Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:10:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2017, 06:33:13 am »


        Trận địa 12,7 ly anh em làm rất công phu và chu đáo. Hầm hào có cành cây ngụy trang cẩn thận, hệ thống giao thông hào được liên kết với các khẩu đội. Chúng tôi là lính thông tin nhìn trận địa pháo, thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn xem. Phía trước trận địa có các tổ cảnh giới.

        Gần 8 giờ sáng, tôi quay thử máy thấy dây không đứt, không chập, nhưng không liên lạc được. Tôi và anh Tịnh nói với nhau, có lẽ có một múi nối nào đó ta quấn nhựa không tốt, chạm đất bị nhiễm, cần lần theo đường dây, kiểm tra các múi nối và thừ từng đoạn.

        Đây là những trường hợp trục trặc kỹ thuật, chúng tôi đã được huấn luyện và biết cách xử lý. Hai anh em chúng tôi lần theo đường dây đi qua trận địa 12,7 ly thì gặp một múi nối ngay giữa con suối cạn. Chúng tôi đang mắc máy vào để thử thì thấy một đoàn cán bộ của Trung đoàn 95, khoảng bảy, tám người đang lần theo đường dây của chúng tôi để đi xuống Sở Chi huy Trung đoàn.

        Họ hỏi: “Các cậu có phải thông tin Sư đoàn không?” - “Đúng rồi! Chúng tôi là thông tin Sư đoàn đây. Dây hỏng, chúng tôi đang đi chữa” - “Từ đây tới Sở Chỉ huy Trung đoàn 95 bao xa nữa?” - “Còn một cây số nữa, các anh chờ chúng tôi với, chúng ta cùng đi” - “Các đồng chí còn chữa dây, chúng tôi đi trước thôi”. Tôi nói: “Các anh cứ theo đường dây này mà đi sẽ đến ngay hầm chi huy Trung đoàn 95”.

        Mấy đồng chí đi trước, vừa bước lên khỏi suối cạn vài bước, bị địch bắn xối xả. Tất cả chúng tôi nằm rạp xuống bờ suối để tránh đạn.

        Tôi đoán địch đã cắt đường dây điện rồi chập một múi xuống đất để đường dây không liên lạc được. Lính thông tin đi sửa sẽ bắt sống. Một lực lượng địch lần theo đường dây để đánh vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 95. Đoàn cán bộ và chúng tôi chạy về trận địa 12,7 ly để tránh đạn.

        Tôi quay máy báo về Sư đoàn, địch đã tổ chức phục kích ngay trên đường dây đoạn từ tiểu đoàn 12,7 ly đến Sở Chi huy Trung đoàn 95. Như vậy, địch đã ờ phía sau Sờ Chi huy Trung đoàn 95. Trong khi đó, các tiểu đoàn bộ binh đều nằm ở phía trước. Tôi đang cầm máy báo về Sở Chi huy Sư đoàn thì hai tổ cảnh giới của Tiểu đoàn 12,7 ly nổ súng giòn giã. Tiếng súng ta, súng địch, pháo cối nổ liên hồi. Tiếng súng bộ binh ngớt là hàng loạt pháo cối của địch giã vào trận địa, đất đá bị cày xới, cây cối gãy ngổn ngang, khói đạn mù mịt, cay xè.

        Ngớt tiếng pháo cối, anh em 12,71y nói, một toán lính đột nhập từ hướng Đông vào, ta phát hiện nổ súng diệt được mấy tên. Một lính Mỹ da đen bị bắn chết chỉ cách hầm tổ cảnh giới khoảng 10 mét.

        Vì gần ta quá, địch tổ chức bắn pháo cối kiềm chế để lấy xác nhưng không được. Thằng chết còn nằm sình ra đó. Vì tò mò, tôi và một số người nữa lần ra tận nơi để xem lính Mỹ nó thế nào, nghe nói nhiều nhưng nay mới thấy. Tên lính to cao, thân xác còn nguyên vẹn, da đen sì. Có anh còn lật lên, lật xuống để xem cho kỹ. Sau đó, tôi nghe súng, pháo từ phía Trung đoàn 95 vọng về dữ dội.

        Sau này, chúng tôi được biết địch có hai Tiểu đoàn. Một Đại đội đi về phía hậu phương của ta, gặp phải lực lượng cảnh giới của đơn vị 12,7 ly, còn hai Tiểu đoàn thiếu, tập trung đánh vào Trung đoàn 95. Cả ba Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 95 đều nổ súng. Đặc biệt, Trung đoàn bộ tất cả đều cầm súng tấn công địch. Địch dùng hai Đại đội đánh từ phía sau vào Sở Chỉ huy Trung đoàn. Còn một Tiểu đoàn đánh chính diện gặp phải Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đang nằm chờ. Trung đoàn điều Tiểu đoàn 3, vận động trong làn đạn và pháo cối, đánh vu hồi để bảo vệ Trung đoàn bộ.

        Cuộc chiến đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ, anh em ta vừa đánh, vừa đào công sự để chống phàn kích và tránh phi pháo địch. Hai trận địa pháo 105 ly, từ căn cứ Đức Vinh bắn như vãi đạn vào trận địa ta. Hàng chục phản lực và trực thăng vừa thả bom, bấn sốc két, đạn 20 ly, vừa đổ quân thêm và đưa lính chết, bị thương về. Anh em Tiểu đoàn 3 bị thương vong khá lớn vì đánh vận động không có công sự.

        Khu vực trạm giữa và trận địa 12,7 ly, bộ binh địch không tấn công nữa mà chốt lại đó, ngăn chặn lực lượng ta tấn công. Pháo bắn như vãi lúa vào trận địa 12,7 ly. Máy bay đánh bom, bắn rốc két, bắn đạn 20 ly, trận địa 12,7 ly đã bị bom đạn cày xới.

        Trận địa bị lộ, địch tập trung hỏa lực đánh phá nhằm hủy diệt, hầm hào bị tróc gần hết. Có một vài khẩu 12 7 ly bị trúng đạn pháo, anh em hi sinh, pháo bị dập nát. Chúng tôi phải nằm sát dãy hào để tránh mảnh đạn pháo và đạn 20 ly. Đoạn hào cạnh tôi ngồi khoảng 5 mét, một quả pháo 105 ly, rơi đúng giữa hào, làm 3 đồng chí mình bay xác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2017, 06:34:39 am »


        Ngớt pháo, Chính trị viên Đại đội động viên anh em cố đào bới, tìm kiếm nhưng cũng chi tìm, nhặt được mấy đùm thịt. Người được cái này, người được cái kia. Chúng tôi gói ni lông lại rồi chôn cất anh em ngay cạnh đó.

        Hết đạt pháo rồi lại đến máy bay các loại thay nhau đánh phá. Máy bay C130 bắn đạn 20 ly, hai nòng đỏ lừ như một luồng lửa cứ xả xối vào trận địa, vào các chiên hào không nắp. Đạn cứ phầm phập cắm vào bờ hào. Các khẩu pháo của ta không hề nổ được một phát đạn nào.

        Địch càng đánh, trận địa càng lộ rõ, chúng lại đánh tiếp. Tôi nghe một đồng chí cán bộ Tiểu đoàn xuống động viên cán bộ và chiến sỹ quyết tâm bám trận địa, đề phòng địch dùng máy bay trực thăng đổ bộ để lấy pháo của ta. Tôi nói với anh Tịnh: “Ta chuyển dây máy xuống suối cạn, ờ đây không ổn. Ở suối cạn, hai bên có vực cao lại có nhiều hốc, nó bắn bên này, ta tránh bên kia. Chứ ở đây, hầm hào bị hỏng hết rồi, còn gì nữa đâu”. Hai anh em chuyển dây, máy xuống suối cạn, anh Tịnh nói vói tôi: “Ở đây, nếu bom, pháo rơi trúng đầu thì mới chết, còn đạn 20 ly và rốc két thì nó bắn bên này, ta tránh bên kia”.

        Chúng tôi ngồi dưới suối cạn nghe tiếng pháo, tiếng máy bay, tiếng các loại bom đạn nổ xé tai suốt cả tiếng đồng hồ. Tiếng máy bay trực thăng, từng đàn 5 đến 7 chiếc bay sát ngọn cây. Địch tưởng trận địa 12,7 ly của ta đã bị hủy diệt, mất sức chiến đấu. Chúng dùng trực thăng đổ bộ và cẩu pháo của ta, nhưng đã bị các tay súng bộ binh của ta đánh trả quyết liệt. Một số khẩu 12,7 ly, phía ngoài chân bị hỏng đã hạ nòng chuẩn bị bắn bộ binh.

        Tôi truyền lệnh của Sư đoàn tới đồng chí Tiểu đoàn trưởng: “Sư đoàn ra lệnh các đồng chí xốc lại lực lượng cho nổ súng, bắn máy bay để bảo vệ trận địa và chia lửa cho Trung đoàn 95”. Địch bị bất ngờ, anh em 12,7 ly đã bắn rơi một máy bay trực thăng loại HU1A và sau đó là một chiếc AD6.

        Sau khi hai chiếc bị bắn rơi, máy bay tản ra, gọi pháo bắn vào trận địa. Như vậy từ 8 giờ sáng tới khoảng hơn 2 giờ chiều, Sư đoàn không chỉ huy Trung đoàn 95 bằng máy hữu tuyến được. Mọi chỉ thị mệnh lệnh của Sư đoàn xuống Trung đoàn đều dùng máy 15W và truyền đạt.

        Tiểu đội truyền đạt của chúng tôi do đồng chí Âu đảm nhiệm, đưa công văn từ Sư đoàn xuống Trung đoàn 95, nhiều lần tổ chức đi nhưng không tới được đều bị địch phục kích ở phía sau Trung đoàn 95, đồng chí Âu đã bị hi sinh.

        Sư đoàn chi thị phải khôi phục bằng được đường dây hữu tuyến vì liên lạc máy 15W cũng gặp khó khăn, pháo địch bắn đứt hết dây ăng ten. Tiểu đoàn đưa đồng chí Điều đại đội phó và ba bốn chiến sỹ nữa xuống gặp tôi và anh Tịnh bàn cách khắc phục đường dây. Tôi nói:

        - Đường dây của ta đi qua bãi trống bây giờ đã có một đơn vị địch nằm ngay trên đường dây ta không thể khắc phục được.

        Thủ trưởng Điều nói:

        - Ta đánh địch mà đi, nhất định phải nối lại đường dây. Tôi đề nghị:

        - Nếu thủ trưởng nói vậy thì tất cả chúng ta cùng đi.

        Tất cả chỉ có 7 người, hai khẩu súng AK, hai khẩu súng CKC, còn lại mỗi người cầm hai quả lựu đạn. Thủ trưởng Điều nói:

        - Tất cả phải phục tùng mệnh lệnh của tôi.

        Chúng tôi triển khai đội hình đi qua trận địa 12,7 ly. Đồng chí đi trước mới ngóc đầu lên khỏi bờ suối, địch đã bắn xối xả, vừa đạn AR15, vừa đạn M79. May mà có con suối cạn không thì chúng tôi chết hết. Thủ trưởng Điều thất vọng nói:

        - Bây giờ phải làm thế nào đây.

        Tôi nói đề nghị thủ trưởng dùng khoảng 2 km dây điện dự trữ ở Sở Chi huy Sư đoàn, mắc một đường vòng, lợi dụng bìa rừng bên phải may ra có thể tới được Sở Chi huy Trung đoàn 95. Ý kiến đề nghị của tôi được thủ trưởng nhất trí, cho triển khai ngay. Được anh em phía dưới mang dây lên, chúng tôi tổ chức rải một đường dây.

        Tôi và anh Tịnh chịu trách nhiệm rải dây. Thủ trưởng Điều và một số anh em đi hộ tống, bảo vệ. Anh em bảo vệ toàn lính vô tuyến, chẳng biết gì đánh đấm, may không gặp địch. Chúng tôi đi dọc theo bìa rừng vừa đi, vừa rải dây.

        Khoảng hơn 5 giờ chiều, thì chúng tôi tìm được Sở Chi huy Trung đoàn 95. Tôi và anh Tịnh ở lại trực máy. Thủ trưởng Điều và anh em thì lần theo đường dây về phía sau. Đường dây thông suốt từ Sở Chỉ huy Sư đoàn tới Sở Chỉ huy Trung đoàn 95.

        Sau gần 10 giờ mất liên lạc, tôi và anh Tịnh được ngồi ngay trong hầm chỉ huy Trung đoàn. Tôi nói với thủ trưởng Trung đoàn: "Đường dây chúng tôi rải đi qua trận địa, thấy một số anh em mình hi sinh còn nằm đó, chưa ai chôn cất. Nếu có lực lượng đi làm công tác tử sỹ thủ trường cứ bảo họ bám theo đường dây mà đi sẽ thấy ngay. Số từ sỹ này là của Tiểu đoàn 3 đánh vận động để bảo vệ phía sau của Sở Chỉ huy Trung đoàn bộ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2017, 06:35:22 am »


        Tôi ngồi bên máy, cạnh Trung đoàn trường nghe các đơn vị báo về để Trung đoàn tổng hợp, báo cáo về Sư đoàn và nghe các chi thị của Sư đoàn xuống Trung đoàn. Trung đoàn trưởng liên tục cầm máy điện thoại, lúc dạ, lúc vâng, lúc quát tháo, nét mặt lúc vui, lúc buồn. Gần 12 giờ đêm, vẫn chưa nắm hết được tình hình các đơn vị, nhất là công tác chôn cất, tìm kiếm liệt sỹ.   

        Từ chiều qua tới giờ chưa có tý gì vào bụng, có nắm gạo rang mang theo mà chẳng muốn ăn. Căng thẳng quá, tôi ngồi dựa lưng vào hầm tranh thủ lúc ngủ, lúc thức.

        Đồng chí Trung đoàn trưởng trao đổi với đồng chí Chính ủy, theo các đơn vị báo cáo về, cả ngày các đơn vị đã diệt được hơn 100 tên lính Mỹ, bắn rơi một máy bay trực thăng. Hiện nay địch đã lùi ra xa cách ta chừng 1 km. Chúng chờ có thể sáng mai tăng thêm quân để tấn công tiếp hoặc có thể gọi trực thăng tới để chở về vì đơn vị này cũng đã bị tổn thất rất lớn.

        Lính Mỹ dựa vào phi pháo nên thường hoạt động vào ban ngày, ban đêm co cụm nghỉ ngơi.

        Quân ta bị thương vong quá lớn, một số đơn vị mất sức chiến đấu. Thương vong, chủ yếu là do phi pháo, (sau này chúng tôi được các đồng chí cán bộ tiết lộ ta hi sinh khoảng 150 người và bị thương hàng trăm người). Đồng chí Chính ủy cầm máy điện thoại gọi các đơn vị, động viên cố gắng tìm kiếm số anh em mất tích, hi sinh do bom pháo, chôn cất anh em chu đáo, đưa thương binh nặng ra phía sau. Động viên anh em bị thương nhẹ ở lại tiếp tục chiến đấu. Mọi hành động tuyệt đối giữ bí mật. Nếu để địch phát hiện sẽ gọi pháo bắn, gây cho ta nhiều khó khăn.

        Suốt ngày không hề ngớt tiếng bom đạn, tiếng máy bay các loại. Ẩy thế mà, khoảng từ 6 giờ chiều trở đi không hề nghe một tiếng súng. Cả một rừng cây xanh tốt, nay xơ xác. Có những cây to bị pháo, bom xé tung ra đang cháy như những bó đuốc. Có cây bốc cháy như một cột lừa cao 9 đến 10 mét, tiếng nổ cứ lách tách như ở gần lò rang ngô.

        Tôi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đang ngủ, tôi thấy Trung đoàn trưởng thúc vào người: “Cậu dậy cầm máy nhận lệnh”. Tôi hốt hoảng cầm máy đưa lên tai nghe. Tiếng đồng chí Đạm trung đội trường nói: “Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 95 rút quân ra phía sau. Đồng chí và đồng chí Tịnh hai người cuốn dây về trạm giữa, ở dưới này sẽ có lực lượng cuốn dây lên, chú ý phải cuốn hết dây, không được bỏ sót một đoạn nào”.

        Lính thông tin chúng tôi bao giờ cùng đi trước về sau. Đơn vị rút hết rồi, chúng tôi mới được cuốn dây. Anh Tịnh nói với tôi: “Bây giờ chi có hai anh em ta mà hai đường dây, súng thì chi có một khẩu AK. Đường trục chính buổi chiều địch còn đứng chân trên đó, bây giờ đã rút hay chưa thì không ai biết. Nhưng theo Trung đoàn 95 nói thì địch đã rút hết. Đường tránh có 1,5 km, tuy an toàn nhưng đi qua nhiều tử sỹ”. Tôi trả lời: “Tôi mang súng để tôi cuốn đường trục chính, tôi không sợ địch đâu. Còn đường vòng thì anh thu, hẹn gặp nhau ở trạm giữa, vì máy và đồ đoàn ta còn để ở đó”.

        Thực tình, đi qua nhiều tử sỹ tôi sợ lắm, may mà anh Tịnh đồng ý ngay. Đường ngoài rủi ro nhiều lắm, nếu gặp địch thì sẽ bị chết ngay vì mình vừa đi, vừa cuốn dây. Lúc ấy chúng tôi chẳng biết sợ chết là gì, chi sợ không hoàn thành nhiệm vụ thôi.

        Khoảng gần 2 giờ sáng, chúng tôi được lệnh thu dây. Các đom vị của Trung đoàn 95 rút đi đường nào chúng tôi không hề biết. Hai anh em chúng tôi mỗi người một đường dây bắt đầu cuộn. Đường dây tôi đảm nhiệm cả ngày bị đánh phá đứt ra nhiều đoạn, có chỗ bị cây to hoặc cả bụi cây đổ phải dùng răng cắn đứt chứ không thể luồn qua được, chỉ một kilômét nếu suôn sẽ, chúng tôi chi cuốn khoảng 20 phút là xong, ấy thế mà tôi đã lần mò hàng tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong.

        Đến gần bờ suối, bên kia là trận địa 12,7 ly, gần trạm giữa của chúng tôi, một bụi le bị bom đánh đổ, cả bụi đè lên đường dây. Tôi dùng răng cắn đứt đoạn dây còn lại, thì nghe tiếng chân đạp lên những bụi le gần đó. Tôi tưởng địch nên cố giấu mình để nghe ngóng. Tôi nghe tiếng nói nhỏ: “Ta đi đúng đường rồi, đây là đường dây điện của thông tin Sư đoàn mắc hôm qua nay chưa thu lại đây này, nhưng bây giờ cây đổ không tìm ra dây nữa”. Nghe vậy tôi đoán chắc đây là lính Trung đoàn 95. Tôi sợ anh em bắn nhầm nên lợi dụng gốc cây né tránh.

        Tôi lên tiếng: “Các anh ở đơn vị nào, tôi là lính thông tin đây”. Một đồng chí nói ngay: “Chúng tôi là lính 95 đây”. Gặp nhau, chúng tôi mừng lắm. Có đồng chí hỏi: “Đồng chí có biết đường về Sư đoàn không”. Tôi nói: “Có! Nhưng bây giờ trời tối đen như mực, cây cối đổ ngổn ngang, các anh chờ tôi thu dây rồi ta cùng đi”. Các đồng chí ấy nói: “Chúng tôi sẽ đi cùng đồng chí”. Tôi vừa đi, vừa cuốn dây, vượt qua bãi cây đổ, đi qua trận địa 12,7 ly.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2017, 08:37:25 pm »


        Khi đến trạm giữa, số anh em cuốn dây phía sau lên đến đây họ đã quay về từ bao giờ nên đường về Sư đoàn tôi cũng chịu thôi. Hơn nữa tôi chưa gặp anh Tịnh và đồ đoàn của chúng tôi còn giấu chưa tìm được vì trời tối quá. Tôi liền nghĩ cách, tôi nói với đồng chí cán bộ của Trung đoàn 95:

        - Bây giờ đường dây không còn để mà bám về Sư đoàn, trời cũng sắp sáng rồi. Từ đây về Sư đoàn cũng gần, anh cho bộ đội nghỉ lại đây, sáng mai đi, chứ tối thế này biết đâu mà tìm. Hơn nữa đây là con suối cạn, hai bên bờ cao và dốc, cả ngày bom pháo vậy mà chúng tôi vẫn an toàn. Anh cho người gác về phía trận địa 12,7 ly, có hầm hào cẩn thận là được, sáng ra tôi sẽ dẫn các anh đi.

        Đồng chí cán bộ nghe vậy cũng thấy có lý vì bộ đội thì đã quá mệt mỏi và cảm thấy an toàn nên đồng chí ấy đồng ý ngay.

        Thực tình, nếu tôi ở lại một mình thì cũng sợ vì cả ngày anh em thương binh, tử sỹ của Tiểu đoàn pháo đều khâm liệm và chôn cất ngay bên cạnh bờ suối. Anh em tranh thủ nghỉ. Hỏi chuyện tôi mới biết các anh ở 15W của Trung đoàn 95 phải thu dây máy nên đi chậm không bám được đơn vị, may mà có một Trung đội bộ binh cả ngày bảo vệ đi cùng không thì gay lắm.

        Sau khi tổ chức cảnh giới xong, bộ đội dựa lưng vào vách suối lăn ra ngủ. Trời hửng sáng, tôi và anh Trung đội trưởng thông tin đi lượn một vòng, hình dung và nhận dạng lại khu vực này. Tôi nói: “Hôm qua, bộ đội hành quân khi gặp con suối phải đi xuôi khoảng 100 mét rồi mới đi lên, bây giờ đi ngược 100 mét chắc là tìm ra đường đi lên”.

        Hai anh em tôi đi ngược đúng khoảng gần 100 mét thì thấy múi đường bộ đội ta hành quân, rộng có đến hơn một mét. Tôi nói với đồng chí cán bộ Trung đoàn 95, từ đây về Sư đoàn chi 5 km thôi, đường an toàn anh cho bộ đội đi, tôi không phải dẫn nữa. Tôi quay lại tìm máy, tư trang và để tìm anh Tịnh theo điểm hẹn.

        Quay lại điểm hẹn, tôi gặp ngay anh Tịnh. Anh nói:

        - Mình đến đây từ đêm không thấy cậu. Mình sợ pháo bắn nên đứng vào lỗ sâu cây săng lẻ.

        Tôi và Tịnh thu gom tư trang rồi cùng đoàn lính của Trung đoàn 95 hành quân về phía sau.

        Chúng tôi về gần Sở Chi huy Sư đoàn thì thấy anh Sử. Anh chạy ra gọi lớn:

        - Hợi ơi! Tao tưởng mày đã chết, có ai ngờ mày còn sống, cả ngày bom pháo ác liệt quá.

        Chúng tôi hành quân về hậu cứ nghi ngơi, rút kinh nghiệm. Tôi nhớ hồi tháng ba, trận A sầu. Tôi cũng ngồi ở trạm giữa cũng phục vụ đường dây thông tin từ Sư đoàn xuống Trung đoàn 95, nhưng chi nghe tiếng máy bay gầm rú và nghe tiếng đề pa pháo của ta còn phía trước đánh đấm thế nào tôi không hay biết. Sau đó tôi được đi làm công tác tử sỹ thì mới thấy anh em ta hi sinh nhiều quá.

        Lần này thì thật khủng khiếp. Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt với lính bộ binh Mỹ, thấy được một tên lính Mỹ chết. Thấy hàng chục chiếc máy bay trực thăng bay một lần giống như đàn chuồn chuồn, bay thấp báo hiệu sắp có mưa. Thấy máy bay C130, AD6 bay thấp tự do bắn phá, thấy hàng chục khẩu pháo 105 của địch bắn hàng tiếng đồng hồ vào trận địa, vào chính nơi mình ngồi.

        Cả một khu rừng rộng lớn bị tan hoang, đâu cũng có dấu hố bom, hố pháo. Ban đêm, cây cháy như một rừng lửa. Có những cây cao chín, mười mét, lừa cháy từ trên ngọn xuống giống như một cây nến khổng lồ. Có cây lửa cháy xám từ ngoài vào trong, từ gốc tới ngọn giống như một thanh thép đỏ rực từ lò nung ra được dựng đứng lên trời.

        Tôi còn thấy được sự chịu đựng hi sinh chiến đấu của bộ đội .ta, dù ác liệt mấy cũng bám trận địa đến cùng. Cái giá phải trả quá đắt. Đồng chí Trung đoàn phó, đồng chí Tham mưu trường Trung đoàn 95 đã anh dũng hi sinh và hơn một trăm chiến sỹ đã ngã xuống.

        Tuổi trẻ thật vô tư và kiên cường. Thương vong như vậy nhưng không ai có tư tường lùi về phía sau và không hề biết sợ hãi. Cứ sau một trận đánh về rút kinh nghiệm, nghi ngơi ít ngày, bổ sung quân số, trang bị rồi lại tiếp tục cho trận chiến đấu tiếp theo.

        Những ngày ở đây, các đơn vị thay nhau hoạt động nhỏ lẻ, phục kích, tập kích, pháo kích gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải co cụm vào các căn cứ.

        Đang giữa mùa mưa, khí hậu ẩm thấp lại mới vào chiến trường bộ đội, bị sốt rét nhiều các đơn vị chi bảo đảm được 50% quân số khỏe là cao, thậm chí có đơn vị còn mất sức chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2017, 08:38:44 pm »


ĐÁNH CĂN CỨ ĐỨC VINH

        Ngày 9 tháng 8 năm 1966, đơn vị tôi lại được đi phục vụ trận đánh căn cứ Đức Vinh do Trung đoàn 88 đảm nhiệm.

        Đức Vinh là một bản đông dân, nhưng Mỹ Ngụy đã dồn dân đi nơi khác để dễ bề quản lý, tạo nên một vùng trống khiến ta khó tiếp cận vùng sâu của chúng.

        Mỗi khi địch càn sâu vào hậu phương ta, chúng dùng Đức Vinh làm căn cứ điểm tựa, đặt Sở Chi huy, đặt trận địa pháo để chi viện cho bộ binh.

        Lần này do ta hoạt động mạnh, để bảo vệ từ xa, địch cho một tiểu đoàn lính Mỹ đóng chốt, có hầm hào, dây thép gai tương đối kiên cố và có hệ thống hỏa lực chi viện lẫn nhau khi bị tấn công.

        Khu vực này rộng, địch đóng phân tán thành nhiều cụm, có trước, có sau thành thế chân kiềng để chi viện lẫn nhau. Nhưng khi anh em trinh sát của ta vào nghiên cứu thì chỉ phát hiện được một số điểm địch đóng dã ngoại. Hầm hố sơ sài, hàng rào đơn giản giống như để trẻ trâu bò và người qua lại. Nhưng khi đánh vào thì hoàn toàn khác.

        Bị tấn công, địch nhanh chóng lùi vào tuyến hai có hệ thống hầm hào kiên cố chống cự. Hệ thống vật cản có ba bốn lớp hàng rào thép gai, các loại mìn sáng và mìn sát thương.

        Sở Chỉ huy Sư đoàn tới Sở Chi huy Trung đoàn 88 khá xa, khoảng 8 km. Cả trung đội tôi dồn sức mới đủ phục vụ đường dây này vì quân số ốm, sốt rét nhiều quá. Rút kinh nghiệm trận đánh Đi na mô, đường dây lần này chúng tôi đặt hai trạm giữa và có hai đồng chí trực máy tại Sở Chi huy Trung đoàn. Chúng tôi rải dây theo đường hành quân của Trung đoàn 88. Khoảng 21 giờ, chúng tôi rải xong tới Sở Chỉ huy. Tôi và anh Quế tiểu đội phó phụ trách trạm giữa thứ 2 cách Sở Chỉ huy Trung đoàn 88 chừng 2 km.

        Đây là ứận đánh tập kích, quân địch dã ngoại có hầm hào và vật cản sơ sài. Ý định của ta là đánh nhanh, rút nhanh, giải quyết gọn trong đêm, rút quân trước lúc trời sáng. Trạm giữa của chúng tôi đặt ở một khu rừng bằng, phía dưới toàn cỏ le cao ngang thắt lưng, lác đác có những cây khộp cao to.

        Chúng tôi lợi dụng một gốc cây to và một hổ pháo cũ to bằng hố trâu đằm, sâu khoảng 60 phân làm hầm, vì đất toàn sỏi và rễ cỏ le nên không đào được hầm. Tìm được chỗ như thế này coi như quá lý tưởng. Tôi trải ni lông nằm khoanh dưới hố, còn anh Quế thì ngồi cạnh miệng hố trực máy, hai chân anh xỏ vào bụng tôi để đỡ muỗi cắn. Khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe Trung đoàn 88 báo cáo về Sư đoàn các đơn vị đã chiếm lĩnh xong trận địa, sẵn sàng chờ lệnh.

        Sư đoàn chỉ thị các đơn vị bám sát mục tiêu chuẩn bị tấn công.

        Ba giờ sáng, các đơn vị bộ binh đồng loạt nổ súng. Một mũi bộ đội ta thọc được vào trung tâm. Còn hai mũi địch bỏ tuyến ngoài lùi về tuyến hai chống cự quyết liệt. Vấp phải vật cản hàng rào, mìn và các loại hỏa lực của địch, bộ đội ta không thể tấn công lên được.

        Địch gọi máy bay C130 lên thả pháo sáng và cùng với các trận địa pháo bắn vào trận địa ta hết sức dữ dội, đồng thời cho pháo bắn ngăn chặn đường rút lui của ta. Đường hành quân cùa bộ đội đi trên bãi cỏ, nhất là những đoạn cỏ xấu làm cho đường rộng đến hàng mét, pháo sáng cứ liên tục, trời sáng như ban ngày.

        Qua điện cùa Trung đoàn 88 báo về, chúng tôi biết Trung đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể dứt điểm mục tiêu theo dự kiến được vì yếu tố bất ngờ không còn nữa. Các hướng tấn công của ta đã bị địch đánh bật ra ngoài. Địch lợi dụng hầm hào và vật cản, dùng các loại hỏa lực như cối 81, M79 bắn ra như vãi đạn, gây cho ta nhiều thương vong.

        Anh Quế đang cầm máy trên tay nói chuyện với anh Trung đội phó ở Sở Chi huy Sư đoàn. Tôi nghe một tiếng pháo nổ như sét đánh ngay trên đầu. Mảnh đạn bay vù vù, cành, lá cây rơi rào rào. Dưới ánh đèn pháo sáng, tôi thấy anh Quế bị một mảnh đạn chặt đứt đầu chi còn lại từ lỗ mũi trở xuống mà người cứ ngồi yên. Máy điện thoại thì rơi xuống người tôi vì hai chân anh xốc vào bụng tôi ghì chặt nên anh chưa đổ xuống. Tôi hốt hoàng, cầm máy gọi về anh Thuận. Tôi nói trong nước mắt:

        - Anh Thuận ơi! Anh Quế... Bị pháo bắn... hi sinh rồi.

        - Nó vừa nói chuyện với tao mà!

        - Anh có nghe... nghe tiếng pháo vừa mới nổ không? Pháo bắn trúng chỗ tôi và anh Quế. Anh Quế... bị rồi! Đề nghị anh cho người lên với tôi và đưa anh Quế về.

        Anh Thuận lúc này mới tin và nói:

        - Cậu cứ yên tâm tôi sẽ xử lý. Để báo về phía sau xin lực lượng chứ giờ đây chưa có người lên cho cậu được đâu.

        Tôi thật sự hốt hoảng chỉ có hai anh em ở giữa rừng, nay anh Quế hi sinh rồi. Tôi nhìn lên sợ quá, máu me loang đỏ, chi nhìn thấy hai cái lỗ mũi. Tôi trấn tĩnh, đỡ anh Quế nằm xuống và kéo dịch anh vào cạnh gốc cây. Tôi lại nằm vào đáy hố, mặc cho máu nhầy nhụa, loét nhoét. Để bớt sợ hãi tôi cầm máy gọi về anh Thuận. Anh Thuận liên tục gọi động viên tôi:

        - Cứ ở đó tôi sẽ cho người lên ngay.

        Tôi nghĩ: “Tại sao lại có một quả pháo rơi vào đây? Địch đã bắn hàng trăm quả pháo đều bay chéo chéo, vượt qua đầu nổ về phía Trung đoàn 88 và từ đó cho đến sáng duy nhất chi có một quả pháo rơi nổ ở đây. Nếu anh Quế nằm dưới hố như tôi thì chắc không chết, vì anh ngồi trên miệng hố nên mới bị mảnh phạt ngang đầu”.

        Thấy mùi máu, từng đàn kiến đen mò đến. Loại kiến đen to gần bằng con mối nó cắn đau vô cùng. Những con vật bị thương như con mang, con lợn mà gặp phải loại kiến này, có thể bị kiến vây chặt và cắn chết ngay. Kiến đi thành đàn, có hàng vạn con, tôi phải né về một bên để tránh.

        Gần sáng, Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 88 rút quân nhưng cắt rừng đi đường khác, không đi theo đường cũ, sợ địch bắn chặn. Đơn vị tôi được lệnh thu dây. Anh Thuận bảo:

        - Cậu ngồi đó anh em dưới này cuốn dây lên và phía trên cuốn xuống, sẽ tổ chức đưa anh Quế về dưới này.

        Một lát sau anh em phía trên, phía dưới đều cuộn dây về tới đây, trong đó có anh Thuận. Anh Thuận nhìn anh Quế rồi nói: “Các cậu tìm xem cái đầu anh Quế nằm ở đâu, có lẽ còn nằm đâu đây”. Chúng tôi tìm mà chẳng thấy vì nó có lẽ đã bị nát bét bay vào cỏ, trời lại còn tối. Tìm mãi không được chúng tôi đành đùm gói và thay nhau khiêng anh Quế về Sở Chỉ huy Sư đoàn chôn cất.

        Trận đánh kết thúc, thắng thua chúng tôi cũng chẳng biết thế nào, nhưng đây là trận đánh chưa dứt điểm, chưa làm chủ được trận địa. Bộ đội ta không có hầm trú ẩn lại nằm trong tầm phi pháo nên thương vong rất lớn.

        Lính thông tin chúng tôi trong trận này vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo thông tin liên lạc từ đầu tới cuối.

        Anh Quế đã hi sinh. Mộ anh nằm ở giữa rừng đại ngàn. Tôi cũng chẳng hình dung ra được vùng đó nay thuộc huyện nào của tỉnh Gia Lai. Vì sau đó, chúng tôi lại tiếp tục đi và không còn hoạt động ở khu vực này nữa. Có thể hài cốt anh đã hóa thành đất đá. Có ai biết chôn anh nơi đâu mà đưa về nghĩa trang liệt sỹ. Trung đoàn 88 có hơn 100 chiến sỹ hi sinh không lấy được xác.

        Từ tháng 3 cho đến tháng 9 năm 1966, cả ba trận đánh lớn của Sư đoàn, tôi đều được tham gia và đều được phân công đặt trạm giữa. Đây là nơi khó khăn nhất của người lính đường dây. Nhưng cả ba trận, tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2017, 09:42:40 pm »


LẠI TIẾP NHỮNG NGÀY SỐT RÉT

        Đầu tháng 10 năm 1966, tôi lại bị sốt rét lần thứ hai. Như vậy những người khỏe mạnh nhất đơn vị đều lần lượt bị căn bệnh sốt rét quật ngã. Người nào khỏe thì lại bị nặng.

        Mỗi buổi sáng, Đại đội hô dậy tập thể dục nhưng chẳng có mấy ai dậy được. Có dậy cũng chỉ đứng dựa vào võng thôi. Mỗi ngày, mỗi người lên 1 đến 2 cơn sốt. Khi nóng thì mồ hôi nhễ nhại khắp cả người, nhiệt độ lên 40 đến 41 độ. Khi rét thì như xé trong thớ thịt, trong bụng ra, đắp hai ba cái chăn mà vẫn thấy rét, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, phải nhờ đồng đội đè lên người vẫn cứ thấy rét. Tuy khỏe mạnh nhưng chỉ vài cơn sốt là da vàng như nghệ, thân hình tiều tụy, đi không vững nữa.

        Thời điểm này còn mùa mưa, quần áo giặt chẳng biết phơi vào đâu, lại bị mồ hôi nhớt nên người hôi như chuột trù. Nhiều đồng chí có chấy rận, phải cắt trọc. Quần áo phải đem luộc cho chết chấy rận.

        Ăn toàn gạo hôi bì và mắm tôm, thiếu chất. Có một số đồng chí bị phù thũng mặt sưng to, chân như chân voi. Các đồng chí quân y phải vào bản đem gạo đổi lấy cám và rang lên cho bộ đội ăn.

        Ngày ba bữa, cứ nhìn thấy cơm và mùi mắm tôm là buồn nôn rồi. Gạo này nấu cháo thì nghe mùi mốc và mùi bì còn nặng hơn. Ngửi thấy mùi cháo là phát khiếp luôn. Trạm xá Sư đoàn, thuốc sốt rét cũng chẳng đủ, số thuốc anh em quân y và vận tải mang vào, chi có mấy viên Ni va quyn và mấy viên B1 nên bệnh nhân đưa lên trạm xá Sư đoàn tử vong cao hơn để tại đơn vị.

        Hồi đó Căm Pu Chia còn nghèo lắm, hậu cần của ta chỉ mua được gạo, cá khô, mắm tôm và một số thuốc kháng sinh, còn thuốc sốt rét họ không có. Ngày nào tôi cũng được cán bộ đến thăm hỏi động viên như Chính trị viên Hương, Đại đội trưởng Sáu, Trung đội trường Đạm.

        Chính trị viên Hương lấy lược dày chải đầu cho tôi nói: “Cậu để tớ chải kiểm tra, nếu có chay thì phải cắt trọc”. Rất may là tôi không có chấy.

        Cơn sốt rét lên rất đúng quy luật, ngày hôm nay nó lên cơn vào giờ nào thì ngày hôm sau cũng như vậy.

        Để chống lại căn bệnh sốt rét, Sư đoàn phát động từng cá nhân, từng đơn vị phải tự tập thể dục, rèn luyện, đi lấy gạo, lấy củi, chơi tu lơ khơ, cờ tướng. Từng người biết được giờ cao điểm của mình lên cơn sốt thì phải tham gia mọi hoạt động để cơn sốt qua đi, phá vỡ quy luật của nó. Nếu nhiều người cùng chuẩn bị lên cơn sốt thì tổ chức thành một tốp chống gậy đi rèn luyện. Biện pháp này có hiệu nghiệm nên các đơn vị anh em cứ tự chống gậy dìu nhau đi. Những người khỏe hơn thì kết hợp đi lấy gạo cũng chi mang 9 đến 10kg.

        Trong đoàn người đi rèn luyện của đơn vị kết hợp đi lấy gạo có anh Hoàng quê ở xã Hưng Đông cùng đi với anh Tiềm cùng xóm tôi. về gần đơn vị Hoàng ngồi lại đỉnh dốc nói với Tiềm:

        - Cậu về trước tớ nghỉ một tý về sau.

        Vì chi qua con suối là tới đơn vị nên Tiềm đồng ý về trước. Hoàng tựa lưng vào ba lô gạo ngồi nghỉ và anh tắt thở khi nào không ai biết. Khi đoàn cán bộ cùa Sư đoàn cũng đi rèn về, thấy Hoàng ngồi tựa lưng vào ba lô. Một người cất tiếng hỏi:

        - Cậu ở đơn vị nào?

        Hỏi mấy lần không thấy Hoàng trả lời, lấy tay sờ vào không thấy nhúc nhích, thì ra Hoàng đã tát thở. Họ kêu toáng lên. Mọi người đơn vị chạy tới mới nhận ra Hoàng. Tiềm ân hận vô cùng. Tiềm mới về được 10 phút chứ đã lâu la gì đâu.

        Đơn vị để Hoàng nằm đó, anh em Hưng Nguyên chúng tôi túc trực bên Hoàng suốt đêm và sáng hôm sau chôn cất cạnh đường đi, bên sườn núi.

        Như vậy trong tháng 10, đoàn Hưng Nguyên đã có 2 người ra đi. Anh Thung ở xã Hưng Đạo đi địa hình bị địch phục kích bắn chết, ba bốn ngày sau mới lấy được xác, nay anh Hoàng ở Hưng Đông chết vì sốt rét.

        Giừa tháng 11 năm 1966, đơn vị nhận nhiệm vụ mới hành quân di chuyển đi hoạt động ở chiến trường khác. Nhận nhiệm vụ, đơn vị khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, xổc lại lực lượng, trang bị biên chế cho phù hợp để tổ chức một cuộc hành quân xa.

        Tôi nghe anh em nói hành quân về Quân khu 5, phải đi hàng tháng mới tới nơi. Tôi nằm lì trên võng, ăn uống chẳng được, đứng không vững nữa. Tôi cố ăn, cố tập thể dục và mong sao ngày hành quân của đơn vị chậm lại đề mình có sức khỏe mà đi.

        Các thù trưởng Đại đội thường đến động viên tôi cố ăn uống cho khỏe để đi cùng đơn vị. Vì tôi thuộc loại nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên đơn vị ai cũng yêu mến. Các nhiệm vụ được giao tôi đều hoàn thành xuất sắc và đã được xét vào đối tượng cảm tình Đảng. Nếu tôi ờ lại thì ai cũng tiếc. Tôi nghĩ mình không theo được đơn vị khi về trạm thu dung họ sẽ bổ sung đi đơn vị khác, không có người thân quen. Vì đơn vị này hầu như người Nghệ An và người Hưng Nguyên cũng đã có mấy chục người. Riêng xã tôi đã có 10 người. Anh em đã quen, thân thiết nhau từ ngày nhập ngũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2017, 10:03:24 pm »

         
        Cứ mỗi lần đi đánh về Trường, Tiềm thường đến gặp tôi chuyện trò, thăm hỏi ai cũng mừng cho tôi còn sổng trở về vì tôi là lính đường dây, trận nào cũng vô cùng ác liệt. Còn các bạn ấy đều ở đài 15 w nên sự ác liệt cũng đỡ hơn.

        Nếu không đi theo được là sẽ xa mãi mãi, chiến trường thì rộng làm sao mà gặp nhau được. Nghĩ như vậy lòng tôi lại quặn đau rồi nước mắt cứ trào ra. Các đồng chí ổm yếu hầu hết đã chuyển về trạm xá Sư đoàn.

        Trong số ốm yếu chi còn tôi và ông Đạm, Trung đội trưởng cũng vừa đổ bệnh, đơn vị cố để lại may ra đủ sức đi theo. Nhưng rồi, để chuẩn bị sáng mai hành quân, chiều hôm trước đơn vị tổ chức cáng tôi và ông Đạm lên trạm xá Sư đoàn. Tôi nằm trên võng ở bên này suối cứ nghe Trường từ bên kia suối gọi sang:

        - Hợi ơi! Mày đi nhé!

        Tôi bùi ngùi chua xót, không cầm được nước mắt, vẫy tay chào anh em ở lại. Từ ngày nhập ngũ đến nay tôi chỉ ở một đơn vị, biết bao tình cảm gắn bó, sâu nặng, sống chết có nhau, lại hầu hết là người làng, người xã, người trong huyện. Nay mình phải xa anh em chỉ vì căn bệnh sốt rét, thật đau lòng.

        Tôi được chuyển đến trạm xá, gặp khá đông anh em cùng tiểu đoàn và đại đội như anh Khánh, anh Cung ở xã Hưng Thông, anh Đáng, anh Quế, anh Tân quê ở xã Hưng Đạo, anh Đạm, Trung đội trưởng và một số anh nữa.

        Đến đây được ba bốn ngày thì tôi thấy bệnh tình thuyên giảm hẳn, ăn được, ngủ được, đi lại nhẹ nhàng. Tôi nói với ông Đạm:

        - Lần trước ở tinh Kon Tum tôi sốt nặng thế mà vào tới bệnh viện là khỏi, nay cũng vậy. Lần ấy tôi và anh Thuận đã xin ra viện để đuổi kịp đơn vị, nay tôi với anh ta xin ra viện nhất định sẽ đuổi kịp đơn vị.

        Anh Đạm động viên tôi:

        - Cậu cứ yên tâm điều trị khi nào khỏe mạnh, tập trung thành đoàn rồi ta xin hành quân về đơn vị. Vì lính của tiểu đoàn ta ở đây có đến mấy chục người, riêng đại đội ta đã có 16 người.

        Nghe anh Đạm nói vậy tôi đồng ý.

        Trạm xá Sư đoàn đứng chân trên hai bờ của con suối nhỏ toàn là cây le, cách làng Tung đồng bào dân tộc Căm Pu Chia khoảng vài kilômét. Cách bờ suối dăm chục mét là đồi trọc, lác đác có những cây khộp to. Ở đây thật an toàn, pháo địch không có nơi nào bắn tới và lại là đất Căm Pu Chia nên địch không dám bắn phá.

        Lợi dụng các khóm le nhân viên làm sẵn nơi mắc tăng võng, giá để ba lô. Bệnh nhân đến chi cần căng tăng võng lên là nằm. Chi có vài cái chõng tre dành cho người cấp cứu hoặc mổ xẻ.

        Tôi và Trung đội trường Đạm mắc võng nằm gần nhau. Anh Đạm nhập ngũ đầu năm 1953, anh hơn tôi gần chục tuổi, đã có vợ và hai con, quê ở Quảng Ninh, Quảng Bình. Tính anh nghiêm khắc, ít nói nhưng thương lính vô cùng. Anh có cảm tình với tôi ngay từ ngày tôi mới vào đơn vị, vì tôi trẻ, khỏe lại nhanh nhẹn, dễ bảo.

        Khi ở ngoài Bắc, những ngày tập xạ kích, bắn súng bài 1, anh thấy tôi có đường ngắm tốt đã đưa tôi đi chỉnh súng cho Tiểu đoàn. Anh là xạ thủ bắn súng có tiếng của Quân khu 4. Những lần anh làm trực ban Tiểu đoàn, anh đều đưa tôi lên làm liên lạc. Vào chiến đấu, cả ba trận đánh lớn anh đi đều đưa tôi đi theo. Anh thương tôi như em út và tôi cũng rất quý trọng anh.

        Những ngày giảm sốt, tôi và anh thường đi dạo quanh trạm xá. Sau trạm xá khoảng 100 mét, có một nghĩa trang, có mấy chục ngôi mộ mới chôn, toàn là lính sốt rét cùa Sư đoàn. Nghe anh em nói lại cứ một ngày một đêm có một chiến sỹ ta ra đi. Sau đó mấy ngày anh Đàng quê ở xã Hưng Đạo, vào loại to khỏe nhất Đại đội, nhập viện trước tôi mấy ngày cũng ra đi vì một cơn ác tính.

        Anh Quế cùng ở Hưng Đạo, sau một thời gian sốt kiệt sức, không có gì bồi dưỡng, anh theo anh em vào làng Tung dùng quần áo, muối để đổi lấy nải chuối, mớ rau, con gà về cải thiện. Anh Quế lấy muối đổi được một mảnh da trâu khô to như cái dép. Mảnh da trâu gác bếp đen sì, cứng như miếng vỏ cây dẻ. Quế đem miếng da ngâm nước rồi xuống suối kì cọ thật sạch, bỏ vào ống cóng, ninh sáng đêm mới nhừ dẻo như nhựa vá xe đạp. Thèm quá anh ăn vào bị kiết lỵ, sau mấy ngày rồi chết. Đại đội tôi có 16 người đi viện mà đã có hai người chết, đều là người xã Hưng Đạo.

        Sau khi khỏi bệnh, chúng tôi được về trạm thu dung của Sư đoàn và hy vọng tập trung quân lại thành đoàn dể hành quân theo Tiểu đoàn nhưng không ngờ họ chỉ cho những đồng chí từ Trung đội phó trở lên về Bộ Tu lệnh B3 để nhận nhiệm vụ.

        Trước khi đi, anh Đạm ôm tôi, cả hai anh em đều rơi nước mắt. Một người cán bộ sống thủy chung, có tình, có nghĩa. Tôi nài ni anh cho theo, nhưng anh nói: “Không thể được vì lệnh của cấp trên”.

        Tháng 12 năm 1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, anh Đạm ở Quân khu 5 được đi phép trước. Nhà anh gần bến phà Quán Hầu, Quảng Bình. Ngày nào cũng vậy, cứ buổi chiều có các đoàn quân đi phép, nhập trạm qua đây, anh đều ra tìm kiếm may ra gặp được ai đó cùng đơn vị.

        Tình cờ tôi gặp được anh. Anh ôm choàng lấy tôi, vuốt từ mặt xuống người, miệng liên tục hỏi: “Hợi ơi! Hợi ơi! Anh em ta đâu cả rồi? Mày có biết, đứa nào còn, đứa nào mất không?”. Tôi nói: “ Ngày anh xa tôi, rồi tôi và một số anh em được bổ sung về Trung đoàn 95 nên có biết ai đâu. Anh cũng nói: “Tớ xuống Quân khu 5, rồi cũng bổ sung đi đơn vị khác, chứ có được về đơn vị cũ đâu”. Anh nói tiếp: “Một tháng nay, ngày nào tao cũng ra đây, duy nhất mới gặp được mày, hạnh phúc quá! Tao và mày còn gặp được nhau”, thấy tôi đeo khẩu súng ngắn, anh hỏi:

        - Mày bây giờ làm gì rồi?

        - Tôi hiện nay là Chính trị viên Tiểu đoàn.

        Hai anh em cứ ôm lấy nhau. Anh lại nói:

        - Mày cố gắng tìm xem anh em ở đâu cả rồi, sống chết ra sao, có gặp đứa nào thì bảo thằng Đạm này luôn nhớ chúng nó nhé!

        Một cuộc gặp gỡ thật bất ngờ và xúc động. Anh Đạm là thủ trưởng của tôi, sao mà tình cảm còn hơn cả tình cảm anh em ruột thịt. Qua bao nhiêu năm mới gặp lại, xa anh đã chục năm nhưng tôi không bao giờ quên được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2017, 10:05:40 pm »

       
PHẦN II

ĐẠI ĐỘI 16 TRUNG ĐOÀN 95

 
VỀ ĐẠI ĐỘI 16 TRUNG ĐOÀN 95

        Những ngày ở trạm thu dung Sư đoàn, tôi và anh Sử thường xuyên gặp nhau. Nhưng sau Tết 1967, anh Sử thì được điều về binh trạm Nam còn anh em chúng tôi thì dược điều đi khắp noi. Mấy anh Hưng Nguyên th có anh Vinh, anh Tân ở Hưng Đạo được điều về làm vệ binh của trường quân chính B3. Tôi và anh Khánh khỏe hơn thì điều về Đại đội 16 thông tin của Trung đoàn 95. Anh Khá về Trung đội vệ binh của Trung đoàn.

        Về đơn vị mới, tôi rất phấn khởi, vì đơn vị này cũng hầu hết anh em quê ở Nghệ An. Hưng Nguyên thì chỉ có anh Hồ Lâm ở xã Hưng Lĩnh và anh Vợi xã Hưng Long, làm công vụ cho ông Huế thủ trưởng Trung đoàn. Tôi được bổ sung về Trung đội 2, anh Mộc quê Thanh Hóa làm Trung đội trường. Anh Mộc là lính chống Pháp, nhập ngũ từ năm 1953.

        Qua chuyện trò tôi mới biết, anh Mộc chính là người cán bộ dẫn anh em thông tin Trung đoàn 95 khi rút quân trong trận đánh Đi na mô ngày 20 tháng 6 năm 1966, bị lạc đường và tôi đã dẫn đường cho họ đêm hôm đó. Ông Mộc nhìn tôi cười và nói:

        - Cậu thật láu cá, hôm đó từ trận địa 12,7 ly, về tới Sư đoàn chỉ có hơn 3 km đường rộng như đường ô tô mà cậu bảo không biết để chúng mình phải nằm lại bên bờ suối. Sáng ra chờ các cậu thu hết dây máy rồi mới chỉ đường cho bọn tớ đi.

        - Anh nói oan cho em quá. Anh thấy đấy, từ trận địa 12,71y xuống suối ta phải đi ngược khoảng gần 100 mét mới có múi đường lên. Ban đêm, ười tối như mực anh bảo làm sao em tìm được. Hơn nữa, em thấy bộ đội cũng đã quá mệt, nếu tìm không ra đường, đi lung tung gặp pháo bắn thì chỉ có chết. Ta ở lại suối cạn an toàn hơn, sáng ra tìm đường dễ hơn. Nếu lúc đó tìm được đường các anh đi về, còn em ở lại thì cũng quá gay go phải không, ta được cả hai việc.

        Chúng tôi nhìn nhau cười, té ra toàn người quen cả.

        Tháng 2 hàng năm là tháng giữa mùa khô Tây Nguyên. Sông suối cạn kiệt, thú rừng cũng dồn về gần các con suối lớn để ăn và uống nước. Cá cũng nhiều vô kể. Bộ đội thì khan hiếm thực phẩm nên Trung đoàn tổ chức một đội vừa đi săn bắn thú, vừa đi đánh cá bằng lưới và mìn, thuốc nổ.

        Đoàn có mười người, tôi cũng được Đại đội cử đi. Địa bàn chúng tôi đến là những vùng giáp ranh giữa Căm Pu Chia và tỉnh Buôn Mê Thuột, cách buôn Hồ khoảng 8 giờ về phía Căm Pu Chia. Chủng tôi chia làm 2 tổ. Tổ đánh cá 5 người thì dừng lại đánh cá dọc sông Ya Trăng.

        Tổ săn bắn 5 người chúng tôi thì đi sâu vào vùng đệm giữa đường dây giao liên và buôn Hồ. Đây là vùng rừng núi rộng mênh mông, toàn cây khộp, dưới là cỏ le. Cây khộp rụng hết lá, tạo nên một khu rừng trống trải tầm nhìn có đến năm bảy trăm mét. Chi dọc hai bên bờ suối là có cây xanh nên thú rừng đủ các loại dồn về đây để nghỉ ngơi, tránh nắng và tìm ăn cỏ khô.

        Tổ chúng tôi hạ trại cạnh một con suối cạn. Cứ mỗi buổi sáng, chúng tôi đi dọc theo bờ suối thấy trâu, bò rừng, hươu, nai, mang, voi tranh nhau từng đàn xuống suối uống nước. Có đàn hàng trăm con bò tót, voi đi thành từng đàn chín mười con, chúng vừa đi vừa đùa giỡn nhau.

        Chúng tôi mỗi ngày chi bắn một con thú là đủ sức làm thịt, thái ra từng thanh phơi khô. Có những con bò phải đến hai, ba tạ thịt, trâu thì có con ba, bốn tạ thịt. Thịt lấy không hết, đêm hổ đến tha đi.

        Những ngày đầu, thịt thú chúng tôi thái từng thanh hoặc miếng mỏng rải lên đá phơi, chi cần 2 nắng là khô queo vì những tháng này mùa khô, trời nắng như thiêu, như đốt. Phơi được mấy ngày, hổ nghe mùi đêm rủ nhau hai ba con đến ăn sạch. Mặc dù rất gần chúng tôi, nhưng bọn hổ không sợ và chúng tôi thì đêm cũng không dám bắn. Để tránh hổ ăn, chúng tôi dùng dây giăng cao ngang đầu người, ngoắc thịt treo vào đó nên hổ không thể lẩy được.

        Thịt chúng tôi phơi khô, đóng bì cứ 10 ngày có khoảng 9 đến 10 người lính vận tài vào mang về cho Trung đoàn, cả thịt khô và cá khô. Thời gian săn bắn của chúng tôi kéo dài gần 3 tháng. Chúng tôi đã săn bắn được hàng tấn thịt và cá cho Trung đoàn.

        Thú rừng vùng này hồi đó chẳng khác nào nông trường chăn nuôi cùa ta. Cứ tờ mờ sáng nhìn thấy hàng trăm con thú đủ các loại ra ăn cỏ khô, ăn lá tươi và xuống suối uổng nước. Cá cũng vậy chi cần ném một quả lựu đạn là bắt được hàng mấy chục cân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2017, 10:06:05 pm »


        Trung đoàn 95 thời điểm này có hai Tiểu đoàn bộ binh đã hoạt động sâu vùng địch hậu, xung quanh thị xã PLâycu, tỉnh Gia Lai. Còn các Đại đội trực thuộc và Trung đoàn bộ thì làm nhiệm vụ hậu cần tiếp tế gạo, đạn, thuốc men, cáng thương binh ra phía sau. Có những chuyến đi bị địch phục vừa thương vong, vừa mất hết hàng, lấy thương binh tử sỹ về cũng khó. Tôi được đơn vị cho đi vận chuyển một chuyến may mà trót lọt

        Sau đó được đơn vị giao nhiệm vụ cùng Sở Chi huy tiền phương nhẹ của Trung đoàn, đi hoạt động châm ngòi, quấy rối, kéo địch ra mà diệt.

        Vì đầu mùa mưa, địch co cụm vào các căn cứ. Sở Chi huy tiền phương chi có một mình thủ trường Huế - Trung đoàn phó, nguyên là Chủ nhiệm pháo binh Sư đoàn, 5 trinh sát, ba vệ binh và ba lính chuyền đạt. Bộ Tư lệnh B3 giao cho hai khẩu cối 120 ly, hai khẩu ĐKZ 751y, có nhiệm vụ tổ chức pháo kích vào căn cứ Đức Cơ, Đức Vinh.

        Chúng tôi cùng với trinh sát pháo binh đi nghiên cứu thực địa đo đạc cự ly, chuẩn bị trận địa xong, sau đó về dẫn đơn vị pháo đi pháo kích. Hai căn cứ này liên tục bị chúng tôi pháo kích, trên nhiều hướng và nhiều cự ly khác nhau, gây cho địch nhiều thiệt hại, buộc chúng phải bung lực lượng bộ binh đi càn quét lùng sục và đã bị Trung đoàn bộ binh 66 diệt gọn một Tiểu đoàn lính Mỹ, bắt sống 6 tên Mỹ vào tháng 8 năm 1967.

        Sang tháng 9 năm 1967, Tiểu đoàn l0l của ta diệt gọn một Tiểu đoàn Mỹ ờ khu đồi Im lặng. Trung đoàn 320 liên tiếp diệt nhiều tiểu đoàn địch ờ bên kia sông Sa Thầy. Các đơn vị pháo cối 82, ĐKZ thì tập kích, pháo kích phá hủy nhiều trận địa pháo dã chiến của địch.

        Những ngày tháng 9, tháng 10 năm 1967, trên bầu trời tiếng máy bay trực thăng Mỹ liên tục nổ phành phạch, bay thành từng tốp 5 đến 7 chiếc, lúc thì đổ quân, lúc thì di chuyển quân, khi thì đổ quân tư trang, đạn dược, lương thực, khi thì chở thương binh tử sỹ và những khẩu pháo bị ta bẩn hỏng về căn cứ.

        Đầu tháng 10 năm 1967, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 95, hoạt động ở vùng địch hậu, phía tây của thị xã PLâycu, bị địch đánh bom vào Sở Chỉ huy. Đồng chí cơ yếu bị hi sinh và toàn bộ tài liệu mật của đồng chí này bị mất hết. Anh em thông tin đài 15 w báo về phải dùng mật mã của đài 2W. Đây là đài 15W của Đại đội 16 chúng tôi đi tăng cường cho Tiểu đoàn 1.

        Mật mã cơ yếu mất là một điều cực kì nguy hiểm, nên toàn bộ chiến trường B3 phải thay đổi mã khóa khác. Bộ Tư lệnh B3 quyết định giao cho thủ trường Huế, Trung đoàn phó trực tiếp mang tài liệu cơ yếu vào cho đài 15W của Tiểu đoàn 1.

        Cơ yếu có hai đồng chí thì hi sinh một, không có người để bổ sung vào. Đây là nhiệm vụ ngoài ý muốn vì theo quy định của ngành cơ yếu thì dù thủ trưởng có chức vụ cao cũng không được giữ mật mã cơ yếu.

        Đường từ hậu cứ vào tới Tiểu đoàn 1, nếu đi trót lọt phải mất sáu, bảy ngày. Rừng rậm rạp, qua nhiều khe suối và núi cao. Từ đây vào tới đó không có dân và cũng không có một đơn vị nào hoạt động. Yêu cầu cắt đường mà đi, lực lượng càng ít càng tốt, dễ tránh né địch, không để lại dấu vết.

        Tôi và anh Nhị thuộc Đại đội thông tin 16 được chi định đi cùng đoàn, đoàn gồm có thủ trưởng Huế, hai vệ binh, ba trinh sát, hai truyền đạt (tôi và Nhị). Anh Nhung, Trung đội trường trinh sát được giao nhiệm vụ chi huy chung. Nhiệm vụ được giao cụ thể: Trinh sát và truyền đạt chịu trách nhiệm cắt đường mà đi còn vệ binh bàng mọi giá phải bảo vệ thủ trưởng Huế và tài liệu. Yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật không được nổ súng. Sau khi điện hợp đồng với Tiểu đoàn 1 về tọa độ, thời gian đón là chúng tôi lên đường ngay.

        Trong tay chúng tôi chỉ có hai mảnh bàn đồ 1/50.000 và hai cái địa bàn không có máy liên lạc cả phía sau lẫn phía trước. Chúng tôi được biết tọa độ đón chúng tôi ở một chòi canh rẫy cùa dân. Rầy rộng khoảng hơn một héc ta. Chúng tôi xuất phát được năm ngày thì Tiểu đoàn 1 lúc nào cũng cho người đi đón vì sợ bị lộ địch phục kích sẵn. Hai bên thống nhất ám hiệu để đến đó bắt liên lạc với nhau.

        Đoàn của chúng tôi hầu hết là những người đã từng phục vụ thủ trưởng Huế chỉ huy pháo kích Đức Cơ, Đức Vinh. Thủ trường quý chúng tôi vì chúng tôi đều là những người nhanh nhẹn, giỏi tính toán xác định điểm, đường trên bàn đồ và giỏi cắt đường theo phương vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2017, 11:12:42 pm »


        Cái khó nhất của người đi rừng là xác định điểm đứng của mình, nhận dạng địa hình, thực địa với bản đồ. Nếu không xác định đúng điểm đứng thì đi bị lạc là trăm phần trăm vì rừng núi khác hoàn toàn với đồng bàng. Đồng bằng có nhiều điểm để giao hội, tìm ra điểm đứng còn rừng núi thì chẳng biết nhìn vào đâu. Ngay cả ánh mặt trời cũng chẳng nhìn thấy, nếu không có địa bàn chẳng biết đi hướng nào.

        Đoàn chúng tôi, chẳng khác nào thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh. Sau khi làm công tác chuẩn bị xong, chúng tôi bắt đầu lên đường. Chúng tôi vừa cắt đường đi, vừa dò theo bản đồ vừa phải tìm cách tránh né địch nên suốt cả ngày, lúc nào cũng phải nhẹ nhàng và tuyệt đối giữ bí mật.

        Chúng tôi đi qua biết bao địa hình phức tạp, núi cao, dốc đứng. Có đoạn, qua suối sâu phải đi ngược hàng tiếng đồng hồ mới có chỗ vượt qua. Sang bên kia suối, lại phải đi trả lại nếu tính toán không tốt là bị lạc ngay. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi đi từ mờ sáng tới 4 giờ chiều mới nghỉ nấu corm ăn, nắm cơm cho bữa sáng và bữa trưa hôm sau. Sau đó chờ cho trời tối lại di chuyển cách năm bảy trăm mét mới mắc tăng võng để ngủ.

        Trời mùa mưa, nấu được bữa cơm ăn cực kì khó khăn. Có người nấu phải có người quạt để khói không bay lên cao đề phòng kẻ địch phát hiện. Nấu ăn xong, cũng như chỗ ngủ trước khi đi phải xóa hết dấu vết. Đồng chí Nhung bố trí chúng tôi nằm nghỉ theo kiểu trâu rừng thành hình tròn. Trinh sát, truyền đạt nằm vòng ngoài, vệ binh và thủ trưởng nằm ở giữa nhưng cũng còn tùy thuộc vào cây để mắc võng, vì chẳng biết địch ở phía nào mà có trước có sau.

        Một hôm, khoảng nửa đêm, đang ngủ tôi tinh giấc nghe mùi hôi hôi và sau đó cứ nghe tiếng tép tép, tiếng kêu cứ một gần lại. Tôi biết đây là con hổ đi ăn đêm, đang ở gần. Vì hồi tháng 2, tháng 3, tôi đi săn cho Trung đoàn thường nghe tiếng kêu và mùi hôi của hổ, mỗi khi nó đến ăn thịt trâu của chúng tôi phơi. Vì thế nghe mùi và tiếng kêu, tôi biết ngay đây là hổ. Bởi chúng tôi mắc tăng võng nên hổ không dám vào.

        Tôi thò tay ra ngoài bọc võng mở khóa an toàn khẩu AK, ban đêm tĩnh mịch tiếng kêu nghe khá to. Nhị nằm sát cạnh tôi hỏi: “Hợi ơi, con gì vậy?”. Tôi bảo: “Không có gì đâu”, Nhị cũng thò tay ra mở khóa an toàn súng. Không ai bảo ai, tất cả đều thức và đều mở khóa an toàn súng. Con hổ rất lì, nó cứ đi vòng xung quanh chúng tôi kêu tép tép. Vì không được bắn, tôi thò tay ra khỏi bọc màn dùng một cành lá nhỏ quẹt vào cái tăng nghe xoẹt xoẹt, con hổ thấy động từ từ đi xa.

        Sáng ra, ai cũng hú vía, sợ con hổ nhảy vào. Tôi nói: “Hổ tuy dừ nhưng ta nằm trong tăng, có màn nó không dám vào đâu vì hồi đi săn, đêm nào cũng thấy hổ đến để rình ăn thịt của chúng tôi phơi, chi cách chúng tôi nằm chừng 15 mét”. Nhị nói: “Tớ nằm ngoài nhất nên đã nghe tiếng nó kêu từ lâu mà không dám động đậy, khi nghe Hợi mở khóa an toàn súng, mình vội dậy mở ngay”.

        Thủ trưởng Huế lại bào:

        -  May mà thằng Hợi có kinh nghiệm dùng cành lá quẹt vào tăng, nó chạy mất chứ nó nhảy vào thì nguy thật.

        Qua 7 ngày vừa tìm đường vừa tránh địch để đi, đầy vất vả, gian khổ. Đủng trưa ngày thứ bảy, chúng tôi xác định đã đến điểm hẹn. Nhị trèo lên một cây cao để tìm cái rẫy của đồng bào dân tộc. Nhị đã thấy cái rẫy cách không xa. Chúng tôi tin là đúng nên cắt đường đến đó.

        Qua ám hiệu của anh em Tiểu đoàn 1, chúng tôi đến chòi canh thì thấy anh em trinh sát đã liên tục thay nhau đón chúng tôi từ hai ngày nay, gặp nhau hai bên đều mừng.

        Chúng tôi được trinh sát Tiểu đoàn 1 dẫn về một hang đá to để nghỉ. Tới đây chúng tôi gặp thủ trưởng Nguyên, Phó Chính ủy Trung đoàn đi chỉ đạo Tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn hoạt động phân tán. Mỗi đại đội một xã độc lập, theo sự hướng dẫn của bộ đội địa phương. Xuống tới xã lại phân tán tới từng tiểu đội để cùng địa phương diệt ác phá kìm xung quanh các ấp chiến lược.

        Ngoài việc diệt ác, phá kìm còn phải bảo vệ dân công tải gạo lên núi cất giấu, số gạo này do ban Kinh tài của huyện tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp. Đây là số lương thực địa phương chuẩn bị cho các đơn vị bộ đội chủ lực ăn và dự trữ được cất giấu trong các hang đá.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM