Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:30:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vụ án Nuremberg  (Đọc 30389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2018, 03:30:35 am »


        Chánh án : Lời khai ấy được ghi ở đâu, vào lúc nào ?

        — Ở Mạc-Tư-Khoa.

        — Tác giả lời khai ấy được tự do hay bị giam cầm ?

        — Thời đó y là tù binh chiến tranh.

        — Y có ký bản khai ấy không ?

        — Dĩ nhiên là có !

        Hiển nhiên là các chứng cớ do Công-tố viện Nga- Sô trình bày hình như hơi có vẻ khả nghi !... Tuy nhiên Rudenko cũng đạt được — ít nhất là một lần ! — làm cho Fritzsche bị khó khăn, bối rối.

        Rudenko: Ngày 2-5-1940, sau khi Đửc đồ bộ ở Na- Uy, ông đã giải thích trên đài phát thanh những lý do về hành động ấy. Và ông kết luận... Đây bản sao bài diễn văn của ông :

        « Quân đội Đức đã phải làm tròn nhiệm vụ vì Anh sắp sửa vi phạm nền trung lập Na-Uy. Vậy sự bó buộc nầy không thể hiện bằng một hành động chiến tranh nhưng bằng sự duy trì hòa bình. Không một người nào bị thương, không một căn nhà nào bị phá hủy, đời sống hàng ngày vẫn tiếp tục điều hòa như trước. »

        — Đó là một sự nói dối trơ trẽn, vô sỉ, ông có chấp nhặn như thé chứ ?

        — Không !... Đúng ra, vừa ở Na Uy về, chính mắt tôi đã trông thấy chiến dịch diễn tiến ra sao. Tuy nhiên, tôi muốn bổ túc bản văn của tôi bằng cách đọc lên câu sau đây :

        « Dù ở nơi nào mà quân đội Na-Uy—theo chỉ thị của cựu Chánh phủ — muốn kháng cự chăng nữa thời dân sự cũng không hề bị động chạm tới, vì những người Na-Uy đấu tranh ở ngoài các thành phố và làng mạc... »

        — Hãy cứ tạm cho là như thế đi !... Bây giờ tôi lại xin trình Tòa một tài liệu khác : tờ báo cáo chánh thức của Chánh-phủ Na-Uy. Bị can Fritzsche ! Xin hãy nghe đây và ông sẽ thấy bài diễn văn của ông mô tả sự thực đến mức độ nào :

        « Do vụ xâm lăng của Đức ngày 9-4-1940, Na-Uy bị lôi cuốn vảo một cuộc xung đột võ trang, lần đầu tiên từ 126 năm nay. Chiến tranh tàn khốc lan tràn khắp cả lãnh thổ quốc gia trong hai tháng liền và gây ra nhiều tồn thất trị giá tới 250 triệu đồng (couíonne). Hơn 400 000 nhà cửa bị thiệt hại hay phá hủy và gần một ngàn dân sự bị giết.

        — Này bị can Fritzsche ! Bây giờ ông có chịu công nhận là bài diễn văn ngày 2-5-1940 của ông chỉ toàn là những chuyện láo khoét, giả dối không ?

        Fritzsche nói vòng vo tam quốc nhưng không công nhận sự chi cả. Vả lại Tòa-án cũng không nhấn mạnh thêm : trong thời chiến, sự tuyên truyền của nhà nước bó buộc phải vượt qua những tiêu chuẩn cổ truyền của sự lương thiện thuộc về báo chí. Người ta thấy cả những ví dụ điển hình ở những người Anh-Mỹ.

        Tuy nhiên các hạt giống do bọn tuyên truyền Quốc- Xã gieo rắc đã được mùa và có nhiều hoa mầu quái đản. Lý tưởng quan niệm của họ đòi hỏi không những sự tận diệt các người Do Thái nhưng cũng tấn công luôn cả Thiên-Chúa giáo ! Vả lại hai mục tiêu này cũng lẫn lộn với nhau : muốn tàn sát hàng triệu người vô tội, cần phải bắt đầu chối bỏ những nguyên tắc về Thiên-Chúa giáo.

        Rosenberg đã viết trong cuốn Thần-thoại của thế kỷ XX :

        « Điểm đặc sắc nhất trong cuộc thế giới cách mạng của thời đại chúng ta là sự thức tỉnh về ý thức chủng tộc. Một thứ Phúc-Âm mới mẻ : thần thoại về máu. Sự chắc chắn về bảo vệ — đồng thời cùng với sự thuần chủng, tình khiết của máu — thực thể tinh túy, thiêng liêng của con người. Ngày nay chúng ta tin tưởng ... chúng ta tin tưởng vì chúng ta đã biết là dòng máu Nhật-nhĩ man ở phương Bắc đã biểu dương sự Nhiệm- mầu ấy, đã thay thế và chiến thắng những phép Bí-tích ngày xưa. »

        Lời nói hồ đồ, ghê rợn xiết bao ! Có lẽ triết gia Goethe sống lại cũng phải trở về mồ !... Hơn thế nửa, trong các nhà lãnh đạo Quốc-Xã, Rosenberg là người nói tiếng Đức thành thạo nhất ! Các người khác — nhất là Hitler — đôi khi còn phạm lỗi văn phạm. Nhưng bầu không khí ở Đức Quốc-Xã vô cùng thuận tiện nên những xác định lộn xộn, kỳ cục này lại sanh hoa nở trái xum xuê .. Kết quả tốt đẹp mà Rosenberg có thể thưởng thức ngay — khi được bổ nhiệm chức Cao ủy các lãnh thổ chiếm đóng ở miền Đông — là y sẽ nhận được những tờ báo cáo điển hình, ví dự như :

        « Trước sự hiện diện của một Vệ-binh SS , một nha sĩ Do Thái phải tháo gỡ — hay nhổ hẳn ra —  những vẩy hàn, vỏ bọc răng hay răng giả bằng vàng của hàng nhiều trăm người Do Thái gốc Đức và gốc Nga, trước khi chúng bị hành quyết.,. Rồi hết thảy mọi người: đàn ông, đàn bà, con nít bị giam vào các vựa lúa và châm lửa đốt... Nhiều người khốn nạn bị thiêu sống ở nơi khác, các nông dân và gia đình họ bị bắn vì người ta nghi ngờ là họ thuộc thành phần một toán dẫn quân. Trong thế giới Quốc-Xã, không hề còn chỗ nào cho những sự thận trọng về nhơn đạo nữa !.. Bormann, trong một chỉ thị mật gởi cho các Thống-đốc đã nhấn mạnh về điểm. này :

        « Chế độ Quốc-Xã và Thiên-Chúa giáo tuyệt đối xung khắc, không thể nào hòa giải được. Quan niệm của chúng ta về thế giới rất cao siêu hơn quan niệm của Thiên-Chúa giáo ! »
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2018, 02:11:03 am »


        Và Rosenberg đã viết một một cách bình thản :

        « Lý tưởng của chúng ta không tài nào chấp nhận sự hiện hữu của một học thuyết khác dù là tình yêu thương của Thiên Chúa giáo, tình nhân đạo của Hội Tam-điểm hay triết-lý của La Mã cổ xưa !.„»

        Với những tư tưởng tương tư, sự đấu tranh với Hội thánh Công giáo trở nên khó tránh khỏi. Không những là chỉ theo như lời Bormann: « sự nhu cầu thiết yếu cấu tạo nên một tôn giáo Quốc-Xã để sẽ dần dần thay thế học thuyết Công-giáo «... nhưng nhất là trong sự tổ chức cuộc đấu tranh bài tôn giáo, cuối cùng người ta sẽ sử dụng trong cuộc đấu tránh ấy tất cả những phương tiện của Quốc-gia và của Đảng.

        Tưởng cần nên nói là trước hết Hội-thánh Công- giáo cũng tìm đường gián tiếp để đạt tới kết quả tốt đẹp. Hội thánh sẽ ký kết một hiệp-ước thân thiện với Hitler vì ở điện Vatican, người ta hãy còn tin tưởng vào sự ích lợi của những Hiệp ước để ngăn chặn dòng thác lũ .. Các Giám-mục và Linh-mục chịu khuất phục trước nhà độc tài áo nâu và lại tán thành, ca ngợi y nữa vởi niềm hy vọng làm lắng dịu bầu không khí để cho y vui lòng. Cả hai Hội-thánh Công giáo và Tin- lành đềư chấp thuận hết thảy mọi thỏa hiệp, mọi nhượng bộ... vừa tìm cách tồn tại vừa tôn trọng lề luận mới... Nhưng thái độ này cũng nhấn mạnh hơn nữa phẩm giá, lòng can đảm và sự cương quyết của hàng Giáo phẩm cao cấp và các Cha sở khiêm nhường khác ở những làng mạc xa xăm... Vậy cần phái có sự can đảm tuyệt vời : chi cần một câu nói hớ hênh, dạt dột ở trên tòa giảng là đủ đi đến... trại tập trung ! Sở Mật- vụ nghiêm trị hết thảy mọi người: Công-giáo, Tin lành và cả những người thuộc Giáo phái Chúa tái sanh.

        Để củng cố cuộc đấu tranh này, bọn Quốc-Xã sẵn sàng áp dụng phương tiện cũ rích là âm mưu tổ chức một cuộc tự động biểu tình hay «ngẫu phát»  Nuremberg, công tố viên Storey trưng ra về vấn đề này nhiều chứng cớ rất nặng nề... Ví dụ như một báo cáo của sở mật vụ về những biến cố xảy ra ở Rottenburg, một giáo khu nhỏ bé và hẻo lánh miền Bavière :

        «Ngày 23-7-1938, Đảng đã tổ chức hồi 9 giờ đêm một cuộc biểu tình thứ ba phản đối Giám-mục Sproll. Từ các vùng lân cận, người ta đã tải đến đây từ 2.500 đến 3.000 người trên xe ca. Lại một lần nữa, dân chúng ở Rottenburg — thay vì gia nhập cuộc biểu tình — lại tỏ một thái độ cừu địch hiển nhiên với những người tham dự. Rủi thay, những người có trách nhiệm tổ chức lại đánh rơi mau lẹ sự kiểm soát các thành phần của họ. Đám đông ùa vào tòa Giám-mục, phá cổng và cửa trong rồi lan tràn khắp mọi nơi. Độ 200 người vào phòng riêng của Giám mục, ném các hồ sơ qua cửa sổ và châm lửa đốt một cái giường».

        Những quang cảnh tương tự tái diễn gần như trong khắp các giáo khu ở Đức. Và cũng đều đặn, các tờ trình cảnh sát nói rõ thái độ minh bạch của dân chúng là không hề tán thành những lạm dụng quá trớn ấy. Vậy sự tự động, «ngẫu phát» của những người biểu tình thiệt là xinh đẹp quá chừng !..

        Điều này có ăn nhằm chi! Nếu Hội-thánh không muốn nhượng bộ thời sẽ bị nghiền nát ngay tức khắc dù các tín đồ có muốn hay không, cũng thế thôi! Trong các lao xá và trại tập trung, các Linh-mục và cả những người thế tục cả gan dám xác nhận rõ ràng sự lưu luyến của họ đối với tôn giáo, không ngớt ùn ùn kéo đến mỗi ngày thêm đông đảo cho mãi tới khi chiến tranh chấm dứt. Nếu sở Mật-vụ nghiêm trị, hành hạ nhất là hàng Giáo phẩm Ba-lan thời chính các nước khác cũng đã cung cấp một số lớn các giáo sĩ bất trị, khó lòng chế ngự nổi !.. Kể từ năm 1942, sau khi đã có thỏa hiệp với Tòa-thánh Vatican, trại tập trung Dachau trở thành nơi duy nhất giam giữ hàng giáo phẩm và người ta đếm thấy hàng ngàn tu sĩ đủ các thứ giáo phái. Rất nhiều người Đức — nhất là từ các giáo khu miền Bavière — đến đây, nhưng cũng có những người Hòa-Lan, Bỉ, Ý, Tiệp-khắc, Lục-xâm-bảo và Pháp —  trong số có Giám-mục Théas ở thành Tarbes. Người ta kể chuyện lại có một Linh-mục bị các Vệ-binh SS ở trại đội cho một vòng dây kẽm gai thay vì mão gai !.. Chắc có lẽ đây là một sự đùa giỡn tuyệt hảo ở trong trí óc những con người được huấn luyện đế cư xử theo lối man di, mọi rợ !..

        Hồi tháng chín 1941, cuộc hội họp những cấp chỉ huy ở các địa phương về việc đấu tranh với Hội-thánh Công giáo đẫ nhấn mạnh rõ ràng « một mục tiêu cấp thời » và « một mục tiêu dài hạn ». Mục tiêu thứ nhất: ngăn cản bằng đủ mọi phương thức cho Hội-thánh khỏi chiếm lại trạng huống, địa vị đã mất mát. Mục tiêu thứ hai: tập hợp một số tối đa các tài liệu và vật dụng để có thể chứng minh — khi thời cơ thuận tiện — những hành động chống đối Quốc Gia của Hội-thánh trong thời kỳ mà dân tộc Đức tranh đấu cho sự sống còn của mình.

        Thiệt không có chi là khó khăn để bày tỏ cho được rõ ràng, minh bạch hơn !
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2018, 05:14:08 pm »

           
        Cuộc đấu tranh chống đối Hội-thánh, trước tiên đã do Đảng, sở An ninh và Cảnh-sát điều khiền, nay lại duy nhất trao phó cho sở Mật-vụ. Như thế có nghĩa là tất cả những giáo sĩ bị bắt đều có một chỗ ở duy nhất và một số phận duy nhất: trại tập trung — và đối với nhiều người là cái chết!..

        Ở Nuremberg, người ta nêu ra chứng cứ của mục sư Brunotheek đã có sức chịu đựng và sự may mắn để sống sót ở địa ngục trần gian Dachau:

        «Trong hai cái trại — đã trù liệu để chứa mỗi trại 200 người — được nhồi nhét độ 3.000 giáo sĩ Công-giáo và Tin-lành, bị bằt ở khắp mọi nước Âu-châu. Họ sống ở đây trong những điều kiện vô nhơn đạo và ghê rợn. Một số lớn chết vì đói khát hay bị đánh đập. Chính mắt tôi đã trông thấy một Linh mục già Ba-Lan chết ra sao : vì tội duy nhất là không biết nói tiếng Đức !.. Tên trưởng toán — một cựu sĩ quan Vệ-binh nâu cùng bị giam không rõ về tội gì — hỏi Linh mục một câu và lẽ dĩ nhiên là không biết tiếng Đức nên Linh-mục không trả lời được... Thế là tên súc sinh cầm một mảnh ván phang mạnh vào đầu Linh-mục : sọ vỡ, máu chan hòa, Linh-mục chết trong đêm... »

        Tuy nhiên — dù số mệnh ghê rợn đang chờ đợi họ ở đàng sau hàng rào kẽm gai có luồng điện cao thế chạy qua — có rất nhiều người khác vô cùng can đảm trỗi dậy, thay thế cho những người đã khuất, công khai phản đối những sự ngược đãi, không những đối với Hội-thánh, mà còn đối cả với những người Do Thái và các người vô tội nữa. Linh-mục ở nhà thờ Ste Edwige, kinh thành Bá-Linh, sau mỗi thánh lễ không ngăn ngại để kết thúc bằng câu: « Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện cho những người Do-Thái !». Thế là ông bị bắt giam và chết trước khi giải tới trại tập trung Dachau ...

        Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong muôn một. Rồi lại có một lý do khác để thêm vào những nỗi thắc mắc lo âu của Giáo-hội: Hitler, Rosenberg và Bormann — những con người đã sáng tạo ra một nền « văn minh » do các Vệ-binh nâu là biểu tượng để trông nom việc nhổ các răng bọc hay răng giả bằng vàng — đã tùy theo sở thích của họ mà thay đồi điều răn thứ bảy. Thay vì câu danh tiếng do Thiên-chúa đã đọc cho Mai- sen trên núi Sinai:

        « Anh chớ giết người. » thời họ lại đổi chiếu công thức của họ :

        «Anh sẽ giết... những người yếu đuối, những người mắc bệnh nan y, những người già cả, tất cả những người không còn dùng được vào việc chi nữa !..»  Chắc chắn là họ cố ý giấu giếm dã tâm này nhưng họ vẫn hành động như thường. Nạn nhơn đầu tiên của họ là những người bị bệnh thần kinh.

        Ta chớ nên ngạc nhiên về điểm này : đối với một Bormann hay một Rosenberg thời lòng trắc ẩn, tình yêu thương đồng bào chỉ là những nguyên tắc đáng khinh bỉ và bất hạnh! Trong cuốn: « Thần thoại của thế kỷ XX», Rosenberg đã nói rõ ràng sự kiện đó :

        « Sự rữa nát, giả dối của những trị giá thực tại ấy, sự cám dỗ không lành mạnh ấy, lúc thì gọi là dân chủ, lúc thì gọi là ý thức xã hội, hay còn là tính khiêm nhường, tình yêu thương đồng loại... »

        Thế là thần thoại về dòng máu Nhật - nhĩ - man đã dẫn dắt tới đó và sẽ thắng thế các phép Bí-tích màu nhiệm xưa kia...

        Chắc chắn đó là trong lãnh vực của « Chương trình làm chết bình an » mà Giáo-hội Công-giáo đã tranh đấu hăng say nhất !... Chương trình này lại càng quái đản hơn nữa vì đã được căn cứ vào một nòng cốt vững chắc về pháp lý do bác sĩ Conti — vị « Thủ- lãnh » của Y-sĩ đoàn — phê chuẩn và cho áp dụng. Thỉệt là hoàn hảo và đẹp mắt : Các bác-sĩ — những người đã trịnh trọng tuyên thệ theo lời thề Hippocratc — sẽ có nhiệm vụ diệt trừ những cái miệng « vô ích » chỉ ăn hại !...

        Mặc dù những sự đề phòng rất chu đáo và đặc biệt — việc chuyên chở bệnh nhơn thần kinh đến những cơ sở để tiêu diệt sẽ bí mật giao phó cho một hãng thầu chuyên chở tư nhơn — dân chúng cũng nhận thấy có « sự chi » khác lạ !... Rất nhiều gia đình nhận được những giấy khai tử vô cùng quái đản : bệnh nhơn chết thình lình — lúc thì sưng phổi, lúc thì tại bệnh độc truyền nhiễm — vừa mơ hồ vừa đột ngột nên đã phải hỏa thiêu ! Bù lại, người ta sẽ gởi trả quần áo của đương sự (dù ở dưới chế độ ghê rợn này, vẻ quan liêu chí tôn vẫn không mất hết quyền hành !). Chẳng bao lâu, chương trình « làm chết bình an » chỉ còn là « sự bí mật công khai », nên ai nấy đều biết hết !... Tháng tám 1941, Giám-mục ở Limbourg, trong một văn thư gởi cho các bộ Nội-vụ, Tư-pháp và Giáo-hộì Vụ đã khai hỏa với sự can đảm đến vô cùng táo bạo :

        « Cách xa Limbourg 8 cây số, gần thôn nhỏ Hadamar có một thứ bệnh viện mà từ nhiều tháng nay đã hoàn tất các vụ ám sát tập thể và hợp pháp — hay ít ra đó là theo lời người ta nói công khai ở vùng này. Mỗi tuẫn lễ độ hai ba lần, người ta thấy đến đây những chuyến xe ca đây nhóc người và các trẻ con thì thầm khi xe đi qua: « Lại một toán nữa bị xử hình!...» không có chi là hiếm hoi khi nghe thấy ở ngoài phố, một đứa bé con hét lên với đứa khác : « Mày điên rồi! Người ta sẽ giải mày đi Hadamar để vất vào lò quay !... » Dân chúng đã nhận xét là sau mỗi chuyến xe ca tới, các lò sưởi ở cơ sở này lại nhả ra một làn khói đen kịt và bầy nhầy... »

« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2018, 08:19:44 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2018, 08:20:14 pm »


        Thư của Gỉám-mục ở Limbourg không có hồi âm. Lý do : ở mép lề giấy, một nhơn viên cao cấp nào đó đã ghi : « Xếp, khỏi trả lời ! » và ở dưới có gạch một nét lớn, đầy vẻ giận dữ !...

        Dần dần người ta vét hết ở các nơi những người bị bệnh nan y, rất khó chữa về thần kinh hay các chứng khác. Rồi hệ thống này lan tràn đến các viện dưỡng lão — Và một cách thông thường hơn — đến tất cả những người nào bị vô năng lực để hoạt động thường xuyên...

        Các đao phủ cũng không hề tôn trọng cả những người bị tàn tật lớn vì chiến tranh !... Những sự phản đối kịch liệt của Giáo-hội, những lời tố cáo gay gắt trên tòa giảng của các Giám-mục ở Trèves, Fri- bourg, Munster, Munich... đều rơi xuống, bất lực, dưới chân bức tường yên lặng do các vị chức sắc và nhơn viên cao cấp của chế độ bao trùm các tội ác của chúng. Ở Nuremberg, Công tố viện đọc một bản án (dĩ nhiên là sau khi chế độ tan rã !...) xử một thầy thuốc —  giáo sư Nitsche — chỉ huy trưởng « bệnh viện » Sonnestein :

        «Các bệnh nhơn tới nơi trên những chuyến xe ca có cửa kính sơn màu xanh đậm che mờ. Hai bác- sĩ Schumann và Schmalenbach khám nghiệm chúng để lựa chọn xem những người nào đáng điều trị và những người nào sẽ qua phòng hơi ngạt. Bọn người sau cùng sẽ do các y-tá dẫn sang phòng bên cạnh và chúng phải cởi hết quần áo ra — người ta giải thích là chúng sẽ được tắm rửa. Y tá dẫn chúng xuống hầm và giao cho các Vệ-binh nâu. Những « người tin cẩn » này lùa hết cả chúng vào phòng hơi ngạt. Sau khi cửa đóng kín mít, một bác-sĩ — từ bên ngoài — bấm nút mở các vòi hơi ngạt. Hết thảy mọi thủ tục này đều diễn tiến dưới sự kiểm soát trực tiếp và thường xuyên của giáo sư Nitsche. Ba y tá: Felfe, Graebler, Raepke phụ tá y rất tận tâm và đắc lực, xứng đáng với một lý tưởng cao siêu !... Riêng về Graebler đã hướng dẫn độ 30 chuyến xe ca chớ các bệnh nhơn thần kinh, có nghĩa là độ 15.000 người bị tàn sát dã man, vô nhơn đạo !... »

        Sự kiện đầy ý nghĩa : người phát minh ra tổ chức này không phải là một Vệ-binh nâu nhưng là một viên Cò cảnh sát, bác sĩ Wirth ở Stuttgart. Một người trong số các nhơn chứng được nại ra ở Nuremberg là «thẩm phán » Morgen — một thử ủy-viên Quân-cảnh — đã mô tả với sự khách quan hoàn toàn, những va chạm và khổ cực về thứ phụ tá quý báu của sự tiêu diệt này : «Trong thời kỳ lãnh trọng trách thanh toán khổng lồ các người Do-Thái, Wirth đã có sẵn kinh nghiệm quý báu, lớn lao thâu lượm được về việc tiêu diệt các bệnh nhơn thần kinh... Y đã hăng say bắt tay vào nhiệm vụ đầu tiên này theo mệnh lệnh trực tiếp của Thủ-lãnh Hitler. Sau này y thường nói với tôi về những khó khăn do y đã phải cố gắng vượt qua...

        «Ban đầu, y mơi sử dụng độ mười nhơn viên được biệt phái đến phục vụ y và một bệnh viện cải dạng ở miền Brandebourg. Chỉ mãi sau một thời gian lâu dài những mò mẫm, kinh nghiệm và suy tư, y mới có thể áp dụng một phương pháp rất hài lòng, nghĩa là mau lẹ, không hề để lại dấu vết và có một năng xuất rất khả quan !.. »

        Chính là nhờ có những nỗ lực phì thường của nhà Cảnh-sát quái đản này, nhờ có sự kiên nhẫn vô biên của y để «áp dụng một phương pháp hài lòng» nên các tay Quốc-Xă mới có thể tiêu diệt hàng nhiều triệu người vô tội! Sự ám sát được hệ-thống-hóa: đó là tiêu ngữ của nền Trật-tự mới mẻ ở Âu châu!..
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2018, 08:21:04 pm »

       
*

*       *

        Trong một Quốc gia được tổ chức rất mạnh mẽ như Đức Quốc - Xã, cuộc ám sát có hệ thống lẽ dĩ nhiên phải thuộc vào một uy quyền nhất định. Người thứ nhắt nắm giữ uy quyền ấy — hiện đang ngồi, hay gục rũ xuống thời đúng hơn, trên ghế bị cáo — là Rudolf Hess, « người thay thế » hay nói rõ hơn là người thế- quyền của Hitler!.. Hess đã soạn thảo, ký và áp dụng hàng loạt những biện pháp thích nghi, lấy cớ là bảo vệ chế độ, đã góp phần vào việc làm đầy tràn các trại tập trung! Ngay từ tháng chạp 1934, y đã ký một đạo luật dự trù những vụ truy tố theo hình luật (tiếp theo sự giam cầm) đối với những người nào « mà các lời tuyên bố tỏ ra một thái độ chống đối đảng Quốc-Xã hay các lãnh tụ của đảng ». Thiệt là một trong những công thức hữu hiệu và tốt đẹp nhất để cho phép bắt giữ gần như bất kể ai!.. Vả lại các Vệ-binh nâu sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở ấy !.. Sáu tháng sau, Hess dành những cơ sở Tình-báo và Phản- gián của Đảng cho cơ quan An-Ninh — cơ quan bất hủ S.D. (Sicherheitdienst) mà ngày nay người ta còn nhớ rõ ở trong các miền bị quân Đức chiếm đóng... Chính y lại ký các đạo luật «thuộc về chủng tộc » là dùng để duy trì sự thuần khiết của dòng máu Nhật-nhĩ-man, bóc lột các người Do-Thái gốc Đức hết thảy những quyền lợi sơ đẳng của họ và tích cực tham gia vào việc đấu tranh với Giáo - hội. Sau khi đã giữ một vai trò hoạt động rất hăng say và minh mẫn trong sự chuẩn bị những cuộc xâm lăng Tiệp-Khắc và Ba-Lan, y lại chuyên chú về việc tổ chức các lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền Đông. Ví dụ như trong các chỉ thị của y, người ta thấy những câu sau đây:

        « Các đơn vị Waffen — gồm có những người Quốc- Xã đầy kinh nghiệm — đã nhận được sự đào tạo rất hoàn hảo trong hết thảy những câu hỏi liên hệ tới vần đề chủng tộc. Vậy họ sẽ có đủ khả năng và tư thế hơn quân đội để giải quyết những vấn đề được đặt ra trong các miền ở phía Đông. »

        Công-tố viện Anh tuyên bố:

        —  «Nếu người ta nhớ lại những thành tích ghê rợn của các đơn vị Waffen trong các miền này thời chỉ có thể rút tỉa được một kết luận duy nhất: đó là căn cứ của một công cuộc tổ hợp lớn lao thuộc về tội ác !!..»

        Lại chính Hess đã «cải tổ» thủ tục hình sự áp dụng cho những người Ba-Lan và Do-Thái. Kể từ nay, hết thảy mọi «thái độ phạm pháp» của một người Ba-Lan hay Do-Thái, có thể bị trừng trị với bất cứ hình phạt nào, nhất là việc giam giữ trong một trại phục thù và các tội nhơn sẽ bị sử dụng vào những công việc nặng nề nhất. Ngày nay người ta đã biết rõ sự gì bí ẩn của công thức này : sự rùng rợn của trại Auschwitz với những núi thây sông máu !...

        . Rồi đột nhiên, Hess gián đoạn sự hăng say hoạt động của y cho lý tưởng Quốc-Xã để bay sang Anh!... Chính ngay lúc đó, đã rõ ràng y là một người mất quân bình về tinh thăn, nếu không nói là điên khùng. Đúng ra, y cần phải là một người đã hoàn toàn mất ý thức về sự thực mới bày tỏ với người Anh những đề nghị quái đản huyền hoặc. Sau khi đã đe đọa Anh về một sự thất trận hoang đường — bị đói khát vì sự phong tỏa của các đoàn tâu ngầm, bị nghiền nát vì hàng đoàn oanh-tạc cơ, nhiều như ong vỡ tổ — y bèn đề nghị với Anh khả năng kết thúc bằng một nền hòa bình danh dự với các điều khoản :

        — Trả lại những cựu thuộc địa của Đức ;

        — Khai trừ ngay Churchill« vì người ta không thể nào xin Thủ-lãnh Hitler thương nghị với tên xách động chiến tranh ấy ! »

        — Đức Quốc-Xã được tự do hành động trên lục địa Âu Châu.

        Ngược lại Hitler sẽ để cho Anh được hoàn toàn tự do ở trong nội bộ Đế-quốc Anh. (Dù sao đó cũng là một điều khá lịch sự khi người ta nghĩ đến những người Anh sẽ có quyền săn sóc đến chính Đế-quốc của họ !..)

        Vả lại ngay ở Nuremberg, Hess hãy còn đóng tới cùng vai trò loạn trí ! Chẳng biết đấy có phải là một vai trò không ? Thực ra, trong nhiều bức thư gởi cho vợ, y đã xác nhận là y chỉ giả bộ điên khùng... Nhưng cũng đúng như sự nhận xét rất tinh tế của một ký giả Pháp : « Một người giả bộ đủ hết mọi thứ và trong mọi thời gian... Thực sự không phải là người bình thường ». Và Churchill — người đã có trong tay tất cả những tin tức liên hệ đến Hess — sẽ viết năm 1950 :

        « Đã hiển nhiên đó là một trường hợp thuần túy thuộc về bệnh viện !.. »
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2018, 08:21:33 pm »


        Henri Bormann — người sẽ được thay thế Hess, cầm đầu bộ máy của đảng — là nhơn vật bí hiểm của chế độ Quốc-Xã, bị cáo do Toà-án Quốc-tế Nuremberg sẽ xử khuyết tịch. Một bản án đã biết từ trước: trong tất cả những lãnh tụ Quốc-Xã, Bormann — con người hết lòng và nhắm mắt theo Hitler — chắc chắn là tên cuồng tín nhất í.. Chỉ cần đọc lên một vài đoạn trích lục trong bao nhiêu mệnh lệnh, sắc luật và chỉ thị có mang chữ ký của y :

        « Các đân tộc Tư-lạp-phu ư ? Họ sẽ làm việc cho chúng ta. Còn đối với những người trong bọn ấy, do chúng ta không biết sử dụng họ vào việc gì thời họ phải chết !.. Vậy thiệt là vô ích để phổ biến khắp nước Ba-Lan những phương pháp của chúng ta về vấn đề chủng đậu và vệ sinh công cộng. Cả đến sự mắn đẻ huyền hoặc của vợ họ cũng có thể làm cho chủng ta bứt rứt, khó chịu : Vậy các người đàn bà ấy cần phải phá thai và các người đàn ông căn phải uống thuốc phòng ngừa — họ càng có ít con thời lại càng tốt đẹp hom nữa ! Sự giáo dục ư ? Vô ích và lại còn nguy hiểm ! Họ chỉ cần học để biết đếm tới một trăm là quá đầy đủ cho công việc lao động của chúng ta sẽ dành cho họ. Ta sẽ để lại tôn giáo cho họ vì sự đó sẽ choáng thì giờ của họ. Còn về thực phẩm, họ cần phải học tập để siết chặt dây lưng... Ta chỉ cho họ để tạm sống thôi, không có hơn !.. Dù sao chăng nữa, chính chúng ta là những Lãnh-chúa thời chúng ta cần phải phục vụ cho bản thân mình trước tiên !.. »

        Hoặc là nói về sự lưu đày các người Do Thái : « Chính vấn đề này — trong sức mãnh liệt của những sự kiện, trong quyền lợi tối hậu về sư an ninh của dân tộc Đức chỉ có thể giải quyết bằng sự cứng rắn tàn nhẫn, không chút xót thương !...»

        Tuy nhiên, trong số cận thần của Hitler cũng gồm có những người bớt cuồng tín hơn và mới thoạt đầu, có vẻ dè dặt, thận trọng hơn ! Ở Nuremberg, người ta thấy ở trên ghế bị cáo hai người rất thanh nhã, siêu việt, sau khi đã chia xẻ lâu dài những trách nhiệm cao trọng của chế độ, nay lại vội vàng chân giò lảng xa.. Sau cùng, tòa án chấp thuận các lý lẽ và chứng cớ của họ : Franz Von Papen và Hjalmar Schacht được tha bổng !

        Tuy nhiên không phảỉ là thiếu gay cấn, cam go. Trong những cuộc biện luận, hai người này đã bị vặn hỏi, xoay xở khá điêu đứng và không phải là họ dễ dàng thoát hiểm nên cũng không dám tự hào...

        Papen — người thứ nhất phải trả lời về thái độ của mình — con người mà lịch-sử sẽ luôn luôn gọi là cấp-dưỡng-viên của Hitler ! ». Tuy nhiên kể từ triều đại Quốc-Xã, con người quý tộc có nguồn gốc cổ xưa ấy đành phải hài lòng với một vai trò thứ yếu. Đối với một cựu Tể-tướng đại thần thời lần lượt kể cả hai chức vụ Đại-sứ ở Vienne (1934) và ở Ankara (1939) cũng không thể nào cấu tạo nên những cương vị xứng đáng với y !... Hơn thế nữa, y lại chấp thuận các nhiệm sở này theo phương thức một kẻ gia-nô mà chủ nhơn muốn kêu gọi hay tống khứ lúc nào tùy theo sở thích...

        Với cương vị của một nô bộc rất thạo việc, Papec đã luôn luôn biết yên lặng trước hằng hà sa số những tội ác của chế độ — cũng như trước những sự ngược đãi Giáo-Hội mà theo thường tình phải làm khích động, phẫn uất con người Công-giáo ngoan đạo này, huynh trưởng các giáo dân ở Đức. Chính điểm này đã gây ra nhiều sự khó chịu cho y, lúc David Maxwell Fyve, đại điện công tố Anh nêu lên một vài câu hỏi đặc biệt :

        Fyve : Tôi tưởng chắc ông còn nhớ là ở thủ đô Vienne, sau vụ Sáp-nhập Áo vào Đức (Anschluss : 11-3- 1938), ông đã giới thiệu Đức Hồng-Y Innitzer với Hitler chứ ?

        Papen : Phải.

        — Bây giờ tôi muốn mời ông suy ngẫm về phương thức người ta đổi xử với một vị Hồng-Y. Tôi xin đọc để ông nghe lời khai có tuyên thệ của viên bí thơ của Ngài là Linh-mục Weinbacher :

        «Ngày 9-8-1938, một đám đông thanh niên biểu tình đập vỡ cửa kính tòa Hồng-Y, đâm thủng cửa lớn, ùa vào bên trong. Các giáo-sĩ có mặt ở đấy chỉ kịp thời kéo Hồng Y vào trong một nguyện đường nhỏ... Các người biểu tình xông vào buồng riêng của Hồng-Y và cướp phá một cách hung dữ khôn tả xiết !.. Họ đập phá đồ đạc, các đèn treo và đặc biệt nhất là những cây Thánh giá. Rồi chúng phá tan hoang những cửa lớn cua nguyện đường. Bị một tấm ván ném mạnh trúng đầu, tôi té quỵ. Tuy nhiên tôi còn trông thấy độ năm hay sáu tên vô lại túm chặt lấy Hồng-Y, vừa đầy ngài ra phía cửa sổ vừa hét vang :

        — «Hãy ném nó ra ngoài kia, tên nhớp nhúa !..»

        Khá lâu sau, cảnh sát mới tới nơi : một sĩ quan xin lỗi chúng tôi ; một đại diện sở Mật-vụ vừa nói những câu mơ hồ để xin lỗi, vừa tuyên bo là những cảnh sát viên đã không sốt sắng đến can thiệp kịp thời !.. Trong thời gian đó, những người biểu tình khác đã tấn công các văn phòng nhà thờ Saint Etienne và ném một Linh mục qua cửa sổ. Con người đáng tội nghiệp này bị gãy hai xương đùi, phải nằm bệnh viện 4 tháng ».
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2018, 08:22:00 pm »


        Thưa ông Papen, ông vẫn nghe tôi đấy chứ ? Vậy chính ông đã có một vài trách nhiệm cá nhơn đối với Hồng-Y Innitzer phải không ? Ông đã giới thiệu Ngài với Hitler ; ông đã coi Ngài dường như một người được ông bảo vệ. Tôi tưởng là ông đã biết rõ những biến cố ấy chứ ?

        — Phải, nhưng chỉ mãi về sau này,

        — Thế hồi đó, ông đã phản kháng như thế nào ?

        — Thưa ông Fyve, tôi xin phép nhắc lại để ông nhớ là hồi đó, tôi đã rời bỏ chánh trường độ 6 tuần lễ rồi. Vậy tôi không có liên hệ gì với mọi biến cố nữa. Nói như thế, tôi vẫn công nhận là những xúc phạm đối với vị Hồng-Y Giáo-chủ thành Vienne không thể nào chấp nhận được và phạm trọng tội. Nhưng một lần nữa, tôi cũng chỉ là một người thường : các nguồn tin tức của tôi chỉ vỏn vẹn có những điều gì do báo chí có thể đăng tải...

        — Ông chưa trả lời vào câu hỏi của tôi : ông đã phản kháng như thế nào ? Phải chăng ông đã nói với chúng tôi: ông là một người trong số các lãnh tụ Thiên- Chúa giáo ở Đức. Liệu ông có tin tưởng một cách đúng đắn rằng ở Đức, không hề có một giám mục nào —  tôi nói gì ? — không hề có một Linh-mục nào lại không biết rõ sự đối đãi tàn bạo, ghê rợn với một vị chức sắc của Giáo-hội ư ?

        —Tôi không hề nghĩ như vậy. Về phía khác, ông có thể khó khăn đòi hỏi một người thường như tôi lúc đó lại hoạt động một việc công cộng ư ? Ông đã chịu khó nhọc giới thiệu Hồng-Y với Hitler. Vậy ít nhất ông vẫn có thể viết thư cho Hitler. Không những ông không làm chi cả mà 6 tháng sau, ông lại nhận chức vị mới đó y kính tặng ông !...

        Hjalmar Schacht — giống hệt như Frans Von Papen đã nâng đỡ Hitler trèo lên yên ngựa, hay nói theo người Đức : « y giữ ngựa cho Thủ-lãnh ! » — cũng trợ lực Hitler sử dụng những nguồn lợi kinh tế của Đức để đạt tới các mục tiêu chánh trị. Schacht —. thực sự là một « phù thủy về tài chánh », kinh-tế gia lừng danh quốc tế (và rất chánh đáng !) — đã vận dụng hết mọi khả năng cá nhơn để phục vụ một người mà không thể nào y lại không biết rõ những khuynh hướng và chủ trươ.ng phạm tội ác. Ở Nuremberg, công tố viện Mỹ, Jackson, đột nhiên khiển trách y nặng nề... nhưng cũng cần phải cao tay án hơn nữa để làm cho một người như Schacht bối rối...

        Jackson : Theo biên bản của phòng Dự thẩm, năm 1938, trong một bữa tiệc, ông đã nói với một người đàn bà ngồi cạnh : « Thưa bà, chúng ta đã rơi vào tay một bọn phạm tội ác ! Ai có thể ngờ đâu như vậy ?. Ông có nhớ lời khai ấy không ?

        Schacht : Chắc thế : chính luật sư của tôi đã đọc lên ở đây.

        — Tôi tin chắc là ông sẽ vui lòng giúp đỡ tòa án bằng cách nói cho chúng tôi biết rằng ai là những kẻ phạm tội ấy ?

        — Hitler và các bạn của y.

        — Vậy ông cũng ở trong thành phăn đó phải không ?

        Schacht, dưới triều đại Quốc-Xã, trở thành một trong so các chủ nhơn ông vĩ đại của nước Đức : chủ- tịch Ngân Hàng Quốc-Gia (Viện phát hành trung ương). bộ trưởng Kinh-tế, nhà « độc tài» về sự tổng động viên kinh tế. Tuy nhiên, năm 1959, y lại rời bỏ chức chủ tịch Ngân hàng Quốc gia. Ít lâu sau, y lại mất thêm các quyền hành khác để trở thành Quốc-vụ-khanh, không có quyền hành rõ rệt cho mãi tới năm 1945.

        Jackson : Ta chớ nên đi nhanh quá !.. Có phải năm 1936, chánh-phủ Quốc-Xã đã tung ra bản kế hoạch Tứ niên bất hủ không ? Và Hitler đã chỉ định Goering là chỉ huy trưởng và chịu trách nhiệm về kế hoạch ấy. Và ông đã không tán thành sự bổ nhiệm này. Tại sao thế ?

        Schacht : Theo ý kiến tôi, Goering không phải là người xứng đáng với một nhiệm vụ tương tự ! Dù sao chăng nữa, Kế-hoạch Tứ niên cũng mở đầu một đường lối chánh trị trái với đường lối chánh trị của tôi : đó là bước đầu của sự tái võ trang thái quá trong khi tôi chủ trương và ưa thích sự tái võ trang từ tốn, dần dần...

        —  Đó chính là điều tôi muốn nói. Thế là trong lãnh vực này, cái điều ngăn cách ông với Goering không phái chính là sự tái võ trang nhưng giản dị chỉ là vấn đề tìm hiểu xem nền kinh tế Đức có thể tài trợ sự tái võ trang ấy tới mức độ nào ?... Tôi cám ơn ông.

        Nếu người Mỹ Jackson tưởng rằng Schacht đã chịu thua ngay thời lầm to ! Vì con người nhiều thủ đoạn, cố đấm ăn xôi này phản kháng kịch liệt sự xác nhận ấy và những lập luận của y, vừa tinh tẽ vừa chặt chẽ, đến nỗi cuối cùng tòa án phải chấp nhận. Trong các lý do của bản án, Schacht sẽ được coi như là một nhơn vật đầu não của chánh sách tái võ-trang, nhưng người ta lại cho y hưởng trường hợp giảm khinh là chính ngay sự tái võ-trang cũng không phải là một hành vi trọng tội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2018, 08:22:29 pm »


        Walter Funk — người kế vị Schacht, đứng đầu Ngân-hàng Quốc-gia và bộ Kinh-tế — lại không thoát hiểm một cách dễ dàng như vậy !.. Đối với y, Công tố viện đã sử dựng một hồ sơ dày cộm, hết đường chối cãi !.. Bắt đầu bảng một đoạn trong bài diễn văn của y đọc ngày 17-11-1938:

        — Quốc gia và Kinh tế cấu tạo nên một toàn thể. Đường hướng của toàn thể này cần phái theo đúng nguyên tắc chung. Chứng cớ điển hình và hoàn hảo nhất là sự diễn tiến mới đây của vấn đề Do-thái ở Đức. Không tài nào có thể loại trừ hết những người Do- thái ra khỏi đời sống chánh trị mà lại cứ để cho họ có quyền tham gia vào đời sống kinh tế!.. »

        Vả lại Funk cũng không mấy khó đễ để công nhận rằng sự thanh toán kinh tẽ các người Do-thái — và tài sín của họ — chính là công trình thiết yếu của y !.. Tưởng cũng nên nói để giải tội cho y là lúc ban đầu, y chống đối sự trưng thu trọn vẹn các người Do-thái —  về động sản cũng như bất động sản — do Đảng yêu sách. Rồi y đành nhượng bộ — « để tránh sự phân tán những tài sản Do-thái » — đúng sự thực là để theo dõi cho của cải cướp bóc được trở về với tài sản Quốc- gia!..   

        Lúc khai đến đây, y bị một trong số các nhân viên Công-tố ngắt lời:

        — Lẽ dĩ nhiên chắc ông đã biết rõ là những sự cướp bóc, lưu đày, tàn sát đã làm theo đúng chỉ thị của Đảng phải không ?

        Trước sự kinh ngạc, sững sờ của mọi người, Funk bỗng cúi đầu, bật khóc nức nở và công nhận:

        — Đúng thế !.. Đáng lẽ lúc đó, tôi đã phải từ chức hồi năm 1938. Chính vì thế mà tôi đã phạm tội — tôi có tội — tôi thú nhận là tôi có tội!,.

        Sự đồng mưu giữa đường lối chánh trị với những tay tổ về kinh tế, xuất hiện đặc biệt hiển nhiên ở trong cái mà người ta gọi là « vụ vàng của ngân hàng Quổc- gia ». Vụ này được tiết lộ do Puhl, cựu phó chủ-tịch Viện Phát hành, một người mà do sự trớ trêu của định mệnh, Funk lại nại ra làm nhơn chứng gỡ tội cho y !.. Puhl khai:

        —  «Mùa hè năm 1942, Funk báo cho tôi biết rằng y đã hứa với Himmler là sẽ tàng trữ trong két của chúng tôi, số vàng ngọc và nữ trang của cỡ quan trung ương Vệ-binh SS. Vậy tôi phải liên lạc với một người tên là Pohl, trương ban tài chánh SS. Và kiểm soát kinh tế các trại tập trung. Khi tôi hỏi đến xuất xứ của số vàng ngọc và nữ trang này thời Funk thoái thác trả lời lơ mơ rằng đó là vật dụng tịch thu ở trong các lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền Đông và tốt hơn hết là tôi chớ nên đề cập tới...

        «Các đồ vật ký thác của Vệ-binh SS gồm có nữ trang, đồng hồ, gọng kính vàng và răng vàng. Hằng hà sa số!.. Chúng tôi có thể nhận biết điều ấy vì họ muốn bán các thứ vật dụng này, đã nhờ sự trợ giúp của các nhơn viên Ngân-hàng Quốc-gia, luôn luôn với sự thỏa hiệp của Funk. Tôi được dẫn đi coi những két sắt. Một đứa con nít cũng hiểu biết ngay đó là các chiến lợi phẩm nhặt nhạnh trong các trại tập trung ! Việc bán các vật dụng này — theo mệnh lệnh của Funk — bổ xung cho một ngân quỹ tồn khoản lên tới hơn 10 triệu Đức-kim và cơ sở kinh tài SS. Có thể sử dụng để đài thọ những cơ xưởng chính yếu được khai thác do các nhơn công của những trại tập trung ». Nếu Funk chỉ bị kết án khổ sai chung thân là vì tòa-án không hề đánh giá quá cao về cá tính của y. Trong các lý do của bản án, người ta đọc thấy:

        «Tuy giữ các chức vụ lãnh đạo nhưng thực sự Funk chỉ đóng vai trò một kẻ thực hành.»

        Sự thực là nếu đem so sánh với các cấp chỉ huy Vệ-binh s s, tập hợp trong các xí nghiệp quốc doanh "khổng lồ về cướp bóc và sát nhơn này, Funk hiện diện như một tiểu công chức, không hơn chi hàng Phó Giám-đốc !...

        Còn về «năng suất» thực sự của xí nghiệp s s, chắc chỉ cần nêu lên một vài con số là đủ ! Chúng tôi tạm mượn những con số này trong một báo cáo của Globocnik, đại tá SS gởi cho Himmler về vấn đề : «Chiến dịch Reinhardt» ( gọi theo tiểu danh của Heyđrich), bao hàm toàn thể những biện pháp thích nghi để thâu lượm các tài sản của những người Do-Thái ở Ba Lan hoặc là những người Do-Thái ở ngoại quốc bị lưu đày tới Ba-Lan. Một hoạt động rất đắc lực : truất hữu luôn các bất động sản, sử dụng tối đa nhơn công ở các trại tập trung, thâu nhặt các chứng khoán, ngoại tệ, vật dụng có giá trị đủ loại (gồm cá những vẫy hàn, vỏ bọc, răng giả bằng vàng !...). Sau một bản kê khai gồm nhiều trang, Globocnik kết luận:

        «Tổng số giá trị của danh sách này độ 180 triệu Đức-kim. Tuy nhiên vì chúng ta chỉ căn cứ trên một trị giá tối thiểu nên tổng số thực sự cũng không kém gấp đôi tổng số kê trên ! Tưởng cần nên thêm vào đó các quần áo của tội nhơn mà việc góp nhặt đã cho phép chúng ta gởi đến cho các nhà máy dệt Đức gần hai ngàn toa xe lửa các thứ tơ sợi đủ loại .. »

        180 triệu Đức-kim !... 2.000 toa tơ sợi!... Rất ít công cuộc tư nhơn nào lại có thể thực hiện được một con số kinh doanh tương tự !... sự thực là những công ty khổng lồ luôn luôn hoạt động với sự giáng phúc, ban phép lành của một quốc gia có uy quyền vạn năng!..
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2018, 07:46:01 pm »

       
*

*       *

        Sự khao khát uy quyền có thể bao trùm những sắc thái rất khác biệt từ vẻ lộng lẫy, huy hoàng đầy khiêu khích của một Tiểu-vương ở Đông-phương đến sự yếm thế khắc nghiệt của một Rockefeller!... Đối với một vài lãnh tụ Quốc-Xã, sự khao khát uy quyền được thể hiện bằng cách lũng đoạn và độc chiếm các tước hiệu và chức vị. Nhất là trong trường hợp của Goe- ring, Himmler và cũng như một nhơn viên cao cấp gương mẫu là Frick !

        Không thể chối cãi được rằng Frick là một viên chức thơ lại số 1 của chế độ Quốc Xã. Bộ-trưởng Nội- vụ trong Nội các thứ nhất của Hitler, y giữ chức vụ chủ chốt này cho tới tháng tám 1943 là thời kỳ y được bổ nhiệm«Bảo-hộ viên » — nghĩa là Cao ủy — miền Bohême-Moravie. Trong mười năm liền, y tập trung vào người các chức vụ: bộ-trưởng Nội vụ, giám đốc Cơ-sở bầu cử, Tổng thanh tra Hành-chánh, hội viên Hội-đồng Quốc-phòng, Nội-các Chiến-tranh, cơ quan phối trí Trục Tam-cường (Đức, Ý, Nhật).

        Với nhiều phẩm tước tương tự, y sẽ tổ chức cuộc sai áp của Đảng đối với những cơ cấu của Đức-quốc và của nhân dân ; y sẽ triệt để hủy bỏ sự bán tự-trị của những « Laender » nghĩa là những Quốc-gia cũ (Bade Bavière,Wurtemberg...) cơ cấu tạo thành nước Đức. Nhất là y sẽ ký đạo luật bất hạnh và bất hủ hồi tháng sáu 1936, trao phó cho Himmler và đồng bọn sự hợp pháp giả tạo cần thiết cho việc hoạt động quỷ khốc thần sầu của chúng:   

        «Sẽ thiết lập trong bộ Nội-vụ chức vụ Chỉ-huy trưởng Cảnh-sát Công-an, để kết hợp dưới một uy quyền duy nhất mọi công việc của ngành C. S. C. A. ở Đức. Vị này sẽ có toàn quyền giải quyết tất cả những việc liên hệ tới hoạt động C. S. X. A.»

        Như vậy — theo nguyên tắc — là đặt Hitler, Trưởng-ban Mật-vụ (Gestapo) và Heydrich, Trưởng- ban An-ninh dưới quyền trực tiếp bộ trưởng Nội vụ nghĩa là Frick ! Nhưng tình trạng trực thuộc theo lý thuyết này lại có những hậu qua kỳ cục, dễ tức cười!... Cũng vì Frick thử cố gắng — không một kết quả nào ! — ngăn cản chút xíu những vụ lạm dụng quyền hành thường xuyên của Himmler, nên tên này lạnh lùng dự tính cho ám sát Frick. Như thế lại chứng tỏ — thêm một lần nữa — trong chế độ Cảnh-sát Công-an, sở Cảnh-sát có nhiều xu hường lấn bước trên toàn thể việc Hành-chánh: ở Nga-sô, Staline chết rồi, các người kế vị chỉ có thể cai trị được, sau khi đã thanh toán Béria, chỉ huy tối cao cơ quan Mật-vụ (N. K. V. D.) ! Tưởng cũng nên nói thêm là Frick đã nỗ lực kìm hãm Himmler, không phải vì lý do nhơn đạo, nhưng duy nhất chỉ muốn củng cố uy-quyền cá nhơn ! Với cương vị Bộ-trưởng Nội-vụ, y kiểm soát toàn thể các trại tập trung ; y là nguồn gốc của pháp luật bài Do- Thái và áp dụng những biện pháp thích nghi «làm cho người sắp chết mê đi... » Năm 1943 — sau vụ tiêu diệt khổng lồ các người Do Thái ở Ba-Lan — y lại ký sắc lệnh đặt những người sống sót ra ngoài vòng pháp luật! Hết thảy mọi việc đó — với sự lập nghiêm lạnh lùng của một nhơn viên cao cấp ở bên kia bờ sông Rhin — là thứ máy móc hữu hiệu thực sự nghiền nát một cách dửng dưng những bản thống kê và những mạng sống con người ! Đó là một bức danh họa rất hoàn hảo về lời nói bất hủ này của triết gia lừng danh Nietzsche : « Quốc-gia !... Quốc-gia !... Mi là thứ ghê gớm nhất trong các loài quái vật !... »
     
        Đó là nhờ những người như Funk và Frick có thiên tài tổ chức — nhưng thiếu sót thận trọng ! — nên guồng máy hành chánh của Hitler đã có thể quay đều... quay đều cho đến cuối cùng, không va chạm, gần như không kêu cót két... những người chớ hề bao giờ tự hỏi là mọi hành vi của chúng có thích nghi với nền luân lý sơ đẳng nhất không, chớ hề bao giờ chúng có tự vấn lương tâm không ?... Cho đến nỗi gánh nặng bao la và tội ác của Hitler rốt cuộc sẽ trút cả lên đầu chúng !...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2018, 07:52:12 pm »

    
DANH-DỰ QUÂN-NHÂN

        Trong số các bị can của Tòa-án Quốc-tế Nuremberg, những đại chức sắc về quân sự được phân biệt khá dễ dàng, mặc dù những cựu tướng lãnh hay đô đốc này không còn mang các phù-hiệu theo cấp bực của họ nữa !... Họ ngồi rất ngay ngắn và nói với sự vắn tắt nhưng rõ ràng của một sĩ quan nhà nghề. Và khi Công-tố viện đặt họ trước những tội ác đã phạm thời hết thảy đều nại ra tinh thần kỷ luật, tuân theo thượng lệnh và danh dự của quân nhơn. Thứ danh dự ấy — mà tùy theo những cấp bậc khác biệt — họ đã siêng năng bôi nhọ tận tình !...

        Để nhận xét rõ ràng là sự vâng lời mù quáng này có thể dẫn dắt tới những hang sâu vực thẳm nào... chỉ cần nêu lên đây các điểm chính yếu của bản án kết tội tử hình thống chế Keitel:

        1) Keitel hoàn toàn biết rõ các dự định xâm lăng của Hitler đối với Ba-Lan, Tiệp-Khắc, Bỉ, Hòa-Lan, Nam-Tư, Hy-Lạp và bán đảo Scandinavie : Na-Uy, Đan-
Mạch, Thụy-Điển !... Vả lại y còn giữ một vai trò quyết định trong việc điều nghiên các dự định này.

        2) Ngày 8-9-1941 — khi bộ Tư-lệnh tối cao Quân lực Đức ban bố những chỉ thị vô nhân đạo về việc đối xử với các tù binh Nga-Sô — trong một bức thư gởi cho Keitel, chính Canaris đã nhấn mạnh rằng các Hiệp-ước Quốc-tế cấm ngặt mọi sự can thiệp cảnh- sát vào trong lãnh vực này. Thế mà ở rìa mép tài liệu ấy lại có câu chú thích sau đây đo chính tay Keitel viết và ký tắt :

        « Những thận trọng quá đáng của ông rất phù hợp với quan niệm cổ truyền của một cuộc chiến tranh nghĩa hiệp ! Ở đây là sự tiêu diệt cả một ý thức, triết-lý không tưởng! Vì thế nên tôi hoàn toàn tán đồng và lãnh đủ trách nhiệm về các biện pháp thích nghi liên hệ.»   

        3) Chính Keitel — ngày 4-8-1942 — đã ra lệnh giao phó cho Cơ sở An-ninh SD, các lính nhẩy dù Đồng-minh bị bắt trên lục địa.

        4) Keitel chỉ thị cho các nhà chức trách quân sự trong các nước bị chiếm đóng phải hợp tác với đoàn « Biệt-kích Rosenberg » có nhiệm vụ cướp bóc các Bảo- tàng viện và những sưu-tập nghệ thuật quý giá của tư nhơn.

        5) Ngay từ 16-9-1941 — để phòng ngừa những vụ mưu hại các lính Đức ở các nước miền Đông — Keitel đã hạ lệnh sẽ bắn bỏ để thế mạng cho một tên lính Đức, từ 50 đến 100 tên « cộng sản»!... Ngày 1-10-1941, y chỉ thị cho các Tư-lệnh
Vùng phải thường xuyên có sẵn sàng những con tin để « tùy nghi sử dụng », trong trường hợp kịp thời, có thể hành quyết chúng ngay tức khắc!

        6) Sắc lệnh ghê rợn: «Đêm tối và Sương mù » mang chữ ký của Keitel.

        Làm thế nào có thể hòa giải, thỏa hiệp được một «hồ sơ» tương tự với những lời xác nhận của Keitel — đã được nhắc nhở nhiều lần — theo đó y chỉ có phận sự thi hành với tư cách quân nhơn, trong tinh thần truyền thống quân sự thuần túy ? Tòa-án Nuremberg đã nỗ lực, một cách lương thiện, thứ giải thích mâu thuẫn ấy bằng sự nghiên cứu tính tình bị can. Thống chế Veto Blomberg, cựu Bộ-trưởng Chiến-tranh và cựu Tướng-lãnh Quân lực Đức đã khai về vấn đề này:

        — «Chớ hề bao giờ Keitel thử phản kháng chút xíu về những quyết định của Hitler. Chắc chắn là y bất lực không làm nổi ! Trở thành một thứ dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Hitler, y dần dần tự đặt mình vào trong một tình trạng vượt quá năng lực của y. »

        Đó cũng rất phù hợp với lời bào chữa của chính Keitel:

        — « Chắc chắn là tôi có quyền hành và cả nhiệm vụ phải trình bày những quan điểm của tôi, nhưng đó chỉ là thứ quyền hành trên lý thuyết ! .. Hitler —  hết thảy những ai quen biết y đều xác nhận điểm này —  chỉ cho phép kẻ đối thoại nói độ một hay hai câu là cùng! Rất mau lẹ, y độc chiếm cuộc thảo luận để hoàn toàn làm khô cạn đề tài — theo phương thức của y. Rồi y đột ngột đề cập tới vấn đề khác, hoặc là chấm dứt
ngang xương cuộc tiếp xúc. Sau này, gần như không tài nào ai có thể trở lại một vấn đề do y đã giải quyết xong xuôi».

        Và Goering — được luật sư bào chữa cho Keitel hỏi tới — nhớ lại một hôm, thống-chế Keitel đã nài nỉ xin kiếm cho y một chức Tư lệnh ở tiền tuyến: «Dù chỉ là một sư đoàn !... Ở bất cử đơn vị nào, bất cứ nơi nào... miễn là tôi có thể rời khỏi Đại tổng hành dinh của Thủ-lãnh !...»

        Nói tóm lại, Keitel là một tên nhu nhược !.. Tuy nhiên sự nhu nhược này — trước một tên thôi miên bị quỷ ảm như Hitler — không thể nào cấu tạo nên một sự miễn xá có thể dùng để tuyên cáo vô tội, khi người ta nghĩ đến những tội ác tày trời do tên múa rối này đã bằng lòng phạm pháp !.. Thiệt là một sự kiện vô cùng quái đản khi chính vẻ nhu nhược này hãy còn biểu lộ ra ở Nuremberg trong hậu trường của vụ án...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM