Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:25:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29667 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:16:15 pm »

Khi đến gần cầu Bô-ko thì xe tăng đi trước đã làm sập cầu. Trong khi chờ công binh đánh đường vòng, tôi cùng tổ trinh sát đi lên trước một đoạn thì gặp tổ trinh sát đang chờ đón, đưa cho tôi tờ giấy ghi điện của đồng chí Lê Đức Anh: “6 giờ sáng mai đón tôi ở cầu số 8”. Tôi vội quay lại đôn đốc sửa đường nhanh để đi cho kịp, nhắc sư đoàn để xe tăng đi sau, cho thiết giáp cùng Trung đoàn 66 đi gấp lên trước cho kịp.

Trời vừa sáng, tôi cùng bộ phận đi đầu của Trung đoàn 66 vừa đến trạm quân y đầu cầu số 8, thì nghe tiếng máy bay trực thăng đang rõ dần, trong lúc đó còn nghe thấy tiếng súng từ ngọn đồi bên cạnh. Đồng chí Cường – Lữ đoàn trưởng 126 chạy ra đón, vẻ rất mừng rỡ. Tôi hỏi ngay tình hình, đồng chí nói:

- Bộ phận phái đi trước của ta gồm tám xe tăng và một đại đội bộ binh đã vào chiếm Xi-ha-núc-vin hồi 4 giờ ngày 7 tháng 1, bị địch phản kích phải lui lại cùng lực lượng đổ bộ tiếp sau cụm lại cách Xi-ha-núc-vin gồm 30 xe tăng và một tiểu đoàn bộ binh, không đánh địch mà chờ đại bộ phận lên tiếp ứng nên bị địch đánh lui dần. Trưa ngày 8 tháng 1, địch đã chiếm cao điểm không tên tây bắc ngã ba Rem – đồng chí chỉ tay về hướng tây nam cầu số 8 – Lực lượng của lữ đoàn đến sáng ngay 9 tháng 1 mới đến nơi đang bố trí ở phía tây nam cầu số 8(1).

Tôi giao nhiệm vụ ngắn gọn cho đồng chí Chính – Sư đoàn phó đi cùng với tôi đang có mặt ở đó, xong vừa vào đón chiếc máy bay đang hạ cánh.

Từ hôm tôi chào đồng chí Lê Đức Anh ở biên giới Tây Nam để về Quân đoàn 2 đến nay mới mấy tháng mà thấy đồng chí gầy hẳn đi, nhưng trên mặt vẫn nở nụ cười. Đồng chí đối với tôi vẫn như khi còn làm việc ở cơ quan. Cùng đi với đồng chí có đồng chí Ninh phụ rách quân chủng của Cục Tác chiến và mấy cán bộ ở cơ quan tiền phương. Đồng chí Ninh cho biết:

- Hôm kia ở đảo Phú Quốc được điện của tôi, anh Lê Đức Anh rất mừng, anh chấp nhận ngay.

Vào trong nhà, đồng chí Lê Đức Anh làm việc ngay. Sau khi nghe đồng chí Cường và tôi báo cáo, đồng chí nói:

- Thôi, tối rồi, đồng chí Tần về theo đơn vị, động viên bộ đội hoàn thành nhiệm vụ tốt, chú ý bảo đảm chính sách, quản lý, bảo vệ cẩn thận trang thiết bị vũ khí đạn dược còn nhiều ở cảng về sau này giao lại cho bạn.

Lúc này Sư đoàn 304 đã triển khai đội hình đang tiến ra cảng, xe tăng đã vượt lên trước, pháo đã vào trận địa. Sư đoàn đã quen cách đánh khi tiến vào Sài Gòn cách đây mấy năm, trong hành tiến tiến công hiệp đồng binh chủng ào ạt xông vào diệt từng vị trí và nhanh chóng thọc sâu, đang truy lùng và cho Trung đoàn 9 phát triển sang Rêam.

Đến chiều, đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 2 giao nhiệm vụ cho tôi trở về Kăm-pốt tổ chức quân quản và chỉ đạo Sư đoàn 325 truy quét địch. Bộ Tư lệnh sẽ về sau khi ổn định tình hình ở cảng.

Tôi dùng một xe M113 về ngay trong đêm, đến Kăm-pốt an toàn. Đường về chạy ven rừng căn cứ cũ của địch, tôi có đề phòng nhưng địch mới bị đánh đang chạy tán loạn, chưa kịp phản ứng lại.


(1) Lữ đoàn 126 lính thủy đánh bộ do thượng tá Trần Chí Cương làm Lữ đoàn trưởng, trung tá Nguyễn Văn Luật – Lữ đoàn phó chính trị, trung tá Mai Năng và tung tá Trần Sỹ Kích – Lữ đoàn phó. Lực lượng chủ yếu của lữ đoàn có 5 tiểu đoàn bộ binh và 30 xe tăng. 18 giờ 30 phút ngày 6 tháng 1 năm 1979, xuất phát từ An Thới. Bãi đổ bộ chọn ở tây Kămpốt 5 ki-lô-mét. Đổ bộ từ 2 giờ ngày 7 tháng 1 được 30 xe tăng và 1 tiểu đoàn bộ binh. Toán phải đi trước gồm 8 xe tăng và 1 đại đội bộ binh do trung tá Mai Năng chỉ huy, đổ bộ xong xuất kích ngay, đến 4 giờ ngày 7 tháng 1 đã vào Xi-ha-núc-vin. Địch phản kích, toán này không trụ lại mà lui về cách Xi-ha-núc-vin 7 ki-lô-mét thì gặp lực lượng phía sau lên cụm lại đó cả 30 xe tăng và 1 tiểu đoàn bộ binh. Do không đánh địch mà chờ lực lượng phía sau lên, nên địch đánh phải lui dần đến trưa ngày 18 tháng 1 địch chiếm cao điểm Không tên tây bắc ngã ba Rem. Ta bị tổn thất lui về giữ phía đông cầu số 5. Đồng chí Luật hy sinh. Lực lượng chủ yếu của lữ đoàn (4 tiểu đoàn bộ binh) đi ôtô nhưng ôtô không đổ bộ lên được, phải đi bộ đến 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 mới gặp bộ phận đi trước ở đông cầu số 8 và chiếm giữ ở đó cho đến khi bộ phận đi trước của Quân đoàn 2 đến nơi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:16:38 pm »

Sau này tôi được biết, theo yêu cầu của đồng chí Tư lệnh Hải quân, Quân đoàn đã cử một tiểu đoàn của Trung đoàn 66 do đồng chí Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đi tàu biển cùng bộ đội hải quân, theo đồng chí Ba Song – cán bộ Cục Tác chiến hướng dẫn đã đổ bộ lên chiếm Cô Công phối hợp với bạn chiếm thị xã Cô Công ngày 17 tháng 1 là thị xã cuối cùng của Cam-pu-chia được giải phóng.

Chúng tôi được thông báo liên tiếp tin chiến thắng.

Ngày 6 tháng 1 năm 1979, ta bắt đầu tổng tiến công Phnôm Pênh.

Quân đoàn 4 với hai sư đoàn vượt sông Mê Kông ở phà Niếc Lương cùng với trung đoàn giang thuyền và trung đoàn đặc công ngược sông Mê Kông đánh vào trung tâm thủ đô Phnôm Pênh. Chỉ trong hơn một ngày tiến công, hồi 11 giờ 30 phút ngày 7 tháng 1 năm 1979, Sư đoàn 7 đã tiến vào Phnôm Pênh, đến cuối ngày ta và bạn đã chiếm toàn bộ thủ đô.

Quân đoàn 3 vượt sông bằng sức mạnh, đánh chiếm thị xã Kom-pông Chàm, thọc sâu theo đường 7, vượt sông Tông-lê-sáp ở Niếc Đam, tiến vào Phnôm Pênh từ hướng bắc.

Quân khu 9 ngày 6 tháng 1 chưa chiếm được Tà Keo, dùng Sư đoàn 9 bao vây Tà Keo, Sư đoàn 339 và Sư đoàn 330 tiến theo đường 3 đánh vào sân bay Pô-chen-tông theo theo hướng tây nam.

Quân đoàn 2 sau khi đánh chiếm Kăm-pốt ngày 9 tháng 1, phát triển tiến công cùng lữ đoàn lính thủy đánh bộ chiếm cảng Rem và Kom-pông Som ngày 10 tháng 1.

Ngày 8 tháng 1 năm 1979, lực lượng yêu nước Cam-pu-chia tuyên bố thành lập Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia đứng đầu là Chủ tịch Heeng Xom Rin. Ngày 10 tháng 1, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia công bố chính sách đối nội, đối ngoại, quyền đại diện chân chính, hợp pháp của nhân dân Cam-pu-chia.

Từ đó lực lượng ta phát triển tiến công rất nhanh.

Quân đoàn 3 tiếp sau là Sư đoàn 5 Quân khu 7 đánh chiếm Kompông Chom ngày 9 tháng 1, thị xã Xiêm Riệp sáng 10 tháng 1, Xi-xô-phôn ngày 11 tháng 1, sau đó thọc xuống đánh chiếm thị xã Bat-tam-bang ngày 12 tháng 1, thị xã Pô-sát ngày 14 tháng 1.

Sư đoàn 339 Quân khu 9 bị địch phản kích quyết liệt ở U-đông, Sư đoàn 330 phát triển tiến công chiếm thị xã Kom-pông Chơ-năng ngày 11 tháng 1.

Hướng Quân khu 5, sau khi giải phóng các tỉnh đông bắc, dùng Sư đoàn 307 đánh thị xã Preah Vi-hia ngày 16 tháng 1.

Một tiểu đoàn của Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 do trung đoàn trưởng chỉ huy cùng lực lượng hải quân có không quân yểm hộ, phối hợp với bạn đánh chiếm thị xã Cô Công ngày 17 tháng 1 là ngày cả nước Cam-pu-chia được giải phóng khỏi ách diệt chủng của Pôn Pốt.

Trong cuộc tiến công từ ngày 23 tháng 12 năm 1978 đến ngày 17 tháng 1 năm 1979, ta và bạn cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra; Đã tiêu diệt, làm tan rã 18 trong số 23 sư đoàn chủ lực địch, trong đó có 5 sư đoàn bị xóa sổ. Số còn lại tan rã tại chỗ. Giải phóng trên 3 triệu dân, thu hồi cơ sở vật chất kỹ thuật quân sự của địch ở các thành phố, thị xã, thị trấn, sân bay, bến cảng, trên các tục đường giao thông chiến lược của Cam-pu-chia. Đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở. Chính quyền cách mạng Cam-pu-chia được thành lập, đã được các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước độc lập dân tộc công nhận (9 nước) kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chuyển sang làm nhiệm vụ giúp Cam-pu-chia hồi sinh dân tộc, làm lại cuộc cách mạng.

Ngày 18 tháng 2 năm 1979, đại diện Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ký hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước tại Phnôm Pênh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:16:55 pm »

*
*   *

Sau thời gian truy quét mở rộng vùng kiểm soát và ổn định tình hình trong tỉnh, bạn và ta đã tổ chức lễ ra mắt của chính quyền và mặt trận của tỉnh bằng một cuộc mít tinh rất đông và an toàn. Nhân dân hết sức vui mừng phấn khởi vô cùng biết ơn Bộ đội Cụ Hồ, nhưng trên mọi người còn mang nhiều dấu ấn của những người vừa thoát khỏi cõi chết.

Tôi đã thay mặt quân đoàn ký kết bàn giao với Chủ tịch mới của tỉnh Kăm-pốt, bao gồm các biên bản bàn giao cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, xe cộ, kho tàng nhà cửa đầy đủ. Bạn rất hài lòng và rất cám ơn Đảng, nhân dân, Quân đội Việt Nam.

Sau này, khi đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn về nước, tôi đã tập trung trung hơn 200 xe chiến lợi phẩm mà Quân đoàn tạm sử dụng để làm nhiệm vụ ở Cam-pu-chia, đem tập trung về Bộ để bàn giao cho bạn.

Quân đoàn còn ở lại một thời gian truy quét địch ổn định tình hình ở Kăm-pốt, cảng Kom-pông Som và phối hợp với đơn vị Quân đoàn 3, 4, v.v… truy quét các căn cứ cũ của địch ở tây nam Cam-pu-chia, diệt địch, giải phóng dân, vừa chiến đấu, vừa giúp bạn hồi sinh; đưa dân về nơi cư trú, giúp làm chỗ ở, giúp sản xuất, giúp chữa bệnh, cứu đói… phối hợp với các đội công tác của bạn, tuyên truyền và vận động nhân dân đánh địch ngầm, xây dựng lực lượng, chính quyền cơ sở.

*
*   *

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nổ ra thì ngày 27 tháng 3, Quân đoàn được lệnh cấp tốc hành quân ra Bắc. Lại một lần nữa, cơ động đường dài thần tốc, nhưng lần này suốt cả chiều dài của đất nước hơn 2.000 ki-lô-mét. Tôi trở về Sở chỉ huy quân đoàn nhận nhiệm vụ, đi trực thăng về Sài Gòn báo cáo kế hoạch hành quân bằng đường không, đường biển và đường sắt để cơ quan tiền phương Bộ giúp bố trí phương tiện sẵn sàng. Tôi cùng đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường và đoàn tiền trạm đi một chuyến máy bay Bôing ra Hà Nội. Đoàn tiền trạm các đơn vị về các vị trí dự kiến, chuẩn bị đón bộ đội về tập kết. Tôi cùng đoàn cán bộ đi lên biên giới phía Bắc chuẩn bị chiến trường, tập trung nghiên cứu trên hướng chính Lạng Sơn, Đồng Đăng, nắm tình hình và trao đổi với các Bộ Tư lệnh Quân đoàn đang chiến đấu ở mặt trận, sau đó đón đồng chí Tư lệnh Quân đoàn tiếp tục đi xác định trên thực địa hoàn thành phương án phản công phối hợp với các quân đoàn đứng chân trên hướng chủ yếu của chiến dịch.

Do chủ trương của Trung ương Đảng, Quân đoàn chưa phải tiến hành chiến dịch phản công đã dự kiến. Từ nay Quân đoàn chuyển sang một thời kỳ mới.

Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, Quân đoàn 2 vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia trao tặng Huân chương Ăng Co kèm theo bức trướng mang dòng chữ: “Tinh thần quốc tế vô sản trong sáng tuyệt vời”. Trung đoàn 24 bộ binh, Sư đoàn 304, Đại đội 7 Lữ đoàn 203 xe tăng được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai, 163 tập thể và 1.260 cán bộ chiến sĩ Quân đoàn có thành tích xuất sắc được tặng Huân chương Quân công và Chiến công các loại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:17:18 pm »

*
*   *

Tôi nghĩ rằng chiến tranh biên giới Tây Nam có nhiều đặc điểm khác thường vì hai nước vốn có quan hệ đoàn kết đặc biệt từ lâu đời. Nhưng thực tiễn đã cho thấy rõ cuộc chiến tranh này là do bọn Pôn Pốt mang nặng đầu óc dân tộc cực đoan, không tưởng và lòng hận thù dân tộc nặng nề, đã phản bội nhân dân ba nước Đông Dương, thực hiện đường lối vô cùng phản động. Pôn Pốt phạm tội ác chưa từng có là gây chiến tranh biên giới Tây Nam là chiến tranh xâm lược phản động, phi nghĩa; đồng thời thực hiện chế độ diệt chủng chưa có tiền lệ trong lịch sử đối với nhân dân Cam-pu-chia. Chúng vừa là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, vừa là kẻ thù của nhân dân Cam-pu-chia.

Đối với ta, chiến tranh này là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống với kẻ thù mới, là chiến tranh tự vệ, chính nghĩa, chống chiến tranh xâm lược dưới loại hình mới, đồng thời là nghĩa vụ quốc tế sang giúp nhân dân Cam-pu-chia và cùng nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ kẻ thù chung nhằm bảo vệ ổn định biên giới Tây Nam Việt Nam và giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng.

Nó thể hiện sự thống nhất hữu cơ giữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Cam-pu-chia trong hoàn cảnh mới, ba nước Đông Dương đã giành được độc lập và có chủ quyền, trong một quá trình lâu dài.

Đây là một cuộc đấu tranh toàn diện, kết hợp việc tiến hành chiến tranh với giúp bạn hồi sinh, làm lại một cuộc cách mạng chống lại chiến tranh xâm lược phản cách mạng.

Chiến tranh chỉ diễn ra trên một hướng trong khi cả nước đang hòa bình xây dựng. Ta có lực lượng lớn quân tình nguyện ở đất bạn trong thời gian dài. Kẻ thù chống phá ta cả quân sự, chính trị, ngoại giao, chúng thường dùng phương thức đánh du kích, ta giúp bạn vừa đánh địch vừa vận động quần chúng, vừa xây dựng lại lực lượng từ đầu, đòi hỏi thời gian lâu dài và có nhiều khó khăn. Đó là cuộc chiến tranh mang tính chất dân tộc, giai cấp và tính chất quốc tế sâu sắc, đồng thời là một cuộc chiến đấu, đấu tranh hết sức quyết liệt, gay go phức tạp và lâu dài.

Song đó cũng là một hành động tự vệ bảo vệ Tổ quốc hướng Tây Nam, giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng thắng lợi lớn.

Ta đã đánh mạnh, đánh nhanh, thắng lợi lớn. Đã đánh bại chiến tranh xâm lấn biên giới của địch, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh tổ, phá thế bị uy hiếp các tỉnh phía Nam, không được yên ổn để xây dựng, làm thất bại một bước âm mưu của kẻ thù chống Việt Nam. Đã cứu dân tộc Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng… mở đường hồi sinh dân tộc làm lại cuộc chác mạng đã bị tập đoàn Pôn Pốt phản bội. Bước đầu khôi phục đoàn kết liên minh đặc biệt Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam – Cam-pu-chia – Lào.

Sau này, Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đã nói: “Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát nạn diệt chủng thì con cháu của nhà vua cũng chết hết”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:18:00 pm »

MƯỜI NĂM GIÚP BẠN CAM-PU-CHIA

Giữa năm 1981, tôi được lệnh sang làm chuyên gia quân sự giúp bạn Cam-pu-chia. Tôi hiểu rõ quân đội ta ở lại giúp bạn trên tinh thần hết sức vô tư trong sáng. Sau ngày 7 tháng 1 năm 1979, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã bị sụp đổ, song chúng còn giữ được bộ phận đầu sỏ và còn nhiều khủng sư đoàn, trung đoàn. Được sự chi viện của các thế lực phản động nước ngoài, chúng gấp rút khôi phục lực lượng điên cuồng phản kích, chống lại cách mạng Cam-pu-chia và Việt Nam. Ý đồ của chúng là tăng cường sức ép về mọi mặt, buộc Việt Nam phải rút ngay khỏi Cam-pu-chia, lực lượng cách mạng Cam-pu-chia sụp đổ, Pôn Pốt tở lại. Cam-pu-chia trở thành địa bàn để Pôn Pốt dùng chống lại Việt Nam.

Trước tình hình đó, bạn rất cần quân đội ta ở lại giúp cho đến khi bạn đủ sức tự bảo vệ thành quả cách mạng của Cam-pu-chia. Để lực lượng lớn quân đội ở nước bạn, ta gặp rất nhiều khó khăn trước hết là về chính trị, ngoại giao. Về quân sự, ta phải để lực lượng thường trực lớn ảnh hưởng đến kinh tế đang gặp vô vàn khó khăn sau 30 năm chiến tranh. Quân đội sau bao nhiêu năm chiến tranh chưa được củng cố, cán bộ chưa được một ngày nghỉ nơi. Trong lúc cả nước đang xây dựng hòa bình, một bộ phận khá lớn lại phải tiếp tục làm nhiệm vụ xa nhà trên đất nước bạn hiện đang rất nhiều khó khăn phức tạp là một hy sinh rất lớn. Tuy vậy, do yêu cầu cấp thiết của bạn để bảo vệ thành quả cách mạng của bạn mới giành được, đồng thời cũng vì lợi ích ổn định biên giới của ta, với tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng, Đảng ta chấp nhận để quân đội ở lại giúp bạn cho đến khi bạn tự đảm nhiệm được sự nghiệp của mình thì rút quân về. Tin rằng với tinh thần “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình” theo lời dạy của Bác Hồ, cán bộ chiến sĩ tâ sẽ chấp nhận sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 18 tháng 5 năm 1981, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh quân tình nguyện giúp bạn Cam-pu-chia lấy tên là Bộ Tư lệnh 719 (để nhắc lại ngày lịch sử 7 tháng 1 năm 1979) để chỉ huy quân tình nguyện giúp bạn và trực tiếp chỉ đạo Đoàn 478 chuyên gia quân sự giúp Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia. Thời kỳ đầu Bộ Tư lệnh quân tình nguyện do đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh, đồng chí Lê Hai là Tư lệnh phó về chính trị, đồng chí Hoàng Cầm – Tư lệnh phó quân sự, đồng chí Nguyễn Văn Tiên – Tư lệnh phó về kỹ thuật, đồng chí Khôi – Tư lệnh phó về hậu cần. Một thời gian sau bổ sung thêm đồng chí Hồ Quang Hóa làm Phó tư lệnh. Về sau, khi đồng chí Lê Đức Anh được bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng và trực tiếp Ban lãnh đạo chuyên gia, đồng chí Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân tình nguyện.

Thời kỳ này, địch dựa vào nơi gọi là “Đất Thánh” quân ta không sang được. Chúng gấp rút khôi phục lực lượng, tìm đường thâm nhập vào nội địa điên cuồng phản kích, đánh phá cách mạng, kích động hần thù dân tộc, vu cáo Việt Nam xâm lược… tìm mọi cách ép ta phải rút quân về nước để chúng dễ bề đánh đổ chính quyền cách mạng mới thành lập, chiếm lại Cam-pu-chia, từ đó chúng có thể tiếp tục gây chiến tranh lâu dài với ta ở biên giới, ta phải làm giúp bạn là điều bất khả kháng.

Tổ chức quản lý đất nước mới giải phóng của bạn hầu như chưa có gì. Nhưng bạn đã có những nhân tố cơ bản, quyết định nhất là bạn đã có Đảng mới khôi phục lại, có Hội đồng cách mạng làm chức năng Nhà nước, có Mặt trận đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm chức năng đoàn kết dân tộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Lực lượng vũ trang bạn đã có từ trước, tuy còn nhỏ bé nhưng đó là lực lượng rất đáng quý ban đầu đã cùng phối hợp với Quân đội Việt Nam lập công chiếm thủ đô Phnôm Pênh, giải phóng cả nước Cam-pu-chia.

Nhân dân Cam-pu-chia vừa thoát khỏi họa diệt chủng, cơ sở kinh tế chính trị xã hội hoàn toàn bị đảo lộn và phá vỡ, các thành phố, thị xã, thị trấn đều hoang tàn đổ nát, không một bóng người. Chợ búa, chùa chiền, trường học đều phá bỏ. Nhân dân ở nông thôn, một phần rất lớn đã bị giết hay bị bỏ đói, bị bệnh không có thuốc mà chết; phần còn sống sót, thoát khỏi các “công xã” đang lếch thếch trên các ngõ đường tìm người nhà và tìm về quê cũ. Người nào cũng gầy gò rách nát, xơ xác, hành trình phải đi từ xã này qua xã khác, tỉnh này qua tỉnh khác có người phải đi hàng trăm ki-lô-mét, ở đâu cũng là nhà, là giường ngủ, đói khát, bệnh tật, đồ đạc chẳng còn gì chỉ gọn trong cái túi nhỏ, có con nhỏ thì nhặt bất cứ thứ gì có thể đặt con lên mà kéo mà đẩy, không có thì đành cõng con mà đi…; gặp bộ đội ta thì chắp tay chào, nở nụ cười cảm ơn nhưng còn đậm nét nỗi kinh hoàng vừa mới từ cõi chết trở về, còn nhớ đến cái chết tức tưởi của người thân, nhớ những mất mát quá nhiều trong cuộc đời! Nhìn bộ mặt đau khổ, thân hình xơ xác của nhân dân bạn, ai cũng không cầm được nước mắt vì như thấy trước mặt mình là bố mẹ, anh chị em đang cơn hoạn nạn.

Tưởng về đến nhà là xong. Sự thật còn đau đớn làm sao! Nhà chỉ còn ngôi lều đổ nát, nếu không phải chỉ là đám đất trống, cỏ mọc hoang vu. Giống má, dụng cụ sản xuất không có, nồi niêu, bát đĩa… không còn, biết sống làm sao đây? Bộ đội phải trích phần của mình về mọi thứ để giúp cho bà con bước đầu cũng là rất tự nhiên.

Trước tình hình đó bộ đội ta nhận rõ nhiệm vụ của mình, trước hết phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đội công tác vũ trang tuyên truyền của bạn giúp bạn hồi sinh dân tộc, vừa chiến đấu, vừa giúp bạn làm công tác vận động quần chúng đánh địch, xây dựng cơ sở, xây dựng thực lực cách mạng.

Phát huy thắng lợi của cuộc tổng tiến công, ta tập trung giúp bạn đánh bại các cuộc phản kích của địch, tiến hành 11 chiến dịch đánh quỵ hẳn quân địch mùa khô 1979, đồng thời triển khai quân đội và các chuyên gia trên toàn quốc, giải phóng dân, cứu đói, cứu đau, đưa dân về quê cũ, giúp dân sản xuất, giúp bạn xây dựng chính quyền (thời gian đầu lập ủy ban tự quản ở cơ sở), cùng với bạn giành thắng lợi to lớn và toàn diện về quân sự năm 1979.

Với sự giúp đỡ hết sức tích cực và vô tư của bộ đội, của chuyên gia các cấp các ngành của ta, bạn đã giành thắng lợi lớn về kinh tế năm 1979, vụ mùa thắng lợi giúp bạn bước đầu vượt qua được nạn đói. Về chính trị năm 1981, bạn tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội và mở Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia lần IV.

Thời kỳ này, ta đã giúp bạn hồi sinh dân tộc, khắc phục một bước hậu quả của nạn diệt chủng, tạo được điều kiện cho bạn xây dựng chế độ mới, làm lại cuộc cách mạng, khôi phục tình cảm đoàn kết Việt Nam – Cam-pu-chia trong cá tầng lớp nhân dân Cam-pu-chia trên phạm vi cả nước. Trong cơn hoạn nạn, có người bạn Việt Nam tình sâu nghĩa nặng cứu sống, lại ở lại bảo vệ, giúp đỡ tận tình vô tư, chia sẻ khẩu phần từ miếng cơm manh áo, chữa bệnh, giúp làm nhà, giống má, dụng cụ sản xuất… nhân dân hết lòng yêu quý Bộ đội Cụ Hồ, giúp đỡ bộ đội đánh địch và công tác, chân thành quý mến gọi anh em là “Bộ đội nhà Phật”. Sau này, trong hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, tiến sĩ Chhy Yi-heng – Cố vấn Chính phủ hoàng gia Cam-pu-chia phát biểu: “Cái gì còn đọng lại trong trái tim người dân Cam-pu-chia về Việt Nam thế kỷ XX? Đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, hình ảnh của một đội quân nhà Phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Cam-pu-chia”.

Về quân sự, ta bố trí lực lượng hình thành thế trận từ biên giới đến nội địa, triển khai lực lượng đến huyện, xã (đơn vị địa bàn, đại đội hai chức năng) thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đánh địch, giúp dân hồi sinh, giúp bạn xây dựng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:18:29 pm »

*
*   *

Từ 1982 đến 1985 là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa ta và bạn với địch. Địch tiến hành ba cuộc phản kích lớn, hòng giành thắng lợi quân sự, giành dân, chống phá chính quyền hình thành “hai vùng hai chính phủ”, làm đảo ngược cục diện. Chúng lập “chính phủ ba phái” chống ta và bạn.

Quân tình nguyện, chuyên gia cùng với bạn kiên quyết đấu tranh thực hiện ba mục tiêu chiến lược làm phương hướng giành thắng lợi của cách mạng Cam-pu-chia, đó là:

1. Tiếp tục làm cho bọn Pôn Pốt tan rã và suy tàn.

2. Xây dựng lực lượng cách mạng Cam-pu-chia ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tự đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành lực lượng quyết định thắng lợi cuối cùng của cách mạng Cam-pu-chia.

3. Tăng cường liên minh Việt Nam – Cam-pu-chia thêm một bước vững chắc hơn chống mọi âm mưu kích động phá hoại của kẻ thù.

Trong quá trình ta và bạn cùng thực hiện ba mục tiêu chiến lược, trong hoạt động sôi nỏi của nhân dân, đã hình thành ba phong trào cách mạng là:

- Đánh địch và địch vận.

- Sản xuất và ổn định đời sống.

- Xây dựng thực lực cách mạng.

Ba phong trào đó đã trở thành biện pháp chiến lược để thực hiện ba mục tiêu. Ta va bạn cùng thực hiện phương hướng ba mục tiêu chiến lược trong ba đến năm năm, đã đánh bại các cuộc phản kích của địch. Từng bước ta chuyển cho bạn tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: năm 1982 tự bảo vệ các đường giao thông chiến lược; 1983 tự bảo vệ thị trấn, thị xã, thành phố trừ Phnôm Pênh và Kom-pông Som; 1984 tự đảm đương hoàn toàn bốn tỉnh và một phần quan trọng các huyện; 1985 tự đảm đương một phần quan trọng tuyến phòng thủ biên giới Cam-pu-chia – Thái Lan. Quân tình nguyện Việt Nam bắt đầu rút dần lực lượng về nước.

Sự đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân tình nguyện với các lực lượng và nhân dân Cam-pu-chia hình thành và phát triển, giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược mùa khô 1984-1985 đạp tan toàn bộ hệ thống căn cứ quân sự của ba phái Khơ Me phản động trên toàn biên giới Cam-pu-chia – Thái Lan, xây dựng thế làm chủ của bạn và ta trên toàn biên giới, mở ra một cục diện mới trên chiến trường, tạo điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược trong thời kỳ tiếp sau.

Trong các cuộc bộ đội tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ rút quân về nước, bạn tổ chức lễ tiễn đưa rất trọng thể và tình cảm từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Từ cơ sở, qua các chặng đường cho đến Trung ương, ra đến cửa khẩu giáp biên giới Việt Nam, nơi cách đây mấy năm đã xảy ra những cuộc chiến đấu đẫm máu giữa quân Pôn Pốt và nhân dân Việt Nam, nhân dân bạn đến tập trung rất đông cả người già, cả các em bé mặc áo quần mới, đẹp như ngày hội, mang nhiều quà, hoa, tiễn đưa thật lưu luyến. Các bà, các chị nhiều người hô to lời chào, vừa cười vừa rơi lệ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:18:48 pm »

*
*   *

Từ 1985 đến 1989, địch mất thế ở biên giới, phải chuyển hướng chiến lược, luồn lực lượng vào nội địa “lấy chính trị làm cơ bản”, lấy việc giành dân, giành chính quyền cơ sở là chính nhằm xây dựng thế lực trong nội địa, chờ thời cơ ta rút quân hoặc có giải pháp chính trị để giành thắng lợi.

Khi ta thực hiện rút quân tình nguyện trên quy mô lớn, địch lợi dụng thời cơ mở những cuộc tiến công lớp tập trung trên biên giới phía Tây nhàm làm chuyển biến cục diện chiến trường. Nhưng ý đồ của địch bị thất bại, địch bị thiệt hại nặng, suy yếu và khó khăn hơn.

Để đẩy nhanh tốc độ hoàn thành ba mục tiêu chiến lược, ta để cho bạn tự làm công tác vận động quần chúng. Bạn huy động một đợt rất lớn cán bộ các ngành ở cơ quan Trung ương và các tỉnh, vận dụng kinh nghiệm của ta xuống cơ sở làm thí điểm ở ba nơi, rút kinh nghiệm rồi làm đại trà. Bạn tập trung chỉ đạo công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở và kết hợp phát động quần chúng cùng bộ đội tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới thực hiện kế hoạch K5 thành một phong trào quần chúng rộng lớn; qua đó rèn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng địa phương dân quân trình độ được nâng lên rõ rệt, làm thất bại âm mưu của địch ở nội địa và ở biên giới. Các cơ sở trong nội địa được củng cố một bước, lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển cả số lượng và chất lượng. Bạn tăng thêm lực lượng địa phương trong nội địa lên làm nhiệm vụ ở biên giới, khắc phục được nhược điểm ở biên giới dân quá thưa. Trình độ tác chiến và trình độ chỉ đạo của cơ quan các cấp được nâng lên, mở ra triển vọng có khả năng hoàn thành ba mục tiêu chiến lược sớm hơn kế hoạch dự tính.

Tháng 8 năm 1985, Bộ Chính trị Đảng ta và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia hội đàm tại Phnôm Pênh nhất trí kế hoạch. Đến năm 1987, lúc lực lượng vũ trang Cam-pu-chia tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục rút cho đến năm 1990 thì rút hết.

Đầu năm 1988, việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược phát triển tốt, lãnh đạo hai Đảng đã nhất trí rút quân tình nguyện và chuyên gia sớm hơn kế hoạch.

Ngày 30 tháng 8 năm 1988, lễ tiễn trọng thể Bộ Tư lệnh, các cơ quan 719 và chuyên gia quân sự về nước diễn ra ở Phnôm Pênh với năm vạn nhân dân Cam-pu-chia và 200 nhà báo các nước. Cùng thời gian đó, ở các hướng khác, năm vạn quân tình nguyện cũng hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc.

Lực lượng quân tình nguyện còn lại đặt dưới quyền lãnh đạo và chỉ đạo chỉ huy của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng bạn.

Trung ương Đảng bạn ra Nghị quyết 12 đánh giá đã hoàn thành ba mục tiêu, lực lượng của bạn đã mạnh hơn lực lượng của địch. Cuối năm 1989, ta chủ động rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Ngày 27 tháng 9 năm 1989, đơn vị cuối cùng qua biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia.

*
*   *

Để giúp bạn xây dựng cơ quan Trung ương và các tỉnh thành, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, ta đã tổ chức các đoàn chuyên gia B68, A40 để giúp các ban, bộ; các đoàn chuyên gia giúp các tỉnh, đoàn chuyên gia Phnôm Pênh gọi là A50… đặt dưới sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo chuyên gia do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhiệm. Đồng chí đầu tiên làm nhiệm vụ này là Lê Đức Thọ.

Riêng đối với Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia thì do Đoàn 478 chuyên gia quân sự đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện cử đoàn cán bộ ra giúp. Đối với các huyện, thời gian đầu có chuyên gia giúp nhưng sau thấy khó khăn, các Bộ Tư lệnh mặt trận quân tình nguyện giao cho các trung đoàn, tiểu đoàn đứng chân làm nhiệm vụ ổn định ở địa phương nào thì giúp cho huyện ở đó. Các đơn vị này có tên là “trung đoàn, tiểu đoàn địa bàn”.

Khi thành lập Bộ Tư lệnh quân tình nguyện cũng đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban lãnh đạo chuyên gian.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:19:06 pm »

*
*   *

Khoảng giữa năm 1981, tôi nhận nhiệm vụ sang làm chuyên gia giúp Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia. Lúc đó tôi đang làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 2. Từ ngày vào quân đội, phần nhiều thời gian tôi ở đơn vị chủ lực. Tôi đã làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 chiến đấu cơ động lớn từ miền Trung vào miền Nam, rồi từ miền Nam ra biên giới phía Bắc. Hiện nay Quân đoàn mới được trang bị bộ binh cơ giới rất hợp với truyền thống cơ động của Quân đoàn, tôi rất ham mê, lúc đang say sưa cùng đơn vị lo xây dựng thành một Quân đoàn mạnh, tôi đinh ninh và khấp khởi mừng vì còn mấy năm cuối đời quân ngũ, mình sẽ được ở đơn vị mình yêu thích, thì tôi nhận được chỉ thị lên Bộ gặp Thượng tướng Lê Trọng Tấn – Tổng tham mưu trưởng nhận nhiệm vụ sang công tác ở Cam-pu-chia, tôi rất bất ngờ và băn khoăn nhiều. Trong đời quân ngũ, tôi đã nhiều lần thay đổi nhiệm vụ, thường đi đến các chiến trường sôi động, tôi đã quen, khi rời khỏi một nơi tôi đã xây dựng được nền nếp, công việc đang thuận lợi để chuyển đến một nơi xa lạ nhiều khó khăn, tôi cũng dễ dàng tự xác định để vui vẻ lên đường. Nhưng lần này, nghĩ đến nhiệm vụ mới, tôi thấy mình vào một chiến trường mới lạ, nhiệm vụ rất nặng nề, tôi không có chỗ để phát huy sở trường, chiến trường lại phức tạp và nhạy cảm, mấy đồng chí sang Cam-pu-chia trước tôi đã có đồng chí vấp váp, sai lầm. Một điều nữa khiến tôi suy nghĩ là vì sao lại do đồng chí Tấn giao cho tôi nhiệm vụ này. Đồng chí là vị tư lệnh có tài chỉ huy nhiều chiến dịch của chủ lực thắng lớn, chúng tôi học tập được nhiều ở đồng chí, đặc biệt là bản lĩnh và phong cách chỉ huy, đồng chí quyết đoán rất nhanh nhạy và rất kiên quyết. Đồng chí đã nhiều lần trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi đều là nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của chủ lực như chỉ đạo diễn tập chiến dịch cấp Quân khu, xây dựng Sư đoàn 325C đưa vào chiến đấu ở miền Nam, về làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 chuẩn bị cho đơn vị vào chiến đấu. Lần này thì khác. Tôi lại nghĩ xa xôi không biết thời gian qua ở đơn vị mình đã làm gì mà đồng chí không bằng lòng không? Trong lúc còn trăm mối tơ vò, tôi bỗng nhận thấy xe đã đưa tôi đến trước “Nhà Rồng”. Nơi đây những năm trước, tôi thoăn thoắt lên xuống mấy bậc cấp này gần như hàng ngày, thế mà bây giờ thấy nó là lạ, bước chân cứ chậm rãi vừa đi vừa nhìn vào trong nhà như thăm dò. Khi đến cửa, tôi thấy đồng chí Tấn ngồi làm việc ở cái bàn bên, lưng quay ra cửa, đang tập trung suy nghĩ về công việc, không biết tôi đang đi đến gần. tôi đứng lại nói:

- Báo cáo Thủ trưởng, tôi có mặt theo chỉ thị của đồng chí.

Đồng chí Tấn tươi cười chỉ ghế trước mặt mời ngồi rồi vui vẻ, thân mật nói:

- Tần có biết tại sao anh Lê Đức Anh nhớ đến mà xin Tần sang giúp anh ấy không?

- Thưa anh – tôi trả lời, những bâng khuâng lo lắng vô căn cứ trong đầu tan biến mất – trong mấy năm gần đây nhất là từ khi có chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi thường làm việc trực tiếp với anh Lê Đức Anh, kể cả khi Quân đoàn 2 vào chiến đấu ở Cam-pu-chia.

Anh Tấn nói tiếp:

- Tôi định vẫn để Tần tiếp tục ở Quân đoàn 2 giúp anh Chơn, nhưng anh Lê Đức Anh yêu cầu Tần sang,vì anh ấy đang cần…

- Thưa anh, tôi hiểu, tôi quen lo việc xây dựng và chiến đấu của chủ lực, sang đấy, tôi như cầu thủ mạnh chân phải lại chơi bên cánh trái (anh Tấn thích bóng đá), nhưng anh Lê Đức Anh gọi tôi sang thì tôi sẽ cố gắng.

Cuộc giao nhận nhiệm vụ chuyển sang chuyện tâm tình giữa hai thầy trò. Anh Tấn căn dặn:

- Việc giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang phải đi từ cuộc vận động cách mạng, vừa vận động quần chúng đánh địch vừa xây dựng cơ sở và xây dựng lực lượng vũ trang, phải biết dựa vào hệ thống quân tình nguyện và chuyên gia các ngành để giúp bạn. Đối với việc giúp bạn xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng, Tần có thuận lợi là đã công tác ở cơ qua Bộ qua các thời kỳ từ thấp đến cao, cũng đã qua các cấp chỉ huy từ cơ sở lên, đã có một số kinh nghiệm. Cái chính là nhớ lời Bác Hồ dạy: “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, phải hiểu bạn, tôn trọng ban, có phương pháp đúng đắn,. Cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau lời chúc hoàn thành, đó là một cái bắt tay rất chặt với một nụ cười tỏ ý tin tưởng.

Tôi kính chào và chúc thủ trưởng khỏe rồi ra về, lòng đầy nhẹ nhõm, thanh thản, đã biết mình sẽ làm gì.

*
*   *

Tôi không ngờ rằng lần nhận nhiệm vụ nặng nề khó khăn đó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc sống của gia đình tôi. Tôi thống nhất với vợ chuyển gia đình vào Nam. Đó là một quyết định rất quan trọng và càng về sau càng thấy hết sức đúng đắn. Cũng phải trăn trở để rời bỏ một nơi mà cả gia đình đã ở một thơi gian dài qua bao nhiêu biến cố, bỏ lại biết bao kỷ niệm ở thủ đô thân yêu, nơi chôn rau cắt rốn cả vợ chồng con cái tôi, bỏ lại tất cả họ hàng nội, ngoại, bạn bè chúng tôi đã có được qua một thời gian dài công tác ở miền Bắc để đến một nơi xa lạ, điều kiện sinh sống chưa có gì trừ tiền lương. Nhưng căn cứ một số thuận lợi có bản: Một là tôi công tác ở Cam-pu-chia, gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện gần nhau hơn. Sau mấy chục năm chiến tranh, gia đình luôn phân tán mỗi người một nơi, nay có điều kiện đoàn tụ. Hai là vợ tôi có nghề bác sĩ, vào Thành phố Hồ Chí Minh là nơi quen sống theo cơ chế thị trường, có thể sử dụng nghề chuyên môn để sinh sống khi nghỉ hữu. Ngoài ra có điều hết sức quan trọng nữa là Cơ quan hậu cần của Bộ đã đồng ý đề nghị của tôi khi vào Nam sẽ cấp nhà ở và thu lại nhà ở Hà Nội. Khi thực hiện ý định này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc tôi nhận công tác mới, phải tập trung làm việc để tránh những thất thố có thể xảy ra, toàn bộ gánh nặng của gia đình một lần nữa lại dồn cả trên vai vợ tôi. Cái nặng nề khó khăn nhất đối với vợ tôi là đi xin chuyển công tác vào Nam cho bản thân và các con, sống tạm bợ một mình ở một trạm khách thiếu thốn đủ thứ trong một thời gian dài gần một năm trước khi nhận nhà ở, rồi lại chuyển toàn bộ cơ sở vật chất của gia đình vào… Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Quân khu 7, lúc ấy do anh Năm Ngà làm Tư lệnh, anh đã hết lòng giúp đỡ, thu xếp điều chỉnh trong nội bộ mới giải quyết cho tôi được một ngôi nhà rộng rãi chỉ sửa sang một ít là ở được. Từ khi có nhà, chuyển được các con vào ở chung một chỗ, gia đình tôi đã giải quyết được việc “an cư” nên việc “lạc nghiệp” cũng trở nên tốt đẹp. sau này đến khi tôi nghỉ hưu thì đời sống cũng đã dễ thở rồi, theo đà từng bước vững chắc mà tiến tới bằng anh bằng em. Khá thoải mái không còn gì phải lo lắng nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:19:37 pm »

*
*   *

Đồng chí Nguyễn Bá Ngọc – thư ký riêng của đồng chí Lê Đức Anh, báo cho tôi ngày giờ ra sân bay quân sự Tân Sơn Nhất đi chuyên cơ cùng đồng chí sang Cam-pu-chia. Đồng chí Ngọc nguyên là cán bộ Cục Tác chiến, trong chiến dịch năm 1978, đã từng làm đội trưởng một đội trinh sát luồn sâu vào khu Đông Cam-pu-chia để bắt liên lạc và đón các đảng viên chân chính của Cam-pu-chia ly khai với Pôn Pốt. Đúng hẹn, tôi ra gặp đồng chí và được xếp vào khoang riêng của đồng chí Lê Đức Anh để… bắt đầu làm việc ngay.

Đồng chí Lê Đức Anh hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình, khi chuyển công tác có gì khó khăn.

Tôi thành thật trả lời:

- Tôi mới điều trị một đợt vì bệnh tim ngoại tâm thu ở Bệnh viên 108, nay đã ổn định, bệnh viện có cấp thuốc dự phòng, tôi tin là thời tiết trong Nam hợp với sức khỏe của tôi. Tôi nghĩ là với nhiệm vụ mới này tôi sẽ làm cho đến khi không còn làm việc được nữa vì tôi đã gần 60 rồi, nên tôi đã bàn trong gia đình sẽ chuyển vào Nam, cơ quan quản lý đã hứa sẽ giúp đỡ điều kiện để chuyển gia đình.

Đồng chí nói:

- Thế thì được!

Sau đó, đồng chí hướng dẫn, dặn dò tinh thần thái độ, phương pháp làm việc với bạn.

Tôi có những băn khoăn trước công tác mới cũng mạnh dạn nêu ra để hỏi, đồng chí đều vui vẻ giải đáp, giúp tôi yên tâm và bắt đầu nghĩ đến hướng công tác của mình sắp tới.

Ta phải giúp bạn đồng thời xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng với xây dựng lực lượng vũ trang. Việc giúp bạn xây lực lượng vũ trang phải tiến hành từ cơ sở trở lên do các mặt trận giúp. Đoàn 478 chỉ giúp bạn đề phương hướng chủ trương, kế hoạch để trình Bộ Chính trị, sau đó kiểm tra đôn đốc thực hiện.

Ta giúp bạn xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng từ đầu hầu như chưa có gì, hình thành ba bước lớn:

Bước 1: Ta giúp bạn tập hợp một số cán bộ, bồi dưỡng cho anh em biết một số công việc để giúp Bộ Quốc phòng phối hợp với quân tình nguyện giúp bạn hồi sinh. Từng bước giúp bạn hình thành cơ quan gọn nhẹ để làm nhiệm vụ bước 2.

Bước 2: Ta giúp bạn xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng để làm việc theo chức trách, làm được các văn bản để trình Bộ Chính trị, các quyết định về tổ chức để quân tình nguyện có cơ sở pháp lý giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang,biết kiểm tra đôn đốc thực hiện, biết bảo đảm cho bộ đội trước hết là về hậu cần, tài chính. Kiện toàn cơ quan về tổ chức để đủ điều kiện qua bước sau chỉ đạo chỉ huy có hệ thống từ trên xuống dưới. Về phía bạn thì bạn lo xây dựng Đảng cho có tổ chức ở các cấp để qua bước sau bạn đủ điều kiện lập Đảng ủy Quân sự Trung ương thực hiện lãnh đạo toàn diện và có hệ thống.

Bước 3: Chuyển cho bạn tự làm công tác vận động quần chúng, làm chủ nội địa và phần lớn biên giới, tiến tới bạn tự đảm đương sự nghiệp của mình.

Bước 1 được tiến hành từ năm 1979 đến 1981. Thơi gian này các đồng chí làm Trưởng đoàn 478 có đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, đến đồng chí Hoàng Thế Thiện và đồng chí Nguyễn Trọng Hợp. Bạn mới có 13 cán bộ sơ cấp, 10 đảng viên. Chuyên gia đã trải qua thời gian rất khó khăn. Số chiến sĩ phục vụ không đủ, chuyên gia cũng phải làm giúp như việc nhà của mình. Các đồng chí đã giúp bạn được nhiều việc bồi dưỡng đường lối quan điểm của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, hướng dẫn nghiệp vụ, đã giúp bạn hình thành bước đầu cơ quan Bộ Quốc phòng, mỗi ngành cần thiết đã có vài cán bộ biết làm một số việc. Các cơ sở đã có chỗ làm việc khá khang trang, đầy đủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tham mưu, Chính trị, Hậu cần đã có đủ. Tổ chức đảng có ba chi bộ ở cơ quan Bộ, Đông Bắc và Cô Công đều trực thuộc Trung ương Đảng bạn. Bộ Quốc phòng chưa có hệ thống dọc xuống cơ sở, đang thực hiện chế độ bản ủy quyền chỉ huy hiệp đồng cho các mặt trận 579, 779, 979 và 479 của quân tình nguyện. Về Đảng, Bộ Quốc phòng chưa lãnh đạo toàn diện.

Bước 2 ta triển khai từ năm 1982 đến năm 1985. Khoảng giữa năm 1981 tôi được lệnh sang làm chuyên gia của Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia. Tôi có nhược điểm là biết ít kinh nghiệm về công tác quân sự địa phương, dân quân. May thời gian đầu có đồng chí Vũ Hải – Phó đoàn nguyên là Cục phó Cục Dân quân giúp sức, nhưng chỉ một thời gian ngắn đồng chí đó được chuyển sang phụ trách trường chuyên gia. Tôi phải cố gắng nhiều, đem hết kinh nghiệm công tác ở Quân khu và ở Bộ tổng Tham mưu để giúp bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2017, 10:20:01 pm »

Tôi làm Phó đoàn năm 1981 là bước quá độ tốt cho tôi nắm tình hình bạn, làm quen với bạn để chuẩn bị năm 1982 làm Trưởng đoàn đỡ bỡ ngỡ. Từ đó tôi giúp bạn cho đến khi kết thúc, tất cả chuyên gia về nước.

Để qua thực tế giúp bạn vừa học vừa làm, chúng tôi tập trung giúp bạn chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang để xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng.

Bắt đầu từ kế hoạch 5 năm xây dựng lực lượng vũ trang K (1981-1985). Khi đồng chí Chăn Xi – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho đồng chí B.T – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí S.K – Tổng Tham mưu trưởng làm kế hoạch này để thông qua thì hai đồng chí rất lo lắng vì các đồng chí chưa làm bao giờ.

Tôi cũng thấy rất khó khăn cho mình vì tôi mới sang, chưa có ai khảo sát gì về cơ bản để có cơ sở làm một kế hoạch lâu dài cho chính xác và cụ thể được. Tôi kể lại chuyện ở Việt Nam chúng tôi làm kế hoạch 5 năm thời kháng chiến chống Mỹ rồi tôi nói kinh nghiệm:

- Điều quan trọng nhất là quán triệt đường lối của Đảng, đề ra phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho đúng, còn cụ thể về mức độ số lượng, quy mô tổ chức thì ta căn cứ tình hình khả năng của ta, sự giúp đỡ của bạn và yêu cầu của nhiệm vụ mà đề ra một phương án khả thi – Tôi cũng nói thêm: kinh nghiệm hồi đó cũng chưa dự đoán chính xác ngay được vì còn mới mẻ, phải điều chỉnh luôn nên chúng tôi nói là “Kế hoạch năm năm có nghĩa là năm năm làm kế hoạch”.

Các đồng chí nghe xong cười vui vẻ, tôi hiểu là các đồng chí đã yên tâm và sẽ giao cho cơ quan làm tốt.

Về quán triệt đường lối và quan điểm của Đảng thì có thuận lợi là các đồng chí đã là cán bộ quân đội Ít-xa-rắc nhiều năm, đã học tập ở Việt Nam nên nhanh chóng tiếp thu.

Bàn về phương hướng, các đồng chí cùng nhất trí đánh giá về địch:

Mặt trận biên giới, địch dựa vào “Đất Thánh” làm căn cứ là chỗ mạnh của chúng, nhưng bước đầu có quân tình nguyện giúp.

Trong nội địa, địch phải giành dân, giành chính quyền với ta nên chúng coi phum xã là trận địa chính, đó lại là chỗ mạnh của ta vì dân rất căm thù chế độ diệt chủng của chúng. Chỉ có một bộ phận nhỏ bị chúng khống chế mới theo chúng chống lại cách mạng.

Về khả năng của địch, chúng chỉ có thể dùng cách đánh du kích để chống phá cách mạng. Đánh tập trung với lực lượng tương đối lớn chỉ có khả năng ở một vài hướng trọng điểm ở biên giới.

Từ đó các đồng chí nhất trí phương hướng với những nội dung chính là:

- Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia phải có ba thứ quân. Lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng. Phải chăm lo xây dựng Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ thì quân đội mới vững mạnh. Lại xây dựng chất lượng làm chính, không nên phát triển nhiều quá sức quản lý. Phải vừa chiến đấu vừa công tác vận động quần chúng xây dựng cơ sở. Từ phong trào quần chúng mà phát triển lực lượng, kể cả lực lượng vũ trang.

- Xây dựng chủ lực lấy bộ binh làm chính, chủ yếu là đánh giỏi phân đội nhỏ. Xây dựng binh quân chúng và cơ sở bảo đảm chi khi nào thật cần thiết.

- Về quy mô lấy cấp tiểu đoàn, trung đoàn làm chính, chỉ tổ chức một số sư đoàn để sau này thay thế quân tình nguyện ở một số hướng trọng điểm, nhưng chỉ tổ chức sư đoàn nhẹ với hỏa lực bộ binh là chính. Phải xây dựng từ thấp lên cao, theo trình độ chỉ huy và sức chiến đấu của bộ đội.

- Về quân số: cuối năm 1980 đã được 6 vạn, khả năng huy động hàng năm 2 vạn, trừ hao hụt tự nhiên thì có thể đạt mức 10 vạn năm 1985 là thực tế. Tuy về cán bộ và khả năng nuôi dưỡng còn nhiều khó khăn. Phải có nhiều biện pháp nhất là thông qua thực tế công tác và chiến đấu, từng bước biết rút kinh nghiệm kịp thời, có chế độ nền nếp huấn luyện cán bộ, chiến sĩ để khắc phục dần những mặt còn yếu so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM