân, nhìn ra ngoài đường thấy nhân dân đi lại thanh bình, êm ả, lòng tôi càng nhớ quê hương, gia đình.

Sau khi ăn sáng xong, Ban chỉ huy Trung đoàn phân công tôi xuống chỉ huy Tiểu đoàn 9. Lúc này ở cảng Ba Son dân chúng kéo đến rất đông, vì ở đó có nhiều nhà kho chứa nhiều lương thực thực phẩm, vải vóc và các vật dụng khác. Tôi xuống đến nơi thì thấy rất nhiều người dân tụ tập ngoài cổng. Chúng tôi giải thích với nhân dân: Tài sản này trước đây của chính quyền Sài Gòn, bây giờ là của chính quyền cách mạng, cũng là của nhân dân, chúng tôi có nhiệm vụ canh giữ để nhân dân sử dụng sau này. Và họ đã nghe theo, dần dần giải tán. Sau đó, tôi đi kiểm tra vị trí đóng quân của các đại đội dọc theo các đường phố ven sông Sài Gòn, ở đây các đồng chí sĩ quan vẫn đang tất bật làm việc với những viên chức cũ của chính quyền Sài Gòn đến xin được trình diện và lấy giấy chứng nhận của Quân giải phóng là đã ra trình diện, vẻ mặt của họ lúc này trông rất khúm núm, sợ sệt. Các sĩ quan của ta cấp giấy chứng nhận cho họ và ghi thẻ căn cước vào sổ, sau đó giải thích và dặn họ: Cứ về nhà nghỉ ngơi, thực hiện theo đúng lệnh giới nghiêm của Ủy ban quân quản, khi nào có lệnh thì mang giấy này đến chính quyền cơ sở để làm việc.

Trưa ngày 1 tháng 5, tôi cùng các anh em trong cơ quan ở lại bảo đảm cho Tiểu đoàn 9 tổ chức hành quân về vị trí mới. Khi đội hình hành quân đến cầu xa lộ qua sông Đồng Nai chúng tôi gặp bộ phận vệ binh của trung đoàn chỉ đường cho chúng tôi đi tiếp theo đường số 15 qua cầu sông Buông sẽ có người đón.

Khoảng 20 giờ ngày 1 tháng 5, chúng tôi qua cầu sông Buông thì gặp bộ phận vệ binh của trung đoàn chỉ đường rẽ vào một làng nhỏ có một ngôi chùa rất đẹp. Đến đây tôi mới biết là chùa Phước Tân thuộc làng Phước Tân. Sở chỉ huy Trung đoàn 66 đóng tại ngôi chùa này, còn các đơn vị đóng quân trong rừng cao su và các làng bên cạnh. Đến hết ngày 2 tháng 5, cơ bản toàn bộ đội hình Trung doàn 66 đã rút khỏi nội đô thành phố Sài Gòn về vị trí trú quân mới an toàn.

Những ngày này, chúng tôi được sống trong không khí thanh bình của một làng quê ven thành phố Sài Gòn. Nhiệm vụ của chúng tôi là vừa củng cố lực lượng vừa làm công tác dân vận, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ cho nhân dân. Cán bộ chính trị thì tổ chức nói chuyện thời sự và thông báo tình hình chiến thắng cho nhân dân nơi đơn vị đóng quân. Bộ đội tổ chức dọn vệ sinh đường sá, giúp các tổ chức quần chúng sinh hoạt và cùng nhân dân chuẩn bị tổ chức lẽ chào mừng chiến thắng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 02:02:17 pm »
















« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2021, 09:36:01 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 02:18:18 pm »

Chương năm
NHIỆM VỤ MỚI, THỬ THÁCH MỚI


Trong những ngày đầu tháng 5 năm 1975, các đơn vị thuộc trung đoàn tham gia củng cố cơ sở nơi đóng quân, tổ chức rút kinh nghiệm, tiến hành tổng kết toàn diện từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội từ khi thực hiện nhiệm vụ tham gia giải phóng Đà Nẵng, hành quân cơ giới đường dài “thần tốc” đến vị trí tập kết chiến đấu và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn chỉ đạo Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 tổ chức rút kinh nghiệm trận tiến công hành tiến đánh địch ở Hàm Tân - Bình Tuy. Để công tác tổng kết rút kinh nghiệm đạt hiệu quả, các đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn, cán bộ cơ quan trung đoàn và cán bộ các tiểu đoàn đã xuống các phân đội, đại đội để dự, nắm tình hình, làm cơ sở tổng kết từ cấp tiểu đoàn đến cấp trung đoàn. Cơ quan chính trị trung đoàn chỉ đạo các đơn vị bình bầu khen thưởng các hình thức. Sau đó, Trung đoàn 66 tổ chức Hội nghị quân chính để bình xét các tập thể và cá nhân có thành tích để đề nghị cấp trên khen thưởng từ giấy khen, bằng khen đến huân chương các hạng.

Cũng trong thời gian này, nhiều nhà báo đến phỏng vấn trực tiếp tôi về những sự kiện đã xảy ra vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn. Các nhà báo hỏi tôi rất nhiều về Dương Văn Minh, về Vũ Văn Mẫu, thái độ họ thế nào khi phải làm kẻ bại trận. Tôi chẳng biết nói gì hơn, ngoài việc kể lại chân thực diễn biến các sự kiện đã xảy ra trong buổi trưa ngày 30 tháng 4 và bảo các đồng chí nhà báo nghe lại băng trên đài tiếng nói Sài Gòn ngày hôm ấy, còn riêng tôi tâm trạng lúc bấy giờ cũng như mọi người thôi. Đó là niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Tôi không thể ngờ mình là một trong hàng triệu con người đi qua cuộc chiến này lại có sự may mắn được chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn.

Thời gian sau đó, chúng tôi được cấp trên thông báo có lực lượng FULRO và bọn tàn quân ngụy đang hoạt động rộ lên ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Quảng Đức. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, FULRO và lực lượng tàn quân hoạt động trên đường số 20, đoạn từ đèo Chuối đến đèo Bảo Lộc, dài khoảng 50 cây số. Đây là khu vực rừng già, địch thường ẩn náu để ra chặn xe, cướp của trên dọc đường từ Đà Lạt về Sài Gòn và ngược lại.

Ngày 15 tháng 5 năm 1975, nhận được lệnh của sư đoàn, Ban chỉ huy Trung đoàn 66 phân công tôi tổ chức một bộ phận cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, cùng với cơ quan sư đoàn lên tỉnh Lâm Đồng làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương để nắm tình hình địa phương và tình hình hoạt động của địch dọc tuyến đường số 20, đặc biệt đoạn từ đèo Chuối đến đèo Bảo Lộc. Sau khi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, tôi về báo cáo tình hình với Ban chỉ huy Trung đoàn và sư đoàn.

Ngày 20 tháng 5 năm 1975, Trung đoàn 66 nhận được lệnh của Sư đoàn 304 điều Tiểu đoàn 8 lên khu vực đèo Chuối, đèo Bảo Lộc triển khai lực lượng đóng quân dọc hai bên đường để xây dựng chính quyền cách mạng, cơ sở quần chúng vùng mới giải phóng và bảo đảm an ninh, an toàn cho các chuyến xe lưu thông trên đường số 20 từ Đà Lạt về Sài Gòn. Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Trung đoàn thành lập bộ phận chỉ huy của trung đoàn và phân công tôi trực tiếp chỉ huy chung. Ba cơ quan Trung đoàn gồm có các đồng chí Tham mưu phó, đồng chí Phó chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Phó chủ nhiệm Hậu cần, mỗi cơ quan có từ hai đến ba đồng chí trợ lý và một bộ phận trinh sát, vệ binh của trung đoàn.

Ngày 25 tháng 5, Tiểu đoàn 8 hành quân lên đóng quân trên trục đường số 20, đoạn từ đèo Chuối đến đèo Bảo Lộc. Chúng tôi bố trí ở khu vực đèo Chuối một đại đội bộ binh, một đại đội hỏa lực; khu vực đèo Bảo Lộc một đại đội bộ binh. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 8 đóng tại đèo Chuối. Một đại đội bộ binh và sở chỉ huy nhẹ Trung đoàn đóng quân ở khu vực Nhà máy tơ tằm tỉnh Lâm Đồng, trên đỉnh đèo Bảo Lộc. Sau khi đến vị trí đóng quân, các đơn vị nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, vừa làm lán trại, vừa thâm nhập với cán bộ của từng buôn, làng. Khu vực này chủ yếu là các buôn làng của bà con dân tộc K'Ho. Dân các buôn làng ở rất thưa thớt. Một số buôn có hiện tượng chính quyền hai mặt: Ban ngày hoạt động theo sự hướng dẫn của cán bộ cách mạng, nhưng ban đêm lại là cơ sở của lực lượng FULRO. Do vậy, chúng tôi thâm nhập vào các địa phương và các buôn làng khá khó khăn. Trước tình hình trên, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tổ chức thành nhiều bộ phận: bộ phận làm lán trại, bộ phận tăng gia rau xanh để cải thiện đời sống, bộ phận cùng cán bộ cơ quan quân sự huyện Bảo Lộc vào từng buôn làng để vận động quần chúng nhân dân.

Những ngày đầu bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Ban ngày đi vào từng buôn làng, nhưng buổi tối bộ đội phải rút về doanh trại. Cứ như thế, sáng đi tối về hàng tháng trời. Không nản lòng và kiên trì, bộ phận vận động quần chúng đã tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và kêu gọi nhân dân không nghe theo lời tuyên truyền của bọn FULRO, thực tâm góp sức mình để xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng ở buôn làng. Một thời gian sau, bằng chính những việc làm thiết thực như tuyên truyền vận động, giúp dân trồng trọt, sản xuất, dọn vệ sinh quanh buôn làng... bộ đội ta đã cảm hóa được nhân dân. Họ đã trở thành chỗ dựa vững chắc và tin cậy cho chính quyền ở buôn làng. Từ kết quả trên, dần dần chúng tôi đã bố trí được các trung đội đóng quân trong các buôn làng ở khu vực này. Bộ đội vừa làm công tác vận động quần chúng, vừa xây dựng chính quyền cách mạng, vừa cùng nhân dân tham gia sản xuất xây dựng cuộc sống mới và xây dựng cho nhân dân niềm tin với Đảng, với chính quyền cách mạng.

Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, tình hình an ninh ở khu vực đèo Chuối và đèo Bảo Lộc dần dần ổn định, không còn cảnh ô tô bị chặn cướp dọc đường, hoặc FULRO hoạt động gây khó khăn cho nhân dân lao động sản xuất. Trong khi đó, ở các huyện Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương thì lực lượng FULRO câu kết với tàn quân ngụy và các phần tử phản động đội lốt tôn giáo chống phá ta quyết liệt. Có nơi chúng đã liều lĩnh tập kích vào cơ quan chính quyền và Ban chỉ huy quân sự huyện. Lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi với chúng tôi: Hiện nay FULRO và lực lượng thù địch, lợi dụng các vấn đề về tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá ta. Chúng hoạt động mạnh ở khu vực Lâm Đồng, cản trở việc xây dựng chính quyền cách mạng, khôi phục kinh tế sau chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội vùng mới giải phóng.

Trước tình hình trên, đầu tháng 7 năm 1975, Sư đoàn 304 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 66 cơ động toàn bộ lực lượng lên tỉnh Lâm Đồng, sở chỉ huy Trung đoàn đóng quân ở thị trấn huyện Di Linh. Tiểu đoàn 7 đóng quân cách thị trấn Di Linh khoảng 10 cây số cho đến hết địa phận huyện Di Linh tiếp giáp với địa phận huyện Đức Trọng tỉnh Tuyên Đức. Tiểu đoàn 9 đóng quân ở huyện Bảo Lộc, trú quân ở vùng có nhiều người công giáo từ miền Bắc di cư vào từ năm 1954 ở phía đông đường số 20. Tiểu đoàn 8 rời khỏi khu vực đèo Chuối về đóng quân từ đèo Bảo Lộc đến phía nam huyện Bảo Lộc, tập trung ở phía tây đường số 20. Giai đoạn này, chúng tôi tập trung cùng chính quyền địa phương xây dựng chính quyền buôn làng và khu vực thị trấn huyện Bảo Lộc, đặc biệt là các vùng có đồng bào công giáo di cư từ miền Bắc vào. Đồng thời, trung đoàn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị truy quét FULRO ở những cánh rừng giáp ranh giữa huyện Di Linh và huyện Đức Trọng.

Địa bàn Trung đoàn 66 làm nhiệm vụ tình hình chính trị rất phức tạp và là nơi chịu hậu quả của chế độ thực dân mới hết sức nặng nề. Tại đây, có hàng nghìn ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát, mật vụ vừa bị tan rã tại chỗ và một bộ phận còn đang lẩn trốn, trà trộn trong dân. Bên cạnh đó, còn hàng chục tổ chức đảng phái phản động chống cộng khác. Sau cơn choáng váng bởi sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, chúng bắt đầu tìm cách móc nối, phá hoại, tiếp tục thực hiện kế hoạch “hậu chiến” vô cùng thâm độc của Mỹ và các thế lực phản động khác.

Nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với trung đoàn lúc này là nhanh chóng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng ở cơ sở và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 66 đã dành nhiều thời gian nắm tình hình địa phương - nơi đơn vị đóng quân, và tổ chức nhiều cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo địa phương để thống nhất kế hoạch công tác. Trung đoàn đã chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, kinh nghiệm công tác và được học tập chu đáo, tổ chức thành từng đội đưa về các xã, ấp để cùng cán bộ địa phương thực hiện công tác phát động quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 02:20:10 pm »

Vào những ngày đầu tháng 7 năm 1975, từ vùng Di Linh, Bảo Lộc xuất hiện từng đoàn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 trong bộ quân phục màu xanh giản dị với chiếc ba lô “con cóc” đi bộ trên những con đường về các thôn ấp.

Đối với những người đã từng tiếp xúc với bộ đội giải phóng, những gia đình cơ sở cách mạng gặp lại chiến sĩ trung đoàn đều không nén nổi xúc động. Những người do bị ép buộc một thời cầm súng đánh thuê cho Mỹ và những kẻ đã từng gây nhiều nợ máu với nhân dân thì lo sợ một cuộc trả thù. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ, ngụy trước ngày 30 tháng 4, không ngớt tuyên truyền, gây tâm lý lo sợ đối với người dân trong vùng do chúng tạm thời kiểm soát: “Cộng sản chiếm được miền Nam, sẽ diễn ra những cuộc trả thù, tắm máu”.

Vấn đề quan trọng đầu tiên là làm thế nào nhanh chóng ổn định tư tưởng và gây được lòng tin đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các đội công tác phân công nhau đến từng nhà vừa thăm hỏi, tuyên truyền thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa giải thích chủ trương chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ ta dành nhiều thời gian đến các gia đình cơ sở cách mạng, gia đình nghèo tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, qua đó xây dựng cơ sở, giúp cho công tác được thuận lợi. Mặc dù chưa quen phong tục tập quán địa phương, song bằng lời nói, cử chỉ, tác phong và ý thức tổ chức kỷ luật của mình, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 chúng tôi đã nhanh chóng chiếm được lòng tin và sự yêu mến của nhân dân ở đây.

Phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương, các đội công tác của trung đoàn đã tổ chức đăng ký cho các phần tử ngụy quân, nhân viên ngụy quyền ra trình diện, tổ chức những lớp học tập ngắn ngày theo quy định của trên cho họ. Trong 20 ngày đầu tháng 7 năm 1975, các đội công tác của trung đoàn đã tổ chức học tập cho hàng nghìn người là ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và cho họ trở về gia đình làm ăn. Tinh thần nhân đạo và khoan hồng của cách mạng đã có sức cảm hoá rất lớn đối với người dân. Hàng trăm gia đình đã tự giác đưa con em ra trình diện chính quyền cách mạng.

Nhiệm vụ xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở được quần chúng tín nhiệm là mối quan tâm của Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 66. Việc lựa chọn những người vào cơ quan đoàn thể cách mạng lúc này vô cùng khó khăn. Nhiều thôn, ấp và kể cả xã, số đảng viên không đủ để thành lập chi bộ. Trong khi đó, một số phần tử cơ hội lợi dụng tình hình đó, tự tổ chức ra cái gọi là “ủy ban cách mạng”. Tình hình đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ trong các đội công tác của trung đoàn phải hết sức tỉnh táo, nhạy bén trước mọi diễn biến phức tạp. Trên cơ sở dựa vào quần chúng và các gia đình cơ sở, các đội công tác của trung đoàn kiên quyết đưa dần những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi tổ chức chính quyền và đoàn thể cách mạng, đồng thời thận trọng và mạnh dạn đưa những cán bộ mới vào thay thế. Các lớp bồi dưỡng về chức trách, lề lối làm việc của Ủy ban nhân dân cách mạng và học tập điều lệ các tổ chức quần chúng cho cán bộ mới được liên tiếp mở.

Ủy ban nhân dân cách mạng các xã, ấp lần lượt ra đời và bước đầu phát huy hiệu lực chính quyền của chế độ mới. Cùng với sự ra đòi của Ủy ban nhân dân cách mạng, các tổ chức vũ trang, các đoàn thể quần chúng cũng nhanh chóng được thành lập. Các tổ chức thanh niên, phụ nữ, thiếu niên trở thành lực lượng xung kích trong các cuộc vận động cách mạng, ở hầu hết các xã ấp, đều xây dựng được phong trào văn hoá, văn nghệ tươi vui lành mạnh. Những buổi giao lưu biểu diễn văn nghệ giữa bộ đội và nhân dân liên tiếp được tổ chức với nhiều tiết mục tự biên, tự diễn mang nội dung mới, thu hút hàng chục nghìn người xem đã thiết thực động viên nhân dân tham gia lao động sản xuất, xây dựng xã hội mới. Để góp phần ổn định đời sống nhân dân, các đội công tác của trung đoàn đã cùng chính quyền địa phương từng bước giải quyết trợ cấp, cứu tế và việc làm cho nhiều gia đình lao động ở huyện Di Linh và Bảo Lộc. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ ta còn vận động các gia đình tham gia đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Những thành quả bước đầu của ta trong việc xây dựng chính quyền mới và giải quyết những vấn đề xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, làm cho quần chúng phấn khởi, đặc biệt là kẻ thù càng thêm tức tối. Vì thế chúng tìm mọi cách để phá hoại ta. Trên địa bàn trung đoàn đảm nhiệm, chúng thường xuyên gây ra nhiều vụ bắn lén, đặt mìn, phao tin đồn nhảm, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và lợi dụng tôn giáo để móc nối, tụ tập bọn tàn quân và những phần tử phản động chống phá lại chính quyền cách mạng.

Trong gần nửa năm làm công tác phát động quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng, các đội công tác của Trung đoàn 66 đã cùng các lực lượng địa phương phá tan nhiều tổ chức phản động, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn trong khu vực do trung đoàn đảm nhiệm. Đồng bào các dân tộc huyện Di Linh, Bảo Lộc tin yêu bộ đội Trung đoàn 66 như con em của buôn làng mình. Họ sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, nghe theo bộ đội Bác Hồ làm việc tốt, có lợi cho cách mạng. Nhiều gia đình tự động vào rừng tìm chồng, con, em đang bị FULRO lừa gạt, lôi kéo đổ thuyết phục và gọi họ trở về buôn làng. Bằng nhiều hình thức phong phú, vừa truy quét, vừa gọi hàng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng trăm người mang theo vũ khí ra trình diện chính quyền cách mạng.

Sau gần hai tháng làm công tác vận động quần chúng và truy quét FULRO, tình hình an ninh chính trị ở khu vực huyện Di Linh và huyện Bảo Lộc đã tương đối ổn định. Trong thời gian này đã xảy ra nhiều cuộc chiến đấu nhỏ lẻ giữa bộ đội của Trung đoàn 66 với lực lượng FULRO và lực lượng tàn quân ngụy. Có những bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 bị chúng phục kích và bị tổn thất. Một số cán bộ và chiến sĩ ta đã bị thương vong.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1975, Sư đoàn 304 tiếp tục đưa Trung đoàn 24 lên làm công tác xây dựng cơ sở cách mạng và truy quét FULRO trên địa bàn tỉnh Tuyên Đức. Lực lượng của Trung đoàn 24 đóng quân ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương để bảo vệ Nhà máy thủy điện Đa Nhim và sân bay Liên Khương. Giai đoạn này Trung đoàn 66 thường xuyên đưa bộ đội lên phối hợp hiệp đồng tác chiến với Trung đoàn 24 dưới sự chỉ đạo và chỉ huy của Sư đoàn 304 để truy quét FULRO và xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 02:22:54 pm »

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1975, tôi được giao nhiệm vụ lên gặp đồng chí Phạm Thái Bân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 ở thị trấn Đức Trọng để cùng đi trinh sát địa hình khu vực tỉnh Tuyên Đức và một phần tỉnh Quảng Đức, một phần phía tây bắc tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng bằng máy bay trinh sát U.17 của ta mới thu được của quân ngụy. Cùng đi trên máy bay có 6 người, hai phi công, tôi và đồng chí Phạm Thái Bân, cùng hai cán bộ trinh sát của sư đoàn. Khoảng 13 giờ, máy bay cất cánh. Chúng tôi bay ở độ cao thấp, chỉ cách những ngọn cây cao khoảng vài trăm mét, vòng đi vòng lại nhiều lần trên những cánh rừng già để quan sát phát hiện các lán trại của lực lượng FULRO hoặc tàn quân ngụy trú quân và hoạt động của chúng trong rừng. Máy bay cứ bay đi, bay lại như vậy suốt mấy giờ đồng hồ. Đến 3 giờ chiều, phi công định cho máy bay hạ cánh xuống sân bay Liên Khương thuộc huyện Đức Trọng thì đúng lúc đó trời lại mưa to, bị mây mù nên máy bay không hạ cánh được. Máy bay phải vòng về đến tận sân bay Biên Hòa xin hạ cánh, nhưng không được phép hạ cánh. Do vậy, máy bay chúng tôi lại phải bay trở về vùng trời tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức. Gần 30 phút bay lượn trên không ở độ cao rất cao, phi công báo cho chúng tôi nếu trong nửa giờ nữa không hạ cánh được, máy bay sẽ hết nhiên liệu. Mọi người trong đoàn rất lo lắng và không biết phải xử trí thế nào, đành ngồi im tùy đồng chí phi công xử lý. May mà đến gần 16 giờ, khu vực sân bay Liên Khương đã tạnh mưa, trời quang mây dần và máy bay của chúng tôi có thể hạ cánh được. Khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Liên Khương, mọi người trong đoàn mới thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi không hiểu gì về kỹ thuật hàng không, nhưng các phi công cho biết, nếu lúc đó không hạ cánh được xuống Liên Khương thì chỉ vài phút sau họ sẽ quyết định hạ cánh trên đoạn đường thẳng và lớn nhất của đường số 20 thuộc địa phận huyện Đức Trọng, nếu may thì sẽ an toàn, còn không sẽ hy sinh cả. Thật là hú vía. Lần đầu tiên được ngồi trên máy bay và cũng là lần chết hụt đầu tiên bởi kỹ thuật hàng không của tôi. Khi chúng tôi về đến Ban chỉ huy Trung đoàn 24, mọi người đều mừng rỡ vì khi biết tin máy bay đã bay hơn 3 tiếng lại không thể hạ cánh nên ai cũng rất lo. Thường thì máy bay chỉ bay được hơn 2 tiếng hoặc gần 3 tiếng đồng hồ là phải hạ cánh. Mọi người vui mừng vì chúng tôi đã an toàn trở về. Tối hôm đó trở về Sở chỉ huy Trung đoàn 66, tôi báo cáo lại tình hình bay trinh sát và tình huống hiểm nguy của chuyến bay, mọi người đều chúc mừng tôi vì đã thoát chết trở về.

Tiếp đó, đến tháng 10 năm 1975, chúng tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét FULRO và xây dựng chính quyền cách mạng ở các khu vực trên. Giai đoạn này FULRO không hoạt động dọc đường số 20 nữa mà hoạt động ở những huyện vùng sâu như huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Oai giáp với tỉnh Quảng Đức. Phương thức truy quét FULRO của chúng tôi cũng được hiện đại hoá, sử dụng máy bay trực thăng chở bộ đội từ sân bay rồi đổ bộ xuống các khu vực FULRO hoạt động. Hằng ngày cán bộ quân sự đi trinh sát bằng máy bay trực thăng, phát hiện được chỗ nào có nhiều lán trại của bọn FULRO thì xác định, đánh dấu tọa độ vào bản đồ. Tại sân bay Liên Khương, cứ mỗi chuyến 3 chiếc trực thăng UH.1A chở được khoảng một trung đội bộ binh đổ quân xuống khu vực có lực lượng FULRO để chiến đấu, truy quét và tiêu diệt. Trung đoàn 66 đã tiến hành như vậy được hai đợt thì lực lượng FULRO không dám ở tập trung, chúng phải phân tán về các buôn làng. Do vậy, chúng tôi không sử dụng trực thăng nữa mà tiến hành đưa từng đại đội tổ chức ăn ở dã ngoại tại các buôn làng thuộc vùng sâu vùng xa, vừa sẵn sàng truy quét tiêu diệt lực lượng FULRO, vừa xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng và làm công tác vận động quần chúng.

Đến cuối tháng 11 năm 1975, nhiệm vụ truy quét FULRO của Trung đoàn 66 cơ bản hoàn thành. Ngày 20 tháng 11, tôi được Sư đoàn cho về nghỉ phép. Từ Lâm Đồng tôi đi xe về sở chỉ huy Sư đoàn ở Tổng kho Long Bình, rồi đến Ban Cán bộ lấy giấy phép. Sau đó, tôi được cơ quan tác chiến Sư đoàn 304 bố trí đi ra Bắc bằng máy bay C.130 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vì đi máy bay, tôi không mang được gì nặng, chỉ có chiếc ba lô với một con búp bê có hai mắt biết nhắm mở, 2 chiếc đài, trong đó có 1 chiếc cát sét JVC 2 cửa băng, 1 chiếc đài Na-ti-on-na 3 băng về làm quà cho bố và mấy cuộn len, mấy mảnh vải lụa mua được từ chợ Đà Lạt về làm quà cho mẹ, cho vợ và hai em gái. Khi tôi lên máy bay C.130 - một loại máy bay quân sự lớn của Mỹ trước đây, ngồi vào hàng ghế dọc như những chiếc ghế băng trong các lớp học trước đây, tôi lại nghĩ đến chuyến bay trinh sát truy quét FULRO bằng máy bay U.17 hồi tháng trước nên thấy hơi sờ sợ, nhưng vì muốn nhanh được về nhà gặp bố mẹ, gặp vợ và người thân trong gia đình, nên tôi cũng tự trấn an mình.

 Sau khoảng 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm vào một buổi chiều mùa đông. Nhiều năm không được hưởng cái rét của miền Bắc, buổi sáng còn ở miền Nam buổi chiều đã ở miền Bắc, khi ra khỏi máy bay gặp ngay gió mùa đông bắc tôi cảm thấy rét thấu xương. Theo hướng dẫn của đồng chí Cục Tác chiến, tôi vai đeo ba lô, tay xách chiếc cát-sét lên chiếc xe tải quân sự về nội thành Hà Nội. Lần đầu tiên được đến Hà Nội trong khung cảnh đất nước hòa bình, thống nhất, nhìn cái gì tôi cũng thấy lạ. Mấy ngày được sống ở Sài Gòn, một thành phố rộng lớn và náo nhiệt, nay về đến Hà Nội tôi mới thấy hai thành phố khác hẳn nhau. Hà Nội luôn nằm trong ký ức của tôi, đó là Hà Nội, niềm tin và hy vọng trong suốt chặng đường vào miền Nam chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng lúc đó tôi chỉ mong sao nhanh chóng được trở về nhà.

Về đến trạm khách của Quân đoàn 2 ở gần chợ Bưởi, xuất trình giấy tờ xong, nhân viên của trạm đưa tôi về phòng nghỉ. Sáng hôm sau, đồng chí Trạm trưởng hướng dẫn tôi ra đi xe điện từ Bưởi ra Bờ Hồ, sau đó ra ga Hàng Cỏ đến bến xe Kim Liên để mua vé xe về Phủ Lý. Lần đầu tiên tôi được ngồi trên chiếc xe điện, tôi rất lạ lẫm. Nhưng vì chặng đường về quê đang dần ngắn lại, tôi cảm thấy như quê hương Khả Phong thân yêu đang hiện dần trước mắt nên tôi chỉ mong mau chóng ra được bến xe để mua vé về quê. Sau đó, xe điện dừng ở ga Hàng Cỏ, từ đó tôi đi bộ thêm một đoạn nữa thì ra đến bến xe Kim Liên. Tôi vào phòng bán vé và đưa giấy giới thiệu của Trạm khách quân đoàn để mua vé xe. Thấy tôi mặc bộ quần áo Tô Châu mới, đeo quân hàm đại úy, mọi người ở quanh đó nhìn, trầm trồ bàn tán, vì họ thấy tôi còn quá trẻ. Sau khi mua vé, tôi lên xe đi về thị xã Phủ Lý. Tuyến đường từ Hà Nội về Phủ Lý gần 60 cây số mà tôi cảm thấy rất nhanh. Gần 3 giờ chiều, tôi về tới Phủ Lý. Ngay sau khi xuống xe, tôi vội đi bộ về nhà. Đên gần tối tôi về đến đầu làng. Bước chân trên con đường làng, chân tôi như ríu lại, mọi cái đều thấy ngỡ ngàng, dưới ánh đèn dầu nhỏ nhoi, le lói từ những căn nhà hắt ra dọc đường đi, tôi chỉ mong sao mau chóng về đến ngôi nhà thân yêu của mình, nơi đó có bố mẹ, người vợ trẻ và hai cô em gái đang ngóng chờ.

Khi về đến đầu ngõ, người tôi gặp đầu tiên là ông Tuệ - người họ hàng của gia đình, trong ánh sáng lờ mờ ông nhận ra tôi, ông reo lên: Thằng Thệ đã về! Và ông gọi to vào nhà tôi: Ông Huệ ơi! Thằng Thệ đã về này! Khi nghe ông hô to, tôi cũng hơi sững lại bởi một cảm giác khó tả, có lẽ là cảm giác của người con đi xa khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi bước chân vào bậc thềm căn nhà nhỏ của mình, người tôi gặp đầu tiên là mẹ, sau đó là vợ và bố tôi. Ba người như sững lại, bàng hoàng vì tôi về đột xuất mà không báo trước. Tôi vội bỏ chiếc ba lô ra khỏi vai, mẹ tôi bước đến, hai tay mẹ sờ nắn tay tôi và nói: Cha bố anh, giải phóng mãi rồi, sao bây giờ anh mới về! Rồi nước mắt chảy tràn xuống hai gò má khô, gầy của mẹ. Tôi rưng rưng ôm bờ vai người mẹ. Còn Dung cứ đứng lặng nhìn tôi hồi lâu rồi vội vã đi đun nước hãm chè tươi. Bố tôi cứ đứng im nhìn tôi, miệng ông mấp máy mà không nói nên lời. Chỉ một lát sau, mọi người trong xóm đã đến tụ tập chật ngôi nhà nhỏ của tôi. Bố tôi đi tìm chiếc đèn bão thắp lên để căn nhà được sáng hơn. Vợ tôi luýnh quýnh mang nước và bày biện cốc chén mời mọi người uống nước chè xanh Ba Sao. Mọi người trong xóm hỏi tôi có gặp người này, người kia cùng làng không? Thành phố Sài Gòn như thế nào? Chuyện bắt Dương Văn Minh như thế nào?... Rồi mọi người nói, sau ngày 30 tháng 4, được nghe đài nói về quân ta đánh vào dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh, trong đó có chú, chỉ mong chú về để hỏi cụ thể...

Sau khi đã chào hỏi các bà con chòm xóm, tôi hào hứng kể lại cho mọi người nghe những giờ phút cùng đồng đội vào dinh Độc Lập bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4. Mọi người khen ngợi và rất vui trước sự trưởng thành của tôi. Mãi đến tận khuya, mọi người trong xóm mới chịu ra về.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2019, 02:26:46 pm »

Tiết trời cuối năm rất lạnh, sau hơn hai năm vợ chồng mới được gặp nhau, một buổi tối yên bình ở làng quê, suốt đêm tôi không chợp được mắt, hết hỏi vợ tôi chuyện ở quê nhà rồi tôi kể chuyện chiến đấu ở miền Nam cho vợ nghe và lên kế hoạch đi thăm gia đình bạn bè đồng chí, đồng đội. Sáng hôm sau vợ tôi dậy rất sớm để nấu cơm, phong tục quê tôi lại ăn bữa sáng là chính để mọi người đi làm đồng. Sau khi ăn cơm xong, mọi người đi ra đồng ngay, vì giai đoạn này là cuối tháng 10 âm lịch nên đang vào vụ thu hoạch lúa mùa. Khoảng 8 giờ sáng vợ tôi lên cơ quan báo cáo xin nghỉ phép. Lúc này Dung vẫn làm ở cửa hàng lương thực huyện Kim Bảng. Một ngày trong chiến tranh tôi thấy rất dài nhưng một ngày về bên gia đình và người thân tôi thấy trôi đi rất nhanh.

Ba ngày sau, bố vợ tôi cũng từ chiến trường trở về. Lần đầu tiên được gặp bố vợ, vì ông đi chiến đấu ở chiến trường xa. Tháng 4 năm 1973, tôi với Dung thành hôn thì ông cũng đang chiến đấu ở chiến trường Lào. Sau khi chiến tranh kết thúc tôi trở về họ hàng và gia đình vui lắm, đến khi bố vợ tôi cũng trở về thì niềm vui ấy được nhân lên gấp bội. Hòa chung niềm vui đất nước thống nhất, những ngày này gia đình chúng tôi cũng vui như có hội, người đến chơi tấp nập thăm hỏi sức khỏe tôi và hỏi thăm tin tức của con em mình vẫn đang ở miền Nam chưa về... Suốt mấy tuần liền nhà tôi lúc nào cũng có khách. Cùng thời gian này, trong xã cũng có một số anh em từ chiến trường trở về quê hương. Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, hỏi han nhau ai còn, ai mất trong các trận chiến đấu ở chiến trường và tất cả đều rất phấn khởi vì những người con của quê hương được trở về sau chiến tranh.

Những ngày tiếp theo, tôi đi thăm gia đình một số đồng chí cùng đơn vị nhưng chưa được nghỉ phép. Đến Bình Lục, tôi thăm gia đình anh Mai Đại Thắng, tôi đưa thư và quà của anh gửi cho bố mẹ. Gia đình anh vô cùng vui sướng và phấn khởi vì biết được tin tức của con em mình. Mấy hôm sau tôi đạp xe từ nhà qua bến phà Yên Lệnh đến huyện Yên Mỹ tỉnh Hải Hưng thăm gia đình đồng chí Lương Ngọc Bát - người Chính trị viên đại đội đã chiến đấu cùng tôi ở Quảng Trị những năm 1971-1972, nay anh đang là Trợ lý cán bộ Sư đoàn 304. Tôi gặp mẹ và vợ anh, tôi đưa thư, quà và chiếc đài 3 băng anh gửi cho gia đình. Hàng xóm xung quanh nhà anh đổ đến rất đông để hỏi thăm tình hình sức khỏe của anh. Tôi kể chuyện tình hình sức khỏe và công tác của anh Bát cho mọi người trong gia đình nghe, mọi người rất vui. Chiều hôm đó tôi ăn cơm ở nhà anh Bát rồi đạp xe về. Khi tôi về đến nhà thì trời đã tối. Hàng tuần liền, tôi tranh thủ đi thăm gia đình anh em bạn bè trong đơn vị và bà con trong xóm ngoài làng. Đi đến đâu tôi cũng được mọi người đón tiếp ân cần, vui vẻ.

Một hôm, bố vợ tôi cùng tôi đi thăm ông chú vợ là sĩ quan không quân đang đóng quân tại Sóc Sơn. Hai bố con tôi đi xe đạp từ Khả Phong ra thị xã Phủ Lý, sau đó gửi xe vào nhà người quen rồi mua vé ô tô lên Phúc Yên. Ý định của bố tôi là đến Kim Anh tỉnh Vĩnh Phú thì xuống xe rồi đi bộ vào cổng phía tây của sân bay Nội Bài. Nhưng trên xe mải chuyện trò, nên bố con tôi đã đi quá lên tận bến xe thị trấn Phúc Yên, quá nơi định xuống gần 10 cây số, thế là hai bố con tôi phải đi bộ quay trở lại. Do vậy đến khuya bố con tôi mới tìm đến dược doanh trại của ông chú vợ. Bố con tôi ở đó chơi một ngày. Đến ngày hôm sau bố đưa tôi về nghỉ tại nhà khách Bộ Tư lệnh Thông tin ở cạnh Đền Voi Phục, phía tây Hà Nội vì lúc này ông đang là sĩ quan thông tin. Hôm sau, bố tôi làm việc với đơn vị của ông, đến quá chiều hai bố con mới ra bến xe Kim Liên mua vé xe về Phủ Lý.

Thời gian nghỉ phép khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh qua đi rất nhanh, để lại trong tâm trí tôi nhiều kỷ niệm không quên.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1975 tôi trả phép trở về đơn vị. Lúc này Trung đoàn 66 đã về đóng quân ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, về đơn vị, tôi tiếp tục tham gia chỉ huy đơn vị làm công tác vận động quần chúng ở thị xã Bảo Lộc. Lúc này Tiểu đoàn 7 vẫn đang làm nhiệm vụ truy quét FULRO ở huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng. Đầu tháng 1 năm 1976, Tiểu đoàn 7 báo cáo về Trung đoàn 66 là có lực lượng FULRO vào cướp phá, sát hại một gia đình cán bộ người dân tộc không chịu theo chúng và khống chế nhân dân ở buôn làng vùng sâu, vùng xa cách thị trấn Di Linh khoảng 20 cây số. Theo trinh sát của cơ quan quân sự địa phương cho biết, đây là khu vực có căn cứ của bọn chỉ huy đầu sỏ FULRO.

Ban chỉ huy Trung đoàn 66 đã họp bàn và thống nhất sử dụng Tiểu đoàn 7 thực hành bao vây để tiêu diệt lực lượng này. Tôi được Ban chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cùng với một số đồng chí cán bộ cơ quan, chỉ huy Tiểu đoàn 7 thực hiện nhiệm vụ trên. Khi đến Tiểu đoàn 7, tôi và các đồng chí cán bộ cơ quan nhanh chóng nắm và đánh giá tình hình, bàn bạc nghiên cứu phương án tác chiến. Ngay sau đó, chúng tôi tổ chức lực lượng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương huyện Di Linh tổ chức đi trinh sát nắm tình hình ở buôn Đinh Trang Hạ. Đến nơi, chúng tôi tổ chức bộ phận đi trinh sát nắm địch, bộ đội đóng quân tại buôn làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng để đồng bào không hoang mang dao động. Trung đoàn đã chỉ đạo tổ chức cho bộ đội về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Sau đó, tình hình an ninh trật tự trong bản Đinh Trang Hạ dần dần trở lại bình thường. Hằng ngày, bộ đội cùng dân bản ra nương rẫy sản xuất. Tối đến bộ đội sinh hoạt văn hóa cùng đồng bào. Ban đêm, chúng tôi cử bộ đội cùng du kích xã canh gác các ngả đường ra vào buôn làng. Do vậy, thời gian sau lực lượng FULRO ở khu vực này cũng không dám tổ chức hoạt động mạnh nữa.

Qua công tác trinh sát của Trung đoàn 66 kết hợp với trinh sát của bộ đội địa phương huyện đã phát hiện được lực lượng FULRO ẩn náu cách buôn Đinh Trang Hạ khoảng 5 cây số ở trong rừng sâu. Bọn địch ở đây có gần một trung đội, trong đó có tên trung tá Kà Lăm là thủ lĩnh lực lượng FULRO ở tỉnh Lâm Đồng trực tiếp chỉ huy. Sau khi nghiên cứu dự kiến phương án và kế hoạch chiến đấu, tôi báo cáo với Ban chỉ huy Trung đoàn 66. Đồng chí Nguyễn Sơn Văn - Trung đoàn trưởng và đồng chí Chính ủy Lê Xuân Lộc lên tận Di Linh để thông qua kế hoạch tác chiến. Kế hoạch của tôi được Ban chỉ huy Trung đoàn đồng ý. Tiếp đó, Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho chúng tôi là phải tiêu diệt được địch, thu được vũ khí và hạn chế thấp nhất thương vong của ta để lấy lại niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đang bị lực lượng FULRO khống chế. Ngay sau đó, chúng tôi điều thêm một đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 7 lên Đinh Trang Hạ. Như vậy, chúng tôi sử dụng một tiểu đoàn thiếu để thực hiện kế hoạch tác chiến trên. Theo phương án, một trung đội bộ binh ở lại chốt giữ trong buôn. Hai đại đội hình thành ba mũi tiếp cận sào huyệt của lực lượng FULRO. Vì khu vực này tiếp giáp với tỉnh Ninh Thuận, nêu không bao vây chặt và ngăn chặn được thì chúng sẽ chạy xuống vùng rừng núi rất hiểm trở thuộc tỉnh Ninh Thuận. Khi tiếp cận địch, lực lượng trinh sát đi trước dò đường bám địch, bộ binh đi sau sẵn sàng triển khai đội hình tập kích địch.

Sau 3 ngày, lực lượng trinh sát đã phát hiện được vị trí trú quân của địch. Chúng tôi tổ chức các đơn vị hình thành thế bao vây và từng bước siết chặt vòng vây quân địch. Ý định của Trung đoàn là dùng hỏa lực B.40, B.41, cối 82 ly, ĐKZ 75 tập kích vào đội hình của địch trước, sau đó mới dùng bộ binh xung phong. Trong quá trình tiếp cận, toán địch cảnh giới ở vòng ngoài đã phát hiện được lực lượng ta và nổ súng. Trước tình huống trên, tôi ra lệnh nổ súng xung phong tiêu diệt địch. Bị đánh từ nhiều hướng, địch chống trả trong ít phút, sau đó tháo chạy về hướng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận. Dự đoán trước được tình huống trên, chúng tôi đã sử dụng một trung đội của Tiểu đoàn 7 có một tiểu đội bộ đội địa phương huyện Di Linh dẫn đường vận động xuyên rừng để chốt chặn. Dù thông thạo và quen hoạt động ở địa hình rừng núi, nhưng trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn địch ngoan cố chống cự quyết liệt.

Trận chiến đấu diễn ra khoảng gần một giờ đồng hồ thì toàn bộ lực lượng FULRO ở đây bị loại khỏi vòng chiến đấu, ta tiêu diệt 5 tên và bắt 20 tên. Qua khai thác tù binh, bọn chúng khai tên Kà Lăm và một số tên đã chạy thoát lên đỉnh ngọn núi cao phía đông nam. Chúng nói trên đó có hang rộng và đường lên rất hiểm trở. Do còn lạ địa hình nên bộ đội ta không truy kích tiếp được. Sau đó, chúng tôi thu dọn chiến trường, thu được hàng chục khẩu tiểu liên cực nhanh M16 và M79. Trong trận chiến đấu này, ta hy sinh 2 đồng chí, bị thương 3 đồng chí. Trong số hy sinh có đồng chí Nguyễn Văn Hứa quê ở Ninh Bình, là công vụ của đồng chí Trung đoàn trưởng mới được đưa xuống làm Trung đội trưởng ở Đại đội 3 Tiểu đoàn 7.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM