Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:30:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49163 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 09:59:36 pm »


        CHIẾN ĐẤU GIỮ ĐẤT, GIỮ DÂN TRƯỚC VÀ SAU NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARI

        Lúc này Mỹ đã ồ ạt dùng máy bay B52 ném bom, hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Quân và dân miền Bắc đặc biệt là quân, dân Hà Nội đã làm nên một lịch sử Điện Biên Phủ trên không, với 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt bắn rơi hàng chục máy bay B52. Đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào đàm phán bốn bên và phải chấp nhận ký Hiệp định Pa ri vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

        Để chuẩn bị cho ngày ký Hiệp đinh Pa ri, các đơn vị Quân giải phóng được lệnh nhanh chóng đánh chiếm các căn cứ, cắm cờ, chiếm đất, giành dân tạo nên một tình thế da báo có lợi cho ta sau khi có Hiệp định.

        Lần đầu, ngày 27 tháng 10 năm 1972, Mỹ đã lật lọng không ký Hiệp định Pa ri, các đơn vị của Trung đoàn 271, Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 7 xuống Đức Hòa, Long An làm nhiệm vụ chồm lên, cắm cờ đã bị tổn thất lớn.

        Lần này, cả Trung đoàn được lệnh xuống Đức Hòa làm nhiệm vụ cắm cờ, giành đất, giành dân. Đại đội tôi nhanh chóng ổn định biên chế trang bị và được Trung đoàn giao nhiệm vụ nằm trong đội hình Tiểu đoàn 9 hành quân xuống Đức Hòa.

        Những người lính ở chiến trường khi nhận được thông báo Hiệp định Pa ri được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, ai cũng vô cùng phấn khởi và tin tưởng rằng ngày chiến thắng đã đến rất gần. Ai cũng tin tưởng Hiệp định Pa ri có sự giám sát của quốc tế, nếu bốn bên chấp hành đúng Hiệp định thì thắng lợi là cầm chắc, chỉ cần đợi ngày, đợi tháng nữa mà thôi.

        Đêm 25 tháng 1 năm 1973, Đại đội tôi và Tiểu đoàn 9 hành quân từ Thóc Nóc xuống Đức Hòa vẫn đi theo đường cũ. Qua ấp Tà Nôi khoáng 3 km, đường không an toàn vì địch hay ra phục. Do vậy trinh sát vừa đi, vừa bám địch. Trinh sát bám được đoạn nào thì đội hình lại dịch lên, tốc độ đi rất chậm người nọ kế người kia.

        Đang đi, tôi nghe một tiếng đề pa pháo từ Gò Dầu bắn lên tiếng rít ngay trên đầu, quả đạn rơi sau đội hình khoảng 500 mét. Tôi nghĩ nếu nó rút tầm chắc là đạn sẽ rơi trúng đội hình. Tôi lo quá, đội hình hành quân bộ đội đi dày đặc, địa hình trống trải nếu nó bẳn trúng thì thương vong sẽ rất lớn.

        Suy nghĩ của tôi đang ở trong đầu và tôi cũng vừa dịch lên được mấy bước thì ngay lập tức tiếng đề pa pháo rít xé tai. Tôi chi kịp nằm ẹp xuống đất, một quả pháo nổ ngay giữa đội hình cách tôi khoảng 10 mét về phía sau. Tiếng nổ vừa xong, tôi đã nghe tiếng kêu của nhiều người. Chiến sỹ đi trước tôi nằm không kịp, bị một mảnh phạt vào mông to bằng cái bát. Trời tối, tôi sờ thấy miệng vết thương quá to, phải lấy cả cái túi gạo rang ép vào mới băng được.

        Tôi cúi xuống, thấy mấy đồng chí nằm lăn ra, lấy tay xô lăn từng người chẳng thấy ai động đậy. Tôi hô anh em nhanh chóng băng bó cho các đồng chí bị thương, đề phòng pháo bắn tiếp. Lệnh cùa Tiểu đoàn, đơn vị nhanh chóng vượt qua khu vực nguy hiểm. Tiểu đoàn quyết định cử đồng chí Hội, Chính trị viên phó Đại đội cùng một số anh em dẫn số bị thương đi về ấp Tà Nôi nhờ du kích, nhân dân ra giúp đỡ, giải quyết công tác thương binh, tử sỹ.

        Địch chi bắn 2 quả pháo. Một quả vượt qua đầu. Một quả gây tổn thất rất lớn. Đặc biệt là Đại đội tôi mới được thành lập. Anh em mới gặp nhau được mấy ngày. Chiều hôm qua, cả đơn vị ăn một bữa cơm vui như hội. Tuy chẳng có thịt cá, rượu, bia gì, chỉ cỏ mẩy cây chuối non thái ra trộn với muối và một nồi canh lỏng vỏng, lơ thơ mấy cọng rau muống mà anh em hò hét ầm lên để chào mừng Hiệp định Pa ri chờ ngày chiến thắng.

        Chẳng ai biết, chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ, bốn đồng chí đã vĩnh viễn ra đi. Tuy bị tổn thất như vậy nhưng Tiểu đoàn vẫn tiếp tục hành quân. Cả Tiểu đoàn vượt được qua sông Vàm Cỏ Đông thì tròi cũng tảng sáng. Vì thế, đơn vị hành quân ra vùng Lạch Gần để trú quân.

        Đêm 26 tháng 1 năm 1973, các đơn vị của Trung đoàn 271 hành quân chiếm lĩnh các mục tiêu theo kế hoạch để giành đất cắm cờ. Đại đội tôi được phân công vào chiếm ấp An Hòa, cắm cờ sát đồn An Định và tổ chức trận địa phục kích chống càn, để bảo vệ vùng giải phóng.

        Sáng ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết và có hiệu lực. Có lẽ từ đêm địch ở đồn An Định đã biết chúng tôi đứng chân ở đây. Thế nhưng sáng ra cả 2 bên cùng im tiếng súng và địch cũng không nống ra. Mãi tới khoảng gần 11 giờ trưa, ngày 27 tháng 1 năm 1973, chúng tôi thấy tiếng một chiếc trực thăng HU1A, bay lượn vòng qua trận địa của Tiểu đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:00:13 pm »


        Chúng tôi tin là máy bay của ủy ban giám sát Quốc Tế đi kiểm tra, Tiểu đoàn thông báo phải nhìn kỹ, ký hiệu không khéo bắn nhầm máy bay của ủy ban giám sát Quốc Tế. Khi máy bay đến gần, chúng tôi nhìn lên chẳng có ký hiệu gì hết. Nó lượn đi lượn lại mấy vòng rồi bắn rốc két và đạn khói vào trận địa. Pháo từ Hậu Nghĩa cấp tập bắn lên. Sau đó địch cho bộ binh ra nhổ cờ, bị anh em chúng tôi nổ súng bắn chết mấy tên, chúng phải bỏ chạy không dám ra nhổ cờ nữa.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1973 dương lịch, trùng với ngày 29 Tết. Tối hôm đó Đại đội tôi được điều về ấp An Thuận để phục kích, chống càn. Trận địa của chúng tôi chỉ cách đồn An Thuận khoảng 500 mét. Cả ngày 30 Tết, chúng tôi nằm bên này ấp, địch thì bên kia ấp. Cả hai bên đều im tiếng súng. Tôi ngồi trong hầm mỏi mệt quá và cũng thấy yên tĩnh.

        Khoảng 4 giờ chiều, tôi lên hầm đi lại kiểm tra bộ đội, khắp cả ấp. Quay về, tôi ngồi dưới bụi tre sát hầm đưa chiếc đồng hồ pôn jốt ra lau lại vì bị ướt mấy hôm rồi. Bỗng địch ờ phía bên kia ấp bắn một quả đạn M79 nổ ngay trên bụi tre. Tôi lao vội xuống hầm không kịp nên bị một mảnh vào mông.

        Khoảng 8 giờ tối, một bà già và mấy cô gái mang sang cho chúng tôi rất nhiều bánh trái. Bà già ôm lấy tôi và nói:

-           Tụi bay chủ quan quá, tụi bay ở đây, bọn địch nó biết hết. Từ sáng nó ra khỏi đồn, nằm khắp mấy bờ ao nhà tao. Khi mày ở bụi tre, có đến cả chục thàng ngắm súng vào mày, nó gọi tao ra xem thằng Việt cộng. Tao nói từ giờ nào tao có biết bọn Việt cộng là ai đâu. Nó nói bà nhìn cho kỹ đi.

        Cự ly từ bờ ao sang chỗ tôi không đầy 100 mét, bà già nhìn rõ khuôn mặt tôi vì tối hôm qua chúng tôi mới gặp bà. Bà tiếp:

-           Tao hoảng quá, cứ sợ nó bắn, rồi tao nói: “Việt cộng việt cách gì không biết. Tụi bay bắn nó chết, nó thụt pháo sang đây làm nhà tao cháy. Hôm nay đã 30 Tết rồi, bay để yên cho tao hương khói tổ tiên và tao làm mâm cho mà ăn. Tụi bay còn có nhà, có cửa, tụi nó ngoài bưng, ngoài biền, Tết nhất chẳng có miếng gì, bắn nó chi cho tội”, thế là tụi lính nghe tao không bắn. Trước khi ra về, nó bắn một quả lên ngọn tre để cảnh báo mày. Bà nói tao không xin cho mày thì cỏ lẽ cái đầu mày nát bét, chứ 10 đầu súng đủ loại cứ nhắm vào mày làm tao phát khiếp.

        Tôi thực sự cảm động ôm lấy má, càm ơn và nói: “Má là người thứ 2 sinh con ra”. Mấy cô gái cứ nắm tay tôi xuýt xoa, nói: “Thiếu chút nữa thì bọn em không đuợc nhìn thấy anh Ba”.

        Càng khuya bà con cô bác về càng đông, nhà nào cũng mang theo bánh trái các loại cho bộ đội. Tôi nói: “Bà con cho nhiều thế này làm sao chúng con ăn hết được” Bà con hả lời: “Ăn không hết thì chia nhau mang theo mà ăn, ba ngày Tết cơ mà”.Hơn 11 giờ đêm, tôi nhận lệnh của Trung đoàn, cho Đại đội hành quân về xã Tân Phú, về với đội hình của Tiểu đoàn 8.

        Giao thừa gần đến, bà con cô bác ấp An Thuận tiễn chúng tôi, kẻ đi người ở vào lúc chuyển giao năm cũ sang năm mới ai cũng bịn rịn. Nhiều người rơi nước mắt, nhất là các bà già và mấy cô gái.

        Sau khi có Hiệp định Pa ri, ta chù trương chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định, nhưng Mỹ và quân đội Sài Gòn đã lật lọng. Chúng cố tình phá hoại, không chấp hành. Chúng chủ trương giành đất, giành dân, tranh thủ lấn chiếm. Do vậy cuộc chiến đấu của Trung đoàn 271 trên đất Đức Hòa, Long An từ ngày 27 tháng 1 năm 1973 đến cuối tháng 3 năm 1973 là vô cùng ác liệt. Các đơn vị bị thương vong khá lớn, quân sổ bổ sung không kịp.

        Cuối tháng 3, các đơn vị được lệnh rút quân ra bưng biền, dọc sông Vàm cỏ Đông, để củng cố, sau đó lần lượt rút lên Căm Pu Chia.

        Cuối tháng 5 năm 1973, Bộ Chỉ huy miền quyết định cắt Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 cho tỉnh đội Long An. Trung đoàn đã điều động quân số của Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9 bổ sung cho Tiểu đoàn 7, khung của Trung đoàn hành quân về Lộc Ninh nhận nhiệm vụ mới.

        Đây là thời điểm rất khó khăn về công tác tư tưởng và tổ chức. Hầu hết số cán bộ chiến sỹ bổ sung cho Tiểu đoàn 7 đều không an tâm, có một số cố tình không đi. Trung đoàn đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động mãi mới ổn định được tổ chức biên chế cho Tiểu đoàn 7. Lúc này, có tin Trung đoàn hành quân về Lộc Ninh ra Bắc. Vì thế, một số cán bộ Tiểu đoàn 7 cũng không an tâm mà cho rằng Trung đoàn đem con bỏ chợ.

        Trung đoàn về Lộc Ninh được mấy ngày thì được lệnh về Bù Bông, Tuy Đức thuộc tinh Quảng Đức để nhận nhiệm vụ chiến đấu (Quảng Đức nay là Đắc Nông). Trung đoàn vừa hành quân, vừa bổ sung quân số. Các Tiểu đoàn bộ binh hành quân lên thẳng các cao điểm sát đường 14, xây dựng các trận địa chốt ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:01:23 pm »


        MẶT TRẬN QUẢNG ĐỨC, CHIẾN THẮNG BÙ BÔNG

        Những địa danh đồi chè Pu Brăng, ngã ba Tuy Đức, ngã ba Sân bay, ngã ba Lâm Bí, Trương Tấn Bửu, Đức An, Đức Song, Bù Bông, Đạo Trung, Kiến Đức, Gia Nghĩa gắn liền với hoạt động của Trung đoàn 271 từ đây. Vùng này, trước đây thuộc tinh Quảng Đức nay là tinh Đắc Nông.

        Đây là vùng rừng núi rộng lớn, phía bắc tiếp giáp với các tỉnh Tây Nguyên, có đường 14 chạy theo biên giới

        Việt Nam, Căm Pu Chia. Từ Đắc Lắc vào tới Nam Bộ hoàn toàn do địch kiểm soát.

        Trên đường 14, từ Tây Nguyên vào, địch xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn có thể chi viện cho nhau, như căn cứ Đức Lập, Núi Lửa, ngã ba Đức Song, Đạo Trung, Bù Bông, Kiến Đức, Bù Đăng... Ngoài các căn cứ lớn còn có các căn cứ nhỏ cấp Đại đội và cấp Tiểu đoàn.

        Sau khi có Hiệp định Pa ri, địch đã dùng một lực lượng lớn bung ra lấn chiếm vùng đồi chè Bu Brăng, ngã ba sân bay sát với biên giới Căm Pu Chia. Đây là vùng giải phóng của ta từ đầu năm 1972. Để ngăn chặn sự lấn chiếm của địch từ tháng 5 năm 1973, Bộ Chi huy Miền đã điều Tiểu đoàn 2 bộ binh của Quân khu C50 lên vùng này. Tiểu đoàn 2 đã đánh bật địch ra khỏi khu đồi chè.

        Sau đó Tiểu đoàn 2 Quân khu C50 được điều về đội hình Trung đoàn 271. Ngoài ra Trung đoàn còn được bổ sung thêm Tiểu đoàn 4 cùa Quân khu C40. Như vậy thời điểm này, Trung đoàn 271 có 4 Tiểu đoàn bộ binh.

        Các đơn vị đã tiêu diệt một số chốt cấp Đại đội địch trên đường 14, từ Đức Song đến ngã ba Tuy Đức như ngã ba Đức An, ngã ba Bãi Gồ. Xây dựng các trận địa chốt chặn trên đường 14, đoạn từ Đức Song về tới Tuy Đức, cô lập căn cứ Tuy Đức, Bù Bông.

        Địch đã dùng nhiều thủ đoạn, tung ra một lực lượng lớn, nhằm nhổ mấy chốt của ta nhưng không được vì thời điểm này vào mùa mưa nên hoạt động phi pháo gặp nhiều khó khăn.

        Từ đầu tháng 9 năm 1973, các đơn vị của Trung đoàn vừa chốt chặn vừa tranh thủ nghiên cứu địa hình chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô. Trung đoàn 271 được giao nhiệm vụ kết hợp với Trung đoàn đặc công 429, pháo binh, xe tăng tiêu diệt và giải phóng căn cứ Bù Bông và ngã ba Tuy Đức.

        Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ cùng với Trung đoàn đặc công 429 tiêu diệt căn cứ Bù Bông. Đặc công đánh lướt, bộ binh hỗ trợ phía sau tiêu diệt địch và tổ chức đánh địch phản kích. Phương án 2 nếu đặc công đánh không dứt điểm thì dùng các loại pháo như pháo 85, pháo 122, cối 120 bắn phá hủy diệt một số mục tiêu quan trọng. Sau đó Trung đoàn 271 cùng với xe tăng dùng bộc phá đánh mở cửa vào tiêu diệt địch.

        Bù Bông một căn cứ quân sự mạnh, có một Tiểu đoàn bộ binh địch, một trận địa pháo 105 ly, một chi đội xe tăng thiết giáp. Quân sổ khoảng trên 700 tên, bố trí trên một quả đồi trọc cao hơn đường 14 khoảng 600 mét, nằm về bên phải đường 14.

        Từ phía Bắc vào các ngọn đồi ở đây đều là đồi trọc, cỏ chỉ cao không quá 10 phân, sát căn cứ toàn sỏi đá, cỏ cũng không thể mọc được. Dưới chân đồi là rừng già. Địch bố trí đội hình tương đối rộng, chia nhỏ ra thành từng cụm, có hàng rào dây thép gai ngăn cách, có hệ thống hỏa lực, xung lực chi viện cho nhau, hầm hào hết sức kiên cố, có 7 lớp hàng rào dây thép gai, hệ thống mìn dày đặc.

        Căn cứ ngã ba Tuy Đức địch chi có một đại đội nhưng đã chốt giữ từ lâu nên có hệ thống hàng rào dây thép gai và mỉn, công sự kiên cố. Khi bị tấn công, trận địa pháo 105 ly Bù Bông chi viện, hai điểm này cách nhau khoảng 8 km.

        Chúng tôi được giao nhiệm vụ là tiêu diệt căn cứ Bù Bông, Tuy Đức bàng mọi giá. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao từ đầu tháng 10 năm 1973, các đơn vị tiếh hành đi nghiên cứu trận địa.

        Khi từ Lộc Ninh lên đồi chè, tôi được Trung đoàn điều về làm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 2.

        Cuối tháng 10 năm 1973, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương chiến dịch gọi là Đoàn 95 do Thiếu tướng Hoàng Cầm, Phó Tư lệnh Miền làm Tư lệnh chiến dịch. Công tác điều nghiên đến giữa tháng 11 cơ bản hoàn thành.

        Đây là chiến dịch được chuẩn bị công phu, chu đáo, tác chiến quy mô lớn, hiệp đồng binh chùng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 2 Trung đoàn bộ binh là 271 và 205, một Trung đoàn pháo binh phòng không và mặt đất. Một trung đoàn đặc công, một Tiểu đoàn xe tăng thiết giáp.

        Trước khi bước vào chiến dịch các đơn vị đã cử người lên gần sân bay đất Căm Pu Chia làm trại nhốt tù binh, dự kiến sẽ bắt khoảng 300 tên tập kết về đây.

        Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ có 2 Đại đội bộ binh là Đại đội 1 và Đại đội 3 bám theo đội hình đặc công. Khi đặc công nổ súng, dùng bộc phá, phá hàng rào, xông vào cùng đặc công tiêu diệt các mục tiêu trong căn cứ. Đại đội hai cùng với xe tăng tấn công từ hướng ngã ba Tuy Đức, theo đường 14 đánh lên Bù Bông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:02:00 pm »


        Lần cuối cùng vào đầu tháng 12 năm 1973, chúng tôi được họp quân chính giữa bốn đơn vị binh chủng tham gia tác chiến. Đồng chí Trung đoàn trưởng đặc công báo cáo.

        Đồng chí nói: “Trung đoàn 429 có 2 Tiểu đoàn tham gia trực tiếp đánh vào Bù Bông, tổ chức thành 7 mũi tấn công theo nhiều hướng. Hiện nay, cả 7 mũi báo cáo đã nắm chắc và được vào tận các mục tiêu được phân công, kể cả khu trung tâm thông tin và chi huy của địch”.

        Tất cả các đơn vị đều báo cáo là công tác chuẩn bị đã hoàn tất chỉ chờ ngày nổ súng. Là những người được dự họp quân chính, chúng tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng sẽ giành thắng lợi.

        Thòi điểm này các đơn vị của Trung đoàn vẫn nằm trên các điểm chốt. Tiểu đoàn 9 đã được Tiểu đoàn 3 thay thế để chuẩn bị cho nhiệm vụ tấn công ngã ba Tuy Đức.

        Để chuẩn bị chiến dịch, các đơn vị đã tập kết về khá đông. Từ Tuy Đức tới Đồi Thông bộ đội trú quân dày đặc mà địch không hề hay biết.

        Đầu tháng 12 năm 1973, địch tăng cường lên ba tiểu đoàn bảo an tinh Khánh Hòa hòng tập trung lực lượng nhổ chốt của ta. Do vậy, các chốt của ta ngày nào bộ đội cũng nổ súng và chịu hàng chục đợt pháo kích và không kích của địch.

        Bộ Chi huy chiến dịch quyết định ngày nổ súng là ngày 8 tháng 12 năm 1973.

        Theo hiệp đồng, Trung đoàn đặc công 429 là lực lượng chủ yếu đánh chiếm chi khu Bù Bông, được bổ trợ 2 Đại đội bộ binh của Trung đoàn 271 đánh phía sau và chốt giữ các mục tiêu đã chiếm được, đánh trả địch phản kích.

        Khi Bù Bông nổ súng thì ở ngã ba Tuy Đức, Đại đội công binh của Trung đoàn mở cửa, Tiểu đoàn 9 nhanh chóng tấn công tiêu diệt và làm chủ ngã ba Tuy Đức, tạo điều kiện cho một đại đội của Tiểu đoàn 2 cùng xe tăng tấn công theo đường 14 lên chi viện cho các đơn vị tấn công Bù Bông.

        Trung đoàn 205 phục kích, đánh địch phản kích từ chi khu Kiến Đức lên, sằn sàng tấn công giải phóng Kiến Đức và đánh địch tháo chạy từ Bù Bông về Kiến Đức. 2 Tiểu đoàn pháo mặt đất, sẵn sàng chi viện cho bộ binh trong mọi tình huống. Lần đầu tiên ở Đông Nam Bộ, có 1 Tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly tham gia chiến dịch, cùng với 12,7 ly kiên quyết khống chế bầu trời để các đơn vị bộ binh, đặc công hoàn thành nhiệm vụ.

        Quân địch ở 2 căn cứ này có khoảng 800 tên, bao gồm nhiều sắc lính và quân binh chùng. Đầu tháng 12 địch đã tăng cường lên đây khoảng 3 tiểu đoàn bảo an Khánh Hòa, nâng số quân địch lên gần 2.000 tên. Tuy lực lượng địch được tăng cường nhưng quyết tâm của trên vẫn không thay đổi và cho rằng đây là cơ hội để ta tiêu diệt nhiều địch hơn.

        Sáng ngày 7 tháng 12, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa theo nhiệm vụ được phân công. Hôm đó, trời không mưa nhưng gió rất to và lạnh. Bộ đội hành quân mang vác nặng, mồ hôi ướt hết quần áo nhưng mỗi khi nghỉ, trời lạnh quá nên hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập.

        Hơn 7 giờ tối, mũi của chúng tôi đến vị trí chiếm lĩnh, chi cách hàng rào thứ nhất của địch vài trăm mét. Bộ đội đào hầm dã chiến, chờ tấn công. Anh em đặc công chi có quần xả lỏn, mình bôi đầy nhọ, đầu đội mũ cỏ, bắt đầu hành quân tiền nhập.

        Theo hiệp đồng, 3 giờ sáng ngày 8 tháng 12, đặc công sẵn sàng nổ súng tấn công. Một đêm đầy căng thẳng, chúng tôi căng mắt chờ. Tôi nghĩ miên man, không hiểu đặc công có vào được không? Thỉnh thoảng tôi lại điện về Trung đoàn hỏi tình hình thế nào, gần 3 giờ sáng rồi mà chưa thấy gì hết. Trung đoàn trả lời yên tâm chờ.

        Một tình huống bất ngờ xảy ra.

        Khoảng 9 giờ tối ngày 7 tháng 12, khi đặc công đã triển khai tiền nhập vào các mục tiêu, một chiến sỹ thông tin Trung đoàn đi sửa dây đoạn từ Trung đoàn xuống chốt Tiểu đoàn 3 gần ngã ba Tuy Đức bị địch bắt sống. Bọn địch luồn ra phía sau chốt của ta lần gặp đường dây điện thoại, chúng cắt đứt và phục sẵn. Anh em thông tin thấy đứt dây đi sủa bị chúng tóm gọn.

        Địch đưa chiến sỹ thông tin về ngã ba Tuy Đức tra khảo, đánh đập dã man nhưng chiến sỹ này không khai. Anh nói thấy dây đứt thì tôi đi sửa vì cái chốt này đã có cách đây vài tháng.

        Chiến sỹ thông tin bị bắt, Đại đội 20 và chốt Tiểu đoàn 3 không biết nhưng máy kỹ thuật của Trung đoàn, Đoàn 95 thì bắt được tin này.

        Tư lệnh chiến dịch hết sức lo lắng. Đồng chí bị bắt mà khai thì kế hoạch lộ hết. Trong khi đó đặc công các mũi các hướng đã tiền nhập được mấy tiếng đồng hồ rồi. Tất cả đều đang nằm trong các lớp hàng rào của địch. Nếu lộ, xương máu đổ ra không sao tính được, trận đánh sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

        Qua kiểm tra, biết được tinh thần dũng cảm của chiến sỹ thông tin, trận đánh diễn ra đúng kế hoạch.

        Kết thúc trận đánh 3 ngày, bọn địch ở ngã ba Tuy Đức bắt chiến sỹ thông tin dẫn đường đưa chúng chạy trốn. Chiến sỹ này đã dẫn địch vào một đơn vị bộ binh của ta. Bọn địch đã bị tiêu diệt và bắt sống hết. Chiến sỹ thông tin kể lại: “Tuy bị địch bắt, tra tấn, đánh đập nhưng tôi không khai vì tôi biết chi còn mấy tiếng đồng hồ nữa là ta nổ súng. Địch nhất định bị tiêu diệt, tôi sẽ tìm cách trốn thoát”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:02:23 pm »


        Khoảng 4 giờ sáng, Trung đoàn ra lệnh cho chúng tôi cho dịch đội hình lên sát với hàng rào địch, sẵn sàng chờ lệnh.

        Bộ đội triển khai đội hình tấn công, tôi bò đi nhắc nhở bộ phận mờ cửa. Khi đặc công nổ súng thì nhanh chóng lên đánh bộc phá sào liên tiếp, phá được hàng rào, bộ đội bám theo đánh thẳng vào trung tâm, bắt liên lạc với đặc công.

        Từ tối bộ đội nằm trong rừng có hầm trú ẩn nay phải phơi ra giữa đồi trọc, cỏ chỉ cao không quá 10 phân. Đất toàn sỏi không thể đào được hầm, sợ lộ, bộ đội phải nằm sấp sát dưới mặt đất, lạnh như cắt da. Căng thẳng quá, tôi chi sợ bộ đội chịu không nổi, có ai đó ho một tiếng thì lộ hết.

        Tôi cùng 2 chiến sỹ thông tin nằm sát đất không thể đi lại được nữa. Tôi liên tục xem đồng hồ. Bộ đội nằm phơi ra hơn 30 phút rồi.

        4h45 phút, bộc phá lệnh nổ. Đêm khuya thanh vắng, tiếng nổ to như tiếng bom. Những tiếng nổ vang rền cả trận địa. Lửa khói, mìn sáng làm trận địa bừng sáng. Anh em xông lên đánh bộc phá sào liên tiếp 7 quả, các lớp hàng rào được phá toang.

        Bộ đội lao vào trung tâm cùng với đặc công tiêu diệt từ hầm này sang hầm khác. Mờ sáng, toàn bộ chi khu Bù Bông đã bị tiêu diệt.

        Sáng ra, anh em đặc công thu dọn chiến trường, làm công tác chính sách và rút ra Toàn bộ Tiểu đoàn 2 vào chốt giữ căn cứ.

        Theo hiệp đồng, ở ngã 3 Tuy Đức, khi đặc công tấn công Bù Bông thì Đại đội công binh đánh mìn và bộc phá mở cửa, Tiểu đoàn 9 nhanh chóng tấn công tiêu diệt địch và chốt giữ để một Đại đội bộ binh, một Đại đội xe tăng T59 tấn công theo đường 14 lên chi viện cho các đơn vị ở Bù Bông.

        Đường xa, xe tăng phải chạy hơn 1 giờ mới tới Bù Bông. Khi xe tăng tới, toàn bộ căn cứ Bù Bông đã bị tiêu diệt và chúng tôi đang chốt giữ.

        Căn cứ Bù Bông, địch triển khai rộng, có 3 điểm chốt xung quanh. Ta tấn công tiêu diệt khu trung tâm, buộc địch ở các chốt xung quanh phải bò chạy. Trung đoàn 205 làm nhiệm vụ chốt chặn đón lõng địch bỏ chạy về Kiến Đức và đánh đich phản kích từ Kiến Đức lên.

        Địch có trận địa pháo và xe tăng ở đồi Yên Ngựa phía sau, cách Bù Bông một thung lũng chừng 800 mét. Xe tăng ta lên căn cứ Bù Bông đang triền khai đội hình để tấn công sang thì địch đã hạ nòng pháo bắn thẳng làm cháy một chiếc. Sau đó, một đơn vị bộ binh của Trung đoàn 205 kết hợp xe tăng tấn công tiêu diệt, thu 3 khẩu pháo 1051y và 6 xe tăng.

        Chiến thắng Bù Bông, bộ đội đặc công đã làm nên một kỳ tích. Nếu tác chiến theo kiểu hỏa lực kết hợp bộ binh thì thương vong sẽ rất lớn. Ta chỉ đánh vào trung tâm chi khu Bù Bông và ngã ba Tuy Đức. Nhưng quân địch từ ngã ba Tuy Đức đến Kiến Đức trên tuyến đường 14 dài khoảng hơn 50 km đã bị tan rã hoàn toàn.

        Khi căn cứ Tuy Đức và Bù Bông bị ta tiêu diệt, địch ở ngoài các căn cứ này còn có hàng ngàn tên (Trong đó có 6 tiểu đoàn lính bảo an từ Khánh Hòa mới điều lên). Tất cả đều như ong vỡ tổ, tìm đường chạy về Kiến Đức và bị Trung đoàn 205 khóa chặt. Đường về ngã ba Đức Song bị Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 271 chốt chặn.

        Địch hoảng loạn, cắt rừng chạy về lộ 8B để về Gia Nghĩa. Trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 9 tổ chức truy kích, lùng sục bắt tù binh. Có thể nói một chiến dịch bắt tù binh chưa từng thấy.

        Địch chia nhỏ ra thành từng Đại đội để mạnh ai nấy chạy. Những tên lính đồng bằng lên rừng rậm, địa hình hiểm trở và phức tạp nên hầu hết bị bắt sống. Một số chạy ra đường 14, gặp bộ đội ta xin đầu hàng tránh bị chết đói. Có những toán lính lạc bảy, tám ngày trong rừng, bị ốm, bị đói, mới gặp được quân ta cứu sống.

        Các đơn vị trực thuộc của Trung đoàn thay nhau giải tù binh về tuyến sau không kịp. Chi trong mấy ngày, toàn chiến dịch đã bắt sống hơn 600 tù binh, trong khi ta dự kiến chỉ bắt 300 tên.

        Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 12 năm 1973, khu vực từ Đức Song đến Kiến Đức ta làm chủ hoàn toàn. Địch phản ứng yếu ớt, tất cả các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiểu đoàn 2 bắt sống hơn 100 tên. Riêng đại đội tôi đã bắt 40 tên.

        Nơi ăn ở của tù binh vượt quá dự kiến nên gặp nhiều khó khăn. Bọn lính đưa lên đây thả tự do làm lấy lán trại để ở và không có một tên nào dám trốn trại vì toàn rừng núi, sảy ra là lạc đường và chết đói.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:03:29 pm »

       
       CHỐT CHẶN LỘ 14, BẢO VỆ HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC

        Từ ngày 20 tháng 12 năm 1973, địch dùng một lực lượng lớn bao gồm Sư đoàn 23 ngụy và hơn 10 Tiểu đoàn lính bảo an, tổ chức phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại vùng đất mà ta mới giải phóng. Vào thời điểm nay, Trung đoàn được bổ sung hơn 200 cán bộ chiến sĩ đa số là kỹ sư, công nhân kỹ thuật và sinh viên các trường Đại học ờ Hà Nội (Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Kinh tế Kế hoạch...).

        Ở hướng Kiến Đức do Trung đoàn 205 đảm nhiệm địch đã phản kích và chiếm lại chi khu Kiến Đức. Trung đoàn 271 đảm nhiệm từ ngã ba Tuy Đức đến Núi lừa, Đức Song, cao điểm 943, Lâm Bí, Đức An địch đã dùng hàng trăm phi vụ ném bơn và bắn hàng ngàn quả pháo các loại, kết hợp Sư đoàn bộ binh 23 tổ chức tấn công liên tiếp cả ngày lẫn đêm.

        Các đơn vị của các Trung đoàn đã chiến đấu vô cùng khó khăn, ác liệt. Binh lực, hỏa lực địch mạnh hơn và đông hơn ta nhiều lần. Có một số chốt như chốt điểm cao 943 của Đại đội công binh, anh em phải mở đường máu mới rút ra được an toàn.

        Một số chốt của Tiểu đoàn 3 bị thương vong khá lớn. Tiểu đoàn 2 của chúng tôi giữ các điểm chốt từ Đức Song về tới Đức An trên đường 14 và một số điểm cao phía tây đường 14. Đại đội tôi có ngày bị địch đánh từ bảy, tám giờ sáng đến chín mười giờ đêm. Nuôi quân không thể đem cơm lên được.

        Anh em chúng tôi chiến đấu liên tục, thay nhau đào sâu thêm công sự. Cứ qua một đợt bom pháo là bộ binh địch lại tấn công lên. Chúng tôi lại đánh bật chúng xuống. Ngày nào cũng có bộ đội thương vong, chủ yếu do bom pháo đánh sập hầm. Tiểu đoàn 2 có ưu thế hơn các Tiểu đoàn khác là có máy kỹ thuật.

        Đồng chí Dũng trung đội trưởng thông tin quê ở Bình Dương rất giỏi bắt máy kỹ thuật. Mỗi khi địch dừng bom pháo để cho bộ binh triển khai tấn công vào ở hướng nào, lực lượng bao nhiêu, Tiểu đoàn đều biết trước và thông báo để các Đại đội bung lực lượng ra trước chốt khoảng ba, bốn trăm mét phục sẵn. Vì cự ly này địch rất chủ quan. Với chiến thuật này có nhiều mũi tiến công của địch đã bị chúng tôi diệt gọn khi chưa kịp triển khai lực lượng.

        Ở những hướng trống trải, không cho bộ binh ra phục được thì chúng tôi gọi cả pháo cối cấp trên và cối 60 của Đại đội bắn tiêu diệt. Do vậy các chốt của Tiểu đoàn 2 đứng vững được hàng tháng trời, tiêu diệt và làm tan rã hàng Tiểu đoàn quân địch.

        Đại đội tôi chốt ở ngã ba Lâm Bí, địch phản kích hàng chục ngày vẫn không lấy được chốt. Chúng tôi đã diệt được hàng chục tên. Đại đội tôi chốt ở đây, ngoài hỏa lực của Tiểu đoàn chi viện còn có một trận địa pháo 85 nòng dài của Đoàn 95, trực tiếp chi viện để bảo vệ trận địa.

        Anh Căn quê ở xóm 9 cùng xã với tôi làm Chính trị viên và anh Dương quê Đô Lương làm Tiểu đoàn trưởng pháo binh. Chúng tôi có máy thông tin liên lạc với nhau bằng đường dây và cả 2W. Im tiếng súng tôi và anh Căn lại tâm sự chuyện quê hương vì anh Căn mới ở ngoài Bắc vào.

        Mỗi khi bộ đội chuẩn bị ăn cơm, tôi lại gọi anh Căn bắn cho mấy quả pháo phía trước trận địa để địch dạt ra cho bộ đội yên tâm ăn. Sau khi chốt của Đại đội 2, Tiểu đoàn 9 gặp khó khăn, quân số bị thương vong nhiều, Trung đoàn điều Đại đội tôi lên thay thế. Chốt nằm ở ngã ba Đức An án ngữ đường 14 trên một quả đồi trọc, phía dưới là rừng rậm. Đại đội tôi chốt ở đây được 12 ngày. Ngày nào cũng nổ súng đánh địch phản kích và chịu đựng hàng chục đợt pháo.

        Trận địa rộng chừng 800m2 chi có 17 tay súng. Hầm của anh em Đại đội 2, Tiểu đoàn 9 để lại, hầm kèo dài sâu và chắc, pháo, bom phát quang nổ ngay trên hầm vẫn không sập.

        Mờ sáng ngày thứ 12, tôi đi kiểm tra và nhắc bộ đội dậy thay nhau gác thì Tiểu đoàn thông báo địch chuẩn bị tấn công vào. Tôi vừa về tới hầm chi huy thì tiếng súng của anh em đã rộ lên cả trận địa. Tôi gọi Tuấn cối 60 bắn cấp tập vào đội hình địch. Tôi cầm máy gọi và đề nghị Tiểu đoàn cho pháo cối bắn chi viện. Cả trận địa đất cát mù mịt, đạn thẳng của địch bay vù vù trước cửa hầm. Đạn cối địch nổ ngay trên hầm, tiếng súng ta và địch kéo dài khoảng chục phút rồi im bặt. Địch lùi ra.

        Tôi và Móng liên lạc đi từng hầm kiểm tra. Bộ đội tất cả đều an toàn. Tôi mừng quá. Trung đội trưởng Thành nói: “Đại đội vừa tới nhắc. Chúng tôi mắt nhắm, mắt mở thò đầu ra cửa hầm thì thấy hàng trăm tên địch đang bò lúc nhúc trước mặt. Tôi vội tống một quả B40 thế là tất cả nổ súng”. Với sức phản kích của ta, lại có pháo cối chi viện, địch nằm giữa bãi trống bị thương vong nhiều, chúng hò nhau tháo chạy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:04:26 pm »


        Tôi đi nhắc bộ đội: “Địch có ý định thay đổi chiến thuật đánh úp ta từ sáng nhưng đã thất bại. Ngày hôm nay, chúng không cho ta yên đâu, sẵn sàng mà chịu đựng”. Bộ binh địch lùi ra, pháo từ Núi Lửa bắn hàng trăm quả, sau đó mấy tốp máy bay thay nhau thả bom vào trận địa.

        Vì không bị bắn, nên máy bay địch bay rất thấp cắt bom. Máy bay AD6 cắt từng quả bom nên chúng đánh dai như đìa đói. Tôi ngồi ở cửa hầm theo dõi máy bay cắt bom. Mỗi lần bom nổ tôi chỉ cần cúi đầu vào hầm là an toàn. Bỗng tôi thấy một quả bom ừòn xoe lao thẳng xuống, tôi liền thụt đầu vào hầm. Quả bom nổ ngay trên nóc hầm. Đất cát, khói bom phả vào hầm khét lẹt. Đất trên nắp hầm bay gần hết, trơ ra toàn những thanh gỗ trông sáng choang. Tôi, Móng và 2 chiến sỹ thông tin nhìn nhau. Tôi nói: “Mình thấy quả bom tròn xoe nó lao thẳng vào mặt, mình nghĩ ngay mấy anh em ta sẽ rửa chân lên bàn thờ rồi, không ngờ an toàn cả”.

        Khói bụi chưa tan, anh em trong Đại đội biết bom nổ trúng hầm chỉ huy. Hoàng Đại Tuấn bò sang đầu tiên hỏi: “Các anh có bị gì không?” Tôi nói: “Không bị chi, hầm bay mất nắp thôi” thế rồi Trung đội trưởng Chủng, Thành, lần lượt tới ai cũng nói tụi em chắc Đại đội tiêu hết rồi.

        Vì ưên đồi trọc trống trải quá, không khắc phục được, tôi nói: “Thôi phân ra xuống các hầm của anh em để chiến đấu địch nó vào ngay bây giờ đấy”.

        Sau khi dùng pháo, bom đánh hủy diệt, địch tưởng lực lượng của chúng tôi đã mất sức chiến đấu. Chúng cho một Đại đội cắt rừng, luồn ra phía sau để đánh úp lên. Thấy đường dây thông tin, địch cắt dây và triển khai tấn công thì gặp anh em chiến sỹ thông tin của Tiểu đoàn đi chữa dây. Hai bên đã nổ súng, nên chúng tôi mới biết có lực lượng địch ở phía sau. Tôi vội bò xuống nói với Trung đội trường Thành: “Điều 2 chiến sỹ có 1 khẩu B41 lên ngay hầm Đại đội để đánh địch tấn công từ phía sau và cho cối 60 sẵn sàng bắn chi viện”. Tôi vừa điều chinh xong đội hình thì địch tấn công. Địa hình trống trải, chúng tôi nhìn rõ địch dàn hàng ngang đánh vào hầm chi huy. Anh em để địch vào thật gần mới đồng loạt nổ súng. Địch bị đánh bất ngờ hàng chục tên phơi xác trên trận địa, số bị thương la hét om sòm để đồng bọn lên kéo về.

        Cối 82 của Tiểu đoàn bắn hàng chục quả vào đội hình rút chạy của địch. Thủ đoạn tập hậu của địch bị thất bại. Chúng cho pháo, máy bay lên đánh bom vào trận địa và cho 4 chiếc trực thăng HU1A lên chở xác, lính bị thương về. Địch tiếp tục gọi pháo bắn cả tiếng đồng hồ vào trận địa.

        Cả quả đồi đất đá bị đào bới, khói thuốc khét lẹt, có lẽ không có một ngọn cỏ nào được sống nguyên vẹn. Hết đợt pháo, tôi bò đi kiểm tra trận địa và động viên bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Bom pháo cày xới như vậy, cả Đại đội chi có 12 cái hầm thu gọn trên một ngọn đồi khoảng 800m2 mà không có hầm nào bị sập.

        Kể cũng lạ thật, hố bom pháo chồng lên nhau mà cứ tránh hầm ra, cả Đại đội vẫn an toàn và giữ vững trận địa.

        Đã gần 2 tháng các đơn vị của Trung đoàn dàn quân ra chốt giữ trên đường 14 đã đánh bại gần 20 Tiểu đoàn bộ binh của địch có phi pháo yểm trợ. Nhiều trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, bị địch bao vây cô lập, bộ đội phải nhịn đói, nhịn khát mấy ngày rồi phải mở đường máu mới rút ra được.

        Khoảng cuối tháng 4 năm 1974, địch thay đổi chiến thuật. Một lực lượng biệt động quân luồn sâu đánh vào hậu phương ta, cắt đứt đường tiếp tế, đánh vào trận địa pháo và Trung đoàn bộ.

        Nắm được ý đồ của địch, Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 2 bí mật rút khỏi các chốt đi vòng lên hướng sân bay trên đất Căm Pu Chia. Sau đó hành quân về bắc Tuy Đức tổ chức trận địa phục kích. Suốt một ngày đêm hành quân, chúng tôi vừa về tới khu vực gần Trung đoàn bộ. Trung đoàn thông báo có một Tiểu đoàn địch đã luồn sâu, vượt qua chốt của các Tiểu đoàn đánh thẳng vào trận địa 37 ly. Vì anh em pháo binh rút quân không kịp bị địch bịt đường. Anh em pháo 37 phải hạ nòng để bắn bộ binh và hiện nay địch có ý định đánh thẳng vào Trung đoàn bộ.

        Nhận lệnh của xong, Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội tôi và Đại đội 3 tổ chức bám địch, thấy địch là tấn công ngay. Lúc này, địch cho ràng các Tiểu đoàn bộ binh của ta đang ở phía trước, phía sau toàn lính binh chủng và lính cơ quan khiến cho quân địch chủ quan.

        Nhận lệnh xong, chúng tôi vội trao đổi trong Ban Chi huy rồi phân công mỗi người xuống một Trung đội để chi huy đánh “tao ngộ chiến”. Theo đài kỹ thuật của ta, địch có 2 Đại đội, chia thành 2 mũi đánh chiếm trận địa pháo 37 và một Đại đội luồn sâu đánh vào trận địa pháo 85 nòng dài.

        Tiểu đoàn giao nhiệm vụ Đại đội tôi và Đại đội 3 đánh quân địch bảo vệ trận địa pháo 37. Đại đội 2 và Đại đội 4 phục kích quân địch luồn sâu đánh trận địa pháo 85.

        Rừng rậm, nhiều khe suối, chúng tôi vừa đi, vừa bám địch. Theo chỉ đạo của Tiểu đoàn chúng tôi đã đến đúng điểm địch đang triểu khai đội hình để tấn công vào trận địa pháo 37.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 10:04:54 pm »


        Chúng tôi phát hiện địch đứa đứng, đứa ngồi dày đặc dọc trong suối cạn, phía bên kia đồi là trận địa pháo của ta. Chúng tôi ở phía trên chỉ cách địch khoảng 40 mét mà chúng không hề hay biết. Tôi báo cáo tình hình và đề nghị Tiểu đoàn thông báo cho anh em pháo binh biết địch đã ở phía sau để phối hợp với chúng tôi trong chiến đấu. Tôi cũng đề nghị cho chúng tôi tấn công ngay vì địch đang mất cảnh giác. Tiểu đoàn nhất trí. Trong khi đó đại đội 3 chưa phát hiện được địch.

        Tôi hội ý Ban Chi huy và phân công mỗi người xuống một Trung đội. Chúng tôi chia thành 3 mũi. Ta ở trên cao địch ở dưới suối, ta có hoả lực mạnh địch mất cảnh giác. Tôi nhắc đi nhắc lại tuyệt đối giữ bí mật tiếp cận thật gần, ưu tiên Trung đội đồng chí Thành nổ súng trước, tất cả phải khẩn trương chậm nhất 10 phút nữa là nổ súng.

        Vì địch quá đông chúng tôi chỉ có mười mấy tay súng nên thống nhất phương án là dùng hỏa lực, lựu đạn đứng trên triền đồi tấn công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, chứ không xung phong ra để làm chủ trận địa, bắt tù binh, thu vũ khí.

        Địch chi cách chúng tôi khoảng vài chục mét. Trời mưa lác đác, có một số tên trùm áo mưa kín cả đầu. Chúng triển khai đội hình khá dài, dọc theo bờ suối để tấn công lên trận địa pháo của ta. Tôi nói với Đại đội trưởng Dũng: “Trời mưa tốt quá, ta nổ súng ngay thôi”, Dũng cũng nói: “Cho đánh ngay”. Các loại hỏa lực B40, B41, AK, thù pháo tới tấp bắn xối xả vào quân địch. Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra khoảng 5 phút. Địch bị tấn công bất ngờ, lại bất lợi về địa hình nên chổng cự yếu ớt. Do lực lượng quá ít nên chúng tôi cho bộ đội rút về phía sau. Chúng tôi chạy được hàng trăm mét, địch mới hoàn hồn cho cối 61 và M79 bắn đuổi theo.

        Sau trận đánh, Tiểu đoàn thông báo 2 Đại đội địch bị các đồng chí đánh thiệt hại nặng đang giải quyết hậu quả đưa thương binh từ sỹ về phía sau từ bỏ ý đồ đánh chiếm trận địa pháo 37. Tiểu đoàn đã lệnh cho Đại đội 3 quay về phục kích đánh địch rút chạy. Địch lợi dụng suối cạn để lui quân không ngờ gặp trận địa phục kích của Đại đội 3. Đại đội 3 đã nổ súng tẩn công tiêu diệt thêm mấy chục tên nữa.

        Hai đại đội địch tan tác, đứa nào khỏe thì liều mạng chạy về ngã ba Bãi gỗ đường 14 để thoát thân. Ở hướng Đại đội 2 và Đại đội 4, bộ đội phục kích ngay trước trận địa pháo 85 khoảng 2 km, đánh địch tấn công vào trận địa pháo và Trung đoàn bộ.

        Trận mai phục đã thắng lợi lớn, một Đại đội địch bị tiêu diệt gần hết, bỏ lại hàng chục xác chết và bị thương. Bộ đội làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Một Tiểu đoàn biệt động quân luồn ra phía sau đã bị Tiểu đoàn 2 xóa sổ.

        Trong trận này, Đại đội tôi, trung đội trưởng Tỵ hi sinh. Đại đội 2 có chiến sĩ Nguyễn Văn Tâm (sinh viên năm thứ 2 khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) hi sinh và chiến sỹ Quý bị thương nặng.

        Địch dùng máy bay kêu gọi tụi lính lên các đồi cao giật lựu đạn khói hoặc đốt khói sẽ có trực thăng đến cứu. Con bài cuối cùng trong âm mưu tái chiếm của địch đã thất bại.

        Trong chiến dịch tái chiếm, địch sử dụng Sư đoàn 23 cộng với hơn 10 tiểu đoàn biệt động quân, địa phương quân, quân số lúc cao nhất lên đến 20 Tiểu đoàn, có trận địa pháo ở Núi Lửa với hàng chục khẩu và hàng trăm phi vụ không kích chi viện đã bị thất bại.

        Vùng này mùa mưa đến sớm, địch lần lượt rút quân, các chốt của ta đỡ căng thẳng hơn. Những ngày Trung đoàn làm nhiệm vụ ở đây, ngoài việc chiến đấu cam go, ác liệt, bộ đội còn phải chịu đựng muôn vàn khó khăn thiếu thốn, nhất là lương thực, thực phẩm. Gạo không có mà ăn, thực phẩm chủ yếu là mắm tôm và cá khô.

        Vùng này không có rau, bộ đội chủ yếu ăn lá bép. Lá bép là một loại lá cây rừng nấu canh ngon ngọt không cần bỏ mì chính, nhưng nấu nhiều ăn sẽ bị say đau đầu nôn mửa. Bộ đội đói quá phải thay nhau người giữ chốt, người đi đào củ mài. Có Đại đội anh em đào mỗi ngày được vài ba yến, có hố sâu đến hai, ba mét. Tôi và Móng liên lạc đêm nào không có địch hay được thay chốt là 2 anh em bấm đèn pin xuống suối đi chém cá. Gặp con gì cũng lấy, cá, ốc, cua, chuột đều bắt hết.

        Vì thiếu đói quá nên con gì cũng thấy ngon. Ngoài ra bộ đội còn vào rừng tìm quả chôm chôm, quả bứa, quả gùi ăn cho đỡ đói. Cũng do đi tìm cái ăn mà đã xảy ra một sổ cái chết thương tâm.

        Đại đội thu dung có một chiến sỹ ban đêm dùng đèn pin đi săn thú, bắn trúng con hổ làm hổ bị thương bỏ chạy. Anh em không biết tưởng con nai, sáng ra rù nhau đi tìm. Con hổ bị thương nhảy ra tấn công làm một chiến sỹ tử vong.

        Đại đội 21 trinh sát, Đại đội trường và liên lạc đêm đội đèn pin đi săn. Mới ra bắn được một con cheo, liên lạc cầm xách theo, về khuya đi mãi không bắn được con gì, đến một đồi trọc Đại đội trường bảo liên lạc đứng đợi, mình đi một vòng quay lại đây rồi về.

        Đại đội trưởng đội đèn trên đầu đi vòng quả đồi mất phương hướng đến gần chỗ chiến sỹ liên lạc đứng vẫn không biết. Con cheo chiến sỹ liên lạc cầm tuy nó chết nhưng mắt nó vẫn bắt đèn. Đại đội trường tưởng con thú mới nên dương súng bắn làm chiến sỹ liên lạc gãy tay may mà không chết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2017, 09:12:00 pm »


        CÁC TRẬN ĐÁNH TRÊN LỘ 8B

        Cuối tháng 6, các đơn vị của Trung đoàn thay nhau chốt vì địch ít hoạt động, riêng Tiểu đoàn 2 được điều về phía Đông Bù Bông để huấn luyện và làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu của Trung đoàn.

        Đầu tháng 8 năm 1974, Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 đi điều nghiên trận địa trên lộ 8B (đoạn từ Đạo Trung đi Gia Nghĩa); Tổ chức một số trận địa phục kích tiêu diệt một bộ phận quân địch hàng ngày triển khai bảo vệ hành lang này.

        Từ sau tháng 12 năm 1973, đoạn đường 14 từ Đức Song đến Kiến Đức ta làm chủ hoàn toàn, do vậy việc đi lại, địch chi dựa vào con đường 8B. Đường 8B trở thành huyết mạch sống còn của địch.

        Căn cứ Đạo Trung trở thành vị trí hết sức quan trọng. Vì nó nằm giữa cung đường, địch tăng cường một trận địa pháo 105 ly để có thể chi viện cho các đơn vị đi tuần tiễu các chốt bảo vệ hành lang của chúng.

        Từ Bù Bông cắt về đường 8B khá xa. Rừng núi điệp trùng, bộ đội phải đi một ngày mới tới. Tiểu đoàn cử nhiều đoàn cán bộ, trinh sát, điều nghiên bám nắm địch và tổ chức đặt đài quan sát để theo dõi cả ngày lẫn đêm, nắm cho được quy luật hoạt động của địch. Tuy vậy chỉ phát hiện được từng tốp lính khi đi bộ, khi có xe chở đi tuần tiễu. Thỉnh thoảng mới có một xe quân sự chờ hàng. Nói chung địch hoạt động không có quy luật.

        Địa hình phức tạp nên tổ chức trận địa mai phục cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi ta đang tìm chỗ phục, thì bất ngờ từ đài quan sát anh em phát hiện có một đại đội địch được mấy chiếc xe GMC chở đến. Sau đó, chúng hành quân lên một quả đồi trọc sát mép đường, đào hầm, xây dựng trận địa chốt để bảo vệ hành lang.

        Địch đóng quân trên một quả đồi lớn cách đường 8B khoảng hơn 50 mét. Đồi không có cây cao, chi có cỏ cao khoảng vài chục phân, lác đác vài bụi cỏ tranh cao quá đầu gối và tiếp giáp với một rẫy non, dân bỏ canh tác đã lâu. Cách đó vài trăm mét là tiếp giáp với rừng già.

        Anh em trinh sát báo về Tiểu đoàn. Tiểu đoàn chỉ thị cho trinh sát phải theo dõi nắm địch thật chắc để Tiểu đoàn cử cán bộ vào điều nghiên ngay.

        Sau khi tổ chức đi điều nghiên về, chúng tôi thấy mục tiêu có nhiều thuận lợi. Từ Bù Bông đến mục tiêu toàn rừng già kín đáo. Hướng đánh cùa ta từ trên cao xuống. Địch mới tới, hầm hào, vật cản còn đơn giản. Nếu bị ta tấn công, địch chỉ có máy bay và pháo binh ở Đạo Trung mới có thể chi viện được. Cái khó là gần chỗ địch chốt, đồi trọc khó tiếp cận có thể địch cài nhiều mìn.

        Sau khi nắm chắc tình hình địch, Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 khẩn trương chuẩn bị tấn công tiêu diệt quân địch ở chốt này.

        Theo hiệp đồng, Trung đoàn sẽ cho lực lượng công binh chốt chặn đánh địch phản kích từ Đạo Trung lên và Đại đội cối 82 bắn kiềm chế trận địa pháo 105 của địch ở Đạo Trung để Tiểu đoàn 2 yên tâm đánh vào mục tiêu.

        Càn cứ vào chốt của địch, Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho các Đại đội như sau:

        Đại đội 3 đánh trên hướng chủ yếu từ trên đỉnh đồi xuống.

        Đại đội 1 đánh hướng bên trái, từ sườn đồi vào. Có Trung đội đánh cặp theo đường 8B từ dưới đánh lên.

        Đại đội 4 làm nhiệm vụ chốt chặn đánh địch phản kích từ Gia Nghĩa lên và đánh địch rút chạy khi bị tấn công.

        Đại đội 2 làm lực lượng dự bị. Sở Chi huy Tiểu đoàn đặt sau Đại đội 1 vài trăm mét. Mọi công tác chuẩn bị phải khẩn trương vì để lâu sợ lộ kế hoạch và địch xây dựng trận địa kiên cổ thì tấn công sẽ gặp khó khăn.

        Sáng ngày 17 tháng 9 năm 1974, Tiểu đoàn 2 và các đơn vị tham gia chiến đấu hành quân chiếm lĩnh trận địa.

        Chúng tôi đi từ lúc 6 giờ mà mãi 20 giờ mới tới vị tri tập kết. Từ đây tới chốt của địch khoảng hơn một ngàn mét.

        Địch ở phía bên kia dốc. Khoảng 23 giờ các đơn vị cho bộ đội vào vị trí tiền nhập và chiếm lĩnh trận địa. Cách đánh của ta là đánh mật tập, dùng hỏa lực đi cùng bộ binh mở cửa, rồi tiến công tiêu diệt. Để khắc phục mìn, mỗi đại đội chuẩn bị 2 giàn ĐH10. Mỗi giàn 3 quả làm thành giá, đặt giàn trước cách giàn sau khoảng 20 mét. Khi mìn định hướng nổ sẽ quét sạch toàn bộ mìn và dây thép gai để bộ đội tấn công. Khoảng hơn 1 giờ sáng ngày 18 tháng 9, đơn vị tôi đã vào đúng vị trí.

        Chúng tôi phân công, tôi và Dũng, Đại đội trưởng đi với 2 Trung đội tác chiến trên hướng chính. Chính trị viên phó Chính đi với Trung đội đồng chí Chủng đánh cặp đường 8B lên. Bộ đội tiền nhập hết đoạn rừng già tiếp giáp với đồi trọc, cách mục tiêu khoảng hơn trăm mét, bí mật dùng xẻng đào công sự để nằm. Bộ đội vừa nằm nghiêng, vừa đào công sự. Mỗi người cũng chi khoét được một cái hố vừa nằm lọt lưng chứ không dám đào vì sợ lộ.

        Bộ phận đặt ĐH10, bắt đầu bò lên tìm chỗ đặt mìn. Giá mìn 3 quả đặt lên sẽ quá cao so với cỏ dưới đồi. Nếu đặt sớm địch sẽ phát hiện, nếu đặt chậm có vấn đề gì thì xừ lý không kịp. Tôi và Dũng bàn nhau ở hướng chính diện không đặt được ĐH10, nên yêu cầu anh em chọn vị trí có lùm cây bụi cỏ nào cao hơn thì đặt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2017, 09:12:46 pm »


        Tôi gọi Trung đội trưởng Thắng giao nhiệm vụ tìm vị trí thích hợp đặt ĐH10. Chấp hành mệnh lệnh, Thắng bò vào và đã tìm được chỗ. Thắng nói chếch về phía phải có một bãi cỏ tranh đặt mìn rất thích hợp. Tôi và Dũng mừng quá cho anh em vào đặt mìn ngay.

        Ở hướng Đại đội 3, khi bộ đội đến vị trí cuối cùng để triển khai đặt mìn thì chiến sỹ đi trước vướng mìn hi sinh tại chỗ. Anh em liền vác đồng chí này ra, đơn vị lùi ra khỏi khu vực mìn nổ. Sau đó địch bắn 3 quả đạn M79 vào khu vực mìn nổ. Bộ đội ai cũng tưởng đã bị lộ. Máy kỹ thuật của Tiểu đoàn nắm được tụi địch điện cho nhau ngày mai có thịt nai ăn rồi, thú đã vướng mìn và tụi tao còn bồi vào đó mấy quả M79.

        Nhận được tin này Tiểu đoàn lệnh cho đại đội 3 tiếp tục bò vào đặt ĐH10. Do chiến sỹ của ta bị mìn hi sinh ngay tại chỗ, không kêu được nên lực lượng không bị lộ.

        Vì trục trặc của Đại đội 3, phải chờ đợi khá lâu, Tiểu đoàn đã cho thông tin rài dây điện thoại xuống chỗ tôi để tiện chi huy, chi đạo. Đồng chí Huận, Tiểu đoàn trường liên tục cầm máy nhắc tôi, quán triệt bộ đội tuyệt đối giữ bí mật, chờ Đại đội 3 đặt mìn xong ta nổ súng ngay.

        Mờ sáng, tôi đã nhìn thấy chốt của địch bố trí trên đồi theo hình tròn. Nhà lán được làm bán âm bán dương, che bằng ni lông trắng lốm đốm như các lều chợ. Tôi báo về Tiểu đoàn, trời sắp sáng rồi đề nghị cho nổ súng. Đồng chí Huận trà lời để Đại đội 3 nổ súng trước. Khi Đại đội 3 nổ mìn, chúng tôi điểm hỏa ngay.

        Không gian thanh vắng, tiếng mìn nổ như tiếng bom. Tiếp đến súng ta, súng địch bắn nhau quyết liệt. Vì địa hình trống ưải, dốc thoải xuống nên chúng tôi không thể đứng dậy để vận động được. Mìn ĐH10 không phá được hàng rào gồ. Địch ở dưới chiến hào bắn như mưa. Trận đánh diễn ra rất ác liệt.

        Hướng Đại đội 3 cũng không vào được vì mìn của Đại đội 3 bị một cây gỗ đổ to cao chắn phía trước nên mìn quét mở đường không có tác dụng. Anh em Đại đội 3 còn có cây gỗ để mà tránh đạn còn chúng tôi thì trống trơn.

        Các xạ thủ Tuấn, Xuân, Hoà giữ B40, B41 của chúng tôi bắn đã gần hết đạn mà các mục tiêu chưa bị diệt hết. Đồng chí Huân, Tiểu đoàn trưởng điện động viên tôi: “Cố gắng lên Hợi ơi! Hai bên đều mỏi mệt cả rồi, ta cố lên nhất định sẽ thắng”. Đồng chí Huân điện tiếp: “Hiện nay Đại đội 3 báo cáo một khẩu đại liên địch ở hướng anh đang bắn tạt sườn sang chỗ họ, anh em không lên được. Anh cố gắng tiêu diệt mục tiêu trên”.

        Tôi điện về Tiểu đoàn: “Hiện nay đạn B40, B41của tôi sắp hết, đề nghị Tiểu đoàn bổ sung. Đạn thẳng bắn không ăn thua. Ở hướng chính diện của Đại đội tôi cũng có mấy hỏa điểm địch bắn ra dữ dội, bộ đội không thể lên được”.

        Đồng chí Huân trả lời: “Anh cho người ra đón. Tôi cho hai xạ thủ B40, B41 của Đại đội 2 tăng cường cho anh” Tôi cử Hùng liên lạc quay lại phía sau đón 2 xạ thủ của Đại đội 2 lên. Tôi và Dũng trao đổi nhanh. Dũng nói: “Anh điện về Tiểu đoàn báo cho Đại đội 3 khi nào khẩu đại liên của địch bị tiêu diệt thì Đại đội 3 nhanh chóng tấn công ngay. Hướng ta, khi hỏa lực bắn, anh cho bộ đội xung phong ngay nhé!”

        Dũng và Hùng liên lạc trực tiếp bò lên dẫn 2 xạ thủ B40, B41 đi cùng và chi mục tiêu cho 2 xạ thủ bắn. Hai xạ thủ của ta bắn liên tục mỗi khẩu 2 quả B40, B41 vào các mục tiêu. Hỏa lực của địch vừa bị dập tắt. Tôi lệnh Trung đội trưởng Thắng cho bộ đội xung phong. Bộ đội vừa chạy, vừa bắn và nhanh chóng nhảy được vào giữa trung tâm của địch. Lúc này Đại đội 3 cũng đã vào được phía trong hàng rào. Cả hai đơn vị chúng tôi nhanh chóng tiêu diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Chỉ trong mấy phút, chúng tôi đã làm chủ trận địa.

        Một cái chốt nhỏ của địch có 8 tên nằm hơi lệch về phía mép đường bỏ chạy đã bị Trung đội anh Chủng chặn đánh tiêu diệt 6 tên, bắt sống 2 tên.

        Tiểu đoàn ra lệnh cho chủng tôi nhanh chóng tảo trừ thu vũ khí rồi rời ngay khỏi trận địa đề phòng địch dùng phi pháo bắn phá hủy diệt.

        Tôi và Dũng đi thị sát lại toàn trận địa thấy địch mới lên đây, hầm đào bán âm bán dương, sâu khoảng 50 phân, hệ thống chiến hào liên hoàn, sâu khoảng 60 phân không có nắp. Còn đạn dược, các loại hỏa lực như đạn cối 61, đạn M79 cũng chi vác vai đi cùng nên cơ bản đã hết đạn. Địch bị tiêu diệt và bắt sống không một tên nào chạy thoát. Số địch bị thương chúng tôi băng bó, đưa cho mỗi đứa một bó truyền đơn rồi thả. Chúng chắp tay vái lạy được tha chết.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM