Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:57:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tiểu đoàn 307 (1948-1954)  (Đọc 16162 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2018, 07:36:36 pm »

TRẬN CHÙA Ô MÔI

Lúc 7 giờ 30, ngày 2-6-49 khi đang ở vị trí đóng quân, sẵn sàng chờ tiến công địch tại bờ kinh từ Mỹ An vào gò Tháp Mười thì đơn vị phát hiện máy bay thả quân dù xuống Cây Vông và tiếp đó là xuống Ba Sao. Lập tức, Ban chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cho toàn đơn vị hành quân bộ, dọc theo hai bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp lên phía Ba Sao để diệt quân địch. Đơn vị vừa hành quân, vừa quan sát cảnh giới phía Nam bờ kinh về phía kinh 28, lộ 4.

Lúc 14 giờ, khi Ban chỉ huy tiểu đoàn và bộ phận trinh sát đến chùa Ô Môi thì phát hiện địch nhấp nhô trong đưng, sậy từ ngoài đồng tiến về pía bờ kinh, khoảng cách ta địch chừng 1km.

Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc ấy có Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa, Chính trị viên Nguyễn Văn Tiên, Tiểu đoàn phó Đỗ Văn Giọng thống nhất nhận định:

“Tiểu đoàn hành quân chặn đánh quân nhảy dù ở Ba Sao là hoàn toàn đúng, bởi vì quân dù không đông, ước chừng 200 đến 300 tên, trang bị vũ khí nhẹ, chúng vừa nhảy xuống địa hình chưa được củng cố, không thể làm kịp công sự cho nên tương đối dễ đánh. Nhưng hiện giờ có địch từ phía kinh 28 tiến vào, chúng đã đến gần bờ kinh: Nếu ta hành quân thẳng lên phía Ba Sao thì sẽ không kịp, lực lượng địch sẽ bám sát theo ta vì mục đích của chúng là lên Ba Sao để phối hợp với quân nhảy dù; nếu ta lên tới Ba Sao đánh quân nhảy dù, thì bọn địch mới vào bờ kinh sẽ tập hậu quân ta; ta lâm vào thế phải đối phó với hai đầu đều có địch; bề ngang kinh lại hẹp (20 - 30m) không thể triển khai nhiều quân. Như vậy rất bất lợi. Cho nên, trước hết phải bố trí lực lượng trên bờ kinh phía Nam chặn đánh bọn địch ở phía kinh 28 vào. Sau đó sẽ tùy tình hình mà xử trí. Lúc bấy giờ Ban chỉ huy chưa nắm được tình hình địch ở các hướng khác.

Tiểu đoàn trưởng lệnh cho các địa đội đi phía bờ Bắc qua kinh bố trí phục kích dọc theo bờ kinh phía Nam ở hướng quân địch tiến vào, theo thứ tự: Đại đội 931 (đầu đội hình phía Ba Sao) kế đó đại đội 932 và 933. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở phía sau Đại đội 932. Tiểu đoàn bộ ở lại phía bờ Bắc kinh. Ta bố trí chiến đấu vừa xong, thì địch cũng vào cách bờ kinh 300m. Chúng dàn thành thế hàng ngang tiến vào. Bọn đi trước thọc ngay vào Đại đội 932 giữa đội hình của tiểu đoàn. Lệnh tiểu đoàn chờ địch đến sát bờ kinh mới nổ súng và xung phong ra. Bộ đội ta lợi dụng tốt địa hình cây cối trên bờ kinh, ẩn núp được bí mật, nên địch ngoài đồng vào sát đến bờ kinh độ 10m mà không phát hiện được. Ta bất ngờ nổ súng mãnh liệt vào quân địch. Chúng lớp chết ngay tại chỗ, lớp bị hương, có tên vứt súng hoảng hốt chạy lùi thục mạng. Tiếng “xung phong” vang trời, quân ta xốc tới đuổi theo địch bén gót, diệt thêm nhiều tên. Vì bên ngoài đồng trống, hơn nữa địch lui lại dựa vào một số bờ ruộng chống cự, ta đánh chính diện, không hình thành được thế bao vây, nên quân ta vừa nhanh chóng trở vào bờ kinh, vừa thu vũ khí của địch. Khí thế chiến thắng tràn ngập tiểu đoàn. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng là: “Địch còn phản công nhiều đợt, cần lợi dụng các bờ mương làm công sự, củng cố lại chỗ ẩn núp, tiết kiệm đạn, và vẫn chờ địch đến gần mới đánh. Có thể chúng tưởng ta đánh xong rút đi rồi, nên sẽ tìm cách bám vào bờ kinh. Nếu địch không tiến vào mà cơ động qua lại, thì Đại đội 931 và 933 ở hai đầu đội hình tiểu đoàn, sẽ cho bộ phận cơ động theo, quyết đánh không cho chúng vào được bờ kinh”. Tranh thủ thời cơ địch chưa mở đợt phản công mới, Chính trị viên tiểu đoàn và Tiểu đoàn phó nhanh chóng xuống các đại đội, vừa động viên anh em, vừa nắm tình hình của ta.

Địch dùng cối 81, 60 bắn vào bờ kinh, và gọi pháo phía kinh 28 bắn vào nổ bên bờ Bắc kinh chùa Ô Môi và ngay trên dòng kinh. Địch mở liên tiếp 3 đợt phản công, nhưng đã bị quân ta đánh lui, và bị thiệt hại nặng nề phải bỏ chạy trở ra đồng. Chúng cho một bộ phận nhỏ cơ động bên ngoài dọc theo bờ kinh về phía Ba Sao, địch đột nhập vào bờ kinh, phía ngoài vị trí của tiểu đoàn phục kích. Nhưng bị ta phát hiện Đại đội 931 cho một trung đội cơ động theo địch dọc bờ kinh, khi chúng tiến vào bờ kinh. Liền nổ súng diệt bộ phận. Địch không sao vào được phải quay trở ra đồng.

Đến 17 giờ, số địch còn lại lùi ra ngoài xa, co cụm trên đồng, không tiến vào bờ kinh nữa. Bộ đội ta thu dọn chiến trường và chờ lệnh.

Kết quả trận đánh: Ta diệt và đánh bị thương phần lớn tiểu đoàn địch, làm chúng không thể vào được bờ kinh để liên hệ với quân nhảy dù ở Ba Sao.
 
Thu hơn 200 súng các loại.

Bên ta 5 hy sinh trong đó đồng chí Phan Đại đội phó Đại đội 932.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2018, 07:37:06 pm »

Trận Sài Tư:

Mãi đến chiều tối ngày 2-6-49 tại khu vực chùa Ô Môi trên kinh Nguyễn Văn Tiếp, Ban chỉ huy tiểu đoàn 307 mới nhận được tin địch vào đóng ở kinh Một Thước, Hàm Vồ, ngã tư Quần Oai và phía bên bờ kinh Dương Văn Dương.

- “Lẽ ra đêm 2-6-49, tiểu đoàn cho một bộ phận (1 – 2 trung đội) kềm chân bọn địch bị đánh ban chiều tại khu vực từ chùa Ô Môi lên phía gần Ba Sao, còn tiểu đoàn hành quân lên Ba Sao vây đánh bọn quân nhảy dù vào sáng sớm ngày 3-6-49 thì có thể thuận lợi hơn bởi vì bọn này còn ở thế cô lập và rất hoang mang vì thấy quân yểm trợ cho chúng bị đánh ở chùa Ô Môi” (Ý kiến của bộ chỉ huy khu 8 khi rút kinh nghiệm với tiểu đoàn sau này). Nhưng lúc bấy giờ vì muốn chặn đánh địch từ phía nam Thiên Hộ lên Mỹ An bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân vùng này, cho nên đêm 2-6 tiểu đoàn về đóng quân trên kinh Nguyễn Văn Tiếp từ Nam Mỹ An đến Đốc Binh Kiều. Từ ngày 3 đến ngày 6-6 tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu ở khu vực này, nhưng địch không vào. Đêm 6-6 tiểu đoàn về đóng ở kinh Phủ Huyện để phối hợp với tiểu đoàn 309 đón đánh địch có thể rút ra hướng lộ 4. Chiều ngày 7-6 có cuộc họp giữa Tỉnh đội Mỹ Tho, Ban chỉ huy tiểu đoàn 307, Ban chỉ huy tiểu đoàn 9, bàn kế hoạch đánh địch rút ra. Hội nghị nhận định: Địch có thể từ phía kinh Nguyễn Văn Tiếp rút ra lộ 4 theo các kênh rạch ra phía rạch Sài Tư như:

- Kinh Phủ Huyện ra Sài Tư.

- Kinh Mười ra Sài Tư.

- Rạch Chà Là ra Sài Tư.

Do vậy tiểu đoàn 307 đêm 7-6 về đóng trên Kinh Mười có đại đội 932, 933 và tiểu đoàn bộ, còn đại đội 931 đóng phía rạch Sài Tư. Tiểu đoàn 309 đóng phía rạch Chà Là.

+ Chiều ngày 7-6-49 địch tập trung các lực lượng càn quét sâu trong Đồng Tháp Mười (Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp) ra kinh Nguyễn Văn Tiếp đoạn từ Thiện Hộ xuống kinh 12. 7 giờ sáng ngày 8-6 chúng rút ra lộ 4 theo các ngã:

- Theo kinh 12 ra Cai Lậy.

- Theo Kinh Phủ Huyện ra Sài Tư. Cánh này có xe lội nước yểm trợ.

- Theo Kinh Mười ra Sài Tư.

- Từ vàm Kinh Mười ra rạch Chà Là ra Sài Tư.

Ở phía tiểu đoàn 307, một tiểu đoàn địch cho phần lớn lực lượng đi trước phía bờ đông Kinh Mười ngoài ruộng, cách bờ kinh độ 150 – 200m. Còn một bộ phận đi sau, trên hai bên bờ kinh, chiến thuật này của địch là điều bộ đội ta chặn đánh lực lượng địch đi bên ngoài bờ kinh, thì đại bộ phận lực lượng của chúng đi trước ngoài đồng đã sẵn thế trận có thể tấn công vào bên hông bội đội ta.

- Đại đội 932 và 933 bố trí bên bờ kinh hướng về phía đông nơi địch rút ra, song vì địch đi cách xa bờ kinh nên không nổ súng. Đến khi bộ phận đi đầu đội hình địch ở phía đông kinh vượt qua nơi bố trí của ta, thì ta cơ động theo ra phía Sài Tư vừa có thể đánh chúng khi chúng vào bờ kinh, đồng thời tránh lâm vào thế bị địch tấn công ở 3 phía. Nhưng đến khi rạch Sài Tư thì địch đi luôn ra lộ 4, chứ không tạt vào Kinh Mười.

- Đại đội 931 bố trí trên rạch Sài Tư chặn địch từ phía Thiên Hội xuống. Cánh này độ 1 tiểu đoàn địch, có xe lội nước của địch yểm trợ, đi bên ngoài đồng phía bờ Bắc rạch Sài Tư.

- Khi bộ binh địch đến gần, trung đội C đại đội 931 bố trí ngang rạch Sài Tư nổ súng, diệt tốp đi đi đầu. Thấy đường rút về bị chặn đánh, địch dồn quân lên phản công nhiều lần, xe lội nước cũng xáp vào gần bờ rạch nổ súng mãnh liệt vào trận địa đại đội 931 và bắn sang phía đại đội 932 đang dàn trận phía Tây bờ kinh mười đoạn sát với rạch Sài Tư. Đồng chí tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa lúc này có mặt tại trận địa đại đội 931, anh em khuyên đồng chí lui lại phía sau vì thấy chiến trận ác liệt, nhưng đồng chí nói: “Tôi quyết cùng với các đồng chí tử chiến với địch phen này”. Trận đánh xảy ra vô cùng ác liệt tại trung đội C, trên khoảng bờ rạch rộng chừng 50m. Ta và địch xáp lá cà, và khẩu đại liên 7,7 nổ đến gần đỏ nòng vào những xe lội nước đang xông vào bờ rạch. Trong lúc chiến đấu, tiểu đoàn trưởng trúng đạn hy sinh. Quân địch mở được đường máu theo rạch Sài Tư rút ra lộ 4.

- Tiểu đoàn men theo các rặng cây ngoài đồng rút về phía ngọn rạch Cà Đâm xã Hậu Mỹ. Dọc đường, một máy bay Đacôta của địch bay lượn quan sát, bắn đại liên và ném bom xuống, làm một ít anh em ta bị thương.

- Đón đánh địch càn quét Đồng Tháp Mười rút ra, đại bộ phận tiểu đoàn 307 không đánh được địch. Chỉ có phần lớn lực lượng của đại đội 931 chặn địch từ phía Sài Tư đã anh dũng quyết chiến với địch đông hơn ta gấp nhiều lần, lại có xe lội nước yểm trợ. Ta đã diệt gần một đại đội của địch. Bên ta hy sinh 20 đồng chí, trong đó có tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa và bị thương 15 đồng chí.

- Việc chặn đánh địch càn quét Đồng Tháp Mười khi rút không tốt do mấy nguyên nhân:

1)- Lực lượng địch rút ra hướng lộ 4 rất đông. Tuy nói là tiểu đoàn 307 và 309 phối hợp chiến đấu, nhưng thực ra về mặt bố trí chiến đấu, thì 2 tiểu đoàn ở xa nhau, không hỗ trợ lẫn nhau được mà coi như mạnh ai nấy đánh. Nếu sử dụng hai tiểu đoàn tập trung tiêu diệt một cánh quân của địch thì tốt hơn.

2)- Địch tập trung rút ra cùng một hướng bằng nhiều ngã, theo các kinh rạch từ kinh Nguyễn Văn Tiếp ra lộ 4. Nếu ta chặn đánh địch đi ngã bìa và gần phía kinh Nguyễn Văn Tiếp, thì lợi hơn là ta bố trí đánh địch đi ngã giữa và sát nơi giao điểm của các ngã về rạch Sài Tư.

3)- Không sử dụng được sức mạnh tiểu đoàn 307 đánh địch vì kế hoạch bố trí lực lượng mai phục không phù hợp với chiến thuật càn quét có thể nói lúc bấy giờ là mới của địch. Ta bố trí chiến đấu không hình thành được thế bao vây tiêu diệt địch, mà chỉ đánh chính diện trong khi địch hành quân đã triển khai hình thành thế đánh xuyên hông và có thể bọc hậu ta, buộc ta phải bị động đối phó.

Chiều ngày 8-6, được biết địch rút ra ngã rạch Chà Là bị tiểu đoàn 309 chặn đánh, diệt nhiều địch nhưng phía ta hy sinh 20 đồng chí trong đó có đồng chí chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Mai Phiên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2018, 07:39:59 pm »



Đồng chí Nguyễn Văn Tiên, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên
của Tiểu đoàn 307 từ 1949 đến 1954..




Đ/C Đỗ Giọng tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 307.



TRẬN SÀI TƯ 08-06-49
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:17:57 pm »

THAM GIA CHIẾN DỊCH CẦU KÈ (Vĩnh Long)

Đến cuối năm 1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ ra lệnh chuẩn bị cuộc tổng phản công quân Pháp.

Từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược trở lại nước ta, đến thời điểm này Pháp cho rằng đây là lần đầu tiên họ phải đương đầu liên tục với áp lực rộng khắp của ta mọi nơi trên chiến trường Nam bộ.

Chính lúc này, ở khu 8, để phối hợp với chiến trường chung, ngoài các hoạt động khác, lần đầu tiên Bộ chỉ huy khu đã quyết định mở một đợt tiến công lớn: Chiến dịch Cầu Kè.

Quận lỵ Cầu Kè, địa bàn trọng điểm của chiến dịch là khu vực nằm sâu trong vùng nông thôn tiếp giáp với khu giải phóng tỉnh Vĩnh Long. Đây là vùng đất sinh sống của hơn 80% người Khmer. Với chính sách chia để trị, Cầu Kè là nơi Pháp sớm chiếm đóng để gây ảnh hưởng chính trị, tạo nguồn bổ sung nhân lực tại chỗ, chống phá cách mạng.

Chiến dịch Cầu Kè được khởi sự từ ngày 7-12-49 đến ngày 25-1-50 thì kết thúc, nhằm mục đích:

- Đánh vào dự trữ nhân lực của địch, giải phóng các sóc người Khmer khỏi sự kềm kẹp của địch, củng cố mặt trận đoàn kết dân tộc, mở rộng vùng căn cứ của ta.

- Tiêu hao làm tan rã lực lượng địch tại chỗ, giải giới bảo an, giải tán hội tề.

- Tiêu diệt quân tiếp viện.

- Phá hoại, cắt đứt giao thông từ Tiểu Cần đi Cầu Kè bao vây lâu ngày để địch thấy giữ Cầu Kè khó khăn phải bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta mở rộng vùng căn cứ giải phóng.

Để đạt mục đích chiến dịch, Bộ chỉ huy khu đã huy động một lực lượng gồm: Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 308, các đại đội địa phương 975, 368, 999, đại đội 889 của trung đoàn 99, trung đội Miên – Việt liên quân, trung đội công an xung phong và dân quân các địa phương. Toàn bộ lực lượng được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Liên trung đoàn trưởng, trung đoàn 109-111: đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến và đồng chí Dương Cự tẩm, Chính ủy Liên trung đoàn.

Về phía Pháp, để bảo vệ quận lỵ, lực lượng tại chỗ gồm khoảng 1 tiểu đoàn đóng ở 3 cứ điểm chính: Cứ điểm dinh quận, cứ điểm nhà thương và cứ điểm Bát Cò. Chung quanh mỗi cứ điểm, quân Pháp đặt nhiều lô cốt để bảo vệ. Ở dọc theo tuyến giao thông từ quận lỵ Cầu Kè đi Tiểu Cần Pháp còn có một đồn cỡ trung đội nữa. Ngoài ra, ở hướng quận lỵ ra sông Hậu, Pháp còn có đồn Chông-Nô cỡ trung đội và 2 lô cốt cỡ tiểu đội. Trong các sóc, bọn bảo an đều được Pháp trang bị súng trường.

Tham dự chiến dịch Cầu Kè, Tiểu đoàn 307 đã đánh 10 trận lớn nhỏ. Trong đó có trận vận động chiến đấu tiêu diệt tiểu đoàn bộ binh Maroc (có 1 đại đội của Tiểu đoàn 308 phối hợp), trận hạ đồn Bắc-sa-ma, đồn Bù Hút tiêu diệt và làm bị thương 600 tên địch, bắt sống trên 200 tên, trong đó có 97 tên Âu Phi, thu gần 700 súng các loại.

Ngoài hoạt động chiến đấu, tiểu đoàn còn làm công tác vũ trang tuyên truyền, và giải giới bảo an trong nhiều xã bị địch chiếm đóng; hủy diệt và làm tan rã hệ thống đồn bót từ Tiểu Cần đến gần sát quận lỵ Cầu Kè, góp phần cùng các dơn vị bạn tạo nên thắng lợi chung của toàn chiến dịch. Diễn biến chính những hoạt động tiêu biểu của tiểu đoàn khi tham dự chiến dịch Cầu Kè gồm có:

a) Cuộc hành quân vượt sông Tiền.

Ngay sau khi được lệnh điều động của Bộ Chỉ huy khu 8 từ vùng Đồng Tháp Mười, tiểu đoàn nhanh chóng hành quân về xã Bình Hàng Tây, quận Cao Lãnh để chuẩn bị vượt sông Tiền, rồi qua quận Lai Vung về phối thộc với Liên trung đoàn 109 – 111 mở chiến địch.

Chặng đường từ Đồng Tháp Mười đến nơi tập kết quân khá xa, đơn vị phải hành quân qua nhiều vùng kiểm soát của địch và 1 cánh đồng lầy. Song quan trọng hơn cả là việc vượt sông Tiền.

Là đơn vị chủ lực cơ động trong khắp địa bàn khu 8, bao gồm các tỉnh ở hai bên bờ sông Tiền cho nên việc hành quân qua sông đối với tiểu đoàn cũng đã thành quen thuộc và có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong chiến đấu, ta không được quyền chủ quan, bởi vì việc vượt sông lớn một lúc cả tiểu đoàn với quân số hơn 1.000 người cũng là việc không ít khó khăn.

Theo kinh nghiệm cho thấy, đối với địch, để ngăn chặn bộ đội và cán bộ kháng chiến qua lại sông hoạt động và cũng để đề phòng quân ta phục kích trên bờ sông bắn tỉa tàu địch, chúng thường lập các đồn bót dọc theo hai bờ sông, cách khoảng chừng 1 đến 2 ki-lô-mét tùy sự khả nghi của địch ở từng khúc sông. Ngoài ra, chúng còn cho tàu thường xuyên tuần tiễu để dò xét, đối phó với mọi hoạt động của ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:19:42 pm »

Về thời gian qua sông, kinh nghiệm của đơn vị trong nhiều lần vượt sông trước đây cũng cho thấy khoảng thời gian tốt nhất là vào lúc mờ sáng và lúc hoàng hôn xuống. Những lúc đó, địch tương đối ít hoạt động do chúng mới ngủ dậy, hoặc hết giờ qui định ban ngày chuyển tiếp vào giờ đêm.

Mặt khác, trong vấn đề vượt sông, việc nguy hiểm nhất là khi bộ đội ta đã ra đến giữa dòng sông thì tàu tuần tiễu của địch phát hiện. Vì vậy, việc tổ chức canh gác, quan sát hoạt động của tàu địch là công việc quan trọng nhất, phải có kế hoạch được chuẩn bị chu đáo và bảo đảm tuyết đội an toàn cho bộ đội ta.

Cuộc hành quân vượt sông Tiền của Tiểu đoàn 307 lần này được chuẩn bị kỹ, đơn vị qua sông an toàn theo kế hoạch thống nhất.

- Trong 2 ngày 24, 25-11 Ban chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho đại đội trinh liên, bố trí các tổ bám sát theo dõi các đồn bót địch dọc theo hai bên bờ sông để kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy mọi hoạt động của địch. Từ sáng ngày 25-11 đại đội trinh liên (trinh sát, liên lạc) được lệnh sử dụng 20 chiếc xuồng chở 20 tổ trinh sát – mỗi tổ từ 2 – 3 người chia ra bố trí dọc hai bên bờ sông, mỗi bên 10 xuồng. Lấy địa điểm vàm rạch nơi vượt sông làm chuẩn, bố trí về phía Đông 5 ki-lô-mét. Như vậy, mỗi đầu cách chỗ vượt sông xa 10km đều có tổ quan sát. Các tổ này nhận nhiệm vụ vừa dùng ống nhòm phát hiện tàu địch trên sông vừa quan sát đề phòng tàu địch ẩn núp gần bến vượt sông của ta.

Dòng sông Tiền ở đoạn ta chuẩn bị qua sông rộng chừng 700 – 800 mét, việc bố trí lực lượng trinh sát như trên nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, kể cả lúc lực lượng ta đang ở giữa dòng sông, khi nhận được tín hiệu của các tổ quan sát (dùng súng bắn chuyền để liên lạc) cũng còn đủ thời gian để xuồng chở quân ta cập bờ, trước khi tàu địch chạy đến vị trí ta hành quân.

Qua tin của đại đội trinh liên thì diễn biến tình hình hoạt động của địch trong ngày 24 và đến trước 17 giờ ngày 25-11 vẫn không có dấu hiệu gì ảnh hưởng đến việc vượt sông của ta. Đến 17 giờ ngày 25-11 Ban chỉ huy tiểu đoàn phát lệnh các đơn vị xuống thuyền tại nơi đóng quân và theo thứ tự chuẩn bị ra vàm nơi qua sông(1).

Đúng 18 giờ, cho 1 thuyền trinh sát mang theo đèn tín hiệu sang trước tiên; khi đến bến bên kia sông thì phát tín hiệu an toàn về (hồi đó, bộ đội ta chưa có máy thông tin bộ đàm).

Lúc nhận được tín hiệu an toàn, lập tức cho một trung đội của đại đội 931 qua sông trước, trung đội này có nhiệm vụ bố trí mai phục địch ở cự ly 500m của hai đầu bến để sẵn sàng đánh địch ở các đồn bót gần đó nếu chúng bung ra hoạt động.

Khi trung đội đi đầu bố trí xong, có tín hiệu đèn báo thì theo thứ tự lần lượt các đại đội 931, 932, tiểu đoàn bộ, trợ chiến, 933 xuất phát từ trong rạch ém quân theo hàng dọc nối tiếp nhau ra thành hàng ngang; mỗi đại đội cách nhau từ 2 đến 3 phút, cứ thế vượt liên tục qua sông cho đến hết quân. Tốc độ vượt sông rất nhanh, nhờ mỗi thuyền tiểu đội đều có chèo mũi, chèo lái và mỗi bên thuyền có 3 dầm bơi.

Lần vượt sông này chỉ xảy ra một sự cố nhỏ: Khi đến giữa sông thì xuồng của Ban chỉ huy đại đội 931 bị chìm vì sóng lớn. Nhưng nhờ công tác huấn luyện và phương tiện bảo đảm chu đáo, các cán bộ, chiến sĩ đều biết bơi, nên chỉ vài phút ngay sau khi xuồng chìm thì thuyền dự bị của đại đội đã đến kịp lúc để cứu họ(2).

Sau khi toàn đội hình tiểu đoàn qua sông an toàn, thì đại đội trinh liên mới lần lượt cho các tổ trinh sát bố trí ở hai bên bờ sông rời khỏi vị trí về địa điểm đóng quân của đơn vị.

Đêm đó và ngày hôm sau 26-11, tiểu đoàn bí mật dừng quân tại xã Tân Khánh Tây, một vùng du kích thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc, để lấy sức chuẩn bị tiếp tục vượt cánh đồng Long Thắng (còn gọi là đồng Chó Ngáp). Tối 26-11, tiểu đoàn hành quân bằng xuồng, theo kinh rạch chằng chịt, vượt qua đồn Hòa Hảo, đến cánh đồn Long Thắng mênh mông lau sậy chỗ nước chỗ khô, chỗ nước phải đẩy xuồng đến gần sáng mới ra khỏi cánh đồng, theo sông ra đóng quân ở xã Phú Nhuận Đông, Phú Hựu. Đêm 27-11, tiểu đoàn vượt lộ Vĩnh Long – Cần Thơ ở đoạn Ba Càng – Phú Quới. Từ đây đến nơi phối thuộc tham gia chiến dịch chỉ còn khoảng cách 1 ngày đường nữa.


(1) Vì hoạt động ở vùng sông nước Đồng Tháp Mười nên tiểu đoàn được trang bị đầy đủ thuyền tam bản đến tiểu đội. Mỗi tiểu đội một thuyền, còn cán bộ đại đội, các tổ trinh sát, liên lạc đều có xuồng ba lá nhỏ.
(2)  Thuyền dự bị có 2 người chèo chứ không chở người, sẵn sàng cứu hộ những thuyền bị chìm để cho các thuyền khác của toàn đại đội cứ việc vượt sông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:20:31 pm »

b)- Bước vào chiến dịch:

Đúng theo kế hoạch đã định, ngày 28-11-1949, Tiểu đoàn 307 đã kịp về đến kinh Thầy Phó, thuộc xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn – Vĩnh Long. Tại đây, tiểu đoàn được Ban chỉ huy chiến dịch quán triệt tình hình mục đích, yêu cầu của chiến dịch và phân công cho các đơn vị như sau:

Mặt trận A (phía sông Hậu vào quận lỵ Cầu Kè) lực lượng gồm có Tiểu đoàn 308, các đại đội địa phương 975, 308, đại đội 889 của trung đoàn 99, công an xung phong, trung đội dân quân thị trấn, có nhiệm vụ:

- Đánh chiếm đồn Chông Nô và giải giới Bảo an Khmer.

- Đánh chiếm các lô cốt trong quận lỵ Cầu Kè.

- Chặn tiếp viện đường bộ Chông-nô và đường sông Bong-Bot.

- Tiếp trợ mặt trận B khi cần thiết.

Mặt trận B (phía đường Tiểu Cần – Cầu Kè). Lực lượng gồm có Tiểu đoàn 307, đại đội địa phương 99, một trung đội Miên – Việt liên quân, có nhiệm vụ:

- Đánh chiếm đồn Bắc-sa-ma và các lô cốt dọc theo đường Cầu Kè – Tiểu Cần.

- Tước vũ khí Bảo an Khmer ở giồng Bắc-sa-ma.

- Chặn đánh quân tiếp viện từ Tiểu Cần lên Cầu Kè.

- Phá hoại đường bộ.

- Tiếp trợ mặt trận A khi cần thiết.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ của Ban chỉ huy liên trung đoàn giao, các can bộ chỉ huy của Tiểu đoàn 307 đã tổ chức nghiên cứu địa hình và nắm tình hình hoạt động trên địa bàn đơn vị phụ trách.

Ngày 4-12-1949, đồng chí Nguyễn Văn Tiên – Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên, đồng chí Đỗ Văn Giọng, Tiểu đoàn phó, đồng chí Vũ Đình Thông, tiểu đoàn phó cùng với các cán bộ đại đội trưởng, chính trị viên đại đội và cơ quan tham mưu, chính trị, quản trị tiểu đoàn họp quán triệt nhiệm vụ, cách đánh và đề ra yêu cầu cho bộ đội.

Vấn đề nổi bật được đặt ra trong cuộc họp này là bằng mọi cách ta phải làm chủ được tuyến giao thông Cầu Kè – Tiểu Cần, nhằm tạo điều kiện đánh quân tiếp viện từ Trà Vinh lên. Song ta phải chọn phương án nào để thu được kết quả cao nhất?

- Đợt tấn công đầu tiên nên đánh vào cứ điểm mạnh hay yếu của địch?

-Nếu đánh chỗ mạnh trước thì rất khó, nhưng khi đánh được thì ở các chỗ yếu, địch sẽ bị mất tinh thần, tự tan rã hoặc đầu hàng.

- Nếu đánh vào chỗ yếu trước thì dễ hơn và có thể cô lập được chỗ mạnh, nhưng khi ấy, lực lượng ta sẽ thiếu tập trung, lại có thể cũng bị tiêu hao quân số, từ đó việc đánh cứ điểm lớn cũng sẽ bị hạn chế kết quả.

Thông qua các ý kiến đề xuất và dự kiến về tình huống của tập thể cán bộ, cuối cùng, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã đi đến quyết định: Tập trung lực lượng đánh trước vào đồn Bắc-sa-ma – chỗ mạnh nhất của địch – còn các lô cốt khác sẽ bao vây, bức rút, bức hàng. Đặc biệt, Ban chỉ huy tiểu đoàn còn thống nhất quyết định sau khi hạ được đồn Bắc-sa-ma thì lực lượng ta phải thừa thắng, nhanh chóng tiêu diệt đồn Phong Phú để làm chủ khu vực có địa hình thuận lợi cho việc phục kích, vận động đánh địch đi tiếp viện.

Thực hiện phương án này, Ban chỉ huy tiểu đoàn phân công:

- Đại đội 932 đánh đồn Bắc-sa-ma.

- Đại đội địa phương bao vây, tấn công các lô cốt còn lại trên đường Tiểu Cần – Cầu Kè và hỗ trợ dân quân phá đường.

- Đại đội 931 có nhiệm vụ đột nhập giải giới Bảo an từ Bắc-sa-ma về phía Đông tuyến giao thông Tiểu Cần – Cầu Kè.

- Đại đội 933 có nhiệm vụ đột nhập giải giới bọn Bảo an từ phía Tây tuyến giao thông (phía từ Mỹ Vân vào Bắc-sa-ma).

Sau khi giải giới Bảo an xong thì 2 đại đội 931 và 933 phối hợp phục kích trên hướng về Tiểu Cần để sẵn sàng đánh quân tiếp viện.

Cuối buổi họp, đồng chí Tiểu đoàn trưởng nhấn mạnh lại tầm quan trọng của nhiệm vụ mà tiểu đoàn được giao có tính chất quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch: đồng thời nhắc lại mục đích, yêu cầu chung của chiến dịch và động viên cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công cùng theo 3 yêu cầu sau:

- Chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết tiêu diệt địch.

- Chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật chiến trường (kể cả kỷ luật dân vận và địch vận).

- Nêu cao tinh thần đoàn kết hợp đồng, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn.

Sau cuộc họp ở tiểu đoàn, lần lượt các chi ủy, các đại đội, họp cán bộ thảo luận về kế hoạch đánh đồn Bắc-sa-ma, bao vây các lô cốt trên đường Cầu Kè – Tiểu Cần. Kế hoạch đột nhập vào giồng giải giới Bảo an và kế hoạch chuẩn bị vũ khí, đạn dược, chuẩn bị thang, ván vượt rào, cây bó bùi nhùi tẩm xăng để đốt đồn... Mọi việc được phổ biến, chặt chẽ trong toàn đơn vị và được hoàn thành chu đáo.

Về mặt công tác chính trị, tờ tin của tiểu đoàn in bằng mặt đá (Litho) phát hành số đặc biệt, có nhiều bài viết về ý nghĩa của chiến dịch, về tính chất quan trọng của nhiệm vụ mà tiểu đoàn được phân công; trao đổi về cách hành quân, chiến đấu, cách đánh đồn, cách đánh phục kích vận động thông báo về không khí sôi nổi chuẩn bị bước vào chiến dịch của các đơn vị trong tiểu đoàn. Ngoài ra tiểu đoàn cũng đã liên hệ với Hội phụ nữ, Hội mẹ chiến sĩ, cử các đoàn cán bộ Hội, các mẹ đến thăm, động viên các chiến sĩ trước khi xuất trận.

Trong những ngày chuẩn bị bước vào chiến dịch, khí thế sẵn sàng giết giặc lập công sôi nổi trong khắp tiểu đoàn và trong nhân dân vùng đóng quân. Nhiều đảng viên, nhiều chiến sĩ đã hăng hái viết quyết tâm thư gửi lên chi ủy, tiểu đoàn ủy, Ban chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các ba má, các anh chị và các cô thiếu nữ, các em thiếu nhi nơi đơn vị đóng quân đều thể hiện tình cảm thân thiết, tin yêu gửi đến cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu lần này lập được chiến công lớn và hẹn ngày về địa phương liên hoan mừng chiến thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:21:12 pm »

c)- Diễn biến chính các đợt tiến công:

Đúng 18 giờ ngày 7-12-1949, theo kế hoạch tác chiến được phân công, các đại đội của Tiểu đoàn 307 từ kinh Thầy Phó, xuất phát hành quân hướng về giồng Bắc-sa-ma giữa sự tiễn đưa tràn đầy tin tưởng, quyến luyến của đồng bào nơi đóng quân.

Giồng Bắc-sa-ma là địa danh của dải đất rộng chừng 200m và dài khoảng 2km, nằm vắt ngang qua lộ Cầu Kè – Tiểu Cần.

Tại ngã tư, giao điểm của tuyến lộ và con giồng này, địch cho bố trí một đồn lớn, nằm sát một ngôi chùa của đồng bào. Lực lượng địch thường trực đồn trú ở đây chừng 1 trung đội, phần đông là người Khmer. Ngoài ra để bảo đảm an ninh vòng ngoài địch còn bắt buộc hầu hết thanh niên tại chỗ tham gia vào lực lượng Bảo an, có trang bị vũ khí đầy đủ.

Theo đúng kế hoạch hợp đồng của Ban chỉ huy chiến dịch, lúc 20 giờ đêm 7-12-1949, các đại đội của tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ giải giới một bộ phận lính Bảo an, ở vòng ngoài đồn Bắc-sa-ma. Song song với thời gian này, thì các đồn bót dọc đường Tiểu Cần – Cầu Kè cũng bị đại đội địa phương bao vây, uy hiếp.

Về diễn biến tấn công đồn Bắc-sa-ma, mặc dù tiểu đoàn đã nổ súng công đồn đúng thời gian qui định của Ban chỉ huy chiến dịch, nhưng do trước đó ta chưa đủ điều kiện điều tra tỉ mỉ nên kế hoạch tấn công không sát thực tế.

Sau khi dùng hỏa lực khống chế các lỗ châu mai, thì đội xung kích ta đã nhanh chóng, dũng cảm, xung phong tiến sát vào vòng rào, ném lựu đạn cháy và bùi nhùi và đồn địch, nhưng trái với dự kiến, hỏa công không có tác dụng vì đồn này địch xây bằng gạch! Đợt tấn công phải dừng lại, địch trong đồn bắn ra dữ dội làm cho một số xung kích của ta bị thương. Đối phó với tình huống ngoài dự kiến này, Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết tâm cho lực lượng khẩn trương đào công sự, bố phòng cẩn mật mọi hướng, bám sát mục tiêu, chờ sáng hôm sau tìm khả năng tấn công mới. Suốt đêm hôm đó tình hình chiến sự không có dấu hiệu gì đáng lưu ý.

Rạng sáng ngày 8-12, kết quả quan sát địa hình cụ thể cho thấy: xung quanh đồn có nhiều cây thân lớn (vì đồn ở sát chùa) ta có thể ẩn núp để tiến sâu vào vòng rào của đồn; bên cạnh đồn về hướng Tiểu Cần có nhiều nhà dân, ta có thể thâm nhập được bên trong đồn thì về phía bờ sông là nhà bếp và kho lúa bằng gỗ, ta có thể dùng hỏa công.

Ngay sau khi quan sát được địa hình đồn Bắc-sa-ma thì tiểu đoàn cũng nhận được tin báo, ở khu vực hoạt động của Tiểu đoàn 308, quân địch tại đồn Chông-nô đã đầu hàng.

Tổng hợp các điều kiện mới, Ban chỉ huy tiểu đoàn nhanh cóng họp cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội, phân công và động viên tinh thần quyết thắng, phải chiếm cho kỳ được đồn Bắc-sa-ma nội nhật ngày 8-12.

Đúng 12 giờ 30, Ban chỉ huy tiểu đoàn phát lệnh tiến công. Trước hết cho lực lượng chiếm chùa để dùng làm bàn đạp uy hiếp đồn chính.

Ngay phút đầu tiên, hàng loạt đạn đại liên ta nổ giòn giã, áp chế địch từ 3 phía. Tiếng kèn xung phong vang lên, khẩn trương. Các bộ phận 932 ở phía sau, và 931 từ góc trái cùng một lúc phát triển mạnh, vượt rào tre, xung phong vào chùa, dùng búa, chày phá cửa cái, cửa sổ và nã đạn FM vào bên trong, khi cửa cái và cửa sổ vỡ tung, quân ta tung lựu đạn và tràn vào chiếm chùa. Xác địch chết và bọn bị thương nằm ngổn ngang, một bộ phận địch sống sót chạy thoát sang đồn chính. Một số đồng bào chạy trốn trong chùa được ta đưa ra ngoài an toàn.

Nhân đà thắng thế, ta cho mở ngay đợt tấn công sang đồn chính. Cùng một lúc các khẩu đại liên ở phía trước và phía sau đồn chuyển hỏa lực và lựu đạn tung vào các phòng tuyến địch; một góc tháp canh của đồn bị sụp đổ do hỏa lực của ta công phá.

Lúc này, 1 tổ 4 người của ta cũng đột nhập được vào và đốt cháy khu vực nhà bếp và kho lúa của địch. Ngọn lửa bốc cao dữ dội, gió tạt mạnh ngọn lửa vào đồn chính.

Nằm trong vòng vây, lại bị tiêu hao nặng về quân số, tinh thần địch trong đồn càng hoảng hốt, sức chống trả yếu dần.

Từ công sự phòng thủ tại ngôi chùa ta liên tiếp phát lệnh gọi hàng và răn đe, cảnh cáo để uy hiếp mạnh tinh thần quân địch.

Đúng 17 giờ 30 ngày 8 tháng 12, vì không thể kéo dài tình hình được nữa, số địch còn sống sót trong đồn buộc phải kéo cờ trắng ra hàng! Quân ta tràn vào chiếm lĩnh hoàn toàn đồn Bắc-sa-ma một cứ điểm mạnh tại giao điểm con giồng và tuyến lộ Cầu Kè – Tiểu Cần của địch bị triệt hạ.

Biết tin đồn Bắc-sa-ma bị hạ, lực lượng địch ở đồn Phong Phú và các lô cốt khác trên đường Cầu Kè – Tiểu Cần như Trà Diêu, Ô Tà Từ, Ông Sư hoặc ra hàng hoặc tìm cách trốn thoát khỏi vòng vây, bỏ ngỏ con đường Cầu Kè – Tiểu Cần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:22:01 pm »

Đêm 8-12, theo kế hoạch dự kiến của Ban chỉ huy tiểu đoàn từ trước khi đánh đồn Bắc-sa-ma, ta cho phá cầu sắt ở giồng Bắc-sa-ma và bố trí 1 toán trinh sát cùng 1 bộ phận liên quân Miên – Việt làm công tác vũ trang tuyên truyền tại chỗ. Lực lượng chính của tiểu đoàn được lệnh di chuyển về giồng Phong Phú, chuẩn bị chặn đánh quân tiếp viện.

Giồng Phong Phú, cách xa giồng Bắc-sa-ma khoảng 3km, có bề rộng chừng 600m và dài khoảng 3km. Đầu con giồng này tiếp giáp với đường Cầu Kè – Tiểu Cần và đuôi giồng hướng về ngã Mỹ Văn, ra đến sông Hậu.

Từ vị trí này, tiểu đoàn lệnh cho đại đội 933, hai trung đội 931 và 1 trung đội 932 bố trí ngang đầu giồng để chặn quân tiếp viện ở Tiểu Cần lên.

- Một trung đội 931 bố trí ở Châu Điền cách giồng Phong Phó bởi 1 cánh đồng lớn hơn 1km về phía Cầu Kè, chặn địch từ Cầu Kè ra.

- Hai trung đội 932 bố trí ở Mỹ Văn để chặn địch từ sông Hậu vào.

- Sáng ngày 11, bộ phận liên quân Miên Việt theo lệnh của Ban tham mưu liên trung đoàn rút đi nhưng sơ suất không báo cho tiểu đoàn nên chiều hôm đó địch từ Tiểu Cần lên, chiếm lại giồng Bắc-sa-ma và cho 1 đại đội tiếp tục hành quân qua giồng Phong Phú. Đại đội này đến ven bìa giồng thì dừng lại chỉ để 1 tốp gần 20 tên trinh sát tiến đến Cầu Đúc (đoạn đầu Giồng); đến đây biết có lực lượng ta, nên chúng nhanh chóng rút trở lại Bắc-sa-ma. Lúc này trung đội 933 bố trí ở đầu giồng phát hiện được địch và nổ súng đuổi theo nhưng không kịp.

Đêm 11-12, đồng chí Phạm Huỳnh, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 308 sang giồng Phong Phú báo cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn 307 và tham mưu phó liên trung đoàn; đồng chí Dương Văn Lợi biết tin, từ phía sông Hậu, quân tiếp viện địch đã vào được quận lỵ. Đồng chí Phạm Huỳnh cũng đề xuất việc điều hai đại đội của Tiểu đoàn 308 về phối hợp với Tiểu đoàn 307 để đánh viện.

Trong đêm này, tại chùa Phong Phú, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 307 họp với đồng chí Lợi, đồng chí Huỳnh và các đại đội trưởng, chính trị viên đại đội của 2 tiểu đoàn, bàn kế hoạch đánh viện binh địch ngày hôm sau.

Sau gần 2 giờ làm việc mọi người đều nhất trí nhận định trong ngày mai, chắc chắn quân địch từ Tiểu Cần sẽ đi lên giải vây cho quận lỵ Cầu Kè. Tuy nhiên, ta nên bố trí trận địa như thế nào?

- Có ý kiến cho là trận địa đã bị lộ, nên chọn chỗ khác.

- Có ý kiến cho cứ ở lại giồng Phong Phú, nhưng phải có biện pháp đủ sức đối phó với tình huống địch đã biết trước khu vực có lực lượng ta phục kích.

Để thống nhất ý kiến chung, đồng chí Nguyễn Văn Tiên, Tiểu đoàn trưởng 307, người chủ trì cuộc họp đã kết luận: “Tuy là hồi chiều, ta có đánh hụt toán trinh sát địch, nhưng lực lượng ta chỉ bộc lộ chừng 1 trung đội, có thể địch phán đoán là bộ đội địa phương hoặc cho là trận địa đã bị lộ, ta không dám ở lại phục kích.

Để tạo được tình huống bất ngờ, lần này, chúng ta phải táo bạo, lợi dụng tâm lý quân sự chủ quan của bọn chỉ huy địch. Phải quyết tâm bố trí trận địa phục kích ngay tại giồng Phong Phú, nơi địch đã phát hiện lực lượng ta hôm qua, miễn là làm thế nào, ta ngụy trang cho thật khéo léo vì chắc chắn địch cũng sẽ dè dặt hơn. Các khả năng có thể phải đề phòng là: chúng sẽ cho lực lượng lùng sục sâu đoạn vào đầu giồng để phát hiện chỗ mai phục của ta. Cao hơn, chúng có thể cho 1 cánh quân từ phía bờ sông tiến lên phía đuôi giồng để tập hậu ta. Mặt khác, hiện giờ địch đã vào được quận lỵ có thể từ đó chúng cho một cánh quân theo đường lộ từ Cầu Kè đi xuống Phong Phú để phối hợp với bọn từ Tiểu Cần lên.

Như vậy, cách đánh của ta là tập trung lực lượng đánh mạnh, diệt gọn cánh quân địch từ Tiểu Cần qua Bắc-sa-ma lên Phong Phú. Bọn này chừng 1 tiểu đoàn. Song song đó, phải đề phòng 2 hướng, phía sông lên và phía Cầu Kè xuống, kể cả việc đề phòng địch dùng máy bay oanh tạc tại đầu giồng.

Để tránh địch lùng sục phát hiện, lực lượng ta nên bố trí theo hàng dọc sâu vào trong giồng, cách đường địch đi khoảng 500m, khi được lệnh tấn công thì mỗi đại đội vận động ngay 1 đến 2 mũi ra đầu giồng, bố trí thành hàng ngang để tiêu diệt địch. Mặt khác, để diệt địch được nhanh gọn phải có một bộ phận bố trí kín đáo gần đường địch đi để khi chúng lọt vào trận địa thì vận động nhanh nhằm chặn đầu khóa đuôi địch; trong khi đó một đại đội sang hẳn qua bên kia đườn bố trí phục kích dọc theo bờ rạch Phong Phú sẵn sàng phối hợp với cánh quân chính của ta vận động từ trong giồng ra. Khi đó, nhất định địch sẽ dựa vào phía bên kia đường để chống lại. Đại đội bên kia đường sẽ dàn quân tập kích sau lưng địch và hình thành thế bao vây không cho địch chạy thoát. Cách bố trí cánh quân này, tuy có táo bạo, song sẽ rất bất ngờ với địch vì hai bên rạch là ruộng lúa, cây cối dọc theo rạch Phong Phú không nhiều.

Tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời thì chính trị viên đại đội 932 xin được nhận nhiệm vụ đưa đại đội mình sang phục kích bên kia đường, ở ven rạch Phong Phú.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:22:45 pm »

Sau khi chấp thuận đề nghị của chính trị viên và đại đội trưởng đại đội 932, đồng chí Tiểu đoàn trưởng tiếp tục giao nhiệm vụ nhanh cóng tiến ra chặn đầu địch tại cầu Phong Phú – mép ranh bờ giồng phía Bắc; bộ phận còn lại bố trí tấn công địch từ cầu Phong Phú trở về phía đường đất rẽ vào giữa giồng.

- Đại đội 937 của Tiểu đoàn 308 đánh địch từ giữa giồng ngược về phía Bắc-sa-ma.

- Đại đội 933 bố trí một trung đội đào hầm ngoài đồng lúa ở đoạn cuối trận địa chờ địch lọt vào trận địa thì xông lên làm nhiệm vụ khóa đuôi, không cho địch chạy thoát trở lại Bắc-sa-ma. Bộ phận còn lại bố trí chặn địch từ Cầu Kè xuống tại Châu Điền.

- Đại đội 935, Tiểu đoàn 308 phục kích ở khu vực đuôi giồng Phong Phú, đề phòng địch từ sông Hậu lên phía Mỹ Văn tập kích sau lưng mặt trận ta.

- Đại đội trợ chiến, bộ phận cối thuộc tiểu đoàn chỉ huy, bộ phận 12,7 ly có nhiệm vụ sẵn sàng bắn máy bay địch khi quân ta tiến công ra đường lộ.

- Vị trí chỉ huy tiểu đoàn đặt tại đầu giồng Phong Phú.

Đúng 5 giờ sáng ngày 12-12 tất cả các đơn vị phải sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, khi đánh xong, các đại đội rút quân vào trong giồng bố trí thứ tự: đại đội 931 (Tiểu đoàn 307) ở đầu giồng dọc theo đường Cầu Kè – Tiểu Cần. Đại đội 932 (Tiểu đoàn 307) bố trí dọc theo bờ bắc giồng. Đại đội 937 (Tiểu đoàn 308) bố trí dọc theo bờ phía nam giồng. Đại đội 935 (Tiểu đoàn 308) bố trí ở đuôi giồng, phía Mỹ Văn. Vị trí chỉ huy tiểu đoàn đặt ở chùa Phong Phú.

Đúng 7 giờ 30 phút, ngày 12-12, trinh sát của ta ở Bắc-sa-ma chạy về báo cáo có khoảng 1 tiểu đoàn địch đang ở Bắc-sa-ma. Vì cầu Bắc-sa-ma đã bị ta phá sập, địch có thể sẽ hành quân bộ lên Phong Phú.

Nguồn tin trên được Ban chỉ huy tiểu đoàn cho thông báo ngay đến các đại đội. Theo kế hoạch chiến đấu, địa bàn bố trí lực lượng của ta hoàn toàn giữ được bí mật và sẵn sàng chờ lệnh tấn công.

Hơn 1 tiếng đồng hồ chờ đợi, tại vị trí phục kích, ta phát hiện chừng 20 tên địch đi đầu tiến đến đầu giồng Phong Phú, tại đây, chúng cảnh giác dừng lại quan sát, lùng sục. Thấy không có dấu hiệu khả nghi – có thể địch cho rằng lực lượng ta bị “lộ” ngày hôm qua nên đã rút đi – chúng cho 4 tên tiếp tục tiến qua cầu; chờ khi 4 tên này đi được chừng 200m thì bọn còn lại bắt đầu bám theo. Cùng lúc đó, đội hình chủ yếu của địch cũng vừa tiến đến đầu giồng Phong Phú. Chúng hành quân theo hàng dọc.

Ngay lập tức, khi toàn đội hình địch lọt vào trận địa phục kích của ta, trung đội khóa đuôi của ta, tung cỏ ngụy trang vượt lên cắt ngang đường – nổ súng khóa đuôi – cùng lúc đó – tiểu đội chặn đầu cũng vận động nhanh ra chiếm lĩnh đầu cầu Phong Phú, bắn mạnh dọc theo đường chặn đầu địch. Lúc này, chỉ có 4 tên địch đã qua cầu, chạy thoát được vòng vây về phía Cầu Kè.

Trước đó, qua theo dõi thấy địch không lùng sục sâu vào trong giồng. Các đại đội ta đã tranh thủ vận động ra gần sát đầu giồng. Do đó, đã phối hợp tấn công địch ngay trên lộ cùng lúc với tiếng súng của 2 bộ phận chặn đầu, khóa đuôi đội hình địch. Trước tình huống hoàn toàn bị bất ngờ địch, địch chỉ còn con đường lội dụng địa hình bên kia đường để chống trả. Nhưng không còn kịp nữa theo phương án dự kiến trước, lúc đó Đại đội 932 từ trong bờ rạch Phong Phú xông ra đã sẵn sàng tung hỏa lực tập kích từ phía sau lưng địch.

Sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Tiêu diệt tại chỗ hầu hết quân địch (trong đó có tên thiếu tá: Beaulanc chỉ huy tiểu đoàn viện binh địch), bắt sống 97 tên (trong đó có 1 đại úy, 1 thiếu úy).

Được biết lực lượng địch bị xóa sổ trong trận này là tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn bộ binh Maroc thứ nhất (1 er Régiment Tirai lleur Marocdin) từ Bắc Phi sang Sài Gòn từ tháng 8-1949.

Sau trận đánh, quân ta rút về bố trí trong giồng đúng theo kế hoạch, bọn tù binh, ta giải về giam giữ tại chùa Phong Phú, chờ lệnh của Ban chỉ huy chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:23:12 pm »

Về diễn biến hoạt động ở phía Châu Điền, cùng thời điểm lúc 9 giờ ngày 12-12, lực lượng địch chừng 1 đại đội xuất phát từ Cầu Kè hành quân về Phong Phú.

Về đến Châu Điền, lực lượng này bị đại đội 933 diệt gọn 15 tên. Trận này, lẽ ra ta có đủ điều kiện đánh địch tiêu diệt toàn bộ quân địch vì đã phán đoán đúng ý định của địch, và chủ động bố trí lực lượng ở địa thế có lợi. Nhưng khi địch đến gần vị trí mai phục thì do lệnh truyền sai, có 1 bộ phận vượt qua đường để địch phát hiện, nên chúng không bị sa vào trận địa mai phục mà chỉ hoảng loạn đội hình rồi tháo chạy trở lại Cầu Kè.

Một giờ sau khi ta đánh tiêu diệt địch ở giồng Phong Phú và rút vào bố trí trong giồng, thì được trinh sát báo tin, xe lội nước địch từ phía vàm sông vào Cầu Kè đang tiến đến giồng Phong Phú.

Việc bố trí lực lượng ta ở lại giồng Phong Phú theo kế hoạch dự kiến ban đầu đã nhằm đúng ý định của địch.

Khi được trinh sát báo cáo tình hình, Ban chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội đã sẵn sàng tiến công quân địch.

Giồng Phong Phú được bao bọc bởi nhiều lũy tre nối tiếp và lớp cây cối rậm rạp, xe không thể vào được. Đường vào giồng, nơi nào trống trải ta cho chặt cây ngụy trang để địch không biết lối đi.

Về cách tiến công địch, nếu xe ở xa thì dùng súng cối bắn, nếu xe vào gần thì dùng đại liên, trung liên bắn và lợi dụng địa hình rậm rạp, xông đến gần, ném lựu đạn lên xe.

Mở đầu đợt phản công, 10 xe lội nước địch gầm rú xung quanh giồng, nã đạn liên tục vào bên trong. Trong giồng, súng cối ta phóng ra trả đũa; xe địch vừa chạy vừa bắn. Nhờ địa thế thuận lợi hỏa lực ta áp đảo, nhiều lần xe địch áp sát ranh giồng bị trúng đạn phải dạt trở ra xa, 1 số tên bị thương vong. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt đến 15 giờ cùng ngày, địch phải bỏ dở cuộc hành quân, rút lui về phía vàm sông vào Cầu Kè.

Như vậy, chỉ trong 4 ngày (từ 8 – 11-12) địch đã tập trung viện binh ở 3 nơi chính là Tiểu Cần, Cầu Kè và hướng sông Hậu. Đến ngày 12-12 chúng cho mở cuộc phản công quyết liệt cùng 1 lúc từ 3 điểm tập trung quân đồng loạt tiến về Phong Phú để tiêu diệt lực lượng ta. Nhưng âm mưu của địch đã bị ta phán đoán chính xác – kết quả cuối cùng là địch bị thất bại thảm hại.

Đánh giá về bộ đội ta, tên Carbonneau – tù binh trận Phong Phú – trong thư viết cho bạn y ngày 6-1-1950 phải thừa nhận: “Trong trận Phong Phú, quân đội Việt Nam đã hơn hẳn chúng ta về chiến thuật, trong việc hành quân mau lẹ, trong kỷ luật và trong hành động chiến đấu. Họ ngụy trang bằng lá cây thật khéo léo, khiến quân lính của ta không hay biết gì cả. Cuộc dàn trận thành thế bao vây, sự lựa chọn địa hình mai phục làm cho quân đội Việt Nam lợi dụng được triệt để lối đánh bất ngờ, chứng tỏ họ có một trí thức cao về chiến thuật”. Còn một tù binh khác, tên Membré Bernard đã viết: “Sau những loạt súng đầu, phía chúng tôi đã có nhiều người chết. Lực lượng của đối phương với lối đánh bất ngờ khiến chúng tôi rối loạn hàng ngũ. Địch thủ tiến lên với sức mạnh lẹ ghê gớm, trong phút chốc, từ 4 phía họ đã tràn vào chúng tôi”.

Sau chiến thắng Phong Phú, địch vẫn còn cay cú, tập trung thêm quân ở thị xã Trà Vinh, Vĩnh Long, nhưng không dám đi tiếp viện nữa. Hàn ngày, có lẽ để trấn an tinh thần, chúng lệnh cho hàng chục lượt máy bay oanh tạc tại các giồng xung quanh khu vực Cầu Kè. Trong khi đó, lực lượng ta vẫn tiếp tục bao vây quận lỵ, tiến hành giải tán toàn bộ hội tề ở vùng nông thôn, tuyên truyền chiến thắng trong nhân dân và khẩn trương xây dựng cơ sở cách mạng ở xã, ấp.

Bình luận chung về chiến dịch Cầu Kè của ta, từ Union Francaise (Liên hiệp Pháp) số 969 ra ngày 28-12-1949 đã kêu lên “... Cầu Kè nơi đây là một chiến trường bi thảm trong đó quân đội viễn chinh Pháp đã tổn thất nặng nề, chẳng những theo dự luận công chúng mà còn theo báo chí ở Paris loan báo dựa vào tin tức của Bộ Pháp quốc hải ngoại”

Kết thúc chiến dịch, Tiểu đoàn 307 hân hoan trở về kinh Thầy Phó (Vĩnh Long) trong sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân dân. Tại đây từ 30-1 đến 2-2-1950 Ban chỉ huy chiến dịch tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chiến dịch Cầu Kè – chiến dịch đầu tiên của khu 8.

Tham dự hội nghị, các đồng chí Nguyễn Văn Quạn – Khu trưởng, Nguyễn Văn Vịnh – Chính ủy Khu – thay mặt Bộ chỉ huy Khu đã long trọng tuyên dương công trạng: “... Tham dự chiến dịch Cầu Kè, Tiểu đoàn 307 đã chiến thắng giòn giã, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ban chỉ huy chiến dịch đã giao; đặc biệt là trận tiêu diệt tiểu đoàn bộ binh Maroc đi tiếp viện tại Phong Phú, góp phần quan trọng nhất vào thắng lợi của chiến dịch”.

Chiến thắng vang dội của chiến dịch Cầu Kè là động lực thúc đẩy phong trào nhân dân chiến tranh ở 2 tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh phát triển mạnh mẽ. Nó còn góp phần quan trọng cổ vũ cho niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM