Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:22:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn  (Đọc 16565 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:24:03 pm »

III .“CHUYỂN HƯỚNG CÁN BỘ”

Khi bắt một người nào, “Đoàn công tác” hay đánh đòn phủ đầu bằng thủ đoạn giữ kín đường giải đi và chỗ giam giữ rồi giả tạo những khung cảnh gay cấn, rùng rợn để uy hiếp tinh thần. Đưa người bị bắt đi ngay cả đi một quãng ngắn từ phòng giam sang phòng khai thác, chúng đều bịt kín mắt cốt gây cho người bị bắt tâm lý hoang mang sợ hãi. Đưa những người bị bắt không chịu khuất phục từ trại Lê Văn Duyệt lên P. 42 ở Sở thú để “khai thác mạnh” - tra tấn dã man - chúng bịt mắt, cho xe chạy lòng vòng trong nội thành ra ngoại ô, hàng giờ sau mới tới địa điểm. Vì vậy có những người mới bị giam trong xà lim ở P-42 nghe tiếng cọp ở Sở thú gầm thì tưởng đã bị chúng giam sâu trong rừng.

Tại phòng giam đầu tiên, người mới bị bắt thường thấy chúng để sẵn danh sách, ảnh của một số người trong cùng tổ chức, hay có quan hệ, quen biết với mình. Tình huống đó làm cho người bị bắt khó tránh khỏi phân vân lo nghĩ, có thể hoang mang sợ hãi nếu không vững vàng. Một thời gian sau chúng mới gọi lên thẩm vấn. Chúng để cả tập hồ sơ dầy, có khi cả ảnh những cán bộ quen biết bị bắt cho người bị thẩm vấn trông thấy, rồi nói: “Hoạt động của anh chúng tôi biết rõ rồi. Song vì thực hiện chính sách của Ngô Tổng thống đối với người kháng chiến nên đưa anh về để học tập chuyển hướng...”Thuyết xong một thôi cái chính trị quốc gia rồi, chúng lại bịt mắt người ta đưa lên xe trả về phòng giam kín. Mặc cho anh suy nghĩ, phán đoán, có thể bị hoang mang và phải khắc khoải chờ đợi.

Thời gian này chúng theo dõi thái độ của người bị bắt để tấn công “chuyển hướng”.

Đoàn công tác không báo danh sách và số lượng người bị bắt cho bất cứ cơ quan nào. Ngay những giới chức cao cấp trong bộ máy ngụy quyền có muốn biết cũng không dám hỏi. Cả những cơ quan có liên hệ như Tổng Nha Cảnh sát Công an, Sở nghiên cứu chính trị xã hội và An ninh quân đội, dù cần cho “công vụ” muốn trao đổi cũng không được chúng trả lời. Trong khi hành sự-thường là do lối bắt cóc gây hoang mang mất an ninh xã hội - có va chạm với các cơ quan an ninh chính ngạch trên thì Dương Văn Hiếu liền nhờ Phạm Thủ Đường, trung tá chánh văn phòng của Ngô Đình Nhu lấy thế Phủ Tồng thống ăn hiếp bắt ép người ta im lặng, hoặc Hiếu thậm thụt vào gặp Nhu để lấy thần thế lên nước, hạ uy tín đối phương.

Vì vậy “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung” bắt bớ hành hạ những người yêu nước, những tù chính trị, những người thuộc phe đối lập một cách tàn tệ phi pháp và vô đạo lý đến như thế nào cũng mặc lòng, cả luật pháp, chính giới và dân chúng không ai được biết và không đám biết.

Để hiểu rõ hơn một số nguyên nhân trực tiếp đã giúp cho các cơ quan bạo lực phi pháp của gia đình họ Ngô khi chấp chính, đã đàn áp đánh phá gây cho cách mạng một số tổn thất to lớn, chúng tôi thấy cần thiết vạch ra sau đây một số thủ đoạn nham hiểm của chúng đã sử dụng ở sau hàng rào kẽm gai các trại tập trung.

Phần đầu chúng tôi đã nói tới sự hình thành và phát triển của “Đoàn công tác” từ Huế bành trướng vào Sài Gòn rồi Cần Thơ cả về chiều rộng tổ chức cũng như chiều sâu trong địa vị chính trị. Ở đây cần nói thêm một chút cách sắp xếp ở nội bộ cơ quan này. Một khi chúng phát hiện ra cán bộ cơ sở cách mạng ở nơi nào đó, chúng liền cử nhân viên, đưa đoàn lưu động đến đánh phá. Những tổ chức của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung đặt cố định ở Sài Gòn, Cần Thơ làm nhiệm vụ xung kích vây bắt cán bộ. Chúng dụ dỗ, tra tấn người bị bắt tại chỗ để thu tài liệu và sử dụng nó kịp thời vào việc đánh giá và mở rộng đánh phá cách mạng. Còn sào huyệt chính, hậu cứ của chúng vẫn là Huế. Ở Huế chúng cũng ra sức đánh phá cách mạng tại chỗ và các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt v.v... bằng những đội lưu động theo vụ việc, không kém gì ở Sài Gòn, Cần Thơ nhưng chúng còn làm một việc hết sức quan trọng khác là biến cán bộ cách mạng thành tay sai cho chúng để đánh phá cách mạng rộng hơn, sâu hơn nữa. Theo cách lừa mỵ để che đậy bản chất lang sói của chúng, công việc đó được gọi là “cải huấn”, “chuyển hướng cán bộ”.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:24:59 pm »

Đây là sáng kiến của Ngô Đình Cẩn được một số cán bộ cấp Tỉnh ủy đã đầu hàng làm tham mưu giúp cho. Đích thân Cẩn trực tiếp điều khiển công việc. Ở đây hắn nắm công việc như nắm vườn cam, nhà mát của hắn.

Khi đã có cơ sở vững vàng ở Sài Gòn với những “Bến Vân Đồn”, trại Lê Văn Duyệt, Ngô Đình Cẩn bèn đưa Nguyễn Tư Thái vào thay cho một trong hai phụ tá của Dương Văn Hiếu là Lê Văn Dư, để rút Du về trông coi công việc ở Huế. Chọn Lê Văn Dư về phụ trách công việc “chuyển hướng cán bộ” không phải Ngô Đình Cẩn không chú ý lựa chọn sử dụng tay chân cho thích hợp với công việc.

Lê Văn Dư còn rất trẻ, hắn sinh năm 1934, vào thời gian đó (1958) mới 24 tuổi. Tên thật của hắn là Lê Văn Du, con một gia đình địa chủ theo đạo Thiên chúa. Đầu năm 1953 Dư đi lính cho Pháp, đến cuối năm sang cảnh sát. Một năm sau Dư bị thương gãy chân trái. Đối với Dư thế là còn may mắn hơn nhiều so với hai anh hắn. Hai anh Dư cũng làm tay sai cho Pháp và đã chết trận. Vốn sinh ra trong gia đình công giáo phản động, những đòn trừng phạt của cách mạng với hắn và gia đình làm cho hắn càng thâm thù và chống cách mạng quyết liệt hơn.

Rời bệnh viện với cái chân thọt, Dư lao vào công việc khủng bố đồng bào yêu nước với một nghị lực đáng kể. Đầu năm 1955 lên trưởng chi công an Hương Thủy. Sau đó Dư được chọn vào Ban khai thác của Nha công an Trung Việt. Năm 1956 Dư được chọn làm phụ tá Trưởng ty công an Thừa Thiên Huế. Rồi làm phụ tá cho Dương Văn Hiếu trong “Đoàn công tác”. Từ 1958 đến 1961 Dư phụ trách “cơ quan đặc biệt” Huế và tiếp theo kiêm phụ trách luôn Trưởng ty công an cảnh sát Thừa Thiên, được Cẩn rất tin cậy.

Lê Văn Dư có nhiều kinh nghiệm khai thác và các thủ đoạn bắt bớ. So với bọn Phan Khanh, Thái Đen, Lê Văn Dư không thua nước gì. Mang cái chân què, Dư không có những “đòn độc” lúc đấm đá, tra tấn. Dư tự tô vẽ được một bộ mặt điềm đạm hiền lành trái ngược với bộ mặt hách dịch kênh kiệu của Phan Khanh. Dư thường tự hào là có nhiều tù nhân có cảm tình với mình. Dư biết cư xử phải chăng (!). Để phục vụ chiêu bài chính trị giả hiệu “cách mạng Quốc gia” nhằm lừa dối tù nhân, bắt họ “chuyển hướng” Lê Văn Dư thường sống với hai bộ mặt trái ngược. Bình thường Dư làm ra vẻ phúc hậu, luôn chăm sóc đến quyền lợi và tình cảm của một số người bị bắt và chịu “chuyển hướng”. Dư nới tay, “ưu đãi”, cho họ ăn uống no đủ cho liên lạc thăm viếng gia đình, cho chơi phố, đi chợ búa, giải trí. Dư đã mê hoặc lôi cuốn được những kẻ bấp bênh, sợ đấu tranh, thích hưởng lạc, cầu an như Lê Phước Thưởng, Lê Lợi, Lê Khắc Lự, Nguyễn Chơn...

Ngược lại, đối với những cán bộ bị bắt kiên quyết đấu tranh chống chuyển hướng như các anh Đạt, Hoàng, Hội, Thuấn..., Lê Văn Dư kiên quyết thẳng tay đàn áp. Khi cái chính trị giả hiệu bị họ vạch mặt, Lê Văn Dư bèn đưa số này đi biệt giam ở nhà lao “Chín hầm “một địa ngục còn tồi tệ hơn P.42, ở vùng núi Thừa Thiên. Năm 1959 phát hiện một số cán bộ bị bắt thành lập chi bộ Đảng bí mật ngay trong trại Tòa Khâm để hoạt động đấu tranh, Lê Văn Dư liền tổ chức phát động toàn trại “đấu tố, bắt họ học tập “, kiểm thảo. Dư uy hiếp khống chế họ rất cơ cực cả tinh thần lẫn thể xác.

Lê Văn Dư rất chú trọng việc dùng bọn đầu hàng phản bội đánh vào hàng ngũ cách mạng để hoạt động nội gián. Dưới sự điều khiển trực tiếp của Dư, Ty công an cảnh sát Thừa Thiên đã thực hiện khá nhiều đầu mối nội gián đánh sang phía cách mạng.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:25:46 pm »

Một tên ác ôn từ đầu đến chân lại có thể đội được cái lốt ông Thiện là một lợi thế của Dư, khiến cho hắn rất thích hợp với công việc chuyển hướng cán bộ ở trại Tòa Khâm Huế của “cơ quan đặc biệt” dưới trướng Ngô Đình Cẩn.

Gọi là trại Tòa Khâm vì đây vốn là Tòa Khâm sứ cũ của Pháp (1) trên mặt bằng nó là số 9 phố Lê Lợi. Trải qua kháng chiến 9 năm, Tòa Khâm sứ cũ bị tàn phá nhiều, chỉ còn lại một nửa căn lầu, một nhà trệt và trong vườn có vài cái lô cốt bẩn thỉu. Trong Tòa Khâm có nhiều cây cối, bờ rào có cây che kín đầy vẻ thâm u huyền bí. Đi ở đường Lê Lợi nhìn vào, người ta không trông thấy sinh hoạt bên trong trại.

Năm 1956 khi mới có “cơ quan đặc biệt”, nơi đây còn luộm thuộm, chỉ còn lơ thơ vài bộ bàn ghế cũ kỹ, một ít giường bố, đèn tối lờ mờ, chỗ giam người không phân chia nam nữ.

Khi Đoàn công tác đặc biệt miền Trung ra đời, “Cơ quan đặc biệt” nhanh chóng phát triển. Trại Tòa Khâm cũng được củng cố. Chúng làm thêm nhà lợp tôn để tăng diện tích giam người, phân chia nơi giam nam riêng, nữ riêng. Bên trong được cấp thêm giường bố, kiểu nhà binh do Mỹ viện trợ. Bàn ghế, ánh sáng được tăng cường đầy đủ. Đến năm 1961 ngụy quyền xây dựng Đại học Huế thì trại rời đến địa điểm khác, hiện nay nơi đó là trại tạm giam sở Công an Bình Trị Thiên.

Muốn nói tới chính sách “chuyển hướng cán bộ” của Ngô Đình Cẩn thiết tưởng nên lưu ý bạn đọc rằng đế quốc và tay sai của chúng bao giờ cũng là chó sói. Hành hạ, dày xéo con người để phục vụ lợi ích của riêng là bản chất của chúng. Có chăng là Ngô Đình Cẩn sớm nhận ra rằng những thủ đoạn nhục hình dù ghê gớm đến mấy cũng khó lòng khuất phục những người cách mạng. Trái lại, nhục hình còn làm tăng lòng căm thù đẩy người bị bắt vào đấu tranh một sống một chết. Chính Phan Khanh từng nói: “Cộng sản rơi vào tay tôi dù có sống sót trở về cũng trở thành tàn phế, chỉ có sống ăn báo cô vợ con!” Tàn ác lắm, tiếng ca thán và lòng căm giận của dân chúng càng lên cao, rất không lợi cho chiêu bài cách mạng, quốc gia của Ngô Đình Diệm.
Thủ đoạn chuyển hướng cán bộ thực ra không phải là một sáng kiến hoàn toàn mới mẻ của Ngô Đình Cẩn. Từ lâu rồi dân tộc Việt Nam đã từng biết đến thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, phỉnh nịnh kèm với khống chế những người yêu nước bị bắt để biến họ thành tay sai của đủ thứ giặc cướp nước và bán nước.
Ngô Đình Cẩn nên thâm về mặt lừa dối vì ông ta vận dụng thủ đoạn này một cách quỷ quyệt, tinh vi với một quy mô rộng lớn hơn, có phần lợi dụng được tình hình khó khăn của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Lúc đầu, đưa ra những lý lẽ về cách mạng quốc gia chúng chỉ biết áp đặt máy móc kèm nhục hình như mọi cách tra tấn khác. Thủ đoạn chuyển hướng thường bắt đầu bằng cách bắt người tù lột hết quần áo nằm trong phòng kín không nhìn thấy bên ngoài. Đến bữa ăn nhận cơm qua một lỗ nhỏ. Suốt ngày đêm loa ngoài cửa dội vào những luận điệu tuyên truyền chống cộng, những lời kêu gọi của Diệm, những lời thề thốt trước Ngô Tổng thống của mấy đứa phản bội... Sống trong cảnh tù túng lạnh lẽo cô đơn, người bị giam càng bị căng thẳng cả thể xác lẫn tinh thần, nếu không vững vàng, dễ hoang mang mất phương hướng đối phó.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:27:16 pm »

Sau một thời gian những người bị bắt, bị đầy ải đến kiệt quệ, những tên trong ban cải tạo mới đến thăm dò thái độ, tư tưởng và thử tìm hiểu về trình độ lý luận của từng người bị bắt để đặt hướng “cải tạo”. Bọn chúng dùng thủ đoạn o ép người ta bằng một cái tên rất kêu là “xã luận chiến”. Xã luận chiến nhưng ở đây không có sự đấu trí để tìm ra chân lý, vì như vậy thì bọn tay sai Mỹ thường thua ngay hiệp đầu. Từ đầu đến cuối, nó chỉ là nhục hình biến tướng. Chúng không nghe, không dám nghe và không cho người bị bắt nói. Chúng cứ lải nhải cái chiêu bài “cách mạng quốc gia chống cộng”, “dựa vào Mỹ để giành độc lập thật sự chứ không phải làm tay sai”, và giải thích gia đình Ngô Đình Diệm trung quân ái quốc từ xưa đã nổi tiếng “Đuổi vua không khả”...vân vân.,

Cái chính không phải là người không bị bắt được tranh luận, dùng sự thật lịch sử để đập tan những luận điệu phản động của chúng mà là bị chúng thay phiên nhau hỏi chuyện, giải thích, cãi chày cãi cối liên lục từ sáng đến tối, từ tối đến khuya. Chúng làm cho người bị bắt mất ăn mất ngủ, thể xác mệt mỏi, thần kinh căng thẳng trở nên bực bội không chịu nổi. Có người nổi khùng lên phải khai bừa, chấp nhận bừa lý lẽ của chúng cho xong chuyện, cốt mong sao chúng để cho yên thân. Thế là mắc mưu chúng.

Những người chịu khai, bọn chúng trả lại quần áo cho mặc. Hàng ngày số này phải lên ban cải tạo học tập và viết “kiểm điểm”. Hết giờ họ về toán ăn ngủ, sống từng bầy dưới sự kiểm soát rất hà khắc của tên toán trưởng. Chúng cấm người tù trao đổi chuyện trò. Tất cả phải nằm ngửa nhìn thẳng lên ảnh Diệm và lá cờ ba que. Khi mỏi quá phải xin phép chúng mới cho trở mình. Tên toán trưởng sẽ hô, mọi người đồng loạt quay phải, quay trải theo lệnh... Từ chấp hành khẩu lệnh đơn điệu này sẽ dần tới chấp hành chuyển hướng.

Trong tập sách này không thể đi sâu vào các thủ đoạn nhục hình của địch và cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của cán bộ ta khi sa vào tay giặc, mà chỉ muốn nói tới thủ đoạn “chuyển hướng” cán bộ - một thủ đoạn liên quan trực tiếp đến chủ đề cuốn sách.

Từ khoảng tháng 7 năm 1957 khi mới manh nha hình thành cơ quan đặc biệt, chính sách này chỉ gồm số lập luận chính trị mơ hồ, rời rạc và cách áp dụng lẻ tẻ tùy thuộc vào đối tượng bị bắt. Sang đầu 1958 chúng hệ thống hóa được cả mớ lý luận và có cách thức vận dụng rộng rãi quy mô hơn.

Nói cho đúng thì công việc chuyển hướng trở thành chính sách từ khi chúng bắt được một số cán bộ quan trọng như các anh Đ, thường vụ Tỉnh ủy; Lê Phước Thưởng tỉnh ủy viên Thừa Thiên ; P.T.T., L. cán bộ điệp báo Liên khu 5; H., B., cán bộ tình báo Khu Năm...

Không những một số đầu hàng phản bội đã giúp cho Ngô Đình Cẩn tin vào có sự chuyển hướng ở số kẻ nào đó, mà thực sự số này đã trở thành công cụ, đắc lực thi hành và hoàn thiện cái công việc tai hại đó!

Số này không nhiều, có thể nói là rất ít so với hàng ngàn hàng vạn cán bộ và đồng bào yêu nước bị sa vào tay giặc đã kiên cường bất khuất đấu tranh đến cùng và đã hy sinh lặng lẽ.

Khi nắm được những kẻ ra mặt phản bội cách mạng bọn chúng tìm cách mơn trớn vuốt ve. Chúng đưa bọn này đi gặp các quan chức chính quyền cao cấp như Hà Thúc Luyện tỉnh trưởng, Hồ Đắc Khương đại diện chính phủ tại trung Việt. Ngô Đình Cẩn cũng trực tiếp gặp số này một cách niềm nở dưới hình thức những cuộc trà đàm thân mật. Ngô Đình Cẩn xác định lại nội dung chính sách chuyển hướng mà tay chân hắn là bọn Dương Văn Hiếu, Phan Khanh, Lê Văn Dư đã mào đầu khi số người này bị bắt về trại đã tỏ ra ăn chịu. Cẩn tỏ ra rộng rãi cởi mở bằng cách giải đáp thắc mắc do số này vạch ra, hoan nghênh sự trở về của những kẻ này và hứa “chính sách chuyển hướng sẽ được công khai hóa bằng một đạo luật chính thức của chính quyền!”- Song chuyện đó lại chưa bao giờ xảy ra.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:28:39 pm »

Nội dung chính luận điệu lừa mị của Ngô Đình Cẩn luôn được thêm thắt chắp nối dần dần, cho đến khi hoàn chỉnh có những ý chính là:

- Thừa nhận kháng chiến là có công chứ không có tội. Những người kháng chiến là những chiến sĩ yêu nước.

- Chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam cũng là “chính quyền cách mạng”. Chúng đang “bài phong”- nghĩa là truất phế vua Bảo Đại - “đả thực”-hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi miền Nam. Chính quyền Diệm không phải là tay sai của Mỹ. Quan hệ của Mỹ và Diệm chỉ là quan hệ viện trợ. Việt Nam là nước chậm tiến sau 80 năm nô lệ thuộc địa Pháp. Miền Nam phải nhờ Mỹ cũng như miền Bắc phải nhận viện trợ của Liêu Xô, Trung Quốc.

- Chính quyền Diệm chủ trương một đường lối “quốc gia dân tộc” chống lại đường lối “độc tài” “Đảng trị”. Đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi giai cấp...

- Xác nhận chính quyền miền Nam của Diệm đang còn nhiều bê bối, thối nát, phản cách mạng vì Diệm chưa thể một sớm một chiều cải thiện toàn bộ cơ chế thống trị của thực dân, phong kiến để lại. Bộ máy nhà nước (của Diệm) hiện nay gồm đa số là tay chân của thực dân, phong kiến, đang cản trở rất lớn các chính sách cách mạng của Diệm. Nhưng Diệm chưa thay hết được vì chưa đào tạo kịp cán bộ. Vì vậy chính quyền rất hoan nghênh sự “trở về” của anh em kháng chiến. Chính quyền sẽ coi anh em như con một nhà anh em có trách nhiệm cùng bàn bạc, lo lắng gánh vác việc chung.

- Mục đích của những người kháng chiến là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó cũng là mục đích của Diệm đang theo đuổi. Vì vậy mục đích là một, chỉ cần anh em “chuyển lại hướng đi”...

- “Chuyển hướng” là hành động yêu nước chứ không phải phản bội(!)...

Kèm theo những luận điệu đó, chúng gia giảm thêm một lượng thuốc nhuận tràng cho dễ tiêu hóa như có thái độ xởi lởi vuốt ve, tỏ vẻ tôn trọng cá nhân kẻ bị bắt bằng cách nhất loạt dùng chữ cán bộ chuyển hướng để che giấu thực chất sự đầu hàng phản bội, không coi họ là người đang bị tù đày-mà chỉ là học tập. Hết lời ca ngợi phẩm chất anh hùng bất khuất của người kháng chiến, mạt sát không tiếc lời bọn tay chân quan lại hay đục khoét và chửi cả Mỹ trong một số hành động cụ thể, nhất là thái độ viện trợ bủn xỉn. Thậm chí Cẩn còn nói, chính quyền Diệm chỉ lợi dụng viện trợ của Mỹ chứ luôn đề cao cảnh giác vì thực chất Mỹ chỉ là đế quốc!...

Có một hộ thống lý lẽ như thế, bọn Cẩn bèn áp dụng vào các trại giam và cải tiến các khâu bắt giam, khai thác, sử dụng cán bộ bị bắt.

Khi đưa một cán bộ chuyển hướng về trại, chúng làm bộ tử tế, sắp xếp nơi ăn chỗ ở đàng hoàng. Bọn nhân viên trong trại tạm xếp bộ mặt cai ngục mà sắp sẵn một thái độ cởi mở, làm bộ ân cần hòa nhã.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:29:50 pm »

Cả với những người đã bị tra tấn dã man chúng cũng kiếm lời lừa mị. Có khi đích thân Hiếu hoặc Duyệt trực tiếp đến vuốt ve, đại loại hắn xuýt xoa:

- Tôi biết anh bị bắt muộn, lại nghe tin anh bị nhục hình dã man, tôi giận quá. Tôi sẽ phạt chúng nó rất nặng. Cái bọn vô học làm sai cả chính sách của cụ cố vấn. Ở đây cũng một phần là có sự nhầm lẫn. Thôi anh thông cảm mà bỏ quá đi. Thong thả có dịp tôi sẽ dẫn anh đến gặp cụ cố. Tội nghiệp ông cụ bận bịu suốt mà vẫn quan tâm đến các anh rất nhiều.

Có khi chúng chấn chỉnh, giải thích, cho nhân viên trước mặt “cán bộ chuyển hướng”:

“Chủ nghĩa nhân vị của ta xây dựng trên cơ sở tôn trọng con người, vì con người, các anh không được để những chuyện nhục hình tái diễn, cụ cố biết cụ phiền lòng lắm”.

Số người bị bắt sống chung trong phòng không khóa cửa, được phát giường bạt, chăn màn. Ăn uống có khẩu phần khá. Mọi sinh hoạt trong trại đều do người bị giam tự quản lý lấy. Chúng rất hạn chế việc dùng nhân viên công an quản lý, điều khiển công việc trong trại, thay vào đó, chúng dùng bọn “chuyển hướng”. Làm như vậy chúng muốn ra vẻ đây không phải là trại giam (!) hòng gây ấn tượng tốt cho người bị bắt.

Có trường hợp một cán bộ bị bắt đã khai khớp hẹn sắp tới để đón một cán bộ khác vào họp tại một địa điểm ở nội thành. Bọn Dương Văn Hiếu bèn bố trí kế hoạch cho tên phản bội đúng ngày quy định, đến khớp hẹn để bắt người cán bộ vào họp, nhưng chúng làm như đi đón. Đến nỗi khi đưa về trại giam, mấy tên “chuyển hướng” cho anh cán bộ nọ biết rằng anh đã bị bắt, anh vẫn không tin mà còn cho rằng các đồng chí trong tổ chức định thử thách tinh thần mình ! Những trường hợp bắt theo cách này Đoàn công tác không thẩm vấn người bị bắt theo kiểu hỏi cung thông thường của bọn công an ngụy vẫn làm. Bước đầu tiên là chúng dụ dỗ chuyển hướng. Chúng thường dùng những kẻ đầu hàng phản bội, đã “chuyển hướng tốt “thuyết phục, dụ dỗ người mới bị bắt. Dùng những kẻ đã từng là cán bộ cấp trên để thuyết phục dụ dỗ cấp dưới nếu bị bắt. Dùng số đông những người đã từng có cương vị cùng công tác với nhau để lôi kéo. Người bị bắt thấy trước mắt mình là các đồng chí trong không khí giống như sinh hoạt ở tổ chức cũ chứ “không phải” là địch. Thậm chí có người còn mơ hồ tưởng là những “đồng chí”, người lãnh đạo mình trước kia, nay đang vạch cho mình nghe những lý thuyết mới trong tình hình mới, với một tinh thần hăng say đáng tin cậy!

Có những anh em vì hoạt động lâu trong vùng địch ít được giáo dục chính trị thời sự, trình độ hiểu biết có hạn nên bước đầu dễ bị lừa dối, ngây thơ tin là thật. Nhưng phần lớn người bị bắt thấy rõ đây là lý lẽ bịp bợm, phản động nhưng trong đấu tranh gian khổ, khó khăn, sợ tra tấn, sợ chết, đó là mầm mống dao động, cầu an nên lấy cớ này để ngụy biện cho việc đầu hàng là hợp thời thế, để cam tâm làm theo ý giặc.

Đối với một số cán bộ quan trọng, chúng bố trí công phu hơn. Ngay khi anh bị bắt về, tên trưởng đoàn Dương Văn Hiếu hoặc các phụ tá của hắn gặp gỡ đón tiếp. Bọn này đã để công nghiên cứu về anh, trong câu chuyện mở đầu, chúng sẽ khéo léo đề cập đến một số chi tiết quan trọng về anh, để làm cho anh giật mình tự hỏi không biết chúng đã nắm về mình đến mức độ nào? Rồi chúng tảng lờ, thả luận điệu “chuyển hướng “để mua chuộc dụ dỗ. Chúng kể cho anh nghe những trường hợp - nhiều khi chúng bịa ra - về những người mà anh có biết, có quan hệ, đã đầu hàng và chúng đã ưu đãi như thế nào? Tất nhiên chúng cũng không quên răn đe bằng cách đề cập những trường hợp bị tra tấn tàn nhẫn, ghê rợn và những luật pháp chống Cộng khủng khiếp như luật 10/59...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:31:15 pm »

Chúng tỏ ra không nôn nóng, không vội moi tin hoạt động của người bị bắt mà còn cho phép nếu thắc mắc để chúng giải thích, khuyên người bị bắt an tâm trao đổi ý kiến. Chỉ khi nào người bị bắt tự giác ,chấp nhận chuyển hướng thì vấn đề khai thác sẽ là nhiệm vụ tự nguyện, là bổn phận. Đến bước này bọn nhân viên cải tạo của địch mới làm việc hướng dẫn cho anh viết bản tự khai theo yêu cầu của chúng!

Trong thực tế đấu tranh của cán bộ bị bắt, có nhiều tình hình phức tạp. Ngay trong số chịu đầu hàng chuyển hướng cũng có mức độ khác nhau. Bọn địch căn cứ từng trường hợp mà có đối sách rõ ràng.

Trước hết, nhân viên cải tạo phải chú ý thúc đẩy dẫn dắt cho người bị bắt thừa nhận có hoạt động cách mạng, chưa cần chi tiết cụ thể. Chẳng hạn, có kẻ nhận là chỉ hoạt động trong kháng chiến chống Pháp. Chúng gợi ý là: có được Đảng cho học tập hiệp định Giơ-ne-vơ không? Dù thực tế chưa làm gì, nhưng có được giao nhiệm vụ ở lại không? Chịu nhận là đương nhiên có hoạt động cách mạng sau hiệp định Giơ-ne-vơ rồi. Như vậy là phải làm bản tự khai.

Nội dung bản tự khai gồm các phần :

- Phần lý lịch: khai rõ gốc tích, thành phần, trình độ

- Phần quá trình hoạt động qua các thời kỳ :

Từ 1945 trở về trước?

Từ 1945 đến 1954?

Từ 1954 đến ngày bị bắt?

- Phần phát hiện cán bộ và cơ sở cách mạng.

Phần quá trình hoạt động chủ yếu là từ 1954 trở lại.

Điều quan trọng nhất là phần phát hiện tổ chức, cán bộ và cơ sở cách mạng. Chúng đòi hỏi: phải khai rõ tổ chức của mình hoạt động, đường dây liên lạc, những cán bộ, cơ sở liên hệ trực tiếp trong tổ chức. Phải khai rõ cả những tổ chức, cán bộ, cơ sở khác mà anh biết kể từ ngày tham gia cách mạng? Nghĩa là tất cả mọi thứ anh biết.

Các bản khai báo này chúng giao cho “Ban nghiên cứu” sưu tra, phối kiểm, đúc kết lại để vạch ra các mục tiêu cần vây bắt ngay, truy nã hay là theo dõi để phát hiện thêm. Nếu thấy bản khai còn chưa đủ, chưa rõ, chúng lại dồn ép bắt khai đi, khai lại, khai bổ sung; cho đến lúc nào không còn gì, chúng hoàn toàn thỏa mãn mới thôi.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:32:51 pm »

Đi đôi với khai báo, chúng còn giao nhiệm vụ công tác để thử thách. Tùy trình độ mỗi người, có thể chúng bắt vạch kế hoạch đánh phá lại tổ chức cách mạng mà anh nắm vững; có thể là vạch đường lối chính sách của cách mạng. Đơn giản là chúng bắt đi chỉ điểm phục kích các cơ sở, cán bộ cũ hoặc đón chặn ở các nơi công cộng các nút giao thông. Có khi công việc chúng giao là bí mật rình mò lẫn nhau trong trại để theo dõi diễn biến tư tưởng của người bị giam nhằm chia rẽ nội bộ nghi kỵ lẫn nhau và đó cũng là đòn tâm lý nhằm đánh gục chút nhân phẩm cuối cùng-nếu đang còn-của tên đầu hàng, để rồi chúng tha hồ bảo ban sai khiến bắt làm những việc thậm tệ hơn nữa chống phá cách mạng bằng những thủ đoạn kích thích vật chất như cho ở riêng một khu, ăn uống khá đầy đủ, theo khẩu phần đôi. Được liên lạc với gia đình hoặc cơ sở để nhận tiếp tế hoặc được đi lại mua sắm một số vật dụng cần thiết. Căn cứ vào thái độ khai báo, chúng có thể cho những tên thành thực chuyển hướng về thăm nhà vài tiếng đồng hồ, có nhân viên công an dẫn đi. Những tên bị bắt lâu, việc khai thác tạm kết thúc và được coi là chuyển hướng tốt thì một tuần chúng cho về nhà một lần, có loại còn có công an dẫn, có loại được tự do đi về cả ngày. Loại đã đạt đến mức tin cậy thì Dương Văn Hiếu cho về nhà hàng ngày, sau giờ làm việc tại “Đoàn công tác” như nhân viên cơ quan.

Trong trại, chúng tổ chức cho bọn chuyển hướng ra nội san, ở Sài Gòn là tờ “Chuyển hướng”, ở Tòa Khâm Huế là tờ “Chính nghĩa”. Thông qua các tờ nội san chúng bắt bọn này nói bằng giấy trắng mực đen những lời ca ngợi tri ân Ngô Tổng thống và lòng quyết tâm chuyển hướng của mình! Chúng tổ chức sáng tác và biểu diễn văn nghệ với nội dung tương tự. Hàng tháng chúng thanh toán tiền căng tin, tiền ăn thừa của những người đi vắng, người ốm, trả tiền thưởng cho các bài báo, vở diễn. Chúng nói: “các anh để dành tiền này khi được tự do thêm vào vốn kinh tế. Chúng tôi rất thông cảm với sự thiếu thốn của các anh trong những năm tham gia kháng chiến. Giờ về đây có điều kiện, chúng tôi sẽ giúp các anh vun đắp cuộc sống gia đình và làm lại những gì các anh đã mất!”.

Những đồng tiền còm cõi bẩn thỉu đó đôi khi đã đè bẹp ý chí của không ít những phần tử cách mạng cơ hội, bấp bênh!

Những ngày chủ nhật Lê Văn Dư dẫn bảy con chiên là người bị bắt đi nhà thờ cầu kinh, nghe giảng. Chúng còn tổ chức gán ghép xây dựng gia đình, làm lễ cưới theo “lối sống mới” cho kẻ chuyển hướng, lập tổ hạnh phúc trong trại...

Ngoài ra, trong khai báo, có những cơ sở không quan trọng hoặc có quan hệ tình cảm tế nhị mà kẻ chuyển hướng đề nghị không bắt, chúng cho thỏa mãn ngay, có khi cơ sở thuộc loại trên đã bị bắt rồi mà bọn chuyển hướng xin cho tự do, chúng cũng giải quyết thỏa đáng. Một số trường hợp chúng cho bọn chuyển hướng tiền bạc mua quà về thăm nhà, hoặc để giải quyết khó khăn thiếu thốn cho gia đình. Không ít trường hợp chúng trực tiếp can thiệp với các xí nghiệp, các nhà thờ đưa vợ con, anh em người bị bắt vào làm việc hoặc xin cho con cái họ học nghề ở các trường do chúng lập ra. Vì thế, một số tên chuyển hướng đã thực sự mang ơn chúng, càng lệ thuộc gắn bó với chúng.

Khi đã có một số khá đông phần tử chuyển hướng. Đoàn công tác cho tổ chức Ban chỉ đạo cán bộ chuyển hướng. Ban này gồm những phần tử chúng đã “nắm chắc” được như Lê Phước Thưởng, một tên được Ngô Đình Cẩn nhiều lần cho ra nhà mát của Cẩn ở Thuận An để mừng sinh nhật Cẩn hoặc trong dịp chè chén nhân giỗ tết; tên Lâm, quân báo khu 5 cũ, được Ngô Đình Cẩn cưới vợ cho; và một số tên khác như B., H., Đ,. Q... đã tích cực tuyên truyền thuyết chính trị quốc gia và thành thật ca ngợi chuyển hướng.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:33:55 pm »

Ban chỉ đạo này quyết định mối sinh hoạt trong nội bộ bọn “chuyển hướng “làm công việc “cải tạo”, khai thác số cán bộ mới bị bắt. Chúng nghiên cứu các bản khai báo để xác nhận mức độ “thành khẩn “hay quyết định “truy kích đả thông” số “ngoan cố” không chịu khai báo hay khai báo đối phó. Bọn này cũng theo dõi những người bị bắt giam để phát hiện “âm mưu chống đối “hay “tư tưởng xuyên tạc “- như cách nói của chúng.

Dương Văn Hiếu, Lê Văn Dư thường nói có tính chất thúc ép với “ban” này: Chính sách, đường lối đã rõ ràng rồi, vấn đề bây giờ là anh em phải bảo ban nhau làm cho tốt, mở rộng hoạt động để có một lực lượng lớn thì mới có điều kiện để công khai hóa chính sách được.

Bọn trong ban chỉ đạo này lại nhai lại các luận điệu đó để mớm cho các tên “chuyển hướng “khác mới đến.

Trong khi thi hành “chính sách chuyển hướng” với những luận điệu kiểu đó, bọn “Đoàn công tác” vẫn ngấm ngầm nắm riêng từng tên trong ban chỉ đạo. Chúng hay lôi riêng từng tên đi ăn mảnh, cho nhậu nhẹt, chơi phố, chơi gái, xem chiếu bóng... và hỏi chuyện về những tên khác. Việc làm có dụng ý đó gây nên tâm lý xét nét, nghi ngờ, bôi bác lẫn nhau trong bọn phản bội-để chúng ganh đua tâng công và kiềm chế lẫn nhau.

Thời gian đầu, bọn trong “Ban chỉ đạo” này hoạt động rất tích cực trong các việc khai thác cán bộ bị bắt, hiến kế trong việc cải tạo, chuyển hướng và nhất là vạch kế hoạch đánh phá cách mạng cũng như bày cách mở rộng hoạt động của Đoàn công tác đi Sài Gòn và các địa phương khác.

Đến giữa năm 1959 “Đoàn công tác” đã thiết lập được đầy đủ một hệ thống tổ chức “cán bộ chuyển hướng” trong các trại giam của chúng để khai thác số cán bộ và đồng bào yêu nước bị bắt và đánh phá cách mạng. Hệ thống này bao gồm nhiều Ban-đã nói ở phần 1- từ trưởng ban đến nhân viên toàn là bọn phản bội, do “Đoàn công tác” trực tiếp chỉ huy.

Với thủ đoạn tổ chức này, “Đoàn công tác “sử dụng bọn “chuyển hướng” vào tất cả các khâu trong dây chuyền đánh phá liên tục các tổ chức cách mạng.
Chúng ta có thể hình dung được cái nguy hại do thủ đoạn “chính sách cải tạo và sử dụng cán bộ chuyển hướng” của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung qua lời thú tội của Nguyễn Tư Thái tức Thái Đen:

“... Những ban như Ban cải tạo, Tuyên huấn, Văn nghệ, Quản trị v.v.., đều do cán bộ chuyển hướng làm trưởng ban và hầu hết các nhân viên trong các ban này không có một nhân viên nào của chính quyền. Vì vậy họ dễ làm việc hơn. Họ thông thạo cách đối xử và am hiểu các hoạt động của số cán bộ cấp dưới, do đó họ dễ thông cảm hơn và việc chuyển hướng rất mau. Và một khi đã chuyển hướng thì họ đề xuất kế hoạch, nuôi dưỡng, khai báo, hoặc đánh phá. Từ đó “Đoàn công tác” có cơ sở để nghiên cứu các đề nghị của họ và từng bước thực hiện.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2017, 11:35:01 pm »

Thái Đen có nhận xét: Số cán bộ bị bắt đa số thành phần tiểu tư sản trí thức. Khi sống tại miền Nam, họ bị ảnh hưởng đời sống vật chất hoa lệ, tâm tư họ diễn biến, muốn cầu an hưởng lạc... Vì lẽ đó khi gặp khó khăn một sống, một chết, họ đã bị tình cảm chi phối, quên hết cả lý tưởng mà họ đang theo đuổi. Chính những thành phần này đã chuyển hướng nhanh nhất

Như trên đã nói, số cán bộ bị bắt chịu đầu hàng “chuyển hướng” có nhiều mức độ khác nhau và bị đánh gục ở những giai đoạn và bởi những thủ đoạn khác nhau. Thật khó nói hết những diễn biến phức tạp trong cuộc đấu tranh không cân sức và hết sức khốc liệt này. Bọn địch có lý lẽ chính trị phản động để dụ dỗ lừa mị, có thủ đoạn giả nhân giả nghĩa để thi ân mua chuộc và chúng không hề lơ là các biện pháp bạo lực khủng bố trắng vốn quen thuộc, là bản chất của chúng, tuy chúng dùng mọi cách che đậy bề ngoài làm ra điều nhân đạo, chính nghĩa.

Đối với những người không thể mua chuộc dụ dỗ được, bọn địch sử dụng tập thể bọn chuyển hướng để hoặc rỉ rả khuyên nhủ lôi cuốn, hoặc làm cái việc “xã luận chiến” để giải thích chính sách chuyển hướng, tranh luận áp đảo các thắc mắc, phản ứng của người bị bắt.

Chúng vừa đả thông tư tưởng vừa khống chế, đe dọa cưỡng ép làm cho người bị bắt quá mệt mỏi, rối loạn tâm thần. Có người tặc lưỡi tự bảo là tạm khai báo vài điều không quan trọng để được yên thân đã. Bọn chúng cũng chỉ cần bản khai đầu tiên đó để rồi lấn dần, tấn công liên tục làm cho người ta không thể dừng lại được. Bởi vì đã khai báo dù ít cũng là đã đặt chân lên con đường đầu hàng. Bọn địch có ý thức rõ điều này, không cho anh nghĩ như anh tưởng, mà chúng càng ra tay tấn công thêm. Người cán bộ bị bắt bị đặt lên cái cầu trượt quay lưng lại với đỉnh cao cách mạng. Đã lỡ phải lần. Càng lần càng lún. Bọn địch dùng ngay lại những lời được khai, dù ít ỏi để đánh vào nguyên tắc “phải bảo vệ tổ chức của cách mạng như bảo vệ con ngươi của mắt mình” để khống chế, chặn đường về của anh, đẩy thẳng anh xuống vũng bùn nhơ tội lỗi.

Ban lãnh đạo “Đoàn công tác” đã mau chóng tiếp thu và áp dụng thành nguyên tắc làm việc. Cái hiến kế của những tên “chuyển hướng” là sau mỗi vụ thẩm vấn, nhất là gặp những đối tượng gay go chúng họp Ban phân tích để rút kinh nghiệm và vạch phương hướng cho những âm mưu thủ đoạn mới.
Một số không ít khi bị bắt nghĩ rằng thà bị tra tấn, bị đòn ác liệt dã man lại dễ đối phố hơn. Càng tra tấn càng nung đúc chí căm thù do đó càng quyết tâm giữ vững khí tiết. Thủ đoạn “chuyển hướng” lúc này khá mới mẻ xảo quyệt và tinh vi nên nhiều người đã lúng túng, bị động chưa có kinh nghiệm đối phó. Khi vỡ lở dây chuyền, kẻ địch đã nắm được tài liệu, cơ sở trực tiếp liên quan và cả những người cùng hoạt động với mình cho nên chúng có nhiều chứng cứ hiển nhiên. Nếu anh non nớt, cảm thấy không thể che giấu nổi, khó chối cãi, khó tạo ra những cách đánh lạc hướng địch sẽ bị tấn công liên tục đành phải khai. Đã khai là phải chịu cải tạo chuyển hướng : Địch công bố lời khai của anh bằng cách phát thanh, bắt anh viết bài cho tập san “Chuyển hướng” hoặc “Chính nghĩa” buộc anh thấy mình không còn gì để giữ nữa.

Nếu người bị bắt còn có tác dụng đánh phá lại tổ chức cách mạng, chúng đẩy anh đến chỗ tự vạch kế hoạch đánh phá, buộc dẫn đường đi bắt những người có liên hệ hoặc lên xe đi chặn đường chỉ điểm - như đã nói ở phần trên.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM