Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:36:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tổng tập truyện ngắn của nhà văn Trần Hữu Tòng  (Đọc 13060 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:34:10 pm »

10/"Nhạc trưởng giữ rừng xanh"

Từ lâu khu rừng già Khe Mắc (HàTĩnh) có con gấu ngựa sinh sống. Mỗi lần gấu ngựa “tấu” lên ba tiếng thì những con gà trống cất tiếng gáy lanh lảnh như kèn đồng hòa nhịp theo. Rồi cả bầy gà mái cũng cục tác phụ họa. Rừng Khe Mắc cứ rộn rã như hội của chim muông. Đội đặc nhiệm biên phòng đưa chuyện lạ kỳ đó hỏi cụ Châu. Cụ đã từng làm nghề săn bắt thú rừng ở vùng này. Nhưng từ ngày có lệnh phải bảo vệ động vật hoang dã giữ môi trường sinh thái, cụ Châu đã “gác súng, cất bẫy”. Cụ cười vui nói rằng: “Thế đấy, gấu và gà rừng quấn quýt nhau là nghiệp sinh tồn của loài chim muông đấy. Chúng dựa vào nhau để sống. Nơi nào có gấu là ở đó có đàn gà”. Lúc rừng bình yên, tiếng gấu hú nghe ngân nga vang vọng, tiếng gà gáy lảnh lót nghe vui tai đáo để. Những lúc Khe Mắc có thú lạ về, có mấy lão tìm vàng sục vào thì rừng ồn ã, xáo động lên. Tiếng gấu gầm gừ, hú liên hồi để xua đuổi nghe rùng rợn. Tiếng đàn gà quang quác như động rừng. Người dân xóm Vàng đã chứng kiến chỉ một cú táp của gấu, con bò rừng lừng lững như con trâu mộng từ Lào lạc sang đã vỡ sọ chết tươi. Mới năm ngoái đây thôi, gấu đã vả móc quai hàm một lâm tặc giơ lưỡi rìu dọa nó. Bà con vùng đồng rừng này đã gọi gấu bằng “ông” và truyền tụng rằng: “Ông gấu là kiểm lâm giữ rừng cho ta đấy”. Lính biên phòng thì đặt cho gấu cái tên nghe lãng mạn “Nhạc trưởng giữ rừng xanh”. Cụ Châu còn nói thêm rằng: gấu có biệt tài đánh hơi và rất nhạy cảm với ánh mắt, cử chỉ của con người, con vật nó gặp và phản vệ tức thì.

Đội trưởng Chung chỉ huy đội đặc nhiệm tiếp cận khu rừng nằm trong địa bàn xung yếu đồn biên phòng bảo vệ. Thời điểm này các toán tội phạm thường mang ma túy lén lút qua đây. Đội trưởng đặc nhiệm đã dự kiến các tình huống có thể giáp mặt gấu. Anh chuẩn bị nhiều phương án kể cả phải mang theo súng xịt hơi cay, phun khói ngạt… Mới qua khỏi bìa rừng tiếp giáp với vùng hỗn giao tre, nứa thì đội đặc nhiệm giáp mặt gấu. Con gấu to chừng đến 2 tạ, lông đen tuyền. Ngực gấu có lông hình chữ V màu vàng nhạt (đặc trưng của loài gấu ngựa). Con gấu đang trèo lên cây sung để hái quả. Nhìn thấy người, nó nhảy từ trên cây cao xuống chui vào bụi rậm đứng. Nó giương cao chân trước, móng vuốt dài cong như một chùm câu liêm lên dọa. Đầu gấu lúc lắc, mắt gườm gườm. Đội trưởng Chung ra hiệu cho các chiến sĩđứng phía sau bình tĩnh, cứ nhìn thẳng vào mắt gấu. Vì cụ Châu đã dặn rồi, gặp gấu cứ đứng yên nhìn thẳng vào mắt nó, đừng có cử động gì làm cho nó giật mình cảm thấy nguy hiểm. Nếu thấy nguy hiểm nó sẽ xông vào tấn công ngay. Bộ móng vuốt nó có sức mạnh vô hạn. Cụ còn dặn thêm, khi gặp gấu đừng bỏ chạy. Người hai chân, gấu bốn chân hung dữ làm sao mà thoát nó được.

Lúc này con gấu ngựa vẫn đứng trong bụi rậm đấu mặt với lính đặc nhiệm. Rồi, hình như con thú hoang dã nhận biết rằng sự có mặt của những người lính biên phòng không gây nguy hiểm cho nó, không tấn công nó, đầu nó lúc lắc mấy cái, bỏ đi. Đàn gà đang xao xác quanh nó cũng đi theo.

Nhiều lần vào rừng Khe Mắc, Đội trưởng Chung và các chiến sĩđặc nhiệm lại giáp mặt gấu ngựa. Họ biết đích xác rằng con gấu này chỉ sống độc thân trong hang đá. Ngày gấu đi kiếm ăn, tối về đó trú ngụ. Đàn gà rừng có đến ba chục con cũng quanh quẩn trên các cành cây bên hang đá. Những con gà trống không to lớn nhưng trông đẹp mã làm sao. Bộ đuôi dài uốn cong mềm mại, lông lấp lánh nhũ kim tím ngát, xanh rêu, trắng ngà, vàng rực rỡ. Lông cổ xù lên đỏ tía màu gấc chín điểm xuyết chấm đen trông oai phong, hiếu chiến như “vị tướng” khoác chiến bào ra trận. Mào gà đỏ bầm, những đỉnh nhọn nhô lên rung rinh phơ phất như lá cờ lệnh. Cựa ở chân nhọn hoắt trông như mũi giáo, mũi lê. Nhìn nó, Đội trưởng Chung cứ đinh ninh nó là hình ảnh con gà rừng Việt Nam in trên bộ tem đặc biệt “Gà tiên mắt rồng” đã liệt vào Sách Đỏ sánh với mẫu tem “Gà rừng đỏ” của nước Singapore phát hành nhân ngày kỷ niệm hai nước lập quan hệ ngoại giao.

Vào rừng Khe Mắc, lính đặc nhiệm mới hiểu hết lời cụ Châu nói “Gấu và gà sống chung với nhau là nghiệp sinh tồn của loài chim muông”. Gấu trèo lên cây phá tổ ong ăn mật, những con ong non rơi xuống thì đàn gà có bữa “đại tiệc” ngon lành. Con gấu bới đất tìm măng, ăn củ, bẻ cành khô, móc gỗ mục để ăn côn trùng thì đàn gà cũng “mót” được bữa no nê… Ngược lại, con gấu ăn mật say khướt rơi từ cây cao xuống nằm ngất lịm thì đàn gà đến bới lông bắt chấy, nhặt rận cho gấu; những lúc gấu phơi nắng say giấc nồng, gà cũng đến “chăm sóc” như thế. Nên tình thân “hoang dã” đã gắn chúng vào nhau. Đội trưởng Chung và lính đặc nhiệm đọc Sách Đỏ Việt Nam đã biết rằng loài gấu được xếp nhóm 1B, tuyệt đối nghiêm cấm săn bắt trong thiên nhiên và phải bảo vệ để nó phát triển. Các anh cũng biết rõ rằng quả đất chúng ta đang sống có đến 8 loài gấu. Gấu ở Bắc Mỹ chuyên ăn thịt; gấu trúc chỉ ăn măng tre, trúc, nứa, mai… Các loài gấu khác: gấu chó, gấu lông đen, gấu lông màu quế… và cả con gấu ngựa ở Khe Mắc này thì thuộc loại gấu… ăn tạp: quả cọ, quả sung, hạt dẻ, quả chuối, bắp ngô… Loài gấu thọ nhất cũng chỉ sống được trên 40 năm. Hiện nay loài gấu đang có nguy cơ tuyệt chủng vì tệ nạn săn bắt lấy mật làm thuốc, lấy xương nấu cao… Mật gấu được con người trọng dụng từ hơn 3.000 năm trước, được đồn đại tốt đầu bảng hơn bất cứ mật loài động vật có vú nào. Những năm trước, rừng nước ta có hàng ngàn con gấu thì nay rất hiếm rồi. Nhiều cánh rừng ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc chỉ còn thấp thoáng vài ba con. Con gấu ngựa “Nhạc trưởng giữ rừng xanh” có hình chữ V màu vàng trước ngực được xếp vào “siêu quý hiếm”. Nó là láng giềng “đặc biệt” cư trú cùng “xóm đồng rừng” với lính biên phòng. Tiếng hú ngân lên giữa rừng xanh như khúc dạo đầu của “vị nhạc trưởng”, rồi tiếng gáy lanh lảnh như kèn đồng của những con gà “chiến binh” mỗi sáng, mỗi chiều là nhạc vui báo hiệu vùng rừng biên cương yên tĩnh. Mỗi lần vào rừng Khe Mắc, các anh đặc nhiệm lại để bánh lương khô, bánh quy, vài bắp ngô trước hang đá. Biết loài gấu rất thích ăn mật ong, vào những mùa ong đang ngủ đông chưa làm mật, các anh để mấy chiếc kẹo làm quà cho “hàng xóm”. Đã nhiều lần gặp gấu giữa rừng xanh rồi, nhưng việc gấu, gấu làm; việc của lính đặc nhiệm đi, cứ đi…

… Bỗng có tiếng súng nổ. Rừng Khe Mắc xáo động lên với những tiếng hú rùng rợn, tiếng gầm gừ dội đá, rung cây; tiếng tao tác hoảng loạn của đàn gà. Đồn biên phòng báo động. Đội đặc nhiệm lên đường. Đội trưởng Chung dẫn các mũi chiến đấu sục sâu vào tâm rừng. Mũi truy tìm phát hiện vết máu trên lối mòn ra phía đường biên. Truy theo vết máu, Đội trưởng Chung nhìn thấy tên tội phạm nằm úp mặt bên gốc cây táu. Cánh tay phải của hắn bị bật ra khỏi khớp vai, chỉ còn mảng da bèo nhèo dính lủng lẳng. Mắt hắn dại đờ, môi tái thâm màu tro bếp, rên gừ gừ như con mèo hen chờ chết. Các chiến sĩ đặc nhiệm băng bó cấp cứu vết thương cho hắn. Tên tội phạm thều thào khai rằng, hắn cùng với một tên nữa vượt biên mang ma túy sang cho người ở xóm Vàng. Vào đến lõi rừng Khe Mắc thì chúng gặp gấu ngựa. Chúng không định bắn gấu, vì bắn sẽ bị lộ. Chúng chỉ giương súng, quơ tay dọa gấu để mong gấu chạy thì đi tiếp. Nhưng con gấu hú lên, rồi xông đến vả tới tấp. Hắn đưa tay lên che mặt, bị gấu vả thê thảm… Tên đi sau hoảng hốt làm súng cướp cò, bỏ chạy về bên kia biên giới.

… Buổi tối hôm ấy, cụ Châu lên Đồn biên phòng. Nghe Đội trưởng Chung và các chiến sĩ đặc nhiệm kể lại chuyện vừa xảy ra trong rừng Khe Mắc, cụ vui lắm. Cụ vuốt chòm râu bạc trắng như bông lau, cười hể hả rồi hát một làn điệu ví trèo non dân ca xứ Nghệ:

“Có ông gấu xênh xang trong rừng thẳm

Có chú trống hoa gáy lanh lảnh tiếng kèn đồng

Lưới thép biên cương ta có đặc nhiệm biên phòng.

Dù chúng có ba đầu sáu tay đi chăng nữa cũng đừng hòng vượt qua…”

Sớm hôm sau, rừng Khe Mắc trở lại bình yên, Đội trưởng Chung vào kiểm tra hiện trường và tăng cường quân cho các tổ mật phục. Các anh mang lương khô, bánh quy, chuối và cả tảng đường mía hơn 1kg để trước hang đá thưởng cho “Nhạc trưởng giữ rừng xanh”.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:47:40 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:36:26 pm »

11/Dê hoa vằn trên núi Hoa Mơ

Ông Giàng Pao Ly kể rằng, núi Hoa Mơ giáp biên có con dê dị thường lắm. Dân bản gọi tên nó là dê xồm hoa vằn. Nó chỉ có một sừng nhọn hoắt như mũi dùi. Giữa trán nó có một cái xoáy lông trắng bồng lên trông như bông hoa mơ nở. Và, mình dê lông màu vàng nâu nhưng mỗi bên vai có hai dải lông đen hình lưỡi liềm giống vằn con hổ. Vậy là lưng dê có vằn, đầu dê có hoa nên dân gọi nó là dê hoa vằn cho dễ nhớ. Ông già người Mông còn nói vui, dê hoa vằn oai lắm. Nó cai quản dê vùng núi Lao Táo, Tả Ngải Chồ, Lũng Phúng này đấy. Dê hoa vằn từng lập được một “kỳ tích” làm rạng rỡ cho nòi giống dê nhà nó. Trẻ con các bản đang đua nhau chặt gỗ pơ mu tạc tượng nó để trước cửa nhà lấy vía.

Cho đến bây giờ người dân vùng biên này cũng không biết dê xồm hoa vằn trú ngụ ở núi nào, chỉ thấy thỉnh thoảng nó lừng lững xuất hiện như trên trời rơi xuống. Nó tìm mô đá cao nhất đứng lên trông oai vệ như thần núi. Nó nghếch mỏ lên, chĩa sừng nhọn, vểnh râu xồm, mắt nhìn ra bốn hướng vẻ quyền thế, kiêu hãnh. Giọng nó khàn khàn, đục đục “be be, be be e e...”. Nghe tiếng kêu đó những con dê đực trong vùng bủn rủn, nháo nhác tìm đường lẩn trốn. Còn lũ dê cái cả dê rừng lẫn dê nhà ở các bản đều vểnh tai, ngoáy mông hớn hở ra mặt. Chúng mừng rỡ rên “ư ử, e e...” rồi lục đục kéo nhau đến tí tởn với dê xồm hoa vằn.

Hết đợt ở núi này, dê hoa vằn lại “lưu động” sang ngọn núi khác. Nó lại đứng trên một mỏm đá cao kêu: “be be, be be e e...”. Lũ dê cái ở đó lại rộn ràng như “trẩy hội” đến với nó. Xong “phiên tuần”, dê hoa vằn lại sang núi khác. Ông Giàng còn kể rằng những lúc dê xồm hoa vằn “gọi tình tìm bạn” như thế thì cả thú lẫn người phải tránh xa. Nếu nó nhìn thấy con vật, con người lảng vảng gần đấy thì xông đến “gây hấn” ngay và chỉ có chết nẫu như cải muối dưa với nó. Ông Giàng nói mẹ ông đẻ ông bên cửa bếp, ông làm nương trên cửa trời, ông đã phát rừng bằng như gấu áo mà chẳng sợ bất kỳ cái gì ở vùng núi này. Vậy mà ông phải kiềng nể con dê hoa vằn một sừng đấy.

Theo tài liệu di cư của loài dê rừng, các nhà cổ sinh vật học và di truyền học cho biết rằng, tổ tiên của chúng xa xưa ở tận miền Trung Đông. Đầu kỷ băng hà (120-80 ngàn năm trước) rất có thể nó di chuyển từ dãy núi Alpes đi qua miền Nam nước Pháp vào khu vực Pyrénées (dãy núi phía tây nam châu Âu, đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha) khoảng 18 ngàn năm trước. Tuy nó có khác vài chi tiết với loài dê hoang sống ở Tây Ban Nha nhưng chúng có thể cùng nguồn gốc rồi từ đó dê hoang di chuyển theo triền núi đến các châu lục. Dê thuộc loài động vật có vú, bộ móng chân, bộ phụ nhai lại và thuộc họ sừng rỗng. Nòi giống loài dê hay có những biến động dị thường. Ở Ấn Độ có con dê lông trắng chỉ có một mắt. Con mắt kỳ quái ấy nằm ngay giữa đỉnh trán. Sau khi nghiên cứu, người ta cho rằng con dê mắc chứng rối loạn gien. Ở một nơi khác có con dê kỳ dị hơn. Dê mang khuôn mặt người. Loài dê rừng có bản năng liều lĩnh đến hung dữ để bảo vệ nòi giống trong cuộc sinh tồn. Một con dê con bị báo đốm tấn công, dê mẹ đã dùng cặp sừng sắc nhọn lao vào đánh nhau suốt buổi với báo để cứu con. Dê mẹ đã buộc con báo đốm phải bỏ mồi tháo chạy với nhiều vết thương trên mình. Báo cam chịu ngồi nhìn mồi thèm thuồng mà liếm vết thương loét to đến... chết. Loài dê còn có trí nhớ tốt. Người ta đã thử trí nhớ của chúng bằng cách cho chúng kéo đòn bẩy mở nắp lấy thức ăn là trái cây trong một chiếc hộp ra. 12 con dê 10 tháng tuổi thực hiện trò thử này thì có tới 9 con chỉ mất 2 phút đã mở nắp gọn gàng lấy trái cây ra ăn, 3 con còn lại chỉ hơi lúng túng.

Điều đặc biệt đáng nói nhất ở loài dê là nó cực kỳ mạnh mẽ về mặt “dê”. Không biết có phải “trời ưu đãi” nòi giống nó “khoản ấy” không? Hay hằng ngày nó rủ nhau tìm ăn các loại cây lá trong bài thuốc “linh đơn thần dược” để bồi bổ về “khoản ấy”. Đó là quả dâu, lá dâu, quả sung... Những vị thuốc có hàm lượng kẽm cao, kiểm soát hoócmôn Testosterone sản xuất ra nhiều tinh trùng, có lợi cho chức năng sinh dục. Quả sung có nhiều vitamin A, B1, B2, canxi, sắt, phốt pho, natri, cali, mangan... giúp con dê tăng cường khả năng kích thích.

Trong văn học cổ của ta, Cung oán ngâm khúc đã nói đến chuyện ấy: “Xe dê lọ rắc lá dâu mời vào”. Ngày xưa vua vào với cung nữ thường đi xe do con dê dắt. Dê vào cung nào thì vua theo dê cùng vào cung đó. Nên các cung nữ đã “khôn ngoan” rắc lá dâu trước cửa để nhử dê vào dắt xe vua vào theo. Con dê cường tráng cái “khoản dê” như thế, ông cha ta xưa chắc đã tìm mãi mà không có con vật nào để “đấu” với nó. Cuối cùng các cụ đã đưa “ngài Thái thú Nhâm Diên” ra. Chỉ 4 năm cai trị quận Cửu Chân, Thái thú Nhâm Diên đã lấy hơn 2.000 người vợ. Những đứa con đều phải đặt họ tên... Tàu (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 69, kỷ nguyên thuộc Tây Hán).

Từ những thế kỷ trước, con người đã thuần phục được loài dê rừng, đưa nó về làm vật nuôi trong nhà. Loài dê ít bệnh tật, dễ thích nghi với thời tiết đổi thay, khắc nghiệt. Dê là loài vật rất tạp ăn. Nó cần mẫn đến liều lĩnh leo lên tận các mỏm núi đá cheo leo, trèo được cả lên cành cao như chim để vặt lá xanh, hái quả chín. Dê ăn được nhiều loại lá cây, kể cả lá xoan ta xem là rất độc. Ông Giàng Pao Ly nói rằng dê ăn lá ngón đen, ngón vàng ngon lành như ăn cỏ. Trong khi con ngựa, con trâu chỉ ăn mấy lá là đã lăn ra chết; con người chỉ nhai vài ba lá là mặt mày tím tái, sùi bọt mép. Các cụ ta ngày trước ở vùng núi giải độc cho những người ăn phải lá ngón thì mổ con dê lấy buồng gan cho họ ăn và đốt lông dê lọc lấy nước cho họ uống.

Loài dê vào tuổi trưởng thành sớm. Chừng bảy tháng tuổi, 35kg dê đã vào thì... mạnh mẽ. Di truyền của nòi giống nó rất “mắn”. Cứ 2 năm dê cho ra lò đều đặn, liên tục 3 lứa, mỗi lứa 3 con. Mồ hôi dê có mùi... hôi kỳ lạ, kỵ với muỗi, ruồi vàng, ruồi trâu; kỵ với loài côn trùng hút máu. Con dê đứng đầu gió thì những loài côn trùng ấy dưới gió... bay xa.

Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã truyền lại thịt dê đứng đầu bảng ngon và bổ. Thịt dê được xem là “sư phụ” tiếp thêm năng lực đặc biệt, mau chóng phục hồi sức mạnh cho giới mày râu. Chất dinh dưỡng trong sữa dê thì hiếm có loại sữa nào sánh bằng. Sữa dê nhiều chất đạm, chất béo, protein, vitamin A, B1, B6... giúp tiêu hóa tốt và đặc biệt có lợi cho người bị bệnh tim mạch, tiểu đường. Sữa dê cũng giúp cánh má hồng có làn da mịn, nõn nà.

... Ông Giàng Pao Ly kể tiếp về chuyện con dê hoa vằn. Dạo ấy dân bản đã xong mùa làm nương, đến mùa làm khách. Phong tục của người Mông thu hoạch mùa lúa xong là nghỉ tròn 1 tháng để ăn tết và đi “làm khách” thăm nhau. Dịp ấy chợ Xín Cái cũng vào phiên Tết. Người các bản xa, người bên kia biên giới che dù xanh, dù đỏ đẹp như hoa rừng về bán hàng, ăn chợ. Con dê xồm hoa vằn ngày đó cũng đến kỳ về thăm thú núi Hoa Mơ. Từ sáng sớm, trời còn đằm mây, đằm sương dân bản đã nghe rõ tiếng “be be, be be e e...”. Con chim nồng chay(*) lông xanh cổ vàng mỏ đỏ vừa cất tiếng hót gọi ngày thì ông Giàng đã thấy một người lạ, mặt mày tái xanh như xoa chàm chạy từ lưng núi xuống. Anh ta thở cứ như gió lò trong khe núi. Miệng anh ta méo xệch như chảo gang vỡ, kêu: “Cứu với. Cứu với. Người Việt Nam hảo hảo nhiều. Cứu với... Hai đứa nguy thật rồi...”. Hỏi ra thì biết bọn người đó bị dê xồm hoa vằn húc. Anh ta nói với dân bản rằng bọn họ là “thương gia” từ bên kia biên giới theo đường tiểu ngạch mang hàng sang phiên chợ. Người dân bản Lũng Phúng, Lao Táo, Tả Ngải Chồ gọi nhau chạy lên núi Hoa Mơ. Bà con gõ thùng tôn, đánh mõ, thổi tù và, reo hò xua dê hoa vằn để tìm cứu các “thương gia” vượt biên. Đến lưng núi thì bà con nhìn thấy hai xác người nằm gục trên thảm rừng. Máu chảy thành vũng thấm đỏ đất. Một người bị dê hoa vằn xốc sừng nhọn từ hông xuyên ngực thấu đến cổ. Một người nữa chắc là đang bỏ chạy, bị dê đuổi theo đâm sừng nhọn từ lưng xuyên phổi, thủng ngực. Nhìn xác hai người đàn ông béo ụ, tay chân nung núc thịt, cổ to bằng mặt, bà con người các bản Mông đã nhận ngay ra chúng. Đó là hai tên trùm thổ phỉ nổi loạn năm xưa. Hai tên này đã nối giáo cho giặc cướp, dẫn chúng về bắt ngựa, bắt trâu, bắt con gái, đốt nhà, giết người Mông. Bị dân tiễu trừ truy đuổi, chúng theo giặc chạy sang bên kia biên giới lẩn trốn. Chúng đã thay tên đổi họ “mai danh ẩn tích” lâu nay...

Trong các đẫy hàng chúng mang theo có nhiều loại thuốc cao đơn hoàn tán giả và thuốc phiện. Ông Giàng Pao Ly nói rằng bây giờ nhiều nhà dân các bản có tượng con dê xồm hoa vằn đặt trước cửa để trừ tà, đuổi ma. Lúc nhà có việc không lành, bà con cắm cành lá xanh vào đầu nó để cấm cản người lạ vào. Từ chuyện dê xồm hoa vằn ấy, con trai con gái bản Hoa Mơ đã lưu truyền câu hát lúc lên nương về chợ như câu dân ca của người Mông:

“Mùa xuân tới

Con bướm mặc váy hoa xòe đón mùa sâm mới

Ta hát chuyện con dê

Đâm đứa hại dân đi theo kẻ ác, mò về

Ta hát chuyện anh là cái kim em là sợi chỉ

Đôi ta khâu tấm áo vải lanh

Chăm luống pà (kê) tốt trồng nương ngô xanh.

Giữ rừng yên bản ấm

Ta hát đến ngày con dê gỗ đứng trước nhà, chân lấm

Biết mọc sừng kêu be be chạy lên núi Hoa Mơ...”
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:47:51 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:39:23 pm »

12/Chuyện con vắt xanh và... sợi tơ hồng

Vào đến vùng rừng ẩm ướt, Đội đặc nhiệm phát hiện dấu vết “nóng”. Hai, ba con vắt xanh, căng tròn, mọng máu to bằng ngón chân cái người đang ngọ nguậy. Và, có các dấu vết giày xéo lên xác những con vắt khác, tóe máu. Xác những con vắt ấy đã khô, dính vào tảng đá. Đội trưởng Mạnh Cường nhìn dấu vết, nói ngay: “Lũ ‘ma rừng’ đã vượt biên trong đêm. Nhiều khả năng chúng đang lẩn vào những người làm nương hoặc ẩn nấp trong các bản có con nghiện để phát tán ‘hàng’”. Anh đi một vòng quanh tảng đá, nhìn lại xác những con vắt đã khô, nói thêm: “Có thể toán ‘ma rừng’ có ba đến bốn tên, chúng đến đây trước ta chừng 4 tiếng đồng hồ nên vết máu mới khô thế này. Còn những con vắt no máu thì chúng ta đã hiểu về nó rồi...”. Chúng tôi nhất trí với nhận định của Đội trưởng.

Các nhà khoa học đã cho lính biên phòng chúng tôi biết rằng loài vắt đen, vắt vàng, vắt xanh... này có nhiều bí ẩn thú vị mà ta chưa khám phá hết. Nó là loài sinh vật bé nhỏ, trọng lượng chỉ dưới 100mg, sinh sống trong các vùng rừng núi nước ta. Nó giỏi đánh hơi và thích thú con mồi máu nóng. Vắt dùng giác cả đầu và đuôi bám chặt vào da thịt con mồi rồi dùng răng cứa đứt da (răng vắt rất khỏe, nó cứa đứt da trâu, da báo, da lợn rừng...) bơm chất hirudin vào. Chất này làm cho con mồi không biết đau, không biết ngứa ngáy và máu không đông lại rồi nó hút đến no nê như những con vắt ở tảng đá này. Các nhà khoa học cũng cho biết chất hirudin là sản phẩm vi khuẩn đặc biệt sống ký sinh trong bộ tiêu hóa của vắt. Cấu tạo cơ thể con vắt rất hoàn thiện. Nó có miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn... Nó di chuyển bằng cách co đi co lại. Thân hình con vắt có 33 đốt, dài chừng 2,3mm, nhưng lúc di chuyển nó có thể vươn dài tới gấp đôi. Vắt là loài không chịu được lạnh. Nó sẽ chết cứng lúc nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Vắt chỉ thích hợp với vùng rừng ẩm ướt, nhiệt độ 24, 25 độ C. Điều rất đặc biệt là dạ dày của vắt có nhiều cặp túi nên nó chứa được lượng máu tươi lớn hơn chục lần trọng lượng của nó. Ví như con vắt nặng 100mg, nó hút cả tiếng đồng hồ được 1.000mg máu mới thỏa mãn. Rồi vắt “nhẩn nha thưởng thức” trong nhiều tháng, đến cả năm. Lúc hết “kho máu tươi dự trữ” ấy, nó mới đi tìm con mồi mới. Điều đáng nể là sức bám dai kỳ lạ của giác con vắt. Nó bám dai dẳng như lò xo, như dây cao su. Một chú gà trống nặng 4kg bị con vắt bám hút máu, gà dùng mỏ kéo, dùng móng cấu, dứt mà không thể nào lôi con vắt ra được. Chú gà phải chịu để vắt hút no máu rồi tự nó nhả ra.

Rõ ràng vắt là loài “đáng ghét”. Các cụ cao niên ở vùng đồng rừng nói rằng nó “nẩy nòi” ra từ “uất khí” của rừng xanh. Nó chỉ gây sự bực bội cho trăm loài. Nhưng rồi cả trăm loài cứ phải chịu sống “thuận hòa” trong “mái nhà chung” là rừng, với nó. Riêng người lính biên phòng đã chọn trong ngàn vạn sự “bực bội, đáng ghét” ấy, tìm ra chút “đáng yêu”. Đó là đôi lần con vắt đã giúp các anh giữ lại hiện trường, dấu vết của lũ “ma rừng” cõng ma túy vào đất ta.

... Theo nhận định của đội trưởng Mạnh Cường, phương án tác chiến của Đội đặc nhiệm được triển khai ngay. Các đội truy lùng, phục kích của Đồn biên phòng và dân quân các bản chốt chặn mọi ngả đường mòn, hẻm núi vắng, kiểm tra lều nương, khống chế những đối tượng nghiện hút... Lúc trời chạng vạng, rừng nhá nhem tối, ba tên “ma rừng” lần đến “đường dây” thì bị tóm. Những chiếc ba lô căng phồng ma túy dạng bánh, ma túy dạng đá... chưa kịp phát tán, và ba khẩu súng AK báng gấp, lựu đạn giấu ở bờ nương đã được thu giữ.

Sau ngày mừng công, Đoàn nghệ thuật Sao Xanh lên biên cương biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Những buổi diễn rất dân dã, thân tình được tổ chức ở sân đồn, bên bờ suối, ở bãi cỏ chân núi. Các anh lính trẻ người Tày, người Mông trong Đội đặc nhiệm chống ma túy muốn nghe bài Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, bài Trước ngày hội bắn, diễn viên Minh Hiền, Mai Hằng hát hai lần, ba lần và tập cho các anh cùng hát. Các đội tuần tra truy lùng bắt “ma rừng” thay nhau về, Minh Hiền hát những bài các anh yêu cầu như Chiều biên giới, Tiếng hát biên thùy phục vụ các anh. Những bài hát có ca từ các anh yêu thích: “… Vượt đèo cao ta bước tới chân mây. Núi non này ta đã leo tháng ngày...”. Các diễn viên hát rồi cùng với các chiến sĩ hát chung. Đêm diễn ở sân đồn, mây lạnh, sương dày, áo diễn viên, áo người xem ướt, các chiến sĩ vác củi đốt nhiều đống lửa xung quanh để sưởi ấm, hơ áo. Tình thân giữa lính biên phòng và các diễn viên nghệ thuật thật ấm áp, thân tình.

Trước hôm Đoàn nghệ thuật rời đất biên cương, đội trưởng Mạnh Cường đưa Minh Hiền, Mai Hằng đi xem mạch suối, xem nơi “phân mao cỏ rẽ”, tìm cây dâu rừng hái quả chín... Các diễn viên nữ trẻ trung đang cười vui như chim họa mi núi, bỗng Mai Hằng kêu rú lên: “Ôi, máu! Hiền ơi! Máu thấm ướt ống quần Hiền rồi”. Hiền nhìn xuống, mặt tái xanh. Hai chân cô diễn viên nhảy thon thót như đứng trên tổ kiến lửa. Miệng cô mếu máo, hai tay ôm chặt lấy vai Hằng: “Cứu tao. Cứu tao với Hằng ơi!”, Hiền nhìn sang anh lính biên phòng, cô ríu lưỡi: “Cứu Hiền với. Cứu Hiền với anh Cường ơi!”. Cường giữ chặt lấy tay cô diễn viên. Anh chả lạ lẫm gì chuyện này nữa. Cô đang bị con vắt xanh cắn hút máu thôi. Loài vắt này thường chuyền trên cành, trên lá cây. Khi bám được vào con mồi rồi thì nó nhẹ nhàng lần đến những nơi “ngon lành, mềm mại”, có mạch máu phập phồng như kheo chân, bẹn, đùi non, nách, quanh thắt lưng quần... cứa da hút máu. Dứt nó ra cũng dễ dàng thôi. “Bình tĩnh. Bình tĩnh, không sao đâu”- Cường nói. Nhưng hai tay Minh Hiền càng ôm chặt lấy anh: “Cứu Hiền. Cứu Hiền. Anh Cường ơi”. Cường xắn tay áo lên nhưng ống quần quân phục Hiền mặc chật quá không thể nào luồn tay vào sâu được. Mai Hằng nói: “Phải cởi khuy quần ra thôi”. “Không. Không” - Hiền giữ chặt lấy. “Thôi đành phải thế này nhé. Anh Cường nhắm mắt lại vậy. Nó khó tính quá. Mà Hằng cũng ghê sợ lắm, người nổi gai ốc lên rồi đây này”. Minh Hiền giãy nảy lên, hai chân cô cứ nhảy thon thót. Đám cỏ dưới chân bị xéo nát. Máu từ ống quần Hiền từng giọt đỏ thẫm rơi xuống. “Thôi có cách rồi. Chiều nó vậy” - Hằng nói rồi cô rút chiếc khăn tay trong túi ra. “Hằng buộc kín mắt anh Cường lại rồi cầm tay anh dí vào chỗ có con vắt cắn, có được không?”. Hiền không nói gì, Mai Hằng thực hiện ngay sáng kiến “tối ưu” ấy. Cường nhả nước bọt vào bàn tay... Ở đùi và cả dưới lưng quần trong của cô diễn viên có đến hai con vắt xanh. Một con đã hút no nê máu vừa nhả ra. Một con nữa đang bấu chặt, mải mê hút. Cường gỡ hai con vắt no kềnh càng ra rồi nhưng ở vết cắn máu vẫn còn chảy đến hơn 10 phút nữa, vì chất hirudin vẫn còn. Cường xé hai mảnh giấy lót trong đỉnh mũ mềm thấm đẫm nước bọt dán vào đó. Nhưng lúc bắt con vắt thì tay của Cường được tay của Mai Hằng “chỉ điểm”, còn giờ thì phải nhìn thấy rõ vết vắt cắn mới dán được. Vậy là anh lính biên phòng dùng chiếc khăn đã bịt mắt lau sạch máu để dán vào đúng vết vắt cắn cho cô diễn viên... “Rồi. Nhẹ nhàng thế thôi mà” - Mai Hằng nói vui. Chỉ lát sau nét mặt Minh Hiền tươi tắn lại. Hai bờ môi chúm chím của cô diễn viên trẻ, xinh đẹp lại hồng lên. Cô đập tay vào lưng anh lính biên phòng. Cả năm ngón tay cô chí xuống lưng anh một cách tình cảm, ý nhị. Cô muốn kín đáo chuyển tới anh “thông điệp”: “Em cảm ơn anh nhiều lắm. Thế này thì nhớ lâu hơn nói bằng lời đấy nhé”...

Mấy tháng sau, đội trưởng Mạnh Cường được đi học tại trường nghiệp vụ rồi được điều về đơn vị phòng chống tội phạm ma túy. Những ngày chủ nhật, Minh Hiền và Mai Hằng đến rủ anh đi xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật, đi chơi Công viên nước. Những kỷ niệm nơi sương gió biên cương ngày nào giờ đây càng làm họ nồng ấm, thân tình. Có lần, Minh Hiền hỏi nhỏ Cường: “Anh còn để lòng những kỷ niệm ngày chúng ta thăm suối đầu nguồn, hái quả dâu da nữa không?”. “Có chứ. Nhớ nhiều lắm” - anh lính biên phòng nhìn cô diễn viên xinh tươi, đôi má phơn phớt phấn hồng, nói: “Tôi nhớ cả lúc Hiền bị vắt xanh cắn nữa đấy”. “Ứ. Anh quên ngay đi những kỷ niệm xấu về Hiền nhé”. “Bây giờ Hiền còn sợ vắt nữa không?”. “Hiền vẫn còn sợ lắm. Nhiều đêm mơ thấy vắt cắn, Hiền ngồi bật dậy, toát cả mồ hôi. Mà sao những lúc ấy Hiền nhớ đến anh Cường nhiều thế. Buồn cười anh Cường nhỉ. Con vắt cắn để lại trên người Hiền vết sẹo ba cạnh như hình hoa khế ấy”. “Vết sẹo ấy đã mờ chưa?”. “Sẹo thì mờ lâu rồi nhưng kỷ niệm thì vẫn còn mãi đấy...”.

“Anh Cường ơi - Mai Hằng cười rất tươi nói chen vào - Hằng nói với anh điều này nhé. Con vắt xanh trên núi biên cương ngày ấy đã nối đẹp sợi tơ hồng ở thủ đô rồi đấy...”.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:49:53 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:40:46 pm »

13/Thân nhau thì cụng đầu nhau

Đến tảng đá dưới gốc cây lộc vừng, đội trưởng Huyên dừng lại. Anh bố trí chiến sĩ cảnh giới rồi cho đội tuần tra nghỉ chân. Anh định ngồi lên tảng đá thì... giật mình, dừng lại. Bởi anh nhìn thấy đường “vận tải” của kiến ngay dưới chân tảng đá. Đội trưởng cúi xuống nhìn, anh ngạc nhiên thấy đàn kiến rừng con thì tha những hạt bột trắng, con thì cõng trên lưng những mảnh vụn bột kết lại chưa tan. “Sao giữa rừng sâu lại có những thứ kỳ lạ này?”. Anh đội trưởng liền lần theo con đường “vận tải” của đàn kiến. Đến đám thảm rừng sau gốc cây lộc vừng có bụi mâm xôi rậm che khuất, anh phát hiện ra đám cỏ được ai đó lót lá chuối làm ổ nằm. Chính nơi đây có những thứ mà đàn kiến rừng đã đánh hơi tìm đến ăn và đang tha về tổ. Những con kiến hối hả bò đến. Những con kiến ì ạch, tất bật bò đi. Đường “vận tải” của chúng mỗi lúc thêm đông đúc. Gặp nhau trên đường, kiến cũng có “thủ tục xã giao” riêng theo thói quen hoang dã của chúng. Chúng cụng đầu nhau, chạm miệng nhau để tỏ sự thân tình, để thông tin với nhau nơi có mồi ngon. Và, con tha mồi về tổ nhả ra chút dinh dưỡng chia vui với bạn cùng đàn...

Đội trưởng Huyên đứng im nhìn đàn kiến rừng. Đọc các tài liệu về loài kiến, anh đã hiểu về chúng. Kiến sống hầu như khắp nơi trên trái đất, chỉ trừ vùng Bắc cực và đại dương. Xã hội loài kiến có tổ chức cực kỳ chặt chẽ, có “tôn ti trật tự”. Chúng sống hiền hòa, thân thiện với nhau, cùng đàn biết bảo vệ nhau. Chúng biết phân chia công việc cho nhau. Một bầy kiến có từ vài trăm đến vài triệu con. Tổ của nó to, dài hàng mét được chia ra nhiều ngăn, nhiều phòng. Phòng riêng cho kiến chúa và trứng, phòng chứa nhộng, phòng ở cho kiến thợ... Trong tổ cũng có kho dự trữ lương thực, phòng nuôi nấm. Mùa hè, chúng chui ra ngoài hưởng gió mát. Mùa lạnh, kiến xuống ở phòng sâu nhất, ấm áp. Đứng đầu đàn, quản lý chung là “bà kiến chúa”. “Bà” to lớn nhất tổ, và có đôi cánh màu sắc rực rỡ. Còn kiến thợ nhỏ hơn, đều là kiến cái, không có cánh. Đó là đội quân chủ lực xây tổ, tìm thức ăn, phụng dưỡng “bà chúa” và chiến đấu bảo vệ tổ lúc có sự xâm lấn. Vì trong rừng cũng có loài “kiến lê dương” sống “vô gia cư”, tụ tập từng bầy đi cướp phá các tổ kiến khác để ăn con non, ăn trứng, chiếm thức ăn. Nó cắn chết, phanh thây những con kiến chống lại. Vũ khí chiến đấu của đội “nữ chiến binh” có kim chích ở ngay dưới bụng để phun nọc độc axit formic vào kẻ thù. Trong tổ kiến có một nhóm rất ít kiến đực. Chúng được ưu đãi nhất, thảnh thơi nhất và có cánh như kiến chúa. Chúng chỉ xuất hiện trong thời kỳ kiến chúa cần giao phối để duy trì nòi giống. Thời kỳ ấy, kiến chúa và kiến đực cùng chui ra khỏi tổ, bay lên cao tung tẩy vờn nhau rồi giao phối. Xong việc, kiến chúa ung dung xếp cánh về tổ. Còn kiến đực bò quanh tổ một vòng như để vĩnh biệt đàn, vĩnh biệt tổ... rồi chết. “Bà kiến chúa” có thể giao phối với nhiều “chàng” kiến đực. “Bà chúa” kiểm soát số lượng tinh trùng trong bụng để sinh sản suốt đời làm chúa 15 đến 20 năm. Kiến thợ có tuổi thọ 1 đến 5 năm. Kiến đực đoản thọ nhất chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau khi kiến chúa cần đến. Trong rừng có trên 10 loại kiến. Các nhà khoa học đã phân chia chúng ra làm 8 nhóm theo thói sống hoang dã của chúng. “Kiến lê dương” là nhóm tàn bạo, hung ác nhất, kiến chủ nô, kiến nhà nông, kiến sữa, kiến mật, kiến nấm, kiến đan tơ, kiến đục gỗ. Loài kiến to nhất cũng chỉ dài 3,5mm và con nhỏ nhất chỉ 1mm. Điều cực kỳ đặc biệt ở loài kiến là nó có sức mạnh phi thường. Nó có thể tha, cõng một vật nặng đến 50 lần so với cơ thể nó (như con người ta nặng 60kg thì tha được 3.000kg). Kiến sống nhiều nhất ở vùng nhiệt đới. Thực chất tổ kiến là tổ của “bà chúa” chỉ huy đội “nữ chiến binh” nên chúng rất có kỷ luật, chăm chỉ, miệt mài đào hầm, khuân đất xây tổ... Chúng biết leo lên cành cây, tìm các hốc cây, đan, kết lá cây, làm tổ tránh mùa mưa. “Đội nữ binh trong mùa khô thiết lập các con đường “vận tải”, tìm nhặt hoa quả, hạt cây, xác sâu bọ chuyển về kho dự trữ trong mùa mưa rét. Kiến còn biết “bắt cóc” côn trùng về nhốt, nuôi như nuôi bò sữa để lấy dinh dưỡng chúng tiết ra “dâng bà chúa” và nuôi kiến non. Các nhà khoa học cho biết rằng cách đây vài triệu năm, kiến là con vật tiến hóa từ loài ong bắp cày. Cấu tạo cơ thể của chúng rất giống nhau. Chúng có một nốt tròn chuyển tiếp giữa bụng và ngực để tạo ra eo. Chúng đều có ba cặp chân, mỗi bàn chân có hai móc để bám cành cây, mặt phẳng, bới móc, đào hầm xây tổ.

Loài kiến có hai mắt. Mắt kiến thuộc loại đa tròng. Có loài kiến mắt có nhiều đồng tử nhưng chỉ phân biệt được sáng và tối. Kiến có hai tai nhưng chúng nghe được ở ngực, đầu và cả chân nữa. Giác quan chính của loài kiến tập trung vào hai cần ăng ten ở đầu nó. Đó là thính giác, xúc giác, khứu giác để ngửi mùi trong không khí, xác định phương hướng, giao tiếp, kiểm tra thức ăn, nhận đồng loại... Kiến còn tiết ra mùi đặc trưng, rất nhạy là hóa chất pheromone ở đầu, ở bụng, ở các sợi lông quanh mình để nhận bạn cùng tổ, cùng đàn, để chúng thông tin cho nhau nơi có thức ăn hoặc báo cho nhau điều nguy hiểm cần tháo chạy.

... Đội trưởng Huyên nhặt mấy mảnh vụn bột trắng bỏ vào lòng bàn tay. Anh bóp nát rồi gọi các chiến sĩ đến cùng xác định. “Đây chính xác là bột bánh bích quy, lương khô và có cả đường trắng. Đàn kiến rừng đã giữ hiện trường và mách chỗ kẻ gian ẩn nấp giúp chúng ta...”- Nói với các chiến sĩ rồi đội trưởng chỉ cho mọi người nhìn chỗ mồi giun đùn bùn non lên còn in rõ dấu giày đi ra phía biên giới. Đội tuần tra chia thành hai mũi truy bắt ngay. Một mũi truy theo đường mòn, một mũi thần tốc xuyên núi bám đường biên, đón lõng. Vừa lúc ấy ba chiến sĩ đội cơ động ở đồn đuổi theo kịp đội tuần tra. Các anh thông báo lệnh của Bộ chỉ huy: “Có hai tên vượt biên mang ma túy vào bản Nà Noi bị dân quân bắt. Trên đường áp giải về công an xã, chúng đã gây thương vong cho hai dân quân. Trong lúc chạy trốn, chúng đã xông vào quán của dân cướp bánh, kẹo, đường, sữa làm lương ăn”. Vì giữa lũng núi sâu, không có sóng điện, các anh đến truyền đạt mệnh lệnh và tăng cường lực lượng truy bắt tội phạm.

Đội trưởng Huyên tăng thêm một mũi truy lùng nữa. Mũi này gồm ba chiến sĩ cơ động khép chặt lũng núi dọc đường mòn phòng tội phạm quay lại trốn trong vùng “nước đục” nơi ta rà soát.

Ngay chiều hôm ấy, hai tên tội phạm đã lọt vào trận địa của mũi đón lõng giáp biên. Nhưng lợi dụng rừng rậm mù sương, một tên chạy về phía rừng nội địa, tên này đã gặp các chiến sĩ cơ động tăng cường.

Trên đường đưa tội phạm về đồn, lúc đi qua cây lộc vừng, tảng đá có đường “vận tải” của đàn kiến, một chiến sĩ đội tuần tra đã ghi lại cảm xúc chiến công:

“Con kiến nhỏ giữa rừng

Giúp ta nên việc lớn

Kiến tảo tần trưa sớm

Ta chăm chú chuyến tuần

Đâu chỉ nhìn to nhỏ

Đâu chờ khen nhiều lời

Ơi con ong cái kiến

Góp việc tốt giúp đời...”
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:50:07 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:42:46 pm »

14/“Xóm giềng thân thiện” giữa non xanh

 Xa xưa, việc qua lại biên giới giữa ta và nước bạn Lào ở vùng này chỉ có con đường mòn xuyên cánh rừng rậm từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) sang tỉnh Savannakhet (nước Lào). Từ khi mở quốc lộ số 8 vào những năm đầu thế kỷ 20 thì con đường ấy bị bỏ quên, chìm mờ dần trong rừng vắng. Nay con đường ấy chỉ có kẻ gian và dân buôn hàng quốc cấm chui luồn. Đứng ở đỉnh núi biên phòng, chúng tôi chỉ nhìn thấy dải non xanh mờ mây khói. Khi tìm ra dấu vết con đường, chúng tôi chú ý đến cái hang đá. Trước cửa hang có một tảng đá bằng, mưa rừng gió núi bào chải nhẵn lì. Tảng đá to gần bằng sân bóng chuyền. Hang đá ấy là “mái nhà chung” của đàn khỉ lông vàng hơn 40 con. Còn tảng đá ấy là sân chơi “cộng đồng” của chúng. Buổi sáng trước lúc tản đi tìm thức ăn, buổi chiều trước khi về hang đá, đàn khỉ nô đùa, nhảy nhót trên cái sân chung ấy. Chúng ngồi bắt rận, chải lông cho nhau. Chúng dỗ dành con và “tình tự” với nhau. Lần đầu nhìn thấy chúng tôi, đàn khỉ khiếp sợ, hoảng loạn, bế, cõng con nhảy lên cành cao hú hét vang rừng. Con khỉ đầu đàn tướng mạo dữ dằn, hung hãn. Nó có hai vành da đỏ khuyên tròn hai con mắt lồi màu hạt dẻ, có ria dài hai bên má và có râu mép. Nó nhảy chồm lên, nhe răng, nhăn mặt, nhép môi dọa chúng tôi. Hai chân trước nó liên hồi đập vào ngực căm tức kẻ xâm phạm lãnh địa nó. Mấy lần nó chực xông vào cào cấu “ăn thua” với chúng tôi...

Đội tuần tra nghỉ lại trên tảng đá ấy. Chúng tôi muốn được làm “xóm giềng thân thiện” với đàn khỉ. Bữa ăn trên tảng đá, chúng tôi để lại biếu “chủ nhà” những mẩu lương khô, bánh bích quy, cơm nắm và những chùm dâu da, quả ổi chín hái được trên đường đi. Chúng tôi còn để lại cả gói muối ở cửa hang. Mãi đến chiều, lúc mây về núi, con khỉ đầu đàn mới mon men về nghiêng ngó, thăm dò. Nhớ lời các cụ già nuôi khỉ nhiều năm dặn: “Muốn làm thân với khỉ thì cho nó ăn muối và kiêng nhất lần đầu gặp nó đừng chĩa mũi súng, mũi dao dọa dẫm gây ác cảm với nó. Nó khôn như con người đấy...”.

Chúng tôi nấp sau bụi cây chiếu ống nhòm nhìn rõ con khỉ đầu đàn cầm bánh lương khô, lát cơm nắm lên ngửi, nếm thử. Nó nhấm nháp từng hạt muối... rồi hú gọi cả đàn về.

Mỗi tuần có ba chuyến tuần tra, đội chúng tôi đều đến đó. Rồi hàng tháng, hàng năm cứ đều đặn như thế, chuyến tuần nào chúng tôi cũng mang thêm lương khô, muối và hoa quả làm quà cho “xóm giềng”. Dần dần tình “thân thiện” được đậm đà hơn. Nhìn thấy chúng tôi ăn lương khô, cơm nắm, đàn khỉ bồng con rủ nhau ngồi trên cành cây, chờ. Được ném thức ăn cho thì con đầu đàn, chúng tôi gọi vui là “ông trưởng xóm” nhảy xuống nhặt đưa trước cho những con khỉ con mà mẹ chúng đang cõng trên lưng hoặc bế trước ngực. Mỗi lần nhìn thấy chúng tôi đến, đàn khỉ nhảy lên cành cây ngồi như xếp hàng. “Ông trưởng xóm” rung rung ria mép, nhép môi cất tiếng hú trước rồi cả đàn hú theo. Nó cầm nhịp cho cả đàn hú, tiếng hú của đàn khỉ bổng trầm, du dương có cung bậc như bản hòa tấu vang vọng khu rừng thâm u. Chúng tôi cười vui: “Xóm giềng thân thiện” chào mừng chúng mình đấy. Khi chúng tôi rời tảng đá, đàn khỉ chuyền cành theo một đoạn dài như để tạm biệt, dõi nhìn hướng chúng tôi đi.

 Các nhà khoa học đã giúp lính biên phòng chúng tôi biết loài khỉ có nhiều điều kỳ lạ. Trong thế giới hoang dã, khỉ là động vật rất đặc biệt và thú vị. Nó có cấu tạo cơ thể và có nhiều đặc tính giống con người. Khỉ được xếp vào nhóm 2-B động vật hoang dã cần được bảo vệ. Loài khỉ thông minh, bắt chước người rất nhanh. Chúng bộc lộ cảm xúc vui buồn, yêu thương, hờn giận trên gương mặt giống con người. Chúng có gương mặt tươi tắn, hớn hở để thu hút bạn tình. Gương mặt giãn ra với ánh mắt rộng mở, nhép môi khi nhận biết bạn cùng đàn. Gương mặt nhăn nhó để chia sẻ nỗi nhọc nhằn khi tìm kiếm thức ăn.

Loài khỉ có đặc trưng chung, đều sở hữu cái mông “màu hồng rực rỡ”. Cái mông trở thành niềm tự hào của chúng. Gặp bạn, gặp đồng loại, các bầy lạ, động tác đầu tiên là chúng phô “cái mông hồng” để bạn chiêm ngưỡng... Đó như là “thông điệp ngoại giao” trao đổi tình cảm ban đầu để làm quen và xét cho nhập đàn hay không. Loài khỉ còn có nét rất đặc biệt là bàn tay chúng giống bàn tay người. Chúng có móng tay, đầu ngón tay có đường vân khác biệt nhau. Ngón tay khỉ cũng mềm dẻo hữu ích như ngón tay người. Chúng biết dùng ngón tay bắt chấy rận, làm vệ sinh thân thể, chải lông, làm đẹp cho nhau; bóc vỏ quả chín đút cho con ăn. Khỉ biết hái lá cây làm thuốc, buộc vào các vết thương; biết tìm các loại lông, dây nhỏ như “chỉ nha khoa” dùng tay cọ, kéo làm sạch hàm răng. Khỉ có tuổi thọ đến hơn 40 năm. Việt Nam ta có hai loài khỉ sống ở đất liền và ở đảo. Chúng sống thành bầy đàn. Mỗi đàn có từ 10 con, 40 con, có đàn đến cả trăm con. Những khu rừng nguyên sinh ẩm ướt nhiều hoa quả, côn trùng có độ cao trên dưới 2.000m là nơi lý tưởng để khỉ sinh sống. Con khỉ đực nặng đến 8,3kg; khỉ cái nặng 4,8kg. Khỉ cái mang thai 156 ngày. Loài khỉ giao phối và sinh sản cả bốn mùa.

Các nhà khoa học, khảo cổ quốc tế ở Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian của Mỹ, nhánh ở Panama đã tìm thấy hóa thạch của loài khỉ cổ nhất có niên đại hơn 20 triệu năm trước. Và họ cũng đã phát hiện thêm nhiều điều rất mới lạ về loài khỉ. Khi nói chuyện với nhau, khỉ cũng nhép môi tạo ra cung bậc âm thanh có nhịp điệu tương tự như lời nói của con người. Trong giao tiếp, khỉ biết nhường nhau, không chen ngang, không cướp lời nhau. Nó thân thiện, hòa đồng và cũng hoạt ngôn như con người lúc “buôn dưa lê” và lúc cãi vã nhau vậy. Chúng có thể duy trì các cuộc trò chuyện đến hơn nửa giờ với những con thân quen và cả những con xa lạ mới gặp. Con khỉ cất tiếng hỏi trước 5 giây. Con khỉ đồng loại đợi sau 5 giây “suy nghĩ” rồi mới trả lời. Lúc nói chuyện, khỉ biết nhìn mặt nhau dò xem thái độ của nhau rồi điều chỉnh nhịp điệu cuộc trò chuyện. Các nhà nghiên cứu về loài khỉ cho đó là “nền móng” hình thức giao tiếp chỉ xuất hiện ở con người. Và họ xác nhận rằng những con khỉ cái thường nhiều lời, hay “chuyện trò”, đàn đúm với nhau hơn hẳn khỉ đực.

Một điều bất ngờ và lý thú nữa, loài khỉ sống “thủy chung” với bạn đời của mình. Chúng coi trọng “chế độ một vợ một chồng”. Khỉ đực và khỉ cái sống thành đôi, gắn bó với nhau. Con khỉ “bố” dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương, chơi đùa với “vợ” con. Các nhà khoa học đã lấy mẫu gien của loài khỉ ở vùng Azara (Argentina), 35 khỉ con là con đẻ của 17 cặp khỉ “bố mẹ”, đã thấy rằng khỉ con đều mang gien di truyền của khỉ “bố”. Điều đó cho ta thấy thật lạ kỳ với một loài động vật hoang dã sống bầy đàn mà chúng “chung tình” đến thế.

Nhóm nhà khoa học thí nghiệm bản gien khỉ đuôi ngắn ở Ấn Độ cũng cho biết loài khỉ ở châu Phi có đến 98% gien giống con người. Loài khỉ ở Ấn Độ cũng có 93% gien giống con người. Và, họ cũng cảnh báo rằng có một loài khỉ ở vùng Đông Nam Á sống trên cao nguyên thuộc đảo Borneo (nơi giáp ba nước Malaysia, Brunei, Indonesia) có chất rất độc Nycticebus Kayan trong miệng. Loài khỉ này thuộc họ cu li (khỉ gió) mũi cong. Nó có họ hàng với cáo và vượn. Họ cũng phát hiện thêm những điều cực kỳ thú vị ở loài khỉ vàng sống ở Indonesia. Nó đã biết dùng “dịch vụ” để “đổi tình”. Và, nó biết dùng “quà cáp” để làm trò “hối lộ”. Những “chàng” khỉ muốn ve vãn mồi chài bạn tình, thường lân la làm quen, chải lông, vuốt ve, bóp chân, xoa lưng, tìm thức ăn về nịnh nọt các “nàng” để mong được... chiều. Những “chàng” khỉ “đa tình” ở các đàn khác muốn mon men đến “trăng hoa” với các “nàng” ở đàn bên cạnh, chúng cũng có những “mánh” riêng. Chúng tìm hái những chùm quả chín, bắt tổ trứng chim đưa đến dâng, cống cho “bác” khỉ đầu đàn để có sự thân tình, dễ dàng lui tới. Và, khi đã chiếm đoạt được các “nàng”, có vây cánh rồi thì nó “dở trò khỉ” gây gổ, xua đuổi “bác” khỉ già để chiếm ngôi đầu đàn.

Đâu có ngờ một buổi chiều từ dải núi cao xanh mờ mây khói ấy vang lên tiếng hú, tiếng gào thét thê thảm của “xóm” khỉ vàng. Tiếng hú dữ dằn làm rung động vùng cây rừng vắng lặng. Đàn khỉ rời bỏ “mái nhà chung”, bồng cõng con tháo chạy. Chúng di tản đến cánh rừng gần đồn biên phòng. Đồn trưởng nghĩ ngay đến hiện tượng lạ đó. Anh dự tính đến một tình huống xấu đã xảy ra. Phương án tác chiến được bổ sung. Đội tuần tra chúng tôi lên đường. Đội truy tìm dấu vết chuẩn bị. Mũi bao vây ngăn chặn triển khai chốt chặn các con đường mòn, hẻm núi từ khu rừng đệm vào nội địa. Chúng tôi đến hang đá, nơi “xóm giềng thân thiện” ở thì mọi điều đã rõ ràng. Đất rừng, núi đá còn giữ nguyên hiện trường. Đó là “lời tố cáo” đầy đủ nhất. Bên “sân chơi cộng đồng” của đàn khỉ, chiếc bao ni lông đựng thuốc lọc nước còn nguyên. Ở bờ suối còn rõ dấu vết bếp lửa. Gần đó là hố chôn giấu thức ăn thừa, xương, lông và còn nguyên cái đầu con khỉ. Lẫn trong đó có hai vỏ đạn của súng giảm thanh. Cái hố ấy đã được lấp đất, lá mục và đá đắp lên. Những loài thú rừng tìm mồi đã bới ra. Đội truy tìm dấu vết vào cuộc, có cả chó chiến đấu giúp sức. Toán biệt kích bị diệt gọn lúc chúng đang đặt mìn phá cầu N. là “yết hầu” trên con đường thông quan sang nước bạn.

... Những chuyến tuần tra sau đó, chúng tôi lại đến với “xóm giềng thân thiện”. Cánh rừng đã trở lại bình yên. Đàn khỉ vàng lại ríu rít chuyền cành tìm quả chín. Tiếng hú của chúng lại khoan thai, ngân nga với giai điệu thanh bình, yên ả. Chúng đã trở về “mái nhà chung”. Chúng tôi lại biếu “xóm giềng thân thiện” bánh lương khô, cơm nắm và cả những chùm dâu da chín mọng, quả bứa vàng ươm vừa hái.

Trên “sân chơi cộng đồng”, đàn khỉ vàng nô đùa. Chúng “nói” gì líu ríu với nhau. Chúng cầm tay nhau vui mừng nhảy múa quanh những món quà chúng tôi để lại. Chúng tôi không còn nhìn thấy bóng dáng “ông trưởng xóm” đâu nữa. Song “xóm giềng thân thiện” hình như đã “bầu ông trưởng xóm mới”, trẻ hơn. Da mặt “ông” đỏ và hai quả mông của “ông” cũng rực hồng hơn. “Ông” tỏ ra thân thiện và dám đến gần với chúng tôi hơn. “Ông” biết chìa bàn tay về phía chúng tôi, nhấp nháy mắt, chép môi “nói” gì líu ríu. Không hiểu được ngôn ngữ của “ông”, nhưng chúng tôi đoán... “ông” muốn xin thêm bánh bích quy, muối... Chúng tôi trút hết tất cả những gì mang theo cho “ông”. Và, “ông” cầm đến chia cho cả đàn.

Hôm đó anh đội trưởng rất vui. Vốn là người vùng quê hát phường vải, anh đã cất lên làn điệu Ví trèo non:

“Sớm khỉ rong chơi bên suối biếc

Trưa hót giữa đỉnh rừng vàng

Giữa non xanh mây trắng

Gần bản làng với nhau

Chúng ta cùng giữ đất rừng sâu...”
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:50:20 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #15 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:45:48 pm »

15/Hương tình thơm xóm núi

Chuyện như một sự tích, diễn ra vào cuối mùa thu năm 1954 thế kỷ trước. Năm ấy Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào, rút về nước. Đơn vị đóng quân bên suối Nậm Tuồng, Nước Sốt và xóm núi Kim Cương. Cái xóm nghèo nhà dân chỉ là cột tre, mái cỏ hiu hắt đơn côi dựng bên đường số Tám. Nhưng cái xóm ấy lại mang tên rất đẹp nghe như tột đỉnh của sự giàu sang: xóm Kim Cương. Các chiến sĩ hỏi về tên xóm thì được các cụ già kể rằng, đây chẳng có vàng ngọc kim cương gì đâu. Đây chỉ là bãi đất cằn, chó ăn đá gà ăn sỏi thôi. Dân trong xóm là “phu lục lộ” mở con đường số Tám. Bãi đất này xưa là nơi người Pháp và chủ thầu đưa máy móc về đây cất giữ sau mỗi ngày làm đường. Họ nói với dân phu rằng các cỗ máy ấy cực kỳ quý vì đều có gắn kim cương đầu mũi nên nó mới khoan đục, xuyên phá được đá núi. Dân phu thâu đêm phải đốt lửa để xua đuổi “sói gấu Kim Cương, hổ Nậm Tuồng, voi Nước Sốt” và cả lũ cướp rừng nữa để canh giữ số máy móc ấy.

Sau ngày mở đường, những người dân phu nghèo đói tha phương vô gia cư đã cụm lại đây hái măng, tìm nấm, lập phường săn bắt thú rừng để kiếm sống. Vậy là cái xóm núi nghèo này từ đó mang tên xóm Kim Cương.

Một buổi chiều muộn, phường săn giăng bẫy bắt được con chồn hương. Họ mang con thú lạ đến bộ đội biên phòng đổi lấy gạo. Chỉ huy trưởng Trường Sinh bàn với các chiến sĩ: “Ta nên bớt tiêu chuẩn ăn mỗi ngày một lạng, tức là bảy lạng còn sáu thôi, để có được hơn hai tạ đổi lấy con thú này. Đó cũng như đơn vị giúp bà con những ngày giáp hạt…”.

Con chồn hương lông màu vàng mơ pha xám nhẹ, nặng gần 4kg, trông thật đẹp mã. Hai tròng mắt nó lồi, màu hổ phách, nhìn không biết nhấp nháy, sáng như hai bóng đèn pha. Và, thật lạ lùng, dọc thân hình con thú có 7 giải lông mượt mà màu đen nhẹ chạy dọc từ vai đến mông trông như 7 dòng suối chảy trên lưng nó. Còn đuôi con thú thì dài gần bằng thân, có các vằn đen trắng và rất nhiều đốm vàng nhạt, đen mờ trông giống như chuỗi hoa phong lan đang nở. Anh em phường săn nói rằng, con chồn hương này sắp vào thì rồi, sang tháng 3 mùa quả bí bầu rụng rốn nó sẽ thả hương thơm. Nó là con vật quý, làm thuốc tốt, hiếm khi bắt được. Thịt nó mềm ngon thơm ngọt nhất trong các con vật ở rừng.

Chỉ huy trưởng Trường Sinh giao con thú quý ấy cho chiến sĩ trinh sát Vi Viết Khèn, người dân tộc Tày, nuôi. Các cụ già xóm núi bày cho anh cách thức chăm nó. Nhưng rồi lúc con chồn hương vừa bén chuồng, quen người thì Đoàn 280 được lệnh hành quân đi nhận nhiệm vụ mới. Cả đơn vị nhất trí với chỉ huy trưởng thả con chồn hương về rừng, mong nó sẽ sinh nòi đẻ giống. Rồi biết đâu nơi khỉ ho cò gáy này sẽ có đàn thú quý. Anh Khèn cùng ba chiến sĩ đưa con chồn hương vào khu đồi đất nơi có nhiều hang hốc giáp rừng cây rậm, giống môi trường nó sinh sống. Các anh đặt chuồng nó xuống, mở cửa. Nhưng lạ chưa, con thú vẫn đứng ngơ ngác giương đôi mắt tròn xoe màu hổ phách nhìn mọi người. Nó như ngỡ ngàng chưa hiểu con người sẽ làm gì nó ở đây. Vì các anh thường đưa nó ra suối tắm, chải lông, vuốt ve nó. Hằng ngày lúc nhìn thấy các anh đến gần, nó bấu vào cửa chuồng kêu “khìn khịt” như đón, như chào. Và, điều kỳ lạ nữa là con thú hoang dã đã biết ngoe nguẩy đuôi mừng khi các anh để vào cửa chuồng nó quả chuối chín, quả ổi ngon, con dế vừa bắt được. Anh Khèn vuốt lưng, xoa đầu nó và đẩy nó ra cửa. Con chồn hương vẫn đứng im, giương đôi mắt sáng trưng nhìn. Dùng dằng một lúc, bốn cái chân ngắn cùn cũn của nó mới chầm chậm bước ra cửa chuồng. Cái đuôi nó lúc này như chuỗi hoa phong lan cuối mùa rũ xuống kéo lê trên thảm rừng. Đi được mấy bước, con thú lại ngoái cổ nhìn các anh…

Rồi anh Vi Viết Khèn được ở lại bổ sung vào đội trinh sát của đơn vị 927 mới đến. Công việc của anh thường gần gũi với phường săn thú và gắn bó với bà con xóm núi. Anh như người “bảo kê” cho con thú quý này. Thực ra ngày ấy từ người chỉ huy đến các chiến sĩ nhìn con thú lạ, đẹp và nghe đồn nó làm được thuốc, lại biết thả hương thơm trong gió thì cứ nói chuyền nhau là con thú quý hiếm. Chứ chưa ai hiểu “đầu cua tai nheo” loài chồn hương quý hiếm như thế nào.

Sau này, được đọc tài liệu của các nhà khoa học, mọi người mới vỡ lẽ sự quý hiếm của nó đến mức kỳ diệu như thế. Con chồn hương thuộc loài động vật hoang dã đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Nhà nước đã có chỉ thị nghiêm cấm khai thác nó. Nó là tài nguyên của đất nước.

Chồn hương là loài động vật thuộc họ cầy được tìm thấy trong khu vực Đông Nam Á, kể cả các quần đảo. Trên thế giới có khoảng 200 loài cầy khác nhau. Việt Nam ta có loài chồn hương trú ngụ khắp các tỉnh miền núi và trung du nhưng số lượng còn rất ít. Chồn hương còn được gọi là cầy hương, cầy vòi hương, chồn ngận hương. Nó thuộc bộ thú ăn thịt, ăn tạp. Chồn hương ăn quả chín có vị ngọt như chuối chín, ổi chín, na chín và rất thích ăn quả cà phê chín. Chồn hương ăn cả chuột, rắn, ếch nhái, kỳ nhông, sâu bọ, côn trùng, giun dế… Chồn hương có bộ móng vuốt sắc nhọn rất hung hãn “hiếu chiến”, thích gây gổ đánh nhau với đồng loại và cả các loài thú khác. Chồn hương rất giỏi leo trèo, nó leo lên tận ngọn cây cao tìm bắt chim non trong tổ, bắt chim lớn ngủ trên cành. Nếu ở gần xóm bản, nó táo tợn rình mò bắt gà vịt… Cùng họ với chồn hương còn có các loại chồn, cầy khác: cầy mực, cầy giông, cầy vằn, cầy gấm, cầy vòi mốc… Nhưng chỉ có giống cầy hương là đặc biệt hơn cả. Cũng có những tài liệu nói rằng, trên thế giới cũng có những loài động vật, thực vật có xạ hương như: hươu xạ (ở châu Âu), chuột hương (một loài gặm nhấm ở Bắc Mỹ), vịt hương (ở Australia), cá sấu hương, bò hương… Thực vật thì có cỏ hương… Nhưng tất cả những loài đó đều không thể nào sánh bằng loài chồn hương. Vì nó được thiên nhiên đặc ân ban cho một thứ quý hiếm trên cả tuyệt vời mà không có một loài vật nào trên thế gian này có. Đó là chú chồn hương đực có một “túi thơm bí ẩn” chứa xạ hương. Cái túi ấy nằm ở một vị trí đặc biệt và rất kín đáo: giữa vùng rốn và hai tinh hoàn. Túi xạ hương căng phồng chừng 3x3cm, chứa 90g xạ hương. Phần giữa túi xạ có hai lỗ nhỏ thông lên phía trên. Trong cái “túi thơm ngàn vàng” ấy có các tuyến xạ tiết ra chất xạ hương sánh đặc như mật ong đầu mùa, màu nâu đỏ, có mùi thơm nồng nàn. Có chất nhờn, nếu nếm có vị đắng. Thành phần quan trọng nhất của xạ hương là chất amoniac (một loại tinh dầu), muối khoáng và các thành phần hợp chất hương hữu cơ. Đến mùa động tình (tháng 3 và tháng 9 âm lịch hằng năm), chú chồn đực nổi máu phong tình chọn dốc núi cao đứng “thả hương tình” nhờ gió trời lan tỏa bốn phương rừng để quyến rũ, rủ rê các “nàng” chồn cái. Mùi thơm của xạ hương có mùi lá cây cơm nếp, mùi ngọt ngào của mật ong, mùi cao sang của trầm, kỳ, mùi thơm man mát của hoa móng rồng, hoa lan núi… Ngửi được mùi thơm quyến rũ ấy, các “nàng” chồn cái đa tình rạo rực bỏ ăn, mõm luôn phát ra tiếng kêu “khìn khịt” rồi mấy dốc cũng vượt, mấy núi cũng trèo để đến với “hương tình”. Có những hãng sản xuất mỹ phẩm hảo hạng đã thổ lộ rằng, nếu trong nước hoa có mùi xạ hương và xịt nó lên người vài giọt thôi thì cũng đủ làm cho lòng dạ xốn xang, đôi má rực hồng và giục giã sự “nổi loạn”.

Đặc điểm rõ nhất của loài chồn hương là phát dục rất sớm, sớm hơn nhiều loài thú khác. Bảy tháng tuổi chồn hương đã vào thì động tình, phát dục. Khi “nàng” chồn đến với “chàng” thì quấn quýt mãnh liệt dăm bảy ngày với nhau. Nhưng lúc đã “no hoa chán quả, suối cạn vực đầy” rồi thì chúng “trở mặt” gây gổ với nhau, cắn nhau làm xao động cây rừng. Trận chiến ấy không phân thắng bại mà chỉ như để “nhớ nhau”. Rồi khoảnh rừng của con nào trú ngụ con ấy lại trở về yên phận ở. Chồn hương mang thai từ 85 đến 90 ngày. Mỗi năm, chồn mẹ sinh hạ 2 lứa. Mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Chồn hương con được 7 ngày thì mở mắt nhìn rừng. Bú mẹ 40 ngày thì chồn con rời tổ ra sống lập thân. Tập tính của loài chồn hương là không sống thành đôi, thành bầy đàn đúm với nhau. Đến mùa động tình, chồn mẹ lại hóng gió đón “hương tình” đến với bạn. Vòng đời của loài chồn hương trên 15 năm.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:50:32 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:46:34 pm »

3.500 năm trước công nguyên ở Trung Quốc, xạ hương đã được xem là vị thuốc quý đưa vào chữa bệnh. Trong Dược phẩm Á Đông ghi rõ: “Xạ hương đựng trong túi thơm của loài chồn hương là vị thuốc được ghi hàng đầu trong sách thuốc “Bản Kinh”. Xạ hương cay, tính ôn, quy kinh tâm, can, tỳ, có đặc tính thơm xuyên thông suốt 12 kinh”. Xạ hương đã có mặt trong 70 bài thuốc khác nhau. Từ cổ xưa, xạ hương được bào chế với các vị thuốc quý: ngưu hoàng, sừng tê giác, hổ phách… chữa các bệnh nguy cấp, có tác dụng làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, giải phù não, tăng kích thích cơ thể đối với trạng thái thiếu oxy, cải thiện tuần hoàn. Xạ hương có tác dụng chữa bệnh mạch vành, tai biến khối huyệt, trúng phong, khử độc, trị ác khí phụ nữ đẻ khó, phòng rắn độc cắn, xạ hương còn dùng làm cao dán ở huyệt tâm du chữa cho người bị bệnh tim. Xạ hương là thành phần trong viên thuốc An cung ngưu hoàng cấp cứu người bị tai biến… Lịch sử nước Trung Hoa xa xưa còn ghi các cung tần mỹ nữ chà xát xạ hương thơm nồng nàn lên vùng rốn, làm cho cuộc tình trở nên “đậm đà” hơn...

Xạ hương có giá cực đắt: 45.000 USD/kg (tức là phải giết trên 35 con chồn hương, hươu xạ mới thu được 1kg). Để ngăn cấm việc săn bắt bắn giết chồn hương, hươu xạ, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Liên minh châu Âu đã nghiêm cấm nhập khẩu xạ hương của chồn hương, hươu xạ. Các hãng sản xuất mỹ phẩm đã phải tìm nguyên liệu tổng hợp thay thế. Bởi vậy thị trường đã xuất hiện nhiều xạ hương giả.

Loài chồn hương còn có một điều đặc biệt đến kỳ diệu nữa. Điều kỳ diệu này do thiên nhiên đặc ân ban cho nó và con người đã hỗ trợ nó tạo nên. Đó là loài chồn hương đã tạo ra một đồ uống độc đáo được đánh giá vào bậc nhất hành tinh: cà phê chồn. Nó đã đi vào huyền thoại thức uống đắt nhất hành tinh. Một ly cà phê chồn có nơi trên thế giới giá đến 90 USD, trong khi một ly cà phê bình thường chỉ từ 2 đến 4 USD. Điều đáng nói nữa, trên hành tinh này chỉ có vài nước có thể sản xuất được cà phê chồn như: Việt Nam, Indonesia, Ethiopia, Philippines… Thứ đặc sản uống vào loại hiếm và đắt nhất hành tinh này mỗi năm mỗi nước chỉ làm ra “thứ thiệt” được 200kg đến 300kg là cùng, nên giá có năm cao ngất ngưởng: trên 3.000 USD/kg.

Lần lại thuở khởi nguồn của cà phê chồn ở nước ta. Năm 1857, người Pháp du nhập cà phê vào Việt Nam. Những cánh rừng ở Tây Nguyên, Đắc Lắc đã trở thành một trong những “thánh địa” của cà phê thế giới. Từ đó cà phê chồn được xem như một “truyền thuyết” xuất hiện một cách tự nhiên ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Ngày ấy loài chồn hương sinh trú nhiều ở vùng đất Tây Nguyên. Tập tính của nó thích ăn loại quả chín cây có vị ngọt, thơm nên vào mùa cà phê (tháng 8 đến tháng 12) là “mùa hội kiếm ăn” của chúng. Loài chồn hương tinh khôn, khứu giác, vị giác của chúng rất mẫn cảm, chúng chỉ tìm chọn những quả cà phê chín mọng, thịt dày không có dấu vết xây xước do sâu bọ đục khoét, không bị chim chóc cào rỉa, không có mùi vị lạ (thuốc trừ sâu) mới ăn, nuốt cả hạt. Chừng bốn tiếng đồng hồ sau, chồn hương thải hạt cứng ra trong phân. Loài thú hoang dã này có tập tính “rất khéo” là chỉ tìm đến một nơi cố định ở góc rừng để “xả thải”. Thấy lạ mắt, những người phu đồn điền nhặt hạt cà phê tách khỏi phân, rửa sạch phơi khô. Họ rất lạ lùng nhìn thấy hạt cà phê xuất hiện màu xanh nhẹ, khác hạt cà phê bình thường. (Sau này các nhà nghiên cứu mới biết rằng trong bộ máy tiêu hóa của loài chồn hương có các vi khuẩn phân giải đường, phân giải protein thấm vào nên hạt cà phê biến đổi màu như thế). Khi rang cà phê trên than củi có độ nóng đến 200 độ C, điều bất ngờ nữa xảy ra là những mẻ cà phê đó có hương thơm đặc trưng. Họ pha chế thành những ly cà phê rồi chuyền tay nhau nếm thử. Nó vừa có vị bùi của đất, vừa phảng phất mùi của khói, vừa ngai ngái âm hưởng của rừng già, lại vừa có hương vị của mật ong… Buổi ban đầu ấy ai đã có cơ duyên may mắn được thưởng thức ly cà phê đặc biệt quyến rũ đến rạo rực lòng người thì không bao giờ quên được. Một trong những khởi nguồn “huyền thoại” cà phê chồn ở nước ta do những phu đồn điền tạo ra là như thế đấy.

Có vị giáo sư trường Đại học Guelph của nước Canada sau khi nghiên cứu thành phần, tính chất của cà phê chồn đã kết luận: “Chất enzyme tiết ra từ dạ dày con chồn hương đã thúc đẩy quá trình lên men tiêu hết vỏ trấu của hạt, phá vỡ cấu trúc protein vốn có trong hạt cà phê. Khi được rang lên, hạt cà phê trở nên cứng, giòn và ít protein hơn. Do đó độ đắng của cà phê giảm đi tạo ra hương vị mạnh rất lạ, rất đặc biệt gây nên sự hứng khởi thích thú so với các loại cà phê bình thường… Đó là hương vị của mật đường hòa quyện với sô cô la, vị đắng dịu đi, có vị chua của trái cây và một chút vị… thuốc lá…”. Người dùng cà phê chồn không chỉ là thưởng thức hương vị mà là đẳng cấp của nó.

Trong chuyến công tác trở về vùng biên cương, chỉ huy trưởng Trường Sinh thăm những người lính biên phòng, thăm bà con xóm núi.

Chỉ sau mấy năm thôi mà cái xóm nghèo bên đường số Tám đã đổi đời. Nhiều bà con đã ở nhà gỗ, mái ngói. Đường đi vào các ngõ xóm được ghép đá bằng phẳng. Cái xóm nghèo heo hút đã bước đầu ánh lên nét đẹp rạng rỡ như tên của nó: xóm Kim Cương. Phường săn đã giải tán sau ngày có chỉ thị của Nhà nước về giữ gìn môi trường, bảo vệ loài thú hoang dã. Anh em phường săn đã được biên chế thành một tiểu đội trong Đội dân quân. Bà con kể với ông rằng, vùng đồi giáp rừng cây bên suối Nước Sốt đã gần như thành “xóm chồn hương”. Vào mùa tháng 3, tháng 9 hằng năm, người dân xóm Kim Cương đều ngửi được hương thơm phảng phất trong làn gió núi…

Chỉ huy trưởng Trường Sinh nhìn lên phía ngàn xanh đầu dòng Nước Sốt, nơi khởi nguồn làn gió thơm. Nét mặt ông đang vui bỗng thoáng vẻ buồn. Ông bâng khuâng nhớ tới người lính trinh sát năm nào đã chăn nuôi con chồn hương và đưa nó về sống lại với rừng, nay không còn nữa. Trong trận lũ quét nước dâng, núi lở, anh Vi Viết Khèn xuống xóm cứu dân đã bị dòng nước cuốn trôi… Ông đứng lặng người. Gió núi như thầm thì bên tai ông, nghĩa tình người lính biên phòng với bà con, với tài nguyên của đất nước nơi non xanh này còn lưu mãi trong làn gió thơm…
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:48:18 pm »

16/Nai chiều ngơ ngác gọi mẹ ơi

Năm ấy Đoàn nhà báo Quân đội vượt Trường Sơn vào mặt trận. Dưới ánh đèn gầm, chiếc ô tô của Đoàn 559 như “bò” trên cung đường dày đặc hố bom và mờ nhòa bụi hồng đất đỏ. Gần đến ngã ba Đông Dương, anh lái xe tên Biên nói: “Chúng ta đang lên đèo Mẹ Ơi”. Rồi anh kể sự tích cái đèo có tên kỳ lạ ấy cho chúng tôi nghe:

- Nơi đây máy bay Mỹ dội biết cơ man nào là bom đạn nhưng mùa này bờ suối, chân đèo vẫn xanh rờn những bãi cỏ non. Những buổi chiều muộn, đêm khuya có con nai mẹ thường đưa con ra đó ăn cỏ. Một đêm, máy bay thả đèn dù soi xe qua đèo. Nai mẹ, nai con đứng ngơ ngác nhìn đèn. Mắt nai cứ sáng xanh như nhìn đèn người đi săn soi chiếu vào nó. Bốn đốm sáng là mục tiêu cho máy bay dội rốc két xuống. Nai mẹ chết. Từ đó cứ mỗi buổi chiều hoặc đêm khuya vắng, nai con khát sữa tìm mẹ lại ra bãi cỏ đứng kêu “be…e…be…e…e…”. Cánh lái xe chúng tôi nghe tiếng nai con kêu xót lòng thương nó lắm. Chúng tôi nói với nhau “Nai con đang khóc tìm mẹ, gọi mẹ ơi, mẹ ơi đấy”. Tên đèo Mẹ Ơi có từ ngày đó.

Chiến tranh đã lùi xa rồi, mà tiếng con nai con khát sữa, ngơ ngác khóc tìm mẹ giữa rừng khuya như còn thổn thức trong lòng những ai đã qua đèo Trường Sơn năm ấy.

Tâm tưởng đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu về loài động vật hoang dã này. Con nai, thuộc họ hươu nai bộ móng guốc ngón chân, loại động vật có vú, thuộc lớp thú nhai lại. Con nai đã được Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới (1996-2000) xếp vào bậc A2 trong danh sách các loài thú hoang dã quý hiếm đang trong quá trình nguy cấp phải nghiêm cấm săn bắn, bẫy bắt, buôn bán… Nghị định số 48-2002 của Chính phủ quy định phải tăng cường bảo vệ loài động vật này.

Ở nước ta, loài nai sinh trú trên các vùng núi Kon Tum, Lâm Đồng, Hà Tĩnh… và những nơi có rừng thưa, rừng nhiều cây xanh, gần khe suối, trảng cỏ, có địa hình bằng ở độ cao 500-600m so với mặt biển. Vùng châu Á, loài nai sinh trú ở miền Đông Bắc Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Nam Trung Quốc… Trên thế giới có khoảng hơn 60 loài nai. Rừng nước ta có 4, 5 loài nai: nai vàng, nai cà tông, nai Giava…

Loài nai còn có “họ hàng” gần xa với con hoẵng, con mang Trường Sơn, con cheo, con tuần lộc…, chúng đều có sừng và sừng rụng theo mùa.

Họ hàng nhà nai từ xa xưa có tập tục sống rất “lãng mạn”, rất “có duyên” với trăng vàng, sao sáng, mây chiều, gió mát. Loài nai thích nghi với hoạt động ban đêm. Chúng ưa rủ nhau về các thung lũng yên bình có thác reo, suối hát, nằm nhai lại và tự tình với nhau.

Đặc biệt loài nai có đôi tai to quá khổ so với cơ thể, đôi tai luôn dỏng lên nên nó cực kỳ nhạy cảm với âm thanh, tiếng động từ bốn phương tám hướng. Cặp mắt loài nai sáng trưng, cái nhìn ngơ ngác sợ sệt với tất cả những gì ở xung quanh nó. Tính cách đó tạo cho loài nai dáng dấp lúc nào cũng sẵn sàng co chân chạy trốn. Tạo hóa ban cho loài vật quý hiếm này một thân hình đẹp mượt mà, thon thả, chân cao thuôn dài và cuộc sống hiền lành, “thơ mộng”. Nhưng tạo hóa lại không ban cho nó một thứ vũ khí gì để tự vệ. Con nai đực có cặp sừng hình vòng cung trông hoành tráng nhưng lại mảnh mai. Bốn, năm nhánh của cặp sừng xòe ra giống ngón tay người hướng về phía trước như chỉ để đón chào thân thiện bạn bè và… làm dáng với bạn tình chứ không thể là vũ khí bảo vệ cuộc sống.

Thịt nai là món “đặc sản” mềm ngon thơm ngọt vào loại khoái khẩu hàng đầu của mọi loài ác thú ăn thịt trên hành tinh này. Nên khi gặp kẻ thù, con nai vàng tội nghiệp chỉ có một “chiêu” duy nhất là tháo chạy. Mà nai chạy nhanh nhất cũng chỉ được 35-40km/giờ trong quãng thời gian ngắn, thì làm sao thoát khỏi nanh vuốt của con báo có tốc lực nhanh nhất trong các loài vật trên hành tinh này: 115km/giờ lúc nó săn đuổi mồi. Loài nai có bộ lông màu vàng mơ mềm mại như gấm nhung, như tơ lụa (con cái). Con đực có màu lông vàng sẫm đẹp như màu ráng chiều và có hai hàng lông vàng nhạt giống như hai chuỗi cườm trang trí chạy dọc trên lưng. Ở gáy và cổ nó có những chùm lông dài mềm mại rủ xuống phơ phất trông rất điệu nghệ. Nai đực là con vật phong tình nhất nhì trong các loài thú. Khi gặp bạn tình, “chàng nai” có động tác nhảy múa xung quanh “nàng” rồi ngúng nguẩy cổ, ngúc ngắc đầu làm duyên, ve vãn. “Chàng ta” xông vào rủ chùm lông mềm xuống đầu, xuống mặt “nàng” như âu yếm, như vuốt ve. Rồi “chàng” nhả chút nước bọt dính vào mặt “nàng”. Làm được động tác ấy, “chàng nai” coi như đã chinh phục được “nàng”. Thường vào mùa xuân ấm áp, ngàn cây nõn nà lộc non lá biếc là mùa nai tìm bạn tình. Nai mang thai 8 tháng thì sinh, mỗi lứa một con. Rồi chỉ một mình nai mẹ “tần tảo” chăm nuôi con, còn nai bố thì mải rong chơi… Đến mùa gió thu trăng sáng, nai bố lại lượn lờ đến các trảng cỏ non phát tín hiệu “be…ắc…be…ắc…” gọi bạn tình. (Loài nai, hươu rất sung mãn về mặt sinh lý, mỗi ngày “chú nai” có thể “vui vẻ” với cả chục bạn tình). Nai con hơn 4 tuổi, nặng hơn 1 tạ thì đến thời kỳ mọc nhung (sừng non). Nhung nai có màu cực kỳ đẹp, đỏ hồng, mọng trơn mơn mởn nhú lên trên nền lông tơ vàng. Mỗi ngày nhung nai có thể mọc cao gần 2cm. Nai sống trong rừng tự nhiên chừng 5 năm thì cặp nhung già thành gạc (sừng), rụng đi, đến mùa xuân nó lại mọc lên cặp nhung non. Một đời con nai có thể để lại cho rừng vàng nhiều cặp sừng đẹp. Nhưng nếu con người nuôi nai để lấy nhung thì cả đời nó khai thác được chừng 18 năm. Mỗi năm, nai cho người một cặp nhung. Mỗi cặp nhung nặng 1,4kg đến 1,6kg. Giá bán lộc nhung cực đắt. Nhung nai hoang dã có giá trên 15 triệu đồng/kg. Nhung nai nuôi nhốt thì rẻ hơn, trên 10 triệu đồng/kg. Lộc nhung thái lát, sấy khô, chỉ 50g cũng có giá đến hơn 2 triệu đồng.

Tập tính của loài nai vàng sống hiền lành, thân thiện quần tụ với nhau thành bầy đàn. Nai vàng là loài “dễ tính”, không khảnh ăn. Ngoài thức ăn cổ truyền của nòi giống là cỏ non, chúng còn ăn được trên 160 loài cây mềm, nõn lá của rừng. Nai vàng chỉ thua vọoc mông trắng ăn được 204 loại thực vật: chồi, lá, hoa, quả, củ, vỏ, rễ cây… trong rừng. Từ cổ xưa con người đã xem loài nai vàng là biểu tượng cho sự cát tường, phúc lộc. Trong văn hóa cổ Trung Hoa có truyền thuyết kể rằng loài nai vàng hươu sao sinh ra từ ánh hào quang của viên ngọc quý, nó mang lại điều tốt lành cho thiên hạ. Những người sống có đức độ mới có duyên may gặp được nai vàng. Các đấng quân vương thời xa xưa trị nước bằng hiếu đạo, trăm dân được hưởng thái bình thì nai vàng mới xuất hiện. Lão Tử xưa từng cưỡi con nai đi đến bốn phương tám cõi đất trời. Nơi nào Lão Tử đến thì nơi ấy đất nước được thịnh trị thanh bình, cuộc sống muôn dân được an lành. Chúng ta khó tin vào điều huyễn hoặc ấy nhưng điều chắc chắn từ thuở hồng hoang, ông bà ta đã xem loài nai vàng tượng trưng cho sự hiếu thuận, phúc lộc và tốt lành.

Ở vùng Bắc Âu và cả vùng Bắc Mỹ vẫn còn những sắc tộc người du mục nuôi giống nai cả con đực và con cái đều có sừng. Giống nai này có đặc điểm rất kỳ lạ là ở khuỷu chân nó có một sợi gân cứng. Lúc nó di chuyển khớp xương theo nhịp đi tạo ra tiếng kêu “cách, cách” nghe giống như nhịp giày đinh của toán lính hành quân. Giống nai này được con người nuôi dạy thuần thục để kéo xe chở hàng và cung cấp sữa cho người dùng. Sữa nai được đánh giá quý vì có nhiều chất bổ dưỡng tốt cho sức khỏe trẻ em, người già.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:52:09 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:48:57 pm »

Con nai vàng quý hiếm là tuyệt tác của tạo hóa làm sinh động cho những cõi non xanh. Con nai vàng đã in đậm trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn hóa các dân tộc trên thế giới. Ở nước ta, hình tượng đẹp của con nai đã khơi nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm để đời.

Bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư còn sống mãi trong nền thi ca Việt Nam: “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô…”. Con nai vàng đứng ngơ ngác trên thảm lá vàng trong Tiếng thu là tiếng mây gió biến ảo khôn lường của đất trời thì thiết tưởng không còn gì đẹp hơn. Trên sân khấu, vở kịch Con nai đen của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã một thời được nhiều người ngưỡng mộ. Ca khúc Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung) “Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, dừng lưng đèo nghe suối hát, ngắt một nhánh hoa rừng cài lên mũ ta đi…”. Người lính ra trận với tâm hồn lạc quan phơi phới vì cả Trường Sơn hùng vĩ nâng bước chân anh, trong đó có hình ảnh đẹp của con nai vàng…

Trong văn học dân gian của ta còn lưu truyền những câu ca dao thấm sâu ân nghĩa: “…Quyết lòng lên chốn lâm sơn/ Săn nai lấy lộc đền ơn mẫu từ”. Ông bà ta xem lộc nhung là vật quý hiếm nhất đẳng hạng. Những người con hiếu nghĩa quyết vào rừng sâu săn nai mong lấy được vật quý hiếm ấy về dâng hiến mẹ hiền để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục…

Khi viết bài này, tôi có ý tưởng tìm đến nơi có người nuôi nai vàng, để mong có thêm chuyện hay. Một anh bạn nhà báo mách cho tôi ở vùng Thái có ông bộ đội về hưu đang làm việc đó. Anh bạn nói rằng ông ấy có những điều kỳ lạ khác người trong việc chăn nuôi con thú quý hiếm này. Trên đường đưa tôi về đó, anh nói ông ấy tên là Biên Bác Ơi. Như nhận ra sự ngạc nhiên của tôi “sao ông ấy có cái tên lạ thế”, anh bạn cười: “Về đến nơi rồi ông sẽ hiểu. Chuyện vui lắm đấy”.

Đến nơi gặp ông Biên, tôi ngờ ngợ với cái sẹo trên trán của ông… Rồi chúng tôi nhận ra nhau... Cái sẹo có từ ngày ở Trường Sơn lúc ông rời xe chạy vào hang đá tránh bom, bị ngã vào vách núi. Cái sẹo ấy dẫn dắt chúng tôi trở về những kỷ niệm trên chặng đường ra trận… Tôi hỏi ông: “Sao bây giờ tên ông lại là “Biên Bác Ơi”, kỳ quặc vậy?”. Ông cười cởi mở. Cái cười còn rất đẫm chất trẻ trung hào sảng của anh lính Trường Sơn năm nào: “Con nai vàng cắm đuôi vào tên tôi đấy”. Ông Biên kể rằng rời quân ngũ lâu rồi nhưng nhiều đêm ông vẫn chiêm bao thấy mình đang lái xe tránh bom trên đường Trường Sơn. Và, tiếng nai con khát sữa “khóc gọi mẹ ơi” trên đèo khuya vẫn làm ông thổn thức xót lòng. Thế rồi ông đánh đường lên tận vùng Sơn nơi có người nuôi nai, ông xem họ nuôi và mua luôn một con giống giá 20 triệu đồng, mang về. Người bán nai dặn ông: mỗi ngày ông phải bảo đảm cho nó 10kg cỏ tươi non… Nhưng ông Biên không những cho con nai ăn đủ cỏ non, mà ông còn bồi dưỡng cho nó ăn hạt đậu xanh, hạt đậu nành, hạt ngô nếp. Mùa nóng, ông ưu tiên cho con nai chiếc quạt máy, vài ngày ông lại phun nước tắm, chải lông cho nai một lần. Mùa đông giá lạnh, ông đặt nồi than hồng cạnh chuồng sưởi ấm cho nai. Từ ngày vùng Thái có điện lưới ổn định, ông Biên sắm chiếc lò sưởi cho nó. Điều rất vui, con nai vàng càng mượt mà béo tốt càng “quen hơi bén tiếng” ông Biên. Mỗi lần nhìn thấy ông đi đâu về hoặc nghe tiếng nói của ông, con nai vàng lại dỏng đôi tai lên, thò cổ ra ngoài cửa chuồng ngơ ngác nhìn rồi kêu khàn khàn “bá…a, bá…a” nghe như nó gọi “bác ơi, bác ơi”. Nó đòi ông cho nó ăn, hoặc gọi ông đến với nó. Từ đó con cháu trong nhà và bà con xóm giềng gọi vui ông là ông “Biên Bác Ơi”. Người lính lái xe Trường Sơn năm xưa nói rằng mỗi lần ông chăm bẵm con nai, cho nó ăn, chải lông vuốt lưng cho nó, ông lại nhớ đến tiếng nai con khát sữa, khóc gọi mẹ trên đèo Mẹ Ơi năm nào. Và, những lúc ấy ông cứ tưởng như trước mắt mình đang có bóng dáng chú nai vàng đang nghiêng đôi tai ngơ ngác đứng trên đèo đất đỏ nghe suối hát, nhìn đoàn quân ra trận. Ông Biên cầm chặt tay tôi, nói thêm: “Hóa ra loài động vật hoang dã quý hiếm cũng thân thiện với con người nếu con người cũng thật lòng thân thiện và đừng làm hại nó…”.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:52:14 pm »

17/Đêm xuân dế hát vui cùng nước non

Đêm biên cương thâm u, huyền ảo biết cơ man nào là tiếng dế từ bốn phương tám hướng rừng rền rĩ, nỉ non. Người dân các bản giáp biên đã “xong mùa làm ăn đến mùa làm khách” - bà con người Mông có phong tục đón Tết, vui xuân thăm chơi nhà nhau tròn một tháng… Đội trưởng Hải nghĩ ngay tới tình huống xấu sẽ xảy ra: lũ “ma rừng” cõng ma túy vượt biên sang đất ta. Hải điều đội đặc nhiệm và tổ dân quân bản Nà Khoa lên đường biên “đón khách”.

Canh khuya, rừng càng tĩnh lặng, mây gió hoang sơ, huyền bí, tiếng dế gáy nỉ non thẳm sâu. Ở vị trí chỉ huy, đội trưởng ngồi sau gốc cây lim. Bên anh là Pu Hừ, tổ trưởng dân quân. Hải và Pu Hừ đều hiểu rằng tiếng dế nỉ non, râm ran ấy như đang đưa đến cho các anh “tín hiệu bình yên”. Tiếng dế từ lâu rồi là “bạn đồng hành” với các anh. Sự nhạy cảm của nó với những rung động ở thảm lá rừng đêm là “tai mắt” giúp các anh. Nó như cùng thức canh rừng với người lính.

Cảm ơn các nhà khoa học đã cho lính biên phòng biết nhiều điều kỳ lạ và lý thú về loài dế. Trên hành tinh chúng ta đang sống có đến cả ngàn loài dế khác nhau. Nước ta có các loài dế mèn, dế dũi, dế than, dế nâu… Dế là thành viên của bộ côn trùng cánh thẳng cùng với loài châu chấu. Thân hình con dế lớn nhất cũng chỉ gần bằng hai đốt ngón tay người. Loài dế có thính giác cực kỳ nhạy và thị giác thì đặc biệt tinh tường. Nó có cặp mắt phức hợp (nhiều tế bào cực tốt hợp thành), có thể nhìn được nhiều hướng cùng một lúc. Dế có đôi cánh bóng bẩy, mỡ màng, đẹp. Đôi cánh ấy bay được rất ngắn mà chỉ hỗ trợ đắc lực cho sự vang xa rung nẩy của “tiếng gáy, tiếng hát, tiếng rúc…” của nó. Dế là loài vật được thiên nhiên ban tặng cho lối sống mang nhiều chất “nghệ sĩ”. Dế có cặp râu dài óng mượt, cong vút trên đầu. Lúc thảnh thơi nó thường dùng hai càng vuốt chải râu làm dáng, lúc di chuyển thì nhún nhảy điệu đà như múa, như lượn. Dế dùng cặp râu của mình để giao tiếp với đồng loại và để biểu thị hành vi ứng xử. Khi gặp kẻ xâm lấn thảm rừng, tranh cướp mồi ăn… dế lập tức dương cặp râu lên thể hiện khí phách nghênh ngáo xua đuổi. Nó nhe răng sắc, múa càng giơ gươm đầy răng cưa lên dọa… xung trận. Nhưng khi giao tiếp “hữu hảo” với bầy đàn hoặc đối với bạn tình thì cặp râu ấy ngoe nguẩy hiền lành như mừng rỡ, như vẫy chào. Bộ nghe của con dế nằm ở đốt chày chân trước. Và ít người biết rằng dế đã dùng bộ chân đó cọ, gẩy vào đôi cánh, bật vào hàm, vào các bộ phận cứng trên cơ thể để tạo nên những âm thanh khoan nhặt, những giai điệu tuyệt vời bổng trầm rền rĩ, nỉ non. Trong dân gian có nơi gọi đó là tiếng dế kêu, dế rúc; có nơi gọi nghe văn hoa thơ mộng hơn: dế gáy, dế hát. Con dế đực gáy, hát thường tạo nên âm thanh có giai điệu năn nỉ, giục giã để mời gọi bạn tình; giai điệu nghênh ngáo để hù dọa, khuyến cáo các chú dế lạ chớ xâm phạm vào lãnh địa nó, chớ quyến rũ bạn tình của nó. Con dế cái lại thường tạo nên âm thanh nhỏ nhẹ, giai điệu dịu dàng như để ru nựng dỗ dành con và tâm tình với đồng loại. Mỗi loài dế phát ra một thứ âm thanh “ngôn ngữ” khác nhau.

Đặc tính chung của loài dế là cực kỳ nhạy cảm với thời tiết đất trời, với tiếng động ở thảm rừng nơi nó trú ngụ. Theo các tài liệu khoa học, khi con dế và các loài côn trùng rời bỏ tổ bay chạy nháo nhác là cảnh báo thời tiết có các biến động khôn lường: gió bão, mưa lụt, động đất… Thời tiết ấm ách đổi mùa thì tiếng dế rừng Nà Khoa này nghe bức bối, ảo não như than vãn, nỉ non. Mùa xuân mưa nắng dịu hòa, ấm áp, thảm lá rừng khô ráo, mùa nó “tình tự” thì tiếng dế rộn ràng, có cao trào, có cung bậc trầm bổng nghe như dàn nhạc vui của rừng. Tuổi thọ của loài dế có thể kéo dài hơn một năm nếu môi trường nó sống có nhiều thức ăn. Mùa đông các “nàng” dế tìm hang đất, hốc cây để ẩn mình, đẻ trứng. Dế đẻ từ 200 đến 400 trứng. Trứng dế có hình trụ. Con dế có điều kỳ lạ không giống bất cứ động vật nào là ống đẻ trứng của nó thò dài ra ngoài cơ thể. Mùa xuân ấm áp, trứng dế nở con rồi lột da, lớn dần. Khi đôi cánh chùn chụn, mỏng manh của dế con kín lưng thì dế mẹ dạy cho nó “biết gáy, biết hát” rồi rời tổ. Dế là sinh vật “ăn chay”. Rau, quả, cỏ non, mầm cây… là thức ăn truyền đời của nòi giống nhà dế.

Từ xa xưa ông bà ta đã truyền lại rằng con dế là nguồn thực phẩm lành chế biến được nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng, nhiều chất đạm, chất béo, nhiều protein… Ngành đông y đã xác định con dế là vị thuốc nam tốt, chữa được nhiều bệnh. Dế có vị mặn, tính hàn, chữa bệnh đau bàng quang, đại tràng, bí đại, tiểu tiện, chữa cho phụ nữ sau đẻ rau thai chậm ra. Dế còn là vị thuốc tốt chữa bệnh phù thủng, táo bón, sỏi đường tiết niệu, chữa cho người bị đau nhức mình mẩy, trẻ em bị bệnh cam tẩu mã…
Trong lịch sử nước láng giềng - Trung Hoa - còn ghi lại nhiều điều “kỳ diệu” về con dế. Họ xem con dế là “vật báu” trong đời sống “tinh thần” của họ. Tiếng hát du dương của dế trong đêm thanh vắng như tiếng từ cao xanh vọng về quyến rũ được cả vua chúa, quần thần… Đời nhà Đường (618-707), các hoàng đế đã nhốt dế trong những chiếc lồng đúc bằng vàng mười và đặt ngay trên giường để dế hát, dế ru ngủ thâu đêm. Tiếng dế hát trong hộp vàng có âm thanh vang vọng, nẩy rền nghe càng ấm, càng mê. Rồi người dân cũng học đòi thú vui tao nhã ấy nhưng chỉ làm được lồng tre, hộp giấy nhốt dế. Đến đời nhà Minh trở về sau, từ hoàng gia, trí thức đến cả dân quê đã có thời đổ xô đi bắt dế về nuôi để đêm đêm nghe “dế hát”. Họ xem dế là linh vật báo điềm lành. Họ đồn đãi rằng “tiếng ru, tiếng hát” thâu đêm của dế sẽ mang lại niềm vui và sự may mắn cho con người. Họ còn luyện dế chọi nhau rồi mở hội chọi dế, xem đó là môn thể thao thú vị, có thời nhiều nước ở châu Á đã học theo. Người ta cân hai con dế có trọng lượng bằng nhau rồi thả vào chung một hộp, dùng ngọn cỏ kích động chúng “gây chiến”. Cuộc chiến của “võ sĩ” dế kéo dài được 30-45 phút. Chúng dùng hàm cắt cụt chân, cánh của nhau. Chúng nhảy vào cắn đá nhau đến cụt đầu, đến chết. Họ chăn nuôi dế như chăn nuôi các ca sĩ, võ công. Những con dế có cặp đùi khỏe, răng nhọn, các vuốt chân sắc như giáo như gươm, bộ mặt hầm hố, vẻ xấc xược hiếu chiến; những con dế có giọng “vàng” biết chào hoàng hôn, biết đón bình minh, họ “bồi dưỡng” thuốc bổ nhung hươu, canxi, cho ăn cả nhân sâm… Ngày nay có con dế được bán đến giá 200 nhân dân tệ, hoặc hơn 20 USD. Hằng năm từ tháng 7 đến tháng 10, người dân nhiều vùng quanh các đô thị ở Trung Quốc phát triển nghề bắt dế, buôn dế, nuôi luyện dế. Họ cho đó là nghề béo bở, kiếm tới hàng ngàn đôla mỗi vụ. Họ truyền nhau câu nói “Muốn giàu hãy đến mau với vua dế”.

… Sang canh, gió đổi chiều, lá cành xào xạc. Thảm rừng lá mục càng ánh lên nhiều đốm sáng lân tinh nhấp nháy, rung rinh trông như sao trên nền trời khuya. Ở đó hằng hà sa số dế nỉ non, rền rĩ càng làm cho vùng rừng đêm biên cương huyền bí. Đội trưởng Hải vẫn nín thở, căng tai để lọc nghe tìm sự bất thường trong “tiếng rừng bình yên” ấy. Và lúc đó, tiếng gáy của con dế như nhắc Hải nhớ về câu chuyện ngày xửa ngày xưa ông nội anh đã kể. Chuyện rằng một ngày giáp Tết có kẻ gian hàng xóm mò vào chôm chỉa nhà phú ông. Quản gia đã nhìn thấy, cầm dao nấp ở cửa bếp chờ. Tên trộm đã bò qua vườn nhưng vào gần đến cửa bếp nó dừng lại rồi bò trở ra, lủi mất. Qua Tết, phú ông hỏi nó: - Sao mày mò vào đến cửa bếp nhà tao rồi lại trở ra? Tên trộm lạy lục phú ông, trả lời: - Con nghe lũ dế vườn nhà ông đang gáy râm ran bỗng im bặt. Biết đã lộ, con lủi nhanh ra…

Anh dân quân người Mông ngồi như khối đá, dán mắt về phía con đường mờ ảo trong đêm vắng. Từ thuở lên mười Pu Hừ đã theo cha đi săn bắt thú ở vùng rừng Nà Khoa này. Anh thuộc tính hết các loài thú, loài chim, loài côn trùng ở đây. Anh phân biệt được tiếng động của con chồn đi tìm mối, tìm giun khác con trút xuyên sơn bới cào hốc cây bắt kiến, bắt dế… Anh càng biết rõ loài dế đêm uống sương, ngày nhấm lá sống ở thảm rừng Nà Khoa này rồi. Nó có tập tính bầy đàn cực kỳ cao. Buổi chiều muộn, con dế cụ cất tiếng gáy là cả bầy, cả ổ nhà dế trong đám rừng đó lên tiếng như để cùng hòa âm hưởng ứng tạo thành một dàn đồng ca. Nhưng sự phản ứng dây chuyền của loài dế cũng cực kỳ nhạy. Thoạt nghe ở thảm rừng có tiếng động, con dế gần nhất câm lặng thì lập tức họ hàng nhà dế im bặt. Sự im bặt ấy cứ kéo dài dài theo tiếng động trong thảm rừng sâu.

Bỗng Pu Hừ quay về phía đội trưởng Hải, anh “tặc lưỡi” giống con thạch sùng chép miệng phát tín hiệu “ma rừng hiện hình”. Phía dốc núi từ đường biên đi vào đất ta, tiếng dế im bặt. Rồi tiếng chân người bước trên thảm lá khô rõ dần. Bốn ánh đèn pin đã che mặt, ánh sáng chỉ còn bằng hạt ngô hiện ra lấp loáng chập chờn. Bốn “con ma” tay cầm súng AK, lưng mang ba lô nặng dò dẫm từng bước như những con thú đi ăn đêm. Đi mấy bước chúng lại dừng để nghe ngóng, hít ngửi mùi lạ trong gió đêm (chúng dò tìm mùi thuốc lá, mùi dầu cao xoa chống lạnh, mùi lương khô).

Vượt qua cây lim, bỏ lại tảng đá ở phía sau, bốn “con ma” không ngờ đã lọt gọn vào giữa hai vòng vây khép chặt…

Đêm đầu xuân, dân bản Nà Khoa cùng đội Đặc nhiệm biên phòng mở hội mừng công.

Bên bếp lửa bập bùng trong mây núi, anh dân quân Pu Hừ khai hội bằng điệu múa khèn và bài hát theo làn điệu dân ca Mông:

“Trời không yên, đất không vững

Vì con ma rừng đưa cái chết sang đây

Dế mèn ơi mày hát giữa ngàn cây

Canh con ma dế cùng ta bắt chúng.

Ma chết thì người Mông mới sống

Dế gọi sên đất giăng chỉ vàng

Dế gọi nhện trời đan tơ trắng

Bắt ma rồi dế hát, ta thổi khèn

Tiếng đàn môi bên suối gọi trăng lên

Chú Biên phòng xòe ô hoa

Lấy núi đồi làm thang lên Nà Khoa vui Tết

Bài hát hết mà chưa hết

Đêm vui dài bài hát còn dài…”
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2017, 01:52:22 am gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM