Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:08:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49026 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2017, 09:42:26 pm »


        Tôi nhớ hôm đó là một ngày cuối tháng 7 năm 1968, trận phục kích vận động đánh giao thông trên đường 19 đoạn phía tây cầu Xà Guồng.

        Hơn 8 giờ sáng, đài quan sát báo về Trung đoàn, đoàn xe của địch hơn 100 chiếc, có xe tăng hộ tống đã vượt qua đèo An Khê, trước trận địa phục kích của 2 Tiểu đoàn. Địch có 2 cụm lính, mỗi cụm 2 chiếc xe M113 làm nhiệm vụ canh phòng và sẵn sàng tác chiến bảo vệ đoàn xe trên đường hành quân.

        Theo hiệp đồng, khi đoàn xe địch chạy lọt vào đội hình, chiếc đầu tới tổ chặn đầu thì lập tức dùng ĐKZ bắn chặn đầu và bắn khóa đuôi. Hai tiểu đoàn dùng ĐKZ 82 kết hợp B41 diệt hai cụm xe tăng cảnh giới của địch để bộ đội xung phong đánh thẳng vào đoàn xe.

        Đường vận động của bộ đội khá xa, đến 500 mét. Khi bộ đội vận động tấn công, 2 khẩu cối 82 bắn kiềm chế vào hai trận địa pháo để đảm bảo cho bộ binh rút quân an toàn về phía sau.

        Khi cối 82 bắn, lực lượng công binh cho nổ mìn ở trận địa giả để địch cho máy bay lên oanh tạc và pháo phản pháo vào trận địa giả, tạo điều kiện cho pháo binh rút quân ra khỏi vòng nguy hiểm.

        Tôi ngồi ở đài quan sát cùng với anh em trinh sát theo dõi trận đánh. Trận đánh đúng theo ý định của ta, giống như diễn tập. Tiếc thay đoàn xe chạy cách nhau quá xa nên chi có 2 phần 3 lọt vào đội hình. Quân ta nhảy ra mặt đường tiêu diệt đoàn xe, bắn cháy hơn 60 chiếc, trong đó có một số xe tăng, xe bọc thép.

        Một số anh em nhảy vào ca bin xe, lấy được hơn 10 khẩu súng AR15 và một số quân dụng khác. Đoàn xe bốc cháy hàng tiếng đồng hồ làm đoạn đường tắc nghẽn.Buổi chiều địch cho xe tăng, xe ủi lên húc những chiếc xe cháy xuống vệ đường. Trận đánh kết thúc. Khi về phía sau rút kinh nghiệm, từ cán bộ đến chiến sỹ ai cũng thừa nhận đây là một trận đánh hay, hiệu quả cao, không có thương vong.

        Tổng kết 6 tháng hoạt động của đầu năm 1968, Trung đoàn tôi đã bắn cháy 660 xe quân sự các loại. Trong đó có một số xe tăng, xe bọc thép M113, được Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đánh giá là Trung đoàn đánh giao thông giỏi nhất toàn Miền. Tổng số xe của Trung đoàn diệt được bằng 1 phần 4 số xe Mỹ Ngụy bị quân giải phóng tiêu diệt.

        Địch choáng váng trước trận đánh thần kỳ của Trung đoàn 95, chúng đổ quân đi càn quét ra phía sau của ta. Trung đoàn cho công binh, trinh sát dùng nhiều tổ nhỏ lẻ, cài mìn đánh phá đường ống dẫn dầu trên đường 19. Tổ chúng tôi vẫn liên tục bám đài quan sát để theo dõi mọi hoạt động của địch từ An Khê đến đèo Mang Giang. Thực chất thì chỉ nắm được một đoạn đường tây cầu Xà Guồng vì địa hình đoạn này ta mới triển khai được trận địa phục kích.

        Các đoạn khác dốc ngược, bộ đội không thể vận động được. Nếu ờ phía bên kia đường đánh sang thì thuận lợi nhưng toàn dốc cao, không có nơi dấu quân, đánh xong không biết chạy về đâu.

        Chúng tôi ờ đài quan sát theo dõi quy luật hoạt động của một Trung đội lính Mỹ, có xe tăng hỗ trợ để bảo vệ cầu Xà Guồng.

        Sáng ra, địch trên hai chiếc M113 đi tuần tra trên tuyến đảm nhiệm. Nếu đường an toàn không có vấn đề gì là chúng về đậu xe thành hai điểm, cởi quần áo chỉ mặc có một cái quần lót chơi bóng chuyền. Thằng nào thằng nấy to cao, béo đỏ chia nhau ra chơi bóng hàng tiếng đồng hồ rồi nhảy xuống suối tắm.

        Địa hình xung quanh sân bóng, địch cho xe ủi bằng phẳng và có một con suối bao bọc phía ngoài. Bên này bờ suối vào tới bìa rừng dài khoảng 400 mét, cây cối bị đốt cháy sạch. Đang mùa mưa nên có nhiều rãnh nước chảy xói mòn, một số cây cháy chưa hết còn ngổn ngang.

        Chúng tôi báo cáo với Trung đoàn về quy luật hoạt động của Trung đội lính Mỹ và địa hình, địa vật xung quanh cầu Xà Guồng, đặc biệt là địa hình tiếp cận sân bóng chuyền của địch. Sau khi nghe báo cáo, Trung đoàn quyết định tổ chức một trận tập kích diệt Trung đội Mỹ này.

        Trung đoàn giao cho trinh sát dẫn cán bộ đại đội, cán bộ Tiểu đoàn 2, ban đêm mò vào nghiên cứu trận địa và xác định cách đánh. Qua nghiên cứu thực địa và tình hình cụ thể, Trung đoàn quyết định dùng một Trung đội bộ binh tăng cường do Đại đội trường Đại đội 3 chỉ huy. Trung đội độn thổ sẵn, khi địch xuất hiện dùng hỏa lực và súng bộ binh tập kích.

        Hôm đó, vào giữa tháng 7 năm 1968, tối đến Đại đội 3 tiền nhập trận địa lợi dụng các rãnh đất, các loại cây cháy dở anh em vẹt đất nằm độn thổ, 12 người mà chi có 3 khẩu súng B40. số còn lại ngụy trang cho anh em chu đáo rồi rút ra bìa rừng nằm để chờ bảo vệ cho anh em khi đánh xong rút quân được an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 09:57:34 pm »


        Từ chỗ anh em độn thổ sang đến sân bóng chuyền ước khoảng 30 mét, cách một con suối. Chúng tôi ờ đài quan sát theo dõi, địch vẫn hoạt động đúng như thường ngày. Chúng tôi và Tiểu đoàn trường Bảy vô cùng sốt ruột, lo lắng, sợ anh em ta nằm từ đêm, nếu có ai ho một tiếng thì lộ hết. Máy bay trực thăng bay thấp vậy nó có phát hiện được không? Anh em ta thì ngụy trang ban đêm liệu có ai sơ suất gì không?

        Ai cũng vô cùng lo lắng cho số phận của 12 đồng chí làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nguy hiểm. Tuy vậy địch không phát hiện được gì cả, ta vẫn đảm bảo bí mật.

        Giống như mọi hôm, địch đi kiểm tra tuần đường về rồi cởi trần chơi bóng chuyền. Hai bên đang lộn xộn giữa sân, chưa phát bóng thì ba quả đạn B40 lao vút vào giữa sân, súng AK bắn xối xả vào sân bóng. Anh em đều đứng dậy bắn tiêu diệt từng tên địch. Trận đánh diễn ra chỉ vài phút rồi bộ đội nhanh chóng rút về bìa rừng. Vì ta ở bên này bờ suối bắn, không vượt qua suối nên địch trở tay không kịp.

        Sau trận đánh, Đài phát thanh Giải phóng liên tục đưa tin ca ngợi tinh thần chiến đấu của đơn vị. Chi một lực lượng nhỏ độn thổ, ta tập kích diệt gọn Trung đội Mỹ giữa ban ngày.

        Cuối tháng 9 năm 1968, Trung đoàn chủ trương hoạt động xuống vùng tây An Khê trên đường 19. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn hành quân xuống khu vực này. Một khu rừng tương đối bằng, rộng lớn giáp ranh với các tinh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Đến đây, chúng tôi gặp anh em Trung đoàn 18. Họ cho biết Trung đoàn 18 ở Phú Yên, Khánh Hòa lên đây mua sắn khô về ăn.

        Nghe anh em nói lại bộ đội ta dưới đó đói lắm phải thay nhau mang muối và các thứ khác lên đây đổi đồng bào lấy sắn gạc nai về ăn. Đi sáu, bảy ngày mới được một chuyến hàng về.

        Sắn tươi thì mang nặng và phải đi dài ngày sợ sẽ bị hỏng nên anh em hậu cần lên trước hiệp đồng với dân làm sắn gạc nai để mang được nhiều và bảo quản được lâu.

        Sắn gạc nai là sắn để cả củ, mùa khô thì phơi dài ngày, mùa mưa thì xông khói, khi nào sắn khô như que củi là được. Củ sắn cả vỏ, xông khói đen và cứng như gạc nai nên bộ đội gọi là sắn gạc nai. Trước khi ăn, phải đem xuống suối ngâm cả ngày mới có thể thái mỏng nấu. sắn gạc nai, để nơi khô ráo thì hàng năm không hỏng.

        Khu vực này có lẽ chưa có đơn vị bộ đội nào đóng quân và địch cũng chưa bao giờ càn quét lên đây, vì không thấy dấu vết bom đạn, xa các trung tâm căn cứ, không có đường giao thông.

        Các đơn vị đều ở hai bên bờ suối, dựa vào các lùm tre kín đáo để đào hầm và mắc võng. Một số nhà dân, lợi dụng những bụi tre to, dùng dao chặt khoét sâu vào làm nhà để ở. Những bụi tre gai này, không một loại đạn nào có thể bắn xuyên qua. Trừ bom tấn, còn bom nhỏ hơn và pháo chỉ nổ trên ngọn cây, dưới vẫn an toàn.

        Sau khi ổn định nơi ăn ở, Trung đoàn tổ chức một đoàn cán bộ đi nghiên cứu chiến trường vùng tây đèo An Khê, có thể 5 đến 7 ngày mới về. Đoàn cán bộ mới đi được bốn ngày, thì 22 giờ ngày thứ năm, cấp trên thông báo Trung đoàn bộ phải rút khỏi nơi trú quân trước 12 giờ đêm vi B52 sẽ ném bom.

        Nhận được điện, Trung đoàn khẩn trương rút khỏi khu vực. Tôi và Thuật được đơn vị cử ở lại đón đoàn đi địa hình, dẫn họ về vị trí mới của Trung đoàn.

        Chủng tôi dọn đến hầm chính ủy để nghỉ lại. Thực tế chiến trường, Trung đoàn tôi đã nhiều lần được cấp trên báo B52 đến ném bom, nhưng chỉ vài lần nó ném trúng vị trí, còn là ném trật về một bên. Tôi cũng đã hai lần bị B52 cắt bom ngay trên đầu, nghe thì khủng khiếp nhưng bom lại rơi nơi khác.

        Sáng ra, tôi và Thuật đi lượn một vòng xung quanh khu vực trú quân, không khí thật thanh bình. Chúng tôi thấy một bụi tre cạnh suối, dân khoét làm nhà ở chắc chắn hơn hầm Chính ủy. Hai đứa liền chuyển ngay đến ở. Bụi tre này chi có bom tấn mới làm sập được.

        Hai đứa đưa mấy cù sắn ra bóc vỏ, xắt ra thành miếng để nấu ăn. Đứa xắt sắn, đứa đang tìm que đóng cọc để treo ăng gô và chuẩn bị nhóm lừa thì thấy một chiếc máy bay trinh sát L19 lượn dọc suối. Tôi và Thuật bàn với nhau, nếu nó không ném bom B52 thì chác là nó sẽ đổ quân, đổ biệt kích.

        Chi một lát sau, tôi nghe tiếng máy bay rì rì, đoán chắc là B52. Chúng tôi chi kịp lao nhanh vào giữa bụi tre. Tiếng bom nổ như ngô rang ngay trên đầu, mảnh bom bay vù vù. Ba chiếc B52 kế tiếp nhau cắt bom. Mỗi chiếc có đến hàng trăm quả, toàn bom sát thương các loại. Hầu hết bom nổ trên không, mảnh bay cắm phầm phập xuống đất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2017, 10:41:22 pm »


        Hết ba đợt bom, hai chúng tôi ra ngoài quan sát. Bom rải một vệt dài theo đội hình trú quân của Trung đoàn bộ. Các bụi tre to hầu như bị mảnh bom bắn chặt đứt hết phần trên, chi trừ lại đoạn gốc 7 đến 8m. Hố bom lỗ chỗ nham nhở. Cây cỏ bị quật nát giống như bãi cỏ bị đàn voi giày, mùi khói khét lẹt.

        Nếu Trung đoàn không di chuyển trước, trận bom này thương vong sẽ rất lớn. Một lúc sau, chúng tôi lại thấy một chiếc LI9 bay lượn, quan sát lại toàn bộ khu vực nó vừa ném bom. Tôi nhận định địch sẽ ném bom một lần nữa. Quy luật hoạt động của nó là vậy nếu LI9 không lên trinh sát lại thì nó chỉ đánh một lần, có LI9 lên kiểm tra lại thì chắc chắn nó sẽ đánh lần thứ hai.

        Gần 12 giờ, ba chiếc B52 lại tiếp tục cắt bom vào khu vực lần trước. Chúng tôi ngồi trong bụi tre, nghe tiếng mảnh bom chém cây rất ghê rợn, hàng trăm, hàng ngàn mảnh bom găm vào bụi tre. Hai chúng tôi nằm úp sát đất cứ sợ mảnh bom cắm vào lưng.

        Hết ba loạt bom, chúng tôi ra ngoài quan sát. Chiếc ăng gô chúng tôi treo nấu sắn cạnh cửa hầm cũng đã bị hàng chục mảnh bom chồng lên nhau, thủng toe toét.

        Những ngày sau đó, chúng tôi chẳng có đồ để nấu ăn. Hai đứa, ngày ba bữa chi ăn toàn sắn nướng. Hai ngày sau, đoàn cán bộ đi địa hình mới về. Chúng tôi dẫn họ đi về Trung đoàn theo điểm hẹn.

        Trung đoàn định xuống đây hoạt động, nhưng đoàn cán bộ đi điều nghiên về cho biết việc tổ chức đánh giao thông đoạn tây An Khê không thể được. Địa hình phức tạp, quá xa hậu phương, rừng cây thưa, không có nơi trú quân nên đành quay về địa bàn cũ.

        Sau trận B52, lính Trung đoàn ai cũng sợ Trung đoàn bộ. Ông Bảy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 thường nói Trung đoàn bộ đi đâu là kéo B52 và pháo đến, nên tao bao giờ cũng đóng xa Trung đoàn bộ. Máy 15W của Trung đoàn chỉ làm việc mấy phiên là địch phát hiện được ngay. Anh em thông tin đã tìm mọi cách để khắc phục nhưng cũng chỉ hạn chế được mấy ngày đầu vì địch có nhiều phương tiện để phát hiện sóng của ta phát lên.

        Cuối tháng 10 tháng 1968, Trung đoàn tổ chức một đợt hoạt động tập trung đánh giao thông trên đường 19, đoạn Đồng cầu Xà Guồng.

        Ý định của Trung đoàn là tác chiến cấp Trung đoàn diệt gọn nhiều đoàn xe quân sự của địch. Tuy vậy, địch không hoạt động theo ý định của Trung đoàn. Chúng vận tải nhỏ lẻ mỗi đoàn chi vài chục chiếc, đi cách xa nhau và tổ chức canh phòng, hộ tống rất chặt chẽ. Địch chủ yếu vận chuyển súng đạn, lương thực, thực phẩm, còn xăng dầu thì vận chuyển theo đường ống dẫn từ An Khê đi PLâycu.

        Trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh cấp Đại đội, cấp Tiểu đoàn thiếu, thay nhau đánh liên tục, làm cho địch bị hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ban đêm, trinh sát, công binh tổ chức thành các tổ nhỏ bắn phá đường ống dẫn dầu. Chiến dịch hoạt động kéo dài gần nửa tháng, gây cho địch rất nhiều khó khăn.

        Ta đã bắn cháy, bắn hỏng gần một trăm xe quân sự. Đường ống dẫn dầu bị phá, ban đêm hầu như không hoạt động được. Dầu lênh láng trên mặt sông Ba, làm cá chết, cả tuần trôi trắng sông.

        Để ngăn chặn hoạt động của ta, địch đổ quân về phía sau lùng sục, càn quét vào hậu cứ và tổ chức phục kích các đường vận chuyển tiếp tế.

        Trước tình hình đó, Trung đoàn quyết định điều Tiểu đoàn 2 bí mật quay về phía sau đánh quân đổ bộ càn quét. Các đơn vị vẫn tiếp tục nghi binh hoạt động phía trước. Tiểu đoàn 2 được tăng cường một số đơn vị hỏa lực chia hành hai bộ phận tổ chức bám địch. Gặp địch là tổ chức tập kích, phục kích ngay vì địch còn chủ quan cho rằng lực lượng của ta đang ở phía trước.

        Địch đi càn cũng rất khôn ngoan, di chuyển liên tục. Trinh sát bám được địch về dẫn bộ binh đến nó lại đi rồi. Hai lực lượng của Tiểu đoàn 2 truy tìm ba bốn ngày mà vẫn chưa đánh được trận nào.

        Lực lượng địch chủ yếu là Tiểu đoàn biệt kích Mỹ. Chúng cũng chia nhỏ ra hai ba bộ phận để càn quét và chúng cũng đi rất bí mật, không có máy bay dẫn đường, không có bom pháo dọn bãi.

        Bộ phận Đại đội 3 tăng cường do đồng chí Bảy, Tiểu đoàn trường đi cùng chi huy. Đến ngày thứ tư vẫn chưa gặp địch, tối đến, Đại đội bí mật nghỉ tạm ở một bờ suối nhỏ.

        Khoảng hơn 7 giờ tối, bộ đội nghe tiếng chân người đi rào rào rồi ánh đèn pin lia lia từ trên đồi xuống. Xác định đây đúng là địch rồi, chúng cách mình gần quá. Tiểu đoàn trưởng Bảy cho bộ đội lùi ra xa hơn, tổ chức đào hầm và sẵn sàng chiến đẩu. Còn cán bộ từ Trung đội trưởng, Đại đội, Tiểu đoàn và trinh sát thì nhanh chóng bám địch.

        Lính Mỹ cứ mỗi lần hành quân càn quét, tối đến co cụm để nghỉ. Vì bị ta tập kích nhiều lần khi thì bằng bộ binh, khi thì bằng pháo cối nên bây giờ nó rất ranh mãnh.

        Chập tối nó tổ chức trú quân một nơi, chờ trời tối hẳn lại chuyển sang một địa điểm mới nên trinh sát của ta bám địch rất khó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2017, 11:34:13 pm »


        Đặc điểm của lính Mỹ là tối đến dù nghỉ tạm nó cũng đều đào hầm. Hầm nó đào sâu khoảng 30 phân rồi trải ni lông để nằm. Ba đến bốn đứa một hầm. Hầm đi đại tiện nó cũng đào và trước khi đi đều tổ chức lấp đất hết. Còn lính Việt Nam Cộng hoà ở đâu thì cách vài chục mét đã ngửi thấy mùi phân vì nó đi đại tiện lung tung.

        Anh em trinh sát mò vào, trở ra báo cáo. Đây là một Đại đội biệt kích Mỹ đang tổ chức đào hầm để ngủ lại. Chúng chi đóng gọn trên một quả đồi thấp, toàn cây non, hình yên ngựa nối sang quả đồi bên kia cao hơn. Anh em nhìn rõ có hai khẩu cối 61 li đặt giữa, hầm hố đào sát nhau. Địch dùng bình ắc quy bật sáng lên đào hầm nên ta rất dễ quan sát.

        Sau khi các hướng đi trinh sát về, Tiểu đoàn trưởng Bảy xác định đây là một Đại đội biệt kích Mỹ tăng cường. Ta tổ chức thành ba mũi tập kich. Thời gian nổ súng là mờ sáng. Vì rừng non rậm rạp, khó quan sát nên chờ sáng khi nhìn rõ mục tiêu ta mới nổ súng. Hiệp đồng, sau khi súng bộ binh dứt thì hai khẩu cổi 60 bắn vào trận để bộ đội rút lui an toàn.

        Cối 60 chi đặt cách mục tiêu khoảng 100 mét, ưu tiên mũi chính diện nổ súng trước. Cả ba mũi nhanh chóng hành quân tiền nhập anh em ta bám sát mục tiêu cách địch có mũi chi khoảng 9 đến 10 mét mà địch vẫn không hay biết vì chúng mệt quá nên nằm lăn ra ngủ.

        Mũi chính diện đồng chí Ngọc, Trung đội trưởng mò vào trước chi cách tên lính gác ngồi cạnh gò mối khoảng 5 mét mà nó không biết. Mờ sáng, tên lính gác nhìn thấy Ngọc hốt hoảng, la lên một tiếng, liền bị Ngọc lia một loạt tiểu liên. Nó gục ngay tại chỗ.

        Thế là cả ba mũi anh em ta dùng lựu đạn thủ pháo tung vào và dùng súng AK, hỏa lực bắn cấp tập vào trận địa, chỉ trong nháy mắt cả đại đội địch bị tiêu diệt. Đồng chí Bảy hô nhảy vào lấy súng. Lúc này cối cùa ta ở ngoài bắn vào. Đồng chí Bảy vội hô lui quân.

        Súng cối bắn vào đội hình làm mấy đồng chí bị thương, trong đó có chính trị viên Đại đội bị mất gân gót. Tiểu đoàn trưởng Bảy cõng Chính trị viên Chương chạy gần 1 cây số ra phía sau. Khi bộ đội lui quân, một khẩu đại liên cùa địch ở đồi bên kia yên ngựa bắn sang làm một đồng chí hi sinh.

        Trận đánh kết thúc, ta tiêu diệt gọn một Đại đội biệt kích Mỹ, diệt gần 100 tên, phá hủy toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng, trong đó có hai khẩu cối 61 li. Ta có hai đồng chí hi sinh, 4 đồng chí bị thương, chủ yếu do cối 60 của ta đấm lưng. Anh em ai cũng tiếc nếu không có cối 60 ly đấm lưng thì ta thu toàn bộ vũ khí và có thể sẽ bắt sống được một số tên lính Mỹ bị thương hoặc nằm giả chết.

        Sáng ra, địch cho máy bay đổ quân, lùng sục, chở xác lính Mỹ về căn cứ, thu dọn chiến trường và nó cũng kết thúc đợt càn quét phía sau ta.

        Trung đoàn rút quân về phía sau để học tập chính trị, huấn luyện bổ sung. Cán bộ tiếp tục đi địa hình để chuẩn bị cho mùa khô 1968- 1969.

        Hết chiến dịch về hậu cứ học tập chính trị, nhiệm vụ mùa khô 1968 - 1969, tôi và Quý được cấp trên chuyển Đảng chính thức đúng kì hạn (vào Đảng ngày 11 tháng 2 năm 1968, chính thức 11 tháng 11 năm 1968).

        Ngày 15 tháng 12 năm 1968, cả hai chúng tôi đều được bổ nhiệm chức Trung đội phó và phong quân hàm B bậc phó.

        Được bổ nhiệm làm cán bộ Trung đội nhưng công việc của chúng tôi cũng không thay đổi nhiều. Mỗi khi cỏ công việc quan trọng, thủ trưởng Trung đoàn gợi ý lấy người này hay người kia, Đại đội cứ thế chấp hành, chi trừ trường hợp đặc biệt thì mới có thể thay người khác được.

        Đại đội 16 chúng tôi, cán bộ được đề bạt đi học, chủ yếu lấy ở Trung đội truyền đạt vì chúng tôi có khác gì bộ binh, trinh sát. Ai thế nào, khả năng ra sao chi qua một chiến dịch, qua một đợt công tác là thủ trưởng hiểu được ngay.

        Đầu tháng 12 năm 1968, đơn vị tổ chức một đợt quấy phá trên tuyến đường 19 dài mấy chục cây sổ. Cách đánh của ta là dùng lực lượng công binh, trinh sát, truyền đạt, tổ chức bắn phá đường ống dẫn dầu; dùng cối 82 pháo kích vào các trận địa pháo và căn cứ của địch. Đây là hoạt động châm ngòi mùa khô. Hai Tiểu đoàn bộ binh sẵn sàng chờ địch đổ bộ là tổ chức phục kích, tập kích, làm chúng hoang mang dao động, hạn chế đi càn quét để cán bộ di nghiên cứu trận địa chuẩn bị cho Tết 1968 - 1969.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2017, 11:15:11 pm »


        Tôi lại được đi nghiên cứu địa hình với Chính ủy Nguyễn Hữu Hưu. Lần này khi đi nghiên cứu về tôi trải ni lông nằm ngủ cạnh ông, tự nhiên thấy ông hỏi: “Cậu vào Đảng đã chính thức chưa?” - “Dạ! Đã chính thức hơn một tháng rồi”. Tôi tò mò hỏi: “Thủ trưởng ơi! Tết năm nay ta có chốt ở đèo Măng Giăng nữa không?” - “Có lẽ năm nay ta không chốt ở đó, nhưng ta lại chốt cách khác và nơi khác”. Rồi tự nhiên ông nói: “Tết năm nay cậu không phải đi chốt đâu!”. Tôi thưa lại: “Thủ trưởng đi đâu, ăn Tết ở đâu, thì em sẽ đi cùng thủ trưởng”. Ông cười và chẳng nói thêm điều gì nữa.

        Sau đợt đi địa hình với thủ trưởng, tôi lại được đơn vị cử đi với đoàn cán bộ của Trung đoàn xuống Tiểu đoàn 2 để tổ chức một trận đánh giao thông, vì ta đã chọc tức mãi mà địch vẫn không đổ quân. Ban đêm, chúng tôi đi hẳn trên đường 19. Mấy cây số đường vắng tanh, không có lính tuần, chẳng có xe nào chạy đêm. Sau khi nghiên cứu xong, đoàn cán bộ quay về còn chúng tôi ở lại bám địch để đêm mai bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa không bị địch phục.

        Tiểu đoàn 2 tổ chức một trận đánh cấp Tiểu đoàn, có sự tăng cường hỏa lực của Trung đoàn nhưng cũng chỉ diệt được hơn hơn 10 chiếc xe quân sự vì thủ đoạn của địch khôn ngoan hơn.

        Qua trận đánh của Tiểu đoàn, Trung đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm để tìm ra cách đánh mới. Cùng lúc đó chúng tôi nhận được điện của đơn vị, tôi và Quý về nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi vội cắt rừng đi gần 2 ngày mới về tới Trung đoàn bộ.

        Về tới đơn vị, các thủ trưởng ai cũng tay bắt mặt mừng, chúc mừng rối rít. Tôi chẳng hiểu điều gì cả. Thủ trưởng Như, Chính trị viên Đại đội nói : “Cậu và Quý được cấp ủy Ban Chỉ huy Đại đội nhất trí đề nghị Trung đoàn và cả hai đã được Trung đoàn cho đi học Trường Quân chính B3 đợt này. Lớp đào tạo cán bộ Chính trị viên phó Đại đội”. Tôi và Quý rất vui mừng.

        Biết đi học là xa đơn vị và chưa chắc đã về lại Trung đoàn nên rất nhớ anh em, đồng đội. Nhưng đây là cơ hội thăng tiến của bản thân nên chúng tôi rất phấn khởi. Tôi nhớ lại câu nói của thủ trường Hưu, Chính ủy Trung đoàn khi đi địa hình về ông nói: “Tết này cậu không phải chốt đường 19 đâu”. Như vậy ông đã có ý định cho tôi đi học để phát triển.

        Thời gian rất gấp, chỉ có 2 ngày để làm công tác chuẩn bị, nên toàn bộ giấy tờ sinh hoạt Đảng, lý lịch quân nhân do ban cán bộ và quân lực Trung đoàn chuẩn bị giao cho trường đoàn cầm. Chúng tôi chẳng có gì cầm tay.

        Đoàn cán bộ của Trung đoàn đi học lần này khá đông: 7 học lớp chính trị viên phó Đại đội; 10 người học lớp cán bộ đại đội phó; 13 người học lớp cán bộ Trung đội và 4 cán bộ Đại đội tuổi cao, sức yếu được điều ra Bộ Tư lệnh B3 rồi ra Bẳc vì các anh đã hơn 45 tuổi. Ngoài ra còn phải đưa 10 thương binh nặng ra phía sau. Trong đó có 5 đồng chí phải nằm trên cáng.

        Trung đoàn cho một Đại đội đi để bảo vệ đoàn. Đoàn tổ chức thành hai Đại đội. Đồng chí Hưng, Đại đội trưởng 16 của chúng tôi làm Đại đội trường, đồng chí Trinh, Chính trị viên Đại đội 23 làm Chính trị viên.

        Từ Trung đoàn ra tới đường giao liên nếu đi suôn sẻ phải mất sáu, bảy ngày, cỏ hai chặng phải đi đêm là chặng vượt qua đường 14 và vượt qua sông A Dun. Đoàn phải tự cắt đường bám địch mà đi. Trung đoàn giao cho tôi, Quý và anh Hựu trinh sát cùng đi học với chúng tôi, ba anh em chịu trách nhiệm vừa đi, vừa bám địch, cắt đường dẫn đoàn về phía sau.

        Trước lúc phải rời xa đơn vị, tôi thực sự bùi ngùi xúc động, nhớ anh em, nhớ đồng đội. Nay được các thủ trưởng quan tâm cho đi học để phát triển thành cán bộ, trước lúc ra đi các thủ trưởng đã động viên, tiễn đưa. Thủ trưởng Hưu, Chính ủy Trung đoàn cứ nắm chặt tay tôi nói:

        -  Các cậu đi Trung đoàn cũng tiếc lắm, nhưng không thể giữ mãi được, nay Trung đoàn cho cả ba cậu đi học rồi cố gắng xin về đơn vị công tác.

        Chúng tôi hứa sẽ cố gắng học tập và trước mắt sẽ cắt đường dẫn đoàn ra phía sau an toàn.

        Sáng ngày 22 tháng 12 năm 1968 âm lịch, chúng tôi xuất phát. Cả đoàn vừa đi học, vừa cán bộ, thương binh và một Đại đội hộ tống gần 100 người. Quân số đông nhưng sức chiến đấu không có, nếu gặp địch thì gay lắm. Tuy nhiên số học viên chúng tôi đều được trang bị vũ khí đầy đủ.

        Thật sự may mắn, chúng tôi đã cắt đường vòng tránh đưa đoàn đi ra an toàn. Đến ngày thứ 7 (27 Tết), chúng tôi gặp được đường giao liên Bắc, Nam.

        Anh em mừng lắm. Tới đây được hưởng không khí hòa bình, anh em thoả sức la hét. Có anh liều lĩnh bắn cả loạt AK chào mừng.

        Đi ngược về phía Bắc khoảng hai giờ thì gặp trạm giao liên, chúng tôi đưa giấy giới thiệu của Trung đoàn cho trạm rồi nhận gạo, cá khô, mắm tôm, muối và mì chính. Kho cho chúng tôi thêm một bao gạo nên cả đoàn nấu một bữa cơm ăn thật no để liên hoan chia tay nhau luôn.

        Anh em vận tải và Đại đội bảo vệ nhận gạo quay về. Thương binh chúng tôi bàn giao cho trạm giao liên. Học viên chúng tôi và 4 đồng chí cán bộ hành quân tiếp về Bộ Tư lệnh B3.

        Chiều 30 Tết, tới bờ sông Ya Trăng, chúng tôi quyết định ngày mồng Một Tết nghỉ một ngày đi đánh cá để ăn Tết. Đoạn sông này gần đường giao liên, lính ta đánh đi đánh lại nhiều lần nên không có cá. Chúng tôi đánh 10 quả lựu đạn và thủ pháo mà chi được mấy con cá mương vừa đủ nấu một nồi canh chua lá bứa.

        Sau một ngày ăn Tết, chúng tôi tiếp tục hành quân 4 ngày nữa mới tới trạm khách Bộ Tư lệnh B3. Bốn đồng chí cán bộ ở lại chờ giải quyết chính sách, số đi học được chỉ đường về trường quân chính B3.

        Trường quân chính B3, được gọi là trường sĩ quan cầu Lầy vì có một cái cầu cạnh trường bắc qua một bãi lầy dài 200 - 300 mét

        Thời gian học ờ trường quân chính là 6 tháng nhưng cả đi lẫn về và có hai tháng lao động sản xuất nên tính từ ngày nhập trường đến lúc ra trường phải đến 9 tháng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2017, 10:17:26 pm »


PHẦN III

NIỀM VUI, NỖI BUỒN

 
TRƯỜNG QUÂN CHÍNH B3 VÀ MỘT TRẬN BOM OAN NGHIỆT

        Đầu tháng 2 năm 1969, đoàn học viên Trung đoàn 95 của chúng tôi đến trường Quân chính B3.

        Trường Quân chính B3 là trường đào tạo tổng hợp đa ngành, nhiều loại hình đào tạo. Các lớp học được tổ chức thành từng Đại đội, biên chế đầy đủ súng đạn như một đơn vị bộ binh, sẵn sàng tác chiến ở những khu vực được phân công.

        Trường có hai lớp cán bộ Tiểu đoàn, hai lớp Đại đội và bốn lớp Trung đội. Một Tiểu đoàn văn hóa dành riêng cho cán bộ dân tộc Tây Nguyên. Một Tiểu đoàn đào tạo y sỹ và bác sỹ. Có một Đại đội học đài trưởng và báo vụ. Thời gian đào tạo tùy thuộc vào khoa, có loại 6 tháng, có loại 2 năm như lớp bác sỹ.

        Chúng tôi nhập trường từ tháng 2 mà mãi tới cuối tháng 4 mới khai giảng vì phải tham gia trồng sắn hai tháng. Ở đơn vị chúng tôi thiếu thổn đủ thứ, gạo không có ăn, quần áo 4 năm chưa hề được bổ sung. Chúng tôi cứ tưởng ra tới trường sẽ được bổ sung nhưng, tới đây mới thấy cái khó của nhà trường.

        Học viên mỗi ngày một lạng gạo cộng với 6 lạng sắn khô. Quần áo không có bổ sung. Các đơn vị hầu hết ở phía ngoài, quần áo có bổ sung nên họ mặc lành lặn hơn. Riêng lính Trung đoàn 95 chúng tôi ra đây trông thật xấu hổ, đứa nào quần áo cũng rách phải vá chàng vá đụp đủ màu.

        Tôi và Thụ quê Thanh Hóa quen nhau từ thời ở Trung đoàn, giờ hai đứa chung một Tiểu đội. Chúng tôi bàn nhau cắt một thân võng (võng có 2 thân để nằm và đắp) may quần mặc. Thụ nói:

        - Tớ ở nhà, gia đình làm thợ may, tớ biết cắt.

        Thụ lấy lưỡi lam cắt, còn tôi đi tìm bao cát, tháo ra làm chi để may. May xong, mặc quần vào, trông chẳng giống ai. Vì không có nên đành mặc vừa tây vừa ta vậy.

        Những ngày lao động trồng sắn, cứ sáng ra tới rẫy là nhặt củi, đốt một đống lửa thật to rồi đi tìm mót sán sót thà vào đống lửa để ăn cả ngày nên cái bụng khi nào cũng no.

        Bắt đầu vào học, thì cái đói lại hành hạ. Mỗi học viên, một ngày chi có một lạng gạo và sáu lạng sán khô. Rồi hạ dần xuống 5 lạng và cuối cùng là 3 lạng sắn khô. sắn khô của các lớp học trước, họ thu hoạch, chặt thành miếng phơi ra bãi cỏ, hai ba ngày mới đem về. sắn dính dày một lớp đất đỏ. Có những miếng sắn cũng đỏ như đất. sắn khô được đem về chất vào kho, cho các lớp khóa sau ăn. Trước khi ăn, anh nuôi bỏ vào bao tải ngâm dưới suối hai ba ngày cho nhả hết đất và sắn mềm ra mới nấu ăn được.

        Thời điểm này, toàn miền Nam quân và dân ta đang rất khó khăn, nhất là lương thực, thực phẩm và súng đạn vì địch đã phong tỏa một cách quyết liệt. Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vỹ tuyến 20 trở ra để tập trung bom đạn ngăn chặn tuyến hành lang tiếp tế của ta, gây cho ta nhiều khó khăn.

        Tây Nguyên là địa bàn thuận lợi mà hàng hóa vẫn không vào được. Các đơn vị chủ lực Tây Nguyên gạo cũng không đủ ăn, đạn dược không đủ để đánh, sắn khoai cũng cạn kiệt.

        Một ngày cuối tháng 5 năm 1969, chúng tôi được nhà trường phổ biến, quán triệt nhiệm vụ. Trường sẽ chuyển ra phía Bắc Tây Nguyên, chúng tôi ai cũng đoán trường sẽ chuyển ra tỉnh Kon Tum.

        Công tác tổ chức hết sức khẩn trương, từ khi phổ biến đến khi hành quân chỉ có hai ngày. Tất cả trang bị, vũ khí đều tập trung gửi vào kho. Mỗi tiểu đội chi mang theo vài khẩu súng để bảo vệ. Nhà trường phổ biến, ra đó sẽ được bổ sung, trang bị lại, tất cả súng đạn để lại đây đỡ công vận chuyển vào.

        Thế là cuộc hành quân bắt đầu. Chúng tôi đi bốn ngày liên tục, đến một khu rừng của tỉnh Kon Tum thì dừng lại nghe phổ biến nhiệm vụ. Chúng tôi đều nghĩ trường sẽ đóng quân tại đây. Thế nhưng không phải vậy!

        Nhiệm vụ của trường là nhanh chóng hành quân ra Bắc tiếp tục học tập để quay về chiến trường nhận nhiệm vụ. Hiện nay chiến trường Tây Nguyên đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm và đạn dược.

        Niềm vui thật bất ngờ. Đêm đó không ai ngủ được. Chúng tôi hầu hết đã vào chiến trường bốn, năm năm rồi. Không có tin tức và không ai nhận được một lá thư gia đình, nay ra Bắc có vui sướng nào bằng.

        Đại đội chọn sáu người khỏe nhất lên hiệu bộ nhận nhiệm vụ. Tôi nằm trong số đó. Chúng tôi được giao nhiệm vụ khiêng đồng chí Chính ủy nhà trường Đặng Hồng Thanh. Chính uỷ Thanh bị bom đánh sập hầm nên bị dãn dây chằng cột sống. Ở trường, khi lên lớp ông chỉ đứng được thời gian ngắn rồi phải ngồi trên võng lên lớp.

        Chúng tôi vừa khiêng cáng ông vừa bảo vệ ông. Mấy anh em chúng tôi đi tự do, ăn nghỉ trong trạm giao liên nhưng vẫn bám theo đoàn. Hằng ngày chúng tôi thay nhau khiêng khoảng ba, bốn giờ. Đoạn nào đường bằng, dễ đi thì ông tự đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2017, 09:08:41 am »


        Cuối năm 1965, chúng tôi hành quân vào Nam cũng đi trên đường Trường Sơn. Nay đi ra, trạm đã ngắn hơn, đường ít dốc hơn, mang vác nhẹ lại có động cơ ra Bắc nên đoàn chúng tôi liên tục vượt trạm.

        Một hôm, đang đi trên đất Nam Lào, bộ phận chúng tôi đi trước nghi được 10 phút thì đoàn của trường vừa đến. Đồng chí Thanh giục chúng tôi: “Ta tranh thủ đi, để anh em đến đây nghỉ 10 phút”. Chúng tôi đi được khoảng 10 phút thì một chiếc máy bay B57 bay qua cắt một loạt bom trúng giữa đội hình bộ đội đang nghi.

        Nghe bom nổ, biết là bom đã nổ trúng đội hình đơn vị, Chính uỷ Thanh nói:

        - Các cậu vác cáng quay trở lại trợ giúp đơn vị ngay! Anh em trúng bom rồi!

        Chúng tôi chạy quay lại, thấy anh em người hi sinh, người bị thương nằm la liệt. Anh em đang băng bó cho nhau. Mấy đồng chí cán bộ khung bị hi sinh, trong đó có anh Tư, Chính trị viên Đại đội quê Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An.

        Tôi thấy ông Cam, Chủ nhiệm Chính trị của trường bị bom cắt cụt một chân sát đầu gối đang được anh em ga rô. Tôi và anh Liêu quê Hưng Phú, Hưng Nguyên xốc ông Cam lên võng chạy thẳng về trạm giao liên để cấp cứu. Đoàn y sỹ, bác sỹ của trường tổ chức cấp cứu đến gần sáng mới hết số người bị thương. Có 17 đồng chí hi sinh tại chỗ, hai, ba đồng chí nữa về trạm phẫu, do vết thương quá nặng nên cũng đã hi sinh.

        Cuộc chiến qua đi đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn nhớ khuôn mặt anh Tư người cao to, râu quai nón, hay nói tếu, lúc nào cũng vui cười thoải mái. Đầu năm 1967, khi tôi được bổ sung về C16, Trung đoàn 95, anh Tư là Trung đội trưởng của tôi. Sau đó anh đi học và được giữ lại trường làm cán bộ khung. Ngày tôi ra học gặp anh, hai anh em mừng lắm. Anh thường xuống chỗ tôi chơi, anh xem tôi như một đứa em. Anh Tư đã có vợ nhưng chưa có con. Ở chiến trường nhiều năm chiếu đấu ác liệt kẻ thù không giết nổi, thế mà nay được ra Bắc chi mấy ngày nữa là anh được gặp người vợ sau nhiều năm xa cách. Vậy mà anh lại hi sinh, thật đau lòng!

        Trạm cuối cùng vượt vỹ tuyến 17, sang địa phận an toàn. Tối hôm đó, trong trạm giao liên, chúng tôi chuyện trò đến gần sáng mà chẳng ai muốn ngủ. Sáng ra, chúng tôi hành quân liên tục hai tiếng đồng hồ không nghỉ. Đồng chí giao liên nói: “Các anh cố gắng vượt qua đồi bên kia nghỉ thoải mái, đó là đất miền Bắc an toàn rồi”.

        Chúng tôi khiêng đồng chí Chính ủy đi thật nhanh, chẳng thấy mệt. Đến một đỉnh đồi cao, đồng chí giao liên nói: “Ở đây an toàn rồi, các đồng chí nghỉ thoải mái”.

        Chúng tôi đứng trên đồi phóng tầm mắt nhìn xuống xa hàng chục cây số, thấy có núi đồi, sông ngòi, làng mạc, đường sá của các huyện thuộc tinh Quảng Trị. Anh em muốn reo lên: “Miền Bắc đây rồi!”. Suốt gần 5 năm ở núi rừng Tây Nguyên có bao giờ tầm mắt của chúng tôi được nhìn xa như vậy.

        Tuy nhìn thấy đất trời miền Bắc rồi nhưng còn phải đi mấy ngày nữa mới tới làng Ho, Cự Nẫm, Quảng Bình. Ra tới Cự Nẫm được trạm thông báo: Từ đây ra Bắc các đồng chí hành quân bằng cơ giới nhưng xe có hạn nên đoàn phải đi nhiều lần. Tuy miền Bắc ngừng bắn nhưng tất cả xe quân sự đều chạy ban đêm.

        Chúng tôi và chính ủy Thanh được ưu tiên đi trước làm tiền trạm. Đoàn chúng tôi đi trên những chiếc xe Zin, xe Gát chở hàng.

        Xe chạy đèn gầm và đi theo đường chiến lược. Đường xấu nhiều ổ gà, ổ voi nên cứ lắc lư, lúc lên, lúc xuống. Nếu không giữ chặt thành xe thì có người sẽ bị rơi xuống đường. Chúng tôi rất khâm phục các anh lái xe. Đường xấu, đèn gầm chỉ phát ra ánh sáng bằng cái đèn pin và khoảng sáng chi được khoảng 10 mét về phía trước thế mà họ chạy hàng trăm chuyến an toàn.

        Đến các trạm, tôi thấy băng rôn, khẩu hiệu nhiệt liệt chào đón đoàn cán bộ Tây Nguyên ra Bắc nhận nhiệm vụ. Chính ủy Thanh nói khẩu hiệu họ đón đoàn ta đấy. Từ Quảng Bình ra tới ngoài Bắc các trạm đều tổ chức đón đoàn chúng tôi hết sức long trọng. Trạm nào cũng có phim, văn công biểu diễn chiêu đãi.

        Khi đoàn đến trạm Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh, dừng nghỉ, chờ xà lan chở ra Vinh. Chính ủy Thanh gọi tôi và Liêu quê ở Hưng Phủ lên gặp. Ông bảo:

        - Hai cậu có thể theo giao liên đi trước về thăm nhà vài ngày, sau đó ra trạm Hưng Lộc thành phố Vinh đón đoàn.

        - Cảm ơn thủ trưởng chờ bữa nào ra Vinh bọn em về cũng được.

        Thực ra, từ đây về nhà, tôi chẳng biết đi đường nào và quần áo thì rách, trông nhếch nhác lắm. Sau hai ngày nghỉ tại Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh xà lan chở chúng tôi về trạm Hưng Lộc thành phố Vinh.

        Về tới trạm, mới hơn 10 giờ tối, chính ủy Thanh lại gợi ý:

        - Hai cậu quê Hưng Nguyên có về thăm nhà thì về vài ngày rồi tới, vì đoàn có thể ba bốn ngày nữa mới tới hết. Các cậu ra đây sẽ gặp đoàn.

        Tôi trả lời:


        - Chờ sáng mai bọn em sẽ về luôn, bây giờ trời tối bọn em chẳng biết đi đường nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2017, 10:31:14 pm »


VỀ THĂM NHÀ VÀ TRỞ THÀNH SỸ QUAN CHÍNH TRỊ

        Sáng ra, Chính ủy Thanh thấy quần tôi có hai miếng vá to ở hai đầu gối. Ông nói như ra lệnh:

        - Hợi! Lấy quần mình mà mặc, bọn mình ở đây mai sẽ nhận quân trang.

        Không thể từ chối, tôi lấy quần Chính ủy mặc, còn cái ba lô rách, che được mành vá của cái áo. Tôi lấy chéo dù hoa quấn chặt chiếc ba lô rồi chào thủ trưởng và anh em ra về.

        Thủ trưởng Thanh là người lớn tuổi nên ông hiểu nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ, nỗi khát khao nhớ con khi đi xa. Nên khi về tới Đức Thọ, Hà Tinh là ông đã giục và cho chúng tôi tranh thủ về thăm nhà. Còn tụi trẻ chúng tôi quá vô tư, suy nghĩ còn đơn giản, về sớm về muộn không quan họng miễn là được về. Hơn nữa quần áo rách nát quá, tôi hy vọng tới các trạm sẽ được phát bổ sung để khi về nhà trông cho tươm tất một chút.

        Tôi và Liêu hỏi đường đi Vinh qua hướng dẫn của chủ nhà. Chúng tôi đi một lúc thì ra đường chính, gặp nhiều người đi buôn cá. Họ gánh cá từ Cửa Hội lên chợ Vinh. Chúng tôi theo họ về tới Vinh.

        Cách đây 5 năm, trước khi chúng tôi ra đi, thành phố Vinh còn nguyên vẹn, các đường phố, nhà cửa san sát nay thành phố Vinh không còn một cái nhà nào nguyên vẹn, dân cư thưa thớt. Chỉ lác đác đôi nhà về dựng lều buôn bán nhỏ. Các cơ quan của tỉnh chưa có cơ quan nào về. Những điểm lớn để ai đi xa cũng nhớ về như Cửa hàng bách hóa, Ngã tư Nhà thờ, cầu Rầm... nay đã trờ thành những đống gạch vụn.

        Đến ngã tư Vinh thì hai anh em chia tay nhau, Liêu về cầu Cửa Tiền đi Hưng Phú, còn tôi bám theo đường 49 về nhà.

        Xa quê, xa gia đình gần 5 năm rồi, không hề nhận được một lá thư nhà, quê mình lại là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, không hiểu tình hình gia đình thế nào? Có lẽ gia đình tôi nghĩ rằng liệu tôi có còn sống để được ra Bắc.

        Tôi đang miên man suy nghĩ thì đã đến gần cầu Đước. Tôi thấy anh Trợ con dượng Duyệt đang quảy tùng teng một đầu cưa một đầu đục. Anh đi làm thợ mộc về. Tôi mừng quá gọi to:

        - Anh Trợ, anh Trợ!

        Hai anh em gặp nhau vô cùng xúc động. Tôi hỏi dồn dập về tình hình gia đình quê hương. Qua anh Trợ nói, tôi rất mừng vì đã giải tỏa được tâm lý lo lắng suy nghĩ bấy lâu nay, rồi hai anh em lại chia tay. Về tới xí nghiệp 22/12, tôi thấy ông Trần Ba đi bán rau muống về. Tôi chạy lại hỏi ông Ba:

        - Ông có biết con không?

        - Thằng Hợi à? Sao mày ra được đây, làng ta có đứa nào được ra nữa không?

        Thế rồi hai ông cháu vừa đi vừa kể chuyện, về tới Đội Nhà Hời, ông Ba nói:

        - Có lẽ cha mày đang đi cày ở đây, để tao xem ông cày ở ruộng nào.

        Vì cày tập thể nên rất đông người có khi một ruộng hai ba người cày, rồi ông chi tay:

        - Cha mày cày ruộng kia kìa.

        Ông Ba dẫn tôi đi thẳng đến thửa ruộng cha tôi và hai người nữa đang cày. Đến sát bờ ruộng, ông Ba gọi to:

        - Ông ơi con về đây này!

        Cha tôi dừng trâu lại đứng chôn chân như Từ Hải, cuống cuồng hỏi:

        - Đứa nào đó thằng Danh hay thằng Hợi?

        Tôi sung sướng trả lời:

        - Con đây! Thằng Hợi đây cha ạ!

        Cha tôi giữ trâu đứng im ở giữa ruộng chẳng nói được câu gì. Ông xúc động vì bất ngờ quá. Tôi về có lẽ như trên trời rơi xuống. Gia đình đã hơn 4 năm không hề biết tin tức gì về tôi. Nay tôi đột nhiên xuất hiện ai mà ngờ tới. Tay cha cứ giữ cái cày và ghì chặt dây thừng cho trâu đứng lại. Vì cày ruộng nước bùn nên tôi cũng không ra để ôm lấy cha. Tôi nói với cha:

        - Cha cứ cày đi! Con về nhà đây.

        Cha tôi bảo:

        - Con về đi! Bà, mẹ và các em ở nhà cả đấy.

        Bao nhiêu năm xa cách hai cha con bây giờ mới gặp nhau. Tôi mừng khôn xiết.

        Ngoài đồng, dân đi làm đông nhưng không ai phát hiện được tôi, vì quần áo của tôi ăn mặc chẳng giống ai. Ba lô thì quấn chặt chéo dù hoa, quần thì vải ka ki màu nâu đã cũ, chiếc mũ tai bèo xung quanh rách xơ cũ kỹ. Vì hồi đó chân dung của người bộ đội là quần áo Tô Châu, giày, mũ sao gạch đàng hoàng, dáng đi oai vệ, còn tôi thì khác hoàn toàn.

        Tôi về tới nhà. Bước vào ngõ, thấy bà nội đang ôm nắm củi tre, mẹ thì đang hái rau ngoài vườn, tôi mừng quá reo to:

        - Bà nội ơi! Mẹ ơi! Con đã về đây.

        Cả bà và mẹ tôi hấp tấp chạy tới. Bà quăng luôn nắm củi tre toàn gai góc ra giữa đường, mẹ thì quăng luôn cả nắm rau. Cả bà và mẹ ôm lấy tôi, mẹ mừng quá, khóc òa lên rồi hỏi liên tục:

        - Làm sao con ra được đây? Con có khỏe không? Con bị thương à? Bị ở đâu? Chắc bị thương nặng rồi họ cho ra phải không?...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2017, 11:23:35 am »


        Tôi không thể trả lời kịp vì mẹ cứ hỏi liên tục:

        - Con khỏe mạnh, không bị gì hết.

        Nhà tôi ở đầu làng, nên chi một lát sau, người làng đi làm đồng về, rồi người trong làng đến hỏi thăm chật nhà. Mọi người, ai cũng muốn đến nhìn mặt và hỏi chuyện.

        Xã tôi có tới hơn 10 người đi B dài cùng ngày, cùng Sư đoàn vào Nam, cuối năm 1965. Làng tôi có 7 người, tôi là người đầu tiên của làng đi B dài được ra Bắc nên ai cũng muốn đến để hỏi về người thân của mình. Tôi về tới nhà vào khoảng 10 giờ sáng mà mãi gần 2 giờ chiều người làng cứ thay nhau đến. Mẹ đã nấu cơm, mà tôi chẳng làm sao ăn được. Khi bà ngoại vào hỏi:

        - Cháu đã ăn uống gì chưa?

        - Cháu chẳng thấy đói.

        Thế là bà ngoại tôi la lên:

        - Bà con thông cảm để cháu nó ăn cơm, đã từ sáng đến giờ nó đã được ăn gì đâu.

        Thực ra do mừng quá nên cả nhà quên ăn mà chẳng biết đói. Bà ngoại nhìn tôi, bà sờ khắp người tôi xem tôi có bị thương ở đâu không. Rồi bà hỏi:

        - Cậu Chinh con đâu? Cậu có khỏe và có được về không?

        Hai cậu cháu tôi ở cùng một Sư đoàn và đi B cùng ngày, cậu ở Trung đoàn 18. Trung đoàn 18 đi thẳng xuống Phú Yên, Khánh Hòa nên hai cậu cháu tôi mất liên lạc từ đầu năm 1966.

        Mẹ tôi kể lại mấy năm chiến tranh phá hoại, bom Mỹ đánh xuống xóm ta mấy lần. ông ngoại con bị bom chết. Cậu Thìn thì bị mảnh vào đầu nay bị chấn thương sọ não, sống dở chết dở. Cha con nằm ở giường bom bi nổ ngay trên nhà may có cái chạn ở phía trên không thì nay cũng chẳng còn nữa.

        Có ai sống trong hoàn cảnh đó mới biết sự khao khát tình cảm của những người ở nhà và người đi xa. Làng tôi nhà nào cũng có con đi bộ đội, có hơn chục người đi B dài, biệt vô âm tín.

        Cùng đơn vị với tôi còn có Trường, Tiềm, anh Sử, anh Trinh, cậu Chinh. Nay tôi thật là trúng số độc đắc mới được ra Bắc. Trong xã, trong huyện còn có mấy chục người cùng đơn vị với tôi.

        Tin tôi được ra Bắc lan nhanh, chi có hai ngày ở nhà mà tôi liên tục tiếp khách, chẳng khi nào ngớt. Có nhiều người ở tận Hưng Thông, Hưng Đạo, cũng đến hỏi thăm tin tức về người thân của mình. Họ có hiểu đâu, chiến trường thì rộng và anh em chúng tôi khi vào chiến trường, xé lẻ bổ sung cho nhiều dơn vị. Tuy thế, tôi biết ở xã Hưng Đạo có ba người đã hi sinh nhưng không dám nói.

        Chiều hôm sau, tôi tranh thủ đi một vòng quanh làng, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu với cây đa, giếng nước, sân đình. Mới xa quê 5 năm mà làng tôi đã đổi thay nhiều quá, vết tích chiến tranh để lại quá nhiều. Nhiều cây cối bị bom Mỹ chặt đứt, chưa lên lại.

        Dấu vết nhà ông bà ngoại tôi bị bom đánh cháy trụi. Ông ngoại tôi trúng mảnh chết, bà ngoại và mấy mẹ con mợ Chinh chuyển đi nơi khác ở. Đất vườn bỏ hoang, cỏ mọc kín cả nền nhà, trông thật thảm thương.

        Sáng ngày thứ ba, chúng tôi xuống nhập trạm ờ Hưng Lộc. Thủ trưởng Thanh đã được ô tô chở ra Hà Nội trước. Tới trạm, tôi gặp đoàn của đơn vị cũng vừa tới. Chúng tôi được nhận quân tư trang như một tân binh. Tối hôm đỏ, đoàn lên tàu ra Thường Tín, Hà Đông thì dừng lại mấy ngày để làm công tác tổ chức.

        Tại đây, chúng tôi được các đồng chí trong Bộ Tham mưu, cán bộ Tổng cục Chính trị tới nói chuyện, động viên. Anh em chúng tôi đề nghị được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các đồng chí cán bộ Tổng cục trả lời:

        - Bác Hồ và Đại tướng bận lắm không xuống thăm và chúc mừng các đồng chí được nên đề nghị đoàn cử hai người lên gặp Bác Hồ rồi về kể lại cho cả đoàn.

        Nhà trường cử đồng chí Hiệu trường và Anh hùng AKa Pơ Lơn người dân tộc Tây Nguyên lên gặp Bác Hồ.

        Hiệu trường và Anh hùng AKa Pơ Lơn đi gặp Bác Hồ về kể lại, họ chi được gặp Bác khoảng 5 phút tại nhà riêng. Bác gửi lời chúc sức khỏe cả đoàn. Bác gầy và yếu lắm. Không ai ngờ, đúng hai tháng sau Bác ra đi. Chính lúc Anh hùng AKa PơLơn đến gặp, Bác đã mệt lắm rồi.

        Cũng tại đây, khung nhà trường giữ nguyên, học viên được về các trường sỹ quan của miền Bắc để học. Lớp cán bộ Đại đội phó về Trường sỹ quan Lục quân ở Sơn Tây. Chúng tôi, lớp cán bộ Chính trị về Học viện Chính trị tại Vĩnh Phúc.

        Học viện Chính trị có ba hệ. Hệ đào tạo cán bộ cấp cao thì ở Quần Ngựa Hà Nội. Lớp đào tạo trung cấp và sơ cấp thì thì về xã Liên Mạc, Yên Lãng, Vĩnh Phúc. Trường sơ tán học viên ở nhà dân.

        Chúng tôi được an dưỡng một tháng và đi phép 15 ngày, mãi tới ngày 8 tháng 9 năm 1969 lớp học mới khai giảng. Thời gian học là một năm.

        Tuy trường sơ tán, học viên ở nhà dân nhưng việc học tập rèn luyện hết sức nghiêm túc, quân phong, quân kỷ, điều lệnh nội vụ được duy trì chặt chẽ. Học viên, ai cũng cố găng nỗ lực học tập rèn luyện và tự giác tu dưỡng.

        Nhân dân ở đây rất tốt. Họ biết chúng tôi là những học viên trẻ, những sỹ quan tương lai. Hơn nữa hầu hết học viên đều từ các chiến trường về, học xong lại vào chiến trường nên nhân dân tôn trọng và yêu mến. Họ tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi ăn ờ học tập và rèn luyện. Kết thúc khóa học, tôi được nhà trường xếp loại Khá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2017, 04:21:01 am »

     
PHẦN IV

TRUNG ĐOÀN 271 MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

        
CUỘC HÀNH QUÂN VỀ ĐÔNG NAM BỘ

        Ngày 5 tháng 9 năm 1970, nhà trường làm lễ bế giảng lớp đào tạo cán bộ chính trị sơ cấp khóa 13 Học viện Chính trị. Học viên được bổ sung đi toàn quân.

        Chúng tôi có 5 anh em được bổ sung về Quân khu 4. Tôi mừng lắm, bao nhiêu năm xa quê, nay được bổ sung về đây nhận nhiệm vụ, cỏ điều kiện gần nhà, ai mà không vui, không sướng.

        Sau mấy ngày chờ đợi tại trạm khách ở Nam Anh, Nam Đàn. Ngày 18 tháng 9 năm 1970, tôi, anh Căn, anh Dung được bổ sung về Trung đoàn 271. Anh Canh về Đoàn 22. Anh Hóa về Trung đoàn công binh.

        Anh Căn quê ở Nam Thượng, Nam Đàn được bổ nhiệm làm chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 8. Anh Dung quê ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên được bổ nhiệm làm chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 7. Còn tôi được bổ nhiệm làm chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 8.

        Về trung đoàn 271, chúng tôi được Chính ủy Trung đoàn gặp động viên, giao nhiệm vụ. Đồng chí nói:

        - Từ trước đến nay Trung đoàn 271 là Trung đoàn bộ binh hỗn hợp vừa có các Tiểu đoàn bộ binh, vừa có các

        Tiểu đoàn pháo mặt đất và phòng không lại còn đảm nhiệm mấy hòn đảo như: Hòn Ngư, Hòn Mê, Đảo Mắt. Vừa chiến đấu vừa xây dựng các công trình quốc phòng trên địa bàn quân khu 4. Nay Trung đoàn tách ra thành lập một Trung đoàn bộ binh cơ động, một Trung đoàn pháo còn các đảo bàn giao lại cho các tỉnh quản lý.

        Tiểu đoàn 8 mới được thành lập, Trung đoàn điều động cán bộ từ Tiểu đội trưởng đến Tiểu đoàn, từ khắp các đơn vị và một số đi học về như chúng tôi. Binh sỹ, nhập ngũ ngày 20 tháng 8 năm 1970, quê ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Anh Sơn, Đô Lương... từ Đoàn huấn luyện 22 bổ sung về.

        Ban Chỉ huy Đại đội 1 của tôi có anh Chi quê ở Đô Lương, sinh năm 1938, nhập ngũ năm 1960 làm Đại đội trưởng. Anh Thăng quê ở Thanh Hóa, sinh năm 1942, nhập ngũ năm 1963. Anh Xuyên quê ờ Thanh Hóa, sinh năm 1940, nhập ngũ năm 1963. Trong Ban Chỉ huy tôi là người trẻ nhất cả về tuổi đời và tuổi quân. Ba đồng chí trung đội trưởng đều nhập ngũ năm 1965 nhưng tuổi đều hơn tôi.

        Tiểu đoàn 8 đóng quân ở xã Nghi Phong, Nghi Lộc, vừa làm công tác tổ chức vừa sẵn sàng cơ động chiến đấu.

        Vào những ngày cuối năm 1970, đầu năm 1971, địch có ý định mở Chiến dịch Đường Chín-Nam Lào (Lam Sơn 719). Nhưng chúng lại nghi binh là đổ bộ quân ở bờ biển Nghệ An. Đoạn từ Cửa Hội đến Diễn Châu.

        Chúng tôi liên tục được thông báo, địch liên tiếp dùng biệt kích người nhái xâm nhập bắt liên lạc với các phần tử xấu trong đồng bào công giáo. Thậm chí người nhái vào bắt cóc xã đội phó Nghi Tiến, Nghi Lộc.

        Bà con giáo dân bị kẻ xấu xúi giục, tổ chức nhiều cuộc họp tuyên truyền kích động bất hợp pháp. Các đơn vị của Trung đoàn liên tục cơ động diễn tập trên địa bàn hai huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Các điểm cao như đồi 200, đền Cuông, Truông sắt, Thần Vũ đều được các đơn vị Tiểu đoàn 8 chốt giữ.

        Các phương án và các đơn vị tham gia diễn tập, đánh quân đổ bộ đường biển của địch, có rất nhiều đơn vị tham gia, cả bộ binh, pháo binh, xe tăng, các đơn vị của Quân khu và Sư đoàn bộ binh 308.

        Địch cho rằng ta đang tập trung lực lượng lớn, quân số và phương tiện kỹ thuật ở Nghệ An, nên chúng lại tập trung lực lượng lớn mở chiến dịch Lam Sơn 719, đánh sâu lên Đường Chín - Nam Lào.

        Ta biết trước âm mưu của địch nên đã chuẩn bị một lực lượng lớn mai phục sẵn chờ địch đến đâu bị tiêu diệt ngay đến đó. Các đơn vị cơ động như Sư đoàn 308, từ Nghệ An đã hành quân bằng cơ giới vào chiến đấu ngay.

        Trung đoàn 271 được vào làm nhiệm vụ tiếp nhận, dẫn giải tù binh và mở đường.

        Chiến dịch Lam Sơn 719, địch bị thất bại nặng nề chưa từng có. Hàng ngàn tên bị tiêu diệt và bắt sống trong đó có Đại tá Thọ. Theo thú nhận của địch hơn 50% quân số tham gia chiến dịch đã bị quân giải phóng tiêu diệt và bắt sống.

        Tháng 3 năm 1971, đơn vị tham gia mở đường thắng lợi. Trung đoàn 271 được giao nhiệm vụ mở một tuyến đường cơ giới phía đông Trường Sơn đoạn từ Mo đến ngã ba Cam Lộ (phía Nam sông Bến Hải), chiều dài khoảng 60 km.

        Làm đường ở đây cũng vô cùng gian khổ, ác liệt. Con đường quanh co, đi theo bình độ của dãy núi đông Trường Sơn, tây Quảng Trị. Đứng ở đây nhìn rõ cao điểm 544 và tới tận các huyện đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Trị.

        Bộ đội đào đất, phá đá hàng mấy tháng trời bằàng thủ công. Cây cối được giữ nguyên không chặt nên địch không phát hiện được. Mặt đường rộng 6m, những đoạn cua bán kính phải 15 mét, để xe kéo pháo lớn có thể đi được an toàn. Khi con đường sắp hoàn thành mới cho bộ đội chặt cây to nên con đường đã lộ rõ nguyên hình từ Bắc vào Nam và đây cũng là những ngày ác liệt nhất.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM