Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:51:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29536 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:32:38 am »

*
*   *

Ngày 29 tháng 8, một toán quân Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, gần ga xe lửa cách Huế độ 20 ki-lô-mét, phía Tây Bắc. Dư luận Huế rất xôn xao. Anh Phan Tử Lăng lúc này với chức mới là Ủy viên quân sự giúp đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên trưởng quân sự Trung Bộ, được phái đi gặp toán này vì họ xưng danh là “Phái bộ Đồng minh”. Anh Lăng lây thêm một số anh em sinh viên, trong đó có anh Nguyễn Trung Lập, anh Đặng Văn Châu. Khi về, các anh kể lại chuyến đi với thái độ rất ấm ức. Toán quân nhảy dù xuống Hiền Sĩ gồm có năm sĩ quan Pháp và một quản đội. Chúng tự nhận là phái bộ Đồng minh và đòi được đưa về gặp chức sắc trong triều đìn (Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi). Khi gặp chúng, anh Lăng tự giới thiệu là phái viên của Chính phủ ta, thì tên chỉ huy nói rất láo xược: “Một cái chính phủ kỳ quặc”. Thật láo quá! Tất cả anh em chúng tôi đều sục sôi căm thù và cho đây là bọn thực dân Pháp đội lốt Đồng minh để trở lại xâm lược.

Một cuộc họp cấp tốc những anh em có mặt ở nhà đã được triệu tập. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí cần phải nhanh chóng tóm gọn bọn này. Vì tình hình khẩn trương không thể đợi lệnh của anh Phan Tử Lăng đang đi báo cáo với Ủy ban quân sự, theo đề nghị của anh Nguyễn Trung Lập, anh Nguyễn Thế Lương được bầu chỉ huy “trận đánh”. Một kế hoạch chớp nhoáng được đặt ra dưới sự nhất trí cao: lấy cớ đem thư trả lời của Chính quyền, chớp thời cơ bất ngờ bắt gọn bọn này. Anh Lê Thiệu Huy được phân công mang thư và cầm cờ đỏ sao vàng. Các anh em khác lặng lẽ bao vây ngôi nhà ở của chúng khi anh Huy nói bằng tiếng Pháp, đại ý: “Thừa lệnh của Chính quyền, chúng tôi đến đưa thư trả lời cho các ông và đón các ông về Huế”. Các anh Châu và Diên được phân công đi mượn xe.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày hôm đó, chúng tôi lên xe xuất phát. Xe chạy hơi than, ọc ạch không tới 20 ki-lô-mét một giờ, chúng tôi “bị rang cà phê” mệt lử, nhưng rất vui. Đến sông Cổ Bi, xe không qua cầu được, chúng tôi xuống xe đi bộ khoảng một ki-lô-mét còn lại, đi hàng hai, bước đều vừa đi vừa hát.

Lúc 4 giờ chiều, đoàn đã đến cổng ngôi nhà ở của chúng. Nhà có ba gian xây gạch, chỉ gian giữa có cửa ra vào, còn hai gian kia chỉ có cửa sổ nhìn ra sân. Chúng tôi đã nhìn thấy năm người Âu đang ngồi ở trước thềm nhà. Thấy chúng tôi họ đứng dậy ngơ ngác…

Anh Thế Lương hô: “Đứng lại!”. Đoàn quân đứng “rộp” lại trong sân dọc theo ngôi nhà gạch. Theo đúng kế hoạch, anh Huy vừa chìa thư vừa nói dõng dạ câu tiếng Pháp đại ý: “Nhân dân Ủy ban cách mạng Trung Bộ, tôi giao cho ông một bức thư”. Trong lúc đó, anh em lặng lẽ tản ra bao vây ngôi nhà. Người Âu thứ sáu tay cầm chiếc mũ nghe điện đài từ trong nhà ra nhập bọn. Trong lúc chúng hăm hở thì anh Thế Lương hô to: “Giơ tay lên”, lúc này anh em đã vây chặt chúng lại. Một tiếng súng nổ vì cướp có. Cả sáu tên đều nhất loạt đưa thẳng tay lên trời, mặt tái mét. Sau khi kiểm tra thấy chúng không mang vũ khí, chúng tôi dẫn chúng xuống sân sau bếp bắt quay mặt vào hàng rào trước mũi súng canh chừng của sáu sinh viên. Số anh em còn lại được phân công vào nhà thu vũ khí, phương tiện, thông tin, điện đại, tài liệu, các thỏi bạc và tiền…; không lấy quần áo và đồ dùng cá nhân. Chúng tôi đều thực hiện đúng quy định.

Tất cả chiến lợi phẩm được chuyển ra xe. Trong cặp tài liệu thấy có một công vụ lệnh, tôi cùng mấy anh xum lại xem nội dung như sau:

“Mật lệnh:

Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, với các lực lượng Pháp hải ngoại (FFE) và các lực lượng Pháp nội địa (FFI), để tổ chức chiếm lại các công sở và thành lập chính quyền thuộc địa ở miền Trung Việt Nam.

Tất các FFE và FFI đều phải đặt dưới quyền chỉ huy của quan tự Castella. De Gaulle”.

Chúng tôi phổ biến cho chính quyền xã biết chúng là tù binh nguy hiểm, yêu cầu địa phương vẫn cho ăn uống tử tế nhưng phải giam trong nhà và canh gác cẩn thận, sẽ có lệnh của tỉnh sau. Chúng tôi ra về trong không khí rất hân hoan. Về đến nhà, vừa mới ăn cơm xong chưa kịp nghỉ ngơi đã được tin anh Phan Tử Lăng xuống trường. Chúng tôi vội ăn mặc chỉnh tề, tập trung ra phòng họp làm việc nay. Anh phê bình chúng tôi sao chưa báo cáo đã hành động! Nhưng anh công nhận là chúng tôi đã đánh giá đúng địch nên không truy cứu và thông báo cho chúng tôi biết Ủy ban quân sự đã lệnh cho đưa sáu tù binh đó vào trại giam.

Sau này, Cục Quân báo của ta có tài liệu cho biết Pháp có kế hoạch gọi là “kế hoạch 5 điểm” của Lơ Cléc, tướng bốn sao, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nhằm khôi phục lại nền thống trị thực dân của chúng trong thời gian ngắn, trong đó có ba toán nhảy dù xuống ba miền, toán xuống Hiền Sĩ là một. Nếu ta chỉ chậm vài ngày, chúng có thể liên lạc với 500 tên Pháp còn bị giam ở trường Thiên Hựu (Providence) với 4.500 tên Nhật còn ở Mang Cá cùng các công chức cũ vẫn còn nguyên thì chính quyền cách mạng mới hình thành sẽ gặp vô vàn khó khăn không lường trước được. Trường Thanh niên tiền tuyến đã lập được một chiến công đầu quan trọng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:33:02 am »

*
*   *

Sau khi giành được chính quyền, trường vẫn giữ nguyên vẹn nhưng mang tên mới là Trường võ bị Thuận Hóa – tuy vậy, nhân dân vẫn quen gọi tên cũ là Thanh niên tiền tuyến – thuộc sự lãnh đạo trực tiếp vừa của Xứ, vừa của Tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chánh là Ủy trưởng Quân sự Trung Bộ và ba đồng chí phó là: Phan Tử Lăng, Trần Công Khanh và Cao Thanh Trà. Đồng chí Lê Tự Đồng là Ủy trưởng Quân sự của Tỉnh.

Sau lần đi bắt Tây ở Hiền Sĩ về, anh em thống nhất nên cử người điều khiển công việc chung và bầu anh Phan Hàm làm Chủ tịch, anh Cao Văn Khánh làm Phó Chủ tịch Ban Giải phóng quân. Hôm sau anh Plhan Tử Lăng xuống giao cho chúng tôi nhiệm vụ đứng ra tổ chức Giải phóng quân Thuận Hóa.

Để thực hiện nhiệm vụ mới, sau ngày Hoàng triều làm lễ thoái vị và giao ấn kiếm, chúng tôi chuyển trụ sở sang Trường Quốc học. Nhân ngày tựu trường, theo lời kêu gọi “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, anh em học sinh tình nguyện tòng quân rất đông. Lòng yêu nước, khát khao độc lập chưa bao giờ cao như vậy. Đặc biệt đồng bào Huế rất có cảm tình với anh em Thanh niên tiền tuyến vì đây là những thanh niên có học thức, có tư cách đạo đức. Nay thấy họ đều đi Giải phóng quân nên cũng lôi cuốn nhiều người làm theo. Đặc điểm của giải phóng quân Thuận Hóa trong đợt đầu tiên này là học vấn rất cao, không thiếu gì tú tài, cử nhân. Tôi coi như nhập ngũ ngày đó.

Ngoài chủ tịch và phó chủ tịch đã có, các anh cử thêm một số ngành: quân báo do anh Nguyễn Thế Lương phụ trách, công binh là anh Đào Hữu Liêu, quân giới là anh Võ Sum, thông tin liên lạc là anh Ngô Đức Thọ. Các ngành khác phải bổ sung dần về sau.

Về tổ chức, lập ra từng phân đội (trung đội), trực thuộc Ban Giải phóng quân, mỗi phân đội 38 người gồm ba tiểu đội 12 người. Phân đội trưởng do anh em Tiền tuyến đảm nhiệm, còn cán bộ phân đội phó và tiểu đội trưởng thì bầu chọn những người có “tư thế” hơn để giao. Chỉ trong tháng đầu đã tổ chức được 25 trung đội. Anh em rất hăng hái, có đơn vị mới tổ chức xong là ra huấn luyện ngay đội ngũ, bắn súng… Chỉ trong một thời gian ngắn đã đi vào nền nếp.

Súng lấy thêm ở đồn bảo an, kho bảo an, kho lính khố vàng không đủ. Theo nhân dân báo tin ở Mang Cá có kho súng do Nhật đang giữ, sau khi anh Nguyễn Trung Lập rất táo bạo vào kho để trinh sát biết chắc có nhiều súng, anh Khánh mới tổ chức anh em đưa xe đi lấy về. Một lần khác lại được tin có chín cái hầm đạn của Nhật ở khu đồi phía Tây Huế, ta phải huy động nhiều xe của dân chở anh em giải phóng quân vào vác đạn, làm quên ăn quên ngủ chuyển hết về kho quân giới. Đây là nguồn cung cấp trang bị cho những ngày đầu giải phóng quân Thuận Hóa.

Về ăn uống, chúng tôi chỉ biết đề ra số người ăn, còn làm thế nào để có cái ăn thì hoàn toàn do các chọ Võ Thị Thể, Phan Thị Cúc Hoa, Ngô Thị Chính và chị em bên Trường Đồng Khánh liên hệ với địa phương giải quyết. Chỉ biết có một điều, nhờ sự chăm sóc của quý chị, chúng tôi được ăn rất ngon, hợp khẩu vị.

Về việc ở trú quân lại rất đơn giản: lập xong trung đội nào thì giao cho trung đội trưởng đưa về các địa phương tập luyện và được đồng bào, đồng chí các nơi tập tình giúp đỡ, địa phương sẵn sàng lo liệu

Một thời gian sau, hai anh Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Chánh đến thăm và nói chuyện với anh em Thanh niên tiền tuyến. Các anh biểu dương những cố gắng và thành tích của anh em, nhất là tinh thần đoàn kết, chủ động tham gia xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh. Các anh chỉ thị cần thống nhất tổ chức Ban Giải phóng quân của anh em vào Ủy ban quân sự của tỉnh và giới thiệu anh Lê Tự Đồng là Ủy trưởng quân sự của tỉnh. Tháng 10 năm 1945, Ban Giải phóng quân nhập vào Ban chỉ huy quân sự Thừa Thên – Huế và chuyển trụ sở về đồn Phan Đình Phùng gần tòa Khâm cũ.

Khi có yêu cầu của Trung ương, Ban Giải phóng quân đã tổ chức các đoàn Nam tiến, lần lượt cử đi 12 trung đội vào tham chiến trên hai mặt trận Sài Gòn và Nha Trang, mở đầu phong trào Nam tiến của Giải phóng quân Thừa Thiên – Huế. Sau khi mặt trận Nha Trang vỡ (Tết 1945), các trung đội đã phân tán đi nhiều nơi làm nòng cốt cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phan Rang, Phan Thiết. Có một số trung đội sang giúp bạn Lào, trong đó có trung đội 14 do tôi làm trung đội trưởng. Có một số anh đã ngã xuống ở các chiến trường. Anh Lê Thiệu Huy, anh Lương Phan Ngọc, anh Võ Ngân, anh Nguyễn Văn Tải, anh Nguyễn Trung Lập, anh Từ Bộ Cam (mất tích)… Trừ một số rất ít rơi rớt do hoàn cảnh, còn hầu hết đều tham gia hai cuộc kháng chiến, tám anh được phong tướng: Cao Văn Khánh là Trung tướng; Phan Hàm, Nguyễn Thế Lương, Nguyễn Thế Lâm, tôi (Mai Xuân Tần), Đoàn Huyên, Võ Quang Hồ, Đào Hữu Liêu là Thiếu tướng.

Tôi vào đời như thế. Đỗ thủ khoa tú tài Toán, tôi có thể chọn con đường học đại học theo ý muốn để đạt ước mơ của tuổi trẻ, nhưng tôi đã rẽ ngang đi theo cách mạng, theo cuộc đời binh nghiệp. trước mắt tôi, con đường khói lửa, khốc liệt còn chờ đợi. Nhưng trong khí thế Cách mạng tháng Tám, tôi vẫn dấn thân với lòng trai trẻ phơi phới niềm tin. Tôi đã chọn đúng hướng, không chút do dự, không hề nuối tiếc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:34:04 am »

*
*   *

Từ ngày đầu thành lập Giải phóng quân Thuận Hóa (1-9-1945), tôi đã cùng anh Đoàn Huyên xây dựng Trung đội 3 (lúc đó gọi là phân đội) nhằm xây dựng cho nhanh để đi chiến đấu. Sau độ ba tuần huấn luyện, đơn vị đã đi vào nền nếp, các kỹ thuật chiến đấu đã tương đối khá thì được lệnh về tập trung chuẩn bị Nam tiến. Tôi được phân về làm Trung đội trưởng Trung đội 14.

Tôi đưa đên vị lên đóng quân ở Phò Trạch, Cổ Bi, gần Hiền Sĩ, nơi ta đã bắt bọn Tây nhảy dù. Ở đây gần đường tàu, phía Tây có khu rừng, cần đề phòng bọn biệt kích có thể xâm nhập vào thành phố. Vùng này đất sỏi có nhiều lùm cây thuận tiện để huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật tổ, tiểu đội, lại ở gần sông Cổ Bi tiện cho sinh hoạt và nấu ăn.

Thành phần Trung đội 14 ít học sinh hơn, có một số công chức và cựu binh sĩ đã đứng tuổi, nay tình nguyện nhập ngũ. Tôi chọn được anh Vui làm phó. Anh này trước làm văn phòng, tính chân thật, cẩn trọng. Kỳ này biên chế có chính trị viên, do anh Công trước là học sinh phụ trách vì anh đã được học chính trị 15 ngày. Có một anh tên là Bi đã làm y tá. Tôi sắm cho anh một túi thuốc và các dụng cụ y tế, giao cho anh lo chăm sóc sức khỏe và ăn uống cho anh em. Ngoài ba tiểu đội trưởng tôi chọn rất cẩn thận, tôi còn phát hiện anh Xuyên đã từng giữ trung liên, tôi bố trí thêm hai anh giao cho anh Xuyên huấn luyện để lập một tổ hỏa lực chủ yếu của trung đội, khi chiến đấu có thể thay nhau sử dụng khẩu trung liên độc nhất của trung đội. Tôi vẫn giữ khẩu cácbin lấy được trong lần bắt Tây ở Hiền Sĩ. Lần đó, chúng tôi thu được sáu braoning, sáu cácbin và một thùng lựu đạn. Tôi cũng như mọi người đều thích có một khẩu braoning, nhưng tôi cùng một số anh em cùng mới ra trường là nhỏ tuổi nhất, tôi biết thân phận nên chỉ xin giữ một khẩu cácbin để chiến đấu, vì nó bắn rất chính xác, nhiều đạn. Tôi đã tranh thủ tập bắn đạn thật rồi. Lựa chọn của tôi là chính xác vì sau này trong chiến đấu, tôi đã có dịp dùng cácbin diệt một tên giữ trung liên của địch để yểm hộ cho bộ đội xung phong.

Tôi tranh thủ thời gian để huấn luyện cho bộ đội, mong sao khi có lệnh đưa anh em đi chiến đấu, bộ đội sẽ khá về kỹ thuật chiến đấu và chiến thuật của tổ, tiểu đội. Biết rằng kinh nghiệm của mình còn quá ít, tôi kiếm được quyển sách huấn luyện cho tiểu đội của Pháp (Manuel du gradé; sách cho cai đội) để dựa vào đó mà huấn luyện. Cuối năm 1945, tôi nhận được lệnh đưa trung đội đi làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào.

Lúc này đã có Mặt trận Đường 9 mới thành lập, do anh Đặng Văn Việt làm chỉ huy trưởng, nhưng chỉ mới có hai trung đội đang chiến đấu, trung đội của tôi lên nữa là ba. Về địch có một toán sĩ quan pháp lẩn tránh trong rừng phía Tây, nay thâm nhập tập hợp tàn quân ngụy Lào, liên lạc với bọn phản động tà xẻng mại bản(1) để lập lại chính quyền đô hộ ở Lào. Bộ phận vào sâu nhất đã đến Mường Phìn. Chúng đang tìm cách phát triển về Sê Pôn, nơi đang đóng sở chỉ huy của mặt trận. Sê Pôn là một thị trấn nhưng chỉ có độ mười nhà gạch, còn lại là nhà sàn của dân, nằm bên bờ sông Thác Thộn, là một đầu mối giao thông quan trọng, cách biên giới Lao Bảo của ta độ 30 ki-lô-mét. Chung quanh Sê Pôn có rừng và cỏ dại rậm rạp, là một vùng còn sốt rét nặng. Bộ đội lên trước đã bị sốt rét nhiều, ảnh hưởng lớn đến chiến đấu, nhưng ta chưa có tổ chức phòng bệnh tốt.

Lúc nhận nhiệm vụ, tôi coi việc đi đánh Pháp ở Lào là một nhiệm vụ của mình vì lúc bắt bọn Tây ở Hiền Sĩ, chúng tôi đã biết chúng có âm mưu trở lại cai trị nước ta. Bọn Castella đã bị bắt, nhưng nay bọn Pháp ở Lào, nếu chúng ra Sê Pôn thì chẳng mấy chốc chúng sẽ đến Lao Bảo. Vậy đối với người lính cách mạng thì “Ở đâu có giặc là ta cứ đi”.

Đối với bộ đội, tôi cũng không phải làm công tác tư tưởng dài dòng. Anh em vào bộ đội đi chiến đấu là hoàn toàn tình nguyện, đã sẵn sàng tinh thần đi đánh giặc. Không khí cách mạng, tinh thần Cách mạng tháng Tám đang hừng hực, trong khi đó quân giặc là kẻ thù chung của ta với Lào, uy hiếp biên cương của ta, việc đi làm nhiệm vụ ở Lào được bộ đội thông suốt rất nhanh. Ngồi xe trên đường ra Quảng Trị, qua Lao Bảo, trước quang cảnh thanh bình, núi rừng hiểm trở, cảnh đẹp hùng vỉ, anh em rất phấn chấn, ca hát suốt dọc đường, rất vui.

Khi chúng tôi lên đến nơi thì cuộc chiến đang diễn ra. Tôi chưa được gặp mặt chỉ huy của hai đơn vị bạn, chỉ gặp chỉ huy trưởng là anh Đặng Văn Việt để nhận nhiệm vụ. Tuy đã mấy tháng không gặp nhau, nhưng anh chưa thay đổi mấy vì anh mới từ Trường Quân chính liên đây. Anh thông báo tình hình và cho biết hiện đang triển khai đánh Kèng Khang. Trung đội 14 mới lên cho về vị trí nghỉ ngơi làm dự bị. Thông tin chỉ có liên lạc chạy chân. Mọi mệnh lệnh sẽ giao bằng giấy, có tình huống về địch tại chỗ thì tự xử trí và báo cáo, trung đội phụ trách kiểm soát khu vực phía Bắc Sê Pôn.

Tôi được biết thời gian qua có trận ta thắng nhưng không gọn. có trận ta chủ quan để bộ đội ngủ trên nhà sàn, canh gác lơ là, bị địch đánh bất ngờ. Thông tin này đã cho tôi những bài học đầu tiên. Mới đến chỗ ở thì trời tối, được chỉ định tạm nghỉ ở một nhà sàn vắng chủ, tôi phải cho quét dọn dưới nhà, ngoài sân vườn, phân chia khu vực ở và canh gác rồi cho bộ đội nghỉ.

Tôi giữ trách nhiệm chỉ huy nên chưa dám phân cho ai trực thay. Bộ đội ngủ không màn lại nhiều muỗi, anh em trăn trở mãi. Tôi cũng thao thức không ngủ được. Sáng hôm sau, mới biết tin một trung đội ta gặp địch phục kích nhưng không có cách gì điều động trung đội của tôi đến phối hợp được, thật đáng tiếc. Sau một thời gian gắn, chúng tôi đã cùng bạn quét hết địch ở Sê Pôn. Chúng tôi vừa giúp bạn tổ chức nắm dân, lùng quét địch, vừa chuẩn bị đánh địch co về Mường Phìn, Đồng Hến.


(1) Như chánh tổng, lý trưởng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:34:39 am »

Trận Mường Phìn là trận đánh lớn lúc bấy giờ vì dùng toàn bộ lực lượng của ta hiện có. Nhưng ta còn ấu trĩ: mục tiêu rộng, quân ta ở xa khoảng 20 ki-lô-mét, cán bộ không đi trinh sát, ban chỉ huy chỉ họp tổ chức hiệp đồng sơ sài trên sơ đồ, ba trung đội chia ba đường từ xa hợp vây cùng đánh một mục tiêu vào giờ G ngày N. Có thể nói là trận đánh của một đại đội mà tổ chức như một chiến dịch.

Trung đội tôi hành quân bằng cơ giới. Gần ba mươi người trên một chiếc xe, đi hơn 15 ki-lô-mét trên đường 9 rồi đổ quân xuống đường, đi theo đường mòn nhờ một người dân dẫn đường, gần sáng đến một con suối cạn đã thấy mục tiêu từ xa, tôi cho người dân về rồi tự tổ chức tiếp cận, vừa đi vừa nắm tình hình địch. Khi đã quan sát rõ mục tiêu, tôi cho dừng lại chuẩn bị giao nhiệm vụ. Đột nhiên tiếng súng nổ ra sau lưng tôi. “Ta bị phản kích chăng?”. Tôi thầm nghĩ rồi ra lệnh cho trung đội tản ra sẵn sàng chiến đấu, có lệnh mới nổ súng. Tôi còn đề phòng có sự nhầm lẫn. Tiểu đội 3 cảnh giới phía sau cho một tổ đi quay ra sau trinh sát và báo cáo. Tôi vừa bước lên thì bị trượt chân, khẩu cácbin tuột khỏi vai, đầu súng bị bít hết lấm bùn bê bết. Tôi xót xa và xấu hổ không dám nói cho ai biết. Vài phút sau tiếng súng đã im, tiểu đội 3 báo cáo: bộ đội bạn đánh hướng khác đi nhầm đường tưởng ta là địch mới vội vàng nổ súng. Lúc đó, tâm trạng tôi vừa mừng vừa lo, lo nhiều hơn vì chưa triển khai xong đã bị lộ, ta chưa hình thành bao vây thì địch dễ tập trung đối phó hoặc bỏ chạy.

Mục tiêu trước mặt tôi vẫn chưa thấy động tĩnh, tôi vội vàng cho bộ đội triển khai và cho một tổ lên trinh sát, chỉ để người ở sau bắt liên lạc với bạn. Trước mặt vẫn yên lặng như tờ. Tôi đã nghĩ đến tình huống thứ hai. Tôi cho khẩu trung liên chiếm mô đất cao sẵn sàng nổ súng và dẫn bộ đội xông thẳng vào vị trí nhằm chiếm trước khu nhà gạch trên bờ đất cao để chủ động trong mọi tình huống. Khi vào giáp bìa thị trấn Mường Phìn thì thấy tổ trinh sát ra hiệu không có địch. Tôi ra hiệu tổ trung liên tiến theo rồi tổ chức lùng sục. Toàn thị trấn không còn địch, cũng không thấy các trung đội bạn đâu. Dân đã chạy từ trước, số ít còn lại chắc bị địch lùa theo làm bia đỡ đạn và phục vụ cho chúng. Những đống củi than còn ấm, những vỏ đồ hộp, những tàn thuốc lá… cho biết địch ở đây không đông, mới rút chạy không lâu, có thể do ta bị lộ. Tôi lập tức tổ chức truy kích trên hướng Pha Lan, để lại đồng chí chuyên làm liên lạc để báo tin về sau. Vì kế hoạch không dự kiến phát triển nên tôi không dám cho đuổi xa. Chạy độ hai giờ bộ đội đã thấm mệt, thấy có mấy nhà dân, tôi cho bộ đội dừng lại tạm nghỉ hỏi tình hình. Một lúc sau, liên lạc đến báo tạm nghỉ chờ lệnh.

Chúng tôi còn truy quét cho đến Pha Lan – Đồng Hến rồi dừng lại.

Sau đó chúng tôi còn ở một thời gian giúp bạn nắm dân, truy quét địch, chủ yếu ven đường 9. Vùng này dân ở rất thưa, chỉ tập trung ở Mường Phìn – Pha Lan – Đồng Hến. Còn hai bên đường phần lớn đất bỏ hoang đầy cỏ dại mọc, bụi rậm; dân ở các bản nhỏ thưa thớt. Nơi gần nước có một ít ruộng, dân sống rất nghèo, áo quần rách rưới. Trừ một số nhà “nại-bản”, “tà-xẻng” hiếm hoi, còn các nhà sàn của dân đều xơ xác, tiêu điều. Ai cũng lo lắng chưa được yên ổn làm ăn. Tuy vậy chúng tôi đi đến đâu cũng được được đón tiếp ân cần, cần gì đều được giúp dỡ. Nhờ dân chúng tôi nắm rõ tình hình địch, nên truy quét rất thuận lợi. Những lính ngụy Lào bị bắt hoặc do chúng tôi hoặc bạn vận động ra đầu thú đều giao cho chính quyền bạn quản lý, giáo dục. Dân thiếu thốn nhiều nhưng thương anh em vất vả, nhiều người đem các típ xôi, muối ớt ra úy lạo. Anh em rất cảm động, thấy dân Lào cũng như bố mẹ người thân của mình ở nhà. Điều đó đã động viên anh em rất nhiều.

Đến mùa hè 1946, ta đã kiểm soát được đường 9. Chúng tôi được lệnh trở về. Qua một thời gian giúp bạn không lâu, nhưng do điều kiện thiếu thốn nhiều, lại do tôi còn thiếu kinh nghiệm nuôi quân, nên bộ đội ốm đau nhiều, phần lớn bị sốt rét. Người bệnh ít ra cũng đã bị mấy cơn sốt làm mất sức rất nhiều, bản thân tôi cũng không tránh khỏi. Ban chỉ huy Trung đoàn 101 Cao Vân cho chúng tôi về đóng ở Thuận An để củng cố đội ngũ và bồi dưỡng sức khỏe, tiếp tục huấn luyện và làm nhiệm vụ canh gác cửa biển trong đội hình của đại đội do anh Nguyễn Đức Thừa làm đại đội trưởng (Anh Nguyễn Đức Thừa sau này làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa).

Về đấy, chúng tôi được sự thăm hỏi ân cần của nhân dân quanh vùng đóng quân. Tuy làm ăn vất vả, bà con vẫn thường cho anh em từng thúng ruốc, cá cơm, đôi khi cả cá thu còn tươi rói vừa mới đánh bắt ở biển về. Trong đại đội, do anh em Trung đội 14 ốm đau nhiều, anh Thừa thường dành ưu tiên cho anh em. Anh em được ăn nhiều bữa chưa từng có trong đời nên sức khỏe mau chóng hồi phục. Anh em nhớ đến nhân dân Lào vùng hoạt động vừa qua còn nghèo khổ nhưng cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều với những tấm lòng thương yêu đồng cảm hỗ trợ chúng tôi vượt qua được bao khó khăn về vật chất và tinh thần. Vì là lính mới bước vào đời binh nghiệp, do đó mặc dù đã cố gắng nhiều nhưng kết quả hoạt động của chúng tôi còn hạn chế, những cố gắng của anh em chưa xứng đáng với sự quan tâm chăm sóc của nhân dân dù là ở nước nhà hay ở nước bạn. Chúng tôi mới chỉ có tấm lòng với dân với nước, có tình cảm trung thành, tận tụy với cách mạng. Nhờ đó chúng tôi đã đem hết sức mình để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tuy chưa được như mong muốn. Sau này nhìn lại thấy những tình cảm đó chính là những nhân tố ban đầu, quyết định cho cả cuộc đời chiến đấu và trưởng thành của anh em chúng tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:35:06 am »

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUÂN SỰ CỦA TÔI

Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi đang nghỉ phép ở Hà Nội – quê nội của tôi. Trước tình hình căng thẳng sắp nổ ra chiến tranh, người bạn rất thân của tôi là Lê Đình Chiểu đang ở Hà Nội bèn rủ tôi về quê (Huế). Tôi muốn ở lại Trung ương chiến đấu, công tác, học tập thuận lợi hơn. Vả lại đường sá xa xôi nhiều khó khăn, tình hình đang diễn biến phức tạp, về đến nơi khó tìm được đơn vị. Hiện ở Hà Nội anh Bửu là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Hoàng Đạo Thúy là Cục trưởng đều biết chúng tôi, đã tiếp nhận. Cục giao cho tôi lập ngay một đại đội công binh để chiến đấu. Bạn Chiểu được nhận vào Nha Nghiên cứu kỹ thuật.

Tôi về nhận quân ở một cái đình gần thị xã Hà Đông, được cấp thêm áo quần, xẻng cuốc, thuổng, dao, cưa… Chọn mấy anh có học, nhanh nhẹn giao làm trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, chấn chỉnh đội ngũ vào Hà Nội ngay để làm nhiệm vụ. Khó khăn lúc đầu là thiếu áo ấm, chân không dày (đi dép). Trời đã vào đông rét đậm (khác với thời tiết ở Huế). Giọng nói (Huế) anh em toàn ở Bắc khó hiểu. Nhưng cán bộ và chiến sĩ đều thân thiết với nhau khá nhanh, cùng nhau vượt qua hết, đoàn kết chiến đấu vui vẻ, ai cũng lo tập trung làm nhiệm vụ: làm công sự, ụ súng, đào hào chống tăng ở trước bệnh viện Bạch Mai, rồi sang Ô Chợ Dừa đầu phố Khâm Thiên lợi dụng các tà vẹt đường sắt gần đó làm lỗ châu mai.

Khi làm ở Bạch Mai, một lần anh Thúy và chuyên gia Hồ Chí Dân (một hàng binh người Đức) đến kiểm tra hướng dẫn thêm. Đột nhiên một tràng liên thanh từ hướng Học xá bắn sang, hai anh nhanh chóng nhảy xuống hào, tôi còn ngoái đầu xem địch ở đâu bắn ra. May không có ai bị thương. Lúc về các anh còn khen anh em xây công sự tốt, tôi thì gan dạ bình tĩnh.

Lần làm công sự ở Ô Chợ Dừa, có ngày máy bay đến bắn phá đúng vào ngã tư. May có sẵn các hố cá nhân hai bên đường tôi xuống hố nấp, đây là lần đầu tiên thử lửa, nghe tiếng đạn réo tôi cảm thấy nhột bên sườn. Sau những trận đó, anh em trong đơn vị không ai bị thương, vẫn bình tĩnh hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày ở đây chúng tôi thường vẫn thấy các cô, các bà ở phố Khâm Thiên, trước nổi tiếng là phố “Cô Đầu”, nay áo quần gọn gàng đi khiêng cáng thương binh về trạm cấp cứu. Đến giờ nghỉ trưa và chiều tối, cũng chính các chị đó đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng cho anh em như đối với những người em trong nhà. Rau xanh khó kiếm là vậy mà các chị vẫn lặn lội đi lấy ở các vườn rau xanh tốt còn lại, hay phải chạy ra các làng ngoại ô mang về. Tôi thầm nghĩ: Lời kêu gọi của Bác Hồ đã thấm đến từng người dân.

Xong tuyến trong, chúng tôi chuyển ra tuyến ngoài, làm công sự ở bờ nam sông đi qua thị xã Hà đông, phá cầu, phá nhà, đào đường, làm “vườn không nhà trống”. Chúng tôi làm những công trình khó, còn huy động thêm nhiều dân quân cùng làm. Công việc đã quen tiến độ, chất lượng tốt hơn. Thuốc nổ còn ít, nên khi phá nhà, phá cầu chúng tôi làm tay là chủ yếu, rút kinh nghiệm, dần cũng tìm ra cách phá trước một số nơi và chọn nơi đặt thuốc nổ dùng ít công nhất, ít thuốc nổ nhất và vẫn làm đổ được ngôi nhà, thời gian lại rút ngắn! Mỗi lần làm một chiếc nhà đổ, anh em lại hò reo, mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng liền đó lại thấy xót xa. Nghĩ đến người chủ nhà, gia đình người ta bỏ ra biết bao công sức, tiền của qua bao nhiêu thế hệ mới tậu được ngôi nhà này, nghĩ như bản thân gần hai mươi năm cả nhà cũng còn đi “ở đậu” (ở thuê). Lại nghĩ: thế mà người ta lại rứt ruột bỏ đi, lúc đi còn giao lại cho chính quyền, nếu cần thì cứ phá, quyết “không đội trời chung” với giặc cướp nước, sẵn sàng hy sinh góp công góp của cho kháng chiến không một chút đắn đo!

Khi bộ đội rút khỏi Hà Nội, Cục đưa tôi về làm Trưởng phòng Nghiên cứu Công binh. Được cấp một chiếc xe đạp, tôi tự đuổi theo cơ quan. Dọc đường, lần đầu tiên tôi tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp vùng trung du, cảnh thanh bình, người dân chất phác, đôn hậu của làng xã Phú Thọ mà sau này tôi còn nhiều lần sống và chiến đấu ở đây với biết bao kỷ niệm. Lúc này còn rất hiếm tiếng máy bay trên vùng trời. Thật lạ lùng, mới bắt đầu chiến tranh mà sao không thấy những đoàn người chạy giặc như những ngày đầu tôi thấy ở các ngõ đường từ Hà Nội ra? Như vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, do có hướng dẫn từ trước, các cơ quan, cơ sở sản xuất, kho tàng đã kịp thổ chức sơ tán ra hậu phương xa, nhân dân đã được hướng dẫn sơ tán tạm ổn định. Nay chỉ còn tốp nhỏ gia đình thưa thớt tiếp tục cuộc hành trình với toàn bộ của cải, con trẻ trên vai gồng gánh hoặc xe thô sơ. Họ đã bỏ hết nhà cửa ruộng vườn; còn nếu có vàng, có gạo họ đã vui lòng đóng góp cho “Hũ gạo nuôi quân”, cho “Tuần lễ vàng”. Nay qua mỗi chặng đường, họ chỉ mang theo một ít tiền, ngô, gạo, muối đủ sống để đi đến chặng dừng chân cuối cùng. Để rồi ở đây họ trông vào đôi tay và khối óc để khai phá thiên nhiên mà sống và chiến đấu với niềm hy vọng tràn đầy vào ngày mai tươi sáng.

Đến Tuyên Quang,  tôi vào thăm mấy anh quen ở Viện Nghiên cứu kỹ thuật và tìm một số tài liêu. Tôi thu thập một số mẫu về các đầu nổ của bom đạn đem về làm “vốn”. Tôi mày mò tháo được mây cái. Đến cái cuối cùng thì loại mới, tôi loay hoay vô tình va thúc mạnh vào đầu làm nổ kíp bị nhiều vết thương máy ra lênh láng. Nhìn sang bên cạnh thấy một anh bạn (anh Nguyễn Xuân Dục) đang kêu la, tôi ân hận quá, quên cả đau. May quá cả hai chúng tôi chỉ bị vào phần mềm. Anh em băng bó cho tôi, đưa vào viện. Nằm lại độ một tuần, vết thương đã khô, đỡ đau nhiều, tôi lại lên đường về cơ quan lúc đó ở ven đường số 3 gần Chợ Mới.

Phòng nghiên cứu của tôi có ba người. Anh Đoan, anh Năm là kỹ sư cầu đường chuyên nghề xây dựng nên ít kinh nghiệm về phá hoại. Chúng tôi xem sách, học cách tính toán lượng thuốc nổ để phá cầu, đường, nhà, cửa, đưa đến chỗ vắng cho nổ thí nghiệm, viết thành tài liệu để hướng dẫn cho các địa phương làm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:37:22 am »

*
*   *

Tháng 8 năm 1947, tôi được lệnh lên làm bí thư quân sự cho đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Tôi bất ngờ và lo lắng quá vì hiểu biết của tôi về quân sự chưa bằng một anh cán bộ quân đội, làm thế nào để tôi có thể giúp đỡ hiệu quả cho đồng chí ấy được? Nhưng “quân lệnh như sơn”. Tôi chia tay với các anh trong phòng: anh Đoan, anh Năm… Và trước khi đi tôi ghé chào anh Lê Khắc lúc ấy là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Các anh vẫn cho phép tôi dùng chiếc xe đạp đang đi để lên cơ quan Bộ. Qua một đoạn đường nhựa, hai bên đường rừng cây xanh tốt, trời xanh trong vắt, cảnh thanh bình, nhưng tôi không dám ngắm cảnh, phải theo dõi các hố giữa đường như các “phím đàn pi-a-nô” vì vô ý một chút là cắm đầu xuống hố. Đến ngã ba Đồn Đu quán hàng đông vui, tôi ghé một hàng nước uống một chén chè xanh khoan khoái cả người rồi lại tiếp tục hành trình. Bây giờ đi con đường đất phải theo vết đường mòn để đi, lâu lâu mới có một quán nhỏ ven đường, dù vắng nhưng ở đâu cũng cảm thấy có cuộc sống. Gần trưa thì đến trạm liên lạc, tôi nghỉ ăn trưa, chờ trạm báo về cơ quan.

Trước khi vào Phòng bí thư nhận công tác, tôi xin phép vào thăm thầy Tạ Quang Bửu lúc này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và anh Phan Tử Lăng là Cục trưởng Cục Quân chính. Một lần nữa, khi gặp khó khăn tôi lại tìm gặp thầy Bửu. Ở đây tôi gặp lại bạn Thảo cùng lứa với tôi nhưng bạn ấy học trường Providence hồi đó nổi tiếng giỏi tiếng Anh, nay làm bí thư cho thầy Bửu. Tôi muốn hỏi kinh nghiệm, bạn đưa cho tôi xem mấy biên bản bạn đã ghi khi dự các cuộc họp giữa các thứ - bộ trưởng. Bạn ấy ghi chép rất giỏi, chẳng cần tốc ký mà câu nào viết cũng rõ ràng, nội dung rất chuẩn. Từng đoạn ghi thái độ của người nói và của cử tọa như: cười to, vỗ tay dài… Tôi tự nghĩ: Mình chưa làm được chư bạn ấy!

Sau giờ thầy Bửu tiếp khách, tôi được vào gặp. Thầy hỏi thăm sức khỏe công tác, tin tức về mấy người bạn cũ: Chiểu, Doanh… Tôi hỏi thăm sức khỏe của thầy cô rồi tôi hỏi luôn, giọng Huế đặc như hồi học ở trường:

- Tui biết chi mô mà làm bí thư quân sự được?

- Mình giới thiệu Tần cho anh Văn(1) đấy! – Thầy Bửu nói và mỉm cười – Làm cách mạng mấy ai được học hành đầy đủ rồi mới làm được đâu. Tần phải cố gắng mà làm, đây là dịp tốt đấy. Tần có cái hay là dám nghĩ, dám nói, dám làm, không sợ gì và không sợ ai cả. Tần sẽ học được nhiều và sẽ làm được!

Thấy Thảo vào, tôi biết thầy có khách nên đứng dậy xin chào thầy và ra về. Vừa đi vừa nghĩ về ý của thầy và bước đầu tôi đã định được hướng làm việc của mình, Không sợ khó, học mà làm cho tốt. Điều quan trọng cần giúp cho cấp lãnh đạo chỉ huy là nắm thông tin kịp thời chính xác. Tôi phải sâu sát thực tế, nắm cho được thực chất tình hình, không sợ khó khăn, không nể sợ ai cả để phản ánh thật chân thật về sự việc, con người cả chuyện hay và chuyện dở. Khi truyền đạt nhiệm vụ cho cấp dưới phải dám nói cả cái hay và cái dở của họ theo nhận xét của cấp trên. Phải hiểu sâu ý kiến của trên để thuyết phục được cấp dưới.

Ngay tối hôm đó tôi được gặp anh Văn. Tôi chỉ mới nghe danh, nay mới gặp lần đầu. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là tính cởi mở, dễ gần. Anh có đôi mắt sáng, luôn tươi cười khi nói chuyện. Lúc mới đến tôi hơi hồi hộp, nhưng qua mấy câu chuyện hỏi han của anh, tôi đã trấn tĩnh và giữ được vẻ nói chuyện thành thật tự nhiên. Anh hỏi chuyện chiến đấu ở Hà Nội, đi từ đồng bằng lên đây thế nào, hỏi gia đình, sao quê Hà Nội mà lại nói giọng Huế, trước học giỏi toán nhất Huế à… Qua câu chuyện tôi hiểu anh muốn nói: “Chắc bây giờ cậu còn muốn học Toán và khoa học. Tương lai cũng rất cần nhiều trí thức cách mạng tài giỏi để xây dựng đất nước, nhưng hiện đang chiến tranh, cậu có văn hóa, rất cần để đào tạo cán bộ đánh vận động chiến cho tương lai gần. Không phải đến trường mới học được, quân đội là một trường đại học lớn. Cốt nhất là có cái tâm”.

Chị Hà(2) ra tiếp nước cũng góp chuyện:

- Trong cơ quan ai cũng có bí danh để giữ bí mật, đề nghị anh Văn đặt tên anh Tần là Tám. Lê Tám được không ạ?

Anh Văn cười:

- Được đấy!

Tôi nói:

- Xin cảm ơn chị!

Câu chuyện như khiến tôi cảm thấy không khí trở nên ấm cúng như trong gia đình.

Chị còn nhắc:

- Anh Tần đã gặp các anh ở nhà bên này chưa?

Tôi xin phép anh Văn và sang chỗ ở của mấy anh đang phục vụ trực tiếp anh Văn ở nhà bên. Tôi đã gặp mấy anh mà sau này tôi thường xuyên có quan hệ công tác. Anh Mộc là bảo vệ, người Tày, to khỏe, hoạt bát, vui vẻ. Anh Thùy quân y sĩ, rất thư sinh, hiền lành như con gái. Anh Thụ nấu ăn, người đứng tuổi, là đầu bếp giỏi đã phục vụ cho anh Văn ở Hà Nội, tự nguyện theo anh lên đây vì sợ không tìm được phục vụ được bằng anh. Em Hồng liên lạc người Tày, mới 16 tuổi, rất nhanh nhẹn dễ thương, em đã đi theo anh Văn từ ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Sau khi gặp anh Văn, tôi đã thay đổi vấn đề mình đang suy nghĩ. Từ chỗ loay hoay tìm cách để giúp Anh sao cho có hiệu quả thì bây giờ phải suy nghĩ ngược lại: Phải lo học sao cho đáp ứng với yêu cầu công tác. Và tại đây, tôi đã được nhận vào trường “Đại học quân sự lớn” của tôi. Ở đây tôi đã có Anh là người anh, người thầy rồi.

Về nhiệm vụ công tác, tôi cũng đã nhận thức rõ. Lúc chiều khi mới đến phòng bí thư, tôi đã làm quen với anh em trong phòng, đã biết công việc họ đang làm. Anh Mạnh Việt, trường phòng lo công tác quản lý cán bộ công tác Đảng và quan hệ với các cơ quan khác, nhất là phòng bí thư của Tổng chính ủy do anh Nguyễn Cơ Thạch đảm trách. Cụ Đông A lo nghiên cứu sách quân sự bằng tiếng Trung Quốc. Anh Phùng Ngọc Bảo chuyên nghiên cứu tài liệu về địch. Em Phạm Khắc Lâm lo nghiên cứu tài liệu về thời sự báo chí.

Như vậy công việc của tôi là phải: Lập ra chương trình làm việc của anh Văn và tổ chức thực hiện chương trình đó. Làm cầu nối giữa anh Văn với anh Thành(3), với các cơ quan Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng. Làm cầu nối giữa anh Văn và các cán bộ đơn vị. Theo dõi nghiên cứu các chuyên đề do anh Văn giao riêng.


(1) Anh Văn là bí danh của đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, sau trở nên thân mật mà cán bộ quân đội thường gọi cho đến ngày nay.
(2) Chị Hà là vợ anh Văn, công tác ở Phòng bí thư.
(3) Anh Thành lá bí danh của anh Hoàng Văn Thái – Tổng tham mưu trưởng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:41:07 am »

*
*   *
Tôi về cơ quan vào thời kỳ đang diễn ra một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay và có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nó cuốn hút tôi vào một cuộc chiến rất căng thẳng cả thể lực và trí óc, đồng thời nó tạo điều kiện cho tôi được học tập một số vấn đề quân sự rất sống động trong thực tiễn.

Ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, Pháp thưởng đá có thể “ăn tươi nuốt sống” ta được. Chúng không ngờ ta chủ động đánh bại âm mưu của chúng, ta chủ động đánh địch khắp nơi, bảo toàn được lực lượng, kho tàng, bảo vệ được đầu não kháng chiến, ta triển khai được chiến tranh du kích rộng khắp, làm thất bại chiến lược đánh nhanh của chúng, buộc chúng phải đánh lâu dài với ta. Chính phủ Pháp đã thấy nếu kéo dài thì ngân sách của họ không chịu đựng được.

Dù rất khó khăn, họ vẫn phải huy động lực lượng tăng quân sang Việt Nam (11 tiểu đoàn) tổ chức chiến dịch Thu Đông lên Việt Bắc nhằm mục đích rất lớn, chấm dứt chiến tranh. Cụ thể là:

- Diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

- Buộc chủ lực của ta phải đối đầu để có cơ hội tiêu diệt và đánh tan.

- Phá tan các kho tàng, nhà máy, xí nghiệp của ta nhằm làm ta không còn cơ sở để tiếp tục cuộc kháng chiến.

Ta đã có chuẩn bị nhưng ta không dự kiến địch đánh sâu rộng như thế. Lần cuối cùng anh Văn đi Tuyên Quang, Chiêm Hóa để kiểm tra thì ngày hôm sau được tin địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, Chợ Mới. Tôi rất lo lắng và sốt ruột, trong lòng như lửa đốt. Anh quyết định trở về nhưng anh không vội vã. Trong khi chuẩn bị cho đủ ngựa để về, anh còn làm việc với anh Tôn Thất Tùng, anh Hồ Đắc Di, anh Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, giám đốc các trường đại học, các bệnh viện.

Anh cần làm yên lòng các vị đang ở xa Trung ương nay mới được gặp. Anh chỉ đạo các biện pháp sơ tán các cơ sở vào sâu hơn, đề phòng địch có thể đánh vào, huy động sinh viên tổ chức các trạm cấp cứu thương bệnh binh khi chiến sự xảy ra và phân tích tình hình để các vị thấy ta sẽ kiên quyết đánh bại chúng. Thấy các vị tỏ vẻ tán thưởng, vui vẻ và hứa sẽ thực hiện tốt chỉ thị của mình, anh mới vui vẻ chia tay ra về. Trên đường về, anh còn dừng lại làm việc ở một số nơi như: Tỉnh ủy Tuyên Quang, Trung đoàn 209, Đơn vị pháo sông Lô, kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu, còn ghé qua chỗ anh Phan Mỹ(1) bàn việc sơ tán bảo vệ cơ quan trung ương.

Về đến cơ quan đã tối. Biết tin anh Thận(2) và và anh Thành đang làm việc ở Bắc Kạn ngày địch nhảy dù, anh lo lắng, chỉ thị cho cơ quan cử cán bộ đi đến ngay rồi tập trung làm việc với các anh chuyên trách nắm tin tình báo, quân báo và tình hình các đơn vị ở vùng có chiến sự. Anh cũng được biết tối ngày địch nhảy dù, Thường vụ trung ương họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Bác đã phân tích: địch đã mạo hiểm đánh sâu vào căn cứ hòng giành một thắng lợi vang dội, giải quyết nhanh chiến tranh, nhưng phạm vi quá rộng, lực lượng bị căng mỏng, nên không mạnh, quân số có thể đông nhưng không tạo được sức mạnh. Người nói: “Kể địch muốn tạo thành một cái ô chụp xuống Việt Bắc. Chúng hy vọng cụp ô lại, trên đánh xuống, dưới đánh lên, sẽ phá được cơ quan đầu não của kháng chiến. Chúng mạnh ở hai gọng kìm. Nếu ta bẻ gãy gọng kìm thì cái ô của địch cụp xuống sẽ thành cái ô rách”.

Đến ngày 10 tháng 10, ta đã nắm được tình hình cuộc hành quân của địch: quân dù đã nhảy xuống Bắc Kạn, Chợ Mới, Cao Bằng.

Hướng đường 4 binh đoàn Bô-phơ-rê (Beaufré) đã lên đến Thất Khê.

Hướng đường 2 Sông Lô, binh đoàn Com-muy-nan (Communal) theo sông Hồng đã lên đến Sơn Tây.

Tôi theo dõi khi anh Văn làm việc với anh Thành, tôi hiểu được ý anh:

Đến nay đã có thể phán đoán địch theo đường 4 lên Cao Bằng sẽ đánh xuống Chợ Mới, hướng đường 2 – sông Lô địch sẽ đánh lên Bình Ca, Tuyên Quang. Hai bên sẽ đánh sâu vào căn cứ, liên lạc với nhau vùng Bản Thi, Chiêm Hóa, Đầm Hồng. Ba binh đoàn của địch chỉ khoảng 1 đến 2 vạn quân nhưng bao một một đất rất rộng đến 3.600 ki-lô-mét vuông. Địch mạnh và chủ động tiến công ta, nếu ta bị động đem chủ lực ra đối đầu với chúng như chúng mong muốn thì sẽ phải đối phó với kẻ địch mạnh hơn ta về phi pháo và phương tiện cơ động. Tuy nhiên, chúng sẽ hết sức khó khăn về tiếp tế và lực lượng cơ động, đường cơ động của chúng sẽ kéo ra rất dài, chúng sẽ phải rải quân ra, không còn lực lượng cơ động mà cũng có rất nhiều sơ hở, đó là chỗ yếu chí mạng của chúng. Ta cần tập trung vào ba mặt trận: đường 4, 3, đường 2 – sông Lô.


(1) Anh Phan Mỹ là Chánh Văn phòng Chính phủ.
(2) Anh Thận là bí danh của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:41:29 am »

Trình độ chủ lực ta chưa đánh tập trung trung đoàn có hiệu quả cao, trong lúc chiến tranh du kích nhiều nơi chưa mạnh nhất là các địa phương mới xảy ra chiến sự, ta phải khẩn trương thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Phải có lệnh cho các quân khu mỗi trung đoàn phải phân tán hai phần ba lực lượng làm đại đội độc lập xuống các huyện hỗ trợ phát triển du kích. Phải có huấn lệnh để hướng dẫn các đơn vị thực hiện khẩn trương và có hiệu quả vấn đề này.

Địch đánh rất sát khu căn cứ. Cần chia cơ quan thành hai bộ phận. Bộ phận nặng đưa sâu và các bản xa đường. Bộ phận nhẹ chuyển ra ngoài, phân công ba người đi sát trực tiếp ba mặt trận, anh Văn đi đường 4, anh Thành đường 3, anh Trần Tử Bình đường 2 – sông Lô.

Tình hình bố trí lực lượng cần điều chỉnh lại. Chuẩn bị sẵn chỉ thị, sau khi anh Văn đi làm việc với Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về sẽ ra chính thức.

Ngày 13 tháng 10, Bộ nhận được kế hoạch và bản đồ của địch mà ta bắt được trong chiếc máy bay junker bị đại đội phòng không Trung đoàn 74 bắn rơi. Đối chiếu với kế hoạch của địch, phán đoán của ta rất đúng. Ta còn biết thêm ngày và điểm gặp nhau của hai cánh quân là Đài Thị, biết trọng điểm càn quét là Bắc Kạn – Chợ Chu – Chợ Mới. Chúng nhầm tưởng trung tâm căn cứ địa là Bắc Kạn. Đồng chí liên lạc Nguyễn Danh Lộc đã tích cực chạy ngày chạy đêm để đưa thông tin lên Bộ, được anh Văn khen ngay. Anh còn nhắc Bộ Tổng tham mưu khen Đại đội phòng không Trung đoàn 74.

Ngày 17 tháng 10, Sở chỉ huy nhẹ lên đường. Tôi tổ chức một bộ phận nhẹ đưa anh Văn đi trước đến Tràng Xá nơi đặt Sở chỉ huy nhẹ, dừng một ngày, anh nắm tình hình và chỉ đạo những việc cần thiết, ngày 22 tháng 10 đi ngay lên mặt trận đường 4 ở Bình Gia. Tôi mang theo một máy điện thoại và một đoạn dây. Dừng chân ở đâu tôi cũng tranh thủ cùng một chiến sĩ vệ binh ra móc vào đường dây điện thoại chạy qua đó, cố nắm được những tin chiến thắng anh rất mong đợi. Chiều 25 tháng 10, được tin trưa nay pháo binh ta đã bắn chìm hai tàu chiến của địch tại Đoan Hùng, bắn bị thương hai chiếc khác, chỉ có một chiếc quay đầu chạy trở lại Tuyên Quang, địch chết hàng trăm tên, anh Văn rất vui, hỏi thêm chi tiết để kiểm tra tin đã xác thực chưa. Đó là tin thắng trận đầu tiên từ khi địch mở cuộc hành quân. Sau đó sông Lô bị cắt 10 ngày. Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”.

Tối làm việc với đồng chí bí thư và chủ tịch tỉnh Lạng Sơn ở Bình Gia (có đồng chí chỉ huy của Trung đoàn 11 của tỉnh) nắm tình hình, kiểm tra việc thực hiện mệnh lệnh tác chiến, được biết Trung đoàn 74 thuộc tỉnh Cao Bằng đã nhận được lệnh, hai trung đoàn đã phân công phạm vi hoạt động, anh Văn còn nói chuyện với đồng chí chỉ huy Trung đoàn 11, phân tích rõ ý nghĩa quan trọng của việc đánh các đoàn giao thông trên đường 4 cả trước mắt và lâu dài. Ở đây địa hình thuận lợi cho ta, cần tích cực đánh các trận phục kích có hiệu quả lớn. Trong thời gian ở lại đây để chỉ đạo mặt trận đường 4, anh hay chuyện trò thân mật với dân bằng tiếng Tày (dân ở đây người Nùng cũng nói tiếng Tày). Đến ngày 31 tháng 10, nhận được tin ta đánh thắng trận phục kích ở Bông Lau. Đâu là trận đầu tiên trên đường số 4 – anh gọi đồng chí Thế Hùng chính trị viên Trung đoàn 11 lên nói chuyện tỷ mỷ và khen ngợi.

Trận này do Tiểu đoàn 374 đánh. Địch có 30 xe chở già nửa là lính Âu Phi. Ta diệt 104 tên, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 600 dù. Đường 4 bị cắt một thời gian. Để ghi công, Tiểu đoàn 374 được mang tên Tiểu đoàn Bông Lau. Như vậy trên hai đường chính, bộ đội chủ lực bắt đầu đánh tốt.

Sau trận Bông Lau, anh Văn về Tràng Xá chỉ đạo chung ở Sở chỉ huy nhẹ. Để khắc phục những nhược điểm phát hiện được sau một tháng đối phó với cuộc hành quân của địch lên Việt Bắc, ngày 10 tháng 11 Bộ Tổng chỉ huy đã ra hai huấn lệnh quan trọng; Huấn lệnh “Luyện quân lập công” và huấn lệnh “Phát động chiến tranh du kích, nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn này”, có tác dụng chỉ đạo chung trong cả năm 1948 và năm 1949.

Ngày 17 tháng 11, Sở chỉ huy nhẹ trở về gần vị trí cũ ở Lục Giả. Ngày 18 tháng 11, địch nhảy dù ở Vũ Nhai, đánh hụt. Hai cánh quân Đông – Tây của địch không gặp nhau ở hợp điểm Đài Thị vì thời gian chậm hơn 10 ngày và lệch nhau, chỉ đến nơi là bắt đầu co lại. Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với quân và dân Việt Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:41:56 am »

Ngày 21 tháng 11, địch rút Tuyên Quang về Vĩnh Yên, có bộ phận về Đèo Khế, Phú Minh, bị đánh không liên lạc được với cánh phía Đông từ Chợ Mới về. Ngày 22 tháng 11, cánh quân đường 4 rút về Chợ Mới rồi bỏ xe, đi bộ về Thái Nguyên (vì đường bị phá hoại). Một tiểu đoàn địch luồng rừng qua Quán Vuông xuống Yên Thông, đến Quán Ông Già bị Tiểu đoàn 103 do anh Vũ Lăng làm tiểu đoàn trưởng, đánh thiệt hại nặng. Có lúc chúng vào rất sát cơ quan. Biết rằng đó chỉ là một lực lượng nhỏ cảnh giới cho chủ lực rút, mà ở đây ta đã có ba tiểu đoàn mạnh đang bám đánh địch, nhưng tất cả cán bộ cơ quan đã mang vũ khí ra bố trí ở bìa rừng. Tôi đưa anh Văn tạm lánh ở đồi cây sau bản, bố trí vệ binh sẵn sàng ở chân đồi. Đến gần chiều tiếng súng đã xa, tôi cùng một tổ vệ binh xuống trước dò xét nắm chắc không còn địch mới lên đón anh về bản. Đến đây tôi mới thở phào, nhẹ nhõm. Và cũng là đến lúc kết thúc cuộc hành quân đánh lên Việt Bắc của địch. Chúng còn đóng lại ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai.

Ngày 16 tháng 12, sau khi địch rút khỏi huyện Định Hóa, Đại Từ, Bộ Tổng chỉ huy tổ chức hội nghị với các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các khu ở Bắc bộ để rút kinh nghiệm chiến dịch Thu Đông 1947 ở Việt Bắc.

Qua đây tôi hiểu được phong cách chỉ đạo chỉ huy của cấp lãnh đạo chiến lược.

Phải nhìn xa, trông rộng, hiểu sâu về địch về ta, biết phân tích một cách biện chứng, trong cái mạnh cũng thấy được chỗ yếu của địch. Phải biết phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân, nhờ đó ta luôn có thể chủ động tiến công địch trong chiến đấu và có thể biến bị động thành chủ động về chiến dịch nếu ta biết chuyển thế mạnh thành lực mạnh. Nhìn xa trông rộng không những để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn để chuẩn bị cho tương lại. Như năm 1947 khi chiến dịch Việt Bắc chưa kết thúc, anh Văn đã có hai huân lệnh chỉ đạo hai vấn đề hết sức quan trọng cho cả năm 1948, năm 1949 và đầu năm 1950 (năm 1949 lại tổ chức luyện quân lập công lần hai).

Về sử dụng chủ lực, phải hiểu rằng quy mô tổ chức lực lượng phải phù hợp với trình độ tác chiến là một quy luật. Còn trình độ tác chiến lại lệ thuộc con người và vũ khí trang bị. Tháng 7 năm 1947 đã có sắc lệnh thành lập đại đoàn, nhưng đến tháng 10 lại phải phân tán đại đoàn và hai phần ba các trung đoàn để phát triển chiến tranh du kích mà chủ lực còn lại vẫn thực hiện nhiệm vụ tốt.

Khi suy nghĩ để chọn quyết tâm và kế hoạch tác chiến phải luôn quán triệt tư tưởng tiến công. Như tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra; Phải “không ngừng giữ thế tiến công”. Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết thời kỳ đầu chiến tranh đã rút ra 11 nguyên tắc thì nguyên tắc đầu tiên là: Phải nắm vững tư tưởng tiến công. Khi đã rơi vào thế bị động phải tìm cách chuyển bị động sang chủ động (khi ta còn yến vẫn thực hiện được).

Về chỉ đạo chỉ huy, phải hết sức coi trọng tập trung thống nhất, nhưng khi cần phải biết tạm phân tán về tổ chức, nhưng vẫn bảo đảm quyết tâm và kế hoạch thống nhất, mọi hành động phải hướng vào trọng tâm trọng điểm, vào mục tiêu chủ yếu.

Qua thực tế chiến dịch này, tôi mới thực sự hiểu rằng, để đánh lại cuộc hành quân, hàng vạn quân rầm rộ như vậy để bảo vệ cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến của ta, kế hoạch chiến lược của ta phần chủ yếu là dựa vào sự che chở của dân. Quả thật “mặt trận trong lòng dân” còn mạnh hơn hàng vạn hùng binh.

Tôi cũng hiểu được rằng: vì sao ta yếu hơn địch, lại đang bị địch chủ động tiến công vây bắt chỉ huy và tiêu diệt lực lượng quân sự của ta, vậy mà ta vẫn chủ động tiến công địch – Đó là nhờ ta có thế trận chiến tranh nhân dân, địch bị đánh khắp nơi phải phân tán đối phó, bộc lộ nhiều chỗ yếu, sơ hở, ta tập trung lực lượng đánh vào chỗ yếu và hiểm yếu của địch thì ta có thể tập trung ưu thế hơn địch và có thể làm đảo lộn kế hoạch của chúng. Như vậy là ta đã chuyển thế mạnh thành lực mạnh, từ bị động chuyển thành chủ động. Đúng như hai câu thơ của Bác Hồ đã nói:

“Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công”.

Sau thất bại ở Việt Bắc, Pháp phải bị động chuyển chiến lược sang đánh lâu dài. Chúng hy vọng dùng chiến tranh nuôi chiến tranh, bình định vùng chiếm đóng, lập ngụy quyền bù nhìn Bảo Đại, phát triển ngụy quân sẽ tập trung được lực lượng ra Bắc hòng lật lại thế cờ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:43:17 am »

Trung ương Đảng đã nhìn thấy trước điều đó nên đầu năm 1948 đã đề ra chủ trương “biến hậu phương địch thành tiền phương ta” với phương châm “Du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ” đẩy mạnh kháng chiến cả nước, phá chiến lược của địch, phá cuộc tiến công mùa đông ở Bắc Bộ và Bắc Khu 4…

Hai huấn lệnh cuối năm 1947 của anh Văn nói trên có tác dụng thúc đẩy hai phương thức tác chiến chiến lược. Trước mắt thì thực hiện tốt phương châm tác chiến chiến lược. Về tương lai ta cần đẩy mạnh vận động chiến mới có điều kiện chuyển giai đoạn chiến lược.

Để phát triển du kích chiến tranh, anh Văn đã chỉ đạo các liên khu nâng trình độ tác chiến lên quy mô lớn hơn, sáng tạo một hình thức mới ta tạm gọi là “chiến dịch du kích”. Về lực lượng gồm cả ba thứ quân của quân khu hoặc có tăng cường, nhưng chủ lực chưa làm được vai trò chủ yếu, hoạt động trong một thời gian nhất định tùy theo nhiệm vụ đề ra cho chiến dịch, có tổ chức lãnh đạo chỉ huy, chỉ đạo thống nhất nhằm thực hiện yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt năm 1948 và 1949, vừa để giữ chủ động chiến dịch, vừa để phá âm mưu của địch, các liên khu có vùng địch chiếm đóng trong cả nước đều nhằm tiến công vào các mục tiêu sâu trong hậu phương địch. Ở những hướng có tầm quan trọng thường xuyên thì lập mặt trận như: Mặt trận 3 (Trung du), Mặt trận Đường 4, Mặt trận Hà Nội – Đường 5 – Hải Phòng.

Luyện quân lập công là nhằm nâng cao trình độ chiến đấu công tác của bộ đội, trình độ chỉ huy của cán bộ đi đôi với việc tăng cường dần trang bị vũ khí. Qua năm 1949, ta còn tổ chức luyện quân lập công lần hai. Trong chiến đấu, bộ đội chủ lực cần phát triển cách đánh phục kích, tập kích đánh vận động nhỏ. Địch đối phó tăng cường bảo vệ đoàn xe, ta phải nâng trình độ tác chiến lên đánh cấp trung đoàn, trung đoàn tăng cường hay chuyển sang đánh vận động phục kích (1949).

Nói đánh vận động chiến, ta hiểu là đánh cả các cứ điểm. Để nghiên cứu đánh cứ điểm cỡ đại đội, anh Văn rất quan tâm nên rất chú ý chỉ đạo. Năm 1948, ta tổ chức đánh đồn như thật, dùng đội Com-măng-đô(1) làm quân xanh, giao cho Tiểu đoàn 11 do anh Vũ Yên làm Tiểu đoàn trưởng huấn luyện, sau đó giao cho Tiểu đoàn 11 đánh đồn Phủ Thông để thực nghiệm. Lần này trang bị vẫn giữ như hiện có, chưa có bộc phá, còn dùng thang ván và mác xung kích. Trận đánh diễn ra tiến bộ hơn, nhưng chưa dứt điểm được vì vào tung thâm địch có lô cốt cố thủ, ta không giải quyết được. Qua năm 1949, anh giao cho tiểu đoàn anh Thái Dũng nghiên cứu đánh cứ điểm Bản Trại trên đường 4, tiểu đoàn được trang bị súng SKZ và cối 185 do ta sản xuất. Anh trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và kế hoạch tác chiến. Tôi đi theo sát anh Thái Dũng từ khi chuẩn bị chiến trường, làm kế hoạch và chỉ huy suốt trận đánh. Kết quả rất tốt. Chỉ sau 45 phút, ta đã tiêu diệt gọn, thu toàn bộ vũ khí. Sau khi đem kinh nghiệm của hai tiểu đoàn nói trên huấn luyện cho cán bộ và bộ đội thì kết quả đã nâng được trình độ tác chiến của bộ đội lên nhiều, năm 1949 đã tiêu diệt cả một tiểu khu của địch. Tháng 5 năm 1950, Trung đoàn 174 tăng cường đã tiêu diệt được một cụm cứ điểm cỡ một tiểu đoàn tăng cường của địch trong công sự vững chắc (Đông Khê).

Kết quả năm 1948, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp vào sâu trong vùng địch tạm kiểm soát, đánh cả những nơi chúng cho là an toàn nhất, diệt hàng loạt đồn bốt làm cho chúng bị thu hẹp vùng tạm chiếm, phải tăng quân và tăng công sự cho các cứ điểm. Chúng càng thiếu hụt quân số, giảm lực lượng cơ động, cả năm chỉ mở được một cuộc hành quân nhỏ lên trung du hòng bịt cửa ngõ của Việt Bắc, không thực hiện nổi một cuộc tấn công lớn lên căn cứ Việt Bắc lần thứ hai. Ta đã có thể tập trung trở lại các đại đội độc lập về thành lập các trung đoàn chủ lực, làm cho chủ lực ta lớn mạnh hơn nhiều.

Sau này anh Văn đã đánh giá vấn đề này như sau: Đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo chiến tranh của ta. Chỉ một năm sau ngày Kháng chiến toàn quốc, lực lượng vũ trang còn rất non trẻ đã cùng toàn dân mở một cuộc phản công chiến lược “mềm” nhằm vào sào huyệt địch trên cả nước. Với việc “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, chúng ta đã làm đảo lộn thế cờ, tạo sự bình ổn cho hậu phương ta, biến hậu phương địch thành chiến trường… Mặt trận mới này còn cho phép chúng ta đánh những đòn trực diện vào chính sách cơ bản của thực dân xâm lược Pháp là “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt hại người Việt”(2).

Tôi nghĩ kinh nghiệm năm 1948 cho thấy lực lượng ta yếu hơn địch cũng có thể “đánh vào đất địch” trên nhiều hướng và là một phương sách giành chủ động về chiến dịch, chiến lược. Như sau này trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ta đã mở rộng, nâng cao thành một cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 giành thắng lợi quyết định buộc Mỹ phải xuống thang chiến lược.

Về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, “Chiến dịch du kích” là một hình thức sáng tạo. Nó có chỉ huy chỉ đạo thống nhất nhiều lực lượng phối hợp hiệp đồng với nhau (trong đó có thể có bộ phận nhỏ chủ lực không hoạt động vai trò lực lượng chủ yếu) đánh nhiều trận trong một thời gian nhất định, nhằm một mục đích rõ ràng trên một địa bàn cụ thể.


(1) Đội Com-măng-đô là số hàng binh Âu Phi do Bộ Tồng Tham mưu tổ chức để sử dụng trong huấn luyện.
(2) Trích theo sách “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM