Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:05:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khúc Ba - Rừng thẳm tuyết dày  (Đọc 55049 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 11:01:20 pm »



  Tên sách : Rừng thẳm tuyết dày
  Tác giả : Khúc Ba
  Người dịch : Hải Nguyên & Như Hà
   Nhà Xuất bản Thanh niên 1991 – Tái bản





                        LỜI NHÀ XUẤT BẢN….





      Cách đây hơn ba mươi năm, Nhà xuất bản Thanh Niên đã giới thiệu với bạn đọc Việt Nam bộ Tiểu thuyết "Rừng thẳm tuyết dày" dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc "Lâm hải tuyết nguyên" của tác giả Khúc Ba, do "Tác gia xuất bản xã" xuất bản Tháng Mười năm 1957 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

      Riêng ở Trung Quốc, chưa đầy hai năm sau khi xuất bản lần đầu, bộ tiểu thuyết đã được in lại tới bốn lần với tổng số gần bốn triệu bản. Điều đó chứng tỏ "Rừng thẳm tuyết dày" được đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, hoan nghênh. Lớp bạn đọc chúng ta cách đây ba chục năm cũng đã hào hứng tiếp nhận hai lần xuất bản bằng tiếng Việt bộ tiểu thuyết hấp dẫn này.

     Sống dậy trong bộ tiểu thuyết là cả một giai đoạn gian khổ và quyết liệt của nhân dân và các chiến sĩ Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến đấu tiễu phỉ, thanh toán nốt tàn quân Quốc dân đảng, bảo vệ những thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân Trung Quốc.

      Bộ tiểu thuyết viết theo thể chương hồi luôn luôn gây hấp dẫn va kích thích trí tưởng tượng của người đọc.

      Những pha lên núi tiêu diệt cha con trùm phỉ Hứa Gậy Gộc, vào hang bắt cọp tóm gọn tên lữ trưởng tinh quái Tọa Sơn Điêu cùng lũ Bát Đại kim cương, vạch mặt và phá rã sức mạnh khống chế của tên trùm đặc vụ đột lốt “Định Hà đạo nhân" và truy đuổi trong cả khoảng rừng thẳm tuyết dày mênh mộng để thanh toán lũ tướng tá cao cấp Quốc dân đảng đã bị "phỉ hóa" như chuyên viên Đảng vụ Quốc dân đảng Hầu Diện Khôn, phó tư lệnh Mã Hy sơn, tư lệnh bảo an quân Tạ Văn Đông...

      Đó là những chiến công của các chiến sĩ trinh sát kỳ tài Dưong Tứ Vinh, chiến sĩ chủ công Lưu Huân Thương, chiến sĩ giao liên Tôn Đạt Đắc, cô y tá xinh đẹp và đa cảm Bạch Như có biệt hiệu là “Bồ câu Trắng...", là sức sống tưởng như vĩnh cửu của các ông già miền núi như ông già Nấm, ông già Dùi, là sức mạnh giác ngộ chân lý trong con người hiệp sĩ Khương Thanh Sơn... dưới sự chỉ huy hết sức khôn khéo và tài giỏi của phân đội trưởng thần kỳ Thiếu Kiếm Ba - một chàng trai mới 22 tuổi, nhưng đã hàm chứa trong bản thân mình trí tuệ của nhân dân, lòng dũng cảm của các hiệp sĩ cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng của những con người sẵn sàng xả thân vì lợi ích của nhân dân, vì tương lai của đất nước.

     Thoát thai từ cơ sở hiện thực, miêu tả những sự kiện sinh động toát ra từ trong cuộc đấu tranh khẩn trương và quyết liệt, "Rừng thẳm tuyết dày" thể hiện những nhân vật và những hành động dũng cảm phi thường kỳ diệu mà sức cuốn hút của nó đã làm rạo rực cuộc đời biết bao bạn đọc trẻ tuổi của chúng ta.

       Xin gửi đến lớp bạn đọc của ba thập niên sau khi "Rừng thẳm tuyết dày" ra chào đời bộ tiểu thuyết hấp dẫn này, và hy vọng bạn đọc sẽ tìm được hứng thú và sự đồng cảm trong đó…..



                                      NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN
                                            Hà nội Tháng 2 năm 1991



Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 09:11:39 pm »

                  
                                                             HỒI THỨ NHẤT

                                                                    NỢ MÁU





    
      Một sáng cuối thu, sương mù trắng đất, khí lạnh thấu xương, rét khan ngăn ngắt.

     Kèn hiệu lanh lảnh xé bầu trời yên lặng buổi rạng đông. Trên thao trường, tiếng còi, tiếng khẩu lệnh, tiếng nhịp bước, tiếng hô đâm lê rộn ràng nhưng không rối loạn, quang cảnh thật là hùng tráng.

      Tham mưu trưởng Thiếu Kiếm Ba, quân phục gọn ghẽ, khẩu súng lục óng ánh bên chiếc dây lưng màu da chanh, càng tôn thêm vẻ tuấn tú anh dũng của một viên sĩ quan trẻ mới 22 tuổi. Anh bước nhanh về phía một đơn vị đang tập luyện. Kiếm Ba vừa đặt chân tới một mô đất cao thì đại đội trưởng trực ban cũng vừa dõng dạc hô "nghiêm". Cả thao trường đang sôi sục như biển động sóng cồn, như lửa cháy ngút trời bỗng im phăng phắc. Các chiến sĩ ai nấy đều trang nghiêm đứng tại chỗ.

      Đại đội trưởng trực ban chạy tới trước mô đất, hướng về phía Thiếu Kiếm Ba báo cáo số người và khoa mục, sau đó quay lại ra lệnh:
     - Theo đúng khoa mục cũ, tiếp tục tập!

      Tiếng hô vừa dứt, không khí thao trường càng khẩn trương ồ ạt.

      Kiếm Ba xem xét kỹ lưỡng lối huấn luyện đâm lê của trung đội trưỏng Lưu Huân Thương. Các chiến sĩ thấy có thủ trưởng chú ý tới, ai nấy càng hăm hở tập luyện, khí thế hiên ngang, lưõi lê sáng loáng, động tác dứt khoát, tinh thần phấn chấn. Bốn bề bị lôi cuốn vào quang cảnh oai hùng đó.

      Nửa giờ đã qua, mặt trời vừa nhô một nửa trên ngọn núi phía đông nam. Bỗng viên tham mưu trưởng thông tin liên lạc Trần Kính thở hồng hộc chạy tới phía Kiếm Ba, chào theo kiểu quân sự:   
      - Báo cáo tham mưu trưởng ! Hồi 5 giờ 37 phút, phó tư lệnh Điền gọi dây nói ra lệnh cho trung đoàn ta phải lập tức chọn một tiểu đoàn và một đại đội kỵ binh trang bị gọn gàng, chuẩn bị bôn tập. Tình hình tỉ mỉ sẽ viết giấy đưa xuống ngay. Nhận được mệnh lệnh phải thi hành ngay không được chậm trễ nửa phút. Chúng tôi đang đợi lệnh của đồng chí !

      Kiếm Ba không ngờ có sự thay đổi đột ngột. Anh nghĩ một chút, rồi trả lời Trần Kính:
     - Đồng chí đi báo cáo ngay với trung đoàn trưởng và chính ủy. Tôi sẽ điều động bộ đội tức khắc.

    - Có.

 Trần Kính quay mình chạy ra khỏi thao trường. Kiếm Ba lập tức bảo chiến sĩ giữ hiệu lệnh đang đứng bên
cạnh:
      - Đồng chí ra lệnh cho đại đội kỵ binh cấp tốc tập hợp, đến ngay thao trường, trang bị đầy đủ đợi lệnh xuất phát. Đồng thời ra lệnh cho chính trị viên và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, chính trị viên và đại đội trưởng đại đội kỵ binh đến ngay trung đoàn bộ nhận mệnh lệnh.

      Chiến sĩ giữ hiệu lệnh răm rắp làm theo. Phút chốc tiếng kèn inh ỏi vang lên khắp nơi. Người giữ hiệu lệnh lắng nghe tiếng kèn ở các nơi trả lời, lẩm bẩm đếm ::
      - Đại đội 1... Đại đội 2...Đại đội kỵ binh...

      Tiếng kèn vừa dứt thì người giữ hiệu lệnh quay về phía Kiếm Ba báo cáo:
      - Báo cáo thủ trưởng 203, các đơn vị đã nhận được mệnh lệnh.

     Kiếm Ba đang chau mày, suy nghĩ. Anh muốn biết tình hình ra sao, bèn đi về phía chiếc cầu to, nơi bộ tư lệnh đóng quân. Anh vừa đi vừa nghĩ: "Nửa năm trước đây,mấy vạn quân Quốc dân đảng ở vùng Mẫu Đơn Giang đã bị quét sạch, chỉ còn lại mấy đứa đầu sỏ, tiếng là năm lữ đoàn nhưng thực ra chỉ là bọn tướng không quân, vả lại, hiện nay cũng chả biết chúng ẩn nấp ở xó ma nào nữa. Vùng trung tâm thì đang mở rộng cải cách ruộng đất, nơi thì sắp hoàn thành, nơi thì sắp phát động. Bà con nông dân đang lúc ruộng đất trở về tay, gạo trở về bồ, già trẻ trai gái ai nấy đều vui mừng, đâu đâu cũng vang rộn bài hát:
      Ngàn năm cây sắt nở hoa
       Ngàn năm cành héo lại ra mầm hồng….


      Quang cảnh hậu phương hiện nay đúng là thái bình. Bộ đội thì đang khẩn trương luyện tập để chuẩn bị đánh Tưởng...Kiếm Ba chợt nghĩ tới sự chuyển biến mới, nhưng vì đã quen tác chiến nên anh lại nghĩ ngay tới kẻ thù chưa bị tiêu diệt - ừ mà ngụy quyền Mãn Châu, đại địa chủ, thổ phỉ, tuy binh lính của chúng đã bị đánh tan, nhưng bản thân chúng vẫn còn sống sót, mà bọn chúng còn sống thì nhất định là không chịu bó tay đợi chết. Thế nào chúng cũng vật lộn, quấy phá, tìm hết cách để quật lại".


     "Đúng, đúng thế!" Kiếm Ba càng nghĩ càng thấy đúng. Anh đứng ở đầu cầu, nhìn về ngọn đồi phía đông, lẩm bẩm:
       - Trừ giặc không hết, di họa vô cùng!

      Đỉnh đồi chợt bốc bụi mù, hai người phi ngựa lao tới.

     Cảnh vệ Cao Ba, một chiến sĩ trẻ rất linh lợi, chạy vút tới phía ngựa phi, vẫy tay gọi lớn:
     - Đồng chí liên lạc, dừng ngựa lại. Thủ trưởng 203 đang ở đây.

     Hai người liên lạc ghìm cương quay lại, một người dìu ngựa, một người chạy vội tới phía Kiếm Ba, chào rồi trao thư….
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2017, 07:03:23 am »

   
       Kiếm Ba mở thư, đọc gấp, nét mặt lộ vẻ khẩn cấp, anh quay người đi vội về phía đoàn bộ.

      Trên khoảng tường phía bắc ở trụ sở trung đoàn bộ treo đầy bản đồ quân sự, lúc này tấm màn bảo mật đã được kéo lên, đoàn trưởng Vương, chính ủy Lưu và các cán bộ tiểu đoàn, các cán bộ đại đội kỵ binh, đang phán đoán tình hình và đợi mệnh lệnh.

      Kiếm Ba thoạt bước vào cửa nói vội:
      - Mệnh lệnh đến rồi.

      Mọi người xúm lại quanh anh. Kiếm Ba chuyển mệnh lệnh cho đoàn trưởng Vương. Đoàn trưởng gật đầu bảo:
      - Đồng chí đọc lên xem nào!

      Kiếm Ba mở nhanh thư, mọi người nhìn chằm chằm vào tờ giấy.

      Mệnh lệnh:
      “Bọn đầu sỏ giặc ẩn nấp ở núi sâu, tụ tập khoảng hơn 200 người, mười hai giờ đêm hôm qua (ngày 12) bổ vây thôn Sam Lam, đốt giết càn rỡ. Đội công tác cải cách ruộng đất do đồng chí Cúc, chủ tịch huyện, dẫn đầu đang bị vây. Trung đoàn các đồng chí phái ngay một tiểu đoàn bộ binh với một đại đội kỵ binh gấp rút đi giải nguy. Trước hết dùng kỵ binh triệt đường vào núi của giặc để tiêu diệt kỳ hết”.

     Khi Kiếm Ba đọc tới chỗ đồng chí Cúc, chủ tịch huyện "bị vây", giọng nói bỗng run run, mọi người lo lắng nhìn anh, nhất là chính ủy Lưu lại càng hết sức chú ý.
     - Thưa đồng chí đoàn trưởng: Việc này không thể chậm trễ một phút.

      Tuy Kiếm Ba hết sức trấn tĩnh, nhưng mọi người vẫn thấy anh có vẻ áy náy, bồn chồn.

      Đoàn trưởng Vương ra lệnh:
      - Đúng! Phải xuất phát ngay tức khắc.

      Kiếm Ba rất nóng ruột:
      - Xin cho tôi dẫn đại đội kỵ binh làm nhiệm vụ giải vây và chặn đường về của giặc.

      Đoàn trưởng Vương suy nghĩ một chút, rồi âu yếm nhìn Kiếm Ba:
      - Xưa nay tôi không quyết định như thế bao giờ, nhưng hôm nay...

     Đoàn trưởng đưa mắt nhìn chính ủy Lưu, chính ủy khẽ gật đầu. Đoàn trưởng nói tiếp:
      - Hôm nay thì không có cách nào khác. Thôi đồng chí đi vậy.

     Kiếm Ba hỏi gấp:
      - Tôi có thể đi ngay được chứ ?

      Đoàn trưởng Vương gật đầu. Kiếm Ba vội vã rảo bước ra khỏi cửa.

      Chính ủy Lưu đưa Kiếm Ba ra khỏi cửa và ân cần dặn dò:
      - Đồng chí Kiếm Ba! Đồng chí Cúc là chị ruột đồng chí, nếu đồng chí ấy có mệnh hệ nào thì đồng chí nhớ kỹ là phải hết sức trấn tĩnh mới được.

       Kiếm Ba nằm chặt tay chính ủy:
       - Xin thủ trưởng yên tâm. Thủ trưởng cứ tin tưởng ở tôi...

       Ngoài cửa, Cao Ba đã sửa soạn ngựa chu đáo, đây cũng là thói quen của anh, mỗi khi thấy thủ trưởng có việc cần đi là thế nào anh cũng chuẩn bị mọi thứ hết sức đầy đủ. Anh nay mới 18 tuổi, nhưng đã từng xông pha trăm trận, do đó mọi người gọi anh là "lão chiến sĩ tí hon".

      Kiếm Ba nhảy lên ngựa, phi về phía thao trường tiểu đoàn một, vẫy tay ra hiệu cho đại đội kỵ binh. Đại đội trưởng kỵ binh thấy vậy cấp tốc ra lệnh:
      - Lên ngựa mau!... Tiến lên!

     Tiếng hô vừa dứt, tiếng vó ngựa dồn dập nổi lên, khí thế hùng dũng như thác nước, nhằm thẳng phía núi tây nam phi tới, cát bụi mù trời, hơn hai trăm chiến mã lao mình về thôn Sam Lam.

      Tâm trạng Kiếm Ba cũng cuồn cuộn như vó ngựa phi. Anh nghĩ đến cuộc ác chiến đang đợi chờ trước mắt, nghĩ đến thắng lợi sắp tới. Nhưng rồi anh chợt lo lắng, nghĩ tới ngưòi chị gái đã nuôi mình từ tấm bé: "Hay là có chuyện gì không may xảy ra rồi chăng, không đúng! Chị mình là người rất tháo vát mưu trí, ngay khi còn chống Nhật, đã bao lần chị mình bị nguy với bọn giặc Nhật và Hán gian, có lần cái chết đã treo trước cổ, thế mà chị mình đều tìm cách cùng quần chúng thoát hết mọi nguy hiểm cơ mà".

      "Tình hình địa phương đã ổn định được hơn nửa năm nay rồi, nên chị mình mất cảnh giác đi chăng. Nếu quả như thế, mà bên cạnh chị mình lại không có lực lượng vũ trang gì cả, thi khó mà chống đỡ nổi bọn giặc tập kích bất ngờ ". Nghĩ thế, bất giác anh thấy hoảng sợ vô ngần. Nhưng sau đó anh lại suy nghĩ: "Trong lúc hai bên đánh nhau, không thể mảy may nào trông chờ ở may rủi, mà chỉ có mỗi một cách là đem hết trí tuệ và dũng cảm để chuyển nguy thành thắng".

       Nghĩ tới đó anh thấy sôi sục trong lòng, bèn gấp gáp giục ngựa.
       - Nhanh lên, nhanh lên! Phải nhanh lên lao vào chiến đấu, chỉ có cướp được thời gian mới giành được thắng lợi, mới có thể bảo đảm an toàn cho chị ta, cho các đồng chí bộ đội và cho quần chúng vừa mới vươn mình.

      Chiến mã hí dài, hơn hai trăm kỵ binh ruổi về ngọn núi phía tây thôn Sam Lam, chặn đường rút lui của giặc.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2017, 01:08:37 pm »

     
      Thôn Sam Lam lúc đó đang lửa cháy ngùn ngụt, khói bốc ngút trời. Kiếm Ba đoán là bọn địch sắp rút hoặc đã rút rồi. Không thể trì hoãn được nữa, anh ra lệnh phải cấp tốc tới đó ngay. Hiệu lệnh vừa phát ra, các chiến sĩ ai nấy gò cương khoa lê, vùn vụt lao xuống núi, vượt qua những cánh đồng cỏ úa, phi tới thôn Sam Lam. Phút chốc cả đoàn kỵ binh đã biến mình vào khói lửa.

      Muộn rồi! Quân giặc đã rút khỏi trước đây bốn giờ, thật là toi công.

      Quang cảnh thôn Sam Lam, ghê thảm kinh người, khắp thôn mênh mông bể lửa. Có nơi lửa cháy đã tàn, nhưng có nơi vẫn đang ngùn ngụt, từng đụn rơm mái nhà trở thành những miếng mồi ngon của thần lửa, làm phụt ra những kiếm lửa dài lồng lộn giữa màn khói đen ngút trời. Một vài con chó bị thiêu chưa chết kêu rên khủng khiếp.

     Khắp thôn không có người chữa cháy, cũng không một người nào gào khóc, mọi người đứng trơ như đá, ai nấy nắm chặt tay, mắt ngầu đỏ căm hờn nhìn ngọn lửa đang nuốt dần những mái nhà thân yêu của mình.

     Kiếm Ba nhảy xuống ngựa, vẫy tay ra lệnh:
     - Chữa cháy….

     Hai trăm chiến sĩ vội vã buộc ngựa, lao mình vào chiến đấu với lửa.

      Kiếm Ba xông xáo khói lửa, xem xét tình hình các nơi. Ở giữa thôn, trên một bãi rộng trước cửa nhà họ Hứa, còn vương một thanh đao lớn đẫm máu tươi, quanh thanh dao ngổn ngang từng mảnh thây người.

      Có đoạn là lưng, có đoạn là đùi, có đoạn là bụng, không còn chiếc đầu nào cả.

     Bên cạnh đó lại la liệt hơn hai mươi xác chết, già có trẻ có, đa số là phụ nữ. Xem kỹ thì là những người vật lộn với giặc để cứu người nhà mà bị giặc giết. Trong số đó, có thây một phụ nữ trẻ tuổi, chỉ mặc một chiếc quần, bụng bị phanh, ruột gan vương vãi cách đấy chừng mười bước, đầu tóc rũ rượi, hai tay nắm chặt y như lúc đang chiến đấu vật lộn.

      Cách đấy chừng 30 bước, cạnh giếng có thây một em nhỏ, bị bóp chết. Chắc là em bé này đã bị giặc giằng khỏi tay mẹ, không rõ mẹ em lúc này ra sao?

      Kiếm Ba rảo tới phía trước, quang cảnh càng thê thảm thương tâm.

      Cạnh giếng nước cho ngựa uống, có chín chiếc đầu lâu bị giặc lấy dây thép xuyên qua lỗ tai treo trên cây liễu, máu tươi đang chảy ròng ròng. Chiếc đầu nào cũng mím môi trừng mắt, chứng tỏ họ tới chết vẫn còn căm thù.

      Liền với đám đầu lâu, có treo một tấm ván gỗ viết mấy chữ "Kết quả cuộc đời của bọn khố rách vươn mình".

       Kiếm Ba lạnh như một pho tượng đồng, sục sôi căm giận, anh quay người trở lại chỗ có thanh đao vấy máu.

      Cạnh đám thây người, có một đống than lớn, nửa thây một bà cụ già đã cháy ra than, còn sót từ ngực và chiếc đầu tóc hạc bê bết từng cục máu đen. Hình như bà cụ đã bị giặc quẳng sống vào đống lửa. Nhìn kỹ, cạnh đó lại còn một chiếc đùi của một em bé chừng năm, sáu tuổi mà phần trên cũng đã bị cháy ra tro còn vương tia khói cuối cùng.

      Cạnh đống tro lại có chừng hơn hai mươi chiếc đòn gánh, bết máu bị lửa hơ khô đông lại như vẩy cá. Không biết là bọn giặc đã dùng những cái này để tra tấn độc ác như thế nào.

      Lửa bị dập tắt rồi, toàn thôn chỉ còn là một bãi tro tàn. Ngói gạch vụn nát vung vãi, mùi khói khét ngột ngạt.

     Trong thôn có phụ nữ chết ngất, có người ngây dại đi. Có người phát điên lên. Nhân dân ai nấy mím môi, trừng mắt bừng bừng căm giận.

      Các chiến sĩ nhặt nhạnh hết các tử thi. Họ tự tay làm lấy tất cả, vì không muốn để quần chúng phải nhìn tận mắt những thảm cảnh của bà con xóm làng mình. Họ là con em của nhân dân, cho nên đối với những người bị giết hại họ cũng coi như cha mẹ, chị em ruột thịt của mình. Họ gượng nhẹ khiêng các xác như sợ người đã chết đau đớn. Rồi họ lại cởi chăn quấn chặt chẽ cho các tử thi.

      Các chiến sĩ đứng chung quanh những người bị giặc giết hại, cúi đầu mặc niệm. Hơn hai trăm con ngựa cũng gục cổ buồn rầu.

      Bỗng hơn hai trăm chiến sĩ vung mạnh cánh tay, giọng nói căm phẫn:
      - Đồng bào thân mến! Chúng tôi đến chậm quá, xin đồng bào tha lỗi cho. Chúng tôi thực là thiếu sót lớn. Xin các cụ và đồng bào hãy thư tâm nghỉ ngơi! Khoản nợ máu này chúng tôi thề nhất định sẽ trả bằng được.

      Hai trăm con ngựa chiến cũng hí những tràng dài ảo não.

      Ở phía tây làng, Cao Ba vừa giụi mắt vừa đi. Trước mặt, Kiếm Ba đang nóng lòng sốt ruột vì không tìm thấy chị mình và đội công tác. Chợt Cao Ba và cụ già tới trước mặt. Cao Ba lấy tay chùi mắt, rồi chỉ về phía núi tây:
      - Thưa thủ trưởng 203, đồng chí Cúc và đội công tác đã hy sinh tại...Cao Ba nghẹn ngào không nói tiếp được nữa, mà chỉ lấy tay trỏ mãi về ngọn núi phía tây.

      Kiếm Ba sắc mặt nhợt nhạt, lòng nặng như đeo đá, hỏi một cách tuyệt vọng:
      - Ở chỗ…

      - Ở trên núi phía tây...

      Cao Ba hãy còn là một chú bé, nên chưa có đủ sự khôn khéo của những người đứng tuổi, thành thử mới nói tới đó đã khóc òa lên…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2017, 04:26:31 pm »

     

      Kiếm Ba choáng váng như vừa trải qua cơn bom giội ghê gớm, anh thẫn thờ.

      Ông già người làng vừa dẫn Kiếm Ba đi, vừa rủa: “Đồ quỷ dữ! Quân giết người! Tan nát hết rồi, tan nát hết rồi! Trời ơi là trời!"

     Kiếm Ba bước theo như người mất hồn.

     Trên cây thông to ở đồi núi phía tây lủng lẳng chín cái thây, sáu nam, ba nữ, ai nấy đều bị rạch bụng, gan ruột lòng thòng rơi xuống đất, hai tai bị cát cụt, chỉ còn trơ những vết cứa lưỡi lê nhầy nhụa.

     Ông già dẫn Kiếm Ba lên núi, mặt cúi gằm xuống đất, tay ôm lấy mặt không dám nhìn thẳng vào các đồng chí bị giết, miệng lẩm bẩm:
      - Đội công tác, đồng chí Cúc chủ tịch huyện!

       Kiếm Ba thoạt nhìn, mắt mờ đi, đầu muốn vỡ tung, mê mẩn chực gục xuống đất. Cao Ba vừa ôm lấy anh, vừa khóc vừa gọi:
       - Thủ trưởng? Thủ trưởng 203!

       Kiếm Ba gắng sức mở mắt, bình tĩnh, đang định nhìn xác chị, chợt thấy như văng vẳng giọng nói thân thiết của chính ủy Lưu dặn dò trước lúc ra đi: "Đồng chí Kiếm Ba...vạn nhất có chuyện không may xảy ra, thì nhớ kỹ là phải hết sức bình tĩnh". Anh cắn chặt răng, không khóc. Đau thuơng đã biến thành căm thù. Anh chợt nghĩ: "Phải làm nhiệm vụ cái đã. Anh chị em bộ đội đang đợi mình đấy kia". Anh nhìn lại thi thể chị một lần nữa, rồi vội vã xuống núi, ngồi trên một hòn đá lớn, viết thư báo cáo với đoàn trưởng Vương và chính ủy Lưu:
       "Các đồng chí 201, 202. Bọn giặc đã trốn cách đây bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi đang cho người theo dõi và đợi lệnh ở đây. Xin cấp tốc đợi lệnh mới".

       Lý Hồng Nghĩa nhận thư, phi ngựa đi ngay.

       Trong lúc đợi lệnh mỏi, các chiến sĩ ai nấy đều viết quyết tâm thư xin cho tiêu diệt bọn thổ phỉ đến tận sào huyệt và bắt sống kỳ hết bọn đầu sỏ để trả thù cho nhân dân.

       Kiếm Ba sai bộ đội trinh sát đi dò xét khắp nơi. Nhân dân trong thôn tụ tập xúm xít chung quanh bộ đội, sụt sùi kể lể mọi nỗi niềm thảm thương. Đứng trước những người đang bị đau khổ, nhất là tình cảm đối với người chị ruột thân thiết của mình, Kiếm Ba tuy cố gắng dung lý trí để nén căm phẫn, nhưng vẫn còn hơi choáng váng. Anh thấy như chị mình cũng đang ở bên cạnh, cũng đang đứng lẫn trong quần chúng kể lể nỗi khổ. Kiếm Ba chợt ngẩng đầu nhìn vào đám đông, nhưng nhìn mãi không thấy có ai là chị mình trong số những người căm hờn đau khổ. Anh bàng hoàng như người đang chiêm bao, và anh cũng hy vọng chuyện đó chỉ là cơn ác mộng.

       Trong đám đông có bà cụ già tóc bạc như cước, mặc chiếc áo rách mỏng, mắt ngơ ngác, hai tay vung vẩy, lẩm bẩm như người điên:
       - Con ta chết, chết, dâu ta chết, chết... Trời ơi! Lấy ai mà nuôi thân già này? Lấy ai mà nuôi thân già này... Bà con ơi! Bà con bảo giùm tôi...

      Một người phụ nữ đứng tuổi, nước mắt đầm đìa, đang bồng một đứa trẻ chừng hai tuổi. Một đứa nhỏ nép sát vào cổ mẹ nó, giương đôi mắt thơ ngây sợ sệt ngước nhìn mặt mẹ, nước mắt của người mẹ chan hòa trên khuôn mặt đứa bé đã tím bầm vì rét. Bên cạnh người đàn bà ấy lại còn có ba đứa trẻ đã lớn hơn, chúng đang ôm chặt lấy chân mẹ, chốc chốc lại ngẩng nhìn mẹ, rồi chùi nước mắt, khóc sụt sịt...

      Kiếm Ba quay người lại thấy bên cạnh mình có một cô gái, đôi mắt buồn rầu, đầu tóc rối bù, đứng trơ như tượng gỗ. Trước mặt có đứa bé chừng năm, sáu tuổi đang náu mình trong vạt áo của cô gái. Đứa bé bất chợt òa khóc: "Chị ơi chị, bố mẹ đâu..". Đứa bé nấc lên không nói nốt được nữa. Cô gái vội cúi đầu lau nước mắt cho em trai, nhưng nước mắt của cô cũng rỏ giọt xuống đầu xuống má đứa em.

      Kiếm Ba bất giác nhớ lại ngày mình còn thơ ấu.

      Khi Kiếm Ba lên sáu, bố mẹ mất cả, hai chị em mồ côi không nơi nương tựa. Lúc đó chị mới 18, làm nghề dạy học lần hồi nuôi em.

      Sáng sáng chị dậy sớm nấu cơm, ăn rồi đưa Kiếm Ba tới trường. Ban ngày chị dạy học, chiều đến chị lại đưa Kiếm Ba về và nấu ăn. Suốt ngày chị vất vả, tối đến lại chăm chỉ tắm rửa khâu vá. Chị lại bảo Kiếm Ba học bài, bao nhiêu thương mến của chị dồn vào đứa em trai côi cút.

      Lúc Kiếm Ba ngủ rồi, chị vẫn còn bận rộn chữa bài cho học trò, có lúc mãi đến canh khuya gà gáy. Đôi má hồng của cô gái ấy dần dần biến sắc. Nhiều đêm mệt quá, chị húng hắng ho, rên se sẽ, có bận chị nức nở nhìn đứa em trai đang say giấc.

      Anh còn nhớ rõ một đêm khuya, tiếng ho và rên của chị làm anh giật mình tỉnh giấc, anh mở mắt mơ màng ngắm chị đang ngồi làm việc bên ngọn đèn con, trong lòng thơ nhỏ phút chốc thấy chua xót. Anh khẽ vén chăn nhỏm dậy, rón rén bước tới bên chiếc bàn sách của chị. Cặp mắt nhỏ của anh chăm chăm nhìn gưong mặt gầy yếu mệt mỏi của chị, rồi rưng rưng nước mắt.
     - Chị ơi, đi ngủ đi!

      Chị quay vội đầu lại, mắt hoa lên, hoảng hốt nhìn đứa em trai rân rấn nước mắt, chị mệt mỏi gượng cười, lấy tay vuốt tóc em, dịu dàng nói:
      - Em Ba, ngủ đi em! Chị không mệt đâu.

      - Không! Chị không ngủ, em cũng không ngủ nữa.

      - Ba! Phải nghe lời chỉ bảo chứ, em ngoan đi, ngủ đi nào.

      Trông chị mệt lắm rồi, chị ạ.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2017, 11:19:22 pm »

     
      Kiếm Ba cúi đầu, nước mắt lã chã rơi xuống đất. Mắt chị cũng rưng rưng, chị rút khăn tay, lau nước mắt cho em. Chị cố làm ra vẻ khoan khoái để em yên lòng, chị lấy tay vuốt má Kiếm Ba, rồi mỉm cười quay lại nói với em:
      - Em Ba! Em xem chị có mệt đâu nào. Thôi nghe lời chị ! Mau...

     - Chị.

     Kiếm Ba giơ bàn tay nho nhỏ ấm ấm, lùa vào mái tóc rối của chị.
     - Tóc chị rối, má chị gầy, mắt chị đỏ ngầu! Không khéo chị ốm đến nơi mất, em... em...

     Kiếm Ba nức nở:
     - Rồi em biết làm thế nào?

     Chị áp vội đầu Kiếm Ba vào ngực mình, nước mắt giàn giụa. Chị không muốn cho em trai đau khổ, nên sợ nếu mình khóc thì sẽ làm cho em buồn, rồi ảnh hưởng tới tâm tình của tuổi thơ, do đó chị thuận miệng thổi tắt đèn, bồng em đi ngủ.
     - Ừ được rồi, Ba ạ! Em đừng khóc nữa, chị đi ngủ với em đây.

      Được một lát, Kiếm Ba ngủ say rồi, chị nhè nhẹ kéo chăn đắp cho em trai, lặng lẽ tụt xuống giường, châm đèn, lấy đôi tất rách của em ra, tới chỗ mặt rương định lấy hộp kim chỉ, chị hết sức rón rén chỉ sợ động làm em thức giấc. Nhưng bất đồ chị đụng phải chiếc ghế, Kiếm Ba giật mình tỉnh giấc. Tuy vậy, Kiếm Ba không bò dậy mà chỉ he hé mắt, âu yếm nhìn trộm người chị thân yêu.

      Chị len lén nhìn xem em có dậy không, rồi lấy kim vá chỗ tất rách.

      Kiếm Ba bỗng lại thấy chua xót, nhưng Kiếm Ba biết rằng mình có làm như lần trước thì cũng không bắt chị đi ngủ được nữa ; chú bé suy nghĩ một chút, bỗng sợ hãi kêu to:
       - Chị ơi, chị ơi, em sợ, em sợ lắm.

       Kiếm Ba vừa gọi, vừa tung chăn.

      Chị vội vã đến bên Kiếm Ba, luôn miệng gọi:
     - Ba ! Ba ! Đừng sợ! Đừng sợ! Chị ở với em đây! Chị ở với em đây!

       Kiếm Ba lấy đôi tay nhỏ nắm chặt tay chị kéo vào trong chăn. Chị lo em trai vì sợ hãi quá sinh ốm, nên lúc này mới ủ em vào lòng cùng ngủ.

       Năm Kiếm Ba 13, 14 tuổi, chị chơi rất thân với thầy giáo Lý Diệu Quang. Thầy giáo Quang thường trò chuyện với chị tới canh khuya. Mỗi khi thầy đến đều mang tới cho chị một thứ gì, khi thì sách vở, khi thì bản đồ. Thầy giáo Quang coi chị như em gái, coi Kiếm Ba như em trai, không có chút gì ra dáng ông thày cả. Có điều lúc nào hai người trò chuyện với nhau cũng đều tìm cách lánh Kiếm Ba; vẻ bí mật đó càng gọi tính tò mò của chú. Nhưng cứ mỗi khi thầy giáo đến là chị lại vui vẻ, mặt mày hồng hào, đôi mắt sáng ngời. Kiếm Ba rất thương yêu chị, nay thấy người chị gian khổ của mình vui tươi như vậy thì yên lòng vô hạn, nhưng chú lại không hiểu vì sao mà chị được như thế. Mỗi lần chị vui vẻ là một lần chị thường nói cho Kiếm Ba nghe nhiều chuyện nào là dân tộc Trung Hoa vĩ đại, đế quốc Nhật rất hung ác, lao động sáng tạo ra thế giới, người nghèo vì bị bóc lột mà nghèo, người giàu nhờ bóc lột mà giàu... Nhưng còn việc hai người cứ tìm cách lánh Kiếm Ba để nói chuyện riêng với nhau, thì Kiếm Ba vẫn không sao hiểu được.

      Có một lần đang ban ngày, thầy giáo Quang và chị mặt đẫm mồ hôi, vội vã từ ngoài bước vào. Kiếm Ba đang ngồi học bài, chị vừa vào cửa đã giục vội:
      - Em Ba! Em chịu khó ra ngoài chơi một lát nhé!

      Kiếm Ba cho là thày giáo Quang đang cãi nhau với chị, vì vậy chú gấp sách lại, rồi đi ra ngoài. Thấy chị gài then cửa, Kiếm Ba ngây thơ cho đúng là chị và thầy giáo cãi nhau thực, do đó chú bèn len lén nấp ngoài cửa sổ nghe trộm. Nhưng đứng một lúc lâu cũng không thấy cãi nhau mà lại chỉ nghe thấy nói rất nhỏ và rất nghiêm trang.

     Kiếm Ba chỉ nghe thấy chị nói:
     - Chỉ thị của thượng cấp rất chính xác, vụ gặt chiêm là thời cơ rất tốt để đòi tăng tiền công. Lúa chiêm lúc chín rộ ba ngày không gặt là rụng, đó là lúc uy hiếp được bọn địa chủ, phú nông. Lúc này những người canh điền ở năm không làm cho bọn địa chủ,  phú nông phải cuồng quýt lo sợ. Toàn thôn, có 32 người canh điền ở năm, mỗi ngưòi đòi tăng thêm 5 đấu, tổng cộng là 16 thạch, đó là một món lợi không nhỏ đối với người nghèo.

      Thầy giáo Quang cười :   
      - Thế còn những bần nông muốn làm mùa thì sao?

      - Tất nhiên cả hai cùng đòi, hãy để cho bần nông nâng cao giá công, cứ mỗi ngày không đủ 10 cân: không làm, mà trong số bần nông cũng có ba đồng chí, như thế là có thể tiến hành được rồi.

     - Tiến hành như thế nào ?   

     - Đồng chí lãnh đạo bần nông, tôi lãnh đạo những người canh điền ở năm.

      - Trong số người canh điền ở năm thì ai cầm đầu ?

      - Tất nhiên không thể để cho đồng chí Thanh được, bởi vì đồng chí ấy là đảng viên, nếu cầm đầu thì dễ lộ.   

      - Vậy thì ai?

      - Bác Châu và anh Thuyên, họ là người có uy tín trong đám làm thuê dài hạn, vả lại sau đó cũng còn mười người có thể tin cậy được.

      - Được đấy… - giọng thầy giáo Quang vui vẻ, - Chúng ta sẽ tổ chức cuộc đấu tranh trong vụ gặt chiêm này, đây là dịp áp dụng cách đấu tranh mới của công nhân thành thị vào nông thôn. Biện pháp của đồng chí rất hay, quả xứng đáng là một tuyên truyền viên giỏi.

      - Chà, đồng chí bí thư chi bộ ạ, việc thì chưa đâu ra đâu mà đồng chí đã biểu dương người rồi.

     Hai người cùng cười.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2017, 10:38:42 pm »

   
       Kiếm Ba nghe chuyện, cũng vui nhảy cẫng lên, suýt nữa thì bật tiếng kêu. Nhưng Kiếm Ba nghĩ ngay tới thủ đoạn nguy hại của bọn địa chủ, lại sợ làm cho chị và thầy giáo Quang áy náy, nên chú lặng lẽ lén đi nơi khác. Chú đã bắt đầu hiểu được câu chuyện của hai người, nhưng rất thắc mắc không hiểu những danh từ "đảng viên, đồng chí" mà hai ngưòi nói với nhau là ý nghĩa gì?

      Ba ngày sau quả nhiên cuộc đấu tranh thắng lợi, người canh điền ở năm tăng công 5 đấu, người làm thuê ngắn hạn mỗi ngày được 10 cân.

    Tối hôm đó, chị ở ngoài về, mặt mày hớn hở, se sẽ hát "Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn!...", những đoạn cuối chị hát nhỏ quá, thành ra không nghe thấy rõ, Kiếm Ba mừng rỡ nắm lấy tay chị hỏi:
     - Chị ơi, đảng viên là gì ? Đồng chí là gì ?

     Chị giật mình, nắm lấy Kiếm Ba nghiêm giọng hỏi:
     - Ba, ai dạy em thế? Nói mau! Nói mau!...

     Kiếm Ba bị chị hỏi dồn, hoảng sợ nói vội:
     - Không có ai dạy em đâu. Đấy là em đứng nấp ngoài cửa sổ nghe chị với thầy giáo Quang nói chuyện với nhau đấy chứ...

      Chị thở phào như trút gánh nặng, vuốt má em, âu yếm nhìn em, dặn nho nhỏ:
      -  Từ nay trở đi, em nhớ kỹ chớ nói với ai những điều ấy nhé.

     Kiếm Ba rưng rưng nước mắt, gục đầu vào ngực chị:
     - Chị ơi, chị ơi, em nhớ, em nhớ...

      Chị mỉm cười, hôn nhẹ lên trán Kiếm Ba.

      Năm 15 tuổi, Kiếm Ba được chị và thầy giáo Quang đưa đi tham gia Bát lộ quân. Khi em sắp đi tòng quân, chị lấy một miếng da cừu của mẹ để lại, khâu vào cổ và tay áo cho em, ăn mặc đúng như một chiến sĩ tí hon. Lúc này chị làm đội trưởng tuyên truyền, còn Kiếm Ba thì làm một diễn viên nhỏ tuổi nhất của dội.

      Những lúc diễn vở "Về đội" thì chị đóng vai người mẹ, Kiếm Ba đóng vai con là Đại Bảo. Cả hai chị em đều trở thành những diễn viên xuất sắc rất được các chiến sĩ yêu thích.

     Có lần Kiếm Ba nghịch ngợm làm vỡ chiếc kính cận thị của chị, chị củng vào đầu Kiếm Ba, rồi mắng "Không biết mày đến năm nào mới khôn lớn được. Đồ khỉ ạ".
Từ sau ngày mẹ mất, đây là lần đầu Kiếm Ba bị chị mắng. Kiếm Ba khóc nức nở, chị lại thương em kéo vào lòng vỗ về, rồi cũng khóc theo.

      Năm Kiếm Ba 16, hoàn cảnh địch hậu gay go, cơ quan phải di chuyển, các nam diễn viên của đoàn kịch đều được phái đi làm công tác tuyên truyền ở các đơn vị. Kiếm Ba cũng được điều động đi. Kiếm Ba bịn rịn không muốn xa chị, anh thấy ở đời không có ai thân yêu và cưu mang mình như chị nữa.

     Khi chia tay nhau ở trên một bãi cỏ sau làng, dưới ánh trăng đầu xuân, chị ân cần dặn dò như một bà
mẹ hiền:
     - Đi thôi, bây giờ em đã lớn, phải tự lập lấy thân chứ. Các chiến sĩ cộng sản đều thương yêu lẫn nhau, mà hàng ngũ cách mạng là gia đình ấm cúng nhất. Em phải yêu mến các đồng chí, kính mến thủ trưởng như thương yêu kính mến chị ; các đồng chí và thủ trưởng cũng thương yêu và cưu mang em không khác gì chị đâu.

      Kiếm Ba đi được ít lâu, thì chị kết hôn với thầy giáo Quang, hai năm sau thì chị sinh được một cháu gái. Đứa cháu vừa đầy tháng thì Kiếm Ba ở mặt trận về, thoạt bước vào cửa, anh bồng vội lấy đứa cháu, hôn thơm nó :
     - Chị đặt tên cháu là gì ?

     - Đã đặt là gì đâu, còn đợi cậu về đấy.

     Kiếm Ba ngó anh rể hỏi:
     - Nhưng bố nó có đồng ý không đã chứ?

     Anh rể cười:
     - Vợ chồng tôi đồng ý từ lâu rồi!

      Kiếm Ba nghĩ ngợi, rồi lại lấy tự điển ra tìm chữ, hồi lâu chợt nhảy lên reo:
     - Tên này thì hay lắm! Hay lắm!

     - Tên gì nào?

     - Tiểu Thụy.
     Kiếm Ba thấy anh chị vui vẻ, bèn giảng giải :
     - Chị hồi nhỏ rất thích những lông chim đẹp, chữ Thụy nghĩa là chiếc lông đẹp đấy.

      Khi đến Đông Bắc, Tiểu Thụy đã lớn, mà Kiếm Ba cũng trở thành một sĩ quan trẻ tuổi. Những lúc rỗi đi chơi phố, Kiếm Ba thường lấy tiền lương dành dụm của mình ra mua những mảnh vải hoa vụn. Chủ nhật, anh về chơi nhà chị, ngồi gấp những mảnh vải vụn đó thành các bông hoa màu, giắt đầy vào mái tóc và người Tiểu Thụy.

      Có lần nguòi Tiểu Thụy sặc sỡ như một cây đào nhỏ đang nở đầy hoa, Kiếm Ba vui thích cười bảo: "Tiểu Thụy ạ, hôm nay gọi cháu là Tiểu Đào nhé". Có lúc anh giắt đầy hoa trắng vào người cháu, rồi cao hứng bảo:
     - Tiểu Thụy ạ, hôm nay trông cháu giống như một bông ngọc lan, vậy phải gọi là Tiểu Ngọc Lan.

      Có lần anh xếp toàn hoa màu tím gài cho cháu rồi bảo:
      - Hôm nay thì phải gọi cháu là Tiểu Mai Khôi.

     Cứ tới chủ nhật là Kiếm Ba lại làm dáng cho cháu giống một kiểu hoa mới.

     Đổi mãi, đổi mái đã tới hơn mười thứ tên, có điều những tên này chỉ có cậu gọi Tiểu Thụy mới thưa, còn người khác gọi thế nào Tiểu Thụy cũng kệ.....
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2017, 12:24:19 am »

   
       Có lần chị gọi:
      - Tiểu Mai Khôi!

      Tiểu Thụy dẩu mỏ bảo:
      - Mẹ không được gọi con là Tiểu Mai Khôi.

      - Tại sao?

      - Tại cậu làm dáng cho con, mẹ không làm nên không gọi được.

      Anh rể đứng bên cạnh cười:
      - Đúng đấy con ạ, mẹ con không làm tròn nhiệm vụ nên không có quyền gọi con là Tiểu Mai Khôi.

     Thế là cả nhà cùng cười ầm lên.

     Tiểu Thụy tròn xoe mắt, không hiểu cả nhà cười cái gì, sau đấy nó chạy đến chỗ Kiếm Ba:
     - Cậu ơi, hôm nay tên cháu gọi là gì ?

     Hôm ấy, Kiếm Ba không chuẩn bị, thật khó trả lời. Nhưng anh không muốn làm cháu buồn, nên anh bồng Tiểu Thụy ra ngoài, cho ngồi lên ngựa phi về phía núi. Hôm nay anh định lấy một thứ hoa thực làm dáng cho cháu; nhưng dạo đó cuối thu rồi, ngoài đồng chả chỗ nào có hoa cả, bất đắc dĩ anh phải bẻ cành thông rồi lấy dây buộc chằng lại như chiếc áo tơi khoác vào mình cháu, rồi lên ngựa về nhà. Thoạt về tới cửa, anh chị hỏi:
     - Tiểu Thụy! Hôm nay con tên là gì?

      - Cậu đặt là con Dím!

      Cả nhà lại cười ầm lên.

      Tuy chị đã lấy chồng, có con, nhưng vẫn săn sóc Kiếm Ba như trước. Mỗi khi anh tới nhà chị chơi đùa với cháu chán rồi, là y như chị lại lấy bánh kẹo của Tiểu Thụy ra chia cho Kiếm Ba, làm Kiếm Ba ngượng đỏ mặt nhìn chị:
      - Chị ơi, em lớn bằng ngần này rồi mà con ăn quà của trẻ con à?

     Chị nhìn đứa em trai cao lớn hơn mình nhiều rồi nói :
      - Em lớn rồi à ? Thế mà chị vẫn cứ tưởng em còn bé như ngày nào ấy.

      Đúng thế, mặc dù Kiếm Ba đã cao lớn hơn chị, đã trở nên một sĩ quan anh dũng, nhưng trước con mắt chị, thì anh vẫn là một đứa em nhỏ, vẫn như khi dắt tới trường học, vẫn như hồi còn phải ru ngủ, vẫn chẳng khác gì vai Đại Bảo trong buổi diễn kịch, ngay cả lúc anh ngồi ăn bánh bích-quy, bột bánh rơi lả tả, thì chị cũng thấy Kiếm Ba chả khác gì đứa con gái lên sáu của mình là Tiểu Thụy vậy.

      Mỗi lần Kiếm Ba đến chơi nhà chị là chị lại bảo bỏ áo lót, cởi tất chân đưa cho chị giặt hoặc vá như ngày còn bé. Dù áo quần của chị có phải để cho người khác giặt hộ, nhưng quần áo của Kiếm Ba thì phải do tay chị giặt lấy.

       Không những thế, lần nào chị cũng gội đầu cho Kiếm Ba như ngày nhỏ, vì chị biết tính Kiếm Ba rất lười chải chuốt. Lần nào chị cũng mang nước lại:
      - Đến đây Kiếm Ba! Gội đầu đi em.

      Dáng điệu và giọng nói của chị chả khác gì mười năm về trước :
      - Chị ạ, để về nhà em gội lấy, gớm chị cứ làm như Ià em còn bé lắm ấy.

      Nhưng chị không nghe, cứ kéo Kiếm Ba tới bắt cúi đầu xuống chậu nước, rồi lấy tay chuốt từng sợi tóc. Dưới bàn tay chị, Kiếm Ba lại hoàn toàn thành một đứa bé con.

      Có lần chị gọi Tiểu Thụy lại:
      - Lại đây Tiểu Thụy! Con xem cậu con ở bẩn thế này này.

      Tiểu Thụy chạy đến:
      - Đâu đâu, mẹ cho con xem với! Đúng rồi, cậu ơi, tai cậu đen lắm ! - Rồi nó cũng bắt chước mẹ, lấy bàn tay nhỏ vốc nước kỳ tai cho cậu. - Còn chỗ bẩn này nữa...

     Nó lại rờ rờ vào cổ Kiếm Ba:
     - Ấy lại còn chỗ này nữa... Ấy lại còn chỗ này nữa...

      Kiếm Ba nghĩ tới đó, vẫn thấy như bàn tay chị cùng bàn tay Tiểu Thụy đang vò tóc cho mình, lòng
anh nhói đau như dao cắt:
      - Tiểu Thụy mất người mẹ thân yêu, anh Quang mất người vợ hiền, ta mất người chị kính mến, Đảng mất một người con ưu tú, quần chúng mất một người bạn.

      Kiếm Ba ngẩng đầu nhìn bà con đang đau đớn vì mất người thân yêu như mình, trong lòng lại thấy đau nhói thêm, anh mím chặt môi lại. Kiếm Ba không chịu được nữa, anh lùa vào trong áo như chực nắm lấy chỗ đau, nhưng anh lại nắm phải một vật mềm mềm, ấm ấm ở ngực. Vì anh dùng sức mạnh quá, nên thấy cổ bị kéo giật đau đớn, gây cho anh nhớ lại một chuyện cũ.

      Hồi đó là năm Kiếm Ba 18, sắp tham gia bộ đội chiến đấu. Đối với đứa em trai sắp phải xa mình, chị đã săn sóc chu đáo từng ly từng tí. Chị biết bộ đội chiến đấu thưòng phải bò ở núi, ngủ ngoài trời, nên dễ bị đau bụng, do đó chị lại tháo những mảnh da cừu của mẹ để lại mà ngày xưa mình đã khâu vào cổ và tay áo cho em ra, lấy kim đính liền từng mảnh lại làm thành một cái che bụng cho em. Chiếc dây buộc cái chắn bụng đó cũng là của chị mua cho từ hồi chị còn làm cô giáo trường làng, tiền mua dây, chiếc dây khóa bạc đó là chị đã phải dành dụm mấy năm mới được. Chị định bụng mua chiếc dây này là để khi nào Kiếm Ba cưới vợ thì sẽ mừng cho. Người chị gái trẻ tuổi ấy đã lo tính cả đến chuyện gia đình tương lai cho đứa em còn nhỏ dại.

       Tấm da chắn bụng là do từng mũi kim của chị khâu liền lại. Mỗi mũi kim, mỗi sợi chỉ, mỗi chiếc lông cừu đều còn mang dấu tay của chị, còn chứa đầy lòng chị thương em. Chiếc dây đã thấm bao nhiêu sức lao động của chị, chị phải viết, phải vẽ, phải sửa từng chữ, phải chữa từng câu, nó đã gắn chặt cái tình cảm nồng nàn vô cùng của người chị đối với đứa em trai.

      Lúc này Kiếm Ba chợt thấy toàn thân nóng rực, chiếc dây đeo ở cổ và tấm da chắn bụng đều là trái timmuôn dời đầy nhiệt tình của chị.

      Trong những giọng kể lể nỗi niềm của quần chúng, anh nghe như có cả tiếng Tiểu Thụy:
       - Cậu ơi, hôm nay tên cháu gọi là gì hả cậu? Cậu ơi, cháu với mẹ cháu gội đầu cho cậu nhé... Mẹ cháu ở đâu hở cậu?

      Trong những giọng kể lể nỗi niềm của quần chúng, anh nghe phảng phất có cả tiếng nói của chị, tiếng ho và rên khi chị ngồi làm việc bên ngọn đèn con, tiếng chị giảng bài, có tiếng chị hát ru Kiếm Ba ngủ, có tiếng ngân ca không dứt của chị hồi ở bộ đội, có tiếng gọi dịu dàng: "em Ba, Ba", có cả tiếng trò chuyện yêu đương với chồng nữa... Anh lại thấy tấm da chắn bụng rung động, tiếng rung động ấy cũng chả khác gì khi Kiếm Ba được chị bế nằm gọn trong lòng nghe tiếng trái tim chị đập nhịp. Nhưng tất cả những âm thanh đó đều như nói lên:
      - Em Ba! Đừng khóc! Giết giặc! Báo thù!

      Lúc này đau thương đã biến thành sức mạnh, ngọn lửa căm hờn, ngùn ngụt bốc qua ánh mắt Kiếm Ba.

       Bỗng tiếng ngựa phi làm đứt quãng cuộc đời nhớ lại của anh. Trung đoàn trưởng Vương và chính ủy Lưu đã xuống ngựa ngay trước mặt anh.

      Kiếm Ba hết sức nén nỗi cảm động, đứng thẳng người trước các đồng chí trung đoàn trưởng và chính ủy để báo cáo tình hình. Khi nói tới chỗ chị mình bị giết một cách thê thảm, thì không còn nói ra tiếng  nữa.

      Trung đoàn trưởng Vương và chính ủy Lưu cùng tất cả quần chúng và các chiến sĩ có mặt ở đó đều im lặng, bỏ mũ mặc niệm.

      Trung đoàn trưởng nói:
     - Chúng ta không làm tròn trách nhiệm, thực hổ thẹn vô cùng!

      Chính ủy Lưu nói:
      - Chúng ta rất đau xót trước sự hy sinh của đồng chí Cúc và các đồng chí khác...

      Rồi đồng chí ngẩng đầu, vung cao nắm tay hô lớn:
      - Chúng ta thề phải tiêu diệt kỳ hết bọn thổ phỉ Quốc dân đảng, thề báo thù cho những người đã chết….

      - Báo thù! Báo thù...

     Toàn thể chiến sĩ và bà con đều hô theo chính ủy Lưu, tiếng vang như sấm dậy:
      - Chúng ta phải trả cho xong khoản nợ máu! Chúng ta thề báo cho được mối thù máu này!


      ..........................

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2017, 12:08:56 pm »

                           

                                                             HỒI THỨ HAI

                                   THẰNG “HỨA GẬY GỘC” VÀ CON “YÊU BƯƠM BƯỚM”




      Binh đoàn dũng mãnh nhằm núi Ông Già thẳng tiến.

      Bộ đội như con dao gọt đầu, phải gọt sạch núi Ông Già để diệt hết lũ phỉ. Các chiến sĩ giận chưa bắt được bọn đầu sỏ để băm xé, để đập tan xương bọn chúng.

      Mỗi chiến sĩ còn văng vẳng bên tai những lời uất giận của quần chúng, những tiếng khóc nấc của phụ nữ, của trẻ em. Hận thù như dao khắc trong tim gan. Lòng người chiến sĩ rạo rực căm hờn như nước sôi lủa bỏng.

      Hôm qua, vừa mới đêm hôm qua thôi, mọi người trong thôn Sam Lam còn đang ngủ say, đầy hạnh phúc, chủ tịch Cúc và các đồng chí trong đội công tác còn đang vui mừng trước thắng lợi của quần chúng đã vươn mình, và giúp đỡ quần chúng đặt kế hoạch sản xuất. Đêm khuya rồi, các đồng chí cũng vừa mới đi ngủ.

     Thôn Sam Lam nằm yên trong đêm trường. Trời không có mây, muôn ánh sao lấp lánh. Chung quanh là đồng ruộng và rừng sâu lặng ngắt. Bỗng nhiên từ trên đồi phía tây nam, lóe lên một quả pháo sáng tín hiệu. Tiếp theo những tàn pháo sáng rơi xuống là những tiếng hò hét điên cuồng, những tiếng đập cửa thình thình nổi lên từ bốn phía. Những tiếng đánh xé xen lẫn với những tiếng khóc rống của phụ nữ trẻ em.

      Phút chốc, từ nơi để ngựa xe của nhà họ Hứa bùng lên một khối lửa ngất trời, cả thôn Sam Lam thành rối loạn.

     Bọn phỉ, từ các nơi các ngả, giải những cán bộ của đội công tác và cán bộ thôn về phía lửa sáng. Dưới ánh lửa sáng rực, lộ ra mặt mũi hung ác của bọn phỉ.

      Thằng Hứa Gậy Gộc, đứng bên đống lửa, trừng hai mắt như mắt ngựa, hai tay nắm để ngang lưng, râu ria xồm xoàm. Cái thân béo phị của hắn đứng dưới ánh lửa bập bùng giống hệt như một tên hung thần. Nó nghiến răng lại, quay về phía các đồng chí đội công tác và cán bộ thôn, cười nham hiểm:
      - Đảng cộng sản ! Đồ khố rách áo ôm!...

      Chủ tịch Cúc đứng trên hàng đầu quát lên:
      - Hứa Gậy Gộc! Mày là thằng Hán gian, mày là thằng ác bá giết người, mày là con dã thú...

      Không để chị chửi nốt, một tên phỉ lấy cái khăn tay tọng vào mồm chị.

      Hứa Gậy Gộc cười hì hì, tiến lên một bước:
     - Đảng cộng sản ! Thử xem mồm mày cứng hay con dao của lão Hứa này cứng?   

      - Ai sợ dao của mày, sợ dao đã chả làm cách mạng.

      Anh em cán bộ đều trừng mắt lên, nhìn thẳng vào mặt bọn quỉ sống.
      - Chúng mày giỏi !   

      Hứa Gậy Gộc vênh vang cười nhạt:   
      - Chúng mày chia ruộng của tao, cướp nhà của tao. Chúng mày đuổi tao vào rừng sâu gió rét, mẹ chúng mày, tao cho chúng mày xuống hố mà uống nước rác....

      - Mẹ chúng nó, cho chúng nó xuống địa ngục! Hừ! Bọn khố rách áo ôm kia! Thử xem ai đấu ai nào?

       Một con mụ yêu tinh đằng sau thằng Hứa Gậy Gộc bước ra. Mặt ả giống như một cái bắp ngô vừa dài, vừa gầy, vừa vàng, mồm thì đầy những răng vàng, đít đi thì vẹo vọ. Ai cũng biết đó là con mụ Yêu Bươm Bướm.   

      Cặp vợ chồng quỷ sứ giết người này chính là những tên nợ máu của suốt một dải Mẫu Đơn Giang. Mấy chục năm trước đây, ngay nghe đến tên chúng nó, người ta đã sợ rồi.

      Con Yêu Bươm Bướm là con gái tên đại địa chủ Ba Khương "lợn ỷ" ở Trấn Tiên Động. Địa chủ Khương có hơn hai nghìn mẫu ruộng, nhà cao cửa rộng, trâu ngựa hàng đàn, vú già, gái hầu nhiều vô kể. Hắn lại có riêng hơn một trăm tráng đinh chuyên mang súng dỡ nhà. Ba Khương "lợn ỷ" làm mưa làm gió một đời, nhưng có một điều hắn lấy làm đau lòng rơi lệ. Hắn trước sau đã lấy bảy vợ, song vẫn không có con. Muốn có con, hắn đã không biết bao lần lên miếu cúng thần, vào y viện xin thuốc, tìm thầy bói để bói. Hắn đã tìm mọi cách, song vẫn vô hiệu quả. Người ta thường chửi sau lưng hắn: "Đồ thất đức, đồ tuyệt tự!”..

       Vào khoảng năm 53 tuổi, hắn lấy vợ thứ năm. Con mẹ này là một gái đĩ hạng nhất ở thị xã Mẫu Đơn Giang, tên là Hải Thường Hồng. Ba Khương "lợn ỷ" mua về được bảy tháng, thì ả đẻ được một đứa con gái còm róm. Người ta thường bàn tán sau lưng hắn rằng: "Chả biết là giống nhà ai?"

      Dù sao, về hình thức cũng là "con dòng cháu giống" nhà họ Khương, nên được một trăm ngày, hắn cũng mời hơn 60 mâm khách làm lễ "bách nhật" cho con. Nhưng vì đứa trẻ chỉ là con gái, nên Ba Khương "lợn ỷ" vẫn chưa thỏa. Bởi thế năm 58 tuổi hắn lại lấy luôn hai vợ nữa. Kết quả vẫn không con.

      Khi đứa con gái quý hóa đó được 7,8 tuổi, không những nó đánh đập các hầu gái, vú già trong nhà, mà còn lấy phất trần đánh cả các mẹ nó, chỉ trừ mẹ đẻ ra nó là Hải Thường Hồng.

      Bố nó hút thuốc phiện, ngày nào nó cũng năm bên hút vài điếu. Mới 13 tuổi đầu đã thành gái nghiện.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2017, 01:26:00 pm »

       
       Nếu bàn đến tướng mạo con mẹ này thì thật là đáng ghê tởm. Mặt thì dài quá khổ: chiều rộng và chiều cao không tương xứng, đúng như một cái bắp ngô chắp vào cổ vậy. Để che cái khó coi đó, nó chải   mớ tóc trước trán thật dài che gần đến lông mày. Nhưng cú vẫn hoàn cú. Lại còn những mụn tàn hương phủ đầy trên làn da mặt khô vàng, thật là đen vàng quá phân minh. Để cứu chữa, nó trát phấn thật nhiều, nhiều đến nỗi, mỗi lúc nó chớp mắt là phấn rụng xuống lả tả. Răng nó, vì hút thuốc phiện, nên  vàng khè. Đã thế nó càng làm cho vàng hơn bằng cách đem bọc vàng tất. Mỗi khi nhe răng ra cười là chói ngời thiên hạ.

      Vì tướng mạo cô "khuê nữ" như thế, nên trong nhà họ Khương có hai chữ phải kiêng: một là kiêng chữ "dài", hai là kiêng chữ "dày". "Dài" thì phải nói "không ngắn", "dày" thì phải nói là "không mỏng".

      Nhưng tại sao nó còn mang cái tên yêu ma nữa là con "Yêu Bươm Bướm"? Điều đó cũng có nguyên do chính vì Khương Tam Tiểu Tử vốn không có con trai, chỉ có một có "khuê nữ" qúy hóa ấy, nên hắn muốn chọn một người rể để phụng dưỡng tuổi già và thừa hưởng gia tài của hắn. Được tin, khắp nơi xa gần, từ cậu ấm nhà quan đến con cái nhà địa chủ đều nô nức tìm đến. Cố nhiên, những chàng công tử này thực ra chẳng phải lấy người, mà chỉ là muốn lấy của. Nhiều người dạm hỏi như thế càng làm cho cô ả bỗng nhiên cao giá thêm. Nỗi phiền muộn không con của Khương Tam Tiểu Tử cũng tiêu tan dần. Hắn kén người này, chọn người kia, cố tìm một chàng rể quý. Cô ả cũng suy hơn, tính thiệt tìm lấy một người tình nhân vừa lòng. Vì thế, ả vừa ý anh này được ba hôm, anh kia được dăm hôm, rồi lại thay đổi ý kiến ngay. Mặt mũi thì xấu như quỷ, nhưng ai đến hỏi cô ả cũng khen "đẹp như tiên"!

      Rõ thật là:
      ''Ông say chẳng phải vì men.
       Ông yêu chỉ bởi cô em lắm tiền".

      Trước tình hình đó, Khương "lợn ỷ""cô tiểu thư" lại càng đắc chí. Khương "lợn ỷ" suốt ngày nằm dài trên sập, tay nâng dọc tẩu, lòng đầy vui sướng, dề mồm ra, ngâm dằn từng chữ:
      "Một đóa hoa tươi,
       Bướm ong bay lại bời bời
       Con gái ta sắc đẹp tuyệt vời!
       Đúng thực con Yêu Bươm Bướm"!


       Từ đó tên "Yêu Bươm Bướm" được truyền đi, một thành mười, mười thành trăm, xa gần bốn phương đều biết.

       Người nào nghe nhắc tới cái tên đó cũng đều phì mũi, bĩu môi và bật cười. Có người đã đặt câu thơ chửi sau lưng nó rằng:
       "Cô như hòn cứt bên sông.
        Chung quanh một lũ bọ hung tranh giành".


        Khương "lợn ỷ" kén rể. Yêu Bươm Bướm chọn chồng, kén chọn mãi mười năm rồi chưa được. Yêu Bươm Bướm đã 29 tuổi. Thanh niên công tử thì không ai muốn lấy nó nữa rồi. Đó cũng là cái may cho Hứa Gậy Gộc. Hứa là nguòi thôn Sam Lam, mình cao sáu thước, lưng to vai rộng, lông đen đầy người, đầu trọc lốc, lông mày sâu róm, râu rậm, môi dày. Họ Hứa nhà nó không biết đã mấy đời làm ác bá ở thôn Sam Lam này rồi! Nhà nó nuôi rất nhiều bọn lâu la chó săn, không những cướp tiền mà còn cướp người. Người bị bắt về thôn Sam Lam hoang vu này biến thành nô lệ cho nhà họ Hứa. Họ phải đi phát rẫy khai hoang ở vùng đất đen trong rừng Sam Lam. Từ mấy đời nay, những người ấy đã khai phá hàng ngàn mẫu ruộng cho nhà họ Hứa. Cho đến nay, nhân dân còn lưu truyền một bài ca "oán hận muôn đời".

      Thằng Hứa giống Diêm Vương
       Nuôi một bầy quỷ sứ
       Tay cầm bùa "cầu hồn"
       Bắt người về giam giữ!
       Bé bắt đi chăn dê
       Già cho hổ ăn thịt.
       Thanh niên còn mạnh khỏe
       Bắt làm trâu kéo cày.


       Lại nói chuyện về Hứa Gậy Gộc. Sau sự biến 18-9-1931(Năm Dân quốc thứ 20), giặc Nhật chiếm Đông Bắc, sửa lại trạm phát điện hồ Kính Bạc. Chúng bèn gọi tên Diêm Vương, vốn quen nghề cai quản nô lệ ấy ra giúp chúng coi phu, Hứa Gậy Gộc liền đem theo cả bầy lâu la chó săn của nó, giao cho mỗi đứa một cái gậy thật lớn để tha hồ đánh đập nhân dân bị bắt đến làm phu.

      Sáng nào cũng vậy, chúng tập hợp phu lại và học theo chủ nó là Nhật Bản, đánh cho mỗi ngưòi ba gậy! Mọi người gọi bọn chúng là bọn "Gậy Gộc" con.

       Mùa đông năm ấy nhân dân làm phu, quần áo bị rách nát, bị bắt lên làm trên núi Trường Bạch. Bị đói rét và đánh đập cực khổ, mọi ngưòi không chịu nổi, nên một buổi sáng đã vùng dậy đánh chết mấy tên chó săn, rồi chạy xuống núi. Không may, họ bị quân Nhật canh gác bắt được và giao lại cho Hứa Gậy Gộc. Con quỷ này, nhờ một đơn vị quân Nhật giúp đỡ, đem chôn sống 70 người. Có một số người ốm đau vì đói rét, Hứa Gậy Gộc cho lựu đạn ra phá một mảnh băng ở giữa hồ,rồi đem dìm họ xuống đó. Bọn lâu la đắc ý reo cười:
       - Mẹ ôi! Những vật vất đi này còn có tác dụng nuôi cá! Sang năm cá trong hồ béo phải biết. Hừ! Đợi mà ăn cá béo chúng mày ơi!

     Từ đó về sau, Hứa Gậy Gộc nghĩ ra một kế đề phòng phu chạy trốn. Buổi sáng, trước giờ làm việc, nó bắt lột hết quần áo của phu để vào một chỗ, rồi cho chó béc-giê đứng canh. Sau đó, chúng bắt anh em phu trần truồng đi làm. Nó lấy làm đắc ý về hành động tàn bạo ấy.
      - Nào xem chúng mày không quần, không áo có chạy nữa không.

............................

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM