Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:14:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường  (Đọc 31133 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:48:52 pm »

Vấn đề được đặt ra là phải chọn đối tượng như thế nào để đi bám trụ lần đầu. Đối tượng đó phải là những đồng chí gan dạ có bản lĩnh chiến đấu, gần gũi anh em. Những đồng chí đó phải là những đảng viên, cán bộ gương mẫu, đi sát với đơn vị, sát quần chúng để kịp thời lãnh đạo và động viên quần chúng. Trong chiến đấu, người chỉ huy theo sát đơn vị sẽ có tác dụng động viên tinh thần, tạo niềm tin và sức bật mạnh mẽ trong đơn vị.

Khi trở lại bám trụ, phải có kế hoạch, dự kiến những trở ngại để khi tiến hành không bị động, bất ngờ, như: đến xã nào, ấp chiến lược nào, cần móc ráp ai, lấy gia đình nào làm điểm, sau đó phát triển ra và hoạt động theo kế hoạch.

b) Giai đoạn thực hiện, kết quả khôi phục lại địa bàn. Qua tổ chức các bước nêu trên, từng đồng chí trong ban thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ huy Huyện đội, Bí thư chi bộ xã và chi ủy viên lần lượt nắm từng tổ vũ trang trở lại địa bàn, thực hiện yêu cầu của tỉnh và huyện. Đại đội 33 đã bám trụ được ở Phước Thạnh và Thạnh Phước, xây dựng trong ấp chiến lược Phước Hội một tiểu đội và bảy lõm chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho chi bộ, du kích và các ngành trở lại bám trụ. Thời kỳ này, thường trực Huyện ủy ở ấp Phước Chánh, Phước Hội (xã Phước Thạnh), sát ấp chiến lược. Văn phòng Huyện ủy đóng tại ấp Cây Xoài (Thạnh Phước).

Trong khi địch đánh phá ác liệt bên ngoài, Huyện ủy và Huyện đội họp, phát động phong trào du kích chiến tranh ngay trong ấp chiến lược. Ta phải mở rộng địa bàn hoạt động từ Hiệp Thanh lên Thạnh Đức và một phần của Cẩm Giang bằng một tuyến bản tử địa, mìn, lựu đạn gài, chông. Đến tháng 8/1969, ở cả ba vùng (vùng trắng, vùng ven và vùng sâu), ta đều bám trụ được và khôi phục được các xã ruột Gò Dầu, vận động được phong trào “toàn dân đánh giặc”, tạo thành sức mạnh tổng hợp tại chỗ, có lợi cho cách mạng. Tình cảm quân dân trở nên gắn bó, quân dân sẵn sàng hy sinh trở nên gắn bó, nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ. trong khi điểm kềm kẹp nặng nề, ráo riết lùng sục bắt bớ, có những bà mẹ sẵn sàng đùm bọc, che giấu cán bộ thoát khỏi vòng vây của chúng. Nhân dân trong ấp chiến lược cũng tìm mọi cách vượt qua sự kiểm soát của địch và những ổ phục kích của chúng để tiếp tế gạo, muối, thuốc chữa bệnh… cho cán bộ, chiến sĩ ta. Quán triệt tinh thần tự lực là chính, Huyện ủy và Ban chỉ huy Huyện đội đã phát động phong trào thi đua giết giặc ở địa phương, sưu tầm bom đạn lép của địch để tự chế tạo thành mìn, trái nổ đánh địch tại chỗ. Ban đêm, nhân dân theo dõi pháo địch bắn vào hướng nào, bao nhiêu trái nổ, bao nhiêu trái lép, sáng ra tìm đào lên giao cho du kích. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã đóng góp: 207 đầu đạn 105 và 155 ly, 250 đầu đạn cối các loại, 287 đạn M79, 15.255 viên đạn, 700 kg thuốc nổ CS và TNT, 251 đầu trái màu để làm mỏ vịt, 2290 vỏ hộp cá mòi để dùng làm vỏ trái gài. Các dụng cụ và vật liệu làm trái cũng được nhân dân giúp đỡ, nhờ đó, không bao lâu, ta đã có mìn, trái nổ để đánh địch.

Ta khôi phục lại địa bàn, hình thành bốn khu vực – mỗi khu vực là một mặt trận để đánh địch như:

- Cẩm Giang, Cầu Sắt, Thạnh Đức.

- Cao su Vên Vên, Hiệp Thạnh, Phước Trạch.

- Phước Thạnh, Bàu Đồn, Suối Bà Tươi.

- Thạnh Phước và thị trấn.

Mỗi mặt trận do đồng chí ủy viên thường vụ Huyện ủy chỉ đạo chung, một đồng chí huyện đội phó chỉ huy về quân sự. Từng mặt trận có nhiệm vụ quản lý khu vực của mình. Các đơn vị đóng quân trên mặt trận nào phải có kế hoạch hợp đồng tác chiến. Có qui định riêng cho từng khu vực để gài trái đánh xe cơ giới của địch. Mỗi đơn vị, cơ quan hàng tháng phải diệt cho được từ hai đến ba xe tăng địch bằng gài trái. Khi xe bị diệt thì bộ binh địch phải lùi lại và tháo chạy, cuộc hành quân bỏ dở.

Thiếu dây điện và pin điện, cán bộ chiến sĩ ta nảy ra sáng kiến dùng dây kẽm giật cho bật chốt an toàn, tức khắc kim hỏa đập vào hạt nổ, làm cho trái nổ. Bằng cách này, du kích Phước Thạnh và đại đội 33 dùng đầu đạn 105, diệt cả trung đội ở Phước Tây, Phước Bình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:49:13 pm »

Cách đánh địch bằng hầm chông cũng được phát triển. Những hầm tránh phi pháo khi ta dời đi trở lại thành hầm chông diệt địch. Ta xây dựng bãi trái, cấm chông lan kèm theo khẩu hiệu khiêu khích địch. Chúng thấy vậy tức giận xông vào đập phá, không bị xóc chông cũng bị gài trái. Khi địch tràn vào gặp ta nổ súng thì hoảng hốt tủa ra hai bên, tìm địa hình để tránh đạn và chống trả, lại sa vào hầm chông, bãi trái. Dần dần địch không dám đến gần hàng rào; nơi nào có bảng “tử địa” thì chúng tránh xa.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngoài việc tiếp tế lương thực thực phẩm, nhân dân còn nhường từng miếng đất, mảnh vườn cho cán bộ chiến sĩ dùng làm căn cứ hoặc xây dựng bãi trái đánh địch.

Để khôi phục lại thế đứng chân trên địa bàn Gò Dầu, ta đã xây dựng được hệ thống hầm bí mật với thế chiến đấu liên hoàn, khác với hầm bí mật thụ động. Khi địch phát hiện được một hầm bí mật, thì lập tức ở một hầm gần đó, cán bộ và du kích trồi lên, chiến đấu, ứng cứu kịp thời. Đó là trường hợp của một bộ phận đại đội 33 bám trụ tại Thạnh Phước; phát hiện được hầm bí mật của bộ phận này, địch tập trung lại gần một trung đội, la hét ầm ĩ hòng uy hiếp tinh thần và bắt sống các chiến sĩ ta. Ngay trong lúc đó ở hầm bên cạnh, đồng chí Phước dũng cảm trồi lên dùng đạn cối 60 ly rút chốt an toàn ném vào chúng, rồi dùng súng AK bắn xối xả, diệt ại chỗ 8 tên, số còn sống sót bỏ chạy tán loạn. Nhờ đó, các đồng chí dưới hầm mới chạy thoát về tới khu an toàn. Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí Phước được đưa ra học tập, rút kinh nghiệm tại các bộ phận bám trụ.

Cũng trên tinh thần cứu nguy cho đồng chí mình, ba đồng chí: Thế, Song và Bảy Trung thuộc đại đội 33 ở dưới hầm bí mật; đã trồi lên nổ súng chặn đánh một đại đội bảo an đang rượt bắt đồng chí Năm Phu, trưởng ban nông vận huyện. Mặc dù lực lượng địch đông hơn gấp mấy chục lần, ba đồng chí vẫn bình tĩnh đương đầu với chúng suốt ngày, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt 20 tên địch và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Năm Phu chạy thoát.

Với tư thế sẵn sàng chiến đấu, chiến sĩ ở các hầm bí mật đều lắp vào súng trái AT (đạn bắn xe tăng). Khi địch phát hiện được hầm và tổ chức bao vây, các đồng chí ở dưới hầm bóp cò cho trái vọt lên nổ trên mặt đất, tiêu diệt được một số tên địch; thừa lúc đó, các đồng chí trồi lên chiến đấu được ngay. Đây là những kinh nghiệm phải trả bằng xương máu từ những năm 1966-1967. Lúc bấy giờ, ta chưa đào hầm bí mật, vì chưa thấy tác dụng hầm bí mật, cho rằng xuống hầm bí mật là thủ tiêu chiến đấu, vì vậy mà thụ động trong chiến đấu. Còn bây giờ, hầm bí mật không những bảo đảm được lực lượng ta mà còn phát huy được tính chủ động trong chiến đấu.

Đợt bám trụ “Quyết tử giữ Gò Dầu” lần thứ hai diễn ra hết sức quyết liệt: ta tranh chấp với địch từng bờ rào, lũy tre, từng mảnh đất, ngôi nhà. Ta cũng nắm chắc được từng âm mưu, thủ đoạn của địch để đối phó kịp thời. Lợi dụng mùa khô, địch rải xăng bột để đốt cả cây, sau đó dùng xe ủi phá để săn tìm hầm bí mật. Để đối phó lại, ta chủ động đốt trước khi mùa mưa vừa dứt, cho nên sang mùa nắng, không còn cỏ khô cho địch đột nữa. Ta cũng nắm được ý đồ của địch trong việc phát quang địa hình. Chúng cho rằng nơi nào có vật che khuất thì có hầm bí mật. Để đối phó lại, ta có hầm bí mật ở cả ba vùng (vùng ven, vùng trắng và vùng sâu).

Việc nắm tình hình địch, hiểu địch để kịp thời đối phó với mọi âm mưu của chúng là rất cần thiết trong một cuộc chiến tranh nhất là khi lực lượng ta còn ít, thế ta chưa mạnh, khi địch tập trung lực lượng ủi phá địa hình, ta sử dụng một lực lượng nhỏ kết hợp với du kích bám trụ chiến đấu tại căn cứ; còn phần lớn lực lượng ra bám trụ ở vùng trắng – nơi mà địch không ngờ tới.

Trong cuộc chiến đấu ở vùng tranh chấp, có tầm quan trọng chiến lược này, ta phải chấp nhận một sự hy sinh không nhỏ. Mỗi tháng Gò Dầu có từ 20 đồng chí trở lên bị thương, bị bắt hoặc hy sinh, nhưng ta đã bám trụ được. Cộng vào đó, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong huyện ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng hầm bí mật, công tác bám trụ ngày càng có kết quả. Thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng được củng cố và phát triển, bảo đảm an toàn cho lực lượng bám trụ trong việc chống địch lấn chiếm bình định, ủi phá địa hình.

 Ở địa bàn vùng tranh chấp, khoảng cách giữa ta và địch thông thường từ 400 đến 500 mét, có nơi chỉ 200 đến 300 mét. Để bảo đảm bí mật, cán bộ và chiến sĩ ta đã thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:49:36 pm »

Trong khi bám trụ sinh hoạt dưới hầm bí mật gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiểu tiện. Vì vậy, khi ăn, không dám ăn no, và tránh những món gây khát nước hoặc gây tiêu chảy, khi uống không dám uống nhiều… Công việc đó tưởng dễ mà khó. Cho nên mọi người phải tập thành thói quen. Mọi sinh hoạt trong khi bám trụ để thực hiên theo phương châm “lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm”. Tất cả mọi việc đều phải giải quyết trước khi trời sáng. Mọi việc chuẩn bị đều phải chu đáo, từ thùng đại liên đựng thức ăn dự trữ, nước uống, đến thùng để tiểu tiện…

Tại vùng ven Gò Dầu, ta đã xây dựng thành thế trận chiến tranh nhân dân tương đối hoàn chỉnh. Từ 1 đến 2 tổ du kích hay bộ đội địa phương dựa vào thế chiến tranh du kích đã dám đương đầu với 1 hoặc 2 tiểu đoàn địch. Lực lượng chúng tuy lớn và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng vẫn không đánh bật được lực lượng ta ra khỏi địa bàn. Các ấp chiến lược đều bị ta phá lỏng, phá rã. Ban ngày, địch làm chủ từ 7 đến 14 giờ; thời gian còn lại do nhân dân làm chủ. Có ấp chiến lược, một nông dân cũng khống chế được một đồn giặc, như ấp Phước Hội (Phước Thạnh). Do đó, nơi đây trở thành nguồn dự trữ lương thực cho bộ đội địa phương huyện, tỉnh và trung đoàn 268 của Sài Gòn – Gia Định. Ba ngày, nhân dân không đem lực lương thực ra được, thì ban đêm du kích hoặc bộ đội vào mang ra.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, ta còn vận động quần chúng xây dựng nhiều cơ sở trong các ấp chiến lược Phước Đức, Rạch Sơn, Bàu Dồn, Suối Ba Tươi, Gò Chùa, Phước Hội, Trâm Vàng v.v… phục vụ cho bộ đội địa phương và du kích tiêu diệt từng đơn vị bảo an, dân vệ và trừng trị nhiều tên ác ôn khét tiếng. Nhờ đó, tiểu đoàn 14 đã tiêu diệt ba đại đội thuộc tiểu đoàn 8 và đánh thiệt hại tiểu đoàn 7 thủy quân lục chiến, tiêu diệt hai đại đội cơ giới Mỹ, phá hủy 25 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay, đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an trên địa bàn các xã Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Thanh Phước và Phước Thạnh. Nhờ vậy, lực lượng ta dần dần tập trung lại, chuẩn bị tốt chiến trường chủ động đánh địch, hỗ trợ cho phong trào tại chỗ.

Trong đợt bám trụ này, các chiến trường bạn đã tích cực chia lửa với Gò Dầu. Tại Trảng Bàng, sư đoàn 9 đã tiêu diệt chốt Trà Cao gồm 100 tên Mỹ, diệt 900 tên Mỹ - ngụy tại khu vực Bời Lời. Trung đoàn 16 và bộ đội đại phương huyện tập kích cụm thiết giáp Mỹ ở Cầu Xe, diệt gần 500 tên Mỹ và 80 xe. Tại Bến Cầu, tiểu đoàn 1 kết hợp với lực lượng trên tập kích cụm Mỹ ở Bàu Tràm, diệt 1 tiểu đoàn Mỹ và hai đại đội biệt kích. Tại Châu Thành, quần chúng Thanh Điền nổi dậy cùng du kích đốt cháy một văn phòng xã và phá nhiều ấp chiến lược trên đường số 7.

Trong 16 tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ (từ tháng 9-1968 đến tháng 12-1969), quân và dân huyện Gò Dầu đã đánh 268 trận, diệt 3.078 tên địch, bắt sống 52 tên, phá hủy 11 xe tăng và xe ủi bằng mìn tự tạo và súng B40, bắn rơi 6 máy bay; giải tán 250 tên phòng vệ dân sự, ba ban tề xã và mười ban tề ấp, khiến cho phần lớn số tề phải lưu vong; diệt 20 tên cán bộ bình định. Ta đã đột nhập 587 lần vào các ấp chiến lược, phát động 1.170 gia đình có 146 gia đình binh sĩ, vận động 25 gia đình từ bỏ ấp chiến lược trở về ruộng cũ; vận động 50 binh sĩ bỏ ngũ, phát động 13.000 quần chúng, qua đó đã xây dựng 7 lõm chính trị trong các ấp chiến lược. Các lõm giải phóng ở vùng ven như các ấp Cây Da (Hiệp Thạnh), ấp Chánh, Cây Da Sà (Phước Thạnh), xóm Đông (Thanh Phước) v.v… tuy bị địch đánh phá ác liệt, nhưng nhân dân vẫn kiên quyết không vào ấp chiến lược.

Giành được những thắng lợi to lớn nói trên, trước hết là do sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội Tây Ninh, do quyết tâm của huyện ủy và Ban chỉ huy huyện đội Gò Dầu thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, từ đó đã phát huy được mọi khả năng trí tuệ của toàn Đảng bộ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện, xây dựng được tình đoàn kết quân dân, làm cho mọi người nhất trí với đường lối của đảng, quyết tâm đứng vững trên địa bàn, giành đất, giành dân, đánh bại từng bước mọi âm mưu, thủ đoạn trong kế hoạch bình định cấp tốc của địch.

Cùng với sự chi viện và hiệp đồng chiến đấu của các chiến trường bạn, tinh thần đấu tranh dũng cảm, sự yêu thương che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và chiến sĩ ta bám trụ vững vàng.

Thắng lợi này là kết quả của sự hy sinh xương máu của nhiều đồng chí và đồng bảo trong đó có liệt sĩ Trần Thị Sanh, huyện đội phó Huyện đội Gò Dầu(1) là công lao, đóng góp của các đồng chí và đồng bào trong việc khôi phục lại vùng ven Gò Dầu một địa bàn có tầm quan trọng chiến lược trong chiến tranh nhân dân.


(1) Đồng chí Trần Thị Sanh hy sinh ngày 27/2/1969, sau này được tuyên dương “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:50:21 pm »

2/- Đợt tiến công mùa hè năm 1969 (từ 15-5 đến 20-6-1969):

Chỉ thị 81 của Thường vụ trung ương Cục xác định nhiệm vụ đẩy mạnh tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược trong mùa hè 1969 nhằm đánh bại thêm một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội Tây Ninh đã quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo quân dân toàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị nói trên.

Bước vào hè 1969, các thứ quân trong tỉnh hoạt động tương đối khẩn trương đều khắp, hướng vào các vùng yếu, ấp chiến lược và vùng ven.

Tỉnh đã dùng 2 tiểu đoàn (tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 14) và đại đội 1 tiểu đoàn 16 luân phiên thọc sâu vào vùng Tòa Thánh. Kết quả, ta tiêu diệt một đại đội bình định tại nội ô Tòa Thánh và một đại đội bảo an đến phản kích, đánh thiệt hại 2 đại đội bảo an khác; đánh quân Mỹ đến phản kích tại Thiên Thọ Lộ, diệt gọn 1 trung đội và đánh thiệt hại 1 đại đội. Ngoài trận Thiên Thọ Lộ, tiểu đoàn 1 còn chống càn tại Sóc Khuất (Tiên Thuận, Bến Cầu), diệt gọn 1 đại đội và đánh thiệt hại 1 đại đội Mỹ.

Bộ đội địa phương huyện và du kích từng nơi có lực lượng tỉnh hỗ trợ, đã liên tục tấn công địch trong nhiều ấp chiến lược. ta đã diệt 1 trung đội bảo an tại khu vực Xóm Dốc – Trường Đua (Thị xã), diệt gọn 1 trung đội bảo an ở Phước Đức, Suối Bà Tươi (Gò Dầu), bắt tù binh, thu vũ khí và 1 máy PRC25, giải tán 1 đội phòng vệ dân sự; diệt 1 tiểu đội bảo an trong ấp chiến lược Trâm Vàng, thu vũ khí 1 máy PRC10; diệt 1 trung đội dân vệ trong ấp chiến lược Phan (Dương Minh Châu), thu súng, giải tán 3 đội phòng vệ dân sự và làm công tác vũ trang tuyên truyền.

Cùng thời gian này, tại Thanh Điền, địch huy động 1.200 quân, 2 đoàn bình định gồm 248 tên thám báo từ Sài Gòn lên kết hợp với bọn địa phương dùng xe ủi, ủi phá rừng Thanh Điền. Đồng thời, chúng mở phân chi khu Phước Điền và đóng thêm nhiều đồn, tua (Lúc bấy giờ toàn xã Thanh Điền có 18 đồn, bót, tua). Du kích và cán bộ Thanh Điền gặp nhiều khó khăn, đại bộ phận phải rút qua bên kia sông Vàm Cỏ. một số cán bộ và du kích bám lại, kiên trì vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, củng cố lại 4 chi bộ mật ở 4 ấp chiến lược trên lộ 7. Tổ chức một số cơ sở nội tuyến kết hợp với lực lượng bên ngoài và lực lượng bên trong của 4 ấp chiến lược, diệt 1 tên cảnh sát trưởng và 1 tên trưởng ấp ác ôn. Quần chúng hết sức phấn khởi, vùng lên phá lỏng kềm kẹp, làm chủ từng bước trong ấp chiến lược.

Cùng với chiến dịch “Quyết tử giữ Gò Dầu lần thứ hai”, suốt mùa hè năm 1969, quân và dân Tây Ninh đánh 182 trận, loại 2.790 tên địch phá hủy 57 xe tăng, bắn rơi 10 máy bay, bắn chìm 10 tàu chiến, thu 15 súng; về đơn vị, ta đã diệt gọn 2 đại đội (có 1 đại đội Mỹ), 5 trung đội (có 1 trung đội Mỹ), diệt 1 trung đội bình định, đánh thiệt hại 4 đại đội (có 2 đại đội Mỹ), phá rã nhiều đội phòng vệ dân sự.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:51:51 pm »

3/- Đợt tấn công mùa thu 1969 (từ 11-8 đến 15-9-1969)

Tháng 8-1969, Tỉnh ủy tổ chức học tập, triển khai nghị quyết 9 để nâng nhận thức về đường lối, phương châm, phương thức và tính giai đoạn của tổng công kích (Nghị quyết Trung ương Cục về tổng công kích, tổng khởi nghĩa: “cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp bằng cả ba mũi tiến công…”) tổng khởi nghĩa, quán triệt hơn nhiệm vụ chính trị tập trung đánh phá bình định, chuyển phong trào toàn vùng ven và vùng yếu lên, toàn Đảng bộ tỉnh nhất trí xây dựng quyết tâm mới.

Địch đang thí nghiệm chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để lập tuyến ngăn chặn trên sông Vàm Cỏ. Chúng đưa 2 đoàn giang thuyền đóng ở Bến Kéo và Gò Dầu kết hợp dùng bom, pháo, chất độc hóa học đánh phá ác liệt, phá trụi hai bên bờ sông. Ban đêm, giang thuyền tuần tra trên sông cứ 5 phút một lần. những đêm tối trời có lúc chúng thả trôi theo sông hoặc phục kích những nơi ta thường qua lại. Trực thăng soi sọi ráo riết.

Những hoạt động nói trên của địch đã gây nhiều khó khăn cho ta; có những trường hợp bộ đội, cán bộ ta muốn qua sông mà cả tháng vẫn chưa qua được. Sông rộng từ 80 đến 100 mét. Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng để chớp thời cơ khi tàu địch vừa qua khỏi, nhất là nếu không có quyết tâm cao vượt mọi gian khổ hy sinh, thì không thể nào qua sông được. Vì vậy mà có từ “Qua sông bạc đầu”.

Chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội lệnh cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh mở đợt đánh tàu trên sông Vàm Cỏ, làm cho việc qua lại trên sông trở lại bình thường. Bộ đội địa phương các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu các tiểu đoàn 1, 14, 16 và lực lượng công binh, đặc công của tỉnh đều tham gia đánh tàu.

Trên hai bên bờ sông trống trải, ruộng lúa bùn lầy, muốn đánh được tàu địch, các chiến sĩ ta phải đào nhiều tuyến công sự. Từ vị trí tập kết đến tuyến phục kích tại bờ sông phải có các công sự vững chắc để đối phó với đạn pháo và rốc két của địch phản kích sau mỗi trận đánh. Bất chấp gian khổ hy sinh, cán bộ và chiến sĩ ta vẫn kiên trì chịu đựng và quyết tâm bám trụ đánh địch.

Chỉ trong vòng một tháng, các lực lượng vũ trang giải phóng trong tỉnh đã tiêu diệt 60 tàu chiến các loại trên sông Vàm Cỏ, bẻ gãy chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của địch. Nổi bật là trận diệt gọn một đoàn tàu gồm 8 chiếc của đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 14 trong tháng 8-1969.

Ở vùng ven Gò Dầu, tiểu đoàn 14 tích cực chống càn, diệt 85 tên Mỹ, thu cả súng đại liên. Ta làm chủ nhiều vùng căn cứ lõm. Trong 20 ngày của tháng 9-1969, bộ đội địa phương huyện, du kích đã cùng tiểu đoàn 14 phá rã toàn bộ phòng vệ dân sự ở Bàu Đồn, phá hủy 12 xe tăng và xe ủi đất, diệt gọn từng điểu đội dân vệ. Ta làm chủ và đứng vững ở vùng ven.

Tại Thị xã, đội biệt động thọc sâu, diệt gọn 1 đại đội bảo vệ trên lộ 7 Thanh Điền.

Tại vùng ven Trảng Bàng, trung đoàn 16 cùng bộ đội địa phương huyện và du kích Đôn Thuận diệt cụm Mỹ ở Cầu Xe, gồm 500 tên và 80 xe.

Tóm lại, trong đợt tấn công mùa thu 1969, toàn tỉnh đã đánh 124 trận lớn nhỏ, diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy 132 xe các loại, đánh chìm 60 tàu chiến.

Phối hợp với tấn công vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong tỉnh đã diễn ra quyết liệt, chống địch gom tát dân, ủi phá địa hình, bảo vệ được các căn cứ lõm của ta, đồng thời góp phần diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ, từng bước khôi phục lại địa bàn.

Giữa những ngày chiến đấu ác liệt, dân tộc ta chịu một đau thương không gì bù đắp nổi: Bác Hồ qua đời!

Toàn Đảng bộ và quân dân Tây Ninh quyết biến đau thương thành hành động, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thực hiện độc lập, thống nhất tổ quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:52:48 pm »

4/- Đợt tấn công mùa đông từ tháng 11-1969 đến tháng 1-1970:

Để tăng cường lực lượng bảo vệ Sài Gòn, địch đóng thêm nhiều đồn bót, chốt nhiều cụm rồi tung từng trung đội để đánh phá ác liệt hòng đánh bứt bàn đạp tiếp cận thành phố. Tại Đôn Thuận và các ấp sâu của Lộc Hưng, Gia Lộc, An Tịnh, hàng ngày chúng tung quân đi càn quét, tra xét giấy tờ của nhân dân đi làm ruộng; ban đêm, biệt kích chặn đánh các đường đi lại của cán bộ ta.

Trước tình hình đó, văn phòng Phân khu 1 cũng như Huyện ủy Trảng Bàng phải di chuyển liên tục, các đại đội phải thay nhau xuống bám trụ địa bàn.

Tại An Tịnh, địch mở nhiều cuộc càn quét vào các ấp An Thới, Tịnh Phong, dùng phi pháo, cơ giới ủi phá địa hình hỏng đánh bật du kích và bộ đội ra khỏi địa bàn, gây nhiều thiệt hại cho ta. Lực lượng du kích từ 1 đại đội chỉ còn 15 tay súng. Mức thương vong của đồng bào ta do bom đạn địch gây ra, có ngày lên tới 15 người.

Tại Gia lộc, địch vừa đánh vòng ngoài, vừa tăng cường bình định bên trong. Đặc biệt, các ấp sâu của xã này bị đánh phá ác liệt. Nhân dân các ấp vùng ven, đêm về ngủ trong ấp, ngày lại bung ra sản xuất.

Tại Lộc Hưng địch tập trung đánh phá có tính chất hủy diệt, vì xã này đã từng là căn cứ của Huyện ủy và Huyện đội Trảng Bàng, của Phân khu 1 và của bộ đội chủ lực. Suốt đợt tấn công mùa hè 1969 của ta, chúng tập trung lực lượng mở liên tiếp nhiều cuộc hành quân để gom dân ở các ấp Lộc Phước, Lộc Thành, Lộc Trị, Lộc An, Lộc Tân ra dọc đường số 6. Riêng ấp Lộc Trị bị chà đi xát lại trên 20 lần trong một tháng. Chi bộ và du kích Lộc Hưng bị tróc địa bàn, tiêu hao nặng.

Tại Đôn Thuận, kết hợp với rải chất độc hóa học, địch tiếp tục cho máy bay B52 đánh phá và cho xe ủi phá rừng Bời Lời.

Trước tình hình đó, Huyện ủy và Huyện độ phải luân phiên nhau xuống tổ chức đánh địch, tạo thế đứng bám trụ vững chắc, khôi phục lại địa bàn. Đại đội 1 (Trảng Bàng) được phân công hoạt động tại các xã Gia Lộc, Lộc Hưng, An Tịnh và Gia Bình; đại đội 2 và 3 xã cánh Tây Trảng Bàng. Lực lượng công binh và đặc công phối hợp cùng lực lượng thị trấn Trảng Bàng đánh vào hậu cứ địch.

Các trận đánh hiệu suất cao của trung đoàn 16 (diệt 900 tên Mỹ ở Cây Cầy Vàng; tập kích cụm thiết đoàn Mỹ ở Cầu Xe, diệt 500 tên và 80 xe) đều có sự phối hợp với du kích và bộ đội địa phương huyện. Đại đội 1 (Trảng Bàng) kiên cường bám trụ ở Lộc Hưng, đánh địch tại An Thới, Gia Bình, diệt gọn từng trung đội Mỹ, trừng trị tên trưởng ấp Nổi khét tiếng ác ôn, chặn đánh thiết đoàn Mỹ trên đường số 6, phá rã hệ thống phòng vệ dân sự, từng bước khôi phục lại địa bàn Lộc Hưng.

Vùng ven Trảng Bàng tuy đã được khôi phục, nhưng sự thiệt hại cũng không nhỏ. Bộ đội địa phương huyện từ 1 đại đội, có lúc chỉ còn 20 người. Các xã có nơi chỉ còn 3-4 đảng viên và một vài du kích. Nhưng khi ta đánh được địch, tạo thế đứng chân vững vàng thì lực lượng lại phát triển, thế ta giằng co với địch và dần dần ta giành thế chủ động đánh địch ở vùng ven.

Điều đặc biệt của Trảng Bàng là xã An Tịnh tuy địch đóng trên 20 đồn bót, nhưng suốt thời gian này đồng bào vẫn bám trụ, chi bộ du kích, E16 vẫn bám địa bàn, và là bàn đạp tiến công vào Sài Gòn.

Tại huyện Châu Thành, các xã Thanh Điền, Thái Bình, Trí Bình là chiến trường căng thẳng, được cán bộ và chiến sĩ ta mệnh danh là “địa bàn giảm kỷ”. Từ này cũng nói lên mức độ gian khổ của địa bàn. Tại đây, địch cũng dùng nhiều thủ đoạn ráo riết đánh phá, gom tát dân hoặc khoanh ấp tại chỗ; đóng chốt, đồn, bót, tua khắp nơi, ngày đêm tung quân càn quét, đánh phá ác liệt. Mặc dù vậy, cán bộ và du kích vẫn kiên trì bám trị, từng bước xây dựng cơ sở và củng cố chi bộ mật trong các ấp chiến lược; từ đó kết hợp với lực lượng bên ngoài, diệt ác, phá kềm, gỡ đồn bót, giành quyền làm chủ. Xã Thanh Điền từng bước được khôi phục lại, bộ đội vào, đánh diệt gọn từng tiểu đội trung đội bảo an trên đường số 7 và sở ôcônen, góp phần xây dựng lại phong trào quần chúng.

Như vậy, trong năm 1969, quân dân Tây Ninh qua đánh địch bình định lấn chiếm, đã từng bước khôi phục địa bàn chiến đấu.

Về quân sự, các thứ quân trong tỉnh đã tác chiến 809 trận, diệt 12.003 tên - có 3.022 tên Mỹ và chưa hầu, diệt 101 tên cán bộ bình định thu 130 súng; phá hủy 29 khẩu pháo và 412 xe quân sự các loại – có 241 xe tăng, đốt cháy 120.000 lít xăng và 7 kho đạn gồm trên 20.000 tấn, bắn rơi 31 chiếc máy bay, đánh chìm 136 tàu chiến. Về đơn vị, ta diệt gọn 7 đại đội – có 2 đại đội cơ giới Mỹ bị diệt ở vùng ven – và 8 trung đội.

So với năm 1968, số địch bị diệt năm 1969 thấp hơn, nhưng chất lượng và hiệu suất chiến đấu cao hơn. Năm 1969 có nhiều trận phối hợp với lực lượng trên, còn năm 1969, lực lượng địa phương độc lập tác chiến và phong trào chiến tranh du kích áp sát vùng ven diệt địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:54:25 pm »

Hoạt động quân sự năm 1969 có những bước phát triển mới, nhờ sự chỉ đạo đúng đường lối quân sự, nên ta chủ động tấn công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tuy địch cố gắng rất lớn, dồn sức đến mức cao nhất để đối phó, lấn chiếm, ngăn chặn kế hoạch tấn công và nổi dậy của ta, chiến trường tỉnh có lúc khó khăn, ác liệt hơn trước; nhưng với tinh thần tự lực tự cường, lòng dũng cảm và quyết tâm cao, năm 1969 quân và dân trong tỉnh giữ và giành lại được địa bàn, diệt được nhiều sinh lực địch; trong chiến đấu, thương vong ta rất ít (chỉ bằng 1/2 năm 1968).

Ở vùng ven, địch thất bại rất nặng: đầu năm 1969 tung Mỹ ra cụm vòng ngoài để che chở cho ngụy bình định ổn định vùng chúng kiểm soát; giữa năm đẩy bọn dù ngụy ra thay Mỹ, nhưng bọn này không đảm đương nổi, kêu cứu, buộc Mỹ phải phân tán từng đại đội, trung đội (có nơi từng tiểu đội Mỹ đóng đồn bót chung với ngụy để làm nòng cốt và ổn định tinh thần bọn này. Rõ ràng âm mưu “phi Mỹ hóa” chiến tranh đã phải lùi lại và bước đầu thất bại, kế hoạch bình định cấp tốc bị ngăn chặn và đẩy lùi.

Qua chỉnh huấn, nhận thức chính trị, tư tưởng của các lực lượng võ trang được nâng lên, việc sử dụng lực lượng binh chủng chuyên môn, việc chuyển phương châm, phương thức hoạt động cho các binh chủng vũ trang được kịp thời, nên ta đã đánh sâu, đánh đau, đúng đối tượng và diệt gọn, nâng cao hiệu suất chiến đấu của các lực lượng phát huy tinh thần tự lực tự cường về thế chủ động tấn công, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chính trị - binh vận của quần chúng.

Đặc biệt, các lực lượng vũ trang đều triển khai và bám được địa bàn vùng ven, đánh đúng đối tượng kềm kẹp và hai lần đánh sâu, bám trụ chống phản kích tại vùng Tòa Thánh, gây được thanh thế, làm đòn xeo cho phong trào nổi dậy của quần chúng tại chỗ.

Phong trào chiến tranh du kích tuy có ít quần chúng tham gia (do bị gom tát đi), nhưng cũng phát triển rộng mạnh hơn năm 1968 – nổi nhất là ở vùng ven, vùng trắng phát huy được hiệu suất trái gài, hình thành thế vây lấn địch. Điều đó chứng tỏ nghị quyết về chiến tranh du kích đã có chuyển biến tốt, như ở Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu. Lực lượng vũ trang mật tuy chưa hoạt động liên tục nhưng hiệu suất chiến đấu cao, đã đánh hàng chục trận, diệt được nhiều đối tượng ác ôn, gây thối động mạnh trong hàng ngũ địch, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chính trị của quần chúng.

Trong lãnh đạo vũ trang, các cấp ủy đã kiên trì chỉ đạo bám trụ địa bàn, chỉ đạo tấn công, nâng cao chiến – kỹ thuật và trình độ chỉ đạo, chỉ huy. Được chỉnh huấn nghị quyết 9, các lực lượng vũ trang đã làm được nhiệm vụ chuyển vùng, hỗ trợ tốt cho phong trào chính trị, binh vận và công tác bám trụ.

Cùng với các hoạt động quân sự, khí thế phong trào ba vùng được giữ vững và phát triển. Ở các ấp chiến lược thế ta mạnh, ta đã huy động được quần chúng nổi dậy, kết hợp được ba mũi đánh phá bình định, diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ, phá đi phá lại nhiều lần, giữ được thế hợp pháp bằng đấu tranh chính trị - binh vận với khí thế rất quyết liệt, giành lại các quyền lợi bị mất, thể hiện trong “các phong trào”:

- Đấu tranh chống bình định, chống bắt lính, chống tập quân sự, đòi bung ra sản xuất v.v… của nông dân và học sinh. Phong trào đấu tranh chống cào nhà, gom dân, ủi phá ruộng vườn cũng rất quyền liệt, nhất là vùng trọng điểm Gò Dầu và Trảng Bàng.

- Đấu tranh đòi tăng lương, hạ giá sinh hoạt của công nhân và nhân dân lao động.

- Đồng bào Cao Đài đấu tranh đòi bồi thường sinh mạng và tải sản, chống các hình thức kềm kẹp; đấu tranh vạch mặt tên tướng Nguyễn Văn Thành đội lốt tôn giáo để làm tay sai cho giặc; đấu tranh chống ngụy quyền bắt 3689 thanh niên làm công quả đưa đi lính chết nhục nhã cho quyền lợi của đế quốc Mỹ.

- Giáo dục 36.220 thanh niên đấu tranh chống bắt lính và 6740 học sinh chống quân sự hóa học đường. Có 1.245 lượt học sinh tham gia đấu tranh vũ trang trong lòng địch, trong đó có 17 trận đáng kể, diệt 69 tên ác ôn, rải trên 102.000 truyền đơn các loại.

Sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng đã buộc địch phải chùn bước và phải bồi thường hàng chục triệu đồng.

Quần chúng đã tự nguyện tham gia các mặt công tác cách mạng, như: trừ gian diệt ác, nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ, chiến sĩ, đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, xây dựng xã ấp chiến đấu.

Trên mặt trận binh vận, sau chỉnh huấn, bộ máy binh vận các cấp được củng cố. Lề lối làm việc được chấn chỉnh; qua đó ta xây dựng được khá nhiều cơ sở trong lòng địch, đã tuyên truyền giáo dục 7.615 gia đình binh sĩ. Phong trào quần chúng kết hợp ba mũi phá rã hàng loạt phòng vệ dân sự rộng rãi gồm trên 3.600 tên và phá đi phá lại nhiều lần, làm đào rã ngũ trên 800 binh sĩ thuộc các sắc lính. Một số gia đình binh sĩ được giáo dục, đã vận động chồng con em trở về và có hàng chục vụ binh sĩ phục vụ cho vũ trang đánh phá bình định hoặc tước súng phòng vệ dân sự v.v…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:54:56 pm »

Qua một năm đấu tranh giằng co quyết liệt với địch, đến cuối năm 1969, chiến trường đã hình thành 5 vùng.

- Vùng giải phóng: 8.000 dân.

- Vùng tranh chấp (thế và lực ta mạnh): 48 ấp với 133.000 dân.

- Vùng tranh chấp (thế ta yếu): 25 ấp, 99.000 dân.

- Vùng yếu: 3 ấp và 1 khu, 33.000 dân.

- Vùng trắng (Không có cơ sở cách mạng): 22 ấp và 3 khu gồm 96.000 dân.

Vừa tấn công địch vừa xây dựng, đến cuối năm 1969, ta đã xây dựng ủy ban nhân dân cách mạng ở cấp tỉnh, ở 5/6 huyện thị và ở 16 xã. Để chăm lo đời sống quần chúng một số nơi trong chỉ đạo sản xuất đã chủ ý phát triển lúa mùa năm 1969 ở vùng ven. Vùng giải phóng bị đánh phá nhiều, nhưng nhờ sự lãnh đạo đúng nên vẫn giữ vững phong trào sản xuất và từng nơi có mở rộng diện tích một ít. Đặc biệt vùng giải phóng đã phát triển lúa mùa nghịch (nông nghiệp 1), các loại cây lương thực và rau – nhất là ở Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu. Lúa mùa năm 1969 tốt hơn 1968. Ý thức tiết kiệm, giữ lâu dài trong quần chúng – kể cả các đơn vị, cơ quan đã có cơ sở vững hơn trước.

Mạng lưới y tế thôn được xây dựng và củng cố ở một số xã ấp như: xây dựng đội y tế lưu động, tủ thuốc nhân dân, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh với phát động quần chúng vùng ven, vùng yếu, nên đã làm tốt cả hai mặt công tác này, vừa có ảnh hưởng tốt trong quần chúng ở cả ba vùng. Ngành dân y tự lực sản xuất một số thuốc đông tây y, tiết kiệm cho công quỹ hơn một triệu đồng. Ngành đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng được một số đội ngũ cán bộ chuyên môn vững vàng hơn.

Năm 1969, Đoàn hậu cần 82 vẫm bám trụ ở địa bàn quan trọng như: Núi Bà Đen, Bà Hảo, Định Thành để hoạt động, ngày ở hang núi, đêm đột vào các ấp chiến lược. Đoàn có một bộ phận thu mua gạo với 12 cán bộ, chiến sĩ, gọi là C22; một tổ thu mua đóng ở Bà Hảo, để làm bàn đạp thu mua ở Suối ông Hùng gồm 60 người, lấy phiên hiệu là C20.

Tại Dương Minh Châu, hậu cần tỉnh đã xây dựng cơ sở và tổ chức đường dây chuyển hàng từ các ấp chiến lược Phan, Suối Đá, Truông Mít, Cầu Khởi, Chà Là, tạo nguồn bảo đảm cho các cơ sở của ban chỉ huy Tỉnh đội, cho tiểu đoàn 16 và lực lượng huyện Dương Minh Châu.

Tại Gò Dầu, bộ phận tiếp liệu của tỉnh kết hợp với tiểu đoàn 14, bộ đội địa phương huyện và cán bộ xã Phước Thạnh, Hiệp Thạnh, Thanh Phước kiên trì bám, móc nối quần chúng, xây dựng cơ sở; đồng thời đột vào các ấp chiến lược Phước Hội, xóm Bố phát động quần chúng tổ chức đường dây vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác phục vụ cho lực lượng chiến đấu tại chỗ.

Sau khi chỉnh huấn, Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức học chỉ thị về xây dựng chi bộ xã 4 tốt và học tập 4 bài học cho đảng viên, đồng thời toàn tỉnh tiến hành xây dựng chi bộ xã.

Việc thực hiện chỉ thị về xây dựng chi bộ 4 tốt đã nâng cao một bước về lập trường quan điểm giai cấp công nhân trong việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên về nỗ lực quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

- Gắn chặt việc xây dựng tư tưởng với nhiệm vụ và tổ chức trong việc xây dựng chi bộ 4 tốt, nâng trình độ và năng lực lãnh đạo của chi bộ lên một bước trong việc thực hiện nghị quyết.

- Đã chấn chỉnh, kiện toàn các cấp ủy xã, lãnh đạo đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, chính quyền, các ngành và đoàn thể ở xã.

- Việc phát triển đoàn viên, đảng viên mới được nâng lên ở khắp ba vùng, chất lượng đảng viên, đoàn viên cũng được nâng lên khá nhiều.

Việc quản lý đảng viên, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở xã cũng được nâng lên một bước.

Mặc dù địch đã đưa quân số lên rất cao, còn nhiều đồn bót, còn lấn chiếm, nhưng tình hình trong tỉnh đang chuyển biến thuận lợi cho ta bất lợi cho địch, tạo điều kiện cho năm 1970 dành thắng lợi to lớn hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #128 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:55:38 pm »

II – VỪA GIÚP BẠN, VỪA MỞ RỘNG VÙNG BIÊN GIỚI, TIẾP TỤC ĐÁNH ĐỊCH BÌNH ĐỊNH LẤN CHIẾM, PHÁT TRIỂN THẾ ĐỨNG Ở VÙNG VEN (1970-1971)

Đầu năm 1970, kế hoạch “bình định cấp tốc” chưa đạt yêu cầu, Mỹ - ngụy xoay qua thực hiện “bình định đặc biệt”. Tham vọng của chúng là kiểm soát toàn bộ số dân trong ấp chiến lược. Lúc bấy giờ toàn tỉnh có 120 ấp chiến lược với 360.000 dân (không tính huyện Trảng Bàng) nhưng trên thực tế, chúng chỉ mới kiểm soát được 65 ấp với 183.00 dân. Theo tài liệu của địch, số ấp loại A không quá 1/3, còn 55 ấp với 176.400 dân, chúng chưa kiểm soát được; số dân ở vùng tranh chấp, chúng cũng không kiểm soát được.

Về lực lượng địch, quân địa phương có 3 tiểu đoàn và 46 đại đội bảo an, từ đó chúng tổ chức thành 8 liên đội cơ động. Dân vệ có 10 đại đội và 122 trung đội; cảnh sát có 2.237 tên phòng vệ xung kích, 273 tên biệt kích, 641 tên Thiên Nga, Phượng Hoàng, đưa quân ngụy trong tỉnh lên 14.656 tên.

Về tổ chức, chúng kiện toàn và quân sự hóa (cảnh sát hóa) các ban tề xã, tề ấp, các tổ chức Thiên Nga, Phượng Hoàng. Lực lượng cảnh sát, bình định được bố trí nhằm thực chính sách “ba tự” (tự phòng, tự quản và tự túc) của Thiệu. Chúng tổ chức hoàn chỉnh các phân chi cảnh sát từ 5 đến 12 tên và đưa sĩ quan xuống tận xã, ấp để chỉ huy bộ máy kềm kẹp.

Sáng ngày 9/1/1970, địch tập trung pháo các nơi bắn dữ dội vào rừng Thạnh Đức, dọn đường cho một đại đội bộ binh, một đại đội cơ giới Mỹ và một đại đội bảo an càn vào tiểu đoàn 14 đóng tại Trảng Cỏ Đỏ. D14 là đơn vị được tỉnh đưa về tăng cường cho vùng trọng điểm Gò Dầu, đã kịp thời tổ chức trận địa đánh địch, có giao thông hào chiến đấu. Khoảng 10 giờ, đại đội cơ giới Mỹ và đại đội bảo an lọt vào trận địa, ta nổ súng diệt gọn đại đội cơ giới Mỹ gồm 13 xe tăng và 150 tên Mỹ, đánh thiệt hại đại đội bảo an diệt 35 tên. Ta giữ vững trận địa.

Chiến thắng này, có ý nghĩa lớn về quân sự và chính trị, vì suốt năm 196, địch đã tập trung một lực lượng lớn quyết tâm bình định vùng này với mọi thủ đoạn để đánh bật lực lượng vũ trang ta ra xa nhưng chúng đã trả một giá rất đắt. Qua trận đánh này, đồng bào trong ấp chiến lược vùng bắc Gò Dầu và nam Tòa Thánh tin tưởng hơn vào cách mạng, tin tưởng du kích vẫn luôn luôn bám sát cùng nhân dân diệt địch để giành đất, giành quyền làm chủ.

Tại Trảng Bàng, tên tỉnh trưởng Hậu Nghĩa đích thân chỉ huy một tiểu đoàn bảo an càn vào xã An Tịnh. Khi đến khu vực Bến tắm ngựa, chúng sa vào thế trận bày sẵn của ta. Du kích nổ súng, chúng chạy tán loạn vào bãi trái, bãi chông. Tên tỉnh trưởng hoảng sợ chạy băng đồng ra quốc lộ 1 để thoát thân, bỏ lại 50 xác chết.

Bước vào đầu thời kỳ này, đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trong: đại hội lần thứ hai của Đảng bộ Tây Ninh họp vào tháng 2/1970. Đại hội đã đánh giá tình hình thực tến trên chiến trường Tây Ninh: ta đã quyết tâm bám trụ được các vùng ven, vùng yếu để tiến công địch, vận động được quần chúng đấu tranh chính trị, dự trữ được lương thực cung cấp cho chiến trường, xây dựng và bổ sung lực lượng vũ trang đánh tiêu diệt được một số đồn bót, phá banh ấp chiến lược, đưa dân ra vùng giải phóng. Bên cạnh những mặt ưu điểm, đại hội cũng rút ra những mặt còn yếu như: việc xây dựng lực lượng tuy đã làm được nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nhứt là cơ sở mật vùng địch kiểm soát có lúc không giữ được địa bàn vì địch đánh phá quá ác liệt, có tư tưởng cầu an co thủ trong một bộ phận cán bộ đảng viên.

Phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, đại hội đã ra nghị quyết: “Đẩy mạnh thế chiến lược tiến công ba mũi, ba vùng, giữ vững và mở rộng địa bàn đứng chân vây ép địch. Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận, cơ sở mật đánh địch bình định lấn chiếm diệt ác phá kềm, giành dân, giành quyền làm chủ. Đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, vận động quần chúng trở về ruộng vườn cũ làm ăn, tạo thế hai chân, từng bước lấp vành đai trắng, xây dựng và mở rộng vùng giải phóng có dân”.

Đại hội đã bầu cử Ban chấp hành tỉnh ủy mới gồm 27 tỉnh ủy viên (có 4 dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Văn Hải giữ chức bí thư tỉnh ủy, hai đồng chí Nguyễn Văn Thắng và Mười Đôi phó bí thư.

Quán triệt sự chỉ đạo của Ban thường vụ Trung ương Cục, của quân ủy và bộ chỉ huy Miền, và quán triệt đợt hoạt động xuân – hè năm 1970, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội tổ chức thực hiện nghị qyết đại hội Đảng bộ, nhanh chóng kiện toàn tổ chức tiểu đoàn 14, tiểu đoàn 1 (đơn vị mới được bổ sung) và tiểu đoàn 16 (thiếu). Tỉnh cũng kiện toàn các đại đội công binh, đặc công và tổ chức thêm đội 4 (biệt động) hoạt động trong vùng thị xã, đồng thời hình thành Ban chỉ huy tiền phương gồm hai cánh đông và tây để chỉ huy kịp thời.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #129 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 05:57:12 pm »

Tháng 2/1970, bọn chi khu Trảng Bàng phối hợp với do thám, đã tập trung lực lượng mở cuộc càn vào ấp Gia Lâm (Gia Lộc) hòng tiêu diệt lực lượng ta. Đại đội 1, đội đặc công huyện và đội thị trấn Trảng Bàng đang đóng quân tại đây, đã hợp đồng chặt chẽ, nổ súng đánh trả quyết liệt, diệt 11 tên, bọn còn sống bỏ chạy.

Bị thua đau, địch thay đổi thủ đoạn kết hợp do thám đánh có điểm mà chủ yếu là dùng phi pháo. Trong các cuộc càn, khi bộ phận đi đầu đụng ta nổ súng thì chúng rút ra, rồi gọi máy bay, pháo ném bom bắn phá hòng hủy diệt trận địa của du kích. Thủ đoạn này lúc đầu có gây cho ta nhiều khó khăn trong việc bám trụ. Có nơi khi gặp địch, du kích không dám nổ súng vì sợ bom, pháo hủy diệt. Nhưng địch có nhiều thủ đoạn thì ta cũng lắm kế hay. Ta dùng cách gài mìn nhiều tuyến, tổ chức bắn tỉa từ xa đề không lộ mục tiêu. Từ đó giảm được khó khăn và tránh được thiệt hại cho dân.

Ngày 18/3/1970 trên chiến trường Campuchia, đế quốc Mỹ giúp bè lũ Lon-Non-Xi-Ric MaTắc lật đổ Xi-ha-núc lập ra chính quyền thân Mỹ hòng phá kế hoạch chi viện của miền Bắc Việt Nam cho chiến trường miền Nam theo con đường qua cảng Xi-ha-núc-vin (Campuchia) xuống Tây Ninh, Sông Bé.

Ngày 30/4/1970, địch bắt đầu mở cuộc hành quân sang Campuchia, nhằm mở rộng chiến trường, giảm sức ép với Sài Gòn, tạo thế cho hội nghị Pa-ri. Chúng huy động 75 tiểu đoàn (trong đó có 29 tiểu đoàn ở Tây Ninh), có 12 tiểu đoàn Mỹ, 22 tiểu đoàn pháo, 17 tiểu đoàn xe tăng và thiết đoàn cơ giới từ Tây Ninh chúng đánh sang Campuchia bằng nhiều hướng như: từ Phước Lưu, Bình Thạnh, Sóc Nóc (Nam lộ 1) đánh sang, từ Mộc Bài theo quốc lộ 1 đánh vào Bà Quác, lên Chi Phu; từ Cây Me, Rừng Nhum đánh vào khu vực Bố Bà Tây lên Bà Vẹt, từ Phước Tân theo liên tỉnh lộ 13 đánh lên Xăm-Rôn đường số 10, từ Xa mát theo quốc lộ 22 lên lộ 7 – Krết và dọc theo biên giới Xvay-Riêng, Công-Pông-Chàm, Mi-Mốt kéo dài từ Móc Câu đến Mỏ Vẹt.

Lúc bấy giờ chúng tập trung quân trên chiến trường Tây Ninh tất cả 29 tiểu đoàn, gồm có 6 tiểu đoàn Mỹ và chư hầu, 13 tiểu đoàn biệt động quân biệt lập, 10 tiểu đoàn thuộc 2 sư đoàn 18 và 25; cùng với quân ngụy địa phương vừa bình định đánh phá chiến trường Tây Ninh, vừa đánh sang Campuchia.

Phối hợp với cuộc hành quân lớn sang Campuchia, theo lệnh của tên đại tá Lê Văn Thiện, tỉnh trưởng Tây Ninh, quân ngụy và ngụy quyền ở địa phường cùng hoạt động mạnh. Lực lượng dân vệ, bảo an thường xuyên bung ra càn quét vùng ven, trong khi lực lượng cảnh sát hành quân bên trong ấp chiến lược hòng đánh phá cơ sở cách mạng, thực hiện kế hoạch bình định đặc biệt.

Ngày 1/5/1970, để chia lửa cho chiến trường và ngăn chặn bước tiến quân của địch sang Campuchia, đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 14 chặn đánh một mũi tiến công của địch tại Gò Chệt, diệt gọn một đại đội thuộc tiểu đoàn 51 biệt động quân, chặn được bước tiến của chúng để cho nhân dân kịp thời sơ tán.

Trên vùng đất Gò Dầu, Gò Dầu là mục tiêu rất quan trọng đối với địch, vì nó nằm trên quốc lộ 1, là đường giao thông chiến lược từ Sài Gòn sang Phnôm-Pênh (Campuchia). Địch đã tổ chức phòng giữ cầu nghiêm ngặt. Mỗi trụ cầu có giăng dây kẽm gai và lưới chống B40, có lính gác. Cứ năm đến mười phút, chúng ném xuống nước một quả lựu đạn để chống sự đột nhập của ta. Ngoài ra, còn có một giang thuyền thường xuyên tuần tiễu xung quanh khu vực cầu.

Để gây khó khăn cho địch trong việc vận chuyển quân, vũ khí, hàng hóa đánh sang Campuchia, cấp trên quyết định đánh sập cầu này. Đội đặc công Miền được đưa xuống tăng cường cho chiến trường Gò Dầu. Do địch bố trí canh phòng cẩn mật, các chiến sĩ ta phải trụ trong ấp chiến lược, phải trầm mình dưới nước nhiều ngày để theo dõi địch. Được cơ sở cách mạng giúp đỡ, đội đặc công kết hợp với đội thị trấn Gò Dầu đã nắm được cơ sở và quy luật hoạt động của địch. Chuẩn bị xong mọi mặt, lực lượng ta tổ chức đánh với gần một tấn thuốc nổ, đã làm sập ba nhịp cầu (Suốt mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên cầu này bị đánh sập) diệt gọn một trung đội bảo an canh giữ cầu. Đường giao thông chiến lược số 1 bị cắt đứt trước khi qua biên giới.

Ngày 13/6 và 26/6/1970, ta diệt một trung đội dân vệ tại khu Giếng Mạch (Thị Xã) và hai đội bình định ở hai ấp chiến lược Phước Điền (Châu Thành) và Long Khánh (Bến Cầu). Đồng thời ta liên tiếp pháo kích vào thị xã, Cẩm Giang. Trại huấn luyện Bến Kéo, Rừng Dầu, Bàu Đồn bắn cháy và làm sập nhiều trại lính, kho đạn và xe quân sự địch, làm rối loạn hậu phương của chúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM