Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:01:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức thời trận mạc  (Đọc 12410 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 12:54:31 pm »



KÝ ỨC THỜI TRẬN MẠC

Tác giả: Trung tướng Phạm Xuân Thệ

NXB Quân Đội 2011
Nguồn: Thư viện Hà Nam










LỜI GIỚI THIỆU
CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ KHẢ PHIÊU


(Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành
  Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2)


       Đồng chí Phạm Xuân Thệ sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Nam nhưng giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Tuổi thơ của đồng chí gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta càng hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước sâu sắc. Sau khi thoát ly gia đình làm công nhân ở Nhà máy thủy điện Thác Bà, năm 1967 theo tiếng gọi của Tổ quốc, của chiến trường miền Nam, đồng chí gia nhập quân đội. Với 40 năm tuổi quân, từ một người lính binh nhì, trưởng thành qua năm tháng, đồng chí đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó: cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn - quân khu. Ở mọi cương vị công tác, đồng chí luôn cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong chiến đấu, đồng chí là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ. Trên cương vị chỉ huy, đồng chí là một người chỉ huy có bản lĩnh: vững vàng, kiên định, gặp khó khăn không nản chí, luôn bình tĩnh, mưu trí, sáng tạo quyết đoán; tác phong dân chủ, sâu sát đồng chí, đồng đội, tính kỷ luật nghiêm minh; có lối sống khiêm tốn, giản dị, chân tình, thẳng thắn, được cán bộ và chiến sĩ tin yêu, mến phục.

       Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thệ lúc đó là Trung đoàn phó được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng đi đầu của Trung đoàn 66 phối hợp cùng bộ đội xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 2 đánh thẳng vào dinh Độc Lập bắt toàn bộ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

       Khi về hưu, đồng chí vẫn giữ vững truyền thống yêu nước, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn sống có nghĩa có tình với bà con khối phố, với đồng chí, đồng đội. Trăn trở trước sự hy sinh, mất mát của bao đồng chí, đồng đội, đồng chí đã cùng các bạn đồng ngũ tổ chức nhiều hoạt động, như: thăm lại chiến trường xưa, đi tìm mộ liệt sĩ, xây dựng đài tưởng niệm tại Thượng Đức... với mong muốn góp một phần công sức của mình để tri ân những đồng đội đã hy sinh, những gia đình thương binh - liệt sĩ và đồng bào có công với cách mạng.

       Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và công tác, đồng chí đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam (30-4-2011), đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi công của Đảng và Nhà nước trước những đóng góp của đồng chí và tôi mong đồng chí luôn xứng đáng với danh hiệu đã được Đảng và Nhà nước phong tặng.

       Trong cuốn “Ký ức thời trận mạc” đồng chí đã nói về mình một cách khiêm tốn thông qua các sự kiện, những câu chuyện về cuộc sống và chiến đấu của mình. Tôi muốn nói thêm đôi nét về đồng chí với mục đích thông qua cuốn hồi ức này, bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm những năm tháng cha anh đã rèn luyện, chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh để có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.

       Với ý nghĩa ấy, tôi xin trân trọng được giới thiệu cuốn “Ký ức thời trận mạc” của đồng chí Phạm Xuân Thệ tới đông đảo bạn đọc.



      
LÊ KHẢ PHIÊU
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 12:07:02 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 12:56:18 pm »

Cùng bạn đọc


       Chiến tranh đã đi qua, đất nước ngày càng đổi mới nhưng những chiến công vang dội gắn với tên người, tên đất... như vẫn còn mãi in đậm trong ký ức của thế hệ cầm súng ngày hôm qua. Bốn mươi năm chiến đấu, hoạt động trên các chiến trường và công tác trong hòa bình đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm buồn, vui.

       Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lúc nhỏ tôi luôn tự nhủ mình sẽ cố gắng học để thoát khỏi cái nghèo. Nhưng khi lớn lên vì gia đình không có điều kiện cho tôi học lên cao nữa nên tôi lại muốn đi thoát ly trở thành công nhân. Nhưng cuộc đời vốn không theo ý định ban đầu của nhiều người, trong đó có tôi. Từ một người công nhân tôi lại trở thành người lính để rồi từ đó tôi gắn bó với quân ngũ suốt 40 năm.

       Mùa thu năm nay (2011) bước sang tuổi 65, tôi muốn ghi lại quá trình sống và phấn đấu không mệt mỏi của mình trong suốt quãng thời gian qua. Tôi đã dành cho mình một khoảng lặng để suy nghĩ, hồi tưởng lại toàn bộ những chặng đường đã qua trong cuộc đời mình, đó là thời niên thiếu bên gia đình và quê hương yêu dấu; là những tháng ngày thoát ly gia đình làm công nhân Nhà máy thủy điện Thác Bà; và là thời quân ngũ 40 năm. Từ một người lính binh nhì, trải qua những năm tháng chiến đấu, công tác tôi dần trưởng thành, được đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân và quân đội giao phó: cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn - quân khu. Ở mọi cương vị công tác tôi luôn được Đảng, quân đội bồi dưỡng, rèn luyện, dìu dắt, được nhân dân cưu mang đùm bọc, được đồng chí, đồng đội giúp đỡ. Bản thân tôi luôn cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những thành công và chưa thành công vẫn còn không ít những hạn chế, kể cả những tổn thất, đau thương. Đối với tôi, tất cả đều lưu lại những ký ức đáng ghi nhớ. Cũng chính vì vậy tôi đã cố gắng xâu chuỗi lại những năm tháng sống, chiến đấu và công tác trong cuộc đời binh nghiệp của mình thành tập hồi ức “Ký ức thời trận mạc”. Từ Tiểu đội 9 Quân khu Việt Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu đến khi được điều động trở lại bảo vệ biên giới Tổ quốc ở Quân khu 1 là cả một chặng đường đầy chông gai mà bao lần tôi cùng đồng đội phải nín thở kề bên cái chết. Đồng đội tôi hôm nay có người còn sống, nhưng cũng có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

       Xin cảm ơn các đồng chí, đồng đội - những người đã đồng hành, sẻ chia cùng tôi trong suốt cuộc đời quân ngũ, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt.
       Mong muốn lớn nhất của tôi là qua cuốn hồi ức này góp phần tôn vinh truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội, đồng thời để tri ân hàng vạn người con đất Việt đã nằm lại nơi chiến trường vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng đây cũng là trách nhiệm, là tình cảm của thế hệ đi trước góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp tục thực hiện, đi theo lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

       Do tuổi tác, trí nhớ và khả năng thể hiện của tôi có hạn nên cuốn “Ký ức thời trận mạc” không tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong các đồng chí, đồng nghiệp cùng bạn đọc lượng thứ. Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí, đồng đội đã nhiệt tình góp công sức tu chỉnh cuốn hồi ức của tôi; cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuốn hồi ức của tôi được đến với bạn đọc gần xa.



TÁC GIẢ
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 01:03:37 pm »

Chương một
QUÊ HƯƠNG VÀ THỜI NIÊN THIẾU


Khả Phong quê tôi là vùng bán sơn địa thuộc châu thổ sông Hồng, là một xã miền núi ở phía tây huyện Kim Bảng, phía bắc và phía đông giáp sông Đáy, phía nam giáp quốc lộ số 21 từ miền biển Hải Hậu (Nam Định) chạy qua hữu ngạn sông Đáy, qua các xã Thanh Sơn, Thi Sơn, Liên Sơn, Khả Phong, Ba Sao, nối liền vùng đồng bằng với miền đồi núi tới Lạc Thủy - Hòa Bình; có đường Biên Hòa (được mở trong kháng chiến chống Mỹ để xe ô tô vận tải quân sự đi qua và giấu xe mỗi khi cầu Phủ Lý bị máy bay Mỹ bắn phá) qua cầu sông Đáy hợp điểm với đường số 21A tại ngã ba Cửa Đầm. Ngày nay, đường Biên Hòa được mở rộng và nâng cấp thành đường ô tô khách từ Chi Nê (Hòa Bình) qua Ba Sao, Khả Phong huyện Kim Bảng (Hà Nam) ra Đồng Văn nối với quốc lộ số 1. Địa hình quê tôi rất đa dạng, gồm vùng đồi núi, nửa đồi núi, có dãy núi đá vôi chạy dài theo hướng đông nam - tây bắc thành hình vòng cung đồ sộ như một bức trường thành bảo vệ làng xóm, tạo nên những phong cảnh hữu tình với nhiều địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Khả Phong như quèn Vồng, đồi Bàn Cờ (nay là đồi Hồ Chí Minh), chùa Hang...

Nằm ở tả ngạn sông Đáy, lại là vùng bán sơn địa, nên làng mạc quê tôi hình thành theo các tuyến, cụm nằm bám sát các trục đường giao thông thủy, bộ, bên các bìa rừng và cánh đồng. Bao bọc xung quanh các làng xóm là những lũy tre ken dày. Những khu đồi rừng quê tôi vốn được coi là kho “tiền rừng” của đất Kim Bảng. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, chúng đã chiếm cả vùng rừng núi này, vừa bóc lột nhân công, vừa thu nguồn lợi lớn phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. Ngày nay, vùng đồi rừng này đang được khai phá đất hoang hóa để phát triển kinh tế địa phương.

Trong thời kỳ thực dân - phong kiến, cuộc sống của nhân dân quê tôi rất khổ cực. Tuy là một xã thuần nông nhưng quê tôi thuộc vùng bán sơn địa, đất đai phần lớn lại tập trung trong tay địa chủ, quan lại, phe giáp... cả xã lúc đó có hơn 1.000 mẫu ruộng nhưng chỉ tính riêng các địa chủ trong làng và các quan lại hàng tỉnh như Tuần Thành, Bùi Thị Thông, Trần Đoàn Khuê... đã chiếm hơn 400 mẫu, phe giáp, hậu họ gần 100 mẫu, trên 300 mẫu là ruộng công điền, phần còn lại gần 200 mẫu là của nông dân nên hầu hết người nông dân phải đi làm thuê cho địa chủ và vào rừng chặt củi đốt than, mò cua, bắt ốc sống cho qua ngày. Dưối chế độ thực dân - phong kiến, các chính sách thuế đinh, thuế điền khắc nghiệt làm cho cuộc sống của người dân quê tôi ngày càng cùng cực hơn. Cuộc sống đói khổ đó đã được người dân quê tôi đúc kết thành những câu ca: “Thôn Tiên kiếm cá, thôn Mỹ phá rừng”... Nhà thơ Xuân Diệu đã có những câu thơ tả về cuộc sống khổ cực đó của người dân quê tôi:

“Xưa dân có đồng không ruộng
Hái củi về đổi cơm
Đi đốt than khổ quá
Mùa gặt chỉ còn rơm...”
.


Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất, con người quê hương tôi đã góp phần tạo nên nhiều kỳ tích trong công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ làng quê và đất nước. Cùng với những biến thiên của lịch sử, quê tôi cũng có nhiều thay đổi.

Từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) đến đời vua Đồng Khánh (1885-1889), xã Khả Phong thuộc tổng Thụy Lôi 1. Thời Pháp thuộc, xã Khả Phong thuộc tổng Khả Phong, có 7 làng, gồm: Khả Phong, Khuyến Công, Do Lễ, Đồng Sơn, Cốc, Tam Chúc, Vồng. Trong đó, xã Khả Phong có 2 làng là: Khả Phong và Khuyến Công. Làng Khuyến Công không phân chia thôn, còn làng Khả Phong được chia thành 4 thôn, gồm: thôn Tiên (còn gọi là Giáp Tiên), thôn Đoài (Giáp Đoài), thôn Đông (Giáp Đông), thôn Mỹ (Giáp Mỹ). Mỗi thôn có một ngôi đình là nơi hội họp và sinh hoạt văn hóa tinh thần chung của cả thôn. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 âm lịch nhân dân trong thôn tụ họp tổ chức “Việc làng” để làm lễ tế thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trải qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, đình thôn Tiên bị đổ nát, đình thôn Đoài và đình thôn Mỹ bị bom, pháo của thực dân Pháp phá sập nên chỉ còn đình thôn Đông là nơi tụ họp và sinh hoạt chung của cả 4 thôn.

Đình thôn Đông 2 gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện Kim Bảng nói chung và nhân dân xã Khả Phong nói riêng. Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình thôn Đông là nơi in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Hà Nam, là nơi thành lập tủ sách cách mạng hợp pháp. Tại đây, cứ thứ bảy hằng tuần Huyện ủy Kim Bảng cho cán bộ về tổ chức các lớp học tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp thanh niên và quần chúng ưu tú nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Cũng từ những lớp học này đã hình thành nhóm nghiên cứu mác-xít. Họ là những hạt giống xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kim Bảng và sự ra đời chi bộ Đảng ở Khả Phong. Sau này, nhiều đồng chí trở thành những cán bộ cốt cán của địa phương. Đình thôn Đông còn là nơi cất giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng lâm thời tổ chức lại các đơn vị hành chính. Tổng Khả Phong được chia làm 3 xã: xã Liên Sơn có 3 thôn là Do Lỗ, Đồng Sơn, Bút Phong; xã Khả Phong có 2 thôn là Khả Phong và Khuyến Công; xã Ba Sao có 3 thôn là Cốc, Tam Chúc và Vồng.

Đến năm 1971, thực hiện chủ trương của Nhà nước về cải tiến hợp tác xã nông nghiệp, thôn Vồng xã Ba Sao được cắt về Khả Phong cùng với thôn Khuyến Công thành lập hợp tác xã nông nghiệp cấp cao. Từ đó xã Khả Phong có 3 thôn là Khả Phong, Khuyến Công và Vồng.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính tinh, huyện, xã của Nhà nước, ngày 26 tháng 6 năm 1976, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định sáp nhập 2 xã Khả Phong và Ba Sao thành xã Khả Phong. Hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức quy mô toàn xã, thành lập 18 xóm đồng thời là 18 đội sản xuất. Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, tháng 3 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định tách xã Khả Phong thành 2 xã là Khả Phong và Ba Sao, đồng thời điều chỉnh lại địa giới hành chính của xã Khả Phong. Từ đó đến nay, xã Khả Phong có 3 thôn và được tổ chức thành 16 xóm.

Người dân quê tôi có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Ngay từ thời Pháp thuộc, trên đất Kim Bảng có nhiều phong trào yêu nước chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, với các sĩ phu yêu nước có tư tưởng chống Pháp như cụ Đề Yêm ở Đồng Lạc, cụ Quản Cầu ở Lưu Xá, cụ Nguyễn Hữu Tài ở Thụy Xuyên... Hưởng ứng phong trào yêu nước của các sĩ phu yêu nước Kim Bảng, ở Khả Phong có cụ Quản Phổ làm quan “tứ phẩm” cùng cụ Đội Kình và một số sĩ phu yêu nước khác từ Thanh Hóa - Nam Định về Khả Phong lập căn cứ chống Pháp ở khu Văn Miếu tại Xốc Rôm dưới chân núi Yên Ngựa. Thời kỳ 1929-1930, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Kim Bảng phát triển mạnh, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình... thường xuyên về Kim Bảng và Khả Phong chỉ đạo và giúp đỡ xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1930, cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Hà Nam đóng ở xã Quyển Sơn (Thi Sơn). Cơ sở in ấn tài liệu của Tỉnh ủy đặt ở Khả Phong.

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhân dân xã Khả Phong quê tôi bừng bừng khí thế đấu tranh đã tham gia giành chính quyền ở huyện Kim Bảng và ở địa phương, bắt bọn cường hào lý dịch phải nộp triện đồng, giải tán chính quyền phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng lâm thời của xã.

Cuối tháng 9 năm 1945, Ban chấp hành Mặt trận Việt Minh lâm thời của huyện được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Kim Bảng, của chính quyền cách mạng lâm thời xã, các tổ chức quần chúng ở Khả Phong được thành lập và hoạt động sôi nổi. Mọi tầng lớp nhân dân Khả Phong hăng hái thi đua thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ “thi đua phát triển sản xuất, phát triển chăn nuôi, thực hành tiết kiệm, tự túc tự cấp lương thực để chống giặc đói”.



-----------------------------------------------------------------------------------
1. Theo sắc phong của vua Minh Mạng và vua Đồng Khánh cho cụ Lê Văn Phổ, nay còn lưu giữ tại nhà thờ họ Lê.
2. Năm 1981, đình thôn Đông được Nhà nước tặng Bằng có công với nước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 01:06:41 pm »

Trước âm mưu và những hoạt động khiêu khích của quân Pháp muốn chiếm lại nước ta lần nữa, ngày 20 tháng 12 năm 1946 Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tiếp đó ngày 22 tháng 12 năm 1946 Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ và thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong huyện sôi sục ý chí chiến đấu chống quân xâm lược. Hàng trăm thanh niên hăng hái tòng quân. Hàng nghìn người gia nhập lực lượng dân quân du kích ở các làng, xã với trang bị bằng các vũ khí tự tạo, bằng dao, kiếm, mã tấu, lựu đạn ngày đêm hăng say luyện tập để đánh giặc, giữ làng.

Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, khi các khu vực xung quanh bị địch tạm chiếm thì Khả Phong là vùng tự do ở tả ngạn sông Đáy, là nơi du kích địa phương hoạt động. Quân Pháp đã nhiều lần tổ chức đánh chiếm nhưng không chiếm được và không xây dựng được đồn bốt để lập vành đai trắng và lập tề ở Khả Phong. Do đó, chúng buộc phải chuyển sang xây dựng đồn bốt trên đỉnh núi Nguỳ ở xã Tân Sơn và thường xuyên tăng cường bắn phá vào xã Khả Phong để uy hiếp nhân dân. Khả Phong quê tôi cùng các làng mạc bên tả ngạn sông Đáy còn là cửa ngõ, là hành lang an toàn của đường dây kháng chiến từ trong vùng địch tạm chiếm ra căn cứ Khu 3, vượt qua các đường số 1, 21, 22 vào vùng tự do, băng qua những cánh đồng chiêm trũng của các xã Hoàng Tây, Văn Xá, Kim Bình, Đồng Hóa, Ngọc Sơn để nối liền vùng tự do với căn cứ kháng chiến của ta. Cùng với Ba Sao, Lạc Thủy, Khả Phong từng là nơi trú quân của bộ đội Trung đoàn 66 chủ lực (Trung đoàn Ký Con) thuộc Đại đoàn 304 và là căn cứ xuất phát của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực vượt phòng tuyến sông Đáy đánh vào vùng địch tạm chiếm.

Là vùng tự do tiếp giáp với vùng địch tạm chiếm nên quân và dân quê tôi thường xuyên phải chiến đấu đánh trả các cuộc càn quét và bắn phá của máy bay, pháo binh của giặc Pháp. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Khả Phong, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân quê tôi đã anh dũng chiến đấu, đánh hàng chục trận, đẩy lùi các cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp vào làng quê mình. Hưởng ứng phong trào thi đua tổng phản công của Tỉnh ủy Hà Nam, chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân kẻ khẩu hiệu tuyên truyền trên tường, trên vách núi... Trên đồi Bàn Cờ, nhân dân xã Khả Phong đã kẻ dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” rất to, ở cách xa 3-4 cây số vẫn có thể nhìn rõ. Đồi Bàn Cờ còn là nơi nổi lửa phát động các phong trào du kích đánh giặc, là điểm hẹn gặp gỡ của bộ đội và nhân dân giữa hai vùng tự do và địch tạm chiếm.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, vừa chiến đấu bảo vệ làng quê, nhân dân quê tôi luôn hăng hái lao động sản xuất, huy động sức người, sức của cho kháng chiến. Vượt lên những mất mát đau thương do bom đạn địch và khó khăn gian khổ, với khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến thắng lợi”, hàng trăm thanh niên hăng hái tòng quân vào các đơn vị bộ đội để trực tiếp đánh giặc. Các nữ thanh niên cũng hăng hái gia nhập các đơn vị thanh niên xung phong hoả tuyến. Toàn xã có hàng nghìn lượt người tham gia dân công hoả tuyến phục vụ các chiến dịch.

Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi ngày 7 tháng 5 năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 3 tháng 7 năm 1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng đã phải rút khỏi Nhật Tựu - sào huyệt cuối cùng của chúng trên đất Kim Bảng. Từ đây quê hương tôi hoàn toàn giải phóng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ (1945-1954), quân và dân quê tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bố tôi là Phạm Văn Huệ, mẹ là Nguyễn Thị Nghiễm phải đi làm thuê cấy rẽ cho địa chủ, hết mùa vụ thì đi chăn trâu thuê cho các gia đình giàu có để có cơm ăn như bao gia đình nông dân nghèo khác. Bố mẹ tôi sinh được 5 người con, ba con trai đầu (anh cả tên Hệ sinh năm 1945, tôi sinh cuối tháng 8 năm 1947, em trai tên Vệ sinh năm 1954) và hai cô con gái sau (tên là Duệ sinh năm 1957 và Dự sinh năm 1961). Tôi là con trai thứ hai trong gia đình. Tuổi thơ của anh em chúng tôi gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là những ngày theo cha mẹ gồng gánh chạy càn, những lần chui hầm tránh bom, tránh pháo của giặc Pháp..., là những bữa cháo, bữa rau, khoai sắn đắp đổi qua ngày...

Ngày 27 tháng 10 năm 1955 là ngày hội của người nông dân Khả Phong, ngày đi cắm thẻ nhận ruộng - niềm mơ ước ngàn đời của người nông dân nay đã được thực hiện. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ phong kiến, thực hiện chính sách người cày có ruộng, người nông dân thực sự làm chủ ruộng đồng. Hòa cùng ngày hội chung cùng nhân dân toàn xã Khả Phong, gia đình tôi cũng đi cắm thẻ nhận ruộng trong cải cách ruộng đất. Lúc này tôi đã lên tám tuổi. Tôi còn nhớ, hôm đó bố tôi dắt tôi đến nhà địa chủ T., thấy đội cải cách đang chia tài sản cho nhân dân nghèo. Một chú cán bộ đội cải cách hỏi tôi: cháu thích gì để chú cho? Tôi chỉ vào một chiếc bát sứ rất đẹp và xin chú chiếc bát đó. Từ khi được chú cán bộ đội cải cách cho chiếc bát, hằng ngày tôi ăn cơm bằng chiếc bát đó. Trong cải cách ruộng đất, gia đình tôi được phân 3 sào ruộng, 1 cái cày và “nửa” con trâu (gia đình tôi được chia chung với gia đình ông Vệ cùng xóm nên hai gia đình cứ chia nhau mỗi nhà chăn 10 ngày). Mặc dù phải chung trâu với nhà khác nhưng anh em tôi rất vui, vì lúc này nửa con trâu là tài sản có giá trị nhất của gia đình tôi. Anh em tôi chỉ mong đến lượt nhà mình chăn trâu. Mỗi khi đến lượt, anh em tôi cùng dắt trâu ra chân đồi và khu vực ven cánh đồng làng để trâu ăn cỏ. Tôi còn bé nên thường được anh trai cho cưỡi trên lưng trâu, còn anh thì dắt bộ.

Hòa bình lập lại, tôi được đi học lớp 1 do thầy Cầm, thầy Khánh, thầy Tuân dạy một số học sinh ở đình thôn Đông. Lên lớp 2 tôi mới được vào học ở trường làng. Hằng năm, trước ngày 19 tháng 5, chúng tôi được các thầy cô tổ chức lên đồi Hồ Chí Minh để phát cỏ và sửa sang nét chữ. Tôi được biết dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” do Đảng bộ và nhân dân Khả Phong khắc trên sườn đồi từ năm 1949 để thể hiện lòng tôn kính Bác Hồ và biết ơn công lao của Bác đã mang lại độc lập, tự do cho nhân dân, đồng thời cổ vũ nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến. Từ năm 1957 đến năm 1961, tôi được vào học ở Trường cấp II Khả Phong. Năm 1961, tôi đạt danh hiệu “Học sinh hai tốt” và được đi tham quan Trường Bắc Lý- huyện Lý Nhân - một điển hình tiên tiến trong phong trào “Hai tốt” của ngành Giáo dục. Những năm học cấp II, buổi sáng tôi đến trường, buổi chiều đi chăn trâu, khi về trên lưng trâu của tôi thường có một đon cỏ cho trâu hoặc một bó khoai nước mang về cho mẹ nấu cám cho lợn. Những năm đầu cấp II, ngày nghỉ chủ nhật không phải đến trường tôi thường theo bố và anh cả vào rừng chặt củi. Có nhiều hôm mải tìm những cây củi mình ưng ý trong rừng nên tôi bị lạc, làm bố và anh phải đi tìm. Hằng năm vào mùa hè cũng là lúc cánh đồng quê tôi ngập nước mênh mông, thuyền nan có thể đi được vào giáp dãy núi Ba Sao. Nhiều hôm một mình tôi tự đi thuyền vào rừng chặt được cả thuyền củi mang về để dùng và đem bán cho lò gốm ở thị trấn Quế huyện Kim Bảng lấy tiền mua gạo và thức ăn. Những năm học lớp 4, lớp 5, tôi và trẻ con trong làng thường thả trâu ở bãi tha ma rất rộng ven cánh đồng làng. Hằng ngày làng tôi có vài chục đứa đưa trâu ra đó để thả. Chúng tôi thường chơi trò ẩn tìm hoặc chia thành hai phe đánh trận giả.

Hè năm 1963, tôi học hết lớp 7 và thi tốt nghiệp cấp II. Bố mẹ khuyên tôi đi học tiếp cấp III, nhưng lúc này các em tôi còn bé, trường lại ở xa và chỉ có bố và anh tôi là lao động chính trong gia đình, mẹ tôi ốm yếu chỉ làm việc nhà; trong khi đó, phong trào thi đua của hợp tác xã lúc này là nhà nào có nhiều công, có nhiều điểm thì được nhiều thóc nên tôi xin nghỉ học ở nhà tham gia lao động sản xuất phụ giúp gia đình.

Theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, năm 1965, anh Hệ nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, anh tôi đi B. Từ khi anh cả nhập ngũ, mẹ tôi ốm đau luôn,  hoàn cảnh gia đình càng ngày càng khó khăn. Thời kỳ này, sau khi gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8 năm 1964), đế quốc Mỹ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc. Phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân quê tôi vừa chiến đấu, vừa sản xuất, bảo vệ quê hương và hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ đây, mọi hoạt động của nhân dân quê hương tôi đều chuyển vào nếp sống thời chiến.

Ngày 15 tháng 2 năm 1965, hưởng ứng phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác” và “Thanh niên ba sẵn sàng”, tôi tình nguyện đi tham gia xây dựng công trình thủy điện Thác Bà tại tỉnh Yên Bái (năm đó tôi chưa đầy 18 tuổi). Ban đầu tôi làm công nhân lao động phổ thông, chuyên xây dựng lán trại cho công nhân và khai thác đá làm đường. Lần đầu tiên đi thoát ly gia đình, phải sống tự lập trong môi trường tập thể, tôi không khỏi nhớ nhà. Nhưng tôi luôn lao động tích cực và đạt ngày công theo quy định. Trong các đợt bình bầu thi đua, tôi đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Sau một năm lao động tích cực, tôi được Nhà máy thủy điện Thác Bà tuyển chọn đi học lái xe ô tô. Tháng 6 năm 1966, tôi về học lái xe tại Trường đào tạo lái xe của Công ty Thủy điện Thác Bà. Với trình độ tốt nghiệp cấp II, nên khi bắt đầu vào học tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự dạy bảo tận tình của các thầy giáo cùng sự chịu khó mày mò học hỏi, tiếp thu kiến thức tốt nên tôi tiến bộ rất nhanh. Ở đây tôi được đào tạo cơ bản từ lý thuyết đến thực hành... Giai đoạn này, không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt vào tỉnh Yên Bái và khu vực công trường thủy điện Thác Bà. Trường chúng tôi phải sơ tán vào một khu rừng già cách nhà máy khoảng 7 cây số. Đây là khu vực sinh sống của đồng bào người dân tộc Cao Lan.

Buổi sáng chúng tôi học lý thuyết, buổi chiều thì tự ôn. Hằng ngày, sau buổi học lý thuyết và ăn bữa cơm trưa, mấy anh em chúng tôi rủ nhau vào trong bản vừa ôn bài vừa sơ tán. Một hôm máy bay Mỹ đánh phá vào bản, một số nhà dân bị cháy, nhiều người chết và bị thương. Lúc đó, chúng tôi ở cách xa vị trí bom nổ khoảng 100 mét, đã nhanh chóng đến cứu chữa nhà cháy và sơ cấp cứu bị thương, cùng dân bản đưa người bị thương đi viện. Khi xong việc, tôi mới nhớ mình bị mất cuốn sách lý thuyết động cơ ô tô, tôi cố tìm mãi nhưng không thấy. Hôm sau, khi kiếm tra bài tôi không thuộc nên bị thầy giáo cho điểm kém. Sau đó, tôi phải mượn sách của anh Minh - lớp trưởng chép lại từ đầu. Cũng thời gian này, tôi nhận được tin buồn do gia đình báo lên. Anh Hệ tôi đã hy sinh ở tuyến đường 20 Quyết Thắng, đơn vị và địa phương đã báo về gia đình. Nhận được tin, tôi rất buồn, những ký ức về người anh cả của tôi ngày xưa cứ hiện lên. Tôi buồn mất mấy ngày, có lúc muốn bỏ cả học để về nhà. Anh Minh - lớp trưởng và các bạn bè cùng học đã đến động viên tôi cố gắng vượt qua nỗi đau. Mấy ngày sau đó tôi nén đau buồn và tiếp tục cố gắng học tập để xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình và sự hy sinh của anh trai cũng như bao anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương để chúng tôi được học tập ở hậu phương.

Sau 8 tháng học lý thuyết với kết quả tốt, tôi được chuyển sang học thực hành, được các trợ giáo chỉ bảo nhiệt tình nên tôi đã nắm vững cả lý thuyết và thực hành. Sau thời gian hoàn thành thực hành trên đường, những tháng cuối cùng chúng tôi thường phụ xe, phụ lái cho một lái xe chính chở đá từ công trường khai thác đá khu vực Nhà máy thủy điện Thác Bà ra sân bay Cổ Phúc, cách thị xã Yên Bái về phía bắc khoảng 7 cây số. Giai đoạn này nước ta đang xây dựng sân bay Cổ Phúc - Yên Bái. Cứ mỗi ngày 2 chuyến, chúng tôi chạy từ Thác Bà xuống Yên Bái, cả đi lẫn về khoảng 120 cây số. Thời gian này, máy bay Mỹ đánh phá thị xã Yên Bái rất ác liệt. Do vậy chúng tôi phải vận chuyển vào ban đêm, từ 4 giờ chiều hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Một hôm, đoàn xe của chúng tôi đi đến đầu thị xã Yên Bái thì bị máy bay Mỹ đánh bom trúng chiếc xe đi đầu. Đó là xe của anh Duyến (lái chính) và anh Phúc (học cùng lớp tôi) là lái phụ. Xe trúng bom bị lật ngửa, bẹp rúm ca-bin, cả lái chính và lái phụ đều hy sinh. Xe chúng tôi đi sau phải dừng lại cùng các lái xe khác tìm mọi cách để đưa thi hài hai anh từ trong ca-bin ra. Xe của tôi phải đổ đá xuống đường để chở anh Duyến và anh Phúc về Thác Bà để đơn vị tổ chức mai táng.

Sau 3 tháng thực hành ở bãi tập và trên đường, tháng 5 năm 1967 tôi tốt nghiệp và được cấp bằng lái xe tải. Sau đó tôi dược điều về công tác tại công trường 3 Nhà máy thủy điện Thác Bà.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 01:10:28 pm »

Chương hai
NHỮNG NGÀY ĐẦU NHẬP NGŨ - VÀO CHIẾN TRƯỜNG THAM GIA NHỮNG TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN


Sau khi về công trường 3 Nhà máy thủy điện Thác Bà, tôi được phân công tham gia khai thác và vận chuyển đá sỏi để xây dựng nhà máy. Nhưng nhận công việc lái xe chưa được bao lâu thì theo yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 5 tháng 8 năm 1967 tôi được lệnh gọi nhập ngũ (năm đó tôi hơn 19 tuổi). Được nhập ngũ lúc này là niềm vinh dự đối với tôi. Vì từ ngày nhận được tin anh trai cả hy sinh tôi luôn ấp ủ tâm nguyện sẽ nhập ngũ để tiếp bước anh đi đánh giặc, cứu nước. Sau ba ngày tập trung và nhận quân trang ở Yên Bái, đoàn tân binh chúng tôi bắt đầu hành quân về Thái Nguyên. Chúng tôi đi từ Thác Bà - Yên Bái qua bến phà Hiên về Nông trường Tháng 10 ở Tuyên Quang. Sau một đêm hành quân, sáng hôm sau chúng tôi dừng chân ở một bản người dân tộc Cao Lan thuộc Nông trường chè Tháng 10. Đây là lần đầu tiên tôi đi bộ xa, nên hai bàn chân sưng vù, bỏng rát tưởng chừng không thể đi được nữa. Tranh thủ lúc nghỉ ban ngày, làm theo kinh nghiệm của các đồng chí cán bộ tiểu đội và trung đội, đồng chí tiểu đội trưởng lấy muối giúp tôi hòa nước ấm để ngâm chân nên các vết phồng rộp xẹp dần, tối hôm đó tôi lại tiếp tục hành quân được. Cứ như vậy, ban đêm hành quân, ban ngày chúng tôi lại nghỉ. Sau 4 đêm hành quân, chúng tôi về đến một xóm nhỏ nằm xen lẫn trong khu rừng già phía đông chân dãy núi Tam Đảo thuộc xã Bình Sơn huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái.

Đến vị trí mới, tôi được biên chế về Tiểu đội 9 Trung đội 3 Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 2A thuộc Đoàn 250 Quân khu Việt Bắc. Vì doanh trại đơn vị không đủ cho lực lượng tân binh mới nhận, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chủ trương: Tận dụng mọi khả năng để đảm bảo tại chỗ, chủ động tổ chức cho bộ đội khai thác nguyên vật liệu xây dựng thêm doanh trại. Mấy ngày sau đó, chúng tôi bắt tay vào khai thác gỗ, tranh, tre và nứa để xây dựng doanh trại. Sau gần nửa tháng khắc phục khó khăn, gian khổ, vất vả, cơm nắm, cơm vắt với muối vừng, muối lạc, vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối, chúng tôi đã xây dựng xong cơ bản doanh trại, đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở cho lực lượng tân binh. Đầu tháng 9 năm 1967, chúng tôi bắt đầu bước vào huấn luyện. Giai đoạn này, ban ngày chúng tôi học chính trị và huấn luyện các động tác kỹ thuật cá nhân chiến đấu, xạ kích và các hình thức chiến thuật từ cá nhân đến tiểu đội. Ban đêm chúng tôi luyện tập hành quân đường dài, trên lưng chúng tôi khi hành quân luyện tập là những chiếc sọt đan bằng tre đựng đầy đất đá, khoảng 18-20 cân. Cứ sau một tuần, các đồng chí chỉ huy lại chỉ đạo tăng cân lên, ai mang được nặng hơn thì được biểu dương khen thưởng. Do đó, chúng tôi thi đua, người nào cũng muốn mang nặng hơn người khác. Những ngày đầu, hai vai và lưng tôi ê ẩm, tưởng chừng không nhấc nổi chiếc sọt đất lên vai, nhưng rèn luyện dần dần, chỉ sau một tuần tôi đã mang được từ 25-28 cân, rồi 30 cân và là một trong những người mang được số cân nặng nhất trong tiểu đội.

Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được bắn đạn thật các loại súng. Sau đó tôi được biên chế về tổ hỏa lực và được phân công là xạ thủ chính trung liên RPĐ. Từ đó, hằng ngày tôi làm bạn và huấn luyện với khẩu trung liên nặng hơn 7 cân. Với ý thức “Thao trường có đổ mồ hôi, thì chiến trường mới bớt rơi máu đào”, là một thanh niên có sức khỏe, nên tôi luôn quyết tâm rèn luyện, học tập hăng hái và tích cực tham gia công việc của tiểu đội, trung đội, bắn đạn thật luôn đạt điểm cao.

Đời tân binh của tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng nhớ nhất là một lần đơn vị tổ chức cho bộ đội đi chặt nứa xây dựng doanh trại, tôi được phân công đi lấy măng để cải thiện cho tiểu đội. Vì quá mải tìm măng, tôi bị lạc trong rừng không biết đường ra, tiểu đội phải cho người đi tìm mất nửa ngày, còn tôi từ lúc biết mình bị lạc thì cứ men theo con suối nhỏ để tìm đường ra. Rất may, khi ra đến bờ sông Công thì tôi gặp người được đơn vị cử đi tìm. Một lần khác, đơn vị tổ chức huấn luyện đêm. Trong quá trình vận động, tôi làm rơi hộp phụ tùng của súng trung liên. Hết giờ huấn luyện đại đội tập hợp kiểm tra mới phát hiện mất, cả tiểu đội đốt đuốc tìm trong rừng, phải đến 3 giờ sáng mới thấy. Lần đó tôi bị phê bình trước tiểu đội và trung đội. Từ đó tôi luôn cố gắng phấn đấu để không bao giờ mắc phải khuyết điểm. Trong huấn luyện, tôi luôn đầu tàu gương mẫu, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tiểu đội và cấp trên giao. Với thành tích phấn đấu xuất sắc, cuối năm 1967 tôi được giới thiệu học lớp cảm tình Đảng của đơn vị.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu của mình, Tết Mậu Thân 1968, tôi được đơn vị thưởng phép về quê đón xuân cùng gia đình. Sau hai năm xa nhà, kể từ ngày tôi thoát ly đi làm công nhân ở Nhà máy thủy điện Thác Bà, rồi nhập ngũ, nay được về quê ăn tết nên tôi rất háo hức. Không biết những người thân của tôi bây giờ ra sao, chuẩn bị tết như thế nào, quê hương tôi đã có gì thay đổi... Trong bộ quân phục Tô Châu mới, tôi đi bộ từ nơi đóng quân qua huyện Phổ Yên, qua Đông Anh - Hà Nội rồi đi tàu hoả về Hà Nam, rồi từ đó đi bộ về làng. Khi đi đến dốc quèn Vồng, chân tôi như bước nhanh hơn, trong tôi chợt tràn về bao kỷ niệm thời thơ ấu. Thế là tôi sắp được nhìn thấy làng quê mình. Từ dốc quèn Vồng tôi có thể thấy khói đang tỏa ra từ ống khói của Xí nghiệp gạch ngay đầu làng tôi. Vì là vùng bán sơn địa nên những lúc nông nhàn người dân quê tôi xin đóng gạch theo mùa vụ cho Xí nghiệp gạch. Đây chính là một nghề phụ của người dân quê tôi. Khi chưa thoát ly, những dịp nông nhàn, anh em tôi thường rủ nhau xin đóng gạch cho xí nghiệp để kiếm thêm tiền. Đi thêm một đoạn nữa là đến chân đồi Hồ Chí Minh. Đây là nơi anh em chúng tôi và lũ trẻ chăn trâu cùng làng thường thả trâu ăn cỏ rồi rủ nhau chơi trận giả. Nhìn từ xa, bên sườn đồi vẫn hiện rõ dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”. Đến con dốc rẽ vào làng cạnh Xí nghiệp gạch, lòng tôi bồi hồi hơn. Đã hai năm trôi qua, quê hương tôi vẫn không thay đổi nhiều. Dọc theo con đường về làng cánh đồng lúa thơm thơm mùi đất, vừa đổ ải chuẩn bị cấy vụ Xuân Hè, đến ngã ba đường rẽ về xóm rặng nhãn đang trổ lá non màu nâu đỏ bóng sáng lên dưới ánh nắng buổi trưa. Vừa bước vào sân, thấy mẹ tôi đang lụi cụi nấu cơm trong bếp, tôi định sẽ làm mẹ bất ngờ nhưng như linh tính mách bảo mẹ ngoảnh mặt ra ngoài sân nên nhìn thấy tôi ngay. Có lẽ vì quá bất ngờ do tôi không báo tin với gia đình là sẽ vể quê ăn tết nên mẹ tôi sững lại một chút rồi chạy ào ra ôm chầm lấy tôi. Mẹ tôi trách sao không báo trước để mẹ bảo người đi đón. Một lúc sau thì bố tôi và các em tôi cũng về đến nhà, ai cũng ngạc nhiên vì tôi được về thăm nhà đúng dịp tết. Rồi hàng xóm kéo đến mỗi lúc một đông. Mọi ngưòi thi nhau hỏi thăm tôi. Vì từ ngày đi thoát ly làm công nhân ở Nhà máy thủy điện Thác Bà đến khi nhập ngũ tôi chỉ biên mấy dòng thư cho gia đình để thông báo tình hình nên mọi người rất vui mừng khi thấy tôi chững chạc và trưởng thành hơn trong bộ quân phục. Hàng xóm chúc mừng bố mẹ tôi vì tết này cả gia đình được sum họp đầm ấm.

Bữa cơm ngày tết cùng gia đình sau hai năm tôi đi xa được mẹ tôi chuẩn bị khá thịnh soạn, có đủ cả thịt mỡ, dưa hành. Ngày tết quê tôi không có nhiều hội hè như những nơi khác nên những ngày đón tết cùng gia đình tôi tranh thủ đưa bố mẹ đi thăm họ hàng và những người thân trong gia đình.

Hai năm rồi mới được về thăm nhà, rồi không biết khi nào lại được về nữa nên tôi tranh thủ thời gian rảnh phụ giúp bố mẹ và các em sửa chưa một số đồ đạc trong nhà.

Trong những ngày sum họp cùng gia đình vui tết, nhân dân quê tôi, gia đình tôi đầy háo hức và vui mừng đón tin chiến thắng từ chiến trường miền Nam dội về. Từ ngày 30 tháng 1 năm 1968, quân và dân miền Nam đã mở cuộc Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng loạt tiến công vào các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng ở hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đánh bại ý chí xâm lược của chúng, buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt, mở đầu thời kỳ đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cùng hoà niềm vui chung với mọi người, tôi không khỏi tự hào trong chiến công chung ấy có phần đóng góp của gia đình tôi, xương máu của anh cả tôi và tôi - một chiến sĩ đang háo hức chờ ngày ra trận để lập công.

Thế rồi mấy ngày nghỉ phép cũng hết. Đến mùng 6 tết, tôi trả phép đúng thời hạn quy định của đơn vị.

Ngày 10 tháng 2 năm 1968, đơn vị chúng tôi được nhận lệnh hành quân đi B. Với khẩu trung liên RPĐ, cùng 300 viên đạn và ba lô, trang bị cá nhân của tôi nặng tới gần 30 cân. Chúng tôi hành quân bộ từ huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, đêm đi, ngày nghỉ. Đường hành quân của chúng tôi đi qua các huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Hiệp Hoà (Hà Bắc), Khoái Châu (Hưng Yên)... đến các trạm nghỉ, chúng tôi được nhân dân giúp đỡ nấu ăn và đun nước muối nóng để ngâm chân.

Ngày 15 tháng 2 năm 1968, đơn vị chúng tôi tạm dừng chân ở một làng thuộc huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên. 8 giờ tối hôm đó, tại ngôi đình làng, chi bộ Đảng của đại đội đã tổ chức kết nạp Đảng cho tôi. Đó là ngày tôi không bao giờ quên trong ký ức của mình, ngày mà tôi nguyện suốt đời trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Đêm hôm ấy, tôi nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên của các đồng chí, đồng đội, tôi lại càng nhận rõ trách nhiệm mới nặng nề nhưng vẻ vang của mình là người đảng viên cộng sản, và tự hứa sẽ không ngừng phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân.

Ngày hôm sau, đơn vị chúng tôi hành quân tiếp qua các huyện Duy Tiên, Bình Lục - quê hương Hà Nam thân yêu của tôi. Vừa được về thăm nhà trong dịp nghỉ phép đợt tết nhưng khi đi qua quê hương trong lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Tôi thầm nghĩ: Tạm biệt quê hương yêu dấu, tạm biệt bố mẹ thân yêu, con cùng đồng đội đang hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Con sẽ cố gắng lập nhiều chiến công để xứng đáng với sự hy sinh của anh cả, của bao người con đất Việt.

Qua Hà Nam, đơn vị chúng tôi vượt sông Đáy qua huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình và từ đó theo đường giao liên vào huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình, rồi vào Thanh Hóa, theo tuyến đường 559 vào tỉnh Quảng Bình. Dọc đường hành quân, tôi càng cảm phục tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, những hy sinh mất mát của quân và dân đất lửa Khu 4 trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trước thất bại nặng nề về quân sự và chính trị ở cả hai miền Nam, Bắc, ngày 31 tháng 3 năm 1968, tổng thông Mỹ, Giôn-xơn đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhưng ngay sau đó, Mỹ dã tăng cường đánh phá quyết liệt các trọng điểm giao thông của Khu 4 nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường. Nhiều xóm làng, trường học bị đánh phá, những Truông Bồn (Nghệ An), Đồng Lộc (Hà Tĩnh),... bị bom Mỹ cày xới và không một làng nào ở Quảng Bình không bị bom Mỹ phá hoại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 01:15:02 pm »

Ngày 15 tháng 4 năm 1968, đơn vị chúng tôi đến vị trí giao quân cho đơn vị mới. Tôi được biên chế về Đại đội 11 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 chiến đấu trên chiến trường Bắc Quảng Trị. Từ ngày hôm đó, tôi chính thức trở thành anh chiến sĩ giải phóng quân. Được biên chế về Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 là một vinh dự lớn đối với tôi, vì đây không chỉ là một đơn vị có bề dày truyền thống chiến đấu mà còn là đơn vị từng có thời kỳ đóng quân và chiến đấu trên mảnh đất quê hương tôi trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi thầm hứa sẽ cố gắng phấn đấu để phát huy truyền thông của đơn vị và quê hương mình.

Ngày hôm sau, đơn vị chúng tôi hành quân theo đường Trường Sơn vào đến trạm giao liên 15 thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Tối hôm đó, chúng tôi nghe tiếng bom B-52 rải thảm cạnh trạm giao liên trên sườn núi. Mặc dù đã nhiều lần nghe tiếng máy bay, tiếng bom đạn của Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự oanh tạc, gầm rít của phản lực B-52... và được hiểu thêm những khó khăn, vất vả hy sinh của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến và ở các trạm giao liên. Tôi và đồng đội càng nung nấu quyết tâm, mong sớm được trực tiếp chiến đấu, trả thù nhà, đền nợ nước và giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tại cánh rừng già - khu vực hậu cứ của trung đoàn, chúng tôi được nghe đồng chí Đại úy Lê Xuân Lộc - Chính trị viên Tiểu đoàn 9 nói chuyện truyền thống của Trung đoàn 66, phổ biến tình hình nhiệm vụ của đơn vị và được nghe đồng chí Trần Hữu Bào, gương điển hình trong chiến đấu trực tiếp kể về trận đánh của mình trong mùa Xuân năm 1968.
Trung đoàn 66 bí danh là “Trung đoàn Ký Con”, thành lập ngày 20 tháng 3 năm 1947 tại khu vực Khổng Mục - Trán Voi thuộc vùng Xuân Mai - huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội. Là một trong những trung đoàn chủ lực được thành lập đầu tiên của Liên khu 3 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Với nhiều chiến công vang dội, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết - Kiên cường - Trung dũng - Đánh thắng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ đàn anh của Trung đoàn 66 đã cùng các đơn vị bạn làm nên chiến thắng vang dội, đánh dập đầu quân viễn chinh Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng ngay khi chúng vừa đặt chân đến đất Tây Nguyên.

Từ ngày 20 tháng 1 năm 1968, ta mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh để tạo điểu kiện và phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Sư đoàn 304 là sư đoàn đảm nhiệm tác chiến trên địa bàn chủ yếu của chiến dịch ở huyện Hướng Hoá - Quảng Trị. Những Huội San, Làng Vây, Tà Cơn đã gắn liền vối những chiến công vang dội của các đơn vị thuộc Sư đoàn 304.

Đồng chí Bào kể cho chúng tôi nghe về trận đánh giữ chốt trên điểm cao 595. Đồng chí Trần Hữu Bào là Tiểu đội phó Tiểu đội 3 Trung đội 1 Đại đội 5 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Điểm cao 595 gồm hai mỏm 595 và một mỏm có bình độ thấp hơn. Đây là điểm cao khống chế trục đường số 9 nằm ở phía Tây, cách cứ điểm Tà Cơn khoảng 1 cây số. Địch rất muốn nhổ điểm cao này để bảo đảm an toàn cho hành lang đường số 9, còn ta thì quyết giữ bằng được để có điều kiện vây ép, đánh chiếm cứ điểm Tà Cơn sau này. Trung đội 1 thuộc Đại đội 5 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 595. Tiểu đội 1 và Tiểu đội 2 chốt ở mỏm thấp, có súng máy phòng không 12,7 ly và cối 60 ly chi viện. Tiểu đội 3 có 5 đồng chí, do đồng chí Trung đội phó Hoàng Nhất Linh chỉ huy chốt ở mỏm 595 và được chia làm 2 tổ. Đồng chí Đợi - Tiểu đội trưởng phụ trách một tổ, đồng chí Trần Hữu Bào - Tiểu đội phó phụ trách một tổ.

Ngày 6 tháng 4 năm 1968, sau khi đổ quân được bốn ngày, quân Mỹ cho lính kỵ binh bay tổ chức đánh chiếm điểm cao 595. Sau khi cho phi pháo đánh phá dữ dội, lực lượng địch tiến dần lên chốt. Đợi cho địch đến gần tầm bắn, lực lượng của Trung đội 1 trên cả hai mỏm đồng loạt nổ súng. Dựa vào lực lượng đông, địch lại tiếp tục tổ chức tiến công lên chốt bất chấp các loại hỏa lực bắn chế áp của ta. Ta và địch giành giật với nhau từng chiến hào, từng ụ đất rất quyết liệt. Dưới sự chỉ huy linh hoạt của Trung đội phó Linh, các tổ của đồng chí Đợi và đồng chí Bào chiến đấu rất dũng cảm đẩy lùi các đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 120 tên.

Sang ngày 7 tháng 4, địch lại đổ thêm một đại đội kỵ binh bay của Mỹ xuống một điểm cao gần điểm cao 595 nhằm tăng cường lực lượng hòng đánh chiếm cao điểm 595. Chúng bỏ cả quy luật ngày đánh, đêm nghỉ, quần nhau với ta cả ngày đến 20 giờ tối. Lúc này Tiểu đội trưởng Đợi hy sinh, Trung đội phó Linh và 3 chiến sĩ bị thương nặng nên trên trận địa chỉ còn Trần Hữu Bào. Anh băng bó cho các anh em bị thương và nhanh chóng đưa họ về hầm dự bị để quay lại tiếp tục chiến đấu. Anh thu gom được hơn 20 quả lựu đạn, các súng B40, súng trung liên và AK của đồng đội anh để sẵn ở các hố chiến đấu. Rồi anh bò ra khỏi hầm dùng B40, lựu đạn đánh tới tấp vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng hốt bỏ chạy, bỏ lại nhiều xác chết. Nhờ tiếng súng của đồng chí Bào nên tiểu đoàn biết Tiểu đội 3 vẫn còn và lập tức cho người lên chi viện, tiếp tục giữ vững trận địa và chuyển thương binh và tử sĩ về tuyến sau.

Với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quyết tâm “còn người còn trận địa”, chỉ với một trung đội các đồng chí đã đẩy lùi một tiểu đoàn lính Mỹ, không cho chúng chiếm điểm cao, diệt gần 200 tên, riêng đồng chí Bào, 19 tuổi đời, một năm tuổi quân đã diệt 79 tên. Tiểu đội đồng chí Bào lập kỷ lục 1 diệt 40, dược anh em trong đơn vị ca ngợi và tặng cho danh hiệu “595 là chốt thép kiên cường” 1.

Noi gương chiến đấu của tiểu đội đồng chí Bào, toàn đơn vị chúng tôi hăng say rèn luyện, học tập để sẵn sàng vào chiến đấu và mọi người đều háo hức lập công.

Sau 3 ngày học chính trị tại hậu cứ trung đoàn, đêm 19 tháng 4 chúng tôi nhận lệnh hành quân về vị trí tập kết mới của đại đội ở gần căn cứ địch ở phía bắc quận lỵ Hướng Hóa. Cũng đêm hôm đó, địch dùng B-52 ném bom vào sở chỉ huy Sư đoàn 304, đồng chí Nguyễn Trọng Hợp - Phó chính ủy sư đoàn và một số đồng chí khác bị thương. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đi cáng thương, đưa đồng chí Hợp ra trạm phẫu thuật của sư đoàn.

Ngày 20 tháng 4, tôi được đại đội cử đi lấy thực phẩm ở hậu cứ của Trung đoàn 66. Đồng chí Quyền - Trợ lý Quân nhu của tiểu đoàn phụ trách tổ 3 người chúng tôi. Khi chúng tôi đi qua trảng cỏ tranh thì bất ngờ bị một tốp máy bay trực thăng trinh sát Mỹ phát hiện, nó bay sà xuống bắn đuổi và định bắt sống, cả ba anh em đang lúng túng, quăng cả ba lô thực phẩm để tìm chỗ ẩn nấp và chống trả. Đồng chí Quyền vốn có kinh nghiệm chiến đấu đã kịp nói với chúng tôi lợi dụng bìa cỏ ở mép rừng và chỉ cách ngụy trang để ẩn nấp tránh máy bay địch. Sau một hồi quần đảo, săm soi và bắn phá, máy bay địch không tìm được chúng tôi, chúng gọi pháo bắn vào rừng rồi bay đi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chạm trán với trực thăng Mỹ, song đã để lại nhiều kinh nghiệm cho những trận đánh sau này.

Khi Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao sát sân bay Tà Cơn thì đêm 22 tháng 4, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đi khiêng cáng thương binh, tử sĩ. Chúng tôi vận động vào sát trận địa Tiểu đoàn 7. Người đầu tiên chúng tôi gặp là đồng chí Trịnh Xuân Hiểu, người Thạch Thành - Thanh Hóa, Tiểu đội trưởng bộ binh thuộc Tiểu đoàn 7, bị thương rất nặng ở vai và mông, nên không nằm được trên cáng. Do vậy, chúng tôi phải thay nhau cõng đồng chí trên lưng vượt qua pháo, bom địch từ trận địa về trạm phẫu thuật của trung đoàn. Những ngày tiếp theo, đơn vị chúng tôi tiếp tục củng cố chốt các điểm cao, sẵn sàng chờ lệnh vào chiến đấu.

Đêm 2 tháng 5 năm 1968, Đại đội 11 của chúng tôi nhận lệnh chiến đấu. Khi nhận nhiệm vụ, đại đội chúng tôi có khoảng 50 tay súng, phần đông là chiến sĩ mới bổ sung, chỉ có cán bộ trung đội và tiểu đội là lính cũ. Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng một đại đội đặc công của tiểu đoàn đặc công sư đoàn tổ chức tập kích tiêu diệt một đại đội lính kỵ binh bay Mỹ đang chiếm giữ ở điểm cao 425, cách phía tây bắc căn cứ Khe Sanh khoảng 2 cây số. Lần đầu tiên được xung trận, chúng tôi rất phấn khởi, song ai cũng thấy bồn chồn vì chưa hình dung ra trận đánh sẽ như thế nào. Chúng tôi là lính bộ binh được huấn luyện 6 tháng ở miền Bắc, mới hành quân vào đến chiến trường đã được phối hợp chiến đấu với đơn vị đặc công.

Được biết đây là một đơn vị đặc công rất tinh nhuệ, do vậy chúng tôi lo mình là tân binh, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nên rất dễ không hoàn thành được nhiệm vụ. Tuy vậy, chúng tôi cũng được an ủi là bên cạnh mình còn có các cán bộ trung đội, tiểu đội là lính cũ nên yên tâm phần nào.



-----------------------------------------------------------------------------------
1. Năm 1973, dồng chí Trần Hữu Bào được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lưc lượng vũ trang nhân dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2018, 01:19:02 pm »
















« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2021, 09:32:12 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 01:15:28 pm »

Khi thực hành cơ động tiếp cận địch, chúng tôi vận dụng các động tác tiềm nhập một cách rất bí mật, không phát ra tiếng động. Trong đêm tối, người sau trườn bò bám sát người trước, cứ như vậy chúng tôi bò ngược dốc tiếp cận địch trên điểm cao 425. Đến khoảng 2 giờ sáng thì chúng tôi chạm hàng rào địch, cả điểm cao im lìm trong đêm, thỉnh thoảng có vài loạt đạn pháo địch từ Tà Cơn bắn cầm canh ra các điểm cao xung quanh và những loạt bom B-52 rải thảm trên dãy Trường Sơn. Khi chúng tôi đang khắc phục hàng rào để đưa lực lượng luồn vào bên trong, thì đơn vị đặc công đã vào được bên trong và thực hành nổ súng theo hiệp đồng. Tiếng súng nổ chát chúa, đạn nổ rát tai bay vèo vèo trên đỉnh đầu, tiếng thủ pháo nổ âm làm rung chuyển mặt đất. Quân Mỹ ở điểm cao 425 chống trả quyết liệt, đạn đại liên, tiểu liên cực nhanh nổ ràn rạt, đạn M-79 nổ tróc, đoành không ngớt. Địch ở các điểm cao xung quanh bắn pháo sáng loạn xạ làm sáng rực trời đêm. Ngay sau đó, máy bay phản lực Mỹ gầm rú, pháo binh địch bắn ra phía sau đội hình tiếp cận của đơn vị chúng tôi. Đại đội chúng tôi nhanh chóng khắc phục vật cản, vượt qua hàng rào cuối cùng đánh vào tung thâm cứ điểm dịch. Lực lượng bộ binh chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các mũi đặc công lần lượt đánh chiếm từng ụ súng, từng lô cốt. Qua những ánh chớp của pháo sáng, tôi nhìn thấy một số đồng chí đang xung phong ở phía trước bị trúng đạn địch đã khuỵu xuống, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tiến lên nổ súng tiêu diệt địch. Lúc này, chúng tôi dường như không biết sợ là gì, lợi dụng pháo sáng của địch, cứ thế các mũi ào ạt xông lên đánh vào các mục tiêu của địch. Trận đánh diễn ra liên tục trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đến tảng sáng ngày 3 tháng 5 thì tiếng súng thưa dần. Bọn địch một phần bị tiêu diệt, phần còn lại rút chạy về một điểm cao gần Khe Sanh. Đến khi trời sáng hẳn, đơn vị chúng tôi làm chủ hoàn toàn điểm cao 425.

Sau khi làm chủ trận địa, theo lệnh của cấp trên, lực lượng đặc công và 2 trung đội của Đại đội 11 được lệnh thu dọn chiến trường, đưa thương binh và tử sĩ về phía sau. Trung đội của tôi còn khoảng 15 ngươi, do đồng chí Trung đội trưởng Nguyễn Hải Đảo - quê ở Ninh Bình được giao nhiệm vụ đảm nhiệm tổ chức chốt giữ điểm cao 425, không cho quân Mỹ đánh chiếm lại. Trực tiếp chỉ huy trên điểm cao 425 là Đại đội phó Phạm Ngọc Nha.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 425, chúng tôi nhanh chóng lợi dụng công sự, hầm hào của địch để cải tạo thành trận địa chốt giữ. Suốt một đêm thức trắng và liên tục chiến đấu, lực lượng của trung đội đã bị tổn thất một số, chúng tôi tranh thủ vừa ăn lương khô vừa quan sát, điều chỉnh thế trận chốt giữ điểm cao 425 và hạ quyết tâm chiến đấu, kiên quyết không cho địch đánh chiếm lại.

Ngay từ 8 giờ sáng ngày 4 tháng 5, địch đã bắt đầu phản kích bằng pháo binh. Sau mỗi đợt pháo, quân Mỹ lại sử dụng máy bay phản lực đánh bom vào trận địa của chúng tôi. Khoảng 10 giờ sáng, thì tiếng pháo và tiếng máy bay bỗng im ắng, chúng tôi quan sát thấy lính kỵ binh bay Mỹ từ điểm cao 519 đang dàn đội hình tiến lên điểm cao 425. Vừa kiểm tra, động viên bộ đội, các đồng chí cán bộ đại đội và trung đội chỉ thị cho chúng tôi là chờ địch lên thật gần mới được nổ súng. Chờ cho quân Mỹ tiến gần sát công sự tiền duyên, chúng tôi bất ngờ nổ súng. Ngay lúc đó, các hướng khác trên điểm cao cũng đồng loạt nổ súng.

Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Miêng, quê Lý Nhân - Hà Nam cùng được bổ sung về đơn vị một đợt, được giao nhiệm vụ chốt giữ mỗi người một ngách hầm. Tôi nổ loạt súng đầu tiên quật ngã ngay một tên lính Mỹ chết cách cửa hầm của tôi khoảng 3 mét. Khi bị ta bất ngờ tiêu diệt những tên đi đầu, lực lượng quân Mỹ vội tản ra và bắn loạn xạ lên điểm cao. Sau đó những tên Mỹ khác lại tiếp tục tiến lên, đồng chí Miêng liền điểm xạ một loạt ngắn, tôi quan sát thấy một tên Mỹ trúng đạn AK lăn xuống sườn đồi. Một lúc sau, tiêng súng bỗng thưa dần. Chúng tôi quan sát không thấy địch tiến lên nữa liền tranh thủ sửa sang lại hầm chiến dấu. Nhưng ngay tức thì, máy bay địch lại tiếp tục oanh tạc vào trận địa. Do điểm cao 425 khá hẹp và dốc, trung đội chúng tôi chốt ở vị trí cao nên bom và pháo địch đều bị trượt rơi xuống ngọn đồi phía sau. Địch oanh tạc khoảng 30 phút thì chuyển làn đánh ra mỏm đồi phía sau. Chúng tôi quan sát thấy bọn lính Mỹ lại tiếp tục tiến lên. Lần này, bọn lính Mỹ phải bò chứ không dám đi lom khom như lần trước. Khi quân Mỹ tiến lên gần công sự, đồng chí Miêng rướn người lên bắn một loạt AK, ngay sau đó là một loạt tiểu liên cực nhanh của lính Mỹ bắn về phía đồng chí Miêng làm đồng chí Miêng gục xuống. Bọn Mỹ lại trườn lên gần công sự chúng tôi. Tôi nhanh chóng nổ một loạt dài AK và nhoài người lên ném liên tiếp 2 quả lựu đạn diệt tiếp 2 tên lính Mỹ. Bọn lính Mỹ vội tụt xuống, không dám bò lên nữa. Liền sau đó, hỏa lực của địch tập trung vào ngách hầm của tôi. Tôi bò sang ngách hầm của đồng chí Miêng thì thấy đồng chí Miêng đã hy sinh. Tôi đưa thi hài anh vào bên trong và tiếp tục chiến đấu ở ngách hầm của đồng chí Miêng. Cứ như vậy, sau mỗi lần bọn Mỹ tiến công bị ta đánh hất xuống chân đồi, chúng lại dùng pháo và máy bay oanh tạc vào trận địa. Suốt ngày 4 tháng 5 chúng tôi chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt địch tiến công lên điểm cao 425.

Đến chiều hôm đó, bọn Mỹ lùi lại điểm cao 519, chúng dùng pháo binh liên tục bắn phá vào điểm cao 425. Đêm đó, chúng tôi tiếp tục củng cố công sự trận địa, đồng thời đưa những đồng chí thương binh nặng và tử sĩ về vị trí chỉ huy của đại đội. Tối hôm đó, Trung đội trưởng Nguyễn Hải Đảo và Đại đội phó Phạm Ngọc Nha đi từng hầm để kiểm tra và động viên chúng tôi. Đồng chí Nha nói: Phải tiếp tục giữ vững trận địa. Khi chưa có lệnh không được bỏ vị trí chốt giữ của mình. Đồng chí Nha giao nhiệm vụ cho tôi làm Tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội chốt ngăn chặn địch hướng từ điểm cao 519 đánh sang.

Lúc này tiểu đội của chúng tôi chỉ còn 6 người. Mỗi người chốt giữ một hầm. Đồng chí Đảo và đồng chí Nha đều nói với chúng tôi: ngày mai bọn Mỹ sẽ tiến công quyết liệt hơn ngày hôm nay, vì nhiều tên lính Mỹ bị chúng tôi bắn chết vẫn nằm cách hầm của chúng tôi 2-3 mét, chúng chưa lấy ra được. Chúng tôi dồn súng đạn của những đồng chí đã hy sinh và bị thương ngày hôm trước, trang bị mỗi người 2 khẩu AK và rất nhiều đạn. Tôi phân công anh em trong tiểu đội thay nhau canh gác, cảnh giới và tranh thủ nghỉ ngơi. Trận chiến đấu diễn ra liên tục, tôi cũng không có thời gian để suy nghĩ gì về riêng mình, về cương vị, chức trách mới của mình mà chỉ tập trung tâm trí cùng đồng đội làm thế nào để giữ được chốt. Đói, khát và mệt nhoài, tôi ngủ thiếp đi trong tiếng pháo cầm canh, trong tiếng bom toạ độ ầm ào của máy bay địch.

Đúng như cán bộ trung đội và đại đội nhận định đêm hôm trước, sáng sớm ngày 5 tháng 5, bọn Mỹ tiếp tục dùng pháo binh và không quân đánh phá ác liệt vào trận địa chốt của chúng tôi. Cũng như ngày hôm trước, bom và pháo của Mỹ vẫn bị trượt ra phía sau. Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi thấy nhiều làn khói trắng từ lưng chừng đồi bay lên, mắt chúng tôi thấy hơi cay cay nên biết địch sử dụng đạn pháo hóa học. Trên điểm cao gió mạnh, những làn khói trắng đó bay đi rất nhanh, do vậy chúng tôi cũng không bị tác động gì của đạn pháo hoá học. Đến khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi quan sát thấy bọn lính Mỹ lại tổ chức tiến công. Khi đội hình bọn lính Mỹ vừa bám được vào sườn điểm cao 425, thì trận địa súng cối của tiểu đoàn, trung đoàn và pháo của sư đoàn bắn chế áp mãnh liệt vào quân Mỹ. Đến giữa trưa, bọn Mỹ mới dò dẫm, tiến lên được gần trận địa của chúng tôi. Để địch vào thật gần, chúng tôi lại nổ súng.

Từng loạt đạn AK ngắn gọn, đanh chắc nhưng quyết liệt đánh thẳng vào mặt bọn Mỹ, hất chúng trở lại chân đồi. Với sự đánh trả quyết liệt của chúng tôi và sự chi viện hiệu quả của pháo cối cấp trên, địch không thể đánh chiếm được điểm cao 425. Từ chiều 5 tháng 5 đến gần tối, địch liên tục dùng pháo binh và không quân đánh phá dữ dội vào điểm cao 425.

Từ ngày 5 tháng 5, bọn Mỹ tiến công 2 đợt, nhưng đơn vị tôi chỉ có 2 đồng chí bị thương nhẹ vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu. Đêm hôm đó, chúng tôi tiếp tục củng cố công sự, trận địa, sẵn sàng chiến đấu cho ngày hôm sau. Lợi dụng ánh sáng đèn dù của máy bay địch, tôi và các đồng đội xăm tìm các đồ hộp lương thực, thực phẩm của Mỹ lót ổ trên điểm cao sử dụng cùng với lương khô, cơm nắm, gạo rang để lấy sức chiến đấu.

Hai ngày 6 và 7 tháng 5, địch không tổ chức tiến công lên điểm cao 425, chúng chỉ sử dụng máy bay và pháo binh tiếp tục đánh phá lên trận địa. Đến tối 7 tháng 5, chỉ huy tiểu đoàn cho một tổ trinh sát lên nắm tình hình trận địa chốt của chúng tôi. Lúc này cả trận địa im ắng, bỗng tôi nghe thấy có tiếng gọi: Chúng tôi là trinh sát lên tìm các đồng chí đây, còn đồng chí nào trong hầm không? Nghe tiếng gọi, tôi chui ra khỏi hầm thì người đầu tiên tôi gặp là đồng chí Dương Đức Lợi - Tiểu đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 9 cùng đi với Trung đội trưởng Nguyễn Hải Đảo. Đồng chí Đảo đã dẫn các trinh sát tiểu đoàn đi từng hầm tìm chúng tôi. Vì ngày 7 tháng 5 địch không tiến công, chúng tôi nghĩ đêm hôm đó địch sẽ tiến công tiếp nên vẫn chốt trong công sự để quan sát và sẵn sàng chiến đấu. Gặp các đồng chí trinh sát chúng tôi mới được biết, Đại đội phó Phạm Ngọc Nha và tổ đài 2 oát ở vị trí chỉ huy đại đội đã hy sinh cả, nên chỉ huy tiểu đoàn và trung đội không liên lạc được với chúng tôi. Do vậy, chỉ huy tiểu đoàn phải phái trinh sát lên bám nắm địch và tìm chúng tôi, vì tưởng địch đã chiếm lại được điểm cao 425. Tôi nói với các đồng chí trinh sát là ở hướng chúng tôi đang còn mấy tên lính Mỹ bị bắn chết nằm ở mép hào.

Sau khi gặp chúng tôi, Trung đội trưởng Nguyễn Hải Đảo báo cáo tình hình về Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Sau đó, Ban chỉ huy Tiểu đoàn ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị tổ chức rời khỏi trận địa về đội hình của đại đội. Theo chỉ đạo của cấp trên, trinh sát tiểu đoàn đã đưa thêm người để giúp chúng tôi đưa thương binh, tử sĩ về phía sau; đồng thời đưa đồng chí phóng viên của Mặt trận đến chỗ chúng tôi để quay phim, chụp ảnh xác mấy tên lính kỵ binh Mỹ bị chúng tôi tiêu diệt tại trận địa.

Sau 5 ngày liên tục chiến đấu, từ tập kích đánh chiếm điểm cao 425, rồi chuyển vào tổ chức trận địa chốt giữ đánh địch phản kích, trung đội của chúng tôi đã diệt và làm bị thương nhiều tên lính Mỹ. Riêng cá nhân tôi loại khỏi vòng chiến đấu được 3 tên, có một tên chết gục ngay trước cửa hầm. Đây là trận đánh tập kích và chốt giữ đầu tiên của tôi khi vừa bước chân vào chiến trường. Sau trận đánh, tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp III và được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu, ngày 29 tháng 5 tôi được Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 66 bổ nhiệm chức vụ Trung đội phó. Trong mấy ngày nghỉ ngơi tại hậu cứ của đơn vị, những sự kiện của trận đánh ở điểm cao 425 và hình ảnh của các đồng đội tôi anh dũng chiến đấu và hy sinh cứ hiện lên, thôi thúc tôi quyết tâm phấn đấu trên cương vị mới.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 01:17:58 pm »

Sang những ngày đầu tháng 6 năm 1968, đơn vị chúng tôi tiếp tục củng cố lực lượng, tiếp nhận thêm quân số và đi vận chuyển đạn, gạo rồi nhận nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 622 ở phía tây sân bay Tà Cơn. Tôi phụ trách trung đội có 12 đồng chí.

Đến trung tuần tháng 6 năm 1968 thì mùa mưa đến. Đây là lần đầu tiên tôi được biết mưa ở Trường Sơn, những cơn mưa tầm tã kéo dài nhiều ngày làm nước suối dâng cao rất nhanh. Cùng với các cơn mưa, bom pháo địch đánh phá liên tục làm cho chúng tôi thường xuyên phải sửa sang củng cố lại công sự, trận địa. Những ngày này địch cũng không tổ chức tiến công đánh chiếm lại các điểm cao mà chỉ sử dụng máy bay và pháo binh đánh phá suốt ngày vào các điểm cao xung quanh Khe Sanh và Tà Cơn. Ta cũng không tổ chức những trận đánh tập kích hoặc phục kích vì trời mưa nhiều, rất khó khăn cho cơ động lực lượng tác chiến.

Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Mặt trận, từ trung tuần tháng 6 năm 1968, Sư đoàn 304 bàn giao lại trận địa vây lấn địch ở Khe Sanh, Tà Cơn và nhiệm vụ đánh địch trên đường số 9 cho đơn vị bạn, từng bước rút dần các đơn vị ra khỏi chiến trường, hành quân về hậu cứ, củng cố đơn vị sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.

Ngày 15 tháng 7 năm 1968, sau hơn 170 ngày đêm tiến công, vây hãm và đánh quân địch rút chạy, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi. Ta đã diệt và làm bị thương 17.000 tên địch (có 13.000 tên Mỹ), bắn rơi và phá huỷ 480 máy bay, bắn cháy 120 xe quân sự, phá huỷ 65 khẩu pháo lớn, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hoá với hơn một vạn dân. Ta đã thu hút và kìm giữ một lực lượng lớn quân địch ở Khe Sanh (lúc cao nhất là 32 tiểu đoàn Mỹ, tức một phần tư lực lượng Mỹ trên chiến trường miền Nam) tạo điều kiện và phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam.

Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1968 đơn vị chúng tôi nhận được lệnh bàn giao lại trận địa cho đơn vị bạn, thực hành cơ động về phía sau. Đầu tháng 8 năm 1968, đơn vị chúng tôi hành quân ra đến Quảng Bình. Đến vị trí mới, đơn vị xây dựng hậu cứ trong một khu rừng già dưới chân dãy núi U Bò ở phía đông dãy núi Trường Sơn, cách phía tây thị xã Đồng Hới khoảng 20 cây số thuộc huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Thời gian này, máy bay và pháo từ các chiến hạm Mỹ ngoài biển đánh phá rất ác liệt vào thị xã Đồng Hối và các khu rừng phía tây quốc lộ số 15.

Cuối tháng 8 năm 1968, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh tiếp tục hành quân ra tỉnh Hà Tĩnh. Đến đầu tháng 9, chúng tôi hành quân ra đến xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, ở đây chúng tôi đóng quân trong nhà dân chờ bổ sung thêm quân số để huấn luyện. Hà Tĩnh cũng là địa bàn bị địch đánh phá rất ác liệt bằng máy bay và pháo từ các chiến hạm ngoài biển. Quân và dân Hà Tĩnh đã chiến đấu rất kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để bảo đảm giao thông vận tải chi viện cho chiến trường; đồng thời huy động hết mình sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Thời gian này, kinh tế, đời sống của nhân dân Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn, thanh niên thì đã ra hết chiến trường, lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ...

Đóng quân ở Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) được gần một tháng, chúng tôi lại nhận được lệnh hành quân về Nông trường Đông Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Lúc này tôi được Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 2 Đại đội 11 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Tại Nông trường Đông Hiếu, đơn vị chúng tôi được bổ sung thêm tân binh từ miền Bắc chuyển vào. Anh em hầu hết quê ở tỉnh Hải Hưng và tỉnh Nam Hà. Đại đội 11 được biên chế trên 100 đồng chí. Trung đội 2 của tôi được biên chế hơn 30 đồng chí. Thời gian này, chúng tôi được hưởng chế độ an dưỡng và thực hành huấn luyện bổ sung. Để động viên bộ đội, thời gian này các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Hải Hưng và Nam Hà đã đưa các đoàn văn công xung kích vào biểu diễn nghệ thuật và động viên thăm hỏi. Sau những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường, nay được về hậu phương lớn miền Bắc để củng cố và huấn luyện, đây là dịp tốt và thuận lợi để chúng tôi rèn luyện, học tập nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, về các nguyên tắc chiến thuật, đặc biệt là bản lĩnh của người cán bộ chỉ huy phân đội.

Sau khi ăn Tết Kỷ Dậu (năm 1969) đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào Quảng Bình và lại về đóng quân dưới chân dãy núi U Bò. Tại đây chúng tôi chọn các quả đồi có địa hình gần giống như các điểm cao ở chiến trường bắc Quảng Trị để xây dựng các thao trường phục vụ cho huấn luyện, cả năm 1969, Trung đoàn 66 tập trung huấn luyện, củng cố và xây dựng lực lượng. Đây là thời gian chúng tôi được tập huấn và huấn luyện rất cơ bản.

Sau Tết Nguyên đán Canh Tuất, tháng 2 năm 1970, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân trở lại chiến trường bắc Quảng Trị. Thời gian này, Mỹ đã rút dần về phía sau để thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, lực lượng địch ở phía trước trên địa bàn bắc Quảng Trị chỉ còn chủ yếu là quân đội ngụy.

Hai bên đường số 9, quân ngụy tổ chức chốt giữ dày đặc ở các điểm cao như động Ông Do, điểm cao 367, động Chiêm Rồng, các điểm cao 105 Nam, 105 Bắc, động Toàn, động Ngô, điểm cao 241, các điểm cao 300 Đất, 300 Đá... nhằm án ngữ phía tây thị trấn Đông Hà - Ái Tử và phía tây thị xã Quảng Trị, ngăn chặn không cho quân ta tiến công vào các căn cứ ở đồng bằng tỉnh Quảng Trị.

Ý định của ta là kéo địch rời khỏi các căn cứ và công sự ra vòng ngoài để thực hiện các trận đánh tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận lớn quân địch. Để thực hiện ý định trên, ta phải đưa từng bộ phận nhỏ vào để quấy rối, nhằm lừa địch đổ bộ lực lượng lớn ra vòng ngoài để tổ chức tiêu diệt lớn.

Thực hiện ý định của cấp trên, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 đưa Đại đội 11 được tăng cường súng cối 82 ly và ĐKZ 75 tập kích vào động Ông Do. Đại đội 11 chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tập kích bằng hoả lực vào động Ông Do, nhưng suốt từ tháng 3 đến tháng 4 địch vẫn cố thủ không đưa quân ra theo ý định của ta. Đến trung tuần tháng 5 năm 1970, địch tiến hành đổ bộ đường không khoảng 1 tiểu đoàn ra khu vực Khe Đong ở phía đông sông Đăk Krông. Khi địch xuất hiện, Trung đoàn 66 đã sử dụng Tiểu đoàn 8 bao vây và tiêu diệt lực lượng địch ở Khe Đong. Quân địch ở Khe Đong bị ta đánh thiệt hại nặng. Những ngày cuối tháng 5 năm 1970, bộ chỉ huy vùng 1 chiến thuật ngụy lại tiếp tục đổ quân xuống động Cô Tiên nhằm đẩy ta ra xa và tạo vành đai an toàn cho vùng tiếp giáp đồng bằng Quảng Trị.

Những ngày cuối tháng 5 năm 1970, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ vượt sông Đăk Krông từ phía đông sang phía tây để bao vây, tiêu diệt quân địch ở động Cô Tiên.

Động Cô Tiên là một dãy điểm cao liên hoàn nằm sát sông Đăk Krông. Lực lượng địch đóng trên động Cô Tiên gồm một tiểu đoàn bộ binh và một sở chỉ huy nhẹ thuộc trung đoàn 54 sư đoàn bộ binh số 3 quân ngụy. Đây là một căn cứ khá kiên cố, trước đây quân đội Mỹ đã chiếm đóng, có nhiều lô cốt và hầm hào. Khi địch đổ quân, chúng đã đổ cả lô cốt bê tông cốt thép đúc sẵn xuống. Địch nhanh chóng xây dựng thành một cứ điểm ở trên cao có công sự vững chắc. Cùng với các hàng rào cũ ở vòng ngoài của căn cứ Mỹ trước đây, bên trong chúng bố trí thêm hai lớp hàng rào bùng nhùng mới và rất nhiều các loại mìn. Lực lượng chủ yếu của địch bố trí trên điểm cao 372 có mặt bằng rộng và cao, lực lượng còn lại bố trí trên hai mỏm đồi, mỏm nọ cách mỏm kia khoảng gần 200 mét.

Lúc này tôi là Trung đội trưởng Trung đội 3 Đại đội 11 Tiểu đoàn 9. Đêm 29 rạng sáng ngày 30 tháng 5, đơn vị chúng tôi tổ chức vượt sông Đăk Krông. Ngày 1 tháng 6, đơn vị bắt đầu tiếp cận đến được chân điểm cao động Cô Tiên. Trong quá trình vượt sông, bộ phận đi cuối cùng của Tiểu đoàn 9 bị máy bay trực thăng địch phát hiện và đánh vào đội hình làm bị thương và hy sinh một số đồng chí. Ngay sau đó, dịch dùng pháo binh và máy bay bắn phá vào các dải địa hình xung quanh động Cô Tiên.

Trong khi cơ động tiếp cận địch, đồng chí Trương Đình Thăng - Đại đội trưởng Đại đội 11, quê ở Cẩm Thủy - Thanh Hóa bị thương nặng không tham gia chiến dấu được. Đồng chí Lê Hải Triền - Đại đội phó, quê ở Hưng Yên được cấp trên chỉ định lên thay đồng chí Trương Đình Thăng làm Đại đội trưởng. Tôi được cấp trên chỉ định làm Đại đội phó thay đồng chí Triền. Đêm mùng 1 rạng sáng ngày 2 tháng 6, đơn vị tôi thực hành tiềm nhập tiếp cận địch. Đội hình Tiểu đoàn 9 hình thành 3 hướng. Hướng chủ yếu là Đại đội 9, Đại đội 10 (thiếu). Đại đội 11 của chúng tôi đảm nhiệm hướng thứ yếu. Một trung đội của Đại đội 10 đảm nhiệm hướng chốt chặn. Đại đội 12 là đại đội trợ chiến đảm nhiệm nhiệm vụ sử dụng súng cối 82 ly chi viện cho chúng tôi trong quá trình chiến đấu.

Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi vượt qua được 2 hàng rào cũ của địch. Khi chúng tôi bắt đầu chạm hàng rào thứ 3, là hàng rào chúng mới bố trí cách đây mấy ngày, thì đúng lúc đó trên hướng chủ yếu, khi tiềm nhập bộ đội vấp phải mìn địch nên bị lộ. Trước tình huống trên, tiểu đoàn ra lệnh cho các đơn vị đồng loạt nổ súng. Địch bắn ra xối xả và chống trả quyết liệt, do vậy tốc độ tiến công của ta rất chậm, đến gần sáng mà hướng chủ yếu của Đại đội 9 và Đại đội 10 vẫn gặp khó khăn, không phát triển chiến đấu được. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng cho hướng thứ yếu của Đại đội 11 chúng tôi nhanh chóng dùng bộc phá ống để phá rào mở cửa phát triển vào bên trong cứ điểm địch để chi viện cho hướng chủ yếu. Tôi lệnh cho đội cửa mở mang bộc phá ống lên phá nốt hai hàng rào còn lại của địch. Khi hai lớp hàng rào còn lại được mở tung, lực lượng Đại đội 11 đã nhanh chóng xung phong đánh thẳng vào trung tâm mỏm B của động Cô Tiên. Mỏm này là mỏm cao nhất của dãy động Cô Tiên. Chúng tôi nhanh chóng đánh chiếm từng lô cốt, ụ súng, tiêu diệt từng hỏa điểm của địch. Đúng lúc này, Đại đội trưởng Triền bị thương, tôi thay đồng chí Triền tiếp tục chỉ huy đơn vị phát triển chiến đấu đánh vào trung tâm cứ điểm địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu phát triển. Khi đánh chiếm được chiếc lô cốt cao nhất trên đỉnh đồi, dưới ánh sáng của pháo sáng địch, tôi quan sát thấy bộ đội ta ở các hướng đang tiếp tục tiến công vào trung tâm. Riêng hướng vu hồi của một trung đội thuộc Đại đội 10 thì chưa nghe thấy tiếng súng của ta. Ngay sau đó, tôi đứng lên trên đỉnh lô cốt cao đó và hô to: “Tôi - Phạm Xuân Thệ đây, Phạm Xuân Thệ đây! Đại đội 11 đã vào đánh chiếm được điểm cao ở trung tâm rồi, tất cả các hướng xông lên!”. Cứ thế tôi vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chỉ huy, vừa hô to cho các hướng đồng loạt cùng tiến công. Đến khoảng 6 giờ sáng, tôi phát hiện thấy một tốp địch cách mình khoảng 100 mét đang chạy, tôi liền giương khẩu AK siết cò. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy mặt mũi tối sầm lại. Sau thoáng bị choáng, tôi mới biết mình bị một quả đạn M79 của địch bắn trúng khẩu AK. May mà tôi đội mũ sắt nên chỉ bị những mảnh đạn nhỏ găm vào cánh tay cùng bàn tay và mặt nên bị thương nhẹ, còn khẩu AK bị gãy làm đôi. Lúc này bên cạnh tôi có mấy đồng chí bị thương đã được đồng đội băng bó đang nằm tại đó, tôi chạy lại lấy khẩu AK của đồng chí Nguyễn Văn Biên, quê ở Đô Lương - Nghệ An để tiếp tục chiến đấu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2018, 01:20:49 pm »

Đến khoảng 8 giờ sáng, Tiểu đoàn 9 chúng tôi đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn cứ điểm địch ở động Cô Tiên. Đơn vị chúng tôi tiếp tục truy lùng bọn tàn binh và thu gom chiến lợi phẩm. Khoảng 9 giờ sáng, lúc này mặt trời đã lên cao, sau khi địch biết cứ điểm ở động Cô Tiên đã bị mất, chúng bắt đầu dùng máy bay và pháo binh đánh phá vào các khu vực xung quanh động Cô Tiên. Trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 chúng tôi nhanh chóng thu dọn chiến trường, đưa thương binh, tử sĩ về phía sau, đồng thời tổ chức cho tiểu đoàn rời khỏi trận địa và để lại một bộ phận lực lượng tổ chức chốt giữ những điểm cao của động Cô Tiên sẵn sàng đánh địch phản kích. Ngày 3 tháng 6, đơn vị chúng tôi tiến hành giải quyết thương binh, tử sĩ, sau đó lui về đứng chân cách động Cô Tiên 3 cây số, tiếp tục củng cố, bổ sung lực lượng, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không ra các điểm cao khác.

Sau trận chiến dấu, chúng tôi được cấp trên phổ biến: Với quyết tâm chiến đấu dũng cảm và kiên quyết, Tiếu đoàn 9 đã đánh tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn và sở chỉ huy nhẹ của trung đoàn 54 sư đoàn 3 ngụy. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu rất cao. Sau trận đánh này tôi được anh em trong đơn vị và báo chí ca ngợi, suy tôn là “Cơn lốc động Cô Tiên”, vì trong trận này tôi vừa trực tiếp chiến đấu, dũng cảm dẫn đầu chỉ huy đơn vị xung phong, góp phần động viên, cổ vũ bộ đội trên các hướng cùng xung phong, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch.

Sau trận đánh địch ở động Cô Tiên, với những thành tích đã đạt được, tôi được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai và được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn, được báo cáo thành tích điển hình trong Đại hội mừng công của Sư đoàn 304. Trong đợt tập huấn của Sư đoàn 304 cuối năm 1970, tôi được chọn báo cáo điển hình để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với các cán bộ từ cấp trung đội đến tiểu đoàn.

Những ngày cuối tháng 6 năm 1970, mùa mưa lại bắt đầu đến, nước sông suối bắt đầu dâng cao, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm và đạn dược cho các đơn vị ở các trận địa gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi người chỉ được tiêu chuẩn ăn 2 lạng gạo một ngày, còn chủ yếu ăn sắn. Chúng tôi phải chia nhau vào rừng tìm hái măng và rau rừng để cải thiện bữa ăn. Mùa mưa, điều kiện sinh hoạt ăn ở lầy lội cùng với sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm đã làm suy kiệt sức khoẻ của bộ đội. Nhiều đồng chí ở đơn vị chúng tôi bị sốt rét hành hạ, da vàng bủng, có lúc không cầm nổi bát cơm, bát cháo, nhiều khi tưởng chừng phải rời khỏi trận địa chiến đấu. Trong tình hình chung của toàn đơn vị, đầu tháng 7 năm 1970, tôi bị một trận sốt rét ác tính, nằm sốt li bì mấy ngày liền, không bò ra khỏi hầm được.

Sau đó, tôi được anh em đưa lên trạm xá của trung đoàn điều trị trong khoảng một tuần, nhưng những cơn sốt rét của tôi càng nặng hơn. Tôi hoàn toàn mê man bất tỉnh, mọi sinh hoạt không thể tự làm chủ được nữa. Tôi lịm dần đi, các đồng chí quân y ở trạm xá sau nhiều nỗ lực và tận tâm cứu chữa thấy không còn khả năng cứu được nữa vì tôi đã ngừng thở. Nghĩ là tôi đã chết, các đồng chí quân y đã đưa tôi ra nằm riêng ở một căn hầm để chờ mai táng. Khi các đồng đội đến để chuẩn bị mang tôi đi mai táng, thì đồng chí Nguyễn Văn Du, quê ở Nghi Lộc - Nghệ An là Trung đội trưởng cùng đại đội với tôi đã phát hiện tôi vẫn còn thở. Đồng chí vội vào báo cho bộ phận quân y biết. Ngay sau đó, tôi được bộ phận quân y trạm xá trung đoàn đưa về tiếp tục cứu chữa. Nhờ sự tận tình chăm sóc và cứu chữa của các y bác sĩ trạm xá trung đoàn, tôi dần hồi tỉnh. Sau đó, tôi được đưa về bệnh viện của sư đoàn ở Quảng Bình để chữa trị. Đến tháng 10 năm 1970, sức khoẻ đã dần bình phục, tôi ra viện trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu.

Thời gian này, Trung đoàn 66 đã di chuyển ra khu vực Nông trường Việt - Trung gần đường 20 Quyết Thắng thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình để củng cố, xây dựng lực lượng và huấn luyện. Tại đây, những ngày đầu tháng 11 năm 1970 chúng tôi được Ban chỉ huy Trung đoàn quán triệt: Địch có ý định đổ bộ đường biển và tiến công đường bộ kết hợp với đường không, vượt sông Bến Hải với lực lượng lớn nhằm đánh phá sâu vào hậu phương của ta. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đi trinh sát vùng ven biển nam sông Gianh thuộc huyện Bố Trạch để xây dựng công sự trận địa sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không lớn ở nam sông Gianh và bắc sông Bến Hải. Sau khi tổ chức trinh sát thực địa, đơn vị chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu và các kế hoạch chiến đấu theo các phương án dự kiến, đồng thời tổ chức bộ đội xây dựng trận địa và luyện tập theo các phương án. Đầu tháng 1 năm 1971, đơn vị chúng tôi được lệnh bàn giao trận địa khu vực nam sông Gianh cho đơn vị bạn và hành quân trở lại đội hình sư đoàn đang chiến đấu ỏ chiến trường bắc Quảng Trị.

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1971, bộ chỉ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã triển khai lực lượng thực hiện âm mưu mở cuộc hành quân ra Đường 9 - Nam Lào với tên gọi “Lam Sơn 719” và cuộc hành quân “Toàn thắng 171” đánh vào vùng Đông Bắc Cam-pu-chia để thực hiện tham vọng lớn là ngăn chặn sự chi viện chiến lược của ta, phá hậu phương của ta trên đất bạn, gây khó khăn trở ngại lớn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương. Mặt khác, các cuộc hành quân này cũng là những cuộc thử nghiệm chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch được bắt đầu. Lực lượng quân địch tham gia cuộc hành quân lúc cao nhất có 15 trung đoàn bộ binh (sư đoàn dù, sư đoàn thuỷ quân lục chiến, sư đoàn bộ binh số 1); hai trung đoàn thiết giáp 450 xe; 21 tiểu đoàn pháo 250 khẩu; 700 máy bay có 300 trực thăng; bốn tiểu đoàn quân ngụy Lào. Tổng cộng có khoảng trên 42.000 quân, trong đó có 9.000 quân Mỹ.

Đây là cuộc hành quân lớn nhất và điển hình nhất của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Với lực lượng lớn như vậy, kế hoạch của địch là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ đoạn đường Bản Đông - Sê Pôn, đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Sê Pôn, phía bắc lên đến kho Vinh - Na Thôn, phía tây nam đến đông bắc Mường Phin nối liền với cánh quân ngụy Lào từ phía tây sang... sau đó chuyển hướng đánh xuống A Túc đến A Sầu, A Lưới thuộc Thừa Thiên. Chúng dự kiến kết thúc cuộc hành quân trước mùa mưa ở Nam Lào.

Trước tình hình trên, từ ngày 30 tháng 1 năm 1971, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch phản công của Quân giải phóng để đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ - ngụy. Lực lượng tham gia chiến dịch có 5 sư đoàn bộ binh 308, 304, 320, 324, 2; 2 trung đoàn bộ binh 27, 278; 8 trung đoàn pháo binh; 3 trung đoàn công binh; 3 tiểu đoàn xe tăng; 6 trung đoàn phòng không; 8 tiểu đoàn đặc công, các đơn vị binh chủng khác và lực lượng hậu cần, vận tải của Bộ Tư lệnh 559. Số quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu lên tới trên 60.000 cán bộ, chiến sĩ.

Tháng 2 năm 1971, tôi được đề bạt cấp quân hàm thiếu úy và điều động sang làm Đại đội trưởng Đại đội 10 Tiểu đoàn 9. Cuối tháng 2 năm 1971, đơn vị chúng tôi vào vị trí tập kết chuẩn bị chiến dấu. Thời điểm này, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 9 đang chiến đấu chặn địch ở khu vực cầu Cha Ky và một phần ở Bản Đông - tỉnh Xa Van Na Khẹt. Đơn vị chúng tôi được nhận nhiệm vụ cơ động vào cùng chiến đấu với Trung đoàn 24.

Những ngày đầu tháng 3 năm 1971, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 làm nhiệm vụ chốt giữ các điểm cao, không cho địch đổ bộ ra phía sau hậu phương của ta. Đến ngày 15 tháng 3, Đại đội 10 được tăng cường 1 khẩu đội cối 82 ly, 1 khẩu đội ĐKZ 75 của tiểu đoàn, đảm nhiệm nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch trên điểm cao có tên là đồi Mâm Xôi nằm ở ngã ba giữa đường số 16 và đường số 20 cách phía nam Bản Đông khoảng 1 cây số. Đại đội 10 do đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Chinh - Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy. Đêm 15 rạng sáng ngày 16 tháng 3, Đại đội 10 chúng tôi hành quân vào vị trí tập kết chiến đấu. Đến đêm 16 rạng sáng ngày 17 tháng 3, tổ trinh sát của tiểu đoàn dẫn đường cho đại đội tôi thực hành hành quân chiếm lĩnh. Khoảng 2 giờ sáng ngày 17 tháng 3, chúng tôi chưa đến được điểm cao đồi Mâm Xôi, thì lực lượng đi đầu gặp địch. Chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Khi nổ súng, chúng tôi phát hiện đây là lực lượng xe tăng, xe thiết giáp của địch bố trí ở sườn đồi và dọc đường giáp Bản Đông. Bộ đội Đại đội 10 đã sử dụng súng B41, B40, ĐKZ 75 bắn cháy một số xe tăng, xe thiết giáp địch, khói lửa cao ngút trời. Xe tăng, xe thiết giáp địch nổ máy gầm rú ầm ầm, chúng dùng pháo và đại liên trên xe bắn trả rất quyết liệt. Khi tôi giơ tay chỉ cho đồng chí Nguyễn Văn Chước, quê ở Vĩnh Phúc là xạ thủ B41 bắn chiếc xe tăng đang chồm lên trước mặt chúng tôi, đồng chí xoay người siết cò, một quầng lửa bùng lên, quả đạn lao thẳng vào chiếc xe tăng làm nó khựng lại và bùng cháy. Đúng thời điểm đó, do tình huống quá nhanh, Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Chinh và tổ thông tin 2 oát ở phía sau nằm gọn trong vùng loa đẩy lửa về phía sau của đạn B41. Đồng chí Chinh và 2 đồng chí chiến sĩ thông tin bị thương nặng. Một phần vai phải và tay phải của tôi cũng bị bỏng nặng, cánh tay áo và vai áo phải bị cháy khét lẹt. Ngay sau đó một chiếc xe tăng khác của địch lại chồm lên. Tôi định giơ tay trái chỉ mục tiêu cho đồng chí Chước bắn tiếp, nhưng khi vừa giơ lên thì thấy cánh tay nặng trĩu không thể giơ lên được nữa. Dưới ánh pháo sáng, tôi biết mình bị thương cả tay phải và tay trái. Cánh tay trái bị đạn bắn thẳng xuyên qua bắp tay, tôi cố cắn răng chịu đau, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Sau đó tôi bị ngất lịm đi khi tiếng súng đã ngớt dần.

Sau này tỉnh tôi được đồng đội cho biết, trước tình hình Đại đội 10 gặp địch bất ngờ trên đường hành quân và phải chiến đấu trong thế bị dộng, gặp nhiều khó khăn, trận đánh diễn ra rất ác liệt nên Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã điều Đại đội 9 do đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Thiếu Ý chỉ huy cơ động lên chi viện cho chúng tôi. Đại đội 9 đã đến kịp thời và cùng chúng tôi chiến đấu tiêu diệt xe tăng, thiết giáp địch ở ngã ba Bản Đông. Phần lớn xe tăng, thiết giáp của địch bị bắn cháy, bộ phận còn lại bỏ lại phương tiện, vũ khí tháo chạy về phía nam Bản Đông.

Ngay sau trận đánh, tôi được anh em Đại đội 9 cáng thương đưa về trạm phẫu thuật của trung đoàn, rồi chuyển về bệnh viện của sư đoàn. Vì tôi bị thương cả 2 tay rất nặng, nên được quân y sư đoàn chuyển ra tuyến sau để điều trị. Đến tháng 4 năm 1971, tôi được đưa ra đến Đội điều trị 44 của Quân khu 4 tại huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Sau khi về đến Đội điều trị 44 được khoảng một tuần, các y bác sĩ đang chuẩn bị phẫu thuật lại để khâu vết thương trên cánh tay trái tôi vì vết thương quá lớn thì bất ngờ máy bay Mỹ ném bom tọa độ. Một quả bom rơi trúng hầm phẫu thuật làm toàn bộ dụng cụ phẫu thuật bị bay mất nên Đội điều trị không thể tiến hành phẫu thuật lại cho tôi. Trong thời gian điều trị vết thương, tôi luôn chú ý nghe tin tức trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là chương trình “Sổ tay chiến sự” để biết về tình hình đơn vị. Nghe tin chiến thắng từ Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, tôi cảm thấy rất tự hào và nhớ về đơn vị, nhớ các đồng đội thân yêu của mình và thấy tiếc vì mình bị thương quá nặng nên không thể cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến dịch giành thắng lợi trọn vẹn.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM