Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:15:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29669 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:23:50 pm »

*
*   *

Ngày 30 tháng 1 năm 1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9 –Nam Lào bắt đầu. Địch coi đây là trận có ý nghĩa quyết định nhằm cắt đứt hành lang chiến lược, đánh phá sự chi viện của miền Bắc từ gốc, bóp nghẹt cách mạng miền Nam, cắt đôi Đông Dương, uy hiếp miền Bắc, cô lập Lào và Cam-pu-chia.

Đó là một thử thách vai trò của quân ngụy trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Nếu thắng, địch có thể đánh có mức độ ra Nam Quân khu 4 tạo thế mạnh để ép ta về ngoại giao. Do đó chúng tập trung lực lượng rất lớn.

Từ 29 tháng 1 đến 2 tháng 2 năm 1971, địch huy động trên 4 vạn quân Mỹ - ngụy với đủ quân binh chủng hiện đại đã triển khai xong trên các địa bàn gồm 49 tiểu đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới (11 tiểu đoàn đủ thuộc sư đoàn 101 Mỹ, sư đoàn A-mê-ri-cơn số 23, lữ đoàn 1 sư đoàn 5 cơ giới Mỹ), 17 tiểu đoàn pháo binh với 264 khẩu pháo, 3 thiết đoàn và chi đoàn thiết giáp 442 với 149 xe tăng, 1.200 máy bay chiến đấu các loại.

Báo chí đã miêu tả về sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của “đồng minh” trong chiến trường Đường 9 – Nam Lào. Hơn 400 máy bay phản lực sẽ thay nhau hoạt động suốt ngày đêm. Máy bay U2 cải tiến đảm nhiệm vai trò con mắt điện tử di động trên không. Máy bay lên thẳng với số lượng thỏa mãn để sử dụng như “con ngựa thồ” lý tưởng trên chiến trường rừng núi. Xe tăng thiết giáp sẽ tạo nên sức mạnh đột kích chủ yếu mà đối phương không thể chống nổi. Còn đại bác và B52 với số lượng bom đạn thừa đủ để nghiền nát đối phương và như vậy sẽ có một “Điện Biên Phủ đảo ngược” như Ních-xơn mong muốn.

Địch hý hửng tưởng sẽ nhanh chóng cắt đứt hành lang vận chuyển của ta ở Tây Tường Sơn đoạn đường 9 từ bản Đông lên Sê Pôn và sau đó sẽ phát triển xuống Sa Đi, Mường Noòng – A Túc, chọc xuống A Lưới rồi vòng về Huế và “làm lễ khao quân chiến thắng”.

Nắm được âm mưu của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã xác định quyết tâm rất lớn: “Nhất quyết phải thắng địch trong chiến dịch này, dù có phải động viên sức người sức của và hy sinh như thế nào cũng phải quyết tâm thắng lớn, vì đây là trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược”.

Bộ thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận lấy bí danh BTL 702 để chỉ huy. Lực lượng tham gia chiến dịch phản công chiến lược này gồm: các đơn vị trong Binh đoàn 70 như các sư đoàn 308, 304, 320, các đơn vị binh chủng; Sư đoàn 3 Quân khu 5; Sư đoàn 324 Quân khu Trị - Thiên; 4 tiểu đoàn xe tăng, 3 trung đoàn pháo binh cơ giới, mang vác; 3 trung đoàn pháo cao xạ; các lực lượng tại chỗ của B5, B4, 559. Công tác chuẩn bị đã tiến hành từ cuối năm 1970, thế trận đã sẵn sàng.

Riêng Quân khu Trị - Thiên khi đang triển khai kế hoạch mùa khô thì nhận được lệnh của Bộ điều Sư đoàn 324 tham gia chiến dịch và cử một bộ phận tiền phương để chỉ huy. Đồng chí Nam Long – Phó tư lệnh được cử đi chỉ huy hướng này, tôi phụ trách tham mưu và một cơ quan nhẹ, nhanh chóng cơ động đơn vị và Sở chỉ huy kịp triển khai làm nhiệm vụ.

Thời gian đầu, địch triển khai đội hình theo đường 9, tiến công đánh chiếm Bản Đông và tiếp tục phát triển lên Sê Pôn, ta chỉ dùng lực lượng của B5 đánh địch từ hậu cử, đường 9, đường sông lên đến Khe Sanh.

Đến Sê Pôn, ta bắt đầu chặn đánh và phản kích để giữ. Lúc này lực lượng chủ yếu của chiến dịch đã triển khai hình thành thế bao vây chia cắt địch trên một địa hình rộng và thuận lợi để đánh vận động lớn: ở phía bắc, lực lượng ba sư đoàn với binh chủng kỹ thuật mạnh đánh xuống, ở phía nam có Sư đoàn 2 thuộc Quân khu ở Nam Sê Pôn, chúng tôi bố trí Sư đoàn 324 từ phía nam đánh lên, khép kín vòng vây.

Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng cường lực lượng cho Sư đoàn 324 Trung đoàn 141 (ở Cu Bốc), một đại đội xe tăng, một đại đội pháo Đ74 (ca nông 130mm) và lực lượng các binh trạm 33, 41, 107. Nhiệm vụ: Bẻ gẫy cánh quân phía nam của địch; bảo vệ đường hành lang kho tàng ở Sa Đi – Mường Noòng, cắt giao thông đường 9 đoạn Lao Bảo – Làng Vây, trước mắt diệt trung đoàn 3 ngụy ở điểm cao 619 và trung đoàn 1 ngụy ở điểm cao 550 thuộc sư đoàn 1 ngụy.

Lúc 7 giờ ngày 24 tháng 3, ta nổ súng tiến công 619 Bản Ngàn. Ở Bản Ngàn, Trung đoàn 3 của ta tiến công chia cắt địch, đánh phản kích, địch bị thiệt hại nặng phải bốc hai tiểu đoàn của trung đoàn 3 về Phu Khe Gio. Trung đoàn 3 ta vây ép 619 (do sở chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn 1 chiếm giữ). Địch từ 530 phản kích lọt vào trận địa của Trung đoàn 1 của ta đã bày sẵn, chúng bị đánh chạy tán loạn rút về lại 550, hai tiểu đoàn địch ở ngoài bị chia cắt ra từng tiểu đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:24:14 pm »

Sư đoàn mở đợt tiến công kiên quyết diệt từng tiểu đoàn địch,trong lúc hỏa lực tập trung đánh phá 619. Địch bị tiến công mạnh tan rã tháo chạy, nhưng lại lọt vào trận địa bố trí sẵn của ta đón đánh, ha tiểu đoàn này đều bị loại khỏi chiến đấu. Khi mất liên lạc với hai tiểu đoàn này, địch ở 619 hoang mang, tối 28 tháng 2, sở chỉ huy trung đoàn 3 của địch bí mật rút 619. Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 2 ta truy kích từ đêm đến sáng 29 mới đuổi kịp bộ phận đi sau, diệt được 100 tên.

Sau năm ngày đêm liên tục tiến công, sư đoàn 324 đã đánh quỵ trung đoàn 3, đánh thiệt hại trung đoàn 1 sư đoàn 1 ngụy, nhổ bật căn cứ hành quân 619, chốt của cuộc hành quân xuống phía Nam của địch.

Sáng ngày 5 tháng 3, lữ đoàn 147 ngụy đổ quân xuống 550, 500 thay cho trung đoàn 1 ngụy lập căn cứ hành quân.

Điểm cao 550 cách Huổi San 6 ki-lô-mét về phía nam, cách Lao Bảo 10 ki-lô-mét về phía tây nam. Phía bắc giáp sông Sê Pôn; phía nam giáp đường 70; phía đông có các điểm cao Cô Rốc (811), 654; phía tây có các điểm cao 425, 332, 619. Điểm cao 550 có nhiều hang đá tự nhiên và công sự cũ do bọn ngụy Lào xây dựng từ trước. Điểm cao 550 dài 1.500 mét, rộng 80 mét đến 1.500 mét, hình thành ba mỏm từ bắc đến nam: mỏm 400, 550 và 500. Giữa mỏm 550 và 500 có một yên ngựa, sườn phía đông và tây có độ dốc lớn 30 đến 70 độ, phía nam và tây nam khoảng 10 đến 15 độ.

Địch bố trí thành ba điểm tựa. Mỗi điểm có từ một đến hai đại đội bộ binh, một đại đội pháo. Sở chỉ huy lữ đoàn ở 550. Phía yên ngựa có sân bay lên thẳng, nhà kho và một trận địa pháo hỗn hợp. Công sự làm bằng tôn vòm, trên đắp bao cát dày một mét, xung quanh căn cứ có 2 đến 5 mét lớp rào kẽm gai. Phía Nam có bãi mìn dài 300 mét. Trong căn cứ có hàng rào riêng từng khu vực. Lực lượng có hai tiểu đoàn hoạt động ở vòng ngoài, còn lại ở cả trên điểm cao 550. Hỏa lực có 9 pháo 105mm, 4 khẩu 155mm, 5 khẩu cối 106,7mm, 16 đại liên và súng máy 12,7mm, 4 khẩu ĐKZ75mm, bố trí thành nhiều tầng bao bọc xun quanh sở chỉ huy. Phía đông bắc 550 khoảng 10 ki-lô-mét là lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ở 640. Các trận địa pháo có thể chi viện tới là: Hướng Hóa, Lao Bảo, Cha Ki, Tà Mây, Tả Rích, 640 cùng máy bay phản lực và B52.

Trung đoàn 141 đã được điều đi làm nhiệm vụ khác. Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 324 được lệnh làm nhiệm vụ cắt đường 9. Lực lượng còn lại của sư đoàn được tăng cường một đại đội xe tăng và một đại đội Đ74 diệt lữ đoàn 147.

Quyết tâm của sư đoàn được Quân khu thông qua: Vây lữ đoàn 147 ở 550, diệt hai tiểu đoàn vận động ở ngoài, xiết chặt vòng vây tiến tới tiêu diệt lữ đoàn 147 ở 550, kìm giữ lữ đoàn 258, bảo vệ Sa Đi – Mường Noòng.

Chiều 15 tháng 5, ta nổ súng, hai tiểu đoàn địch ở ngoài bị thiệt hại nặng, lữ đoàn 258 và sư đoàn 1 cũng bị tiêu hao nặng.

Trên hướng chính của chiến dịch, các sư đoàn 308, 320 và Sư đoàn 2 đã đánh địch đại bại ở Bản Đông, lao Bảo, Cha Ki… Địch không chiếm được Sê Pôn.

Tối 16, lữ đoàn 147 được lệnh bỏ 550.

Ngày 18 tháng 5, ta đại phá Bản Đông, diệt trung đoàn 1 ngụy, đánh tan lữ đoàn dù 1 và thiết đoàn 11 ngụy.

Lữ đoàn 258 bị các binh trạm cầm chân ở Sa Đi Mường Noòng. Lữ đoàn 147 bị vây kêu cứu nhưng không được tăng viện.

Đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh chiến dịch, chiều 18 tháng 5 lệnh sư đoàn khẩn trương tiêu diệt lữ đoàn 147 không thì chúng bốc quân chạy hết.

Sư đoàn đã dốc toàn lực bắt đầu tiến công vào ngày 20 tháng 3. Bộ binh phối hợp với hỏa lực tiến công chiếm từng phần, trụ lại đánh phản kích, giữ trận địa. Đến chiều 21 tháng 3, ta tổ chức trận tiến công mạnh bằng hỏa lực tập trung với hơn 700 viên đại các loại bắn phá trong một giờ; bộ binh đánh chiếm được vòng ngoài, khép chặt vòng vây đến hàng rào vòng trong, vây địch suốt đêm. Đêm này xe tăng mới đến, 6 chiếc chiến đấu được. Sáng 22 tháng 5, sư đoàn tổ chức tiến công hiệp đồng binh chủng liên tục, đến 22 giờ đêm ta làm chủ mục tiêu. Sở chỉ huy lữ đoàn địch lợi dụng sơ hở ở hướng bắc, đã rút chạy, ta truy kích trong đêm diệt thêm được 50 tên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:24:46 pm »

Hơn 10 ngày liên tục tiến công, sư đoàn đã loại khỏi chiến đấu lữ đoàn 147, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ngụy, tiêu diệt 1.797 tên, phá hủy 12 pháo, thu gần 1.500 súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ diệt cánh quân phía nam, giữ vững hành lang vận chuyển chiến lược, bảo vệ được kho tàng. Do sơ hở, sư đoàn đã để hai sở chỉ huy của địch chạy thoát trong hai trận, không thực hiện được trận đánh tiêu diệt gọn trung đoàn 3 và lữ đoàn 147 ngụy. Đồng chí Nam Long và Sở chỉ huy nhẹ của tôi trở về Quân khu.

Qua 52 ngày đêm thực hành chiến dịch, ta đã chia cắt ra từng bộ phận địch, đánh hiệp đồng binh chủng trong vận động hoặc địch đánh địch tạm dừng phòng ngự có công sự dã chiến, đã tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch, buộc chúng phải vội vã rút chạy. Bộ đội ta truy kích đánh cho chúng thiệt hại nặng nề, đã tiêu diệt 21.102 tên, bắt 1.112 tên trong đó diệt gọn ba lữ đoàn và trung đoàn bộ binh, năm tiểu đoàn bộ binh, tám tiểu đoàn pháo, bốn thiết đoàn; bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, đánh chìm 43 tàu sà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới, 112 khẩu pháo, đốt cháy 25 kho, bảo vệ kho tàng, hành lang chiến lược vẫn thông suốt.

Ta đã đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch, đánh bại cuộc thử nghiệm lớn nhất của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Riêng Sư đoàn 324 đã diệt gần gọn lữ đoàn 147, đánh quỵ trung đoàn 3 ngụy, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 258, diệt 3.900 tên bắt 176 tên, bắn rơi và phá hủy 151 máy bay, 150 xe, phá 45 khẩu pháo, thu 460 súng các loại, 50 máy vô tuyến điện.

*
*   *

Cuộc hành quân lớn Đường 9 – Nam Lào của địch bị ta đánh thất bại nặng nề. Chúng phải tập trung thực hiện các biện pháp nhằm ổn định tình hình, giữ vững thế trận: nhanh chóng bắt lính, đôn quân, bổ sung quân số; vội vã tổ chức cuộc hành quân lên miền Tây Quảng Trị, Thừa Thiên để ngăn chặn ta phát triển tiến công xuống giáp ranh đồng bằng và để trấn an tinh thần binh lính và dư luận; tiếp tục bình định gắt bao đồng bằng, ngăn chặn giáp ranh.

Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1971, địch liên tiếp mở ba cuộc hành quân ra Động Ché, Đá Bàn, Tây Quảng Trị; một cuộc ra Tà Lương, A Vai, Tây Thừa Thiên (tháng 4 đến tháng 7 năm 1971); một cuộc ra Đường 9.

Thực hiện chủ trương của Khu ủy và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, ta đã đánh bại cuộc hành quân ra A Vai – Tà Lương.

Phong trào đánh phá bình định được đẩy mạnh đều hơn trước. Tháng 5 năm 1971, nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đánh 185 trận có 85 trận ở đồng bằng; tháng 10 năm 1971, trong mưa lũ, vẫn đánh được 40 trận. Cuối năm 1971, ta đã đưa số thôn tranh chấp lên 117/841 thôn, trong đó các thôn ở giáp ranh đã làm chủ được ban đêm, 472/841 thôn có cơ sở quần chúng, 40 xã ở giáp ranh mỗi xã có trung bình 15 du kích bí mật và công khai. Bộ đội được củng cố cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Ta đã chú trọng hơn về tổ chức chiến trường, tập trung làm ba đường nhánh: 71, 72, 73 xuống giáp ranh và đồng bằng hai tỉnh. Sản xuất được đẩy mạnh. Lực lượng sản xuất 2.000 người chia làm 109 đội, từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 5 năm 1971 Quân khu tự túc được 1.626 tấn quy ra gạo (kể cả mua ở đồng bằng).

Nổi nhất là phng trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, đặc biệt là ở thành phố Huế. Năm 1971, thành phố Huế có 68 cuộc đấu tranh với 65 ngàn lượt người, có cuộc có hàng vạn người, hình thức rất phong phú, có cả những hình thức quyết liệt như chặn đánh xe Mỹ, phá phòng thông tin, tòa lãnh sự Mỹ…

Qua đấu tranh, ta đã liên kết được một mặt trận chống Mỹ - Thiệu rộng rãi, làm cho hậu phương Mỹ - Thiệu càng hỗn loạn.

Qua hai năm chiến đấu, ta đã bước đầu hình thành được thê chiến lược mới liên hoàn trên ba vùng, các mặt đều có tiến bộ, chiến trường càng ổn định và có đà tiến công mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:26:33 pm »

*
*   *

Ngày 13 tháng 3 năm 1972, chấp hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 20, Quân ủy Trung ương và Bộ quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch lấy tên là BTL 702(1) và giao nhiệm vụ: “Tiến hành chiến dịch tổng hợp, hiệp đồng binh chủng, tiến công vào tuyến phòng ngự của địch ở Trị - Thiên, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phối hợp giữa đòn tiến công chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng, giải phóng tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện và nắm thời cơ có lợi giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên – Huế, phối hợp với các chiến trường bạn làm thay đổi cục diện chiến tranh”.

Để tạo điều kiện cho chiến dịch, Quân khu Trị - Thiên(2) làm nhiệm vụ phối hợp, nổ súng trước.

BTL 702 chỉ huy trực tiếp với các sư đoàn chủ lực, kể cả Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 3) với B5 (bao gồm Quảng Trị) và B4.

Để phối hợp đắc lực với hướng tiến công chính của chiến dịch, kế hoạch của Tham mưu được Quân khu phê duyệt là tập trung lực lượng gồm Trung đoàn 6, Tiểu đoàn 74 đặc công và Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 cùng hỏa lực của Quân khu đánh địch trên đường 12, vì đó là con đường độc nhất, ngắn nhất chọc thẳng vào Huế - nơi hiểm yếu nhất của địch ở Trị - Thiên. Nếu vượt qua Động Tranh, Bình Điền thì ta đã áp sát Huế, pháo có thể khống chế hết các mục tiêu ở Huế. Pháo chiến dịch (Đ74) có thể vươn xa đến cửa Thuận An và Phú Lộc, là hai hướng địch có thể tăng viện hay rút chạy.

Đánh mạnh đường 12, ta có thể kìm giữ thu hút địch tối đa và có thể chuẩn bị bàn đạp để phát triển thuận lợi giai đoạn hai chiến dịch giải phóng Thừa Thiên – Huế.

Từ ngày 22 tháng 2 năm 1972, Quân khu B4 đã bắt đầu đánh địch trên đường 12 từ Cù Mông, Tà Lương. Trung đoàn 6 có nhiệm vụ đánh địch, giải phóng đoạn Tà lương – Động Tranh, tạo thế cho Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 tăng cường Tiểu đoàn 7B đặc công đánh chiếm Động Tranh.

Tôi thay mặt Quân khu xuống trực tiếp giúp cho Ban chỉ huy Trung đoàn 6 đánh địch, kéo được hai trung đoàn và một lữ đoàn của chúng lên đối phó. Ta cắt đường 12 đoạn giữa Tà Lương – Động Tranh, kéo địch ra để giải tỏa. Sau mấy ngày đêm chiến đấu liên tục, ta tiêu diệt được hai đại đội và một chi đoàn thiết giáp, buộc địch co về Động Tranh, chiếm các điểm cao, làm công sự chiếm giữ ngăn chặn.

Động Tranh cách Huế 15 ki-lô-mét. Cách phía đông Động Tranh một ki-lô-mét có ngã ba đường 12 và 12B đi ngược lên phía Bắc đến Hòn Vượn, cách bốn ki-lô-mét là căn cứ Bình Điền; phía nam một ki-lô-mét là điểm cao 372, phía bắc cách ba ki-lô-mét là điểm cao 220 và 286, các cao điểm vòng ngoài do tiểu đoàn 1 trung đoàn 54 thuộc sư đoàn 1 ngụy chiếm đóng. Địa hình toàn mây gianh lau lách dễ trú quân nhưng khó cơ động.

Trong căn cứ Động Tranh, địch bố trí tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54, sở chỉ huy trung đoàn 54 một chi đoàn thiết giáp, tiểu đoàn 12 pháo. Địch xây dựng thành năm khu vực: khu chỉ huy, trận địa pháo, khu thông tin, khu hậu cần và khu sân bay lên thẳng. Diện tích trên đỉnh khoảng hai ki-lô-mét vuông. Công sự trận địa bố trí khoảng 200 lô cốt nửa nổi nửa chìm, trên đắp bao cát, có công sự cá nhân và hào giao thông nối lại với nhau. Dựa vào các bình độ, địch ủi thành các tuyến phòng ngự cao từ hai đến bốn mét và dùng thang để lên xuống, xung quanh có 10 lớp rào kẽm gai có gài các loại mìn. Chi viện hỏa lực cho Động Tranh có các trận địa pháo ở Bình Điền, lăng Minh mạng, ấp 45, Hòn Vượn và các trận địa cơ động.

Quyết tâm của Trung đoàn 3 được Quân khu thông qua ngày 1 tháng 4 là: Vây lấn Động Tranh, đánh địch vòng ngoài và địch giải tỏa, tạo điều kiện đi đến dứt điểm. Đêm 1 tháng 4, bộ đội vào chiếm lĩnh. Quân khu giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 6 đánh giao thông đoạn đông Động Tranh đến Bình Điền để phối hợp với Trung đoàn 3 diệt Động Tranh.


(1) Do đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh.
(2) Trong chiến dịch này, Quân khu Trị - Thiên chỉ còn đảm nhiệm tỉnh Thừa Thiên – Huế làm hướng phối hợp. Chủ lực Quân khu còn Trung đoàn 6, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Tiểu đoàn 7B đặc công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:27:35 pm »

Lúc 5 giờ sáng ngày 2 tháng 4, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 nổ súng, hỏa lực các đơn vị chiến đấu kiên quyết, thực hiện nhiệm vụ tốt, phá hủy pháo, diệt sinh lực, bắn máy bay… Đến ngày 7 tháng 4, ta đã vây kín bốn mặt, 12,7mm áp chế sân bay, bắn trực tiếp các hỏa điểm của địch, bắt đầu đánh lấn, phá rào, một số hướng đã chiếm được đầu cầu ở tuyến trong, 12,7mm vào cách sân bay 100 mét, dùng DK diệt các hỏa điểm địch, các tổ bắn tỉa diệt nhiều địch. Địch phản ứng quyết liệt, chúng dùng súng phun lửa hóa học, có ngày chúng bắn hơn 1.000 quả đạn pháo, 9 lượt B52, 8 lượt B57 hòng bít cửa mở, phá vòng vây, nhưng vòng vây càng bị xiết chặt.

Để phối hợp và tạo điều kiện cho Trung đoàn 3 ta, Tham mưu Quân khu chỉ huy trung đoàn 6 cùng các lực lượng khác đánh địch ở vòng ngoài, đánh địch phản kích và giải tỏa ở hướng đông làm thiệt hại nặng trung đoàn 1 và tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 54 của địch. Địch hoang mang. Ngày 14 tháng 4, tiểu đoàn 2 trung đoàn 54 ở Động Tranh xin rút.

Trung đoàn 3 ta chủ trương giảm bớt lực lượng vây, chuyển sang đón lõng sẵn sàng đánh địch rút và đánh địch giải tỏa. Lúc 2 giờ ngày 22 tháng 4, ta chuyển xong đội hình chiến đấu nhưng vẫn tổ chức các tổ bộc phá phá rào ở các hướng khác để hướng chính tiếp tục đào hào luồn qua 10 lớp rào. Đến ngày 24 tháng 4, ta tiếp tục xiết chặt vòng vây, tăng cường bắn tỉa, hỏa lực khống chế các hỏa điểm của địch. Súng 12,7mm của ta khống chế sân bay cắt đường vận chuyển, làm cho địch khốn đốn.

Quân khu chỉ huy hiệp đồng hai trung đoàn 3 và 6 đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 3, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 ngụy, loại khỏi chiến đấu hai tiểu đoàn, các tiểu đoàn khác bị tiêu hao nặng. Địch bỏ ý định giải tỏa. Ngày 28 tháng 4, bọn ở Động Tranh được lệnh rút. Ta đón được tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54 của địch lọt vào trận địa bày sẵn, ta vừa đánh mạnh vừa gọi hàng, địch ra hàng 141 tên có cả ban chỉ huy, Hướng cao điểm 372, Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 3 đón đánh tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 54 ngụy, diệt được gần 150 tên có cả ban chỉ huy. Đến 18 giờ ngày 30 tháng 4, tuyến phòng thủ đường 12 đã bị chọc thủng.

Kết quả ta đã diệt gọn hai tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn của địch lên giải tỏa, giải phóng khu Động Tranh ra sát sông Tuần, áp sát Huế.

Sau thời gian dài gần hai tháng đánh liên tục, dự trữ bảo đảm vật chất hậu cần kỹ thuật đã cạn(1), Quân khu không được tăng cường lực lượng và vật chất nên không phát triển xuống sâu được. Bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc.

Quân khu được thông báo trên hướng chính chiến dịch tiến công phát triển rất nhanh.

Ngày 30 tháng 3, chiến dịch mở màn. Sau năm ngày, toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của Mặt trận Đường 9 của địch bị phá vỡ; sư đoàn 3, lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai thiết đoàn 11 và 17 xe tăng thiết giáp của địch bị tiêu diệt; phần lớn trung đoàn 56 bị bao vây ở căn cứ 241 đầu hàng. Nhân dân Gio Cam nổi dậy đồng loạt, giải phóng hoàn toàn hai huyện hơn 10 vạn dân.

Địch ồ ạt tăng quân ra Quảng Trị ba liên đoàn biệt động, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến và hai thiết đoàn. Ngày 1 tháng 4, Mỹ đưa một tàu chở sân bay và một tiểu đoàn thủ quân lục chiến ra bờ biển Quảng Trị chi viện tối đa hỏa lực phi pháo và B52 để ngăn chặn ta, cứu nguy cho Quảng Trị.

Mỹ đánh phá miền Bắc trở lại, thả ngư lôi chặn đường vào cảng Hải Phòng là cảng độc nhất ở miền Bắc.

Ngày 27 tháng 4, ta phát triển tiến công, sau bảy ngày (đến ngày 1 tháng 5), tập đoàn phòng ngự của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quảng Trị bị tiêu diệt và tan rã. Nhân dân hai huyện Triệu Hải đồng loạt nổi dậy. Tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.


(1) Quân khu đề nghị BTL 702 tăng cường lực lượng và vật chất để phát triển tiến công khuếch trương thắng lợi và phối hợp với hướng Quảng Trị, nhưng hướng chính chiến dịch đang phát triển tiến công không có lực lượng phương tiện tăng cường cho Trị - Thiên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:29:12 pm »

*
*   *

Vì không có điều kiện tăng cường lực lượng và phương tiện mở thêm một hướng tiến công Huế từ hướng tây, đến ngày 10 tháng 5, đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 324 (Trung đoàn 3 đang chiến đấu ở Thừa Thiên): “Lật cánh vào tây nam Huế, tiến công địch trên đường 12, phối hợp với hướng chính của chiến dịch ở phía bắc Thừa Thiên”. Sư đoàn đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên. Đồng thời Quân khu được thông báo rằng, cuối tháng 4, sau khi giải phóng Quảng Trị, nhân lúc địch tháo chạy hỗn loạn, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương “Tranh thủ thời cơ cao độ, nắm vững thời cơ phát triển tiến công liên tục để giải phóng Thừa Thiên - Huế, thời gian phấn đấu càng sớm càng tốt trong tháng 5”.

Nhưng thực tế có nhiều khó khăn: Mỹ đưa không quân và hải quân tham chiến. Bộ đội ta cần có thời gian củng cố, chuẩn bị để vượt qua các con sông lớn là sông Thạch Hãn trên đường 1 và sông Bồ phía tây đường 1.

Ngày 26 tháng 5, Quân khu Trị - Thiên giao nhiệm vụ: “Sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 6 bộ binh, một đại đội xe tăng thiết giáp, một tiểu đoàn cao xạ, một tiểu đoàn vận tải, có nhiệm vụ tiêu diệt địch tiến tới phá tuyến phòng thủ của địch trên đường 12. Đối tượng tác chiến là sư đoàn 1 bộ binh ngụy”.

Lúc này địch đã có thời gian củng cố, bổ sung quân số và vũ khí đạn dược, chỉ huy của chúng rất ngoan cố. Từ giữa tháng 5, sư đoàn 1 ngụy phản kích chiếm lại tuyến phòng thủ đường 12 từ Động Tranh về đến sông Hữu Trạch hình thành một cụm cứ điểm lớn gồm ba trung đoàn 1, 3 và 54, tuyến sau có trung đoàn 51 biệt động quân, thiết đoàn 7 thiết giáp và các đơn vị pháo.

Từ đây, Bộ Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung theo dõi hoạt động của Sư đoàn 324, luôn nắm chắc tình hình. Những dự kiến của đồng chí Sư đoàn trưởng, Quân khu đều nhất trí và huy động tập trung chi viện cho sư đoàn đánh thắng.

Sư đoàn 324 chủ trương dùng hai trung đoàn 3 và 1 tập trung vào trọng điểm là Động Tranh – 372 và chung quanh.

Từ ngày 28 tháng 5, ta bắt đầu nổ súng đánh nhỏ hơn 10 ngày, từ ngày 18 tháng 6 trở đi chiến đấu quyết liệt hơn, nhất là 372 – Động Tranh. Ngày 29 tháng 6, Trung đoàn 3 của ta mới chiếm được 372. Nhưng đến 18 giờ ngày 5 tháng 7, địch phản kích chiếm lại. Ta và địch giành đi giật lại nhiều lần điểm cao 372 trong gần ba tuần lễ. Sư đoàn đưa Trung đoàn 1 vào bao vây Động Tranh, Trung đoàn 6 ở Sơn Na – 300 chặn địch vòng ngoài. Địch đưa trung đoàn 51 ra Hòn Vượn, chuyển trung đoàn 3 vào thay cho trung đoàn 1 ở Động Tranh. Lúc 9 giờ 20 phút ngày 20 tháng 7, Sư đoàn 324 quyết định tranh thủ thời cơ tiến công lúc chúng thay quân. Ngay 21 tháng 7, Trung đoàn 1 chiếm được cao điểm gọi là “mái nhà”. Ngày 22 tháng 7, ta chiếm được đồi Không tên bắc Động Tranh một ki-lô-mét, tạo được thế bao vây phía bắc và phía nam, dồn địch vào khu vực quanh Động Tranh và ngã ba đường 12.

Thời gian này, đồng chí Chu Phương Đới – Sư đoàn trưởng bị mệt vì chiến đấu liên tục kéo dài mấy tháng liền, tôi được xuống làm Sư đoàn phó giúp đồng chí Đới một thời gian rồi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 để đồng chí Đới ra hậu phương nghỉ.

Ta đánh hai tiểu đoàn địch thiệt hại nặng cả ban chỉ huy, làm chủ mục tiêu, toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn 3 bị diệt và bị bắt.

Sau khi chiếm Động Tranh, ta không có điều kiện tiến công xuống Huế, tôi điều chỉnh lực lượng để đánh phản kích. Từ ngày 28 tháng 7, cuộc chiến đấu diễn ra liên tục và quyết liệt, ta diệt được nhiều địch, giam chân sư đoàn 1 ngụy, giữ vững vùng giáp ranh để phối hợp với hướng chủ yếu ở Quảng Trị và duy trì hoạt động ở đồng bằng.

Trên hướng chính của chiến dịch, chúng tôi được thông báo tình hình như sau; Đến ngày 20 tháng 5 mới tiếp tục đợt 3. Sau mấy ngày tiến công, các hướng đều không phát triển được theo kế hoạch, địch lại tăng thêm lữ đoàn 1 dù và trung đoàn 51, lại có tin chúng mở hành quân lớn để phản công lấy lại Quảng Trị.

Ngày 28 tháng 6, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chuyển sang phản công để tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững vùng mới giải phóng. Đây là thời gian dài nhất của chiến dịch diễn ra từ ngày 28 tháng 6 năm 1972 đến ngày 23 tháng 1 năm 1973, đồng thời là cuộc đọ sức hết sức quyết liệt. Hàng ngày, địch trút xuống 24 tấn bom, đạn trên một ki-lô-mét vuông. Thành cổ Quảng Trị bị phá nát vụn. Mặc dù ta tiêu diệt được lực lượng lớn quân địch nhưng chúng vẫn bổ sung nhanh, huy động lực lượng lớn(1) và được chi viện phi pháo rất mạnh, nên chúng đã chiếm lại được thành cổ Quảng Trị và huyện Hải Lăng. Bộ đội ta quyết chiến đấu đến cùng để giữ vững vùng còn lại, hỗ trợ cho cuộc hòa đàm ở Pa-ri đang tiến triển đến giai đoạn cuối – đến ngày ký kết: ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Cuối tháng 12 năm 1972, Mỹ lật lọng dùng B52 tiến công ồ ạt ra Hà Nội và Hải Phòng, nhưng bị thất bại nặng nề do chiến dịch Điện Biên Phủ trên không của ta, buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Trước ngày 28 tháng 1 năm 1973 là ngày Hiệp định có hiệu lực, Quân ủy chủ trương đẩy mạnh một đợt hoạt động trong 7 đến 10 ngày để cải thiện thế (chiến dịch “cắm cờ”), tôi chuyển Sư đoàn 324 lên phía bắc đánh chiếm thêm bốn thôn ở giáp ranh huyện Phong Điền.

Tháng 4 năm 1973, Bộ quyết định sáp nhập B4 và B5. Tôi trở lại Quân khu làm Tham mưu phó I (làm chức năng của Tham mưu trưởng). Tháng 3 năm 1974, tôi được điều ra làm Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu.


(1) Sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn dù, trung đoàn 51, sư đoàn 1 bộ binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:29:39 pm »

*
*   *

Thời gian tôi công tác ở Quân khu Trị - Thiên là thời kỳ đầu ta đối mặt với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ có trang bị kỹ thuật hiện đại mạnh hơn Pháp nhiều. Chiến trường Trị - Thiên là nơi đấu trí đấu lực, tập trung chủ lực mạnh nhất của hai bên. Những bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vận dụng vào cuộc chiến đấu mới này vẫn còn nguyên giá trị. Đó là do ta đã tổng kết thực tiễn, tìm thấy được quy luật đặc thù trong chiến tranh cách mạng của một nước nhỏ yếu chống lại một đế quốc lớn mạnh hơn nhiều về kinh tế và quân sự. Điều đó đã giúp tôi cùng với các đồng chí đồng đội đi qua kháng chiến chống thực dân Pháp có thể xây dựng một sư đoàn 100 phần trăm là tân binh, với cán bộ tập hợp từ nhiều nơi về mà chỉ chưa đầy một năm đã đưa vào một chiến trường ác liệt nhất mà đơn vị nào cũng hoàn thành nhiệm vụ tốt. Mỹ trang bị mạnh hơn Pháp, chiến tranh ác liệt hơn đòi hỏi xây dựng ý chí, tinh thần dũng cảm chiến đấu phải cao hơn; đồng thời cũng đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải thông minh sáng tạo để vận dụng cách đánh cho thích hợp. Tư tưởng chỉ đạo vẫn là “đánh gần”, nay phát triển lên đánh gần hơn, kiên quyết hơn như câu nói bất hủ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “bám thắt lưng địch mà đánh”, vẫn là tư tưởng tiến công, đánh vận động kết hợp đánh cứ điểm, đánh tập đoàn cứ điểm, đánh du kích, nhưng chủ lực thì phát triển đánh vận động nhiều hơn. Thực tế chỉ hai lần vây lấn có tính chất chiến dịch như 935 – Cốc Bai và Khe Sanh, có ý định vây lấn để diệt, nhưng diễn biến địch tăng viện, ta có thế trận tốt để đánh viện nên chỉ huy linh hoạt đã chuyển sang đánh vận động diệt nhiều địch, ta ít thương vong hơn. Vì vậy cách đánh từ “vây, lấn, tấn, diệt” chuyển thành vây để tạo điều kiện đánh vận động duy chỉ một lần phong ngự do tình hình bắt buộc ở Quảng Trị.

Từ khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chỉ sau ba năm, năm 1968, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chủ trương sáng tạo, đúng đắn, từ Bộ Tổng Tư lệnh xuống đến địa phương đã tổ chức hết sức chặt chẽ, giữ được bí mật tuyệt đối, thực hiện thành công một đòn tiến công vũ bão vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước thu được thắng lợi lớn, buộc Mỹ phải xuống thang, chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Tiếp đó, ta đã tổ chức hai chiến dịch lớn: Năm 1971, ta đánh bại cuộc hành quân lớn của địch ra Đường 9 – Nam Lào hòng bắt đứt đường Hồ Chí Minh, định “bóp nghẹt cách mạng miền Nam thành chiến tranh du kích tàn lụi”. Ta diệt một bộ phận lớn quân địch, bảo vệ được kho tàng, hành lang chiến lược vẫn thông suốt. Năm 1972, ta tiến công đánh tan phòng tuyến đường 9 của địch, giải phóng phần lớn tỉnh Quảng Trị, trụ lại một thời gian dài đánh bại các cuộc hành quân lớn, các cuộc phản kích của địch có phi pháo chi viện ác liệt chưa từng thấy của Mỹ.

Kết hợp với miền Bắc đánh thắng trận “Điện Biên Phủ trên không”, ta đã buộc Mỹ phải chịu ký Hiệp định Pa-ri ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Có điều là khi thực hiện cuộc tổng công kích (tôi chỉ nói riêng về chiến trường Trị - Thiên mà tôi được chứng kiến) đã dốc sức, ở đồng bằng thì bộc lộ hầu hết cơ sở, miền núi và giáp ranh thì dốc hết cơ sở vật chất kể cả lương thực tăng gia, không có kế hoạch dự phòng khi rút quân nên sau đó không giữ được thế ba vùng như trước.

Tiếp đó đến tháng 5, rồi tháng 8, ta còn mở hai lần tiến công xuống đồng bằng vẫn nhằm hướng chính vào thành phố Huế. Kết quả đã không đánh vào Huế được mà thế ba vùng cũng mất và đồng bằng xấu đi rất nhanh. Đó là bài học về đánh giá tình hình địch và ta.

Về chiến dịch năm 1972, mục đích của Quân ủy Trung ương đề ra rất kiên quyết: “giải phóng tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện và nắm thời cơ có lợi giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên – Huế, phối hợp với các chiến trường bạn làm thay đổi cục diện chiến tranh”.

Quán triệt tinh thần đó, Quân khu Trị - Thiên (lúc này chỉ đảm nhiệm tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã hoạt động sớm từ ngày 22 tháng 2 năm 1972 với hai trung đoàn, chiến đấu rất tích cực để kiềm giữ lực lượng địch và diệt địch, làm chủ đường 12 áp sát Huế vào cuối tháng 4, cũng vừa lúc hướng chủ yếu đã giải phóng Quảng Trị mở ra khả năng giải phóng Thừa Thiên – Huế.

Trong Quân khu ai cũng muốn đề nghị Bộ tăng cường lực lượng và chi viện vật chất để mở hướng tiến công thứ hyếu vào Huế phối hợp với hướng chủ yếu từ phía bắc đánh vào, nhưng không được chấp nhận vì không có đường vận chuyển.

Vì không có hướng thứ yếu đánh vào Huế, hướng tiến công chủ yếu trở nên đơn độc. Địch tăng cường lực lượng phòng giữ hết hợp với phản kích mạnh, được phi pháo của Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt. Ta tiến công gặp khó khăn, không phát triển được mà phải chuyển sang phòng giữ vùng mới giải phóng hết sức ngoan cường từ cuối tháng 6 năm 1972 đến 27 tháng 1 năm 1973.

Những ví dụ thực tiễn đó đã cho ta bài học là khi tổ chức chiến dịch lớn nhằm mục đích kiên quyết phải có dự kiến kế hoạch phát triển và có chuẩn bị đầy đủ cho kế hoạch phát triển thắng lợi, nhất là tổ chức chiến trường, xây dựng đương sá, dự trữ vật chất, kỹ thuật. Những công việc này đòi hỏi thời gian rất dài, nếu không triển khai trước thì khi có thời cơ cũng bị bỏ lỡ.

Đó cũng là bài học lớn cho cấp Quân khu. Chiến dịch lớn diễn ra trên địa bàn Quân khu, nếu không nhìn ra, ngay từ những năm trước chưa coi trọng tổ chức chiến trường, làm đường vận chuyển, đến nay khi cần thì không bảo đảm được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:31:24 pm »

CỤC TÁC CHIẾN Ở TỔNG HÀNH DINH MÙA XUÂN ĐẠI THẮNG

Đến năm 1974, tôi về lại Cục Tác chiến. Lúc này Cục Tác chiến đã phát triển lớn mạnh lên nhiều theo đà phát triển của quân đội. So với đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngoài Phòng Chiến trường (A), Phòng Kế hoạch, Phòng Tổng hợp, Phòng Giáo luyện, Phòng Máy tính, Phòng Hành chính bảo mật, Phòng Trực ban, Cục Tác chiến đã thêm các phòng mới chuyên lo miền Nam (B và chi viện hậu phương), chiến trường Lào, Cam-pu-chia (C, K), quân chủng, bước đầu có máy tính. Sở chỉ huy đã có hầm kiên cố sử dụng từ trước phòng chống khi địch cho máy bay đánh phá ác liệt, từ đây có đường dây nóng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến Trung ương Đảng và Chính phủ, có tiêu đồ theo dõi máy bay địch – ta từng giờ, từng phút…

Thủ trưởng Cục Tác chiến lúc này có: Cục trưởng là đồng chí Vũ Lăng, Cục phó là các đồng chí Võ Quang Hồ, Phan Hàm, Lê Hữu Đức, Hoàng Nghĩa Khánh và tôi mới về.

Tôi làm Cục phó, được phân công công tác huấn luyện, tổng kết, nhưng chưa làm được bao nhiêu(1) thì chuyển sang làm tác chiến vì đã đến lúc phải tập trung nắm tình hình địch và các chiến trường để giúp Bộ chỉ đạo trước mắt, đồng thời cung cấp các yếu tố cho Bộ Tổng Tham mưu hoàn thiện đề cương chiến lược hai năm 1975-1976 để kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

Kế hoạch này được chuẩn bị rất công phu từ năm 1973. Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức một số trung tâm do đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng tham mưu trưởng là một vị tướng đã từng được Bộ giao chỉ huy cá chiến dịch đánh thắng lớn, làm tổ trưởng để tập trung nghiên cứu. Đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến là một tổ viên, thời gian đầu là đồng chí Vũ Lăng, sau này đồng chí Vũ Lăng được tăng cường cho Tây Nguyên thì đồng chí Lê Hữu Đức thay. Tôi còn nhớ một kỷ niệm của buổi chia tay giữa các Thủ trưởng Cục, tôi hỏi anh Lăng có kinh nghiệm gì, anh buột miệng nói một câu tiếng Pháp, với nghĩa là: “Ôi vinh và nhục!”. Thật bất ngờ mà cũng đúng tính anh. Trong cục cũng có các cán bộ chuyên trách làm kế hoạch để cung cấp các yếu tố cần thiết giúp đồng chí Cục trưởng.

Tổ trung tâm đã nhiều lần làm việc với Thường trực Quân ủy Trung ương, lúc nào đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp nghe, cùng nghiên cứu và nêu nhiều vấn đề đi sâu nghiên cứu giúp cho kế hoạch ngày càng hoàn chỉnh. Có thời gian Đại tướng phải đi Liên Xô chữa bệnh, cán bộ các cơ quan gần gụi với đồng chí biết tin nên hết sức lo lắng về sức khỏe của đồng chí, luôn chú ý theo dõi. Công việc của tổ trung tâm vẫn tiếp tục. Có khi đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghe tổ trung tâm báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo. Sang năm 1974, mới bình phục trở về, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm việc ngay với tổ trung tâm. Tôi may mắn có dịp báo cáo tình hình với đồng chí, đã tranh thủ hỏi thăm sức khỏe. Đại tướng vui vẻ cho biết phải qua một cuộc phẫu thuật lớn, nay sức khỏe đã khá, dần dần sẽ khôi phục bình thường. Tôi cùng cơ quan biết tin, rất mừng và lúc này mới câm thấy thật yên tâm. Bản kế hoạch này còn được các cán bộ lãnh đạo từ miền Trung và Nam Bộ ra họp góp ý kiến cho sát với tình hình ở chiến trường. Bộ Tổng Tham mưu cũng đã bàn với các chiến trường kế hoạch chi viện mọi mặt để chiến trường có điều kiện thực hiện kế hoạch chiến lược.

Tháng 12 năm 1974, đề cương chiến lược được trình Bộ Chính trị thông qua, nó trở thành kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Khi được biết kế hoạch này, tôi liên tưởng đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Nó cũng phát huy cao độ lực lượng tổng hợp của chiến tranh nhân dân, phối hợp với các chiến trường một cách chủ động và mưu trí, cũng nhằm mục đích rất kiên quyết tạo thời cơ lịch sử, giành một trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Nhưng ngày nay quy mô về lực lượng và trang bị hiện đại, về địa bàn hoạt động và về thời gian thì rộng lớn và phức tạp hơn nhiều lần. Tuy nhiên tôi lại cảm thấy vững tâm và tin tưởng chắc thắng hơn nhiều.


(1) Làm xong tài liệu đánh tiêu diệt trung, lữ đoàn Mỹ, căn cứ tổng kết các trận đánh tiêu diệt tiểu đoàn, đại đội Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:32:16 pm »

*
*   *

Cuối năm 1974, Bộ lập đoàn cán bộ có đủ thành phần đại diện cho cơ quan Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Cục Cán bộ, do đồng chí Lê Trọng tấn làm trưởng đoàn đi thăm Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức. Tôi được tham gia trong đoàn. Mục đích chuyến đi thăm là học tập kinh nghiệm xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Đó là mục đích công khai. Còn trong nội bộ thì đây là ý định đánh lạc hướng đối phương vì đã vào mùa khô, đồng chí Lê Trọng Tấn thường là người chỉ huy các trận đánh lớn mà lại đi nghiên cứu xây dựng quân đội, hàm ý năm nay chưa có đánh lớn.

Để rút ngắn thời gian của đồng chí Lê Trọng Tấn, từ Bắc Kinh đi Liên Xô, cả đoàn đi tàu hỏa, còn đồng chí đi máy bay thẳng sang Liên Xô, và sau khi hoàn thành chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Đức đồng chí cũng đi máy bay thẳng về nhà.

Kết quả là bạn hoan nghênh, thắt chặt được tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội của bạn và ta. Đối với cán bộ trong đoàn, chúng tôi đều cố tận dụng dịp này để nghiên cứu những kinh nghiệm của bạn về xây dựng lực lượng vũ trang chính quy hiện đại trong thời bình, nhất là tìm hiểu vấn đề tự động hóa chỉ huy – vấn đề này, đối với ta còn rất mới mẻ, nhưng bạn đã phát triển khá cao. Qua đó, chúng tôi đã học tập được thêm kinh nghiệm hay của bạn. Đối với kẻ thù thì ta giữ được bí mật chiến lược.

*
*   *

Vào mùa khô năm 1975, các hướng bắt đầu hoạt động theo kế hoạch đã báo cáo bộ và đều thu được những thắng lợi ban đầu.

Đặc biệt, bước vào đợt hai, cơ quan chúng tôi tin tưởng trận tiến công vào Buôn Ma Thuột, mục tiêu quan trọng của chiến dịch là tất thắng vì đã có Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một đoàn cán bộ Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục vào chiến trường trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy và công tác chuẩn bị các mặt đã đầy đủ, nhưng chúng tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng liệu có giữ được bất ngờ cho trận đánh không? Cục 2 và Cục Tác chiến rất chăm chú theo dõi các động thái, điều động quân trên chiến trường Tây Nguyên, cho đến ngày N-1 không thấy gì đáng ngờ, chúng tôi mới thở phào, yên tâm. Trận đánh đã diễn ra đúng như dự kiến kế hoạch. Ta đã thắng một trận giòn giã, tiếp theo là các trận phản kích của lực lượng dự bị mạnh của địch bị bẻ gãy làm rung động mạnh cả chiến trường Tây Nguyên và phủ tổng thống Thiệu. Nhưng điều chúng tôi không ngờ tới là toàn bộ lực lượng còn lại của quân khu 2 ngụy vội vã rút một cách hỗn loạn như rắn mất đầu theo con đường 7 là con đường độc đạo, địa hình hiểm trở, lâu nay không dùng đến, cầu đường không bảo đảm. Sau này xem tài liệu mới biết rằng Phan Văn Phú tư lệnh quân khu 2 đã lập mưu để chuồn về Nha Trang trước một cách hợp pháp vì y đã xin gặp tổng thống Thiệu ở Nha Trang, được lệnh của Thiệu cho chuyển quân đoàn 2 về giữ đồng bằng ven biển, lại được Thiệu chấp nhận thăng cấp thiếu tướng cho đại tá Phan Văn Tất để y có thể giao cho Tất chỉ huy rút quân, chúng tôi mới vỡ lẽ. Trước tình hình đó, khó khăn nhất của chiến trường là khi phát hiện được chắc là địch rút quân thì không vượt được lên trước để chặn địch, chúng tôi đã báo tin thẳng cho Quân khu 5. Các đồng chí ở đó cũng biết tin và đã điều hai tiểu đoàn địa phương cấp tốc chạy ngày đêm đến kịp cắt cầu Sơn Hòa, chặn địch ở Củng Sơn. Được tin đó chúng tôi rất mừng vì biết rằng mặc dù địch rất đông nhưng lại mang theo cả gia đình, nên rất ô hợp, nếu bị đánh chúng sẽ hoảng loạn tranh nhau tìm cách thoát thân, một lực lượng nhỏ của ta với khí thế chiến thắng sẽ đủ sức chặn chúng không để chạy thoát. Ở phía bắc, Sư đoàn 320 được lệnh trực tiếp của đồng chí Văn Tiến Dũng đã tích cực vượt khó khăn kiên quyết truy kích đánh ngang sườn địch rồi đánh thốc xuống Củng Sơn phối hợp với các tiểu đoàn địa phương vây chặt quân địch. Chỉ sau mấy ngày chúng tôi đã nhận được tin ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch rút lui trên đường 7. Ta coi như xóa sổ quân khu 2 ngụy, giải phóng một vùng rộng lớn từ Tây Nguyên xuống sát cánh đồng ven biển, tạo thời cơ chiến lược lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:34:17 pm »

*
*   *

Sau chiến thắng Tây Nguyên, không khí cơ quan trong khu “Nhà Rồng” nơi trực tiếp phục vụ sự lãnh đạo chỉ huy ở Tổng hành dinh, sôi động hẳn lên. Mọi người hồ hởi phấn khởi chào mừng nhau như được giải tỏa những lo lắng dồn nén, sự nóng lòng, chờ đợi bao năm qua. Các “tham mưu con” xì xào bàn tán: “chắc lãnh đạo sắp có những quyết định mới bất ngờ lắm đây!”.

Ngày 18 tháng 3 nam 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương(1) họp đánh giá thời cơ đã xuất hiện, quyết định chuyển sang tổng công kích giải phóng miền Nam trong năm 1975, phương hướng chủ yếu là Sài Gòn, trước mắt diệt quân khu 1 của địch, giải phóng Huế - Đà Nẵng, không cho địch co cụm chiến lược. Chúng tôi hiểu rằng như vậy khi xác định chuyển sang kế hoạch thời cơ, đồng thời Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định ba bước lớn của kế hoạch mới: một là diệt quân khu 2, giải phóng Tây Nguyên; hai là tiêu diệt quân khu 1 của địch, giải phóng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng và cuối cùng là Sài Gòn.

*
*   *


Kể từ ngày 18 tháng 3, Bộ Tổng Tư lệnh bắt đầu chỉ đạo các chiến trường theo kế hoạch thời cơ. Tôi thấy yêu cầu tính khẩn trương công tác đã lên cao độ khi được biết ngay chiều ngày 18 tháng 3, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Trọng Tấn, đồng chí Lê Quang Hòa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã đi làm việc với Quân đoàn 1 và Văn phòng Bộ và Cục Tác chiến phải lo tổ chức cuộc đi này… Tôi hiểu rằng ý định của Quân ủy Trung ương là tập trung sức mạnh, kiên quyết đánh thắng nhanh thắng nhanh, đánh tiêu diệt và làm tan rã quân khu 1 ngụy, không cho co cụm chiến lược hòng”tử thủ” Sài Gòn để kéo dài thời gian. Mấy ngày trước đó, Cục 2 nhận được điện có dùng “mật ngữ” của tổng thống Thiệu gửi Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh quân khu 1 đã lộ rõ ý định của địch sẽ bỏ Trị - Thiên – Huế co về tập trung giữ Quảng Đà. Ta phải sẵn sàng để đánh thắng trong mọi tình huống.



Trước mắt Bộ tập trung chỉ đạo cho Quân khu 5, Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2, Quân đoàn 1(2) (thiếu Sư đoàn 308) cùng các binh quân chủng quán triệt quyết tâm mới của Bộ Chính trị, điều chỉnh kế hoạch phối hợp giữa Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5. Đồng chí Tổng tư lệnh đã chỉ đạo Quân đoàn 2 tập trung lực lượng kiên quyết chia cắt chiến dịch giữa Huế - Đà Nẵng cùng Quân khu Trị - Thiên tiêu diệt bằng được sư đoàn 1 ngụy, không cho co cụm, giải phóng Huế, tạo thế tập trung tiêu diệt quân khu 1 còn lại ở Đà Nẵng, nhằm thực hiện nhanh đòn chiến lược lớn thứ hai: Giải phóng Huế, Đà Nẵng.

Đòn chiến lược này do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Trên địa bàn của Quân khu 5 và Quân khu Trị - Thiên, dùng lực lượng hiện có, Bộ có thể điều thêm Quân đoàn 1 và quân binh chủng khi cần.

Kể từ ngày 21 tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 2, lực lượng chủ yếu của chiến trường Trị - Thiên, bắt đầu thực hiện “kế hoạch thời cơ”. Toàn bộ năm trung đoàn có mặt của Sư đoàn 325, 324 thuộc Quân đoàn 2 tập trung đánh cắt chiến dịch đường 1 đoạn giữa nam Phú Lộc – bắc Hải Vân.

Từ ngày 18 tháng 3, tôi được giao nhiệm vụ làm kế hoạch đánh Đà Nẵng. Đồng chí Tổng tư lệnh xuống cơ quan tác chiến muốn sớm nắm những tin tức từ chiến trường. Có hôm đồng chí vào phòng làm việc của tôi, tôi báo cáo ý định quyết tâm và dự kiến giao nhiệm vụ cho đơn vị. Nghe xong đồng chí hướng dẫn: phải là hai kế hoạch, nếu nó cố thủ thì đánh có chuẩn bị, huy động thêm lực lượng cho chắc thắng; phải chuẩn bị trường hợp chúng rối loạn thì dùng lực lượng tại chỗ đánh thật táo bạo không cho chúng rút chạy(3).


(1) Từ ngày bước vào giai đoạn thực hành chiến dịch lịch sử này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thường dùng hình thức họp chung để bàn bạc và xử trí các tình huống quyết định. Vì nhiều đồng chí đã đi chỉ đạo ở các chiến trường nên cuộc họp chỉ có ít người, nhưng khi nào cũng có mặt đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất và đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bí thư Quân ủy Trung ương. Sau khi nghe ý kiến của cơ quan tham mưu, ý kiến đề xuất của đồng chí Võ Nguyên Giáp, hội nghị thảo luận kỹ, đồng chí Lê Duẩn kết luận. Thường thống nhất rất nhanh, sau đó các thành viên dự họp theo trách nhiệm của mình về thực hiện ngay.
(2) Chiều ngày 18 tháng 3, đồng chí Tổng tư lệnh cùng đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa đã xuống Quân đoàn 1 trực tiếp giao nhiệm vụ chuẩn bị xuất quân, chỉ để lại Sư đoàn 308 và xuống trực tiếp động viên các đơn vị.
(3) Ngoài lực lượng chủ lực của Quân khu 5, còn có Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 đang còn đứng chân ở Thượng Đức, tây Đà Nẵng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM