Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:34:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến  (Đọc 24913 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:44:39 pm »


*

*       *

        Tôi về sống ở chung cư trên đường Công Lý cách trường khoảng 6 km. Không ngờ ở chung cư này tôi gặp lại một người quen cũ là giáo sư Võ Bình, ông sang Paris trước tôi vài năm, học ngành vật lý. Tôi và ông cùng quê gốc Phú Xuyên, tuy khác xã, làng chúng tôi chỉ cách nhau có một cánh đồng. Ông hoàn thành luận văn tiến sĩ chuyên ngành về vật lý hạt nhân rồi về nước sớm, bẵng đi nhiều năm không biết tin nhau, run rủi thế nào giờ lại hàng xóm của nhau. Nhà ông khá vắng vẻ. Bà vợ ông mới qua đời hai năm trước, hàng ngày ông lọ mọ cơm niêu nước lọ với cô con gái đang học năm cuối trường phổ thông trung học. Giáo sư Võ Bình có chiếc xe hơi Peugeot 404 còn khá mới, ngỏ ý hàng ngày cho tôi quá giang đến trường, tôi cảm ơn, từ chối với lý do đạp xe mỗi sáng tới trường cũng là dịp tập thể lực giữ gìn sức khỏe. Rồi mấy bận ông rủ tôi ra ngoại thành chơi cho thư giãn đầu óc. Biết tôi hồi ở Paris có bằng lái xe, có lần ông còn bảo tôi cầm lái “kẻo quên, biết đâu khi có việc lại lóng ngóng”. Câu nói vui của con người tốt bụng, xởi lởi ấy, đã vô tình nhắc nhở tôi về điều có thể xảy đến sau này trong công việc của một điệp viên, thế là tôi liền vui vẻ thay ông ngồi trước vô lăng và thấy mình vẫn không thể quên, điều khiển xe một cách ngon lành. Ấy là thời kỳ đầu mới về trường chưa lên lớp còn rỗi rãi, sau này bận túi bụi với bao việc, hầu như tôi không còn thì giờ để đến thăm cha con ông nữa.

        Hồi mới về, một hôm gặp một nhà sư khất thực chìa cái âu đựng cơm trước mặt, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: nên chăng chỉ ăn một bữa, sẽ tiết kiệm được thì giờ nấu nướng, vả lại tiết chế ăn uống cũng là cách dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe theo Yoga Ấn Độ. Trước kia tôi cũng đã có lần thử nhịn ăn để giảm cân tránh quân dịch, song chỉ một thời gian ngắn thấy khó chịu lại thôi. Nay tôi đã có đủ ý chí, chọn nhịn bữa sáng, bữa trưa, chỉ ăn bữa tối. Mấy ngày đầu cảm thấy đói, hơi chóng mặt, tôi tự nhủ phải ăn bù cho bữa sau, thế là ăn cố, trước ba bát, nay bốn, năm bát. Dần thành quen. Quả “sáng kiến” ấy làm tôi có thêm nhiều thì giờ, lên lớp, chấm bài, nghiên cứu đọc sách báo, tạp chí chuyên ngành mới về các lĩnh vực mình quan tâm. Và còn phấp phỏng chờ đợi chỉ thị của cấp trên, tôi đã về nước được đúng ba tháng, ổn định chỗ ăn ở, công việc.

        Sáng chủ nhật. Tôi đang giở mấy tờ báo tiếng Anh đọc thì có tiếng gõ cửa, một toán sinh viên bất ngờ đến thăm không hẹn trước. Tôi nhớ mặt, đều là các cô cậu của lớp mới vào: Nga, Thanh, Hồng... còn mấy sinh viên nam thì chỉ nhớ mặt có Tuyên vì em này hôm rồi đã xung phong lên bảng giải được một bài toán khó. Các em chủ động kiếm ghế ngồi, không hết thì ngồi giường.

        - Thưa, bài tập tuần rồi thầy ra khó quá, cả bạn Tuyên đây cũng không giải được ạ. - Nga nhanh nhảu nói trước - Chắc sinh viên Pháp họ thông minh hơn bọn em nhiều phải không thầy?

        Tôi cười bảo:

        - Cũng như ở ta thôi, có người giỏi, người kém, người chăm, người lười. Dù ở đâu thầy cũng muốn các em phải gắng hết sức, lúc đầu khó, sau sẽ quen. Thầy ra nhiều bài tập còn dụng ý muốn các em đánh thức vùng não bị bỏ quên. Khoa học đã nói thế đấy: chúng ta mới sử dụng chủ yếu vùng vỏ não, tám mươi phần trăm não bộ của chúng ta chưa được sử dụng hết.

        Tất cả cùng cười trước một thông tin có vẻ “lạ” như thế. Cô Thanh nhanh nhẹn tìm thấy bình nước lọc của tôi để lấp sau đống sách và rót ra mấy cái cốc chia cho các bạn, rồi nói:

        - Thưa, em thấy chỗ ở của thầy đơn sơ quá. Toàn sách là sách. Hay mỗi tuần bọn em cử người đến giúp thầy dọn dẹp.

        Tôi lắc đầu:

        - Thầy có những trật tự riêng. Sách hay tạp chí để ở đâu, cần với tay có liền.

        - Em còn nghe nói dạo này thầy ăn có một bữa - Cô Hồng từ nãy đến giờ không nói gì, bỗng nhìn tôi nói nhỏ - Vậy thì sao thầy đủ sức khỏe lên lớp được ạ?

        - Không sao - Tôi trả lời - nhẹ bụng lại thấy dễ chịu hơn đấy. Các em có biết cách luyện Yoga của người Ân không, họ coi sự nhịn ăn là một cách làm thanh sạch cơ thể và đánh thức các tiềm năng của cơ thể. Yên tâm đừng quá lo lắng về khả năng tiếp thu của mình. Từ trường trung học, các em chưa quen với cách học của đại học, rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi. Ngày mai thầy sẽ phụ đạo lại phần mới giảng hôm trước, cũng sẽ giải vài bài toán mẫu để cả lớp rút kinh nghiệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:45:20 pm »


        Từ lúc vào đến khi ra về mấy cậu nam không thấy nói gì, cứ cười trừ giành quyền phát ngôn cho các bạn nữ. Đên khi cả toán xin phép ra vê thì cậu Tuyên bảo các bạn vê trước, muôn nán lại chút nữa với thầy.

        Giờ tôi mới có dịp đối diện với cậu học trò mới quen được từ ngày khai giảng đến hôm nay tròn một tháng, cậu đã mạnh dạn lên chữa bài tập và có cách giải khá sáng tạo. Tuyên trạc hai mươi tuối, cao ráo, trắng trẻo và có cái miệng cười bẽn lẽn như con gái. Tôi hỏi quê quán, cậu nói ba mẹ hiện ở quận Bình Thạnh, còn quê gốc Bến Tre, gia đình về làm ăn sinh sống ở Sài Gòn đến cậu là đời thứ hai.

        - Chắc em có việc gì muốn hỏi thầy?

        - Thưa thầy - Tuyên nhìn tôi chậm rãi, rành rọt - Thầy còn giữ nửa cái dây đồng hồ Omega chứ ạ?

        Tôi giật mình. Người sinh viên trẻ này lại biết về bí mật cách đây mười hai năm, ám hiệu mà ông thầy trong nghề tình báo của tôi đã trao cho?

        Tuyên nhẹ nhàng nói tiếp:

        - Em là liên lạc của KD1. cấp trên báo thầy ra Trường Đại học Khoa học Huế để gặp “Cô Phương Lan” làm ở bộ phận văn thư ạ.

        Bắt đầu vào cuộc rồi, điều tôi mong đợi đã mấy tháng nay. Cô Phương Lan, tôi nghĩ, một cô gái trẻ, có thể rất xinh đẹp có má lúm đồng tiền chẳng hạn. Nhưng người liên lạc của KD1 thì tỏ ra không biết gì hơn.

        Tôi cảm ơn em.

        Tôi đến bộ môn sớm hơn thường lệ, vì muốn thu xếp công việc chuẩn bị cho chuyến ra Huế. Đến đầu nhà phòng giáo vụ, chợt nghe có tiếng bàn tán sôi nổi. Thường thì đầu giờ các giáo sư hay tụ tập xem chương trình dạy trong tuần, còn thông báo nhanh cho nhau những chuyện gọi là “hot” nhất trong ngày, trong tuần. Hình như họ đang nói gì đó về tôi? Tôi dừng lại, dỏng tai nghe.

        - Các vị có biết một thông tin nóng nhất trong tuần không? - Một người giọng đùa cợt.

        - Gì vậy?

        - Lại đảo chánh à?

        - Có đợt bắt lính mới à?

        - Không! Giáo sư Ngọc của ban Toán quyết định mỗi ngày ăn có một bữa thôi.

        - Kỳ quá!

        - Còn nhiều cái kỳ nữa - Người đó nói tiếp - Hôm rồi mình đến nhà, có lẽ sớm hơn giờ hẹn nên giáo sư chưa về, thì thấy trước cửa buồng một dãy hàng dọc bẩy cái khóa. Mình thề là không bịa chút nào, còn cẩn thận sờ đếm từng cái một. Khóa bi, khóa số, khóa một chìa, hai chìa, đồng, gang, sắt đủ hết.

        Tiếng cười rổn rảng. Rồi nghe ai đó cao giọng “tổng kết”:

        - Tránh đi phương tiện cơ giới, chỉ cuốc bộ hoặc cưỡi xe đạp; sợ đạo chích đột nhập, cửa 7 khóa; khoái đi ngược chiều; không quan tâm đến thời cuộc vùi đầu vào sách vở; quần áo hầu như nhất bộ; ăn một bữa. Đúng là giáo sư lập dị...

        Tôi cũng không ngờ lâu nay mình lại được thiên hạ “soi” kỹ đến vậy. Ở Paris là “giáo sư vù”, nay trên đất Sài thành có thêm hỗn danh “giáo sư lập dị”. Cũng hay! Họ đâu biết có “lập dị” là bản năng, cũng có cái hoàn toàn do chủ ý. Tỷ như chuyện khóa cửa. Đặt giả thiết khi tôi đi vắng có kẻ muốn đột nhập để tìm ra bằng chứng về con người hai mặt của tôi, thì ngoại trừ việc dùng đến biện pháp đập phá cửa, còn trong một thời gian ngắn chúng sẽ khó lòng mở nổi cả bẩy cái khóa ấy mà không bị chủ nhà hay những người hàng xóm phát hiện. Đi ngược chiều ư? Cũng có lúc tôi làm như vậy thật, là để “cắt đuôi”. Dòng người xuôi, chỉ tôi dắt xe đi ngược, kẻ theo dõi không thể cứ lẽo đẽo theo tôi để bị lộ thân phận... Song họ vẫn chưa biết hết về cái gọi là “lập dị” của tôi đâu. Chẳng hạn như chuyện này, chính nhờ một cậu bé mà tôi mới biết. Ây là vào buổi chiều hôm trước. Tôi đứng ở cổng cư xá nhìn ra đường Công Lý, trong một phút suy tư, theo phản xạ tự nhiên tôi đút cả hai tay vào hai túi quần. Dòng người đang qua lại nườm nượp. Bỗng có một thằng bé trạc mười một, mười hai tuổi đang đạp xe từ dưới đường rẽ hẳn lên vỉa hè, đến trước tôi cứ trố mắt, há mồm nhìn. Tôi giật thót: sao nó lại tỏ vẻ chăm chú thế nhỉ?

        - Cháu nhìn gì chú? - Tôi hỏi.

        Thằng bé ngượng ngập giây lát, cười trừ, hỏi lại:

        - Thưa, sao chú tài thế! Bằng cách nào mà cả hai bàn tay chú lại đút được vào trong túi quần ngược như vầy được ạ?

        Ồ! Tôi liền rút hai tay ra, bảo:

        - Đơn giản thôi cháu ạ. Cái quần này bị rách cả hai đầu gối, chú cắt ống và quay đằng trước ra đằng sau, thành ra muốn đút tay vào túi phải quay bàn tay ngược lại như vậy thôi. Khó một chút rồi cũng quen.

        Thằng bé bật cười khanh khách. Dường như chưa thỏa mãn, nó hỏi tiếp:

        - Chú làm vậy để làm chi?

        - Đỡ tốn tiền sắm quần mới cháu ạ...

        Giáo sư lập dị - tôi tự bằng lòng, thêm cái hỗn danh ấy cũng chẳng sao, không biết chừng lại tốt hơn cho việc làm thầm lặng lâu nay của tôi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:45:56 pm »


TRẬN MỚI

        Viện Đại học Huế ra đời đầu năm 1957 do Tổng thống họ Ngô ký sắc lệnh thành lập, gồm bốn trường: Khoa học, Văn khoa, Luật và Sư phạm. Khi tôi đến, vừa thay Viện trưởng, một tiến sĩ vật lý thế chỗ ông giáo sư luật, người ta đang bàn tán là đất này động long mạch, mấy đời Viện trưởng không ai trụ quá được một năm. Song người tôi quan tâm nhất lúc này là “Cô Phương Lan” kia.

        Người phụ trách văn thư của Viện cao gầy, nước da đen đúa, mái tóc lốm đốm bạc, khó đoán chính xác tuổi, nom ông không khác mấy một ông “hai lúa” Nam Bộ. Khi tôi nhắc tên “Cô Phương Lan”, ông gật đầu bảo tôi đi theo vào căn buồng nhỏ bên trong. Rồi ông lẳng lặng lấy trong người cái đồng hồ đeo tay mác “Omega” thiếu một đoạn dây. Tôi cũng móc túi đưa ra sợi dây đã giữ mười hai năm trước từ tay giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu ở Liên khu 4. Ông văn thư để cái đồng hồ lên bàn và chắp sợi dây của tôi vào, vừa vặn trùng khít. Một cái đồng hồ đeo tay hoàn chỉnh.

        - Tôi là Phương Lan.

        - Tôi Diệp Sơn.

        Ông nhìn tôi và chìa tay bắt. Nắm chặt bàn tay gân guốc của ông, tôi còn chưa hết ngỡ ngàng. Trí tưởng tượng đã đánh lừa tôi, song sự hiện diện của người trực tiếp giao nhiệm vụ có cái tên con gái này đã gây cho tôi một cảm giác tin cậy. Dường như ông không có nhiều thì giờ, giọng Huế nhỏ nhẹ giàu âm sắc, ông vào đề luôn:

        - Tổ chức vẫn quan tâm đến việc anh đã làm trên đất Pháp và Tây Âu. Anh tạo được vỏ bọc rất tốt. Giờ là lúc anh luồn sâu, leo cao trong giới trí thức, thượng lưu Sài Gòn. Từ mối quan hệ hiện có, cần mở rộng đến các tướng tá quân đội ngụy, cố vấn Mỹ. Với lợi thế của anh, chắc sẽ thu lượm được nhiều tin tức quan trọng. Trước mắt anh trực thuộc sự chỉ đạo của ngoài này, với mật danh B1. Anh gửi tin và nhận lệnh qua tôi.

        Cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 -1966 của Mỹ ngụy, nhìn chung đã thất bại. Hiện chúng đang tiếp tục cuộc phản công thứ hai. Theo những nguồn tin ta thu thập được thì cuộc phản công lần này quy mô còn lớn hơn lần đầu, vẫn nhắm vào tiêu diệt các đơn vị chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Trong mùa khô 1966 -1967 sẽ có rất nhiều chiến dịch tìm diệt, bình định hướng chủ yếu vào vùng Tam Giác sắt gồm ba đỉnh là Bầu Bàng, Bến Súc, Củ Chi và vùng Móc Câu, Mỏ Vẹt trên đất Campuchia. Có một bản kế hoạch quân sự của địch mang mật danh AB144, cấp trên cần biết chi tiết của bản kế hoạch đó. Trên cũng giao nhiệm vụ cho anh, có điều kiện thì tìm hiểu về kế hoạch này. Các động thái chuyển quân gần đây cho thấy địch sắp mở một cuộc hành quân lớn nữa, có cả sự tham gia của hải quân ngụy. Song ta chưa biết thời gian, địa điểm, hướng tấn công cụ thể, anh cũng cần quan tâm đến chiến dịch đó, tin về càng sớm càng tốt...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:47:00 pm »


*

*      *

        Ở Viện Đại học Huế về, tôi nghĩ ngay đến việc phải gặp chú em rể vợ, trung tá hải quân Nghiêm Văn Phú. Hồi mới về nước, tôi đã có lần đến nhà Phú, song chỉ gặp Nguyệt Mỹ, anh ta đang đi chiến dịch. Nguyệt Mỹ than phiền, chưa bao giờ anh ấy lại phải đi trận dồn dập như thế, nghe nói Việt Cộng phản kích rất mãnh liệt, anh có lần hút chết. Một buổi chiều đang ngồi nhà, tôi nghe điện thoại của Nguyệt Mỹ: Ông chồng em đã về rồi đó, cũng muốn gặp anh.

        Tôi đến. Phú đứng đón ngay ở cổng. Anh dang tay ôm chặt tôi. Béo đẫy hơn hồi xưa nhiều, Phú có thêm cái oai phong lẫm lẫm của con nhà võ. Chúng tôi vào nhà. Anh rót nước mời, nói:

        - Thoắt đấy đã mười năm. Hôm trước anh tới nghe Nguyệt Mỹ nói lại, tôi đang bận với cuộc hành quân Attleboro nhắm vào chiến khu Dương Minh Châu. Đã kết thúc đâu, nhưng có điện của Bộ Tổng tham mưu gọi về, ông phó của tôi chỉ huy thay. Còn uýnh nhau ra trò anh ạ.

        - Gớm, - Nguyệt Mỹ ngồi bên chen vào - anh em mười năm mới gặp lại, chưa hỏi chuyện riêng tư, cứ uýnh uýnh hoài à. Thế mẹ con bà chị em giờ sống ra sao?

        Tôi kể sơ qua về Nguyệt Tỉnh và cháu Hà bên ấy, cũng mới nhận được thư báo mẹ con bình thường. Nghiêm Văn Phú nhìn tôi cười cười, bảo nom tôi vẫn vậy, bơ sữa Tây cũng không làm mập lên là bao. Tôi nói sức khỏe đã khá hơn hồi ở nhà nhiều, bệnh phổi ổn định. Nguyệt Mỹ bảo, hôm nay anh em phải ngồi nhậu lai rai cho bõ những ngày xa cách. Nói rồi cô đi xuống nhà dưới dặn dò người giúp việc.

        Tôi hỏi Phú về chiến sự. Anh nói:

        - Attelboro khai diễn đã một tháng rưỡi nay. Cuộc tảo thanh trên sông nước do đơn vị tôi thuộc Hải quân Vùng 3 sông ngòi đảm nhiệm. Mục đích của chiến dịch như tài liệu Việt Cộng ta thu được, tiêu diệt các bộ phận chủ lục gồm sư đoàn 9, trung đoàn 16 của Quân khu 4. Nhưng khi tiến sâu vào căn cứ như đấm không khí. Tìm diệt hoài, không đụng chủ lục, toàn bị du kích địa phương đánh lén. Lần này tôi về sớm để gặp tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận chỉ thị mới.

        Công việc của anh ở Viện Đại học đã ổn định rồi chớ?

        Tôi nói chuyện về trường đang giảng dạy, cũng kể thêm vài kỷ niệm với Trường hải quân Brest hồi còn ở Pháp, Phú tỏ ra thích thú lắng nghe. Rồi anh than, khó sống với viên Tư lệnh Quân đoàn, hắn bề ngoài nhã nhặn mà bên trong xét nét với cấp dưới đủ điều và có vẻ không thích anh. Hàn huyên một hồi, người giúp việc đã bê mâm vào phòng ăn, Nguyệt Mỹ bảo đến bữa rồi, mời anh em vô nhậu lai rai.

        Tửu lượng tôi kém, Phú thì vô tư, anh cứ cạn hết ly này đến ly khác, chẳng mấy chốc mặt đỏ dừ. Hình như anh càng uống càng tình. Anh khoe, từng quật đổ không biết bao nhiêu là cố vấn Mỹ trên bàn nhậu. Nguyệt Mỹ nguýt chồng: Anh uống hết phần anh Ngọc rồi kìa. Phú cười tếu táo:

        - Ông anh giáo sư của tôi hiền như con gái, mà thế nào hồi bé được thầy bói đoán mai này sẽ thành tướng quân cơ chứ.

        - Mình sức học trò trói gà không chặt, theo đường binh nghiệp sao được. - Tôi cười và giơ cái ly uống dở suốt từ đầu cuộc chưa hết nửa, chạm vào ly của Phú. Anh ta lại “ực” liền một hơi.

        - Anh cũng được thầy đoán thể nào cũng sẽ lên tướng cơ mà. - Tôi nói.

        - Phải rồi - Phú nói - Nhưng giờ vẫn đì đẹt cái lon này, đại tá chưa thấy đâu, mà theo thầy từ nay còn có bốn năm nữa lên tướng, sao kịp.

        - Anh tuổi gì nhỉ?

        - Bằng anh, Nhâm Thân.

        - Tháng mấy?

        - Bà già nói sanh vào mùa mưa ngâu, chắc tháng bảy âm. Anh coi được tử vi sao?

        - Cũng võ vẽ.

        Tôi nhẩm trong đầu phác ra một lá số cho Phú. Chả là hồi mới về nước, tranh thủ lúc chờ việc tôi đi mua mấy cuốn tử vi cũ bầy bán đầy vỉa hè đọc chơi, nhập tâm cách an sao, tính nhanh được những chính tinh, bàng tinh trong từng cung. Tôi còn có một cách nữa để kết hợp với luận giải lá số, là suy từ chuyện may rủi của mình mà đoán, bởi về cơ bản anh ta cũng trùng năm, tháng sinh với tôi. Ấy là: cung quan lộc có Thiên Phú, Thiên Trù, Hóa Khoa, Hóa Quyền, lại Đào Hoa chiếu kiểu gì năm nay cũng có tin vui. Chút rượu vừa uống đã kích thích làm tôi trở nên hoạt khẩu, tự tin, tôi bảo Phú:

        - Anh sắp có tin vui rồi. Chưa biết chừng tư lệnh gọi anh về lần này là để gắn thêm sao đấy.

        - Vậy hả - Phú đưa ly lên cạch nhẹ vào ly tôi nói - Nếu đúng phải khao thầy một chầu mệt nghỉ. Tôi đợi hoài à.

        - Bây giờ vợ con các ông tướng ông tá - Nguyệt Mỹ nói chen vào - ai chẳng đi coi bói tử vi. Nhà em cũng tin lắm, mùng một, ngày rằm nào chẳng thắp hương lên chùa. Anh cùng tuổi với nhà em, vậy thì năm nay đã có tin vui chưa hử?

        - Có rồi - Tôi nói - Chẳng đã được nhận chân giáo sư chính thức của Đại học Khoa học đó thôi. Còn mới nhận thêm chân giáo sư thỉnh giảng ở Viện Đại học Huế. Tôi định sắp tới còn thỉnh giảng ở Đại học cần Thơ, Mỹ Tho nữa.

        - Giảng chi mà nhiều thế, ông anh? - Phú hỏi.

        - Cái nghiệp nó vậy cố mà tận dụng cho hết khả năng. Cũng như anh đi trận liên miên, đi mới có tiền, có chiến công để gắn thêm mề đay, thêm sao chứ.

        - Cũng phải - Phú nói - sống chết có số mà anh.

        - Chưa đạt mục tiêu cuộc hành quân này - Tôi hỏi Phú - sao đã bày cuộc khác rồi?

        - Ô, cái kế hoạch tìm diệt của Đại tướng Westmoreland, xương máu hai bên còn đổ ra khôn xiết - Giọng Phú đã hơi “khê” - Đúng như ông anh vừa nói, không chiến tích sao có cành tùng đây. Cuộc hành quân vừa rồi là lần đầu tiên quy mô tới cấp quân đoàn, cuộc tới cũng lớn như vậy, được đặt tên Cedar Falls, chắc sẽ khai diễn khoảng một tháng nữa thôi, vẫn uýnh vùng Tam Giác sắt. Hiện ông Khang đang muốn thu dọn Attelboro lại cho êm. Toàn khuếch trương chiến quả, chứ thắng lợi con mẹ gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:47:21 pm »


        Tôi nhẩm, một tháng nữa, tức Cedar Falls sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Và hỏi tiếp:

        - Chắc gì giang đoàn anh tham gia?

        - Sao thoát được - Phú nói - Còn uýnh ở vùng Tam Giác sắt thì đơn vị mình còn đi đầu, cũng tại sông Sài Gòn có thượng nguồn chảy qua mật khu này, chiến dịch nào chẳng có lính nhẩy dù kết hợp với lính thủy đánh bộ. Ông Westmoreland nuôi tham vọng tìm diệt, phá tan sào huyệt của Việt Cộng, nhưng mình tin khó mà thành vì đối phương ghê gớm lắm. Anh chưa đụng Việt Cộng chưa biết đó thôi, vừa mưu cao vừa dũng mãnh, can trường. Để tôi kể ông anh nghe lần hút chết vừa rồi. Giang đoàn tôi đến một đoạn thủy lộ, con sông Sài Gòn uốn lượn như rắn, hai bên bờ nhà cửa, vườn tược vừa bị khai quang. Cao hứng, tôi mới điện bảo với mấy thằng đàn em thuộc đơn vị nhẩy dù là pháo, xe ủi đã dọn sạch mặt đất, dân đã xúc hết, cho lính sông ngòi bọn anh lên bờ thử coi nghe, chú em. Đấy là khu vực Bến Súc. Tôi muốn cuốc bộ xa hơn, nhưng mấy em nhẩy dù cản lại: Đã thế này mà đêm đêm Việt Cộng vẫn dưới đất truồi lên bắn tỉa tệ hại lắm, trung tá đừng mạo hiểm. Anh em dù bảo hầm địch quân không đào quá sâu, nhưng nhiều ngóc ngách không một chỗ nào thẳng. Cửa ngách, lỗ thông hơi thì nhiều vô kể. Tôi chỉ tay về phía trước mặt: Sao không quẳng trái lựu xuống hầm kia? Cái miệng hầm lộ ra cạnh một khóm dừa lớn đã bật gốc. Anh em bảo, cũng quăng vô vài trái rồi không thấy động tĩnh chi, chắc Việt Cộng trong đó hít khói sặc thở, rách màng nhĩ ngoẻo cả rồi. Họ đưa tôi trái lựu khói mới bóc tem, bảo trung tá liệng thử coi. Tôi liệng. Tiếng nổ ục rung rinh mặt đất. Vừa quay đi, chợt có tiếng la lối phía sau. Thấy trong làn khói trắng mù mịt, hai bóng đen như bóng ma dưới âm phủ vọt lên. Cậu thượng sĩ bảo vệ đè xấp tôi, nằm lên trên đỡ đạn. Tràng AK nổ “cái rẹt”. Chưa ai kịp trở tay, hai bóng ma đã mất tiêu. Anh em nhẩy dù cạnh tôi cũng nằm rạp cả xuống, chỉ khi cái bóng ma biến vào khu rừng dừa trước mặt mới bắn được mấy tràng Garant vuốt đuôi. Tôi hú vía, về tầu cho nhanh. Đấy, ông anh bảo quân địch thoắt ẩn thoắt hiện như ma vậy sao mà diệt hết được.

        - Nhưng ta có lợi thế phi cơ, phi pháo áp đảo. - Tôi nói.

        - Thì đấy là lợi thế duy nhất ta có - Phú nói - Sáng nay lên trình diện, Tư lệnh Khang đã thông báo sơ sơ kế hoạch tác chiến. Cuộc hành quân lần này sẽ huy động trên 30 ngàn quân Việt - Mỹ và đồng minh, có sự hỗ trợ đầy đủ của không quân tại nội địa, cùng sự xuất phát từ Đệ Thất hạm đội ngoài khơi và từ Utapao Thái Lan. Riêng hải quân bọn tôi có nhiều giang đoàn xung phong được tăng phái với mục đích xúc dân từ vùng Tam Giác sắt về trung tâm định cư ở Bình Dương. Trên còn điều đoàn Tâm lý chiến dân sự vụ thuộc Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đón, an ủi, vỗ về dân trên đoạn đường từ Bến Súc đến Bình Dương. Cho chúng đi đẹp đội hình, chứ bọn tâm lý chiến là lũ bẻm mép ăn hại toàn núp bóng lính trận, làm được cái mẹ gì.

        Đến khi ăn uống xong ra ngồi bàn trà, Nguyệt Mỹ bảo tôi:

        - Anh sống có một mình, hay hàng ngày về đây mà ăn cơm cho nhà em vui.

        Tôi cảm ơn thịnh tình của cô em vợ, bảo để tính sau. Đến khi chia tay, Nghiêm Văn Phú đã khật khưỡng, ôm hôn tôi thêm mấy lần, sặc sựa mùi rượu. Anh ta lè nhè hỏi ông anh vợ đến bằng cái chi? Tôi nói xe buýt. Phú gọi người lái chiếc xe Jeep đến, bảo:

        - Phải đưa giáo sư anh vợ tao về tận cư xá. Từ rày về sau có việc chi giáo sư cần mày cứ phải tuân lệnh giáo sư chở đi. Hay chưa?

        - Tuân lệnh! - Viên thượng sĩ lái xe rập gót nói.

        Quả là việc luyện trí nhớ một thời gian dài cũng không thừa, tôi ghi nhớ trong đầu không sót chi tiết nào Phú nói về cuộc hành quân sắp tới. Hồi học lớp điệp viên, những đàn anh cũng đã chỉ dẫn nhiều cách chuyển tài liệu được đúc kết qua thực tế, chẳng hạn: giấu các cuộn phim trong bánh trứng cuộn hay miếng nem chua gói lá chuối; bóc một phần đế dép, gấp nhỏ tài liệu cho vào đó rồi dùng keo dán đế dép lại như cũ... Nhìn hai hộp sữa ông Thọ tôi mua hôm trước do mệt không ăn được cơm, mới mở một hộp, tôi chợt nghĩ được một cách giấu mới. cẩn trọng bóc lớp vỏ nhãn hiệu của hộp sữa còn nguyên, lật mặt trái của nó, dùng mực hóa học viết lên đó toàn bộ những điều biết được về cuộc hành quân Cedar Falls, rồi dán lại như cũ. Hôm trước, rời Viện Đại học Huế, theo sự chỉ dẫn của “Cô Phương Lan” tôi đã làm việc với Ban giám đốc Viện và nhận một chân giáo sư thỉnh giảng.

        Tôi có lý do đi Huế. Và đã trao ngay cho “Cô Phương Lan” hộp sữa đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:48:35 pm »

   
*

*       *

        Một tuần sau. Tôi nhận được điện thoại của Nghiêm Văn Phú, giọng đầy hào hứng:

        - Ông anh thật có tài bói tử vi. Đúng là Bộ tư lệnh gọi về ngoài trao nhiệm vụ mới, còn gắn thêm sao. Mừng hết cỡ. Chiều mai mời ông anh đến uống chén rượu chia vui với vợ chồng tôi nhé.

        Tôi được “Cô Phương Lan” thông báo: cấp trên khen ngợi tinh thần khẩn trương của đồng chí và những tin tức cung cấp là rât tốt!

        Chiều hôm sau tôi đến nhà Phú, ngạc nhiên thấy một vị khách đã ngồi đấy, chính là Trần Mạnh Lân. Cạnh anh có một bó hoa tươi, gói bọc cầu kỳ đặt trên bàn.

        - Ô, Nguyễn Đình Ngọc! - Anh reo lên.

        - Hai Lân! - Tôi cũng vui vẻ bắt tay anh ta.

        - Quen nhau rồi hả? - Nghiêm Văn Phú ngạc nhiên

        - Bạn đồng môn, thưa Đại tá - Hai Lân nói - còn Đại tá với anh Ngọc?

        - Ông anh vợ tôi đó.

        Hai Lân là người của Đoàn Tâm lý chiến dân sự vụ được biệt phái theo giang đoàn xung phong của Nghiêm Văn Phú. Anh ta đã nhanh chân hơn những kẻ khác, đến “chúc mừng sếp nhân dịp vinh thăng đại tá”. Theo Hai Lân kể thì sau khi mãn khóa lớp cử nhân khoa học hồi cuối năm 1955, anh học tiếp hai năm có bằng thạc sĩ về điện phát dẫn, rồi xin được chân giảng viên tại khoa cơ bản Đại học Dược khoa. Anh cũng kể lại câu chuyện “mó dái ngựa”, cố vấn Ngô Đình Nhu đã trục xuất anh khỏi lớp học về ấp chiến lược giống như lời Giáo sư Tô Đồng đã kể với tôi. Rồi anh phải rời khỏi Viện Đại học Sài Gòn, bôn ba trong quân ngũ từ đó. Tôi cũng kể sơ qua cho anh ta biết về mình

        - Con đường anh Ngọc đi thẳng băng, thành đạt trong khoa học quá ha - Hai Lân nhìn tôi đầy vẻ ngưỡng mộ - Đúng là nhân định không bằng thiên định, phải không anh. Anh còn nhớ người đẹp Vương Mộng Ngọc của lớp ta không?

        Tôi gật đầu bảo nhớ chứ. Anh bảo, sau ngày ra trường ít lâu người đẹp đã kết hôn với một viên trung tá thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Hoa Kỳ (MACV). Vợ chồng cô ấy làm ăn gặp vận lắm, tậu cái villa to đùng ở ngay đường Catinat, trung tâm Quận 1. Tôi hỏi Hai Lân về công việc chuyên môn, anh ta nói giờ trong đầu không còn chút gì kiến thức khoa học, hay kỹ nghệ nữa rồi, mà toàn về một nghề mới tâm lý chiến. Tôi tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu tâm lý chiến là gì. Anh ta liền kể câu chuyện mới xảy ra ở một phân đội thủy quân lục chiến, cũng là được dịp khoe khéo khả năng nghiệp vụ nhậy bén của một sĩ quan tâm lý chiến trước sếp Phú.

        - Hôm rồi - Hai Lân nói - giờ nghỉ buổi chiều tôi thấy một toán binh sĩ đang ngồi túm tụm trong một lều bạt, chuyện có vẻ say sưa. Tôi lẳng lặng đến gần không để chúng hay biết. Cậu thiếu úy mở cuốn sổ tay nói với mấy cậu ngồi kế bên là vừa sáng tác được bài thơ mới toe, đọc để các chiến hữu thử nghe coi:

                             Tội nghiệp đời trai chưa thỏa chỉ
                             Sa trường dung ruổi đã phơi thây
                             Đoàn quân hùng liệt nay về đất
                             Hồn vẫn quanh co giẫm lối gầy...

        Bọn ngồi xung quanh vỗ tay tán thưởng, bảo bài thơ đã nói trúng tâm trạng buồn của lính trận. Cuối cùng đều phơi thây cả. Tôi thấy nóng mặt: đúng mẹ nó rồi, đích thị một bài thơ phản chiến! Tôi bước ra nói: Thiếu úy, đưa cuốn sổ tay đây. Lúc đầu hắn làm căng: Đại úy không có quyền can dự vào chuyện riêng tư của tôi! Tôi liền bảo đây không còn là chuyện riêng tư nữa, tôi đã nghe trọn bài thơ anh sáng tác, nội dung phản chiến rõ ràng. Bài thơ cổ súy cho tâm trạng khổ não, hèn nhát làm sa sút tinh thần chiến đấu của binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Mấy đứa ngồi bên nghe tôi nói căng vậy thì sợ liên lụy liền lẳng lặng rút, tôi tịch thu cuốn sổ, báo cáo lên ông thiếu tá phó chỉ huy về diễn biến tư tưởng trái chiều của viên thiếu úy nọ. Hắn liền bị phạt giam. Công việc của tôi chuyên coi sóc phần hồn như kiểu cha tuyên úy vậy đó, anh Ngọc.

        Câu chuyện không đuợc chủ nhà quan tâm và có lẽ Hai Lân đã liếc thấy sếp khó chịu ra mặt, nên bị cụt hứng. Đúng lúc nguời nhà dưới bếp rục rịch dọn cơm, cũng không thấy chủ nhà có lời mời ở lại, anh ta ý tứ đứng lên chắp tay xin phép về trước. Anh ta đi khỏi cổng rồi, Phú bảo với tôi:

        - Thú thực với anh, không hiểu sao lâu nay tôi vẫn ác cảm với bọn tâm lý chiến. Tay Hai Lân này mới được phái về, xem ra khá nhũn nhặn, nhưng nhìn mặt thì gian, hay liếc ngang, ngó trộm, tôi không ưa. Tôi còn nghi bọn này tiếng là đến phối thuộc với mình, nhưng người của mật vụ, của CIA cài cắm dò xét tư tưởng mình. Anh thấy đấy, bài thơ thằng thiếu úy nọ làm có con mẹ gì đâu mà “tư tưởng trái chiều”. Bọn tâm lý chiến mắc bệnh nghề nghiệp nặng, hay làm to chuyện hại người. Bên dân sự các anh, lên bục giảng chắc không có chuyện đồng nghiệp xét nét, xì đểu nhau như vầy đâu nhỉ. Cánh quân sự bên tôi năm bè bẩy mối, hằm hè, hở ra choảng nhau tới số đấy...

        Phú còn bảo với tôi, bạn học với anh ngoài Bắc di cư vô Nam, có anh Phan Huy Lương mới lên đại tá hồi tháng trước, từ ngày về nước anh đã gặp lại chưa?

        - Gặp một lần tại nhà riêng - Tôi nói - Nhưng chưa nói được chuyện gì thì có điện trên biệt khu gọi họp gấp. Anh ấy xin lỗi phải đi ngay, hẹn khi khác hàn huyên. Giờ anh ấy là nhân vật quan trọng rồi. Lần trước anh có nói về tướng Lê Nguyên Khang, có đúng người Bắc, quê Sơn Tây, thì trước học Chu Văn An, Hà Nội với tôi và anh Lương?

        - Phải rồi - Phú nói - Ông ấy hơn tôi có một tuổi, học khóa một sĩ quan trù bị Nam Định năm 1952, tức là trước tôi có một khóa võ bị, mà nay lên trung tướng rồi. Thế mới đúng nghĩa thăng tiến nhanh như diều gặp gió. Trong năm 1964 ông lên liền hai cấp, tháng 8 chuẩn tướng, tháng 10 đã thiếu tướng. So với Lê Nguyên Khang, Phan Huy Lương vẫn chậm, còn tôi thì quá chậm. Anh Lương cũng được gọi mới nổi trong giới quân sự thôi, chứ ảnh hưởng bên ngoài, nhất là với Mỹ sao bằng được ông anh trước đây. Nay ông Quát cũng hết thời rồi, như quả chanh đã bị vắt kiệt dưới tay ông chủ Hoa Kỳ.

        - Anh nói vậy, ta có tự chủ của ta chứ. Như Viện Đại học của tôi giờ không còn giảng dạy y xì theo chương trình của Pháp, Mỹ nữa. Còn rất ít giáo sư người nước ngoài.

        - Giáo dục thì được - Phú nói - Quân sự không thế. Hiện không có nửa triệu quân Mỹ và đồng minh nền Đệ nhị Cộng hòa sao đứng vững được. Việt Cộng đang ùn ùn đưa quân chính quy xâm nhập bờ cõi theo đường mòn bên Lào, Campuchia kia kìa...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:50:32 pm »

         
NGOẠI GIAO... TỬ VI

        Một dạo người Sài Gòn vẫn kháo nhau về chuyện Tổng thống Thiệu rất mê bói toán tử vi, ông ta có hẳn một thầy cao tay bên cạnh để bất cứ lúc nào hỏi ý kiến, mọi chuyện từ quốc gia đại sự đến việc hệ trọng trong nhà. Không hiếm tướng tá ngụy, rồi vợ con của họ tình nguyện là đệ tử của môn khoa học thần bí đó. Tử vi tướng số, chẳng phải tôi cũng đã trải nghiệm từ ông thầy ở phố Hàng Hành, Hà Nội hồi bé, đến bà Hoàng Thị Thế ở Paris đó sao. Quả thực, lâu nay tôi không mấy quan tâm và chỉ tìm hiểu về tử vi tướng số để biết thêm một thứ “trò chơi”.

        Hi Di Trần Đoàn, thời Tống của nước Trung Hoa cổ được tôn làm ông tổ của tử vi. ông dựa vào Kinh Dịch, Bát Quái cùng lý thuyết Âm dương ngũ hành để định ra tử vi. Dữ kiện ban đầu cho lá số là giờ sinh, ngày, tháng, năm sinh. Nhưng nếu chỉ có vậy thì quá đơn giản, sẽ chỉ có một số hình mẫu hạn hẹp về số phận con người. Song, thực tế phong phú, biến ảo bởi những biến số không còn bó hẹp của cá nhân riêng lẻ nữa, mà gắn liền với gia đình (cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng, âm đức...), với các mối quan hệ xã hội, tương tác (bạn bè, đồng nghiệp, đối thủ...). Vậy thì tham vọng của tử vi rất lớn, hòng đọc quá khứ và tiên đoán tương lai cho mỗi số phận con người. Nó gián tiếp nói rằng, với mỗi con người sinh ra đã được mã hóa cuộc đời bằng sự hiện diện và tác động lẫn nhau theo quy ước các vì sao trên trời. Mỗi lá số có cách “an sao” khác nhau, bao gồm 118 chính tinh, phụ tinh trải trong 12 cung của vòng tràng sinh, từ đó sẽ “mã hóa” những biến cố, hên xui thuộc tiền vận, trung vận, hậu vận mỗi con người.

        Thực ra lập một lá số, chỉ là việc thực hiện một thuật toán đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được. Song người giải mã tử vi giỏi còn phải có những trực cảm nào đó nằm ngoài những tính toán, quy tắc định sẵn. Ban đầu tôi lập lá số viết ra giấy, về sau này khi máy tính thịnh hành, tôi lập trình, chỉ cần nạp dữ liệu vào máy nhanh chóng có một bản an sao hoàn chỉnh, gồm cả phần lược giải theo mười hai cung. Làm “thầy”, ngoài lấy lá số và dự đoán, còn phải biết kết hợp thuật xem tướng mặt, nghe giọng nói, dáng đi... với xem đường chỉ trong lòng bàn tay theo quy tắc “trai tay trái, gái tay phải”. Với bà Hoàng Thị Thế lại có cách xem khá độc đáo mà đơn giản: xem chỉ tay kết hợp với việc quy ra một số nhất định “típ” người, đàn ông 7, đàn bà 9.

        Người được tôi “hành nghề” tử vi đầu tiên chính là ông em rể vợ. Lời phán cho anh ta trong lúc ấy tuy cũng có dựa ngẫu hứng vào lá số, song chủ yếu do được nửa ly rượu kia kích thích làm hưng phấn thần kinh, cộng với sự suy đoán một cách khiên cưỡng: anh ta cùng năm và tháng sinh nên suy từ mình mà ra. Đó chỉ là trò bịp bợm có chủ định, hay nói khoác gặp dịp mà thôi. Sau này khi đã xem cho nhiều người, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, lại cảm thấy như mình ngày càng “ngộ” thêm được sự huyền diệu nào đó, thì tôi đã nói trúng cho nhiều trường hợp và tôi nổi tiếng tự lúc nào. Hóa ra, công việc điệp viên đã bắt tôi trở thành “thầy” bất đắc dĩ.

        Người thứ hai tôi xác định cần sớm đặt mối quan hệ để có thể moi thông tin từ MACV, cũng bắt đầu bằng tử vi, là với Trung tá Jason Kaatz thông qua cô bạn đồng môn Vương Mộng Ngọc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:53:38 pm »


        Bao nhiêu năm gặp lại cô bạn học không thay đổi nhiều, chỉ đẫy người hơn thôi. Vợ chồng cô đã có một bé gái hai tuổi, da trắng mắt xanh, tóc đen, đẹp như thiên thần. Vương Mộng Ngọc tỏ ra một mệnh phụ phu nhân sành điệu đất Sài thành. Khi nghe tôi nói qua Hai Lân mới biết địa chỉ của cô, Mộng Ngọc cười mát tỏ vẻ coi thường anh ta ra mặt. Cô kể, cái anh chàng “hãnh tiến” ấy có lần đã đến đây cứ xoắn suýt với nhà em, nhưng lại nói bằng thứ tiếng Anh dở ẹc, chuyển tiếng Pháp cũng Pháp bồi. Em bảo, thôi anh cứ nói tiếng Việt tôi sẽ dịch cho. Nhưng Hai Lân tỏ ý muốn tâm sự riêng những chuyện bí mật quân sự gì đó. Em biết tỏng, anh ta muốn kết thân với các co vấn, cậy nhờ thế lực Mỹ đế leo cao. Anh ta về rồi, em bảo với Jason, cái ông bạn đồng môn ấy của em khó chơi lắm đấy nhá. Ông chồng em chỉ cười không nói gì.

        Lần ấy tôi đã có dịp trò chuyện với chồng Mộng Ngọc, Trung tá Jason Kaatz bằng tiếng Anh, đôi lúc anh ta thích, chủ động chuyển sang tiếng Pháp (tất nhiên, tiếng Pháp anh không bằng tôi). Một khi không còn hàng rào ngôn ngữ chia cách thì chúng tôi nói chuyện với nhau một cách thân tình, cởi mở. Trước khi sang Việt Nam anh cử nhân luật, làm cho một văn phòng luật sư ở tiểu bang Massachusetts. Con đường binh nghiệp của Jason khá suôn sẻ. Anh có mặt trong một đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên đổ bộ lên cảng Đà Nẵng tháng 3-1965. MACV hiện diện tại Nam Việt Nam từ đầu năm 1962, về danh nghĩa là cơ quan chỉ huy toàn bộ các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ cùng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sang Việt Nam, việc đầu tiên Jason có chủ ý học nói tiếng Việt. Một lần Đại tướng Harkins Chỉ huy trưởng MACV đến thị sát vùng ngoại ô Đà Nang, bất ngờ ông ta vào nhà một người dân hỏi chuyện, đúng lúc đơn vị của Jason đang đóng ở đó, anh ta đã nhanh nhẩu làm thông dịch viên cho ông một cách khá trôi chảy. Con đường binh nghiệp của anh ta sau đó hanh thông đến không ngờ. Được Harkins để mắt tới, lấy anh về văn phòng MACV Sài Gòn. Đến đời tướng bốn sao Westmoreland, anh càng được trọng dụng, cất lên làm trợ lý của Tổng hành dinh, trong vòng chưa đầy bốn năm thăng liền hai cấp quân hàm. Jason hết lời ca ngợi “minh chủ”, tác giả của chiến lược bảo vệ vùng duyên hải, ngăn chặn đường xâm nhập của đối phương, sau đó sử dụng chiến thuật “3F” (viết tắt tiếng Anh nghĩa là: tìm thấy, tấn công, thanh toán). Anh còn khẳng định với tôi kế hoạch tìm diệt, bình định của Westmoreland chắc chắn sẽ thành công. Buổi đầu làm quen, tôi tỏ ra không mấy quan tâm đến những công việc “nhà binh” như thế, mà hỏi Jason về những điều xã giao tưởng như vô bổ như: cảm nghĩ của anh về phong cảnh, đất nước, con người nơi quê hương vợ. Anh ta cười vui vẻ, được dịp khoe:

        - Tất cả đều tuyệt vời, thưa giáo sư! Tôi thích phong cảnh, khí hậu Đà Lạt cứ cuối tuần cùng vợ con lên đấy nghỉ dưỡng. Ông bố vợ tôi một thương gia người Hoa có tài kinh doanh và vợ tôi cũng có năng khiếu trong lĩnh vực ấy. Con gái tôi có gene Mỹ - Á nên rất xinh đẹp, thông minh.

        Mộng Ngọc ngồi bên, bảo chồng (cô nói tiếng Anh khá chuẩn):

        - Không được nói quá lên, Jason. Anh nên nhớ là đang nói chuyện với người thông minh nhất lớp em đấy nhá.

        - Biết chứ - Từ nãy đến giờ Jason toàn nói với tôi bằng tiếng Anh, bỗng chuyển sang tiếng Việt, giọng lơ lớ - Giáo sư lấy được nhiều bằng cấp từ Paris. Nghe nói giáo sư còn biết xem tử vi, rất đúng.

        Tôi hoàn toàn bất ngờ về điều Jason vừa nói, song vẫn điềm nhiên bảo:

        - Làm gì có chuyện ấy.

        - Ông Phú ở Quân đoàn 3 vừa nói chuyện với tôi - Jason vẫn diễn tả bằng thứ tiếng Việt khá lủng củng - rằng có người đã tiên tri sẽ lên đại tá, là ông anh vợ chính giáo sư đó.

        - Ô, anh biết xem cả tử vi ư? - Vương Mộng Ngọc nhìn tôi hỏi - Anh thử xem cho em sắp tới hên xui thế nào.

        - Đúng rồi - Jason hùa theo vợ - Người Tây như tôi có xem tử vi được không nhỉ, giáo sư?

        Tôi thấy đây là cơ hội để thân mật hơn với gia đình này, bảo với hai người tôi mới biết xem, xem cho vui thôi, nếu thích thì ghi lại các dữ kiện về giờ sinh, ngày tháng năm sinh, về nhà tôi sẽ lấy cho lá số. Nhưng chỉ là “trò chơi”, để tham khảo cho vui thôi đấy nhá, tôi nhắc lại.

        Hóa ra Mộng Ngọc hơn chồng hai tuổi, đúng như câu về sự hợp cách “gái hơn hai, trai hơn một”. Tôi đã lấy lá số cho hai người, luận ra khá khớp với những gì tôi đã biết về họ. Tôi còn có sự so sánh: vào thời điểm hiện tại cả hai lá số đều có những sao xấu, gặp bất lợi và lá số của Mộng Ngọc thể hiện điều đó khá rõ tại cung “Thiên di”. Quay lại nhà họ, hôm đó Jason đi vắng, chỉ có Mộng Ngọc ở nhà, tôi phán:

        - Tháng tới có sự trắc trở trong làm ăn, dính hạn quan tụng. Em phải biết dừng lại ngay từ giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:54:14 pm »


        Mặt bà chủ nhà bỗng tái dại, hỏi ngay:

        - Còn kịp không anh?

        - Kịp - Tôi nói và chỉ tay vào sao Tuần ở cung Thiên di - Có người đỡ cho. Tất nhiên bên phía chồng em. Muốn thoát được hạn quan tụng, ngay bây giờ phải chạy trước các cửa.

        Thực ra những điều tôi nói với Mộng Ngọc hoàn toàn do cảm tính, chính mình cũng không hiểu tại sao mình lại khẳng định có “hạn quan tụng” sắp xảy ra với cô ta. Một thứ “đoán mò” được ăn cả ngã về không. Thế rồi một tuần sau, tôi đọc mấy tờ báo lá cải ở Sài Gòn, viết về một vụ áp phe bị khui ra, có liên quan đến khoản viện trợ của Hoa Kỳ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tuy không thấy nêu tên Vương Mộng Ngọc trong số những đầu sỏ, song tôi chắc cô ta cũng trong nhóm định biển thủ món hàng cứu trợ ấy. Rồi có sự thỏa thuận nào đó bên trong, chỉ một thời gian sau, báo chí Sài Gòn im ắng, vụ áp phe đó coi như không xảy ra.

        Gặp lại, vợ chồng Vương Mộng Ngọc hết lời ca ngợi “tài bói như thần” của tôi và bảo tôi đã cứu họ một bàn thua trông thấy. Tôi cũng thở phào.

        Không ngờ cái cách “ngoại giao tử vi” của tôi lại thần phục được vợ chồng Vương Mộng Ngọc nhanh đến vậy. Hễ có làm ăn gì là thế nào cô ta cũng gọi điện hỏi trước tôi “thầy xem có được không?”. Tất nhiên tôi chỉ trả lời chung chung, có thể những vụ áp -phe ấy đều thông đồng bén giọt, hoặc không được như ý thì cũng không đến nỗi đổ bể trắng tay, trong mắt cô tôi vẫn là một “thầy” được tin cậy nhất. Lần ấy Jason mời tôi đến nhà, có thêm một người Mỹ cũng trạc tuổi anh ta đang ngồi chờ sẵn ở đấy.

        - Đây là Thiếu tá Jack Smith - Jason giới thiệu trước - Còn đây giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, hai bằng tiến sĩ tại Paris, hiện giảng dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn. Người mà tôi đã nói trước với anh là có tài về chiêm tinh tử vi, một khoa học tâm linh phương Đông rất thần diệu.

        Tôi hiểu ngay, mình sắp có thêm một “đệ tử bất đắc dĩ”. Qua câu chuyện tôi được biết đây là đôi bạn cùng nhập ngũ một ngày, song số phận đã đưa đẩy họ hai con đường binh nghiệp khác nhau. Jack không có “quý nhân phù trợ” nên thăng tiến chậm hơn, lại không được là lính cậu trên Tổng hành dinh như Jason mà lính chiến thục sự. Anh ta được huấn luyện đặc biệt tại đảo Hawaii, sang Việt Nam biên chế trong một đơn vị biệt kích, luôn phải đối diện với những rủi ro, nguy hiểm và kể đã mấy lần hút chết.

        - Đơn vị tôi - Jack Smith nói và nhìn tôi với đôi mắt xanh lét ẩn duới cặp lông mày rậm trông dữ dằn như mắt cọp - lại sắp vào chiến dịch tìm diệt mới ở vùng Bắc Sài Gòn. Nói thật với giáo sư, tôi không tin vào số mệnh, nhưng thực tế lại bắt tôi phải tin. Tháng trước, một thằng bạn thân trong đại đội, khi ra khỏi doanh trại đã nói nhỏ với tôi: Đêm qua tao nằm mơ thấy ác mộng bị đá lở đè chết, tỉnh dậy toát hết mồ hôi mày ạ. Thế rồi lần ấy đi lùng sực ở rừng Bình Long nó không phải bị đá đè mà cây đè. Tôi đi trước nó có vài mét, bất thần một cây lớn chết khô từ lúc nào đổ “uỳnh” đè ngang thắt lưng nó, nát bét. Cái chết đến bất thần, vô nghĩa thế. Mắt nó không nhắm được cứ mở trừng trừng, tôi phải vuốt mắt cho nó. Đấy, linh cảm trước tai họa mà không tránh được. Chúng ta duy vật, gặp trường hợp này cũng phải duy tâm thôi. Jason cho tôi biết giáo sư có tài chiêm tinh, tôi cũng muốn được thỉnh giáo giáo sư. Đợt này tôi phải đi chiến dịch...

        Quả là viên Thiếu tá biệt kích đã đặt tôi vào cái thế không thể khước từ. Tôi cũng phải “giúp” hắn, lấy các cứ liệu cần thiết. ít ngày sau lập xong một lá số, tôi gửi qua Jason cho Jack, có cả một trang giải đoán. Phần lớn chung chung. Chỉ lưu ý anh ta năm 38 tuổi có một cái “hạn sát thân”, may nhờ “nhờ phúc đức tổ tiên mà qua được ”.

*

*       *

        Giáp Tết Nguyên đán Đinh Mùi. Náo nức đón xuân đấy, nhưng nhiều người vẫn nghe ngóng tin thất thiệt từ cuộc giao tranh giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam ở mặt trận phía Bắc cách Sài Gòn khoảng 40 km. Tôi chưa nhận được chỉ thị mới, thâm tâm cũng phấp phỏng về kết cục cuộc hành quân Cedar Falls. Thế rồi đêm hôm đó, có bài phát trên Đài BBC London: “Chiến dịch Cedar Falls diễn ra từ 8-1 đến 16-1-1967 nhằm triệt nhổ tận gốc rễ căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Việt Nam ở vùng Tam Giác sắt, khu vực rộng 155 dặm vuông nằm giữa sông Sài Gòn và Quốc lộ 13. Mặc dù phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã phá hủy nhiều đoạn công sự của Việt Cộng, nhưng mục tiêu về cơ bản của Mỹ vẫn không thực hiện được. Trong khi đó việc bảo vệ an toàn phần lớn căn cứ có thể coi là một thắng lợi của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Nhờ vào hệ thống địa đạo có quy mô khổng lồ và tổ chức tinh vi, họ không cần mất nhiều công sức để bài binh bố trận, không cần tổ chức những trận đánh lớn đầy rủi ro, mà phía Mỹ vẫn phải rút quân. Thành công của Quân Giải phóng có sự đóng góp của các tin tức tình báo...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2018, 10:55:23 pm »


Chương năm

CUỘC ĐỐI THOẠI

        Mỗi tuần tôi có ba buổi lên lớp, còn ngồi nhà đọc sách. Một hôm ông trưởng phòng giáo vụ mời tôi đến, thấy một nhà sư đang đợi. Ông trưởng phòng giới thiệu, đây là sư thầy giáo vụ của Viện Đại học Vạn Hạnh.

        - Thưa giáo sư - Sư thầy nói với tôi một cách chậm rãi, từ tốn - Năm nay Đại học Vạn Hạnh có thêm phân khoa Giáo dục và khoa học ứng dụng. Các khoa này đều có trau dồi cho sinh viên kiến thức về toán học. Thầy dạy toán của trường tôi mới chuyển đi mà chưa tìm được người thế chỗ. Được vị trưởng phòng của quý trường đây giới thiệu, muốn nhờ giáo sư đến thỉnh giảng, mỗi tuần hai buổi, chỉ trong vòng một đến hai tháng đầu thôi, sau đó chắc chắn sẽ có thầy mới về biên chế chính thức. Không biết ý giáo sư thế nào?

        Tôi tỏ ý ngạc nhiên: học viên Phật giáo cũng học toán? Sư thầy cười giảng giải là Thượng tọa Thích Minh Châu, nhà sáng lập, kiêm Hiệu trưởng Đại học Vạn Hạnh từng tu nghiệp ở Tích Lan và Ản Độ, đã đem mô hình đại học Phật giáo ở hai nơi đó mà lập nên Viện Đại học Vạn Hạnh. Ở đây cũng có nhiều bộ môn như các trường đại học bình thường khác, kiến thức sơ đẳng về toán rất cần thiết cho các tăng ni, tu sĩ sau này.

        Thời điểm ấy ở miền Nam có 3 viện đại học tư thục và đều của tôn giáo: Viện Đại học Đà Lạt thành lập năm 1957, nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công giáo; Viện Đại học Phương Nam được cấp giấy phép năm 1967 thuộc khối Việt Nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Viện Đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964 thuộc khối Ân Quang đặt ở chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, khi tôi đến thỉnh giảng thì mới chuyển sang địa chỉ 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3. Một hàng chữ lớn đắp nổi tại mái hiên tòa giảng đường “Duy tuệ thị nghiệp” cũng nói lên chốn giáo đường này coi trọng chữ nghĩa, bài bản. Việc dạy toán học đại cương của tôi ở đây có một tháng, không để lại ấn tượng gì nhiều trước các nhà sư tương lai, song tôi lại dành nhiều cảm tình với vị hiệu trưởng, linh hồn của Đại học Vạn Hạnh.

        Thượng tọa Thích Minh Châu trạc tuổi năm mươi, dáng vóc cân đối, đi đứng khoan thai trong bộ áo nhà chùa mầu vàng ươm. Ông có khuôn mặt tròn phúc hậu, đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng nghiêm nghị và giọng xứ Quảng trầm ấm dễ nghe. Hôm đầu đến Viện, tôi đã được sư thầy phụ trách giáo vụ dẫn đến ra mắt hiệu trưởng. Thượng tọa nói, đã được sơ kiến bản lý lịch khoa học của tôi và rất trọng vọng những người được đào tạo toàn diện ở môi trường có nền văn hóa và kỹ nghệ cao. Qua sư thầy tôi cũng biết đây là một cao tăng được đào tạo về Phật học đầy đủ và bài bản vào bậc nhất. Thượng tọa xuất thân danh gia vọng tộc, dòng họ có 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Năm 1940 ông đỗ tú tài trường Khải Định, Huế, trước đấy đã dấn thân theo phong trào chấn hưng Phật giáo của cư sĩ, bác sĩ Lê Đình Thám. Rồi ông có 12 năm du học ở Tích Lan và Ấn Độ. Sau khi đậu bằng pháp sư ở Colombo, ông sang Án Độ tiếp tục học đại học tại Viện Đại Tân Tùng Lâm Naranda. Năm 1961 ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ “So sánh kinh Trung A Hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pali”. Bản luận án được đánh giá là “Một công trình quý báu và hiếm có, trước đó và cho đến 50 năm về sau gần như không có một công trình tương tự”. Trước hết cần nhìn nhận tác giả bản luận văn này ở khả năng thấu hiểu nhiều ngôn ngữ, trong đó có cả những ngôn ngữ tối cổ dùng cho các loại kinh bổn. Ngoài tiếng Anh, Pháp, Hán, Tây Tạng, Nhật Bản, Thượng tọa thông thạo cả ngôn ngữ Pali, Sancrit...

        Hồi còn ở Paris, có lần tôi và Alexander đã đàm đạo về một chủ đề có vẻ xa với toán học là Khoa học và Phật giáo. Chúng tôi đều quan tâm đến đạo Phật trước hết vì đã có những thành tựu nổi bật hồi đầu thế kỷ XX về vật lý lý thuyết, sự ra đời của Thuyết Lượng tử của Max Planck và Thuyết Tương đối của Albert Einstein. Dường như có những điểm rất tương đồng giữa khoa học nhìn theo quan điểm hiện đại từ các lý thuyết trên với giáo lý nhà Phật, chẳng hạn ở các khái niệm sắc sắc không không và vô thường. Quan niệm về sự thay đổi liên tục và hiện diện khắp nơi của Phật giáo còn gần giống với những luận điểm của vũ trụ học hiện đại. Phật giáo chấp nhận tất cả các cách nhìn nhận hiện thực có những tiêu chí của chân lý. Đức Phật có những lời răn dạy đệ tử hãy bằng chính những kinh nghiệm cá nhân phát hiện lại sự phụ thuộc lẫn nhau của ý thức và thế giới để thay đổi cách nhìn về hiện thực của mình. Phật tử khi đã ý thức được rằng các vật không tồn tại một cách tự lập, có nhân có quả, sẽ làm cho bản năng tăng tính thiện, bớt đi tính ác, cũng là bớt được những khổ đau trong lòng mình, lòng người. Những nhận thức này nằm trong kinh bổn ghi lại lời Đức Phật thông qua sự thu thập lại của các đệ tử hoặc trong các cuốn bình chú của Ân Độ được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng hàng nghìn năm về trước. Tôi và Alexander đều tâm đắc với câu đề cao tư tưởng Phật giáo của Einstein: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một Thiên chúa nhân hóa và thoát khỏi các giáo điều và thần học. Bao trùm cả cái tự nhiên lẫn cái tinh thần, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh ra từ sự trải nghiệm tất cả các sự vật, tự nhiên cũng như tinh thần, coi như một tổng thể có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được mô tả này... Nếu tồn tại một tôn giáo có thể phù hợp với các đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM