Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:28:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội  (Đọc 29661 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:17:01 pm »

*
*   *

Năm 1959, nhân dịp Tổng thống Xu-các-nô sang thăm chính thức nước ta, theo thông lệ quốc tế cần có hai sĩ quan tùy tùng phục vụ khách là Tổng thống và chủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi may mắn được chọn làm một trong hai sĩ quan đó. Đồng chí thứ hai là Thao (đã quá lâu tôi nhớ tên không chắc lắm, chỉ nhớ con người), hồi đó anh ấy đang công tác ở Cục Địch vận, rất lịch thiệp và tháo vát, biết giao tiếp hơn tôi nhất là đối với người chưa từng quen biết, giỏi tiếng Anh. Hai người vóc dáng, chiều cao gần như nhau, đều mang quân hàm trung tá, mặc quân phục đại lễ, khá nghiêm chỉnh để phục vụ gần gụi với các vị đứng đầu hai quốc gia. Thật là dịp hiếm có, được ở gần Bác là quá hạnh phúc rồi, nhưng tôi muốn hơn nữa, nên tôi đề xuất với Thao:

- Cậu giỏi tiếng Anh và giỏi ngoại giao, đề nghị cậu phục vụ Tổng thống Xu-các-nô, để mình phục vụ Bác Hồ cho.

Nghe tôi nói có vẻ hợp lý, Thao đồng ý ngay.

Về việc lớn là công tác bảo vệ và tổ chức các cuộc đi thăm… đã có cả một bộ máy có kinh nghiệm, chúng tôi chỉ giữ liên hệ chặt chẽ với các cán bộ phụ trách các việc phục vụ Bác Hồ và Tổng thống cho ăn khớp, không để vấn đề gì thất thố với khách làm Bác phải phiền lòng.

Ta đã tổ chức đưa Bác cùng Tổng thống Xu-các-nô đến thăm một số nơi, đến đâu Bác cũng mời Tổng thống phát biểu, rồi Bác nói chuyện thân mật với mọi người làm cho không khí sôi động hẳn lên, thấm đậm tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước. Tôi chăm chú nghe thấy Bác không nói dài, chỉ nói những việc thiết thực mọi người cần làm, với lời lẽ bình dị, trong sáng, vừa có lý, vừa có tình, đầy sức thuyết phục. Bác nói ngắn nhưng nhiều lần bị gián đoạn bởi những tràng vỗ tay dài và chỉ dừng lại khi Bác giơ tay ra hiệu để cho Bác nói tiếp. Tôi tin rằng những lời Bác dặn sẽ được thực hiện tích cực. Không những thế, sau này tôi được biết những cơ quan được Bác đến thăm, đã ghi những lời Bác dặn thành những bài học trong “sổ vàng” của đơn vị để vận dụng về lâu dài. Về phần tôi, tuy không thuộc các cơ quan đó, nhưng tôi cũng rút ra được những bài học cho đơn vị mình. Tôi không thể kể hết nội dung các cuộc nói chuyện của Bác trong những ngày đó mà chỉ kể một số việc cụ thể mà chưa ai đề cập tới:

Trong những ngày đón tiếp khách, chúng tôi ở luôn trong Phủ Chủ tịch với khách. Không kể tiệc lớn, có bữa ăn “cơm thường” Bác cùng ăn với khách, cũng cho chúng tôi ngồi cùng bàn, tôi ngồi nghe như nuốt từng lớn của bác: thật lịch tiệp và thân tình làm sao! Có những cử chỉ hết sức tế nhị, tôi không kịp hiểu ra: Bác ngồi cạnh Tổng thống, cô phiên dịch xinh đẹp đứng sau vừa nói vừa đặt tay lên vai Tổng thống, anh nhiếp anh vừa đưa máy lên ngắm, Bác liền cầm tay cô gái đặt lên vai mình. Thế là trong tấm ảnh đã có hai tay cô gái đặt lên vai hai người, quả là có nhiều ý nghĩa thật sâu sắc!

Trong khi tôi đang nghe Bác nói và ngắm nhìn cử chỉ của Bác, đột nhiên tôi thấy Bác nhìn sang tôi và nói:

- Sao chú ăn xúp bằng đũa?

Tôi giật mình, một cử chỉ nhỏ của mình Bác cũng nhắc nhở. Thật ra tôi có nghĩ gì để ăn. Để nhận lỗi, tôi nói:

- Vâng ạ!

Và tôi cầm thìa ăn…

Những buổi đi ra ngoài trời, tôi lo chuẩn bị một cái dù thật lớn che nắng cho Bác thật kín. Tôi còn thủ sẵn một hộp quẹt thật nhạy, hễ thấy Bác cầm hộp thuốc lá mở ra là tôi đã đưa quẹt lửa lên mời Bác.

Thấy Tổng thống Xu-các-nô thích văn nghệ, ca múa, có buổi ta tổ chức ca múa trong phòng khách Phủ Chủ tịch. Cả Tổng thống và Bác Hồ cùng tham gia, thấy vậy chúng tôi cũng vào tham gia. Tôi chưa thừng thấy có quang cảnh nào vui vẻ hết mình và chan hòa giữa người đứng đầu một nước với nhân dân đến như vậy. Đến khi kết thúc buổi liên hoan, các cô văn công vã mồ hôi trên má, Tổng thống Xu-các-nô đã có cử chỉ bất ngờ, ông đã rút khăn tay đưa lên thấm mồ hồi cho một cô, lúc này anh nhiếp ảnh lại giương máy quay phim lên nhưng chưa kịp bấm máy thì Bác Hồ đã kín đáo đưa tay ra sau làm hiệu không được quay, Lúc đó không biết có ai nhìn thấy hay không. Riêng tôi, tôi thấy rất tế nhị và cũng rất thú vị. Việc này tôi chưa kể với ai công khai vì tôi hiểu ý theo cử chỉ của Bác là cần giữ kín đáo về ngoại giao. Ngày nay tôi nghĩ là có thể nói được rồi.

Những ngày đi phục vụ gần gũi bên cạnh Bác Hồ, tôi cảm thấy đó là những khoảng thời gian hạnh phúc hiếm có. Tư tưởng phong cách và tình nhân ái bao la của Bác toát ra từ lời nói, cửu chỉ của Bác thường ngày, đối với mọi người. Lời nói của Bác bình dị mà đi thẳng vào lòng người, cử chỉ của Bác là một tấm gương sáng mọi người muốn vui vẻ làm theo. Có lần tôi thấy Bác đi dép thì các bộ trưởng đến dự họp cũng không dám đi giầy bóng nhoáng. Mấy ngày đi phục vụ bác Hồ đã để lại cho tôi một dấu ấn không bao giờ phai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:17:30 pm »

*
*   *

Trong thời gian này, tôi có điều kiện củng cố sức khỏe. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi bị sốt rét nặng dài ngày, gây nhiều biến chứng, cơ thể suy kiệt. Vào Viện 108 điều trị một thời gian không hồi phục, viện trưởng khuyên tôi nên nghỉ, nhưng tôi không tin. Về nhà, tôi tự giữ cho cắt cơn, không để sốt lại lần nào nữa, đồng thời tôi rèn luyện đều đặn, dần dần gan, lách, thận cũng phục hồi được bình thường để tiếp tục công tác.

Tôi cũng có điều kiện học thêm ban đêm về Nga văn và tiếng Trung Quốc mà tôi đã học được một ít với cụ Đông A ở Việt Bắc. Không khí hòa bình nhắc nhở tôi nhớ lại đam mê thời đi học. Tôi lại tiếp tục học đại học ban đêm, nhưng tôi chỉ học được hai năm, qua năm thứ ba đang học nửa chừng thì có nhiệm vụ đi Nam, tôi đành bỏ học, tất nhiên không có gì nuối tiếc. Có điều kiện thì học cho đỡ phí thời giờ thôi mà!

*
*   *

Năm 1955, vợ tôi mới về Hà Nội, lúc đó đã có một con gái đầu lòng. Tôi có dịp bàn kế hoạch gia đình. Trước tình hình yêu cầu đi chiến đấu còn cao, tôi bàn với vợ:

- Cuộc chiến đấu còn dài, để bảo đảm cho gia đình về lâu dài, em cần phải học nữa cho có một cái nghề, chứ không thể trông cậy vào anh được.

Vợ tôi đồng tình ngay.

Những đêm không trực, tôi về giúp vợ học. Lúc đó đã có hai con còn bé. Xí nghiệp của vợ chi cho một căn buồng 9 mét vuông. Trời tối, sau khi tắm rửa, cho con ăn, cho chúng chơi một lúc rồi đi ngủ, vợ tôi trải chiếu xuống sàn học đến khuya. Tôi giúp các việc vặt trong nhà, thỉnh thoảng giúp vợ những bài khó, chủ yếu là giúp giữ vững ý chí, vì cuộc sống đã quá vất vả, tưởng chừng không gắng gượng được nữa. Thế mà trong bốn năm liền, vợ tôi việc xí nghiệp vẫn làm tròn, con cái vẫn lo đầy đủ, mà năm nào cũng xong một lớp, đủ cho kịp lúc Cục Quân y có chủ trương đào tạo cán bộ thì được chọn đi học tập trung chương trình cấp 3 trong 6 tháng để thi vào đại học.

Lớp học ở tận Bắc Giang, gặp lúc tôi phải đi Liên Xô, con phải đem gửi bà ngoại để học. Trước khi đi, tôi lên thăm, thấy ăn uống kham khổ. Tôi ra chợ mua mấy con cá về kho một nồi để mấy chị em ăn dần. Khổ nỗi mình đói nhưng mèo lại đói hơn nên nó ăn tranh gần hết.

Tôi nghĩ, sự cố gắng của con người thật không tưởng tượng được, khi người ta có ý chí, quyết học bằng được 6 tháng xong chương trình cấp 3, mỗi ngày ngủ 3 giờ, thế mà học vẫn nhớ bài, thi vẫn đỗ vào đại học đàng hoàng, không chịu thua các em học đầy đủ thời gian, chương trình.

Xong dịp đó, vợ tôi được về học trường y ở Hà Nội, đã có thuận lợi hơn. Tôi còn ở tập thể cơ quan, phải đưa một cháu vào ở cùng. Khi tôi đi làm việc thì cháu theo các chú tha thẩn chơi. Có lần cháu đi thế nào lọt qua cổng gác rồi đi lang thang ngoài phố. Tôi về không thấy, hoảng quá, vội gọi đến các đồn công an gần đó. Mãi mới thấy một đồn ở cách cơ quan đến hai ki-lô-mét báo về có một cháu tên cu Tí, mặc áo…, biết đúng là con rồi, tôi mừng quá, vội đạp xe ra đón con về. Thật hú vía!

Do thuận lợi hơn, với tinh thần học tập vẫn giữ vững, nên vợ tôi năm nào cũng được là sinh viên tiên tiến và được kết nạp Đảng trước ki ra trường.

Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Gia đình tôi bước vào một cuộc chiến mới.

Tôi đi Nam yên phận một mình.

Ở nhà vợ tôi vừa lo hai con vừa lo công tác, thời chiến phải cấp cứu nhiều, trực nhiều. Thế mà các con vẫn ngoan, đều học khá, về nhà phân công nhau lo việc nhà cho mẹ yên tâm công tác. Vợ tôi luôn được biểu dương phụ nữ ba đảm đang, chiến sĩ thi đua, báo cáo điển hình nhiều lần. Tôi thường biết tin nên rất yên tâm chiến đấu. Tôi nghĩ, những huân chương tôi nhận được ít ra một nửa là công của vợ tôi.

Đến thời gian địch leo thang ra Hà Nôi, cơ quan tổ chức cho các cháu sơ tán mỗi đữa một nơi. Lại thêm khó khăn mới, làm sao đi thăm, làm sao đem quà cho chúng…? Nó ăn ở ra sao? Có xảy ra chuyện gì không…? Con xa mẹ, mẹ lo từng giờ! Những vấn đề tầm thường như thế sao bây giờ trở nên quan trọng lạ thường.

Khoảng năm 1972, trong lúc ở chiến trường căng thẳng vì đang chiến dịch lớn, tôi được một tin vui và một tin không vui. Con gái tôi thì được điểm cao, được đi học ở Liên Xô. Còn vợ tôi được cử đi học nước ngoài mà lại phải từ chối. Hồi đó đi học nước ngoài cán bộ nào cũng mừng vì không những là một quyền lợi được học mà còn là một quyền lợi về kinh tế. Phải từ chối vì ở nhà còn một cậu con trai nhỏ tuổi cũng là một hy sinh đáng kể!

Tôi rất cảm ơn vợ tôi đã lo hậu phương chu đáo giúp tôi yên tâm chiến đấu, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:18:03 pm »

TRỞ VỀ QUÊ MẸ

Tháng 5 năm 1965, tôi được lệnh về làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 325C với nhiệm vụ xây dựng sư đoàn đưa vào Nam chiến đấu.

Tôi về nhận nhiệm vụ ở Thanh Hóa lúc sư đoàn mới có khung cán bộ từ trung đội trưởng trở lên. Ở sư đoàn chỉ có đồng chí Công Trang là Sư phó Chính trị, tôi làm Tham mưu trưởng. Như vậy, trách nhiệm của tôi phải đảm nhiệm là tổ chức đi tuyển quân, tổ chức biên chế, trang bị thành đơn vị, tổ chức huấn luyện để sớm đưa vào Nam chiến đấu, thời gian dự kiến một năm.

Để tranh thủ thời gian, tôi chia cán bộ làm hai bộ phận. Bộ phận chủ yếu cùng tôi lo xây dựng một kế hoạch huấn luyện và chuẩn bị thao trường. Bộ phận thứ hai đi nhận tân binh. Việc đi nhận vũ khí do cơ quan chuyên trách lo.

Về huấn luyện phần chiến thuật, tôi tập trung huấn luyện đánh điểm cao và đánh cứ điểm có công sự dã chiến. Phần kỹ thuật thì học kỹ thuật cơ bản, đánh bộc phá, đánh gần, rèn luyện hành quân xa mang nặng 45 đến 50 ki-lô-gam, làm bếp Hoàng Cầm, giữ bí mật hành quân.

Tôi thống nhất trong chỉ huy, lập một khung cán bộ làm đơn vị mẫu cho tất cả cán bộ xem rút kinh nghiệm rồi huấn luyện cho đơn vị với những cứ điểm mẫu như thật.

Đối với cơ quan tham mưu, tôi giao cho đồng chí Thông – Tham mưu phó giúp tôi, lấy việc xây dựng đơn vị và công tác huấn luyện để hướng dẫn cho từng người và từng bộ phận, phối hợp với nhau làm công việc cho tốt, qua đó mà rút kinh nghiệm để tự học nâng cao trình độ, hiểu nhau hơn và đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Về việc tuyển quân, tôi giao cho từng đơn vị tự đi nhận quân cho mình bằng cách tự liên hệ với địa phương nhận quân để bảo đảm đúng đủ chất lượng cho đơn vị mình, biết trước anh nào đủ điều kiện để xếp làm tiểu đội phó hay trưởng. Quá trình hành quân về đơn vị, cán bộ đã hiểu thêm anh em và đưa anh em dần vào kỷ luật của đơn vị.

Tháng 9 năm 1965, sư đoàn hoàn thành tuyển quân, bước vào huấn luyện, xây dựng đơn vị toàn diện nội dung huấn luyện bao gồm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đảng, đào tạo cán bộ tiểu đội, huấn luyện xong các nội dung theo kế hoạch, rèn luyện hành quân, mang vác nặng, xây dựng sức khỏe dẻo dai…

Tháng 8 năm 1966, sư đoàn hành quân vào chiến trường.

Từ tháng 2 năm 1966, Trung ương và Quân ủy chủ trương mở một mặt trận mới tạo một hướng tiến công mới ở Trị - Thiên. Tháng 4 năm 1966, Bộ quyết định lập Quân khu Trị - Thiên (phiên hiệu mật là B4) tách khỏi Quân khu 5. Tháng 6 năm 1966, Mặt trận Đường 9 (phiêu hiệu bí mật là B5) được thành lập, với nhiệm vụ là: Tạo một hướng tiến công mới của ta vào nơi yếu của địch ở miền Nam, buộc địch phải phân tán lực lượng lên rừng để tác chiến với chủ lực mạnh của miền Bắc, hỗ trợ cho các chiến trường khác, trực tiếp nhất là vùng đồng bằng Trị - Thiên, (ta thường nói là miền Bắc chia lửa với miền Nam) làm cho địch đã bị động càng bị động hơn, ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh ra Bắc nhất là Quân khu 4.

Như vậy chiến trường Trị - Thiên từ nay thành hai mặt trận: phía trước là đường 9 do B5 dùng lực lượng chủ lực là chính; phía sau là Quân khu B4, là chiến tranh nhân dân với lực lượng địa phương dân quân du kích là chính. Trị - Thiên trở thành một hướng chiến lược trọng yếu, có lúc là hướng tiến công chủ yếu, có chủ lực lớn nhất, là nơi đọ sức quyết liệt giữa hai chế độ, hai thế lực ta và địch.

Tháng 2 năm 1966, Bộ quyết định đưa Sư đoàn 324 vào. Sư đoàn 324 được thành lập với các trung đoàn đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở các tỉnh miền Trung thuộc Quân khu 5 từ tháng 7 năm 1955 thuộc quyền chỉ huy của Quân khu 4. Lúc này Sư đoàn trưởng là Chu Phương Đới, Chính ủy là Nguyễn Tiến Lợi. Tháng 5, sư đoàn vào đến nơi, chuẩn bị xong thế trận; tháng 6 bắt đầu đánh, tiêu diệt Đầu Mầu, tây đường 9, kéo địch ra để đánh viện. Sự xuất hiện chủ lực của miền Bắc làm cho quân Mỹ vội vàng đổ quân ra ứng cứu. Chiến sự ác liệt ở vùng Cùa, Cù Dinh Ba De và Miếu Bái Sơn – Đó là trận đầu tiên chủ lực ta đối đầu với quân Mỹ. Sư đoàn 324 là sư đoàn chủ lực miền Bắc đầu tiên vào đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:18:45 pm »

Kết quả ta đã kéo địch ra Trị - Thiên: 11 tiểu đoàn ngụy và 7 tiểu đoàn Mỹ, buộc địch phải tổ chức một Mặt trận Đường 9 kéo dài từ Cửa Việt lên đến Lao Bảo. Từ tháng 8 năm 1966, đường 9 chỉ còn quân Mỹ. Lực lượng Mỹ - ngụy ở Trị - Thiên đã tăng nhanh, tổng số 41.935 tên, có 16.700 Mỹ gồm sư đoàn 3 và một bộ phận sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ.

Ta đã làm đảo lộn bố trí chiến lược của Mỹ. Hai sư đoàn thủy quân lục chiến chúng đưa sang để tăng cường đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển ra Trị - Thiên. Hiệu quả đã tạo điều kiện cho quân dân Trị - Thiên khôi phục được thế ba vùng đã bị địch chiếm trong năm 1965.

Phát huy thắng lợi, Trung ương chủ trương: “Năm 1967 phải giành thắng lợi lớn, để đi đến giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”.

Bộ tăng cường cho Mặt trận Đường 9 (B5) Sư đoàn 325C, hai trung đoàn bộ binh và một số binh chủng. trước khi lên đường, tôi vẫn làm Tham mưu trưởng, đồng chí Công Trang – Phó chính ủy. Sư đoàn được tăng cường thêm đồng chí Chu Phương Đới làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Ân làm Chính ủy. Đồng chí Chu Phương Đới nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, làm Phó tư lệnh B5, nay chuyển về làm Sư đoàn trưởng 325C.

Mặt trận Đường 9 tổ chức hoạt động liên tục cả năm chia ra từng đợt.

Các trận có tác dụng và ý nghĩa lớn là:

- Trận bắn pháo phủ đầu khi Mỹ mới ra đóng điểm cao 241 chưa kịp củng cố công sự, tiêu diệt 1.000 tên, phá 31 pháo lớn (ngày 7 tháng 3 năm 1967).

- Diệt Làng Vây và Cồn Tiên bằng lực lượng đặc công.

- Bắn pháo từ bờ bắc giới tuyến vào Cồn Tiên, Dốc Miếu (29 tháng 3 năm 1967) làm cho địch khiếp đảm.

Giữa tháng 6 năm 1967, Trung đoàn 90 thuộc Sư đoàn 324 do đồng chí Thái Cán làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Võ Dược làm Chính ủy, bố trí trận địa sẵn sàng ở khu vực đường 76 Gio An, đã chiến đấu liên tục 7 ngày đêm (từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7), tiêu diệt 1.300 tên, bắt 35 tên, làm thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, phát triển chiến tranh du kích, giải phóng 22 thôn thuộc Gio An.

Sư đoàn 325C khi mới vào, hoạt động nhỏ tạo thế, đánh địch khi chúng hành quân hay nống ra hoạt động, bao vây tiêu hao Cồn Tiên. Riêng Trung đoàn 2 bắt đầu đánh địch tạo thế vào bao vây sân bay Tà Cơn. Tôi trực tiếp ở hướng này. Lúc này địch đã tăng cường đánh B52 để ngăn chặn ta, nhưng trung đoàn đã dũng cảm vượt qua, đã lần lượt diệt một đại đội Mỹ đang hành quân tập kích diệt một đại đội Mỹ đang đóng quân dã ngoại ở trên đường 9 gần Hướng Hóa và một đại đội ở Nguồn Rào, diệt một đại đội Mỹ ở điểm cao 832, diệt một đại đội 180 tên mỹ ở Động Trị có công sự, tập kích cối vào sân bay Tà Cơn diệt 70 tên, phá hỏng một máy bay. Tuy mới vào chiến trường, địch đánh phá rất ác liệt bằng pháo lớn 175mm, trực thăng vũ trang, máy bay ném bom B52, nhưng các đơn vị đều hoàn thành nhiệm vụ tốt.

Do bị đánh thiệt hại nặng, địch buộc phải tăng quân ồ ạt sang Việt Nam, lên 38 vạn rồi 43 vạn hòng tiếp tục thực hiện kế hoạch đánh nhanh giải quyết nhanh. Chúng phải bố trí thường xuyên ở đường 9: sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ và trung đoàn 26 sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ. Khi bị đánh, chúng phải điều 11 đến 15 tiểu đoàn Mỹ, 7 đến 8 tiểu đoàn ngụy ra tăng cường. Tháng 6 và 7 năm 1967, chúng phải đưa cả ba lữ đoàn tổng dự bị của quân ngụy. Tháng 9 năm 1967, ở đây đã hình thành tuyến hàng rào điện từ Mác Na-ma-ra. Chúng dồn dân từ phía bắc xuống phía nam, tạo một vùng trắng chia cắt chiến trường, nhằm ngăn chặn giao thông Bắc Nam, cắt đứt đường hành lang chiến lược vào Nam của ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:19:11 pm »

*
*   *

Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “… Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định… Bằng phương pháp tổng công kích tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi cao nhất”. Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Trung ương Đảng đã thống nhất quyết tâm của Bộ Chính trị hồi tháng 12 năm 1967.

B5 nhận được chỉ thị đánh mạnh trước từ ngày 20 đến 23 tháng 1 năm 1968 để kéo lực lượng địch, đánh lạc hướng chúng, tạo điều kiện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam trong Mậu Thân 1968.

Bộ tăng cường chỉ huy cho B5: đồng chí Trần Quý Hai – Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy; đồng chí Quang Trung – Tư lệnh Quân khu 4 làm Phó tư lệnh; đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chính ủy.

Lực lượng được tăng cường gồm: Sư đoàn 304 và 320 cộng Sư đoàn 325 có sắn; 4 trung đoàn độc lập có sẵn; 3 trung đoàn cộng một số tiểu đoàn pháo; 3 trung đoàn cao xạ; 3 tiểu đoàn tăng; các đội đặc công, công binh, hóa học.

Phân công khu vực phía tây, Khe Sanh là chính do hai sư đoàn 304 và 325 (trước ngày nổ súng Bộ rút bớt Trung đoàn 1 và 3 thuộc Sư đoàn 325 tăng cường cho Quân khu Trị - Thiên đánh Huế, sư đoàn chỉ còn nắm một trung đoàn và các đơn vị binh chủng trực thuộc. Từng thời gian được tăng cường một số đơn vị bạn để làm nhiệm vụ). Còn lại Sư đoàn 320 và ba trung đoàn thuộc Sư đoàn 324 cũ đảm nhiệm khu vực phía đông, Trung đoàn 27 ở khu đệm chuẩn bị phát triển vào Quảng Trị.

Khe Sanh là khu vực bao gồm phần lớn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nằm trên đường 9. Đường này chạy dài từ Đông Hà qua Khe Sanh đến Lao Bảo, biên giới Việt – Lào qua Sê Pôn, Mường Phìn, Sa-va-na-khét bên bờ sông Mê Kông. Đông giáp huyện Cam Lộ, tây giáp vùng giải phóng Lào; bắc giáp sông Sê Băng Hiên, đường giới tuyến quân sự tạm thời giữa miền Bắc và miền Nam; nam giáp sông Cam Lộ. Địch tổ chức ở đây thành một tập đoàn cứ điểm vững mạnh.

Khu trung tâm là thung lũng Tà Cơn có sân bay, sở chỉ huy và trận địa pháo, chung quanh có các cứ điểm bố trí trên điểm cao để bảo vệ vòng ngoài, do lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ đóng giữ.

Khu Lao Bảo – Làng Vây do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Khu Huổi San do quân ngụy Lào chiếm giữ.

Ngoài ra chúng bố trí một đài quan sát và trạm thông tin trên đỉnh cao của Động Trị (1.009 mét cao nhất ở vùng này) nằm phía bắc Tà Cơn hơn 10 ki-lô-mét do một đại đội Mỹ canh giữ (đã bị Trung đoàn 2 Sư đoàn 325C diệt ngày 9 tháng 5 năm 1967).

Đây là tập đoàn cứ điểm của địch án ngữ ngay cửa ngõ hành lang chiến lược của ta từ Bắc vào Nam theo dãy Trường Sơn, đồng thời là căn cứ lớn tập kết của địch để đánh ra vùng giải phóng của Lào, hòng cắt đôi toàn bộ hệ thống hành lang chiến lược của ta từ Bắc vào Nam Đông Dương.

Do điều bớt lực lượng nên đợt đầu khu Tây chỉ vây Khe Sanh. Ta châm ngòi bằng các trận Tân Lâm, Ca Lu (13 tháng 1), Động Trị (18 tháng 1) do Sư đoàn 325 chiếm để tiến vào bao vây sân bay Tà Cơn. Đêm 20 tháng 1 diệt quận lỵ Hướng Hóa. Ngày 25 tháng 1 chiếm Huổi San. Đêm 6 tháng 2 diệt cứ điểm Làng Vây.

Sư đoàn 325C tiến vào bao vây sân bay Tà Cơn đêm 20 rạng ngày 21 tháng 1 năm 1968. Lực lượng bao vây do Trung đoàn 2 bộ binh, một trung đoàn pháo, một tiểu đoàn pháo ĐKB, một trung đoàn pháo cao xạ, và bốn đại đội súng máy 12,mm. Để bao vây cả bốn phía, Trung đoàn 2 đã đánh chiếm căn cứ 832, điểm cao 635, và điểm cao Không tên phía đông Tà Cơn. Từ ngày 21 tháng 1 năm 1968, hỏa lực pháo cối của ta liên tục bắn phá sân bay và sở chỉ huy; đồng thời bộ binh đánh lấn áp sát sân bay để đánh địch phản kích và chỉ điểm cho pháo binh, bắn máy bay địch tiếp tế, tăng viện, chuyển thương cho Tà Cơn. Ban đêm ta đốt lửa làm hiệu cho máy bay ta thả bom và sân bay và sở chỉ huy của địch.

Trong đợt một, ta thắng lớn ở đường 9, tiêu diệt trên 16.000 Mỹ - ngụy, bắt 233 tên (có 5 cố vấn Mỹ), thu hút kìm giữ 29 tiểu đoàn (có 19 tiểu đoàn Mỹ), giải phóng một bộ phận Hướng Hóa và 8.000 dân, phá gần hết các ấp chiến lược của hai huyện Gio Cam, giải phóng hai vạn dân.

Hoạt động ở Đường 9 – Khe Sanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trị – Thiên giữ được bất ngờ, thắng lớn; ta chiếm Huế, đánh địch phản kích quyết liệt, ta giữ được 25 ngày đêm. Khi Huế bị đánh chiếm, Mỹ không rút được đường 9, phải điều quân từ Sài Gòn, ra ứng cứu cho Huế.

Sang đợt hai ta vây lấn ngày càng áp sát hàng rào bao quanh Tà Cơn. Theo kinh nghiệm của Điện Biên Phủ, ta dùng chiến thuật vây, lấn, tấn, phá, triệt đi đến diệt. Trải qua 50 ngày (từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 31 tháng 3 năm 1968), địch dội xuống mảnh đất vỏn vẹn 30 ki-lô-mét vuông tới 10 vạn tấn bom và hơn 10 vạn quả đại bác hạng nặng cỡ 175mm. Nhưng ta vẫn giữ vững 13 điểm vây hãm. Địch bị buộc phải chui lủi dưới hầm, máy bay bị khống chế: C130 đến tiếp tế tải thương 140 lần liều chết xuống được 40 lần, làm cho chúng khốn quẫn, làm náo động nước Mỹ: “Khe Sanh sẽ là một Điện Biên Phủ với nước Mỹ”. tổng thống Giôn-xơn yêu cầu hội đồng tham mưu trưởng liên quân họp để cảm kết bảo vệ Khe Sanh.

Ngày 1 tháng 4 năm 1968, chúng phải điều quân giải tỏa Khe Sanh, dùng sư đoàn “kỵ binh bay” kết hợp với hành quân Lam Sơn 270” của một chiến đoàn dù tổng dự bị, một tiểu đoàn biệt động quân tương đương 17 tiểu đoàn, có 13 tiểu đoàn Mỹ.

Ta có chín tiểu đoàn chuyển sang trọng tâm tiêu diệt quân viện, vẫn tiếp tục vây hãm Khe Sanh.

Sau 47 ngày đánh viện, từ 1 tháng 4 đến ngày 7 tháng 5 năm 1968, địch bị thiệt hại nặng. Sợ bị tiêu diệt, ngày 9 tháng 7 năm 1968, địch bắt đầu rút khỏi Tà Cơn, đến ngày 15 tháng 7 năm 1968 thì rút hết. Ta chuyển sang đánh địch rút chạy.

Cả hai đợt từ 1 tháng 4 đến 15 tháng 7, ta diệt 5.100 tên (chủ yếu là Mỹ), diệt gọn 10 đại đội Mỹ, tiêu hao nặng năm đại đội Mỹ, một chiến đoàn và hai tiểu đoàn ngụy, bắn rơi, bắn cháy 96 máy bay, phá hủy 46 xe (15 tăng), 31 pháo cối, thu nhiều chiến lợi phẩm – Khe Sanh hoàn toàn được giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:19:38 pm »

*
*   *

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Trị - Thiên – Huế là một trong hai chiến trường trọng điểm của toàn Miền. Nhiệm vụ là: đánh chiếm thành phố Huế và các thị xã, thị trấn, đánh tiêu diệt và làm tan vỡ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng nông thôn, thiết lập chính quyền cách mạng, tiêu diệt và tiêu hao nhiều quân Mỹ; bao vây cô lập chúng, làm cho chúng không ứng cứu được cho quân ngụy; sẵn sàng đánh địch phản kích, đánh cho chúng tổn thất nặng, giữ vững chính quyền cách mạng tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Thời gian bắt đầu vào Tết Mậu Thân năm 1968 (ngày 31 tháng 1 năm 1968). Quân khu lần lượt được tăng cường năm trung đoàn bộ binh trong đó có hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 325C tăng cường từ đầu (Trung đoàn 1 và 3).

Trong khi Sư đoàn 325 chúng tôi đang vây chặt quân Mỹ ở Tà Cơn thì nhận được tin chiến thắng lớn của Trị - Thiên – Huế, điều đó đã cổ vũ cán bộ chiến sĩ của sư đoàn đang chịu đựng bom đạn địch, tiếp tục cầm quân Mỹ diệt Mỹ ở đây để phối hợp chiến trường thật tốt.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân khu chủ trương trọng điểm toàn chiến trường là thành phố Huế, Quảng Trị và Phú Lộc là phối hợp, đánh liên tục thành hai bước: bước một từ ngày 31 tháng 1, bước hai dự kiến từ hè 1968.

Sáng ngày 31 tháng 1, ta đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu bên trong và vành ngoài thành phố, trừ đồn Mang Cá và khách sạn Thuận Hóa, một số nơi ta đánh xong không chiếm giữ.

Đúng 9 giờ ngày 31 tháng 1, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng phấp phơi bay cao trên đỉnh cột cờ trước cửa Ngọ Môn. Từ đó ta vừa đánh địch phản kích nhỏ, vừa phát động quần chúng khởi nghĩa. Anh chị em từ công nhân, lao động, tiểu thương, học sinh, sinh viên, cho đến các tầng lớp khác, đã tiến hành vũ trang quần chúng, nổi dậy như triều dâng thác đổ, diệt ác trừ gian, đập tan ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng từ phường, vạn, đến khu phố. Nhân dân hân hoan tham gia tự vệ, nô nức tòng quân, tiếp tế nuôi quân, tải thương, vận động binh lính địch ra hàng, cùng bộ đội đào giao thông hào, lập chướng ngại vật bảo vệ thành phố.

Một mặt trận “Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình” thành phố Huế ra đời – thành phố đầu tiên được giải phóng ở miền Nam, ra mắt quần chúng đã cổ vũ đồng bào miền Nam, tác động sâu sắc đến hàng ngũ địch và đến cả nước Mỹ.

Sau khi bị một đón choáng váng, địch huy động lực lượng tổng trù bị từ Sài Gòn và từ vùng 1 chiến thuật ra cùng với một số ít rút từ đường 9 về để phản kích giải vây cho Huế, nâng tổng số địch tại Mặt trận Huế lên 23 tiểu đoàn Mỹ - ngụy (có 15 tiểu đoàn Mỹ). Trận chiến hết sức ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng góc nhà, từng điểm tựa, từng góc phố ở chợ Đông Ba, cửa Chánh Tây, cửa Hữu, Thượng Tứ, sân bay Tây Lộc… Mặc dù quân số địch đông hơn ta nhiều lần, hỏa lực địch rất mạnh, nhưng quân và dân ta hết sức kiên cường đánh bại các cuộc phản kích của địch. Có ngày ta diệt trên 1.000 tên Mỹ - ngụy, bắn rơi và phá hàng chục máy bay và xe tăng địch.

Do ta không chiếm được Mang Cá, không chia cắt được địch từ Cửa Thuận lên Huế qua Bao Vinh, nên ta mất dần thế có lợi. Bộ đội ta chiến đấu lâu ngày không được thay quân và bổ sung, có đơn vị tổn thất nặng, trong lúc đó thì địch đã tăng viện rất đông. Mặt khác, sự phối hợp với Huế trong toàn Miền lúc này đã dịu xuống. Sau khi cân nhắc kỹ và được Bộ đồng ý, ngày 25 tháng 2 ta chủ động rút quân sau 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế.

Sau thất bại nặng nề và toàn diện trong Tết Mậu Thân, địch điều động lực lượng mức cao nhất ra Trị - Thiên. Đến tháng 4 năm 1968, lực lượng Mỹ - ngụy đạt con số kỷ lục 14 vạn tên trong đó có 98.000 Mỹ gồm 4 trong số 10 sư đoàn Mỹ ở miền Nam, 1 trung đoàn (tổng cộng 40 tiểu đoàn). Quân ngụy có 42.000 tên gồm 1 sư đoàn và 2 trung đoàn. Vũ khí trang bị có 24 tiểu đoàn pháo (462 khẩu), 11 tiểu đoàn thiết giáp 835 xe, 450 máy bay trực thăng vũ trang.

Chúng thực hiện kế hoạch “quét và giữ” bằng hai biện pháp lớn. Một là quét đồng bằng một cách ác liệt và liên tục dài ngày, sử dụng với mức độ lớn xe tăng, đại bác, máy bay, kết hợp với bộ binh đánh giá có tính hủy diệt nhằm phá cơ sở và đẩy chủ lực ta ra khỏi đồng bằng. Hai là, địch mở cuộc hành quân quy mô lên miền Tây Thừa Thiên (từ ngày 19 tháng 4) với lực lượng 15 tiểu đoàn, có chín tiểu đoàn Mỹ, từ Động Tranh, Tà Lương đến A Lưới (ngày 2 tháng 5) nhằm đánh phá hành lang chiến lược, đẩy chủ lực ta ra xa, nhăn chặn các cuộc tiến công mới của ta.

Chấp hành chỉ thị của Bộ, Thường vụ Khu ủy họp ra nghị quyết tiếp tục chuẩn bị để đánh vào thành phố Huế, đặc biệt đợt tháng 5 năm 1968 phải đánh mạnh để phối hợp với toàn Miền, nhất là Sài Gòn.

Lúc này, Sư đoàn 325C được lệnh của Bộ rút ra để đi vào làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên, chỉ để lại Trung đoàn 3 tiếp tục chiến đấu ở Trị - Thiên. Sau này, khi Trung đoàn 3 trở lại sư đoàn, chúng tôi được biết: Từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1968, cuộc chiến đấu của quân và dân Trị - Thiên - Huế để giành và giữ nông thôn đồng bằng lúc này diễn diễn ra vô cùng quyết liệt, đã đạt được một kết quả đáng kể. Nhiều nơi chiến tranh du kích phát triển cao như tuyến sông Cửa Việt – Đông Hà, cắt giao thông từ Mỹ Thủy đến Diên Sanh, phong trào bắn máy bay ở Phong Điền, hai huyện Phú Vang, Hương Thủy đánh địch áp sát vùng ven thành phố. Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 3 bám ở đồng bằng đánh trả hàng trăm cuộc càn quét của địch. Trong tháng 5 năm 1968, để phối hợp với toàn Miền, ta đánh trên 66 mục tiêu, căn cứ và quận lỵ như ấp 5, Động Toàn, bắn pháo vào Huế, Đồng Lâm, phá nhiều máy bay Mỹ. Các đường giao thông Mỹ Thủy – Hải Lăng, Đông Hà – Mỹ Chánh, Thuận An – Huế bị đánh đi đánh lại nhiều lần, đường Huế - Đà Nẵng bị cắt 10 ngày.

Ở miền núi, ta đánh bại cuộc hành quân lớn của địch, buộc chúng phải rút bỏ A Lưới, diệt và làm bị thương 2.197 tên, diệt gọn 26 đại đội Mỹ, bắn rơi và phá hủy 72 máy bay, phá 30 xe, 33 pháo.

Nhưng thành phố Huế là mục tiêu chính thì ta không tổ chức đánh vào được. Do đó, kế hoạch đề ra không thực hiện được, nhiệm vụ không hoàn thành mà sau đó ở đồng bằng, tình hình xấu đi một cách nhanh chóng. Lực lượng cơ sở bị bộc lộ, ta bị tổn thất nặng cả lực lượng vũ trang an ninh và cán bộ đảng viên ở cơ sở. Quần chúng mất thế, nhiều nơi bị dồn vào khu tập trung, chạy khỏi địa phương, để tránh bom đạn địch, làm cho vùng giải phóng nhiều nơi thành vùng trắng.

Đến cuối tháng 5 năm 1968, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và một số dân quân du kích đều bị bật khỏi đồng bằng, phải rút lên rừng để củng cố. Đến cuối năm 1968, trên thực tế nông thôn đồng bằng đã trở thành vùng kiểm soát của địch.



Thắng lợi lịch sử có ý nghĩa chiến lược to lớn, toàn diện của Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao và là kết quả tổng hợp của cả một quá trình chiến đấu và xây dựng trong những năm trước, nhất là năm 1966-1967.

Rút bỏ Khe Sanh là một thất bại lớn của Mỹ sau thất bại Tết Mậu Thân. Sle-sinh-giơ là bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã mỉa mai:”Tuy chúng ta ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và bắt hội đồng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Nó đánh dấu sự bất lực của Mỹ không ngăn chặn được chiến lược của miền Bắc với nỗ lực cao nhất của đế quốc Mỹ. Nó báo hiệu sự mở đầu cuộc rút lui quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Với thắng lợi Khe Sanh, tiếp sau thắng lợi đánh chiếm thành phố Huế 25 ngày đêm, chiến trường Trị - Thiên – Huế và Mặt trận Đường 9 đã lập được những thành tích có ý nghĩa chiến lược to lớn: Góp phần xứng đáng cùng quân dân toàn Miền đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, phải chịu đi vào đàm phán hòa bình tại hội nghị bốn bên ở Pa-ri, chỉ ba năm sau khi chúng tiến hành “chiến tranh cục bộ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:21:54 pm »

*
*   *

Tôi cùng Sư đoàn 325C vào Tây Nguyên tổ chức một đợt hoạt động nhỏ ở Plây Cần để phối hợp với đợt tiến công tháng 5 ở Sài Gòn. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2 bị ốm, tôi thay mặt trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 2 tiến công diệt 200 địch ở Ngọc Hồi (điểm cao 832). Chúng tôi được lệnh để lại hai trung đoàn, còn trở ra Trị - Thiên nhận nhiệm vụ mới. Ra đến Trị - Thiên, chúng tôi nhận hai trung đoàn 1 và 2 cũ của 324 cùng Trung đoàn 8 bộ binh, tổ chức thành một sư đoàn lấy tên mới là Sư đoàn 324, mật danh là Đoàn Ngự Bình – tên một ngọn núi đẹp ở ngoại ô thành phố Huế, làm kỷ niệm

Tháng 8, tôi về công tác ở Quân khu, làm Trưởng phòng Tác chiến rồi Tham mưu phó. Lúc này, Bộ Tư lệnh Quân khu có: Tư lệnh kiêm Chính ủy là đồng chí Lê Chưởng, trong năm 1968 đồng chí Trần Văn Quang vào làm Tư lệnh, Phó tư lệnh về quân sự có đồng chí Nam Long, Dương Bá Nuôi. Phó tư lệnh về chính trị là đồng chí Thanh Quảng. Phó tư lệnh về pháo binh là đồng chí Nguyễn Thế Lâm; về hậu cần là đồng chí Hoàng Văn Thái. Chủ nhiệm chính trị là đồng chí Phan Xuân Kính; Chính ủy hậu cần là đồng chí Doãn Sửu; Phó chủ nhiệm hậu cần là đồng chí Trần Minh Đức, Võ Hạp; Phó chính ủy hậu cần là đồng chí Võ Dược.

Sau khi nghiên cứu rút kinh nghiệm đợt tháng 5 của Quân khu, tôi thấy địa bàn rừng núi ở Quân khu rất có lợi thế, nó giáp liền với đồng bằng, liên hoàn với miền Bắc và với vùng giải phóng Lào, nhưng chưa được tổ chức. Mới chỉ có một con đường trục chiến lược xe chỉ chạy được mùa khô. Cần xây dựng tổ chức chiến trường mới có điều kiện cho chủ lực làm chủ ổn định. Dựa vào rừng núi, ta làm chủ giáp ranh mới có điều kiện hỗ trợ xuống đồng bằng xây dựng cơ sở ở nông thôn được. Đồng bằng lại rất hẹp, địch chỉ tăng một ít lực lượng là tình hình đã thay đổi rất nhanh. Ta phải làm chủ ổn định ở địa bàn rừng núi mới giữ vững được thế ba vùng. Tình hình lúc này chưa có điều kiện để đánh chiếm và làm chủ thành phố.

Theo chỉ thị của Quân khu, tôi làm phương án tác chiến để đồng chí Bảy Tiền (Trần Văn Quang) – Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu đi họp Khu ủy bàn kế hoạch tiến công đợt ba vào Huế và đồng bằng Trị thiên.

Đánh giá tình hình và đề nghị chủ trương, Quân khu lúc này có lực lượng lớn nhưng có rất nhiều khó khăn.

Ở đồng bằng địch tăng cường lực lượng, phi pháo, xe tăng thiết giáp, tiến hành bình định đánh phá ác liệt, dồn dân vào khu tập trung, lực lượng ta bị bạt ra hết, thế bất ngờ không còn nữa.

Ở vùng giáp ranh, địch tăng cường phục kích, ta xuống đồng bằng lấy gạo rất khó khăn. Mặt khác tốn rất nhiều xương máu, lấy được một tấn gạo phải mất sáu bảy người hy sinh. Phải tiếp tế gạo từ phía sau lên, nhưng muốn có một đại đội đứng ở giáp ranh phải có 14 đại đội gùi gạo.

Lực lượng chủ lực lớn, ngoài lực lượng của quân khu còn thêm hai sư đoàn 324 và 304, nhưng đã chiến đấu dài ngày, chưa được củng cố, nhiều đơn vị bị thiệt hại, chưa được bổ sung. Khó khăn lớn nhất là hậu cần: Chủ lực mới tăng đột ngột, chưa có tổ chức chiến trường để bảo đảm. Dự trữ lương thực đã cạn, nếu để nhiều lực lượng thì không còn dự trữ để tạo thế đánh địch đầu mùa khô sau. Hậu cần tại chỗ không có. Khi bộ đội xuống đồng bằng để thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 không tính trở lại nên đã dốc hết lực lượng, cơ sở sản xuất cũ không còn. Năm nay hạn hán kéo dài, dân miền núi đói, ta còn phải chia bớt gạo cho dân.

Kết luận; Không có điều kiện tiến công thành phố, thị xã. Kiến nghị dùng lực lượng nhỏ giữ hành lang giáp ranh để xuống đồng bằng xây dựng cơ sở. Dồn khẩu phần ăn cho phía trước, cơ quan lui ra sau bên đất Lào ăn sắn với một lạng gạo một ngày. Chủ lực ra Quảng Bình củng cố, chuẩn bị mùa khô tới, một bộ phận vào trước tạo thế.

Ta vẫn chủ trương tiến công đợt ba, nhưng không đánh vào thành phố được mà tình hình đồng bằng càng xấu đi. Tháng 10 vẫn phải cho chủ lực ra sau.

Bản thân tôi thời gian này cũng gặp khó khăn nhất, đặc biệt là sức khỏe, sốt rét nặng kéo dài không dứt cơn, ăn uống kham khổ gần kiệt sức, khi di chuyển cơ quan phải chống gậy lê từng bước, tưởng chừng không đi đến nơi được.



Tháng 12 năm 1968, lực lượng chủ lực ta dần dần trở lại chuẩn bị thế chủ động đánh địch ở rừng núi. Ngày 21 tháng 1 năm 1969, địch mở cuộc hành quân lê Cô Ka Va, Cô Tiên (Dewey, Comyon 1) gồm 12 tiểu đoàn nhằm phá kho tàng và đường vận chuyển, đẩy lực lượng ta ra xa. Ta dùng Trung đoàn 6, Tiểu đoàn 3 đặc công và binh trạm cùng du kích miền Tây đánh địch trong 18 ngày, diệt 2.863 tên, bắn cháy 49 máy bay, phá 6 khẩu pháo, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ, buộc chúng phải rút bỏ Cô Ka Va, chiến thắng đã có sức cổ vũ lớn cho quân và dân toàn Quân khu.

Ngày 17 tháng 3 đến ngày 31 tháng 4, địch lại mở hành quân Maine-Crog và Lam Sơn 271 lên Tanh Tanh, A Giới (tây nam Quảng Trị) với 5 tiểu đoàn (có 3 tiểu đoàn của trung đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ) bị lực lượng Quảng Trị, quân dân Hướng Hóa cùng Trung đoàn 8 đánh cho thiệt hại nặng phải rút bỏ cuộc hành quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:22:20 pm »

*
*   *

Ngày 5 tháng 5 năm 1969, sau một đợt bom pháo dọn đường từng bầy trực thăng chở 13 tiểu đoàn đổ quân xuống A So – A Lưới và các điểm cao dọc đường 14 trong khu vực đã dự kiến của Quân khu. Ở đây đã bố trí sẵn Trung đoàn 8 tức Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324.

Quân khu lệnh cho Trung đoàn 8 tập trung đánh gẫy mũi đi đầu do lữ đoàn dù 3 sư đoàn 101 dù Mỹ bằng cách chốt kết hợp vận động tại khu vực núi A Bia. Ta phán đoán mục đích của địch là đẩy chỉ huy ta ra xa, đánh phá hành lang kho tàng nên địch sẽ cố chiếm A Bia là điểm cao 999 khống chế cả khu vực.

Trung đoàn 8 chủ trương dùng chốt kết hợp đánh vận động nhỏ, đánh gần diệt địch tạo điều kiện đánh chốt kết hợp vận động toàn trung đoàn. Về sử dụng lực lượng, ta dùng hai tiểu đoàn tăng cường hỏa lực một đại đội 12,7mm và một đại đội cối 82mm chiếm xây dựng chốt ở A Bia, 903 và 916 thành thế liên hoàn đánh địch khi chúng đánh lên A Bia, còn một tiểu đoàn dự bị cơ động, trước mắt vận động chuyển gạo đạn.

Bộ đội chiếm lĩnh ngày 8 tháng 5, đến ngày 10 tháng 5 bắt đầu nổ súng đánh địch khi chúng vào đúng như dự kiến. Cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt từ ngày 10 đến 15 tháng 5, ta diệt rất nhiều địch, bắn rơi và cháy nhiều máy bay trực thăng nhưng địch chiếm được 916. Tiểu đoàn 8 ở A Bia bị tách khỏi trung đoàn gặp rất nhiều khó khăn đã đề nghị cố giữ hai ngày nữa rồi rút. Trung đoàn đã quyết tâm tập trung lực lượng thực hiện đánh chốt kết hợp vận động cấp trung đoàn, kiên quyết đánh chiếm lại 916 khôi phục thế liên hoàn, giữ liên lạc thông suốt với Tiểu đoàn 8.

Địch điên cuồng phản kích, chiều 17 tháng 5, chúng tổ chức bốn mũi có phi pháo mạnh và cả hóa học quyết tiến công lên A Bia. Tiểu đoàn 8 chiến đấu đến cùng để giữ vững trận địa. Có chốt ở mỏm 1 còn năm đồng chí do tiểu đội trưởng chỉ huy đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, sau chỉ còn ba đồng chí vẫn chống trả đánh bật một đại đội địch, giữ vững trận địa. Chốt phía nam chỉ còn một đồng chí dùng nhiều loại hỏa khí đánh địch, bị bom vùi ba lần vẫn vùng dậy tiếp tục đánh. Một mình đồng chí ấy diệt 38 tên địch, giữ vững trận địa. Trung đoàn dùng Tiểu đoàn 7 phản kích ngang sườn địch hất chúng xuống chân núi, kết thúc đợt tiến công cuối cùng của địch.

Sáng 18 tháng 5, địch dùng trực thăng hạ xuống A Lưới bốc quân còn lại của lữ đoàn dù 3 về Phú Bài.

Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 dùng chốt kết hợp vận động đánh địch hết sức dũng cảm, kiên quyết, đã đánh bại cuộc hành quân của địch, diệt 1.500 tên gây chấn động dư luận, quốc hội Mỹ, chúng gọi A Bia là “đội thịt băm lính Mỹ”.

Từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 22 tháng 9, địch lại mở cuộc hành quân lên A Bia, A Lưới, Động Pho, Tà Bạt lần thứ hai, bị Trung đoàn 1 đánh cho thất bại. Sau đó, chúng phải lui về tuyến giữa, không dám đánh sâu vào vùng hành lang chiến lược của ta.

Trong năm 1969, ta hoạt động vũ trang rất tích cực. Cả Quân khu Trị - Thiên và B5 đã diệt 38.000 tên (có 2 vạn Mỹ), bắn cháy, bắn rơi 535 máy bay các loại, 1.167 xe quân sự, 62 tàu xuồng chiến đấu, 21 kho, thu 125 súng.

Ở đồng bằng, ta xây dựng cơ sở hết sức tích cực nhưng chưa vực dậy được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:22:45 pm »

*
*   *

Trong hai năm 1970-1971, địch ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu thủ đoạn:

1. Ra sức bình định giành dân biến đồng bằng, thành phố thành hậu phương an toàn của chúng.

2. Tiến hành mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia, mở hành quân ra Đường 9 – Nam Lào cắt hành lang chiến lược đưa miền Nam trở lại chiến tranh du kích tàn lụi.

3. Tích cực xây dựng ngụy quân đủ sức thay thế quân Mỹ.

4. Ra sức xây dựng ngụy quyền mạnh.

Tháng 1 năm 1970, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 18 đề ra phương hướng mới là phải “Đẩy mạnh tiến công toàn diện trên cả ba vùng chiến lược, lấy nông thôn làm hướng tiến công chính, vận dụng đúng phương châm chiến lược, trên cơ sở đánh lâu dài, tranh thủ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”.

Ngày 18 tháng 3 năm 1970, Hội nghị Khu ủy quyết định: “Đánh bại bình định là nhiệm vụ trung tâm cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện nay”. Khu ủy và Quân khu ủy đề ra: “Vấn đề quyết định là phải tập trung nỗ lực làm chủ cho được miền núi, từ đó mà nối lại thế ba vùng, phát huy sức mạnh tổng hợp quân sự chính trị để đánh bại bình định của địch”.

Tôi làm kế hoạch được Quân khu thông qua. Trọng tâm là: Đánh bại các cuộc hành quân của địch lên miền núi, đánh bại chiến thuật chốt điểm cao, nhảy cóc, trực thăng vận, phục kích giáp ranh, củng cố bộ đội chủ lực, khẩn trương tăng cường lực lượng vũ trang huyện và du kích xã, phát động phong trào bắn máy bay trực thăng và phong trào sản xuất (chỉ tiêu 5 triệu gốc sắn), tổ chức chiến trường, khẩn trương làm đường 71, 72 (đường nhánh nối từ trục chiến lược ra Quảng Trị, Huế).

Kế hoạch tác chiến của Quân khu xác định trung tâm 1970 đánh liên tục kết hợp đánh địch ở vùng núi và khôi phục từng bước thế lực cách mạng ở đồng bằng, đô thị, chia làm ba đợt:

Đợt một dùng lực lượng tại chỗ đánh hướng chủ yếu Tà Lương – Động Tranh hỗ trợ chiếm giáp ranh xuống đồng bằng, tạo điều kiện tổ chức chiến trường đưa cơ giới cho vào vận chuyển chuẩn bị vật chất cho chủ lực (Quân khu có Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6, được tăng cường Sư đoàn 304).

Đợt hai và ba đánh liên tục phá tuyến giữa của địch, phản công Sư đoàn 324 hướng Thừa Thiên – Huế tập trung diệt căn cứ 935, Sư đoàn 304 hướng Quảng Trị tập trung diệt căn cứ Đá Bàn.

Điểm cao 935 thuộc vùng núi huyện Phong Điền, đỉnh rộng 350 × 550 mét là cửa ngõ về đồng bằng, là căn cứ của địch tiến công hành lang chiến lược và kho tàng của ta. Đây là căn cứ pháo gồm một đại đội pháo 85mm, một đại đội pháo 105mm, một đại đội cối 106,7mm được xây dựng thành ba khu: khu chỉ huy, hậu cần và trận địa pháo. Công sự kiên cố, bao cát nửa chìm nửa nổi, xung quanh có 8 đến 10 lớp rào kẽm gai, có bố trí nhiều mìn đủ lại. Năm 1970, ở đây được tăng cường hai tiểu đoàn bộ binh 1 và 2 Mỹ và lữ đoàn dù 3 Mỹ. Ngoài lực lượng chốt trong căn cứ, địch còn rải quân ở các điểm cao chung quanh 935 như: 902, 884, 805, 797 và 550.

Nhiệm vụ Quân khu đã giao cho Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 2) tăng cường Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn 7B đặc công là: Tiêu diệt căn cứ hành lang 935, chặn đánh các cánh quân quanh điểm cao và lực lượng đến giải tỏa.

Quyết tâm của sư đoàn được Quân khu phê chuẩn là vây lấn 935 để diệt viện, lấy diệt viện là chính, tiến tới dứt điểm 935. Khu vực đánh viện chủ yếu là Dốc Mây, 665, hướng phối hợp là Tâm Tanh, Cung Cáp, Sông Bò. Dự kiến phải chiến đấu thời gian dài hình thành một chiến dịch nhỏ với lực lượng sư đoàn tăng cường.

Vì thời gian tác chiến dài ngày ở trọng điểm của Quân khu, nên Bộ Tham mưu phải đôn đốc theo dõi sát sao, đồng thời chỉ đạo các cơ quan bảo đảm tốt các mặt của sư đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2017, 10:23:18 pm »

Ngày 1 tháng 7, ta bắt đầu nổ súng bằng một trận trận kích hỏa lực mạnh, bất ngờ vào 935 và các điểm cao chung quanh gây cho địch tổn thất nặng. Chúng dùng hỏa lực mạnh để đối phó nhưng do chúng bị động, bị bất ngờ nên chỉ trút đạn bắn vu vơ. Địch giải tỏa ngay với lực lượng nhỏ, ngày đầu một đại đội xuống 805 giữ sườn cho 935, ngày thứ hai tăng một tiểu đoàn vào khu vực đã chuẩn bị của Trung đoàn 1, bị đánh thiệt hại nặng.

Sau 10 ngày chiến đấu, ta dùng nhiều hình thức phát huy các lực lượng và các loại vũ khí như: tập kích hỏa lực, đánh trực thăng vận chuyển, đổ quân, tập kích điểm cao, phục kích, tập kích địch đóng quân dã ngoại, công binh phục kích bằng trận địa các loại mìn, đặc công tập kích trận địa pháo… Ta đã diệt gần 700 tên, phá 7 pháo, bắn rơi hơn 10 trực thăng. Địch bốc tiểu đoàn 2 về củng cố được một ngày đã phải vội vã đưa trở lại chiếm thêm chốt 805.

Những ngày tiếp sau, ta có đợt đánh rộ lên. Đặc biệt, ngày 17 tháng 7, ta tổ chức một đợt tiến công mạnh trên tất cả các hướng với tất cả các lực lượng, các hỏa lực, thi đua bắn máy bay làm cho tất cả tám đại đội địch ở 935 và chung quanh đều bị thiệt hại nặng. Ta chiếm lại 805, vây chặt 935 hơn.

Ngày 19 tháng 7, ta tập kích hỏa lực vào 935, khiến khu hậu cần và kho đạn cháy trong 3 giờ.

Ngày 20 tháng 7 là ngày cố gắng cuối cùng của địch. Chúng cố chiếm lại 935 và nhặt xác, lại bị đánh thiệt hại, 935 hết sức khó khăn nhưng chúng chỉ tăng cường nhỏ giọt, đêm 20 tháng 7 chỉ tăng cho 935 thêm một đại đội đưa tổng số lên 11 đại đội.

Ngày 23 tháng 7 có triệu chứng địch chuẩn bị rút. Quân khu ra lệnh sư đoàn dứt điểm 935, không để địch rút. Sư đoàn tập trung hỏa lực cao nhất, bắn không cho trực thăng bốc quân. Ta bắn cháy 10 trực thăng, nhưng có 2 chiếc liều chết hạ xuống trong khói lửa mù mịt bốc được một số tàn quân. Chúng bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị. Đến 12 giờ ngày 28 tháng 7, tại 935 không còn địch. Đến 14 giờ cùng ngày, chúng dùng B52 ném bom hủy diệt 935.

Hơn 23 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, sư đoàn đã tiêu diệt 1.700 tên Mỹ, bán rơi và cháy 97 máy bay lên thẳng thu và phá 16 pháo 105-155mm, đánh thiệt hại 5 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn dù 3 Mỹ, tiêu diệt 3 sở chỉ huy tiểu đoàn. Quân ủy Trung ương đã khen: “Quân ủy Trung ương nhiệt liệt khen ngợi cán bộ chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giành thắng lợi cho chiến dịch. Sư đoàn cần tiến hành tổng kết thật tốt kinh nghiệm vừa qua, tập trung giải quyết các vấn đề: Vây điểm, diệt viện, tiến tới diệt điểm bằng mọi hình thứ chiến thuật”.

Sau 935, Quân khu giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 324 phát triển tiến công tiêu diệt căn cứ Cốc Bai (565) để phối hợp tác chiến với các hướng trong Quân khu.

Cốc Bai ở ranh giới hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thên, cách 935 khoảng 9 ki-lô-mét về hướng đông bắc, hẹp hơn 935 và lực lượng ít hơn, do trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 ngụy chiếm đóng. Mất 935, Cốc Bai trở thành vị trí đột xuất ở vòng ngoài tuyến Sông Bồ, bị kẹp giữa hai con sông Ô Lâu và Mỹ Chánh, dễ bị cô lập.

Trực tiếp ở Cốc Bai, ta sử dụng bốn tiểu đoàn bộ binh thuộc ba trung đoàn 3, 1, 6 và Tiểu đoàn 7B đặc công. Ta dùng cách vây đánh vây điểm diệt viện, lấy diệt viện là chính, chiến đấu dài ngày từ chiều 1 tháng 8 đến ngày 7 tháng 10, sư đoàn có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chiến đấu kiên quyết hơn hai tháng trong mùa mưa, đánh 205 trận lớn, nhỏ, diệt hơn 2.000 Mỹ - ngụy, bắn rơi, cháy 92 máy bay, phá 14 pháo, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 ngụy, buộc địch phải bốc quân rút về La Vang, bỏ tuyến trung gian.

Chúng tôi cũng nhận được báo cáo hướng Sư đoàn 304, ta đánh thắng giòn giã trại biệt kích Mai Lộc – Trân Cùa, Cồn Tiên – Động Ché, tiếp đó mở chiến dịch ở Nam Ba Lòng và vây đánh bức rút Đá Bàn (677).

Đến tháng 10 năm 1970, tuyến giữa không còn địch, miền núi được hoàn toàn giải phóng. Trong thời gian này, ở đồng bằng, việc đánh phá bình định được đẩy mạnh, sau một thời gian trầm lắng. Trong hai năm 1969-1970, ta xây dựng cơ sở hết sức tích cực. Nhiều nơi, chính quyền cấp xã bị đánh ta, phải dựng đi dựng lại 14 đến 15 lần, cấp huyện đến 5 đến 7 lần. Thế ba vùng được cơ bản khôi phục.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM