Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 01:44:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam tước Phôn Gôn-rinh  (Đọc 54646 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #240 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2018, 07:49:10 pm »

   
        Trong một giây, Béc-gôn trông theo bóng anh bằng đôi mắt đờ đẫn. Cái ý nghĩ bị mất đứt hơn hai triệu mác mà lão định cướp đoạt để an hưởng nốt cuộc đời đầy tội ác của mình làm cho lão hóa dại. Nhưng bỗng nhiên lão sực tỉnh và hiểu rằng vấn đề lúc này không phải là đồng tiền mà tính mạng của bản thân.

        - A.. a... a!- Lão lại điên cuồng hú lên một hồi nữa và như một con thú dữ, lão vùng thoát khỏi tay Men-ta-rốt-si.

        - Coi chừng đấy! - Men-ta-rốt-si thét to cho Hen-rích nghe tiếng.

        Hen-rích ngoái nhìn lại.

        Tên Béc-gôn hung dữ, mồm sùi bọt mép đang lao thẳng về phía anh. Vừa chạy lão vừa rút phăng khẩu súng lục ra. Hen- rích cũng vội nâng khẩu súng ngắn của anh lên, nhưng ngay giây phút-ấy một phát súng đã nổ vang...

        ... Béc-gôn còn theo đà chạy thêm được vài bước nữa rồi ngã gục xuống, đập mặt vào chiếc xà chắn. Viên đạn của người chỉ huy du kích Ga-ri-ban-đi đã chọc thủng gáy lão.

        - Anh đi đâu bây giờ?- Khi Hen-rích đã ngồi yên trên xe, Men-ta-rốt-si tò mò hỏi.

        - Tôi về quê - Hen-rích cười tươi tắn - Chúc các anh may mắn nhé! Chắc là không có tôi, các anh vẫn đủ sức tiêu diệt đội quân của Lem-ke và cứu sống anh em nghĩa quân trong nhà máy chứ?

        - Anh chưa đi tới dãy núi kia thì có lẽ anh em đã ca khúc khải hoàn với chúng tôi rồi. Thôi, anh đi bình yên nhé! Xin cảm ơn anh đã giúp chúng tôi rất nhiều việc.

        Người chỉ huy đội du kích Ý cùng chàng sĩ quan tình báo Liên Xô siết chặt tay nhau, bùi ngùi. Chiếc xe hòm mở hết máy bon trên con đường thẳng tắp, chạy ngược chiều Cát- sten La Phông.

*

*       *

        Ngày mồng 2 tháng 5 năm 1945, một chàng thanh niên mặc bộ quần áo màu ghi nhạt, đeo băng tang trên tay áo và cầm một bó hoa hồng bạch bước vào nghĩa trang của thành phố Xanh Rê-mi.

        Cụ già gác cổng nghĩa trang đang lúi húi làm đồ chơi cho thằng cháu trai tò mò nhìn theo bóng người khách lạ. Cụ đã quen mặt tất cả mọi người dân Xanh Rê-mi, nhưng quả thật cụ mới trông thấy chàng trai trẻ này lần đầu. Chốc chốc cụ lại dừng tay, trông về phía hai ngôi mộ có hàng rào bao quanh mà người khách lạ vừa bước đến. Anh ta ngồi yên, không nhúc nhích trên chiếc ghế đá nhỏ, chỉ thỉnh thoảng mới cúi xuống loay hoay nâng vuốt những cánh hoa trên nấm mộ sát chỗ anh ngồi.

        - Đau khổ! Tất cả đều đau khổ, cả trẻ lẫn già! Chiến tranh là thế đó! - Cụ già lắc đầu, chép miệng và tiếp tục đẽo nốt khúc gỗ.

        Lại một người khách nữa đến khiến ông lão gác cổng phải dừng tay. Đây cũng là một chàng trai trẻ, nhưng rõ ràng ông cụ quen biết anh ta lắm. Sau khi chào hỏi xong, ông cụ liền báo tin:

        - Có người nào đang ngồi bên hai ngôi mộ của gia đình ấy. Không phải là dân địa phương đâu. Lão mới trông thấy anh ta lần đầu.

        Chàng thanh niên vội vàng đi về phía người lạ mặt đang ngồi. Từ xa, anh đã trông thấy mái tóc nâu sẫm xoã tung trước gió và cái thân hình hơi cúi xuống.

        - Xin lỗi ông - Người thanh niên mới đến vừa cất tiếng, rồi bỗng im bặt - Ô, té ra anh!

        - Bonjour1 - Hen-rích nói khẽ và nắm lấy bàn tay của anh cô Mô-níc. Hen-rích mới trông thấy người ấy lần thứ hai trong đời, nhưng cặp mắt của anh ta giống hệt cặp mắt của Mô-níc, cặp mắt rất quen thuộc và vô cùng thân yêu đối với Hen-rích. Cho nên chả cần phải hỏi họ tên ngưòi đang nói chuyện với mình, Hen-rích vẫn nhận ra người ấy là ai rồi.

        - Mẹ tôi vừa mất cách đây ít lâu thôi... Mẹ tôi nhắc đến anh luôn...

        - Đừng nói những chuyện ấy nữa, anh Giăng!- Hen-rích đứng đậy, đôi mắt anh rớm lệ - Nhờ anh chuyển hộ lời thăm hỏi của tôi cho tất cả những người quen biết, nhất là anh Phơ-răng-xoa.

        - Cảm ơn anh. Anh Phơ-răng-xoa cũng thường nhắc đến anh luôn.

        - Còn cô Lút-vin dạo này ra sao?

        Nét mặt Giăng tối sầm lại.

        - Chúng giết chị ấy rồi!- Anh trả lời cụt lủn và quay mặt đi.

        - Chắc bác Ảng-đò-rây còn sống chứ? Anh có gặp bác ấy không?

        - Bác Ăng-đờ-rây vẫn ở đây, nhưng vừa đi Pa-ri rồi.

        - Bao giờ anh viết thư cho bác ấy thì thể nào anh cũng nói hộ là tôi kính gửi bác những lời chúc mừng chân thành nhất nhé.

        - Nếu biết là tôi đã gặp anh thì bác tôi rất vui mừng nhưng có lẽ bác cũng rất buồn vì không được gặp mặt anh.

        Một phút im lặng bồi hồi. Trên môi hai người đều mấp máy một cái tên chung, nhưng họ đều sợ không dám thốt lên vì quá cảm động trước cuộc gặp gõ đột ngột gợi lại biết bao kỷ niệm xưa.

        - Thôi, từ biệt anh Giăng nhé - Hen-rích không chịu nổi giây phút căng thẳng. Anh cảm thấy như có vật gì chẹn lấy cổ họng mình - Anh hãy chăm nom ngôi mộ của cô ấy. Tất cả tâm hồn và trí óc của tôi sẽ luôn luôn hướng về nấm đất này.

        Hen-rích nghiêng đầu chào rồi hấp tấp bước ra cổng.

-----------------
        1. Bong-jua: lòi chào buổi sáng của người Pháp.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #241 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2018, 07:28:39 pm »

           
ĐOẠN KẾT

        Mùa xuân mới kỳ diệu làm sao kia chứ!

        Nó bừng bừng hơi men như cốc rượu vang, nó rạo rực như niềm vui sướng, nó gắn bó mọi người chẳng khác gì niềm hạnh phúc.

        Đã bốn năm ròng người ta sợ trời cao, mà cái chết từ đó trút xuống với những tiếng gầm rít khủng khiếp. Đã bốn năm ròng lòng người đau nhói khi giở từng trang báo, bởi vì thậm chí sự chiến thắng cũng mang lại nhiều tổn thất mới. Người ta hằng lo âu khi mở cánh cửa sổ đêm đêm buông rèm kín mít. Người ta hốt hoảng xé vội góc chiếc phong bì hình tam giác từ mặt trận gửi về. Người ta dè dặt hỏi nhau tin tức của bạn bè thân thuộc. Bởi vì đâu đâu có thể nghe thấy cái chữ kinh khủng và tàn nhẫn: chết!

        Đây là lần đầu tiên sau những năm dài đằng đẵng ấy người ta dám tin chắc rằng bầu trời đã trở lại sắc xanh biếc, trong sáng tuyệt vời, tin rằng trên trời đã mất hẳn bóng dáng những đàn quạ sắt kỳ quái sơn dấu hiệu chữ thập ngoặc đi gieo rắc cái chết. Giờ đây, làn không khí tháng năm ngây ngất đang tràn qua các cửa sổ rộng mở, không mang theo mùi tanh hôi khét lẹt của chiến tranh. Và mọi người đều thở căng lồng ngực, hít lấy khí trời trong lành thấm đượm cả ánh nắng vàng rực rỡ lẫn niềm yêu đời của mùa xuân và hạnh phúc của cuộc sống.

        Trên đường phố những người không quen biết cũng chào hỏi nhau. Nếu tình cờ có hai người bạn gặp nhau và vừa ôm chầm lấy nhau vừa rú lên: "Còn sống hả"! thì ai nấy đều dừng cả lại để chia sẻ nỗi vui mừng vô hạn.

        Và hết thảy mọi người, nếu không reo mừng trên môi thì cũng véo von trong tim một tiếng cực kỳ đẹp đẽ và sung sướng: HOÀ BÌNH!

        Ôi, bây giờ con người đã bắt đầu hiểu hết giá trị của nó! Bây giờ chẳng có tiếng nào đáng giá hơn tiếng ấy. Bởi vì ai nấy đều biết chiến tranh là chết chóc, hòa bình là sống còn!

        Một chàng sĩ quan trẻ tuổi mặc quân phục đại úy quân đội Liên Xô đang đi giữa phố phường Mát-xcơ-va chả khác gì những sĩ quan trẻ tuổi khác mà anh ta gặp. Cặp mắt cũng sáng ngời hạnh phúc và xúc cảm, trên môi cũng nở nụ cười hồn nhiên. Có lẽ chỉ khác ở chỗ là anh ta ngắm nhìn người xung quanh với vẻ quá phấn khởi và đặc biệt là anh ta cứ chòng chọc nhìn vào mặt khách qua đường tựa hồ như cố tìm kiếm cho ra bạn bè thân thích.

        Đến gần một ngôi nhà, viên đại úy dừng chân và đọc đi đọc lại mấy lượt tấm biển đóng trên tường cạnh lối ra vào. Sau khi xốc lại áo quần vốn đã tề chỉnh sẵn, đại úy đường hoàng bước vào nhà rồi theo cầu thang trèo lên tầng gác thứ hai. Cánh cửa quen thuộc bọc da nhân tạo đây rồi! Đại úy khẽ gõ cửa.

        Một câu nói ầm ừ khiến anh e ngại. Sao thế? Cho vào hay là bảo đợi? Nhưng anh không đủ sức nén lòng mình được nữa nên cứ đánh liều đẩy cửa.

        Ánh nắng chói lòa tràn ngập khắp căn phòng làm việc rộng thênh thang làm cho người đại úy trẻ chưa nhận ra ngay được người đang ngồi bên bàn. Trong chốc lát, anh đã đoán ra rằng đây chắc là người mà mình đang tìm gặp.

        -  Xin phép báo cáo: đại úy Giôn-sa-ren-cô đã hoàn thành nhiệm vụ và đã đến nhận lệnh của đồng chí.

        Đại tá Ti-tốp đứng dậy, đi vòng ra phía trước bàn và bỏ qua cả tác phong chào quân sự đã quy định trong điểu lệnh, ôm ghì lấy người đại úy trẻ hôn liền ba lần như cha hôn con sau một thời gian xa cách lâu ngày.

        - Thôi, ngài Nam tước Phôn Gôn-rinh hãy ngồi xuống! -  Đại tá vừa cười ha hả vừa ngắm nghía thân hình ngay ngắn của người đại úy trẻ - Thế là cậu về rồi đấy nhỉ... Hà, hà, tớ thấy rồi... Khỏe mạnh, lành lặn, chưa chết! Cừ lắm! Tớ phục cậu đấy!

        Hai bên ngồi đối diện nhau và cười hể hả.

        - Thú thật là tớ cứ lo ngay ngáy cho cậu, chả dám hy vọng đầu đi đuôi lọt đâu nhé! Tớ cứ nghĩ khôn nghĩ dại nhỡ ra cậu nhầm lẫn một chi tiết nào đó thì không biết sẽ ra sao? Người ta thường nói có thể nhớ được những điều cơ bản, còn những điều tỉ mỉ thì trí nhớ rất có thể phản bội mình... Nhưng được cái là bố hắn mang hắn đi khi còn bé tí...

        - Thưa Đại tá, tiện thể tôi muốn biết kẻ trùng tên với tôi hiện giò ra sao rồi?

        - Hắn không giống như thằng bố Đi-gơ-phơ-rít của hắn. Có lẽ đó là do ảnh hưởng của xã hội. Từ bé hắn đã được sống giữa một đám người khác hẳn. Sau khi bị dồn vào thế bí, Hen-rích Phôn Gôn-rinh liền thú nhận tất cả, cậu đã hỏi chuyện hắn thì biết đấy... Do những biểu hiện đúng đắn nên tòa án đã giảm nhẹ tội cho hắn... Thôi, những chuyện đó chỉ là chuyện phụ hết. Điều cốt yếu là cậu vẫn sống và trở về nước lành lặn!... Cậu đã báo tin cho ông cụ biết chưa?

        - Thưa chưa ạ! Thậm chí tôi còn sợ chưa dám viết thư. Nếu bỗng chốc tôi hiện về thì sẽ ra sao?... Vì đã bốn năm rồi còn gì!

        - Hiện về khỏe mạnh và lanh lợi! Tôi đã biết tin là ông cụ vẫn làm công nhân bẻ ghi ở quãng đường sắt cũ.

        - Nếu Đại tá cho phép thì tôi sẽ về thăm thầy tôi ngay hôm nay.

        - Phải cho phép chứ! Chỉ cần là cậu chớ quên thay mặt tớ xin lỗi ông cụ. Nên giải thích cho cụ hiểu rõ điều hơn lẽ thiệt. Ông cụ vốn là người sáng suốt tất hiểu ngay!... Còn từ nay về sau cậu định làm gì hở Gơ-ri-gô-ri Páp-lô-vích?

        - Trước đây tôi đã rời ghế trường đại học sinh ngữ để tòng quân. Bây giò tôi chỉ muôn xin lại tấm thẻ sinh viên.

        - Thẻ sinh viên à?... Còn gì nữa, giải quyết thế là hợp tình hợp lý lắm. Lại trở về với nghiên bút đi. Chúng ta đã bất đắc dĩ phải cầm gươm cầm súng, giờ đây, chúng ta lại trở về với ruộng đồng, nhà máy, bút nghiên.

HẾT Cuốn Nam tước Phôn Gôn Ring)

        Hãy đọc tiếp : Giữa những hiệp sĩ đen (trọn bộ)
                          (Phần tiếp truyện “Nam tước Phôn gôn-rinh")

        Link : http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=31345.new#new
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM