Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:05:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29651 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:26:36 am »

Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội – Thiếu tướng Mai Xuân Tần
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2006
Người số hóa: macbupda


LỜI NÓI ĐẦU

Cuộc đời một con người quá nhỏ bé đối với lịch sử của cả một dân tộc. Nhất là khi dân tộc đó đã trải qua ba cuộc chiến tranh liên tục gần nửa thế kỷ, đánh thắng hai đế quốc to và bọn diệt chủng Pôn Pốt để giành và giữ độc lập tự do, phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Hơn nửa đời quân ngũ, tôi công tác ở cơ quan lãnh đạo chỉ huy tối cao của quân đội. Do vậy công tác và tình cảm của tôi gắn liền với các đồng chí lãnh đạo cấp trên và cán bộ toàn quân. Cuốn sách này ghi lại những sự kiện to lớn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế; về các nhân vật lịch sử, các nhân chứng lịch sử mà tôi được biết, được chứng kiến khi đảm trách nhều cương vị ở từng giai đoạn khác nhau. Đó là những con người và sự kiện làm tôi có tình cảm sâu sắc và biết ơn vì đã có nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của tôi và cả cuộc đời tôi. Hy vọng quyển sách sẽ cung cấp những tư liệu thú vị để tôi trao đổi thêm với bạn bè và nhất là để cho con cháu đời sau hiểu về quá khứ, rút ra được bài học cho mình nhằm bảo vệ và xây dựng đất nước bền vững lâu dài.,

*
*   *

Vừa sau ngày thắng lợi huy hoàng của dân tộc, giải phóng trọn vẹn miền Nam, thống nhất đất nước, đã xảy ra một sự kiện hết sức bất ngờ không những với nhân dân Việt Nam mà cả đối với thế giới: Tập đoàn “Khơ Me đỏ” do Pôn Pốt cầm đầu nhân dân là người lãnh đạo “Đảng Cộng sản”, người đồng minh chiến lược của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vừa mới giành thắng lợi, nay lại đang thực hành chế độ diệt chủng đối với nhân dân Cam-pu-chia và gây chiến chống Việt Nam.

Cuộc chiến tranh này gọi là chiến tranh Biên giới Tây Nam theo cách gọi của chúng tôi đã kéo dài gần 13 năm, hơn cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Muốn xem xét đầy đủ vấn đề này, một hiện tượng lạ đời “hiện tượng Pôn Pốt”, phải xem xét từ cội nguồn phát sinh cho đến khi kết thúc hoàn toàn, Pôn Pốt chết gục cùng sự sụp đổ hoàn toàn cơ ngơi của chúng để nhận một bản án lịch sử thế giới về tội danh diệt chủng và tộ ác gây chiến, mà về bản chất là ngang hàng với phát xít Hít-le. Tôi chỉ xin đóng khung vào chiến tranh biên giới Tây Nam mà tôi đã được chứng kiến tương đối đầy đủ.

Chiến tranh đã lùi xa trong lịch sử và đi vào quên lãng. Tôi là một nhân chứng về sự kiện này. Nay tôi đã qua tuổi 80, tôi muốn viết vài dòng tâm huyết để lại cho đời sau con cháu hiểu được phần nào quá khứ và có những bài học bổ ích cho tương lai trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước và bảo vệ tình đoàn kết thủy chung giữa “ba nước Đông Dương anh em” như Bác Hồ sinh thời đã từng mong ước.

Vì sự việc đã diễn ra quá lâu, sự hiểu biết của tôi còn có hạn, chắc còn nhiều hạn chế, mong các bạn đọc vui lòng góp ý. Qua quyển sách này, tôi muốn tỏ lòng biết ơn rất chân thành và sâu sắc đối với các cán bộ, đảng viên chân chính nay là thành viên trong bộ máy lãnh đạo nhà nước của hoàng gia Cam-pu-chia và đối với nhân dân, Quân đội Cam-pu-chia, đã cộng tác tích cực và nhiệt tình giúp đỡ cho quân tình nguyện và chuyên gia trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, phức tạp giúp chúng tôi có thể vượt qua được để hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử vẻ vang.[/i]
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 11:43:14 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:28:32 am »

THỜI NIÊN THIẾU – TUỔI THANH XUÂN

Bố mẹ tôi mồ côi từ bé nên ít nói chuyện về ông bà nội ngoại của tôi. Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, tôi lao vào cuộc chiến đấu hơn 50 năm. Từ ngày nghỉ hưu tôi mới thực sự về quê cha tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Vì cuộc sống, bố tôi từ Hà Nội, đưa chúng tôi vào Huế từ lúc tôi mới lên 8, nhưng đã luôn dạy cho chúng tôi về quê cha là làng Phương Liệt, Hoàn Long, Hoàng Mai, tỉnh Hà Đông – nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vào trường học cũng như sau này vào bộ đội, tôi luôn ghi trong lý lịch như vậy, mặc dù tôi nói đặc giọng Huế làm cho các cán bộ tổ chức đều ngạc nhiên. May mắn là khi về làng quê tôi tìm được nhà thờ họ Mai, tìm được gia phả dòng họ Mai gốc ở Phương Liệt trong đó có ghi tên bố mẹ và hai anh em tôi. Xem gia phả tôi được biết Cụ tổ họ Mai, cách tôi 12 đời, “hiệu là Phúc Đạt, xuất thân ở Thạch Giản, Nga Sơn, phát tích sông Nhị”, ý nói là thành đạt ở Hà Thành. Tôi hiểu là Cụ có học, ra làm quan ở Hà Nội. Được biết đất đai ở nhà thờ trước kia rộng đến mấy ngàn mét, sau này con cháu bán dần. Có thể Cụ làm chức quan cũng khá nên mới để lại được cơ ngơi như thế. Tôi đi tìm hiểu thêm về Cụ ở Nga Sơn. Không có tài liệu về Cụ, nhưng được biết ở Thanh Hóa có nhiều di tích, tài liệu về nguồn gốc họ Mai và nhiều chi từ đây đã thiên cư đi các tỉnh khác. Cụ tổ của tôi chỉ có tên hiệu, không có tên húy hay tên tự, nên không tìm được mối quan hệ họ hàng với các chi khác ở đây.

Trong mấy năm, tôi đã đi nhiều tỉnh để tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc của mình. Qua đó tôi được biết các cụ tổ xa xưa nhất là cụ Mai An Tiêm, thời Hùng Vương, biết được là qua truyền thuyết. Theo lịch sử đã có ghi chép thì có Cụ Mai Thông thời Hai Bà Trưng. Cụ Mai Thông có con là Mai Tiến, lấy vợ là Lê Hoa. Sau khi Mai Tiến bị Tô Định giết hòng cướp vợ, Bà Lê Hoa đem bốn con chạy về quê, bán hết gia sản, chiêu mộ được 2.000 nghĩa quân chống Tô Định ba năm, bị thất bại phải chạy vào Yên Lược – Nga Sơn. Khi cá con đã trưởng thành, Bà đưa cả bốn con về gia nhập nghĩa quân chống Tô Định. Bà cai quản đội nữ binh, cá con đều làm tướng chỉ huy các đội tiên phong(1).

Đến giữa thế kỷ thứ tám lại có Cụ Mai Thúc Loan đã ghi những trang sử ngoan cường chống giặc ngoại xâm của một người lao động bình thường có chí lớn.

Gia phả các dòng họ Mai khác còn ghi:

Cụ Mai Thúc Ứng tham gia nghĩa quân Lam Sơn, thuộc hạng công thần của Vua Lê Thái Tổ.

Cụ Mai Thúc Chí làm tướng Tây Sơn.

Ở Hà Mai có Cụ họ Mai làm quan cuối triều Trần đầu triều Lê, đến đời thứ năm, hai anh em đều làm quận công là tước quan võ cao nhất trong triều. Sau hai cụ có đến tám chín đời nối tiếp làm quận công, có cụ Mai Thế Châu, đời Hậu Lê làm đến đề đốc, đã đem thủy binh lên đánh giặc ở Tuyên Quang và hy sinh trong trận thủy chiến ở Bộc Nhiêu, được truy tặng chức Thái Bảo.

Đời sau này còn có các cụ: Mai Lập Đôn, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Bắc Kỳ của Việt Nam Cách mạng đồng chí hội.

Cụ Mai Vinh Quí tham gia nghĩa quân của Bình Định Vương Lê Lợi. Khi Lê Lợi lên ngôi, đã ban cho Cụ Mai Vinh Quí quốc tính, đổi thành họ Lê.

Còn có cụ Mai Xuân Thưởng, lãnh đạo phong trào Cần vương ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (7-188-5 – 7-1887).

Những điều đó nói lên họ Mai có truyền thống hiếu học, yêu nước, chống ngoại xâm, có chí khí lớn, thời nào cũng có người lập công lớn với đất nước.

Tôi rất tự hào với dòng họ, nên tôi đền ghị các cụ lão thành ở làng họp bàn viết tiếp gia phả. Tôi được giao viết lại bằng tiếng Việt phả họ Mai Phương Liệt cho đến ngày nay, có bổ sung những nội dung còn thiếu. Tôi đã hoàn thành năm 2002, đồng thời cũng viết xong gia phả của gia đình tôi từ Cụ Mai Xuân Vận, Ông nội tôi.


(1) Theo bia ghi “Giả phả thủy tổ họ Mai” được tỉnh Thanh Hóa công nhận di tích lịch sử cùng với đền thờ bà Lê Thị Hoa, nay đặt trước Ủy ban nhân dân xã Nga Thiên, Nga Sơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:28:51 am »

Ông nội tôi là Mai Xuân Vận, còn có tên là Mai Doãn Xước, quê ở Phương Liệt, Hoàn Long, Hoàng Mai, tỉnh Hà Đông, nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cụ được học chữ nho, được bổ nhiệm Chánh cửu phẩn ở Thái Bình, sau làm Xứ mục huyện Kiến Xương, Thái Bình, định cư ở Thái Bình. Cụ là người có đức có tài, được cụ Trần Gia Mỹ, tuần phủ Nam Định yêu mến, gả con gái là Trần Thị Tụy. Ông bà sinh được một trai, hai gái. Bác gái tôi là Mai Thị Ước, bố tôi là Mai Xuân Bá, cô tôi là Mai Thị Kết. Cô tôi mới sinh còn bú mớm thì bà nội mất, bác tôi nuôi cả bôi và cô tôi từ thuở bé. Bác tôi có chồng mất sớm, có một con gái là Hà Thị Nữu cùng tuổi với cô tôi. Sau khi ông nội tôi mất một thời gian, bác đành giao con gái cho nhà chồng rồi đưa hai em và mộ bố mẹ về quê, sau khi lo an táng cho bố mẹ và thu xếp cho hai em có người nuôi dưỡng tử tế rồi mới đi tha phương kiếm sống. Tôi rất biết ơn bác tôi. Sau này tôi rất quan tâm đến chị Nữu và các con cháu.

Sau khi sinh bác tôi một thời gian mà vẫn không sinh tiếp được con trai, ông nội tôi có lấy vợ hai sinh được một con trai là chú Mai Xuân Phan. Sau đó ba năm thì bà nội tôi sinh được bố tôi. Chú Phan đông con cháu, đều trưởng thành, có một em Mai Xuân Diệu là liệt sĩ, em làm chính trị viên đại đội, hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977. Hai gia đình từ trước tới nay vẫn giữ quan hệ thân thiết anh em một nhà.

Bố và cô tôi thuở bé được bác họ nuôi nhưng quá cực khổ, được ông cậu em bà nội là cụ Trần Lưu Thành làm tri huyện đem về nuôi cả hai anh em. Cụ Thành là con cụ Trần Gia Mỹ, cháu cụ Trần Gia Chiếu, thượng thư bộ Lễ có công đánh giặc, mộ cụ ở chợ Châu Long được nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Cụ làm quan thanh liêm, gia đình đông con (chí người) nên đời sống không dư dật lắm. Bố tôi thuở bé có được đi học, nhưng khó khăn nên phải sớm ra đời kiếm sống.

Mẹ tôi là Lê Thị Kỳ, quê ở phường Phú Hội thành phố Huế, bà ngoại là Tôn Nữ Thị Lựu quê ở Bằng Môn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Ông bà ngoại mất sớm, mẹ tôi được bà dì là Tôn Nữ Thị An nuôi. Em bà An là bà Bùi Huy Tín, giám đốc nhà in Đắc Lập ở Huế. Cụ Bùi Huy Tín quen thân với cụ Trần Lưu Thành, hai người gả con, cháu nuôi cho nhau, nhờ đó bố mẹ tôi người Bắc người Trung lại gặp nhau nên vợ nên chồng. Bố mẹ sinh được bốn chị em ở Hà Nội, chị đầu mất khi còn nhỏ, anh tôi là Mai Xuân Tảo, em gái tôi là Mai Thị Hương. Để thu nhập được khá hơn, cả nhà di chuyển vào Huế, bố làm thư ký kế toán nhà in Đắc Lập của cụ Bùi Huy Tín, mẹ buôn bán nhỏ ở nhà. Thời gian đầu chỉ đủ ăn và cho các con trai đi học, con gái chưa học xong tiểu học đã phải đi làm với mẹ và đi lấy chồng. Con càng ngày càng đông, mẹ sinh chín lần, chỉ nuôi được bảy. Bốn con đầu là đặt tên là Tảo, Tần, Cần, Kiệm, làm phương châm sống mà vẫn không đủ, chưa có nổi một nếp nhà tranh. Cả nhà phải đi ở thuê, nhưng mấy bà chủ quá khắc nghiệt, chịu không nổi phải dời đi chỗ khác đến 11 lần trong thành phố Huế. Cho đến khi anh tôi đậu bằng Thành chung phải bỏ ngang đi làm, bố mẹ dành dụm được ít tiền, lại gặp may trúng số mới mua được một ngôi nhà lá, nay vẫn giữ làm nơi thờ cúng.

Chẳng may đến năm 1943, nhà in vỡ nợ. Bố tôi mất việc, cuộc sống càng khó khăn. Bố tôi phải đi xa kiếm việc làm, quá vất vả, người gầy gò ốm yếu, suy sinh dưỡng, lâm bệnh, mất sớm lúc mới 53 tuổi. Anh em tôi rất thương bộ mẹ và ân hận không làm gì được để đỡ đần cho gia đình. Lúc đó năm 1953, chúng tôi đã thoát ly gia đình, đang thời chiến tranh. Mẹ tôi làm lụng vất vả, trông già hơn tuổi, vẫn tiếp tục kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ ở nhà như làm thêm cau khô hay gồng gánh đi mua chợ này bán chợ khác nuôi các em ăn học.

Bố mẹ thật hiền lành, hay thương người, không khi nào đánh con cái. Chỉ có một lần tôi làm cháy nhà, bố gọi vào đánh mấy cái thước vào mông mà tôi thấy bố đau hơn là tôi. Đặc biệt bố tôi trong bất cứ việc gì dù là công việc, chăm sóc con cái hay đối xử với bạn bè, hàng xóm, láng giềng cũng đều hết sức chu đáo, cẩn thận. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy bố mẹ làm lụng lo cho đàn con ăn học. Họa hoằn mới thấy bố mời hai ba người bạn rất thân đến ăn cơm cùng cả nhà. Những lúc như thế, mẹ làm vài món Bắc, cả nhà cùng ăn rất vui vẻ ấm cúng. Chúng tôi ai cũng thấy thật hạnh phúc, Tuy khó khăn vất vả như vậy mà tôi không khi nào thấy bố mẹ than vãn, cáu gắt hay to tiếng với bất kỳ ai, bà con lối xóm ai cũng thương mến, cùng giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Sau này chúng tôi mới biết khi hai anh em tôi đi hoạt động cách mạng, mọi người trong xóm đều biết nhưng ai cũng giữ bí mật và bảo vệ cho gia đình được an toàn ở trong lòng địch.

Đối với chúng tôi, bố mẹ là một gương sáng về tình nhân ái, về trách nhiệm và tình thương đối với gia đình, về ý chí tự lực tự cường, lao động không mệt mỏi, về lối sống trong sáng, lương thiện, ở trong lòng địch mà không khi nào làm gì cho chúng.

Sau ngày giải phóng gặp lại mẹ, tôi mới biết sau khi bố mất, một mình mẹ cùng em gái đã lấy chồng vẫn ở với mẹ lo nuôi hai em trai và một em gái ăn học đến khi đều đỗ đạt. Em trai lớn là Mai Xuân Kiệm đang học đại học thì bị gọi đi lính. Em nghĩ không thể đứng vào hàng ngũ kẻ thù để đánh lại hai anh mình nên đã tìm cách trốn lính. May nhờ ông thầy thương mới cho sang Pháp học tiếp. Vì không đủ tiền để học nên em phải đi làm kiếm sống, nhờ đó có giúp được mẹ và các em qua buổi khó khăn. Sau này các em đều đỗ đại học và ra làm nghề dạy học cả.

Hai anh em cố gắng làm tròn chữ hiếu với mẹ được hai năm nhưng không cố gắng được hơn nữa vì mẹ đã từ giã chúng tôi ở tuổi tám mươi – Tám mươi năm, một đời mẹ đã nếm trải biết bao nhọc nhằn, chỉ lấy việc lo cho các con thành đạt làm hạnh phúc. Chúng tôi vô cùng biết ơn mẹ, lòng xót xa khi chúng tôi đã thành đạt, có điều kiện lại không được chăm sóc mẹ nữa. Không đền đáp hết công ơn của bố mẹ, tôi dồn cho cô tôi. Đời sống của cô tôi thật sung sướng nhưng cũng thật bất hạnh: cô không có con (do chồng). Có lần cô đã vào Huế xin bố cho tôi làm con nuôi, nhưng tôi không chịu. Trước khi chồng cô qua đời ít lâu, ông đã đến nhà chúng tôi nhằm gửi gắm cô cho chúng tôi. Chúng tôi đón cô về ở chung, phụng dưỡng như mẹ của mình suốt 20 năm. Trong một gia đình lớn “tứ đại đồng đường”, cố sống rất vui vẻ, khỏe mạnh cho đến khi mất, thọ 95 tuổi. Trong họ ai cũng bảo cô lúc nào cũng hạnh phúc nhất và thọ nhất trong họ Mai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:29:26 am »

*
*   *

Chín tuổi tôi mới học lớp năm (lớp một bây giờ) ở trường Đông Ba vì gia đình tôi mới từ Bắc vào. So với các bạn cùng lớp, tôi có vóc dáng hơi nhỏ con nên đôi khi bị các bạn có tính hung dữ bắt nạt. Còn về học tập, có lẽ do tôi lớn tuổi nên láu lỉnh và tiếp thu nhanh hơn các bạn. Thuở ấy tôi đã gây không ít lo âu cho bố mẹ vì sự vô tư, hồn nhiên, nghịch ngợm “như quỷ” của mình. Tôi còn nhớ như in chuyện có lần trèo lên cây mít bị ngã đau điếng, sau này anh tôi kể lại rằng anh đang ngồi trong nhà chợt nghe một tiếng “bịch” rất to, anh nghĩ:”Chà quả mít to quá!...”. Tai hại hơn là lần tôi xem con gà ấp, tôi muốn đuổi nó đi, bắt nó ra mấy lần nó cũng không sợ, một mực quay lại, bảo vệ ổ trứng của nó. Tính tôi lại muốn làm gì thì tìm cách làm bằng được. Tôi dùng biện pháp mạnh, lấy lửa đốt ổ gà, lửa bốc nhanh lên mái tranh. Bác hàng xóm trông thấy bèn hô to: “Cháy, cháy!”, vưa hô vừa chạy vào dập lửa. Phải mấy bà con bên cạnh đến nữa thì mới dập được lửa. Thật hú vía! Lần đó là lần đầu và cũng là lần cuối bố phạt tội tôi bằng mấy roi thước. Kỷ niệm đó đã để lại trong tâm khảm tôi một dấn ấn không bao giờ phai mờ, luôn nhắc nhở tôi trong suốt cuộc đời về tính chu đáo cận trọng và tránh hồ đồ trong mọi công việc.

Những năm sau, từ lớp ba đến lớp nhất (tiểu học), tôi được chuyển sang trường Kê-nhếch, gần nhà hơn. Tôi vẫn học đều đều mỗi năm một lớp. Thời gian này tôi đã có mấy bạn thân: bạn Xu, Tý, Mường… Chúng tôi đi cùng đường, cùng chơi, cùng học. Sau này, nhiều lần gặp nhau trong công tác, nhắc lại thời thơ ấu, ai cũng vui, như chuyện bạn Xu cứ chiều thứ bảy, tan lớp đã thấy bạn đến nói nhỏ với chúng tôi: “Mình vệ đò đây!”. Chúng tôi hiểu ngay và chia vui với bạn.

Qua bốn năm trung học, tôi học ở trường dân lập Hồ Đức Hàm, rồi trường Việt Anh. Hồi đó chỉ có một trường Quốc học là công lập. Chúng tôi không thể chen chân với các cậu ấm con quan và con nhà giàu. Càng ngày tôi càng nhận ra sở thích của mình – Tôi rất ham đọc truyện: thích nhà văn Nguyễn Công Hoan với tấm lòng sẵn sàng chia sẻ nỗi đau, những bất công mà dân nghèo phải gánh chịu, thích thơ văn trào phúng, hài hước của Tú Xương; thích cái trữ tình, lãng mạn của Xuân diệu và cũng rất thích những người hùng của Lê Văn Trương… Tôi cũng đọc nhiều tác giả nổi tiếng của Pháp, từ đó tôi hiểu và thông cảm với nhân dân Pháp, học cũng mang những nỗi vui buồn như ta, cũng những cái cao đẹp và những thói hư tật xấu, những bất công xã hội như ta. Những văn hào như: Victor Hugo, La Fontaine, Molière và Lamarrtine… đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tôi.

Tôi cũng bắt đầu cảm thấy bị hấp dẫn bởi các trò thể thao. Tôi có thể chơi đủ các môn; điền kinh, dụng cụ, bơi lội, xe đạp,… Chiều nào, sau giờ học, tôi cũng ghé vào sân vận động Xép bên cạnh cầu Tràng Tiền, tập đến khi thành phố lên đèn mới về. Có ngày chiều đi học về, tôi rủ bạn qua đò ngang đến Phú Văn Lâu đi lên bến tắm, bơi một vòng qua sông Hương rồi mới về. Người ta tổ chức thi môn gì tôi cũng thi, không nhằm đoạt giải mà chỉ để rèn luyện và vui chơi với bạn bè. Trong thể thao, tôi chơi với bạn Khánh rất thân. Khánh hơn tôi một tuổi, học cùng lớp nhưng khác trường. Khánh rất giỏi điền kinh, lại đá bóng giỏi, thân người nở nang rất đẹp. Tôi luôn cố gắng để học tập Khánh về những khoản này. Thời gian sau, Khánh đi học ở Phan Thiết và ra làm huấn luyện viên thể dục thể thao.

Trong các môn học tôi mê nhất là Toán và Lý, đặc biệt là Toán. Trong lớp, dần dần tôi nổi tiếng học giỏi Toán, không ai đuổi kịp tôi. Hè đến tôi mượn tập của các anh lớp trên xem trước, làm hết các bài toán theo sách giáo khoa. Đến khi thầy giảng, tôi nghe kỹ càng hiểu sâu hơn, lại có thời gian làm các bài toán mẫu khó. Tôi tìm các bài toán khó cố giải bằng được. Có lần, gặp bài toán khó quá, làm ba bốn ngày vẫn chưa tìm ra kết quả. Sáng hôm sau, khi mới tỉnh giấc, tôi lại nghĩ đến nó, tự nhiên trong đầu lóe lên một cách giải. Tôi vội ngồi dậy, châm đèn vẽ ra giấy thì tìm thấy ngay đáp án.

Năm đệ tứ ở Huế có hai học sinh giỏi được chọn (được chọn trong tất cả các trường ở Huế) đi tham quan Sài Gòn miễn phí: một là học sinh ở trường Quốc học, một là tôi. Không có áo quần chỉnh tề, tôi phải mượn của bạn Khánh. Một đồng xu dính túi cũng không nhưng tôi cố tỏ vẻ không kém gì ai. Đây là lần du kịch xa nhà đầu tiên của tôi. Chuyến đi thật vui vẻ, thú vị, và tôi có dịp làm quen với nhiều bạn học giỏi từ Bắc chí Nam, được tham qua nhiều cảnh đẹp, mới lạ, thêm Hội chợ, khu Đại thế giới… Sài Gòn thật quả nhộn nhịp so với cảnh yên bình ở Huế.

Trong lớp, thầy Khánh dạy Toán rất quý tôi. Tôi cũng rất thích phương pháp dạy học của thầy. Mỗi lần giảng xong, thầy lần lượt ra một loạt bài vận dụng từ dễ đến khó. Mỗi lần ra đề bài xong thầy để mấy phút rồi hỏi:

- Qui voit? (ý hỏi ai biết).

Thầy nhìn một loạt quanh hết lớp rồi mới nhìn chỗ tôi. Thầy biết nếu cả lớp không ai giơ tay thì cuối cùng tôi sẽ giơ tay. Bằng phương pháp đó thầy đã động viên học sinh thi đua học tốt, ai được lên bảng giải toán cho các bạn xem đều thấy rất vinh dự lại được điểm cao. Về nhà các bạn còn tìm những bài khó đố nhau. Hết năm học, khi ghi học bạ cho tôi, thầy hết lời khen. Thầy viết chữ nhỏ hơn, viết chồng lên mấy ô mà chưa ghi hết ý.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:29:45 am »

Sau này thầy Khánh cũng vào bộ đội. Có nhiều lần thầy là cấp trên trực tiếp của tôi, lúc ở đơn vị, lúc ở cơ quan. Giữa thầy và tôi nay thêm tình đồng chí đồng đội, nhưng tình thầy trò và tình đồng hương vẫn không phai mờ. Anh em cùng công tác với thầy đều rất quý mến thầy. Thầy lâm bệnh vì nhiễm chất độc hóa học khi ở chiến trường nên mất sớm. Anh em cán bộ rất thương tiếc một cán bộ quân sự có tài và rất nhân hậu, gương mẫu.

Học Vật lý tôi thích nhất là giờ thực hành. Ngoài giờ thực hành ở phòng thí nghiệp, tôi thường đem những điều học ở lớp về vận dụng ở nhà. Chương trình học môn điện rất nhiều. Tôi vận dụng những điều đã học để làm hết mọi việc trong nhà như một người thợ điện: từ sửa đồ điện đến lập các mạng điện trong nhà, mắc hay sửa đồ điện cho hợp với điện thế của đường phố.

Thi Thành chung năm 1942-1943, đề thi Toán có hai bài, trong đó có một bài Hình học. Đề thi cho một tứ giác chéo ABCD. Tôi vẽ theo thứ tự đó đã làm mấy phút không ra, tôi vẽ theo thứ tự ACDB thì tìm ngay ra cách giải. Tôi giơ tay xin phép thầy coi thi rồi lên bàn thầy nói:

- Thưa thầy đề thi sai. Thầy mắng:

- Idiot, à votre Place! (Đồ ngốc! Về chỗ).

Tuy biết sai nội quy nhưng sợ các bạn không làm được bài, tôi mới đánh bạo lên cho thầy hay, mong thầy giải thích cho các bạn rõ. Nhưng thầy chẳng màng để ý, tôi đành chịu.

Làm xong bài tôi chưa nộp ngay. Tôi vẽ thêm ra hai tờ nháp, để rộng sang hai bên cho hai bạn ngồi gần xem. Nhưng khổ thay các bạn không hiểu ý nên năm đó toàn trường chỉ có tôi làm đúng hai bài với điểm 19¾ trên 20. Thầy giải thích: “Em đáng được 20 nhưng còn để ¼ là của thầy vì không ai được ngang thầy cả”.

Năm đó khi thi Địa lý Pháp tôi cũng có kỷ niệm. Môn này tôi rất lơ là. Đề thi chỉ gọn một chữ: “Les Alpes” (Hãy nói về dãy núi An-pơ). Tôi cố moi óc để viết cho được 12 dòng không sai để tránh bị “trứng” và vẫn đỗ, vì với Toán – Lỹ tôi đã lấy đủ điểm rồi (hai môn này hệ số cao nhất: 3 và 2). Tôi không nhớ nổi thầy đã giảng những gì. May sao tôi nhớ ra tôi đã đọc truyền “Le Berger” (Người chăn cừu – trên dãy núi An-pơ” (hình như của Anphonse Đauet). Tôi lược trong đầu các đề mục của một bài Địa lý, rồi lần lượt, tôi rút từng điểm trong quyển tiểu thuyết ra để kể. Lúc này tôi chỉ còn mong ông tác giả cứu tinh của tôi đã nói đúng thực tế về núi An-pơ mà không quá hư cấu! Cuối cùng tôi cũng được điểm 10/20.

Trong những năm học trung học tôi có thêm hai bạn mới là Trần Phú Tuyển và Hoàng Quý. Tuyển có chị tên là Hàm, chị đã lớn tuổi, cùng học một lớp, coi chúng tôi như em trai. Ngày nghỉ, chúng tôi thường sang nhà Tuyển chơi, nhà ở Vĩ Dạ ngay bờ sông Hương rất mát, có bến tắm sạch, có thuyền bơi. Vĩ Dạ cũng là nơi rất nên thơ, là điểm hẹn tình yêu của các thi sĩ. Mỗi lần đến chơi, chúng tôi có một chương trình riêng theo ngẫu hứng. Có lần nguyên cả buổi, bọn tôi chỉ có một việc là: Bơi! Một người đề xướng: Hôm nay ta bơi quanh Cồn Hến. Mọi người nhất trí ngay. Chỉ cần có mấy chai nước bỏ lên thuyền đẩy theo, thế là cả ba nhảy ùm xuống sông bắt đầu cuộc hành trình kỳ thú, bơi khoảng hơn ba ki-lô-mét: một vòng qua chợ Dinh rồi vòng lên Đập Đá là về đến nhà. Thỉnh thoảng, chúng tôi chỉ dừng lấy nước uống, không ai chịu thua lên thuyền nghỉ cả. Về nhà vừa đói khát vừa mệt nhưng vẫn cười đùa. Chị Hàm biết ý, đã bày sẵn mấy bát chè ra bàn. Không thấy ai “làm khách” cả, ngồi xuống bàn “giải quyết” ngay.

Sau này Tuyến đi chuyên sâu về lý luận chính trị, rồi làm giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc 2,. Tôi gặp lại Tuyển nhiều lần: khi thì ở chiến trường lúc chiến tranh phá hoại ác liệt, khi thì cùng học ở Liên Xô, lại có thời gian dài cùng làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Hoàng Quý thì chuyên sâu ngành Toán. Cả ba anh em Hoàng Chúng, Hoàng Quý, Hoàng Tụy đều giỏi Toán, học cao và trở thành cá giáo sư chuyên dạy học và nghiên cứu về Toán học. Tuy Quý thường làm việc ở hậu phương nhưng chúng tôi thường gặp nhau vì tôi đi đâu rồi cũng quay về Hà Nội, nơi ở của gia đình mình. Đến khi nghỉ hưu, hai người lại cùng ở trong Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ai đi Hà Nội cũng đến thăm Tuyển và thông báo tin tức cho nhau. Đó là tình bạn chân thật, trong sáng và thủy chung nhất trong tuổi thanh xuân của tôi. Tình bạn ấy đã bền vững suốt cả cuộc đời.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:30:13 am »

Sang năm thứ nhất “Tú tài 1” tôi vẫn học ở Việt Anh. Chương trình Tú tài 1 học hai năm nhưng tôi học một năm đã đi thi vì sang lớp này được thi tự do. Tôi tập trung học để “thi viết”, nếu đậu thì tôi còn ba tháng hè để học “thi vấn đáp”. Đậu phần thi viết rồi tôi cố gắng học ngày học đêm để thi vấn đáp luôn vì môn chính tôi đã vững vàng rồi.

Vào vấn đáp, học sinh rất ngại vì năm này chương trình đổi mới có thêm Lượng giác, Hình không gian cũng đáng gờm, lại gặp ông thầy Tây lạ ở trường khác đến hỏi bài. Đặc biệt thầy không hỏi lý thuyết mà chỉ cho giải toán, trông dáng thầy có vẻ rất “hắc”. Khi tôi vào lớp thấy học sinh ngồi đông nhưng im phăng phắc, chưa ai dám lên “nổ phát pháo đầu tiên”, còn chờ xem rút kinh nghiệm để chuẩn bị một cuộc đấu tranh gay go! Tôi vào ngồi yên chỗ, giơ tay, thầy gọi lên, chỉ trên bàn mấy đề thi để sẵn. Tôi cầm một tờ đưa cho thầy xem rồi thầy đưa lại cho tôi. Tôi ra giữa bảng đen, cầm phấn chép đề thi lên bảng, vừa viết vừa suy nghĩ cách giải, tôi nhận thấy đó là bài toán phương trình lượng giác thuộc dạng tôi đã biết, có thông số phải lưu ý phần biện luận. Kiểm tra đề xong, tôi bắt đầu làm ngay, nói đến đâu viết đến đấy, cuối cùng ghi lời giải và đóng khung lại. Tôi bỏi phấn xuống bảng, đứng thẳng người, nhìn thầy nói:

- Thưa thầy, em xong rồi ạ!

Thầy nói luôn:

- Très bien! Dix sept (Rất tốt, em được 17 điểm).

Tôi đi xuống chỗ ngồi, các bạn nhìn tôi cười, mừng cho tôi. Được điểm đó, tôi thấy vững tâm, quyết thi xong phần vấn đáp luôn. Thế là tôi thực hiện được kế hoạch của mình. Nghỉ hè không phải lo thi nữa.

Nhưng tôi lại có mối lo mới. Anh tôi biết tôi thi xong mới nói chuyện với tôi:

- Bây giờ khó khăn quá, một mình anh không chu cấp nổi cả nhà. Tần nên đi làm để giúp thêm gia đình.

- Anh ạ - Tôi trả lời – Nếu bây giờ em đi làm thì chưa có nghề ngỗng gì, không giúp gia đình được bao nhiêu, kéo dài thế này vẫn khổ. Em đề nghị thế này: Cho em tiếp tục học để có được cái nghề. Em sẽ đi dạy thêm, làm gia sư… đỡ gánh cho anh và giúp thêm chút ít cho gia đình.

Mùa hè đó, tôi bắt đầu dạy thêm. Tôi tập trung được mấy em cùng lớp đến học nhà tôi, ngoài ra còn dạy thêm cho mấy cô gái lớn hơn tại nhà. Mấy em này chỉ học kém tôi có một hai lớp, nghĩa là chỉ kém tôi và ba tuổi. Lúc dạy gọi nhau là thầy trò, nhưng đôi bên còn ngượng ngùng, e thẹn. Em Thu Hương thì có nét nhu mì của cô gái Huế, còn Xu-ri Thọ thì còn bạo hơn “thầy”.

Gần hết hè, tôi nhận làm gia sư để kèm cho các con ông Tôn Thất Tùng, cán bộ kỹ thuật giao thông công chính nhà ở gần trường Quốc học, tôi có thể đi bộ đến trường. Trước trường có bến tắm sạch, chiều chiều tôi có thể ra sông bơi. Tôi phải ở nhà ông Tùng ăn cơm và nhận một món thù lao nhỏ vì phải kèm bốn em có trình độ khác nhau, từ đệ tứ trở xuống. Chỉ ngày chủ nhật tôi mới về thăm nhà, có khi bận cũng thôi. Hàng đêm phải kiểm tra bài, hướng dẫn riêng từng em. Các em trai là Đường, Bằng, Tiêu trình độ yếu, phải mất nhiều thời gian hơn. Em gái là Hà học khá và tiến bộ nhanh. Qua một năm học, tôi đã trở thành người thân trong nhà, ai cũng đối xử rất tốt với thầy nhưng lòng tôi vẫn ngầm giữ mặc cảm, thấy không bình đẳng thoải mái. Điều đó làm cho tôi có chiều sống với nội tâm.

Nghĩ lại, tôi thấy không phải mình không biết rung động, vậy thì sao ở tuổi mười tám, đôi mươi ấy lại không có một mối tình nào? Thật ra, tôi cũng có để ý vài người thật dễ thương, nhưng tôi chỉ coi như em gái, vì tôi nghĩ rằng do hoàn cảnh của mình, tôi không thể lấy ai được. Vì vậy, tình cảm của chúng tôi chỉ dừng ở lại những chuyện thơ mộng mà thôi. Có một việc thấy cần nói ra đây. Một bạn thân của tôi sau ngày giải phóng miền Nam, nói riêng với tôi: “H, em mình, chờ Tần cho đến bây giờ đấy!”. Tôi bất ngờ quá! Tôi có ngờ đâu ngày xưa đến chơi nhà bạn nhiều, coi em như em gái, không ngờ để em hiểu lầm đáng tiếc như vậy.

Đến năm thứ ba trung học (3è secondaire), tôi mặc nhiên được vào học trường Quốc học Huế. Lớp này có hai khoa: Toán và Tiết học (chúng tôi gọi tắt là: “Mát” và “Phi-lô”). Chọn vào khoa nào là đã hướng nghiệp cho đời mình. Học Triết sẽ theo hướng học Luật để ra làm quan. Tôi vốn rất ghét làm quan vì ảnh hưởng hình ảnh quan huyện hoặc quan tham là các vị đại quan liêu, gây ra bất công cho xã hội. Học khoa đó không ra làm quan thì đi học trường thuốc để ra mở bệnh viên tư hoặc nhà thuốc tư. Tôi thì lại không có vốn. Chịu nhục đi “đào mỏ” như một số bạn thì tôi lại càng không ham. Cuối cùng, tôi chọn khoa Toán. Không phải chỉ vì mê Toán mà chủ yếu là tôi thấy nó phù hợp với nguyện vọng của mình: tôi có thể chọn được một nghề tương đối tự do làm ăn lương thiện và thực hiện được hoài bão làm một công trình gì đó để lại cho đời sau.

Khóa học của tôi diễn ra vào thời kỳ đang có chuyển biến lớn. Sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) đã cắt niên khóa chúng tôi ra hai thời kỳ có thể thay đổi lớn cả về nhân sự và chương trình học. Thời gian đầu là thầy Pháp và thầy Việt dạy bằng tiếng Pháp. Chương trình có Sử, Địa Pháp, Văn học Pháp, trong lớp có cả học sinh Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:30:32 am »

Tôi ngồi cạnh một bạn học người Pháp, tôi không thích anh ta vì anh ta học thường thôi nhưng được các thầy thương. Bản thân tôi lại bị một thầy Pháp “trù”. Thầy “B” dạy Sử Pháp, tôi học không chút hứng thú vì nhiều chuyện không chấp nhận được nhất là khi nói đến công lao của nước Pháp đối với Việt Nam. Tôi trả bài kém, thầy “trù”: “Em chỉ học Sử Việt Nam thôi!”. Lần nào đến tiết của thầy tôi cũng bị gọi lên bảng để nhận một điểm kém với lời phê nặng nề làm tôi rất hận.

May các môn chính như: Toán, Lý do thầy Hào, thầy Đôn và thầy Phạm Ái dạy nên tôi vẫn học được tốt.

Khi Nhật đảo chính Pháp, trường chỉ nghỉ một thời gian ngắn lại tiếp tục học. Toàn thầy Việt, dạy bằng tiếng Việt theo sách của giáo sư Hoàng Xuân Hãn soạn. Chúng tôi được thêm thầy Tạ Quang Bửu dạy Lý. Chúng tôi rất ngưỡng mộ học vấn của thầy. Hơn nữa thầy là một nhà trí thức yêu nước, chúng tôi rất tự hào có thêm thầy Bửu vể trường. Chính do mấy tháng học với thầy Bửu mà sau này đã quyết định sự hướng của cả cuộc đời tôi.

Trong lớp này tôi lại gặp hai bạn mới: Lê Văn Chiểu và Trần Kỳ Doanh. Chúng tôi chơi thân với nhau, chơi cùng chơi, học cùng học, nhưng tính nết khác nhau, còn học tập người xưa “Kết nghĩa vườn đào”. Chả là chúng tôi thường ngồi dưới bóng cây đào để học với nhau (gọi là cây đào là gọi theo cách người Huế, ngoài Bắc thì gọi là cây roi). Ra trường ba người đều đỗ cao, tôi đầu sổ. Vào đời, tuy đều vào quân đội, nhưng mỗi người đi một hướng: Chiểu được đi học rồi làm nghề sản xuất súng đạn, Doanh học Hóa rồi chuyên theo ngành Hóa, tôi lại gắn bó sự nghiệp với ngành Tham mưu quân sự. Nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm nhau, giúp nhau cùng thành đạt.

*
*   *

Tôi đã trải qua thời niên thiếu và tuổi thanh xuân một cách thật tươi đẹp và thật hạnh phúc. Tôi nhớ trong quyển Quốc văn giáo khoa thư tôi học hồi đó có câu thật đúng với thực trạng gia đình và bản thân tôi:

Trong đầm gì đẹp bằng sen…
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dòng học, gia đình, học vấn và xã hội đã sinh ra tôi và hun đúc cho tôi một cốt cách riêng từ thuở nhỏ:

Không cam chịu số phận, có ý chí tự lập, vươn lên vượt trên số phận, biết quyết định đúng đắn bằng lý trí, hành động hết mình bằng tình cảm.

Cha mẹ đã cho tôi cái khiếu, học vấn đã bồi dưỡng cho tôi đam mê khoa học, ham học hỏi để tìm chân lý, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Làm gì cũng suy xét chu đáo cẩn trọng, tìm mọi cách cho được hiệu quả tốt nhất, luôn khiêm tốn, không khi nào tự mãn với kết quả đạt được.

Cuộc sống đã cho tôi một tình thương sâu sắc với người cùng cảnh ngộ, một tính cách rất trung thực, rất chân thật.

Ngay từ tuổi thiếu niên đã biết vạch cho mình hướng đi đúng đắn của cuộc sống như các cụ đã dạy: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Đến tuổi thanh xuân lại biết chọn nghề nghiệp đúng đắn để sống được bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình mà không phải đánh mất phẩm chất của bản thân.

Tôi liên tưởng đến một câu thơ của Corneille tôi học từ thời trung học đã nói lên một cách súc tích cảm nghĩ của tôi lúc này:

“La veleur n’attend pas le nombre des annéea”. (Giá trị - con người không tính bằng năm tháng).

Những tính cách đó là hành trang quý báu giúp tôi bước vào đời. Sau này, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, theo từng hoàn cảnh khắc nghiệt mà vinh quang của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, chúng lại càng được tôi luyện, phát triển.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:31:10 am »

VÀO ĐỜI TRONG THỜI KỲ KHỞI NGHĨA SÔI ĐỘNG Ở HUẾ

Tôi tốt nghiệp tú tài Toán vào thời kỳ có nhiều biến động lớn. Trên thế giới Hồng quân Liên Xô đã chiếm Béc-lin, phát xít Đức đã thất bại đầu hàng, chiến tranh đang chuyển sang châu Á, phát xít Nhật là đối tượng chính trị bị trừng trị. Trong nước, Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng đang ở thế thua, chỉ là một quá độ rất mỏng manh. Thành phần có nhiều trí thức, thân sĩ yêu nước tham gia chỉ để làm vỏ bọc đợi thời cơ. Cách mạng đã có ảnh hưởng lớn rộng trong cả nước, Khắp nơi nhân dân đã sẵn sàng đón chờ sự lãnh đạo của cách mạng.

Tôi ra trường không lâu thì được tin ông Phan Anh và thầy Tạ Quang Bửu ra lập Bộ Thanh niên, chuẩn bị mở Trường võ bị Thanh niên tiền tuyến.

Tôi rất tin thầy Bửu. Đó vừa là một người thầy vừa là một nhà trí thức yêu nước. Thầy bảo: “Đất nước ta sẽ rất cần thanh niên có học, có hiểu biết vể quân sự”. Trường này học xong không bắt buộc làm việc cho chính phủ. Được biết thầy Cao Văn Khánh và mấy anh thuộc Tổng hội Sinh viên và Tổng bộ Việt Minh ở Hà Nội cũng vào học. Tôi quyết định xin vào học. Vào trường khi khai giảng, ông Phan Anh đến nói chuyện cũng bảo: Khi ra trường, không bắt buộc làm việc cho chính phủ. Lại được biết có một tổ Việt Minh lãnh đạo trường. Tôi đã yên tâm và chỉ còn lo tập trung học tập và theo các anh để hoạt động.

Sang tháng 7 năm 1945, toàn trường đã được “Việt Minh hóa”. Anh Phan Tử lăng, hiệu trưởng, nguyên là chỉ huy trung đoàn bảo an binh đồng thời chỉ huy bảo an Trung Kỳ, đã được tiếp xúc với anh Lê Tự Đồng, đại diện Việt Minh Nguyễn Tri Phương, và nhận làm theo yêu cầu của cách mạng, đã cho nhà trưởng sử dụng một số vũ khí huấn luyện dùng trong hoạt động chiến đấu và bảo vệ nhà trường. Vũ khí gồm có súng mút (mousequeton) và một khẩu đại liên Hốt-kít. Vài anh có súng ngắn riêng.

Sau ngày Nhật đầu hàng (13-8-1945), việc học tập của chúng tôi ở tại trường chấm dứt. Trường trở thành một trụ sở của Việt Minh Huế.

Toàn trường đã trở thành lực lượng nòng cốt, lực lượng xung kích đi đầu trong mọi công việc, là chỗ dựa đáng tin cậy của Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế, Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ, của Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám.

Đêm đêm, anh em được phân công đi huấn luyện cho tự vệ. Anh Nguyễn Thế Lương, Trung Lập… tham gia đội AS nhưng chưa có nhiệm vụ đi ám sát. Các anh được giao hàng ngày chèo đò trên sông Hương, vận chuyển máy in, tài liệu… từ Bến Ngự đến Vĩ Dạ rồi ngược lại, theo dõi hành động của quân đội Nhật đề phòng chúng đánh úp ngôi trường đã được Việt Minh hóa. Anh Tôn Thất Hoàng tham gia việc kiểm tra canh gác ban đêm của bảo an binh tại các nhà kiều dân Pháp, kiểm soát các con đò trên sông Hương đêm khuya còn qua lại khu vực nhà trường. Đã có lần chúng tôi bắt giữ một chiếc đò chở vũ khí giấu trong những đồ trang sức rẻ tiền, đang ngược lên nguồn sông Hương.

Ngày 23 tháng 8, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố, đại diện chính quyền cách mạng tuyên bố công nhận sinh viên Trường võ bị Thanh niên tiền tuyến đã tốt nghiệp và chuyển thành cán bộ lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế.

*
*   *

Từ sáng 21 tháng 8, chúng tôi thấy hai anh Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương dậy sớm, nai nịt gọn gàng theo trang phục nhà trường, riêng anh Việt đeo một khẩu súng ổ đạn quay có 6 viên đạn, sau mới biết là “đạn thối”. Các anh mang một bao tải dài cuộn lại bỏ lên hai xe đạp buộc chặt vào tay lái, xong hai người gò lưng đẩy xe đi. Thời gian gần đây chúng tôi đã quen việc các anh ra đi như thế, biết là đi làm nhiệm vụ do Việt Minh Nguyễn Tri Phương giao. Theo nguyên tắc bí mật, chúng tôi ai lo việc nấy, không tò mò hỏi gì. Đến hơn 9 giờ, nghe tiếng ồn ngoài phố, chúng tôi ra xem thấy trên ngọn cột cờ nhìn ra Phú Văn Lâu gần chỗ ở của trường, một lá cờ đỏ sao vàng rất to màu tươi rói đang ngạo nghễ bay phấp phới trước cung Vua. Cả thành phố nhân dân đang hoan hỉ reo hò vui vẻ chưa từng thấy:

- Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ sao vàng!

- Cách mạng đã về!

- Dân ta đã độc lập, tự do rồi!...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:31:41 am »

Chiều về anh Việt mới kể lại câu chuyện này. Khi hai anh đang đi đến gần mới thấy cột cờ rất lớn. Nó chiếm một khu vực chừng bốn héc ta. Chân kỳ đài có ba tầng, cao 17,5 mét. Ở giữa là một cột cờ xây bằng bê tông cốt thép. Chu vi cột chừng hai ba người ôm, cao 29,52 mét. Dây kéo cờ là một sợi thừng tròn to bằng cổ tay. Trên ngọn cột cờ có một ròng rọc để đỡ đầu dây. Mỗi lần kéo lên xuống phải dùng sức mạnh của sáu người lính vạm vỡ. Bảo vệ kỳ đài là một tiểu đội lĩnh 12 người, chỉ huy là một “thầy đội”. Gặp thầy đội, anh Việt bảo:

Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa cách mạng chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Các anh cho hạ ngay cờ quẻ ly. Các anh phải thi hành, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước uy thế của cách mạng, thầy đội không có một chút phản ứng:

- Dạ, dạ, các ông cứ ra lệnh!

- Anh cho lính xuống đường, giúp ông bạn tôi đẩy hai chiếc xe đạp và cờ lên đây – anh Việt ra lệnh.

Sau đó, lễ kéo cờ được tiến hành theo đúng nghi thức, sáu lính pháo và thầy đội đứng hàng ngang, anh Lương đứng đầu hàng, sáu lính pháo sẵn sàng kéo dây. Anh Việt đứng ngoài hàng ra lệnh hạ cờ, sau đó kéo cờ và giơ tay chào.

Kể đến đây anh Việt còn nói thêm: “Khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ, lòng tôi rạo rực, máu trong tôi như sôi lên vì tự hào, phấn khởi hồi hộp”.

Chủ trương treo cờ trước ngày khởi nghĩa có ý nghĩa một cuộc tập dượt và thử thách lớn: qua kết quả cuộc treo cờ, sự ủng hộ nồng nhiệt của quần chúng và phản ứng của đối phương, ta đã có thể đánh giá các cuộc vận động cách mạng đã đi sâu vào quần chúng, đối với chính quyền bù nhìn đã đạt kết quả cao, họ không còn khả năng đối phó. Điều đó càng rõ khi sau này đến ngày làm lễ thoái vị, ông lãnh binh đội cận vệ hoàng gia tìm gặp chúng tôi và nói:

- Hôm nọ, hai ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, treo cờ Cách mạng lên cột cờ lớn. Được tin, thi hành nhiệm vụ bảo vệ Hoàng cung, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm rạp dọc thành của Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông. Xin ý kiến Hoàng đế, ngài thét lên và bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, các người mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó”. Nhờ lệnh ấy mà chúng tôi không bóp cò. Hai ông không biết gì cả. Hôm ấy mà Hoàng đế ra lệnh bóp cò thì hôm nay hai ông không còn nữa và chắc chắn hôm nay tôi và vợ con tôi cũng không còn nữa.

Điều còn cần cân nhắc là cô lập bọn Nhật ra sao? Vào thượng tuần tháng 8, tình hình diễn biến rất nhanh: Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Liên Xô tuyên chiến với Nhật, tiến công Mãn Châu, đội quân Quan Đông bị đánh bại. Ngày 13 tháng 8, nhật đầu hàng, 4.500 quân Nhật ở Việt Nam chỉ còn lo cuốn gói. Thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi!

Ngày 23 tháng 8 cuộc khởi nghĩa toàn thành và toàn tỉnh bắt đầu. Trường chúng tôi chia làm ba bộ phận làm nhiệm vụ: Tôi và mấy anh em cùng cán bộ chính trị đi tước vũ khí lực lượng vũ trang và tiếp quản các công sở. Anh Đặng Văn Việt, Ngô Thế Lương đi bắt Ngô Đình Khôi, anh Võ Quang Hồ và Phan Hàm đi bắt Phạm Quỳnh. Số còn lại thành đội ngũ chỉnh tề đi tham gia biểu tình với quần chúng rồi tham dự vào bảo vệ cuộc mít tinh lớn.

Tôi trang phục chỉnh tề, tay đeo băng cờ dỏ sao vàng và mấy anh em tự vệ cùng anh Hoàng Lưu cán bộ chính trị cũng đeo băng cờ đỏ sao vàng, đi giải giáp và tiếp quản Hộ thành, nơi chỉ huy bảo vệ toàn thành nội, sau đó đi tiếp quản các công sở. Đi đến đâu cũng có quần chúng tập hợp đông ủng hộ nhiệt liệt.

Đến gặp ông lãnh binh Hộ thành, anh Lưu nói:

- Chúng tôi thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đến yêu cầu ông chuyển giao việc bảo vệ Hoàng thành cho cách mạng. Vận nước đã đến, mong các ông vui lòng bàn giao để tránh thảm họa cho cả hai bên.

- Dạ thưa quý ngài – ông lãnh binh nói – chúng tôi đã được lệnh tiếp nhận quý ngài để bàn giao êm thấm. Xin quý ngài cứ tiến hành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 08:32:00 am »

Từ đó chúng tôi tỏa đi tiếp quản hết các cửa lớn của Hoàng thành giao cho tự vệ các phường, rồi đi tiếp quản Tam Tòa là văn phòng, nơi làm việc của Nội các, ở đây chỉ có một số nhân viên trực chờ bàn giao, sau đó đi tiếp quản Lục bộ là nơi làm việc của cá Bộ cũng vậy, đều tiến hành thuận lợi. Làm đến đâu chúng tôi niêm phong, thu chìa khóa để giao lại cho Ủy ban khởi nghĩa, rồi giao cho tự vệ trông nom. Các cơ quan quan trọng như Hoàng cung do nhà trường tạm thời bảo vệ.

Theo anh Đặng Văn Việt kể, anh cùng anh Nguyễn Thế Lương vào đồn bảo an binh lấy một xe ô tô. Cùng đi có thêm hai anh Trường Thanh niên tiền tuyến. Đến dinh cơ của họ Ngô, anh Việt và anh Lương vào thẳng nhà chính, lúc ấy khoảng 11 giờ trưa, bố con ông Ngô Đình Khôi đang ăn cơm. Thấy mấy người trang phục chỉnh tề, tay đeo băng cờ đỏ sao vàng, hai bố con đứng dậy ra đón. Anh Việt đưa tay chào theo kiểu nhà binh, đưa một phong thư và nói:

- Vâng lệnh Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế, tôi đến mời hai ông lên gặp Ủy ban khởi nghĩa. Xin mời, xe đã sẵn sàng!

- Dạ, dạ, xin vâng, vì đang ăn dở, xin phép ăn nốt bát cơm!

Sau bữa cơm, hai bố con vào mặc áo the, khăn đóng chỉnh tề ra xe.

Các anh không về Ủy ban khởi nghĩa mà theo kế hoạch đưa thẳng đến nhà giam Phủ Doãn, bàn giao, ký giấy tờ đầy đủ mới ra về.

Nhóm anh Võ Quang Hồ và Phan Hàm cũng hoàn thành nhiệm vụ bắt ông Phạm Quỳnh về tập trung ở nhà giam Phủ Doãn.

Đến chiều, về thực tế, việc giành chính quyền đã xong, kể cả ở các địa phương, ở đâu mọi việc cũng diễn ra thuận lợi, không đổ máu. Đó là kết quả rất to lớn của công tác vận động cách mạng của tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế.

Ngày 23 tháng 8, hàng vạn người ở cố đô Huế đổ ra đường và các vùng lân cận kéo về, mang cờ đỏ sao vàng tuần hành rầm rộ, diễu qua các đường phố. Đi đầu đoàn diễu hành là đoàn quân của Trường Thanh niên tiền tuyến, với quân phục, trang bị súng ống, đội ngũ chỉnh tề. Sau mấy tháng hoạt động, nhân dân thành phố đã hiểu nhiều về các anh lính trẻ này. Họ đều là con em các gia đình trong phố, có văn hóa và có đạo đức, chưa khi nào làm một điều gì gây thiệt hại hay làm mất lòng dân, đã được nhân dân quý mến. Nay lại thấy họ đều nằm trong đội ngũ của lực lượng vũ trang cách mạng, đã có mặt cùng nhân dân trong những ngày trọng đại này. Ai cũng thấy lòng tự hào dân tộc sâu sắc và lòng tin mãnh liệt đối với cách mạng đã đem lại sự đổi thay thực sự cho cuộc sống ngột ngạt trước đó. Đi đến đâu, đoàn quân cũng được nhân dân tụ tập hai bên đường, vẫy cờ chào rất vui vẻ, sôi nổi. Anh em trong hàng quân cũng cảm thấy nhân dân ta đang bước vào một cuộc đời mới, thấy một điều gì thật lớn lao, cao cả đang diễn ra, xúc động không cầm được nước mắt.

Đoàn diễu hành của quần chúng đi về tập trung ở Si-tát Huế để dự cuộc mít tinh lớn biểu dương lực lượng và làm lễ ra mặt Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế cùng chính quyền lâm thời Thừa Thiên – Huế. Đội ngũ của nhà trường làm đội danh dự và bảo vệ mít tinh. Sau khi an tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đại diện chính quyền cách mạng đọc diễn văn và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, tiếng vỗ tay rào rào kéo dài, khẩu hiệu hô vang trời dậy đất.

Ngày 25 tháng 8, Bảo Đại tuyên bố thoái vị.

Ngày 31 tháng 8, lễ thoái vị, giao ấn kiếm của hoàng triều, tổ chức trên cửa Ngọ Môn. Đồng chí Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ Trung ương vào nhận.

Lễ được tổ chức long trọng và cảm động, có quần chúng và Trường Thanh niên tiền tuyến làm đội danh dự đứng ở bãi giữa cột cờ và Ngọ Môn. Trước khi làm lễ cho kéo cờ quẻ ly lên lại, vua Bảo Đại đọc tuyên ngôn thoái vị có câu: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lê”. Lễ kéo cờ quẻ ly xuống rồi kéo cờ đỏ sao vàng lên đã thể hiện từ nay một chế độ hoàn toàn mới đã thay thế cho một chế độ cũ đã lỗi thời. Mọi người tham dự lễ đều cảm nhận một cách cụ thể và dứt khoát sự thay đổi từ chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, độc đoán, bất công sang chế độ cộng hòa, dân chủ, văn minh, tiến bộ. Sau hàng ngàn năm bị đè nén, nay dân ta đã được độc lập, tự do, đã thật sự đổi đời rồi!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM