Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:42:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79820 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #230 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:34:11 am »

Trưa ngày 12 tháng Mười hai, phái viên của chúng tôi ở chỗ Cri-u-tsen-kin trở về. Đồng chí mang theo tin vui: quân đoàn kỵ binh công kích dũng cảm, đã chiếm được Rốt-xô-snôi-e và Sa-ti-lô-vô. Bộ tham mưu quân đoàn lục quân 34 của địch bị diệt tan ở Sa-ti-lô-vô. Theo lời bọn tù binh, tên quân đoàn trưởng đã bỏ mặc binh lính của y, đáp máy bay chuồn thẳng.

Cô-xten-cô vội báo cáo với tổng tư lệnh là trên tuyến đường sắt Ê-lê-txơ – Ô-ri-ôn, bộ đội ta đã chiếm được một đoạn dài hơn mười ki-lô-mét. Nhận được tin này, Ti-mô-sen-cô rất vui: giờ đây, địch không thể chuyên chở được gì từ khu vực Ê-lê-txơ bằng ô-tô hay tàu hỏa. Tổng tư lệnh thông báo cho chúng tôi biết những đơn vị của tướng Mô-xca-len-cô, sau khi đột nhập ở phía Bắc đường sắt, đã tới sông Pô-le-vưi-e Lô-cốt-xư và đang cắt đứt những con đường làng cuối cùng mà địch có thể theo đó trốn thoát lên phía Tây – Bắc. Như vậy, có nghĩa là mọi đường giao thông của cánh quân Ê-lê-txơ đang nằm trong tay chúng tôi.

Bộ đội ta tiến mạnh, hiến chúng tôi lại phải nghĩ tới việc thay đổi sở chỉ huy: các sĩ quan tham mưu ngày càng mất nhiều thì giờ để đi về các binh đoàn. Nhưng chúng tôi không đủ phương tiện kỹ thuật để triển khai tổng trạm thông tin ở địa điểm mới.

Tôi nhờ tướng Bô-đin giúp đỡ chúng tôi, đề nghị cho các chiến sĩ thông tin liên lạc của phương diện quân tới I-dơ-man-cô-vô để bố trí một tổng trạm thông tin mới tại đó.

- Nhưng chiến sự còn đang tiếp diễn ở đây cơ mà?! – Bô-đin ngạc nhiên.

Tôi trả lời là hôm nay ở đó, mọi việc đã xong xuôi. Bô-đin hứa sẽ nghiên cứu và giúp đỡ. Rồi đồng chí hỏi:

- Đồng chí suy nghĩ về việc tổ chức chỉ đạo tác chiến đối với bộ đội tiến công sau này nên như thế nào? Tình hình cho thấy cụm quân cơ động của đồng chí vẫn nên đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tổng tư lệnh. Có lẽ, Cô-xten-cô và đồng chí nên rút ra khỏi nhiệm vụ lãnh đạo các tập đoàn quân 3 và 13. Nếu như thế, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ phương tiện thông tin liên lạc cho các đồng chí. Đồng chí hãy kiểm kê phương tiện thông tin liên lạc hữu tuyến chiến lợi phẩm, phân phối tốt, đừng để các đơn vị sử dụng bừa bãi.

Tôi nói là hiện nay, chúng tôi lo nhất việc chuyên chở xăng dầu và đạn dược cho quân đoàn kỵ binh.

- Tổng tư lệnh đã giao cho tư lệnh tập đoàn quân 3 trách nhiệm cung cấp cho quân đoàn của Cri-u-tsen-kin.

Chúng tôi đã quen điều này: cục hậu cần của Phương diện quân Tây – Nam tự ý ngừng quan tâm đến cụm quân cơ động của chúng tôi. Ban đầu, cục trút nhiệm vụ này cho chủ nhiệm hậu cần của tập đoàn quân 13, mà khó khăn lắm đồng chí ấy mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Rồi bây giờ, trong lúc chiến dịch diễn ra căng thẳng nhất thì việc cung cấp cho cụm quân cơ động là đơn vị chủ công của cuộc tiến công lại được chuyển sang cho cơ quan hậu cần của tập đoàn quân 3. Và thậm chí đến nay, chúng tôi vẫn chưa bắt liên lạc được với cơ quan tham mưu của nó.

Ngày 12 tháng Mười hai, vòng vây những sư đoàn phát-xít càng siết chặt. Và vòng vây càng siết chặt thì bọn Hít-le càng điên cuồng chống cự. Song, bộ đội ta tránh tiến công vỗ mặt, mà khôn khéo cơ động đánh vu hồi và chiếm các ổ đề kháng của địch từ phía sau. Chẳng hạn như, với cách đánh ấy, ta đã chiếm được làng Pô-nô-ma-ri-ốp-ca, án ngữ cửa ngõ tới I-dơ-man-cô-vô. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 331 do đại úy E. A. Mê-khốp, nguyên chủ nhiệm hóa học của trung đoàn chỉ huy, đã công kích vào làng trong hành tiến. Địch bắn trả mãnh liệt, buộc chiến sĩ ta phải nằm xuống. Lúc đó, Mê-khốp điều trung đội của hiếu úy P. X. Bê-kê-tốp vọt lên đánh vu hồi. Các chiến sĩ cận vệ bí mật tiến vào sau lưng địch và xối xả nhả đạn. Bọn phát-xít hoảng sợ, định chạy khỏi làng, nhưng chỗ nào chúng cũng vấp phải hỏa lực. Bộ chỉ huy địch ném hai đại đội ở làng Pô-gia-rô-vô bên cạnh tới chi viện. Nhưng Bê-kê-tốp bố trí súng máy trên điểm cao và đã chặn đứng địch bằng hỏa lực chính xác. Không một tên Hít-le nào chạy thoát khỏi Pô-nô-ma-ri-ốp-ca.

Ngày 13 tháng Mười hai, quân đoàn kỵ binh của Cri-u-tsen-kin và các chiến sĩ cận vệ của Ru-xi-a-nốp hội quân được với tập đoàn quân 13.

Tướng Cô-xten-cô nhìn bản đồ, nói:

- Như vậy là hiện nay, bọn phát-xít không còn một con đường mòn nào để thoát ra khỏi lòng chảo. – Và đồng chí lấy đầu bút chì không vót vạch một chữ thập trên bản đồ: - Bây giờ ta chỉ còn việc chia cắt và tiêu diệt kẻ địch bị bao vây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #231 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:34:38 am »

THẮNG LỢI MỚI ĐANG CHỜ

Tối ngày 13 tháng Mười hai, tướng Cri-u-tsen-ki báo cáo bằng vô tuyến điện là quân Đức bị bao vây tăng sức ép với các sư đoàn kỵ binh và 32. Biết rõ khả năng chiến đấu xuất sắc của những binh đoàn kỵ binh này của Cri-u-tsen-kin, chúng tôi hy vọng anh em sẽ đứng vững, mặc dù biết họ phải chiến đấu với cả một quân đoàn bộ binh địch.

Các chiến sĩ kỵ binh phái như chiếc đe, trong khi sư đoàn cận vệ Ru-xi-a-nốp phải là cái búa liên tục giáng vào bọn phát-xít bị bao vây.

Các chiến sĩ cận vệ lần lượt giải phóng các điểm dân cư ở phía Tây I-dơ-man-cô-vô. Ở làng Xlô-bô-đa, anh em thu được 150 khẩu pháo và rất nhiều vũ khí, khí tài khác.

Bọn phát-xít bị khóa chặt trong vùng tam giác giữa I-dơ-man-cô-vô, Rốt-xô-snôi-e, U-xpen-xcôi-e, đã chống đỡ một cách tuyệt vọng những đợt công kích của các chiến sĩ cận vệ ta từ phía Đông và cố sống chết thoát sang phía Tây.

Trưa ngày 14 tháng Mười hai, thiếu tá P. A. Ma-xi-úc, ở quân đoàn kỵ binh trở về. Đồng chí bị kích động đến cao độ:

- Thưa thiếu tướng, nguy quá! Ở phía Nam Rốt-xô-snôi-e, bọn phát-xít liên tục công kích kỵ binh của ta. Tướng Cri-u-tsen-kin buộc phải rút các sư đoàn của mình về tuyến Véc-khơ-ni-a Li-u-bốp-sa, Dư-bi-nô, Séc-ba-tsi cho thuận lợi hơn. Tình hình kỵ binh xấu đi: xăng hết, đạn dược gần cạn, tiếp cận rất khó khăn, vì các đơn vị địch đang rối loạn lúng túng ở khắp nơi… Chỉ còn có thể tiếp tế bằng đường không.

Tướng Cô-xten-cô im lặng lắng nghe.

- Bằng đường không thì chở được ít lắm, - đồng chí nói và quay sang phía tôi: - Nhưng sắp chết đuối thì vớ lấy cọc vậy. Đồng chí trao đổi với Pha-la-lê-ép báo tôi đề nghị chi viện ngay bằng vận tải đường không lẫn bằng cách tập kích bọn phát-xít đang ép kỵ binh ta. Báo cho Sam-sin gấp rút đưa lữ đoàn cơ giới tới chi viện cho kỵ binh. Chúng ta sẽ gửi cho Cri-u-tsen-kin toàn bộ số súng cối phản lực. Điều sư đoàn kỵ binh 14 tới khu vực lực lượng chủ yếu của quân đoàn. Truyền qua vô tuyến cho Cri-u-tsen-kin là bằng bất kỳ giá nào cũng không được để địch thoát sang phía Tây…

Mười lăm phút sau, tôi tìm được chủ nhiệm không quân Phương diện quân Tây – Nam qua diện thoại. Sau khi kể cho tướng Pha-la-lê-ép biết tình hình nguy ngập của các sư đoàn kỵ binh, tôi chuyển tới đồng chí yêu cầu của Cô-xten-cô là phải yểm hộ kỵ binh bằng tập kích đường không và dùng máy bay vận tải chở đạn cho bộ binh, nếu không, đến sáng, mỗi khẩu pháo của anh em chỉ còn ba viên đạn. Pha-la-lê-ép không trả lời ngay.

- Đợi cho một lát. Bây giờ, mình sẽ tính xem chỗ mình còn những gì và sẽ báo cáo Nguyên soái khả năng của bọn mình. Nhưng ít hy vọng lắm: các nhà khí tượng dự báo thời tiết xấu, vả lại mình có rất ít máy bay vận tải. Còn về tập kích quân địch trên mặt đất thì nhất định mình sẽ tổ chức ngay khi có điều kiện.

Khi Pha-la-lê-ép đến báo cáo với tổng tư lệnh thì tương Bô-đin tới máy điện thoại. Chào hỏi xong, đồng chi báo tin:

- Mười giờ sáng hôm nay, Nguyên soái ra lệnh điều tới Ê-lê-txơ cho các đồng chí năm chục xe tải, sẽ lấy xăng và đạn ở đó. Các đồng chí sẽ dùng số đó chi viện cho quân đoàn kỵ binh. Cần nhanh chóng thanh toán cánh quân địch đã bị bao vây, rồi bắt tay chấp hành mệnh lệnh chiến đấu mới mà hôm nay, chúng tôi sẽ gửi tới các đồng chí.

Tôi hỏi mệnh lệnh chiến đấu mới đó là gì, Bô-đin chỉ trả lời:

- Ngày hôm nay, các đồng chí sẽ biết. Nói chung, đó là mệnh lệnh mở cuộc tiến công mới.

Lát sau, Pha-la-lê-ép lại tới máy. Đồng chí cho biết Nguyên soái ra lệnh dùng toàn bộ máy bay vận tải tiếp đạn cho quân đoàn kỵ binh, và nếu thời tiết cho phép, đồng chí dự định sử dụng ít nhất sáu máy bay LI-2. Các chiến sĩ lái máy bay sẽ cố gắng thả một số hàng nào đó bằng dù. Nhưng thời tiết có cho phép hay không?

Biết kết quả cuộc nói chuyện với Pha-la-lê-ép, Cô-xten-cô xịu mặt:

- Như vậy là kỵ binh của Cri-u-tsen-kin buộc phải dựa chủ yếu vào những thành gươm của mình.

Người kỵ binh dày dạn đau khổ vì không thể chi viện được gì cho các chiến sĩ kỵ binh. Đồng chí cũng không có ai để trút cơn giận dữ: chúng tôi không có chủ nhiệm hậu cần và cũng không có cả các cơ quan hậu cần.

Đến cuối ngày, liên lạc bằng vô tuyến với cơ quan tham mưu quân đoàn kỵ binh đã ổn định, và tin tức từ chỗ Cri-u-tsen-kin bay về ngày một đáng lo ngại. “Địch cố gắng thoát về phía Tây, và đang vòng qua các sườn của quân đoàn”. Một giờ sau: “Các sư đoàn kỵ binh 32 và 14 đã bị chia cắt khỏi bộ tham mưu quân đoàn, còn bộ tham mưu sư đoàn kỵ binh 32 bị tách khỏi các trung đoàn và đang nằm trong vị trí của sư đoàn kỵ binh 3… Bộ tham mưu quân đoàn duy trì liên lạc với sư đoàn 32 của Cô-va-li-ốp bằng vô tuyến, không liên lạc được với sư đoàn 14 của Smui-lô… Mặc dù việc chỉ đạo tác chiến không ổn, các đơn vị kỵ binh vẫn anh dũng ngăn chặn mọi ý đồ thoát vây của địch”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #232 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:35:46 am »

Nhân liên lạc bằng vô tuyến với lữ đoàn bộ binh cơ giới 34 đã ổn định, tướng Cô-xten-cô lệnh cho lữ đoàn trưởng Sam-sin gấp rút tới chi viện cho quân đoàn kỵ binh. Nhưng câu trả lời của lữ đoàn trưởng thật gọn lỏn: “Ô-tô không chạy được vì hết xăng”.

Tám giờ sáng ngày 15 tháng Mười hai, tướng Cri-u-tsen-kn gửi một bức điện mới bằng vô tuyến: “Cán bộ và chiến sĩ của quân đoàn đã mệt nhoài. 20 phần trăm số ngựa bị loại khỏi vòng chiến, đã sáu ngày đêm không có kiều mạch cho chúng ăn”.

Im lặng hồi lâu, Xô-xen-cô đăm chiêu nói:

- Lúc này, ta rất cần những đoàn ô-tô nhỏ để chở đạn, xăng, cỏ khô! Được sự yểm hộ của xe bọc thép và những phân đội bộ binh nhỏ, chúng có thể vượt qua được trên đường, mặc cho bọn Hít-le lùng sục.

- Ai mà biết được, - tôi có ý kiến, - tình hình đúng là như vậy.

- Chỉ đạo tác chiến, - Cô-xten-cô giận dữ nói, - có nghĩa là phải thấy trước và phải lái các sự kiện theo chiều hướng cần thiết.

Một sĩ quan bộ tham mưu Phương diện quân Tây – Nam mang mệnh lệnh chiến đấu mới tới. Cụm quân chúng tôi nằm trong số những đơn vị khác thuộc cánh Bắc của phương diện quân, được trao nhiệm vụ mới. Mệnh lệnh ghi: “Nhằm diệt tan hoàn toàn quân địch và tiến ra đường cái chạy song song với tuyến Tu-la, Ô-ri-ôn, bộ đội các tập đoàn quân 61(1), 3, 13 và cụm quân của Cô-xten-cô bắt đầu từ sáng ngày 18 tháng Mười hai phải chuyển sang tổng tiến công, có nhiệm vụ kết thúc việc diệt tan các quân đoàn bộ binh 13, 35 của địch, và đến cuối ngày 26 tháng Mười hai, các lực lượng chủ yếu phải tiến tới tuyến Pláp-xơ, Tséc-nơ, Nô-vô-xin, Côn-pna, còn cụm quân của Cô-xten-cô – tới khu vực Mơ-txen-xcơ. Nhiệm vụ tiếp theo, tiến tới tuyến Bê-li-ốp, Bôn-khốp, Ô-ri-ôn, Pô-nư-ri”.

Đơn vị đầu tiên mở đầu cuộc tiến công ngày 16 tháng Mười hai là cụm quân của chúng tôi, có nhiệm vụ đột kích chủ yếu ở hướng chung đi Mơ-txen-xcơ.

Căn cứ vào mệnh lệnh này, chúng tôi hiểu Nguyên soái Ti-mô-sen-cô tin chắc là chiến dịch diệt tan cánh quân Ê-lê-txơ của địch sắp kết thúc, và đồng chí nhìn xa hơn về phía Tây. Bằng đợt tiến quân mới của bộ đội cánh Bắc Phương diện quân Tây – Nam, đồng chí muốn chi viện cho cuộc phản công đã triển khai có kết quả của bộ đội Phương diện quân Tây ở gần Mát-xcơ-va. Tóm lại, chưa tiêu diệt xong cánh quân địch bị bao vây, chúng tôi đã phải chuẩn bị một cuộc tiến công mới. Nhưng những đơn vị địch bị bao vây vẫn buộc chúng tôi phải luôn chú ý đến chúng.

Các sư đoàn kỵ binh dũng cảm kiên cường đánh trả những đợt công kích của các đơn vị phát-xít đang cố chạy thoát về phía Tây, vẫn báo cáo về là bị thiếu nhiều đạn và xăng. Số hàng được tiếp tế bằng máy bay (máy bay ta vẫn cất cánh bất chấp thời tiết xấu) đối với họ chỉ là giọt nước trong biển cả. Còn bộ chỉ huy Đức nắm được tình hình khó khăn của kỵ binh ta, đã tung các đơn vị của chúng vào các cuộc công kích mới. Địch dùng đủ mọi mánh khóe hòng thoát vây. Thí dụ, ở phía Nam làng Đa-vư-đô-vô, bộ binh phát-xít lùa một toán phụ nữ và trẻ em đi trước chúng. Chiến sĩ ta buộc phải để cho đoàn người đi qua: những người dân lương thiện có thể bị chết trong khi bắn nhau. Nhưng rồi bọn phát-xít không đi được xa. Các chiến sĩ kỵ binh đã bất ngờ xông lên và thanh toán chúng bằng những đường gươm.

Ráng sức lên dây cót tinh thần của bọn lính đang bị tuyệt vọng, máy bay Đức thả truyền đơn xuống khu vực bị bao vây: “Hãy cầm cự. Viện binh đang tới”.

Nắm được nội dung truyền đơn, tôi giao cho đại tá Ca-min-xki nhiệm vụ kiểm tra bằng trinh sát đường không xem lực lượng nào và chúng từ đâu tới chi viện cho bọn địch bị vây. Nhưng viện binh không đến.

Lúc đó, bọn Hít-le bị lọt vào trong túi quyết định thử một keo cuối cùng. Chúng lại thành lập một cụm xung kích, và tên sư đoàn trưởng bộ binh 134 – tướng Cô-khen-khao-đen – dẫn cụm quân đột phá từ nông trường Rốt-xô-snôi-e trên hướng đi Cri-vét. Các chiến sĩ kỵ binh ta phải tiết kiệm từng viên đạn, không hề dao động và bằng những đợt phán kích mãnh liệt đã đánh tan quân địch. Tướng Cô-khen-khao-đen bị giết. Binh lính địch bị bao vây hoảng loạn. Chúng chạy tới chạy lui từ làng này qua làng khác, như lũ chuột bị mắc trong bẫy.

Mất nốt hy vọng cuối cùng là đột phá có tổ chức để thoát vây, truyền đơn của bộ chỉ huy phát-xít kêu gọi binh lính chúng mặc ai nấy chạy. Nhưng không kịp nữa rồi.

Trong ngày 15 tháng Mười hai, những đơn vị địch bị bao vây đã bị chia cắt thành từng cụm cô lập, rồi bị tiêu diệt gọn.


(1) Tập đoàn quân 61 được chuyển sang Phương diện quân Tây – Nam khi bắt đầu phản công ở gần Mát-xcơ-va.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #233 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:36:16 am »

Sáng ngày 16 tháng Mười hai, sau khi nghe thông báo của các sĩ quan liên lạc và báo cáo tóm tắt của tôi về diễn biến tình hình, Cô-xten-cô quả quyết cuộn tấm bản đồ khu vực bao vây trải trên bàn lại và tuyên bố:

- Có thể coi như đã xóa sổ cánh quân Ê-lê-txơ của địch. Chuẩn bị cho tôi tấm bản đồ mới. Hãy diện cho Ru-xi-a-nốp và Cri-u-tsen-kinh để lại một phần lực lượng để giải quyết nốt các nhóm địch đang lang thang trên đường, còn chủ lực chuyển sang phía Tây. Hướng tiếp tục tiến công – chiểu theo mệnh lệnh gần đây của tổng tư lệnh.

Chiến dịch tiến công ở vùng Ê-lê-txơ đã kết thúc như vậy. Bộ đội tập đoàn quân 13 và cụm quân cơ động của tướng Cô-xten-cô, sau khi tiến tới tuyến Li-u-bốp-sa, Pô-ni-dốp-ca, Đu-tôi-e, Li-vơ-nư, đã chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới, bây giờ là trên hướng Ô-ri-ôn.

Từ khi bắt đầu cuộc tiến công của bộ đội cánh phải Phương diện quân Tây – Nam hiệp đồng với các tập đoàn quân sườn trái của Phương diện quân Tây đến nay mới chỉ 10 ngày, mà tình hình đã biến đổi biết bao! Bọn phát-xít chưa kịp hoàn hồn trước thất bại ở gần Rô-xtốp trên sông Đôn và gần Ti-khơ-vin thì chúng lại phải chịu cảnh chiến bại ở gần Mát-xcơ-va. Trước đòn đột kích ngày càng mạnh của bộ đội xô-viết, bọn Hít-le trên toàn bộ mặt trận rộng lớn từ Ca-li-nin tới Li-vơ-nư đã phải vội vã lui về phía Tây. Tại chỗ tiếp giáp giữa Phương diện quân Tây và Phương diện quân Tây – Nam, một trong những cánh quân mạnh nhất của địch là tập đoan quân xe tăng của Gu-đê-ri-an đã bị đánh tan.

Bằng đòn đột kích mãnh liệt ở gần Ê-lê-txơ, bộ đội cánh phải Phương diện quân Tây – Nam đã giải phóng được tám nghìn ki-lô-mét vuông đất đai xô-viết, hơn 400 điểm dân cư, trong đó có các thanh phố Ê-lê-txơ và Ê-phrê-mốp, thu nhiều chiến lợi phẩm. 12 nghìn tên phát-xít bị chết và bị thương. Tất cả những điều đó buộc bộ chỉ huy tối cao Hít-le phải tung những lực lượng dự bị lớn ra để khôi phục mặt trận đã bị phá vỡ ở phía Tây Ê-phrê-mốp và Ê-lê-txơ, mặc dù địch rất cần chúng cho trận giao chiến ở gần Mát-xcơ-va.

Thượng tướng Han-đe, tổng tham mưu trưởng lục quân Đức, lúc đó đã ghi trong nhật ký của y là tình hình ở khu vực tập đoàn quân 2 Đức đã trở nên nguy ngập, còn “bộ chỉ huy Đức ở đoạn mặt trận giữa Tu-la và Cuốc-xcơ đã bị phá sản”.

Nhưng đó mới chỉ là mở đầu cho cuộc tiến công mùa đông năm 1941-1942 trên hướng chiến lược phía Tây. Trước mắt bộ đội xô-viết là những nhiệm vụ mới phải đánh tan lực lượng chủ yếu của quân đội phát-xít. Vẫn như trước đây, bộ đội cánh phải Phương diện quân Tây – Nam phải hỗ trợ bộ đội Phương diện quân Ca-li-nin và Phương diện quân Tây để giải quyết những nhiệm vụ này.



Tôi đi đến bộ tham mưu quân đoàn kỵ binh 5 để phối hợp kế hoạch cho những hoạt động sau này. Trước mắt là những cảnh tượng khó quên: đường sá ngồn ngang ô-tô, xe ngựa, pháo và xe tăng của Đức bị bỏ lại. Súng trường, súng máy, súng cối, đạn được chất đống khắp nơi. Xác lính địch mặc ca-pốt-xám đã vùi trong tuyết. Mặt mũi chúng còn in rõ vẻ sợ hãi. Trong giờ phút cuối cùng, những tên lính Đức này có hiểu được là bọn đầu sỏ phát-xít đã đẩy chúng đến vực thẳm nào không? Từng đàn quạ quần đảo trên thây ma những tên xâm lược xấu số. Và tôi bỗng nghĩ: chính đó là những gì đang chờ đợi bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm lãnh thổ của chúng ta. Bọn Hít-le đã thấy được điều đó trên đường tháo chạy từ Rô-xtốp tới Ta-gan-rốc, trên những đầm lầy giá lạnh ở vùng Ti-khơ-xin và trên những cánh đồng tuyết phủ ở ngoại vi Mát-xcơ-va – trong chiến dịch lịch sử vĩ đại mà chúng tôi cũng có vinh dự được tham gia.



Chiến thắng ở gần Mát-xcơ-va là sự kiện quân sự - chính trị quyết định trong năm đầu của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Khó mà đánh giá được hết ý nghĩa lớn lao về những hậu quả của nó trong tiến trình chiến tranh tiếp theo. Kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng của Hít-le đã bị chôn vùi tận gốc, cái huyền thoại giả tạo về sức mạnh bất khả chiến thắng của quân đội Hít-le đã bị phá sản. Lần đầu tiên, nhân dân các nước trên thế giới vững tin vào khả năng có thể chặn đứng bọn xâm lược.



Các chiến sĩ Phương diện quân tây – Nam có quyền tự hào được vinh dự trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử vĩ đại ở gần Mát-xcơ-va.

Đón chào năm mới, năm 1942, chúng tôi vững tin một cách dứt khoát là số phận bọn phát-xít Đức xâm lược đã được định đoạt.



Chuyện kể của tôi về những tháng đầu Chiến tranh giữ nước vĩ đại sắp kết thúc. Tôi không có ý tô hồng các sự kiện. Dù đau xót đến thế nào, thì sự thật vẫn quý giá hơn mọi sự lừa dối hấp dẫn nhất.

Gợi lại những hoạt động chiến đấu của bộ đội hướng Tây – Nam, tôi muốn giới thiệu con đường chiến đấu trong những tháng đầu chiến tranh gian khổ biết bao đối với Hồng quân. Quân đội ta không phải bỗng chốc đã nắm vững ngay nghệ thuật chiến đấu: các cán bộ, chỉ huy, nhất là cán bộ cấp cao, cũng không phải trưởng thành ngay trong các hoạt động chỉ đạo tác chiến, mà sau này đã giúp họ thể hiện đầy đủ tính ưu việt không gì chối cãi nổi của trường phái quân sự xô-viết và của nghệ thuật quân sự xô-viết.

Bộ chỉ huy tối cao Liên Xô, dựa vào chủ nghĩa anh hùng của bộ đội, ý chí thống nhất của toàn dân, đã đập tan kế hoạch chiến tranh “chớp nhoáng” của bọn Hít-le trong một loạt những trận đánh phòng ngự và phản đột kích. Buộc bộ chỉ huy phát-xít phải chịu tổn thất về lực lượng dự bị chiến lược, và đồng thời xây dựng lực lượng dự bị chiến lược cho mình ở phía sau, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã dũng cảm chuẩn bị cho việc đánh bại những tập đoàn quân hùng mạnh của bọn xâm lược. Và trong phần cuối của các chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của bộ đội xô-viết, mở đầu cho chiến bại của bọn phát-xít xâm lược, đã được thực hiện có kết quả như thế nào.

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng con đường dẫn đến chiến thắng đầy chông gai, và chỉ có những con người thấm nhuần xuất sắc lòng yêu nước và có mục đích cao quý, mới vượt qua nổi. Ý thức được sâu sắc mục đích chiến đấu cao quý đã giúp quân đội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản, đứng vững trong cuộc chiến tranh không cân sức và cuối cùng đã chiến thắng.

Tôi nói lên sự vĩ đại khắc bạc của những tháng đầu chiến đấu của cuộc chiến tranh được đến mức nào, xin bạn đọc hãy phán xét, nhưng riêng tôi, tôi cố gắng phác họa nên một bức tranh trung thực.

Trước mắt bạn đọc không chỉ là những tướng lĩnh xô-viết xuất sắc, mà còn là hàng trăm anh hùng ít được biết đến của những trận đánh ban đầu. Chặng đường chiến đấu của một số người này bị đứt quãng trong thời kỳ đầu chiến tranh, nhưng phần lớn đã vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt và đã đón mừng chiến thắng vĩ đại chống bọn phát-xít xâm lược.

Tôi đã giới thiệu những anh hùng của chúng ta trong những ngày họ mới xuất trận lần đầu, mới tham dự những lớp học đầu tiên của trường học chiến đấu khắt khe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM