Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:09:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên kia Cổng Trời  (Đọc 30354 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #80 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 01:56:21 pm »

Lạc trở về bệnh xá hỏi Mỷ, chị kể:

- Có những buổi, tôi ốm, nằm ở nhà, một số tên lạ mặt đến nói là gặp Páo để mua trâu, bò, thuốc phiện, nhưng chúng họp hành với nhau. Chúng bàn về chuyện mua vũ khí, tổ chức người nổi phỉ. Tôi hỏi thằng Mí Lình thì được biết có tên Vàng Chúng Dình. Sau đó, Giàng Vạn Sùng, Giàng Sàng Sấn đến họp. Khi nổi phỉ, bố con Páo đi theo. Đến giờ, bố con nó còn họp với một số tên, tay chân Sùng như Giàng Dúng Cáng, Giàng Mí De, nói là phải chờ thời cơ, có dịp là nổi lên.

Tập hợp xong hồ sơ về Páo, Lạc gặp anh Thảo, đề nghị:

- Tội hắn đã rõ ràng, ta cần bắt ngay. Mặt khác, Mỷ không thể sống với gia đình Páo được. Chị về, chúng sẽ giết. Chị xin ly dị chồng, ta nên bàn với tòa án cho phép chị ly dị anh ạ!

Anh Thảo băn khoăn:

- Ủng hộ việc ly dị của chị ta, liệu có phạm đến phong tục dân tộc không? Ta cần tìm hiểu kỹ rồi hãy thực hiện.

Lạc hỏi thêm những già làng, họ nói không phạm tục lệ gì.

Các anh bàn với tòa án. Tòa án tán thành cho Mỷ ly dị chồng.

Mỷ thoát khỏi nhà Páo sống với gia đình người anh trai, ở Lũng Cú.

Ít lâu sau, có một thanh niên Mèo, cùng bản, yêu thương chị thật sự. Chị lấy người đó. Cuộc sống hòa thuận, đầm ấm đến với chị.

*

Giải quyết xong việc Mỷ đã đúng ngày 30 tết. Lạc và Vù từ Má Lé về phố Đồng Văn.

Đi trong gió rét, mưa phùn, Vù nhớ bếp lửa ấm cúng, vợ con ở nhà, nói với Lạc:

- Ủng hộ việc ly dị của chị ta, liệu có phạm đến phong tục dân tộc không? Ta cần tìm hiểu kỹ rồi hãy thực hiện.

Lạc hỏi thêm những già làng, họ nói không phạm tục lệ gì.

Các anh bàn với tòa án. Tòa án tán thành cho Mỷ ly dị chồng.

Mỷ thoát khỏi nhà Páo sống với gia đình người anh trai, ở Lũng Cú.

Ít lâu sau, có một thanh niên Mèo, cùng bản, yêu thương chị thật sự. Chị lấy người đó. Cuộc sống hòa thuận, đầm ấm đến với chị.

*

Giải quyết xong việc Mỷ đã đúng ngày 30 tết. Lạc và Vù từ Má Lé về phố Đồng Văn.

Đi trong gió rét, mưa phùn, Vù nhớ bếp lửa ấm cúng, vợ con ở nhà, nói với Lạc:

- Lần sau có đi công tác ở đâu, tôi không đi với thủ trưởng Lạc nữa!

Lạc không hiểu, lo lắng hỏi:

- Sao Vù lại không đi với mình nữa. Mình có điều gì không tốt với cậu nào?

Vù thành thật:

- Thủ trưởng là người Kinh, đến ngày tết, thủ trưởng coi thường, không nhớ đến tổ tiên, ông bà, không nhớ vợ, nhớ con, cứ đi miết thôi!

Lạc cười xòa:

- Ai mà không nhớ nhà, nhớ vợ con? Ngày tết, ai mà chả muốn ở nhà. Người Kinh cũng như người Mèo thôi. Mình có ba thằng con trai ở nhà, mình nhớ chúng lắm chứ. Nhưng công việc chưa xong, về nhà thế nào được. Mình ăn một cái tết ngon, còn chị Mỷ lại khổ bao cái tết. Thà ta về muộn một tý còn hơn. Thôi được, về phố Đồng Văn, mình mượn cho cậu một con ngựa, về nhà cho nhanh.

Về đến Đồng Văn, Lạc đi vào nhà người quen, mượn cho Vù một con ngựa.

Giao ngựa cho Vù rồi, thấy trời đã gần tối, Lạc bảo:

- Trời sắp tối rồi, cậu ngủ lại đây, đón giao thừa với bà con, sáng mai về sớm. Đi đêm, nguy hiểm, vất vả lắm.

Vù lắc đầu, nhảy phốc ngay lên ngựa:

- Không, về sớm tí nào hay tí ấy thủ trưởng ạ! Vợ con tôi nó mong mà!

Lạc dặn:

- Hôm ra, nhớ đeo cho con ngựa cái ngù đỏ, dán hai “hoa thị” trên mông nó để trả bà con, năm mới mà!

Vù gật đầu, thúc ngựa, phóng đi ngay. Tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường.

Vù đi rồi, Lạc ở lại ăn tết với bà con phố Đồng Văn.

Anh Đỉnh mời Lạc sang nhà ăn tết.

Trong bữa rượu, Đỉnh nhắc:

- Năm ngoái mình ăn tết trong vùng phỉ, năm nay mình ở nhà rồi. Còn anh, có dễ hai cái tết chưa được ăn ở nhà nhỉ?

Lạc cười. Nỗi nhớ nhà gợn lên trong lòng anh.

Cũng tết ấy, đám cưới Mai Xuân Hùng và Nga ở phố được tổ chức, theo nếp sống mới. Đây là đám cưới nếp sống mới đầu tiên ở huyện Đồng Văn. Lạc vui cái vui của những người bạn chiến đấu ở đây. Anh nghĩ đến một năm qua, bao biến đổi lạ lùng. Tết năm ngoái anh đưa đám Phương. Tết năm nay, anh dự đám cưới Hùng. Những chiến sĩ công an từ các nẻo đường về chiến đấu ở mảnh đất xa vắng này, đã trải qua những mất mát, đau thương và đón nhận niềm hạnh phúc như thế đó.

*

Bên bếp lửa cháy rừng rực trong ngôi nhà phòng tài chính huyện, anh Thảo trò chuyện vui vẻ với các chiến sĩ.

Nghĩa ngồi xoa tay trước bếp. Bộ râu đen nhánh mọc lởm chởm. Mái tóc đen trùm kín sau gáy. Đôi mắt trũng sâu.

Anh Thảo quay sang phía anh:

- Những “kẻ chủ mưu” bây giờ đang ở Hà Nội, ở Khu. Cậu chuẩn bị về Hà Nội, Khu theo dõi chúng. Nhớ cắt tóc, cạo râu sạch sẽ. Để như thế, về Hà Nội, họ cho là cậu điên đấy. Nhân dịp có thể về thăm cô ấy. Chuẩn bị đi!

Sau khi phân công Kim và Đăng ở lại tiếp tục bám địa bàn, anh nói với Lạc:

- Đã hơn một năm rồi, cậu chưa về thăm nhà, chắc cô ấy mong lắm. Công việc còn nhiều, nhưng ta giải quyết dần. Kỳ này mình về Hà Giang, nhân tiện cho cậu về thăm nhà vài hôm.

Nghĩa lên ngựa về trước, Lạc chờ cùng đi với anh Thảo.

Trước hôm về, nhớ lời vợ dặn, Lạc ra chợ mua một con chó giống Mèo rất đẹp. Giống chó to, chân cao, lông mượt.

Hôm sau anh Thảo cùng Lạc lên đường.

Hai người bịn rịn chia tay Kim, Đăng. Chỉ có một con ngựa giành cho anh Thảo. Anh nhường cho Lạc, Lạc từ chối. Cứ nhường đi nhường lại mãi, cuối cùng anh Thảo ra “lệnh”: mỗi người cưỡi một đoạn.

Con chó theo Lạc dẫn đi một đoạn thì giở quẻ, không chịu đi nữa, cứ nằm lăn ra đường kêu ăng ẳng. Quát mắng, kéo lôi thế nào nó cũng không chịu đi. Lạc cáu sườn lắm. Chả lẽ thả nó vào rừng? Anh toan đan chiếc rọ quẩy nó đi. Anh Thảo bảo:

- Thôi cứ cho nó lên ngựa, đến lượt ai cưỡi thì giữ nó. Đường núi, xa xôi, quẩy nó, khướt lắm!

Lạc cứ băn khoăn. Mình đi bộ, thủ trưởng bế chó, đã không hay. Đến lượt mình và chó ngồi chễm chệ trên lưng ngựa, thủ trưởng đi bộ lóc cóc chạy theo thì chướng quá!

- Dạ, dạ, làm thế… anh là…

Anh Thảo gạt đi:

- Đừng phân biệt chỉ huy, chiến sĩ, thủ trưởng, nhân viên gì ở đây! Trong cuộc sống riêng tư thế này, và kể cả trong chiến đấu cũng thế, ta phải bình đẳng, phải coi nhau như anh em trong nhà thôi. Nó là con vật, mình phải quý nó, bế nó, việc gì mà ngại?

Thế là hai người thay nhau đi bộ và ôm chó trên mình ngựa.

Những người gặp các anh trên đường, ai cũng chỉ trỏ cười.

Về đến Làng Đán, bụng đói, hai người vào quán. Lạc sờ đến túi, hết nhẵn tiền rồi, lúng túng. Biết thế, anh Thảo bảo:

- Mình còn hai đồng, mua cái gì ăn cho đỡ đói!

Lạc toan mua hai bát phở. Biết tính Lạc, anh Thảo bảo:

- Cho cậu một chén rượu uống cho ấm bụng, còn mua bánh dày, mình ăn và còn cho chó chứ!

Chó ăn bánh dày cứ bị dính răng, không nuốt được. Anh Thảo thương chó, ngồi nhá bánh dày đút cho nó ăn.

Lạc nhìn anh Thảo, cảm động, suy nghĩ, chỉ giữa những người đồng chí mới có tình yêu thương, sự san sẻ như thế.

Về đến Hà Giang, anh Thảo nhận một bức thư của gia đình. Anh đọc thư, mặt bỗng chùng hẳn xuống. Nỗi đau đớn thấm trong cõi lòng.

- Anh có chuyện gì buồn thế ạ? - Lạc hỏi.

Anh Thảo lặng lẽ trả lời:

- Thằng con trai duy nhất của mình bị ốm, “mất” rồi. Hôm nọ, mình có nhận điện, biết nó bị ốm. Công việc bận quá chưa về thăm được, ai ngờ nó “đi”!

Lạc ngậm ngùi, thương người chỉ huy gặp nỗi đau xé ruột.

Anh Thảo nói:

- Trên Khu cho mình về thăm nhà vài hôm, cậu thu xếp cùng đi xe với mình.

Hôm sau, chiếc com-măng-ca đưa anh và Lạc về phố Vĩnh Tuy.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #81 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 01:59:22 pm »

26

Sau những chuyến đi Hà Giang, Hội không mang lại được những kết quả mong muốn cho mẹ con mụ Síu, Hoàng. Thư từ Hoàng gửi không cứu vãn nổi tình thế. Síu nghi là công an nắm được Hội. “Chà, bọn khố rách áo ôm với nhau, chúng dễ liên hệ với nhau lắm”! Về tiền bạc thì lại càng đáng buồn. Ở Sà Phìn, ông Chủ không những không đưa chìa khóa, còn dẫn cán bộ đến chỉ nơi Hoàng giấu súng, bạc già, tố cáo Hoàng. Ông nói với Hội giọng ngọng nghịu:

- Cô dại lắm. Tôi là em ruột mà nó còn đối đãi tàn tệ, huống là cô, mang tiếng là vợ, nhưng cũng chỉ là người hầu. Còn của nả à, đây là của tôi. Cô cứ về nói với nó, nói với thằng già độc ác thế!

Vợ Song lúc đầu cũng toan đưa chìa khóa kho “nhà trắng” cho Hội. Nhưng Song xúi vợ. Thị chối quanh không đưa nữa. Hoàng biết chắc là Chí Song đã lấy sạch số vàng đó tiêu pha hoặc giấu đi chỗ khác rồi.

Bị thất bại trong những âm mưu mới và em, cháu không chịu đưa tiền, vàng, Síu, Hoàng, Thuận càng bực bội. Bao nhiêu bực tức trút lên đầu Hội. Ngày ngày họ hành hạ, đánh đập, xỉ vả Hội không tiếc lời.

Giữa lúc đó, Hải, em trai Hội, về gặp chị. Sau một thời gian đi ở, Hải đã bỏ nhà chủ đi bộ đội. Tìm thấy tung tích của chị, Hải đã về một nhà bà con ở Khâm Thiên, tìm gặp Hội.

Thỉnh thoảng Hội về Khâm Thiên gặp em. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hải thương chị nhưng không biết khuyên chị thế nào.

Trong những ngày về đây, Hội quen một cán bộ tên là Chi. Chi góa vợ. Gặp Hội, hiểu hoàn cảnh, nỗi đau xót và tù túng, anh thương yêu, muốn cứu chị khỏi cảnh đọa đầy.

Biết điều đó, đầu tiên Hội sợ. Chắc gì anh cán bộ, lại là một đảng viên, yêu thương thực sự người vợ lẽ của một tên vua Mèo? Một tên nhiều tội ác. Liệu anh có thật bụng hay không? Anh có dám vượt qua điều tiếng của mọi người, thực tình yêu thương Hội hay không?

Nhưng dần dần, Hội biết anh thật sự yêu thương, thật sự thông cảm với hoàn cảnh éo le của chị, Hội gắn bó với anh.

Chuyện đó chẳng may đến tai Síu. Mụ nghiến răng, xỉa tay vào mặt Hội:

- Nhà tôi là nhà gia giáo, nền nếp, không có kẻ đĩ thõa như cô. Cô nghe lời đứa nào định bôi nhọ gia phong nhà tôi?

Từ đó, mụ giữ chịt Hội ở nhà, cấm cửa không cho bước ra ngoài, ngày ngày đánh chửi tàn tệ.

Hội sợ, muốn quên mối tình đó đi. Nhưng hình ảnh Chi cứ hiện lên trong giấc mơ chập chờn của chị. Càng bị cấm đoán, mắng chửi, chị càng thương Chi.
Hội nhờ cô Bách, người bạn gái, tìm gặp Chi, rồi trốn nhà đi gặp Chi.

Síu, Hoàng biết chuyện, gọi Hội vào buồng. Bà mẹ nuôi ngồi trên sập quát:

- Tôi đã dùng tình nghĩa mẹ con, khuyên bảo cô nhiều lần rồi mà cô vẫn không nghe. Cô cút khỏi nhà này, đi với thằng ma cô nào thì đi! Từ nay trở đi, cô đừng bén mảng đến đây, cô nghe rõ chưa? “Rõ phường mèo mả gà đồng gặp nhau”!

Hội lau nước mắt, tức tưởi:

- Bà không cho con ở thì con đi. Nhưng con xin bà cho con mang cháu đi theo, hoặc thỉnh thoảng về thăm nó.

Thằng Thất, con Hải thấy mẹ khóc, cứ bíu lấy chân mẹ, khóc theo.

Mụ Síu đập tay xuống sập:

- Không con cái gì hết! Cô nuôi nó rồi cô làm hư cháu tôi à?

Hội quay sang Hoàng van nỉ:

- Con không dám xin thằng Thất, con chỉ xin con Hải thôi…

Hoàng cũng muốn giữ người vợ trẻ lại, nhưng cơn ghen ức lên cổ họng làm hắn ho lên sù sụ. Hắn quắc mắt:

- Đã bảo đi là đi mà! Con cái gì?

Biết kêu than cũng không làm cho những con người lòng lang dạ thú này mủi lòng, Hội xách chiếc túi vải đựng vài bộ quần áo ra đi. Các thứ quần áo, đồ đạc khác, Hội vất lại trả, không thèm mang theo.

Hội về Khâm Thiên ở nhờ nhà bà con.

Mấy ngày sau, nhớ con quá, Hội lẻn về. Chị lấy khăn trùm kín đầu, kéo sụp chiếc nón che mặt. Đến gần nhà, Hội lẩn vào một đám đông đang mua bán. Hội vòng đi vòng lại nhiều lượt, ngó và nhà. Thấy thằng Thất, con Hải đang tranh nhau cái gì đó, Hội toan vào ôm lấy con. Nhưng bất thần, mụ Síu từ nhà trong lạch bạch đi ra.

Hội hoảng hốt chạy lẫn vào đám đông. Từ lúc đó, quanh đi quẩn lại mấy lần nhưng vẫn thấy mụ ở đó, Hội không dám quay lại nữa.

Hội về nhà cô Bích khóc lóc. Cô Bích nói thẳng:

- Còn tình nghĩa gì mà lưu luyến nơi hang hùm nọc rắn ấy nữa? Khổ cả đời người rồi, cô còn không thấy hay sao? Cô cứ xin ly dị quách cái thằng già đi thôi. Thời dân chủ, không sợ chúng đâu.

Hội lo lắng nhìn Bích:

- Cụ ấy có quyền, cụ ấy là đại biểu Quốc hội.

Đuổi Hội đi, Hoàng, Síu, Thuận tưởng rằng chỉ vài bữa, không có nơi nương tựa, không nơi ăn uống, nhớ con, Hội sẽ phải mò về. Nhưng cứ thấy Hội đi biền biệt, Síu cho người đi tìm. Tìm thấy nhà Hội ở, mụ đến nơi dọa người bà con của chị:

- Ông bà không được chứa chấp nó. Nếu ông bà còn dây dưa vào, tôi sẽ gọi công an đến can thiệp. Ông bà chứa chấp quân lộn chồng, đĩ điếm à? Cụ Hoàng là đại biểu Quốc hội đấy!

Mụ quay sang Hội, quát:

- Cô định bỏ nhà đi mãi à? Cô không thương con cô thật à? Được, cô đi lấy chồng đi. Chúng tôi mừng cho cô đấy. Nhưng mà, rồi cô đừng có trách cụ Hoàng ác, chúng tôi ác. Tôi nói thật để cô liệu!

Mẹ nuôi về rồi, nỗi lo sợ cứ lởn vởn trong óc Hội. Xưa nay mụ đã nói làm. Chắc mụ và Hoàng sẽ gây khó dễ, sẽ tìm cách hãm hại mình. Hoàng và hai đứa cháu: Song, Ân có nhiều quyền thế lắm.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #82 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 02:02:18 pm »

Bệnh viện Việt Xô, ngày 29 tháng 7 năm 1962.

Trên một chiếc giường trải nệm trắng tinh, Hoàng đang nằm rên, đôi mắt mệt mỏi, lờ đờ.

Mấy tháng nay, cụ ốm nặng. Một phần vì tuổi già sức yếu. Cái làm cho cụ suy sụp nhanh là nỗi gian truân trong quá trình hoạt động căng thẳng, nhất là từ hồi nổi loạn đến nay. Một tay cụ - tất nhiên có vị nữ quân sư tối cao và những “tướng lĩnh” khác giúp sức - chèo chống với bao cơn sóng gió chính trị lớn ào qua, lay động Đồng Văn. Gần đây, những tin tức từ Đồng Văn tới tấp dội về. Hầu Vạn Quả khai về cụ, Sùng Mí Chiu bị bắt, Giàng Vạn Sùng thất trận, Vàng Chúng Dình vào nhà giam. Rồi chuyện gia đình: Chủ tố anh, Hội bỏ đi; Song, Ân hờ hững bất hiếu. Tất cả những chuyện đó làm cụ bất an. Không chịu đựng được với bao sóng gió, lo lắng, cụ kết bệnh. Síu, Thuận lập đàn, cầu cúng liên miên, nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Cụ được mang về bệnh viện Việt Xô cứu chữa. Síu, Thuận thay nhau túc trực, hết lòng chăm sóc, mong tai qua nạn khỏi.

Chiều nay thấy trong người phát buồn, cái chết chập chờn, Hoàng gọi bà mẹ vợ đến bên giường, phều phào:

- Tôi chắc không qua khỏi… Tôi đã sống qua nhiều niên, vinh quang đã lắm, gian truân đã nhiều, để gây dựng nên cơ nghiệp Vương quốc Đồng Văn. Bây giờ, việc lớn không thành, xẩy đàn tan nghé, tôi đi, việc trong gia đình, ngoài quốc gia, trăm sự nhờ bà định liệu. Tôi, tôi chỉ còn tin bà. Còn thằng Song, thằng Ân… cả vợ tôi… bà biết đấy, chúng tráo trở lắm…

Nói xong, Hoàng ngắc ngoải trong tiếng khóc thương thảm thiết của bà mẹ vợ, người nhân tình già, vị quân sư, bạn chiến đấu thân thiết nhất của mình.
Hôm sau, một chiếc xe ô tô lớn chở linh cữu Hoàng về Đồng Văn. Chiếc com-măng-ca chở mụ Síu, Mỹ Thuận, Chí Song và vị đại biểu của Ủy ban dân tộc Trung ương cùng con cháu Hoàng.

Khi xe qua con đường Cắn Tỷ, dưới chân Cổng Trời, mụ Síu quay sang vị đại biểu, than thở:

- Khổ thân ông Hoàng nhà tôi quá! Khi ông đi, còn phải ngồi kiệu, khiêng bộ. Ông đem hết sức mình vận động dân Mèo làm đường. Giờ đường làm xong, có ô tô lên thì ông lại mất rồi!

Vị đại diện nhìn vào bản Cắn Tỷ, nơi có nhà Vàng Chỉn Cáo, quay sang nói với Chí Song:

- Tôi được anh em cho biết, khi nghe nói ta làm đường ô-tô Hà Giang - Đồng Văn, Vàng Chỉn Cáo đã tuyên bố trước bà con: “Nếu đường ô tô qua được Cắn Tỷ này, tao sẽ lấy đầu tao làm đòn kê cho chúng mày băm rau lợn!”. Thế mà, giờ đây chúng ta đang ngồi ô-tô qua Cắn Tỷ nhỉ?

Chí Song miễn cưỡng gật đầu.

Xe dừng lại ở Thảm Mạ vì đường mới làm đến đó.

Song chạy vào Vần Chải, nhờ dân khiêng quan tài Hoàng về Phó Bảng. Nhưng không ai chịu khiêng.

Song cáu lắm. Giá như trước, hắn đã chém đầu hết. Nhưng lúc này, nóng nẩy bất lợi, hắn dùng đến phương sách cuối cùng:

- Thế tao trả tiền cho chúng mày. Cần bao nhiêu?

- Người nhà các anh thì các anh cho con cháu đến khiêng, dân chúng tôi chả ai khiêng đâu, đừng nói nhiều!

Song phải vào một nhà quen, mượn ngựa phóng về Phó Bảng, nhờ Ủy ban huy động người. Chủ tịch huyện Vù Mí Kẻ huy động dân quân cùng một số dân khiêng quan tài từ Thảm Mạ về Phó Bảng.

Về Phó Bảng, Thuận lại nói với Song:

- Tôi muốn đưa ông về Sà Phìn, chôn ông bên mộ cụ ông, cụ bà, anh xem thuê người giúp. Người Mèo không chịu, ta thuê người Hoa, người Thổ xem sao?

Song đi nhờ người Hoa, người Thổ ở Phó Bảng nhưng không ai nhận lời. Cuối cùng Mỹ Thuận đành làm ma chồng ở Phó Bảng.

Cũng như đám ma Cắm Sìn ngày nào, lần này, Mỹ Thuận lại đứng lên làm chủ tang lễ.

Tang lễ được tổ chức đúng theo phong tục người Mèo.

Mỹ Thuận chọn một người thân tín đứng ra làm ông “xổng lỳ” nhận đồ phúng viếng, giao tất cho mụ.

Hội kèn chỉ toàn những ông già, phì phò thổi những bài ai oán. Thuận ôm lấy quan tài, khóc nức nở. Một người thổi kèn, hát bài “cúng ma”:

Ta chỉ cho mình đến đây

Ta chỉ đường cho mình tìm Tổ tiên…

Gần trưa, linh cữu được khiêng ra huyệt. Thuận cứ tưởng số dân đi theo ông “vua” của họ sẽ đông nghìn nghịt. Nhưng hóa ra phần lớn là trẻ con đi xem cho thỏa chí tò mò.

Chiều hôm ấy, khi những người đưa ma đã về hết, chỉ còn lại người nhà, Chí Song cứ nằng nặc đòi Mỹ Thuận họp kín chia gia sản. Mẹ con Síu muốn giữ tất tài sản không muốn họp hành gì cả. Thuận trách đứa cháu bất hiếu. Thị nói với những người thân:

- Ông vừa nằm xuống mà cháu đã nghĩ đến chuyện vàng bạc, của nả. Tật là bất hiếu,không còn tình nghĩa gì?

Chí Song ấm ức trong lòng.

*

Ngay chiều hôm ấy (2-8-1962), khi ở Phó Bảng, Mỹ Thuận ra mộ khóc than Hoàng thì ở phố Đồng Văn, con rể Hoàng - tướng phỉ Giàng Vạn Sùng - bị dẫn ra pháp trường.

Sự việc này diễn ra làm Chí Song đau đầu, phá tan tất cả hy vọng hão huyền của hắn.

Sau khi đưa bản “Tường trình về sự kiện Giàng Vạn Sùng” gửi lên Quốc hội, Song tập trung theo dõi. Đoàn kiểm tra về Lũng Cú. Song hí hửng mừng thầm. Hắn biết rằng, ở Lũng Cú, nhiều bà con dân Mèo còn rất sợ oai Sùng. Nhất là tay chân của Sùng còn lảng vảng trong vùng. Chỉ một lời dọa dẫm, dân sẵn sàng giấu kín tội lỗi Sùng.

Song tung chân tay về Lũng Cú, dọa dẫm bắt dân phải khai báo sai, xóa nhòa sự thật về Sùng.

Nhưng rồi các tin tức từ Lũng Cú về cho biết, nhân dân đã cung cấp những sự việc thật về Sùng, Song cùng Chí Ân khiếu nại khắp nơi, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tòa án vẫn kết án tử hình Sùng.

Và hôm nay, Sùng ra pháp trường.

Trên một bãi rộng cạnh phố Đồng Văn, dân chúng quanh vùng đến dự đông nghịt. Họ muốn tận mắt nhìn một tên tướng phỉ khét tiếng gian ác, đã gieo bao tang tóc cho bản làng, đền tội ác; muốn chứng kiến nỗi căm thù chất chứa trong lòng bao người hôm nay được trả.

Vợ Mí Sính có mặt trong đám người đến chứng kiến cuộc xử đó. Tấm khăn tang còn quấn trên đầu. Bộ mặt hốc hác, xanh xao của chị lúc này đượm vẻ căm thù, vẻ buồn và sự chờ đợi giờ phút trả thù cho chồng.

Thào Thị Chúa cũng đang ở trong đám đông. Vợ Sính rẽ người, đi lại phía Chúa đứng. Ngập ngừng một lúc, chị mạnh dạn hỏi Chúa:

- Mày cũng đến à?

Thào Thị Chúa nhìn chị ta không biết nói gì, lúng túng, tay vuốt vuốt trên thắt lưng mãi mới trả lời:

- Ừ!

Vợ Sính kéo Chúa ra một chỗ thưa người hơn, chân thành:

- Trước kia tao hiểu lầm mày. Nghe thằng Mí Dính nói mày quyến rũ chồng tao, tao giận mày lắm. Mấy lần tao mang dao đón đường định giết mày rồi ăn lá ngón tự tử. Đến khi chồng tao bị giết, mày bị bố con thằng Sùng ghét bỏ, tao mới biết, chúng bày cớ giết chồng tao và mày. Tao ghen quá hóa mù, mày bỏ qua cho tao. Chồng tao bị thằng Sùng giết, chồng mày cũng bị phỉ giết - chị ngừng lại chấm nước mắt - mày đừng chấp nhặt chuyện cũ. Bạn gái, thân góa bụa với nhau cả thôi!

Thào Thị Chúa nghe nói, ngậm ngùi, thương người đàn bà cùng chung số phận với mình:

- Mày không nên cả nghĩ, tao chẳng oán mày đâu. Tao chỉ căm cha con thằng kia - Chúa chỉ về phía Vạn Sùng - Cha con nó hành hạ tao, định ám hại tao. Nó mà thắng, nó còn sống thì không biết mày và tao sống thế nào? Rồi cũng chết dần chết mòn với nó thôi!

Hai người còn đang trò chuyện thì bỗng tiếng hô nổi lên vang dội cả khu rừng:

- Đả đảo Giàng Vạn Sùng!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #83 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 02:04:21 pm »

Tên Sùng bị dẫn ra pháp trường, đi về phía cọc bắn. Hắn bước đi nặng nề, lúc lúc như khuỵu xuống mặt cỏ. Con mắt đỏ những tia máu giờ tối sầm. Hắn không dám ngẩng nhìn cánh rừng, đỉnh núi, nơi mà trước kia hắn đã tung hoành, đã chỉ huy bộ hạ bắn chết Chú Sâu, Mí Sính, Mí Chú, Vạn Sính, các cán bộ Cam, Bảo. Nơi Mí Dúng chết trước mũi súng của hắn. Nơi đứa con trai cả gục xuống do viên đạn của chính chân tay mình.

Sùng bỗng giật mình khi những tiếng hô từ đám đông phát ra. Hắn nhìn mọi người, những con người trước kia trông thấy hắn mặt đã tái đi, run sợ, không dám nhìn, giờ đang bốc lửa căm thù, như muốn xông đến xé xác hắn. Sùng biết rằng, giá như có còn trên mình ngựa, nhưng với đám dân chúng này, hắn cũng không thể tung hoành như trước nữa rồi.

Ba phát súng nổ kết liễu đời một tên tướng phỉ tàn ác khét tiếng.

Trong đám đông, có người nói:

- Thằng này bị bắn, ta chưa hả. Lẽ ra phải ném cho hổ, cho ngựa xé, hoặc tùng xẻo mới đúng!

*

Vàng Chúng Dình đang ngồi trong một phòng riêng.

Từ hôm bị bắt đến nay, Dình vẫn không hiểu tại sao người ta lại bắt được hắn. Ai dẫn đường? Bọn phỉ bảo vệ hang đi đâu? Hắn đinh ninh rằng Trương tham mưu, Mã Chính Minh cũng bị bắt cùng hắn. Giờ đây Trương tham mưu, Mã tráng sĩ thế nào rồi? Hắn cứ ân hận là sắp đến ngày tổng phản công, kế hoạch đã chuẩn bị xong, như con chim đại bàng sắp tung đôi cánh rộng, thì lại sa cơ, bị trời trói tay.

Từ hôm bị bắt đến nay, giữ vững tinh thần nghĩa hiệp của một Tổng tư lệnh, từ Đại quốc sang, giữ đúng lời thề với Trương tham mưu, hắn không hề khai báo gì cả.

Người ta đưa lời khai của Hầu Vạn Quả, Giàng Vạn Sùng, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Ly, Giàng Chỉn Mìn… ra làm chứng bảo hắn khai, hắn lớn tiếng cãi:

- Đó chẳng qua là những lời khai bậy bạ của những kẻ tiểu nhân. Các ông đừng lấy những lời đó lung lạc tôi!

Giữa lúc đó, Nghĩa bước vào, mặt vuông chữ điền, miệng ngậm píp, mình khoác áo da, chân đi ghệt. Hắn quay sang nhờ người phiên dịch rồi chắp tay:

- Tiên sinh bị giam ở đâu? Sao từ hôm bị giam đến giờ, tôi không gặp tiên sinh?

Nghĩa im lặng không trả lời. Hắn cho là Trương tham mưu ngại nói chuyện trước mặt công an. Hắn tiếp tục hỏi:

- Tiên sinh có khỏe không, có bị tra tấn nhiều không?

Lúc này Nghĩa ngồi vào bàn hỏi cung, dõng dạc trả lời:

- Anh lầm rồi. Tôi đến để hỏi cung anh đây.

Dình sửng sốt, không tin vào lời Trương tham mưu nói. Hay là dịch sai?

- Tiên sinh nói sao?

Nghĩa dõng dạc nhắc lại:

- Tôi là công an, tôi đến để bảo anh khai lại tất cả tội trạng của anh!

Một phiên tòa được lập. Dình bị kết án tử hình.

Ngày 11 tháng 8 Nhâm dần (9-9-1962), trời vừa sáng, trên một thung lũng rộng, người thuộc các dân tộc: Mèo, Tày, Dao, Lô Lố… từ các nơi đổ về chứng kiến cuộc xử tội Vàng Chúng Dình.

Tội nhân bị dẫn ra pháp trường.

Vàng Chúng Dình dáng người cao cao, xương xương bước ra. Hắn nhìn nhân dân và cán bộ với ánh mắt thách thức, căm thù.

Vị chánh án hỏi:

- Anh có cần nói lời cuối cùng gì không?

Dình ngẫm nghĩ một lúc. Hắn chẳng muốn nói gì. Ở đất nước xa lạ này, còn ai thân mà hắn phải nói? Vàng Mí Va hắn không biết giam ở đâu. Chí Song, Chí Ân không có mặt ở đây, mà có hắn cũng không muốn nói gì với bọn này. Bọn này sẵn sàng xỉ vả hắn để rũ tội. Hắn biết tâm địa đồng minh lắm chứ!
Mã Học Văn, Mã Chính Minh, không hiểu thế nào nên không cần nói gì. Biết đâu hai người theo Cộng sản rồi thì sao.

- Tôi xin gặp người đóng giả Trương tham mưu!

- Được! Anh chờ một phút!

Chúng Dình đứng chờ, bộ mặt bình thản pha uất ức.

Một phút sau, bóng dáng to lớn, quen thuộc của Trương tham mưu xuất hiện, đi đến trước mặt hắn.

Vàng Chúng Dình nhìn thẳng vào mặt Trần Tấn Nghĩa, đôi mắt tóe lửa.

- Trước khi chết, anh xin gặp tôi có điều gì? - Nghĩa dõng dạc hỏi.

Chúng Dình tức tối nói rành rọt:

- Ta là người Mèo, ta sinh ra ở trên đời, trên có trời xanh, dưới có núi đá. Ta sinh ra với cây súng, ta chơi với cây súng, lớn lên với cây súng. Ta căm thù các anh, ta cầm súng tiêu diệt các anh…

Ta chỉ ân hận việc lớn chưa thành. Anh khôn hơn ta, anh thắng, ta dại hơn anh, ta thua!

Ta chỉ mong anh bắn ta phát súng để tiễn biệt ta theo đúng phong tục người Mèo.

Ta muốn chết trong tiếng súng.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #84 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 08:43:28 pm »

27

Ông Thảo hơ tay trên đống lửa, tươi cười nhìn “tứ hồ”, vui vẻ nói:

- Nhân tiện các cậu về đủ, tôi phổ biến một việc, ta làm luôn, khỏi phải họp mất một buổi. Vừa qua, ta tóm được mấy thằng đặc vụ: Vàng Chúng Dình, Giàng Chỉnh Mìn, Vàng Mí Va… Bạn khoái lắm. Bạn có tặng ta một phần thưởng quý gì đó, tôi cũng chưa biết là cái gì. Bạn mời một đoàn gồm các lực lượng tiễu phỉ sang tham quan và lĩnh phần thưởng. Anh em ta được cử một người. Các cậu chọn đi!

Mấy tiếng bàn nhau khe khẽ:

- Chà, hay quá nhỉ! Được thăm Bắc Kinh, Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành… tuyệt quá nhỉ!

- Được sang Côn Minh xem nơi thằng Voòng Diu Số, thị Thuận, thằng Quả họp bàn thì sướng quá. Cái thằng Số đểu thật, toàn xúi Hoàng, Dương đánh nhau để kiếm lời nhỉ!

Anh Thảo giục:

- Thôi, bầu đi nào, tán mãi.

Việc bình bầu tưởng loáng cái là xong, ai ngờ đâm ra “hắc búa”. Đăng gấp quyển “toán học” lại, ngước lên nói:

- Nói chung, trong chiến dịch này anh em đều cố gắng. Đồng chí Kim, Lạc lăn lộn ở nhiều nơi, bắt Lùng, kéo được Ly, Páo về. Nhưng tôi thấy anh Nghĩa vào hang bắt thằng Dình nguy hiểm nhất. Vậy ta nên cử anh Nghĩa đi!

Kim, Lạc cùng reo lên:

- Đúng quá, anh Nghĩa!

Nghĩa rút cái píp khỏi miệng:

- Tôi thấy thế này, dẫu sao tôi cũng ở nghề trinh sát lâu rồi. Làm được như thế thì đáng kể gì. Hai đồng chí Kim, Lạc trẻ, mới làm trinh sát mà tiến nhanh, thu kết quả tốt. Ta cần phải chú trọng đến lớp trẻ… Hơn nữa, điều này là quyết định, tôi từ Khu về, ở đây cũng chỉ một vài năm thôi. Còn các đồng chí là chủ ở đây, bám trụ cái đất “U tì quốc” này cả đời người. Ta nên cử một trong hai đồng chí ấy đi!

Kim, Lạc xin rút. Người nọ đùn cho người kia mãi. Ông Thảo thấy các chiến sĩ nói đều có lý, chưa biết nói sao.

Lạc xin phát biểu:

- Theo tôi, có được kết quả vừa qua, do anh em một phần, nhưng chủ yếu là nhờ sự lãnh đạo sát sao. Anh Thảo đi sâu đi sát anh em, chỉ huy cụ thể. Vậy đề nghị anh Thảo đại diện cho anh em đi…

Ông Thảo xua tay:

- Các cậu trực tiếp nằm ở các bản làng, gian khổ, khó khăn, đổ mồ hôi xương máu nhiều, tôi là người chỉ huy chung, ngồi ở huyện “chỉ tay năm ngón” chứ có gì. Bầu tôi, danh sách gửi lên Khu, Bộ. Tưởng tôi lấy quyền lãnh đạo bắt chiến sĩ bầu cho mình, cướp công của anh em, “các cụ” đì cho một trận nên thân ấy chứ! Bầu bán kiểu ấy chướng lắm! Chướng lắm! Để tôi xin ý kiến Tỉnh ủy, Bộ, rồi quyết định sau. Cử người trong số các cậu là được rồi.

Nói xong, ông Thảo xem đồng hồ, sốt ruột:

- Cậu Lâm hẹn cùng ta đi Cắn Tỷ, mà mãi không thấy sang nhỉ. Hay lại trục trặc gì rồi. Chắc Tỉnh đội không có xe lên đón?

Kim lắc đầu:

- Xe Tỉnh đội thiếu gì anh! Chỉ có công an mình là nghèo, toàn cuốc bộ, nhếch nhác quá, chứ bên quân sự người ta oai lắm.

- Mình nghèo, điều đó có, nhưng không phải là lý do chính. Mà mình đi đâu cũng phải kín đáo, bí mật, không thể rầm rộ như bên quân sự được.

Ông Thảo dừng lại cời cời thanh củi cho cháy to hơn rồi tiếp:

- Đợt này về Cắn Tỷ, cậu Kim phải bám sát xem thằng Ân phát biểu thế nào? Nó vờ ca ngợi hợp tác xã hay là trắng trợn ngăn cản bà con, để họ không vào hợp tác. Chà, chúng còn chễm chệ ngồi đấy, anh em mình còn vất vả đây. “Chơi” với bọn này, nếu không có bản lĩnh người Cộng sản thì cũng xin “quy giáo lai hàng” mất thôi.

Ngừng một chút, ông quay sang Nghĩa:

- Cậu về Hà Nội chú ý xem cô Hội và Chi ăn ở thế nào, có đầm ấm, hạnh phúc không? Cố gắng cứu thằng Thất, con Hải của cô, đừng để cho mụ Síu, mụ Thuận tiêm nhiễm tư tưởng phản động và lối ăn chơi xa hoa, trụy lạc cho chúng…

Có tiếng bước chân, Mã Chính Lâm đi vào, lắc đầu:

- Xin báo các anh một tin buồn. Sau mấy trận mưa lớn vừa qua, đường ô tô bị sạt nhiều đoạn. Sửa xong cũng mất dăm hôm. Các anh chờ xe hay là đi luôn?

Ông Thảo nhìn Kim, Nghĩa dò hỏi:

Kim quả quyết:

- Không thể chậm được anh ạ, chậm hỏng mất việc, chúng tôi đi bộ cũng được.

Lâm tươi hẳn lên:

- Nếu thế ta đi ngựa. Bên các anh thiếu, lấy ở bên tôi. Tôi cũng cần xem gấp việc tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này thế nào, không thể trì hoãn được.

Sáng hôm sau ông Thảo chia tay các chiến sĩ. Ông và Đăng sang Mèo Vạc dự hội nghị công an xã. Lạc trở lại Phú Lúng tiếp tục giáo dục số phỉ của Páo đã về. Kim, Nghĩa cùng Lâm đi Cắn Tỷ.

Nghĩa, Kim, Lâm cùng một số chiến sĩ của huyện đội phóng ngựa lên đường. Tối hôm ấy đoàn dừng chân nghỉ ở nhà một người dân tại Lao Pa Chải, ngang
dốc Pa Pao, gần chỗ Giàng Páo hy sinh.

Vừa bước vào ngõ, các anh gặp một người đàn ông Mèo, trạc 50 tuổi, đi ra. Trông thấy Mã Chính Lâm, ông đã kính nể, lại thấy Nghĩa oai vệ quá, “Mã tráng sĩ” còn phải đi theo hộ vệ, chắc là quan to, ông vội chắp hai tay, cúi gập người vái một vái rồi đón cương ngựa trong tay anh, dắt vào tàu.

Ở trong nhà, các anh thấy một thanh niên, bưng một âu cháo gà, lách vào buồng rồi ra tươi cười khoe:

- Này, cán bộ này, vợ tao đẻ con trai rồi… Tao ơn cán bộ chúng mày lắm!

- Chúng tôi làm gì mà anh ơn?

- Trước đây tao ở nhà, vừa cưới vợ xong thì thằng Vàng Chỉn Cáo bắt tao theo phỉ. Không theo thì nó giết. Theo rồi sợ chúng mày giết. Một lần, thằng Cáo bắt tao giết một đứa con gái, nhưng nó lại có mang, tao không giết. Từ đó Cáo bảo tao là thằng hèn, không xứng đáng là người Mèo, định giết tao. Lúc ấy, nhờ chúng mày bắt thằng Cáo, tao mới được về nhà. Giờ mới được đứa con trai, khoái lắm!

Nghĩa “à” lên một tiếng, nói với Kim, Lâm:

- Phần thưởng cao quý nhất của chúng mình đấy!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #85 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2017, 08:45:14 pm »

Trưa hôm sau, đoàn tới Cổng Trời. Trong cổng, một đám nam nữ thanh niên rất trẻ, người nào cũng chỉ trạc 19, 20 tuổi, mặt mũi đỏ gay, đang ngồi thở. Mấy cô gái dùng nón quạt lia lịa. Thấy các anh, súng ống gọn gàng, mặc quần áo ka-ki, họ tưởng tất cả là bộ đội, vui vẻ bắt chuyện.

- Các anh từ Đồng Văn về à? - Một cô gái hỏi, miệng chúm chím cười.

Kim đon đả:

- Đúng  còn các cô cậu từ đâu lên đấy?

Một thanh niên vui vẻ:

- Chúng tôi là giáo viên, vừa tốt nghiệp xong. Bộ phân công lên Đồng Văn dạy học. Đi ô tô đến Quản Bạ, chờ mấy hôm liền, đường hỏng, không có ô tô, chúng tôi rủ nhau đi bộ qua đây. Nhân tiện tham quan Cổng Trời một thể. Sau này khó có dịp qua. Người ta bảo, về Hà Giang mà chưa đến Cổng Trời thì coi như chưa đến Hà Giang.

Cô gái cất giọng than vãn:

- Đường với xá, cheo leo quá. Em ngồi trên xe mà cứ chóng mặt, đến khiếp. Ở trên ấy yên ổn chưa các anh? Nghe nói bọn phỉ giết người như ngóe, eo ơi, hết hồn…

Anh thanh niên cười:

- Nghe chuyện bọn phỉ rán mỡ, ăn gan người, các cô hãi lắm. Rồi ở trường, đêm đêm ra ngoài, khéo phải nhờ chúng tôi… cõng…

Cô gái nguýt người thanh niên:

- Là thầy giáo rồi mà cứ tưởng còn học sinh. Bất lịch sự…

Mọi người cùng phá lên cười. Anh thanh niên lại hỏi:

- Các anh thấy ở trên ấy, việc học tập của các em và bà con thế nào?

Lâm nói luôn:

- Việc học hành của các em gay go lắm. Em nào đi học được Nhà nước cung cấp đầy đủ bút, mực, sách vở, có em được nuôi hoàn toàn. Thế mà nhiều gia đình tiếc việc, chưa thấy ích lợi của việc học, không cho các em đi. Còn việc học bổ túc thì, mỗi người đi học, đầu khóa được phát một bộ quần áo tả-pú (con gái phát váy áo) trị giá ba, bốn mươi đồng, mỗi tối được lĩnh bảy hào, thế mà nhiều người cũng chưa chịu đi học. Các thầy, các cô vất vả lắm. Các thầy cô đem được chữ đến cho đồng bào Mèo, thật anh hùng đấy!

- Lạ nhỉ? - Cô gái băn khoăn.

Một thanh niên hỏi:

- Trên ấy còn nhiều chuyện lạ lắm phải không các anh?

- Có gì lạ nữa đâu?

Người thanh niên không tin:

- Tôi nghe bà con nói trên này có nhiều chuyện lạ lắm. Người mang tên “Chí Trung”, nguyện trung thành với cách mạng thì làm phản. Người mang danh “Chí Ân” thì vô ơn bội nghĩa với quê hương anh em mình. Người có tên là “Tiền Vàng” thì chết vì tiền và vàng… Còn cán bộ ta cũng lạ. Người mã phu của vua Mèo trước thì nay thay “vua” làm chủ tịch huyện. Bộ đội các anh cũng thế, bắt được cả thằng Tổng tư lệnh phỉ, gián điệp từ Đài Loan về, biến nó từ “Hữu Tài” thành “bất tài”. Thế mà các anh bảo không có chuyện lạ, thật “bụt nhà không thiêng”.

Nghĩa bấm Kim, Lâm. Các anh cùng cười rồi lên ngựa.

Mã Chính Lâm đưa mắt nhìn khoảng rừng núi trùng điệp. Một đám mây bồng bềnh trôi qua. Những đỉnh núi cao, nhọn như mũi mác, ngâm trong dòng nắng sánh vàng như mật ong.

Đồng Văn 7-1974,

Hà Nội 10-1975

NGÔN VĨNH

HẾT
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM