Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:21:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lời sám hối của một quân nhân Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam  (Đọc 6128 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:04:17 pm »

Mặc dù tôi liên tục dùng vô tuyến điện ra lệnh cho đại đội không được phát ra tiếng động, nhưng tình hình lúc đó đã hoàn toàn không thể kiểm soát nổi. Tôi ra lệnh cho các trung đội trưởng không được tiếp tục tiến nữa, tất cả dừng lại và từng trung đội một sẽ vượt đầm lầy. Nhưng binh lính của tôi không còn muốn nghe lệnh nữa mà chỉ muốn sao thoát ra khỏi đầm lầy ngập đến ngực này càng nhanh càng tốt. Tôi liền ra lệnh người nào để phát ra tiếng động sẽ bị bắn ngay lập tức, nhưng tiếng động mỗi lúc một to hơn. Có lẽ đối phương đã không thể tưởng tượng được là quân Hàn Quốc, đội quân thường sử dụng trực thăng để di chuyển trong những cự ly như thế này, lại có thể vượt đầm lầy trong đêm, và gần sáng thì tiếp cận được với điểm cao 100 nằm ngay giữa thung lũng.

Trên cao điểm có một vị trí mà từ đó có thể quan sát được toàn bộ thung lũng. Tôi đã lên đó để quan sát tình hình xung quanh. Tôi đã nhìn thấy những làn khói bếp nấu cơm sáng bay lên khắp nơi, sâu trong thung lũng. Tại đây không hề có một khu dân cư nào nên có thể chắc chắn rằng có một đơn vị khá lớn của quân chính quy VC đang giấu mình trong đó. Tôi đã gọi pháo 155mm và hướng pháo vào những nơi có khói bốc lên đã được tôi đánh dấu trên bản đồ. Tại chỗ chúng tôi cũng pháo kích bằng cối 81mm. Trong giây lát làn khói bếp trong thung lũng đã được thay bằng khói đạn pháo mù mịt.

Nhưng không như mong muốn, “trận quyết chiến cuối cùng” đã không đạt được kết quả mong muốn. Tất nhiên là đối phương sẽ bị thiệt hại trong trận pháo kích đó, nhưng chúng tôi không thể nhìn tận mắt. Đáng ra chúng tôi phải tiêu diệt đối phương bằng cách phục kích trên đường di chuyển chứ không phải bằng pháo kích. Sau khi bị đạn pháo bắn chính xác, có lẽ quân giải phóng đã nhận ra rằng quân Hàn Quốc đã xâm nhập vào thung lũng. Vì vậy họ bắt đầu phái từng người một ra trinh sát ở thung lũng. Nếu bị đối phương phát hiện thì phần bất lợi sẽ thuộc về chúng tôi. Đối phương biết quá rõ về địa hình trong thung lũng và biết cách phải phòng thủ thế nào. Nhưng đối với chúng tôi, thung lũng lại là một địch thủ mới và nếu bị bao vây thì chúng tôi sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có phần thắng.

Đối phương đã phái người ra trinh sát ngay trước mắt các trung đội của tôi, những người đã lập nên trận địa phục kích trong thung lũng. Tình hình lúc này đòi hỏi phải xem xét một cách thận trọng việc có tiếp tục trận đánh nữa hay không. Cuối cùng tôi đã hướng dẫn pháo bắn thêm một lúc nữa và quyết định cho đại đội rút lui. Tôi đã cố gắng để có một trận quyết chiến cuối cùng, nhung thật tiếc kết quả đã là không.

Sự chuẩn bị của quân giải phóng rất tỉ mỉ. Họ đã chuẩn bị quyết chiến tại ngôi làng nằm bên cạnh căn cứ của đại đội và cũng là nơi tôi hay đi lại mà không đem theo súng. Trong ngôi làng này có một cô gái xinh đẹp tên là Hiệp, là con gái một gia đình VC. Thỉnh thoảng tôi có ghé nhà này. Và VC đã lập trận địa phục kích chính tại nơi đó. Họ đã vào đây, chuẩn bị trận địa trong đêm và rút đi trước khi trời sáng sau khi đã ngụy trang trận địa, cứ như vậy liên tục trong một tuần. Kế hoạch của họ dùng khoảng 200 quân lập một trận địa phục kích và sau đó dụ đại đội 11 vào để tiêu diệt. Sau này qua lời kể của binh nhất Pak Chang Soon, tôi có thể tưởng tượng ra trận đánh đó. Trong quyển nhật ký chiến đấu của anh ta đã ghi lại như sau:

“Chúng tôi đã bị lừa vào trận địa phục kích. Anh lính điện đài bị trúng đạn ngay khi vừa định đánh điện về. Viên hạ sĩ quan cũng bị bắn gục. Anh lính điện đài đang nhảy tưng tưng vì đạn bị bắn trúng mặt. Phân đội trưởng phân đội 1 không còn nghĩ gì đến việc bắn súng nữa mà quay sang cầu nguyện cho các đội viên, anh ta cũng bị trúng đạn và chết trong lúc đang cầu nguyện. Còn phân đội trưởng của tôi, người cũng bị bắn giữa mặt thì đang xả đạn loạn xạ lên các cây dừa. Tôi bồng nghe thấy tiếng kêu “nước, nước” và quay lại thì thấy Chang Man đã hấp hối vì bị đạn trúng cổ. Tôi lấy khăn ướt đắp lên mặt cho anh ta và tiếp tục nổ súng. Tôi có cảm giác như mình đang ở trong một bộ phim cao bồi miền Tây.

Sau một lúc thì tôi hết đạn. Trong khoảnh khắc hình ảnh vợ con và quê hương hiện lên trong mắt tôi, và tôi khóc. Thấy lựu đạn ném về phía mình, tôi liền nhỏm dậy và chạy, nhưng ngay lập tức bị ngã vì vấp phải xác của đồng đội. Tôi nghe thấy tiếng chân ngày càng tiến gần về phía mình, tôi gọi thầm tên con gái “Jong Nye ơi” thì một nòng súng hướng về đầu tôi bóp cò. Nhưng thật may mắn là viên đạn đã không trúng đầu mà chỉ xuyên thủng vai bên trái. Vừa hay lúc đó pháo của quân ta bắt đầu bắn đến.

Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đã bị lột hết quần áo. Thay vào đó là tôi bị cát bụi do đạn pháo phủ kín người. Tôi đứng dậy đúng lúc đó đạn pháo lại bay đến. Lợi dụng lúc này tôi chạy thục mạng về phía ngược lại. Sau một hồi tôi thấp thoáng thấy bóng mũ sắt của quân Hàn. Khi tôi mở mắt ra thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Đội trưởng đội an ninh và sĩ quan y tế đến bên tôi và yêu cầu kể lại chi tiết trận đánh. Lời đầu tiên của tôi là: “tất cả đã chết”".

Binh nhất Pak Chang Soon là người duy nhất sống sót hôm đó. Ngay lập tức quân Hàn quốc đã huy động một tiểu đoàn quân đi phục thù, nhưng không gặt hái được kết quả gì. Quân Hàn đã bao vây kín khu vực đó, nhưng chỉ có lực lượng thiết giáp của quân Hàn bị thiệt hại bởi đạn B40 của đối phương mà thôi. Đêm hôm đó 200 quân giải phóng đã lọt qua vòng vây và rút lui nhẹ nhàng về núi Đầu Voi.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 12:05:59 pm »

Ở nơi sự sống và cái chết đan xen nhau, tâm lý của con người rất dễ bị kích động. Việc biết trước được hành động của đối thủ là một năng lực để tồn tại. Nhưng ở trong chiến tranh thì chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Đặc biệt ở người chỉ huy cần thêm một giác quan nữa. Không biết phải gọi cái đó là gì nhỉ? Nhục cảm hay linh cảm? Những “chiến công” mà đại đội tôi lập được phần lớn là nhờ vào linh cảm của tôi.

Có một điều lạ là mỗi khi ở các đại đội khác của tiểu đoàn 1, sư đoàn Mãnh Hổ xảy ra chuyện thì đại đội của tôi lại lập chiến công. Vì thế mà trên sư đoàn hay nghi ngờ chúng tôi báo cáo sai sự thật. Một hôm đại đội tôi báo cáo thành tích lên sư đoàn, ngay lập tức một sĩ quan thanh tra của sư đoàn đáp trực thăng tới với một dáng điệu rất oai vệ. Ông ta đến tìm hiểu sự thật với một thái độ hết sức ngạo mạn.

Tôi đã đón ông thiếu tá đó với một ánh mắt đầy căm thù và tức giận. Đối với tôi, những người trên bộ tư lệnh là những kẻ chỉ biết ngồi trên bàn giấy mà ăn cắp chiến công và kiếm tiền. Xác của VC được để trong một góc của đại đội. Viên thiếu tá tham mưu đó có vẻ hơi rờn rợn. Với vẻ ngượng ngùng ông ta không nói được câu nào, lên máy bay về thẳng sư đoàn.

Nguyên nhân là do tôi đã dự đoán được VC sẽ xuất hiện nơi nào để lập công. Lúc đầu khi nghe tôi ra lệnh mai phục trong khu làng tái định cư, hay trong các ngôi nhà đổ nát, lính của tôi thường tỏ ra không phục. Nhưng khi những suy đoán đó đúng chẳng khác nào lời sấm truyền thì họ bắt đầu tỏ ra tin tưởng vào tôi.

Các đại đội khác không mấy khi bị quân giải phóng pháo kích trực tiếp, nhưng đại đội tôi đã bị pháo kích tới 6 lần. Bộ đội chủ lực thường dùng những quả đạn pháo được vận chuyển từ Hà nội vượt qua hàng ngàn km để bắn vào những mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy hoặc sân bay. Vì vậy việc họ pháo kích vào căn cứ của đại đội chứng tỏ họ rất muốn tiêu diệt đại đội 11 của tôi.

Một số sĩ quan và binh lính nghĩ rằng quần lót của phụ nữ có thể bảo vệ sinh mạng cho bản thân nên mỗi khi ra trận là họ lại nhét vào balô một chiếc quần lót phụ nữ. Những ca sĩ hoặc diễn viên nổi tiếng mối khi sang biểu diễn động viên binh lính thường hay đem theo rất nhiều quần lót để chia cho các binh lính.

Và tôi cũng nhận từ một nữ ca sĩ một chiếc. Nhưng đúng hôm đó, một lính của tôi bị tử trận nên tôi đã đem ngay chiếc quần đó đi đốt. Một chiếc quần phụ nữ làm sao có thể bảo vệ sinh mạng cho con người. Linh cảm của người chỉ huy sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của toàn bộ đơn vị và tất nhiên linh cảm của mỗi cá nhân binh lính sẽ ảnh hưởng tới an toàn của họ. Vì vậy các thuộc hạ của tôi đưa ra rất nhiều yêu cầu.

- Thưa đại đội trưởng, hôm nay em thấy khang khác thế nào ấy. Xin phép cho em nghỉ buổi phục kích hôm nay.

- Hôm nay em có cảm giác chẳng lành tí nào. Hay là ngày mai hãy cho em đi lùng sục.

Rặt một kiểu như vậy.

Một hôm, một lính dân sự tên là Kim I Kon, người luôn đi theo tôi làm nhiệm vụ phiên dịch, đến và xin tôi:

- Thưa đại đội trưởng, đại đội trưởng là người sẽ không bao giờ bị chết đâu. Nhưng em có cảm giác sẽ bị giết trong khi đi theo đại đội trưởng. Xin hãy cho em về nước sớm.

Thấy lời nói của anh ta cũng có lý nên tôi đã cho phép anh ta được về nước sớm. Người đến thay anh ta mỗi khi sắp phải cùng tôi đi đến những nơi nguy hiểm thường nước mắt lưng tròng ôm lấy chân tôi van xin. Và tôi luôn từ chối yêu cầu đó. Một trung uý phụ trách vũ khí tên là Seol Jong Book, khi tôi kết thúc thời hạn về nước đã năn nỉ xin cho được chiếc mũ cao bồi mà tôi thường vẫn đội. Anh ta nói rằngtôi có thể sống sót mà ra khỏi được nơi nguy hiểm là nhờ vào phép lạ trong chiếc mũ đó. Không thể từ chối trước yêu cầu thiết tha của viên trung uý, tôi đã cho lại anh ta chiếc mũ cao bồi đó trước khi về nước.

Những chiến hữu đã cùng vào sinh ra tử với tôi trong chiến tranh Việt Nam đã lập ra "hội Mãnh Hổ" và gặp nhau định kỳ một năm hai lần. Rất nhiều người trong chúng tôi vẫn phải chịu thương tật sau chiến tranh, người thì bị cụt cả hai chân, người bị mất một tay, người bị mất cằm, người phải sống với những mảnh đạn trong cơ thể.

Tất cả đều không trùng họ, trùng tên và mỗi người cũng làm những công việc khác nhau nhưng chúng tôi có cùng một điểm chung là đã gặp nhau ở Việt Nam. Chính điều này đã gắn kết chúng tôi với nhau. Đến đây là nơi chúng tôi vứt bỏ hết những vui buồn của cuộc sống đời thường.

Một lần hội chúng tôi tổ chức đi du lịch đảo Cheju, mang cả vợ đi theo. Tại đó tôi đã được thấy các chiến hữu cũ, người thì đang nhảy với chiếc nạng bên hông, người khác bị cụt tay phải nên đang dùng tay trái nắm lấy micro và hát. Những người vợ bên cạnh thì vừa nhảy vừa hát và vừa giúp đỡ họ. Những người vợ đó đã trở thành người trông nom chăm sóc chồng của mình suốt đời. Tôi đã phải cố nén cảm xúc. Để an ủi tôi, họ đều nói họ không phải bị thương trong thời gian ở Việt Nam.

Mỗi khi chúng tôi gặp nhau là chuyện chiến tranh lại tuôn ra tưởng không bao giờ ngừng. Những cánh rừng rậm rạp, những khoảnh khắc chết người, những chuyện đã nói năm ngoái năm nay lại được kể lại, nhưng dù nghe lại cũng không báo giờ thấy chán. Mỗi khi nhắc đến những câu chuyện có liên quan tới tôi, mọi người lại tranh nhau kể rất hào hứng nhưng riêng tôi lại ngồi im lặng, tôi phải kìm nén nỗi đau sầu thẳm trong lòng. Bởi vì còn đó ký ức đau buồn về chiến tranh, về những tội ác không rửa được, những chiến hữu đến bây giờ vẫn phải sống trong vất vả, những linh hồn không bao giờ quay trở về.

Năm nào chúng tôi cũng họp nhau và đi viếng nghĩa trang. Tại đó bằng lòng thành tâm của mỗi người chúng tôi đều cầu nguyện cho linh hồn của người đã chết. Bởi vì chúng tôi đều là những người đã ôm họ vào lòng và chứng kiến những phút giây cuối cùng của họ.

Hỡi những chiến hữu đã vào sinh ra tử cùng với tôi, hỡi những linh hồn đã chết ở Việt Nam! Xin Chúa hãy cứu vớt linh hồn họ.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM