Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:34:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Yêu tinh  (Đọc 21311 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:11:46 pm »

An ôm vội lấy thằng bé. Nó mở đôi mắt đục ngầu ngước lên nhìn. Nhận được ra An, nó khẽ thốt lên:
   
- Bố!
   
An chỉ còn biết cắn chặt môi cho hai dòng lệ khỏi chảy ra. Mãi sau anh mới mở ba lô lấy mấy phong bánh đậu xanh, mua khi tàu qua ga Hải Dương. Đôi mắt rất mệt mỏi của đứa bé như sáng lên được một chút. An ghì chặt lấy nó, cố giấu mặt mình vào bộ ngực lép xẹp của nó.

Cả cái gia đình nhỏ bé ấy trò chuyện với nhau chưa quá được một giờ đồng hồ, An đã phải trao con cho vợ:
   
- Anh phải đi lên Bộ đây, hết giờ, anh sẽ về.
   
Thuỳ đỡ lấy con, gật đầu:
   
- Vâng, công việc thì anh cứ đi. Chiều nay em xin nghỉ sớm một tiếng, về nấu cơm anh ăn...
   
- Được rồi. Tối nay anh sẽ vào viện ngủ trực thay cho em.
   
- Đông lắm! Không có chỗ ngủ cho gia đình đâu! Người ta phải trải chiếu ngủ cả ở hành lang... Thôi cứ để em!
   
- Không. Em quên là anh đã từng bao năm ngủ rừng, ngủ bụi à? - Anh đi đây!

Cúi xuống hôn con đến mấy lần An mới quay ra được. Gương mặt mét xanh của đứa trẻ nhìn theo, bỗng như thoáng hồng thêm lên được một chút...

 
*
 *     *

Đúng 13 giờ 30 An đã vào tới Bộ. Anh đến thẳng Cục bảo vệ chính trị và trước hết là hệ Mỹ nơi làm việc chính của anh. Ông Thạc trưởng phòng cùng ông Trường phụ trách Hệ cũng vừa mới tới (Hệ nằm trong Phòng), cả hai người vui vẻ, thân mật xiết chặt tay An. Ông Thạc, ông Trường thuộc lớp đàn anh, mỗi ông hơn An chừng gần chục tuổi (chưa già gì, lẽ ra gọi bằng anh cũng đúng, nhưng hai “ông” thường được anh em xưng hô thân mật như vậy). Ông Thạc hơi gầy, có miệng cười rộng rãi, vẻ rất hiền hoà. Ông được coi là một trong những cán bộ cấp phòng có năng lực và có đức độ nhất. Ông Trường cùng tuổi với ông Thạc nhưng nom khoẻ mạnh, vững chãi hơn nhiều. Hai gò má và vầng trán cao cùng đôi mắt sắc tạo thêm cho ông vẻ năng nổ, sắc sảo và cứng cỏi. Ông là một cán bộ rất giàu kinh nghiệm, nhưng cũng là người cương trực, thường được coi là bướng bỉnh.

- Tí nữa cậu An sẽ báo cáo với anh Công Năng cục trưởng nhé! - Ông Thạc ân cần nói - Nhưng Bộ trưởng cũng trực tiếp nghe đấy! “Cụ “sắp đến! Chiều qua “cụ” vừa nhắc tới cậu xong.
   
An chưa kịp hỏi lại, ông Thạc đã chỉ tay:
   
- Mà kìa, xe “cụ” đã đến!
   
Một chiếc xe con Max-cơ-vích từ từ tới bên bậc tam cấp. Một ông khá cao lớn, mặc đại cán bằng kaki, đầu trần, tóc cắt ngắn kiểu bàn chải, khuôn mặt đầy đặn, hai lỗ mũi rộng, vẻ người vừa đĩnh đạc, vừa lanh lợi, bước nhanh lên thềm. Mọi người cùng cất tiếng chào, ông vui vẻ bắt tay cả ba, nhưng dừng lại lâu hơn ở An:
   
- Cậu mới về hả? Mệt không? Thôi, vào cả đây! Vào đây, ta làm việc luôn!
   
An và hai ông Thạc, Trường cùng đi theo ông. Vào phòng họp, ông Quốc trực tiếp chỉ cho An chiếc ghế đối diện với mình. Liếc nhìn sang hai bên, anh thấy ông Công Năng cục trưởng, một người tầm thước có gương mặt sáng sủa và ông Thanh Giang chánh Văn phòng Bộ kiêm Văn phòng Đảng ủy, một người nom khá đẹp mã. Đây là hai nhân vật đầy quyền lực trong Bộ, và cũng là hai cán bộ cấp Cục giàu kiến thức và rất sắc sảo, thường được Bộ trưởng gọi vui là “ông võ và ông văn”. An không khỏi choáng ngợp một chút trước thành phần tham dự quan trọng này.
   
- Bây giờ cậu báo cáo đi. Càng tỉ mỉ càng tốt.Điện dưới đó tôi nhận được rồi. Nhưng cần biết thêm nhiều chi tiết... - ông Quốc cất cái giọng trầm và khoẻ nói.
   
Nhưng khi An chưa kịp cất lời, ông mỉm cười nói thêm:
   
- Cho cậu trình bày cả những ý kiến, nhận xét của riêng cậu. Tôi biết cậu là tay hay có nhiều ý kiến độc lập...
   
An gượng gạo cười:
   
- Báo cáo Bộ trưởng, cũng không có ý kiến gì đâu ạ.
   
- Không sao, cứ mạnh dạn đi, đồng chí trinh sát ơi.! Tôi rất thích những ai có ý kiến khác với mình... - Ông Quốc nói rồi ngả người ra thành ghế cười ha ha, đầy vẻ bao dung. Trong khi đó ông Công Năng con người nổi tiếng thông minh nhưng cũng nổi tiếng chặt chẽ, chỉ thoáng mỉm cười.
   
Thái độ của ông Quốc khích lệ An khá nhiều. Anh trở nên có cảm hứng và báo cáo liền một mạch mọi việc từ lớn tới nhỏ chung quanh vụ tên Xuyên - gián điệp Mỹ mà tỉnh vừa phát hiện ra...
   
Ông Quốc ngồi hút thuốc lá liên tục, im lặng lắng nghe. Đôi lúc ông mới rút bút ghi chép. Ngồi gần, An càng nom rõ gương mặt rất có uy của ông. Rõ ràng đây là một con người đầy quyền lực và cũng là một con người đầy mưu lược.
   
Sau khi An báo cáo xong, ông chỉ hỏi thêm một vài chi tiết. Hai ông “Văn”, “Võ” cùng hai ông Thạc và Trường đều không có ý kiến gì. Điều này làm An có thể yên tâm là có thể anh đã báo cáo khá đầy đủ.
   
Đến lượt ông Quốc nói. Ông không đi ngay vào công việc cụ thể ở tỉnh mà trước hết tóm tắt lại tình hình chung về an ninh, như có ý phác cho An một cái nền cơ bản để giúp anh có thể tiếp tục suy nghĩ ở tầm rộng hơn, do đó có thể hành động tốt hơn nữa. Tóm tắt, nhưng ông vẫn nói từ A đến Z. Đó là phong cách dường như cố hữu của tất cả các cấp, các loại cán bộ đương thời, không loại trừ ông Quốc, dù ông là một lãnh đạo cao cấp rất năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Loại “lính còn tương đối trẻ” như An khi nghe “các cụ” nói thường rất sốt ruột. Nhưng bao giờ vẫn cứ phải tỏ ra lắng nghe một cách thật nghiêm chỉnh, ít nhất cũng là để bày tỏ sự lễ độ, lịch sự. Ông Quốc nhắc lại: từ 1956 Mỹ - Diệm đã kiên quyết không thương lượng với ta về việc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Không những thế, chúng còn ráo riết tiến hành “cuộc chiến tranh đơn phương” nhằm quét sạch các cơ sở cách mạng và kháng chiến của ta ở miền Nam. Đi đôi với các chiến dịch gọi là tố Cộng, diệt Cộng rất tàn bạo, chúng đã xúc tiến các hoạt động ngầm: tích cực tuyển mộ, tổ chức và huấn luyện gián điệp biệt kích để tung vào các vùng giải phóng. Gần đây, cuối năm ngoái (11 - 1960), theo đề nghị của chi nhánh CIA ở Việt Nam, nhóm đặc biệt (bí số: Ban 5413) thuộc Hội đồng An ninh Hoa Kỳ (NSC) đã chính thức quyết định cho phép CIA ở Nam Việt Nam mở rộng các hoạt động gián điệp bán vũ trang (có nghĩa là gián điệp biệt kích) ra cả miền Bắc để vừa làm tình báo, vừa phá hoại, vừa gây cơ sở, xây dựng các mật khu chuẩn bị cho chiến tranh lớn. Mấy năm vừa rồi chủ yếu chúng mới dùng gián điệp đơn ném ra Bắc, mà chủ yếu mới chỉ là vùng ven giới tuyến, hoặc Quảng Bình và chớp nhoáng rồi rút về Nam ngay. Nay sẽ có gián điệp biệt kích đường dài tung ra, cắm sâu, cắm lâu trên miền Bắc. Hiện nay Staley - một người thân tín của Kennedy cầm đầu một phái đoàn Mỹ đang có mặt ở Sài Gòn, và sẽ còn có cả một danh tướng của Mỹ: tướng Taylor sẽ sang cùng phối hợp lập một kế hoạch chiến lược nhằm thí nghiệm một kiểu chiến tranh mới mà chúng gọi là “Chiến tranh đặc biệt ở Việt Nam”. Kế hoạch này, theo “nguồn tin riêng của ta trong đó” sớm nắm được đã báo cáo ra: sẽ có 3 nội dung chủ yếu là: Bình định miền Nam trong 18 tháng - Tăng cường quân sự và khôi phục kinh tế ở miền Nam, đi đôi với tăng cường phá hoại miền Bắc - Cuối cùng là tấn công ra Bắc. Mỹ đã coi chiến tranh gián điệp biệt kích là một khâu trọng yếu của kế hoạch này. Như vậy tình hình đã khác trước nhiều…
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:15:23 pm »

Nói tới đây ông Quốc tạm dừng lại và cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái khái niệm về chiến tranh đặc biệt, cũng như vị trí trọng yếu của các hoạt động gián điệp biệt kích trong toàn bộ kế hoạch Satley - Taylor sắp được Washington chính thức thông qua... Rõ ràng ông rất muốn An và mọi người cùng hiểu và ghi nhớ cho sâu vấn đề này.
   
- Báo cáo Bộ trưởng, xin cho phép tôi được hỏi một câu, có được không ạ? - An mạnh dạn giơ tay.
   
- Được, cậu cứ nói!

- Báo cáo Bộ trưởng, vậy cái tên gián điệp mà ta đang truy lùng ở Quảng Ninh có phải là một trong những việc bắt đầu thực hiện cái kế hoạch kia không ạ?
   
- Không! Đó là gián điệp đơn thôi, mặc dầu đây có thể là một “con cá to”. Chưa phải gián điệp - biệt kích! Các đồng chí phải chú ý: hai khái niệm này khác nhau! Tôi nghĩ là sẽ không đợi cái kế hoạch Staley - Taylor được Hoa Thịnh Đốn chính thức thông qua, mà chúng có thể sẽ sớm có những hoạt động gián điệp biệt kích ra Bắc. Vì sao? Vì tình hình trong Nam đang vỡ ra rất nhanh. Thêm nữa, chúng đã biết rõ con đường 559 của ta làm hai đầu Nam, Bắc đã nối được với nhau, như thế có nghĩa là sự chi viện cho miền Nam của ta đã có thể bắt đầu ở với quy mô khác trước. Một ngày là một khác. Vậy chúng đang rất sốt tiết. Hiểu chứ?
   
- Dạ, hiểu ạ!
   
- Bây giờ ta trở lại với chuyện tên Xuyên mà cậu vừa hỏi - Ông Quốc tiếp tục - Trước hết tôi muốn nhấn mạnh tới một điều mà cũng là một bài học lớn đang nóng hổi của chúng ta. Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao ta lại sớm phát hiện được một tên gián điệp quan trọng mà Mỹ - Diệm đã tốn công sức chuẩn bị rất kỹ để đánh ra Bắc như thế? Câu trả lời đã rõ ràng: vai trò cả nhân dân! Thật vậy, chúng ta không, hoặc chưa tài giỏi gì trong cái nghề an ninh này. Nhưng do quán triệt Nghị quyết Đại hội III, lại có thêm tài liệu thu được thông qua những tên và nhóm gián điệp cài cắm, tháng 12 năm rồi (1960) Bộ ta đã có chỉ thị số 69 về việc chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng để đổi phó với âm mưu của Mỹ - Diệm. Chỉ thị này đã đưa xuống khắp các địa phương, mà trọng điểm là biên giới, miền núi và bờ biển... Chỉ thị ấy đã đẩy mạnh được “phong trào toàn dân phòng gian bảo mật”, và ‘‘Phong trào bảo vệ, trị an”. Cũng từ chỉ thị ấy, ta đã mở được một cuộc vận động rộng rãi làm cho mọi người dân làm tai mắt cho công an, cùng tham gia đấu tranh chống phản cách mạng và gián điệp biệt kích... Chính vì thế nhân dân Quảng Ninh đã giúp ta kịp thời phát hiện ra tên Xuyên. Có đúng thế không?
   
- Dạ, thưa đúng như vậy.
   
- Đó! Đó là những “bảo bối” của chúng mà quân thù hoàn toàn không thể có được. Nắm vững được những “bảo bối” ấy, rồi đây cho dù có “gió táp mưa sa” đến thế nào, ta cũng chẳng ngại. Không có bất cứ kỹ thuật nào, phương pháp nghề nghiệp nào, phương tiện hiện đại nào có thể thay thế được hoàn toàn cái “Thế trận lòng dân” ấy đâu! Anh em hiểu cả chứ!
   
- Dạ, hiểu! - Mọi người lại cùng đáp.

- Bây giờ tôi hỏi cậu An về mấy phương án của tỉnh…
   
- Báo cáo, vừa rồi tôi chỉ báo cáo mọi việc không dám bày tỏ ý kiến của mình về mấy phương án ấy. Vì Công an tỉnh và Tỉnh uỷ đã điện xin ý kiến của Bộ và Khu uỷ. Bộ và Khu uỷ chưa trả lời, tôi chưa dám phát biểu!
   
- Ý thức tổ chức thế là tốt - ông Quốc cười - Nhưng bây giờ tôi tham khảo cậu. Cậu cứ nói đi! Tôi tin là cậu đã có chính kiến.
   
Được khuyến khích, An mạnh dạn:
   
- Báo cáo, Bộ đã cho phép, tôi xin nói: theo tôi không chấp nhận bất cứ điều kiện nào của tên Xuyên! Nên theo phương án hai của các anh ở địa phương là tốt hơn cả.
   
- Thế còn ý kiến về việc bắt bà mẹ nó, cậu nghĩ thế nào?

- Báo cáo, tôi nghĩ không nên bắt. Chúng ta cần tỏ rõ là rất nhân đạo, biết kiên nhẫn chờ đợi mọi sự hồi tâm... Tất nhiên không bắt nhưng ta phải cho giám sát chặt chẽ. Thế nào nó cũng phải mò về hoặc bà mẹ thương con nhất định cũng sẽ phải tiếp tục tìm cách tiếp tế cho nó. Chúng ta kiên trì thuyết phục bà mẹ nên khuyên con ra hàng. Đó là cách thương con đúng đắn, tốt nhất. Bà ấy sớm muộn cũng sẽ hiểu ra.
   
- Đúng! - Ông Quốc bật lên nói, rồi cười vang - Đúng! Cậu đã suy nghĩ giống như chúng tôi trên này đã nghĩ.
   
Rồi ông hào hứng gật đầu, tiếp:
   
- An ạ, về chuyện bà mẹ, thế là cậu đã nắm được một trong những đặc điểm của công tác phản gián, an ninh của chúng ta là: mặc dầu công tác này cũng cần có nhiều thủ pháp, mưu kế, không thể đơn giản, cần có cả những phương tiện hiện đại tối tân nữa nếu như sau này sẽ có, nhưng về cơ bản ta hoàn toàn khác với địch ở một điều thật sâu sắc. Đó là tính nhân đạo và sự chân chính cách mạng. Các cậu đã nghe nói và cũng đã đụng đầu với thằng Lansdale gián điệp quái sỏ của Mỹ hồi di cư đấy! Nó được giới báo chí quốc tế và cả tình báo, gián điệp quốc tế đều biết tiếng, nhưng cả thế giới đều chửi nó là tên khốn kiếp, thằng lưu manh. Vì sao? Vì những thủ đoạn vô cùng đê tiện, độc ác, bẩn thỉu của nó trong các hoạt động gián điệp. Cậu vẫn nhớ chứ? Chúng vu cáo, lừa đảo, dựng chuyện, chia rẽ, tung tài liệu giả, thậm chí bí mật thủ tiêu những ai chống đối hoặc không ăn cánh với chúng một cách tàn bạo, không ghê tay... Tất cả những thủ đoạn ấy chúng đã áp dụng triệt để đối với các giáo dân, nông dân hết sức ngây thơ và cả tin của chúng ta...
   
- Thưa tôi vẫn nhớ.
   
- Vậy, thôi nhé! Bây giờ đồng chí Thạc cho điện trả lời Quảng Ninh ngay: tôi đồng ý phương án hai. Và chỉ phương án hai! - Nói đoạn ông lại quay trở về với An - Còn cậu cũng cần tiếp tục trở lại đó ngay! Đồng chí Trường ạ - ông quay về phía ông Trường, người phụ trách hệ Mỹ và là thủ trưởng trực tiếp của An - đồng chí cũng vậy, nên thu xếp để xuống trực tiếp thêm ở dưới đó. Sự việc đang phát triển và chắc sắp tới một khúc quanh đấy!
   
- Rõ, thưa Bộ trưởng? - ông Trường đứng dậy đáp. An cũng đứng dậy, nghiêm chỉnh giơ tay chào rồi xin phép quay ra trước. Nhưng ông Quốc bỗng gọi giật lại:

- Này! Còn cái chuyện thằng cu nhà cậu ấy mà, anh em trong phòng, trong Cục vừa được biết. Cứ yên chí! Anh em sẽ giúp cậu trông nom thằng bé. Đừng có lo, nhá!
   
An đứng sững lại. Anh không ngờ lại còn chuyện này. Thuỳ đã cho anh biết là chị không báo vào trong này, e phiền các chú, các anh. Vậy mà...
   
Ngoái nhìn lại Bộ trưởng, anh thấy ông đúng là một cán bộ cách mạng tiền bối, xuất thân là công nhân chính gốc, thực sự đáng tôn kính cả về tài năng, sự sắc sảo, cả về tính giản dị cũng như lòng yêu thương quần chúng.

*
 *     *
   
An đạp xe về tới nhà đã thấy Thuỳ đang đun nấu trong bếp. Chị chạy ra, phần vì vui, phần vì nóng bức và hơi lửa, gương mặt chị hồng hào, đẹp hẳn lên.

- Bác Tính về chơi đấy anh ạ! Có một anh trên Bộ cũng vừa đến cho quà thằng cu nhà mình. Không hiểu ai đã báo mà các anh ấy biết...
   
An vội dựng xe, bước vào nhà và nhìn thấy một người gày gò, lớn tuổi hơn An một chút, râu lâu không cạo đâm ra tua tủa, đang ngồi bên bàn uống nước. Thấy An về người đó vui mừng đứng dậy. Hai người cùng reo lên và ôm chầm lấy nhau.
   
- Ôi, lâu lắm mới gặp lại anh Tính “còm” đấy nhé! - An tươi cười.
   
- Mình ở quê, có việc gì mà ra Hà Nội luôn! Chuyến này vì có chú em làm công an võ trang trên Tây Bắc nhắn lên chơi. Nó bảo bây giờ lắm việc quá không về phép được như mọi năm, nên mới cố lên thăm nó ít hôm.
   
- Thế anh lên rồi, hay hôm nay mới bắt đầu đi?
   
- Đi rồi. Hôm nay về. Thong thả mới ghé thăm vợ chồng cậu một chốc lát.

- Anh xơi cơm rồi nghỉ lại đây đêm nay nhé!
   
- Không, ngồi một lúc thôi. Tối nay còn phải đến thăm ông chú làm việc ở Sở Xây dựng, không có ông ấy chửi cho. Tối, ngủ ở đấy, mai lên tàu về luôn...
   
- Việc gì mà vội thế, anh Tính?
   
- Bà xã tớ dạo này yếu lắm. Đi đã hơn mười ngày rồi còn gì...

Tính “còm” vốn là người cùng làng với An, ở ven thị xã Kiến An. Hai người chơi với nhau từ bé, cùng học một trường. Chỉ khác: hết tiểu học thì Tính phải ở nhà làm lụng giúp cha mẹ. Còn An được bố mẹ thắt lưng buộc bụng gửi ra khu, theo trường Trung học kháng chiến. Ông bố An không muốn cho con học ở Kiến An vì tỉnh đã bị Pháp tạm chiếm. Ông lo chỉ thêm một, hai tuổi nữa, chắc chắn An sẽ bị Pháp bắt vào lính, nếu không thì ở giữa nơi hòn đạn mũi tên này cũng tội. Du kích của ta vẫn thi thoảng đột nhập vào khu ven thị, có khi đánh nhau ngay giữa lòng thị xã... Sau năm 1954 An mới trở về thăm nhà. Gặp lại Tính, An rất mừng: suốt mấy năm kháng chiến, Tính đã tham gia bí mật làm giao liên cho ta. Bây giờ Tính làm một đội trưởng ở một nông trường thuộc Ninh Bình. Anh đã đem cả vợ con đến “cắm sào” tại đó.
   
Mời mãi không được, An giục vợ làm cơm nhanh cho bạn ăn kẻo đói. Trong lúc Thuỳ lúi húi dưới bếp, đôi bạn cũ cùng ngồi uống trà và hàn huyên.
   
- Này, ông An ạ lâu lâu mới lại lên thăm chú em nó, thấy trên ấy bây giờ nhiều cái khác quá.
   
- Có gì hay, anh nói cho nghe với. Lâu lâu tôi cũng không có dịp lên trên ấy.
   
Nhà không có điếu cày, An phải chạy sang hàng xóm mượn mãi mới được cho Tính hút thuốc lào. Anh ta hút liên tục, phả khói như tàu thủy. Thuốc lá Điện Biên An đem ra mời, anh ta không có màng, kêu nhạt phèo.   
   
Tính gật gù nói:

- Chuyện thì cũng lắm, nhưng có một chuyện đến là vui - Tính vừa nói vừa cười - Chả là hôm ấy tay Nết em mình đưa vào Điện Biên tham quan. Cứ tự cho là “ta đây cũng là tay thạo” như ai, tới nơi mình mới bảo nó cứ đi họp, không phải đưa đi nữa, tự mình thả bộ hỏi đưòng tới các bản Cò Mị, Long Nhai chơi, xem phong tục, tập quán... thế nào. Ở nhà đọc sách báo về Điện Biên cứ thấy nhắc luôn luôn tới Mường Thanh, Cò Mị, Long Nhai... cũng thích. Nào ngờ, vừa xớ rớ vào bản, đã có mấy bà Thái, mấy bà thôi nhé, chưa phải dân quân du kích gì hết, đến hỏi ngay, tử tế thôi nhưng rất chi là nghiêm túc: “Ông là người lạ ở đâu đến? Ông tìm ai? Ông có giấy tờ gì không?”. Bị bất ngờ, đâm ra lúng túng, mình còn đang giở giấy tờ ra và chưa kịp nói gì thì đã thấy mấy chú dân quân đeo súng chạy tới... Cũng hơi “hốt” một tí. Và bấy giờ mới hiểu ra, bụng cứ bảo dạ: may quá, giả dụ không có giấy tờ tuỳ thân đầy đủ phen này khéo họ gô cổ mình lại cũng nên. Chờ được vạ, má đã sưng!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:18:46 pm »

Hai anh em cùng cười ngất. Tính tiếp:
   
- Sau Nết nó cứ áy náy mãi là đã quên không báo trước cho ông anh biết đang có phong trào bảo vệ an ninh rộng khắp. Nó bảo không biết dưới xuôi thế nào chứ trên này một số đồn biên phòng và cả một số xã, từ năm ngoái tới gần đây, đôi khi có nghe thấy tiếng máy bay lúc gần, lúc xa. Hỏi trên, thấy bảo: không phải máy bay Trung Quốc đi qua. Cũng không phải máy bay ta lên đây bay tập. Trong khi đó những tên phỉ cũ qua, những tên phía tạo cũ có hiện tượng thì thụt gặp nhau luôn. Lại có tin mới: Mường Tè vừa bắt được hai tên phản động người gốc địa phương từ bên kia biên giới lén về, có nhiều tài liệu mật... Mình mới bảo nó: dưới xuôi cũng thế cả thôi. Lắm chuyện lắm, xem ra cũng chưa yên đâu! Mấy tháng gần đây tàu bay nó dám bắn cả pháo hiệu trên vùng Đồ Sơn và xã Vinh Quang... Còn ngoài biển cũng luôn thấy có phao bơi, vỏ chai nhựa, giấy bánh kẹo trôi vào bờ ở Nam Định, Ninh Bình, trong Nghệ An, Quảng Bình cũng có. Nông trường mình đã phải tập báo động nhiều lần rồi...
   
Lát sau Thuỳ bưng mâm cơm lên. Mọi người cùng quây quần lại ăn vui vẻ, không ai nói chuyện chiến tranh nữa. Sau đó Tính vội cáo biệt An, Thuỳ để đến thăm ông chú. An cũng vội lấy xe đạp để vào bệnh viện với con thay vợ.
   
Đêm mùa hạ nồng nực. Bệnh viện tuy không đến nỗi chật hẹp nhưng vì đang là mùa viêm nhiệt nên bệnh nhân khá đông. Vì thế người nhà bệnh nhân đến trông nom cũng quá tải. Mọi mùa hè khác cũng vậy, đưa cu Toàn vào đây, đêm ở lại, Thuỳ thường phải trải chiếu cùng một số người nhà bệnh nhân khác nằm ở ngay hành lang.

Cô y tá trực đã quen vợ chồng An từ mấy năm qua, nay thấy anh, cười nói luôn:
   
- Đêm nay, mời “ông bác” lại “ngơi” ở hành lang thôi!
   
21 giờ 30. Theo quy định của viện mọi người phải lui ra hết để bệnh nhân ngủ. An ôm lấy con âu yếm:
   
- Con ngủ ngoan nhé! Bố ra ngủ ghế đá ở ngoài sân cho mát. Ở đối diện ngay phòng con kia kìa! Có gì cần, con cứ gọi to một tiếng là bố vào ngay!
   
Thằng Toàn bám lấy bố mãi mới chịu buông ra. Ngoài sân, nhiều đèn chiếu sáng đã tắt, chỉ còn lại vài ngọn đỏ hoe. An thong thả trải tấm vải nhựa xuống một ghế đá ở dưới một gốc bàng, rồi ngả mình xuống, gối đầu lên cánh tay. Lòng anh thanh thản, vui vẻ. Dẫu sao, thằng Toàn thế là đã qua được cơn nguy hiểm rồi. Còn công việc hôm nay cũng suôn sẻ.
   
Nghĩ ngợi lan man một lúc, An thiếp đi ngủ liền. Hôm nay quả là anh rất mệt. Một lúc sau, bỗng có những vật gì lộp độp rơi xuống mình anh mát rượi, rồi các mái tôn như ca hát vang rộn, cùng tiếng gió reo trên các tầng cây. An mở choàng mắt. Mưa! Ôi mưa! Anh vội ôm mảnh vải nhựa chạy vào hiên. Nhiều người nghe mưa cũng trỗi dậy. Nhìn qua ánh điện, những hạt mưa trong suốt rơi cheo chéo, lấp lánh thật đẹp. Đầu óc như trở thành trẻ thơ. Ôi mưa! Đang đêm hè thế này, khoái quá! Mưa cứ thế kéo dài mãi. Nhiều người lại lăn xuống chiếu ngủ tiếp. Riêng An không sao ngủ được nữa. Ôm mảnh vải nhựa, anh ngồi thu lu ở một góc tối... Chợt ngoái nhìn về cuối hành lang, anh thấy trong một căn phòng nhỏ vẫn sáng đèn. Bóng một phụ nữ nào đó đang lúi húi trước bàn làm việc. Cũng lúc ấy cô y tá trực từ phòng cuối hành lang ngáp dài, đi ngang qua. Nom thấy An, cô ta lại cười:
   
- Ông bác ướt hết rồi phải không? Sướng nhé!
   
An hất hàm hỏi:
   
- Ai còn thức khuya vậy?
   
- A, bác sĩ Tuyết, anh cũng biết bà ấy từ lâu rồi đấy mà! Đêm nay không phải phiên bà ấy trực, nhưng ở nhà có lẽ buồn quá, vào đây làm việc cho khuây khoả. Ông xã của bà mới vượt Trường Sơn mấy hôm nay. Đêm nào bà ấy cũng không ngủ. Ngồi viết nhật ký suốt.

- Chồng chị ấy làm gì ấy nhỉ? Tôi quên mất.
   
- Dân xứ Quảng tập kết. Làm trưởng phòng trưởng phiếc gì đó ở Đường sắt.
   
Nói đoạn, cô y tá đi vào phòng của bác sĩ Tuyết, có việc gì đó rồi quay ra. Bác sĩ Tuyết cùng ra theo. Chị đi tới chỗ An đang ngồi. An hơi ngạc nhiên, vội đứng dậy chào. Chị niềm nở chào lại:
   
- Thấy nói anh mới về thăm cháu. Mưa, anh không có chỗ ngủ, phải ngồi ở xó tối này. Vậy mời anh vào phòng tôi ngồi chơi, uống nước. Chốc nữa tạnh, tôi sẽ về. Còn anh có thể ngủ lại phòng làm việc của tôi.
   
Càng thêm bị bất ngờ, An lưỡng lự. Chị Tuyết có vẻ hiểu, cười:
   
- Không sao! Anh cứ vào chơi. Ta nói chuyện cho qua cơn mưa mà!
   
Bấy giờ An mới mạnh bạo đi theo chị. Căn phòng nhỏ sáng trưng. Đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Chị pha một ấm trà nóng cho anh:
   
- Ấy, từ khi lấy nhà tôi, tôi mới biết uống trà đấy!
   
An cám ơn, đỡ chén trà, ngước nhìn lên gương mặt tròn trịa hiền hậu nhưng buồn héo của chị:
   
- Chỗ đã quen biết, xin phép chị cho tôi được hỏi...
   
- Được, anh cứ nói.
   
- Có phải anh nhà ta mới... đi..?
   
Chị Tuyết hơi cúi xuống, thoáng thở dài:
   
- Vâng. Các anh ấy đi cả một đoàn. Cũng không rõ đây là đoàn thứ bao nhiêu. Tập luyện mãi ở Xuân Mai... Phút cuối cùng trên vẫn còn hỏi lại nếu ai còn mắc chuyện này, việc khác chưa thể đi ngay, thì đi sau cũng được. Nhưng tất cả đều xin đi. Anh nhà tôi cũng thế.
   
- Xin chị lại cho được thành thực hỏi: chị... nghĩ thế nào về việc này?

Chị Tuyết im lặng một lát, rồi thong thả:
   
- Cũng như tất cả những người con gái miền Bắc lấy chồng miền Nam tập kết, và nói chung tất cả những người vợ lính, chúng tôi không giấu mọi nỗi buồn đau... Nhưng biết làm thế nào hơn? Đất nước mình vẫn còn quá nhiều gian truân. Chiến tranh vẫn chưa hề qua khỏi...
   
An im lặng. Chị tiếp:
   
- Tôi có một ông chú ruột là Trung ương uỷ viên. Ông lúc nào cũng hết sức lạc quan, ông thật quả cảm. Ông luôn trò chuyện và nhấn mạnh cho tôi hiểu: Ta đã làm tất cả những gì cần làm và có thể làm, phải làm, trên khắp các bình diện chính trị, ngoại giao và cả văn hoá xã hội, trong nước và cả mọi nơi trên thế giới này để cố giữ lấy hoà bình và thực hiện thống nhất không bằng vũ lực. Nhưng bọn Mỹ, vâng! Bọn Mỹ, tất cả là bọn Mỹ... Lịch sử rồi sẽ minh chứng cho tấm lòng chúng ta, minh chứng và ủng hộ cho sự nghiệp của chúng ta... Ông thường nói như vậy.
   
An vẫn chăm chú, im lặng lắng nghe. Cũng vẫn những chuyện mà anh đã từng biết, từng thấy ở biết bao nơi trong những ngày quả thật chưa hề hoàn toàn yên ổn này, nhưng hôm nay nghe thốt lên từ miệng một người vợ vừa mới tiễn chồng ra đi với tất cả nỗi niềm của chị, nghe sao như bào, như cắt ở trong lòng, và cũng như mới biết tất cả tầm quan trọng, thậm chí quá to lớn của vấn đề...
   
Vô tình, anh nhìn xuống quyển sổ ghi nhật ký còn mở đặt trên bàn. Nước mắt của chị đã làm nhoè nhoẹt gần hết cả hai trang...
   
Một lúc sau, mưa tạnh, chị Tuyết sửa soạn ra về. An kiên quyết không ngủ lại ở phòng làm việc của chị. Anh trở lại chiếc ghế đá. Ghế vẫn còn ướt, An đi lòng vòng và nhớ lại: từ sáng tới giờ anh đi tới đâu, gặp bất cứ một ai, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về với chuyện chiến tranh...
   
Sáng hôm sau, anh trao đứa con gầy guộc, xanh xao như một tàu lá vào tay Thuỳ, rồi bước nhanh xuống thềm. Xe đạp và ba lô đã để sẵn đấy. Anh tiếp tục trở lại Quảng Ninh. Cuộc ra đi của anh đâu có thể sánh được với cuộc ra đi của chồng bác sĩ Tuyết. Anh thầm nghĩ vậy. Nhưng dẫu bé nhỏ tới đâu, nỗi đau của con người vẫn cứ giống nhau là một nỗi đau thì phải?... Anh không dám nhìn lại, mặc dầu biết Thuỳ đang nhìn theo anh đau đáu. Thuỳ vẫn đứng đó với tấm áo sơ mi đã sờn rách. Đấy là chiếc sơ mi cắt từ chiếc áo dài hồi anh chị mới cưới. Tất cả các áo dài đều đã cắt vụn làm sơ mi hết rồi. Tiền ăn và nuôi con còn eo hẹp, lấy đâu mà may mặc! Thuỳ ơi, anh có lỗi với em, có lỗi không biết là nhường nào. Là một người chồng, một người cha, anh chưa làm được gì nhiều cho em, cho con trong lúc này... Thế đấy!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:26:30 pm »

4


Sương tan dần. Thung lũng Mường Sang hiện ra trải dài như một tấm thảm thêu nhiều màu dưới ánh mặt trời ban mai rực rỡ. Giữa cánh đồng lúa nước đã rưng rưng vàng mùa chiêm xuân, dòng suối Nậm Li vẽ những đường cong uốn lượn vô cùng mềm mại, lấp lánh. Ở hai bên dòng bạc chảy ấy, quãng quãng lại thấy một cọn nước đang đều đặn quay. Thấp thoáng có những chấm trắng li ti di động bên suối và trên cánh đồng, đó là những cô gái Thái đang đi lấy nước buổi sớm, hoặc hái rau sam, đào chuột, đào dúi... Bên con đường đất chạy dài theo thung lũng, nổi lên một dải đồi. Trên một ngọn đồi hiện lên những căn nhà ngói lớn nhỏ, xa nom như những đồ chơi bé xíu, hết sức xinh xắn. Một chiếc cột cao vươn lên mang một lá cờ đỏ sao vàng đang lượn bay trong gió. Đó là đồn biên phòng Mường Sang. Phía xa, rất xa, ở phía đông thung lũng khá phì nhiêu sầm uất kia là cả một sơn hệ trùng trùng một mầu lam thăm thẳm. Trên sườn gần nhất của dãy núi hùng vĩ ấy lấm chấm, mơ hồ, cheo leo có những vệt trắng xám, tựa như những tổ chim đại bàng nào đó... Nhưng không phải, đó là mấy bản của người Mông. Thời còn Pháp (sau cách mạng tháng 8 năm 1945, tàn quân cua Alessandri chạy Nhật, từ Trung Hoa trở lại) thung lũng dưới này bị tàn phá vô cùng xơ xác. Chế độ Thổ ty, Lang đạo được phục hồi đầy đủ. Nhưng những bản người Mông kia vẫn kiên cường chống lại Pháp, dù bị càn quét, giết chóc đến thế nào. Đó là những cơ sở kháng chiến vững vàng mà cán bộ ta đã bám trụ suốt những năm dài máu lửa ác liệt. Rất nhiều người dưới Mường Sang hồi đó cũng chạy lên với những “tổ chim đại bàng” cheo leo trên các sườn núi chất ngất kia...
   
Suốt đêm qua, thiếu uý đồn phó Công an vũ trang Đinh Văn Nết đã thực hiện chuyến đi cùng đội tuần tra của công an vũ trang và anh chị em dân quân địa phương phối hợp. Đi suốt dọc các triền núi, qua các bản lớn nhỏ dọc theo thung lũng Mường Sang. Đi tới tận bản người Dao heo hút ở Nà Lang, xa tới trên 20 km đường rừng. Ở đó đội tuần tra đã ghé vào thăm nhà Mẩu Tu, một dân quân người Dao rất hăng hái, đã từng được đi dự Đại hội thi đua của tỉnh năm ngoái. Thấy đội tuần tra tới, vợ chồng Mẩu Tu vui quá, cả thằng Tén con nuôi của hai vợ chồng Tu cũng vậy. Móc túi tìm mãi không có gì để cho nó, chỉ có mấy chiếc các tút, Nết đưa cho chú bé. Mắt nó sáng lên như đèn ô tô. Có lẽ đấy là nơi dừng chân vui nhất, đầm ấm nhất trong đêm tuần tra... Lúc này mọi người đang trên đường về, đã tới đỉnh những ngọn đồi đất nối tiếp nhau chạy dài như một bức trường thành thiên nhiên ở phía tây thung lũng. Có những con đường mòn xuyên qua, luồn qua dãy núi này đến sông Đà và đường 41... Đây như cấp trên thường nhắc nhở, quả là một địa bàn có tính chiến lược.
   
Nết đã khá mỏi mệt sau một đêm xuyên rừng vượt núi. Bất ngờ ở đâu, bất cứ một dấu vết nào hoặc chuyện gì khác lạ đều phải dừng lại xem xét kỹ rồi cùng nhau trao đổi ý kiến, cùng nhau nhận định... Lúc này, đầu óc Nết mới trở lại thư thái, vui vẻ. Anh có ý dừng lại chờ cho xã đội phó Én đi lên. Đó là một cô gái khá xinh, mái tóc đen búi gọn sau gáy, khuôn mặt trắng hồng, cặp mắt dài đen láy. Cô có vóc người nhỏ nhắn nhưng hết sức mềm mại trong chiếc áo cánh trắng bó sát thân mình có những hàng khuy bạc nổi bật, cùng chiếc váy đen có gấu thêu hoa tha thướt. Cô gái nhỏ nhắn ấy đặc biệt nhanh nhẹn. Còn đặc biệt hơn nữa là sự mạnh bạo, cũng như cái “uy” của cô đối với anh chị em. Nết để ý thấy mỗi một lời nói của cô đều được dân quân địa phương mà phần đông là nam thanh niên tuân theo răm rắp. Nết thấy Én rất khác với những gì mà trước kia anh vẫn thường nghe nói về các cô gái Thái, những cô gái hay e thẹn và đặc biệt là suốt đời sống cam chịu, cam chịu “thân phận đàn bà”, mà trước cách mạng thực chất là “thân phận nô lệ, tôi đòi”.
Én đang đi phía sau Keng, tổ trưởng dân quân, một thanh niên chạc 26, 27 tuổi. Keng khoẻ mạnh nhưng xấu trai, chỉ có tài săn bắn, gần như trăm phát trăm trúng, lại có tài thổi kèn bè từng làm hút hồn khá nhiều cô gái trong bản... Nhìn thấy Nết có ý đợi, Én vội rảo bước vượt lên. Nết nói:
   
- Này đồng chí xã đội phó, ta cho anh em nghỉ chân một chút. Trước khi về bản, ta ghé qua hai nhà nữa được không?
   
Én ngước cặp mắt đen huyền lên nhìn anh vui vẻ:
   
- Được chứ sao không, anh Nết! Nhưng lần này qua nhà tạo Thinh và Lò Văn Sử chứ?
   
- “Chí lớn” gặp nhau thực! - Nết nói vui.
   
Én cười. Hàm răng cô trắng đều tăm tắp, thật đẹp:
   
- Chỉ thị của trên, chính các anh phổ biến cho chúng em, vẫn nhớ chứ: tình hình hiện nay, phải tăng cường tuần tra và cũng phải tăng cường bám sát những đối tượng cần đặc biệt chú ý mà...

Nết mỉm cười. Nhưng ngồi ngắm nhìn lại Én, anh cũng không khỏi thầm ái ngại. Cụ Nguyễn Du thật uyên thâm: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen...”, về mặt công tác của Én nói chung khá suôn sẻ, nhưng cuộc sống tình cảm của cô lại không ít điều ngang trái... Ngay từ khi mới về đồn này anh đã được anh em cho biết: Én có một người tình xưa là Hoàng Văn Sạ, phụ trách văn phòng xã. Hai người yêu nhau rất thắm thiết, một hai đã tưởng Sạ sẽ về ở rể nhà Én (theo phong tục). Nhưng đùng một cái, năm 1956 có hai tên phản động người Thái gốc Lào sống ở vùng Điện Biên - Tuần Giáo là Vi Văn Đính và Quỳnh Văn Mai nổi lên chống phá mọi chính sách của ta và dụ dỗ hàng mấy trăm người đưa sang Lào làm lính cho Vàng Pao. Hoạt động của bọn Đính, Mai đã mở rộng xuống cả Mường Sang. Đã có một vài người ở đây dại dột nghe theo chúng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là Hoàng Văn Sạ, có chữ nghĩa phụ trách văn phòng xã, lại đang yêu Én như vậy cũng bỏ tất cả để chạy cùng bọn xấu sang Lào. Từ đó bặt tin. Dân bản xôn xao mất một dạo, người bảo Sạ ăn phải bùa ngải của bọn Đính, Mai, người lại nói Sạ rất bực tức về việc anh ta muốn được cất nhắc lên làm phó chủ tịch vì tin là mình vừa có chữ nghĩa, vừa công tác tốt ai ai cũng phải thừa nhận. Nhưng một người lù khù khác lại được chọn, chỉ vì đó là em một “ông to”... Riêng Én, cô không hiểu được thật rõ vì sao Sạ lại trốn đi như vậy. Sạ đang yêu cô như thế. Én rất buồn. Đã hơn bốn năm trôi qua, Én vẫn chưa lấy ai. Én nói là dẫu sao cô vẫn chờ đợi Sạ. Cô cho rằng sự chờ đợi này cũng là một lời nhắn nhủ là Én và cả bản mường vẫn dành cho anh ta con đường trở lại... Nhưng trong bản lại có người nói: cô vẫn chưa lấy ai còn vì bọn thanh niên cũng sợ, sợ vì muốn gì thì gì Én cũng là người “có liên can” tới kẻ phản bội đã bỏ trốn...
   
Trong lúc Én ngồi nói chuyện với Nết ở phía trên thì Keng, anh tổ trưởng dân quân bắn giỏi, khèn hay cũng chạy lại ngồi hút thuốc lá cuốn cùng với Mờng, tiểu đội trưởng công an vũ trang. Mờng cũng là dân Thái, đi nghĩa vụ quân sự ngay đợt đầu năm 1959. Mờng được chọn đưa sang công an vũ trang, vì là người dân tộc, lại to khoẻ, xông xáo.
   
Mấy chú dân quân và chiến sĩ công an vũ trang khác thấy vậy cũng bu lại hút ké điếu thuốc còn sót lại sau cả một đêm vất vả. Vừa rít thuốc, Keng vừa nói:
   
- Này! đêm qua chim nôộc am kêu nhiều và dài quá, lại có cả chim quắc nữa, anh Mờng có nghe thấy không?
   
Mờng hỏi:
   
- Vậy sao?

- Anh không biết à? Người già bảo đấy là điềm không tốt.
   
- Không tốt? Tôi không biết đấy. Không nghe thấy nói bao giờ.
   
- Vậy hồi gần nửa đêm qua ta ghé vào thăm ông già Tá Chủng ở khe Tà Vi, ông nói gì anh không nhớ a?
   
- Không, lúc ấy mình đứng dưới nhà quan sát.
   
- Ông già bảo: có điềm loạn đấy! Không loạn rừng thì loạn âm. Không loạn âm thì loạn dương...
   
- Lạ nhỉ? - Mờng nửa tin, nửa ngờ. Mờng biết Keng là người tốt nhưng cũng cho là Keng chưa “tiến bộ” nhiều vì còn hay lễ bái và hay mê tín. Có thể vì thế một phần mà anh này không được Én để ý tới, mặc dầu anh ta có vẻ rất thích Én.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:29:12 pm »

Lát sau theo hiệu lệnh của Én, cả đội tuần tra hỗn hợp cùng đứng dậy, xuống núi. Đi một hồi lâu, mọi người ra tới vùng cửa rừng và đã trông thấy các tràn ruộng vàng mơ phía trước. Một cụm chừng hơn mười nóc nhà sàn hiện ra. Có một ngôi nhà lớn hơn cả, cột kê đá, con tiện chạy chung quanh, cửa ván gỗ thưng có trang trí hoa văn khá đẹp nhưng tất cả đều đã có vẻ quá cũ kỹ, già nua. Không cần đợi Nết nhắc, Én hỏi:
   
- Ta vào nhà tạo Thinh trước chứ anh Nết?
   
Nết gật đầu. Đây đúng là nhà của một ông tạo (chức quan nhỏ thời Pháp tương đương trưởng thôn bây giờ). Nhà tạo này thuộc chi họ nghèo, trước kia không có uy thế gì đáng kể. Dường như công việc chủ yếu của ông ta chỉ là đốc phu, đốc thuế cho Pháp. Chậm phu, chậm thuế, chậm gà lợn nộp đồn, chính ông cũng bị Tây đá đít, bạt tai như ai. Có lần chúng còn bắt giam ông trên đồn hàng tuần... Bây giờ dưới chính quyền mới, ông ta cũng được tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng vì già yếu, con cái lại tứ tán mỗi đứa mỗi nơi, chỉ còn có cô út ở cùng hai ông bà, nên công điểm cũng chẳng có gì. Đã hai năm liền bản mường phải “cứu đói” cho gia đình này.
   
Nết, Én vẫy Mờng và Keng cùng lên nhà. Lòng nhà tối om lặng ngắt. Nếu không có chút lửa leo lét ở khuôn bếp giữa nhà thì có thể tưởng tượng đây là một căn nhà mồ. Thấy có tiếng chân người bước lên sàn tiếng chào hỏi cất lên, từ một góc tối mới vọng ra một giọng nói khò khè yếu ớt:

- Ai đấy?
   
- Thưa, anh em trên đồn và xã đi tuần, ghé vào thăm cụ. Cụ hình như mệt thì phải? - Nết nói.
   
- Phải đấy! Ốm đã mấy hôm rồi.
   
Nết cùng mọi người đến gần nơi ông tạo đang nằm đắp một chiếc chăn cũ kỹ, như dán mình xuống chiếc đệm cỏ cũng đã quá tồi tàn, sờn rách. Cửa sổ được anh em chiến sĩ dân quân mở rộng hơn. Ngọn lửa trên bếp cũng được thổi bùng lên to hơn. Đã nom rõ hơn khuôn mặt hốc hác, hai má tóp lại, râu ria lâu cạo, đâm ra tua tủa của ông tạo Thinh. Ông ta thực ra mới 60 tuổi, nhưng nom tưởng đã 80.
   
- Cám ơn cán bộ công an, cám ơn xã đội đến thăm. Tôi mệt quá không ngồi dậy được, tha lỗi cho tôi.
   
Én ngồi xuống bên ông già, cầm lấy cổ tay gầy khô của ông ân cần hỏi:
   
- Bố ốm thế nào? Sao không báo y tế xã?

- Ốm luôn, không muốn làm phiền nữa. Xã tốt quá, cho thuốc nhiều rồi mà...
   
- Ồ không, ốm bố cứ báo. Chúng cháu phải có trách nhiệm. Bà và em Un đâu cả rồi?
   
- Đeo thuổng, đeo giỏ đi đào chuột, đào củ mài ăn. Đi từ sớm.
   
- Mình bố ở nhà thôi ư?
   
- Vâng.
   
Én và Nết nhìn nhau, cái nhìn cùng đầy thương cảm. Nết mở túi vải đeo bên sườn lấy ra một số viên đa sinh tố và thuốc cảm đưa cho ông già:
   
- Cụ cầm tạm. Hôm nay về đồn cháu sẽ cho y tá tới thăm bệnh cho cụ.
   
Bàn tay xương xẩu run run đỡ lấy nắm thuốc.

Nết lại thở dài. Anh rút từ túi áo ngực ra mấy đồng bạc, đưa tiếp cho ông cụ. Trước mặt anh chỉ còn là một ông già nghèo và bệnh tật, cô đơn, đáng thương rất cần được giúp đỡ. Anh không nhìn thấy ở con người kia hình bóng nào thật rõ rệt của một kẻ thù giai cấp xưa... Thật vậy! Nếu chỉ còn thấy đây là một con người đang lâm vào cảnh tội nghiệp, mặc dầu anh vẫn không hề quên người con trai lớn của ông đi lính khố đỏ từ hồi Pháp, đã vào Nam, không có tin tức và người con trai thứ hai cũng đã trốn đi theo phỉ từ lâu không về...
   
Lát sau Nết cùng Én cáo từ quay ra. Tuy nhiên, Én vẫn không bao giờ quên nhiệm vụ của mình, cúi xuống, nho nhỏ như dặn dò:
   
- Còn khi nào các anh ấy có tin hoặc trở về, bố nên khuyên bảo họ nhé!
   
- Vâng, vâng, tôi nhớ chứ cô Én! - ông già nói chưa hết câu đã ho lên sù sụ.
   
Cả đội tuần tra lại tiếp tục đi một thôi nữa. Lại gặp một bản khác. Cũng gần giống như bản vừa qua, mọi người lại nhìn thấy một căn nhà sàn khá lớn tựa như nhà tạo Thinh, nhưng xem ra còn mới hơn nhiều, cây cối tốt tươi khác hẳn.

- Ta vào chứ anh Nết? - Én khẽ hỏi.
   
Nết gật đầu, đôi mắt vẫn không rời ngôi nhà đường bệ ấy. Đấy là nhà Lò Văn Sử, một trong những “đối tượng” đang được chú ý. Khác với tạo Thinh, hồi Pháp chiếm, Lò Văn Sử không làm chức việc gì cả. Y chỉ đi buôn, y chạy chọt sao đó được Pháp cấp cho cái giấy phép mở một đại lý bán muối ở chợ Mường Sang. Muối trên rừng là “vàng trắng”, ai cũng biết cả. Nhà này có 5 người con, toàn trai lực lưỡng, thay phiên nhau lên tỉnh, có khi về cả Hà Nội thuê thuyền chở muối lên. Như vậy ai cũng hiểu chẳng dại gì mà chúng chỉ chuyên bán muối. Chúng còn buôn đủ thứ: kim chỉ, vải vóc, đường; và nhất là các đồ trang sức giả cho phụ nữ, do một cửa hàng có tên Mỹ ký chuyên sản xuất... Đó là những thứ mà dân bản trông thấy. Còn có thể có cả những mặt hàng bí mật như thuốc phiện, ai mà biết được. Mà thuốc phiện thì khỏi đi đâu xa, cứ lên mấy bản Mông trên cao kia là có đủ. Vì vậy nhà Lò Văn Sử đã giàu có tiếng trong vùng. Quan ba Pháp trên đồn nhiều khi đến nhà hắn hút thuốc phiện và chơi xoè... Chỉ có điều là năm 1954, Pháp rút chạy hết vào Nam, đem theo một số thổ ty, lang đạo và những người đã làm việc cho chúng đi theo. Riêng nhà Lò Văn Sử vẫn ở lại. Hắn luôn cười khà khà, tỏ ra kiêu hãnh nói với mọi người: “Mình không đi theo giặc! Trước cần tiền thì phải buôn bán với chúng thôi. Mình là người ủng hộ Việt Minh mạnh nhất mà!”. Bây giờ hắn không làm đại lý muối nữa vì đã có cửa hàng mậu dịch thực phẩm Nhà nước đặt ngay ở chợ lo liệu đủ cho dân bản. Hàng Mỹ ký cũng không ăn gì nữa, vì mậu dịch bách hoá cũng đã mở với gương lược, sáp thơm, kim chỉ, giấy bút, sách vở, áo quần trẻ em, vải vóc các loại... đủ cả. Còn thuốc phiện thì Nhà nước cấm ngặt. Lò Văn Sử có vẻ hơi lao đao và không giấu được chán nản, kể cả tức giận mất hai ba năm. Bây giờ hắn lại phất rồi. Hắn không phất bằng buôn bán như trước, mà bằng nghề săn bắn thú rừng, nuôi thú rừng và đào vàng vụn trong các khe núi quanh thung lũng. Các con nhà này cũng vào dân quân nhưng là “cho phải phép”. Gần như họ chẳng họp hành, tập tành gì, tuần tra, canh gác cũng bỏ suốt. Chúng chỉ ham đi săn. Săn bắn, anh Keng tổ trưởng dân quân đã là tay nổi tiếng thiện xạ, nhưng các con nhà Lò Văn Sử cũng không hề thua kém. Chúng có cả những đoàn săn riêng, mỗi đoàn thu hút và thuê mướn tới hàng chục bạn săn, với cả chó được nuôi dưỡng và huấn luyện rất tốt. Mỗi khi mùa săn tới, cứ nghe tiếng kèn đồng vang lên, và nghe tiếng chó sủa ăng ẳng, tiếng vó ngựa lộp cộp là dân các bản biết ngay đội săn nhà họ Lò đã lên đường. Mỗi đoàn xuất phát, rầm rộ, tưng bừng như cả một binh đoàn xuất trận. Thịt thú rừng săn được cộng với thú nuôi trong vườn nhà, tất nhiên ăn sao cho hết. Chúng đem bán một phần ở chợ, một phần nhỏ biếu xén cán bộ xã, huyện, một phần lớn đem lên thị xã tỉnh bán cho mậu dịch và bán cho các nhà có tiền thích “sơn hào, hải vị” cho ra cái vẻ ta đây phú quý... Nghe nói tiếng đã đồn về tới tận Hà Nội, và đã có người lên đặt mua các loại thịt hươu, nai, sơn dương và cả nhung hươu, mật gấu, sừng tê giác cùng xương hổ, báo. Nói là để cung cấp cho khu vực Trung ương (nhưng chẳng biết Trung ương nào)... Còn chuyện đào, tìm vàng của nhà họ Lò cũng rất hay: có lẽ vàng hiếm quí nên chúng không tổ chức lớn. Chúng chỉ tự làm với con cháu trong nhà. Tuyệt đối không có một người lạ. Địa điểm đào kiếm của chúng thường có gia nhân canh gác không cho ai lui tới. Khi nào chúng bỏ, dân mới được mò vào thì chẳng còn quái gì. Không biết có phải vì thế mà sinh ghen ăn tức ở, dân trong nhiều bản đã có tiếng xì xào rằng nhà họ Lò còn làm những việc gì bí mật lắm chứ không phải chỉ có tìm vàng. Tuy nhiên, khi về làm đồn phó ở đây Nết chưa thấy có dư luận gì. Mới chỉ trong vòng nửa năm nay thôi, và cũng trong vòng nửa năm nay Nết lại nghe có cả những dư luận như ngược lại về nhà họ Lò. Đó là những dư luận khá tốt: Sử đã biếu Hợp tác xã cả một cỗ máy bơm gửi mua tận nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở Hà Nội. Không những thế Sử còn mở hầu bao cho một số nhà nghèo vay tiền hoặc thóc gạo, nói là dạo này nhờ ơn Đảng và Chính phủ làm ăn được nên muốn làm việc từ thiện và giúp đỡ Hợp tác xã sản xuất, góp phần xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
   
Nết và Én lại vẫy Mờng, Keng cùng đi. Tới gần rào nhà, mọi người thấy hai tên gia nhân lực lưỡng chạy ra ngăn lại, và lũ chó dữ như một đàn beo cùng chồm ra sủa vang như muốn cắn xé, nuốt tươi ngay khách. Nhưng vẻ mặt hách dịch của hai tên người nhà dịu ngay xuống khi chúng nhận ra Nết và Én. Chúng vội khúm núm mời hai người đợi, để chúng vào xem “quan” đã dậy chưa. Én đưa mắt nhìn Nết. Hai người cùng hiểu: chúng vào báo cáo xem chủ của chúng có chịu tiếp không. Nết xốc lại bao súng bên hông, mỉm cười thản nhiên đưa mắt ngắm nhìn chung quanh ngôi nhà. Vườn rộng như rừng, thấp thoáng phía sau là khu chăn nuôi, đầy hươu, nai. Có cả mấy dãy chuồng gấu, chuồng khỉ. Riêng đõ ong thì nhan nhản... Lần nào tới đây nhìn khu vườn này Nết cũng thầm có ý nghĩ vui vui: y như vườn bách thú ở Hà Nội vậy. Một lát sau, hai tên gia nhân đã trở ra và khúm núm mời “các cán bộ” vào.
   
Bước vào ngôi nhà rộng thênh thang như đình này, lần nào Nết cũng chú ý tới bộ “bát bửu lộ bộ” gồm tám binh khí cổ bằng đồng, cán nạm bạc, cắm trên một giá gỗ quí cũng trạm trổ rồng phượng. Và phía sau, là hai chiếc ngà voi khá lớn, cong vút, cũng đặt trên một chiếc giá gỗ trạm trổ tinh vi... Cứ y như vào nhà quan đại thần vậy. Nết bao giờ vào đây cũng có ý nghĩ ngồ ngộ ấy, mặc dầu anh chẳng hề biết quan đại thần là ai, chỉ đọc được trên sách báo... Lò Văn Sử nhanh nhẹn tiến ra khom mình rất thấp, chào “hai cán bộ”. Rồi hắn mời hai người ngồi trên một tấm thảm thêu rất đẹp trải phía sau đôi ngà voi. Mờng và Keng, hắn mời ngồi ở một chiếc thảm xấu hơn trải bên cạnh và xa hơn. Trà nước được bưng ra. Hai cô hầu đều là hai cô gái non tơ, khá xinh, nhưng mặt đều buồn rười rượi. Nết nghe nói kẻ hầu người hạ trong nhà này đều là con nhà nghèo mang nợ Lò Văn Sử, nay phải đem thân tới gán nợ theo đúng kiểu của chế độ thổ ty, lang đạo khi xưa. Sử nói năng rất mềm mại. Khuôn mặt hắn khá sáng sủa, vuông vắn. Tuổi chưa cao lắm, chắc mới trên 50, nhưng hắn đã để hai tí ria, nom ra vẻ đạo mạo, phong lưu. Cứ cái tướng ấy ai cũng có thể tin đây là một con người hiểu biết và làm ăn đàng hoàng, có thể có đức, có tâm nữa. Tuy nhiên ngồi lâu lâu mới thấy đôi mắt hắn sáng một cách đặc biệt, luôn luôn long lanh, luôn luôn như muốn xoáy vặn vào mặt người khác, như muôn cật vấn và cả ra lệnh. Đôi mắt đầy quyền uy và tráo trở.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:31:49 pm »

Sau một tuần trà, chuyện trò đưa đẩy hết thời tiết đến mùa màng và săn bắn, cuối cùng câu chuyện chính cũng bắt đầu khai triển:
   
- Ông Sử ạ, tuần trước ông có hẹn sẽ tìm lại mấy cái cặp sách mà người khách Hà Nội nào đó đã tặng, ông bảo là để cho các cháu nội đi học. Ông đã tìm thấy chưa? - Nết hỏi.
   
- Dạ, dạ, thấy rồi! Thấy rồi thưa cán bộ.
   
Sử nhanh nhẹ chạy vào buồng bên cạnh, lấy ra hai chiếc cặp da đen. Đó là hai chiếc cặp làm cho cán bộ đi họp, chứ không phải cặp học sinh.

Nết cầm lấy hai chiếc cặp ấy nhưng không mở ra coi. Anh thừa biết chắc chắn Sử đã soát kỹ, có gì cần lấy ra hắn đã lấy hết trước khi đưa ra nộp cho anh. Tuy nhiên, anh cứ phải tạm giữ hai chiếc cặp này mang về đồn để nghiên cứu.
   
- Ông Sử ạ! Người trong bản nói là các con ông dạo này lại luôn đi đào vàng. Đào được nhiều không?
   
- Dạ! dạ! vất vả lắm cán bộ ơi! Mồ hôi đổ ra như suối, mười lần may ra chỉ một lần kiếm được vài hạt bằng hạt cát.
   
- Nếu không có gì trở ngại, ông có thể cho chúng tôi coi được không?
   
- Dạ! dạ! được, được chứ!
   
Sử lại chạy sang phòng bên, vén màn chui vào. Lát sau hắn đem ra một chiếc khăn tay vải đỏ. Mở ra thấy một chút vàng vụn.

Sử tưởng Nết lại thu như hai chiếc cặp da, nhưng khi Nết chỉ liếc qua, rồi bảo Sử gói lại cất đi thì hắn như thở phào. Nết bèn đưa mắt cho Én. Cô hiểu ý, bắt đầu nói:
   
- Ông Sử ạ, hôm nay một lần nữa chúng tôi ghé thăm ông, nhưng cũng một lần nữa để nhắc nhở ông: từ nay các khách lạ, khách xa tới thăm ông hoặc mua bán gì đó ông cần phải báo cho xã biết. Vừa qua khách tới nhà ông hơi nhiều đấy, mà ông cứ... quên hoặc cố tình quên là làm sao?
   
Rõ ràng lời nói cũng như giọng nói của Én hoàn toàn khác hẳn khi nói với tạo Thinh.
   
Sử gãi đầu gãi tai:
   
- Dạ, dạ, cán bộ thông cảm! Chúng tôi cứ nghĩ là khách ở qua đêm mới phải báo cáo, còn khách tới thăm nhau hoặc mua bán chốc lát thì... được miễn chứ ạ?
   
- A, Thằng này giở lý đây! Én thầm nghĩ. Cô cứng cỏi:

- Không, ông nhầm! Bây giờ đang có phong trào bảo vệ trị an, ông cũng đã được phổ biến đầy đủ mọi quy định rồi đấy: Bất cứ khách lạ nào tới nhà, bất cứ chuyện không tốt nào trong bản, ngoài mường mà mình biết đều phải báo cáo hết. Ông không báo là khuyết điểm đấy!
   
- Dạ, dạ, vậy thì... xin cán bộ... thông cảm, thứ lỗi cho. Chúng tôi sẽ chấp hành đầy đủ.
   
Nết mỉm cười. Câu chuyện đã “vào luồng” và có đà rồi, anh tiếp lời Én. Anh nhắc lại việc Sử thường khoe là mình làm ăn lương thiện và tin tưởng triệt để ở Chính phủ. Vậy Sử cần phải chứng minh điều ấy bằng mọi thái độ và hành động cụ thể trước hết bằng sự trung thực và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chính sách và pháp luật. Nếu làm được như vậy Sử sẽ được tin cậy, sẽ được mọi sự dễ dàng, tự do trong mọi việc làm ăn kiếm sống, thậm chí làm giàu...
   
Rồi Nết nghiêm chỉnh nhấn mạnh và không hề vòng vo:
   
- Chắc ông cũng chưa quên là đã được nghe phổ biến: bây giờ kẻ xấu ở ngoài đang rất muốn nhảy vào còn bọn xấu trong nước thì đang muốn ngóc đầu dậy. Chúng câu kết nhau để hoạt động phá hoại. Bọn chúng đang rất muôn lôi kéo, xúi giục nhiều người. Vậy, do muốn tốt cho ông, muốn bảo vệ cho ông, chúng tôi xin nói thật: ông cần tỉnh táo, suy nghĩ kỹ, chớ có nghe bất cứ ai nếu họ tới xui dại, mà khốn đấy! Chúng tôi có đầy đủ tai mắt của nhân dân, không ai che giấu được chúng tôi bất cứ việc gì đâu..
   
- Ô không! Không phải đâu cán bộ ơi! Tôi chỉ là con sâu, cái kiến, ai mà thèm để ý, càng không có ai thèm lôi kéo, xúi giục tôi. Đã nói rồi mà: tôi xưa nay, từ hồi còn thằng giặc Pháp, sống lương thiện, có làm quan, có đi lính gì đâu!
   
Nói xong, khuôn mặt Sử bỗng như trở nên bóng loáng. Hắn toát mồ hôi? Tên này xem ra cũng không phải tay “trì” cho lắm thì phải. - Nết thầm nghĩ. Và anh thấy câu chuyện “nhắc nhở” cũng có thể dừng ở đây được rồi. Anh cùng Én đứng dậy, ra về. Sử tiễn hai người cùng với Mờng và Keng xuống đến chân cầu thang, rồi nghĩ sao lại tiễn ra tới tận con đường lớn qua bản.
   
Cả đội tuần tra hỗn hợp tiếp tục ra về. Họ đã tới gần chân đồn biên phòng. Nơi đây, họ sẽ tạm chia tay để đêm mai tiếp tục cuộc tuần tra sang các triền núi cao ở phía đông, nơi có những bản người Mông. Đột nhiên tiểu đội trưởng Mờng nhìn thấy từ phía trước có hai người phụ nữ hớt hải chạy lại - một bà già và một cô gái. Họ vừa chạy vừa la:

- Ơi cán bộ công an ơi, xã đội, dân quân ơi!
   
Đã nhìn rõ hơn không phải ai xa lạ: đó là bà vợ tạo Thinh cùng cô Un - con gái út. Nết và Én vội chạy lên đầu toán tuần tiễu. Hai người phụ nữ, một già một trẻ cũng vừa chạy tới nơi. Bà già mặt tái mét, có lẽ vì quá mệt, có thể vì quá sợ vì việc gì đó. Cô gái cũng vậy, tóc mai rối bời, váy áo xộc xệch. Cả đội tuần tra vội quây tròn lại.
   
- Công an ơi, xã đội ơi! - Bà già vừa thở vừa nói gấp gáp - Có... có...
   
Én phải cầm lấy tay bà để giữ cho bà được bình tĩnh hơn. Nết tiến lại, ân cần:
   
- Sao? Cái gì vậy bà? Bà cứ bình tĩnh đã nào! Có chúng tôi đây mà!
   
Khuôn mặt bà già còn đẫm mồ hôi. Bà vẫn nói gần như đứt hơi:
   
- Có... có súng! Có súng, cán bộ ơi!

- Cái gì, bà? Có súng? Súng ở đâu? - Nết không khỏi sửng sốt.
   
Tới lúc đó cô gái mới xen vào nói đỡ mẹ. Dẫu sao cô cũng tỏ ra không đến nỗi quá sợ hoặc xúc động như bà mẹ:
   
- Cán bộ ạ, mẹ con em đi đào củ mài, thì... đào thấy mấy cái hòm sắt. Mở ra thấy toàn lựu đạn và súng. Súng dài có, súng ngắn có...
   
Mọi người như cùng ồ lên, kinh ngạc. Nết vội hỏi ngay:
   
- Vậy ở đâu?
   
- Ở lối vào khe Lặc.
   
- Có phải nơi nhà Lò Văn Sử mới đây vào đào vàng mà không thấy không?
   
- Không. Nhưng cũng gần, không xa đâu!

Nết quay lại phía đội tuần tra hỗn hợp nói nhanh:
   
- Vậy ta tới đó luôn, mau! - Giọng anh rung lên mạnh mẽ như mọi lần phát lệnh tuần tra hoặc thực tập chiến đấu. Song anh quay lại phía hai mẹ con Un:
   
- Bà và cô có thể dẫn chúng tôi tới đó được chứ?
   
- Được mà!
   
- Đã có ai biết và tới chỗ bà và cô vừa đào chưa? Bà?
   
- Chưa đâu!
   
- Tốt! Vậy ta đi mau, anh em!
   
Thế là Nết cùng Én vượt lên dẫn đầu cả đoàn người vừa đi vừa chạy.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:34:43 pm »

Một lúc sau mọi người đã tới một cửa rừng thưa. Nơi đây có khe Lặc từ trong núi tuôn ra, không sâu, nước chỉ ngập ngang ống chân, nhưng khá rộng vì bắt đầu chảy ra cánh đồng và bắt ra suối lớn Nậm Li. Ở hai bên bờ khe Lặc, nơi cửa rừng, có nhiều tảng đá có lẽ có từ thuở “khai sơn lập địa”, nhỏ cũng bằng cái thúng, lớn bằng cả con trâu. Đoàn người dừng lại. Tuy mệt thêm nhưng rõ ràng yên tâm hơn, bà vợ tạo Thinh bớt tái xanh, tái tử, nói năng cũng đỡ lúng túng, ngược xuôi hơn.
   
- Đây rồi, cán bộ ạ!
   
- Không phải ở sâu trong rừng ư?
   
- Không! Nó kia kìa! - Bà tạo chỉ về phía một khu đất ở ngay bìa rừng, giữa hai hòn đá rất to. Nơi đó lơ thơ những cây mua cằn cỗi.
   
 - Cán bộ ạ! Chỗ này xưa nay ai cũng bảo chẳng có củ mài. Nhưng mẹ con tôi cứ đào thử một cái dây củ mài nhỏ. Xuống sâu một ít thì đất xốp hơn. Con Un thấy lạ cứ đào tiếp. Không thấy gì cả. Nó đang cố đào, thì cục một cái, thuổng của nó đâm phải cái gì đó rắn như đá. Đào bới thêm, thì nó buông thuổng, chạy té ra kêu to: “Có hòm gì, sợ quá, sợ quá!”.

Cả đoàn người vừa nghe bà nói, vừa đi theo tới một khoảng đất mới được đào đỏ xuộm, rộng chừng bằng chiếc chiếu cói, sâu ước trên 60 phân. Ở giữa khoanh đất vừa được đào lên, lộ ra ba chiếc hòm sắt, một chiếc vuông, hai chiếc dài, tất cả đều sơn mầu cứt ngựa, đã hoen rỉ ít nhiều, cả ba chiếc nắp đã bị cạy lên, nay đã được đậy tạm lại.   
   
Rất nhanh, Nết ra lệnh cho các chiến sĩ công an gác vòng ngoài, các chiến sĩ dân quân gác vòng trong. Rồi anh chỉ định Mờng và Keng ở lại tại chỗ cùng với anh và Én trực tiếp mở ba chiếc hòm sắt.
   
Mờng và Keng được lệnh cùng xuống mở ba chiếc nắp sắt.
   
Mờng mạnh dạn, nhanh nhẹn nhảy xuống, gạt đất cát ra, mím môi nâng lên chiếc nắp của hòm đầu tiên: toàn súng trường.
   
Nết bước nhanh lại, đỡ lấy một khẩu từ tay Mờng. Anh ngắm nghĩa mãi: súng trường của Pháp đã dùng trong chiến tranh vừa qua. Các con số và nhãn hiệu sản xuất còn rất rõ.
   
Keng mở hòm thứ hai: toàn lựu đạn.

Mờng mở tiếp hòm thứ ba: toàn tiểu liên Thomson của Mỹ trang bị cho Pháp ngay từ những năm 1946, 1947... Có cả mấy quả mìn nhỏ, mìn sát thương bộ binh nhãn hiệu US...   
   
Nết chuyển từng thứ cho Én xem. Rồi anh nhếch miệng cười nhạt, nói như với những kẻ thù nghịch đang ở ngay trước mặt mình:
   
- Thì ra thế đấy! Không phải một đứa, mà là một liên minh! Thì ra bọn mày đã sớm thoả thuận với nhau để trở lại xứ sở này, giấu mặt cũng kỹ đấy!
   
- Này! Cả súng Mỹ nữa, anh Nết ơi, lạ chưa! - Én thốt lên. Rồi cô hỏi tiếp: Bây giờ ta làm thế nào đây, anh?
   
Nết cười:
   
- Tổ chức thu về, báo cáo gấp lên trên. Hãy làm tốt việc này trước đã?
   
- Nhưng còn phải tìm xem ai chôn, ai giấu những thứ này đây chứ anh? - Én lại hỏi.

Một lần nữa, Nết phải nhận rằng Én rất nhanh và thông minh.
   
- Theo em - Én vẫn hăng hái tiếp - không tụi nhà Lò Văn Sử thì còn ai vào đây! Thì ra chúng chỉ vờ đi đào vàng...
   
Nết lại mỉm cười:
   
- Cô Én có nhiều ý kiến hay. Nhưng hãy khoan kết luận. Ta sẽ phải làm việc này thật thận trọng, không thể hồ đồ theo cảm tính được. Phải có đầy đủ mọi chứng cứ. Trước hết ta mới chỉ có thể khẳng định đây là một trong những kho vũ khí mà bọn Pháp đã chôn giấu lại từ 1954 khi chúng phải bỏ Tây Bắc chạy cả vào Nam, như ta đã từng được nghe phổ biến.
   
- Vậy còn nhà họ Lò? - Én gặng.
   
- Có thể họ Lò được Pháp giao cho bí mật trông coi ngay từ đầu. Nhưng cũng có thể nhà này chẳng biết gì hết, mà Pháp để lại là cho những bọn gián điệp, biệt kích định sau này sẽ quay trở lại. Cũng có thể Pháp đã bàn giao hết các kho này cùng với lực lượng biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) của chúng cho Mỹ. Nay Mỹ mới là chủ nhân những kho vũ khí này và chúng sẽ tìm cách sử dụng khi cần thiết. Một giả thiết khác, dù không lớn lắm: phải chăng nhà tạo Thinh được Pháp giao nhiệm vụ, nay sợ lộ, hoặc biết ơn ta luôn rộng lượng nên tìm cách trao nộp khéo lại kho vũ khí này. Đấy, không thể vội vã kết luận, cô Én ạ!
   
- Em đồng ý thôi!
   
Biết Én đã hiểu, Nết quay lại, một lần nữa dõng dạc hô to:
   
- Bây giờ hãy nghe đây: Tổ của hạ sĩ Bính ở lại tiếp tục cảnh giới, còn tất cả tiến vào nhận nhiệm vụ.

*
*     *
   
Thế là cả ngày hôm đó Nết phải cùng đồn trưởng Mão giải quyết vụ ba thùng vũ khí, không lên các bản Mông như kế hoạch cũ được. Anh phải cho người dùng ngựa lên báo trên đó hoãn đến hôm sau.

Sáng sớm, khi sương mù còn bao phủ trắng khắp thung lũng, Nết đã lên đường. Lực lượng đi với anh vẫn là một tổ - tổ của Bính thuộc tiểu đội của Mờng. Nhưng khác với đêm trước: hôm nay không có tiểu đội dân quân của Én, vì đó là lực lượng ở vùng thấp. Lên các bản người Mông, Nết sẽ lấy dân quân trên ấy.
   
Khác hôm trước, sớm nay không khí xuất quân có phần hơi thầm lặng. Thiếu Én! Thiếu người con gái anh đã trộm nhớ thầm thương từ hơn một năm nay, mà không dám hé lộ cùng ai, kể cả Én. Nhưng oái oăm thay, dẫu sao cô cũng đã trót tuyên bố như một lời nguyền: “Quyết chờ Sạ, để giữ cho anh ta một đường về”. Mặt khác, Nết cũng có chuyện khó xử của anh: cũng đã hơn một năm nay bà mẹ ở quê nhà đã luôn luôn nhắn lên thúc giục anh về lấy vợ, lấy xong rồi muốn đi tới cùng trời cuối đất nào cũng được. Nhà chỉ còn có vợ chồng anh Tính còm. Nhưng vợ chồng nhà này đã trót sang nông trường ở Ninh Bình cắm sào lâu dài mất rồi!...
   
Suốt dọc đường đi sớm nay đầu óc Nết luôn lởn vởn hình ảnh người con gái Thái rất đỗi thông minh, đôi mắt đen dài, hàm răng trắng đều đẹp như ngọc. Phải khi lên tới những ngọn đồi tranh mênh mông vàng rực, rồi qua những nương thuốc phiện nay đã xanh rờn rau, bắp, Nết như mới trở về với chuyến tuần tra của mình. Càng lên cao, bầu trời càng như thêm bao la và sáng ngời. Càng lên cao, tâm hồn con người dường như càng trở nên phóng khoáng hơn trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Sau mấy giờ kiền kiệt ngược dốc, Nết cùng đội tuần tra của mình đã tới mỏm đất bằng phẳng ở đầu bản Huổi Si. Trên vùng cao này, bản nào cũng có một bãi đất như vậy để cho trai gái chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy múa vào những ngày hội phong tục.
   
Từ xa, dưới dốc nhìn ngược lên đã thấy đội dân quân Huổi Si tập hợp ở bãi đất chơi ấy. Cũng lạ, thấp thoáng có cả mấy chiếc áo trắng, áo xanh với mũ vải công nhân. Lên tới gần, nghe thấy tiếng nói đang xôn xao, rõ nhất là tiếng ông già Tà Sênh, bố của xã đội trưởng A Nàm. Ông già Tà Sênh có một lò rèn rất nổi tiếng về tài rèn dao và súng kíp. Ông cũng nổi tiếng là tay hay lý sự với “cái lý của người Mông mình”. Nết vẫn còn nhớ năm ngoái có đoàn của tỉnh về Mường Sang, đi một chiếc Com măng ca. Ông già Tà Sênh xuống xem “con ô tố thế nào mà lại chạy được và chạy nhanh hơn cả ngựa". Xem xét, sờ mó một hồi, quay về bản, ông già tuyên bố: “Nếu có sắt mình cũng sẽ làm một con ô tố". Cả bản cười, ông đỏ mặt lý sự: “Người ta làm được thì mình cũng làm được, khó gì”.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 06:36:34 pm »

Khi Nết cùng tiểu đội lên tới nơi mọi người cùng reo ầm: “A đây rồi! Đây rồi!”. Nết thân thiết xiết chặt tay từng anh, từng cô dân quân Huổi Si. Anh nào cũng rắn như lim, dáng vẻ mạnh mẽ như đại bàng, nom rất thích. Các cô đều mang váy xoè hoa đẹp như đi hội. Cô nào cũng hồng hào, bắp chân rắn chắc. Và lúc này anh mới nhìn rõ cả mấy người lạ đang bị mọi người vây tròn. Đó là một nhóm cán bộ địa chất mới lên vùng này mà anh gặp trên huyện tuần trước. Họ cũng nhận ra Nết và hết sức mừng rỡ. Khi thấy Nết bắt tay cả năm người lạ mặt, ông già Tà Sênh ngẩn người ra, ngạc nhiên, mở tròn hai mắt. Mọi người kể lại cho anh nghe cuộc tranh cãi vừa xảy ra giữa nhóm cán bộ địa chất và đội dân quân bản với ông già lý sự. Số là: khi nhóm địa chất vào bản, gặp ngay ông già lý sự. Ông cảnh giác đòi xét giấy liền. Anh nhóm trưởng địa chất đưa giấy giới thiệu chung ra. Ông già vặn: Sao năm người chỉ có một giấy? Giải thích thế nào cũng không được. Khi cả đội dân quân tập hợp đến, kể cả con trai, ông già là xã đội trưởng A Nàm cũng đứng về phía đội địa chất mà ông già vẫn chưa chịu.
   
Nghe thủng câu chuyện, Nết tươi cười nói với mọi người:
   
- Nhưng dẫu sao, cứ phải khen ngợi tinh thần cảnh giác của bố đã, phải không anh em? Còn thưa bố, con có biết mấy anh này. Cán bộ của ta cả đấy! Bố cứ yên tâm. Một cái giấy nhưng lại là cái giấy to, như vậy cũng bằng năm cái giấy bé bố ạ!
   
Ông già vểnh râu lên:
   
- Cái lý của cán bộ công an mới nghe được, còn tất cả con cháu nói tao không sao nghe nổi!
   
Một lần nữa, tất cả lại cười rầm. Cuộc tranh cãi thế là chấm dứt.
   
Công việc bắt đầu. A Nàm hỏi lại Nết:
   
- Các anh có bốn người, cả anh Nết là năm?
   
Nết gật đầu, A Nàm tiếp:
   
- Vậy mình đã chuẩn bị mười con ngựa. Mình cũng đi năm. Có được không?
   
- Tốt lắm! Mười người vừa đẹp.

A Nàm quay lại hô to một tiếng. Ngay lập tức, từ phía sau, anh em dân quân dắt ra đủ mười con ngựa. Chỉ trong nháy mắt, cả mười chiến sĩ vừa công an và dân quân đã lên yên. Những con ngựa đang sung sức hí lên đầy khí thế. Giơ tay thay mặt anh em chào mọi người ở lại, Nết giật nhẹ giây cương, con ngựa cất cao hai vó trước lên, rồi chạy nước kiệu. Tiếng vó ngựa bắt đầu vang giòn, và cát bụi cũng tung lên bụi mù.
   
Chưa ra khỏi đầu bản, Nết đã nghe tiếng A Nàm gọi to ở phía sau:
   
- Cán bộ Nết! Ta vào kiểm tra nhà thống quán Vừ A Lùng đã!
   
Nết kìm ngựa lại:
   
- Lên đây nói lại cho nghe đi!
   
Con ngựa của A Nàm vọt lên như một mũi tên. Khi ngựa đã sóng đôi thì phía trước cũng hiện ra một ngôi nhà khá lớn với tường đất nện lợp ngói âm dương. Có mấy căn nhà phụ cùng chuồng ngựa ở chung quanh. Vườn trước vườn sau khá rộng.

Chỉ về phía khu nhà nọ, A Nàm nói:
   
- Ta vào kiểm tra tên thống quán Vừ A Lùng đã anh Nết!
   
Thống quán Vừ A Lùng, Nết không lạ gì. Đó là một tên quan nhỏ thời Pháp (tương tự như lý trưởng dưới xuôi) cai quản cả bản Mông này. Cũng như nhiều chức dịch và nhà giàu có khác, sau khi Pháp thua chạy, chính quyền cách mạng trở về, Vừ A Lùng có vẻ biết thân phận, chỉ chúi đầu vào làm ăn. Nhưng gần đây ủy ban xã đã nhiều lần báo cáo lên Huyện là Vừ A Lùng hay nói lăng nhăng...
   
- Sao cần kiểm tra? - Nết hỏi.
   
- Ô, nó dạo này nó hay nói bậy bạ là có điềm loạn rừng, loạn âm, loạn dương...
   
- Chuyện này tôi đã có nghe thấy cả dưới vùng ruộng, từ miệng một số người già Thái, không riêng Vừ A Lùng.

- Hôm qua, nó lại vừa cắm lá ngoài nhà, không cho ai vào. Nhà nó có chuyện gì mà phải cắm? Nó âm mưu gì vậy? Ta cần phải biết, anh ạ!
   
Nết cười, hỏi:
   
- Này, nhưng phong tục của dân tộc mình, đã cắm lá, làm sao mà vào được?
   
- Ô, cứ vào chứ! Mình là chính quyền mà!
   
Nết lắc đầu:
   
- Theo mình, không cần làm gắt như vậy vội. Mình là chính quyền, mình càng phải tỏ ra tôn trọng tín ngưỡng của dân. Chưa có chứng có gì cụ thể và thật nghiêm trọng đáng phải ra tay ngay như thế. Tốt nhất A Nàm hãy cho dân quân bí mật bám sát cùng công an xã theo dõi.
   
A Nàm xịu mặt xuống, có vẻ không vui lắm, miễn cưỡng đáp:

- Mình đồng ý thôi!
   
Và, thật bất ngờ, trước khi đoàn tuần tra vượt qua khỏi khu nhà Vừ A Lùng, A Nàm cài ngựa đi sau cùng, rồi đột ngột giương súng lên trời bắn “đoàng” một phát, vang động cả rừng núi.
   
Rồi nói vọng lên với Nết:
   
- Muốn gì thì gì cũng phải cảnh cáo nó một phát, anh Nết à!
   
Biết cái tính bướng bỉnh và nóng như lửa của A Nàm rồi, Nết chỉ cười.
   
Đoàn người ngựa tiếp tục lao đi, tiếng vó khua vang, rầm rập...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 10:07:25 pm »

5

Ngô Đình Nhu vừa đi dự buổi lễ ra mắt của cái gọi là “Đoàn thanh niên Cộng hoà” ở Bình Dương trở về, tâm trạng rất khoan khoái. Buổi lễ “tụi nó dưới đó mần coi được hè!”. Trên sân vận động của thị xã, một ngàn thanh niên nam nữ mặc đồng phục: áo sơ mi xanh dương, quần và váy ka ki vàng nhạt, hàng ngũ chỉnh tề, tất cả cùng một chân quì, mặt ngẩng cao hướng lên lễ đài để nghe ngài cố vấn huấn thị về công cuộc tiếp tục tố Cộng, diệt Cộng, xây dựng ấp chiến lược để phát triển quốc gia... Hình ảnh ấy theo Nhu là đẹp nhất! Ông ta càng thấy phương châm hành động của mình, mà cũng là niềm say mê thực sự của mình là rất đúng: tuyên truyền, sách động thanh niên tới cuồng nhiệt thì phải theo gương Hitler, còn trong công tác tổ chức thì nên học Cộng sản! Điều này Nhu không hề giấu giếm, mà từng nói cả với giới báo chí trong và ngoài nước... “Cộng sản hắn bậy cái chi thì bậy, sai cái chi thì sai, nhưng công tác tổ chức của hắn chặt chẽ, quy củ dữ lắm, mình phải học!

Phải biết học cả cái giỏi của kẻ thù! Thế mới là có đầu óc thực tế và sáng suốt”.
   
Nhu còn đang khoan khoái nhớ lại buổi lễ đó thì chuông điện thoại reo vang. Nhu hơi nhíu lông mày, nhưng cũng miễn cưỡng nhấc ống tổ hợp.
   
- Phải rồi! Tôi đây. Ai rứa? - Cái giọng trọ trẹ sang trọng uể oải cất lên - A! Tung đấy hỉ? Chi rứa?... A có cả me sừ Tuyến ở đó nữa hỉ? Có chi nói đi!
   
Ở đầu dây đằng kia là Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, kiêm chỉ huy trưởng “Sở liên lạc”. Có cả bác sĩ Trần Kim Tuyến, “ông trùm mật vụ” của “triều đình” Diệm nữa. Hẳn là có chuyện quan trọng, phải gặp nhau cùng trao đổi ý kiến. Bây giờ họ trình lên Nhu để xin chỉ giáo.
   
- Hả? - Nhu hỏi - Nhắc lại coi! ... Hả? họ đòi cho “khách đặc biệt” đi đúng ngày “D” chứ không chịu muộn hơn hai ngày như ý Tổng thống muốn?... Họ nói chi rứa hỉ?... Họ còn đòi dùng phi hành đoàn Đài Loan chứ không dùng người của Liên đoàn hàng không vận tải của ta?

Ở đầu dây bên kia, Trần Kim Tuyến trực tiếp cầm máy nói trình bày thêm những gì đó. Khuôn mặt xương xương thường luôn tái xám với đôi mắt sắc hết sức thâm trầm của Nhu bỗng dần đỏ lên. Ông ta như không giữ được bình tĩnh nữa:

- Này! Vậy ta làm chủ cái xứ sở, quốc gia này hay là họ, hí? Họ ỷ vào tiền bạc, vũ khí, cố vấn, trang bị... ép ta suốt. Họ muốn quyết tất cả! Họ coi ta chẳng còn ra cái chi hết!... Thôi được, để rồi coi, tôi trình lại Tổng thống chuyện ni đã! Tôi chưa trả lời được.
   
Nhu bỏ ống tổ hợp xuống, thở dài nặng nề. Rõ ràng cái thân phận tiểu nhược quốc lệ thuộc đời nào, ở đâu, té ra cũng như nhau cả: khốn khổ và nhục nhã. Ông ta không thể tự giấu lòng mình nữa.
   
Ngồi lặng đi, chưa gặp Diệm vội, Nhu muốn trao đổi ý kiến với Nguyễn Cao Kỳ về chuyện phi hành đoàn vì Kỳ là Chỉ huy trưởng của Liên đoàn hàng không vận tải (thực chất là không quân trá hình. Vì mới được thành lập, cần giữ bí mật, thêm nữa dù chối bỏ tổng tuyển cử, nhưng anh em Diệm - Nhu và cả Mỹ vẫn bị ràng buộc phần nào bởi hiệp định Geneve, không dám công khai lộ ra mọi bành trướng quân sự của mình). Nhu nhắc ống nói lên. Chỉ nửa phút sau, đã nghe thấy có người ở đầu dây đằng kia lễ phép trả lời là Kỳ vừa đi. Hỏi đi đâu, người nọ (có lẽ là thư ký văn phòng của Kỳ) lại lễ phép đáp là không rõ. Kỳ đi nhưng không có dặn lại.
   
Nhu thở dài ném ống tổ hợp xuống. Ông ta không thể biết rằng Nguyễn Cao Kỳ đang gặp Colby, theo điện mời tới nơi làm việc riêng của ông ta.
   
Hai người đang ngồi nói chuyện trong một phòng khách kín đáo, nhưng là một căn phòng hoàn toàn Mỹ từ phong cách xây dựng tới trang trí và vật liệu, cùng đồ dùng nội thất. Máy lạnh chạy liên tục. Mùi gỗ thông, mùi sơn hoá chất mới..., cùng gợi thêm cái không khí Âu Mỹ cho nơi này. Colby đầu chải lật bóng láng mang kính trắng mặc áo sơ mi trắng, quần âu màu xám, người khá thanh mảnh. Thoáng nhìn, ông ta có dáng vẻ như một giáo sư đại học, khó có thể biết đây là một đại tá hiện đang là trùm CIA không chỉ ở Nam Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Nhưng khi đã làm việc với Colby, ai cũng nhận thấy sau cặp kính kia là đôi mắt lạnh như băng, một đôi mắt ai nhìn vào cũng phải e ngại, thậm chí rờn rợn và nhận thấy ở ông ta một vẻ “ông lớn” không giấu giếm. Thêm nữa bây giờ ông ta hay nóng nảy và dường như luôn bực bội hoặc âu lo. Những người đã từng làm việc với Colby từ mấy năm trước ở Thái Lan như Hampton đều thấy hồi đó Colby lịch sự, nhẹ nhàng và luôn luôn thư thái như chẳng có việc gì phải bận tâm. Bây giờ sang Việt Nam, gần như là một Colby khác. Vì ông ta làm to hơn? Hay công việc ở đây nặng nề hơn nhiều? Ngồi đối diện với Colby lúc này là trung tá không quân Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ luôn luôn mặc bộ đồ bay, đặc biệt trên cổ luôn luôn có một chiếc khăn quàng đỏ để làm dáng “yêng hùng”, chí ít cũng làm cho anh ta khác biệt và nổi trội hẳn so với các phi công khác. Anh ta ngồi đó, trước mặt Colby, hai đầu gối khép lại để tỏ vẻ lễ phép, chứ không dạng bành ra như khi ngồi trước mặt bạn bè hoặc thuộc cấp. Tuy nhiên bộ mặt anh ta vẫn không giấu được vẻ nhâng nháo với đôi mắt một mí nhỏ như mắt lươn, đầy ngỗ nghịch. Colby đã được nghe và biết khá rõ Kỳ: anh ta vốn là con một chủ hãng xe khách chuyên chạy đường Sơn Tây - Hà Nội xưa. Kỳ học trường Bưởi, không hề nổi tiếng về học lực mà sớm nổi tiếng quậy phá vì cậy con nhà giầu. Kỳ không tham gia kháng chiến, trái lại cha con anh ta đã theo Pháp ngay từ đầu. Pháp rất thích “cậu ấm” ngổ ngáo và tỏ ra rất ghét Cộng sản này, nên đã chiều ý thích của anh ta, sớm cho ra nước ngoài đào tạo phi công từ năm 1951. Mà có lẽ Pháp chọn người cũng không lầm cho lắm. Bây giờ đến lượt Mỹ cũng rất thích có những type như Kỳ, nên đã không ngần ngại bảo Diệm trao cho anh ta chức Chỉ huy trưởng Liên đoàn vận tải hàng không. Trao cho anh ta chức vụ đó cũng có nghĩa là sẵn sàng tha thứ, bỏ qua mọi thái độ và hành vi huênh hoang, bạt chiêng, thậm chí có khi rất bố láo, rất vô văn hoá của anh ta, mà triệt để sử dụng sự mẫn cán, năng nổ, thậm chí cả sự liều lĩnh của con người có cái “máu yêng hùng rởm” này...

- ... Trung tá, tin cậy trung tá, tôi mới mời trung tá tới đây nói chuyện riêng...
   
- Thưa đại tá, tôi hiểu - Miệng đáp mà bụng Kỳ nghĩ “đúng là giọng ông lớn”.
   
- Bây giờ chúng ta vào việc luôn nhé! Tôi có nghe trung tá có vẻ không hài lòng cho lắm về việc chúng tôi vừa quyết định chọn phi hành đoàn Đài Loan đưa “khách” chuyến đặc biệt này?
   
Kỳ ngước cặp mắt một mí lên nhìn Colby: “Vẫn giọng cha bố”. Kỳ lại thầm nghĩ. Nhưng rồi anh ta vẫn phải cố nén mình lại và cất tiếng lầu bầu:
   
- Thưa, đúng thế! Tôi không hiểu kế hoạch cũ đã định là dùng phi hành đoàn người của tôi nhưng đùng một cái lại quyết định dùng tụi Đài Loan. Thế là thế nào vậy? Quân của tôi đã được huấn luyện tốt: bay ngày, bay đêm, bay biển đêm, bay không tải, bay có trọng tải, bay độ cao trung, bay độ cao thấp... đủ cả. Hoa tiêu thì đã đọc được bản đồ bay làu làu, quan sát địa tiêu hoàn toàn chính xác...
   
Cặp mắt Colby vẫn lạnh như băng:

- Tôi hiểu sự bực bội của trung tá. Nhưng phải nói thực: tụi Đài Loan đã rất lão luyện, nhất là có kinh nghiệm thực tế nhiều rồi: ở Malaisia, ở Philippine và cả ở Trung Hoa lục địa nữa. Cũng cần lưu ý trung tá: đây là chuyến mở đầu, hẳn trung tá cũng thừa hiểu: rất cần phải chắc thắng, để lấy đà, lấy kinh nghiệm cho những chuyến sau. Vậy trung tá hãy vui lòng, chuyến sau sẽ dùng người của trung tá... Vả lại, trung tá ạ, quyết định mới này đã trình lên thượng cấp của chúng tôi: tức Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và đã được phê duyệt.
   
Kỳ chỉ còn biết ngắc ngứ, hậm hực. “Fait acccompli”!( ) Thằng cha này đã nói vậy thì còn ý kiến ý cỏ gì nữa!
   
- Vậy, thưa đại tá còn ngày D? - Kỳ chỉ còn vớt vát lại chuyện ngày xuất phát.
   
Colby lại thoáng như mỉm cười, một nụ cười nhạt thếch:
   
- A, phải, còn ngày D. Quên! Muốn để dung hoà đôi bên, chúng tôi đã nhân nhượng với Tổng thống Diệm, đồng ý lui lại hai ngày, cho đúng với ngày “hoàng đạo”, ngày “đầy may mắn và tốt lành”, mà tổng thống đã nhờ thày Quỉ Cốc của Phủ tổng thống xem và chọn kỹ. Nhưng cũng phải nói thật với trung tá, chúng tôi đã phải hỏi lại bên khí tượng. Họ cho biết là nếu lui lại hai ngày, có thể sẽ có một đợt không khí lạnh từ phương Bắc chuyển xuống miền Bắc Việt Nam. Những xem xét kỹ lại họ hy vọng tầng áp khí cao đang còn được tập trung tại miền Nam Trung Cộng, thời tiết ở đó vẫn còn trong sáng và bắt đầu chuyển vào Việt Nam. Hy vọng sẽ có một khoảng thời tiết thuận lợi cho dù không dài lắm. Như vậy chúng ta vẫn có thể bay ra đó vào ngày D + 2. Vậy đấy! Trung tá là phi công, trung tá quá hiểu chuyện thời tiết quan trọng đến thế nào với các chuyến bay. Nói thật, nếu khí tượng họ tường trình là thời tiết sẽ rất xấu, chúng tôi vẫn cứ phải giữ ngày D, dù cho Tổng thống của trung tá có... giận thế nào đi chăng nữa...
   
Kỳ biết Colby vừa diễu vừa quá khinh tổng thống của mình. Quốc sỉ! Nhưng Kỳ vẫn cứ phải tiếp tục nuốt nước miếng. Cho dù nó đểu, nhưng tai hại thay, nó lại đúng!
   
- Trung tá ạ - Colby lại trang nghiêm nói - trung tá thuộc giới sĩ quan trẻ đầy năng lực, chúng tôi đánh giá rất cao. Đó là lời tâm huyết. Chúng tôi cho rằng tương lai đất nước này phải trông cậy vào các ông...
   
Kỳ gượng gạo làm ra vẻ khiêm tốn:

- Đại tá quá khen. Chúng tôi dẫu sao còn non nớt lắm.
   
- Không! - Colby càng nghiêm trang và quan trọng hơn - Không! Chúng tôi nói thật: lớp sĩ quan già do Pháp đào tạo từ lâu, bây giờ xa thực tế lắm rồi. Những quan lại xưa lại càng... cổ hủ, trì trệ. Làm việc với họ, chúng tôi luôn cảm thấy rất khó. Thật vậy, họ chỉ chuộng danh nghĩa, uy quyền hão, sĩ diện rởm mà không mấy ai có thực tài và thực tâm... Tôi muốn nhắc lại với trung tá: chúng tôi rất trông đợi lớp sĩ quan trẻ như các ông. Chỉ có thế mới có thể vực đất nước này lên, thoát được hoạ Cộng sản...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2017, 10:10:55 pm »

Kỳ vẫn ngồi im. Hắn hiểu Colby còn muốn nói những gì khác nữa đằng sau những câu nói đó, những câu nói đã phản ánh khá rõ sự khó chịu của Mỹ với anh em Diệm - Nhu, nhất là từ 1959 tới nay. Có rất nhiều chuyện, mà chuyện hàng đầu có lẽ là chuyện gia đình trị, độc tài, phong kiến. Mỹ đã nhiều lần gợi ý anh em ông Diệm phải “tỏ ra dân chủ” hơn nữa, phải biết tập hợp, thu nhận những người tài, những lực lượng khác ngoài người trong gia đình, tay chân thân tín và đồng hương, nhưng Diệm không chịu. Chuyện thứ hai: để chống lại các hoạt động quân sự mới nổi lên trong vòng một năm nay của Cộng sản, Mỹ muốn anh em ông Diệm phải mạnh tay thực sự. Nhưng anh em nhà Ngô dù chống Cộng sản nhưng lại rất sợ quân của họ thương vong nhiều, sẽ suy yếu đi, và mất thể diện. Cho nên họ không dám tung quân ra đánh mạnh. Họ đã thường làm ngơ trước sự nhát gan của các tư lệnh quân khu, sư đoàn. Bọn này thường chỉ đánh đấm qua loa, rồi rút ra, gọi phi pháo Mỹ tới bắn phá yểm trợ “tối đa”, sau đó về báo cáo láo là đã giết được “hàng trăm Việt cộng”... Nhiều! Nhiều chuyện lắm. Kỳ biết cả.
   
Lát sau, Kỳ cáo từ ra về.
   
Kỳ đi ngang qua cantine trong nội bộ dành riêng cho sĩ quan CIA. Chợt thấy hai tên Mỹ đi tới. Kỳ nhận ra ngay: Raphter “Ông trùm N” và Hampton tay chuyên viên phân tích tình hình. Gặp Kỳ, Raphter chỉ hơi nhếch mép cười, bắt tay xã giao rồi đi luôn, cáo bận. Từ lâu Raphter đã không có cảm tình với “anh chàng cao bồi” nhố nhăng này. Riêng Hampton đứng lại và mời Kỳ vào uống bia. Hampton còn trẻ, Kỳ cũng chỉ hơn Hampton ba, bốn tuổi, thêm nữa Hampton vốn là tay thích mở rộng giao du thượng vàng hạ cám, nên cũng thường muốn gặp gỡ Kỳ. Hắn đã nắm được khá nhiều chuyện, qua con người hay ăn nói bạt chiêng này.
   
Ngồi trong bàn, Hampton nói ngay, rất sòng phẳng “theo kiểu Mỹ”:
   
- Hôm nay tôi mời trung tá. Tôi sẽ trả tiền.

Kỳ cười.
   
- OK! Lần sau tớ sẽ mời cậu! - Và hỏi luôn - Này “Ông trùm N” là người khơi ra cái chuyện thay đổi phi hành đoàn cho chuyến bay sắp tới phải không?
   
Hampton cười:
   
- Đúng! Nhưng trung tá nên cảm phiền cho ông ta! Ông ta vốn là người rất mẫn cán, rất cẩn thận.
   
Kỳ khoát tay:
   
- Không sao! Hỏi thế thôi! Ông Colby cũng đã có lời cảm phiền với mình rồi. Này - Kỳ hỏi tiếp - Cậu là chuyên viên phân tích tình hình, theo ý cậu tình hình chung có thể mau chóng sáng sủa lên được không?
   
Hampton im lặng một lúc rồi, mỉm cười, khẽ lắc đầu:

- Trung tá đã hỏi, tôi phải nói thật, tất nhiên đây chỉ là ý của riêng tôi: Còn lâu. Và cũng có thể chỉ càng u ám hơn.
   
- Mỹ - Việt đang có những nỗ lực mới kia mà! Cậu không tin tưởng lắm hả? - Kỳ không giấu được vẻ ngạc nhiên, hỏi lại.
   
- Không! Tôi không bi quan vô lý đâu, trung tá. Những cố gắng quân sự này sẽ chẳng đi đến đâu, tôi nghĩ thế.
   
- Vậy theo cậu, phải làm gì?
   
- Phải cải tổ lại tất cả!...
   
Hampton như đã chọc đúng vào tổ ong. Lập tức Kỳ vung tay sôi nổi:
   
- Đúng! Đúng! Bọn giá áo túi cơm, bọn quan lại, hủ nho còn nắm vận mệnh quốc gia này ngày nào, còn nguy cơ thất bại ngày đó. Cậu quá biết: một đất nước mà cai trị toàn bằng gia nhân và phe cánh đồng hương đồng khói thì còn ra cái “thống chế” gì nữa. Ấy là chưa nói các chuyện bê bối khác. Cộng sản nó coi khinh! Nói thật, không có người Mỹ các anh, tôi cho rằng chỉ trong vòng một đêm Cộng sản nó lấy hết cả miền Nam là cái chắc!
   
Thấy Kỳ bốc quá, Hampton cố giấu một nụ cười thú vị. Nhưng rồi Kỳ cũng như chợt nhận ra mình nói hơi nhiều; với kinh nghiệm bản thân, anh ta biết: ở đâu cũng vậy, thời Pháp cũng như thời này, chơi với giới tình báo là luôn nguy hiểm. Kỳ, nâng lon bia lên:
   
- Thôi nào, xin tiếp tục, ông bạn! Mình còn có việc phải đi đây!

*
 *     *
   
Đã tới ngày D+2. Buổi chiều có mưa, cái mưa ào ạt, rộn rã tới rất nhanh và qua cũng nhanh của mùa hè Sài Gòn.Trên sân bay Tân Sơn Nhất, ở khu vực quân sự, có hai chiếc C47 sơn nửa trên màu bạc, nửa dưới màu xám, và đều không hề có số hiệu đậu song song ở cuối một phi đạo. Đây là một khu vực cấm, tuyệt mật. Mọi ngày nơi đây vắng ngắt, nhưng chiều nay có nhiều xe tải bịt kín lui tới liên tục, và một số người Mỹ xuất hiện cùng năm sáu sĩ quan Cộng hoà. Từ xa, nhân viên, sĩ quan trong phi cảng quân sự chỉ nhìn thấy bọn họ đứng trông coi hoặc kiểm soát và ghi chép những kiện hàng lớn nhỏ được đưa lên một trong hai chiếc máy bay “vô danh” kia. Nhân viên trong phi cảng quân sự đều thầm hiểu: “Thế là lại có một chuyến bay đặc biệt”. Chỉ có điều không rõ là đi đâu. Họ chỉ biết là trong vòng khoảng một năm nay thi thoảng có những chuyến bay cực mật như thế này, mà họ cũng chỉ mơ hồ phỏng đoán là thả người ra giới tuyến hoặc sang Cam pu chia, hoặc ném gián điệp vào các mật khu của Việt Cộng vừa tái lập ở chiến khu D cũ, và rừng Sác xưa... Hôm nay có lẽ cũng vậy chăng? Chỉ có hơi khác là số sĩ quan Mỹ bữa nay tới đông hơn. Trước kia thường chỉ có một và nói chung là chỉ có sĩ quan Cộng hoà. Một vài sĩ quan của phi cảng nhận được ra hình như một trong số ba người Mỹ ấy là đại uý Tom, tay trung tá trẻ đôi khi ra chơi tennis ở Câu lạc bộ Phan Đình Phùng cùng các sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng hoà như Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Nguyễn Khánh... Nhưng Tom làm gì và ở đâu không ai biết rõ.
   
Đúng là Tom, Tom của P54 thuộc cái gọi là “Sở liên lạc”, Tom là một trong những cố vấn trực tiếp làm việc hàng ngày với Ngô Thứ Lân. Chiều nay Tom được Raphter phái tới thêm hai tên CIA nữa để giúp sức, bảo đảm việc kiểm soát đưa mọi “vật liệu” lên máy bay cho thật đầy đủ, không để có một sơ xuất dù cực nhỏ. Tom đã tự thân lên máy bay xem xét, kiểm tra lại mọi mặt, rồi xuống đường băng, đứng theo dõi các lính vận tải quân sự của Sài Gòn cùi cụi, câm lặng mang vác hàng lên khoang chứa đồ. Vừa đưa cặp mắt xanh như mắt mèo ngắm nghía lại chiếc máy bay không số Tom vừa thầm nghĩ: “Thằng Kỳ đã chuẩn bị một máy bay khá tốt như thế này, mà phải nhường cho tụi phi hành đoàn Đài Loan đi, kể cũng hận thật. Nó vốn ngổ ngáo, nhưng cũng chẳng dám làm ồn. Thế mới biết: nó nể người Mỹ đến chừng nào!”. Đây là chiếc máy bay C47 loại 2 động cơ với 14 cylindres đã được thay thế một số bộ phận máy móc rất mới, rất tốt. Ví như: carburateur (bộ chế hoà khí) cũ loại PD 12 F5 được thay bằng loại PD12 H4 có khả năng nâng máy bay lên cao tới 16.000 feet (một feet, đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 0,3048 mét). Và khác với các C47 thông thường, chiếc này có mang cả thiết bị thông tin đặc biệt như: máy thu định hướng hiện sóng R 65/APN - 9 của binh chủng thông tin quân đội Hoa Kỳ (Signal corps usArmy) và rada Lorent dùng cho điều hành viên tìm vị trí của phi công đang bay...
   
Một trong hai tên Mỹ tăng cường báo cáo các dù hàng đã mang lên đủ (mỗi dù nặng l00kg), cùng 6 dù cá nhân đeo lưng, tất cả đều có nhãn hiệu Atlantic Rayon corps. Tom gật đầu, hỏi tới các máy truyền tin trang bị cho biệt kích là những thứ mà y quan tâm còn hơn cả các loại súng, dao. Tên Mỹ nọ báo cáo cũng đã kiểm đủ, và đang cho mang lên máy bay: 2 máy thu phát vô tuyến điện ký hiệu URC4 với hai bộ pin BA 1315/U. Đây là loại máy VTĐ thu và phát có làn sóng cực ngắn, khi cần có thể liên lạc bằng tín hiệu. Đằng sau mỗi máy là một miếng kính kim loại mạ kền, dùng làm gương phản chiếu gọi máy bay. Quan trọng nữa là một máy VTĐ mang ký hiệu BN2 kiểu RT/A3 chuyên dùng để đánh tín hiệu morse liên lạc với “Trung tâm” có làn sóng tần số 160Kcs. Gắn liền với máy này là bộ máy phát điện có ba chân đỡ, quay tay (ragono) kiểu GN-58 cùng với bộ antene cột thẳng đứng, thiết bị đặc biệt có tần số từ 1500 Kcs đến 1800 Kcs để phát tín hiệu chỉ điểm cho máy bay hạ và cất cánh hoặc thả dù...
   
Tom cũng không quên hỏi các pháo hiệu. (Loại màu đỏ đốt làm hiệu cho phi cơ do Nhật sản xuất, loại giật tay dùng cả ngày lẫn đêm do Mỹ sản xuất). Sau đó Tom nhắc kiểm tra xem có đưa lên cả những cuốn sách hướng dẫn cho phi công mưu sinh trong rừng sâu không (Survival Army Air forces Manuel do Tổng hành dinh không lực Hoa Kỳ xuất bản)
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM