Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:40:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến  (Đọc 24906 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:12:37 pm »


        Thế rồi trước khi tôi rời Viện Đại học Vạn Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Châu đã dành cho tôi một buổi chiều đàm đạo xung quanh những vấn đề của truyền bá Phật giáo mà tôi quan tâm từ hồi còn ở Paris.

        - Thưa Thượng tọa - Tôi nói - Thời kỳ tôi bên Pháp, đạo Phật Việt Nam chưa phát triển lắm trong cộng đồng người Việt, song đã có thể thấy sự hiện diện của ba tông phái: Tịnh độ, Thiền và Nguyên thủy hòa nhập cùng với tông phái Tịnh độ của người Trung Quốc, Thiền của người Nhật, Mật của người Tây Tạng và Nguyên thủy của người Lào - Khmer. Ngài thường mặc chiếc áo vàng nguyên thủy, phải chăng vẫn theo tông phái Nguyên thủy?

        - Trong khi nghiên cứu về kinh tạng - Thượng tọa Thích Minh Châu nói - tôi thấy những chữ chuyển ngữ từ tiếng Pali, tiếng Sancrit sang tiếng ta có nhiều khó khăn, không đồng nhất, cho nên khi sang học ở Tích Lan tôi tự rèn luyện trở thành một tỳ kheo thực thụ theo truyền thống của Phật giáo nguyên thủy. Từ đó tôi vẫn mặc chiếc áo vàng này, chắc hẳn đến cuối đời cũng không thay đổi. Công việc quan trọng nhất của tôi là truyền bá giáo lý nhà Phật lưu giữ văn bản chuẩn mực từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cụ thể dịch toàn bộ Tạng kinh Nikaya cũng gọi là Tạng kinh Pali sang tiếng Việt.

        - Toàn bộ triết lý Phật giáo rất đồ sộ, minh triết rất sâu sắc và giàu tính gợi mở. Tôi biết ngài kiên trì mang những lời răn dạy của Đức Phật đến đồng bào trong nước thông qua những sách kinh được dịch ra tiếng Việt. Đó là cả một số lượng việc khổng lồ, ngài đã làm được đến đâu rồi?

        - Hồi đầu năm ngoái, tập một của Trường Bộ kinh (Digha Nikaya) đã in xong. Sách có ba bài kinh song ngữ tiếng gốc Pali và tiếng Việt. Tôi định năm, bẩy năm nữa sẽ hoàn thành toàn bộ bốn tập Trường Bộ kinh bộ (Majjhima Nikaya). Tiếp đến là Kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya), Kinh Tương ưng bộ (Samyutta Nikaya) và Kinh Tiểu bộ (Khuddaka Nikaya). Tôi có ít thì giờ dành cho dịch thuật, do phải kiêm nhiệm nhiều việc khác. Đấy là điều làm tôi rất băn khoăn. Nên nhớ, bộ kinh cuối phức tạp nhất, gồm nhiều phần độc lập với nhau, có tới 18 phần, không biết tôi có đủ thời gian để hoàn thành nó nữa không. Cũng phải nói thêm với ngài rằng, việc dịch kinh Phật ra tiếng của dân tộc mình là nguyện vọng chính đáng với nhiều quốc gia. Một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời và sâu sắc như Campuchia, họ cũng đang làm việc này. Tôi có người bạn cùng làm tiến sĩ Phật giáo ở Ấn Độ là Hòa thượng tăng thống Maha Ghosananda, lần tôi sang Phnom Pênh cách đây vài năm, ông nói rằng chính Quốc trưởng Norodom Sihanouk khuyến khích việc này và ông đã dịch xong Kinh Tương ưng bộ, bắt đầu vào việc dịch bộ kinh khó nhất. Nhưng tôi biết bên ấy cũng như ta, thường gặp không ít trở ngại do chính thể bấp bênh, khó giữ ổn định.

        - Tôi tuy không đi sâu vào giới Phật tử, nhưng cũng đã nghe có lời xì xào rằng: ngài dịch Tạng Pali là tuyên truyền cho Nam tông, cho Tiểu thừa, phản lại Bắc tông, Đại thừa?

        - Chúng ta nên chấm dứt thái độ ngây thơ và buồn cười này. Đạo Phật không có Đại thừa, Tiểu thừa, không có Nam tông, Bắc tông. Đạo Phật gồm một số giáo lý căn bản mà học phái nào cũng phải tôn trọng, một số pháp môn thiết yếu mà đệ tử Phật tử nào cũng phải y cứ để tu hành, nếu không muốn lạc vào tà giáo, ngoại đạo. Khi chúng tôi dịch từ tiếng Pali ra tiêng Việt là chúng tôi muốn giới thiệu ba Tạng Pali cho các Phật tử và học giả Việt Nam một Tam tạng kinh điển phong phú, rất gần với dạng nguyên thủy của đức Phật, đã được phổ biến rộng rãi khắp năm châu. Ngài còn lạ gì Einstein, ông ta làm khoa học nhưng thấu hiểu ý niệm về Thiên -Địa -Nhân hợp nhất khi nói rằng: “Ngày nay người ta dần dần ý thức rằng chỉ có đạo Phật Nguyên thủy mới đáp ứng được những đòi hỏi của một thế giới khoa học hiện tại. Một tôn giáo muốn được giới trí thức trẻ chấp nhận vừa phải không mâu thuẫn với những phát minh khoa học mới mẻ nhất, vừa phải giải quyết được những vấn đề thuộc phạm vi con người ở thế kỷ XX, XXI. Chỉ có đạo Phật nguyên thủy mới may ra đáp ứng được những đòi hỏi trên.”

        Việc làm của chúng tôi không nhằm ủng hộ lập trường nào, môn phái nào. Càng dịch tôi càng thấy rõ ác ý của nhà Bà La Môn khi dùng danh từ Tiểu thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật, khiến các đệ tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Các vị Bà La Môn đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật khiến giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại bị xuyên tạc do xen lẫn với tà giáo.

        - Ngài làm Viện trưởng hay người dịch kinh, chức vụ nào có lợi cho Phật giáo hơn?

        - Tôi có thể thẳng thắn trả lời rằng dịch kinh có lợi hơn. Song tôi đã không có sự lựa chọn nào khác được, về nước năm 1964, nếu Phật Tổ cho tôi sống được đến năm 80 tuổi chẳng hạn, chuyên tâm vào dịch thuật, chắc chắn tôi sẽ hoàn thành được tâm nguyện là dịch trọn bộ Kinh Tạng Pali.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:13:02 pm »


        - Xin hỏi ngài một câu về việc đời. Ngài có quan tâm đến thời cuộc?

        - Tôi đã gác việc đời, từ trẻ dốc lòng theo đạo. Tôi luôn cầu nguyện cho hòa bình và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nhân đây cũng xin hỏi lại giáo sư câu ấy: ngoài khoa học ngài có quan tâm đến thời cuộc không?

        - Tôi cũng giống ngài.

        Tôi bật ra câu ấy như thể đó là sự trả lời tự nhiên, cũng là một sự lấp liếm không thể khác. Rồi tôi và ngài đều im lặng giây lát, nhìn về phía xa xa, nơi ánh chiều đang chiếu những tia nắng cuối cùng lên hàng chữ “Duy tuệ thị nghiệp” ở nóc giảng đường và làm cho nó bỗng trở nên sáng lóa. Làm sao tôi có thể thổ lộ góc sâu kín nhất trong tâm hồn mình. Tôi khác ngài. Một khi tôi đã hoàn thành “việc đời”, tức là góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, hẳn khi đó tôi cũng sẽ được như ngài “Duy tuệ thị nghiệp”. Và tôi tin chắc ngày đó không còn xa nữa!

        Chỉ ít ngày sau khi tôi hết khóa dạy ở Đại học Vạn Hạnh, đài báo Sài Gòn loan tin chiến dịch Junction City kết thúc, như lệ thường thì phải rầm rộ khuếch trương chiến quả, thế mà có tờ báo lại đánh giá bi quan:“Chiến dịch đầy tốn kém và đẫm máu cho cả hai bên, nhưng Mỹ nói chung đã thất bại về mặt chiến lược, gây mất niềm tin cho quân đội Việt Nam Cộng hòa”... Tôi nghĩ ngay đến việc thăm dò qua viên Trung tá Jason Kaatz của MACV, anh ta chẳng đã rất tin tưởng vào tài thao lược của “minh chủ” của mình, tướng bốn sao Westmoreland đó sao.

        Từ dạo Vương Mộng Ngọc “thoát hạn”, tôi đã trở nên thân tình với cặp đôi này. Jason vẫn ân cần với tôi, song không giấu được những nét buồn bực hiện trên mặt. Tôi kể qua cho anh biết về vị sư có trình độ cao, thông thạo nhiều ngoại ngữ ở Đại học Vạn Hạnh, đấy như một mào đầu của một câu chuyện có chủ đề vô thưởng vô phạt. Quả nhiên Jason chẳng thích thú gì, mà kể ngay về chuyện tôi đang quan tâm là chiến dịch Junction City, đó mới thực sự là nỗi bức bối trong lòng, anh ta cũng muốn được cởi tỏa với người khác.

        - Chiến thuật “tủ” của ông sếp Westmoreland của tôi là tận dụng tối đa hỏa lực, - Anh nói - pháo dội ào ạt, bom thả như mưa, đạn bắn như vãi cát. Vậy mà sau 53 ngày đêm của chiến dịch không tìm thấy chủ lực Việt Cộng, không bắt được thành viên nào của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cuộc hành quân gặp toàn cạm bẫy như chông mìn, lựu đạn gài. Du kích lúc ẩn lúc hiện. Những căn cứ chiếm được thì rỗng không. Mỗi khi dừng chân ở đâu đều bị bắn tỉa, bị ném lựu đạn, phóng rocket. Bệnh nhiệt đới sốt rét, sốt phát ban hoành hành. Chủ động tìm diệt chuyển sang bị động đối phó, với một bản thành tích nghèo nàn như vậy, tướng ba sao chỉ huy chiến dịch là Jonathan Simon đã bị cách chức. Giáo sư bảo thế có đáng buồn không?

        Cùng với sếp, MACV đã sai nghiêm trọng khi đánh giá đối phương. Chúng tôi bị lừa do tin vào các con số khảo sát bịp của Chính quyền Sài Gòn; mặt khác tin vào các tài liệu tịch thu được cũng như lời khai của một vài kẻ chiêu hồi. Cùng lúc MACV hầu như không quan tâm đến tin tình báo do Văn phòng CIA Sài Gòn cung cấp. Trên thực tế chỉ huy trưởng MACV đã lừa Nhà Trắng và lừa cả ông Bộ trưởng McNamara nữa. về sau nhận ra điều này chính ông Bộ trưởng đã cử một nhóm bí mật vừa đặt chân đến Sài Gòn, với nhiệm vụ thu thập và lập một bộ tài liệu riêng của Lầu Năm Góc để hiểu rõ hơn về tình hình Nam Việt Nam.

        Giáo sư biết không, ông trợ lý đặc biệt của CIA Carver luôn bị MACV miễn cưỡng hợp tác, hóa ra vấn đề còn mang tính chính trị. Cả ông sếp lớn của MACV cùng Đại sứ Bunker đã bóng gió nói với Carver rằng, quân đội không thể báo cáo toàn bộ sự thật về Washington.

        - Vậy kế hoạch tìm diệt, bình định của Westmoreland mà lâu nay đài báo vẫn cổ súy đã không thể thành hiện thực? - Tôi hỏi.

        - Nếu xét về thời hạn bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng thì đã hết rồi. Cũng có thể gọi là thất bại, song kiểu gì giải pháp sẽ kéo dài thời hạn này ra...

        - Thành vô thời hạn chăng? - Tôi ngắt lời Jason.

        - Có thể lắm - Jason cười - Chắc chắn trong năm tới sẽ tăng quân, cũng phải vét hết lực lượng dự bị của Mỹ thôi.

        - Bao nhiêu cho đủ...

        - Ít nhất cũng phải cần cỡ hai mươi vạn quân Mỹ nữa đấy, ông giáo sư thân mến của tôi ạ.

        Sau cuộc gặp với Jason, chiều thứ bảy (Dạo này cứ chiều thứ bảy là Nghiêm Văn Phú cho xe đến đón tôi tới nhà anh ăn cơm), trong cuộc đàm đạo Phú còn nói thêm về thảm bại của cuộc hành quân đẫm máu và tốn kém đó. Anh kể: Giai đoạn hai (Từ 18-3 đến 15-4-1967) hướng tấn công chủ yếu mạn Đông tỉnh lộ 4 được giới hạn bởi sông Sài Gòn nhằm về tuyến biên giới Đông bắc Cà Tum và tuyến thượng nguồn sông Sài Gòn, được B52 rải thảm không hạn chế. Trên toàn mặt trận, sự kháng cự của Việt Cộng lại tỏ ra ngày càng mãnh liệt, các hậu cứ của Mỹ đều bị pháo kích gây nhiều thiệt hại về người và khí tài, vũ khí, như ở Quản Lợi, Đồng Dù, Suối Đá...

        Sau các cuộc gặp gỡ, tôi báo về Trung tâm chi tiết chính những diễn biến thất bại của Mỹ ngụy trong chiến dịch lunction City, còn nhấn mạnh khả năng năm tới (1968) Mỹ sẽ đổ thêm quân viễn chinh vào chiến trường Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:14:08 pm »


CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

        Hết giờ dạy, tôi đạp xe từ trường về đến chợ Bến Thành chợt thấy một cô gái phía trước, tay xách bọc nilon khá to đang xấp ngửa bước. Ai như Nga, cô sinh viên trường tôi? Tôi đạp nhanh theo, gần đến nơi, bất ngờ cô dừng, quay lại cúi chào:

        - Em chào thầy!

        Tôi không khỏi ngỡ ngàng, cô biết có tôi đang phía sau và cố tình muốn tránh mặt.

        - Sao em ở đây? - Tôi hỏi. Một tuần nay Nga đã vắng mặt ở lớp. Cô tỏ ra lúng túng chưa biết trả lời thế nào, tôi chỉ vào cái ghế đá chỗ nhà chờ xe buýt, bảo hãy ra đấy ngồi thầy trò ta nói chuyện. Cô ngoan ngoãn nghe theo. Ở lớp tôi có ấn tượng về Nga tính tình vui vẻ, hay quan tâm đến các bạn, tuy cô không phải học khá lắm. Một lần thấy ghế cạnh Nga trống mấy buổi liền, hỏi thì Nga bảo đã đến thăm nhà bạn Hiền, gia đình bạn ấy có ông anh cả đi lính vừa tử thương ở mặt trận Tây Ninh, mẹ bạn bị bệnh tim ngất lên ngất xuống đang cấp cứu trong bệnh viện. ít lâu sau Hiền trở lại lớp, cái ghế bên lại trống, đến lượt Nga nghỉ không rõ lý do. Tôi chỉ vào bọc nilon hỏi cái gì, cô cứ lúng túng, mặt đỏ bừng. Rồi cô nói nhỏ:

        - Thưa thầy, có lẽ em phải nghỉ học thôi ạ.

        - Sao vậy?

        - Hoàn cảnh gia đình em khó quá.

        - Em nói thầy nghe thử xem sao nào.

        - Em không muốn làm thầy bận tâm đâu ạ.

        Gương mặt Nga hiện rõ nét buồn tủi và mắt đã có ngấn nước, có lẽ cô đang cố kìm nén để không bật ra tiếng khóc. Tôi biết, thời buổi kinh tế khó khăn vật giá leo thang này, sinh viên trường tôi không ít người phải bỏ học giữa chừng. Ngoài giảng dạy chính thức ở Đại học Sài Gòn, tôi nhận thỉnh giảng thường xuyên ở nhiều đại học khác như Huế, cần Thơ, Mỹ Tho, Nha Trang... là có dụng ý tạo thêm “vỏ bọc”, một giáo sư chỉ biết có việc lên lớp mà không quan tâm đến những chuyện đời thường nào khác. Nay tình cờ gặp cô học trò ở đây, tôi lại tò mò muốn biết điều gì làm cô phải bỏ dở chuyện học hành như vậy.

        - Em cứ nói hoàn cảnh gia đình xem nào. - Tôi nói.

        - Ba em mất - Nga nói - má em lại ốm yếu, cả nhà trông vào mẹt hàng tạp hóa trong chợ, dạo này hàng ế ẩm quá cơ thầy ạ.

        - Thế nghỉ học em làm gì giúp má?

        - Em cũng chưa biết làm nghề chi cả. Giúp má được đồng nào hay đồng ấy thôi, chạy đi lượm tùm lum các thứ phế thải vỏ lon Coca, lon bia 333 thôi thầy à...

        Giọng cô nghẹn lại, tôi hiểu cô muốn tránh mặt khi đang lượm rác, một thứ nghề bất đắc dĩ, khổ cực nhất trên đời này. Tôi lần túi áo lấy cái ví, có bao nhiêu tiền trong đó đưa cả ra. Tôi nói với cô gái:

        - Thầy chỉ mang có ngần này, cũng chẳng tiêu gì, em cầm lấy mang về giúp má.

        - Không, thầy ơi - Nga nhất quyết từ chối - Thầy cũng nghèo, em đã đến nhà thầy rồi mà. Em cảm ơn sự quan tâm của thầy nhiều lắm. Nhưng em không dám nhận đâu.

        Nói rồi Nga đứng dậy, cầm cái bọc nilon để bên. Tôi nghiêm giọng:

        - Em làm vậy thầy buồn lắm. Thầy sống có một mình, lương khá, bao giờ cũng có món tiền dự trữ ở nhà. Em cứ nhận đi cho thầy vui lòng.

        Nga nhìn tôi, vẫn lắc đầu.

        - Em cảm ơn thầy nhiều lắm. - Cô nói - Song em không dám nhận đâu ạ. Em chào thầy. Nói rồi cô lại cúi gập người chào và cầm cái bọc quay ngoắt đi, bước cun cút trên vỉa hè. Tôi đứng nhìn mà ái ngại cho cô trò nhỏ.

        Hôm sau đến trường, tôi chủ ý vào phòng giáo vụ lục tìm hồ sơ học bạ của Nga và biết được địa chỉ gia đình cô. Phải hỏi mãi mới đến được căn nhà ngói sập xệ trong một hẻm sâu hun hút cạnh bờ kinh Thị Nghè.

        - Ô, thầy! - Nga trợn tròn mắt khi thấy tôi đạp xe lọc xọc vào hẻm và dựa xe trước cổng nhà mình. Trong nhà ngọn đèn điện đỏ quạch, mâm cơm dọn ra phía hiên chắc hẳn là muốn lấy thêm ánh sáng của đèn công cộng treo trên cột điện cuối hẻm. Người đàn bà trạc tuổi trung niên, mặt hốc hác tôi đoán má Nga. Còn một bà cụ ngồi như gập người xuống chiếu, cạnh bà một cậu bé gầy gò, nước da xanh rớt. Mọi người cũng ngỡ ngàng trước ông khách không mời mà đến là tôi. Nga vội chạy ra dắt xe đạp của tôi vào sân và cùng bước lên hiên. Cô nói với cả nhà:

        - Thưa nội, thưa má, đây là thầy Ngọc dạy toán của trường con. Còn giới thiệu với thầy bà nội, má và em trai em. Sao mà thầy tìm được đến đây ạ?

        - Trời ơi, - Bà mẹ Nga còn chưa hết ngỡ ngàng - Sao giáo sư tìm được đây cơ chứ. Rước giáo sư vô nhà uống nước đi con.

        Trong nhà chẳng có thứ đồ đạc gì đáng giá. Một ban thờ cũ kỹ, đầy mạng nhện, bụi bặm đặt lùi hẳn vào phía trong, đập vào mắt tôi tấm biển sơn son thếp vàng đã bong tróc nhiều chỗ treo chính giữa, trên đó có bốn chữ Hán đại tự. Bà nội Nga từ ngoài hiên lưng còng gập chậm chạp bước vào như một con rùa già. Bà ngồi lên cái ghế tựa đặt cạnh ban thờ và nhìn tôi chăm chú. Cậu em thì cứ ngó vào hoài, nhìn hai lóng chân cậu như hai ống sậy, đầu gối phình to, tôi chợt hiểu cậu bị tật nguyền.

        - Hôm trước cháu có về nói - Bà mẹ Nga rót nước mời tôi - gặp thầy ngoài chợ Ben Thành. Không ngờ hôm nay thầy đến thăm, quý hóa quá.

        - Rước giáo sư xơi nước. - Bà cụ ngồi cạnh tôi bỗng cất tiếng, giọng phập phào khó nghe có lẽ do thiếu hàng răng cửa.

        - Thưa, cụ bao nhiêu tuổi rồi ạ?

        Cụ nhìn tôi chỉ cười trơ lợi mà không nói gì. Nga đứng cạnh nói thay:

        - Thưa, tai nội em bị lãng ạ. Cụ nội em đến tết này là chín mươi tuổi đấy ạ.

        - Tiết... Hạnh... Khả... Phong - Cụ bỗng chỉ tay vào tấm biển có hàng chữ Hán đại tự mà chậm rãi đọc từng chữ cho khách nghe - Vua Khải Định ban cho bà đấy.

        Cụ lại cười không ra tiếng, vẻ hãnh diện thoảng qua gương mặt đầy nếp nhăn. Bà mẹ Nga cũng cười và tiếp lời:

        - Đó là tấm biển Vua ban năm Kỷ Dậu (1909) thầy ạ. Ngày đó tôi chưa về làm dâu nhà này, nghe cụ kể lại, rước được cái biển từ Huế vô đây linh đình, kỳ công lắm. Còn có cả lọng Vua ban cùng tấm biển nữa, để trong ban thờ kia, bằng vải nay đã mục trơ lại cái khung. Bố chồng tôi mất năm cụ mới hai mươi mốt tuổi, thủ tiết thờ chồng nuôi đàn con hai trai, hai gái đến trưởng thành. Bố cháu Nga con trưởng, ngày trước làm ký dây thép ở quận Thủ Đức, về hưu được mười năm thì mất. Nhà tôi có được ba đứa con. Thằng anh cái Nga tắm sông Thị Nghè chết đuối năm chín tuổi, còn đứa em đẻ ra đã bị liệt cả hai chân. Chẳng giấu gì thầy, từ ngày nhà tôi mất cửa nhà sa sút, trước nhà mặt tiền trên phố, phải bán đi rút dần vào ngõ, vào hẻm.

        - Vì cảnh nhà khó khăn em Nga phải bỏ học, tôi lấy làm tiếc cho em. - Tôi nói.

        - Cháu ham học lắm. Tôi cũng tiếc - Bà mẹ nói - mà không làm khác được thầy ạ. Giờ cũng chưa biết xin việc gì, đành cho chạy chợ với mẹ.

        Trời tối hẳn. Tôi lấy trong túi ra cái phong bì đựng một ít tiền đã được chuẩn bị từ nhà, đưa cho bà mẹ, nói:

        - Tôi có chút quà gửi gia đình.

        Bà tỏ ý chối một cách chiếu lệ, rồi nhận, cầm cái phong bì mắt rưng rưng, giọng bà nghẹn ngào:

        - Không biết lấy gì để đội an thầy.

        Nga theo tiễn đến hết hẻm, chỗ rẽ ra đường lớn dừng lại. Cô khoanh tay cúi gập người chào tôi, bỗng bật khóc, nức nở như đứa trẻ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:18:00 pm »


*

*       *

        Buổi trưa hôm ấy tôi vừa bước đến cửa nhà mình đã thấy một người khoanh tròn nằm ngủ. Tiếng ngáy của người ấy phát ra nhè nhẹ, đều đều đủ để hiểu là đang ngon giấc. Trong ánh sáng mờ mờ từ hành lang hắt vào, nhìn cách ăn mặc lôi thôi, bụi bặm tôi đoán nhận ngay: lại một gã ăn mày nữa. Tuần trước ở cư xá này xuất hiện một tay bị tay gậy ngồi dưới tầng trệt ngả cái mũ vải cáu bẩn trước mặt mọi người trước khi bước lên cầu thang và cũng lúc tôi đi dạy về, đã đặt vào mũ gã tất cả số tiền lẻ có trong túi. Giờ thì gã leo lên tận cửa phòng tôi. Nhưng gã đang ngủ say quá, không nỡ đánh thức ngay. Và tôi có dịp ngắm gã kỹ hơn. ô, không phải gã hôm trước! Mặt vuông vức (gã kia mặt dài ngoẵng), trạc ngoài bốn mươi tuổi, đeo một cặp kính cận gọng đen tròn xoe, mái tóc dài muối tiêu lòa xòa trên má trên mặt, râu ria tua tủa đầy cằm. Một khuôn mặt biểu cảm đã từng gặp ở đâu đây? Phải rồi, trước cửa chợ Ben Thành cách đây không lâu. Người ấy cũng mặc áo vải gai rộng thùng thình mang nhiều miếng vá, cũng tóc dài muối tiêu, đeo kính cận mắt tròn, chỉ khác lúc đó không nằm mà ngồi xếp bằng, mắt lim dim chắp tay trước ngực không hay biết đến sự ồn ã xung quanh. Người ấy đang tọa thiền. Không hiểu sao, mấy bà trong chợ đi qua thấy người ấy thì thành kính sựp xuống vái: Con lậy Phật tổ giáng trần! Khi tôi vừa quay đi thì có ai đó nói thoảng qua tai: Đích thị thi sĩ khùng Bùi Giáng! Một dịp khác, đang đạp xe trên đường Công Lý, không thể lẫn với ai khác, trước mắt tôi vẫn là thi sĩ khùng với cách ăn vận thế này, có thêm lũ trẻ con hậu thuẫn ông đang khoa chân múa tay... chỉ dẫn giao thông (!) Tôi kể chuyện với đồng nghiệp ở trường về con người dị thường ấy, được anh em cho biết những thông tin bất ngờ: đó là tác giả “Mưa nguồn”, tập thơ đặc sắc xôn xao dư luận Sài Gòn một dạo; một người mà bất cứ lúc nào cũng có thể ngẫu hứng tuôn ra những vần thơ lục bát như “nhập đồng giáng bút”. Rồi tôi tìm mua được tập “Mưa nguồn” ở cửa hàng sách cũ do cuốn này đã xuất bản trước thời điểm tôi từ Paris về Sài Gòn vài năm. Tôi vốn không sành thơ, nhưng cũng có thể cảm nhận được ít nhiều cái hay dở của thơ. Quả có nhiều bài, nhiều câu thơ của Bùi Giáng khác lạ, kỳ ảo, bí hiểm như chính cái cách hành xử ngoài đời của ông. Tôi thích những câu nửa đời nửa đạo như:

Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường xa nghi hoặc tháp tùng ni cô.

        Hoặc:

Buồn vui ai biết đâu ngờ
Nằm trong tử diệt nhớ giờ tái sinh...

        Bạn đồng nghiệp còn bảo ngoài thơ, ông có sách bàn về triết một cách sâu sắc, dịch tiểu thuyết theo kiểu phóng tác một cách tài hoa. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, không chỉ bệnh khùng, ông còn mắc chứng ngộ chữ nặng. Giờ thì ông đang nằm như câu thơ của Nguyễn Bính tôi thuộc từ hồi học trường Chu Văn An, Hà Nội: “Đầu tôi lại gối cánh tay tôi”. Ông ngon giấc như đang ngủ tại nhà mình. Ngọn gió nào đưa kỳ nhân đến đây?

        Rồi không để tôi phải chờ đợi lâu, dường như biết chủ nhà đã về, ông nhỏm dậy, đôi mắt mở to lóe sáng sau tròng kính dày, mắt của một con rắn ráo tinh khôn, lành hiền. Để ông đứng hẳn dậy, tôi mới hỏi:

        - Ông là Bùi Giáng thi sĩ?

        Nở một nụ cười hồn nhiên như con trẻ, người vừa “tỉnh giấc Nam Kha” liền thốt ngay ra một câu lục bát giọng xứ Quảng pha chút nghịch ngợm:

- Giáo sư lập dị đây à?
 Phật cho hạnh ngộ để ta gặp mình.

        Chao ôi, một sự làm quen mới kỳ cục làm sao, bất ngờ làm sao! Song tôi không chạnh lòng khi ông tố lên cái hỗn danh mà lâu nay người đời đã gán cho tôi. Tôi chỉ gật đầu mỉm cười nhìn ông và thò tay vào túi quần móc ra chùm chìa khóa, lần lượt mở bảy cái khóa cửa phòng. Đến lượt Bùi thi sĩ tròn xoe mắt nhìn tôi, tỏ ý thích thú quan sát cái dãy khóa theo hàng dọc đủ kiểu. Đồng bệnh tương liêu chăng?

        Vào buồng. Bùi thi sĩ để mắt một lượt bốn xung quanh và vừa khoanh chân ngồi bệt xuống sàn nhà, đã xuýt xoa:

        - Thưa, tại hạ đành thua ngài về số sách lèn, chồng, chất đống ở đây.

        Tôi với cái âu nhựa rót nước lọc mời khách, ông gật đầu nói câu cảm ơn và uống ực một hơi ngon lành.

        - Chẳng giấu chi ngài - ông bảo - Trước khi đến đây, bọn đệ tử đãi tới bến chầu rưọu đế, tại hạ khát nước và buồn ngủ quá trời.

        Tôi hỏi:

        - Sao ông biết tôi ở đây?

        - Giản đơn thôi, giáo sư à - Bùi thi sĩ lại chuyển sang ứng khẩu lục bát –
Tui có thằng cháu cũng là sinh viên.
Viện đại học nơi cửa thiền.
Duy tuệ thị nghiệp hữu duyên nhau mà.

        Tôi hiểu: ông có đứa cháu đang học Đại học Vạn Hạnh và chắc hẳn đứa cháu đã kể gì đó về tôi để ông đến tìm. Tôi lại hỏi:

        - Chắc ông có việc?

        Đôi mắt rắn của ông lóe lên, có thêm những vần lục bát giọng Quảng Nam hóm hỉnh:

- Tại hạ có chi trên đời.
Ngoài rong chơi với những lời giỡn vui.
Hẳn Nguyễn cùng cạ với Bùi.
Hôm nay đến mượn đôi lời kết giao.

        Tôi giơ tay bắt chặt tay ông. Cùng cạ - một cuộc kết giao bất ngờ, thú vị. Toán và thơ! Thơ và toán! Giờ tôi mới để ý ông có đeo một cái túi vải căng phồng và nó đang được quàng phía sau lưng liền được xoay hẳn ra trước, đặt lên đùi. Ông lại nhìn với đôi mắt sáng quắc, gật gù, từ đây ngôn ngữ đối thoại đã trở về “bình thường”:

        - Thượng tọa Thích Minh Châu khen ngài lắm, nhứt là cái sở học của ngài. - ông nói.

        - Ngài quen biết thượng tọa - Tôi cũng đổi cách xưng hô từ “ông” sang “ngài” - Tôi vừa có “cua” toán đại cương bên ấy. Thời nay có một vị thượng tọa uyên thâm đức độ như thế thật hiếm.

        - Thượng tọa vẫn xếp một chỗ cho tui ở hẳn bên chùa Phát Hội để tiện đàm đạo. Đôi khi tui cũng dạy chữ Phạn cho các sư trong chùa nữa. Bữa ni tui đến còn là muốn khoe một sản vật nhà làm ra, không biết có hạp nhãn ngài không?

        Nói rồi Bùi thi sĩ lôi trong túi vải một cuốn sách, nói tiếp:

        - Được thầy Thanh Tuệ chiếu cố, tui thường in sách bên nhà An Tiêm đến cả chục cuốn rồi. Hầu hết là thơ, có cuốn khảo luận triết, tui nghĩ triết hạp với toán của ngài hơn thơ.

        Ông đưa ra cuốn sách còn mới cứng, giấy tốt, bìa trình bày trang nhã: Con đường ngã ba. Nhà xuất bản An Tiêm - Sài Gòn 1968.

        - Để tại hạ viết lời đề tặng ngài.

        Ông hỏi mượn tôi bút. Rồi phóng bút một lèo vào trang đầu cuốn sách, xong trịnh trọng đưa hai tay. Tôi đỡ lấy, những dòng chữ như rồng bay phượng múa:

                                   “Lập di lập dị lập gì
                                   Con đường ngã ba thân quen
                                   Nguyễn - Bùi cùng ngả chân chen Thiên Đàng!

                                   Bùi Báng Giù

        Tôi bật cười thành tiếng, cái cười hiếm hoi bởi tôi vốn đã là người hàng ngày kiệm tiếng cười và còn bởi thói quen lâu nay ít giao đãi thoải mái với người ngoài, về sau ngoài cuốn ông tặng, tôi còn tìm mua được khá đủ các cuốn sách khác của ông. Dù là thi ca, dịch thuật, hay phê bình tư tưởng hiện đại đều có chung một “gene” do mẹ đẻ ra: tài hoa, phóng khoáng đến vô cùng. Ngài Thích Minh Châu xao nhãng việc đời dốc lòng cho Đạo; Bùi thi sĩ thì hướng tới cái tự nhiên nhi nhiên, tự do tuyệt đối trong thi ca, trong tư tưởng. Và cuộc đời ông như câu thơ Lý Bạch ông đã dẫn ra khi trò chuyện cùng tôi hôm ấy:

                                   Xử thế nhược đại mộng
                                   Hồ vi lao kỳ sinh

                                   (Sống ở đời như giấc mộng lớn
                                    Làm chi cho vất vả thân mình).

        Sau lần ấy tôi không gặp lại Bùi thi sĩ lần nào nữa, ông mải tiêu dao ngày tháng trong cuộc “giỡn vui” không ngừng nghỉ, còn trong bộ nhớ bộn bề của tôi vẫn có một góc nhỏ dành cho ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:18:47 pm »


*

*       *

        Thường thì cứ khoảng ba tháng tôi nhận được thư từ Paris của Nguyệt Tỉnh, thư nào cũng không dài chỉ một trang vở học trò, những thông tin về đời sống thường ngày và về sự học hành của con trai. Trong năm nay tôi còn nhận được thư của người bạn giáo sư toán học Bùi Trọng Liễu. Anh cũng kiệm lời, chỉ sơ qua về chuyện thời cuộc bên ấy, chuyện nội bộ Việt kiều. Anh còn kể về Alexander. Sau khi được nhận giải danh giá của Liên minh toán học thế giới IMU năm 1966, anh ấy có thêm nhiều “phen” hâm mộ. Dạo này Alexander công khai bầy tỏ quan điểm chống chiến tranh, anh nói là sẽ đến Hà Nội trong một ngày gần nhất để tỏ lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam phản đối đế quốc Mỹ xâm lược. Và mối thân tình của anh với gia đình tôi bên ấy vẫn như xưa... Đến lá thư mới, Nguyệt Tỉnh đã viết dài hơn, nói rõ lòng mình. Cũng giống như điều nàng đã tâm sự với chồng trong cái đêm hôm đó ở Paris, rằng sự cô đơn dường như là vô tận đến mức khó chịu đựng nổi. Nàng muốn trở thành người tự do, dù điều ấy có muộn màng. Tôi ngầm hiểu cái vết rạn nứt trong quan hệ tình cảm giữa chúng tôi đang ngày càng sâu. Có lẽ điều các nhà tiên tri nói về “cung thê” của tôi đều đúng cả. Phải chăng tôi đã vượt quá “ngưỡng sống” như lời Alexander, chỉ có điều cái sự vượt ngưỡng ấy tôi vẫn cố chịu đựng được còn nàng thì không chịu nổi!

        Những khi không lên lớp, không đọc sách, tạp chí, không làm toán tôi cảm thấy nỗi buồn xâm lấn, và tôi tự đặt ra một lịch làm việc dày đặc hơn nữa để không còn khoảng trống nào cả dành cho nỗi buồn len lỏi vào. Thời cuộc đang diễn biến nhanh đến chóng mặt, điều cần nhất lúc này tôi phải giữ cái đầu lạnh, bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận, phân tích mọi động thái mới nhất của kẻ thù.

        Thế rồi đến đầu tháng 9-1969. Tin từ Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tôi bí mật nghe trong đêm, và cả tin đăng trên báo chí Sài Gòn, báo chí nước ngoài về sức khỏe của Hồ Chủ tịch làm mọi người đều chú ý, tôi hiểu có rất nhiều người xung quanh đã kín đáo giấu đi nỗi lo lắng. Ngày Người qua đời tôi đã âm thầm khóc, tôi khóc như khi nghe tiếng súng nổ mạn cầu Đuống biết cha đã hy sinh. Nước mắt cứ lặng lẽ ứa ra và tôi còn đeo một miếng băng đen nhỏ trên ngực, ai hỏi tôi bảo: Cha tôi ngoài Bắc mới mất.

        Trong cuộc họp hàng tuần hội đồng giáo sư bàn về chuyên môn, về phân phối giờ giảng. Cuối buổi bao giờ cũng có đôi câu bàn luận ra ngoài phạm vi nhà trường, đó là về thời cuộc, chính trường trong nước, quốc tế. Hầu như tôi ít phát biểu những khi ấy, một giáo sư lập dị cần gì quan tâm đến thời cuộc cơ chứ. Giờ đây có điều thôi thúc trong lòng như một sự bột phát, như không thể làm khác hơn, tôi đứng lên, chậm rãi, nghiêm trang nói với các đồng nghiệp:

        - Thưa quý vị. Hôm nay một vĩ nhân qua đời. Đề nghị các vị đứng lên, một phút mặc niệm!

        Thoáng bất ngờ. Rồi không ai bảo ai mọi người đều đứng dậy, cúi đầu.

        Tin loang nhanh toàn trường. Khoa Cơ bản dành một phút mặc niệm lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà người khởi xướng giáo sư Nguyễn Đình Ngọc. Nhiều bàn tán, xôn xao. Không ít câu hỏi. Cuối cùng cũng đâu vào đấy, sự giải thích thật đơn giản: ông Hồ thực sự là một vĩ nhân, được cả thế giới nhắc đến và để tang cơ mà. “Giáo sư lập dị” cũng có thể bộc lộ quan điểm là người khuynh tả chứ. Và ông ấy, cùng các giáo sư khác cả phe “tả”, lẫn “hữu” dành một phút tưởng nhớ vĩ nhân, có gì lạ đâu trong một thế giới tự do tư tưởng được đặt lên hàng đầu này.

        Còn một chuyện hy hữu nữa xảy ra vào thời điểm đầu tháng 9-1969, dư luận ban đầu có ồn lên, rồi sau đó cũng xem là “chuyện thường”: tờ Đất nước dám dành hẳn một số cho “người vừa nằm xuống”, với tất cả các bài đều nói về Hồ Chí Minh
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:19:43 pm »


SỰ CHÚ Ý KHÁC THƯỜNG CỦA GIỚI QUÂN NHÂN

        Tôi ra Huế gặp “Cô Phương Lan”, vẫn là vẻ mặt điềm đạm có phần khắc kỷ, kiệm lời, ông bảo:

        - Cấp trên đã có chỉ thị mới. Từ nay điệp viên Diệp Sơn không thuộc sự chỉ đạo của BI nữa mà chuyển Trung ương cục Miền Nam quản lý, hoạt động đơn tuyến theo nhóm của Hai Tân. Đây là ám hiệu để gặp nhau...

        Tôi bỗng nhớ đến người thầy đầu tiên: ông Nguyễn Hữu Khiếu, Giám đốc Công an Liên khu 4. Thông qua đài phát thanh miền Bắc tôi vẫn kín đáo nghe vào giờ nhất định trong đêm, thỉnh thoảng biết được công việc của ông. Lúc làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương; ủy viên thường vụ Quốc hội, gần đây là Bộ trưởng Lao động... Vậy ông đã xa ngành tình báo khá lâu rồi. Song những lời chỉ bảo, tâm sự về nghề của ông thì tôi không quên. Hôm chia tay ở căn nhà tranh ven thành Vinh, ông đã nói: “Ngọc này. Rồi đây do hoàn cảnh cụ thể mà em sẽ có những việc làm cụ thể khác nhau. Song điều cần nhất ở mỗi điệp viên vẫn là khả năng phân tích thông tin. Từ những thông tin cụ thể, có thể tản mạn điệp viên thu thập được để đưa ra những suy đoán, nhận định, nhiều khi trở thành những tin tức quan trọng có tầm chiến lược. Nhà tình báo Xô viết trong Thế chiến thứ hai Richard Sorge đã có hai chiến công vĩ đại thông qua khả năng phân tích thông tin cực kỳ nhậy bén và chính xác: báo trước việc phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô và khẳng định Nhật sẽ không đánh vào Liên Xô năm 1941. Người ta vẫn ví một nhà tình báo chiến lược với những tin tức quý giá có sức mạnh như một đạo quân, làm thay đổi được cục diện chiến trường.”

        Người liên lạc mới tên Hai Chuối. Ông gầy gò và có khuôn mặt chất phác, đã lặng lẽ đưa tôi đến một căn hầm bí mật thuộc địa đạo Củ Chi ngoại thành Sài Gòn. Ở đây, tôi ra mắt người chỉ huy mới. Ông Hai Tân dong dỏng cao, chắc nịch, tác phong nhanh nhẹn, đôi mắt sáng đầy vẻ linh hoạt quyết đoán ẩn dưới cặp lông mày rậm. Gặp nhau lần đầu, qua những thăm hỏi, động viên tôi biết trước đó ông đã tìm hiểu khá kỹ về tôi và rất có thể ông còn đánh giá tôi qua trục cảm của một chỉ huy tình báo lão luyện. Hôm đó, một ngày khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của quân ta đồng loạt vào các đô thị miền Nam tạm ngưng tiếng súng, một ngày cơn bão qua, cũng có thể sắp sửa đón cơn bão mới. Không ngờ từ hôm đó chúng tôi lại gắn bó với nhau suốt chặng đường dài sau này, đến cả cuối đời. Tôi có một sự so sánh: ông Hai Tân giống giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu ở chỗ đều “tay ngang” vào ngành điệp báo do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, không được học nhiều trên sách vở, học chủ yếu từ thục tiễn, song cả hai đều có nhãn quan rộng rãi, biết dùng người và có tài thu phục nhân tâm. Đó thục sự là hình mẫu chỉ huy tình báo hoàn hảo kiểu Việt Nam.

        Ông Hai Tân tên thật là Nguyễn Văn Chẩn, còn có tên khác Nguyễn Phước Tân, quê thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, sau Hiệp định Genève, không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động bí mật trong lòng địch. Từ năm 1960 chính thức làm công tác điệp báo, khi chúng tôi gặp nhau, ông phụ trách cụm điệp báo Ban An ninh Trung ương cục. Ông kể tôi nghe một “sự cố” bất ngờ hồi đầu năm 1955 lúc chưa vào nghề này. Trên chuyến xe đò từ Sa Đéc đi Long Xuyên, ông gặp một lính ngụy người Khmer trên xe, anh ta reo lên mừng rỡ: Chào ông lớn! Sao không đi tập kết? Chả là hồi đó ông làm công tác binh vận có gặp người lính này và đã cứu giúp chị vợ anh ta trong cơn đau đẻ. Đó chỉ là một phản ứng tức thì của anh ta trước ân nhân của mình, chứ không có ý gì khác. Song nếu không ứng đối khéo sẽ dễ bị lộ thân phận với những người xung quanh, ông cười xòa nói với người lính ngụy rằng, ở lại vì gia đình đông con, bây giờ chỉ làm ăn buôn bán thôi. Ông bảo, sau này làm công tác điệp báo, việc giấu kín thân phận càng được đặt ra có tính sống còn.

        Ông nói với tôi về tình hình sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhiều điệp báo của Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4) đã bị bộc lộ, không thể hoạt động trong vỏ bọc lâu nay của mình nữa. Tôi hoạt động đơn tuyến, chưa bị lộ, cần tận dụng mối quan hệ với các tướng tá, những nhân vật có vai vế trong chính quyền ngụy và cố vấn Mỹ, trọng tâm nắm các hướng tấn công vào căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng nằm trong kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, dầu kế hoạch đó về cơ bản đã phá sản. Đúng như tin tức tình báo cung cấp, sau sự kiện Tết Mậu Thân, Westmoreland đã yêu cầu Nhà Trắng gửi thêm 20 vạn quân, song theo đài báo phương Tây, Tổng thống Lyndon Johnson trì hoãn sự tăng viện vì không thể vét một lúc hết lực lượng dự bị. Cuối cùng thì viên tướng bốn sao Westmoreland đã bị triệu hồi về nước, kết thúc sự nghiệp sau 4 năm chinh chiến bị thảm bại ở chiến trường Nam Việt Nam và lực lượng quân đội Mỹ chỉ được Nhà Trắng gửi sang một cách nhỏ giọt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:20:11 pm »


        Đã lâu tôi không gặp lại đại tá Phan Huy Lương. Là Tham mưu trưởng Biệt khu Thủ đô, chắc Lương rất bận, vậy mà hôm nay anh ta gọi điện bảo là cần gặp tôi để hỏi một việc. Anh cho xe đón tôi đến dinh thự làm việc có lính canh phòng cẩn mật. Tôi vào ngồi chờ trong một căn buồng rộng rãi, bài trí đơn giản. Anh hiện ra sau cánh cửa căn buồng kế bên, trong bộ quân phục mầu xanh xám oai vệ, trên ve áo đính ba ngôi sao. Nở nụ cười, Lương dang tay bước nhanh đến bên tôi và ôm hôn, cái cách cư xử thân tình của bạn hữu lâu ngày mới gặp.

        - Anh vẫn vậy - Lương nói - ít thay đổi. Khỏe hơn hồi ở Hà Nội đấy. Lần trước ta gặp nhau chưa nói được chuyện gì thì tôi có việc phải đi gấp, giáo sư thông cảm cho nhé.

        Tôi cười, gật đầu:

        - Thông cảm quá đi chứ. Anh bây giờ là yếu nhân, toàn việc quốc gia đại sự mà.

        - Cũng làm công ăn lương cho ông chủ Hoa Kỳ cả thôi - Lương cười và rót nước chè mời tôi - Giáo sư đại học như anh mới tự tung tự tác được, còn đây nhất nhất phải tuân lệnh cố vấn.

        - Có ai dám bất tuân lệnh không nhỉ? - Tôi bất ngờ hỏi câu đó.

        - Cũng có - Lương cười thoải mái - Nhưng hãn hữu lắm. Như trường hợp của ông thầy tôi là chuẩn tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ thì đến nay ai cũng phải khâm phục sự khảng khái có một không hai của ông. Hồi ông sang Mỹ học khóa tham mưu cao cấp tại Fort Leavamvorth, một sĩ quan Hoa Kỳ nhìn vào bảng ghi danh, “Lam Son” thành “Lawson” tưởng học viên này dùng tên Mỹ, liền hỏi: “Mày người Việt sao dùng tên Mỹ?” Đại tá Lam Sơn liền nổi đóa, thụi viên sĩ quan ấy một thụi, bảo: “Tao dùng tên mình không dùng bất cứ tên ngoại quốc nào”. Hồi năm 1962, ông là chỉ huy trưởng Trường Bộ binh Thủ Đức. Trong một buổi duyệt binh thường lệ, viên đại tá cố vấn cùng ông đi duyệt, bất ngờ cố vấn chọc ngón tay vào nòng khẩu Garant MI của một học viên, thấy dầu nhờn lẫn bụi dính ngón tay, ông ta liền quyệt chỗ dầu súng vào mặt người học viên đó. Đang đứng cạnh, ông Lam Sơn liền giáng cho viên cố vấn một cái tát, bảo: “Đừng hành động như thế với bất cứ người lính nào, họ có lỗi ông có thể phạt theo quân kỷ. Rõ chưa!”

        Nói thật với anh mình được bú móm, trang bị tận răng bị người ta sai bảo là đúng thôi. Theo ông Thứ sao được. Mà cái tính hổ lửa như thế của ông người Mỹ chịu thế nào được, hàm chuẩn tướng đeo mãi đến khi nghỉ hưu.

        - Hôm trước nghe Nghiêm Văn Phú - Tôi nói - nhắc đến Lê Nguyên Khang, có phải Khang học dưới cánh ta một lớp ở Chu Văn An không nhỉ?

        - Đúng rồi. Hiện anh ấy là tướng biên ải có điều kiện phóng khoáng hơn tôi, con đường thăng tiến cũng rộng mở hơn tôi nhiều.

        - Nghe Phú nói có năm anh ấy thăng quân hàm hai lần.

        - Còn lên nữa - Lương cười nửa miệng - Có người đỡ. sếp đứng đầu MACV cơ mà. Nhưng ông Westmoreland kỳ này bị gọi về rồi, không biết ai sẽ đỡ tiếp đây.

        Lương mở bao thuốc Cotab mời, tôi lắc bảo không hút do có bệnh phổi. Lương cười bảo:

        - Nghe anh Phú nói, anh sống kham khổ lắm, như tu sĩ hành xác vậy. Tội gì mà khổ vậy ông bạn giáo sư của tôi ơi!

        - Anh đã biết tôi từ hồi ở Hà Nội rồi - Tôi nói - Tính tôi vẫn vậy mà. Ở trường họ còn gọi tôi là giáo sư lập dị nữa. Quả tôi không có nhiều nhu cầu về vật chất, chứ nào muốn hành xác gì đâu.

        - Mỗi người một số phận. Giờ anh ở một mình cũng cần giữ gìn sức khỏe phòng khi trái nắng trở trời đấy - Lương nói - Anh Ngọc ạ, hôm nay tôi mời anh đến đây ngoài chuyện thăm hỏi cũng có một việc muốn tham khảo ý kiến chuyên gia. Biết anh là kỹ sư khí tượng, tôi quan tâm đến tình hình thời tiết Sài Gòn và vùng ngoại vi Bắc Sài Gòn trong vòng nửa tháng tới.

        - Trung tâm khí tượng thủy văn Sài Gòn chắc đã cung cấp đầy đủ các số liệu chứ? - Tôi hỏi anh ta mà trong bụng cũng chợt nảy ra một câu hỏi khác: sắp có một cuộc hành quân mới về hướng Bắc, có các binh chủng cơ giới phối thuộc nên họ mới quan tâm đến thời tiết như vậy chăng?

        - Đã có chuẩn bị cả đây - Nói rồi Lương lấy trong cặp ra một tập tài liệu đánh máy để trước mặt tôi - Tôi đã được phía Trung tâm khí tượng thủy văn trình bầy, nhưng vẫn muốn nghe ý kiến nhận định của chuyên gia từng du học nước ngoài như anh cơ.

        Tôi giở nhanh các số liệu thống kê yếu tố thời tiết, có cả bản tham khảo số liệu nhiều năm trước và hỏi thêm:

        - Vùng này giáp Campuchia?

        Lương gật đầu. Tôi bảo Lương cho ít phút để đọc các số liệu, sau đó mới có ý kiến được. Anh chỉ một cái bàn bên cạnh, để tập số liệu lên đấy. Sau chừng mươi lăm phút, tôi trở lại nói với anh:

        - Như các con số thống kê đây, kết hợp với những hiểu biết của tôi về khí hậu Nam Bộ, thì tôi tin chắc là trong vòng nửa tháng nữa thời tiết tốt, không mưa, có mưa thì mưa nhỏ cục bộ không đáng kể. Tôi hỏi thêm anh về Campuchia vì khí hậu vùng Biển Hồ bên đó có khác Sài Gòn và Tây Ninh của ta, bên ấy mưa thuận gió hòa hơn, chỉ mùa mưa mới có cơn mưa lớn kéo dài ba trăm milimet trở lên.

        - Cảm ơn anh - Lương nhìn tôi với vẻ mặt tươi tỉnh - vẫn biết anh bận, song nghe được ý kiến của anh vậy là yên tâm rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:20:29 pm »


        Tôi hỏi thêm về bạn học trường Chu Văn An trong này, Lương bảo riêng giới quân sự cũng có khá nhiều đồng môn, như ông Nguyễn Cao Kỳ - Phó tổng thống, ông Lê Nguyên Khang - Tư lệnh Quân đoàn 3 chẳng hạn. Tôi ngỏ ý muốn gặp ông Khang, Lương suy nghĩ giây lát rồi nói:

        - Sắp tới tôi cũng có chuyện muốn gặp Trung tướng Khang, hay anh kết hợp gặp luôn. Ông ấy là người trọng tình đồng hương, đồng môn.

        - Thế có không tiện cho việc trao đổi riêng của anh. - Tôi nói.

        - Không sao. Việc làm ăn thông thường của hai bà xã ấy mà. Tôi sẽ bố trí ta gặp nhau trong một khách sạn nào đấy cho thân mật, kín đáo.

        Thế rồi chỉ mấy ngày sau, Lương gọi điện cho tôi hẹn đến lầu ba của khách sạn Continental.

        Vừa gặp, quả thật tôi không hình dung ra Lê Nguyên Khang bây giờ với Lê Nguyên Khang ngày ấy, anh học sau tôi và cùng lớp với em Kim, trường không phải quá đông để học trò các khóa không biết mặt nhau. Giờ nom Khang thật phong độ, da dẻ mịn màng hồng hào, hàng ria con kiến phớt trên mép, nuột nà trong bộ cánh màu vàng nhạt, nom anh giống một thương gia giàu có hơn viên tướng trận mạc. Lương chỉ tôi hỏi:

        - Trung tướng có nhớ ai đây không ạ?

        Thoáng ngỡ ngàng, rồi giọng Khang trở nên vui vẻ:

        - Ô, Nguyễn Đình Ngọc! Người học giỏi nhất trường ta, sao quên được. Anh có mập lên chút xíu thôi.

        Ngồi được một lát, có người nữa đến mặc thường phục, cũng dáng cao to, nhanh nhẹn. Anh Lương đứng dậy bắt tay trước, tỏ ý thân tình. Lê Nguyên Khang giới thiệu với tôi:

        - Đại tá Lê Nguyên Vỹ, đồng hương Sơn Tây với tôi, cũng bạn đồng môn trường võ bị Thủ Đức với anh Lương. Còn giới thiệu với anh Vỹ, đây là anh Nguyễn Đình Ngọc, giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn, vốn cùng trường với tôi và anh Lương hồi ở Chu Văn An, Hà Nội. Hôm nay đẹp trời, lại ngày nghỉ, ta gặp nhau hàn huyên cho vui.

        Lê Nguyên Vỹ nói giọng Nam Bộ, tỏ ra xởi lởi dễ gần, anh cười với tôi:

        - Nhiều người cứ tưởng tôi với anh Khang là anh em ruột vì cùng quê lại cùng họ, tên đệm. Tôi thua anh Khang hai tuổi, đẻ ở Bắc nhưng ba má vô trong này sinh sống từ hồi tôi bé xíu. Đồng hương Sơn Tây còn có ông Nguyên Cao Kỳ nữa kia, cũng học Chu Văn An nhưng khóa trước anh Khang, về sau ông học Trường không quân Marrakech tại Maroc, còn anh Khang học lớp lục quân cao cấp Fort Benning Hoa Kỳ.

        Lê Nguyên Khang nghe vậy thì bổ sung:

        - Sau khi tốt nghiệp Trường Fort Benning được hai năm, tôi còn học tiếp Trường thủy quân lục chiến Quantico nữa. Bằng cấp đầy mình.

        Đen đây Phan Huy Lương cười, chỉ vào tôi, nói:

        - Cũng không bằng ông bạn của chúng ta đây. Ba bằng kỹ sư, hai bằng tiến sĩ tại Pháp.

        Khang và Vỹ đều tỏ vẻ ngạc nhiên về điều ấy. Tôi cười bảo với hai người:

        - Thì hồi đó ban đầu có học bổng trường khí tượng thôi, sang đấy thấy nhiều trường hay nên cứ học. Học nhiều bằng cấp về nước cũng không biết để làm gì. Hiện tôi chỉ dạy có môn toán.

        Thức ăn được lần lượt bưng đầy bàn, toàn son hào hải vị. Chai rượu Hennessy xo sóng sánh, rót ra từng ly thơm phức. Rồi cụng ly. Tôi chỉ nhắp môi, thứ rượu mạnh đã sực lên óc, các ông tướng thì tỏ ra tửu lượng vô biên. Vỹ gắp thức ăn vào bát tôi và cứ ép uống cạn ly đầu. Tôi phải chiều anh. Đã có chút chếnh choáng, vẫn tự nhủ cần tỉnh táo, hiếm khi có dịp gặp được các “đầu lĩnh” thế này. Vỹ chợt ngửng lên hỏi Lương:

        - Đại tá đã thỉnh giáo giáo sư về tình hình khí tượng vùng Móc Câu, Mỏ Vẹt ngày tới chưa?

        - Đại tá phản ứng lẹ thật đấy. - Lương cười - Báo cáo, tôi đã tham khảo ông bạn đây từ bốn ngày trước rồi. Thời tiết lý tưởng.

        Vỹ giơ cao ly nói:

        - Nào, thế thì ta chúc cho ngày thắng lợi!

        Tất cả cùng cụng. Rồi Khang rót ly mới nói với tôi và Lương:

        - Xin anh Vỹ cho học sinh trường Chu Văn An chúng tôi được cùng cạn ly này.

        Tôi gắng gượng, hiểu rằng sẽ bị gục tại chỗ nếu tiếp tục thêm cú “cạch” nữa. Tôi nói, chậm rãi cho tròn vành rõ tiếng:

        - Thưa anh em. Rất cảm kích trước thịnh tình của anh em. Cho phép tôi được hầu rượu anh em đến đây thôi, vì như anh Lương biết rồi đấy, sức khỏe không cho phép...

        Lương tiếp lời tôi:

        - Anh Ngọc từng được ông anh cả tôi điều trị cho bệnh phổi, vả lại tạng anh không được khỏe từ bé. Thế này, đề nghị anh Ngọc cứ cụng ly nhận các lời chúc tụng, còn tôi sẽ uống đỡ cho.

        Thế là trong buổi chiều nhậu lai rai, lần lượt ba chai Hennessy xo hết bay. Lương tỏ ra nghĩa hiệp đỡ cho phần tôi, đến khi chính anh cũng không thể cố hơn, đứng dậy loạng choạng vào toa let. Một hồi trở ra, mặt anh trở nên nhợt nhạt, trên mép còn dính chút thức ăn vừa ói. Khang và Vỹ quả là những cao thủ, tuy mặt phừng phừng như mặt trời song vẫn tỏ ra tỉnh queo. Khang rót nốt những rọt rượu cuối cùng chia đều cho cả bốn ly, cao giọng:

        - Nào, chúc cho tình bạn bền vững. Chúc cho cuộc xuất binh của chúng ta vạn sự như ý!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:20:51 pm »

        
*

*        *

        Như vậy, còn khoảng hơn mười ngày nữa sẽ có một cuộc hành binh của Mỹ ngụy về hướng Tây Ninh và biên giới Campuchia. Chúng sẽ lại nhằm vào căn cứ của Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng, nơi được gọi theo mật danh “353”. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, cơ quan đầu não của hai bên đều là mục tiêu tấn công của nhau. Trung uơng Cục miền Nam bao giờ cũng là đích ngắm tiêu diệt hàng đầu của mọi kế hoạch quân sự của Mỹ ngụy. Từ năm 1966 tôi về nước đến nay, đã có tới 6 cuộc hành quân quy mô lớn vào những vùng chúng cho có đầu não của Việt Cộng, song đều không đạt được mục tiêu bắt sống hoặc tiêu diệt các chỉ huy quân đội và thành viên Mặt trận Dân tộc giải phóng. Lần này chắc hẳn cũng một chiến dịch tìm diệt nữa của liên quân Mỹ - Việt, nhưng chưa biết lực lượng, các mũi tiến công và ngày giờ cụ thể. Thời gian không còn nhiều để cho tôi tìm hiểu. Qua bữa cơm chiều chủ nhật tại nhà Phú, tôi gợi ý song Phú tỏ ra không biết gì về cuộc hành quân theo hướng ấy, giang đoàn của anh ta đang có chiến dịch tảo thanh ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi gọi điện đến nhà Jason, nhưng anh ta không có nhà. Vương Mộng Ngọc bảo anh đang tháp tùng Tư lệnh Creighton Abrams về Washington, khoảng mười ngày nữa mới về. Tôi lấy cớ gặp Lương lần nữa tại nhà riêng, song cũng không moi được gì thêm ở anh ta.

        Tôi vẫn lên lớp bình thường, mà trong lòng lúc nào cũng nóng như có lửa đốt. Từng ngày trôi qua. Linh cảm mách bảo tôi, chuyến về gặp Tổng thống của Jason rất có thể có liên quan đến cuộc hành quân này. Nếu Jason từ Mỹ trở về đúng thời hạn như lời Mộng Ngọc thì cũng chỉ còn khoảng ba hoặc bốn ngày là hết “nửa tháng” như Lương, Khang và Vỹ đã tiết lộ. Tôi không muốn Mộng Ngọc có cảm giác dạo này tôi quá quan tâm đến chồng cô. Hẳn cô thừa biết tôi hoàn toàn khác với Hai Lân bám Jason vì ý đồ vụ lợi, cô sẽ hỏi tôi quan tâm đến chồng mình vì mục đích gì? Song không còn cách nào khác. Tôi muốn chờ đến phút chót mới gửi báo cáo đi, có thể có thêm những thông tin quan trọng. Còn mấy ngày. Cảm thấy thời gian trôi rất chậm.

        Thế rồi, Vương Mộng Ngọc gọi điện báo chồng cô đã về. Tôi có chủ định trước, giọng thật bình thản hỏi anh ấy về có khỏe không và hứa khi nào rỗi rãi sẽ đến chơi. Mộng Ngọc cũng ngạc nhiên hỏi lại: Anh chưa đến ngay ư? Tôi bảo đang bận lên lớp ở Đại học cần Thơ, phải tuần sau mới rỗi rãi được. Sau cú điện của Mộng Ngọc, tôi chủ động gọi điện riêng cho Jason. Cũng chỉ là hỏi thăm xã giao sau chuyến đi xa. Còn hỏi: Lần đầu anh gặp Tổng thống Richard Nixon có gì hay không? Hay lắm! Trong điện thoại giọng anh ta sôi nổi hẳn. Dư luận Mỹ đang ồn ào về việc quân Mỹ sắp tấn công vào vùng Mỏ Vẹt trên đất Campuchia, phần đông người Mỹ không muốn cuộc chiến lan rộng cả bán đảo Đông Dương. Vào đầu giờ bản tin tối nay, Tổng thống sẽ lên truyền hình có một tuyên bố quan trọng đấy.

        Tôi cảm thấy phấn khích như vừa uống một ly rượu mạnh, còn choáng váng nữa. Giữa Washington và Sài Gòn chênh nhau nhiều múi giờ, tức là tôi phải mở đài Mỹ chờ đến quá nửa đêm để nghe được lời tuyên bố của Nixon.

        Nixon xuất hiện, vẻ mặt sắt đá lạnh lùng, tuyên bố: “Không thể chấp nhận sự đe dọa tính mạng người Mỹ hiện đang ở Việt Nam sau khi chúng ta đã rút thêm 150 nghìn quân. Các bạn cho rằng liên quân tấn công trên đất Campuchia là một hành động phiêu lưu? Tôi muốn tiêu diệt những nơi ẩn giấu ấy của chúng. Hãy dựng lên các kế hoạch và tiến lên. Nghiền nát chúng để chúng không bao giờ có thể dùng những nơi ấy để chống lại chúng ta nữa. Không bao giờ!” Phần cuối bài, hắn cũng không quên hứa hẹn với cử tri Mỹ rằng hòa bình đang trong tầm tay chúng ta.

        Đó là mở đầu bản tin thời sự buổi tối ngày 30-4-1970 giờ Washington. Một thông điệp đã rõ ràng! Tôi phải truyền ngay tin tức về cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Việt vào vùng Móc Câu - Mỏ Vẹt. Càng sớm càng tốt. Đã đến giờ giới nghiêm. Tôi đành mạo hiểm đánh mooc về căn cứ cho Hai Tân, một việc trước đó tôi chưa bao giờ làm bởi tính an toàn không cao. Sợ rằng cuộc đánh mooc tối qua không thành công, để cẩn thận, tôi lại viết một báo cáo ngắn bằng mực hóa học và sáng hôm sau đến để nó vào hộp thư bí mật. Bằng bất cứ giá nào, ở căn cứ đầu não của ta cũng phải biết trước có cuộc càn quy mô lớn, mà địch cho rằng rất bí mật và đầy táo bạo này...

        Sau ba tuần. Qua đài, báo của địch, tôi được biết “12 vùng căn cứ của quân đội Bắc Việt Nam tại Campuchia đã bị tấn công đồng loạt, bất ngờ”. Song cũng chính báo chí Sài Gòn và tại Mỹ lại rộ lên tin thất thiệt của liên quân Mỹ - Việt về cuộc hành quân vào Móc Câu - Mỏ Vẹt. Đích thân Tổng thống Nixon cùng cố vấn an ninh Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird (mới thay McNamara), Đại sứ Mỹ Bunker và Đại tướng Abrams, Trưởng MACV Sài Gòn, đã lập nên một kế hoạch tìm diệt tham vọng nhất từ trước đến nay. Bộ chỉ huy của Việt Cộng đóng cách Sài Gòn 80 km về hướng Bắc, nơi biên giới Campuchia giáp với Tây Ninh -Bình Long. Nhưng khi liên quân đến nơi, căn cứ đã rỗng không. Trong một xác lều, chỉ bắt được tấm hình của một người đội mũ tai bèo, mặc áo bà ba đen, cổ cuốn khăn rằn, được nhận ra là Tướng Chín Vinh, Phó chính ủy quân đội Việt Cộng. Những người đang theo dõi tình hình chính trị ở Mỹ đều cho rằng quyết định của Tổng thống Nixon là một sự liều lĩnh khác thường trên phương diện chính trị và quân sự. Mâu thuẫn trong nội bộ chính giới Mỹ lại có dịp bùng phát, khiến tình trạng chống đối trong lòng nước Mỹ ngày càng dữ dội. Tờ New York Times gọi những lý do mà Tổng thống Nixon đưa ra để kết luận Hoa kỳ phải tấn công là “ảo tưởng chính trị chứ không phải những lý do thực tế”. Tờ Washington Post lên án quyết định của Nixon là “sai lầm và thiếu suy xét”.

        Thế rồi trên nước Mỹ những cuộc tranh luận sôi nổi bùng ra trên khắp các đường phố, trong các trường đại học, trên báo chí cũng như trong Quốc hội. Tin tức về các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam đầy nghẹt trên các trang báo xuất bản ở Mỹ thời gian này. Vào ngày thứ Bẩy, có khoảng 10 vạn người chống đối tụ tập tại một công viên phía sau Nhà Trắng, cảnh sát phải dùng xe buýt để làm hàng rào chặn người biểu tình, báo chí Mỹ miêu tả “chẳng khác gì chính Tổng thống Nixon đang bị bao vây”. Ở bang Ohio chính quyền phải dùng đến vệ binh quốc gia đàn áp người biểu tình. Tại Đại học Kent State cảnh sát đã nổ súng vào đám đông làm bốn sinh viên thiệt mạng...

        Tôi gặp Hai Tân tại vùng giải phóng giáp ranh. Anh siết chặt tay tôi, giọng xúc động:

        - Được báo trước 72 giờ, Trung ương Cục đã kịp thời di chuyển an toàn. Chỉ có một chiến sĩ bảo vệ hy sinh. Trung ương gửi lời khen ngợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2018, 08:22:33 pm »


Chương sáu

PHNOM PÊNH ĐẦU 1970

        Những ngày giáp Tết Canh Tuất (1970) tôi có lịch dạy ở Viện Đại học cần Thơ. Đây là nơi đầu tiên áp dụng quy chế tín chỉ (credit) thay cho chế độ chứng chỉ (certiíicate) để đạt văn bằng cử nhân trong các trường đại học của miền Nam Việt Nam ngày ấy. Viện có ba cơ sở, một ở Công trường Hòa Bình trong thị xã và hai ở thị trấn Cái Răng, Cái Khế. Trong cuộc Tổng tấn công Tet Mậu Thân 1968, chiến sự ác liệt đã diễn ra trong khuôn viên trường, lần này tôi vào giảng đường và phòng thí nghiệm vừa được xây cất lại từ đống đổ nát do bom đạn. Viện trưởng, giáo sư Phạm Hoàng Hộ vốn quen biết với tôi từ hồi ông sang Paris làm tiến sĩ về sinh vật học. Khi tôi dạy xong một “cua” toán nâng cao thì vừa lúc giáo sư Hộ chuẩn bị một đoàn trao đổi kinh nghiệm cách học mới theo tín chỉ với Đại học Hoàng gia Khmer. Tôi ngỏ ý muốn cùng đi với đoàn, bởi chưa lần nào được đặt chân đến thủ đô của đất nước Chùa Tháp. Giáo sư Hộ vui vẻ đồng ý ngay. Trước đấy, lần gặp Jason Kaatz ở tại nhà riêng, trong câu chuyện lan man với tôi về tình hình trong nước, thế giới, anh ta đã hé lộ một tin: Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk đang đi chữa bệnh ở nước ngoài, có khả năng ở nhà xảy ra đảo chính. Mấy năm nay, căn cứ 353 được Norodom Sihanouk thỏa thuận cho đặt trên vùng biên giới thuộc đất Campuchia, nếu chính thể khác lên, sự an toàn của căn cứ đầu não này sẽ bị đe dọa. Đến được Phnom Pênh chắc hẳn tôi sẽ nắm rõ hơn nội tình chính thể Sihanouk để có thể khẳng định về thông tin trên.

        Phnom Pênh soi bóng xuống mặt nước của ba dòng sông hợp lại: Mekong, Bassac và Tonlesap, chẳng thế mà còn có cái tên khác Thành Phố Bốn Mặt. Phnom Pênh yên ả, không nhiều nhà cao tầng, không ồn ào, bụi bặm đông xe cộ như Sài Gòn, một thành phố du lịch thanh bình nằm giữa đồng bằng thẳng cánh cò bay phì nhiêu mầu mỡ của Biển Hồ. Nhưng khi đoàn chúng tôi đến đã cảm nhận được sự ngột ngạt “mùi thuốc súng” lan tỏa từ những tin thất thiệt của quân đội và cảnh sát hoàng gia lộ ra. Thời điểm đó, nhiều trí thức của Đại học Hoàng gia Khmer hay nhắc đến cái tên “Thủ tướng Lonnol”, ông ta đang chấp chính thay Quốc trưởng đi vắng, một người thân Pháp, thân Mỹ và thâm thù không đội trời chung với cộng sản. Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về ông ta, thì một giáo sư từng tu nghiệp ở Paris nói nhỏ vào tai tôi: Ông nên đến vấn an kiến trúc sư Vann Molyvann, người đang trong nội các của Lonnol, ông ấy thuần túy chuyên môn không ngả theo phe nào, không ưa gì phái lính tẩy.

        Đất nước Chùa Tháp nổi tiếng thế giới với kinh đô Phật giáo xây bằng đá Angkor Wat và Angkor Thom. Đó thực sự là niềm tự hào về kiến trúc của một nền văn minh huy hoàng đã lùi xa mười mấy thế kỷ. Đến thời hiện đại, nền văn minh vang bóng ấy đã sản sinh một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất: Vann Molyvann. Ông là tác giả của những công trình tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Thành Phố Bốn Mặt Sông: Đài Độc Lập, Rạp hát Bassac, Sân vận động Olimpic. Trước khi vào làm việc cụ thể với trường bạn, Giáo sư đoàn trưởng Phạm Hoàng Hộ có nhã ý cho cả đoàn nửa ngày thăm quan các công trình có ấn tượng nhất ở thủ đô như: Cung điện Hoàng gia, Chùa Bạc, Chùa Watt Phnom, Đài Độc Lập...

        Đài Độc Lập sừng sững như một Khải Hoàn Môn phương Đông nằm tại quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, được hoàn thành năm 1962 sau 4 năm xây dựng, đánh dấu 9 năm nước Campuchia độc lập thoát khỏi sự xâm lược của nước ngoài. Như lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên du lịch, thì đây là một công trình thuộc thời kỳ Sangkum Reastr Niyum văn hóa Khmer được chú trọng phát triển dưới sự bảo trợ của Quốc vương Norodom Sihanouk. Suốt thập kỷ 60 Quốc trưởng đã chỉ định Vann Molyvann làm kiến trúc sư trưởng cho vương quốc, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa nghệ thuật, đô thị và quy hoạch quốc gia. Molyvann sinh năm 1926 ở tỉnh Kampot. Đầu tiên ông học luật tại Đại học hoàng gia. Có học bổng sang Paris, ông bỗng say mê vẻ đẹp kiến trúc của “Thủ đô ánh sáng” và chuyển sang học kiến trúc, về nước năm 1955, Đài Độc Lập một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Và đó là niềm tự hào về kiến trúc hiện đại của đất nước Chùa Tháp. Ở đây, ông sử dụng hầu hết các môtip truyền thống của kiến trúc Khmer cổ truyền, có hình đóa hoa sen (stupa) mô phỏng từ Angkor Wat...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM