Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:21:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29531 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:55:02 am »

Thế là phải nghe chính trị viên thôi. Tôi lại lúng túng hỏi:

- Làm thế nào bây giờ? Cả đoàn sắp về rồi!

Nhân lại nói:

- Sao khi chiến đấu, thì cậu nhanh thế mà bây giờ thì… À, có cách rồi! Tối nay, các cô ra nhà bà Minh tập múa hát ở đấy. Bọn mình sẽ ra thăm bà Mình là người chị lớn của xí nghiệp, rất có uy tín với các cô. Mình làm khách xem các em vui chơi, xong bà Minh giữ cô ấy ở lại nói chuyện là ổn cả. Chỉ còn trông vào tài của cậu thôi.

Tôi bắt đầu biết tên em là Đinh Thị Nguyệt. Khi đến, tôi tránh chỗ đông ở “phòng khách”, cùng em ra đứng ở cửa bên. Tôi nhớ mãi cảm giác của giây phút đầu tiên đó, vì chưa khi nào đứng với một cô gái gần đến như thế. Tôi nhận thấy hương thơm đồng nội tỏa ra từ em. Trong tôi trào lên một tình cảm lâng lâng khó tả. Không biết đó có phải là tình yêu sét đánh không. Tôi chỉ biết trong đầu tôi đã in sâu một suy nghĩ: Không khi nào tôi chịu mất em, em sẽ là người bạn đời của tôi mãi mãi.

Lần đầu, Nguyệt chưa tỏ thái độ rõ ràng vì quá đột ngột. Nhưng với lòng tin đối với chị Minh và lòng tin yêu đối với tôi là một anh bộ đội, Nguyễn vẫn tỏ thái độ thân thiện. Sau này khi tâm sự với nhau, trả lời câu hỏi của Nguyệt:

- Vì sao anh yêu em, em không dứt ra được vì thương anh?

- Vì đồng cảm – Tôi chỉ trả lời gọn, không biết nói gì hơn. Tôi hỏi lại:

- Thế còn em?

- Lúc đầu em chỉ thấy tin anh. Đã có mấy người đặt vấn đề với em, em đều từ chối cả. Nhưng với anh, em không từ chối được!

Tôi gặp may, chỗ tiểu đoàn tôi đóng quân rất gần xí nghiệp, anh chị em trong xí nghiệp hay ra chơi. Tôi cũng có thời gian nhiều lần gần gũi chuyện trò với em. Khi được biết tôi tuy nói giọng Huế nhưng quê ở Hà Nội người ở Kim Liên, người ở Phương Liệt sát liền nhau, chúng tôi lại được thêm tình đồng hương. Sau một thời gian “tìm hiểu”, em đã đồng ý tôi nghỉ phép đi thăm bố mẹ em. Có lần em đã bằng lòng đi chơi với tôi ra thăm gia đình chú ở chợ Ngà…

Đến ngày trước khi đi chiến dịch Tây Bắc, tôi chỉ nói tôi đi chiến đấu, em đã tỏ ra rất lưu luyến, lo lắng cho tôi. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, từ nay tôi đã có người ở hậu phương mà nhớ. Tôi lớn tuổi hơn em nhiều, không bảnh trai. Tôi hiểu rằng em yêu tôi vì tôi đi chiến đấu vì dân vì nước. Tôi chỉ xứng đáng với em nếu tôi hoàn thành nhiệm vụ tốt. Tình cảm đó đã làm ấm lòng tôi và động viên tôi nhiều. Khi ở chiến trường gian khổ. Khi thấy các gia đình dân trong vùng địch còn nhiều đau khổ, tôi càng thông cảm, thấy hạnh phúc của mình gắn rất mật thiết với hạnh phúc chung. Làm gì để khỏi hổ thẹn với nhân dân ở hậu phương. Chỉ có những ý nghĩ thúc giục tôi xốc tới.

Xem lại các thư từ tôi gửi cho em hồi đó đều toát lên một tình cảm lãng mạn như vậy. Có lần tôi về thăm, có chờ đợi ở nhà chị Huỳnh Quang Đại, dược sĩ, chị đã hỏi tôi:

- Vì sao đã lâu rồi mà chưa cưới? Người ta bảo lấy vọ thì cưới liền tay…

- Tôi nghĩ khác – Tôi trả lời – Mình còn đi chiến đấu. Con người mình bây giờ đâu phải của mình nữa. Nếu có điều gì không may thì chỉ khổ người khác. Cứ để tình yêu lãng mạn thế đẹp hơn, cả hai thấy hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại là hơn. Khi nào yên hàng hãng hay…

Chỉ ngày tôi từ biệt em để đi chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã nói thật, cũng kho em biết kỳ này đánh rất to hy vọng ngày chiến thắng sắp đến rồi. Tôi cảm thấy tình cảm của em thật sâu đậm. Đêm trước hai người ngồi nói chuyện dưới ánh trắng rất khuya, mãi không ai muốn về nghỉ. Hôm sau trước khi lên đường, tôi đến chia tay, cảm thấy thật lưu luyến như không muốn rời nhau nữa. Chúng tôi lần đầu tiên, đã hẹn nhau ngày cưới sau ngày chiến thắng trở về và em không quên nhắc tôi; “Anh chú ý giữ sức khỏe, đừng quên nhiệm vụ, nhớ về với em!”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:55:28 am »

*
*   *

Sau chiến dịch Hòa Bình, ta đã giành lại thế chủ động chiến trường, tiếp tục giữ quyền chủ động chọn chiến trường mở chiến dịch. Rút kinh nghiệm các chiến dịch đã qua, ta thấy ở chiến trường rừng núi ta có thế mạnh.

Mùa thu 1952, Trung ương Đảng và Bộ tư lệnh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với nhiệm vụ:

- Tiêu diệt sinh lực địch.

- Tranh thủ nhân dân.

- Giải phóng một bộ phận đất đai, giải phóng dân, mở hành lang sang Lào vào miền Nam.

Tây Bác là vùng núi rộng lớn gồm bốn tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, có hơn 44 nghìn ki-lô-mét vuông với 44 vạn dân. Dân thưa, hầu hết là dân tộc ít người, là vùng tạm chiếm từ lâu, địa hình rừng núi hiểm trở, đường sá kém phát triển, nhiều đường đã bị phá hoại, lâu ngày cỏ lạc, bụi rậm mọc um tùm. Địch tổ chức làm khu tự trị Tây Bắc (ZANO), có 5 tiểu đoàn ngụy Thái, 3 tiểu đoàn Phi, 40 đại đội ngụy Thái, 11 đại đội pháo các loại; tổ chức 4 phân khu : Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu và một tiểu khu Tuần Giáo.

Bộ dùng đại đoàn 308, 312 và 316, Trung đoàn 148 ở Tây Bắc, hai đại đoàn 304 và 320 ở đồng bằng Liên khu 3.

Hội nghị giao nhiệm vụ cho cán bộ, Bác Hồ đến thăm. Hôm đó trời mưa to, suối sâu, nước chảy xiết, anh em bảo vệ lo cho Bác. Bác nói: “hội nghị cán bộ đang đợi Bác”. Các anh bảo vệ phải căng một sợi dây rừng to cho Bác vịn mới đưa Bác sang suối an toàn, kịp đến dự hội nghị. Kết thúc, Bác kể lại câu chuyện khó khăn dọc đường rồi nói: “chiến dịch này gian khổ, có nhiều khó khăn, nhưng vẫn phải đánh cho thắng… Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên” Câu chuyện Bác kể, cán bộ đều về truyền đạt lại cho bộ đội làm bài học xây dựng quyết tâm bước vào chiến dịch.

Lập tức chúng tôi phải gấp rút đi chuẩn bị chiến trường. Cán bộ quân sự từ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng đã 13 ngày đêm vượt suối lũ, băng rừng rậm, núi đá hiểm trở, chịu đựng cái đói mệt, nguy hiểm, vượt mọi khó khăn tiến hành một cuộc trinh sát luồn sâu vào địch hậu gian khổ nhất.

Trung tuần tháng 10, từ Việt Bắc, các đại đoàn chủ lực quân ta chia làm bốn cánh vượt sông Thao bằng thuyền nan do nhân dân hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái mang đến.

Trung đoàn 36 cùng đại đoàn theo những con đường xuyên rừng, luồn lách qua khe sâu đỉnh núi đá tai mèo hiểm trở, bí mật tiến về thị xã Nghĩa Lộ. Bộ đội vừa hành quân vừa học nhiệm vụ chiến dịch, chính sách dân tộc của Đảng và 10 điều kỷ luật được Bác căn dặn trong hội nghị cán bộ. Sau bốn ngày hành quân, trung đoàn đã đến vị trí tập kết bí mật an toàn.

Đợt 1, trọng điểm là Nghĩa Lộ, Trung đoàn 88 và 102 tiêu diệt Nghĩa Lộ đồi và Nghĩa lộ phố. Trung đoàn 36 đánh Cửa Nhì - cửa ngõ vào Nghĩa Lộ theo đường 13.

Ngày 17 và 18 tháng 10, Trung đoàn 36 bao vây Cửa Nhì. Đồn này do một đại đội tăng cường của Pháp chiếm giữ. Trên ngọn đồi dài có công sự vững chắc, lớp hàng rào dày có nhiều mìn. Vị trí chỉ huy và cối ở giữa. Tiểu đoàn 80 làm nhiệm vụ chủ yếu, Tiểu đoàn 89 có một mũi thứ yếu phối hợp, đánh từ phía cửa đồn vào.

Mặt sau cửa đồn có một yên ngựa và một ngọn đồi phía đối diện đặt hỏa lực tốt. Tôi bố trí Đại đội 63 với hỏa lực của tiểu đoàn và trung đoàn tăng cường ở đây, nhưng tôi chọn hướng đột kích chủ yếu ở giữa, giao cho Đại đội 62. Ở đây địch sở hở: rào mỏng, đường vào rậm có thể cắt dây trước thành một lối đi kín đáo, có thể bí mật cắt rào, chiếm đâu cầu là có thể đánh ngay vào vị trí chỉ huy vào trận địa cối; bộ đội có thể bám sát chân đồn ngoài tầm pháo của địch; để một đại đội dự bị vào cửa mở ở giữa đánh ra hai bên coi như đánh từ trong đánh ra (nở hoa), và sẵn sàng để sử dụng khi gặp bất trắc. Trung đoàn chủ trương bao vây gọi hàng, tôi vẫn cho bộ đội chuẩn bị kỹ cả hai hướng nhưng hướng chủ yếu tôi quản lý chặt, bảo đảm an toàn bí mật để giữ thế bất ngờ.

Suốt hai ngày địch vẫn ngoan cố chống cự. Chúng dùng máy bay ném bom Na-pan và bắn phá dữ dội xung quanh đồn gây cho trung đoàn một số thương vong, nhưng trên hướng chính của tiểu đoàn vẫn an toàn.

Lúc 20 giờ ngày 19 tháng 10, địch định bí mật bỏ đồn rút chạy về Bản Khê. Phán đoán đúng ý đồ của địch, khi chúng mới bắt đầu ra cửa đồn, trung đoàn trưởng đã lập tức ra lệnh tiến công. Sau một loạt pháo bắn mạnh, các loại súng nổ ran, trên hai hướng của Tiểu đoàn 80 tiếng bộc phá nổ liên tiếp, bên phía bạn cũng nghe tiếng nổ ran. Sau một phút, đội đột kích Đại đội 62 đã chiếm đầu cầu rồi xông thẳng vào tung thâm. Địch rối loạn đối phó yếu ớt. Đại đội 63 cũng đã chiếm đầu cầu nhanh chóng tỏa ra đánh vào trong, trong đồn thấy qua các chớp lửa bóng địch chạy loạn xạ. Tiếng súng của chúng rời rạc. Bị ép hai đầu chia cắt ở giữa, chỉ huy không còn, chỉ vài phút sau địch đã bị ta tiêu diệt và bắt hầu hết.

Ta diệt gần 100 tên, bắt 80 tên, trong đó có cả hai tên chỉ huy trưởng, phó, thu toàn bộ vũ khí và lương thực chúng dự trữ cho một đại đội tăng cường ăn trong 3 tháng.

Trung đoàn đã cùng đại đội hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ đợt một chiến dịch, giải phóng toàn bộ phân khu Nghĩa Lộ, diệt và bắt hầu hết quân địch.

Đại đoàn 312 và Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 đã nhanh chóng giải quyết các đồn lẻ quét sạch quân địch khỏi tiểu khu Phù Yên. Sau 13 ngày chiến đấu, ta đã quét sạch quân địch ở khu vực giữa sông Thao và sông Đà.

Sau trận Cửa Nhì, trung đoàn truy quét một tổ chức gián điệp, thổ phỉ do tên gián điệp Pháp Ghi-rơ và Han-xơ cầm đầu, chuyên mua chuộc, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc chống lại cách mạng. Kết quả đó góp phần ổn định vùng mới giải phóng Nghĩa Lộ - Yên Bái, chuẩn bị cho quân ta vượt sông Đà bước vào đợt 2 chiến dịch, tiến đánh địch trên cao nguyên Mộc Châu. Một trung đội Đại đội 62 thuộc Tiểu đoàn 80 của chúng tôi do đồng chí Nguyễn Ích Tỷ chỉ huy đã bắt được tên Ghi-rơ và một trung đội biệt kích.

Trong chiến dịch này, trung đoàn đã chấp hành chính sách dân tộc và kỷ luật chiến trường rất nghiêm chỉnh, được nhân dân tin yêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:56:02 am »

*
*   *

Trung đoàn 36 nhận lệnh về Phú Thọ ngày 10, chậm nhất là ngày 14 tháng 11 phải có mặt. Về đó, Trung đoàn sẽ thuộc quyền chỉ huy của Mặt trận Phú Thọ do đồng chí Vũ Hiển – Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ huy. Khi hành quân về, tiểu đoàn tôi còn thiếu Đại đội 63 đi truy quét địch, không về kịp.

Địch mở cuộc hành quân Lo-ren đánh ra hậu phương ta ở Phú Thọ nhằm kéo chủ lực ta từ Tây Bắc về để giảm nhẹ áp lực, điều này không ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tư lệnh. Lực lượng địch gồm 4 GM, ba tiểu đoàn dù, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, công binh, thủy đoàn, tổng cộng ba vạn quân do Đờ li-na-rét chỉ huy.

Ngày 28 tháng 10 năm 1952, từ Trung Hà, chúng theo đường sông và đường 2 đánh lên thị xã Phú Thọ. Ngày 8 tháng 11 năm 1952 chúng cho quân nhảy dù xuống Đoan Hùng. Ở Phú Thọ, ta có Trung đoàn 176, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 246 và lực lượng vũ trang địa phương. Địch đánh lên Phú Thọ đã bị quân dân ta đánh khắp nơi… nhưng chúng cũng phá của ta ba kho gạo, một kho muối, một kho vũ khí lớn hơn 100 tấn ta chưa chuyển kịp.

Trung đoàn trưởng 36, tiểu đoàn trưởng hai tiểu đoàn 80, 89 và các địa đội trưởng đi ngày đi đêm, đúng ngày 14 tháng 11 đến gặp đồng chí Vũ Hiển nhận nhiệm vụ chuẩn bị đánh đồn Vân Mộng (Nam Đoan Hùng). Ngày 15 nhận được tin địch rút. Đoàn cán bộ đang chuẩn bị ở Vân Mộng thì được tin trinh sát trung đoàn báo cáo trong ngày 16 có rất nhiều xe tải chở đầy quân chạy về, không có xe lên. Đồng chí Hồng Sơn – Trung đoàn trưởng 36 trao đổi với chúng tôi: “Gấp rồi, đánh đây không kịp, ta chuyển hướng phía Nam phục kích thôi”.

Đoàn cán bộ chúng tôi ở vùng này mấy tháng huấn luyện, đều quen thuộc đường và địa hình, nên rất nhanh chóng thống nhất chuyển về phục ở dưới Chân Mộng (lúc đó chưa biết Năng Yên có đồn địch). Cả đoàn lập tức chạy theo đường làng Năng Yên thì trời tối. Chúng tôi quyết định lấy làng Năng Yên làm hậu cứ, cử người về đón bộ đội lúc này đã về đến vùng Tăng Mỹ, sau đó tìm đường ra đường số 2. Trời tối đang khó khăn thì gặp cụ già đốt than tên là Nguyễn Văn Kính, cụ nhận ngay ra chúng tôi là bộ đội nên vui lòng dẫn đường. Sau, chúng tôi cũng gặp được anh Bình đưa đường cho bộ đội Tiểu đoàn 80 ra.

Ra đến đường cái, chúng tôi đi về phía Nam một đoạn, tiếng giày cồm cộp trên đường, gặp đồng chí Châu – Tiểu đội trưởng trinh sát của trung đoàn từ trong bụi cây ra báo cáo: “Đây là đồn Năng Yên”.

Lúc này còn yên ắng. Sau này xem tư liệu của địch được biết lúc đó trong đồn có nghe tiếng giày. Anh Hồng Sơn xác định cho tôi: “Tiểu đoàn 80 chặn đầu từ đấy”.

Tôi cùng các đại đội trưởng đi theo anh Hồng Sơn ngược lên phía Bắc, vừa đi vừa xem xét địa hình và phác qua ý định bố trí và nhiệm vụ các đội. Đến đầu đường vào làng Năng Yên dừng lại một lúc, anh Hồng Sơn xác định cho chúng tôi ranh giới hai tiểu đoàn ở con đường này và liên lạc với trung đoàn ở sườn đồi phía Tây (là khu vực anh dự kiến đặt sở chỉ huy). Từ vị trí đó, anh Cao Lưu – Tiểu đoàn trưởng 89 đi về phía Bắc nghiên cứu) Tôi dẫn cán bộ đi trở lại phía Nam.

Phía Tây đường có một ngọn đồi, có rừng cây thưa cách đường chừng 50 đến 100 mét, bên phía Đông có ngọn đồi dài đứng thành vại, dưới chân đồi này dọc đường có rãnh sâu. Tôi chỉ cho đồng chí Trương Anh Dũng – Đại đội trưởng 62 ngọn đồi dài phía Tây dốc thoai thoải cho Đại đội 62 làm lực lượng xung phong chính, dẫn cả ba trung đội ra từ đây xuống phía Nam, cho trung đội đồng chí Nguyễn Thuận (Đại đội 62 có bốn trung đội) sang chiếm đồi phía Đông chỗ thành vại, mang nhiều lựu đạn đánh từ trên xuống. Đi hết phạm vị của Đại đội 62, một đoạn gần đến chỗ nhìn thấy đồi Năng Yên, tôi giao cho đồng chí Tuấn Nghĩa – Đại đội trưởng 61 – chiếm lĩnh ngọn đồi nhìn sang đồn, bố trí hỏa lực kiềm chế đồn, ba trung đội và hỏa lực bố trí ở sườn đồi làm lực lượng chặn đầu. Liên lạc với tiểu đoàn, tôi sẽ đặt sau Đại đội 62. Đại đội 64 hỏa lực của tiểu đoàn, bố trí ở ngọn đồi bên phải Đại đội 62.

Điều đặc biệt khó trong trận này là giữ bí mật vì ta làm trái nguyên tắc. Không có cách gì dẫn quân từ làng Năng Yên chui qua rừng để chiếm lĩnh trong đêm nay, buộc ta phải chiếm lĩnh ngược lại từ đường lên trận địa, bộ đội sẽ để lại rất nhiều dấu vết. Tôi nhắc kỹ các đại đội phải chấp hành nghiêm mấy điều:

- Xóa hết dấu vết, vào hết vị trí rồi cán bộ phải đi kiểm tra.

- Đón anh nuôi ra đưa cơm nước phải về trước sáng.

- Có lệnh mới được nổ súng. Dù trinh sát địch sục vào trận địa cũng không được tự động nổ súng, bị thương không được rên la.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:56:27 am »

Cán bộ dẫn bộ đội vào vị trí thì tôi gặp Chính trị viên phó Vũ Sơn và Tiểu đoàn phó Ích Tỷ, trao đổi tình hình bộ đội: bộ đội được lệnh trở về Phú Thọ đánh địch bảo vệ hậu phương rất hăng hái quên hết mệt nhọc vì Phú Thọ coi như quê hương thứ hai. Anh em vừa mới ở đấy ra đi. Đi ngày đi đêm đến kịp thời gian nên còn mệt và buồn ngủ, nhưng có địch đến sẽ tỉnh táo ngay, sẽ quên hết mệt, rất phấn khởi. Tin tưởng còn đón đánh địch được kịp thời! Tôi phổ biến lại quyết tâm, kế hoạch của trung đoàn, của tiểu đoàn, mọi người đều nhất trí, bàn thêm một số việc bảo đảm rồi chia nhau đi kiểm tra đôn đốc. Đồng chí Nhận – tác huấn tiểu đoàn đã đi theo tôi từ đầu hôm, tôi giao đi kiểm tra dấu vết để lại trên các đường vào của các đại đội.

Trời gần sáng thì bộ đội vào hết vị trí, đang triển khai, cán bộ đi kiểm tra, hướng dẫn, dặn dò cho đến phân đội nhỏ, từng tổ thông suốt kế hoạch và yêu cầu của trận đánh. Thông tin đang ra dây và tìm đường liên lạc về hậu cứ.

Bỗng nghe tiếng í ới dưới mặt đường, hóa ra một số “anh nuôi” chưa biết đang ở gần đồn địch, sợ lạc đường nên gọi nhau. Mọi người giật thót cả người!

Trời sáng rõ, điện thoại của Trung đoàn đã kéo đến. Tôi báo cáo: “Vào vị trí xong, đã kiểm tra dấu vết trên các đường vào. Còn yên tĩnh!”.

Lúc đó tôi mới thở phào, ngồi dựa gốc cây thư giãn. Tiếng súng nổ ran phía Tiểu đoàn 89, tôi giật mình tỉnh dậy, đã thiếp đi một lúc! Đã bắt đầu rồi đây! Tôi bảo đồng chí tác huấn Nhận:

- Bộ đội sẵn sàng chiến đấu! Nhắc giữ bí mật, chưa có lệnh không được nổ súng, bị thương không kêu la!

Đã hơn 7 giờ sáng.

Từ đây trung đoàn thông báo tình hình liên tục:

Bộ phận của Đại đội 395 qua đường lội ruộng bị lộ, địch sục vào, chưa kịp bố trí, tân binh Lê Văn Hiến bị bắt, đang bám sát theo dõi. Chờ lệnh mới nổ súng.

Địch đánh đập đồng chí Hiến rất tàn nhẫn, nhưng đồng chí Hiến chỉ khai là du kích. Nếu chúng biết Trung đoàn 36 ở đây thì không lường được tình hình sẽ diễn ra phức tạp và nguy hiểm thế nào. Mọi người đang chăm chú theo dõi, lo lắng.

Tra khảo mãi không có kết quả, chúng lôi đồng chí Hiến ra đường buộc vào xe kéo rồi tiếp tục tra khảo, đồng chí Hiến ngất đi. Chúng tưởng chết, hất xác ra vệ đường rồi tiếp tục đi. Đội tiền vệ vừa đi vừa bắn trọng liên sang hai bên đường, chỗ nghi ngờ thì sục vào vài chục mét bắn vu vơ. Vào chỗ Đại đội 62 chúng bắn mạnh, hai chiến sĩ bị thương vẫn cắn răng chịu đau, nòng súng vẫn hướng vào địch.

Tôi nghĩ: Vẫn còn hy vọng, dù bọn này có biết ta ở đây mà ta chưa nổ súng thì coi như không có, mau mau mà thoát thân thì hơn. Lính đánh thuê mà!

Sau này mới biết, chúng đã phát hiện trên đường có chỗ có các lỗ mới đào chưa kịp đặt mìn, có chỗ có đống to cây và đá lấp chặn xe, chúng đã cho rằng Việt Minh phục kích rồi. Nhưng thi gan ta hơn địch nên chúng vẫn bị mắc mưu!

Lúc 9 giờ, trung đoàn báo:

- Bộ phận đi đầu của đoàn xe địch đã đi vào trận địa Tiểu đoàn 89 nhưng dẫn theo dân bị bắt “làm bia đỡ đạn” (vì chúng biết ta không bắn vào dân). Chưa nổ súng.

Tiếng xe xích đã vang dội cả khu rừng. Tôi vẫn bảo đồng chí Nhận:

- Tất cả sẵn sàng!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:58:06 am »

Đoàn xe đi qua trận địa, khói bùi mù mịt, các mòng súng hướng về chúng tôi, đang tiến lên chậm chạp. Trong tôi trào lên một cảm xúc là lạ khó tả. Một lúc sau, địch đến càng đông gấp bội, xe đi giữa xen kẽ xe tăng thiết giáp, háp-trắc, hai bên đường bộ binh hối hả chen chúc đi chậm sau dồn lên càng đông. Biết là thời điểm đã đến, tôi ra lệnh:

- Tất cả chuẩn bị sẵn sàng!

Liền sau đó, 9 gờ 45 phút, đồng chí Nhận báo to:

- Lệnh nổ súng!

Tiếng kèn xung trận đã vang lên. Tôi ra lệnh nổ súng, tiếng súng đã nổ ran trên toàn tuyến hơn 3.000 mét, tiếng kèn của tiểu đoàn xen lẫn trong tiếng Pháp. Tôi nói với anh Vũ Sơn và Ích Tỷ:

- Tôi xuống Đại đội 62.

Hai phút sau, tôi ra đến bìa rừng cách đường 50 mét. Tôi nghe đạn súng cối nổ sau lưng gần chỗ ban chỉ huy tiểu đoàn, sau mới biết đồng chí Nguyễn Ích Tỷ - Tiểu đoàn phó và đồng chí Vũ Sơn – Chính trị viên phó bị thương. Trước mặt tôi cuộc hỗn chiến bắt đầu. Địch đối phó rối loạn, pháo tăng, trọng liên nổ vu vơ ngoài tầm. Bộ đội ta dũng mãnh dùng ba-dô-ca, lựu đạn, tiểu liên nhằm diệt từng xe và quân địch còn ngồi trên xe, diệt bắt địch ẩn nấp sau xe. Khói lửa mịt mù, trước mặt Đại đội 61, một xe thiết giáp bốc lửa, khói đen nghi ngút. Xe nằm ngang chặn đường làm cho các xe sau dồn lên dày đặc.

Bên phải tôi bỗng thấy một bộ phận của Đại đội 62 nằm lại bắn. Nhìn sang bên kia đường thấy một trung liên của địch đang hướng về ta nhả đạn. Tên lính nằm dưới rãnh, đầu nhô lên rất rõ, tôi giật khẩu các-bin của đồng chí liên lạc đứng cạnh tôi, giương súng bắn, khẩu trung liên im bặt, tốp bộ đội đã xông ra đường. Đó là lần đầu tiên tôi bắn một tên địch gần như thế và lại có điều kiện ung dung ngắm bắn địch như bắn bia!

Nửa giờ sau, tiếng súng thưa dần, đã nghe rõ hồi kèn thu quân của trung đoàn. Tôi cho kèn của tiểu đoàn thổi tiếp bảo đảm cho toàn trận địa nghe lệnh thông suốt. Tôi ra gần mặt đường thấy xác chết la liệt. Suốt một đoạn đường dài đầy xe tăng, thiết giáp cháy hỏng, khói lửa ngút trời, bộ đội đang sục vào các xe thu chiến lợi phẩm rồi nhanh chóng thu quân.

Lúc này một lực lượng lớn quân địch bị cắt lại phía sau mà không thấy hành động gì. Trên không máy bay quần đảo nhưng chưa bắt được liên lạc, chưa dám ném bom xuống đường. Tôi ra lệnh cho Đại đội 62 để lại một trung đội bám trận địa, tiếp tục đánh địch bảo đảm cho tiểu đoàn thu quân, thu dọn chiến trường. Trung đội này do đồng chí Thạnh là Trung đội trưởng, đã ở lại tiếp tục đánh địch phối hợp với Tiểu đoàn 84 đến 2 giờ sáng hôm sau mới trở về đơn vị.

Sau này, đọc tài liệu địch mới rõ chúng vô cùng khủng khiếp thể hiện qua những lời như sau: “Một địa ngục lửa thực sự”, “Trận đánh giáp lá cà ác liệt”, “Bẫy chuột dài 800 mét”. Tên đại tá Kéc-ga-va-ra chỉ huy hành quân đi đoàn đầu lấy dân ta bảo vệ cho nó thoát chết, đến Thái Bình thu thập được một ít lực lượng tàn quân nhưng không dám ở lại, trong đêm hôm đó đã liều chết rút chạy để thoát khỏi “địa ngục”!

Thấy bộ đội đã rời hết khỏi trận địa, tôi cùng anh em còn lại thong thả đi về hậu cứ của tiểu đoàn. Bây giờ mới thấy đói, mệt rã rời, vừa đi vừa ngủ gật, thỉnh thoảng lại va vấp, anh em cười vui thông cảm!

Vào lúc 16 giờ ngày 17 tháng 11 tôi nhận được tin Tiểu đoàn 84 do truy quét xa phải hành quân đuổi theo sau. Trung đoàn đã đôn đốc về kịp vào đánh tiếp. Tiểu đoàn 84 đã kịp phục kích tiểu đoàn đi sau cùng của địch rồi truy kích đánh tăng thiết giáp cho đến Trạm Thản, diệt được nhiều địch, phá nhiều xe tăng thiết giáp, thu được một xe tăng còn chạy được. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã khi truy kích cùng với bộ đội, anh và chiến sĩ đánh tăng bị địch bắn đã anh dũng hy sinh. Sơn Mã là đồng chí cán bộ đã cùng tôi hiệp đồng chiến đấu trong các trận đánh tập trung trung đoàn mấy năm gần đây mà tôi hết lòng tin tưởng khi cùng nhau vào sinh ra tử, nay đồng chí không còn nữa, tôi rất thương tiếc. Tôi càng thương hơn vì Sơn Mã đã cùng tôi và mấy anh em cùng lứa, mới đây thôi đã cùng nhau vào tìm người yêu ở cùng một xí nghiệp, niềm vui của bạn vừa mới chớm đã vội lụi tàn! Chắc tin này về đến xí nghiệp sẽ làm rung động cả “hậu phương”, làm cho bao con tim se lại! Nhưng biết làm sao được, chỉ còn cách xông lên làm nhiệm vụ cho tốt hơn nữa để sớm tới ngày chiến thắng. Hết chiến dịch về, tôi còn biết chuyện anh Dũng Mã, anh ruột Sơn Mã khi nghe tin em hy sinh đã căm phẫn xông lên giết giặc và bị thương nặng trong trận chiến đấu ở Tây Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:58:35 am »

*
*   *

Trung đoàn báo cho biết địch đã co về Việt Trì, chỉ còn hai cứ điểm bảo vệ ở Núi Voi và Phù Ninh. Trung đoàn vận động đuổi địch nhằm diệt địch ở Phù Ninh. Ở đó, có tiểu đoàn 1 khinh binh Đông Dương (1è (BMI) vừa bị ta đánh thiệt hại nặng, bố trí làm hai cứ điểm cách nhau chừng 400 mét, chúng tôi gọi là đồi Chò (vì nằm trên đồi giữa rừng Chò nhỏ) và Núi Quyết (tên địa phương là Núi Khuyết). Cạnh hai đồi này còn có một đồi gọi là Núi Mã Thông cách Núi Quyết một khe sâu và có một yên ngựa nối liền với Đồi Chò. Mã Thông không có địch, ta triển khai ở đồi này đánh sang Đồi Chò rất thuận lợi. Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 80 diệt Núi Quyết do một đại đội và chỉ huy của tiểu đoàn của địch chiếm giữ có hỏa lực tăng cường. Tiểu đoàn 84 có nhiệm vụ diệt Đồi Chò.

Trận này tôi có điều kiện chuẩn bị đầy đủ, trinh sát nắm địch được cụ thể, tiến hành các bước chuẩn bị, tổ chức trận đánh như khi diễn tập, nên khi vào trận đánh tôi rất yên tâm. Đêm 23 rạng sáng 24 tháng 11, bộ đội bí mật vào chiếm lĩnh trận địa trên các hướng, triển khai xong hỏa lực và thông tin. Trong khi chờ dợi, tôi ngủ thiếp đi một lúc, tỉnh lại vừa đúng giờ nổ súng; 2 giờ ngày 24 tháng 11. Hướng chủ yếu do Đại đội 62 đảm nhiệm, đồng chí Trương Anh Dũng chọn đúng điểm đột phá đã dự kiến, bí mật đưa bộ đội vào chiếm lĩnh xong trước giờ nổ súng. Theo nền nếp đã quen, quả bộc phá ở hướng chính nổ, kèn vang lên và bắt đầu nổ súng theo đúng kế hoạch. Trung đội bộc phá liên tục phá rào, sau mấy phút đã đánh sập lô cốt, chiếm đầu cầu; đột đột kích vút lên xông thẳng vào đồn tỏa ra đánh địch nhịp nhàng. Hướng thứ yếu do Đại đội 61, đồng chí Tuấn Nghĩa – Đại đội trưởng bị thương, đồng chí Nguyễn Thuận – Đại đội phó lên thay; một mũi Đại đội 62 đã kịp thời đánh sang phối hợp hỗ trợ cho Đại đội 61 chiếm đầu cầu, đưa các mũi vào đúng kế hoạch.

Bên phía Tiểu đoàn 84, tiếng pháo cối còn nổ rền. Trung đoàn cho biết Tiểu đoàn 84 bị lầy, chưa phá rào được, cối ta bắn vào vị trí địch ở trong rừng Chò đều bị nổ trên cây, không chế áp pháo cối địch được. Khi được tin tiểu đoàn 84 đang gặp khó khăn, tôi nghĩ lại càng thương tiếc anh Sơn Mã, thiếu anh là một thiệt thòi lớn cho đơn vị.

Sau khi Đại đội 62 đột kích vào sâu, tôi rời lên đầu cầu. Qua ánh lửa, tôi thấy một tên địch chạy ngang, tôi đưa lên súng ngắn lên để bắn, bỗng nghe một tiếng kêu to: “Em đây mà!”. Hóa ra “ông bạn” mặc áo “ca-na-điêng” đi giày địch trông chẳng khác gì địch. Vào đến tung thâm, tôi gặp đồng chí Trịnh Tráng – trợ lý tác huấn trung đoàn đã vào đó, tay cầm một thư gắn xi.

Tôi hỏi:

- Anh xem chưa?

- Đây anh xem, thư tiếng Pháp.

Xem thư đó mới biết đó là lệnh cho tiểu đoàn địch sáng hôm sau rút quân do một quan tư mang xuống để đến sang nay mới bóc. Thật là may, ta chậm một hôm là lỡ thời cơ hiếm có diệt một đại đội mà có hai quan tư.

Trận đánh đã kết thúc giòn giã. Tôi báo cáo trung đoàn. Trung đoàn cho rút quân. Trên đường về, bộ đội phấn khởi râm ran: “Ta đánh trận này rất hay… Có luyện tập có khác”. Riêng tôi, cũng thấy vui lây. Đến đây có thể coi là đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Kịp thời về bảo vệ cho dân, góp phần đánh bại cuộc hành quân “Lo-ren” lớn nhất từ trước tới nay. Địch không phá được chiến dịch Tây Bắc của ta. Ta vẫn phát triển thuận lợi, giành chiến thắng to lớn. Riêng đơn vị đã có thêm ba chiến thắng để báo cáo cho nhân dân nơi đóng quân, nơi mà tôi may mắn sắp được làm chàng rể.

Kết quả chung của các trận Chân Mộng – Trạm Thản ở Phú Thọ của trung đoàn đó có phần của tiểu đoàn. Ta diệt hơn 400 tên địch, bắt sống 84 tên, bắn cháy 44 xe tăng, cơ giới, 17 xe thiết giáp, thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn.

Sau trận này, địch rút cả Đồi Chò và ngày 1 tháng 12 rút hết khỏi Việt Trì, kết thúc chiến dịch Lo-ren. Nơi diễn ra trận Châm Mộng – Trạm Thản đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhận xét; “Trận Chân Mộng – Trạm Thản, Trung đoàn 36 đang hành quân lên Tây Bắc, được lệnh lập tức quay lại Phú Thọ đánh một đòn sấm xét tiêu diệt hơn 400 tên địch và 44 xe cơ giới, bảo vệ hậu phương chiến dịch Tây Bắc, đập tan cuộc hành binh lớn của Pháp vào căn cứ kháng chiến của ta. Chiến thắng Sông Lô (1947) chiến thắng Tu Vũ (1951), Chiến thắng Tu Vũ (1951), Chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản (1952) chứng tỏ, mỗi lần giặc Pháp xâm phạm vùng Đất Tổ, chúng đều bị quân và dân Phú Thọ đánh cho thất bại thảm hại”. Trung đoàn 36 về Phú Thọ đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần để chiến dịch Tây Bắc vẫn phát triển thắng lợi lớn hơn dự kiến cả ba nhiệm vụ, nhất là giải phóng đất và giải phóng dân hầu hết bốn tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu trừ Nà Sản, thị xã Lai Châu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 09:00:21 am »

CÁN BỘ TÁC CHIẾN Ở SỞ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trong chiến dịch Tây Bắc, địch đối phó khác: chỗ nào không giữ được thì chủ động rút, rồi co về thành lập tập đoàn cứ điểm có tăng thêm lực lượng, xe tăng thiết giáp, pháo binh, sây bay, dựa vào công sự dã chiến là chính với nhiều rào, mìn làm vật cả, có sức chiến đấu tại chỗ mạnh. Ta không đánh được phải rút vì kéo dài thì không bảo đảm được lương thực, địch có khả năng nống ra khi ta rút quân để khôi phục đất đai (Xa-lăng là người thiết lập tập đoàn cứ điểm đầu tiên).

Thật ra, dạng tập đoàn cứ điểm này đã xuất hiện trên hình thái ở chiến dịch Hòa Bình (như ở thị xã). Cụ thể, ở Nà Sản: có 36 đến 38 đại đội; trong đó có bốn tiểu đoàn lê dương tương đối nguyên vẹn, hai tiểu đoàn Bắc Phi, hai tiểu đoàn Thái mới phục hồi; đóng thành 24 cứ điểm cấp đại đội và 4 cứ điểm cấp trung đội, trên đồi cao, công sự dã chiến, bao chung quanh sân bay, trận địa pháo và sở chỉ huy.

Đêm 30 tháng 11 năm 1952, hai trung đoàn của ta đã diệt Phú Hồng (753) và Bản Hồi, hôm sau chúng chiếm lại. Đêm ngày 1 tháng 12, hai trung đoàn khác đánh chiếm cứ điểm Bản Vậy, Nà Si không dứt điểm. Địch bắn 5.000 đạn pháo. Ngày 2 tháng 12, địch thả dù thêm hai tiểu đoàn thành 10 tiểu đoàn. Pháp coi là chiến lược ngăn chặn mới. Ta không dứt điểm được những cứ điểm nói trên chủ yếu là do nó nằm trong hệ thống cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm, còn ta chưa có đủ pháo và cao xạ để đánh liên tục. Đêm trước dù ta chịu thương vong cao hơn do chúng dùng phi pháo nhiều hơn, ta chiếm được một hai cứ điểm thì hôm sau chúng phản kích chiếm lại.

Trong mấy năm chiến tranh, đã thành lệ, ở cơ quan Bộ Tồng Tham mưu làm kế hoạch chiến lược theo mùa. Năm nay chiến dịch Tây Bắc thắng lớn lại kết thúc sớm. Để tránh thất bại khủng khiếp như chiến dịch Biên Giới năm 1950, tướng Xa-lăng đã chủ động cho một loạt cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt rút về lập tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản. Qua hai trận tiến công không đạt yêu cầu, Anh Văn  đã thấy ta chưa đủ điều kiện khách quan để giải quyết hình thức phòng ngự “đồn bốt” mới này của địch nên kiên quyết dứt khoát cho kết thúc chiến dịch. Từ đó đặt ra cho ta suy nghĩ phải có cách đánh thắng “tập đoàn cứ điểm”, phát kiến mới của Xa-lăng được chúng gọi là “con nhím chiến lược” mà chúng cho rằng ta không thể đánh bại.

Trong tháng 2 năm 1953, Bộ Tổng Tham mưu đã triệu tập hội nghị cán bộ nghiên cứu cách đánh tập đoàn cứ điểm gồm cán bộ có kinh nghiệm đánh “công kiên”. Tôi cũng được tham dự và từ đó trở thành trợ lý Cục Tác chiến. Tiếp đó cơ quan huấn luyện chuẩn bị thao trường giống như thật, dự kiến làm ở Đồn Đu để huấn luyện cán bộ, chuẩn bị bộ đội cho mùa khô tới.

Do thời gian còn dài, ta chưa đủ điều kiện để thực hiện ngay chiến dịch giải phóng Nà Sản, được sự nhất trí của bộ Chính trị và sự đồng tình của Bạn Lào, Bộ tổ chức chiến dịch Thượng Lào để giữ chủ động, vừa để mở rộng địa bàn của ta, vừa tạo thế mới cho liên minh chiến đấu Việt – Lào.

Kết thúc chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, Bộ Tổng Tham mưu làm kế hoạch giải phóng Nà Sản xong thì địch rút Nà Sản vì nó không còn vị trí tác dụng gì nữa, không bảo vệ được cho Thượng Lào, mà thời cơ để nống ra chiếm lại địa bàn đã mất, không con nữa. Cùng lúc đó, tướng bại trận Xa-lăng cũng bị triệu hồi để thay bằng một viên tướng trẻ Na-va (Navarre) mà chúng đặt nhiều hy vọng mang về một thắng lợi quyết định để đàm phán trên thế mạnh (Kế hoạch 18 tháng của Na-va được Chính phủ Pháp phê duyệt và được Mỹ phê duyệt và được Mỹ đồng tình ủng hộ).

Ta đã có một vùng rất rộng lớn Tây Bắc kéo dài sang Thượng Lào, nhưng cũng đặt cho cơ quan tham mưu của Đảng một khó khăn mới, một yêu cầu nhiệm vụ chính trị nặng nề: Trước tình hình can thiệp của Mỹ ngày càng sâu, Chính phủ Pháp chưa cam chịu thất bại về quân sự, đòi hỏi ta phải có một đòn quyết chiến chiến lược trong mùa khô này. Tuy nhiên, trên chiến trường thuận lợi cho ta (Tây Bắc), nay không còn mục tiêu nào đáng cho ta thực hiện ý tưởng đó. Làm sao kéo địch ra chiến trường ta lựa chọn mà có thể đủ sức đánh thẳng giòn giã?

Đến tháng 9 năm 1953, ta nắm được kế hoạch Na-va, yêu cầu hoàn thành kế hoạch trở nên cấp bách để kịp trình lên Quân ủy và Bộ Chính trị. Theo hướng dẫn của anh Thành – Tổng tham mưu trưởng, cơ quan trung tâm đã làm việc ngày đêm, tính toán các mặt, cuối tháng 9 năm 1953 đã hoàn thành kế hoạch đúng thời gian quy định.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 09:00:57 am »

Khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược mùa khô, Bác Hồ kết luận ba điểm:

- Địch muốn tập trung thì ta buộc chúng phải phân tán.

- Hướng chủ yếu Tây Bắc là không thay đổi.

- Nắm vững phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Một hội nghị cán bộ do anh Văn trực tiếp chủ trì được triệu tập ngay sau đó nhằm quán triệt quyết tâm, kế hoạch chiến lược và giao nhiệm vụ mùa khô cho các chiến trường. Được nghe sự phân tích rõ ràng, mạch lạc đầy sức thuyết phục của anh Văn về quyết tâm chiến lược và kế hoạch phối hợp với các chiến trường của cả nước, cán bộ các chiến trường và cơ quan dự họp đều nhận rõ nhiệm vụ và tin tưởng quyết tâm thực hiện bằng được ý định tác chiến chiến lược, chủ động tiến công địch trên nhiều chiến trường, phối hợp chặt chẽ với nhau hình thành một chiến cuộc trong đó năm chiến trường quan trọng là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung – Hạ Lào, Trung du – đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; nhằm căng địch ra không cho chúng tập trung ra Bắc, kéo địch lên Tây Bắc thực hiện đòn quyết định của cả nước; về sử dụng lực lượng dự bị cơ động lớn để tung ra đúng lúc vào chiến trường chủ yếu.

Đối với chúng tôi, kế hoạch này rất to lớn và mới lạ nên hết sức chú ý tìm hiểu, trong lòng vừa vui mừng vừa lo lắng hồi hộp. Tôi hồi tưởng đến năm 1947, lần đầu tiên về cơ quan Bộ làm Bí thư quân sự cho anh Văn đúng lúc địch ồ ạt mở cuộc tiến công bất ngờ lên Việt Bắc khi mà ta còn rất nhiều khó khăn, tôi cũng cảm thấy lo lắng hồi hộp như bây giờ. Nhưng năm đó cũng như năm nay, tôi nhận thây anh Văn vẫn tỏ ra rất bình tĩnh, thận trọng và rất tự tin trong việc điều hành cuộc chiến rộng lớn khó khăn phức tạp mà thành quả của nó có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của đất nước. Đã qua bảy tám năm chiến tranh, biết bao thời kỳ khó khăn, phức tạp, qua những cuộc đấu trí căng thẳng với năm bảy tướng nhà nghề Pháp (Lơ Cléc, Va-luy, Ble-dô, Các-păng-chi-ê, Đờ Lát Đờ Tát-xi-nhi, Xa-lăng, Na-va) thay nhau sang Việt Nam, anh đã biết quá rõ về họ: đánh vào đâu thì họ buộc phải điều quân hay có thể giam quân của họ. Anh cũng đã nắm chắc khả năng các chiến trường nhất là nơi đã có đại diện dự họp. Anh lo nhất là hướng Quân khu 5 vì ở đây vùng tự do nằm trong hướng tiến công của kế hoạch Na-va. Vì vậy, anh đã điện riêng cho Liên khu 5 để các đồng chí hiểu rõ nhiệm vụ phối hợp với chiến trường cả nước mà vẫn đánh bại được kế hoạch của địch đánh ra vùng tự do. Sau hội nghị, anh còn làm việc riêng với anh Nguyễn Chánh – Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 để cùng với anh Thành giải quyết những vấn đề cụ thể của Liên khu do anh Chánh đề xuất. Cuộc làm việc đó đã giúp anh Chánh thêm tự tin có thể thuyết phục Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu, anh hứa quyết tâm thực hiện chủ trương của Trung ương và chỉ thị của đồng chí Bí thư Quân ủy.

Bác Hồ cũng đã đến thăm hội nghị. Bác khen các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đã nhất trí với phương hướng, kế hoạch tác chiến Đông Xuân. Bác nhấn mạnh phương châm chỉ đạo tác chiến của Trung ương Đảng đề ra: “Tích cực, chủ động, cơ động. linh hoạt” và động viên cán bộ vượt mọi khó khăn giành thắng lợi lớn nhất trong Đông Xuân 1953-1954.

Khi hội nghị cán bộ đang tiến hành thì ngày 20 tháng 11 năm 1953, địch bắt đầu cuộc hành quân đổ sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Tình hình phát triển nhanh hơn ta dự kiến. Anh Văn lập tức trực tiếp gặp đồng chí Chu Huy Mận – Chính ủy Đại đoàn 316, giao nhiệm vụ về đưa gấp Đại đoàn 316 lên đánh địch ở Lai Châu, không cho chúng co cụm về Điện Biên Phủ; tổ chức thành từng tiểu đoàn đi nhanh lên cho kịp. Anh cũng dự báo trước cho đồng chí Mân biết ta có thể sẽ đánh Điện Biên Phủ, sau đó điện lệnh tiếp cho Đại đoàn 316: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào hiện đang bị ta uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta, tình hình căn bản cho lợi cho ta. Cần nắm thời cơ, tạo cơ hội tốt để diệt địch”.

Tiếp đó, anh trực tiếp bàn bạc với anh Thành – Tổng Tham mưu trưởng(1) chuẩn bị đi trước, lập Sở chỉ huy Tiền phương để chỉ huy lực lượng phía trước nắm thời cơ thực hiện thắng lợi ý định của chiến dịch.

Anh Cao Pha, Cục phó Quân báo được lệnh đi trước triển khai nắm tình hình địch và chiến trường.


(1) Đã có quyết định anh Văn Tiến Dũng về làm Tổng Tham mưu trưởng nhưng chưa về kịp nên anh Thái (tức anh Thành) vẫn giữ chức vụ cũ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 09:01:21 am »

Tôi được giao phụ trách đoàn cán bộ đi trước chuẩn bị Sở chỉ huy Tiền phương. Lần đầu tiên đi xe ra trận, mọi người đều vui vẻ phấn chấn, khấp khởi mừng sắp được dự một chiến dịch lớn chưa từng có. Tất cả gần 30 cán bộ chiến sĩ, súng đạn, ba lô bao gạo sẵn sàng để đi bộ tiếp đến đích, ngồi ép sát vào nhau trên một xe Mô-lô-tô-va 3 cầu. đường xấu xe chạy lắc như rang ngô nhưng ai cũng vui vẻ vì tin rằng sẽ đến kịp làm nhiệm vụ. Tôi đã kịp mang theo một bản đồ đường sá một phần triệu, nhưng vẫn phải lần hồi hỏi cán bộ làm đường, hỏi dân lần theo các địa danh còn lạ lẫm để đi đến đích, nào là Cò Nòi, Hát Lót, nào Pha Đin, Tuần Giáo…

Lúc này có hai mục tiêu là Lai Châu và Điện Biên Phủ. Mục tiêu chính là Điện Biên Phủ đã rõ, nếu địch co cụm thì có nhiều khả năng Lai Châu co về Điện Biên Phủ, nếu không thì địch không có lý do gì để chiếm Điện Biên Phủ cả. Do đó, tôi chọn ở Thẩm Púa ở ki-lô-mét 15 đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ (ở sâu vào trong một ít), có đường vào thẳng Điện Biên Phủ và nối với đường từ Lai Châu về, có đường tắt thẳng đường chim bay đã rất gần. Chỗ này là thích hợp nhất để Sở chỉ huy Tiền phương có thể chỉ huy chỉ đạo trước mắt khi chưa có quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược. Dự kiến vị trí này chỉ sử dụng một thời gian ngắn nên chỉ tập trung làm khẩn trương một số công việc như nhà ở làm việc, phòng họp, thông tin. Ở đây có thác nước, có suối, có hang đá, chỉ cần làm thêm một số công sự, hố cá nhân, một số đoạn hào quanh chỗ họp. Cuộc họp phổ biến nhiệm vụ lần thứ nhất được tổ chức ngày 14 tháng 1 năm 1954 ở đây, xong ta chuyển lên Nà Tấu để tiện chỉ huy bộ đội chiếm lĩnh, kéo pháo vào.

Ta cũng đã chuẩn bị sẵn vị trí chính thức ở Mường Phăng như: sa bàn, hội trường, nhà ở, và bàn làm việc, thông tin, đài quán sát, hầm chỉ huy v.v… Đây là nơi diễn ra sự chỉ huy chỉ đạo từ đầu đến cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, và sau này đã trở thành một di tích lịch sử nổi tiếng của nước ta.

Sau hội nghị cán bộ, anh Thành còn làm việc với đại diện các chiến trường. Anh chỉ thị cụ thể cho từng chiến trường biện pháp thực hiện nhiệm vụ, phát huy ba thứ quân, tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính, cùng các cơ quan bảo đảm giải quyết các yêu cầu nhằm làm tăng sức mạnh cho các đơn vị. Anh còn làm việc riêng với Tổng cục Cung cấp bàn kế hoạch làm đường, sửa đường, bảo đảm vận chuyển trên mọi loại đường, bằng mọi phương tiện, nhằm đạt cho được mức dự trữ cho chiến dịch.

Anh chỉ thị nhiệm vụ cho cơ quan ở hậu phương (Sở chỉ huy Cơ bản) nắm chắc tình hình các chiến trường, bảo đảm chi viện cho tiền tuyến, giữ chặt liên lạc với tiền phương.

Ngày 26 tháng 11 năm 953, anh Thành cùng Sở chỉ huy tiền phương lên đường, chia làm hai bộ phận. Bộ phận nhẹ đi xe cùng anh Thành có một số đồng chí cục phó và trợ lý các cục, các cố vấn Bộ Tổng Tham mưu, các bộ phận nhẹ của Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp.

Trước khi đi, anh Văn trao đổi công việc với anh Thành, kiên quyết không cho địch co cụm về Điện Biên Phủ, không cho chúng rút chạy. Dự kiến đầu tháng 1 năm 1954, anh Văn sẽ đi lên mặt trận sau khi có quyết tâm của Bộ Chính trị.

Mặc dù vừa đi vừa tranh thủ làm việc dọc đường, anh Thành vẫn đã đuổi kịp cán bộ đi trước của Đại đoàn 316 và 308 ở Tuần Giáo. Biết tin tiểu đoàn Âu Phi của địch ở Lai Châu đã rút về Điện Biên Phủ, anh đã kịp ra lệnh cho Đại đoàn 316 điều một tiểu đoàn đi xe lên đánh chiếm Lai Châu và cử Trung đoàn 174 đi đầu kịp đón đánh địch ở Mường Muộn, Mường Pồn, cắt đường Lai Châu – Điện Biên Phủ, diệt địch từ Lai Châu về và đánh lui địch từ Điện Biên Phủ lên đón. Trong trận này, đồng chí Bế Văn Đàn dũng cảm hy sinh lập chiến công lớn, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh Thành cũng đã ra lệnh cho Đại đoàn 308 cho tách Trung đoàn 36 đi nhanh lên trước chiếm Pom Lót ở Tây Nam Điện Biên Phủ, nhằm chặn đường địch có thể chạy sang Lào.

Đầu tháng 1 năm 1954, Bộ Chính trị quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Ngày 5 tháng 1 năm 1954, anh Văn lên đường ra mặt trận. Sau này tôi được biết khi Bác Hồ dặn: “Tướng quân tại ngoại”, được quyền quyết định mọi việc ở mặt trận. Lần này phải đánh chắc thắng, không thắng thì hết vốn!

Đi cùng anh Văn còn có các anh: Trần Văn Quang – Cục trưởng Cục Tác chiến, Lê Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Quân báo, Hoàng Đạo Thúy – Cục trưởng Cục Thông tin, còn có đồng chí Vi Quốc Thanh – Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 09:01:41 am »

Sau khi đoàn anh Văn ra mặt trận, đã phân công lại Sở chỉ huy Cơ bản chỉ còn chỉ đạo trực tiếp trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

Lên đến Sở chỉ huy Tiền phương, việc đầu tiên anh Văn hỏi anh Thành là: “Có triệu chứng địch rút không?”.

Nghe anh Thành báo cáo quyết tâm đánh Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh”, anh Văn tỏ vẻ trầm tư. Anh chỉ hỏi thêm cho rõ vì sao Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch với sự nhất trí của cố vấn đã chọn phương án đánh nhanh. Anh Thành kể lại: Khi đi qua Nà Sản, anh đã cùng cán bộ và các đồng chí cố vấn vào nghiên cứu tập đoàn cứ điểm và nhận thấy tốt nhất nên đánh lúc địch mới chiếm đóng, chưa củng cố về tổ chức và công sự, dùng lực lượng mạnh, có pháo binh phòng không chi viện có hiệu quả, đánh nhanh mạnh, thọc sâu vào sở chỉ huy địch, phá vỡ tổ chức của chúng thì mới diệt gọn được. Nếu kéo dài thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay, ta còn nắm được lợi thế đó, vì vậy ta nên đánh nhanh. Để lâu, địch tăng cường lực lượng, củng cố công sự sẽ khó khăn. Ngoài ra, nếu kéo dài thời gian sẽ khó khăn về hậu cần. Nếu mưa lại càng khó.

Vốn có thời gian từng làm việc bên cạnh anh Văn, tôi cảm nhận được là anh chưa yên tâm với phương án này. Vì thường đối với đề nghị nào của cấp dưới mà anh đồng ý thì anh khen ngay, còn chỗ yếu nào thì anh phân tích, hướng dẫn để bổ sung cho tốt hơn và cổ vũ để cán bộ nỗ lực hoàn thành công việc mỹ mãn hơn. Lần này là một quyết định của tập thể, anh chưa muốn nói gì trái lại để khỏi ảnh hưởng tới quyết tâm. Anh rất tôn trọng tinh thần dân chủ nội bộ. Anh hết sức chăm chú nghiên cứu tình hình địch, chỉ thị cơ quan quân báo, tác chiến theo sát tình hình ở Điện Biên Phủ, có biến đổi gì dù nhỏ cũng phải báo cáo cho anh biết ngay.

Ngày họp cán bộ từ trung đoàn trở lên ở Thẩm Púa để phổ biến kế hoạch giao nhiệm vụ cho các đơn vị, anh Thành phổ biến, anh Văn chăm chú nghe các đơn vị phát biển. Mọi người đều tỏ thái độ nhất trí, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết luận hội nghị, anh Văn nói:

- Đặc điểm của chiến dịch này là một chiến dịch lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam từ trước đến nay, có hai cách đánh về chiến dịch “đánh nhanh giải quyết nhanh” và “đánh chắc tiến chắc”. Quyết tâm của chiến dịch là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Địch cố thủ, ta kiên quyết đánh; địch bỏ chạy, ta kiên quyết truy; địch tăng cường, ta kiên quyết diệt. Về kế hoạch hành động phải nhanh chóng bí mật để đánh địch nguyên hiện trạng. Về phương châm tác chiến phải “đánh chắc thắng”. Đảng ủy đề ra trước mắt tranh thủ khả năng “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Nhưng tùy theo tình hình địch, nếu không đảm bảo chắc thắng thì chuyển sang chuẩn bị “đánh chắc tiến chắc”.

Họp xong, anh Văn gặp cán bộ chủ chốt hỏi ý kiến để kiểm tra xem có khó khăn gì. Không có đồng chí nào nói đơn vị mình có khó khăn. Chỉ có đồng chí Phạm Ngọc Mậu – Chính ủy Đại đoàn 351 công – pháo nói:

- Không biết rồi đây bày pháo ra giữa đồng trống đánh phi pháo của địch sẽ phải làm thế nào?
 
Đồng chí Phạm Kiệt – Cục phó Cục Bảo vệ nói:

- Đánh như hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian chiếm lĩnh trận địa theo phương châm “đánh nhanh”, tác chiến phải theo dõi tình hình cho Cục trưởng Trần Văn Quang – Trưởng ban Tác chiến chiến dịch hàng ngày báo cáo. Anh Văn rất chú trọng theo dõi tình hình các chiến trường phối hợp nhưng chưa thấy bắt đầu hoạt động thì tỏ vẻ không vui, nếu Điện Biên Phủ bắt đầu trước thì Na-va có thể điều lực lượng cơ động nhiều hơn lên chiến trường chính.

Trực ban tác chiến lúc đó do chúng tôi là cán bộ tác chiến làm: theo dõi tình hình ở Điện Biên Phủ thì chú trọng tình hình kéo pháo vào, những chuyển biến dù nhỏ ở Điện Biên Phủ và tình hình vận chuyển ở hậu phương lên. Có lần tôi làm trực ban, đến sáng hết phiên, tôi được gọi lên phòng làm việc báo cáo tình hình với anh Văn. Tôi đang báo cáo tình hình lực lượng Quân khu 5, đột nhiên anh hỏi:

- Ngày trước Tần đậu tú tài Toán phải không? (Anh vẫn gọi tôi thân mật như vậy từ lâu).

- Dạ? - Tôi ngẩn người ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM