Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:39:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49010 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:49:43 pm »


        Khi hỏa lực địch bắn, chúng tôi mới có cơ hội nhìn rõ trận địa pháo 105 và cối 81 của địch. Tôi đưa ống nhòm lên nhìn thấy rất rõ 2 khẩu pháo 105. Từ sáng đến giờ nó ngụy trang, nay nó bắn ta mới phát hiện được. Như vậy, 2 khẩu pháo 105 ly và 4 khẩu cối 81 đều đặt ở phía gần đại đội tôi. Vì đây là phía sau an toàn của địch. Địch phòng thù mạnh ở đầu cầu phía đông.

        Tôi điện báo cáo tình hình với Tiểu đoàn. Tôi nói: Hỏa lực của địch đều đặt ờ phía sau của chúng tức là trước mặt Đại đội tôi. Bây giờ ta cho cối 82 bắn có thể phá hủy trận địa pháo của nó. Trận địa chúng tôi chi sợ cối 81 của nó, còn pháo 105 thì chắc gần quá không bắn được.

        Gần tối, có 3 tên địch đi tuần tra nhưng lại vừa đi, vừa rinh để bắn mấy con vịt trời nên chúng đi ngay vào trận địa chúng tôi. Bộ đội nổ súng, 2 tên chết tại chỗ, tên đi sau chạy thoát. Chi một lát sau, một trận mưa cối 81 vào trận địa chúng tôi may mà trời tối, không máy bay đánh được. Pháo 105 bắn mấy quả nhưng đều vọt ra phía sau.

        Tối đến, Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội tôi lấn dịch lên phía trước càng gần địch càng tốt. Tôi cho cả đơn vị dịch đội hình lên khoảng 500 mét. Ở đây có một gò đất khá rộng, tôi cho đơn vị đào hầm chốt lại. Tiểu đoàn thống nhất với tôi là sáng mai khi Đại đội tôi nổ súng sẽ cho cối 82 và ĐKZ bắn hủy diệt trận địa pháo cối địch vì anh em đã lấy phần tử bắn từ chiều qua khá chính xác.

        Cả đội hình Tiểu đoàn đều dịch lên ám sát địch. Đêm yên tĩnh, bộ đội vừa cảnh giới, vừa đào hầm. Khoảng 3 giờ sáng thì trận địa Đại đội tôi có thể sẵn sàng nổ súng. Anh em đang căng thẳng chờ đợi thì khoảng 4 giờ sáng không hiểu tại sao pháo cối địch bắn hàng trăm quả về phía chúng tôi, nhưng đều vọt tầm rori lung tung về phía sau.

        Tôi báo về Tiểu đoàn là có thể địch đã phát hiện được chúng tôi. Chúng bắn thăm dò, chắc sáng mai sẽ đánh lớn. Sau loạt pháo cối trận địa lại im lặng.

        Trời vừa tảng sáng, tôi cho bộ đội bò lên phía trước thăm dò địch xem sao mà im lặng thế. Anh em quay về báo: “Bọn em bò lên sát hàng rào mà chẳng thấy gì cả”. Tôi trao đổi với các đồng chí trong Ban Chỉ huy: “Ta cho bộ đội dịch lên nữa, anh em tranh thủ vừa đào hầm, vừa hỗ trợ nhau đề phòng địch lừa sẽ đánh sau lưng”.

        Tôi cho Đại đội dịch lên cách hàng rào địch khoảng 100 mét thì đào hầm trụ lại. Tôi báo về Tiểu đoàn: “Hiện nay Đại đội tôi chi cách hàng rào địch hơn 100 mét. Bộ đội đang triển khai đào hầm chốt lại, không thấy địch đi lại, hoạt động gì cả. Đề nghị Tiểu đoàn sẵn sàng chi viện cho chúng tôi vì anh em chưa có hầm đang bám theo hai bên đường 1 để tiến lên”. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng nói: “Anh cứ yên tâm! Tôi đã cho Đại đội 3 dịch lên, bám sát sau lưng Đại đội anh, hỏa lực Tiểu đoàn sẵn sàng chi viện. Anh cho một bộ phận nhỏ bò lên trinh sát kiểm tra xem sao hay địch đã rút chạy. Đề phòng bị địch lừa cho ta lọt vào rồi nó mới đánh, thì trở tay không kịp đấy”.

        Tôi và Tịnh đi lên trước đội hình, cùng với Trung đội đi đầu tiếp tục bò lên quan sát. Đồng chí đi đầu nói địch đã rút chạy rồi. Tôi nhìn vào trận địa thấy 2 khẩu pháo 105 ly đang hướng nòng về phía tây mà không thấy tên lính nào xung quanh. Tôi mừng quá. Đúng là địch đã rút chạy rồi. Chúng tôi nhanh chóng nhảy vào, chiếm lĩnh các mục tiêu và lùng sục.

        Tôi báo điện về Tiểu đoàn: “Địch đã bò chạy để lại 2 khẩu pháo 105 ly, 4 khẩu cối 81 ly và rất nhiều đạn dược các loại. Đặc biệt súng M72, đạn đại liên còn nguyên một hầm, đề phòng địch tập kích. Đề nghị Tiểu đoàn cho Đại đội 3 vận động lên để lấp đầy khu vực vì trận địa khá rộng.

        Như vậy lúc 4 giờ sáng, địch cho bắn pháo cối nghi binh và tổ chức rút chạy. Chúng đi ngược bờ sông Công Pông Tà Béch cắt lên phía tây, rồi vòng về Sa Thia. Con đường rút chạy của địch là một cánh đồng nước, có chồ sâu tới bụng. Ta chủ quan nghĩ rằng địch không bao giờ rút theo hướng này. Vì chúng biết 2 đầu đường 1 quân ta đã chốt chặn không thể mở đường máu mà chạy về Sa Thia được nên đã mạo hiểm rút theo đường đồng nước, bỏ lại các loại vũ khí nặng và đạn dược.

        Làm chủ trận địa, chúng tôi thấy: với địa hình trận địa, bố trí phòng thủ của địch và có hệ thống hỏa lực mạnh như thế này. Ta chi tấn công dọc theo đường 1 vào. Nếu địch cầm cự thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng cả Trung đoàn cũng khó dứt điểm.

        Hầm địch bố trí ở đầu cầu, hai bên đường chúng đặt hai khẩu đại liên, băng đạn kết lại với nhau dài đến hàng chục mét. Mỗi hầm có mấy chục quả M72. Bốn khẩu cối 81 cỏ mấy trăm viên đạn. Ta chi vây ép, địch bỏ chạy thì thật là một thắng lợi không ngờ.

        Anh em chúng tôi vui sướng quá, lấy súng đạn của địch bắn lung tung ra bãi nước chơi và thừ nghiệm súng M72. Còn hai khẩu pháo 105 ly, anh em chủng tôi ngồi lên bệ cứ quay tít đi nhiều hướng, nạp đạn vào đạp cò không nổ.

        Sau khi chúng tôi báo cáo về cấp trên tin vui này, đoàn pháo 75 đã cho anh em pháo binh xuống tiếp quản. Anh em phát hiện pháo không có kim hỏa. Bọn địch trước khi rút, đã tháo kim hỏa quăng đi. Các đồng chí pháo binh cho biết, kim hỏa nặng lắm, địch không thể mang đi được, nhất định chúng giấu ờ đâu đây. Anh em chúng tôi lặn mò và đã tìm được. Nó quăng xuống một hố bom sâu gần đó.

        Súng M72, trước đó chúng tôi đã bị địch bắn và quăng vỏ lại chứ cả khẩu súng, cách bắn thì chúng tôi chưa biết. Súng M72 dùng bắn xe tăng nhưng sức công phá không bằng B40, B41. Quả đạn gắn vói súng phóng nên đã rút đạn ra là phải bóp cò cho nổ chứ không đẩy đạn trở lại được.

        Anh em chúng tôi mày mò mãi mới biết sử dụng và đã bắn thừ xuống sông hàng chục quả để lấy cá ăn.

        Trận đánh Công Pông, Tà Béch thật đáng nhớ. Chúng tôi xác định đây là trận đánh khó khăn nhất nhưng ngược lại không phải đánh mà thu kết quả cao, giải phóng được một vùng rộng lớn, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, đặc biệt là hai khẩu pháo 105 ly còn nguyên vẹn. Đây là một căn cứ độc lập, địch dùng máy bay cẩu pháo đến, không có xe kéo nên đoàn pháo 75 đã phải cho ô tô vào kéo pháo ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:51:33 pm »


TRẬN SA THIA - BÀI HỌC LỊCH SỬ

        Sa Thia một phum lớn nằm hai bên đường 1, từ Mộc Bài đi Nông Pênh cách Nếp Lương khoảng 30 km về phía Tây, cách Công Pông Tà Béc khoảng 20 km về phía Đông. Xung quanh phum toàn là nước. Đường vào phum chi có duy nhất là đường 1. Đường chạy dọc phum.

        Về mùa mưa con đường 1 nổi lên như một con đê. Đây là một gò đất tương đối cao, xung quanh phum dân trồng lúa nước. Loại lúa, nước dâng đến đâu thì lúa vươn cao đến đó.

        Sa Thia có nhiều phum liên kết lại nên diện tích tương đối rộng, mỗi chiều phải đến hơn 1.000 mét. Sa Thìa thuộc tinh Plây-Veng, Căm Pu Chia. Nó là một khu vực độc lập. Khi bị tấn công, pháo binh và bộ binh không thể chi viện được mà duy nhất chỉ có không quân.

        Trung đoàn 271 được giao nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt căn cứ Sa Thia, để tạo thành một vùng giải phỏng liên hoàn rộng lớn trên tuyến đường 1 từ Soài Riêng đi Nếp

        Lương dài hơn 50 km. Tạo điều kiện cho hành lang hậu cần xuống miền Tây Nam Bộ. Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 là lực lượng chủ yếu đánh vào căn cứ này. Trung đoàn giao nhiệm vụ cụ thể.

        Tiểu đoàn 8 tấn công từ phía Bắc xuống có một mũi vòng lên phía Tây đánh cặp theo tuyến đường 1 xuống.

        Tiểu đoàn 9 đánh từ hướng Nam vào có một mũi đánh cặp theo đường 1 từ hướng Đông lên. Quyết chiến điểm là giữa trung tâm phum.

        Đường hành quân tiếp cận mục tiêu của cả hai Tiểu đoàn đều phải đi qua một cánh đồng, nước có chỗ sâu đến bụng. Sau khi được giao nhiệm vụ, các đơn vị tổ chức đi nghiên cứu trận địa. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ tấn công trên hướng chủ yếu của Tiểu đoàn.

        Chúng tôi tổ chức đi trinh sát. Sau ba bốn giờ trườn dưới nước, chúng tôi tới rìa phum và phát hiện địch có một chòi gác ngay đầu phum. Chúng tôi nghĩ cái phum này bám sát đường 1. Vì trời sắp sáng, tôi cho anh em bò ra và có ý định tối mai sẽ tiếp tục bò vào sát đường để xem địch bố trí thế nào. Không hiểu do thời gian gấp mà Trung đoàn tổ chức họp quân chính không đi điều nghiên nữa.

        Trong hội nghị quân chính, các đơn vị tham chiến tranh luận rất nhiều. Ai cũng băn khoăn là chưa nắm được địch. Không biết được số lượng, trang bị, bố trí phòng thủ của địch ra sao mà tổ chức đánh là điều rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là đường hành quân tiếp cận của bộ đội toàn nước, không có chỗ đặt hỏa lực, cối 60 và cối 82 nên trận này chi có bộ binh không có hoả lực đi cùng.

        Tranh luận mãi nhung rồi vẫn phải nhất trí theo phương án của Trung đoàn là đưa bộ đội hành quân tiền nhập. Gặp địch là tổ chức tấn công luôn.

        Tiểu đoàn 8 hành quân tiền nhập rất phức tạp, phải vượt qua đường 1, đi vòng lên phía Bắc rồi mới tấn công xuống. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh trên hướng chủ yếu của Tiểu đoàn, có một mũi đánh cặp theo đường 1 xuống. Đại đội 3 đánh bên trái, còn Đại đội 2 làm lực lượng dự bị cho Tiểu đoàn và Trung đoàn.

        Đêm 31 tháng 10 năm 1972, các đơn vị tiền nhập. Các loại đạn B40, B41, máy thông tin, mìn ĐH10, anh em phải làm bè chuối để lên rồi kéo theo người. Khoảng 8 giờ tối, bộ đội đã phải ngâm mình dưới nước. Ba giờ sáng thì chúng tôi mới vào được gần phum.

        Vào đây gặp nhiều ruộng lúa nước cùa dân, nước dưới ruộng vẫn sâu 50 đến 60 phân. Bộ phận của Đại đội trưởng Tịnh đánh cặp dọc đường 1 nên tiếp tục bò đi theo kế hoạch. Lực lượng còn lại tổ chức cho anh em bám vào rìa phum, sẵn sàng chờ lệnh tấn công.

        Tôi cho đặt mìn ĐH10, định hướng vào góc đầu phum. Theo hiệp đồng, mờ sáng, Tiểu đoàn lệnh nổ súng. ĐH10 nổ, bộ đội ào ào xông lên. Mấy tên lính ở chòi canh đầu phum bị diệt do sức công phá của ĐH10. Anh em chúng tôi reo lên đã thu được khẩu đại liên. Địch trong phum không chống cự mà theo dân chạy sang phum trước mặt về phía đường 1.

        Đến đây chúng tôi mới biết đây là phum phía ngoài, từ đây vào đường 1 còn qua mấy thừa ruộng rồi mới vào tới phum chính. Tôi cho bộ đội tiếp tục vượt mấy thửa ruộng để tấn công tiếp. Đến gần phum, địch bắt đầu phản kích. Chúng tôi ở ngoài trống, giữa ruộng nước. Địch ở trong phum, lại trên cao, có công sự phòng thủ. Tôi chi huy bộ đội quay về phum cũ. Lúc này, đã có mấy đồng chí bị thương và hi sinh.

        Tôi triển khai lực lượng cho bộ đội bám vào các bụi tre, gốc cây để bắn trả. Một quả đạn cối 60 nổ sát tôi. Theo phản xạ, tôi nằm úp xuống nước. Không hiểu do sức ép hay sức bắn của nước mà cả hai má tôi bị dộp da, cháy sạm. Tôi không biết, chỉ thấy rất rát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:53:36 pm »

     
        Thấy chúng tôi lui quân, dịch tập trung phản kích, quyết lấy lại cái phum vừa bị chúng tôi chiếm. Pháo cối bắn như mưa vào trận địa rồi bộ binh ào ào xông lên. Anh em chúng tôi hầu hết đã bị thương nhưng vẫn kiên cường đánh trả.

        Một tên địch choàng trên vai khẩu đại liên, chạy vòng ra phía phải để đánh tạt sườn chúng tôi. Nước lội gần đến bụng mà nó chạy như điên. Tôi ghì khẩu AK vào gốc tre ngắm chính xác, bóp cò làm tên lính ngã gục. Nó nằm dưới nước, trong ruộng lúa cho tới chiều cũng chẳng có thằng nào ra lấy xác.

        Cạnh đó có hơn chục tên cũng đang liều mạng xông vào. Tôi bảo Nam, xạ thủ B40: “Nện cho nó một quả”. Nam trả lời: “Em bị thương không bắn được”. Thực chất Nam nhát quá, cứ chúi đầu vào bụi tre để tránh đạn. Tôi giật ngay khẩu B40 của Nam, ép người vào bụi tre bắn liên tục hai quả vào giữa đội hình địch. Chúng hốt hoảng chạy về phía sau.

        Tôi nhìn về hướng tên lính mang súng đại liên vừa bị bắn chết, thấy một bóng người bò dưới lúa, vào sát bờ phum phía bên kia một cái ao nhỏ. Tôi tường là địch định giơ súng lên bắn thì thấy một cánh tay cứ giơ lên bám vào bụi cây, rồi cả cái đầu thò lên. Tôi nhận ra Tiến đi ở hướng anh Tịnh, bị thương bò quay ra. Tôi gọi Thuyên y tá nhanh chóng bơi qua ao dìu Tiến vào. Tiến bị thương quá nặng lại to cao, một mình Thuyên không thể đưa qua được. Hai anh em cứ vật nhau, tôi vội nhảy xuống ao, cùng Thuyên đưa được Tiến lên bờ. Có lẽ Tiến bị thương thấu phổi vì tôi thấy Tiến thở cứ phì bọt ở vết thương sau lưng. Tiến được cấp cứu và nằm đó tới tối mới được đưa về phẫu. Sau phẫu thuật, Tiến đã được cứu sống.

        Tôi điện về Tiểu đoàn báo cáo tình hình, đặc biệt bộ phận đồng chí Tịnh. Tôi đề nghị Tiểu đoàn cho Đại đội 3 sang chi viện. Lực lượng của tôi hầu hết bị thương và đạn cũng đã gần hết. Địch thì đang phản kích quyết liệt.

        Tôi chạy đi, chạy lại điều chinh lực lượng, nhắc nhở anh em bám vào bụi tre, địch vào là bắn, không cho nó vào, chú ý bắn tiết kiệm đạn. Ta ở trong phum, địch ngoài trống nước sâu, chúng không chạy nhanh được đâu, cứ bình tĩnh ngắm từng thằng mà bắn. Anh em bị thương nhưng không còn con đường nào khác, không dựa được vào ai nên đồng chí nào cũng kiên cường nổ súng đánh địch. Anh nào cũng muốn ôm lấy súng.

        Hơn 9 giờ sáng, Đại đội 3 cho một Trung đội, 7 đồng chí sang tăng cường. Tôi mừng quá: “Các đồng chí cùng chúng tôi chiến đấu đến cùng. Yên tâm! Ta ở trên khô và trong phum, trước mặt là ruộng nước, địch không thể vào được. Từ sáng đến giờ địch đã ba lần phản kích đều bị chúng tôi đánh bật ra. Bây giờ lại có các đồng chí đển góp sức, ta hoàn toàn yên tâm”.

        Thực sự lúc này tôi mới hết lo, mới ngồi lại lấy sức. Đồng chí y tá nói:

        - Thủ trường bị thương à?

        - Không! Tôi có bị đâu.

        - Cả hai má của thủ trường bị cháy sạm hết rồi.

        - Không can gì đâu.

        Trung đội trưởng Đắc bị thương lo lắng:

        - Anh làm sao vào cứu bộ phận anh Tịnh còn kẹt phía trong chứ bỏ mặc anh Tịnh vậy à.

        - Ta có lực lượng đâu mà vào. Từ sáng đến giờ ta đã chiến đấu kiên cường mới bảo vệ được trận địa. Nếu ta chùn tay thì chấc là nó đã diệt chúng ta rồi.

        Từ đó tới chiều, địch không dám tấn công nữa. Lúc này tôi mới có điều kiện đi thị sát khắp phum và nhìn sang địa hình phía địch.

        Từ phum ngoài này tới bờ phum bên kia khoảng gần 500 mét phải qua mấy thửa ruộng lúa nước. Phía bên kia là một dải đất cao, địch bố trí phòng thủ ở vòng ngoài rồi mới đến một cái phum, sau đó mới tới đường 1.

        Phum chúng tôi ở rất dài, nhưng chiều rộng chỉ khoảng 50 mét. Đầu phum địch đặt một cái chốt tiền tiêu, chúng tôi đã tiêu diệt ngay từ đầu. Trong phum địch không bố trí gì.

        Tôi báo cáo về Tiểu đoàn, nếu đêm mai chúng ta tiếp tục tấn công thì rất thuận lợi, đưa Sở Chỉ huy Tiểu đoàn và cối 82 vào chỗ tôi hiện nay. Còn chúng tôi đã nằm ở phía trước, nhìn rõ quân địch bố trí phòng thủ nên tấn công là rất dễ dàng và chắc thắng.

        Tôi rất sốt ruột và lo lắng, không hiểu bộ phận anh Tịnh thế nào? sống chết ra sao?

        Phía Tiểu đoàn 9, chi có Đại đội 2 lọt được vào gần trung tâm địch. Hai Đại đội còn lại không vào được. Địch đã tập trung lực lượng phản kích làm lực lượng Đại đội 2 bị thương vong lớn. Trong đó có Tiểu đoàn phó và Đại đội trưởng Thụ. Thụ trước đó ở Đại đội tôi làm chính trị viên phó mới được đề bạt Đại đội trưởng, ra quân trận đầu với vai trò Đại đội trưởng đã hi sinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:55:03 pm »


        5 giờ chiều, tôi thấy tụi lính xếp lán trại, tăng bạt nhét vào ba lô. Tôi báo về Tiểu đoàn có lẽ địch sẽ rút chạy.

        Tôi mong tối nay Trung đoàn cho đánh tiếp, nhất định sẽ thắng và tôi mới có thể tìm, bắt liên lạc được với bộ phận anh Tịnh.

        Tôi nghĩ sở dĩ tụi địch ngoan cố chống cự là do ta đánh cả 4 hướng. Đặc biệt là mũi anh Tịnh đánh cặp theo đường từ hướng Tây xuống, khóa chặt đường chạy về Nếp Lương của địch nên chúng sẽ phản kích đến cùng. Hơn nữa ta đánh theo kiểu tù mù, địa hình thì rộng do nhiều phum liên kết với nhau nhưng ta chỉ mới biết mấy phum ờ phía ngoài.

        Khoảng 9 giờ tối, lệnh của Trung đoàn cho rút. Tôi thất vọng, điện lên Tiểu đoàn thắc mắc: “Bây giờ ta rút quân thì bộ phận anh Tịnh thế nào? Đã ai bắt liên lạc được đâu? Còn 9 đồng chí, trong đó có Đại đội trưởng Tịnh, chẳng biết chết sống ra sao”. Tiểu đoàn trả lời: “Hãy chấp hành mệnh lệnh, anh cứ cho lui quân, tổ chức khiêng cáng thương binh ra, dọc đường sẽ có anh em vận tải đón”.

        Khi ra phía sau, tất cả anh em thương binh được đưa thẳng lên phẫu Trung đoàn rồi về các bệnh viện tuyến sau, còn chúng tôi thì quay về hậu cứ. Chiều qua, Đại đội trước lúc xuất quân đông vui như hội, bây giờ còn lại mấy người. Cả Đại đội nấu một nồi 5 cơm mà ăn cũng không hết. Ban Chỉ huy Đại đội chỉ còn lại mình tôi.

        Trung đoàn thông báo. Tiểu đoàn 9 bị tổn thất nhiều, 26 đồng chí hi sinh, trong đó có một Tiểu đoàn phó và một Đại đội trưởng. Đại đội tôi thì bộ phận anh Tịnh 10 đồng chí chi có một đồng chí bị thương ra được còn lại anh em đều hi sinh.

        Đúng như tôi dự đoán, tối đến các đơn vị của Trung đoàn 271 rút ra thì địch cũng tổ chức rút chạy về Nếp Lương. Khi Trung đoàn 271 rút ra, Phân khu C30 cho Trung đoàn 205 vào thay thế. Sáng ra, Trung đoàn 205 tấn công vào, địch đã bỏ chạy từ lâu, do vậy việc giải quyết chính sách, chôn cất liệt sỹ của tiểu đoàn 8 và 9 đều do Trung đoàn 205 làm. Ngày 1 tháng 10 năm 1972, trở thành ngày bi thương của Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9.

        Các đơn vị của Trung đoàn 271 lui quân về gần khu vực Thóc Nóc để củng cố học tập và bổ sung lực lượng. Đơn vị tôi được bổ sung 20 đồng chí. Anh em hầu hết là thương, bệnh binh được điều trị ở các bệnh viện và các trạm thu dung về. Ban Chi huy được bổ sung Đại đội phó Châu. Trung đội trường Thanh của Đại đội 2 được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó.

        Vào những ngày cuối tháng 10 năm 1972, đơn vị được học tập các điều khoản cùa Hiệp định Pa-ri chuẩn bị ký kết vào ngày 27 tháng 10 năm 1972. Trong Hiệp định Pa-ri có một điều khoản: (sau khi ký kết lực lượng quân sự hai bên đứng nguyên tại chỗ và đó coi như vùng kiểm soát, quản lý hành chính cùa mình).

        Căn cứ điều khoản trên, ta chủ trương các đơn vị đêm 26 tháng 10 tổ chức đánh chiếm nhiều khu vực đồn bốt, cắm cờ ở các ấp chiến lược sâu vào hậu phương địch. Nếu làm được như vậy và địch chấp hành đúng Hiệp định Pa-ri thì hoàn toàn có lợi cho ta, tạo thành nhiều vùng giải phóng giống như da báo ngay giữa hậu phương địch. Nghe cấp trên quán triệt, bộ đội vô cùng vui sướng, phấn khởi và ai cũng nghĩ ràng chiến thắng đã ở trong tầm tay.

        Ngày 25 tháng 10 năm 1972, các đơn vị của Trung đoàn lần lượt hành quân xuống Đức Hòa, Long An. Đơn vị nào cũng vui như hội vì nghĩ chiến thắng sắp tới nơi, được quay về chiến trường cũ, có điều kiện gặp lại bà con Đức Hòa.

        Lần này xuống Đức Hòa tác chiến không như lần trước, các đơn vị phân tán, dãn ra trên diện rộng để cắm được nhiều cờ vào càng sâu hậu phương địch càng tốt. Các đơn vị hoạt động độc lập.

        Ngày 26 tháng 10 năm 1972, trên bàn đàm phán tại Pa-ri, Mỹ và chính quyền Sài Gòn lật lọng không ký Hiệp định.

        Tuy vậy, nhiệm vụ Trung đoàn giao cho các đon vị không thay đổi. Tối ngày 26 tháng 10 năm 1972, Đại đội tôi đuợc giao nhiệm vụ chốt và cắm cờ ở ấp Rừng Tre, xã An Ninh, cách đồn Rừng Tre chưa đầy một trăm mét.

        Quá nửa đêm, chúng tôi đột nhập vào ấp đào hầm, chống càn. Khi bộ đội vào, dân đi sơ tán, bắt lợn, gà, ưâu, bò, chó làm lợn kêu, chó sủa, gà toác...ầm ĩ lên. Chúng tôi vào đây chưa nắm được địa hình nên chưa xác định được hướng nào là hướng tấn công chính của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:55:46 pm »


        Dân vừa sơ tán xong là địch tấn công ngay. Chúng tôi không kịp trờ tay, bộ đội đào hầm chưa xong, hầu hết hầm chưa kịp làm nắp. Anh em vừa đào hầm, vừa chiến đấu.

        Địch dùng cối 61, cối 81 từ đồn câu vào. Địch thông thạo địa hình, nó bám vào các bụi tre, gốc cây tấn công. Đạn các loại bắn vào như mưa. cối 60, B40, B41 của ta không phát huy được vì toàn những bụi tre to. Đặc biệt là cối 60, nếu bắn là sẽ chạm ngọn tre nổ ngay ưên đầu. Tôi và Tiến liên lạc, hai người hai cửa hầm thay nhau bắn trả. Một viên đạn thẳng của địch trúng giữa trán Tiến. Tiến hi sinh, đầu gục ngay bên cửa hầm.

        Chỉ trong chốc lát địch đã lọt được vào trong ấp. Anh em ta quần nhau với địch, từng căn nhà, từng mảnh vườn. Đơn vị bị hi sinh quá nhiều, một số hết đạn đã rút lui ra bưng. Trước mặt Ban Chỉ huy Đại đội chẳng còn ai. Tôi, liên lạc Định và hai đồng chí thông tin bắn trả quyết liệt. Tình hình nguy kịch, tôi nói: “Anh em ta hỗ trợ lẫn nhau rút ra bưng thôi”.

        Hai đồng chí thông tin 2W, vứt máy xuống ao rồi bò ra ruộng lúa trước. Tôi và Định bò ra sau cùng. Lúa tốt, mỗi người bò một lối, chẳng ai nhìn thấy ai. Tôi bò ra được khoảng 50 mét thì vấp phải một bờ ruộng phải bò qua. Tôi áp mặt vào góc bờ để quay lại quan sát.

        Một quả đạn M79 bắn sượt đỉnh đầu tôi, đạn không nổ cắm ngay vào bờ ruộng vàng khè. Tôi gục ngay xuống ruộng và nghĩ có thể mình sẽ bị chết, cắm khẩu súng K54 xuống bờ ruộng, tôi hy vọng khi anh em đi tìm liệt sỹ sẽ nhìn thấy. Nhưng không ngờ, khi tôi nằm ngửa xuống mộng, nước đã vào mũi, vào tai làm tôi tinh lại. Thế là tôi đứng dậy chạy ngay trên bờ ruộng. Chạy tới bờ vùng, tôi nhảy được sang phía bên kia bờ.

        Địch phát hiện tôi chạy, chúng tập trung các loại súng bắn đuổi theo. Không hiểu tại sao mấy chục khẩu súng cùng bắn mà tôi chẳng dính viên nào. Khi tôi nhảy được xuống bờ vùng bên kia thì thấy mấy đồng chí của mình đã ra được đó. Tôi vội nói ngay: “Đây có bờ đắp cao to ta tổ chức phòng thủ để đón anh em mình, có ai trong đó ra được không”.

        Anh em thấy tôi máu chảy từ đầu xuống ướt đỏ cả lưng. Có đồng chí hỏi: “Anh bị thương à?” Tôi bảo: “Tớ bị một quả đạn M79 bắn trượt đầu không nổ. Địch nó bắn như mưa may mà không chết, tớ mất khẩu K54 cắm ở bờ mộng”. Có đồng chí nói: “Súng còn đeo đó, mất đâu”.

        Khẩu K54 có dây bảo hiểm tôi treo ở cổ nên vẫn còn khi chạy khẩu súng va đập làm tím bầm hai bên đùi và mông mà không biết. Tôi nói:

        - Địch không dám ra đây đâu vì từ ấp ra đây địa hình trống trải, ta lại có cái bờ vùng to cao, ta chốt lại đây.

        Toàn bộ tư trang của tôi trong đó có sổ trích ngang quân nhân, danh sách đảng viên, danh sách những đồng chí đã hi sinh qua các trận đánh từ đầu chiến dịch đến nay rồi cờ Đảng, cờ Tổ quốc, đài Nationan đã bị mất. Hai đồng chí thông tin thì đã quăng máy xuống ao nhưng sau này địch vẫn mò được.

        Từ sáng đến giờ, tôi không liên lạc được với Tiểu đoàn. Đại đội tôi có một Trung đội 7 người do đồng chí Thanh, Chính trị viên phó nằm ở gò đất phía ngoài ấp Rừng Tre khoảng 200 mét cũng không hiểu sống chết ra sao. Tôi cứ mong cho trời tối thật nhanh để có điều kiện đi tìm kiếm anh em.

        Tối đến, tôi dẫn anh em vào ấp An Thuận bắt liên lạc với địa phương. Vào tới ấp, các đồng chí cán bộ địa phương đã có mặt, họ nắm rất chắc tình hình đơn vị tôi, qua cơ sở báo lại. Họ nói tình hình đơn vị đồng chí chúng tôi đã báo cáo về Trung đoàn rồi. Đơn vị đồng chí tổn thất khá nặng, Ban Chi huy chẳng còn ai. Đồng chí chính trị viên đã hi sinh, địch lấy được toàn bộ tài liệu của đồng chí ấy và tất cả có 10 đồng chí hi sinh. Tôi nói ngay: “Tôi - chính trị viên còn sống đây. Bây giờ tôi đề nghị các anh bắt liên lạc với bộ phận đồng chí Thanh và nhờ các anh chôn cất tử sỹ. Có đồng chí nào thất lạc thì nhờ các anh gom lại rồi giúp đỡ họ đưa về đơn vị”.

        Đại đội tôi có 10 đồng chí hi sinh, ừong đó có đồng chí Châu đại đội phó,hai đồng chỉ Tiến và Định liên lạc đều hi sinh.

        Ngày 1 tháng 10 năm 1972, tại trận chiến đấu ở Sa Thia, Đại đội tôi có 10 đồng chí hi sinh, trong đó có Đại đội trưởng Tịnh mới được bổ sung. Ngày 27 tháng 10 năm 1972, lại có 10 đồng chí hi sinh, trong đó có đồng chí Châu đại đội phó. Đặc biệt có hai đồng chí liên lạc Tiến và Định. Hai em đã gắn bó với tôi từ đầu chiến dịch nay cả hai đều hi sinh. Đây là một tổn thất thật vô cùng to lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2017, 10:56:14 pm »


        Sau khi gom hết anh em, được lệnh của Tiểu đoàn, chúng tôi hành quân về xã Tân Phú và đi thẳng ra Lạch Nhum sát sông Vàm Cỏ Đông để ẩn náu củng cố. Ra tới bờ kênh, anh em trải ni lông nằm trên bờ kênh. Có đồng chí nằm ở chỗ thấp nước dâng ướt cả lưng.

        Qua một ngày vất vả ác liệt lại bị thương ở đầu, sáng ra tôi thấy người cứng một bên, quậy mãi vẫn không sao đứng được. Tôi gọi đồng chí y tá: “Tôi bị liệt nửa người không đứng, không đi được nữa rồi, có thuốc gì tiêm cho tôi chứ địch vào thì làm sao đi nổi”. Đồng chí y tá nói “Có lẽ thủ trưởng bị thương đầu ảnh hưởng thần kinh, để em tiêm các loại thuốc trợ sức vài ngày sẽ khỏi”. Cả đơn vị ai cũng lo lắng cho tôi. Tôi bảo chiến sỹ y tá: “Cậu sang Đại đội 4, nhờ họ chuyển bức điện của tôi về Tiểu đoàn”. Trong điện tôi tóm tắt báo cáo tình hình đơn vị và tình trạng sức khỏe của tôi đề nghị Tiểu đoàn giúp đỡ, bổ sung cán bộ.

        Rạch Nhum là một khu vực bưng biền thuộc xã Tân Phú, các con rạch chạy dài ra tận sông Vàm Cỏ Đông, có hai gò đất lớn gọi là cồn cát nhỏ và cồn cát lớn. Cứ mỗi lần đánh nhau trong ấp bộ đội ta lại ra trú ẩn ở đây. Khu vực này cán bộ địa phương xã Tân Phú và ban an ninh huyện cũng thường xuyên trú quân ở đây.

Địch thường xuyên đi càn quét và cho máy bay săn lùng nhưng không làm gì được vì mỗi khi lính đi lùng, bộ đội địa phương rút tới đâu cài mìn tới đó. Sợ dính mìn nên lính đi càn chỉ đi ngoài trống.

        Mỗi khi địch càn, anh em cho quần áo vào túi ni lông nhận chìm dưới gốc cây chi còn khẩu súng, dầm mình dưới nước theo các con kênh để ần trú, tuyệt đối không được nổ súng. Bộ đội ta cứ bám theo địch, nó đi bên này, mình tránh bên kia vì mình chủ động hoàn toàn về địa hình, khi địch rút, mình quay về gờ mìn gom lại.

        Đúng như chúng tôi dự đoán, 8 giờ sáng ngày 28 tháng 10, một Đại đội địch xuất phát từ đồn Trại Bí, qua ấp Giồng Giáng, đi thẳng ra Rạch Nhum. Anh em cảnh giới báo địch đi đúng về hướng ta. Tôi nói: “Bây giờ các đồng chí đưa tôi vào một bụi cây ngụy trang kín đáo, cài mìn từ ngoài vào rồi lẩn theo bờ kênh mà tránh địch. Chứ đưa tôi đi theo không được đâu”. Anh em ái ngại. Tôi nói: “Cứ yên tâm! Chưa chắc địch vào, vì từ trước đến nay nó đều đi ngoài trống. Mình có 2 quả lựu đạn. Nếu nghe lựu đạn nổ thì tối đến đưa xác tôi về mà chôn. Nếu không, khi địch rút, đến đưa tôi ra. Chú ý gỡ mìn cẩn thận không quân ta "chiến thắng" quân mình”. Địch đến gần quá, tôi giục anh em đi khẩn trương nếu để lộ, pháo và máy bay nó sẽ quần nát mất.

        Anh em đi rồi, tôi nằm lại một mình. Anh em dùng cỏ và cây bòng bong phủ kín người tôi. Tôi thò đầu ra ngoài để quan sát theo dõi địch. Địch có khoảng 60 tên, đi theo hàng dọc ngoài rìa bờ kênh. Chúng đi giữa bãi cỏ, nước ngập có chỗ đến bụng, tay cầm khẩu súng A RI 5, chĩa lên trời vì sợ ướt. Vì AR15 bị ướt bắn sẽ không nổ. Địch đi gần tôi, khoảng 100 mét.

        Tôi nằm nghiêng, bóp cho chốt hai quà lựu đạn mỏ vịt thẳng ra và mở khóa súng sằn sàng chờ đợi. Nếu địch vào, tôi sẵn sàng sống chết. Tuy vậy, cũng có lúc tôi lại nghĩ có lẽ để anh em họ cõng mình đi theo thì hay hơn.

        Đúng như anh em địa phưomg báo, bọn lính đi càn ngoài bưng trống chứ không dám lên bờ kênh vì đây toàn lính bảo an sợ chết. Giây phút căng thẳng qua đi, tôi nhẹ nhõm chờ đợi anh em đến đón.

        Khi địch rút hết, anh em quay về gặp nhau, chúng tôi mừng lắm. Anh em thổ lộ: “Khi địch đi vào gần, bọn em lo lắm, nếu có bề chi thì bọn em ân hận vô cùng”.

        Hằng ngày, tôi được y tá chăm sóc, tiêm thuốc, sau 5 ngày thì tôi đã đi lại tương đối bình thường. Do vết thương ở đầu nên hàng chục năm qua, khi thời tiết thay đổi, tôi bị đau đầu như búa bổ và tê liệt nửa người.

        Sau mấy ngày, Trung đoàn điều anh Minh, Đại đội phó, Đại đội 18 về làm Đại đội trường. Các đơn vị của Trung đoàn rút ra bưng ở gò nổi xã An Ninh, Lạch Nhum xã Tân Phú huyện Đức Hòa để củng cố và hàng đêm cùng với cán bộ địa phương vào ấp, tuyên truyền các chính sách của cách mạng, vận động nhân dân, động viên con em mình bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng.

        Đức Hòa cỏ nhiều gia đình vừa có con em đi theo cách mạng, vừa có con đi lính cho địch. Nếu gia đình nào có con phân chia như vậy thì dễ sông hơn, còn gia đình nào chỉ có con em đi theo cách mạng thì địch hay làm khó, lùng sục hỏi xét luôn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2017, 11:50:16 pm »

         
        Đường tiếp tế của ta từ Căm Pu Chia xuống gặp rất nhiều khó khăn, chỉ ưu tiên vận chuyển súng đạn và một phần thuốc men. Lương thực, thực phẩm đều do nhân dân Đức Hòa cung cấp. Các đơn vị đưa dân tiền mua gom gạo. Hàng đêm, bộ đội theo các ám hiệu an toàn là vào nhà dân lẩy gạo, thực phẩm mang về. Địch biết nên quản lý rất gắt gao. Mỗi người dân ra chợ chỉ được mua 5 đến 7 kg gạo. Đặc biệt là thuốc kháng sinh, nếu ai mua nhiều sẽ bị bắt. Đã có hàng chục người bị bắt, bị giam. Thậm chí ban đêm, dẫn đường cho bộ đội đã có người vướng mìn chết.

        Ngày 12 tháng 12 năm 1972, Tiểu đoàn 8 được điều về xã Hòa Khánh để hoạt động. Đồng chí Cửu, Tham mưu trưởng Trung đoàn đi với Tiểu đoàn 8 và trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

        Đại đội tôi được giao nhiệm vụ cùng với bộ đội địa phương Đức Hòa tổ chức phục kích trên đường 8, đoạn từ Đức Hòa đi Hòa Khánh, cách Đức Hòa 3 km. Được tăng cường một khẩu cối 82 của Đại đội 4, 7 bộ đội địa phương huyện, tổ chức đào hầm ở ấp mới phía ngoài từ bưng vào. Đưa một Trung đội 10 người cùng du kích đi phục, sát mép đường 8 đánh địch kiểm tra đường từ Đức Hòa đến đồn Giồng Cám. Sau đó vận động về tuyến 1 đánh địch phản kích.

        Đại đội 3 tác chiến ở ấp Giồng Cám. Cách đánh cũng giống như Đại đội 1, tổ chức phục kích đường 8, đánh địch đi kiểm tra đường từ Hòa Khánh đến Giồng Cám. Sau đó, tổ chức đánh địch phản kích tại ấp Giồng Cám.

        Theo kế hoạch, tối ngày 13 tháng 12 năm 1972, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa.

        Khoảng hơn 10 giờ đêm, đơn vị tôi vào chiếm lĩnh ở ấp mới. Ấp này chỉ có mấy nhà cũ, còn đại bộ phận nhân dân mới ra lập nghiệp cây cối còn ít, chủ yếu là cây chuối, nhà dân rất thưa.

        Ban Chỉ huy Đại đội chỉ có tôi và anh Lê Cường ở Đại đội công binh được điều về làm đại đội phó (anh Cường sau này là Đại tá, Cục phó Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị). Anh Cường đi với Trung đội tổ chức phục kích ở lộ 8.

        Khi đồng chí Cửu tham mưu trưởng Trung đoàn giao nhiệm vụ cho chúng tôi, tôi đã thấy rất mạo hiểm. Mình chỉ có một lực lượng nhỏ nếu tổ chức phục kích đánh xong hỗ trợ nhau rút ra bưng thì được. Còn bám trụ lại, thì mình trụ không nổi. Trong khi Đức Hòa là hậu phương của địch, có một trận địa pháo 105 ly 4 khẩu, có Tiểu đoàn bảo an và có 3 đồn, mỗi đồn một Đại đội. Ta lực lượng ít, đạn dược thiếu, máy thông tin 2W cũng không có.

        Chúng tôi bàn cãi mãi không được. Đồng chí Cửu không thay đổi ý định tác chiến buộc chúng tôi phải chấp hành. Đồng chí Cửu còn nói: “Ta tổ chức trận đánh này sẽ tạo nên quả đấm bất ngờ ngay sát sào huyệt địch”. Chúng tôi đoán trước trận đánh này sẽ gặp nhiều khó khăn.

        Khi bộ đội hành quân vào tới ấp nhân dân mừng lắm, vì mấy năm nay mới thấy bộ đội chủ lực miền Bắc vào. Bà con nấu cơm nước cho bộ đội ăn và giúp bộ đội dào hầm, gần sáng thì họ đi sơ tán hết. Ban Chi huy Đại đội đào hầm ờ gần bụi chuối ở một căn nhà nhỏ 2 gian sát ngoài làng. Phía trước, cách vài chục mét tương đối kín đáo chúng tôi đặt khẩu cối 82.

        Khoảng 4 giờ sáng, anh em cơ bản đào xong hầm và bộ phận đi phục kích ở lộ 8 bắt đầu đi lên tìm chỗ mai phục. Anh em ra đường 8 tìm chỗ phục kích rất khó, chỗ cao thì dân ở, chỗ thấp thì ruộng nước. Sau khi nghiên cứu địa hình, Đại đội phó Lê Cường quyết định cho anh em nằm dưới ruộng lúa sắp chín của dân cách đường 8 bảy, tám mét để chờ địch. Mấy du kích thì lợi dụng các bụi chuối sát nhà dân để mai phục.

        Gần sáng, một người dân dậy rút rơm cho bò, thấy người lạ hoảng hốt kêu lên. Anh em du kích trấn an người dân, nhưng sợ lộ nên rút về tuyến đường 1.

        Sáng ra, một cậu bé đi lấy ống lươn, suýt nữa đạp phải bộ đội ở bộ phận anh Cường nên hoảng hốt bỏ chạy. Anh em giữ lại và bảo cậu bé tuyệt đối bí mật. Các chú là bộ đội giải phóng.

        Có thể cậu bé đã làm lộ nên chúng không đi trên đường mà đi vòng ra phía sau. Anh em ta phát hiện đã nổ súng kịp thời diệt được mấy tên, số còn lại bỏ chạy. Anh em cũng vận động về tuyến 1 để đánh địch phản kích. Địch biết chúng tôi ở đây, nhưng bố trí thế nào, lực lượng bao nhiêu thì chúng không biết.

        Sau 8 giờ sáng, 3 khẩu pháo 105 của địch ở Đức Hòa bắn hàng trăm quả đạn vào khu vực chúng tôi. Một số nhà dân bị cháy. Cây cối đổ ngổn ngang nhưng không có quả đạn nào trúng hầm.

        Hết đợt pháo tôi và Cường trao đổi. Địch thế nào cũng tập trung lực lượng đánh vào, súng đạn của ta ít quá. Khẩu cối 82 chi có 15 quả, B40, B41 mỗi khẩu 2 đến 3 quả đạn, AK cũng chỉ có chưa đầy trăm viên một khẩu. Địch đánh sớm thế này nên phải nhắc nhờ bộ đội tiết kiệm đạn để bám trụ cả ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2017, 11:51:24 pm »

    
        Cường xuống trực tiếp một Trung đội để chỉ huy. Ỏ đây còn 7 du kích và bộ đội địa phương nữa. Địch có khoảng một Đại đội tấn công vào. Anh em chúng tôi chờ địch vào thật gần mới nổ súng. Có đến hàng trăm tên địch xông vào nên cả Đại đội đều nổ súng, cối 82 bắn trúng giữa đội hình địch. Bọn chúng phải dãn ra và lùi về phía sau. Lúc này cũng đã quá trưa, tụi lính rút hết lên lộ 8.

        Tôi tranh thủ đi xuống các hầm để động viên anh em và nhắc nhở bộ đội tiết kiệm đạn để bám trụ đến tối. Tôi gặp anh Khai, Chính trị viên Đại đội 4. Khai nói: “ Đạn cối 82 ít quá, chi còn lại 7 đến 8 quả”. Tôi trao đổi: “Anh cho một vài đồng chí đào hầm chặn phía trái ấp, nhất định nó sẽ đi vòng sang phía trái để tấn công ta, vì nó đã phát hiện được khẩu cối 82 của ta đặt ở đây rồi”.

        Tôi thực sự lo lắng vì thiếu đạn. Địch thì đông và mạnh như vậy ngay cả đạn AK mỗi khẩu cũng chi còn lại vài băng. B40, B41 mỗi khẩu chi còn lại một quả mà lúc này mới khoảng một giờ chiều, chịu làm sao nổi cho đến tối. Tôi thấy từ sáng đến giờ Đại đội 3 chưa nổ súng. Tôi không có điện để báo về Tiểu đoàn yêu cầu Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 3 nổ súng chia lừa cùng chúng tói. Nếu địch tập trung lực lượng cả gần 2 Tiểu đoàn bộ binh đánh vào đơn vị mình thì sẽ rất khó khăn.

        Tôi đang nghĩ cách giải quyết thì một chiếc L19 quần lượn rồi bắn ngay một quả pháo khói vào gần khẩu cối 82. Chỉ trong nháy mắt 3 đến 4 máy bay phản lực lên bổ nhào đánh bom. Trận địa cối 82 bị bom đánh tan hoang, một quả rơi trúng hầm chỉ huy Đại đội 4 làm đồng chí Khai và 2 chiến sỹ hi sinh. Anh em Đại đội 4 hoảng hốt, chạy tới báo cáo. Tôi nói: “Anh Khai hi sinh nhưng cả Đại đội tôi đang còn ở đây, ta kiên quyết bám trụ chiến đấu đến cùng”.

        Khoảng 3 giờ chiều, địch cho đặt mấy khẩu 12,7 trên lộ 8, cối 81 và pháo 105 từ chi khu Đức Hòa bắn như vãi đạn vào trận địa. Bộ binh địch chia thành ba mũi ào ào tấn công vào, hò hét xung phong. Khi vào tới gần, bị anh em mình bất ngờ đồng loạt nổ súng, chúng phải quay về lộ 8.

        Im tiếng súng, anh Cường bò đến gặp tôi nói:

        - Anh em đã gần hết đạn rồi, AK bắn phát một mà vẫn không đủ vì địch đông và bám dai quá. Mấy đồng chí hi sinh và bị thương. Anh em du kích đã ra bưng hết rồi. Tôi cũng đã bị thương đầy người, súng đã hết đạn.

        - Anh đưa anh em bị thương bò ra bưng trước đi, tôi và anh em còn đạn, còn sức ở lại chặn địch rồi rút sau.

        Lúc này địch rút lên lộ 8, tiếp tục gọi pháo bắn và dùng loa cực mạnh chĩa xuống kêu gọi chúng tôi đầu hàng, nếu không sẽ bị hủy diệt.

        Tôi bò sang hầm cối 82 nói: “Lần này địch vào, ta bắn hết đạn luôn vì trời cũng đã sắp tối rồi”. Tôi về tới hầm là địch tấn công. Đạn 12,7 ly, đạn đại liên đặt trên đường 8 bắn như mưa. Bộ binh địch triển khai trên diện rộng tấn công vào.

        Đúng như dự đoán, một tốp địch vòng ra phía sau, tấn công Đại đội 4, chúng phải vượt qua một cái bờ đắp cao. Tôi và chiến sỹ liên lạc từ hai cửa hầm, thấy tên nào ngóc lên bờ, vượt qua bờ là bắn vì đạn ít nên chi bắn viên một. Súng đang nổ ầm ầm thì mấy đồng chí từ hướng chính điện bò đến báo: “Tụi em hết đạn và cũng đã bị thương cả rồi”. Anh em vào, hầm tôi chật ních. Tôi bảo: “Thôi anh em lợi dụng ruộng lúa bò ra bưng đi”. Anh em cứ lừng chừng không muốn lui vì địch bắn dữ quá, rời khỏi hầm là hết sức nguy hiểm. Tôi giục:

        - Đi nhanh lên không có đạn ở đây làm gì? Ở đây cho địch bắt à?

        Tôi nói vậy anh em mới chịu đi. Địch vòng ra phía sau bị tôi và chiến sỹ liên lạc bắn chặn nên không vào được. Nhưng ở hai hướng chính, anh em mình vừa hi sinh, vừa bị thương, hết đạn rút rồi nên địch đã chiếm được trận địa. Địch vừa bắn vừa hô “Xung phong!”, “Bắt sống!”. Chúng đánh thẳng vào trận địa cối 82. Anh em cối 82 không có súng đạn chạy ra hướng tôi.

        Chờ cho anh em chạy hết, tôi mới từ hầm bò ra ruộng lúa cách đó mấy mét, lấy tay khỏa lúa lại, che dấu vết cho địch khỏi thấy. Địch thấy anh em mình rút liền đuổi theo. Nó chạy trên bờ ruộng ra tận mép bưng. Hầu hết anh em hi sinh và bị bắt. Đồng chí Luân quê ở Diễn Châu bị địch bắt sau này được trao trả.

        Tôi nằm nghiêng mình và dùng tay khỏa lúa che kín nên địch mải đuổi theo anh em không phát hiện ra. Tôi chi có một khẩu AK còn 2-3 viên dạn và một quả lựu đạn sẵn sàng sống chết với địch. Bọn địch đuổi theo anh em ra tới bưng rồi quay về. Chúng không đi theo đường cũ mà đi trên trục đường to. Nếu đi lại đường cũ thì chắc chúng sẽ phát hiện được tôi.

        Chờ cho địch rút hết và trời tối hẳn tôi đi dọc theo bờ đắp sát bưng vào lại trận địa xem có anh em mình còn sống hoặc bị thương không, nhưng chẳng thấy ai cả. Khoảng 9 giờ tối, tôi mới cắt đường ra bưng tìm về cứ.

        Về tới nơi đồng chí quản lý ở lại hậu cứ nói anh em ta về đây cũng được khá đông, ai cũng nghĩ anh đã hi sinh rồi. Trước lúc nhận nhiệm vụ tôi đã nói rồi, đánh xong mà trụ lại làm sao mình trụ nổi? Đại đội tôi mới được củng cố, bổ sung quân số nay lại bị một vố nữa.

        Tôi làm việc với các đồng chí cán bộ địa phương thông báo có một chiến sỹ thất lạc, tối vào dân xin cơm ăn, ngày ra bưng trốn, nhờ địa phương giúp đỡ. Tôi phải tổ chức tìm ba bốn ngày mới bắt được liên lạc. Trong trận này anh em Đại đội 4 bị tổn thất nặng nhất. Có 6 hi sinh, 2 bị bắt. Trong số hi sinh có đồng chí Khai, Chính trị viên đại đội. Đại đội tôi hi sinh 4, bị bắt 1. Sau khi thu hết quân, đơn vị tôi lại được điều về Lạch Nhum, Tân Phú để củng cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 09:58:03 pm »


        NGÀY 12 THÁNG 1 NĂM 1973

        Ngày 11 tháng 1 năm 1973, tôi được cán bộ địa phương mời khoảng 8 giờ tối 12, có mặt tại nhà bà Tư bán quán (bà Tư là bí thư Đảng uỷ xã, hoạt động hợp pháp trong lòng địch), để họp bàn kế hoạch cùng địa phương làm công tác tuyên truyền. Đi với tôi có anh Thông trợ lý quân nhu Tiểu đoàn, anh Hiền quản lý và mấy đồng chí trinh sát, kết hợp vào mua và lấy gạo, thực phẩm.

        Từ Lạch Nhum, chúng tôi lần bám địch chờ trời tối hẳn thì đột nhập vào ấp Gò Sao. Tại đây tôi được gặp bà Sáu bí thư chi bộ, anh Ba Hoàng xã đội trưởng.

        Sau khi bàn bạc thống nhất kế hoạch, tôi và Ba Hoàng tới nhà Bà Tư để bàn công chuyện. Anh em đi lấy gạo thì bà Sáu dẫn đi ấp Bàu Trâu đến nhà ông Tư để lấy gạo. Khoảng hơn 9 giờ tối, tôi, ba Hoàng và bà Tư đang họp bàn thì nghe một tiếng nổ to từ ấp Bàu Trâu. Tôi đoán có lẽ anh em đi lấy gạo bị dính mìn.

        Chỉ một lát sau, một đồng chí du kích và một đồng chí trinh sát tới báo: Địch chọi mìn vào nhà ông Tư làm bà Sáu, ông Tư và anh Thông chết tại chỗ, anh Hiền bị thương nặng, mấy anh nữa bị thương nhẹ. Anh em bị nhẹ đã chạy về Gò Sao rồi.

        Tôi và ba Hoàng vội chạy tới nhà ông Tư giải quyết hậu quả. Để chậm địch mò vào thì nguy hiểm lắm, vì từ đây tới đồn địch ở đầu ấp không đầy 200 mét. Tới nơi, tôi thấy Bà Sáu, ông Tư nằm chết ngay trên phản, anh Thông nằm chết trên một cái chõng tre máu chảy ra lênh láng. Hiền bị thương vào bụng bò ra bụi nằm. Cô con gái chủ nhà chừng 18 tuổi ôm lấy tôi: “Chú ơi! Khổ cháu lắm chú ơi! Bố cháu mất rồi”. Tôi nói: “Các chú cũng khổ, cháu cố đừng khóc. Địch biết, chủng sẽ làm khó cho cháu đó”. Tôi và ba Hoàng trao đổi. Ba Hoàng giải quyết việc bà Sáu và ông Tư còn tôi giải quyết người của đơn vị.

        Tôi cho chặt cây làm cáng khiêng anh Thông và Hiền ra ấp Gò Sao. Ba Hoàng cho du kích khiêng bà Sáu về nhà bà cũng tại ấp Gò Sao. Còn ông Tư thì nhờ một cơ sở sang động viên cô con gái đến mai sẽ mai táng. Tôi và một trinh sát khiêng anh Thông chạy một mạch khoảng 2 km mà không biết mệt. Anh Thông to béo, khoảng 65kg. Khi tới nhà bà Sáu tôi và ba Hoàng trao đổi nên tổ chức chôn cất anh Thông và bà Sáu trong đêm để xóa dấu vết. Ông bố bà Sáu không chịu. Ông nói: “Con tôi, ngày mai tôi chôn cất đàng hoàng, mua hòm vỏ chu đáo”. Các con của bà Sáu cứ ôm tôi rồi lại ôm mẹ khóc tấm tức không thành tiếng vì sợ địch nghe thấy.

        Chúng tôi đưa anh Thông ra gò Cây Gạo chôn cất, rồi khiêng anh Hiền ra bưng thì ười cũng vừa sáng.

        Chồng bà Sáu, bị địch bắt tù Côn Đảo. Bà có 3 con (1 trai 2 gái). Sáng ra, địch đi càn đến nhà bà Sáu bắt cả ông bố và 3 đứa nhỏ lên đồn xét hỏi. Thi thể bà Sáu, địch kiểm ưa xét nghiệm. Ồng già và 3 đứa nhỏ không khai báo gì cả chi nói ràng nửa đêm có người khiêng xác má về bỏ đó.

        Địch biết bà Sáu là cơ sở cách mạng nhưng không có cớ để bắt. Nay chúng điều ưa nhưng cũng không điều tra được gì. Sang ngày thứ 3, địch mới cho gia đình chôn cất bà Sáu. Hiền bị thương ở bụng phải nằm đợi một ngày nữa. Mãi tối hôm sau, Hiền được đưa về trạm phẫu Trung đoàn ở Gò Nổi. Do vết thương quá nặng, lại để lâu nên Hiền đã hi sinh ưên bàn mổ.

        Sau khi điều tra, vụ nổ mìn được xác định không phải do địch ném lựu đạn vào mà do anh Thông đeo một quả lựu đạn mỏ vịt, anh ngồi trên chõng ưe di chuyển đi lại làm vòng chốt lựu đạn kẹt vào nan chõng, lựu đạn tụt chốt nổ làm 4 người chết và 3 người bị thương. Một tổn thất nặng nề chỉ do sự bất cẩn khi đeo lựu đạn của anh Thông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2017, 09:58:41 pm »


        NHIỆM VỤ MỚI

        Ngày 16 tháng 1 năm 1973, tôi được lệnh của Tiểu đoàn bàn giao đơn vị lại cho đồng chí Thanh và đồng chí Yến là hai đồng chí cấp phó. Tôi, anh Minh cùng một liên lạc, một quản lý, một y tá, về Trung đoàn nhận nhiệm vụ.

        Lúc này Trung đoàn đang ở Thóc Nóc, Căm Pu Chia. Từ Lạch Nhum, Tân Phú Đức Hòa đi lên Căm Pu Chia phải vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, đi qua chi khu Đức Huệ, về Ba Thu rồi mới đi Thóc Nóc.

        Hôm đó, khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi được anh em du kích dùng thuyền chở đi theo một con kênh nhỏ, cây cối hết sức kín đáo ra tận bờ sông Vàm Cỏ Đông. Ban ngày nhìn con sông thật thơ mộng. Sông sâu, rộng chừng hơn 300 mét, nước trong xanh, thỉnh thoảng có đôi chiếc thuyền nhỏ đánh cá của dân lướt qua. Hai bên bờ sông cây cối xum xuê kín đáo.

        Theo anh em địa phương, đoạn sông này thình thoảng có bo bo địch đi tuần tra (bo bo là một loại tàu nhỏ, tốc độ cực nhanh, được trang bị vũ khí mạnh). Anh em du kích lặn xuống kênh lấy lên cho chúng tôi một chiếc thuyền nhỏ, có hai mái chèo và dặn: “Các anh chờ ở đây, khoảng hơn 5 giờ chiều, lúc đó tụi lính đã về đồn và gió cũng lặng thì bơi thuyền qua sông, rồi dìm thuyền vào một con kênh nào đó. Sau đó tranh thủ bám lên theo dõi địch ở Đức Huệ. Qua Đức Huệ, cắt về Ba Thu là an toàn”.

        Giữa trời đất sông nước, 5 anh em chưa biết đường hướng, chưa nắm được địch. Qua sông rồi nếu xác định hướng đi không tốt sẽ dẫn vào đồn địch, chẳng khác nào đưa xác đến cho cọp ăn. Tôi trao đổi với anh Minh: “Ta tranh thủ vượt sông sớm, sang bên kia bám địch, tối mới đi được. Tối rồi mới sang, không biết nhìn cái gì làm chuẩn vì trong tay chẳng có bản đồ địa bàn”.

        Gần 5 giờ chiều, chúng tôi vượt sông, tôi chèo mũi, Minh chèo lái. Hai anh em dùng hết sức chèo thật thanh. Sông rộng ra giữa mới biết, gió rất mạnh vừa sợ chạm địch vừa sợ lật thuyền. Thế rồi chúng tôi cũng vượt được sang bờ bên kia.

        Sau khi giấu thuyền, chúng tôi bám theo bờ kênh đi về phía chi khu Đức Huệ. Có mấy người dân gặt lúa ở một thửa ruộng gần chúng tôi. Chúng tôi lần tới hỏi thăm.

        Thấy chúng tôi xuất hiện đột ngột, một ông già hốt hoảng định bỏ chạy. Tôi ra hiệu: “Chúng cháu là Quân giải phóng, ông cho chúng cháu hỏi nhờ”. Ông già lấy lại bình tĩnh rồi chỉ cho chúng tôi vào một bụi cây gần đó để mọi người không ai biết và để bọn địch không nhìn thấy.

        Tôi hỏi: “Chúng cháu muốn đi về Ba Thu đất Căm Pu Chia, nhờ ông chi hộ đường”, ông nói: “Bây giờ các chú chưa đi được đâu. Địch ở chi khu Đức Huệ chúng nhìn thấy. Chờ tối, các chú đi dọc cánh đồng này sang bên kia là bưng biền, cứ đi thẳng về phía tây là tới Ba Thu. Từ đây tới Ba Thu còn xa lắm, phải đi sáng đêm mới tới, ráng mà đi chứ để sáng ra nguy hiểm lắm vì toàn bưng, cỏ trống trải nếu máy bay phát hiện là nó quần chết đó”.

        Chúng tôi cảm ơn ông già, chờ trời tối bắt đầu đi. Vừa đi, vừa bám địch, vòng ra phía sau của căn cứ Đức Huệ là an toàn. Chúng tôi nhằm hướng Tây mà đi. Chẳng có đường, toàn cỏ năn, có chỗ cỏ cao tới cổ, có đoạn khô, đoạn ướt. Quá nửa đêm, mệt quá, thấy gò đất cao tường là đã tới Ba Thu, anh em chúng tôi dựa lưng vào gò đất ngủ một giấc để lấy sức. Ngủ được một lúc, trời đất vần vũ, mây đen kéo kín bầu trời không thấy trăng sao đâu cả, thế là mất hết phương hướng. Chúng tôi phải lần theo đường vừa đi để tìm đường mới vì không có bản đồ địa bàn. Chẳng có xóm làng cây cối gì để mà làm chuẩn.

        Tôi bàn với anh Minh: “Thôi ta cứ nghỉ ở đây chờ tới hửng sáng ta xác định lại hướng rồi đi tiếp chứ giờ đi lung tung không khéo lại quay về Đức Huệ làm mồi cho địch”. Nghỉ một lúc thì vừng đông hửng sáng, chúng tôi xác định được hướng tây rồi tiếp tục đi.

        Đi một lúc, chúng tôi phát hiện một bóng người trong đám cỏ. Người này cũng phát hiện ra chúng tôi. Anh ta tưởng chúng tôi là thám báo nên bỏ chạy. Chúng tôi vừa đuổi theo, vừa hô chúng tôi là bộ đội giải phóng. Anh ta chần chừ một lát rồi đứng lại. Hỏi ra mới biết anh ta là bộ dội địa phương. Anh là người ờ trạm giao liên để đưa đón quân ta từ Ba Thu xuống miền Tây Nam Bộ vùng Mỹ Tho, Kiến Tường. Trạm ở gần đây. Anh đi lấy lờ cá và ống lươn.

        Chúng tôi mừng quá được anh chi đường. Anh nói từ đây tới Ba Thu đi khoảng 4 tiếng là tới. Các anh tranh thủ đi nhanh càng xa Đức Huệ càng tốt. Đường an toàn chỉ sợ máy bay trực thăng thôi. Nếu các anh nghe tiếng trực thăng thì rúc vào cỏ để trốn, chứ chạy là chết với nó đấy.

        Về tới Trung đoàn, chúng tôi kể lại cuộc hành trình của mình, anh em lính cơ quan ai cũng ngán và nói các anh liều thật. Tôi và Minh lên Trung đoàn làm việc. Chúng tôi được Trung đoàn giao nhiệm vụ thành lập một Đại đội bộ binh, quân số thu gom từ các bệnh viện, các trạm thu dung về.

        Theo kế hoạch, hàng ngày, chúng tôi cứ nhận được đồng chí nào về là biên chế thành Trung đội, Tiểu đội. Anh em hầu hết là thương binh bệnh binh ở khắp các đơn vị trong toàn Trung đoàn. Có đầy đủ cán bộ Trung đội, Tiểu đội và chiến sỹ.

        Chi trong mấy ngày chúng tôi đã thu gom và tổ chức biên chế thành một Đại đội bộ binh, quân số hơn 40 người và được trang bị đầy đủ súng đạn theo biên chế và có thể sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu được ngay.

        Tuy quân số khá đông nhưng tổng hợp bao gồm bộ binh, pháo binh, thông tin, trinh sát. Số anh em binh chủng họ thiếu an tâm vì họ sử dụng không thành thạo các loại vũ khí bộ binh như súng B40, B41 ...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM