Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:19:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến  (Đọc 24915 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:51:21 am »


CUỘC ĐÁNH ĐỔI BẤT THÀNH

        Hồi cuối năm 1970 tôi đọc trên một tờ báo của Sài Gòn, có dòng tin nổi bật: “Một Việt Cộng “bự” trên đường công vụ bị tóm gọn”, sau đó không thấy các báo nhắc lại nữa. Đó là sự thật, hay chỉ là chiêu giật gân bán báo, cũng có thể đứng sau là CIA nhằm đánh động cho một vụ việc nào đó chúng đang dò tìm manh mối. Hoạt động đơn tuyến, tôi chỉ âm thầm thu lượm mọi tin tức rồi sàng lọc, phân tích, nhận định...

        Một năm sau. Một hôm, tôi được báo đến gặp ông Hai Tân ở địa điểm bí mật. Thoáng chút lo lắng hiện trên gương mặt cương nghị của ông, tôi hiểu đang có sự việc hệ trọng nào đó cần giải quyết gấp.

        - Anh Tư Trọng bị bắt đã hơn một năm nay - Hai Tân nói - Anh là cấp trên của tôi, nắm trọng trách trong an ninh Miền. CIA trực tiếp giam giữ và hỏi cung. Theo cơ sở báo ra, ban đầu anh khai Nguyễn Văn Hợp, đại úy thuộc Cục Nghiên cứu của quân đội ở miền Bắc đưa vào Nam để xã hội hóa giống như trường hợp của anh, chờ khi chiến tranh kết thúc sẽ đi Pháp hoạt động lâu dài. Nhưng rồi CIA đã lần ra lý lịch thật của anh ấy. Chúng còn có cả tấm ảnh chụp Bác Hồ đi dự hội nghị Á-Phi ở Bandung, Indonesia năm 1955, có một người trẻ tuổi đeo kính đen tháp tùng, khẳng định đó chính là anh ấy. Anh Tư Trọng đã bị biệt giam hơn một năm nay. cấp trên vẫn tin tưởng ở sự kiên trung của anh, song có khả năng nếu chúng không lung lạc được tinh thần, biết anh một nhân vật quan trọng trong ngành an ninh thì sẽ thủ tiêu anh. Một đối sách nhằm đánh động trước, cũng là ngăn cản chúng thủ tiêu. Có một sĩ quan của CIA đội lốt nhà ngoại giao tên là Douglas Ramsey bị ta bắt năm 1966, nay báo cho phía Mỹ đánh đổi Ramsey lấy “Nguyễn Văn Hợp”. Mới rồi ta đã viết bức thư trên danh nghĩa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho Đại sứ quán Hoa Kỳ về việc một đổi một này và giao cho viên trung sĩ Mỹ bị bắt, phóng thích vào Sài Gòn mang về. Để hỗ trợ cho cuộc đánh đổi, cấp trên muốn anh trực tiếp gọi điện thoại vào Sứ quán Mỹ để biết phản hồi cụ thể. Việc cần tiến hành ngay trong hôm nay.

        Tôi chọn một trạm bưu chánh nhỏ trong thành phố, lúc đó thưa thớt người vào giao dịch để gọi về Sứ quán Mỹ. Vào buồng gọi điện, khóa trái cửa. Tôi thử giọng, nói trước mấy câu tiếng Anh, sực nghĩ: giọng mình cũng phải khác bình thường để phía kia thu âm không thể nhận ra giọng của người nào. Lấy hai ngón tay kẹp vào cánh mũi, khi nói giọng đã méo hẳn. Tôi gọi Văn phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ, nhân danh người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, yêu cầu chuyển dây nói sang ông đại sứ hoặc phó đại sứ. Sau vài giây, đầu dây đã được nối.

        - Đại sứ Hoa Kỳ - Tiếng từ đầu dây bên kia - đã nhận được thư của các ngài. Người chúng tôi bắt được Nguyễn Văn Hợp, thực ra là Nguyễn Tài, tức Tư Trọng, Cục trưởng tình báo của Việt Cộng, một nhân vật rất quan trọng. Vì thế chúng tôi không chấp nhận việc đánh đổi Douglas Ramsey. Cũng không chấp nhận đánh đổi lấy bất cứ ai khác...

        Bốn năm sau cuộc “đánh đổi bất thành” ấy. Đất nước đã thống nhất, tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với ông Nguyễn Tài. Ông hơn tôi gần một chục tuổi, vui vẻ nói có biết cú điện thoại của tôi ngày ấy và ông cảm ơn tôi đã tham gia vào cuộc giải cứu. Ông là con trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan và là cháu ruột ủy viên Bộ Chính trị Lê Văn Lương. Năm 32 tuổi ông đã giữ chức vụ quan trọng trong ngành công an: Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị. Năm 1964 ông xung phong vào chiến trường và là cán bộ miền Bắc có chức vụ cao nhất trong ngành công an đi chiến trường lúc đó. Ngày 23-12-1970 trên đường đi công tác ông bị địch phục kích, bị bắt. Đến ngày giải phóng, CIA biệt giam ông tổng cộng 4 năm, 4 tháng, 10 ngày, chúng đã dùng mọi thủ đoạn nhằm khai thác từ ông những tin tức quan trọng, song đều thất bại. Chúng cũng đã lên kế hoạch thủ tiêu ông: đưa lên máy bay trực thăng bay ra biển Đông, từ độ cao 10.000 bộ thả ông xuống. Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của quân đội ta vào Sài Gòn những ngày cuối tháng Tư 1975, chúng rối loạn và không thực hiện được kế hoạch hiểm ác ấy. Ông Nguyễn Tài còn kể: Bữa cơm trưa ngày 16-4-1975, bưng bát canh dưa lên ông thấy mùi khác lạ, liền bỏ không ăn nữa, nói là bị bệnh đường ruột, có thể khi không còn thời gian thực hiện kế hoạch thủ tiêu kia, chúng đã định đầu độc ông một cách nhanh gọn.

        Trong một cuốn hồi ký xuất bản sau năm 1975 của Frank Snepp, một nhân viên CIA từng hỏi cung ông Nguyễn Tài, có đoạn: “Nguyễn Tài, người mà phía Mặt trân Giải phóng đã từng coi là quá quan trọng để đánh đổi lấy Ramsey năm 1971, nhưng đối với Sài Gòn ông ta cũng là tài sản hấp dẫn nhất không thể đổi lấy một sĩ quan ngoại vụ được.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:52:16 am »


GẶP LẠI...

        Tờ New York Times giữa tháng 3-1971, thời điểm Tổng thống Richard Nixon mới đắc cử, có đoạn miêu tả sự ra đời của cụm từ “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization). Trong buổi họp của Hội đồng An ninh Hoa Kỳ, Tướng Andrew Goodpaster phụ tá của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam, Đại tướng Abrams loan báo rằng quân lực Việt Nam Cộng hòa bây giờ đã đủ mạnh, đến độ Hoa Kỳ có thể “Phi Mỹ hóa” (De-Americanization) cuộc chiến tại Việt Nam. Ban đầu Tổng thống và các cố vấn chấp nhận danh từ này. Nhưng sau đó một số người trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird kiến nghị cái tên như thế sẽ gây rắc rối về chính trị và ngoại giao, do nó đã gián tiếp khẳng định Mỹ xâm lược Việt Nam, gây thêm sự bất bình cho người dân Mỹ và sẽ tạo cơ hội tuyên truyền cho Bắc Việt. Bộ trưởng Laird đề nghị chỉ nên dùng một danh từ nào đó gián tiếp có ý nghĩa Hoa Kỳ sẽ rút chân khỏi Việt Nam, nhưng tránh không đả động gì tới Mỹ. Do đó cái tên “nhẹ nhàng” hơn là “Việt Nam hóa chiến tranh” được chấp nhận. Thực ra trước thời điểm cuộc họp kể trên, ngày 18-2-1970 Nixon đã công bố nội dung chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, chương trình gồm 3 giai đoạn: Từng bước chuyển nhiệm vụ chiến đấu cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, rút dần bộ binh Mỹ về nước; Chuyển giao nhiệm vụ trên không cho quân đội Sài Gòn, trang bị thêm cho họ đủ sức đương đầu với Việt Cộng, giữ được Nam Việt Nam và Lào, Campuchia trong quỹ đạo của Mỹ; Hoàn tất các mục tiêu của Việt Nam hóa chiến tranh, Việt Cộng suy yếu đến mức không thể tiếp tục chiến đấu, hai miền Việt Nam vẫn hai quốc gia riêng biệt. Trong đó giai đoạn một quan trọng nhất, dự kiến thực hiện từ 1969-1972. Như vậy, Việt Nam hóa chiến tranh là việc Mỹ tìm mọi cách giành giật để kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Nói cách khác, với chiến lược mới này Mỹ không hề từ bỏ các mục tiêu thực dân mới ở Việt Nam, thực hiện nó trong điều kiện buộc phải rút dần quân viễn chinh, giảm dần chi phí chiến tranh, mà theo dự kiến Mỹ sẽ chỉ còn chi ở mức thấp nhất 5 tỷ dollar mỗi năm, thay vì 30 tỷ dollar như giai đoạn cao trào trong chiến tranh cục bộ.

        Bước sang năm 1972, thời điểm Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt và quân ngụy Sài Gòn ngày càng bị nhiều tổn thất to lớn. Cái gọi là “Giai đoạn một” không biết bao giờ sẽ kết thúc. Một hôm Vương Mộng Ngọc gọi cho tôi báo Hai Lân bị thương nặng đang nằm ở bệnh viện Lê Hữu Sanh. Cô hẹn sẽ đưa xe đến đón, cùng tới thăm. Từ dạo gặp ở nhà Nghiêm Văn Phú tôi không gặp lại anh ta, nghe nói đã đeo lon thiếu tá, con đường binh nghiệp cũng chẳng mấy hanh thông.

        Cạnh khu Rừng cấm thuộc huyện ngoại thành Thủ Đức, Sài Gòn mới mọc lên một bệnh viện với nhiều tòa nhà ba, bốn tầng rộng rãi do hãng thầu Mỹ xây cất. Lê Hữu Sanh - một viên y sĩ trưởng thủy quân lục chiến bị tử trận ở miền Trung, được lấy tên đặt cho bệnh viện. Bệnh viện 250 giường theo tiêu chuẩn quốc tế, khi tôi và Mộng Ngọc đến thấy lèn chật cứng thương bệnh binh, hầu hết là thủy quân lục chiến. Hai Lân mặc bộ quần áo bệnh viện trắng toát, ngồi trên ghế đá của vườn hoa khuôn viên bệnh viện, bên cạnh dụng cái nạng gỗ, anh đã được báo trước, đang chờ chúng tôi. Anh ta gày xanh rớt, đôi mắt u sầu, bị cắt chân phải. Như lời anh kể lúc gặp lại tôi và Mộng Ngọc, là sĩ quan tâm lý chiến buổi đầu đi theo giang đoàn của đại tá Nghiêm Văn Phú, nhưng không được sếp mặn mà, sau chiến dịch Cedar Falls anh đã chủ động chuyển về đơn vị bộ binh là Sư đoàn 5, thuộc Quân đoàn 3, dưới quyền thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu.

        - Ông ấy gọi điện báo, sắp đến tận đây thăm tôi - Hai Lân tỏ ý trọng thị sếp của mình - Một thiếu tướng tư lệnh hạ cố thăm một thiếu tá quèn, tùng lai chưa từng thấy. Ông Hiếu là vậy, thao lược ngoài chiến trường, cũng rất quan tâm đến cấp dưới.

        Quả tôi có nghe tiếng viên tướng này qua đài báo Sài Gòn, một tướng chiến trường nhiều công trạng. Hai Lân tiếp tục tán dương sếp:

        - Trong cuộc hành quân vào Lộc Ninh hồi tháng 9 -1970, chính tôi được chứng kiến việc ông ấy thẳng thắn chống lại sự tiếm quyền chỉ huy của cố vấn Mỹ. Tướng Jack Wagstaff cố vấn trưởng cứ ép tướng Nguyễn Văn Minh Tư lệnh Quân đoàn 3 thay đổi kế hoạch điệu hổ ly sơn ở thị trấn biên giới Snoul, tướng Hiếu lúc đó chỉ là Tư lệnh sư đoàn đã dám lên tiếng phản đối. Thế rồi cố vấn phó, trung tá Rhotenberry cứ phải lẽo đẽo theo sau thuyết phục mãi hai viên tướng Việt mà không được. Cuối cùng ông ta báo cáo lên thượng cấp, tướng Hiếu không thèm sử dụng các lục lượng không quân phi pháo Mỹ yểm trợ. Ông ta còn bảo: Đây là cuộc hành quân riêng của quân lực Việt Nam Cộng hòa...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:52:40 am »


        - Thôi, tớ chán nghe chuyện chiến sự lắm rồi - Mộng Ngọc cắt ngang lời Hai Lân - Cậu kể chuyện của mình đi, bị thương thế nào?

        Hai Lân nhìn cô bạn học cười gượng, nói tiếp:

        - Chính vì chuộng tiếng tăm của sếp Hiếu mà mình chủ động xin về dưới trướng sếp, để rồi đi chiến dịch gặp họa đấy. Cuộc hành quân lần này tướng Hiếu định khai thông quốc lộ 14 từ Đồng Xoài lên Phước Long. Mọi bận sếp lên trực thăng thị sát mặt trận đâu cần sĩ quan tâm lý chiến theo, hôm ấy ông lại bảo: Thiếu tá Lân có thể theo để nắm tình hình về viết nội dung truyền đơn kêu gọi Việt Cộng chiêu hồi cho sát thực, có sức lôi kéo. Tướng Hiếu giỏi tiếng Anh, thường hay nói giỡn với phi công và cố vấn mỗi khi trực thăng bay vào vùng có lằn đạn cao xạ của Việt Cộng, ngõ hầu làm giảm sự hốt hoảng của họ. Thế rồi, trực thăng vượt qua lưới lửa phòng không.

        Cả toán không ai bị hề hấn gì, thì một trường hợp hy hữu đã xảy đến. Một viên đạn đại liên từ mặt đất bắn lên, xuyên qua vỏ ca bin làm nát ống chân phải tôi, vào viện buộc phải cưa.

        - Hèn gì - Mộng Ngọc nói - ông ta hạ cố đến đây thăm cậu, bởi chính ông gây tai họa cho cậu mà.

        - Tôi cũng không oán ông ấy - Hai Lân nói - Chỉ buồn cho số phận mình hẩm hiu thôi. Không biết sau khi giải ngũ làm gì với một giò thế này. Giấc mộng làm khoa học, rồi binh nghiệp đều tan vỡ cả.

        Tôi vừa nói được vài câu gọi là an ủi anh ta, thì có chiếc xe Jeep từ cổng đi vào, đỗ không xa nơi chúng tôi ngồi. Một quân nhân dáng cân đối, tóc cắt cao, gương mặt khá trẻ nhanh nhẹn nhẩy xuống, ve áo cành tùng đính một sao, tôi biết ngay Tướng Hiếu. Anh ta bước nhanh đến trước Hai Lân, hỏi thăm mấy câu về tình trạng sức khỏe. Hai chúng tôi đang ngồi bên đều đứng dậy, Hai Lân lập cập chống nạng đứng lên. Rồi với vẻ mặt tươi tỉnh, anh trịnh trọng giới thiệu cả hai bên:

        - Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh Sư đoàn 5. Còn giới thiệu với Thiếu tướng, đây là hai bạn học của tôi hồi năm 1955-1956 ở Đại học Khoa học Sài Gòn: Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, hai bằng tiến sĩ thụ phong tại Paris; Vương Mộng Ngọc, phu nhân của trung tá Jason Kaatz trợ lý của Tư lệnh YlACv'

        Tướng Hiếu mỉm cười, hơi nghiêng người đáp lễ, bắt tay chúng tôi. Bỗng có một trung sĩ chạy đến trước tướng Hiếu, đứng nghiêm:

        - Báo cáo Tư lệnh. - Anh ta nói - ông Giám đốc bệnh viện mời thiếu tướng và mọi người vào phòng khách của bệnh viện nói chuyện.

        - Cho chúng tôi ở đây thoáng mát hơn. - Tướng Hiếu nói.

        - Thưa, không được đâu ạ - Viên trung sĩ giọng cầu khẩn - Ông Giám đốc bảo rằng ông đang bận chủ trì giao ban hội chẩn chứ không sẽ thân chinh ra đón thiếu tướng...

        - Thôi được. - Tướng Hiếu cắt lời - Ta vào cả trong ấy kẻo phụ lòng ông Giám đốc.

        Căn buồng tiếp khách rộng rãi sáng sủa, đã bầy sẵn nước, thuốc lá. Viên đại úy đi cùng, lúc nãy còn bận việc gì cứ đứng ngoài xe, giờ bê vào một hộp vuông vức khá to. Tướng Hiếu đỡ lấy, đặt trên bàn trước mặt Hai Lân, bảo:

        - Sư đoàn có chút quà úy lạo thiếu tá. Thiếu tá cứ lo an dưỡng cho khỏe, khi nào ra ta sẽ tính tiếp chế độ thương, phế binh khi rời quân ngũ. Giờ mọi việc ở nhà đã có đại úy đây lo - Rồi Tướng Hiếu quay sang Vương Mộng Ngọc nói tiếp - Tôi cũng đã mấy lần gặp phu quân của bà ở văn phòng MACV. ông nhà là người lịch thiệp, chu đáo.

        Vương Mộng Ngọc mỉm cười tỏ ý hãnh diện. Tướng Hiếu lại quay sang tôi:

        - Thưa, tôi cũng từng nghe đại tá Phan Huy Lương, Tham mưu phó hành quân có lần nhắc đến tên giáo sư. Ngoài công trình khoa học, nghe nói giáo sư còn giỏi về chiêm tinh thuật toán.

        - Tôi với đại tá Lương bạn học thời tú tài ngoài Bắc - Tôi nói - Còn, tôi hiện giờ thuần túy làm khoa học, chủ yếu về môn toán, chiêm tinh tử vi chỉ là một trò choi giải trí ngoài giờ thôi mà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:53:15 am »


        Có lẽ đụng đến lĩnh vực “tủ” của mình, Vương Mộng Ngọc vui vẻ nói với tướng Hiếu:

        - Giáo sư là người khiêm tốn, thưa thiếu tướng. Quả ông có khả năng khác người về giải đoán tử vi đấy ạ.

        - Xin lỗi quý vị - vẻ mặt tướng Hiếu bỗng trở nên nghiêm nghị - Tôi thì không chuộng thứ đó lắm, nếu nói trò chơi giải trí thì được, còn một khoa học nghiêm chỉnh chắc là không.

        Cách nói của viên tướng này khá thẳng thắn. Tôi nghĩ và tiếp lời anh ta:

        - Như tôi đã nói từ đầu, tôi cũng quan niệm đây chỉ là thứ trò chơi không hơn không kém.

        Hai Lân từ nãy đến giờ im lặng, lên tiếng:

        - Vậy mà không biết nhà khoa học của lớp tôi có biệt tài về lĩnh vực này đấy. Chẳng giấu gì thiếu tướng và các bạn đồng môn, từ khi bị thương đến nay tôi tin con người ta có số.

        Tất cả im lặng trong vài giây. Rõ ràng sếp của anh ta không tin vào số mệnh. Tôi muốn lái câu chuyện sang một chủ đề khác, liền nói với Nguyễn Văn Hiếu:

        - Lúc thiếu tướng chưa đến, anh Hai Lân có kể chúng tôi nghe câu chuyện thiếu tướng bác cả yêu cầu của cố vấn Mỹ để thực thi kế hoạch hành quân của mình. Tôi tuy không rành việc nhà binh, nhưng hiểu rằng cuộc chiến này đều do phía Hoa Kỳ quyết định cả. Tôi khâm phục sự quyết đoán của thiếu tướng.

        - Chắc anh Hai Lân kể - Tướng Hiếu nói giọng vui vẻ trở lại - trong cuộc hành quân ở Lộc Ninh đầu mùa hè vừa rồi. Có chuyện ấy. Nhưng giáo sư biết không, ngay từ đầu tôi lại là người kịch liệt phản đối kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của người Mỹ. Hồi đầu năm 1970, người Mỹ làm lễ bàn giao căn cứ Lai Khê ở Bến Cát cho Sư đoàn 5, tướng Trần Văn Đôn có mặt hôm đó thay mặt Bộ Quốc phòng, hỏi tôi: Anh nghĩ sao về Việt Nam hóa? Tôi trả lời: Sư đoàn tôi bao giàn một vùng mà trước đây có những hai sư đoàn Mỹ đóng quân, làm sao tôi có thể chọi được địch trong tình trạng như vậy. Có nghĩa, chương trình Việt Nam hóa làm chúng ta suy yếu đi.

        - Từ đầu năm đến nay - Hai Lân nói xen vào - Cộng quân đồng loạt tấn công cả ba mặt trận: Quảng Trị tại Quân khu 1; Kon Tum tại Quân khu 2 và An Lộc tại Quân khu 3, không có quân Mỹ bên cạnh như trước, ta vẫn đứng vững đấy chứ.

        - Thiếu tá nên nhớ - Nguyễn Văn Hiếu nhìn Hai Lân nói - ta chỉ đánh nổi địch nhờ vào không yểm dồi dào do không quân Mỹ cung cấp, đặc biệt là bom trải thảm của B52. Tạm thời đến thời điểm này chương trình Việt Nam hóa coi bộ vào “phom”. Tôi được thông báo, trong năm 1973 tới, Hoa Kỳ giảm thiểu ngân sách cho Việt Nam Cộng hòa 30 phần trăm, tức từ 1,6 tỷ dollar xuống 1,26 tỷ. Năm tiếp theo còn giảm nữa. Theo đà giảm này, tôi e truớc sức tấn công ngày càng mạnh của Cộng quân, ta sẽ không còn trụ lại đuợc như trước đâu. Thôi, đến giờ về rồi. Cũng nhân tiện báo cho thiếu tá biết, ngay ngày mai tôi sẽ về Quân đoàn 1 nhận chức Phó Tư lệnh. Hôm nay tôi vẫn trên danh nghĩa thay mặt sư đoàn đến thăm thiếu tá.

        Nói rồi bắt tay Hai Lân, sau đó tướng Hiếu quay sang bắt tay Vương Mộng Ngọc và tôi.

        Tướng Hiếu đi rồi, sau vài lời tán dương vuốt đuôi anh ta, tôi hỏi Hai Lân:

        - Ông ấy vừa nói sắp tới sẽ ít được phi pháo Mỹ yểm trợ, có phải chiến sự vẫn còn đang diễn ra ở nơi anh vừa bị thương không?

        - Chỗ ấy xong rồi. - Hai Lân xua tay, nói với giọng của người am hiểu cuộc chiến - Huề cả làng. Mỗi bên đều khuếch trương chiến quả, đều nói mình thắng cả. Giờ chúng tôi chỉ lo phòng thủ cho vững vùng đã bình định thôi, còn sức đâu nữa mà phản công. Lực lượng Cộng quân mấy năm nay được sự chi viện mạnh mẽ của Nga Sô và Trung Cộng về vũ khí và hậu cần. Miền Bắc lại tuyển quân liên tục, nhiều sư đoàn, trung đoàn, có cả chiến xa đang ngày đêm vượt Tây Trường Sơn vào tận Nam Bộ. Giáo sư biết không, cụm cứ điểm Lộc Ninh của Quân đoàn 3 được coi là mạnh nhất trên tuyến phòng thủ Đông Nam bộ, cũng đang có dấu hiệu bị Cộng quân tấn công bất cứ lúc nào. Theo thiển nghĩ của tôi, khả năng đứng vững trước áp lực lớn như vậy là không nhiều đâu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:53:32 am »


        - Tôi không rành về quân sự - Tôi nói - Chắc anh Hai cũng đã đọc Tam Quốc, “Mã Tốc trái lệnh mất Nhai Đình”, nếu anh ta cứ co cụm giữa đường thì sức mấy mà Tư Mã Ý dùng binh lực nhổ được, đằng này lại đưa quân lên núi.

        - Đấy là trong sách vở thôi - Hai Lân cười nhìn tôi - Đánh nhau thời cổ đại khác xa thời hiện đại này lắm. Tôi nói qua cho giáo sư hình dung về một cụm cứ điểm hiện diện ở An Lộc, Bình Long nhé. Hai trung đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn biệt động và một thiết đoàn đóng giữ trải dài từ Bắc thị xã An Lộc đến điểm cao 222 Bắc Lộc Ninh. Ngoài ra còn có hai thiết đoàn, hai trung đoàn của Sư 5 làm lực lượng dự bị vòng ngoài sẵn sàng ứng cứu. Đấy, hình thành một “Tiểu Điện Biên Phủ” kiên cố, mà khi bị đột phá, liệu có theo số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên ngày trước giăng cờ trắng ra hàng không? Ngay cả tướng Hiếu tài thao lược thế, tôi chắc cũng không trả lời chính xác được câu hỏi đó.

        - Thiếu tá chuyên nghề chiến tranh tâm lý mà rành việc quân sự ghê. - Tôi tiếp tục phỉnh phờ anh ta.

        - Cũng phải biết chuyện quân cơ mới làm được chiến tranh tâm lý chứ - Hai Lân cười chua chát - Nói chuyện vậy với hai bạn đồng môn đây cho vui thôi, từ nay tôi vĩnh biệt chiến trường rồi. Thôi thì trong cái rủi có cái may, những ngày nằm đây, tôi cứ tự an ủi: mất giò còn hơn mất mạng.

        Sau đó ít lâu, tôi tìm cớ đến thăm đại tá Phan Huy Lương tại nhà riêng. Theo chỉ thị của Trung tâm, một chiến dịch lớn của ta sắp diễn ra, tôi cần tìm hiểu thêm về lực lượng bố phòng của địch, chủ yếu của Quân đoàn 3 ở miền Đông Nam Bộ. Những thông tin của Hai Lân cũng rất có ích, song tôi muốn kiểm nghiệm thêm từ Phan Huy Lương, người bạn đồng môn này năm 1971 ở Biệt khu Thủ đô đã được điều về Quân đoàn 3 đảm trách Tham mưu phó hành quân. Trong câu chuyện với Lương, tôi chủ ý nhắc đến cuộc gặp tình cờ tướng Hiếu ở bệnh viện của thủy quân lục chiến. Lương cười bảo:

        - Ồ, một con người đầy cá tính! Lúc bàn kế hoạch hành quân tôi và tướng Hiếu khá hợp nhau về quan điểm tác chiến. Nhưng nói thật với anh, tôi cũng ngại bị tiếng là chơi thân với một người cương trực quá thái như thế. cố vấn hay cấp trên mà trái ý, có khi anh ta cũng “quạt” tuốt, dù cái cách xử sự bề ngoài của anh vẫn tỏ ra rất nhũn nhặn, khiêm nhường. Tướng Hiếu vừa được bổ nhiệm về Quân đoàn 1 làm Tư lệnh phó. Ngồi chưa ấm chỗ, Phó tổng thống Trần Văn Hương đã đề cử giữ chức Phụ tá đặc trách trong ủy ban Bài trừ tham nhũng, cấp bậc tương đương thứ trưởng. Anh ta sang chỗ ấy, với tính cách ấy sẽ càng lắm kẻ thù. Tham nhũng là chuyện muôn thuở của nhà binh, bài trừ thế nào được, đụng vào đó như đụng tổ ong vò vẽ, không tránh khỏi bị đốt sưng vù mặt mũi...

        Nhiều năm sau này, khi phương tiện Internet đã phát triển mạnh mẽ, tôi tình cờ đọc trong một website hải ngoại biết được cái kết cục bi thảm đến với tướng Hiếu với sự chứng kiến của đại tá Phan Huy Lương (Trước ngày Sài Gòn thất thủ 30-4-1975, đại tá Lương đã kịp cùng vợ con chạy ra Hạm đội 7 rồi di tản sang Mỹ). Đó là chiều ngày 8-4-1975, như lệ thường tướng Hiếu, tướng Lê Trung Tường (Tham mưu trưởng Quân đoàn 3) và đại tá Lương ngồi nói chuyện với nhau tại văn phòng tham mưu trưởng trong khi chờ đến giờ cơm chiều. Đến giờ ăn, tướng Hiếu về phòng mình bảo lấy đồ riêng. Khoảng mươi phút sau có tiếng súng nổ, quân cảnh chạy vào báo: Tư lệnh phó Quân đoàn gặp nạn! Một lát, đại tá Lương thấy Tư lệnh Quân đoàn, trung tướng Nguyễn Văn Toàn xuất hiện với vẻ mặt thất thần. Tướng Hiếu bị viên đạn súng lục bắn xuyên từ cằm. Ngày hôm sau quân cảnh tư pháp loan báo tướng Hiếu tự vẫn. Ngày đó nhiều người cho rằng viên tướng ấy không có lý do gì để tự vẫn, nhất là đang trong giai đoạn “tử thủ Sài Gòn”, mà họ nghi chính tướng Toàn đã thừa cơ triệt hạ đối thủ. Hồi làm ở ủy ban Bài trừ tham nhũng, tướng Hiếu từng khui những vụ biển thủ công quỹ của ông ta, một người được gọi là “tham nhũng gộc”.

        Trong câu chuyện của tôi với Phan Huy Lương hôm đó, anh ta để lộ ra việc Quân đoàn 3 sẽ là đơn vị phòng thủ chính ở Lộc Ninh và An Lộc với sự tham chiến trực tiếp của Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới do đại tá Nguyễn Công Vĩnh làm Tư lệnh và Sư đoàn 5 bộ binh của chuẩn tướng Lê Văn Hưng và đại tá Lê Nguyên Vỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:54:41 am »

   
*

*       *

        Tôi vừa chủ động tìm đến nhà riêng Phan Huy Lương, cũng muốn gặp thêm viên Phó tư lệnh Sư đoàn 5 chống cộng khét tiếng Lê Nguyên Vỹ. Sau cuộc gặp lần đầu cách đây vài năm với hắn cùng Lương và Khang ở khách sạn Continental, sau đó để duy trì mối quan hệ, thỉnh thoảng tôi có gọi cho hắn nói dăm câu sáu điều vô thưởng vô phạt. Nay thấy cần gặp hắn trực tiếp. Nhưng tôi hiểu rằng nhất cử nhất động của mình đều có kẻ theo dõi, không nên tự đi ra ngoài nhiều lần.

        Tôi gọi điện cho Lê Nguyên Vỹ, khi vừa xưng danh, anh ta đã nói “Ồ, Giáo sư! Lâu lắm không gặp lại”. Hẳn anh ta đang trong tâm trạng phấn khích, tôi nói thêm vài câu tán dưong, anh ta vui vẻ hỏi giờ giáo sư có bận gì không, tôi sẽ dành một chút thư giãn với bạn bè trước khi đi chiến dịch. Và hẹn đưa xe đến cư xá đón tôi.

        Lê Nguyên Vỹ trong bộ quân phục, lon đại tá thật oai vệ hợp với cái dáng nhà võ to con của anh.

        - Ta có một giờ đồng hồ nói chuyện phiếm - Lê Nguyên Vỹ bắt tay tôi, giọng bông lơn - Chuyện phiếm thôi, tôi muốn tâm trạng thật thoải mái giáo sư ạ, trước khi vào trận thư hùng.

        - Trận gì mà thư hùng khiếp thế? - Tôi hỏi ngay.

        - Giáo sư cứ tưởng tượng - Anh ta nói - như một trận Điện Biên Phủ thời nay chẳng hạn. Chúng tôi chủ động phòng thủ, chờ Việt Cộng tấn công.

        - Tôi hiểu rồi! Hôm trước gặp tướng Hiếu ở bệnh viện Lê Hữu Sanh, ông có nói, bây giờ Hoa Kỳ đang rút dần ra, chiến trường do quân lực Việt Nam Cộng hòa đảm trách cả...

        - Tướng Hiếu, sếp trực tiếp của tôi ở sư đoàn này hồi trước đấy. Lúc đó tôi trung đoàn trưởng. Ông ấy là một tấm gương cho đàn em chúng tôi noi theo, cố vấn Hoa Kỳ cũng phải nể phục.

        - Cấp trên nào thì cấp dưới thế. Tôi cũng nghe người ta nói nhiều về sự gan dạ và cơ mưu trên chiến trường của đại tá.

        Lê Nguyên Vỹ nở một nụ cười, mũi anh ta cũng nở to sau câu phỉnh phờ ấy của tôi.

        - Đấy là giáo sư chỉ nghe anh em bên ta nói thôi, chứ chắc chưa được biết cố vấn Hoa Kỳ đánh giá về tôi thế nào đâu.

        - Tôi bên giới khoa học - Tôi nói - sao mà biết được. Chắc cố vấn cũng...

        - Tất nhiên là đánh giá trên cả tuyệt vời rồi. - Vỹ nói ngay với giọng đầy tự mãn - Thôi, khỏi cần nhiều lời, cho giáo sư xem cái này để biết tôi không phải kẻ phét lác.

        Nói rồi Lê Nguyên Vỹ đi về phía bàn làm việc rút ra một tập tài liệu, rồi nói tiếp với tôi:

        - Đây là biên bản ghi của phía Hoa Kỳ nhân cuộc kiểm tra mới đây của các cố vấn đến sư đoàn. Tôi có thằng đàn em tay trong ở văn phòng cố vấn, đã sao lại một bản, giáo sư xem thử họ đánh giá tôi thế nào nhé. Xem qua thôi, tuyệt mật đấy.

        Cầm tài liệu, tôi hỏi lại:

        - Tuyệt mật ư?

        - Văn bản gì trong nội bộ quân đội chẳng có dấu tuyệt mật, tối mật - Vỹ cuời - Giáo sư xem cho biết thôi, có hề hấn gì. Đến tôi cũng phải sao lén, đời nào phía Hoa Kỳ cho biết họ đánh giá thế nào về mình. Giáo sư cứ ngồi tại chỗ đọc.

        Tôi ngồi giở tài liệu Vỹ đưa, có mấy trang được đánh máy rõ ràng:

        “Lượng giá.

        - Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Phó tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh: Một sĩ quan tài ba. Rất nhiệt tâm, rất nghiêm chỉnh và rất được việc. Ông có nhiều triển vọng. Một người quốc gia nhiệt tình. Đáng được thăng chức. (Trung tá Roy E. Couch. cố vấn phó, ngày 8-3-1972).

        - Đại tá Vỹ từng là chỉ huy trưởng Trung đoàn 8, một trung đoàn trưởng giỏi nhất trong Quân đoàn 3, đủ khả năng trở thành Sư đoàn trưởng. (Cố vấn Mỹ Quân đoàn 3).

        Quan điểm của Đại tá Lê Nguyên Vỹ về Việt Nam hóa chiến tranh.

        Kính gửi: Trung tướng Ewell

        Qua: 1/ Tướng Kinnard

        2/ Tướng Roberts

        3/ Ông Whitehouse

        Kính chuyển đạt Trung tướng văn thư của Đại tá Hayes về cuộc viếng thăm Sư đoàn 5 của Tướng Haig ngày 20 -3 -1972. Tôi thiết nghĩ Trung tướng sẽ quan tâm đến quan điểm của Đại tá Vỹ về những điểm sau đây:

        a/ Yểm trợ pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thiếu sót khi pháo binh Hoa Kỳ rút đi.

        b/ Khả năng của địa phương quân trong việc bảo vệ vùng đông dân cư.

        c/ Cố vấn Hoa Kỳ cấp tiểu đoàn thiếu kinh nghiệm.

        d/ Yểm trợ tiếp vận của Quân lực Việt Nam Cộng hòa yếu kém.

        D.P.McAuliffe, Chuẩn tướng, cố vấn phó Quân đoàn 3.

        Chuẩn tướng Haig đến thăm viếng Sư đoàn 5 lúc 13 giờ 15 ngày 20-3-1972. ông được Đại tá Vỹ thuyết trình về tình báo hiện tại, bao gồm quân bảo vệ, lực lượng chính và các sinh hoạt của Việt Cộng trong toàn vùng. Đại tá Vỹ cũng trình bày tổng lược chương trình Đồng Tiến trong đó có Trung đoàn 8, Sư 5 tham chiến với Sư đoàn 1 bộ binh Hoa Kỳ vừa qua, để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh sắp tới. Đại tá Vỹ đề cập đến các lợi điểm của mình như: yểm trợ tác chiến dưới hình thức bao vây và lùng kiếm, pháo binh, trực thăng vũ trang, các toán lùng và diệt, năng động trong sử dụng các đại đội trực thăng xung kích. Đại tá Vỹ kết luận bằng cách trung bày các thống kê về số địch bị loại đối chiếu vói số thuong vong của đơn vị bạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:56:13 am »


        Tuớng Haig đặt những câu hỏi và tiếp nhận những lời bàn của Đại tá Vỹ như sau:

        - Hiện tại có bao nhiêu pháo binh yểm trợ cho Trung đoàn 8 dưới quyền?

        - Hai khẩu pháo 105 ly và hai khẩu 155 ly tại Chánh Lưu và Thói Hòa.

        - Các trung đoàn dưới quyền thực hiện bao nhiêu cuộc phục kích và loại nào?

        - Mỗi tiểu đoàn trực thuộc trung đoàn đều thực hiện nhiều cuộc phục kích mỗi đêm, phần nhiều dùng mìn claymore. Trên 50% số địch chết mới đây là do vướng mìn

        Tướng Haig nhận định là kết quả của các cuộc phục kích này nói lên thành quả cao của đơn vị.

        - Đại tá có khó khăn gì về lãnh vực truyền tin không?

        - Không. Các trung đoàn đều diễn ra tốt đẹp.

        - Đại tá kiếm đâu ra các tân binh?

        - Hầu hết các tân binh là lính động viên, cũng có một số ít là lính tình nguyện.

        - Đại tá nghĩ sao về khả năng tác chiến của địa phương quân trong vùng này?

        - Để các tiểu đoàn Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể trở nên di động, việc chuyển giao địa bàn cho địa phương quân lo phần an ninh trong vùng là rất hạn chế, họ khó có khả năng chu toàn trách nhiệm.

        - Để khắc phục tình trạng này nên làm gì?

        - Đặt một sĩ quan từng chỉ huy thành công tiểu đoàn vào chức vụ quận trưởng. Thực hiện một chương trình huấn luyện lại, nghiêm chỉnh cho địa phương quân, chương trình này có thể thực hiện trong vòng 6 tháng. Chỉnh đốn lại tất cả cấu trúc của hệ thống phòng thủ của địa phương quân theo tiêu chuẩn của của Sư đoàn 1 bộ binh Hoa Kỳ để loại bỏ mọi yếu điểm hiện có trong các vị trí này. Rất nhiều vị trí hiện hữu, lô cốt và công sự phòng thủ được thiết kế, xây cất một cách yếu kém và sẽ không chống nổi bất cứ một loại tấn kích nào. Các sĩ quan biệt phái chỉ huy các đơn vị địa phương quân phải là những cán bộ được huấn luyện kỹ lưỡng và chứng tỏ khả năng tác chiến, có tính chuyên nghiệp cao độ để gây sự tin tưởng cho các đơn vị này. Điểm cuối cùng: cần có pháo binh yểm trợ cho họ.

        - Đại tá cho vấn đề nào là to lớn nhất trong sự rút lui của lực lượng Hoa Kỳ?

        - Hỏa lực đầy đủ dưới dạng pháo binh, không trợ trực diện và trực thăng vũ trang dưới mọi hình thức. Các lực lượng này cần có để trám vào chỗ trống do sự rút lui của các lực lượng Hoa Kỳ.

        Tiếp theo cuộc thuyết trình và bàn luận kể trên là những cuộc viếng thăm các căn cứ hỏa lực Kiến An và Apollo, tại đây có những buổi thuyết trình ngắn về tình báo và hành quân do các chỉ huy trưởng Mỹ-Việt cấp tiểu đoàn.

        Địa điểm thăm viếng chót trong lộ trình là căn cứ hỏa lực Okeeíe, nơi đặt bộ chỉ huy tiểu đoàn 4/8. Khi vừa tới nơi, phái đoàn hay tin là tiểu đoàn trừ đang chạm địch ở cây số 15 bắc dọc theo quốc lộ với một lực lượng địch phục kích một đoàn xe. Tướng Haig tỏ ý muốn bay lên quan sát trận chiến. Khi bay đến chiến trường bắt ngay được liên lạc vô tuyến với Thiếu tá Dyer, cố vấn tiểu đoàn 4/8 và thuyết trình ngắn cho tướng Haig biết tình hình. Trong khi bay lượn trên không chúng tôi trục tiếp quan sát nhiều phi xuất, phi trục và trực thăng võ trang yểm trợ và sinh hoạt của các toán lùng diệt địch. Câu hỏi của Tướng Haig với Đại tá Vỹ xoay quanh danh tánh và sức mạnh của các lục lượng bạn, sức mạnh của địch quân, số thương vong của bạn lẫn thù. Sau khi rời khu vục này trục thăng về Bộ tư lệnh tỉnh Bình Dương, tại đó Tướng Haig gặp Trung tá Fleigh, cố vấn tỉnh.

        Tướng Haig cảm ơn Đại tá Vỹ về một buổi chiều hết sức bổ ích và lý thú, rồi cáo từ.”

*

*       *

        Những ngày đầu tháng 4-1972 diễn ra “Mùa hè đỏ lửa” ở Lộc Ninh và An Lộc, được báo chí Sài Gòn và các hãng thông tấn phương Tây thông tin liên tục, sôi nổi và có nhiều bài bình luận chiến sự đáng quan tâm về khả năng quân đội Sài Gòn trong Việt Nam hóa chiến tranh. Tôi cũng hằng đêm nghe đài miền Bắc về tin chiến sự. Tất nhiên, số liệu đôi bên đưa có khác nhau, nhất là về con số thương vong. Trận Lộc Ninh, trận Tân Biên - Xa Mát và trận Phước Bình là ba trận đánh mở màn của Quân Giải phóng (còn gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ) trong cuộc Tổng tấn công mùa hè năm 1972. Tiếp đến là trận An Lộc với 93 ngày đêm vây hãm địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

        Ông Hai Tân thông báo cho tôi ý kiến của cấp trên, khen ngợi các tin tức tình báo của ta về lực lượng và khả năng tác chiến của địch là chính xác, kịp thời, giúp chỉ huy chiến dịch có những phương án tác chiến thích hợp. Ông còn lưu ý về khả năng CIA đã có động thái thăm dò tung tích của tôi. cần giấu mình và thận trọng hơn nữa khi hành động.

        Về lá đơn xin vào Đảng của tôi, ông Hai Tân cho biết: Đảng ủy cấp trên hoàn toàn nhất trí, tôi đã được thử thách đủ điều kiện để đứng trong đội ngũ của Đảng. Song do đang hoạt động đơn tuyến, tôi không thể về cứ họp chi bộ theo định kỳ được, cần bảo đảm bí mật và an toàn cho tôi mà cấp trên hoãn việc kết nạp, chờ đến khi nào thuận lợi hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:57:44 am »

Chương tám

CHUYỆN TRONG NHÀ

        Nghiêm Văn Phú cho xe đón tôi đến nhà chia vui việc anh vừa được thăng từ Đại tá lên Phó Đề đốc. Khi thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên với quân hàm mới của Phú, bảo “nghe lạ tai”, anh giải thích ngay:

        - Sau năm 1964 Hải quân Việt Nam Cộng hòa mới có cấp bậc Phó Đề đốc. Đây là quân hàm cấp tướng hải quân, tưong đưong chuẩn tướng lục quân hay không quân. Vậy ông thầy bói nói đúng, tôi sẽ lên tướng nhưng sai số có khoảng 10 năm thôi, ông ấy bói tôi ngoài ba mươi lên, thì nay tôi đã bốn hai rồi.

        Phú cười to, hả hê đến nỗi Nguyệt Mỹ nguýt chồng một cái và nói nhỏ vào tai ông anh rể:

        - Anh xem, đang sướng quá hóa rồ đấy.

        Thường thì chiều chủ nhật nào Phú cũng cho xe đến đón tôi, song đã cả tháng nay tôi bận với việc thi cử, phù đạo sinh viên nên không đến được. Bởi thế vợ chồng Phú xem như lâu lắm tôi mới tới và lại chuẩn bị bữa cơm có vẻ thịnh soạn đãi khách. Tôi nhắc Nguyệt Mỹ:

        - Cô chú biết rồi đấy, tôi có ăn uống gì nhiều, đừng bầy vẽ.

        - Có bầy vẽ gì đâu anh - Nguyệt Mỹ nói - tại hôm nay có thêm khách sộp đến chơi nữa đó. Ông này cùng ở hải quân, nổi tiếng kiên cường chống Cộng, có lẽ tính cầu kỳ hơn nhà em nhiều.

        Tôi nhìn Phú muốn hỏi là ai đến. Anh nói:

        - Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, cùng thăng quân hàm với tôi đợt này. Quen nhau đã lâu, mấy tháng qua cùng hoạt động ở Vùng 3 Sông ngòi. Không biết bà xã tôi nghe ở đâu nói Phó Đề đốc Minh ăn uống cầu kỳ, chứ tôi biết quá rõ, anh lại là người ăn uống rất đơn giản. Hải quân thời Pháp mới ăn uống kiểu cách, thừa múa, chứ hải quân thời nay theo tính thực dụng của người Mỹ không có thế. Hàng ngày đi làm nhiệm vụ, chúng tôi dùng cơm trong Câu lạc bộ, đôi khi cơm gánh mua từ chợ cần Thơ. Nếu có khách bất ngờ mới mổ con heo hộp, thuốc hút thì rặt Bastos xanh của lính. Khi bay thị sát chiến trường hay thăm viếng các đơn vị, mỗi người mang theo một ổ bánh mì dài, mấy bị cơm sấy và một bi đông nước. Tôi vừa đi vùng đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp với Niên trưởng Hoàng Cơ Minh, Tư lệnh Lực lượng thủy bộ, gồm khoảng 300 chiến đỉnh. Lực lượng này vỏ dày, hỏa lực mạnh, đặc biệt có loại chiến đỉnh Tango nóc bằng, trực thăng có thể đáp dễ dàng, có mặt khắp nơi kể cả những vùng lâu nay được coi là an toàn khu của địch quân.

        Nguyệt Mỹ nghe chồng nói vậy thì tỏ ý không bằng lòng, bảo:

        - Đúng là em chưa biết ông Hoàng Cơ Minh bạn anh tính thích đơn giản, nhưng mời khách đến nhà thì phải chu đáo chứ. Đâu như với anh Ngọc người nhà, ăn uống thế nào cũng xong.

        Nghe vợ nói vậy, Nghiêm Văn Phú cười xòa:

        - Thì nhân tiện anh Ngọc hỏi, anh kể về tánh nết bạn anh, chứ có trách gì em đâu, em cứ chuẩn bị cho đầy đủ. Giầu vì bạn sang vì vợ mà.

        Nói rồi Phú nhìn đồng hồ, bảo ông khách này rất đúng giờ, còn mươi phút nữa là đến. Anh kể tiếp tôi nghe bữa tiệc vừa diễn ra ở Bộ Tư lệnh thủy bộ, do Hoàng Cơ Minh đãi anh và bộ sậu tới thăm. Sáu người một bàn, trước khi vào tiệc, sĩ quan ẩm thực trịnh trọng đọc thực đơn theo truyền thống hải quân trong bữa tiệc quan trọng. Gồm: món canh vịt hầm nhừ trong nồi, đĩa rau sống để nhúng vào nồi vịt, cuối bữa mỗi người tráng miệng một trái chuối. Nghe đọc thực đơn không ai dám cười. Như hiểu ý khách, viên sĩ quan ẩm thực còn nói thêm: Tư lệnh chúng tôi không đồng ý để các sĩ quan phải đóng nhiều tiền đãi khách. Thủy bộ hành quân liên miên, không có một ngân quỹ nào để khoản đãi phái đoàn cả. Quý vị thông cảm.

        Ít phút sau đã thấy Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh hiện ra ở cửa. Phú bắt tay khách và giới thiệu với tôi. Hoàng Cơ Minh cao lớn, nước da ngăm đen, có cái nhìn sắc lẻm. Anh ta bắt chặt tay tôi, nói:

        - Trung tướng Lê Nguyên Khang có lần điểm mặt các học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội vào đây thành danh có nhắc đến tên giáo sư. Tôi còn được anh Phú cho biết giáo sư rất rành về tử vi. Tôi từng được ông thầy tử vi của Tổng thống Thiệu xem cho, sau nghiệm cũng đúng.

        Chủ mời khách vào phòng uống nước. Nghiêm Văn Phú bảo với Hoàng Cơ Minh:

        - Phó Đề đốc biết không, cả hai lần thăng quân hàm tôi đều được thầy đoán trước. Lần lên đại tá thì thầy Ngọc đây, còn lần này có sẵn trong lá số tử vi ba tôi lấy cho hồi bé, nhưng ông thầy ấy chỉ đoán sai số có mười năm thôi.

        Phú lại cười rổn rảng. Hoàng Cơ Minh vui vẻ cười theo. Bỗng Phú hỏi anh ta:

        - Anh vừa nói thầy tử vi của Tổng thống bói cho anh, có gì linh nghiệm?

        - Thì cũng đoán năm nay tôi lên tướng.

        - Có lẽ Tổng thống Thiệu muốn bảo vệ thương hiệu cho ông thầy tử vi của mình, nên có chủ ý gắn sao cho anh đúng dịp như lời thầy đó thôi.

        Nghe Phú nói vậy, biết là có ý chọc ghẹo cho vui, Hoàng Cơ Minh bật cười vang, nói lại:

        - Phải rồi. Nếu không thì mình trượt đầu nước. Rồi đây phải sắm lễ tạ ơn thầy mới được. Anh Phú và Giáo sư Ngọc biết không, chính Tổng thống cũng nghe lời thầy mà cải lại ngày tháng năm sinh của mình từ 5 -4 -1923 thành 25-12-1924, nhằm ngày 18-11 Giáp Tý cho vận mạng được hanh thông đại cát đại lợi. Vậy mà xem ra mấy năm nay việc nước việc quân cơ toàn gặp xui xẻo. Nhân tiện, nói thêm với hai anh điều này, nhưng đừng phổ biến rộng ra ngoài mà người ta có thể hiểu lầm tôi. Hôm đó trước mặt Tổng thống Thiệu ông thầy tử vi ấy còn bảo tôi năm 53 tuổi sẽ lên Tể tướng nữa. Tổng thống hỏi ngay: Tể tướng tương đương chức gì thời dân chủ cộng hòa này? Thầy tử vi trả lời: Có lẽ tương đương Thủ tướng. Tôi vội chữa ngay: Thưa Tổng thống, tôi phục vụ trong quân đội đến chót đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 07:59:34 am »


        - Biết đâu - Phú nói - năm 53 tuổi anh chuyển ra dân sự, thành lập chính phủ mới thì sao. Cơ trời không biết được. Cũng như ông Thiệu sau đảo chánh từ Thiếu tướng lên Tổng thống.

        Đang ngồi, phảng phất mùi sào nấu từ nhà bếp bay lên. Minh bảo Phú:

        - Anh lại bắt chị phải làm tiệc tùng chắc.

        - Tính bà ấy vẫn vậy - Phú cười - Bạn của chồng đến thể nào cũng phải khoản đãi. Ngay như với ông anh vợ tôi đây, thường xuyên đến thăm vào chủ nhật, cũng phải kêu là cô em hay bày vẽ nhiều món quá.

        - Giống hệt tính bà xã tôi - Hoàng Cơ Minh nói, rồi bỗng hỏi Nghiêm Văn Phú - Anh còn nhớ đại úy Sài người đã đón anh hôm đến thăm sở chỉ huy lực lượng thủy bộ của tôi không nhỉ?

        - Có phải anh cao to, đen trũi rất vui chuyện, chỉ huy một giang thuyền xung phong. Anh ta tử trận rồi sao?

        - Không - Minh nói - Nhưng có liên quan đến một câu chuyện về tử vi. Nhân có thầy tử vi đây, tôi kể cho quý vị nghe một chuyện ly kỳ thế này. Trung sĩ nhất cần vụ cho tôi tên Năng, hắn cùng quê, lại cẩn thận chịu khó, tôi cất lên từ một đơn vị lính thủy đánh bộ. Cha hắn quen tôi, lần nào tôi về quê ông cũng đến nì nèo nhờ tôi giúp. Năng là con trưởng của dòng họ, thế mà thầy tử vi xem, nói ra điều độc địa nếu ra trận thì bị chém mất đầu. Cha hắn khóc lóc xin tôi cho về làm cần vụ ở văn phòng bộ tư lệnh, xa nơi chiến sự. Tôi giữ hắn được một năm không hề hấn gì. Hôm rồi cho Năng nghỉ phép, hắn không về nhà ngay mà nói xuống An Giang chơi với thằng bạn thân đang là thủy thủ ở giang đỉnh của đại úy Sài. Buổi trưa hôm ấy hắn đến chơi với bạn trên chiếc Tango Bạch Hổ đang neo gần cửa Ông Đốc. Hắn vừa bước ra khỏi ụ đại liên 20 ly trên boong, thì bất đồ một trái B41 của Việt Cộng từ bờ phụt ra hớt gọn cái đầu của hắn mất tiêu. Trái đạn thì lướt qua sàn platform nổ tung giữa sông. Đại úy Sài gọi điện cho tôi, một giờ sau tôi đến lật tấm chăn đắp hắn, hắn chỉ còn cái xác không đầu. Lại nghĩ đến ông thầy độc mồm ngày trước, càng tin con người ta phúc họa có số, muốn tránh cũng không tránh được.

        Sau đó Hoàng Cơ Minh hỏi tôi rành tử vi đến mức nào? Tôi nói giọng bỡn cợt, hồi bé Nghiêm Văn Phú và tôi đều được thầy tử vi đoán mai này sẽ làm tướng, chỉ đúng với Phú, tôi thuần túy làm khoa học, sao mà có cơ may lên tướng được cơ chứ. Chuyên môn của tôi là toán học, vậy thì trên quan điểm toán xác suất đánh giá tử vi đoán đúng một nửa, sai một nửa, năm mươi phần trăm! Nghe vậy Phú và Minh đều cười.

        Minh còn cho Phú biết, sau lần này anh ta có thể sẽ bị điều ra miền Trung làm Tư lệnh Vùng 2 duyên hải đóng tại Cam Ranh, nơi đang “nóng” nhất trong số 5 vùng chiến thuật của hải quân.

        Đấy là lần đầu tôi gặp Hoàng Cơ Minh, cũng là lần cuối cùng.

        Khoảng hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, đọc báo thấy cái tên Hoàng Cơ Minh trong một vụ án chính trị phản động. Hắn đứng đầu một tổ chức thành lập ở miền Nam tiểu bang Caliíomia, Hoa Kỳ; rồi thành lập tiếp một đảng gọi là Việt Tân với mục tiêu “xóa bỏ Đảng Cộng sản”, chiêu mộ một số kẻ di tản, phát động cuộc “Đông tiến”. Cuối tháng 8-1987 trên đường Đông tiến xuất phát từ Thái Lan, vừa vượt qua biên giới Hoàng Cơ Minh bị dân quân Lào phục kích, bị thương nặng và đã tự sát ở một nơi gần biên giới Lào - Việt. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện hôm gặp ở nhà Nghiêm Văn Phú hồi 1974. Anh ta sinh năm 1935, đến năm bị giết 52 tuổi tây, tức 53 tuổi ta, ông thầy bói của Nguyễn Văn Thiệu dạo ấy cũng nói đến cái tuổi 53 lên... Tể tướng (!)

*

*      *

        Hoàng Cơ Minh về rồi, Nguyệt Mỹ có ý giữ tôi lại để “nói câu chuyện nội bộ trong nhà”.

        - Em có nhận được thư chị em - Nguyệt Mỹ nói - cũng kể sơ qua tình hình bên ấy. Chị còn nói, rạn nứt trong tình cảm giữa anh chị khó lòng hàn gắn. Sao đến mức độ nghiêm trọng vậy anh?

        Trong lá thư gần đây, Nguyệt Tỉnh đã nói đến cuộc chia tay sẽ diễn ra mà nàng không muốn tí nào, giờ trong chuyện này tất cả do tôi quyết định. Tôi hiểu đấy chỉ là tránh nói trực diện về một sự thật đau lòng, vết nứt trong quan hệ tình cảm giữa chúng tôi đã ngày càng lớn, khó có thể hàn gắn. Lỗi tại ai? Tôi không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nàng. Không chung tình ư? Không hẳn như vậy. Tôi đã không làm gì để an ủi, nâng giấc cho nàng, tôi sống có phần khô khan và vị kỷ, vượt quá ngưỡng sống của một con người bình thường. Vậy thì sự ràng buộc chỉ làm khổ nhau thêm...

        - Anh cũng có lỗi, em ạ. - Tôi nói với Nguyệt Mỹ - Chị em là người tốt, hết lòng vì chồng con. Có lẽ anh chị phải chịu đựng nhau như vậy đủ rồi, đã đến lúc cần giải thoát cho nhau chăng?

        Tôi chợt thấy khóe mắt Nguyệt Mỹ có giọt lệ nhỏ lăn ra, lúc đó cô không đứng về phía chị gái hay đứng về phía tôi. Đứng giữa, Nguyệt Mỹ cũng rất đau lòng!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2018, 08:01:28 am »

        
DÂN BIỀU TỚI TRƯỜNG

        Phòng Giáo vụ thông báo: đầu giờ chiều nay có một đoàn dân biểu tới trường để nghe ý kiến cử tri, trong đoàn có ông Chủ tịch ủy ban quốc phòng Hạ viện nói chuyện về tình hình quốc gia và quốc tế.

        Ông Chủ tịch ủy ban quốc phòng Đinh Văn Đệ, người tầm thước, trắng trẻo, có nụ cười tươi tắn, trạc năm mươi tuổi. Tôi đã được biết sơ sơ về “lý lịch” ông nghị này: 30 tuổi là trung tá, Chánh văn phòng Tổng tham mưu trưởng; 40 tuổi tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, kiêm thị trưởng Đà Lạt; sau tỉnh trưởng Bình Thuận; rồi năm 1967 ông ứng cử nghị sĩ, giữ chức Phó chủ tịch Hạ viện, sau lại tự “hạ cấp” bằng cách đi vận động hành lang để được làm Chủ tịch ủy ban quốc phòng Hạ viện. Một lý lịch như thế trong xã hội miền Nam Việt Nam là sáng giá. Tôi còn chú ý tới một khía cạnh liên quan đến hoạt động khoa học thuần túy của ông, không hiểu vì lý do gì ông được Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ trao bằng Viện sĩ danh dự về vũ khí.

        Đi theo ông có bốn nghị sĩ nữa, ai vẻ mặt cũng đăm chiêu, có lẽ họ đang suy nghĩ cho quốc gia đại sự. Một giáo sư ngồi cạnh, nói nhỏ vào tai tôi:

        - Lũ nghị gật ấy mà.

        Tôi chỉ cười mỉm, gật gù. Trước hết là tiết mục “đối thoại trực tiếp”. Ông Hiệu trưởng mấy lần dắng, có cử tri nào thắc mắc, hỏi gì dân biểu thì cứ mạnh dạn. Cả hội trường im lặng. Có lẽ nhiều người còn ngại bầy tỏ chính kiến. Thời buổi mật vụ nhiều như ruồi thường trà trộn trong sinh viên, nhân viên nhà trường, nhỡ lỡ lời “không phải đầu cũng phải tai”. Rồi ông Hiệu trưởng chỉ đúng vào vị giáo sư ngồi cạnh tôi đề nghị thay mặt anh em cho ý kiến. Vị giáo sư đứng lên nói mỗi câu ngắn gọn không ra đối thoại cũng không phải câu hỏi:

        - Vật giá leo thang, lương thấp, sống sao đây!

        Một ông nghị được giới thiệu vốn là thương gia, trả lời cũng bằng một dẫn chứng khá ngắn gọn:

        - Cách đây một tuần, tôi có chất vấn Tổng thống câu tương tự như vị vừa nói, thì được Tổng thống trả lời: “Lệnh cấm dầu của Ả Rập ban hành vào mùa Thu năm 1973 đã khiến lạm phát tăng vọt lên năm mươi phần trăm. Nạn lạm phát cùng với sự giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ đã khiến cho nền kinh tế gần như khủng hoảng. Bên cạnh đó, theo tin tức tình báo thì từ cuối 1973, Bắc Việt tăng cường xâm nhập đã có tới 13 sư đoàn. Tình hình quốc gia lâm nguy như vậy, xin quý vị đừng chất vấn về đời sống khó khăn, mà nên hỏi sắp mất nước đến nơi rồi, phải làm gì?”.

        Mọi người nhìn nhau. Rồi có ai vỗ tay khơi mào, cả hội trường bỗng vỗ tay rào rào. vỗ tay vì Tổng thống nói “sắp mất nước đến nơi rồi”, xem ra quốc sự đã lâm nguy, ra ngoài tầm kiểm soát.

        Chờ đợi đến mươi phút, không ai có ý kiến gì khác, ông Hiệu trưởng quay sang ông Đệ, nói:

        - Vậy không còn cử tri nào có thắc mắc, kiến nghị. Giờ xin ông Chủ tịch ủy ban quốc phòng Hạ viện có bài diễn thuyết. Cũng nói qua để quý vị trong hội trường biết, ông Chủ tịch đây vừa cùng một phái đoàn của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ, được đích thân Tổng thống Gerald Ford tiếp. Xin mời ông.



Cùng đồng nghiệp tại Đại học Khoa học Sài Gòn, năm 1972 (Giáo sư Ngọc ngổi bế đứa bé)

        Ông Đinh Văn Đệ nhanh nhẹn bước lên bục nói. Hóa ra ông là người hùng biện, giọng khúc triết, lưu loát. Ông điểm qua tình hình thế giới, trong nước và phân tích kỹ hậu quả của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ làm cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa yếu đi, trên chiến trường đang bị Việt Cộng lấn át. Lối thoát duy nhất hiện nay là thuyết phục Hoa Kỳ tăng ngân khoản viện trợ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM