Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:50:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49157 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2017, 06:20:17 am »

       
        VỀ LẠI ĐỨC HOÀ, CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH, NIỀM VUI TOÀN THẮNG

        Tối 23 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn cho Tiểu đoàn rút ra kênh Nguyễn Văn Tiếp để nhận nhiệm vụ mới. Trung đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ hành quân quay về huyện Đức Hòa, Long An để cùng với lực lượng của Sư đoàn chiến đấu giải phóng huyện Đức Hòa, Hậu Nghĩa.

        Từ đầu tháng 4 đến nay bộ đội liên tục hành quân chiến đấu, quân số hao hụt chưa được bổ sung, sức khỏe giảm sút, ăn uống kham khổ, chủ yếu ăn lương khô, nước lã, chẳng mấy đêm được ngủ.

        Nước ở vùng này mùa khô hiếm lắm nên khó khăn vô cùng. Nước ở các kênh rạch nhỏ, ở các hố bom, hố pháo hầu hết bị khô kiệt. Nếu chỗ nào còn có nước, thì mặt nước cũng nổi một lớp váng màu vàng đỏ như gạch cua, ngậm vào thì vừa chát, vừa chua, vừa lợ tê cả miệng.

        Nước ở đoạn kênh Nguyễn Văn Tiếp đoạn chảy qua Thủ Thừa khi thủy triều lên thì nước lợ, khi thủy triều xuống thì nước ngọt.

        Mấy đêm hành quân vất vả Tiểu đoàn đã tới được kênh Sáng, đây thuộc địa phận Đức Hòa thì dừng lại để bổ sung trang bị súng đạn và được phổ biến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Là những người lính chiến đấu nhiều năm trên chiến trường, đã từng tham gia chiến đấu nhiều chiến dịch lớn. Nhiều chiến thắng nhưng cũng nhiều khó khăn ác liệt. Được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi rất háo hức.

        Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ trong chiến dịch này là cùng với Tiểu đoàn 9 đánh chiếm và giải phóng chi khu Đức Hòa. Để động viên bộ đội tôi nói:

        - Các cánh quân của ta đã ém sát Sài Gòn, hướng tấn công của các đơn vị đó rất thuận lợi, còn hướng tấn công của đơn vị ta đặc biệt khó khăn. Vì vùng này là sào huyệt của địch nên chúng sẽ chống cự đến cùng.

        Vùng này năm 1972 đơn vị tôi đã hoạt động. Khi ấy, địch rất mạnh, chi một sơ suất nhỏ lộ bí mật là lập tức máy bay, phi pháo bắn phá, bộ binh đi càn ngay. Nhưng nay quay trở lại tôi thấy hoàn toàn khác. Dọc hai bên bờ kênh
hàng hóa của ta như lương thực, thực phẩm, súng đạn chất thành đống, đậy bạt rõ như ban ngày. Bộ đội địa phương, anh em hậu cần cho xuồng ghe chờ hàng đi nghênh ngang ban ngày giữa dòng kênh mà không thấy địch phản ứng gì.

        Lực lượng địch ở chi khu Đức Hòa có một Tiểu đoàn bộ binh, một trận địa pháo 105 ly bốn khẩu và có một hệ thống đồn bốt nhỏ xung quanh bao bọc từ xa để bảo vệ. Địch có hầm hào kiên cố, có nhiều lớp hàng rào dây thép gai để bảo vệ. Ba hướng của chi khu tiếp giáp với nhà dân và trục đường nhựa, chỉ có hướng Tây tiếp giáp với sân bay dã chiến rồi tiếp giáp với ruộng nương, bưng biền ra tận Vàm Cỏ Đông.

        Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ tấn công từ hướng ấp Giồng Cám vào, Tiểu đoàn 9 tấn công từ ấp Bình Điền lên, phải qua chợ, qua trung tâm rồi mới vào được chi khu.

        Khi nhận nhiệm vụ chúng tôi được thông báo hợp đồng tác chiến như sau:

        Đơn vị khi tấn công vào chi khu Đức Hòa, được trận địa pháo 130 ly của Đoàn 232 bắn chi viện từ Đức Huệ sang. Đơn vị pháo binh không tổ chức được đài quan sát nên Tiểu đoàn tự hiệu chỉnh cho pháo bắn. Cùng ngày, cùng giờ tấn công của Tiểu đoàn các đơn vị của Sư đoàn đều đồng loạt tấn công vào các mục tiêu như Trảng Bàng, Hậu Nghĩa, Lộc Giang, Hiệp Hòa.

        Đêm 28 tháng 4 năm 1975, các đơn vị của Trung đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa Sau khi vượt sông Vàm cỏ Đông, được bộ đội địa phương dẫn đường, Tiểu đoàn tổ chức tấn công đánh chiếm đồn Giồng Cám ngay trong đêm và sau đó đánh chiếm toàn bộ ấp Giồng Cám.

        Đồn địch đóng ở đầu ấp Giồng Cám, nằm kẹp giữa hai con đường. Một đường đá chạy từ Hòa Khánh về tới chi khu và một đường đất liên xã, liên thôn. Địch ở đây có gần 1 đại đội. Được bộ đội và du kích địa phương dẫn đường, Đại đội 2 và Đại đội 3 chịu trách nhiệm tấn công giải phóng ngay trước lúc tròi sáng. Vì thời gian quá gấp, cán bộ các cấp khẩn trương đi địa hình trước nhận vị trí, nhận hướng tấn công rồi quay trở lại dẫn bộ đội vào vị trí chiến đấu.

        Tảng sáng, hỏa lực cấp tập bắn vào đồn nhưng vẫn không thấy địch phản ứng gì. Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 3 dùng bộc phá, phá rào mà vào. Đại đội 2 vòng lên hướng cửa chính, đánh chặn không cho địch chạy về Đức Hòa. Thật bất ngờ, đoàn cán bộ đi địa hình trước đó vài giờ, địch vẫn còn trong đồn mà giờ đánh vào địch đã bỏ chạy hết. Anh em sướng quá điện về Tiểu đoàn, Đại đội 3 đã vào đồn làm chủ hoàn toàn trận địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2017, 06:21:32 am »

           
        Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 3, củng cố công sự, đánh địch phản kích, đề phòng địch có những thủ đoạn xảo quyệt hơn. Không được chủ quan, mất cảnh giác vì đây là sào huyệt của địch. Từ đây tới chi khu không xa, địch sẽ không để ta yên đâu.

        Thật lạ, địch vẫn chưa phản ứng gì. Quá trưa, pháo 105 ly của địch từ Đức Hòa bắn ra mấy quả vu vơ. Một quả đã rơi đúng vào vị trí của đại đội 12,7 ly,làm 4 chiến sĩ hi sinh.

        Khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, chúng tôi nhận điện của Trung đoàn lệnh cho trinh sát dịch lên bám ở chi khu Đức Hòa, nối máy trực tiếp với đơn vị pháo 130 ly để hiệu chỉnh cho pháo 130 ly bắn thử. Pháo binh sẽ bắn mấy quả, lấy phần tử chính xác để sáng mai bắn chi viện cho chúng tôi.

        Chấp hành mệnh lệnh của Trung đoàn, chúng tôi cho một tổ trinh sát và một máy 2W, có địa phương dẫn đường dịch lên bám sát Đức Hòa để làm nhiệm vụ hiệu chỉnh pháo. Pháo binh của ta tuy ở xa nhưng bắn khá chính xác, chỉ bắn 3 quả thì quả thứ 3 đã rơi trúng trung tâm.

        Đêm 29 tháng 4 cực kì căng thẳng. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn mời cán bộ Đại đội lên hội ý, bàn bạc hai ba lần để bộ đội giành thắng lợi mà ít thương vong. Vì đánh theo chiến dịch thời cơ các đơn vị chưa được đi nghiên cứu cụ thể nên rất khó đánh.

        Chúng tôi giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 và Đại đội 3 đánh từ hướng sân bay vào. Đại đội 1 dựa vào nhà dân đánh cặp theo trục đường chính, chiếm cửa chính của địch.

        Chi khu Đức Hòa là trung tâm của quận lị nên địch ở đây rất đông. Vừa là trung tâm quân sự, vừa là trung tâm hành chính của quận, lại cả khu gia binh, chỉ có hai cửa chính ra vào, địa hình rất rộng và phức tạp.

        Mấy ngày nay, tôi thường xuyên theo dõi tin tức qua các bàn tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng và Đài BBC, Đài Sài Gòn. Qua các bản tin của ta và địch, chúng tôi thấy quân ta dồn dập chiến thắng.

        Chiếm được Xuân Lộc, các cánh quân của ta đã ém sát Sài Gòn. Pháo binh ta đã bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, không quân cũng đã ném bom vào Dinh Độc Lập. Đài Sài Gòn liên tục chửi rủa Mỹ đã bỏ rơi.

        Gần 5 giờ sáng, tôi nghe Sài Gòn thông báo cho quốc dân đồng bào, thường xuyên mở ra đi ô để theo dõi các thông tin đặc biệt của Chính phủ. Nghe được tin này chúng tôi trao đổi với nhau. Tôi nói: “Thông báo gì đặc biệt lúc này nữa, có lẽ thông báo đầu hàng”. Tiểu đoàn phó Dũng thì nói: “Hàng thế nào được, nó chống cự đến cùng đó”.

        Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn nổ súng tấn công vào chi khu Đức Hòa Tôi điện hỏi lại Trung đoàn:

-           Theo hiệp đồng, pháo binh của ta bắn trước 30 phút, chúng tôi mới cho bộ đội tấn công cơ mà.

-           Tình hình đã thay đổi, để phối hợp chung với các đơn vị của Sư đoàn, các đồng chí cho bộ đội nổ súng tấn công ngay.

        Ban Chỉ huy Tiểu đoàn trao đổi, xác định trận đánh này sẽ khó khăn ác liệt nhưng mệnh lệnh của cấp trên phải chấp hành.

        Ban Chỉ huy Tiểu đoàn phân công tôi đi với Đại đội 1, Tiểu đoàn phó Dũng đi với Đại đội 3. Theo nhiệm vụ đã được giao, chúng tôi triển khai cho đơn vị thực hiện ngay vì trời sắp sáng rồi.

        Theo hiệp đồng hướng Đại đội 2 và Đại đội 3, khi bộ đội tổ chức mở cửa sẽ có hỏa lực ĐKZ, 12,7 ly yểm trợ, kìm chế địch. Hướng Đại đội 1, lợi dụng nhà dân tiến vào, gặp địch đâu đánh luôn ở đó.

        Hơn 5 giờ sáng, hướng Đại đội 2 và Đại đội 3 anh em đã vượt qua sân bay, đánh liên tiếp hai đến ba quả bộc phá, phá hàng rào mà chẳng thấy địch phản ứng gì cả.

        Hướng đại đội 1, bộ đội đã tiến sát tới hàng rào, đã nhìn thấy con đường nhựa trước mặt. Chúng tôi đã nghe tiếng ồn ào, la hét, xô đẩy nhau cả người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà. Họ cố chen nhau qua cổng chính rồi chạy toán loạn ra các hướng. Có một số người đã chạy sát tới chỗ chúng tôi. Tôi gọi một người phụ nữ đang bế đứa con vào hỏi. Chị hốt hoảng cho biết đã được lệnh sơ tán chạy khỏi chi khu.

        Tôi điện báo cáo địch hiện nay đang bỏ chạy khỏi chi khu, đề nghị Tiểu đoàn cho bộ đội vận động đến hướng Đại đội 1 chứ cả dân, cả địch đông lắm chả phân biệt được ai đâu.

        Tiểu đoàn cho Đại đội 3 tiếp tục mở cửa đánh thẳng vào trung tâm, Tiểu đoàn đã vận động đến hướng của Đại đội 1.

        Địch hoảng hốt, vứt bỏ súng đạn, quần áo lính trà trộn với vợ con và cán bộ dân sự để tháo chạy. Chúng tôi chẳng bắt ai cứ để cho chạy. Toàn Tiểu đoàn nhanh chóng chiếm các mục tiêu quan trọng, trung tâm hành chính, trung tâm chi huy, trận địa pháo.

        Khoảng 6 giờ sáng, Tiểu đoàn 2 làm chủ chi khu và điện báo cáo về Trung đoàn chi khu Đức Hòa hoàn toàn giải phóng.

        Nhân dân tay cầm cờ hoa chào đón đầy đường. Niềm vui sướng, hân hoan lộ rõ ưên từng khuôn mặt.

        Chúng tôi đi thị sát toàn bộ chi khu thấy cách bố trí của địch với các hệ thống hầm hào phòng thủ rất kiên cố. Nếu địch ngoan cố chống cự thì Tiểu đoàn sẽ không biết có bao nhiêu chiến sĩ phải hi sinh trước giờ chiến thắng.

        Bộ đội vui sướng, hô hét ầm lên. Riêng tôi, tôi vẫn tiếp tục theo dõi bản tin của Đài Sài Gòn. Khoảng hơn 11 giờ 30, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi thông báo đặc biệt của Tổng thống Dương Văn Minh, ra lệnh cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng Quân giải phóng vô diều kiện.

        Đài phát thanh Giải phóng cũng thông báo, Thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

        Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là khát vọng của cả dân tộc, là niềm vui của cả dân tộc Việt Nam nay đã thành hiện thực. Vui sướng nhất là những người lính còn được sống sót sau chiến tranh. Chúng tôi bắt đầu tìm cách liên hệ về gia đình để báo tin mình vẫn còn sống.

        Sau khi làm chủ chi khu Đức Hoà, Trung đoàn 271 triển khai các đơn vị truy quét tàn quân địch, bố trí các đơn vị về đứng chân ở các ấp trong toàn huyện làm nhiệm vụ quân quản và tham gia xây dựng chính quyền.

        Sau thời gian làm nhiệm vụ quân quản và xây dựng chính quyền ở Đức Hoà, Long An, Trung đoàn được bổ sung, củng cố tổ chức biên chế để hành quân về đứng chân tại Đức Phong, Phước Long.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2017, 06:33:54 am »


        TRUNG ĐOÀN ĐƯỢC PHONG DANH HIỆU ANH HÙNG Lực LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN LẦN THỨ NHẤT

        Kỷ niệm 31 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1975), tôi và đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, chiến sĩ Đại đội 2 vinh dự được thay mặt Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 271 nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng.

        Với những chiến công và sự hi sinh to lớn của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 271 trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tháng 2 năm 1976, Đảng và Nhà nước quyết định trao tặng;

-           Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đoàn 271.

-           Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 271.

-           Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Đoàn Đức Thái - Chiến sỹ Tiểu đoàn 2.

        Theo quyết định của Quân khu 7, tháng 10 năm 1977, Trung đoàn 271 được điều động về Sư đoàn 302 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới khu vực Thiện ngôn Sa Mát. Sau đó chúng tôi tiếp tục tham gia nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Căm Pu Chia lật đổ chế độ Pôn Pốt cứu nhân dân Căm Pu Chia khỏi hoạ diệt chủng.

        Tháng 9 năm 1983, khi đang giữ cương vị Trung đoàn phó về Chính trị Trung đoàn 271, tôi được Sư đoàn cử đi học tại Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Kết thúc khoá học, tôi được chuyển về công tác tại Phòng Tổ chức Cục Chính trị Quân khu 4.

        Tháng 6 năm 1988, vì lý do sức khoẻ, tôi được đơn vị giải quyết chế độ nghỉ hưu.

        Trong suốt cuộc đời chinh chiến, tôi đã tham gia nhiều trận đánh trên nhiều mặt trận khắp các nẻo đường 3 nước Đông Dương. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, tôi cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2017, 11:27:21 pm »

       

Mãi mãi là đồng đội.
(Tác giả: người đầu tiên bên phải)


Mãi mãi là đồng đội.
(Tác giả: người đầu tiên bên phải)


Gặp mặt CCB trung đoàn ở đền Trần Hưng Đạo.
(tác giả hàng trước, thứ 4, từ phải sang)


Gặp mặt ccb trung đoàn ở đền Trần Hưng Đạo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2017, 11:33:33 pm »

         

Xây nhà tưởng niệm ở Long An.


Kiếm tìm đồng đội ở Đăc Nông


Xây bia tưởng niệm đồng đội hy sinh ở Long An


Cùng các đồng chí lãnh đạo E 271
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2017, 11:42:33 pm »

 

Thường xuyên giữ tình đoàn kết quân dân


Tiếp đoàn cán bộ lãnh đạo tình Long an và huyện Đức hòa tại Hà Nội


Đồng chí Dương Công Hợi kiểm tra bản thảo trước khi gửi đến nhà xuất bản
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2017, 11:43:40 pm »

       
"CHÚNG TA MÃI MÃI LÀ ĐỒNG ĐỘI

        Sau khi hoàn thành việc xây dựng doanh trại, ổn định nơi đóng quân và bước vào huấn luyện. Tháng 10 năm 1975, Trung đoàn 271 có một đợt ra quân cho các sinh viên trở về tiêp tục học tại các trường Đại học. Đây là đợt ra quân lớn và quan trọng vì hầu hết lớp sinh viên sau 3 năm công tác và chiến đấu ở Trung đoàn đã trưởng thành. Hầu hết các anh đều giữ chức vụ từ Tiểu đội trưởng đến Trung đội trưởng, một số anh đã là Đại đội trưởng hoặc các vị trí quan trọng trong đơn vị.

        Tiếp đó là đợt giải quyết chế độ cho các cán bộ đã nhiều năm công tác trong quân đội được giải ngũ; Các cán bộ chiến sỹ từ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nhập ngũ được trở về cơ quan cũ. Vì vậy cán bộ, chỉ huy của các đơn vị trong Trung đoàn bị thiếu hụt nhiều.

        Những người tiếp tục ở lại Trung đoàn như chúng tôi phải tiếp tục xây dựng đơn vị đủ sức hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Cho đến hiện nay hầu hết những chiến binh thời “Nổi lửa lên em” với “ Chiếc gậy Trường Sơn” đều đã “Cây cao bóng cả”.

        Lớp sinh viên ra trận năm ấy đã trở về trường miệt mài đèn sách, nhiều người đã trờ thành tiến sỹ, giáo sư các nhà khoa học có các công trình, các đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội nước nhà.

        Nhiều người ừong các anh đã trước khi nghi hưu đã có những cống hiến được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Anh Trương Hứu Trí, Đại biểu Quốc hội khóa X, nguyên Viện trường, Viện Máy Công nghiệp Việt Nam. Anh Ngô Đức Thơ, nguyên Cục trường Cục Cơ yếu Chính phủ. Anh Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Anh Lê Tất Vinh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Hải Phòng. Anh Nguyễn Chu Chân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Tư tưởng và Văn hóa...

        Những người tiếp tục phục vụ quân đội cũng đã phấn đấu, học tập và trưởng thành. Anh Nguyễn Văn Huân, nguyên Cục trường Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng, nguyên Vụ trưởng Vụ 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo. Anh Lê Cường, nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh Hà Văn Thái, nguyên Phó Tham mưu trường Quân khu Thủ đô. Anh Lã Văn Nho, nguyên Chỉ huy trưởng Quận đội Hoàn Kiếm...

        Những người trở về với vị trí công tác cũ cũng đã trở thành những nhà quản lý giỏi, những nhà chuyên môn cao cấp và những doanh nhân thành đạt.

        Những người ra đi từ lũy tre làng lại trở về với công việc “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dù công việc nặng nhọc, đời sống bấp bênh vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vẫn không nguôi nhớ về đồng đội và những năm tháng chiến chinh.

        Tuổi thanh niên sôi nổi và những năm tháng cống hiến đã qua. Tuổi già gắn liền với bệnh tật và nỗi nhớ về quá khứ, nhớ về đồng đội. Mong muốn gặp lại những người một thời gắn bó, chia ngọt sẻ bùi đã thôi thúc mỗi chúng tôi.

        Ngay từ năm 1990, những người cựu chiến binh Trung đoàn 271 đã nhóm họp và thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 271(CCBe271) ở Nghệ An. Các tỉnh khác ở phía Bắc, Ban liên lạc CCBe271 cũng đã ra đời.

        Năm 1995, Ban liên lạc của các tỉnh nhóm họp và tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên tại số 1 Mai Xuân Thưởng, Hà Nội (Ban Vật giá Chính phủ). Buổi gặp mặt đầu tiên này có hơn ba trăm CCBe271 từ các tỉnh miền Bắc tới dự. Tại buổi gặp mặt, các Cựu chiến binh đã bầu ra Ban liên lạc Hội CCBe271 các tỉnh phía Bắc.

        Từ đó tới nay cứ hai năm anh em tổ chức họp một lần do ban liên lạc các tinh đăng cai tổ chức tại Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Tinh thần của các buổi gặp mặt là “Chúng ta mãi mãi là đồng đội”.

        Tiêu chí hoạt động của Hội CCBe271 phía Bắc là thắt chặt tình đồng đội, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tưởng nhớ những đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh, quan tâm giúp đỡ cuộc sống các gia đình liệt sĩ. Liên hệ chặt chẽ với Trung đoàn 271 và các địa phương mà các Cựu chiến binh từng gắn bó trong những năm tháng chiến tranh. Góp phần xây dựng truyền thống Trung đoàn 271 và các địa phương.

        Với tiêu chí ấy, trong những năm qua Hội CCBe271 đã giúp đỡ nhiều Cựu chiến binh có cuộc sống khó khăn, tham gia sửa chữa và xây mới hàng chục nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ ở các địa phương. Sửa nhà cho mẹ Lê Thị Thẩm mẹ liệt sĩ Đào Công Khắc ở Thanh Hóa. Xây nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Phong và liệt sĩ Định ở Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An...

        Chúng tôi đã tham gia tìm kiếm và hồi hương hàng chục hài cốt liệt sĩ. Liệt sĩ Lê Sỹ Thiềng về Bắc Giang; Liệt sĩ Bùi Khắc Tường và liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thước về Thanh Hóa; Liệt sĩ Đoàn Đức Thái về Hải Phòng và liệt sĩ Lê Đức Hiền về Hà Tình...

        Hội Cựu chiến binh còn kết hợp ủy ban Nhân dân huyện Đức Hòa xây dựng hai khu tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh tại An Ninh Tây và An Ninh Đông.

        Góp phần xây dựng truyền thống Trung đoàn cũng như truyền thống vẻ vang của quân đội và các địa phương, nhiều hội viên đã viết hồi ký, những cuốn sách trong “Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi” như; Ký ức chiến tranh - Vương Khả Sơn; Có Một thời như thế - Võ Minh; Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ - Hoàng Liêm và “Bài thơ viết dở” - Tập hợp thơ của các liệt sĩ, các Cựu chiến binh Trung đoàn 271. Năm 2014, nhiều Cựu chiến binh Trung đoàn 271 đã tham gia viết cuốn sách “Anh hùng liệt sĩ Đoàn Đức Thái. Các cuốn sách trên đã được người đọc đón nhận và được tái bản nhiều lần.

        Trở về sau chiến tranh các Cựu chiến binh Trung đoàn 271 đã tự nguyện góp công sức và trí tuệ của mình xây dựng truyền thống tốt đẹp của Cựu chiến binh Việt Nam. Có được những thành quả đáng ghi nhận ấy không thể quên được sự đóng góp cùa các anh: Hoàng Văn Duệ, Vũ Kiệm, Nguyễn Lâm, Đặng Viết Cửu, Lữ Hồng Hiểu, Đinh Xuân Tục, Lăng Trung Dũng, Lã Văn Nho, Nguyễn Văn Thái (Hà Nội), Bùi Quốc Huấn, Bùi Xuân Lịch, Nguyễn Đăng Hà, Vũ Đức Tiến, Ngô Quang Thao (Nghệ An), Phạm Hữu Khỏa (Thái Bình), Nguyễn Văn Thái (Thanh Hóa) Nguyễn Văn Xưng (Hà Tình), Ngô Đức Thơ, Chu Đức Tính, Hoàng Đại Tuấn, Hoàng Liêm, Vũ Tất Chiến, Vũ An Ninh, Chu Văn Mần, Đặng Đình Phú,Tống Đức Tính và hàng ưăm Cựu chiến binh Trung đoàn 271 các tỉnh...

        Chiến tranh đã đi qua. Đất nước đã thống nhất 41 năm rồi. Cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi muốn gửi lại tất cả những vinh quang, gian khó, những niềm vui nỗi buồn tới bạn đọc để từ đó mỗi chúng ta có được niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của biết bao thế hệ cha ông ta. Mỗi chúng ta sẽ càng hiểu sâu sắc hơn cái giá của Độc lập-Tự do mà chúng ta giành được đã phải trả giá đắt như thế nào, để từ đó có động lực vươn lên phấn đấu cho một nền hoà bình bền vững, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và giàu đẹp trên đất nước Việt Nam thân yêu.

Nghệ An, tháng 6 năm 2016        
Dương Công Hợi                
HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM