Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:49:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự thật về X.30 (Tập 1+2)  (Đọc 55562 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 10:15:03 pm »


        Cô gái thấy hai người nói chuyện không dính líu gì đến mình thì lại quay sang theo dõi bàn bạc. Phan Thúc Định như vô tình chợt nhớ ra hỏi Hai Pôn :

        - À, chú định đưa anh đến chơi nhà anh thư ký riêng của tướng Năm Lửa1 - Bao giờ anh em ta đi nhỉ ? Biết thêm một người bạn là một điều đáng quí.

        - Tối mai anh nhé !

        Phan Thúc Định chìa tay bắt tay Hai Pôn :

        - Được rồi. Hẹn trước với chú một chầu say túy lúy. Anh quay sang gật đầu chào cô gái. Hai Pôn và cô gái lại chúi đầu vào bàn bạc. Định rời khỏi hí trường Đại thế giới, lái xe quay về Sài Gòn. Chiếc xe chạy vào đường Ca-ti-na2 khu phố ăn chơi, mua bán của người Âu ở Sài Gòn, đến trước cửa tiệm nhảy "Liberty Palace", một tiệm nhảy lớn, lộng lẫy nhất Sài Gòn dành riêng cho các sĩ quan Pháp, cố vấn Mỹ và giới thượng lưu của thành phố. Anh lái xe đỗ vào dãy xe của khách đến tiệm. Anh mở cửa xe bước xuống, đứng bên xe, thong thả mở hộp thuốc lá, lấy một điếu châm lưa ngắm nhìn hàng chữ "Liberty Palace" nhấp nháy rực rỡ bằng ống đèn huỳnh quang xanh đỏ. Tiếng nhạc văng vẳng vọng ra với những tiếng trống giần giật, tiếng kèn "trom-pét" mời gọi.

        Anh bước vào tiệm. Tiệm nhảy là một cản nhà lớn hai tầng. Tầng dưới là gian bán cơm Âu với những dãy bàn phủ khản trắng toát, những người bồi quần đen áo Spencer trắng ; tầng trên là phòng nhảy, sàn gỗ bóng loáng với ban nhạc "sống", với những, cô gái nhảy trẻ đẹp, duyên dáng được kén chọn và trả lương hậu nhất trong các tiệm nhảy ở Sài Gòn. Định qua cái cửa kính quay tự động của tiệm, đi lối cầu thang dành riêng cho khách lên tầng trên.

        Lúc Phan Thúc Đinh đã khuất, một em bé đánh giày khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, nhìn trước nhìn sau thấy không ai, xách hòm đi ra phía sau dãy xe hơi đó. Đến bên chiếc Rơ-nôn của Phan Thúc Định, em cúi xuống, rất nhanh, lấy ở phía gầm xe sau ra một vật gì. Sau đó, em thản nhiên bước đi, miệng huýt sáo.

        Phan Thúc Định bước vào phòng nhảy, trên bục một giàn nhạc người Phi Luật Tân đang biểu diễn. Những nhạc sĩ Phi Luật Tân da nâu, mặc áo cộc tay hoa sặc sỡ chơi một bản nhạc Jazz với những âm thanh hỗn loạn. Thỉnh thoảng anh đánh trống đầu múp tròn và anh cầm hai quả lắc cao lênh khênh lại hú hét lên như hai thằng điên. Trên sàn nhảy, các cặp trai gái đang uốn éo trong điệu "u-ghi bu-ghi".

        Phan Thúc Định tìm một bàn ở góc ngồi. Người bồi đến bàn, anh lấy "tích-kỏ", nháy và gọi một cốc Uých-ki.

        Bản nhạc chấm dứt. Đèn chuyển ánh sáng. Những cặp trai gái đưa nhau về bàn ngồi. Một cô gái nhảy đến bàn Định :

        - Anh mới đến ?

        - Chào em. Em uống gì ?

        - Cảm ơn anh. Cho em một cốc "Suze".

        Cô gái tuy trang điếm phấn son nhưng vẻ mặt vân lộ những nét chát phác. Chiếc áo dài màu trắng, cổ cao, bó sát lấy thân người thon mảnh. Đã quen với tính nết của Phan Thúc Định, Thúy Hằng -tên cô gái - biết rằng anh chỉ mời mình nhảy những vũ điệu êm, lịch sự như tăng-gô, van-xơ, bốt-tông, slô... và anh nhảy rất đẹp ; còn những điệu nhảy cuồng loan thịnh hành đối với những đám trẻ háo hức văn minh Hoa Kỳ lúc đó như cha-cha-cha, măm-bô, u-ghi bu-ghi, v.v... thì anh không ưa. Thảng hoặc lúc nào vui anh cũng nhảy Suynh, Săm-ba, rum-ba... nhưng anh đi những bước rất nhẹ, rất kiểu cách và rất điệu nghệ. Thỉnh thoảng hai người mới nhảy một vài bài, còn thì họ ngồi nói chuyện rất vui nhưng không bao giờ chớt nhã - Thúy Hằng vừa mến, vừa trọng người thanh niên lịch sự và hiểu biết này.

        Mười một giờ khuya, Phan Thúc Định đứng dậy. Sau khi thanh toán tiền rượu và tích-kê nhảy, anh không lấy lại tiền lẻ, để "puốc-boa"3 cho người bồi.

        Thúy Hằng tiễn anh ra tới cửa tiệm. Như thường lệ, anh cầm năm trăm "bắt tay" Thúy Hằng, chào ra về.

        Phố xá Sài Gòn đã chìm trong bóng đêm, nhưng đường vẫn còn đầy xe cộ đi lại. Chiếc xe Rơ-nôn con quay về dinh Gia Long.

---------------------
        1. Tức là Tràn Văn Soái : một lãnh tụ của giáo phái Hòa Hảo.

        2. Ngày nay là đường Đồng Khởi.

        3. Pour boire : thù lao.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2018, 10:16:26 pm »


4. PHƯƠNG ÁN VIỆT MỸ

        Sài Gòn lại một phen hỗn loạn.

        Những chiếc xe bọc sắt, xe GMC chở đầy lính ngụy thuộc đủ mọi binh chủng, "võ trang tận răng" ầm ầm di chuyển trên các phố. Cần ăng-ten trên xe bọc sắt rung rinh bên cạnh nòng những khẩu đại bác, đại liên. Bọn lính ngồi trên xe này nhìn bọn ngồi trên xe kia, giữa đơn vị này với đơn vị kia, giữa binh chủng này nhìn binh chủng kia, cũng gờm gờm như đề phòng lẫn nhau. Chúng di chuyển đi đâu, làm gì ? Không ai biết ! Ai ra lệnh cho chúng ? Không ai biết ! Chúng cũng không cần đặt ra những câu hỏi ấy vì từ khi khoác quần áo lính ngụy, người ta đã biến chúng thành những con người máy chỉ biết phục tùng và bắn giết để tháng tháng được lĩnh một số lương ít ỏi.

        Thỉnh thoảng một đoàn xe vận tải, vải bạt che kín mít, ầm ầm chạy ra ngoại thành.

        Có những đoàn người lạ mặt, bí mật vào các đồn cảnh sát, vào "Nha tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an". Lực lượng cảnh sát và công an ngụy quanh khu Sài Gòn -Chợ Lớn tăng lên rất nhanh, trong đó có nhiều tên mới xuất hiện lần đầu, vũ khí kè kè, tỏa ra các ngả đường. Các trụ sở cảnh sát quận thấy xuất hiện cả trung liên, đại liên và súng cối. Những vũ khí ấy ở đâu ra ? Chúng định làm gì ? Cũng không ai biết.

        Bởi vì Sài Gòn hòi này hầu như vô chủ. Hay nói đúng hơn đang có cuộc thay đổi bọn cai trị. Giữa bọn tay sai Pháp và bọn tay sai Mỹ diễn ra cuộc tranh nhau quyết liệt. Đằng sau chúng, bọn thực dân mới và bọn thực dân cũ giấu mật. Đài phát thanh Sài Gòn uốn lưỡi ca ngợi Ngô Thủ tướng "bao năm lê gót nơi quê người"... thì đài phát thanh riêng của quân đội ngụy lại bóng gió đả kích Ngô Đình Diệm âm mưu chia rẽ quốc gia, thủ tiêu tự do dân chủ.

        Tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) đem bốn nghìn quân cuồng tín phong tỏa Sài Gòn. Bên kia cầu chữ Y, đài phát thanh của Bình Xuyên cả ngày chửi rủa Ngô Đình Diệm và thôi thúc nhân dân tản cư ra khỏi thành phố. Các cửa tiệm đóng cửa. Một tiếng nổ to đến cửa kính long vỡ khiến người ta giật mình, hốt hoảng mấy ngày đêm liền. Giá thực phẩm, lương thực tăng vùn vụt. Ai có việc gì cần thiết ra đường đều vội vã, mắt sau, mắt trước. Thỉnh thoảng vài chiếc máy bay bay thấp gầm rú trên bầu trời. Một chiếc xe díp không mang biển số, gắn loa phóng thanh chạy trên các đường phố vừa rải truyền đơn, vừa kêu gọi "triệt để ủng hộ Ngô Thủ tướng", bị cảnh sát của Lại Hữu Sang - người của Bình Xuyên bắt giữ.

        Báo chí Sài Gòn đã nhao nhao nói đến chuyện Mỹ có thể "thay ngựa giữa dòng". Có tin đồn đại sứ Mỹ Cô-lin cũng muốn thay Diệm. Chúng thấy con ngựa già nặng đầu óc gia đình trị này khó kéo nổi cỗ xe thuộc địa.

        Sài Gòn như nằm trên một kho thuốc nổ, có thể nổ tung bất cứ lúc nào chỉ cần một đốm lửa nhỏ.

        Dinh Gia Long của Ngô Đình Diệm có lúc hầu như bị cô lập hoàn toàn. Chỉ có bọn lính trong tiểu đoàn đặc biệt do tên đại tá Phi Luật Tân Na-pô-lê-ông Va-lê-ri-a-nô và ba tên sĩ quan Phi Luật Tân khác tổ chức, huấn luyện, trực tiếp chỉ huy là ở lại với Diệm.

        Những tên lính khác rời bỏ dinh Gia Long. Diệm ngồi lì trong dinh. Cạnh Diệm, Ngô Đình Nhu rít thuốc lá liên tục, bàn mưu, tính kế, bài binh bố trận. Hắn luôn luôn để điện liên lạc với những tướng lĩnh trong quân đội ngụy mà hắn nắm được, những thủ lĩnh quân sư các giáo phái mà hắn mua được, bằng tiền của Mỹ. Những tên này do sự nhạy bén của kinh nghiệm làm tay sai, biết rằng chủ Pháp đã hết thời trên đất Việt Nan nên chạy theo chủ mới.

        Có hai người nữa thường xuyên ở bên cạnh Ngô Đình Diệm: đại tá tình háo Mỹ Lên-sđên và... Phan Thúc Định. Ngô Đình Diệm đứng được trong lúc gay go này là nhờ ở sự ủng hộ của tên đại tá tình báo Mỹ cáo già. Hắn muốn dựng cốt, phết hồ, dán giấy cho một tên Mắc-say-say nữa ở Việt Nam như hắn đã làm ở Phi Luật Tân.

        Tối nay, tại dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, bí mật, ngoài những người liên quan không ai được phép bén mảng tới khu vực gần dinh. Buổi họp có tính chất quyết định chỗ đứng của anh em họ Ngô, quyết định những biện pháp của anh em họ Ngô đối với các lực lượng chống đối.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2018, 08:11:27 pm »


        Lúc Phan Thúc Định bước vào phòng làm việc thì thấy hai anh em họ Ngô đang đọc mấy tờ giấy, nét mặt rất bực tức, Diệm chỉ mấy tờ giấy nói với Phan Thúc Định.

        - Cháu xem, bọn chúng định dùng sức ép với bác. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Cao Đài trong nội các. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Hòa Hảo cũng có chân trong nội các. Bác dã dành cho chúng tám ghế trong nội các, để cho Trần Văn Soái cả chức Quốc vụ khanh kiêm Ủy viên quốc phòng trong quân đội, để cho bọn Bình Xuyên nắm công an, cảnh sát mà chúng chưa thỏa. Sáng nay, tên Lại Hữu Sang đã công khai không phục tùng lệnh của Thủ tướng. Còn tên Hộ pháp Phạm Công Tắc thì đánh điện cho Bảo Đại yêu cầu phải thay đổi nội các "để tránh các cuộc đổ máu trong nội bộ những người quốc gia". Chúng muốn gì ? Chúng muốn lật ta. Chúng muốn nắm lấy tất cả mọi quyền hành. Nhưng chúng không biết rằng thời của chúng hết rồi ! Người Mỹ nhất định sẽ không để cho người Pháp ở lại trên mảnh đất này. Người Mỹ sẽ quyết định chứ không phải là người Pháp ! Chúng muốn nói đến chuyện đổ máu ! Được ! Bác sẽ cho chúng đổ máu. Bác chỉ còn đợi một ý kiến quyết định...

        Hấn nhìn Phan Thúc Định trìu mến :

        - Trong lúc khó khăn mới đánh giá được hết con người. Bác rất cảm động thấy trong lúc này, cháu vẫn luôn luôn ở bên cạnh bác. Cháu thực không phụ lòng tin của bác.

        Phan Thúc Định hơi cúi đầu :

        - Con vẫn nghĩ rằng : Đi theo Cụ lớn mới trả được thù nhà và mới có thể làm nên sự nghiệp.

        - Bác cảm ơn tấm lòng trung thành của cháu. Ngoài những người trong gia đình, bác chỉ còn mấy người thân cận như cháu.

        Lên-sđên và Phi-sin bước vào. Diệm, Nhu niềm nở bắt tay và ân cần mời ngồi. Sau vài câu khôi hài mua vui và lấy hứng khởi, Nhu khai mạc cuộc họp. Bỗng Diệm quay sang Nhu :

        - Chú cần ra xem lại tình hình bọn lính gác ở ngoài cổng?

        Nhu chưa kịp trả lời thì Lên-sđên đã gạt đi :

        - Không cần ! Theo chỗ tôi biết, bọn lính này là bọn rất trung thành với các ông - Đạí tá Va-ỉê-ri-a-nô đã theo dõi thái độ từng thằng một. Bọn chống đối cũng không dám tán công khi chúng tôi có mặt ở đây.

        Hắn hỏi Ngô Đình Diệm :

        - Sáng nay, tướng Cao ủy Pháp Ê-ly1 đến gặp ngài Thủ tướng phải không ?

        - Đúng. Tướng Ê-ly vừa từ Ba Lê đến Sài Gòn hôm qua. Sáng nay ông ta có đến hội kiến với tui - Ông ta có khuyên tui nên thương thuyết với các lãnh tụ giáo phái để cứu vãn lại tình hình...

        Lẽn-sđên ngắt lời Diệm :

        - Xin lỗi ông, ông có thể nhắc lại nguyên văn lời ông ta nói không ?

        - Ông ta nói rằng :”Phải nhìn nhận tất cả rối rắm sẽ đưa lại một sự đổ vỡ tức thời. Phải tìm mọi cách để tránh hành động chiến tranh, những hành động sẽ đưa lại nhiều hậu quả không thể lường được và chỉ có lợi cho Việt Minh”. Để cứu vãn tình hình hiện nay, ông ta đề nghị tui và các lãnh tụ giáo phái phải mở lại các cuộc thương thuyết. Ông ta khuyên tui nhượng bộ.

        Phi-sin mỉm cười với Lên-sđên :

        - Người Pháp vẫn muốn quay lại.

        Lên-sđên tiếp tục hỏi Diệm :

        - Vậy ông đã trả lời như thế nào ?

        - Tui không nói rõ cho ông ta biết ý đồ cụ thể của tui, bởi vì tui phải đợi tham khảo ý kiến các ông. Tui chỉ nói : Tui sẽ cứu xét tất cả các ý kiến và sẽ tiếp xúc với những nhân vật cần thiết. Chừng như ông Ê-ly không được hài lòng với câu trả lời của tui nên ông ta lại lưu ý tui cứu xét tình hình mau lẹ, nếu chậm sẽ dẫn đến một sự đổ bể mà tai hại không thể lường được.

        Phi-sin nhận xét :

        - Người Pháp dọa ông đấy.

        Ngô Đình Diệm trịnh trọng :

        - Tình hình rất khấn trương, không cho phép chúng ta chậm chạp, do dự. Tui mời các ông đến để bàn cách giải quyết. Chúng ta hãy xem xét lại tình hình, những âm mưu và hoạt dộng của bọn chúng. Tui đã ủy cho anh Phan Thúc Định theo dõi việc đó. Anh có thể trình bày tổng quát lại cho tui và các vị đây cùng nghe.

        Phan Thúc Định lấy trong cặp ra một tập hồ sơ. Qua Hai Pôn - con trai Bảy Viễn - qua tên thư ký riêng của Trần Văn Soái, Phan Thúc Định đã nhanh chóng tổ chức được những "nguồn" riêng trong hàng ngũ các giáo phái chống đối Ngô Đình Diệm, thu thập được khá nhiều tin túc. Khi Phan Thúc Định trình bày thi Lên-sđên cũng mở cái cặp da của hắn, rút một tập hồ sơ ra. Định hiểu ngay tên đại tá tình báo này muốn thẩm tra những tin tức anh trình bày có đúng với những tin tức của màng lưới tình báo Mỹ không. Anh liếc mắt nhanh nhìn tập hồ sơ của hắn, thấy có cả những chiếc ảnh chụp kèm theo. Anh biết rằng những hoạt động của các giáo phái chống Ngô Đình Diệm mà anh trình bày đây, ngoài anh nắm được ra, không những nó đã được cơ quan C.I.A theo dõi đầy đủ lại còn được những màng lưới riêng của Trần Kim Tuyến, của Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục tốn công, tốn của tìm hiểu nữa. Bởi vì những hoạt động ấy có ảnh hưởng tới sự sống còn của anh em họ Ngô. Bởi vì cả mấy thằng trùm tình báo Mỹ lẫn anh em họ Ngô cũng muốn nhân dịp này, im lặng đo sự thành thực của Phan Thúc Định đối với bọn chúng.

-----------------
        1. Paul Ély, Đại tướng Tổng ủy viên kiêm tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 09:05:37 pm »


        Phan Thúc Định nói :

        - Bẩm Cụ lớn, con vẫn hằng trình bày thường xuyên những tin tức của con nắm được với cụ lớn. Hôm nay, con xin trình bày những nét tổng quát theo lời Cụ lớn dạy với các vị đây...

        - Như các vị đã biết, việc Cụ Ngô về nắm chính quyền, cựu hoàng Bảo Đại không bằng lòng một chút nào. Dưới sự thuyết phục của đại sứ Mỹ và không thể làm trái với lời khuyên bảo của chính phủ Pháp, Bảo Đại bắt buộc phải nhận để Cụ Ngô tổ chức nội các. Nhưng ngay từ đầu, Bảo Đại đã ra điều kiện : trong nội các phải để từ tám đến mười hai ghế quan trọng cho những người thân Pháp, tay chân của ông ta. Ông ta muốn rằng dù đứng đầu nội các là Cụ Ngô nhưng người của ông ta vẫn lũng đoạn nội các; nội các vẫn là một nội các hoàn toàn trung thành với ông ta. Sự việc diễn ra không đúng như ý ông ta muốn. Mới chỉ một vài tháng cầm quyền thôi cụ Ngô đã chứng tỏ cho Bảo Đại biết Cụ là người cương quyết có đường lối riêng của mình.

        Bên ngoài, Bảo đại vẫn phải im lặng, nhưng bên trong ông ta tìm mọi cách đổ lật cụ Ngô. Vào cuối tháng chín năm 1954, đã có một cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn tại thị trấn Can-nơ trên đất Pháp. Trong cuộc gặp gỡ này, Bảo Đại phàn nàn với Viễn rằng cụ Ngô đã ra mặt chống ông ta bằng cách gạt những người thân cận của ông ta ra khỏi nội các. Bảo Đại hứa nếu Bảy Viễn lật được cụ Ngô, lập được chính phủ "Liên hiệp quốc gia" thì sẽ tấn phong Viễn làm Thủ tướng.

        Trở về Sài Gòn, Viễn hoạt động ráo riết vận động các lãnh tụ của hai giáo phái lớn, có quân đội riêng là Cao Đài và Hòa Hảo, liên kết thành một lực lượng thống nhất, âm mưu lật đổ cụ Ngô. Cố vấn chính trị của Viễn là Lại Hữu Tài liên tiếp gặp Hộ pháp Phạm Công Tắc và tướng Trần Văn Soái, tướng Lê Quang Vinh. Ngoài ra, Bảy Viễn thường bí mật gập tướng Nguyễn Văn Hinh.

        Hoạt động của Bảy Viễn và Lại Hữu Tài có sự khuyến khích nâng đỡ ngầm của Bảo Đại, Nguyễn Văn Hinh đã dẫn tới việc thành lập một cái gọi là "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" vào giữa tháng ba năm 1955 vừa qua.

        Cái mặt trận này ra một thông cáo báo tin tám tổng trưởng, bộ trưởng Cao Đài, Hòa Hảo trong nội các từ chức để làm cho nội các do cụ Ngô lãnh đạo tan rã. Bản thông cáo này do Bình Xuyên thảo ra và cho phổ biến, chỉ lấy ý kiến của Phạm công Tắc, Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh. Một số tướng lĩnh khác của Cao Đài, Hòa Hảo không được hỏi ý kiến trước. Vì thế, hai tướng Trịnh Minh Thế và Nguyễn Thành Phương của Cao Đài có chân trong nội các đã phản đối kịch liệt và tuyên bố không từ chức, tỏ ý vẫn tiếp tục hợp tác với chính phủ.

        Ngày 28 tháng 3, Chủ tịch đoàn "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" do tướng Lê Văn Viễn triệu thỉnh, họp phiên đặc biệt. Dự phiên họp, có Hộ pháp Phạm Công Tác đại diện nhóm Cao Đài; tướng Trần Văn Soái đại diện nhóm Hòa Hảo; tưởng Lâm Thành Nguyên thay mật tướng Ba Cụt. Họ đã quyết định :

        1. Yêu sách Thủ tưởng Ngô Đình Diệm phải thương nghị với "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia". Địa điểm họp phải do Mặt trận định, chứ không thương nghị tại dinh Gia Long vì sợ đại diện của Mặt trận bị bắt hoặc bị ám sát.

        2. Khai trừ Nguyễn Thành Phương của Cao Đài vì tướng Phương không chịu rút khỏi nội các của cụ Ngô. Giáo chủ Cao Đài cử tướng Lê Văn Tất thay thế tướng Phương làm đại diện quân dội Cao Đài trong Mặt trận. Tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài rút ra ngoài Mặt trận, sẽ có chủ trương xử lý sau.

        3. Bắt buộc các quốc vụ khanh, tổng, bộ trưởng Cao Đài và Hòa Hảo phải từ chức, bất hợp tác với nội các của cụ Ngô, gây một sự rối loạn nghiêm trọng dẫn đến sự tan rã của nội các.

        4. Cấp tốc chấn chỉnh lại các lực lượng võ trang của các giáo phái. Giao trách nhiệm cho Hòa Hảo phong tỏa kinh tế đô thành, dùng lực lượng võ trang của ba giáo phái nắm trong tay, có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát, công an của Lại Hữu Sang, với sự ủng hộ ngầm của tướng Nguyễn Văn Hinh, cướp lấy chính quyền trong tay cụ Ngô thành lập một nội các thân Pháp.

        Các vị cũng đã biết : ngay sau đó một "ủy ban phong tỏa kinh tế đô thành" thành lập do tướng Hòa Hảo Ba Cụt chỉ huy. Quân Hòa Hảo đã chặn các đường vào Sài Gòn, Chợ Lớn. Tướng Lê Văn Viễn rút về phía bên kia cầu chữ Y, đặt đại bản doanh Bình Xuyên tại đó. Tướng Nguyễn Văn Hinh đã bí mật chuyển một số lớn vũ khí, đạn dược của quân đội Liên hiệp Pháp cho Bình Xuyên từ Rừng Sát kéo về. Rất nhiều quân của Bình Xuyên đã được bí mật bổ sung vào các đơn vị cảnh sát thuộc quận 6, quận 7 và quận 8 ở Chợ Lớn. Trụ sở cảnh sát trung ương ở đại lộ Trần Hưng Đạo được tăng cường lên đến 3 tiểu đoàn. Họ đã chuẩn bị xong tất cả. Theo tin tức tôi được biết, chắc chắn ngày mai họ sẽ nổ súng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 09:06:08 pm »


        Phan Thúc Định vừa trình bày, vừa quan sát thái độ của những người ngồi nghe. Mỗi lần nghe thấy nhắc đến những hành động, âm mưu chống đối mình, Ngô Đình Diệm không giấu nổi vẻ căm tức, bực bội. Bàn tay to bè, ngắn ngủn của Diệm để trên bàn nắm chặt lại. Ngô Đình Nhu không tỏ thái độ gì, im lặng rít thuốc lá, mắt ngước lên trần nhà. Lên-sđên ra vẻ mải đọc tập hồ sơ riêng của hắn, nhưng Phan Thúc Định biết hắn đang theo dõi từng lời nói của anh. Phi-sin thỉnh thoảng gật đầu như chợt nảy ra một ý kiến gì qua trình bày của Phan Thúc Định. Khi trình bày xong, Phi-sin buông một câu :

        - Bọn chúng quên rằng người Pháp đã thất bại rồi.

        Lên-sđên không nói gì, đưa cho Ngô Đình Diệm và Phan Thúc Định xem mấy cái ảnh, vẻ tự đắc. Đó là ảnh cuộc gập gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn ở Can-ner, ảnh cuộc họp giữa Bảy Viễn và tướng lãnh trùm giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo; ảnh những chiếc xe vận tải GMC bịt kín của quân đội Liên hiệp Pháp đi qua câu chữ Y; ảnh một đồn cảnh sát Chợ Lớn đang bố trí chuẩn bị chiến đấu...

        Tên trùm C.I.A, muốn tỏ cho mọi người biết rằng C.I.A chỗ nào cũng có mặt, những tin tức mà Phan Thúc Định vừa nói, có tài liệu cụ thể rõ ràng bằng những bức ảnh chụp. Thái độ của Lẻn-sđên nhu ngầm nói : tất cả mọi việc đều không thể lọt qua được mắt C.I.A.

        Trong khi Phan Thúc Định nhìn bức ảnh, đoán xem chúng chụp được bằng loại máy gì và người chụp đứng ở góc độ nào thì Ngô Đình Diệm trầm trồ :

        -Tui có cảm tưởng cả thế giới ở trong tay các ông.

        Lên-sđên nhếch một nụ cười tự mãn. Ngô Đình Diệm quay về phía Nhu.

        - Chú có ý kiến gì không ?

        Thường thường Nhu ít nói, nhưng khi hắn nói thì giọng hắn đanh lại, quỉ quái, thâm độc, tàn nhẫn như những ý nghĩ vẫn nung náu trong đầu.

        -... Thưa Thủ tướng và các vị. Theo ý tôi, chúng ta đã nhượng bộ nhiều rồi. Trước khi về nước chấp chính, trong cuộc gặp gỡ với Bảo Đại ở Pháp, Thủ tướng đã thỏa thuận với Bảo Đai để dành 8 đến 12 ghế tổng, bộ trường, thứ trưởng cho các phe phái ủng hộ hắn trong nội các của Thủ tướng. Bởi vì lúc áy chúng ta nghĩ rằng : chúng ta có một kẻ thù là : Cộng sản; chúng ta chỉ có một nhiệm vụ là : chống Cộng sản. Chúng ta có thể bắt tay và thỏa hiệp bất cứ ai chống Cộng như chúng ta. Chúng ta nhượng bộ Bảo Đại và những người của hắn với mục đích làm cho công cuộc chống Cộng có hiệu lực, kết quả nhất, chớ không để đi đến chỗ thất bại như người Pháp đã làm.

        (Lên-xđên và Phi-lin gật đầu tán thưởng),

        Chứ đối với chúng ta, Bảo Đại có nghĩa lý gi ? Một đứa con hoang được dựng lên làm vua, chẳng có quyền hành gì, thấy ai mạnh thì theo để tìm cách hưởng lạc. Đi đầu hàng Cộng sản năm 1945 rồi lại quay sang theo Pháp. Cuộc đời của hắn chỉ có tiền và gái. Hắn còn đòi hỏi cái gì nữa, khi ta vẫn để nguyên cho hán hưởng tiền và gái. Hắn và lũ người theo hắn không hiểu thiện chí của chúng ta, không như chúng ta : phục vụ sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà Chúa đã giao cho như một thiên mệnh, là chống Cộng và chăn dắt dân.

        (Ngô Đình Diệm gật đầu, hả hê).

        Bây giờ mới bộc lộ rõ : họ chỉ mượn nhãn hiệu chống Cộng để kiếm ăn, để làm giàu, để đòi chia quyền hành. Đã đến lúc họ chỉ làm cản trở công việc chống Cộng. Nay họ đòi hỏi chúng ta điều này; mai họ đòi hỏi điều khác. Họ không hiểu mình, hiểu người một chút nào. Họ tưởng với mười ngàn khẩu súng trong tay, họ có thể làm chúng ta phải khuất phục. Nhưng họ muốn là một việc, thực tế lại là một việc khác. Sẽ có nhiều cái bất ngờ xảy ra đối với họ và những cái bất ngờ ấy sẽ dẫn họ đến chỗ... chết.

        (Càng nói, giọng Ngô Đình Nhu càng trở nên hùng hồn khi thấy thái độ Phi-sin và Lên-sđên tán thưởng, chăm chú theo dõi).

        Đầu tiên, đúng như ngài giáo sư Phi-sin vừa có nhận xét mỉa mai về bọn họ : họ quên rằng người Pháp, chỗ dựa của họ, đã bại trận rồi. Người Pháp khuyến khích ngầm họ, nhưng sẽ không dám công khai giúp đỡ họ. Lời tuyên bố của tướng Ê-ly là một chứng cớ. Ông ta muốn xoa dịu tình hình nhưng không dám nói một câu nào cụ thể ủng hộ Bảo Đại và những người của hắn. Các quan chức Hoa Kỳ đã hứa hẹn với chúng ta chắc chắn người Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, người Pháp rút khỏi, sẽ không có chỗ đứng cho bọn họ.

        Việc chống Cộng ở Việt Nam đã do người Hoa Kỳ chính thức giúp đỡ. Các quan chức Hoa Kỳ đã tỏ ý không muốn Bảo Đại và những người của hắn có mặt trong hàng ngũ những người thực sự chóng Cộng như chúng ta.

        (Ngô Đình Nhu nhìn Lên-sđên và Phi-sin để xem phản ứng của hai tên này. Lên-sđên gật đầu, thêm vào : - Trước hết là cơ quan C.I.A chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết sự bất lực của họ).
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2018, 09:07:50 pm »


        Thứ hai là : Bề ngoài tuy họ có vẻ thống nhất đứng sau Bảo Đại nhưng bên trong họ năm bè bảy mối. Trong quân đội, trừ tướng Nguyễn Văn Hinh và một số người thân cán của Hỉnh ra thì tuyệt đại đa số đã chán ghét người Pháp sau kỳ bại trận. Tâm lý chung là đang háo hức đón chờ Hoa Kỳ, chờ đợi những vũ khí tối tân, những trang bị mới của Hoa Kỳ, chờ đợi sự giúp đỡ của Hiệp Chủng Quốc. Họ đang ao ước được Mỹ hóa. Họ cũng biết người Hoa Kỳ chỉ ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tôi có liên lạc với nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội. Họ không trung thành với tướng Hinh nữa, nhất là những sĩ quan trẻ. Họ đang muốn có sự thay đổi. Họ sẵn sàng chờ lệnh chúng ta. Họ sẵn sàng bày tỏ lòng trung thành với Thủ tướng. Lính tráng thì ai chỉ huy cũng được, đánh ai cũng được, miễn là trả họ nhiều tiền. Họ cũng đang hy vọng người Hoa Kỳ trực tiếp viện trợ, họ sẽ được mặc quần áo đẹp, lương được tăng, có nhiều tàu bay và ô tô.

        Về các giáo phái thì nhờ có sự giúp đỡ của ngài đại tá Lên-sđên đây, chúng ta đã "mua" được tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hòa Hảo, tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài v.v... các tướng tá đó đã ra tuyên bố chống lại Phạm Công Tắc và Trần Văn Soái, trung thành với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nếu có nổ súng, họ sẽ đem quân bản bộ theo chúng ta đánh lại những thủ lĩnh của họ trước đây. Do đó, ta thấy thực lực của Cao Đài, Hòa Hảo suy yếu nhiều. Còn Bình Xuyên thì là một bọn đầu trộm đuôi cướp ô hợp lúc đắc thế thì hò hét nhặng xị, lúc một hai đứạ bị đánh đau thì sẽ bỏ chạy như vịt.

        Tóm lại, bọn họ cả về thế lẫn lực đều suy yếu.

        Ngô Đình Diệm mỉm cười như đã nhìn thấy sự thất bại của bọn chống đối. Lên-sđên nghiêm trang hỏi Ngô Đình Nhu :

        -Các ông cho biết kế hoạch hành động của các ông ?

        Nhà "chiến lược gia” kiêm "lý luận gia" của gia đình họ Ngô không cần mở một quyển sổ, một tờ giấy ra xem. Tất cả mọi kế hoạch như đã sắp sẵn trong đầu hắn. Hắn nói ngay, rành mạch từng điểm một, theo sự rõ ràng rành mạch của nghề thư mục cũ của hắn :

        -... Tôi cho rằng muốn tập trung lực lượng để diệt trừ Cộng sản thì trước hết phải gạt bỏ hết những kẻ chống đổi chúng ta ở miền Nam này. Quân đội Cộng hòa và cảnh sát công an phải ở trong tay chúng ta, ở trong tay những người tuyệt đối trung thành với chúng ta. Lúc này, Việt Minh đã tập kết ra Bắc là cơ hội tốt nhất để chúng ta rảnh tay thanh toán bọn chống đối. Tôi đề nghị :

1.   Cải tổ lại quân đội Cộng hòa và lực lượng cảnh sát công an. Cấp tốc bố trí những người trung thành với chúng ta vào các cấp chỉ huy. Sử dụng viện trợ trong việc "mua” các tướng cũ trong quân đội Liên hiệp Pháp. Mời thêm cố vấn Hoa Kỳ thay thế cố vấn Pháp, tiến tới hoàn toàn nhờ chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ việc tổ chức, huấn luyện, trang bị... gạt Nguyễn Văn Hinh và những người của hắn ra khỏi Bộ quốc phòng, gạt nhóm Bình Xuyên ra khỏi lực lượng cảnh sát, công an. Về việc gạt Nguyễn Văn Hinh và nhờ chính phủ Hoa Kỳ giúp thêm cố vấn, tổ chức, huấn luyện, trang bị lại cho quân đội cộng hòa, lực lượng công an cảnh sát, chúng tôi nhờ đại tá Lên-sđên và giáo sư Phi-sin có mặt ờ đây chuyển dùm ý kiến của chúng tôi với đại sứ Cô-lin và chính phủ Hoa Kỳ.

2.   Thanh toán lực lượng võ trang của các giáo phái, các đoàn thể chính trị đối lập bằng hai cách :

        a) Thuyết phục các lãnh tụ đối lập đem lực lượng quân sự họ , sát nhập vào quân đội Cộng hòa gọi là "quốc gia hóa" như trường hợp đối với tướng Trịnh Minh Thế và tướng Nguyễn Thành Phương. Trước mắt, thực hiện ngay việc phân tán năm ngàn quân Cao Đài của tướng Nguyễn Thành Phương và củng làm như thế đối với quân Hòa Hảo của Nguyễn Giác Ngộ.

        Tôi xin có ý kiến thêm : bọn này dù đã đầu hàng ta, chúng ta cũng không thể tin chúng, không thể nuôi ong tay áo để rồi có ngày chúng có thể hại ta. Quân thì chúng ta phân tán, tướng thì chúng ta cũng phải trị bằng..."một viên đạn đằng sau"1 tất nhiên không phải là ngay bây giờ - để khỏi lo hậu hoạn.

        (Cả Ngô Đình Diệm, cả Lên-sđên và Phi-sin đều gật đầu).

------------------
        1. Như sau này đối với tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế - Thế bị bắn chết ở cầu Tân Thuận lúc đang mảỉ chỉ huy "đánh nhau với Bình Xuyên chiều ngày 3-5-1955, thì bị một viên đạn từ đằng sau bắn chết. Tài liệu này viết trong cuốn "Les âmes errantes" - Xuất bản ở Paris năm 1956.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2018, 07:45:55 pm »


        b) Dùng võ trang đè bẹp ngay các cuộc nổi loạn chống đối hiện nay của các tướng Bảy Viễn, Năm Lửa và Ba Cụt. Ở miền Trung, thì quét sạch bọn Đại Việt Quốc Dân Đảng1. Chúng ta sẽ tiêu diệt chúng một cách không thương tiếc. Chúng ta sẽ nổ súng trước khi chúng hành động.

1.   Phải sớm chấm dứt chế độ Quốc trưởng với vai trò của Bảo Đại. Chỉ có một người lãnh đạo ở miền Nam này là Ngô thủ tướng, tiến tới một chế độ chính trị như ở Hoa Kỳ và Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ làm Tổng thống. Phải xây dựng hậu thuẫn vững mạnh cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm ngay từ bây giờ.

        Hiện nay, ảnh hưởng của Pháp còn khá mạnh trong các tầng lớp thượng lưu và trung lưu, ảnh hưởng của Cộng sản còn mạnh trong các tầng lớp lao động. Truất phế Bảo Đại là một cách loại trừ ảnh hưởng của Pháp. Đồng thời, chúng ta gấp rút phát triển đảng Cần lao nhân vị và Phong trào cần lao trong các giới, các ngành để thu hút quần chúng, loại trừ ảnh hưởng của Cộng sản.

        Sau khi đã thanh toán các phe đối lập, củng cố vững vàng sự chấp chính của Ngô Thủ tướng rồi, chúng ta sẽ dốc toàn tâm, toàn lực vào tiêu diệt Chủ nghĩa Cộng sản trên mảnh đất Việt Nam này.


        Nghe Nhu nói đến đâu, các thớ thịt trên bộ mặt của Ngô Đình Diệm nở căng ra đến đó. Lên-sđên và Phi-sin cúi đầu trao đổi nhỏ với nhau. Sau khi trao đổi, Lên-sđên nói với Diệm và Nhu :

        - Chúng tôi tán thành ý kiến của ông cố vấn. Kế hoạch hành động ông phát ra phù hợp với việc thực hiện kế hoạch của C.I.A. Chúng tôi đã thống nhất với ngài Thủ tướng trước khi ngài về nước. Tại sao các ông chưa hành động cương quyết ?

        Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, vừa nói, vừa thăm dò :

        - Chúng tui còn đợi thái độ của... người Hoa Kỳ. Không kể dư luận một só báo chí Mỹ gần đây, nhưng theo tin tức riêng và sứ quán của chúng tôi ở Hoa Thịnh Đốn cũng điện về cho biết, có thể các ông sắp sửa thôi ủng hộ tui. Chúng tui muốn dược biết rõ điều đó ?

        Lên-sđên ngửa mặt lên cười lấp câu hỏi của Diệm :

        - Chúng tôi đã nói với ông là ai cũng thấy Việt Nam cần có một người lãnh đạo... ông vẫn là Thủ tướng. Chúng tôi vẫn ủng hộ ông. Tôi xin nhắc lại : Chúng tôi vẫn ủng hộ ông. Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ ông trong cương vị hiện nay.

        Lên-sđẽn trở lại thái độ nghiêm trang ngay :

        - Tỏi xin nói rõ thêm : Để bảo đảm dược sự ủng hộ của chính phủ hoa Kỳ, các ông cần cam kết sẽ đè bẹp được các lực lượng thân Pháp chống đối và phải dốc hết mọi cố gắng vào việc chống Cộng.

        Không cần suy nghĩ, Ngô Đình Diệm gật đầu :

        - Tui xin cam kết thực hiện điều đó. Các ông đồng ý hí ? 

        - Tốt.

        Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, trịnh trọng :

        - Nếu các ông nhất trí, không có gì bàn thêm, cho phép tui tuyên bố : phương án chính trị do ông cố vấn vừa trình bày được mệnh danh là "PHƯƠNG ÁN VIỆT MỸ" có hiệu lực từ giờ phút này...

        Nhìn đồng hồ, Diệm nói :

        - Không giờ ba mươi lăm phút.

        Ròi Diệm quay lại phía Ngô Đình Nhu :

        - Chú ban lệnh phản công và ngay buổi sáng phải nổ súng, nổ hết cỡ. Tung hết lực lượng ra, không ngại chi nữa. Bảo viết sẵn cho tui một bản hiệu triệu dân chúng, lời lẽ thật thống thiết hí.

        Gần sáng, từng đoàn xe thiết giáp từ trung tâm Sài Gòn theo đại lộ Trần Hưng Đạo tiến vào Chợ Lớn. Lính bộ được lệnh báo động lên xe cơ giới chuyến đi các ngả. Lính dù, quần áo loang lổ chẽn lấy người hung hãn vác tiểu liên chặn các đường phố, vây các đồn cảnh sát; xe tăng, xe bọc sắt lù lù chặn các ngã tư giao thông.

        Chín giờ sáng, súng nổ dữ dội vào quân Bình Xuyên và các giáo phái.

        Trong dinh Gia Long, Diệm xoa hai bàn tay vào nhau, hể hả.

        Ở cơ quan kỹ thuật số 5 của phân bộ C.I.A Sài Gòn, đại tá Lên-sđên vừa chỉ đạo cho Tô-ma theo dõi tình hình cuộc tranh chấp, vừa điện về cho tên trùm C.I.A A-len Đa-lớt :

        "Diệm là người tuyệt đối trung thành với Mỹ, là người triệt để chống Cộng sản. Đề nghị ngài báo cáo lại với ngài Ngoại trưởng Phô-stơ Đa-lớt giữ lại Diệm và hủy bỏ bức điện vừa qua của ngài Ngoại trưởng gửi đại sứ Cô-lin ở Sài Gòn tìm người thay thế Diệm".

        Hôm đó là ngày 28-4-1955.

-----------------
        1. Đại Việt Quốc Dân Đảng thân Pháp ở miến Trung muốn tranh giành quyền lực với đảng Đại Việt Quốc xã của Ngô Đình Diệm, đã tập hợp một số sĩ quan và binh lính trong Việt Binh Đoàn, tuyên bố chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và lấy chiến khu Ba Lòng cũ của Việt Minh làm căn cứ chống lại quân đội của Ngô Đình Diệm - (T.G)
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2018, 03:53:02 pm »


15. NỖI LO SỢ CỦA THÚY HẰNG.

        Phan Thúc Định vừa đỗ xe trước cửa Liberty đã trông thấy Thúy Hằng từ trong tiệm đi ra. Thúy Hằng nhớn nhác nhìn trước nhìn sau như tìm gì. Mọi khi, Thúy Hằng đã trông thấy anh ngay và đã mỉm cười chào anh. Lần này, Định rất ngạc nhiên khi thấy tâm trí Hằng như không để ý gì đến chung quanh cả. Anh tiến lại phía Thúy Hằng gọi :

        - Thúy Hằng !

        Thúy Hằng giật mình nhận ra anh :

        - Chào anh !

        Định thấy nụ cười trên môi cô rất gượng gạo. Anh hỏi :

        - Cô làm sao mà mặt tái đi thế ? Hình như cô đang tìm gì thì phải ?

        Thúy Hằng đáp vội vã, tiếng nói cũng không bình thường :

        - Xin lỗi anh, hôm nay em không đi làm được. Em đang tìm một chiếc tắc-xi.

        - Cô mệt ư ? Xe của cô đâu ?

        Thúy Hằng lắc đầu :

        - Không ! Không ! Em không bị mệt ! Em chỉ thấy người nôn nao khó chịu. Xe máy em để nhà. Lúc chiều, Rơ-nê đến đón em đi.

        - Rơ-nê ở Huế mới đốn đây ?

        - Vâng !

        Phan Thúc Định hơi bậm môi lại, nhưng anh trở lại thái độ lịch sự hằng ngày rất nhanh. Anh chỉ VÈ phía chiếc xe của mình :

        - Nếu không có gì phiền, cô đừng gọi tắc-xi nữa. Mời cô lên xe, tôi xin phép được đưa cô về nhà...

        Thúy Hằng bối rối :

        - Nhưng... em chưa về nhà. Em muốn đi... một vài nơi... Phan Thúc Định vẫn nhã nhặn :

        - Tối nay tôi cũng không bận gì. Tôi có thể đưa cô đi đâu cũng được.

        Sau khi suy nghĩ, Thúy Hằng gật đầu :

        - Vâng, nhờ anh vậy.

        Thúy Hằng đi theo Phan Thúc Định . Nàng nói một câu như nói với chính mình :

        - Lúc này, em thấy cần một người bên cạnh em.

        Định vờ như không nghe, anh đặt câu hỏi về thái độ hoảng hốt của Thúy Hằng. Tại sao cô lại bỏ dở buổi làm ? Tại sao cô lại lúng túng, bối rối, có những nét sợ hãi hiện trên nét mặt? Thái độ không bình thường của cô có liên quan gì đến cuộc gặp gỡ giữa cô với Rơ-nê vừa rồi ? Từ lâu, Định biết Rơ-nê người Pháp kiều phụ trách chi nhánh hãng "Pháp quốc Hàng không" ở Huế, đồng thời là một nhân viên quan trọng cùa S.E.D.C.E - rất mê Thúy Hằng. Mỗi lần về Sài Gòn, bao giờ hắn cũng có mặt ở Liberty Palace. Hắn mang đến cho Thúy Hằng rất nhiều thứ : từ lọ nước hoa đất tiền ở Pa-ri đến những thước tơ lụa đẹp đẽ ở Bom-bay, từ con búp-bê sặc sỡ bộ quần áo dân tộc đóng trong hòm kính của Nhật Bản đến chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn của Thụy Sĩ. Thúy Hằng từ chối nhiều lần không được, vì với phong cách lịch sự rất "Pháp" hắn lại gửi qua bưu điện kèm theo tấm danh thiếp với những lời lẽ vừa văn hoa, vừa trân trọng. Những thư quà áy không làm thay đổi được Thúy Hằng. Mặc dù nghề nghiệp bắt buộc cô phải tiếp chuyện, phải khiêu vũ, nhưng đối với những người nước ngoài, bao giờ Thúy Hằng cũng dè dặt. Cô rất nhã nhặn nhưng không suồng sã, tự nhiên nhưng không quá trớn. Đối với Rơ-nê, thái độ của Thúy Hằng cũng vậy. Có lẽ một phần vì thái độ ấy mà Rơ-nê càng say đắm Thúy Hằng hơn, trong sự say mê có pha chút vì nể.

        Phan Thúc Định mở máy và nhìn Thúy Hằng chờ đợi. Thúy Hằng nói :

        - Anh cho em xuống Gia Định.

        Chiếc xe chuyển bánh, sang số. Những cựa hàng nháp nháy ánh đèn, những xe cộ, những bóng người loạng thoáng ngoài cửa kính. Khung kính phía trước xe hiện ra bóng mấy tên cảnh sát mặc quần áo trắng hoặc một chiếc xe của bọn quân cảnh đi nghênh ngang. Xe lại chạy lẫn vào dòng xe cộ tấp nập xuôi ngược. Nhiều nhất là xe nhà binh. Những chiếc xe nhà binh sơn màu đất với biển số màu vàng, vùn vụt qua lại, tương phản với vẻ hoa lệ của thành phó, như những vết bùn trên một chiếc áo hoa sặc sỡ.

        Phan Thúc Định và Thúy Hằng ngòi trong xe cùng im lặng. Vẳng vào trong xe tiếng động cơ, tiếng loa phóng thanh rao hàng, tiếng âm nhạc, tiếng còi rít của cảnh sát. Chiếc xe rời những phố lớn đi về phía Gia Định. Tay lái của Phan Thúc Định hoàn toàn dưới sự điều khiển của Thúy Hằng. Mắt Thúy Hằng đảm đảm nhìn về phía trước nôn nóng như cảm thấy chiếc xe chạy quá chậm. Cô nói từng câu "Rẽ trái, anh", "Anh cứ đi thẳng", "Quành tay mặt, anh" ...

        Đến một phố ở Gia Định, cô bảo Định đỗ xe lại.

        - Anh ngồi đợi em ở ngoài này nhé.

        Cô mở cửa xe, bước xuống. Cô quay trở lại giữa phố, rẽ vào một ngõ nhỏ. Dáng cô đi vội vã gần như muốn chạy. Bóng cô thoáng hiện ra, thoáng bị lấp đi giữa những người đi chơi tối đầy hè đường, rồi biến vào trong ngõ. Phan Thúc Định nhìn theo, ngồi yên trên xe, rút thuốc ra hút.

        Mười phút sau, Thúy Hằng đã hiện ra. Mặt cô xanh hơn trước. Cô mở cửa xe, bước vội lên :

        - Anh cho em quay về Sài Gòn.

        Tuy ngạc nhiên trước sự biến đổi mỗi lúc một khác của Thúy Hằng nhưng Phan Thúc Định cũng giữ thái độ tôn trọng không hỏi gì cô. Anh lẳng lặng lái xe quay về. Gần đến Sài Gòn anh quay sang nhìn Thúy Hằng chờ đợi. Tiếng Thúy Hằng hơi run run :

        - Anh cho em đến đường Võ Tánh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2018, 03:16:41 am »


        Đến đầu đường Võ Tánh, Thúy Hằng lại bảo Phan Thúc Định ngồi đợi cô. Một lúc sau, cô quay lại, vẻ thơ thẩn, bối rối khác hẳn trước. Lúc Định với tay mở cửa xe đón cô, cô bước vào xe, ngả người trên nệm tựa một cách nặng nề. Cô không nói gì cả, mắt rơm rớm như muốn khóc. Đợi một chút không thấy cô nói gì, Định hỏi :

        - Bây giờ, cô cần đi đâu nữa ?

        Thúy Hằng giật mình. Cô chớp mau mắt :

        - Em không biết đi đâu bây giờ nữa.

        - Tôi đưa cô về tiệm ?

        - Em không thể đi làm được buổi hôm nay.

        - Hay tôi đưa cô về nhà ?

        - Về nhà lúc này, em không thể ngồi yên được.

        Phan Thúc Định dè dặt :

        - Xin lỗi cô, cô đang có điều gì hoảng hốt, lo sợ thì phải. Nếu cô tin tôi, tôi có thể giúp cô được phần nào chảng ?

        Thúy Hằng nhìn Phan Thúc Định. Không, cô không nghi ngờ gì người thanh niên trí thức ở Pháp về này cả. Qua nhiều lần tiếp xúc, qua nhiều buổi chuyện trò với anh, Thúy Hằng thấy Phan Thúc Định là một con người thật đáng quí trọng, vì thái độ lịch sự bao giờ cũng tôn trọng cô, vì sự hiểu biết sâu sắc mọi vấn đề của anh. Cô tin anh vì thái độ trước sau như một, lúc nào cũng hết sức chân tình, thẳng thắn. Đôi lúc cô hỏi anh vè vấn đề này, vấn đề nọ, thấy anh góp những ý kiến rất đúng đắn, hợp tình hợp lý, giúp cô giải quyết vấn đề đó tốt đẹp. Trong cuộc sống phải tiếp xúc khá phức tạp của cô, nếu tin được một người nào đó, ngoài những người ruột thịt, thì người ấy chỉ có thể là Phan Thúc Định.

        Phan Thúc Định gợi ý :

        - Hình như nỗi lo sợ, hoảng hốt của cô có liên quan đến việc cô gặp Rơ-nê vừa rồi ?

        Thúy Hằng ngập ngừng :

        - Anh đoán không nhầm. Buổi gặp gỡ vừa rồi, Rơ-nê đã làm em rất lo sợ. Bây giờ đầu óc em rối loạn, em chẳng còn suy nghĩ được gì nữa.

        - Hắn dọa dẫm cô ? Cưỡng bức cô làm một điều gì trái với lương tâm cô ?

        Thúy Hằng lắc đầu :

        - Không phải thế. Không ai có thế dọa dẫm, cưỡng bức được em. Em không giấu gì anh cả; em sẽ nói anh nghe. Anh cho xe chạy đi ra phố nào vắng, ra bờ sông, ra ngoại thành cũng được. Em thèm một sự yên tĩnh. Làm thế nào bây giờ được nhỉ ?...

        Phan Thúc Định mở máy xe. Chiếc xe từ từ quay bánh. Anh chọn những phố vắng và nghe Thúy Hằng kể :

        ... Mẹ Thúy Hằng đã chết, ba cô gửi cô cho một người trong họ nuôi và ra bưng ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không một ai được biết, ba cô đã trở về nội thành hoạt động từ lâu. Hoạt động của ba cô rất bí mật. Cô hoàn toàn không được biết gì. Chỉ thỉnh thoảng, một năm vài lần, cô nhận được một lá thư dán kín của ba đến tay cô rất đột ngột. Trong thư, chỉ có mấy dòng chữ ngắn ngủi, vừa hỏi thăm vừa khuyên nhủ với một chữ ký không rõ tên. Chỉ có thế thôi, mấy dòng chữ ngắn ngủi đó thôi đủ đem lại cho cô niềm an ủi lớn. Mặc dù hoàn cảnh xô đẩy, cô phải đi làm ở tiệm nhảy dể sinh sống. Và đó cũng là nguyên nhân chính làm cô có thể giữ được nhân phẩm, khác với một số các bạn đồng nghiệp của cô, tránh được mọi cám dỗ xấu xa trong cái xã hội ngột ngạt này. Bao nhiêu lần cô tưởng tượng ra sự sung sướng vô hạn của cô khi gặp được ba. Có lẽ cô sẽ không cầm được nước mắt. Cô sẽ dụi vào vai ba cô như một đứa trẻ nhỏ. Bàn tay chai sạm vì nghè thợ trước đây của ba cô sẽ vuốt tóc cô. Ba cô chắc cũng sẽ rưng rưng nước mắt. Cô sẽ kể cho ba nghe biết bao nhiêu là chuyện, biết bao nhiêu là chuyện...

        Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký kết, hòa bình lập lại, cô đã mừng rỡ, tin chắc thế nào cũng được gặp ba. Cô chờ đợi, đếm từng ngay, thế rồi từng ngày qua đi, cô vẫn chưa được gặp mặt ba. Chỉ có một lá thư kín đến với cô. Lần này, lá thư dài hơn trước. Lá thư dặn dò cô như lời dặn dò của những người đi xa. Đọc thư, cô thấy tất cả tình cảm sâu sắc của ba đối với cô. Cô áp lá thư vào ngực mà nước mắt trào ra lúc nào không biết. Thế là lại không biết đến bao giờ cô mới được gặp ba. Chắc ba cô đã đi xa lắm rồi. Lúc ấy, cô không thể nào hiểu được tại sao hòa bình rồi mà ba cô vẫn không về.

        Sau này, khi thấy chính quyền ờ Sài Gòn do Ngô Đình Diệm cầm đầu ra sức lùng bắt, bắn giết, bỏ tù những người tham gia kháng chiến cũ thì cô dần dần hiểu ra. Bóng những người lính viễn chinh Pháp vắng dần, nhưng bóng những "cố vấn Mỹ” xuất hiện một ngày một nhiều trên đường Ca-ti-na1 thì cô càng rõ hơn sự vắng mặt của ba cô.

-----------------
        1. Ngày nay là đường Đồng Khởi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2018, 03:06:40 am »

   
        Trong khi cô yên trí là ba cô ở tận đâu rất xa thì có người biết ba cô vẫn ở ngay Sài Gòn : Rơ-nê, tên nhân viên tình báo Pháp này, nhờ một số tay chân đắc lực của hắn, nhờ sự cung khai của một số tên phản bội, đã lập được một bản danh sách địa chỉ cơ sở của một số người còn hoạt động bí mật ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong bảng danh sách ấy có cả ba Thúy Hằng. .

        Rơ-nê được lệnh trở về Pháp. Trước khi về Pháp, vì say mê Thúy Hằng, vì muốn làm một cái ơn đối với Thúy Hằng, chiều nay, Rơ-nê đã tiết lộ cho Thúy Hằng biết tin ba cô, bảo riêng cô đến hai địa chỉ ở Gia Định và ở đường Võ Tánh tìm cách báo tin cho ba, giục ba trốn di. Rơ-nê nói với Thúy Hằng trên đường đưa cô về đến tiệm :

        - Tôi sẽ nộp danh sách này cho cấp trên tôi. Cấp trên tôi sẽ sử dụng để làm gì, tôi không rõ. Đối với tôi, bản danh sách này đã trở nên vô ích, vì tôi sẽ về Pháp nhận một nhiệm vụ khác. Trước khi về Pháp, tôi muốn cô hiểu rõ tấm lòng tôi yêu cô. Tình yêu ấy dù không được cô đáp lại, nhưng tôi muốn có một hành động để chứng tỏ tình yêu ấy, muốn có một kỷ niệm gì để lại đối với cô, để mong cô đừng bao giờ quên tôi : trong phạm vi tôi có thể làm được; một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong hai chúng ta, tôi nghĩ rằng không gì    bằng giúp cho ba người mình yêu thoát khỏi tai nạn. Nhưng xin cô hãy bình tĩnh, hãy bình tĩnh...

        Thúy Hằng bàng hoàng. Bản thân cô gặp tai nạn gì cô cũng không đến nỗi lo sợ, hoảng hốt như thế. Đây là sinh mệnh của người cha kính yêu. Từ phút được Rơ-nô báo cho biết, Thúy Hằng chỉ sợ mình chậm trễ, chỉ sợ một chiếc xe hơi sơn xám nào đó đã đến hai địa chỉ trước cỏ, mặc dù Rơ-nê đã lấy lời danh dự ra hứa với cô : hắn sẽ không chuyển bản danh sách ấy cho ai trước khi cô báo cho ba cô biết. Đến trước cửa tiệm, cô nắm chặt tay Rơ-nê nói qua giọng run run :

        - Xin cảm ơn ông. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn ông.

        Thúy Hằng như người mất hồn. Cô chạy vội vào báo cho chủ tiệm biết không làm việc được tối nay, ròi ra tìm tắc-xi. Giữa lúc đó, cô gặp Phan Thúc Định.

        Cô đưa cái khăn mùi xoa lên miệng, cắn chặt lấy, nước mắt muốn ứa ra.

        - Em tìm cả hai địa chỉ ấy hỏi mà chẳng ai biết ba em cả. Chẳng lẽ Rơ-nê hắn nói dối em ? Hay hắn nhầm địa chỉ. Không.

                - Tên ba em, hắn nói đúng lắm mà ! Em biết tìm ba ở đâu bây giờ ? Nếu chẳng may ba em làm sao, em sống thế nào được !

        Phan Thúc Định cầm tay lái, chăm chú nghe Thúy Hằng kể. Trong lúc Thúy Hằng nói, anh hoàn toàn im lặng, không chêm vào một câu nào, cả những lúc cô xúc động phải ngừng lại. Khi nghe Thúy Hằng kể xong, trong lúc cô hoang mang muốn khóc thì anh mỉm cười. Thúy Hằng ngạc nhiên hỏi :

        - Sao anh lại mỉm cười ? Anh hãy nói đi để em yên tâm, có phải Rơ-nê nói dối em không ? Đến em cũng không biết được ba em nay ở đâu nữa là hắn !... Nhưng em vẫn thấy lo sợ cho ba em lắm ! Làm thế nào bây giờ ?

        Phan Thúc Định vẫn giữ nụ cười bình thản trên môi :

        - Cô hãy yên tâm. Có thể Rơ-nê không nói dối cô đâu. Nếu hắn nói thực về tin tức của ba cô như vậy, tôi xin mừng cô. Vừa rồi, cô đã báo tin dược cho ba cô biết rồi dáy ?

        Thúy Hằng càng ngạc nhiên :

        - Nhưng em đã gặp ba em đâu ? Chỗ nào người ta cũng bảo người ta không biết gì cả, em nhầm nhà...

        - Cô mải lo cho ba cô nên cô không kịp nghĩ ra hết mọi khía cạnh của vấn đề đấy thôi. Tôi hỏi cô nhé : giả thử cô là những người ấy, trong nhà có chứa ba cô, thấy một người lạ hỏi về ba cô, không đúng những mật hiệu đã qui định, liệu cô có nhận không ?

        Mắt Thúy Hằng chợt sáng lên. Phan Thúc Định nói tiếp :

        - Tất nhiên cô sẽ không bao giờ dại dột như vậy. Tôi lại xin đặt một giả thuyết thứ hai : nếu cô ở địa vị ba cô, thấy hai nhà ấy báo cho mình biết có một người lạ mặt, không phải ở trong tổ chức mình, tự nhiên biết địa chỉ liên lạc của mình đến tìm mình (dù ba có biết người ấy là con gái mình chảng nữa) thì liệu ba cô có còn ở nguyên địa chỉ ấy nữa hay không ? Hay ba cô sẽ biết ngay mình bị lộ phải tìm cách chuyển ngay đi nơi khác ?

        Thúy Hằng, suýt bật lên tiếng kêu. "Ôi đúng như vậy ! Có thế, mà mình không nghĩ ra. Đầu óc mình mụ cả đi. Ba ơi ! Ba có biết con lo cho ba quá không ?" Nàng vò chiếc khăn trong tay và cảm thấy đầu óc trở lại bình thường. Phan Thúc Định quay tay lái, lượn vòng chiếc xe, ròi nói với giọng bình tĩnh :

        - Bây giờ cô có thể yên tâm quay về nhà nằm nghỉ cho đỡ mệt. Đừng lo nghĩ gì nữa.

        Chiếc xe bon về phía đường Võ Di Nguy. Thúy Hằng vẫn còn cảm giác vừa hồi hộp, vừa mừng rỡ như người trải qua một cơn ác mộng. Phan Thúc Định hỏi như nói chuyện bình thường :

        - Rơ-nê có nói với cô bao giờ hắn về Pháp không ?

        - Có, hắn bảo chừng hơn mười ngày nữa.

        - Về Sài Gòn vẫn ở địa chỉ cũ đáy chứ ?

        - Không, hắn ở khách sạn Ma-giết-tích, phòng 28.

        Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà Thúy Hằng. Phan Thúc Định nhanh nhẹn ra trước, mở cửa xe. Thúy Hằng bước ra:

        - Mời anh vào chơi.

        - Xin lỗi, cô để lúc khác. Bây giờ, cô cần nghỉ ngơi. Xin chúc cô ngủ ngon. Ngày mai xin gặp cô.

        Thúy Hằng nhìn anh trìu mến :

        - Xin cảm ơn anh. Không có anh, đêm hôm nay đã là đêm đáng sợ nhất trong cuộc đời em.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:37:37 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM