Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:53:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến  (Đọc 24909 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:18:46 pm »

 
*

*       *

        Đầu năm 1956 vợ tôi sang Paris. Nàng đã kịp học nghề y tá và đã xin được việc làm tại một bệnh viện ở vùng Antony. Cuối năm đó chúng tôi có con trai, đặt tên Nguyễn Hà.

        Trường đầu tiên tôi được học bổng là Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Hàng không Pháp, sau 3 năm (1955-1958) tôi có bằng. Tôi đăng ký học trường Hải công thuộc Bộ Hải quân (1960-1963); lại học tiếp trường Viễn thông thuộc Bộ Viễn thông (1963-1965). Các bằng kỹ sư của tôi đều hạng ưu. Trong khoảng thời gian ấy, tôi vẫn dành cho nghiên cứu, thử sức mình. Học xong trường Khí tượng thủy văn, tôi đăng ký ở Viện Đại học Paris đề tài tiến sĩ chuyên ngành về Địa vật lý và hoàn thành học vị này cùng năm với lấy bằng kỹ sư hải công. Năm 1965 tôi đăng ký tiếp đề tài tiến sĩ nhà nước lĩnh vực toán đang là thời thượng lúc đó, thuộc ngành Topo và hình học vi phân: về không gian phân thớ và thác triển (Sur les espacas fibrés et les prolongements), dưới sự hướng dẫn của giáo sư Charles Ehresmann ở Đại học Sorbonne. Năm 1963 lấy bằng kỹ sư viễn thông, năm đó cũng bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ nhà nước về toán. Rồi tôi được làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Poitiers và Brest. Trong năm 1965-1966 là thành viên của Viện nghiên cứu khoa học cao cấp IHES có trụ sở ở Bures-sur-Yvette ngoại ô Paris.

        Có lần Bùi Trọng Liễu hỏi tôi: Học gì khiếp thế? Tôi trả lời tỉnh queo, dân mình lạc hậu, cá nhân mình có cố “rặn” thêm vài định lý, vài bài báo khoa học cũng chẳng có ích gì thực sự, chi bằng nhập tâm thêm môn mới rồi đây mang về nước sẽ giúp ích hơn cho đồng bào. Vậy là trong vòng 10 năm ở Pháp tôi cắm cúi học một lèo, không ngừng nghỉ và đã đạt được nhiều bằng cấp, cái vỏ bọc như vậy cũng đã đủ “dầy” rồi! Nhưng với tôi, học không chỉ vì “cái vỏ bọc”, mà còn là niềm ham mê bản năng, muốn thu nạp thật nhiều kiến thức dùng đến cho mai này như lời căn dặn cuối cùng của cha tôi.

        Bùi Trọng Liễu bảo vệ tiến sĩ nhà nước trước tôi một năm, về lĩnh vực toán Xác suất. Nhà tôi và nhà anh đều ở vùng ngoại ô, cách nhau có vài cây số, anh lấy vợ Pháp, về sau cũng có học vị tiến sĩ toán và có hai con trai. Anh dạy ở Lille cách Thủ đô 200 km, còn tôi dạy ở Brest cách những 600 km. Giáo sư đại học chỉ dạy 3 giờ một tuần và hướng dẫn vài ba nghiên cứu sinh mà họ cũng là phụ giảng của mình ở đại học địa phương. Các ngành lý, hóa, sinh còn có phòng thí nghiệm, phải chuẩn bị mất khá nhiều thì giờ, còn ngành toán của chúng tôi chỉ cần cây bút, tờ giấy, nên đến đâu dạy có thể vào cuộc ngay, “đánh nhanh, rút nhanh”. Vì thế sinh viên đặt cho cái tên “giáo sư vù” (turbo prof).

        Đã học phải dốc hết sức lực để đạt kết quả cao nhất, không chấp nhận sự lười nhác, hời hợt. Có thể vì vậy mà tôi rất ít khi hào phóng điểm với sinh viên, cứ đến giờ của tôi là họ sợ, sợ bị gọi lên bảng, sợ bị xơi “ngỗng”. Có lần ở Đại học Rennes tôi đánh trượt tất, nhà trường đề nghị chấm lại, tôi vẫn giữ nguyên điểm ban đầu, cuối cùng trường phải nhờ giáo sư khác đến chấm để vớt điểm cho một số sinh viên. Bùi Trọng Liễu có tính cẩn trọng bẩm sinh. Giải thích điều gì với người khác anh cũng sợ người nghe không hiểu ý mình nên nói đi nói lại; với một bài báo anh viết nhiều khi chú thích còn dài hơn nội dung chính. Anh bao giờ cũng soạn giáo án nghiêm chỉnh, đầy đủ trước khi lên lớp. Riêng việc lên bục giảng tôi thường ngược với anh, do đã thuộc làu nội dung nên coi nhẹ việc soạn bài. Thực ra tôi luôn có ý thức luyện trí nhớ, đó còn như một phản xạ tự nhiên của một người khi đã làm cái nghề mà rồi đây suốt đời phải giấu kín bưng như tôi. Đặt giả thiết, mai này cần ghi nhớ một bản kế hoạch quân sự tuyệt mật của địch mà không có phương tiện chụp ảnh tức thời, thì trí nhớ sẽ là công cụ duy nhất hữu hiệu giúp tái hiện tài liệu sau đó để gửi về cho trung tâm xử lý. Các cuộc trò chuyện với những nhân vật có vai vế, nhiều thông tin tản mác, phải có trí nhớ chọn lọc được những thông tin cần nhất, tin cậy nhất. Muốn trí nhớ đạt độ tin cậy cao, phải luyện hàng ngày, luyện liên tục. Thuộc làu bài giảng là cách luyện trí nhớ thiết thực. Nhất cử lưỡng tiện. Lên lớp không cần giáo án, cũng còn do tôi ảnh hưởng của một ông thầy: Giáo sư Choquet, một trong các tổ sư về Topo. Ông là một tài năng toán học rực rỡ của nước Pháp vào giữa thế kỷ XX. Bạn cùng lớp là Laurent Schwartz, bao giờ ông đứng nhất lớp, Schwartz cũng nhì, song Schwartz lại đoạt Huy chương Fields danh giá vào năm 1950 về Lý thuyết các hàm suy rộng, còn ông thì không. Ông tay không lên giảng đường, một tay đút túi quần, tay cầm phấn, thao thao bất tuyệt giảng cho đến khi hết giờ, sinh viên cứ há hốc mồm ngồi nghe. Tôi cũng lên bục giảng gần giống thế. Vì tác phong tài tử này mà tôi có nhiều giai thoại. Nhưng tôi không hoàn toàn thành công được như thầy Choquet, cũng có bận bị “khớp”, giảng bài lộn, không tìm ra đầu đuôi, phải khất sinh viên lần sau giảng lại.

*

*       *

        Ngày đó, những “tiền bối” sang Pháp làm rạng danh cho người Việt Nam về trí tuệ toán học, có thể kể tên các vị: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu... Họ đều thuộc thế hệ cha chú tôi cả. Khi tôi đến Paris thì giáo sư Lê Văn Thiêm đã về nước tham gia kháng chiến được 6 năm rồi, ông vẫn là thần tượng của bao sinh viên trẻ như tôi. ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận học vị tiến sĩ nhà nước về toán ở Pháp (năm 1948); cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học tại một trường đại học lớn của châu Âu (Đại học Zurich, Thụy Sĩ). Công trình của ông thuộc đỉnh cao của toán học đương thời. Ông quan tâm đến Lý thuyết phân phối giá trị các hàm phân hình của nhà toán học Phần Lan nổi tiếng Nevanlina và ông đã chứng tỏ một bộ óc kiệt xuất khi đưa ra lời giải cho một bài toán khó đã tồn tại nhiều năm: “Bài toán ngược của lý thuyết Nevanlina”. Thành tựu lớn ấy ông đạt được khi còn rất trẻ, một tương lai khoa học rực rỡ đang chờ đón ở phía trước. Vậy mà...

        Nghĩ về ông, tôi còn thấm thìa hơn một bài học về cách hành xử của người trí thức chân chính khi ông dứt khoát rời bỏ công danh, sự nghiệp để về bưng biền chiến đấu: đặt tình yêu Tổ quốc lên trên tất cả!

        Dầu say mê với toán học và cũng có thể tôi sẽ còn tiến hơn nữa trên con đường khám phá khoa học, song noi theo giáo sư Lê Văn Thiêm, trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh nghĩ tới cái ngày sẽ được nhận nhiệm vụ trở về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:20:42 pm »


NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH

        Việt kiều ở Paris ngày đó chủ yếu nằm trong hai phe: thân chế độ Sài Gòn và ủng hộ Hà Nội. Cả hai phe đều ứng xử với nhau một cách cực đoan, nguyên tắc “ba không”: không cùng chơi, không cùng học, không cùng ăn. Tất nhiên, tôi chủ ý tránh cả hai. Trong con mắt của nhiều Việt kiều tôi là cái anh gàn dở chỉ biết vùi đầu vào sách vở, chẳng có niềm ham mê gì ngoài toán học, ăn mặc thì lôi thôi lếch thếch. Tôi rất ít bạn, hầu như cô độc giữa chốn náo nhiệt phồn hoa. Vào năm 1960, Nikita Khruschev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lên nắm quyền ở Moscow, công khai bài xích Staline và ông trở thành biểu tượng của “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Ông có chuyến công du Pháp. Đôi khi tôi cũng không kiềm chế được bản thân, lại lộ ra cái thói hay chọc ghẹo bạn bè có từ hồi bé. Lần ấy, tôi cố tình phiên âm “Khruschev” trệch đi thành “Cu-treo” và hỏi phe thân miền Bắc: Cu-treo đến Paris, Việt Minh có đem cờ đi đón không? Không ngờ “giễu chơi” vậy mà làm họ tức khí, họp ban chấp hành để đánh giá quan điểm chính trị của anh gàn Nguyễn Đình Ngọc. Chỉ có hai ý kiến bảo lưu, còn lại đánh giá tôi “phản động”, mà phản động có cỡ vì thấy anh ta từng nghiên cứu một cách hệ thống, nghiêm túc bộ Tư bản của Karl Marx; còn ý kiến bảo lưu thì nói chưa bao giờ thấy anh ta đi lại với phe thân ngụy quyền Sài Gòn.

        Một lần Bùi Trọng Liễu hỏi: Sao anh tham gia hội ông Quân mà không tham gia hội ông Quế? Ông Quân bảo vệ tiến sĩ nhà nước trước ở Đại học Paris, còn ông Quế là đồng nghiệp với anh Liễu ở Đại học Lille. Ông Quân lập ra Hội Khoa học và văn hóa cho Việt Nam, ông Quế lập Hội Sinh viên khoa học và kỹ thuật Việt Nam tại Pháp. Vợ ông Quân là em gái Phan Khắc Hy, Đại sứ của chính quyền Diệm tại Pháp, có lẽ vì thế mà ông thân chính quyền Sài Gòn và Việt kiều thường gọi ai tham gia hội của ông ta là phái hữu, còn hội ông Quế được coi là phái tả. Thực ra anh Liễu cũng chẳng theo phái nào, song thâm tâm không ưa ông Quân nhiều hơn, anh không khoái khi thấy một người bạn của mình lại chơi với “phái hữu”. Tôi khó mà giải thích cho anh hiểu, chỉ còn cách đánh bài lảng. Tôi tỏ ra hơi thiên “hữu”, muốn “cái vỏ bọc” tốt hơn nữa mà thôi.

        Vì bị tiếng “phái hữu” mà mùa hè năm ấy, vợ con tôi đi dự trại hè do phong trào Việt kiều Pháp tổ chức, chẳng may vào dịp đó có mấy sinh viên du học Pháp bị chính quyền Diệm cắt kinh phí, nhiều người nghi tôi “chỉ điểm cho địch”.

*

*       *

        Khi tôi đến Paris đã được nghe bà con Việt kiều kể nhiều giai thoại về bà Hoàng Thị Thế, người con gái út của cụ Hoàng Hoa Thám. Cụ Hoàng Hoa Thám đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân ở núi rừng Yên Thế, bền bỉ chống Pháp suốt gần 30 năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồn điền Phồn Xương thất thủ, bà Thế bị bắt sang Pháp làm con nuôi khi mới 8 tuổi và bà từng là minh tinh màn bạc ở Anh, rồi về già làm nghề bói toán. Mấy lần nấn ná vì bận, lần này cố dứt ra để đến thăm bà. Tôi đến vì tò mò. Bà như người của thế kỷ trước còn sót lại, ai đã ở Paris chẳng muốn diện kiến một lần con gái của vị anh hùng dân tộc. Lúc đó bà ngoài sáu mươi tuổi, đã chia tay người chồng Pháp, ở một mình trong một căn hộ xềnh xoàng trong một hẻm nội ô.

        Bà dáng cao, đi lại nhanh nhẹn. Nước da trắng, gương mặt bà đã có nhiều nếp nhăn, song vẫn còn lưu lại chút nhan sắc của một thời minh tinh màn bạc. Khi nghe tôi xưng danh, bà nở nụ cười tươi tắn, hiền hậu bảo:

        - Nom mặt thì biết, em thông minh, lanh lợi lắm. Dân An Nam mình nhiều người thông minh tài trí lắm chứ...

        Bà đã xa nước hơn nửa thế kỷ mà giọng không hề lơ lớ, nói tiếng Việt rất chuẩn.

        - Việt Nam chứ - Tôi chữa lại.

        Bà cười, tự gọi mình “dân Annamese” và cứ nhất quyết xưng chị, gọi tôi là em dù tôi chỉ đáng tuổi con bà, cháu bà. Bà xua tay bảo gọi “chị” để chị được trẻ. Tôi phải chiều lòng bà.

        - Thưa chị, - Tôi nói - mộ tiếng chị đã lâu hôm nay em mới được gặp. Cụ Hoàng Hoa Thám xưa là một vị anh hùng, trong cuốn sách giáo khoa lịch sử bậc trung học, người Pháp không ưa gì cụ mà vẫn phải nhắc tới cuộc khởi nghĩa do cụ lãnh đạo, tuy gọi “bọn giặc cỏ ngoan cố”.

        - Phải rồi. - Bà gật đầu nheo đôi mắt tinh anh nhìn tôi tiếp lời - Chị lúc nào cũng cảm thấy tự hào khi nhắc đến cha mẹ. Mới rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh tiếng mời con gái của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám về thăm quê hương và có thể được định cư ở Việt Nam. Có lẽ chị sẽ thu xếp hồi hương, em bảo có nên không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:21:12 pm »


        Câu hỏi bất ngờ của bà làm tôi lúng túng, rồi tôi gật đầu đồng tình. Bà rót nước mời, nói tiếp:

        - Thực ra chị đã gặp Hồ Chủ tịch từ cách đây hơn ba mươi năm rồi. Cuối năm 1909 chị bị bắt đưa sang Pháp. Lần ấy vào đầu năm 1920, chị thăm Bảo tàng Louvre, gặp một người Việt Nam trạc ngoài ba mươi tuổi, dong dỏng cao, hơi gày, khuôn mặt sáng sủa, đặc biệt có đôi mắt to sáng. Người đó chủ động đến gần chị và nhẹ nhàng hỏi: “Cô Thế ơi, cô có biết cha mẹ mình là ai không?” Chị lúc đó chưa đầy hai mươi tuổi, lại mới tham gia đóng bộ phim đầu của điện ảnh Anh, tuy là vai phụ nhưng đã rất hãnh diện rồi. Nghe hỏi thế, chị hơi giật mình, nhưng kịp trấn tĩnh, trả lời: “Chẳng lẽ tôi lại không biết cha mẹ tôi là ai ư!”. Người đó cười, nói tiếp: “Người Việt Nam nào có lòng yêu nước thương nòi đều khâm phục tinh thần quả cảm, kiên cường của cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn, thưa cô. ..” Hai bên làm quen, người đó xưng tên là Nguyễn Ái Quốc, thợ ảnh. ô, chị nhớ rồi, một con người nổi tiếng! Năm ngoái, anh đã có hành động dũng cảm đưa bản “Yêu sách của dân An Nam” tới lâu đài Versailles, nơi các đồng minh thắng trận trong Thế chiến thứ nhất đang họp về một hiệp định hòa bình với phe thua trận; còn mãi về sau này chị mới biết Hồ Chủ tịch chính là anh Nguyễn Ái Quốc mình đã gặp ngày ấy.

        Nói rồi bà dừng lại, hỏi tôi, đến đây thích nghe kể về cha mẹ chị hay xem bói? Tôi cười trả lời:

        - Em muốn biết về giờ phút cuối cùng của cụ Hoàng Hoa Thám và bà Ba cẩn, thực ra chưa có sách nào viết cụ thể về giai đoạn cuối đời của hai người cả.

        - Chuyện của cha mẹ chị dài lắm, hay để khi khác vậy - Bà nói - Chị đang định viết một cuốn hồi ký đấy. Mình còn minh mẫn, có những chuyện trong nhà chỉ mình biết, nếu không nói ra hậu thế không biết thì uổng lắm. Nhưng có lẽ để khi về nước chị sẽ viết, Paris nhộn nhạo không còn tâm trí nào mà viết nữa. Cũng có mấy người đến đây hỏi như em, nhưng chị đều từ chối vì nhìn mặt họ gian giảo, không biết chừng đến giăng bẫy mình. Nhưng với em thì chị kể, người như em không thể là người xấu. Linh cảm của chị không mấy khi nhầm lẫn đâu. Chị làm được nghề bói toán cũng là do trời cho có nhiều linh cảm.

        Cha chị họ Trương, không phải họ Hoàng. Trương Văn Thám, người Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên, chứ Yên Thế, Bắc Giang chỉ là nơi di cư sau này thôi. Ông nội chị, cụ Trương Văn Thuận trọng nghĩa khinh tài. Chị nhớ có lần hỏi, cha đổi sang họ Hoàng khi nào, thì cha trả lời khi phất cờ khởi nghĩa, đổi họ để về sau ngộ nhỡ thất bại người trong họ tránh khỏi họa tru di. Vậy ngay khi bắt đầu hành sự cha chị đã lường trước thất bại, cũng đúng thôi ngày đó quân Pháp mạnh lắm, súng ống đầy đủ, còn nghĩa quân có gì đâu, giáo mác, hỏa mai, súng kíp ấy mà. Nhưng em nhớ là cha chị tham gia mấy cuộc khởi nghĩa rồi mới đến cuộc khởi nghĩa do mình lãnh đạo. Đầu tiên, cụ tham gia khởi nghĩa với Đại Trận ở Sơn Tây khi mới mười sáu tuổi. Rồi khởi nghĩa của ông lãnh binh Loan ở Bắc Ninh. Năm 1885 cụ theo Cai Kinh lên Lạng Giang, đến khi ông này chết thì thành tướng của Đề Nắm. Đầu năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt giết, cha chị mới chính thức nắm ngọn cờ khởi nghĩa Yên Thế, trở thành “Hùm xám Yên Thế”...

        Những điều bà kể đều hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, đang hứng thú muốn nghe tiếp thì bà bỗng nheo mắt hóm hỉnh hỏi:

        - Em không muốn chị bói cho thật à? Ai đến đây chẳng thích chị nói tiền vận, hậu vận. Thôi, để khi khác chị sẽ kể tiếp về cha mẹ. Giơ bàn tay đây.

        Song tôi lắc đầu, nghe hết chứ không dở chừng! Bà Thế rộng lượng nhìn tôi bảo, chị biết tính em rồi, dứt khoát, kiên định lắm, người như thế mà làm chính trị là thành công lắm đây. Rồi bà nhẩn nha kể tiếp:

        - Cha chị trong gần 30 năm đã đánh nhiều trận, trận thắng lớn nhất ở thung lũng Hố Chuối cuối năm 1890 và Đồng Hom đầu năm 1892. Còn các năm sau đó đều bị quân Pháp tập trung binh lục truy sát, nhiều phen thoát hiểm trong gang tấc. Cũng có kẻ phản bội như Đề Sặt, bị nghĩa quân kịp thời phát hiện đã trừng trị nghiêm khắc. Thấy chưa thể diệt được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, bọn Pháp chủ động giảng hòa vào năm 1894, còn cắt nhượng cho bốn tổng thuộc đất Yên Thế. Cha mẹ chị quá biết tim đen của bọn chúng, nhưng vẫn đồng ý hòa hoãn để có thời gian hưu chiến củng cố lực lượng. Quả nhiên chỉ được nghỉ ngơi có vài tháng Pháp đã bội ước, huy động tổng lực đánh vào đồn điền Phồn Xương, đầu não của nghĩa quân, chúng còn treo thưởng ba mươi nghìn franc cho ai lấy được đầu Hoàng Hoa Thám. Nghĩa quân chống trả quyết liệt, hai cánh quân của anh Cả Trọng, Cả Huỳnh đều lập được chiến công đầu, quân Pháp bị tổn hao nhiều nên chúng lại xin hòa hoãn lần thứ hai. Thế rồi đến đầu năm 1909 Thống sứ Bắc kỳ huy động 15.000 quân, 400 lính dõng do Đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tấn công ồ ạt vào Phồn Xương. Thế địch lớn quá, cha chị vừa đánh vừa rút. Anh Cả Trọng tướng giỏi nhất bị tử trận, chị bị bắt. Chị sang Paris làm con nuôi người ta, mà lòng vẫn để ở quê, ngóng tin nhà. Sau có người kể lại, đến cuối năm ấy lực lượng nghĩa quân hầu như tan rã, cha chị cùng hai người tâm phúc phải trốn lủi ở nhiều nơi. Khi cha chị ẩn náu ở vùng Hố Lày, địch bố trí hai người đến trá hàng, rồi thừa cơ hạ sát cha chị cùng hai thủ hạ. Đó là vào sáng mùng 5 Tết Quý Sửu, 1913...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:21:35 pm »


        Bà dừng kể hồi lâu, mắt long lanh nhìn ra xa. Tôi im lặng, không dám khinh động đến cõi lòng đang thương nhớ song thân thời máu lửa oanh liệt, đã phải chết thảm vì đại nghĩa. Có lẽ bà cũng còn chạnh nghĩ về thân phận trôi nổi nơi đất khách quê người của mình. Rồi bà như đã sực tỉnh trở về với thực tại, mắt lại nheo cười nhìn tôi bảo, chị kể vắn tắt vậy thôi, em đã vừa ý chưa. Giờ có thích chị đoán cho tiền vận, hậu vận không?

        Tôi vẫn kiên trì, nhắc: Chị chưa kể đến chuyện của bà Ba cẩn. Bà Thế gật đầu ngay:

        - Phải rồi, phải kể thêm về mẹ chị. Cụ cũng oanh liệt như bất kỳ liệt nữ nào trên đất Việt. Cha chị gặp mẹ chị ở làng Vạn Vân. Mẹ chị xinh đẹp, tên cúng cơm Nguyễn Thị Nhu, khi lấy cha chị do ông đã có hai bà, nên mọi người thường gọi là bà Ba cẩn. Mẹ chị cùng ba con trai của bà cả, bà hai các anh Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh họp thành bộ tham mưu đắc lực bày mưu tính kế cho cha chị. Bà còn kiêm nhiệm việc hậu cần cho nghĩa quân. Cái năm Pháp đánh vào Yên Thế, Cả Trọng chết, chị bị bắt, mẹ chị đang định thoát khỏi vòng vây thì bị trung đội của Coucron đi tuần bắt được ở gần chợ Gồ, Yên Thế. về sau chị nghe nói, trên đường đầy sang Guyane, mẹ chị thừa lúc quân canh sơ ý đã nhảy xuống biển tự tử. Nhằm ngày 25-12-1910.

        Bà dừng kể hồi lâu. Rồi lại nhìn tôi, ý như sẽ ban cho cơ hội lần cuối: có thích xem tiền vận, hậu vận không? Quả tôi đã từng nghe đồn đại về tài bói toán của bà, đến nỗi nhiều chính khách Pháp và cả chính khách các nước khác đến Paris mộ tiếng, thường tìm đến nhờ bà chỉ bảo sao cho đường hoạn lộ mà họ đang theo đuổi được hanh thông. Bà đã nói vậy, tôi cũng phải thuận theo.

        Tôi giơ bàn tay trái, bà ghé sát mắt hồi lâu xem kỹ những đường chỉ trong lòng bàn tay, rồi bảo chuyển tay phải. Chưa hết, bà lấy trong ngăn kéo bàn ra một mẩu giấy nhỏ hình chữ nhật đưa tôi nói:

        - Em ghi tên họ vào. Viết toàn chữ hoa thôi nhé.

        Tôi ngỡ ngàng, một kiểu bói toán gì nữa đây? Song thấy không tiện hỏi, tôi ghi và đưa trả lại bà. Bà nhìn mẩu giấy, chỉ tay vào từng chữ, lẩm nhẩm đếm, rồi lấy bút khoanh tròn con số “5” bên cạnh họ tên tôi. Bà nói:

        - Người số 5 thiên về công việc đầu óc và có chí tiến thủ cao, kiểu gì sau này em cũng làm nên và là người nổi tiếng. Đường sinh đạo và trí đạo của em khá đẹp song không tránh khỏi những cù lao cản trở, để đi đến thành công sẽ phải trải qua nhiều gian truân, vất vả, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng. Chính nhờ hồng phúc của tổ phụ mà biến nguy thành an, bản mệnh vẫn vững. Nhưng em vất vả về đường vợ con, thể nào cũng phải hai lần đò và người con của em dẫu là đứa hiếu đễ cũng không thể gần gũi em lúc trái nắng trở trời. Em hiếm con và sẽ có con nuôi. Chị nói cụ thể thêm nhé, những tuổi gánh hạn là: 15, 38, 43, 53, 69, 75. Qua được 75 thì thọ đến 80.

        Chị ghi những ý chính vào đây nhé.

        Nói rồi bà lấy mẩu giấy ghi lại những điều vừa nói, rồi ký “Hoàng Thị Thế” thật chân phương, mềm mại. Bà đưa mẩu giấy cho tôi, bảo:

        - Em giữ lấy làm kỷ niệm.

        Đầu năm 1965 tôi nghe tin bà đã hồi hương. Thời kỳ mới về nước bà lên Yên Thế làm việc và đã viết một cuốn hồi ký về cha mẹ. Sau ngày nước nhà thống nhất, tôi ra Hà Nội và tìm gặp lại bà tại khu tập thể ngõ Văn Chương, thuộc quận Đống Đa, lúc đó bà đã ngoài 80 tuổi, minh mẫn, còn nhớ cuộc gặp mấy chục năm trước ở Paris và vẫn xưng “chị”, gọi tôi là “em”. Bà qua đời tại Bệnh viện Việt Xô mùa hè năm 1992, thọ 91 tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:22:21 pm »


ALEXANDER...

        Bùi Trọng Liễu bảo tôi: Trong giới học thuật chia ra ba hạng, người bình thường, người tài và thiên tài. Người tài làm được cái mà người bình thường không làm được; còn thiên tài làm cái mà người tài không làm được. Loại như tôi và anh cùng lắm là có tài, hiện giờ ở đất Paris này có Alexander Grothendieck là thiên tài.

        Tôi đồng ý với anh.

        Khi tôi là thành viên của Viện IHES thì ở đây đã có một người rất nổi tiếng không chỉ trong giới toán học Pháp mà trên khắp thế giới. Đó là Alexander, người Pháp gốc Do Thái, hon tôi bốn tuổi. Nhờ anh mà IHES nổi tiếng có trường phái toán học mới thuộc lĩnh vực Hình học đại số. Trước đây ngành toán này đã có tiếng tăm trong giới nhờ những công trình của các nhà toán học Ý như Frobenius, Castelnuovo... Đến Alexander, anh “đại số hóa” những tư tưởng hình học sâu sắc của người Ý, đưa Hình học đại số lên một tầm cao mới. Các định lý anh lần lượt công bố những năm gần đây là sự hợp nhất của nhiều ngành: hình học, số học, tô pô và giải tích phức. Đề tài tiến sĩ nhà nước của tôi chỉ là một ý tưởng triển khai từ ý tưởng lớn của anh. Thầy hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho tôi, giáo sư Ehresmann ở Đại học Sorbonne cũng là một tài năng lớn, mà có lần bảo: Đến giờ thì Alexander bạn anh đã là thầy tôi rồi.

        Nhà chúng tôi ở gần nhau. Nhiều buổi cả hai nhà cùng đi cắm trại ngủ trong rừng, picnic hay đi tắm biển. Nguyệt Tỉnh với vợ anh khá thân thiết, thường cùng “biểu diễn” khả năng nội trợ mỗi khi hai nhà đi chung. Nguyễn Hà kém con trai anh dăm tuổi, có gene giỏi toán của bố vẫn thích giải những bài toán khó giúp con trai tôi. Alexander cao lớn, trán lồng lộng, đôi mắt sáng, bộ râu quai nón đen nhánh nom rất đàn ông. Anh đeo cặp kính trắng, miệng cười hồn hậu, ngoài đời luôn là một người nồng nhiệt và tốt bụng. Mỗi khi có dịp chúng tôi thường ngồi hàng giờ nói về sự phát triển của toán học, đôi lúc cũng có những tranh luận thời cuộc và về quan niệm sống của mỗi người.

        Anh vừa dự một hội nghị toán học về, có vẻ không vui, tôi hỏi chuyện gì thì giọng anh pha chút giễu cợt:

        - Cậu bảo thế này có hề không. Xemina về Đại số đồng điều mà có sự bảo trợ của khối Bắc Đại Tây Dưong (NATO). Mình báo cáo viên chính, ban đầu có biết NATO là ai đâu, mới hỏi ông chủ tọa, nghe ông giải thích mình giãy lên. Toán học không được dính chính trị, không liên can đến súng ống, chiến tranh. Mình nhất định không chịu để NATO có danh nghĩa, dù chỉ bảo trợ hội nghị. Hoặc là Alexander hoặc NATO, cuối cùng họ phải nhượng bộ, chọn mình.

        Hóa ra là vậy. Bạn tôi nhà bác học trong toán học, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng việc đời lại có lúc “ngây tho”. Không biết có NATO hiện diện trên đời này và cũng khăng khăng tách toán học ra khỏi thời cuộc, chính trường. Tôi bảo anh:

        - Alexander, anh đã đúng. Nhưng mình thì không thể...

        Tôi định nói: không thể làm theo cái cách của anh mặc dù cả hai cùng đồng quan điểm. Anh nghiêm nghị nhìn tôi, bảo:

        - Ngọc. Cậu khác mình ở chỗ đang cố tình vượt ngưỡng sống đấy.

        Quả tôi chưa hiểu lắm cái từ anh dùng: ngưỡng sống. Đôi mắt long lanh qua cặp kính của anh tiếp tục chiếu dọi vào tôi:

        - Mình quan niệm cuộc đời mỗi người đều đến một cái ngưỡng nhất định để làm việc, cống hiến được nhiều nhất - Anh nói tiếp - Giới hạn sống đó của mỗi người nếu ai cứ cố tình vượt ngưỡng, tưởng rằng sẽ làm được nhiều hơn, thực ra lại rơi vào tình trạng mất cân bằng, không còn bản ngã nữa, khủng hoảng tâm hồn là khó tránh, dẫn theo bao hệ lụy. Nguyễn Đình Ngọc là một tài năng, mình biết, song hình như ngoài toán học, cậu còn có ý định làm một cái gì đấy ghê gớm lắm, mà cái đó không được trời phú như với toán học đâu.

        Tôi giật mình: lại một thầy bói! Nhưng tôi hiểu anh không hề có ý thức về điều ấy, anh ghét cay ghét đắng mọi liên quan đến cái gọi là mê tín dị đoan. Anh là nhà duy vật cổ sơ đúng theo nghĩa đen của nó. Vậy điều anh vừa nói một đánh giá tường minh hay mù mờ về con người tôi? Rồi tôi tự trả lời: anh là vậy, hồn hậu, chân thành với cuộc đời, làm sao anh có thể hiểu được cái gọi là “ngưỡng sống” như quan niệm của anh về những con người có hoàn cảnh khác biệt như tôi.

        - Nếu nói vậy - Tôi bảo - Alexander, có thể chính anh cũng bắt đầu vượt ngưỡng sống của mình đấy. Dù sao, anh đã nổi danh thiên hạ rồi, mọi việc anh làm đều được mọi người để ý và tán thưởng cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:23:08 pm »


        Alexander cười, cái cười thật thoải mái, sự nghiêm nghị ban nãy dường như đã tan biến. Anh nói:

        - Nhiều người cũng có băn khoăn về mình. Nhưng mình không tin đã vưọt ngưỡng. Mình luôn giữ sự cân bằng. Một cuốn sách nói về triết học của nước Trung Hoa cổ, có câu khá hay: Người quân tử trước hết yêu mình rồi mới yêu người. Mình bao giờ cũng sống cho riêng mình, đúng mình. Làm toán, vì bản chất mình phải như vậy. Nó giống như một trò chơi, còn hứng thì còn chơi, hết hứng sẽ hết chơi. Bao giờ đến ngưỡng cho điều ấy, mình cũng không thể lường trước, dù rằng rất có thể mình sẽ từ giã toán học trong nay mai. Ai mà biết được khi nào thì cạn ý tưởng sáng tạo? Giá cậu cứ toàn tâm toàn ý cho toán học thì cậu cũng sẽ là một nhà toán học nổi tiếng, còn làm được nhiều hơn cái đã có. Song mình cảm thấy cậu luôn phân tâm, luôn tự mâu thuẫn với chính mình, luôn muốn vượt ngưỡng. Dường như có hai con người cùng tồn tại trong cậu. Cái ngưỡng sống của cậu bị vi phạm chỉ vì cậu luôn có ý thức vượt qua nó để tự hành xác. Mình muốn nói về sự khổ hạnh, sự kìm nén mọi cảm xúc, sự khước từ hạnh phúc trong con người cậu vì một mục đích gì đó, có thể rất cao cả, cũng có thể rất tầm thường mà một người như cậu đáng ra phải tự đánh giá và điều chỉnh được. Trong một chừng mực nào đó, lối sống và cái cách cậu đối xử với vợ con giống với Albert Einstein.

        - Anh thật hài hước. - Tôi bật cười - Sao lại so tôi với Einstein.

        - Không đùa đâu - Alexander nói tiếp - Này nhé. Ăn mặc đều lôi thôi, bụi bặm như nhau, cậu chỉ không có cái đầu bù xù, cái mũi to đùng của ông ta thôi. Trình độ đãng trí cũng ngang nhau. Còn tính thờ ơ với người thân của mình cả hai giống hệt nhau. Mình nói thế cậu đừng giận nhé.

        Tôi thực sự bất ngờ về nhận định cuối của Alexander. Tôi thờ ơ với người thân? Người thân nhất của tôi giữa chốn này là Nguyệt Tỉnh và con trai, chẳng lẽ tôi thờ ơ với vợ con? Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh ta nói tiếp:

        - Thiên tài Einstein của chúng ta đã đối xử với bà vợ đầu Mileva Marie như thế nào cậu biết rồi đấy, lạnh lùng đến độc ác. Hình như ông yêu nhân loại hơn yêu người thân của mình, chẳng có lần ông đã nói thẳng với Mileva: Em đừng mong đợi từ anh các quan hệ thân mật và đừng trách anh về điều đó...

        Từ ngày Nguyệt Tỉnh sang đây, tôi có một tổ ấm, một chốn đi về, đỡ vất vả và đã tập trung tâm trí cho việc học hành. Tôi trở thành giáo sư, có đồng luơng ổn định, có một địa vị nhất định cũng do có nàng giúp sức. Thời gian đầu làm y tá, nàng thật vất vả. Để kiếm đuợc số tiền chẳng nhiều nhặn gì hàng tháng, nàng làm việc như điên, xong ca ở bệnh viện này, lại nhận làm tiếp ca ở một bệnh viện khác. Nàng còn luôn tùng tiệm trong chi tiêu. Hết lòng vì chồng con. Tôi luôn biết ơn nàng vì những điều đó. Song quả là so với hồi còn ở Sài Gòn, sang đây tôi ít quan tâm đuợc đến nàng và con, điều này cũng dễ hiểu, thời khóa biểu học tập dày đặc chẳng có chút kẽ hở nào để vui chơi, để tâm sự. Đến kỳ nghỉ vừa rồi do Hội Việt kiều tổ chức, tôi cũng không thể đi cùng mẹ con nàng. Đêm ấy, tôi đang “ngủ ngồi” trên bàn học thì nàng đến bên từ lúc nào, có lẽ nàng đã đứng nhu thế lâu lắm cho đến khi linh cảm có người đang bên cạnh đã đánh thức, làm tôi choàng tỉnh. Nàng trong bộ đồ ngủ mỏng, xanh xao hao gầy, nhìn tôi với đôi mắt mở to như buồn tủi, như trách cứ. Tôi vội đứng dậy ôm nàng, định hôn, bỗng nàng né và quay ra tìm cái ghế, rồi bảo cùng ngồi xuống. Ngồi sát, tay tôi vòng ôm eo nàng, cằm tôi tì vào vai nàng để má áp vào nhau.

        - Dạo này em hơi gầy - Tôi nói - Hay mai anh đưa đi khám xem có bệnh gì.

        - Em chẳng có bệnh gì cả - Nàng lắc đầu làm mấy lọn tóc buông xõa chập chờn và nói - Nếu có, chỉ là bệnh tưởng thôi.

        - Bệnh tưởng cũng là một loại bệnh thần kinh đấy. cần phải chữa sớm.

        - Khó chữa lắm.

        - Sao vậy?

        - Em những tưởng mình có hạnh phúc, rốt cuộc con số không.

        Tôi cảm thấy ớn lạnh nơi sống lưng. Nàng không có hạnh phúc, có nghĩa tôi là thằng chồng chẳng ra gì! Tôi thì vẫn yêu vẫn trọng nàng, chưa bao giờ cảm thấy mình không hạnh phúc. Thứ hạnh phúc giản đơn, mong manh mà bền chặt. Thứ hạnh phúc có được do lý trí tỉnh táo điều khiển, chế ngự. Rõ ràng đã có sự “lệch pha” nào đó trong quan niệm hạnh phúc mà chính tôi cũng không ngờ tới. Một người vợ xinh đẹp, nhu mì, một cậu con trai khỏe mạnh, thông minh, những tưởng ai có thể hạnh phúc hơn tôi. Vậy mà...

        - Em hiểu anh có những mục đích cao cả - Nàng thủ thỉ bên tai tôi - và dồn mọi tâm trí, nghị lực cho nó. Bởi thế hình như mẹ con em bị thừa ra. Mỗi ngày anh và em gặp nhau, nói với nhau không quá vài chục phút, nhìn lướt mặt nhau, rồi ai có việc người ấy, đến tối anh lại vùi đầu vào sách vở. Nhiều đêm em tỉnh dậy thấy mình nằm một mình trên cái giường rộng mà tủi thân quá, nhưng khi rón rén đi vào đây nhìn thấy anh ngủ ngồi mà thương quá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:25:01 pm »


        - Anh có lỗi với em và con - Tôi nói - Công việc choán hết mọi thì giờ của anh, song lúc nào anh cũng vẫn yêu em, cũng nghĩ về em và con.

        - Điều ấy em quá biết chứ. - Nàng nói và với một cử chỉ âu yếm đưa bàn tay sực vào mớ tóc rối bù đã có những sợi bạc của tôi - Nhưng lúc nào em cũng cảm thấy buồn, thấy cô đon dù có anh bên cạnh. Giá em có được một phần tình yêu mà anh dành cho công việc, cho toán học.

        Chúng tôi cứ ngồi im lặng hồi lâu trong tư thế ấy, rồi nàng nhẹ nhàng gỡ ra, đứng dậy. Chúng tôi ép chặt vào nhau, hôn lên má, lên môi. Chúng tôi khoác tay nhau vào buồng ngủ. Chúng tôi âu yếm nhau đến tận sáng và thiếp đi trong một giấc mơ huyền diệu không dứt cho đến khi choàng tỉnh, mặt trời đã lên cao dọi tia nắng vào nửa giường từ lúc nào.


Nguyễn Đình Ngọc (ngồi) cùng vợ (người đứng sau bên phải) và con trai tại Paris (Pháp) năm 1962

        Cuộc sống của gia đình tôi sau đó vẫn diễn ra một cách bằng lặng như vốn có. Khó có thể thay đổi được ý nghĩ của nhau, cũng như nếp sống, nếp nghĩ được hình thành từ bao năm sao một sớm một chiều có thể thay đổi được. Nếu có thật nỗi cô đơn khi sống cạnh nhau, cùng dưới một mái nhà thì quả bất hạnh, bi kịch. Tôi là kẻ vô tâm, kẻ có trái tim gỗ đá. Có thể Alexander đã đúng trên phương diện tình cảm khi so sánh tôi với nhà vật lý thiên tài kia, tôi cũng như ông đã đối xử tệ bạc, nhạt nhẽo với người bạn đời rất mực yêu thưong của mình...

        Tôi hỏi Alexander:

        - Nguyệt Tỉnh đã nói gì với anh?

        Anh nhìn tôi với ánh mắt thật khó tả, như muốn bảo: cậu cần gì phải biết điều ấy nữa; cô ấy chẳng nói gì cả nhưng mình thì cảm thấy điều ấy rất rõ ràng. Và chúng tôi còn ngồi bên nhau thêm lúc nữa, mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư nào đó.

        Thế rồi một lần đi dạy về, tôi không thấy Nguyệt Tỉnh và con trai ở nhà, nàng cũng không gọi điện báo trước là đi đâu. Gặp vợ Alexander, chị bảo bị mệt ở nhà, còn bố con anh ấy đã cùng mẹ con Nguyệt Tỉnh đi tham quan thành phố Nimes rồi. Tôi thực sự bất ngờ. Tôi biết Nimes qua sách vở: là thành phố cổ cách Paris hơn 700 km về phía Đông Nam; quê hương của nho, của nhà văn nổi tiếng Alphonse Daudet... Song tôi ở Pháp đã lâu mà cũng chưa từng đến đó. Hành trình quá xa. Vợ Alexander còn nói rằng có lẽ anh ấy chọn Nimes để kết hợp về thăm lại Đại học Montpellier, nơi anh từng học nhiều năm về trước. Nhìn ánh mắt chị lúc đó cũng không được vui vẻ như mọi lần, tôi không muốn hỏi thêm gì nữa. Có lần Alexander đã hồn nhiên bảo với tôi: Nguyệt Tỉnh là người phụ nữ Á Đông tuyệt vời nhất mà mình có may mắn được quen biết đấy. Tất nhiên tôi cũng có thể ca ngợi vợ anh với lời lẽ kiểu như vậy, gọi là đối đáp cho vui, nhưng tôi lại không nói gì.


Nguyễn Đình Ngọc năm bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Pháp (1965)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:25:48 pm »

      
        Tình cờ lúc về nhà, tôi tìm thấy một lá thư ngắn với những dòng viết rất tháu của Alexander kẹp trong một cuốn sổ của Nguyệt Tỉnh: “Bỗng dưng anh thấy lòng trống trải và đôi khi hình ảnh người phụ nữ Á Đông nhỏ nhắn, nụ cười hiền nhưng vẫn phảng phất một nỗi buồn nào đó bỗng hiện ra. Trái tim có những lý lẽ riêng, cho dù bộ óc tỉnh táo lúc nào cũng muốn phủ nhận nó. Anh muốn mời em đi du lịch vài ngày ở miền Nam, nơi anh có nhiều kỷ niệm cay cực thời niên thiếu. Xin đừng từ chối!”

        Vài ngày sau, hai mẹ con trở về. Hà tỏ ra rất vui, nó hoa chân múa tay kể những điều tai nghe mắt thấy khi được đến vùng trồng nho và dự lễ hội nho náo hoạt, vui vẻ; về những trò nghịch cát, cưỡi sóng trên biển Địa Trung Hải với anh con nhà bác Alexander; về táo và bơ ngon tuyệt.

        Cậu con còn khoe, biết cả một trại tù binh nữa. Thế giới xung quanh nó đầy rẫy những mới lạ, hứng thú. Nó đã lên muời, gia đình tôi cũng đã ở Paris được 10 năm rồi.

        Nguyệt Tỉnh vẫn tỏ ra bình thản như sau các cuộc đi du hí giữa hai nhà trước đây, cho dù lần này không có tôi và vợ Alexander. Tôi cũng cố giữ vẻ mặt bình thản và tự an ủi: không nên phức tạp hóa mọi chuyện làm gì!

        - Em cũng bất ngờ, ở đấy còn có một trại tập trung thời Đức Quốc xã, giờ thành bảo tàng chiến tranh cho khách tham quan - Nguyệt Tỉnh chậm rãi kể với tôi - Đó là trại Rieucros gần Mende. Chỉ một dãy nhà gạch tường tróc lở, trên mái lợp tôn sóng phủ đầy dây kẽm gai, Alexander bảo, ngày này hai mưoi nhăm năm về trước mẹ và anh bị phát xít Đức bắt trong một cuộc truy đuổi người Do Thái, giam tại đây. Anh đứa trẻ lớn nhất trại và là đứa duy nhất đi học lycée. Trong gió tuyết vẫn đến trường cách đấy năm cây số bằng đôi giày rách sũng nước, bao giờ cũng trở về với đôi bàn chân tê cứng không còn cảm giác gì. Đến năm cuối cuộc chiến tranh mẹ vẫn bị giam, còn anh bị tập trung vào một khu riêng dành cho trẻ tị nạn, luôn phải ẩn náu vì sợ bọn Gestapo truy sát. Vùng Cévennes đầy những người Do Thái ẩn náu và nhiều người sống sót nhờ được dân địa phưong che chở. Alexander bảo, kỷ niệm thời niên thiếu luôn hiện về và gương mặt tiều tụy, hốc hác, tàn tạ của mẹ những ngày cuối đời luôn ám ảnh. Anh căm thù bọn phát xít và hễ nói đến chiến tranh là anh bị dị ứng...

        Chưa bao giờ Alexander kể với tôi những điều đó. Thì ra tuổi thơ của anh cũng giống tuổi thơ tôi từng sống trong sợ hãi dưới mũi súng của những kẻ xâm lược tàn bạo. Chiến tranh đã cướp đi người thân yêu nhất của anh và tôi. Giờ tôi mới hiểu vì sao anh dị ứng với NATO. Sau này, vào năm 1970 khi tôi đã về nước rồi, nhận được thư của Bùi Trọng Liễu mới biết thêm một sự kiện mới diễn ra liên quan đến Alexander, làm bất ngờ giới toán học trong nước và quốc tế. Anh tuyên bố kết thúc sự nghiệp toán học của mình ở tuổi bốn mươi hai đang giai đoạn đỉnh cao tài năng, chỉ vì phản đối người đứng đầu Viện IHES nhận tiền tài trợ của Bộ Quốc phòng Pháp. Nếu không phải Bộ Quốc phòng mà một bộ “dân sự” nào đó tài trợ thì hẳn anh đã không rời IHES và đi ở ẩn. Trước sau anh vẫn là con người nhất quán yêu hòa bình và căm ghét tận xương tủy những gì liên quan đến chiến tranh, chết chóc. Cách hành xử ấy có phần cực đoan gây sốc với nhiều người, nhưng tôi có thể hiểu được, thông cảm được. Tự lúc nào, chính anh cũng đã vượt ngưỡng sống của mình. Có thể rút ra một hệ quả từ “định lý” của anh: bản ngã mỗi người không phải là bất biến theo thời gian, nó cũng có thể bị vi phạm.

        Sau lần ấy, mối quan hệ giữa hai nhà vẫn không có gì sứt mẻ. Đôi lần bắt gặp ánh mắt buồn buồn của Nguyệt Tỉnh khi tôi về nhà bất chợt thấy nàng ngồi một mình bên cửa sổ nhìn ra xa. Thời kỳ này tên tuổi Alexander nổi như sóng cồn, tất nhiên anh là thần tượng của rất nhiều người và từ lâu tôi biết Nguyệt Tỉnh có trong số đó. Sao mà không ngưỡng mộ một tài năng trác tuyệt, trong đời thường lại giản dị dễ mến đến vậy! Chính tôi cũng ngưỡng mộ anh. Nhưng, sự biểu lộ tình cảm của Nguyệt Tỉnh và anh thì đã làm lâu nay tôi không có được cảm giác yên ổn trong lòng. Alexander chẳng bao giờ biết cách che giấu lòng mình; còn tôi phải chăng là con người nhỏ nhen, hay ghen bóng ghen gió?

        Lần ấy nàng còn tỏ ra sốt sắng, vui mừng hỏi tôi: Em nghe người ta đang đồn ầm lên, Alexander “nhà mình” sắp rinh Giải Nobel về cho nước Pháp? Tôi giải thích với nàng rằng không có Giải Nobel trong toán học, song có một giải tương đương mang tên nhà toán học người Canada

        John Charles Fields, ai được Huy chương Fields cũng danh giá như được Giải Nobel. Với những cống hiến to lớn cho toán học thời gian qua, anh ấy hoàn toàn xứng đáng nhận vòng nguyệt quế vinh quang.

        Và giữa năm 1966, lúc tôi vừa từ Paris về Sài Gòn thì được tin: tại Đại hội Toán học thế giới tại Moscow, Alexander Grothendieck cùng ba nhà toán học khác quốc tịch Anh và Hoa Kỳ đều một lần nhận Huy chương Fields.

*

*       *

        Một hôm với tư cách người liên lạc, Nguyệt Tỉnh đi Genève, Thụy Sĩ về bảo với tôi vừa nhận được chỉ thị từ nhà, tôi phải đến ngay Luceme gần biên giới với nước Đức, gặp một nhà ngoại giao là Tùy viên Thương mại Đại sứ quán ta tại Pháp đang ở đấy, để nhận nhiệm vụ.

        Đến Lucerne, điệp viên Diệp Sơn đã nhận được chỉ thị: về nước; tìm một chỗ đứng vững chắc trong giới trí thức, học thuật Sài Gòn.

        Thời khắc bấy lâu chờ đợi đã đến. Tuy đã được chuẩn bị tâm lý song tôi vẫn cảm thấy đột ngột. Tôi và Nguyệt Tỉnh bàn đi tính lại, có nên tất cả cùng về?

        - Nếu giả sử anh bị lộ - Tôi nói với nàng - em và con sẽ bị bắt làm con tin. Đó là một điều rất dễ xảy ra, một điều khủng khiếp.

        Cuối cùng chúng tôi quyết định: chỉ mình tôi trở về, sau đó tùy tình hình thời cuộc biến chuyển sẽ tính tiếp.

        Bắt đầu một thời kỳ mới của cuộc đời tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:28:07 pm »


Chương bốn

GIÁO SƯ "LẬP DỊ"

        Mới ngày nào ra đi tay không, nay trở về với mấy va ly lèn cứng sách vở, mười năm vèo trôi như cái chớp mắt của lịch sử!

        Ngày trước sang Paris trên chiếc máy bay hành khách cổ lỗ Skymaster phải mất ba ngày do trên đường dừng nhiều chặng tiếp nhiên liệu, nay trở về từ phi trường Orly trên chiếc Constellation cũng của Air France chỉ mất 20 giờ. Phương tiện vận chuyển đã hiện đại hơn nhiều. Bộ mặt thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì vẫn chẳng mấy khác. Ngoại trừ một số cao ốc kiểu Mỹ mới mọc lên ở khu trung tâm phô diễn sự tân kỳ, hào nhoáng của nền văn minh vật chất phương Tây, nhà cửa Sài Gòn vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc nặng nề, trầm mặc kiểu Pháp, cùng các khu ổ chuột mọc lên như nấm xung quanh các kinh rạch hay vùng ngoại thành, tất cả đều chen chúc, lộn xộn, bụi bặm, đường xá thì chật chội, bong tróc.

        Qua cuộc trao đổi với ông “Tùy viên thương mại”, cùng với việc tổng hợp, phân tích tình hình trong nước, quốc tế qua đài báo, tôi hiểu chính trường Nam Việt Nam giờ đây đã thay đổi rất nhiều và sẽ còn những biến chuyển theo chiều hướng mau lẹ, bất ngờ.

        Hiệu ứng Domino: một con bài đổ sẽ lần lưọt đổ hết. Thập niên 60 của thế kỷ XX, thời kỳ đỉnh điểm của thuyết Domino, phe diều hâu trong chính giới Mỹ đều tin vào thuyết này. Theo thăm dò du luận của Viện Harris tháng 2-1965, đại đa số 78% số người được hỏi cho rằng nếu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam khiến cả Đông Nam Á sẽ rơi vào tay Cộng sản, chỉ có 10% là không tin. Từ đây đẻ ra lý thuyết về “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Lý thuyết xác định rằng, khi các hoạt động lật đổ ở nước đối phương phát triển đến mức độ cao và “lực lượng lật đổ” đã có những đơn vị chủ lực mạnh thì phải dùng đến sức mạnh quân sự của Mỹ can thiệp dù ở mức độ hạn chế, nhất định sẽ đè bẹp được đối phương trong thời gian ngắn nhất. Năm 1966, năm tôi về nước cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ đang lúc cao trào với trên nửa triệu quân Mỹ và chư hầu có mặt tại Nam Việt Nam. Trong khi ngụy quyền lại bị suy yếu hơn bất cứ lúc nào. Nội bộ mâu thuẫn gay gắt, từ khi Tổng thống họ Ngô bị giết vào đầu tháng 11-1963, đến giữa năm 1965 đã diễn ra 14 cuộc đảo chính và phản đảo chính giữa các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn. Tinh thần quân lính phục vụ nền Đệ nhị Cộng hòa ngày càng rệu rã. Theo hãng tin Mỹ UPI trong hai năm 1963-1964 đã có tới 16 vạn quân đào ngũ, riêng sáu tháng đầu năm 1965 đã có thêm 87 ngàn binh sĩ nữa bỏ ngũ. Chính John A.Mc Cone, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phải ngậm ngùi đưa ra dự báo cho số phận cái lý thuyết “Chiến tranh cục bộ” mà chính giới Mỹ đã có nhiều kỳ vọng: “Chúng ta sẽ bị sa lầy trong cuộc chiến đấu ở rừng rậm, với một cố gắng quân sự mà ta không thể giành thắng lợi được và cũng rất khó lòng rút ra được.”

        Trong vòng 20 tháng của các năm 1964-1965 chế độ Sài Gòn đã xảy ra nhiều biến cố chính trị. Tướng Nguyễn Khánh hết “chỉnh lý”, “tam đầu chế” đến “Hiến chương Vũng Tầu”; các cuộc đảo chính hụt diễn ra sau đó; Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ nắm ủy ban Lãnh đạo quốc gia, gạt bỏ Chính phủ dân sự Phan Huy Quát. Khi tôi về gặp lại ông ở nhà riêng, ông đang tâm trạng buồn bã thất vọng, đã ngồi chơi xơi nước được hơn một năm rồi, mới gần 60 tuổi nom gày xọp, bạc nhược. Ông chú rể của vợ tôi bảo:

        - Lũ lính tẩy ấy còn ngồi trên thì mình khó mà ngóc đầu lên được, cháu ạ. Họ là tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, tỉnh trưởng, cả quận trưởng, xã trưởng. Bây giờ Nam Việt Nam chỉ còn một đảng chính trị duy nhất tồn tại là đảng áo Ka ki thôi. Đen như ông Đặng Văn Sung một lãnh tụ Đại Việt kỳ cựu rất kiệm lời, mới đây trong cuộc chiêu đãi tại nhà hàng Continental cũng cay cú nói rằng: Có ích tước gì mà đi lập đảng phái chính trị, đảng Quân đội thống trị hết trọi rồi!

        Ban đầu chú được sự ủng hộ mạnh của Phật giáo, báo chí Mỹ còn bảo chú là người của Phật giáo. Thực ra chú chỉ thân thôi chứ đâu theo giáo phái ấy, vả lại chú cũng ghét Công giáo, nhất là tổ chức Công giáo đấu tranh của linh mục Hoàng Quỳnh. Ngay Đại sứ Mỹ, tướng Taylor cũng muốn chú cầm đầu chính phủ dân sự, đưa các tướng lãnh trở về nhiệm vụ chính chống sự xâm lăng của Cộng sản, chứ không bỏ bê việc chiến đấu mà lao vào các cuộc đảo chánh như mấy năm qua. Vậy là được “nhân hòa” rồi chớ. Nhưng lại không có cái quan trọng nhất “thiên thời”, thiếu cái đó dẫu Lưu Bị được Phượng Long, Phượng sồ phò tá vẫn không thể khôi phục được cơ nghiệp nhà Hán. Cái số chú lận đận, làm Thượng thư thì được, hễ mon men đến Tể tướng, không bị hớt tay trên thì ngồi chưa ấm chỗ cũng bị nó lật.

        Tôi hiểu những ẩn ức trong con người máu me làm chính trị ấy. Hồi năm 1953-1954 còn Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại, đảng Đại Việt đưa ông ta ra tranh cử chức thủ tướng với Ngô Đình Diệm, đối thủ cáo già bày trò hề “trưng cầu dân ý” gạt ông không thương tiếc; gần đây khi chính phủ dân sự Trần Văn Hương bị đổ, Nguyễn Khánh đưa ông lên ghế thủ tướng được đúng 5 tháng thì bị Thiệu-Kỳ phế. Tôi chỉ còn biết nói vài câu xã giao gọi là an ủi ông chú rể. Ông cũng hỏi thăm tình hình của mẹ con Nguyệt Tỉnh và dặn tôi, nếu việc đầu đon vào Viện Đại học Sài Gòn khó khăn thì bảo ông, ông sẽ nói với giáo su Nguyễn Quang Trình một câu thể nào cũng phải nể, vì ông ấy vốn Bộ truởng Giáo dục, vừa rồi là thành viên trong nội các của ông. Tôi cảm ơn, nói rằng đã gặp ông tân Giám đốc Viện giáo su Lê Văn Thói, mọi việc chắc không gặp trở ngại gì vì Viện này đang rất cần các nhà nghiên cứu có bằng cấp từ ngoại quốc về. Tôi hỏi thăm Phan Huy Luơng, vẻ mặt ông đã bớt rầu rĩ, nói đuờng binh nghiệp của chú em như diều gặp gió, thăng tiến nhanh đến không ngờ. Trong vòng muời năm khi học xong truờng sĩ quan trù bị Thủ Đức đã từ trung úy lên đại tá, nay đang là Tham muu trưởng Biệt khu Thủ đô, dưới trướng của Đô đốc Chung Tấn Cang. Quả anh ta là niềm hy vọng, tự hào của dòng họ Phan Huy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2018, 09:28:47 pm »


*

*       *

        Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn nơi tôi được nhận làm giáo sư biên chế vào ban Toán nằm trên đường Cộng Hòa, Quận 5, đây là cơ sở mới được xây dựng chuyển từ 125 đường Bonard về. Ngày ấy giáo sư Nguyễn Quang Trình dạy tôi về môn Hóa đại cương; còn giáo sư Phạm Tỉnh Quát dạy môn toán. Giáo sư Trình ham làm chính trị hơn làm chuyên môn. Tôi rất có ấn tượng với thầy Quát về tài năng và đức độ. Thầy cùng giáo sư Lê Văn Thiêm hai người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Ecole Normale Supérieure (ENS) danh tiếng, trường chuyên đào tạo nhân tài cho nước Pháp thi vào rất khó và học bổng cũng rất cao. Rồi hai giáo sư đều có bằng tiến sĩ nhà nước về toán và cũng là hai người Việt có những công trình đầu tiên đăng ở tạp chí toán học quốc tế. Năm 1956 thầy trở lại Pháp dạy ở Đại học Caen, trở thành một chuyên gia tầm cỡ về Toán - tin. Thời còn ở Paris có lần tôi đến Caen thăm thầy, được tham quan chiếc máy tính đầu tiên IBM 650 thầy đã đóng góp nhiều công sức tính toán và lắp đặt ở trường này. Tôi cũng quen biết anh Frédéric Phạm, con trai thầy, nổi tiếng trong lĩnh vực toán Kỳ dị. Anh là giáo sư Đại học Nice, luôn là một Việt kiều không ngần ngại thể hiện quan điểm “thân Hà Nội”, vì thế ngày ấy dẫu quý trọng anh, tôi thường chỉ “kính nhi viễn chi”.

        Hôm ấy tôi đang ngồi đọc sách trong thư viện của trường, thì có một người đến tìm, tôi nhận ra ngay: giáo sư Tô Đồng của Đại học Dược khoa. Ông cũng sang Paris với tôi hồi năm 1956, làm tiến sĩ về lĩnh vực sinh hóa. Khi tôi mới về Sài Gòn gặp ông ở 41 đường Cường Đe nơi trường Dược mới chuyển từ cơ sở 169 đường Công Lý. Ông tìm tôi muốn hỏi mượn một số sách toán để soạn giáo án vì trường thiếu giáo viên, ông phải kiêm nhiệm dạy thêm môn toán giải tích cho lớp mới vào. Tôi vui vẻ đáp ứng yêu cầu của ông ngay. Chúng tôi ra phòng khách của thư viện nói chuyện. Giáo sư Đồng là người vui tính, xởi lởi và biết khá nhiều chuyện ngóc ngách trong giới học thuật cũng như xã hội thượng lưu Sài Gòn. Từ hôm gặp lại nhau, ông luôn tỏ ra thông cảm với tôi, người bị “biệt xứ” những mười năm nên ngu ngơ về chuyện chính trường trong nước. Ông kể, thời Đệ nhất Cộng hòa các thầy cũng phải đi học “Lý thuyết ấp chiến lược” tác giả cố vấn Ngô Đình Nhu. Suốt năm 1962 kế hoạch Staley - Taylor được triển khai riết ráo với biện pháp chủ yếu lập ấp chiến lược, dồn dân “tát nước bắt cá” Việt Cộng. Các giáo sư, tinh hoa trí thức Sài Gòn cũng phải tập trung ăn ở tại trại ở suối Lồ Ô gần thành phố Biên Hòa trong hai tuần lễ để quán triệt cái lý thuyết này. Trại gồm nhiều dãy lều bạt liên thông, bên trong đặt các giường gấp, ông nằm cạnh mấy vị đổng lý, chánh văn phòng Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình khai mạc lớp học, nói về chiến lược phát triển ngành giáo dục với triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng và chủ trương phấn đấu cho một nền giáo dục đại học tự trị. Trung tướng Trần Ngọc Tám nói về du kích chiến. Buổi ấy đích thân Ngô Đình Nhu đến giảng về lý thuyết mà ông ta đã ấp ủ nhiều năm từ hồi còn học ở Paris và hãnh diện coi đó là “Binh thư binh pháp mới”. Ông người tầm thước, săn chắc, nhanh nhẹn, có đôi mắt sắc lẻm như mắt con chim cú mèo. Giọng Quảng Bình của ông hơi khó nghe, đều đều, gây cảm giác buồn ngủ, thành ra suốt buổi mấy ai lĩnh hội được điều gì. Khi mở rộng vấn đề về kiến quốc, phát triển kỹ nghệ, bỗng ông chỉ tay lên trời nói rằng sấm sét trong các đám mây đen kia chứa bao nhiêu là điện lực, nếu ta biết cách thu giữ thì dùng sao cho hết. Một giáo sư dạy điện phát dẫn bỗng không kìm được khiếu hài hước, quay sang đồng nghiệp ở bên nói khá to: Ông Cố vấn làm chủ nhiệm dự án thu sét đi, chăng cháy thành con chó thui! Không ngờ câu nói ấy đến tai bọn mật vụ của Nhu trà trộn trong học viên, thế là chỉ khoảng mươi phút sau vị giáo sư mạnh mồm bị điệu ra khỏi hội trường, cả tuần không thấy trở lại. Đấy cũng là bài học giữ mồm giữ miệng cho cánh giáo sư sau này, khi ông cố vấn đến giảng vài buổi nữa ai cũng ngậm tăm, tỏ vẻ nghiêm trang, giở vở ra trước mặt giả vờ ghi chép, ruốt cuộc chẳng ghi được gì, có khi còn vẽ bậy nhăng nhít vào vở. Chỉ khi trực thăng của ông cố vấn cất lên rồi, lùa bụi mù mịt cả khu trại, để cho tan bụi các học viên mới lục tục kéo vào lớp và sự ồn ào như chợ vỡ trở lại.

        Cuộc đảo chính lật đổ anh em Diệm - Nhu, giáo sư Đồng gọi là “Cuộc cách mạng 1-11- 1963”, ông kể tiếp: Khởi đầu xảy ra binh biến lúc một giờ trưa ngày hôm trước, mọi người hoang mang không biết sự việc sẽ đi đến đâu, rồi đến trưa hôm sau đài phát thanh loan tin cách mạng thành công. Người dân tràn ra đường phố đông nghẹt, đài lại cho biết: Tổng thống Diệm và ông Nhu đã chết ngay trên xe bọc thép khi đưa các ông về dinh Tổng tham mưu, về sau nghe nói chính ông Minh Lớn ra lệnh bắn vì sợ để anh em Diệm sống sẽ truy cứu chuyện ông tham gia đảo chánh. Thế là nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ.

        Tôi hỏi thêm về số phận của vị giáo sư điện phát dẫn mạnh mồm đã rủa cố vấn Nhu là “con chó thui”, giáo sư Đồng nói ông ta bị đưa đi thẩm vấn, may mà không bị thủ tiêu, chỉ chuyển khỏi trường, sau ra khỏi ngành giáo dục. Nghe nói, ông ta bỏ nghề, làm cho một trung tâm chiêu hồi của nền Đệ nhị Cộng hòa. ông tên là Trần Mạnh Lân, Hai Lân. Tôi chợt nhớ đến anh bạn học cùng lớp “tự mãn, hãnh tiến” như lời nhận xét của cô Vương Mộng Ngọc dạo nào, không nhẽ lại là cậu ta?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM