Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:04:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quỷ dữ đội lốt thánh nhân  (Đọc 8132 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2017, 11:33:14 pm »

Đêm ấy... xứ đạo Đại Phước im lìm. Nhà cửa cả xứ lại như một bầy chiên no cỏ ngủ say dưới chân người chăn giữ. Cha xứ Thánh Thiện không ngủ. Cha mở cửa sổ nhìn về phía tây bắc thành phố. Phía đó có những nhà kho, những bến cảng, những nhà máy thiết yếu, những con lộ lớn... Cha căng mắt nhìn, chờ đợi...

12 giờ đêm. Khi chuông nhà thờ đổ một hồi dài, xoáy vào không gian xứ đạo thì ở giữa nghĩa địa “Vườn cực lạc” con cú mèo đơn côi lại rúc lên mấy tiếng...

Kim phút chiếc đồng hồ Orient trên cánh tay của cha Thánh Thiện nhích lên từng phút... 1, 3, 4, 5. Bỗng một chớp lửa vàng xanh lóe lên ở phía cha đang chờ đợi. Rồi một tiếng nổ tiếp theo. Tiếng nổ như to hơn, dội hơn. Cha xứ thở phào. Một nụ cười mãn nguyện trong ánh đèn mờ ảo. Thêm một chiên lành xứng là “chiến sĩ trung nghĩa”. Cha nói trong sự vui mừng.

... Mờ sáng, người thanh niên mặc quần loe màu xanh, đi dép đế cao, màu nâu đã dừng honda trước tiệm hủ tiếu gần cửa nhà thờ. Anh ta ăn hủ tiếu và loan một tin: “Đêm qua, một nhà kho bị đánh mìn. Bó truyền đơn phản động buộc kỹ quá, không tung ra được nên bị cháy”.

Tin đó đến tai cha xứ trước khi người bán kem đeo kiếng mắt đen về báo với cha...

*

Lệ Thùy Dung còn có cái tên là Dung “vẹo”. Có ai hỏi vì sao cô lại đi làm nghề hớt tóc, Thùy Dung chỉ cười. Nụ cười ngậm kim, đôi môi chúm chím và đôi mắt mơ buồn nhìn vào khoảng không bao la...

Ông Bác Ái là người có thế lực số một trong xứ đạo này đã dàn xếp cho cô nhận một bàn trong tiệm hớt tóc tân nữ “Lim Dim”. Bàn của cô có đầy đủ tiện nghi nhất và ở phía trong cùng. Trên bàn, phía góc của tấm gương lớn để khách soi, cô gắn một tấm ảnh nửa người của cô, đôi cánh tay tròn lẳn nõn nà, đôi mắt tròn xoe, đôi môi mỉm cười như khơi gợi và chào mời mọi người. Từ hôm có Thùy Dung làm, tiệm hớt tóc tân nữ “Lim Dim” càng thêm đông khách. Tiệm đặt ở cái phố đông người nhất, cách đồn công an vũ trang biên phòng không xa. Nơi đó, thời Mỹ - ngụy đã từng mọc lên đủ các thứ tiệm như nấm độc mọc trên đất hoang... Tiệm hớt tóc “Lim Dim” dạo này có Can, chiến sĩ biên phòng thường lui tới. Mỗi tuần vài lần, anh đến cạo mặt, chải đầu. Và mỗi lần thấy anh lính đeo quân hàm xanh đến, Thùy Dung lại ra tận cửa, tươi cười mời chào anh vào bàn hớt của cô. Cô thật sự coi anh là khách quý. Sự hòa ái ngày càng thấm đẫm, anh trung sĩ càng ra tiệm nhặt hơn.

Thùy Dung chăm chú tỉa từng cái tóc cho Can. Thỉnh thoảng cô lại ngước nhìn vào tấm gương và liếc mắt nhìn Can trong gương, nở nụ cười tình. Chính lúc ấy, cái mũi cao của Thùy Dung mới lộ ra... hơi vẹo về phía phải. Can đã biết rõ Thùy Dung qua đồng chí chỉ huy đội trinh sát. Cô gái này đã từng nằm trong thẩm mỹ viện Thiên Nga hàng tháng để tái tạo sắc đẹp của mình. Thùy Dung ghé gần sát vào tai Can:

- Anh của em hớt thấp chút xíu mới đẹp nè. - Cô gái ôm đầu Can vằn vò nũng nịu. Can gỡ nhẹ tay cô. Cô gái cúi xuống, giọng rủ rỉ:

- Anh! Ở trong này, con gái đâu có thích đàn ông có vẻ đẹp của “người vườn”. Vẻ đẹp ấy chỉ để dành cho những con gà mái. Vẻ đẹp của đàn ông là phải có dáng như con gà chọi, phải lớn mào, dài cựa, đuôi cong sặc sỡ. Nghĩa là phải rậm râu, tốt tóc, mai nhọn, áo quần đúng mốt thời trang. Chớ mấy anh ở ngoài vô đây “người vườn” lắm. - Cô gái cấu vào tai Can một cái nhè nhẹ. - Râu nhẵn thín, gáy trắng nhởn, quần thì hai chân xỏ vào một ống cũng vừa. Gà mái lắm!

Can im lặng, rồi gượng cười:

- Mấy cô chỉ nói!

- Ô, chỉ biết nói “dậy” thôi! Đâu có biết nói chánh trị và uống nước lã.

Thùy Dung cắt tỉa cho Can kỹ lắm. Cô ríu rít bắt chuyện. Lúc thì cô ghé sát cái mồm đỏ chót vào tai anh, lúc lại ghé sát cái má hồng đầy phấn thơm thơm vào gần mũi anh. Can vẫn ngồi im, thỉnh thoảng mỉm cười đáp lại.

Thùy Dung bấm cái nút, chiếc ghế từ từ ngả ra. Người Can ngả dần theo tư thế như nằm ngửa trên vòng tay của cô ta. Thùy Dung cạo thật nhẹ, thật êm. Lưỡi dao ngọt xớt đưa khắp mặt, đưa xuống cổ, xuống vai... Can khoan khoái, lim dim mắt và miệng thì thào trò chuyện với Thùy Dung. Không biết vô tình hay mải chuyện, cô gái đặt mũi dao cạo làm đứt chút xíu da mặt Can. Cô cúi xuống không hề ngưỡng ngùng hôn “chút chút” vào chỗ đó: “Em đền nè. Em đền cho anh nữa nè - Mỗi lần nói cô lại hôn lên mặt anh một cái”.

... Can nhận lời mời đến nhà riêng để thăm ba má của cô là người đồng hương. Qua vài lần đi lại, Can trở thành khách quý của số nhà 15. Đó là một ngôi nhà hai tầng, kín đáo và yên tĩnh. Phía sau nhà là núi, trước là bãi tắm Thùy Dương, bên cạnh là “Bồ tát tĩnh xá”.

Can đến nhà số 15 với quan hệ đặc biệt: đồng hương Bùi Chu di cư vào năm 1954. Gia đình rất quý, rất thương Can. Lần này, Can đến đúng giờ mà Thùy Dung hẹn. Cô đưa Can vào phòng riêng. Cô cầm tay Can và xỏ vào ngón tay anh một chiếc nhẫn vàng có đính viên kim cương lấp lánh.

- Anh nè! Em đơn côi lắm. Đêm đêm em thường cầu nguyện cho em được ở gần anh. Anh có biết không?

Thấy Can giơ ngón tay nhìn chiếc nhẫn, Thùy Dung cợt nhả:

- Ôi! Còn có cái này nữa nè. Em để dành cho anh miết đó. Em sắm cho anh xài từ ngày mới quen kia.

Vừa nói, Thùy Dung vừa cầm cái đồng hồ tự động hiệu Titoni đeo vào cổ tay cho Can. Can cười:

- Tôi rất quý Thùy Dung...

- Phải nói hơn thế nữa chứ anh!

Can chỉ cười và anh cởi chiếc đồng hồ trong tay mình, đeo vào tay Thùy Dung và nói:

- Anh giữ cái nhẫn là được, còn đồng hồ, anh em họ biết... phiền lắm.

- Thì đã sao nào! Anh cứ xài đã. Anh hiểu là bắt được trên đường phố nè...

... Thùy Dung mở lase, lấy trái cây tiếp Can, lấy thuốc lá “ba số” cho Can hút. Cô hỏi anh muốn đọc gì, có muốn xem ảnh “người đẹp” không? Cô mở ngăn kéo lấy ra một tập ảnh con gái đủ các kiểu. Thùy Dung quàng tay lên vai Can. Anh gấp tập ảnh lại, nhìn Thùy Dung:

- Anh không xem cũng biết rằng mọi kiểu ảnh đều không đẹp bằng em.

- Anh ca em vừa thôi nè, kẻo em ấm đầu sổ mũi. Em đền anh đó. - Bỗng ... Thùy Dung ôm lấy Can. Cô tự bỏ áo ngoài, áo lót của cô ra... Cánh cửa đột nhiên mở. Hai người đàn ông đứng tuổi bước vào. Cả hai người chằm chằm nhìn Can. Rồi một người cười gằn, giọng lơ lớ nửa Nam, nửa Bắc:

- A! Anh dám dở trò ma quỷ giữa ban ngày à?

Can lấy lại bình tĩnh, vẫn ngồi hút thuốc. Can nhìn người đeo kính đen vừa nói câu đó. “Ai nhỉ! Sao quen quá?” Can lục tìm trong trí nhớ: A!... A! Can nhớ ra rồi. Thì ra tên này hay đạp xe đi bán kem khắp các phố ở đất Vũng...

- Các ông muốn gì? - Can nói.

- Anh có biết Lệ Thùy Dung là ai không? Là, là vợ của một thiếu tá hải quân cộng hòa. Ông ta đang ở bên Mỹ đó - Người đeo kính đen dằn từng tiếng.

- Thế thì sao? - Can vặn lại.

- Cô ta sẽ nói những điều này ra. Cả xứ đạo này đều biết. Cấp trên biết, anh tính sao?

- Nhưng sao các ông lại tính đến việc độc ác đó. Các ông định hại đến danh dự của tôi?

Người đeo kính đen cười nham hiểm:

- Không những chỉ hại đến danh dự mà còn hại đến hạnh phúc và sự nghiệp của anh. Nếu cô Thắm, người vợ rất đỗi yêu thương của anh biết chuyện này, anh nghĩ sao?

Can giật mình và tỏ ra vẻ sợ hãi.

- Các ông muốn gì? Các ông là ai?

- Là ai, rồi anh sẽ biết. Nhưng cái anh biết trước là muốn êm xuôi chuyện này đi, chỉ có chúng ta biết thôi thì anh phải làm việc giúp chúng tôi.

- Các ông bảo tôi phải làm cho các ông việc gì?

- Việc nhẹ thôi, chút xíu thôi, không khó khăn gì hết đó. Anh làm dư sức mà. Nhưng anh phải thiệt lòng. Nếu anh lật mặt thì sức mấy mà anh thoát khỏi tay chúng tôi. - Người đeo kính đen nói với vẻ úp mở, hăm đe.

- Nếu việc tôi làm cho các ông không may bị lộ? Tôi lo lắm!

- Anh lo chi cho hao hơi. Chúng tôi có “mật khu” kín đáo cất giấu anh. Chúng sức mấy mà tìm ra. Anh sẽ có cuộc sống sung sướng hơn. Nếu anh muốn vù đi xa như một cánh chim đại bàng vượt biển để có cuộc sống mới lạ thì đây, cô Thùy Dung xinh đẹp, cô sẽ đưa anh sang Hoa Kỳ, hay sang Đài Bắc, tùy anh thích...

- Đi bằng cách nào được? Tôi vẫn lo.

- Anh sẽ đi với em - Thùy Dung nhẹ nhàng nói. - Muốn đi loại bốn lốc, sáu lốc hay mười lốc là tùy ta chọn. Em sẽ vinh hạnh có một chàng kép sáng giá như anh. Anh trai em, trung tá hải quân đang ở ngoài đảo C.10. Thư về luôn đó nè. Anh cứ nhận làm việc với mấy ảnh và em đi. Anh muốn xài gì em đâu có thiếu. Nè anh, mọi việc ta làm ở trần thế này đều đã do Chúa Trời an bài sắp xếp cả đó anh. Đắn đo mà chi, lo sợ làm chi anh!

Thấy Can đã “chịu khuất phục”, hai người đàn ông kéo ghế ngồi gần Can. Hai người rầm rì bàn tính với Can. Lát sau một người nói như giao hẹn.

- Thế đó, tối thứ bảy này, vào giờ ấy... anh đưa tấm bản đồ tác chiến của đồn biên phòng của anh và hôm sau anh đưa luôn khẩu sung K.54 của ông đồn trưởng. Đúng hẹn, anh sẽ có món xài lớn đó nghe.

- Tôi vẫn còn lo, các ông phải bảo đảm tính mạng cho tôi chớ!

- Lo chi cho hao hơi. Anh không biết à? Cái ngày tuyển cử hôm nọ, Cộng sản giăng loa tuyên truyền, chúng tôi vất cả chục cái xuống biển mà đến nay chúng đâu có tìm ra. Lần ấy, tôi chỉ mất có hai lít rượu và mười con cá mực thôi nè.

... Ra khỏi nhà số 15, Can thở thảo nhẹ nhõm: “Mật ong để chung chai với nước lã dù xóc mỏi tay cũng đâu có hòa lẫn”. Can nhớ lời Lê Quang, đồn phó dặn dò, dự tính tình huống xấu, lúc anh đi.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2017, 12:16:13 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2017, 11:57:02 pm »

*

Trần Minh ngồi yên. Anh lặng người. Anh chăm chú nhìn tấm bản đồ trải rộng. Vùng đất Vũng trong bản đồ hiện lên trước mắt anh những núi Lớn, núi Nhỏ, bãi Thùy Vân, bãi Tầm Dương, bãi Dâu, Bãi Dứa, ghềnh, động, hải đăng... hiện lên bao thắng cảnh và kỳ tích nơi cửa ngõ đi vào Sài Gòn. Các kỳ tích đó gợi cho anh nhớ đến những người lính biên phòng thời xa xưa đến đây trấn giữ để “diệt tặc an dân” lập nên làng ấp...

Và, tại đồn biên phòng nơi anh đang ngồi đây là đồn lũy, là làng ấp của những người lính biên phòng năm xưa. Chiến tích, kỳ công, mồ hôi và máu của họ đã đổ xuống, đã khai phá nên những thắng cảnh này. Nay lũ giặc tuy đã cuốn đi rồi, nhưng hậu quả của chúng vẫn còn để lại. Hậu họa của chúng dồn về đây, dồn về xứ Đại Phước! Làm sao cho vùng biển của Tổ quốc được trong lành, vùng đất của Tổ quốc được an ninh trọn vẹn. Đó là trách nhiệm và vinh dự mà nhân dân giao cho các anh. Trần Minh cúi rạp mình trên tấm bản đồ. Anh soi tìm những địa chỉ, những nơi xảy ra những việc mới, nhất là các nguồn tin vừa báo về. Bỗng, Đồn phó Lê Quang bước vào:

- Thế là đã rõ ràng - đồn phó vui vẻ nói, giọng đầy tự tin - T.1 và D.5 đã báo cáo tình hình khớp nhau. Tên đội lốt cha đạo là chủ trò, nhà thờ xứ là nơi quy tụ. Tên đeo kính đen cũng là một tay “anh chị”. Tôi hơi bất ngờ tên bán kem này. Từ hôm ta bố trí cho D.5 gây ra vụ nổ trên đám cỏ không trong gian nhà tôn, thì tên này mới xuất hiện. 12 giờ 5 phút “nổ kho”, sáng sớm, anh em trinh sát đã thấy hắn đạp xe đến đó bán kem. Hắn có len vào tận nơi để xác minh “thất thiệt”, nhưng các chiến sĩ trinh sát đã đuổi ra. Anh xem, hồ sơ về hắn đây, T.1 và D.5 đã báo cáo.

Đồn phó đưa tập hồ sơ dày cộp. Trần Minh lướt nhanh trên hàng chữ: “... Người bán kem đeo kính đen, đi xe đạp nữ đã cũ, chuyên bán kem ở vùng đất Vũng, vùng Đại Phước và các xứ đạo ở Hố Nai... tên thật là Đậu Vằn. Hắn còn có tên là Vằn “còm”, nguyên là đại tá ở Cục tác chiến trong Bộ Tổng tham mưu quân ngụy. Hắn là người thân cận của tướng Ngô Quang Trưởng. Ngày giải phóng, hắn đã chạy về ẩn ở Hóc Môn rồi ra trình diện với cách mạng giả là trung sĩ quân tiếp vụ. Sau đó, hắn về Hố Nai, rồi chạy về xứ đạo Đại Phước, bắt liên lạc với cha xứ Thánh Thiện. Thấy để hắn ở trong nhà thờ không tiện, Thánh Thiện đã bố trí hắn về ở trong nhà chủ tịch giáo xứ Bác Ái. Bác Ái xếp cho hắn cái nghề bán kem. Hắn thường lấy kem vào buổi sáng ở hãng kem của Hai Quắm. Với cái nghề đó, hắn đã len lỏi đi khắp các nơi, len vào trụ sở các cơ quan nhà nước, các hội nghị quan trọng, các doanh trại quân đội, công an, các bến cảng, nhà kho... Hắn vào để dò la và móc nối với đồng bọn. Quê hắn ở vùng Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Hắn di cư vào Nam năm 1954, lúc đó hắn là vệ sĩ của cha đạo Lê Hữu Từ. Vợ hắn là một “ca sĩ” đã bỏ chạy sang Mỹ bằng trực thăng hồi tháng 4 năm 1975. Sở dĩ hắn có tên Vằn “còm” là ngày ở Cục Tác chiến quân ngụy, hắn chơi bời trác tang quá độ nên thân xác cứ còm cọi, quắt lại, trông vừa bẩn tướng, vừa hãm tài. Bọn cố vấn Mỹ đặt cái tên đó cho hắn. Hiện nay, hắn phụ trách quân sự trong tổ chức mà cha Thánh Thiện cầm đầu. Hắn trực tiếp vẽ bản đồ tác chiến, tập hợp tổ chức các sư đoàn, trung đoàn để đánh chiếm vùng Hàm Tân, Vũng Tàu, cắt đường 15, đường số 1, lấy vùng núi Gia Kiệm, Định Quán và đường 20 làm điểm tựa. Hắn đã tìm đất lập mật khu, nhưng chưa rõ vùng nào. Chúng tôi sẽ xác minh tiếp ...”

- Thế đó, bọn phản loạn đang thách đố ta! - Trần Minh gấp tập hồ sơ lại. Anh nói tiếp với Quang:

- Tiếc rằng tên Hám bị chúng giết hụt ta đang cứu chữa chưa tỉnh. Đó là nguồn tài liệu sống rất quan trọng để xác minh, đối chiếu các nguồn tin.

- Theo anh, tại sao chúng lại giết Hám? - Quang hỏi.

- Chúng định bịt đầu mối. Vì tên này đã biết những bí mật về chúng, kể cả nước ngoài. Và nữa, có thể tên Hám đã nói với lão cha đạo là vợ hắn đã làm lộ, nên chúng lo sợ.

Quang nói tiếp:

- Như thế, T.1 và D.5 phải luồn sâu thêm vào tổ chức của chúng để tìm cho ra hết bọn đầu sỏ, tìm cho ra “mật khu” và các tổ chức quân sự của chúng. Đây là một tổ chức phản động nguy hiểm. Ta phải nhanh chóng bóp chết từ trong trứng nước, với thời gian nhanh nhất, gọn nhất, không để chúng gây tác hại ảnh hưởng đến tình hình chung...

Trần Minh chỉ vào tấm bản đồ trước mặt:

- Chúng đang phát triển tổ chức ra cả vùng này. - Anh khoanh một vùng rộng có núi, có biển, có thành phố, có nhiều xứ đạo - Chúng ta có điều kiện đưa thêm người vào.

Quang đề nghị:

- Cho cả D.7 xuất trận. Nên đánh vào. Đánh sâu vào, T.1 và D.5 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng phải có lý do để rút ra đúng lúc.

- Như thế, việc trước mắt là yêu cầu ta phải nắm chắc về cơ cấu tổ chức, nắm chắc về lực lượng vũ trang và kế hoạch hành động của chúng. Nhưng, chớ để chúng gây ra án. Phải đề phòng chúng tung ra hỏa mù, pháo khói để lừa ta! Chúng xảo quyệt lắm!

... Bỗng đồng chí chỉ huy đội trinh sát bước vào. Đó là người được phép mặc quần ống loe màu xanh, đi dép mút đế cao, màu nâu:

- Báo cáo các thủ trưởng, có tin mới!

- Đồng chí vào đây! - Trần Minh kéo ghế cho đồng chí trinh sát ngồi. - Tin của ai?

- T.1 xin ý kiến về việc tên Đậu Vằn muốn T.1 trao cho hắn tấm bản đồ tác chiến của đồn chúng ta và khẩu K.54 của đồn trưởng.

- Chúng muốn thử T.1 đây! Còn gì nữa? - Trần Minh hỏi.

- Cơ sở báo tin, tên Hai Quắm có hãng kem “Kim Tinh” đang tìm một người lái tàu giỏi, trả công mười lạng vàng mỗi chuyến...

- Hay lắm, còn gì nữa!

- Đội tăng gia của đơn vị Y mất tích hai chiến sĩ, mang theo hai khẩu AK.

- A chà! Găng quá!

- D.5 báo tin, cha xứ gọi vào nhà thờ đọc tập san của chúng, in trong mật khu chuyển ra. Nhưng cha không cho cầm ra khỏi nhà thờ.

- Trong tập san nói gì? D.5 có báo cáo không?

- Tập san số 3 nói đến tôn chỉ, mục đích của “Mặt trận”, lời kêu gọi giáo dân, kêu gọi tàn quân ngụy ủng hộ “Mặt trận” thực hiện “nghĩa lớn”. Và, sau cùng D.5 cho biết chúng đang chuẩn bị một cuộc họp quan trọng của bọn đầu sỏ. Địa điểm họp, D.5 chưa nắm chắc...

Khuya lắm. Chuông nhà thờ xứ Đại Phước bên kia sông đã ngân rền. Chuông lễ dứt, chỉ còn ngọn đèn biển trên đỉnh núi thao thức, quay tròn.

Trần Minh, Lê Quang và đồng chí chỉ huy đội trinh sát cúi xuống tấm bản đồ. Họ đắn đo, tính toán từng mục tiêu, từng hang núi, từng bến sông, từng đoạn đường... để tìm ra và ngăn chặn âm mưu của bọn phản loạn. Cuối cùng, Trần Minh hạ một mũi tên đỏ đậm trên biển xanh. Anh nhìn hai người và kết luận:

- Cho D.7 xuất trận. T.1 làm theo yêu cầu của tên Vằn. Ban tham mưu tạo ra bản đồ. Đồng chí quân khí kiểm tra súng, cắt ngắn kim hỏa. Đ.5 lấy cho được “tập san” và phải tìm cớ để dự cuộc họp của bọn đầu sỏ. Đội công tác cơ sở phải có kế hoạch bảo vệ mẹ con chị Lan, đề phòng chúng trả thù hãm hại...!

*

Công đang ngồi im lặng. Trước mặt anh là vùng biển rộng. Mặt biển chẳng khác gì cánh rừng biên giới, nơi anh đã từng sống và chiến đấu! Ở đây, kẻ thù còn rình rập, còn bày lắm mưu mô để phá phách ta.

Lát sau, một người đàn ông đứng tuổi, khuôn mặt xương gầy, mái tóc muối tiêu đi về phía anh. Hai người gặp nhau ngồi trên cát.

- Anh Tư! - Công hỏi người đàn ông mới tới. - Ngày trước anh có quen với lão chủ hãng “Kim Tinh”?

- Ủa! Chú hỏi gì lạ vậy? Ngày ấy nó là thằng lính partisans đó, tôi còn lạ gì nó.

- Thế là hay lắm rồi đó. Anh về đây, lại có nghề lái tàu nữa, hắn sẽ “bập” ngay. Anh nhớ kỹ những điều tôi dặn: Thằng này tinh ranh lắm. Nó có học ở Mỹ về đây. Nhưng chúng tôi sẽ có kế hoạch và trách nhiệm bảo vệ anh. Nó hẹn tối nay gặp anh, anh cứ gặp. Anh đến chỗ hẹn nên chậm từ ba đến năm phút. Anh dè dặt nhận lời và chớ có vồ vập bất kỳ việc gì nó giao...

Công chuẩn bị chu đáo cho anh Tư, đây là một mũi tên nữa xuất trận: D.7.

... Hai người đàn ông vẫn ngồi dựa vào hai ghế bố sau hàng dừa tơ. Trước mắt họ, một cái bàn xây bằng đá. Trên bàn bày hai chai bia đã cạn, hai con cua bể đỏ gạch, một con tôm hùm. Con tôm như giương đôi mắt tròn nhìn hai người bạn cũ tìm gặp lại nhau, sau những năm dài vắng biệt! Và, cái râu nó loăn xoăn rung rung trước gió như cái cần anten vươn ra, nghe ngóng. Người đàn ông béo ụ, trán hói, hai má láng mỡ tên là Hai Quắm. Hai Quắm có hãng kem “Kim Tinh” chuyên làm các loại kem dừa, kem sầu riêng, kem chuối, kem dâu... ngon nhất vùng này. Hai Quắm quay sang nói chuyện với người trẻ hơn. Anh này hơi gầy, tóc bạc muối tiêu, nét mặt khắc khổ. Giọng Hai Quắm sặc mùi anh chị:

- Nè, chú Tư nói coi, vào dịp cuối những ngày tàn trên đất Bắc, dân chúng đi về bến tự do, chú vô đây bằng con đường nào đó?

- Anh Hai! Hồi đó, anh đi bằng máy bay của Hoa Kỳ, ngon ơ, còn tôi đâu có được. Mãi tháng 3 năm 1955, tôi mới xuống đến Hải Phòng mới được vô đây bằng tàu há mõm của Pháp đó. Cực lắm anh Hai à!

Tôi vô đây bỏ liền hai đứa con trai trong nhà thương Chợ Quán rồi đến lập nghiệp ở Hố Nai. Sau tôi xuống đất Vũng ở và tậu chiếc thuyền bốn lốc chở hàng thuê cho các hãng buôn. Cuối năm 1974, tôi có xáp anh Hai một lần. Tôi ráng gọi anh, nhưng anh đâu có biết.

- Ủa, đâu có!

- Có, trong một quán rượu nè. Ngày đó anh Hai mang lon đại úy biệt động quân mà...

Đúng, ngày đó Hai Quắm là đại úy biệt động của quân ngụy. Hắn gục đầu bên cốc rượu say khướt khượt, đâu có nhìn thấy ai.

Hai Quắm và Tư Hoán - tên người đàn ông có nét mặt khắc khổ - trong những ngày sống trên đất Bắc trước đây cùng ở một xứ đạo. Hai Quắm đi lính partisans đóng ở bốt gần nhà thờ Đá. Còn Tư Hoán biết năm ba chữ thì giúp cha dạy cho trẻ trong nhà trường tiểu học của xứ đạo.

- Chú bị kẹt, hay vì sao mà không đi với ông Thiệu?

- Cực lắm anh Hai à. Tôi định đi cho êm thấm cái thân. Nhưng khi tôi vô Sài Gòn đón hai đứa cháu ngoại đang gởi học ở trỏng về thì con gái, con rể tôi đã đi hết trọi rồi. Cái tàu bốn lốc của tôi làm ăn, tụi hắn cũng lái đi hút. Tôi đang muốn tìm ai đi, gởi hai đứa cháu sang cho chúng nó. Chúng hiện ở bang California đấy!

- Chú Tư định gởi cho ai đó? Đường biển hồi này kẹt lắm.

- Tôi định tìm mối, biết ai đi thì gởi. Hoặc có tàu đánh cá, tôi nhờ lái dùm đưa nó đi rồi tôi lại về. Chắc ở ngoài đã có tàu đón họ.

- Chú tìm mối ở đâu, coi chừng đó. Chú mà tin là kẹt đó nghe. Thời buổi này, giữ mình đó chú Tư!

- Dạ! Tôi nhớ lời anh Hai dặn!

- Tôi mách chú! - Hai Quắm ngần ngừ một lúc như đắn đo. - Chú Tư à! Chỗ thâm tình cả. Tình thương là gốc của đạo đó. Chúng ta là anh em chung dòng máu của đức Chúa Trời. Tuần xưng tội tới này, chú đến xưng tội rồi nói thiệt với cha xứ điều đó, để cha có cách chi giúp chú được không? Bởi mọi việc ở đời, Chúa đã an bài sắp xếp cả, mà lời cha là ý Chúa đó, chú Tư à!

- Dạ, Tôi nhớ lời anh Hai lắm!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 12:07:28 am »

*

Kỳ xưng tội đó, Tư Hoán khoanh tay cúi đầu quỳ trước mặt cha xứ Thánh Thiện. Tư Hoán chân thành kể hết mọi thứ tội lỗi mình mắc phải trong tháng lễ trọng “tháng trái tim Đức chúa Jesus”. Cha xứ căn vặn, tra hỏi nguyên do, ngọn nguồn từng điều, từng việc... Cuối cùng Tư Hoán nói với cha điều Hai Quắm dặn. Cha xứ Thánh Thiện nhìn chiên lành Tư Hoán không chút ngạc nhiên. Cha đã biết trước cái điều Tư Hoán sắp nói ra... Cha còn lạ gì con chiên này nữa. Ngày ở đất Bắc, Tư Hoán đã giúp cha dạy đám trẻ nít trong xứ đạo. Cha biết Tư Hoán là một con người phục thiện. Cha xứ nhìn chằm chằm vào gương mặt của Tư Hoán rồi chậm rãi nói: “Con! Nhưng dù có trọn vẹn niềm tin ở Chúa thì sự khôn ngoan của tụi Cộng sản cũng buộc phải coi chừng. Chớ để thớ lợ đó nghe con! Con hãy kíp gặp lại người bạn cũ của con. Người đó sẽ giúp con...”

Tư Hoán tìm đến nhà riêng của Hai Quắm. Đó là hãng làm kem “Kim Tinh”. Hai Quắm niềm nở hơn. Hôm qua, y đã cất công về Hố Nai để tìm biết gốc tích của Tư Hoán, y đã đến cả xứ Đại Phước để biết rõ gia cảnh hiện tại của anh. Y đã gặp chủ tịch giáo xứ Bác Ái để biết quan hệ của anh sau ngày giải phóng. Hai Quắm đã bàn với cha Thánh Thiện...

Việc hệ trọng cha giao cho Hai Quắm lập một con đường liên lạc trên biển từ đây sang đảo C.10. Con đường ấy sẽ thường xuyên đưa “thanh niên tử vì đạo” sang đó huấn luyện và đưa bọn tàn quân sang chuẩn bị lập đội hải quân “Chúa biển cánh buồm đen”. Con đường đó sẽ còn đưa người, đưa phương tiện các đội “yểm trợ” của người di tản từ châu Âu, từ châu Á về... Hai Quắm đang tìm kiếm, đang tuyển chọn người tin cậy biết lái tàu... Hai Quắm đặt “mảnh ván” đầu tiên cho con đường “lịch sử” ấy là Tư Hoán! Hai Quắm kéo Tư Hoán lên lầu hai. Hai người ngồi trên ghế divan. Hai Quắm thì thầm:

- Chú Tư à! Chuyện chú nói với tôi hôm nọ, tôi sẽ giúp chú và chú sẽ giúp tôi! Chú đồng ý chớ. Hai đứa cháu ngoại của chú không phải đưa sang Calìornia nữa mà chỉ cần đưa chúng đến đảo C.10 thôi!

- Nhưng, ba má chúng nó...

- Không lo! Ba nó là trung úy hải quân chứ gì! Rồi anh ta sẽ đến đó thôi. Hai đứa cháu của chú, con rể của chú rồi sẽ trở thành những vị chỉ huy đội hải quân “Chúa biển cánh buồm đen” đó, tụi nó nhất định sẽ trở về tung hoành trên đất Vũng này một ngày không xa!

- Ủa! Anh Hai, ta lập hải quân à?

- Thôi! Chú đừng hỏi thêm việc đó nữa, chú chỉ biết rằng: ta có “Mặt trận giải phóng quốc gia”, do một vị cha tài giỏi cầm đầu, có các tướng lĩnh ở trong nước và hải ngoại giúp sức, có lực lượng “quân dân giải phóng” và có “mật khu” trong núi vững vàng. Chú ngây thơ quá vậy... tình hình đang âm ỉ khắp các nơi rồi... Ta sẽ chờ thời để lật nhào Cộng sản, lập chế độ mới nè... Nhiều xứ đạo đã hưởng ứng và ta đang lập hải quân đó, chú Tư à!

- Trời đất! Anh Hai! Quả là em chỉ lo làm ăn, đâu có biết đại sự đó!

- Anh nói để chú mau mau góp sức vào, để trễ e nguy đó, chú Tư ạ!

- Thế, anh Hai chắc là “bự” trong Mặt trận!

- Không! Tôi chỉ được cha chủ tịch mặt trận phong cho cấp trung tá thôi. Trước, thời ông Thiệu, tôi đã đại úy rồi. Nếu không có thằng cha Vằn “còm”, Đại tá Cục tác chiến còn đó, chỉ huy chung thì tôi cầm chắc cái đại tá trong tay rồi. Khi nào cha chủ tịch phong nó lên tướng thì tôi mới lên đại tá được đó, chú Tư ạ...

- Em chúc mừng anh Hai. Em sẽ phụng sự anh!

- Hiện giờ hiểu chú rồi, tôi đâu có giấu chú nữa. Tôi được cha chủ tịch mặt trận giao cho trọng trách thiết lập con đường vượt biển ra đảo... Việc hệ trọng lắm. Chú giúp tôi một tay! Chú Tư nè!

- Anh Hai à! Chuyện hệ trọng vậy, nhưng tôi kẹt quá. Sức tôi yếu lắm ốm o luôn. Nhưng nếu anh Hai thương, tôi sẽ hết lòng...

- Chú Tư có trình độ văn hóa. Chú làm được đó. Chú sẽ phụ tá cho tôi nè...

- Anh Hai, được anh thương, tôi mừng lắm! Nhưng anh giao việc nhỏ thôi, tôi lo không kham nổi... Anh Hai!

- Đừng lo, cờ đến tay rồi đó chú Tư à! Chừng nào tôi lên đại tá, chú sẽ thay tôi!

- Trời đất! Tôi đâu dám, tôi đã hiểu gì về trận mạc đâu anh Hai! Anh phải giúp tôi nhiều đó, tôi mới ráng theo anh được.

- Chú Tư! Chuyện đó dễ ợt mà! Tôi sẽ nói với chú sau. Còn việc trước mắt của chú là: chú biết lái tàu, mà tàu của ta thì đâu có thiếu. Chú sẽ chở người sang đảo C.10 để học, chở cán bộ của ta ở đó về. Mỗi chuyến mặt trận thưởng cho chú 10 lạng, để chú xài. Trước mắt, chú chở chuyến đầu là các sĩ quan dự lễ lập đội hải quân: “Chúa biển cánh buồm đen”.

- Anh Hai! Tàu ta đâu mà nhiều vậy, tôi đâu có thấy!

- Chú đừng lo. Ta chỉ cần một chiếc thuyền câu là có tất cả tàu. Tàu đánh cá trên biển là tàu của ta hết. Ta nhảy sang, bắn bỏ những đứa chống trả, vứt chúng xuống làm mồi cho cá, còn tàu là của ta mà!

- Thế anh Hai có đi chuyến này không đấy?

- Cha chủ tịch chưa quyết. Bởi tôi còn bận dự cuộc họp hệ trọng sắp tới chú Tư!

- Anh Hai không đi, tôi lo quá trời à!

- Lo chi cho hao sức. Chú đừng nghĩ chú là con thỏ đế hay con đẻn mà gặp Cộng sản là phải trốn, phải chui. Chú cứ nghĩ mình là con báo biển, con hải cẩu thì không sợ chi hết đó...

- Tôi chưa quen việc nhà binh, anh Hai thương thì phải giúp tôi nhiều, anh Hai...

- Ủa chú Tư! Cha xứ nói với chú rồi chớ: chiên lành không thể chối bỏ con đường Chúa ban. Sau này xứ Đại Phước là “xứ đạo anh hùng” thì công chú đâu có nhỏ...

- Dạ! Thế ngày nào thì đi anh Hai! Anh nói để tôi lo liệu! Chắc phải có vũ khí hộ thân chớ anh Hai!

- Ngày 7, hoặc 8. Chú sẽ nhận tàu sáu lốc sửa soạn trước rồi đón các vị sĩ quan ở ba nơi. Mọi người họ đã có sung, chú khỏi phải mang, đỡ mệt.

Trong phòng ngủ riêng của mình, nhưng Hai Quắm vẫn lo sợ như có ai nghe lén. Y ghé sát vào tai Tư Hoán thì thầm: ... Chỗ đón, các ám hiệu nhận nhau trên biển và ký hiệu riêng từng người... Rồi Hai Quắm vỗ vai Tư Hoán:

- Đến chỗ nhận tàu, chú sẽ gặp một người mà họ ngoảnh về phía mặt trời mọc, phía đảo C.10, nói câu: “Biển mù kim tinh vẫn sáng”. Đó là người của ta. Nhớ kỹ chớ chú Tư!

- Dạ! “Biển mù kim tinh vẫn sáng” tôi nhớ kỹ!

*

Cha Thánh Thiện ngồi trên cái võng dù hoa trước cửa một hang đá lớn giữa rừng. Cha mặc quần áo nhà binh giống như một tuyên úy ngày nào xuống các sư đoàn, trước giờ chúng đi càn quét bắn giết nhân dân, đốt phá xóm làng. Cạnh cha là Vằn “còm” xúng xính trong bộ đồ cấp thiếu tướng ngụy. Mắt hắn vẫn đeo kính đen, nom hắn vẫn gầy quắt. Ngồi trên sàn lá là Bác Ái, chủ tịch xứ đạo Đại Phước đang nhăn nhở hàm răng vẩu. Đối diện với Bác Ái là Hai Quắm, hắn mặc binh phục đeo hoa mai quai chảo cấp hàm đại tá ngụy. Vây quanh Thánh Thiện còn có một số người lạ mặt nữa.

Xung quanh hang đá có một vành đai lính ngụy canh phòng nghiêm ngặt. Từ hôm vào đây thiết lập “văn phòng chủ tịch mặt trận”, “văn phòng tổng trưởng quốc phòng” của thiếu tướng Vằn “còm”, cha Thánh Thiện đã đặt cho mật khu này cái tên nghe thống thiết: “Mật khu nước mắt vì dân”...

Buổi nhóm họp “lịch sử” và quan trọng đang diễn ra. Bỗng tên chỉ huy đội lính bảo vệ mật khu thấy có một người lạ tiến vào. Hắn hốt hoảng và lăm lăm tay súng quát:

- Anh là ai?

- Tôi là Gấu, người của cha Thánh Thiện.

Gấu vừa đi vào vừa nói. Giọng bình tĩnh.

Tên chỉ huy hỏi mật khẩu. Gấu đáp ngon ơ. Tên chỉ huy đội lính bảo vệ bắt tay Gấu:

- Người anh em cần gặp ai?

- Tôi gặp cha chủ tịch.

- Việc gì?

- Tối quan trọng!

- Chờ! Cha đang họp.

- Không! Ngay bây giờ. Việc có liên quan đến sự sống còn của chúng ta!

Tên chỉ huy nhìn mặt Gấu thăm dò.

- Người anh em có thể nói với tôi?

- Không! Chỉ nói với cha chủ tịch.

Thánh Thiện cho gọi Gấu vào. Gấu quỳ xuống, cúi đầu trước cả bọn.

- Có việc gì con cứ nói - Thánh Thiện nhìn cả bọn rồi giới thiệu Gấu - Đây là người tin cẩn của tôi. Tôi dùng người này làm liên lạc.

- Có thể Hám “cá mập” đã nói hết mọi việc của chúng ta...

- Vì sao con biết?

- Thưa cha. Vợ Hám có nói với con. Cô Thùy Dương cũng nói với con là “con cá xanh” đã nói với cô ta điều đó...

- Con xứng là “chiến sĩ trung nghĩa”. Ơn cứu độ bề trên đã che chở con ta. Hắn đâu có biết chỗ này. Cha cho phép con vô “văn phòng” chờ, cha sẽ hậu tính!

Gấu cúi chào Thánh Thiện. Anh đi vào ngồi sau vách. Nơi đó kín đáo nhưng nghe rõ tiếng Thánh Thiện nói... Gấu thở phào.

*
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 12:23:27 am »

Trời đã tắt nắng. Hoàng hôn trong rừng quả là ảm đạm. Cha Thánh Thiện kéo cả lũ đàn em ra đứng dưới cái cột tre khẳng khiu, trên ngọn có lá cờ xanh lè ủ rũ.

Cả bọn xếp hàng ngang. Thánh Thiện bước lên phía trước vài bước. Y đứng thẳng người đúng tác phong nhà binh. Y cầm cái gậy thập tự vàng giơ thẳng lên trời và dõng dạc tuyên bố:

- Lễ thành lập “Chính phủ quốc gia giải phóng” bắt đầu! - Rồi giọng Thánh Thiện hạ xuống:

- Theo Thiên Chúa đã an bài, theo ý nguyện của giáo hữu và dân chúng ở cõi trần gian, chúng con gồm những chiên lành không chịu lũy phục Cộng sản, đã quy tụ lại do đức tin và được thánh linh soi dọi. Chúng con xin Thiên Chúa phù hộ cho sự ưu thắng...

Thánh Thiện trịnh trọng đọc danh sách và chức tước trong “Chính phủ quốc gia giải phóng”(!)

Cha Thiện, Chủ tịch mặt trận kiêm quốc trưởng (!);

Bác Ái Thủ tướng;

Thiếu tướng Đậu Vằn tổng trưởng quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng;

Đại tá Hai Quắm, đặc trách vấn đề hải ngoại;

v.v... và v.v...

Cả bọn nắm tay nhau giơ lên quá đầu tuyên thệ.

Sau lễ thành lập chính phủ, “thiếu tướng” Đậu Vằn cùng đứng dưới cờ đọc cái “Bản quân lệnh số 0001/BTTM thành lập lực lượng quân dân giải phóng”.

Gấu “biển” ngồi sau tấm liếp chứng kiến tất cả.

- Con! Thằng Hám còn lại trên cõi đời thế này là điều bất hạnh cho cả Mặt trận chúng ta... Vì điều đó, cha phải vào sớm nơi đây. Con biết lo cho cha, biết lo cho “nghĩa lớn” là lòng con đã được thánh linh soi dõi đó nghe con...

Cha Thánh Thiện vỗ về Gấu, khuyên dỗ Gấu:

- Con! Con hãy vì cha, vì “nghĩa lớn” mà trừ khử tên phản đạo đó, nghe con.

- Thưa cha! Làm điều đó e sẽ bị thánh linh sẽ phán xét...

- Không! Con làm điều đó cũng là theo ý Chúa.

Hôm sau, Thánh Thiện trao cho Gấu một phong bánh ngọt và căn dặn:

- Con hãy đưa của “quý” này đến thăm Hám. Con sẽ dỗ dành nó, cho nó ăn!

- Gấu nhìn phong bánh. Gấu biết ngay trong ấy cha, Thùy Dung đã tẩm những thứ gì...

*

Chuyến đi đầu tiên được quyết định. Tư Hoán không đưa hai đứa cháu nhỏ đi theo, vì hai lẽ: chuyến đi đó tầm mức quan trọng, có nhiều bí mật quân cơ, vì trên tàu toàn là các ngài sĩ quan cao cấp sang đảo C.10 để thành lập đội hải quân “Chúa biển cánh buồm đen”.

Tư Hoán đến mũi Long vào lúc xâm xẩm tối. Một chiếc tàu đánh cá sáu lốc đã đỗ ở đó.

Bóng tối. Nhớ lời Hai Quắm dặn, Tư Hoán đi lại gần chỗ chiếc tàu đậu và lên tiếng gọi người đàn ông đang đứng hút thuốc ở mũi tàu để xin mượn cái hộp quẹt. Con tàu rộng khoang đang tròng trành trên sóng. Người đàn ông trên tàu im lặng. Tư Hoán lên tiếng mượn hộp quẹt lần thứ hai. Người đàn ông trên tàu nhảy lên bờ đá. Anh ta trao hộp quẹt cho Tư Hoán. Mắt anh ta nhìn ra phía biển xa nói nho nhỏ:

- “Biển mù kim tinh vẫn sáng”. Tư Hoán mỉm cười. Que diêm bén lửa xòe to như tiếng cười theo. - Dạ! Thưa... ”Kim tinh vẫn sáng“. Nét rạng rỡ hiện rõ trên nét mặt người đàn ông. Anh ta mời Tư Hoán lên tàu...

- Tư Hoán hỏi ngay người đàn ông về dầu mỡ, lương thực đã dự trữ được bao nhiêu và anh ta là ai? Người đàn ông nói cho Tư Hoán biết, hắn là người của Hai Quắm. Hắn chỉ trách nhiệm nhận mặt Tư Hoán để giao chiếc tàu này cùng với 700 đồng. Tư Hoán sẽ mua thêm dầu mỡ, lương thực dự trữ cho chặng đường dài trên biển. Tối mai, Hai Quắm sẽ đến kiểm tra và có thể đón khách ngay...

Tư Hoán làm mọi việc như người đàn ông dặn. Anh làm không khó khăn lắm. Vì có Công - người thanh niên mặc quần ống loe màu xanh đi dép mút đế cao, màu nâu mua giúp anh! Tàu vẫn đậu ở mũi Long.

Giữa trưa, Hai Quắm bất ngờ xuống tàu, kiểm tra. Hai Quắm sục vào từng khoang. Hắn ngửi các can dầu, nếm thử các thùng nước ngọt... Hai Quắm hài lòng. Hắn trao cho Tư Hoán mười lạng vàng. Hắn nói là vàng của cha chủ tịch ban thưởng cho Tư Hoán. Mong Tư Hoán, con người tiên phong thành đạt trong chuyến tiên khởi mở con đường vượt biển này. Hai Quắm cười:

- Chú Tư! Đêm nay, khi chuông nhà thờ xứ đạo Đại Phước dứt buổi nguyện cầu, ta xuất phát...

Tư Hoán phân vân:

- Anh Hai, tôi muốn ta chuẩn bị chu toàn hơn một chút nữa.

Hai Quắm nhìn xoáy vào mặt Tư Hoán:

- Sao?

- Anh Hai, anh cho thêm ít thuốc bệnh đi đường biển dài ngày và chở thêm nước ngọt...

Hai Quắm gật đầu. Tư Hoán thở nhẹ nhõm. Vì cái lý do nấn ná lại hoàn toàn không phải chỉ có thế. Mà cái chính là vì gấp quá anh chưa tìm được cách nào để gặp lại lần chót người thanh niên mặc quần ống loe màu xanh, đi dép mút đế cao, màu nâu...

Hai Quắm đâu có biết điều đó. Hắn ngỏ lời khen Tư Hoán là người căn cơ. Nhưng sự gian giảo đã rung chuông thức tỉnh hắn. Hắn suy nghĩ một lát, rồi không hẹn giờ xuất phát nữa. Tư Hoán giục khéo:

- Anh Hai, những việc đó đâu có mất nhiều thời gian. Anh định lúc nào đón khách để giữ đúng hẹn?

- Chú Tư! Tôi đưa thêm chú 300 đồng nữa. Chú lo dùm. Việc đó tôi nói chú sau.

Thế là Hai Quắm vẫn cố tình giấu giờ xuất phát!

Xẩm tối, Hai Quắm mò xuống thuyền. Mọi việc đều xong. Các loại thuốc cảm, nhức đầu, ỉa chảy, say sóng... đủ hết. Hai Quắm hài lòng lắm. Hắn ghé vào tai Hư Hoán:

- Vẫn đúng giờ chuông nhà thờ dứt lễ, chú cho tàu đi! Chú đón khách ba nơi. Năm mươi sĩ quan tất cả. Trước tiên, chú cứ cho tàu ra khơi như đi đánh cá hàng ngày. Rồi đột nhiên, chú quay về Hải đón 15 người. Ba mươi phút sau, chú sang Cát đón mười người. Còn toán nữa sẽ có tàu nhỏ chở ra đổ lên tàu chú. Địa điểm đổ lên tàu giữa cột đèn đỏ số 15 và 16. Chú nhớ kỹ mật hiệu nhận nhau: tàu nhỏ hỏi một chớp đèn, tàu lớn trả lời hai chớp. Tàu nhỏ hỏi hai chớp đèn, tàu của chú trả lời một chớp... Còn giấy tờ, tôi làm cho mọi người rồi. Nếu gặp giông bão, trừ các nước Cộng sản, còn nước nào chú cũng vô được. Người di tản của ta ở đó sẽ đùm bọc chú... Chú đưa tàu ra xa bờ đậu nhé.

- Anh Hai có đi không nè?

- Chuyến khác. Chú đi bình an. Sự ưu thắng là niềm tin, chúng ta cùng nhau chia sẻ...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 12:29:14 am »

Hai Quắm lên bờ. Hắn đến ngồi ở tiệm “Gió Trời”. Hắn ngồi tựa ngửa lên ghế bố. Mắt hắn mơ màng nhìn về phía chiếc tàu đánh cá. Ly cà phê làm cho Hai Quắm khoan khoái. Hắn mừng thầm nghĩ đến ngày mai... Ngày con tàu mở chuyến tiền khởi ưu thắng. Sự nghiệp của hắn sẽ “phất” từ đây... Và, các chiến hữu của hắn trên đảo sẽ sung sướng biết chừng nào khi nhìn thấy con tàu có lá cờ xanh, năm sao trắng bay trên ngọn cột...

Đêm. Sóng biển nhấp nháy ánh lân tinh. Không còn phân biệt được đâu là mặt nước, đâu là nền trời. Một vệt sáng nhỏ xuất hiện. Vệt sáng vươn nhanh từ bờ ra. Một người bơi về phía tàu. Người đó ghé vào thành tàu. Tư Hoán từ trong buồng lái bước ra. Anh đã nhận đúng là người thanh niên hay mặc quần ống loe màu xanh, chân đi dép mút đế cao, màu nâu. Anh ném xuống một cái chai nút kỹ. Trong chai có một mảnh giấy. Người thanh niên nhặt chai, bơi nhanh vào bờ...

Tư Hoán đi ngay về phía lái con tàu. Anh cột một sợi dây thật chắc. Sợi dây vừa thõng xuống đến mặt nước. Rồi, anh về khoang lái tra hai viên pin vào đèn. Anh chớp thử như mật hiệu đã hẹn xuống khoang tàu. Anh chọn một cái phao bơi thật tốt để sẵn bên cạnh.

Chuông dứt lễ trong nhà thờ xứ đạo Đại Phước đã đổ hồi, gióng giả. Tư hoán cho tàu chạy ra khơi.

Vòm trời khuya trở nên mờ đục, cùng với những lớp sóng biển hòa lẫn với nhau. Gió biển khuya lùa vào khoang lái ớn lạnh. Đúng hẹn. Tư Hoán quay mũi tàu lại, hướng thẳng về phía Hải. Tiếng máy nổ giòn. Anh nghe rõ tiếng chân vịt con tàu đẩy nước. Nghe rõ cả nhịp tim anh bồi hồi đập dồn. Tư Hoán phấp phỏng, lo lắng sự hiệp đồng... Đã nhìn thấy những ngọn đèn trong các ngôi nhà trên bờ mờ nhòa trong khói sóng, anh cho tàu chạy chậm lạ. Anh căng mắt nhìn, dò dẫm. Gió biển khuya trong Vũng vẫn lồng lên ớn lạnh và cay xè trong mắt. Bỗng có hai chớp đèn ngắn lóe lên vội vàng. Tư hoán cho con tàu ghé vào. Mười lăm tên chờ sẵn ở đó. Cả lũ lốc nhốc nhảy lên tàu. Tất cả im lặng. Không rỉ ra một tiếng nói nhỏ nào. Chỉ có tiếng sóng biển rì rầm, rì rầm... Rồi, mây trời chuyển dần, dồn cục báo điềm giông tố thất thường. Tư Hoán lái tàu ra. Con tàu đằm hơn. Và, trong lòng Tư Hoán, nỗi lo lắng phấp phỏng cũng loãng dần. Nhưng một câu hỏi cứ chập chờn trước mắt anh: “Liệu còn có xảy ra điều gì trục trặc trong kế hoạch không?”. Anh nhìn ra ngoài. Những lớp sóng lan chênh chếch từ mạn thuyền ra, từng đám bọt trắng xếp đều như gieo. Chúng kéo thành một vệt dài lân tinh trên biển. Anh hướng mũi con tàu về phía Cát. Anh tắt máy, chờ mật hiệu. Hai chớp đèn pin hỏi. Anh trả lời một, rồi cho tàu ghé vào bến.

Một vì sao lạc lõng giữa nền trời, trong kẽ hở của hai đám mây vừa tách ra, như con thuyền bơ vơ trên biển rộng. Tư Hoán tắt máy cho con tàu dừng lại giữa cột đèn số 15 và 16. Con tàu bồng bềnh trên sóng như treo lơ lửng giữa hai hành tinh. Đợi chờ. Có tiếng máy nổ giòn. Một chiếc tàu hai lốc phóng ra. Nó chạy quanh tàu lớn một vòng thăm dò. Rôi, từ buồng lái con tàu đó lóe lên một chớp đèn. Tư Hoán chìa đèn ra mạn tàu chớp trả lời hai cái. Tàu nhỏ ghé tới cặp mạn. Có tiếng người nói rì rầm. Hình như chúng gặp nhau. Hai mươi lăm tên nữa đi sang. Và chiếc tàu đánh tôm hai lốc chạy nhanh vô bờ hệt như chạy nạn.

Bỗng có một ánh đèn pin soi vào buồng lái. Một bóng người bước xuống. Tư Hoán đã nhận ra. Giọng anh vui hẳn lên!

- Ủa, anh Hai! Anh cũng đi đấy à? Có anh đi tôi vững bụng quá trời.

- Chú Tư! Chuyến tiên khởi, cha quốc trưởng biểu tôi phải đi để khích lệ “lòng phục quốc” của các chiến hữu. Tôi đâu có giấu chú. Tôi coi vấn đề hải ngoại của Mặt trận mà. Tôi sang bển còn làm sứ mạng thay mặt chính phủ, thay mặt cha chủ tịch dự lễ lập đạo hải quân, rồi còn phải hội thảo với các tướng lĩnh bàn việc quốc sự nữa chứ. Hệ trọng lắm đó chú Tư à. Cờ đã đến tay rồi, phải phất đại đi chớ. Công chú tôi đâu có quên. Chú hút điếu thuốc nè rồi cho tàu ra nhanh ngoài công hải...

Hai Quắm châm điếu thuốc lá ba số rồi cắm vào mồm Tư Hoán. Hai Quắm vỗ vai Tư Hoán, nói tiếp:

- Chú Tư à! Chú chưa từng trải chiến trận, chưa hiểu được điều binh pháp dạy (!): một viên đạn bắn lên, một quả mìn gài sẵn có giỏi lắm cũng chỉ giết được một tên Cộng sản. Còn dùng mưu mẹo có khi tiêu diệt hết cả một cánh quân và còn làm nên việc lớn đó. Đụng độ với Cộng sản ta phải có mưu mẹo chú Tư à... - Hắn cười đắc chí!

- Dạ! Tôi đâu đã nghĩ được như anh Hai.

Bỗng phía trước mũi tàu có tiếng xôn xao:

- Tàu tuần tra của biên phòng à?

- Đâu có!

- Đúng nó rồi!

- Đúng tụi nó rồi!

- Ủa, cả ba phía đều có tụi bay ơi!

- Đúng là tụi đi tuần rồi!

Có tiếng gọi hốt hoảng dội vào buồng lái:

- Dạ! Thưa anh Hai có tàu biên phòng chặn đón phía trước và truy đuổi đằng sau...

- Anh Hai! Tàu biên phòng đã chớp tín hiệu buộc ta dừng.

- Đ... mẹ! Tắt đèn đi. Bọn bay dẹp xuống khoang hết.

- Trên biển, từ ba phía, đội tàu tuần tra của các chiến sĩ hải quân và biên phòng đã khép kín vòng vây.

Ba phát pháo sáng từ ba phía vút lên. Biển sáng lòa. Con tàu sáu lốc, chở năm mươi “ngài sĩ quan” phơi mình dưới ánh đèn...

Từ tàu chỉ huy đã bay lên phát pháo hiệu đỏ. Phát pháo hiệu vẽ một đường cầu vồng trên biển. Tư Hoán quay mặt đi, trút một hơi thở phào nhẹ nhõm. Rồi anh làm bộ hốt hoảng. Anh với tay lấy chiếc phao bơi để bên. Anh ghé sát tai Hai Quắm:

- Anh Hai, theo em. Mặc xác tụi nó!

Từ bốn phía, tàu của công an vũ trang biên phòng và hải quân đã khép vào, cặp mạn. Đèn pha từ bốn phía đã dọi tới... Tư Hoán kéo Hai Quắm lùi về phía lái...

Nhưng Hai Quắm chần chừ... Tiếng nói uất ức của hắn rít qua hai kẽ răng: “Trời đất!’

- Anh Hai theo em mau...

Tư Hoán và Hai Quắm tụt theo sợi dây thông xuống biển. Chiếc đèn pha từ con tàu phía sau chiếu tới bỗng vụt tắt...

Các chiến sĩ đặc nhiệm, các chiến sĩ biên phòng từ các con tàu của ta đã nhảy sang chiếm lĩnh buồng lái, mũi thuyền và toàn bộ con tàu của Tư Hoán.

Trên biển đêm, Tư Hoán và Hai Quắm, hai người bíu chung một chiếc phao bơi bồng bềnh trên sóng. Họ bơi nhanh ra xa con tàu và hướng thẳng vào bờ... Nước triều dâng lên đưa họ vào Vũng. Sáng sớm, họ nhập vào những đoàn người đi tắm, tập bơi đường dài trên biển... Hai Quắm với nét mặt héo hon và giọng nói bải hoải:

- Chú Tư! Có lẽ đã an bài thế đó. Lúc khốn cùng, ơn cứu độ vẫn chừa một kẽ hở cho các linh hồn có thánh linh soi dõi tẩu thoát...

Tư Hoán lặng im. Anh đang nghĩ tới bước đi của “con mồi” và mẻ lướp tiếp theo...

*
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 12:36:23 am »

Gấu được cha Thánh Thiện tin cẩn và đã tuyển dụng làm liên lạc. Gấu chuyên chuyển các tin nhắn miệng và chỉ thị đến các xứ đạo, các tu viện... Cái nghề đạp xích lô đã giúp Gấu hoàn thành xuất sắc công vụ đó...

Sau vụ thảm bại của các sĩ quan đi dự lễ lập đội hải quân “Chúa biển cánh buồm đen”, cha chủ tịch muốn thanh lọc nội bộ, muốn trừ khử hết các con chiên mà cha nghi là lừng chừng. Cha đoán: nội bộ đã có kẻ phản. Cha tin Gấu. Cha giao cho Gấu trọng trách kiểm tra nội bộ. Nhất là phải kiểm tra chặt chẽ hàng ngũ khung các sư đoàn “Tân quân lực”. Cha gọi Gấu vào mật khu. Cha ngồi trước cửa hầm thông với hang đá lớn:

- Con! Trong “nghĩa lớn” cha đang phụng sự này, đến lượt cha phải nhớ đến cánh tay bạo lực của con, Cha muốn giao việc đó cho con!

- Thưa cha! Con chưa rõ ý cha muốn nói.

- Cha và ông “tổng trưởng” muốn giao cho con trọng trách đi đến các xứ đạo thẩm vấn, xác minh những sĩ quan chủ trì trong “Tân quân lực”. Và thảm bại vừa qua trên biển đã làm cho cha ngờ tư cách một số người.

- Thưa cha! Việc đó lớn quá đối với sức hèn mọn của con.

- Nhưng cha và ông “tổng trưởng” xét con có phương tiện, có nghề hợp pháp. Con có thể làm được. Làm việc đó là con đã giúp cha, giúp đàn chiên đang bơ vơ hành trình trong lịch sử chóng đến nước trời của thiên phụ đó con!

- Thưa cha!... Con lo...

- Con không lo gì hết. Cha nói là Chúa nói. Con hãy xem xét kỹ mọi người. Có ai không xứng với trách vụ của cha giao không, đề phòng người của Cộng sản lọt vào. Từ đây, cha phong cho con cấp hàm thiếu tá, là phụ tá bảo vệ đắc lực của cha. Đó là niềm tin của cha giao cho con để xây dựng lưới an ninh trong “Tân quân lực”. Từ nay, tất thảy mọi người sẽ làm theo lời con. Con là thượng cấp của họ!

Thế là một việc đã sắp xếp xong. Gấu nhận chức vụ đó. Gấu nhận tờ quyết định của Thánh Thiện trao cho và được nhận cả một bản danh sách khung của tám sư đoàn và trung đoàn...

Gấu đội cái mũ rách. Anh kéo sụp xuống che cả hai con mắt. Gấu đạp xích lô rong trên các phố đất Vũng, về các xứ đạo. Lâu lắm, người thanh niên mặc quần ống loe vải xanh, đi dép mút đế cao, màu nâu, lại vẫy Gấu thuê xe. Hôm nay, anh thanh niên ấy cầm thêm cái xắc tay của đàn bà, nom rất lẳng lơ. Gấu chở anh ta đi về phía vườn bóng có tượng Đức Mẹ. Vào quãng phố vắng, Gấu và anh ta nói chuyện nho nhỏ với nhau. Hai người trao đổi, bàn tính với nhau điều gì... Thấy Gấu gật đầu, rồi Gấu trao cho anh thanh niên mấy tờ giấy giắt dưới đệm xe. Anh ta bỏ ngay vào cái xắc tay. Đến đầu vườn bông, anh thanh niên xuống. Anh ta trả tiền cho Gấu. Hai người chào nhau đi về hai ngả.

... Gấu đến gặp “trung tá” Tống Khương chỉ huy quân sự và chủ tịch mặt trận vùng đất Vũng. Tống Khương đã nhận ra người anh em. Gấu kéo Tống Khương ra góc sân. Gấu đưa cho tống Khương tờ giấy vừa rút ở túi. Đọc xong, xem đúng là chữ ký của “tổng trưởng” và dấu đỏ chót của Mặt trận, Tống Khương tròn mắt nhìn Gấu. Y tưởng mình đọc nhầm: “Thiếu tá Lê Gấu được thừa hành chức phận xem xét tư cách cán bộ...”, Tống Khương biết Gấu trong cuộc họp quan trọng ở mật khu. Nhưng lúc đó hắn chỉ biết Gấu là người thân cận của cha chủ tịch, chứ đâu có biết Gấu được thừa hành một công vụ lớn lao và quan trọng đến thế.

Tống Khương vốn là người Việt gốc Hoa. Nhà Tống Khương bự vào loại nhất nhì vùng này. Tống Khương trước đây đã từng hùn vốn xây biệt thự cho Mỹ thuê... Tống Khương cúi đầu chào Gấu rồi y kéo Gấu vào nhà. Cánh cửa phòng trong cùng được đóng kín. Cuộc nói chuyện giữa Gấu và Tống Khương bắt đầu...

- Tôi làm việc gì thì trong giấy đã ghi. Tôi sẽ nghe ông tường trình “kế hoạch bùng nổ” ở vùng ông phụ trách và danh sách các sư đoàn, trung đoàn cấp dưới của ông. Thảm họa trên biển vừa rồi đã dạy ta: dù có trọn lòng tin vào nghĩa lớn cũng đâu có được coi thường mưu kế của Cộng sản! Các ông phải coi chừng đó.

- Dạ! Dạ thưa, tôi xin tường trình từng phần.

- Không! Tôi hỏi đến đâu, tôi cần điểm nào, ông sẽ nói rõ điểm đó.

- Dạ!

- Ông đã tổ chức được bao nhiêu quân? Ém ở đâu? Tiến đánh chỗ nào khi “bùng nổ”?

- Dạ thưa! Được một sư đoàn. Chỉ huy là thiếu tá Hiển, thiếu tá Hợi, đại úy Lệ, nguyên trước là trung sĩ, hạ sĩ của thủy quân lục chiến và biệt động quân. Ba trung đoàn đóng chốt ở Đăng, ở Bình và ở Phước. Mỗi nơi một trung đoàn. Còn trung đoàn đặc nhiệm sẽ chốt chặn đường 15 khi cần thiết.

- Cấp tiểu đoàn, đại đội và lính ông lấy ở đâu?

- Dạ thưa! Tất cả tín đồ ở các nơi và binh sĩ quân lực cũ đều là lính. Ta chỉ cần khung thôi. Tôi làm theo lời cha chủ tịch dạy như thế!

- Được, ông trao hết danh sách chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội cho tôi. Tôi sẽ thẩm tra lại. Vì tôi ngờ có nhiều tên “quỷ đỏ” đã trà trộn vào.

- Dạ thưa! Mới có khung cấp sư đoàn, trung đoàn, còn tiểu đoàn, đại đội, tôi lắp chưa đủ...

- Được, có bao nhiêu, ông đưa hết!

- Ông tường trình kế hoạch đánh cướp đồn biên phòng khi thực hiện “kế hoạch bùng nổ”.

- Dạ thưa!... Trước khi thực thi “kế hoạch bùng nổ” hai ngày, tôi sẽ chỉ huy đánh chiếm đồn biên phòng. Anh biết đó, nó ở lọt vào giữa một vùng dân chúa, như đã bị vây. Đường liên lạc về thượng cấp nó chỉ có một con lộ và bằng điện thoại. Theo tôi, tối dân chúng vào xem TV trong đồn. Trong số người tối đó, tôi đề nghị sẽ gài một lực lượng tinh nhuệ của ta để đủ sức tiến chiếm các nơi hiểm yếu, chiếm súng, cướp đồn khi chúng và mọi người đang xem ti vi. Tôi sẽ cho người cắt dây điện thoại và rải một trung đội chốt chặt lộ chính... Tất cả làm gọn trong 15 phút.

- Ông phải giữ thật kín kế hoạch...

- Dạ thưa!... Mới chỉ mình tôi biết!

- Tôi nghe, ông có các cố vấn đắc lực lắm phải không?

- Dạ thưa! Các sĩ quan của quân lực cộng hòa đang ẩn trong các xứ đạo vùng này đều là cố vấn của tôi. Tôi đã thâu phục được lòng họ.

- Các cha đều vận động, tổ chức giúp ông đó chớ?

- Dạ thưa! Các cha tuyến trên giúp trong các buổi giảng lễ. Còn đi tổ chức, vận động thì các cha sợ lộ. Tôi cũng không để các cha làm việc đó.

- Ông tính toán khá lắm! Đó là một cao kế. Thế thì ông cho biết những người nào đã có công lớn giúp ông để tôi báo lên cha chủ tịch ghi công họ.

- Dạ thưa! Cha Thanh là một vị chống Cộng kỳ cựu nhất, cha khôn ngoan và lắm mưu kế. Các cha Liêm, cha Đoàn, cha Cảnh... đều là những vị tuyên úy trong quân đội cộng hòa cũ đã giúp đắc lực, đều đáng ghi công loại nhì sau cha Thanh...

- Ông có kế hoạch gì làm bất an, làm xáo động vùng này để làm đà cho “kế hoạch bùng nổ” không?

- Dạ thưa! Tôi đang tìm cách tổ chức thủ tiêu một số tên tích cực ủng hộ Cộng sản và một số tên cán bộ cộng sản đầu sỏ ở các phường, khóm, xã, ấp... để cho tụi nó sợ. Nó không dám ngăn cấm ta... Bọn Cộng sản dù chúng có chai đá mấy đi nữa cũng còn có khe hở cho vàng, tiền, hạt xoàn chui lọt... - Tống Khương cười đắc chí. Hai cái má xệ thịt của hắn rung rinh...

Tống Khương càng nói càng hùng hổ. Hắn cố mong làm sao cho được lòng vị thân cận của cha chủ tịch... để mong vị đó tâu trình lên cha. Cha sẽ thăng thưởng, sẽ ban khen hậu hĩnh cho hắn.

Cuối buổi, Gấu nhắc lại với Tống Khương tầm quan trọng của những việc cần làm và căn dặn Tống Khương hạn chế những việc làm manh động. Nếu việc nhỏ bị lộ, Cộng sản truy ra thì hỏng việc lớn...

- Ông “trung tá” Tống Khương ạ! - Gấu thân tình nói tiếp. - Với kế hoạch ông vạch, với công tích to lớn ông đã cung tiến, ông xứng là vị chỉ huy kiệt xuất ở vùng đất Vũng này. Tôi sẽ dâng báo công này của ông lên cha chủ tịch và ngài tổng trưởng!

- Dạ thưa! Tôi đâu dám quên ơn ông!

... Thế là, hai bản danh sách những “sĩ quan chỉ huy”, những tên “có công”... của “Tân quân lực” đã nằm gọn trên bàn đồng chí đồn trưởng đồn biên phòng.

Trước khi “kế hoạch bùng nổ” được thực thi mười ngày, khung chỉ huy các đạo âm binh đã được mời lên xe kín mui! Tám sư đoàn, mười trung đoàn (!) được giao nhiệm vụ chốt chặn, tiến chiếm... cũng lần lượt bị tóm gọn, rồi mật khu “nước mắt vì dân” cũng bị các chiến sĩ biên phòng tràn vào chiếm lĩnh. Đội lính “Phi Hổ” bị diệt. Các chiến sĩ ta tìm ra nơi giấu vũ khí, lúa gạo, hầm ngầm ; đã thu được cờ hiệu, truyền đơn. Nhưng Thánh Thiện, Bác Ái và đồng bọn ở mật khu đã mất hút.

*

Ở một hẻm đá trong núi Lớn, Gấu với chức vụ “phụ tá bảo vệ” đã chạy theo Thánh Thiện. Gấu “biển” nói với y, vẻ phẫn nộ càng làm cho y tin Gấu hơn:

- Sự đổ bể này, thảm trạng này là do ta phát triển lực lượng quá ô tạp, do Tống Khương manh động, do Đậu Vằn phản trắc, do Hám đã đầu hàng...

- Con! - Giọng Thánh Thiện buồn chán. Mặt y ảm đạm héo hon. - Thảm bại hãi hùng này không phải Thiên phụ đã bỏ rơi ta. Ai còn lại , con kêu gọi họ hãy hướng tới ngọn cờ Thánh Thiện để nhen nhúm lại “nghĩa lớn”. Sứ mạng đó, cha sẽ giao cho con. Cha sẽ nói với con tất cả những nơi, những người tin cẩn con cần đến, cần gặp. Còn cha, cha phải ra đi. Cha sẽ lập chính phủ ở nước ngoài. Con sẽ thay cha gọi đàn chiên rã bầy về một mối. Con sẽ đến xứ Tân Phát, tìm gặp người tên là Thanh Tùng. Mật khẩu nhận nhau: “Nhất liên thanh” -  “Đại liên thanh”.

Người đó sẽ là thượng cấp của con. Con nhớ kỹ...

Thánh Thiện không hề nói với Gấu kế hoạch ra đi! Thế nhưng y đã bàn với Hai Quắm cụ thể lắm rồi. Hai Quắm đã chuẩn bị thuyền đưa Thánh Thiện vượt biển. Hai Quắm đã rút kinh nghiệm sự thảm bại lần trước. Còn Bác Ái thì thực hiện một kế hoạch đánh lừa đồn biên phòng để cả bọn trốn thoát. Bác Ái đã tổ chức cho Thùy Dung gây ra một vụ nổ lớn. Trong vụ nổ đó sẽ tung tất cả truyền đơn, hiệu triệu, cờ mà chúng đã chuẩn bị cho “kế hoạch bùng nổ” để thu hút sự chú ý của đồn biên phòng. Trong giờ phút đất Vũng bàng hoàng đó thì y và đồng bọn sẽ ra đi...

*
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2017, 01:01:55 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2017, 12:47:13 am »

... Trong lầu hai, nhà dưỡng sức của ông bà tư sản Vinh Hoa, Lệ Thùy Dung đưa cho Can kiểm tra lại quả mìn hẹn giờ nổ và một sac du lịch truyền đơn. Cô ta õng ẹo nói với Can:

- Sang đó, em sẽ tự hào biết mấy. Vì em có một chàng kép sáng giá như anh. Anh đi với em, sang đó anh trai em, ngài trung tá hải quân sẽ đón chúng ta.

Cô nở một nụ cười mơ hồ.

- Anh, rồi anh sẽ biết họ sẽ tạo dựng cho chúng ta một cuộc sống trong biệt thự xinh đẹp và sang trọng, cuộc sống chỉ chơi đàn dương cầm và nói những lời êm dịu. - Cô gái nguýt Can một cái rõ dài, thật sắc và nói xuôi rót.

Can cười, ánh mắt anh không để lộ ra điều gì thay đổi.

- Anh! Anh diện thật bảnh trai vào. Anh vứt cái áo màu nước dưa đi. Anh mang cái lốt tóc giả ấy vào cho lút tai xỏa xuống gáy và xoa một chút dầu bóng lên bộ ria mép giả đi. Em trông anh sẽ khác nào một tướng lãnh đã một thời gây cơn sốt sôi bỏng cho thời cuộc đó.

Can vẫn giữ nụ cười kín đáo:

- Em! Em của anh mặc sạch sẽ thế mà trí óc cạn trợt như đĩa đựng bánh bèo thì đâu có được. Em tính coi. Em đi bằng xe gì, để thuốc nổ ở đâu... Ông chủ tịch giáo xứ hẹn 5 giờ 10 phút phải có tiếng nổ, liệu có kịp không?

- Ủa! Anh! Em sẽ đi honda màu đỏ đó. Sac du lịch đựng truyền đơn em mang vào người. Còn mìn em cột đằng sau.

- Rồi sao nữa chứ? Em nói anh coi.

- Đến xa cảng lúc xe các nơi đổ người về đông, em để honda đó, rồi đi vào tiệm coi hàng. Em bấm công tắc mìn, mở sẵn sac truyền đơn để đó rồi anh đến đèo em đi về nhà đón ba má cùng đến nơi ông Bác Ái đã hẹn. Anh nghe có xuôi rót không?   

- Ông hẹn ở đâu?

- Ủa! Ông đâu đã nói nơi có tàu đón đi. Ông biểu làm xong việc đặt mìn, trở về, ông sẽ nói và sẽ đón đi luôn thể. Sao anh cứ nhìn em mãi thế?

Can nói lảng:

- Không, anh trông em đẹp quá!

- Ứ... Mà anh đã coi lại mìn chưa? Em mù tịt về món ấy đó nè.

- Anh coi kỹ rồi. Tốt lắm. Anh đi honda màu đen. Em đến trước, 20 phút sau anh sẽ đến đón em.

Vừa nói với Lệ Thùy Dung, Can vừa suy nghĩ: “Thế là chưa biết được chỗ chúng tập kết để lên tàu. Cái chốt là ở đó, phải thực hiện phương án 2. Phải đưa Lệ Thùy Dung về nhà đã...”

- Bồ ơi! Chàng kép sáng giá của em ơi! Xuôi rót rồi đó. 4 giờ 30 phút em lên xe được chớ?

- Nên sớm hơn 10 phút. Em đi chậm thôi - 2 giờ 30 phút anh có mặt ở đấy. Em hóa trang cho kỹ nhé.

- Anh, nếu trót lọt, chúng mình được ông Bác Ái ban thưởng 50 lạng đó. Ông đã hứa với em. Tha hồ xài.

Lệ Thùy Dung diện đúng mốt thời trang. Tóc ốp, mặt đeo kiếng đen to, tay xỏ găng nilon màu đen... Ả lái chiếc honda màu đỏ đi về phía xa cảng. Ả nhớ lời dặn của Can, đi rất chậm. Đến xa cảng, ả để xe rồi đi vào tiệm cà phê. Phía góc đường, chiếc xe honda màu đen đã đến. Trên xe có một thanh niên tóc rậm, ria mép đen trông như một hiệp sĩ. Thùy Dung vội đi ra, nhảy tót lên ngồi sau xe. Ả vòng tay ôm chặt lấy eo lưng người đàn ông. Chiếc xe nổ máy.

Cùng lúc ấy, ba chiến sĩ cảnh sát nhân dân đi tuần tra đến. Một tiếng còi vang lên báo hiệu phạt vi cảnh người có chiếc xe honda màu đỏ đậu giữa lòng đường. Không có chủ nhân, chiếc xe hon - đa đã được ba chiến sĩ đưa ngay vào đồn. Lập tức các gói hàng được mở ra. Lệ Thùy Dung ngoái nhìn cảnh đó và ả giục Can vù gấp.

Về đến nhà, trời đã xâm xẩm tối, Lệ Thùy Dung nói rõ sự bất lợi đó. Cả nhà ông Vinh Hoa tức tốc ra đi. Lệ Thùy Dung, bà mẹ và các em cô đi bằng xe ô tô du lịch hiệu 504 chở đầy những túi vàng bạc, hạt xoàn. Can đi xe honda, nhưng anh đã rẽ về một đường khác... Ông Bác Ái, ông Vinh Hoa đi sau cùng. Bác Ái rì rầm bàn với Vinh Hoa điều gì, rồi lập tức tất cả đèn nê-ông, đèn ngủ, đèn tròn màu xanh, mùa đỏ đều bật lên sáng trưng. Ti vi được mở ra. Dàn tếch hát rống lên. Cassette, radio cái nói, cái hát loạn xạ như chửi nhau. Cà phê được pha ra. Cái cốc nước trái cây, bánh ngọt bầy sẵn trên bàn như một bữa tiệc bỏ dở. Thức ăn trong tủ lạnh: thịt quay, gà luộc, lạp xường... vẫn để nguyên... Bác Ái xem xét kỹ từng thứ. Ông ta khoa tay rắc vào tất cả một thứ bột trắng đục. Làm xong, Bác Ái mỉm một nụ cười nham hiểm, rồi lên xe phóng đi.

Nơi hẹn là một cái rẫy phát dở ở chân núi. Thánh Thiện đã có ở đó rồi. Nét mặt ngài “quốc trưởng” âu sầu, những tăm tối và tội lỗi đã đóng lên hai đôi mắt y con dấu ác nghiệt. Hai Quắm cùng với vợ con cũng đã đến đó. Hắn mặc bộ quần áo như một người lái tàu. Đồng bọn chừng 20 tên từ trong hang núi lục tục kéo ra. Cả bọn người lúc nha lúc nhúc như một đàn rệp nép bên những hòn đá đen, chờ đợi.

Thánh Thiện ngồi bệt xuống đất, giương mắt nhìn trời. Hắn thở dài não ruột:

- Ôi! Ta đã hái nho nơi bụi găng đầy gai. Ta đã không xây lầu cao trên vùng đá mà xây trên cát xốp...

Hắn quay lại nói với bọn đàn em. Trong bóng tối đặc quánh dần, không ai nhìn thấy mặt hắn nữa, chỉ thấy một khối đen lù lù nổi lên. Nhưng qua giọng nói, ai cũng biết hắn đang nghiến răng vì uất ức:

- Các con! Cộng sản là tai họa đáng sợ hơn hết trung buổi hiện thời. Dù ở đây, dù đi đến nơi nào trên hành tinh này, các con phải thấy mình đang đứng trước hai con đường: theo Chúa hay chối Chúa. Theo Chúa thì phải xem Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung (!). Chính chúng nó đã đẩy ta đến thảm bại này.

Giọng hắn hạ thấp xuống dần nghe ảo não. Trước mắt hắn, tất cả đều như mây khói mới hợp một chút đã tan rồi!

Có hai chớp ngắn, một chớp dài, đèn xanh lóe lên ở phía mũi Hải. Hai Quắm vội rút đèn pin trong túi áo ra chớp lại một chớp ngắn, một chớp dài đèn đỏ. Hai Quắm quay lại nói với Thánh Thiện và mọi người:

- Tàu đến!

Con tàu này do Hai Quắm đã bố trí cho Tư Hoán. Hai Quắm đã tự kiểm tra dầu mỡ, máy móc, y đã bàn tính kỹ với Tư Hoán giờ ra đi, nơi đón và đường luồn lách trên biển. Sau khi đón người xong, tàu sẽ đi ven bờ, ra đến Thuận mới chiếu ngang vĩ độ với đảo C.10, vù sang. Mọi ám hiệu đều thay đổi.

Trong khoang hầm, từ sớm, Hai Quắm đã bí mật đặt một khối thuốc nổ. Nếu bị tàu Cộng sản truy đuổi, cặp mạn thì tất cả đều tiêu...

Tư Hoán dùng chèo đưa chiếc thuyền sáu lốc cặp nhẹ nhàng vào bờ đá. Hai Quắm lên thuyền. Hắn ghé vai cõng Thánh Thiện. Rồi hắn cầm tay Bác Ái kéo lên. Cả bọn lục tục nhảy lên. Bỗng hai đèn pha ở mũi tàu bật sáng. Cả hai ngọn đèn đều quay lại rọi thẳng vào đám người đang dắt díu nhau lên. Từ trong khoang hầm tàu, các chiến sĩ biên phòng dưới sự chỉ huy của Trần Minh, xô ván đứng dậy. Từ sau những bụi cây, hòn đá, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy của Lê Quang, xông ra. Cả bọn không kịp trở tay. Chúng đứng chết cứng như trời trồng. Thánh Thiện, Bác Ái, Hai Quắm và cả bọn lần lượt xỏ tay vào còng.

Một số đàn bà, trẻ em ở trên rẫy chưa xuống thuyền hoảng hốt chạy toán loạn. Vợ con của Vinh Hoa và cả vợ con Hai Quắm chạy bổ về biệt thự số 15. Ở đó, radio đang hát những bài mở đầu chương trình ca nhạc. Trên màn ảnh TV vẫn còn chiếu bộ phim mới: “Bài học nhớ đời”. Mọi thứ trong nhà nào cà phê, nước trái cây, bánh ngọt... vẫn bày trên bàn. Thịt quay, gà luộc vẫn còn nguyên trong tủ lạnh...

Tuy sợ hãi đang giày vò, nhưng khát và đói, cả lũ thả sức chè chén. Lệ Thùy Dung bị ngấm độc lăn quay ra trước nhất. Rồi lần lượt cả nhà tư sản Vinh Hoa, cả nhà Hai Quắm cũng ngấm độc, lăn quay ra, đứa chết, đứa ngắc ngoải. Các chiến sĩ của ta đã kịp đến, đưa đi cấp cứu những người còn thoi thóp...

Bác Ái rắc thuốc độc định giết những chiến sĩ biên phòng đến đó, lúc chúng đã bỏ đi trót lọt... Nhưng điều không ngờ đã xảy ra... Trò hề và sự nham hiểm của bọn quỷ dữ đội lốt thánh nhân đã bị trừng phạt...

HẾT
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười, 2017, 06:40:05 pm gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM