Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:25:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18539 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 01:53:09 am »


*

*       *

        Khuya lắm rồi, Thuận vẫn ngồi thêu. Dưới những ngón tay run run vụng về vì vết thương tra tấn chưa khỏi, những cánh li ti như tia sáng của bông hoa mặt trời đỏ chói đang hiện dần lên trên vuông khăn lụa trắng ngà.

        Mồ côi cha mẹ, lớn lên trong những công việc vặt vãnh của nhà người cô nghèo bán nước mắm ở thị trấn nhỏ, Thuận chưa quen tay thêu thùa. Bàn tay còn nhức buốt. Nhưng Thuận cố thêu cho bằng được. Đã mấy đêm rồi, Thuận cặm cụi với mũi kim, kiên nhẫn như quả lắc đồng hồ thi gan với thời gian. Những ngày qua, cùng với nỗi cực nhục, đau đớn vì kẻ thù hành hạ thể xác, tình cảm Thuận cũng trải qua một cơn sóng gió đầy những căm giận, mừng vui và ân hận. Giờ đây, những tình cảm đó dồn lại thành dòng sông yêu thương chảy qua đường thêu, trút cả cho Tâm.

        Ra tù, Thuận được tiếp tục nhiệm vụ ngay. Ngày ngày cô lại đội bánh tẻ đi bán.

        Những hoạt động của Thuận hiện nay không cho phép cô đến thăm Tâm. Cô chỉ được gửi quà bánh và những đồ dùng cần thiết cho Tâm qua anh Vượng. Đêm nay nữa, Thuận quyết thức trắng để thêu cho xong chiếc khăn cho kịp chuyến anh Vượng vào thăm Tâm.

        Ghé răng cắn sợi chỉ cuối cùng, như hôn vào bông hoa, mặt Thuận rạng rỡ lên với nụ cười xúc động: Hồi ấy anh tặng em bông hoa mặt trời đỏ thắm như tấm lòng anh. Em đã cầm hoa nhưng chưa hiểu hết anh. Bây giờ em gửi bông hoa này, chắc chắn anh hiểu!

        Thuận bán hết bánh rất sớm. Chưa đầy tám giờ cô đã đưa được tài liệu từ một cơ sở Lưu Phương trở về Trì Chính. Thuận sang Kiến Thái tìm anh Vượng ngay. Qua khỏi cầu gỗ, đến đất Kiến Thái, không nén lòng được, Thuận cắm đầu chạy như một em bé. Cơ sở trại Kiến Thái của ta vẫn giữ vững. Cán bộ ta có thể làm việc, nghỉ ngơi thoải mái ở các nhà trong trại. Kẻ địch chưa ngờ tới và hễ có bóng địch nào hiện lên ở các cầu vào trại, lập tức đồng bào được báo động đề phòng.

        Những bông hoa cúc vàng, hồng nhung, thược dược tươi thắm trong các luống hoa trước thềm nhà đồng bào trong ngõ xóm, như cũng nhảy múa theo bước chân Thuận.

        Thấy bóng anh Vượng trước sân nhà, Thuận bỗng đi chậm lại. E thẹn làm cho cô mỉm cười, cô nghe rõ tiếng tim mình dồn dập trong lồng ngực.

        Anh Vượng ra tận cổng đón Thuận. Anh mấp máy chào cô không thành tiếng. Mặt anh xúc động, mắt anh tránh cái nhìn của Thuận. Anh lặng lẽ bước theo Thuận vào nhà.

        Thuận cảm thấy như hẫng bước. Cái gì làm cho anh Vượng vốn vui tính, hay đùa trở nên nghiêm trang căng thẳng như chứa đựng điều không lành. Và điều không lành được chuẩn bị dành cho Thuận?

        Cặp mắt tươi vui chứa chan hy vọng và đôi má ửng hồng trên khuôn mặt tươi đẹp của Thuận bỗng như tối sầm lại! Thuận không còn nghe rõ anh Vượng nói những gì nữa. Cô nắm chặt chiếc khăn nhỏ có thêu bông hoa mặt trời đến đau buốt từng ngón tay. Cô hiểu rõ bông hoa ấy mãi mãi ở trong lòng cô cùng với lời hứa trọn đời tiếp tục cuộc chiến đấu của Tâm!

        Chiều, Thuận lại đội bánh sang bán trước bốt cảnh binh ở phố Thượng Kiệm để đặt vào nhà số 42 những chỉ thị mới, cho những đội viên công an bí mật. Chiến dịch tấn công vào Phát Diệm đang được gấp rút chuẩn bị.

        Bọn Xứng, Ngoạn nói rằng khi ra nhà tiêu, Tâm đã trèo tường vượt ngục. Lính gác bắt buộc phải nổ súng!

        Thật vô lý! Tâm đã được ổn định tư tưởng kiên tâm chờ đợi. Bọn lính canh gác anh nghiêm ngặt như vậy. Có lẽ nào anh lại mạo hiểm thiếu suy nghĩ như thế!

        Nhiều anh em trong Đội Công an số 6 quả quyết rằng chính bọn Ngoạn, Xứng đã lật mặt, thủ tiêu Tâm. Chúng sợ đưa Tâm ra Nam Định, nếu Tâm chịu khai báo, bọn An-ga-rông sẽ biết bọn “nhóm kháng chiến” đã tiếp tay cho công an Việt Minh. Chúng sẽ nguy. Vả lại, để Tâm đi, chúng sợ công an Việt Minh lên án chúng bất lực, phản trắc, cũng rầy rà!

        Chúng không thể thả Tâm theo lệnh của Đội Công an số 6 đã cảnh cáo. Tâm đã đấu tranh công khai, cả Phát Diệm đều biết, Xéc-tơ và Nhà Chung sẽ không để chúng yên.

        Chuyện đó tới nay chưa ai biết rõ. Nhưng chắc chắn bọn cơ hội đó trước sau vẫn là con dao hai lưỡi, nguy hiểm cả cho người cầm!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 01:54:16 am »


32

CHIẾN TRƯỜNG MONG ĐỢI

        Trời trong xanh, nắng vàng rực. Oanh nhìn dòng sông Vạc đang cuộn chảy, nhìn phố phường Phát Diệm, tất cả đều như tươi rói lên trong nắng đông ấm áp. vẫn là những dãy nhà lộn xộn tạm bợ, những ngõ hẹp rác rưởi và những tháp chuông nhọn hoắt, vẫn đầy cảnh đói rách màn trời chiếu đất và bọn lính tráng các loại cầm súng đi nghênh ngang. Những tên vệ sĩ khăn vàng bẩn thỉu xoắn vào cổ như bện thừng, hằm hằm sát khí. Chúng đứng chặn các ngả phố, lối xóm xoi mói nhìn người qua lại. Nhưng trong cặp mắt tự tin của người biết trước những biến động sắp xảy ra, Oanh say sưa với một Phát Diệm đang bùng nổ và giải phóng.

        Dọc theo Đường 10, Oanh đi suốt qua các phố thân thuộc. Oanh liếc qua khu Xéc-tơ, bốt Hai Vỡi, khu vực trại pháo, các bốt canh bên cầu Trì Chính, Tòa tỉnh trưởng, trại Bảo chính đoàn, Ty công an ngụy, trại Cảnh binh, khu Nhà Chung và sân bay... Cặp mắt thông thuộc của anh kiểm tra lại những chi tiết cần thiết như ụ súng, điếm canh, hàng rào, cạm bẫy... Anh rất vui mừng thấy tất cả vẫn y nguyên, đúng như những tài liệu anh đã nắm chắc và sẽ báo cáo với cấp trên. Giặc Pháp và tay sai của chúng vẫn yên chí, sống lúc nhúc với nhau tự lừa dối để trấn an tinh thần trong cái trật tự “khu bất khả xâm phạm”. Chúng tưởng bom súng, tàn ác và những vành đai trắng “đã đẩy Việt Minh lên rừng”. Những cuộc càn quét khủng bố chà đi xát lại “diệt du, trừ cán, càn thanh” đã “phá tận gốc cơ sở kháng chiến trong các vùng nội ngoại Phát Diệm”.

        Trong mắt Oanh lúc này, số phận của bọn giặc dường như đã được định đoạt. Cơn bão táp đang lơ lửng trên đầu chúng.

        Càng nghĩ Oanh càng rộn vui. Thật bõ công những ngày gian khổ lặn lội điều tra nắm tình hình và chiến đấu trước những mưu đồ, cạm bẫy và mũi súng quân thù.

        Được lệnh lên gặp một đồng chí Trung ương để chuẩn bị chiến dịch, Oanh rất vui mừng và hồi hộp. Hai tiếng “Trung ương” đối với người cán bộ hoạt động sâu trong lòng địch nghe sao thiêng liêng và thân thương thế? Oanh linh cảm ngay được những gì đồng bào Phát Diệm đang mong đợi sắp đến!

        Trong khi Oanh đi gặp các đồng chí chỉ huy Đại đoàn Đồng bằng tại một địa điểm ở đồn điền cà phê Mác-Tanh để báo cáo tình hình địch trong Phát Diệm thì các đội viên Đội Công an số 6 đã tỏa đi khắp địa bàn để cùng chính quyền cách mạng và đồng bào địa phương chuẩn bị chiến trường.

        Mới năm giờ chiều, mặt trời mùa đông xuống nhanh, những ánh vàng yếu ớt còn lắng đọng trên ruộng cói, bờ kênh. Mọi hôm vào giờ này, anh em công an xung phong chưa vào làng hoạt động. Bây giờ thì khác, anh em về các xóm hầu như không phân biệt ngày đêm. Chỉ những nơi sát đồn bốt địch họ mới phải thận trọng chờ trời tối.

        Tổ của các anh Dụ, Tuyến đã đi hầu hết các địa bàn được phân công. Cùng với cán bộ địa phương và đồng bào cơ sở, các anh gấp rút chuẩn bị chỗ trú quân, trạm cứu thương dã chiến, dân công và lương thực, thực phẩm. Bộ đội ta sẽ từ xa hành quân vào đánh tiêu diệt sinh lực địch. Họ không thể mang vác được nhiều. Địa phương phải đảm bảo hậu cần tại chỗ.

        Cán bộ và đồng bào được biết tin bộ đội về, vui mừng khôn xiết. Nơi này mượn nhà cửa, chỗ kia xay thóc, giã gạo. Những người được chọn đi dân công thì chuẩn bị cáng thương, quang gánh hay bồ, sọt. Vì bí mật, không được nói nhiều, chưa phổ biến cụ thể nhưng trong ánh mắt nụ cười, bà con ta cũng hiểu ngày mong đợi đã đến. Không khí chiến dịch thật náo nức sôi nổi.

        Đe những công việc chuẩn bị không làm cho quân địch phát hiện được mà đề phòng, anh em công an còn phải tích cực quét đẩy hết bọn tề điệp trên đường bộ đội hành quân.

        Hôm qua Dụ đã vào nhà chánh Lạng. Tên này lên thay chánh Vọng, biết trông gương chánh Vọng nên không dám nghiệt ngã tàn ác với đồng bào. Hắn có ý giữ phận không dám va chạm với Việt Minh. Trông thấy Dụ, hắn có vẻ nghi ngờ. Dụ nói:

        - Thưa ông chánh, tôi là người tản cư, chạy tránh càn bị rơi mất giấy. Nay thấy đất lành chim đậu, xin về ở đây. Mong ông cấp cho tôi cái thẻ?

        Chánh Lạng gật đầu vẻ lưỡng lự:

        - Ông muốn được cấp thẻ thì cũng phải làm giấy tờ rõ ràng để chúng tôi làm cho đúng thủ tục.

        Vừa lúc đó có hai linh mục vào. Chánh Lạng bảo Dụ ngồi chờ. Thật khó xử, Dụ ngồi một lúc có ý theo dõi thái độ chánh Lạng. Chánh Lạng chăm chú bàn chuyện với hai linh mục như không để ý có Dụ ở trong nhà. Đợi lâu quá, sốt ruột, Dụ ra về.

        Hôm nay Dụ đến vào chập tối, có ý đề phòng, nếu chánh Lạng trở mặt có thể đối phó và rút được. Chánh Lạng sắp ăn cơm. Thấy Dụ vào, hắn vội đứng dậy ra tiếp.

        Lần này Dụ nói thẳng:

        - Nói thật với ông, tôi là Việt Minh. Tôi có một việc cần nhờ đến ông.

        - Dạ, ông cứ nói, nếu có việc gì chúng tôi giúp được chúng tôi xin giúp.

        - Bây giờ ngụy quyền các ông đang bày trò bắt dân kê khai cấp thẻ kiểm soát, ông hãy cấp cho chúng tôi mấy cái thẻ để anh em tiện đi về?

        Chánh Lạng ngập ngừng, nhưng rồi hắn ta lặng lẽ đi lấy tập thẻ để viết.

        Dụ cầm tập thẻ trong tay, cười bảo chánh Lạng:

        - Chúng tôi còn có những cơ sở cao hơn ông để cấp giấy tờ. Nhưng đây muốn thử lòng ông. Như vậy là tốt. Bây giờ ông cần nhớ cho một điều: Lúc này ông phải biết làm ngơ trước những điều ông biết.

        - Dạ vâng ạ! Tôi hiểu ạ!

        (Sau ngày Phát Diệm giải phóng, chánh Lạng đã trở thành cơ sở chống cưỡng ép di cư, có một số đóng góp cho công an Kim Sơn).

        Dụ ra đến xóm ngoài, gặp một tốp người đi thẳng đến phía mình. Anh tưởng là lính dõng, vội tìm đường tránh. Nhưng đến gần, anh chợt nhận ra trong số đó có Nhởn. Nhởn đưa các đồng chí trinh sát bộ đội đi xem xét các đồn bốt, vị trí đóng quân của giặc. Nhởn vui mừng hỏi Dụ:

        - Mình còn đưa các đồng chí bộ đội đến gặp một số bà con trước đây bị địch bắt xây bốt, xây đồn để hỏi chi tiết về xây dựng bên trong. Không biết đường sang Phú Vinh vào giờ này đi được chưa?

        Dụ cười, bắt tay từng đồng chí trinh sát bộ đội, nói:

        - Đi tự nhiên thôi. Bên ấy có thằng Vinh “dơ bê” là nguy hiểm nhất thì anh em công an xung phong đã “quét” đi từ hôm kia rồi! Còn chánh Lạng ở đây thì chẳng dám ho he.

        - Thế thì yên chí. - Nhởn nói với mấy đồng chí trinh sát bộ đội, rồi bắt tay Dụ.

        Đến mười hai giờ đêm, Dụ trở về nhà đồng chí cán bộ xã, vừa lúc gặp Tuyến. Tuyến cùng các đồng chí cán bộ huyện đi chuẩn bị bắc cầu Kiến Thái. Công việc được sắp đặt chu đáo. Bà con chuẩn bị sẵn tre, gỗ, khi có lệnh là đem ra lắp thành cầu ngay. Chỉ mất độ hai giờ đồng hồ là có cầu. Nghe Dụ nói việc chuẩn bị nhà ở, lương thực đã gần xong, Tuyến bèn gọi một số anh em công an xung phong đi kiểm tra lại địa bàn.

        Gần hai giờ sáng, các anh đến một làng công giáo toàn tòng. Ở đây việc canh phòng của địch nghiêm mật, cơ sở của ta chưa có mấy. Nhân dân còn sợ hãi uy thế cha Quỳnh, cha Đệ chưa dám chứa chấp cán bộ. Dụ đưa Tuyến vào nghỉ ở một nhà đồng bào để chờ Thông đi nghiên cứu tình hình.

        Suốt từ lúc các anh vào nhà cho đến đêm hôm sau các anh ra đi, vợ con người chủ nhà sợ hãi không còn làm được việc gì. Họ quỳ mọp trước tượng Chúa đọc kinh cầu nguyện. Thế nhưng khi có tên tay sai chỉ điểm nào đến, họ liền báo ngay cho các anh. Họ còn báo cho các anh biết nhà những tên nguy hiểm trong làng để các anh đối phó. Tình hình như vậy là rất tốt.

        Đêm hôm sau, các anh được lệnh của Huyện ủy đi đón và dẫn đường cho bộ đội vào!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 01:55:15 am »

       
33

RẠNG ĐÔNG PHÁT DIỆM

        Gần ba giờ sáng mồng mười tháng Mười hai.

        Tiếng bộc phá nổ dữ dội làm rung chuyển thị trấn Phát Diệm.

        Bộ đội ta đã bao vây chặt các vị trí địch, đồng loạt nổ súng. Lửa cháy rực trời, tiếng nổ dậy đất. Bộ đội ta ào ạt xung phong.

        Sau những phút choáng váng, bị thiệt hại nặng vì đòn bất ngờ, bọn giặc sống sót cụm nhau lại, chống trả quyết liệt. Từ những ô cửa sổ trên các tầng hai trong khu Xéc-tơ, bọn địch bắn trung liên, đại liên xối xả xuống.

        Cuộc chiến đấu trở nên gay go quyết liệt.

        Từ đầu chiều ngày mồng chín, Tuyến dẫn tiểu đoàn Thanh Lũng, đơn vị mới chiến thắng ở Đồi Sim đi thẳng một mạch từ Chợ Bến (Yên Mô) tiến thẳng vào Xéc-tơ.

        Suốt từ Chợ Bến, qua Yên Khánh, tạt qua cánh đồng Đức Hậu vào đến Trì Chính, Kiến Thái, bộ đội ta vượt qua mấy chục cái cầu lớn nhỏ qua các sông ngòi, do nhân dân vừa bắc xong, kẻ địch không hề hay biết. Điều đó đã làm cho anh em công an sung sướng tự hào, thấy được phần công sức mình đóng góp trong công tác chuẩn bị. Giờ đây được nổ súng vào đầu giặc, thật là hả dạ!

        Dần đồng chí Hòa tiểu đoàn trưởng, vào khu trại pháo Trì Chính xong, Tuyến cùng với Dụ, Nhởn, Thăng và sáu anh bộ đội địa phương, tách làm một mũi tấn công vào trụ sở Lâm tề và Ty công an ngụy.

        Bên tả ngạn sông Vạc, Oanh dẫn đường cho tiểu đoàn Sông Đà “bôn” một mạch từ Bồ Xuyên qua cầu Hà Thanh vượt đồng Yên Nhân, đến Hồng Đức tiến thẳng vào khu Nhà Chung.

        Oanh vẫn giản dị trong bộ quần áo nâu địch hậu, bên hông đeo khẩu súng côn và cái túi dết có nắm cơm nhỏ. Khi bộ đội vượt cầu Hà Thanh, cầu bị gãy, anh em hè nhau lội tràn qua sông mà tiến. Vào đến phố, hai ống quần còn ướt sũng, anh phải xắn lên quá gối. Bộc phá nổ báo hiệu tấn công, Oanh liền dẫn chính ủy Hồ xông vào khu trung tâm lùng bắt bọn phản động đầu sỏ.

        Vừa vào đến cổng Nhà Chung, thấy một bóng đen chạy vụt ra, Oanh bắn một phát cảnh cáo và hô: “Đứng lại!”.

        Bóng đen hốt hoảng nhảy ùm xuống hồ nhà thờ. Oanh tiến đến, dpi đèn pin vào mặt bóng đen. Nhận ra đó là Phan Ngọc, tên đại địa chủ, anh ruột tên tỉnh trưởng Phan Ngân, Oanh hỏi:

        - Những đứa cầm đầu ở đây đâu cả rồi?

        Phan Ngọc lóp ngóp bò lên thưa:

        - Dạ, họ lên máy bay chạy rồi ạ. - Hắn run rẩy đưa cái âu đồng - Dạ, con là dân thường, các ông tha cho. Con xin biếu âu vàng này.

        Kiểm tra kỹ, thấy trong âu đựng toàn vàng ròng, Oanh bảo Phan Ngọc:

        - Anh hãy cầm lấy vàng của anh mà về nhà, đừng chạy lung tung.

        Phan Ngọc ôm chặt âu vàng, chạy lùi phía sau. Hắn nhìn Oanh và anh em bộ đội tưởng như hắn đang nằm mơ.

        Oanh vào trụ sở Tổng bộ. Thấy có ánh đèn pin con cóc chớp chớp, Oanh bấm đèn, quát: -Ai?

        - Dạ, tôi là... là Ngu... ạ... - Hắn run sợ nói líu lưỡi.

        Oanh đã nhận ra hắn. Anh dọi đèn vào mặt hắn:

        - Mày là Nguyễn, trưởng ty thông tin?

        - Dạ, vâng.

        Oanh liền trói cổ hắn, lôi đi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 01:55:55 am »


*

*       *

        Trời chưa sáng hẳn, tiếng súng thỉnh thoảng lại rộ lên đây đó. Đồng bào Phát Diệm phấn khởi nô nức gánh cơm, xôi, các thức ăn ngon lành đi tìm bộ đội.

        Suốt đêm qua cả Phát Diệm không ngủ. Những bà con đã có chân trong tổ chức đường dây bí mật của các đoàn thể quần chúng cách mạng, từ mấy hôm nay đã bị cuốn hút vào những công việc của guồng máy chuẩn bị chiến dịch. Đêm nay nhiều người đã thấm mệt nhưng vẫn háo hức với công việc của mình. Những người trong tổ cứu thương đã sẵn sàng bông băng và thuốc men mua tích sẵn từ trước. Các mẹ, các chị đã đun sẵn nước sôi và bày sẵn giường, phản, cánh cửa bức bàn, nhưng chưa có thương binh về. Những người ở đội tải thương đã được dẫn đi theo các cánh quân ta từ chập tối. Những người chuyển đạn hay liên lạc của huyện đội, xã đội chạy đi chạy lại từ làng này sang làng khác rậm rịch trên bờ kênh. Nhiều cán bộ và đồng bào cơ sở đã thức trắng mấy đêm rồi bây giờ mệt phờ nhưng vẫn tràn đầy hăng hái phấn khởi. Dường như trên môi mọi người đều nở nụ cười và sẵn sàng báo tin chiến thắng khi gặp những người quen biết.

        Cả những người chưa được liên lạc từ trước cũng tự động tìm đến các tổ phục vụ để được tham gia việc chung. Cứ thế mỗi người một tay nấu cơm, nấu nước, làm thịt lợn, gói bánh chưng chờ đón bộ đội. Nhìn đồn bốt giặc bốc cháy, nhìn từng đoàn tù binh Âu - Phi và lính Tổng bộ rã rời lếch thếch, mặt mũi hốc hác sợ sệt, cúi gằm mặt bước đi dưới mũi súng anh bộ đội, đồng bào vô cùng sung sướng. Thật hả lòng, hả dạ!

        Thuận như một con thoi, cô chạy từ tổ cứu thương của bà Duyên, bà Tám sang tổ nấu cơm nấu nước của bà Phú, ông Đạt, ông Dinh, anh Phương và nhiều bà con khác.

        Chính Thuận cũng rất ngạc nhiên, không ngờ có nhiều bà con trong thị trấn vẫn ngấm ngầm hướng về kháng chiến và đã được tổ chức thành các tổ chức khác nhau trong các đoàn thể cứu quốc như thế này.

        Trông thấy Thuận, bà Phú níu áo hỏi:

        - Này cô ơi, nghe nói bên trường dòng Lý Đoán người ta cũng treo cờ đỏ sao vàng phải không?

        - Phải đấy bà ạ. - Thuận cười - Họ còn cho người gánh xôi thịt ra ủng hộ bộ đội.

        Bà Phú cười:

        - Sao khéo thế, phía nào cũng trở kịp!

        Ông Đạt đang nắm một nắm cơm to ngửng đầu lên nhìn bà Phú, nói:

        - Bà ơi, ở đâu mà chẳng có người biết lẽ phải trái? Trong hàng ngũ tu sĩ chắc có những người thật sự kính Chúa yêu nước.

        - Ông Đạt nói phải lắm. - Anh Phương đang xoay trần với mấy cái bếp đỏ lửa, cũng góp chuyện - Ở trong vòng nanh vuốt của bọn thực dân và phản động, thật khó biết rõ lòng người.

        Vừa lúc đó ông Tám từ bờ sông chạy về. Gặp Thuận, ông mừng quá, kéo Thuận ra hỏi nhỏ:

        - Cô biết anh Oanh ở đâu không?

        - Anh ở đằng Nhà Chung.

        - Cô chạy tìm anh ngay, anh Thông, anh Tuyến đang cần gặp anh có việc cần.

        Thuận vội vàng chạy vụt về phía Nhà Chung.

        Bộ đội, dân công đi lại đầy phố. Đồng bào Phát Diệm, nhất là các em thiếu nhi, vui mừng tíu tít quanh các anh bộ đội xem súng to, súng nhỏ và hỏi chuyện chiến đấu. Các mẹ, các chị quây quần bên mấy anh thương binh. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khắp các phố xá làng mạc ven thị trấn.

        Tuy nhiên vẫn còn một số người sợ hãi, rụt rè đứng trong nhà nhìn qua khe cửa ra đường. Họ còn trông chừng. Những luận điệu tuyên truyền xảo trá của địch làm cho họ hiểu sai anh bộ đội: “Cái quân người rừng ăn rêu đá, lông lá đầy người...”. Nhưng trong suốt thời gian quân ta ở trong thị trấn họ không hề thấy, không hề nghe nói chuyện cướp bóc, hãm hiếp mà chỉ thấy nụ cười của anh bộ đội. Dần dà cánh cửa nhà họ mở rộng. Họ bắt đầu lân la chào hỏi các anh bộ đội.

        Trong khi đó, tại ngôi nhà nhỏ ở rìa phố Phú Vinh vắng vẻ, anh chị Am được chứng kiến một cuộc chia tay lặng lẽ.

        Đồng chí chính ủy bộ đội bắt chặt tay Oanh:

        - Chúc đồng chí ở lại lập nhiều chiến công! Hẹn ngày trở lại giải phóng hoàn toàn!

        - Các đồng chí lên đường mạnh khỏe!

        Bộ đội đánh tiêu diệt sinh lực địch rồi rút ra. Anh em công an ở lại tiếp tục cuộc chiến đấu trong lòng địch. Các đoàn thể quần chúng mới được hình thành liền rút vào hoạt động bí mật. Cán bộ cơ sở lại tỏa về các thôn xóm ven đường ven phố cùng đồng bào giữ vững phong trào và tiếp tục cuộc đấu tranh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 01:57:48 am »


*

*       *

        Trên đầu từng đoàn máy bay Pháp lượn vòng. Dù đỏ, dù trắng lửng lơ đầy trời. Tiếng súng rộ lên vài nơi ngoài rìa thị trấn. Quân Liên hiệp Pháp được tăng cường, hung hăng tràn về các phố khi bộ đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ, an toàn rút ra. Oanh sốt ruột đứng ngồi không yên. Không biết Thông có hoàn thành nhiệm vụ và trở về được không?

        Đêm qua, Thông dẫn một mũi tiến thẳng từ phía Thượng Kiệm lên. Tiêu diệt bốt Hai Vời, bốt đầu cầu xong, bộ đội đánh vào đồn địch ở nhà tỉnh trưởng. Đây có hai lô cốt ngầm địch chống trả quyêt liệt. Bọn địch trong lô côt và trên nhà gác bắn đại liên xối xả chặn hết đường tiến của ta. Lửa cháy bốt đầu cầu sáng rực. Ta không thể vào gần lô cốt địch được. Đồng chí đại đội trưởng hỏi Thông:

        - Đồng chí có biết lối vào sau hai lô cốt kia không?

        Thông dẫn bộ đội đi vòng sát rìa đường phố chính, vượt một bức tường thấp, tiến sát vào ngôi nhà địch đang cụm lại sau hai lô cốt ngầm. Bị đánh bất ngờ vào cạnh sườn, bọn địch thiệt hại nặng không chống cự nổi, phải rút chạy. Thông cùng đồng đội truy kích địch, diệt ác trừ gian. Biết tin trong số giặc bị bộ đội ta bắt sống có Thanh - một người của ta - Thông liền nhờ ông Tám đi báo cáo Oanh. Oanh đã cử Tuyến và Thông đi giải thoát cho Thanh. Thanh là người đã cung cấp cho Đội Công an số 6 những cái thẻ Phòng nhì.

        Chập tối, khi lính lê dưong và vệ sĩ cầm súng đi tuần tra các ngõ xóm, Oanh quyết định phải đi tìm hai anh Thông, Tuyến. Thuận được giao nhiệm vụ đi nắm tình hình.

        Vừa nghe Oanh dặn dò, Thuận vừa vội vã vấn khăn, cải trang. Oanh dặn dò xong, Thuận đã “hóa” thành một bà nông dân răng đen, khăn mỏ quạ, nách cắp bị cói lên đường ngay.

        Một lúc sau chị Am từ ngoài cổng chạy vào reo lên khe khẽ:

        - Hai anh đã về!

        Bước vào nhà, bắt gặp cái nhìn lo lắng và vui mừng của Oanh, Tuyến và Thông cùng cười. Tuyến vui vẻ nói:

        - Báo cáo anh, công việc được hoàn thành tốt. Thanh đã “vượt ngục” an toàn! - Tuyến cười, xoa hai tay - Bây giờ chắc anh ấy đã nhập vào quân Liên hiệp Pháp đi “truy lùng Việt Minh”!

        Oanh cười. Anh rót trà bưng mời anh chị Am, Tuyến và Thông uống. Mấy người ngồi gần lại bên nhau. Chị Am xuýt xoa:

        - Các anh về sớm tí thì cô Thuận đỡ phải đi!

        Thông băn khoăn hỏi anh Oanh:

        - Hay để tôi chạy theo tìm cô ấy lại?

        - Không cần. - Oanh lắc đầu tự tin - Cô ấy sẽ về cơ sở luôn.

        Thông nhìn bâng qua ra cổng, không khỏi ái ngại. Không biết Thuận đi đến đâu rồi, có được an toàn không?

        Thế rồi mỗi người một việc, mãi mấy tháng sau anh em trong đội mới có dịp gặp lại Thuận. Hôm đó, nhân đưa các cháu con anh chị Bích Hưng ra học ở vùng tự do trở về, Thuận đã thuê thợ đá Nga Son đục cho Tâm một cái bia. Thấy Thuận đầm đìa mồ hôi đội cái bia đá đi bộ mấy chục cây số, có đồng chí cảm động nói:

        - Thuận ạ, còn nhiều đồng chí và đồng bào Phát Diệm nhớ rõ chỗ Tâm nằm... Sau này chúng ta sẽ đưa anh ấy vào nghĩa trang liệt sĩ.

        Thuận lắc đầu, nói giọng trầm tư đầy tự chủ:

        - Em biết. Nhưng, em muốn đến ngày chiến thắng bốc đưa anh về quê. Sợ nữa công tác bận không được ra thăm anh luôn. Đang đánh giặc, nhỡ có những biến đổi?

Phát Diệm, 1974       

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM