Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:46:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 98687 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #130 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 10:14:58 am »

      
       Bắn nhau rất ác liệt, từ cả hai bên. Busse đi từ chỗ này sang chỗ khác, hét vào mặt đám lính, “Đứng dậy! Đi tiếp đi! Còn mấy dặm nữa thôi! Tướng Wenck đang chờ ta!”

       Busse đã mệt tới mức không biết giờ là mấy giờ ngày nào tháng nào. Tập đoàn quân 9 đã hành quân tới chỗ Wenck suốt mấy tuần nay. Bọn họ gần như cạn sạch đạn, và cũng chẳng còn pháo nữa, chỉ có mấy khẩu súng cối. Có vài khẩu súng máy nhưng chẳng có đạn mà bắn. Busse nhìn đâu cũng thấy quân lính gục xuống, không đi nổi nữa. Ông và các sĩ quan cố hết sức mới bắt họ đi tiếp được. Cái khó là hàng nghìn  người chạy nạn đã nhập hội với họ. Lương thực bị thiếu. Thậm chí còn không đủ cho lính nữa là.

        Wenck chỉ cách đó vài dặm là cùng, nhưng quân Nga đánh trả rất dữ dội. Busse cho gọi chiếc tăng cuối cùng còn lại tới. Ông giữ nó lại chỉ    chờ lúc này.

        Ông bảo :

       - Trung tướng Wolf Hagemann dẫn đầu.

       Hagemann nhảy lên và bảo cậu lái xe nổ máy. Chiếc xe tăng lao tới trước. Bọn họ lăn bánh qua một con hào và mấy chỗ đất gồ ghề. Chợt Hagemann thấy quân Nga xuất hiện trước mặt. Ông nhìn quanh, tìm thứ gì bắn được. Súng máy không còn đạn, ông chụp lấy một khẩu shotgun và bắt đầu nã đạn vào đám lính Nga đang chạy trốn.

        Rồi ông nghe tiếng súng nổ từ phía bên kia - từ sau lưng bọn Nga. Là người của Wenck. Cuộc hợp quân xảy ra đột ngột tới mức không ai nhớ nổi nó đã kết thúc thế nào. Những con người kiệt sức ngã vào vòng tay nhau. Wenck và Busse đã hợp lại.

       Wenck kể, “Tập đoàn quân 9 mệt mỏi, kiệt quệ và tơi tả đến khó tin.” Ông đứng quan sát, và thấy một người bước ra khỏi hàng ngũ tới chỗ ông. Người đó mặt phờ phạc, lấm lem bụi đất, râu chưa cạo. Mãi khi ông ta tới gần Wenck mới nhận ra đó là tướng Theodor Busse. Bọn họ bắt tay nhau mà chẳng nói nên lời, rồi Wenck thốt lên, “Ơn Chúa, anh đây rồi.”

         Ngày 7/5, hai tập đoàn quân quay trở lại sông Elbe và hơn 100.000 người vượt qua bờ Tây và bị quân Mỹ bắt giữ. Quân số ban đầu 200.000 người của Busse giờ chỉ còn được 40.000 người sống sót.

        Thông điệp cuối cùng của Trans-Ocean, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Đức viết bằng tiếng pháp. Nó viết, “Sauve qui peut ” - Hãy để họ tự cứu mình nếu được. Người Berlin làm đúng như thế. Xe tăng, quân lính, xe nôi em bé, xe máy, xe ngựa, xe kéo, súng tự động, người cưỡi ngựa và hàng nghìn người đi bộ cùng ùa ra khỏi Berlin qua những cây cầu dẫn tới Spandau. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hàng giờ liền.

      Thỏa thuận đầu hàng có thể đã được ký kết nhưng vẫn chưa ngừng bắn, và người dân chạy nạn không muốn gì hơn là chạy trốn. Thỉnh thoảng hàng ngũ chạy trốn lại bị nã pháo: rõ ràng pháo binh Nga ở phía nam và phía bắc chưa nhận được lệnh ngừng bắn .

      Brigitte Weber rời Berlin trên chiếc xe hơi của cha chồng cô, có tài xế lái; cô mặc áo khoát lông kín mít, một giỏ đựng mấy món đồ bạc đặt dưới chân. Chiếc xe bị kẹt giữa hàng người đi tới Spandau, mất mười tiếng rưỡi mới đi được mấy dặm. Cuối cùng cô phải bỏ xe lại
và chậm chạp lê bước về phía Tây như hàng nghìn  người khác.

       Aribert Schulz 16 tuổi rất ngạc nhiên khi gặp lại viên sĩ quan hành quyết của SS. Schulz đang nằm cạnh người đàn ông tóc đỏ trong một hầm sơ cứu: gã xạ thủ cao kều của SS bị trúng đạn vào bụng; gã la hét suốt 16 tiếng liền rồi chết.

       Giữa lúc đám đông khổng lồ chen lấn trên những ngả đường dẫn tới mấy cây cầu, pháo vẫn bắn liên hồi về phía họ. Hildegard Panzer đi cùng Đại úy Kurt Ache, anh giúp cô chăm hai đứa con, Wolfgang chín tuổi và Helga 5 tuổi - cô bị lạc mất hai đứa nhỏ trong lúc chen lấn. Cô không bao giờ còn được gặp lại chúng. Tổng cộng, ước chừng 20.000 người đã chết và bị thương trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó.

        Và rồi cuối cùng thì pháo cũng ngừng bắn, người chạy nạn bỏ lại tiếng súng sau lưng. Bọn họ đi xa hơn một chút cho chắc, rồi ngồi phịch xuống đất. Đàn ông phụ nữ và trẻ nhỏ ngủ ngay tại chỗ - trên những cánh đồng, dưới mương, trong những căn nhà trống, trong những chiếc xe bỏ không, bên vệ đường và ngay dưới lòng đường. Bọn họ đã được an toàn. Trận chiến cuối cùng giờ đã kết thúc.

       Heinrich Schwarz đi giữa sở thú tan hoang, vừa đi vừa gọi “Abu! Abu!” Ông nghĩ, chẳng còn gì hết. Sở thú sẽ không bao giờ trở lại như xưa được nữa. Khắp nơi la liệt xác thú và gạch vụn. Ông đi về phía ao nước. Ông gọi, “Abu! Abu!”

     Có tiếng động vang lên. Bên rìa cái ao khô queo, con cò mỏ giày Abu quý hiếm đang đứng bằng một chân và liếc nhìn Schwarz. Ông bước qua cái ao tới chỗ con chim. Schwarz nói, “Tất cả đã qua rồi, Abu. Qua hết rồi.” Rồi ông ôm nó đi.

       Ngày 4/5, Ilse Antz chầm chậm bước ra khỏi căn hầm nằm ở quận Wilmersdorf , đây là lần đầu tiên vào ban ngày kể từ ngày 24/4. Đường phố yên tĩnh đến lạ lùng. “Ban đầu, chưa quen với ánh sáng nên tôi thấy trước mắt toàn mấy vòng tròn mầu đen. Rồi tôi nhìn quanh. Mặt trời tỏa nắng rạng rỡ, mùa xuân đã đến. Cây cối đang trổ hoa; và bầu không khí mới êm dịu làm sao. Ngay giữa thành phố hoang tàn và đang hấp hối này, thiên nhiên vẫn hồi sinh. Trước lúc đó, tôi chẳng cảm thấy gì; mọi cảm xúc của tôi như đã chết. Nhưng khi tôi nhìn qua công viên, thấy mùa xuân đang hiện hữu, tôi không thể kiềm chế được nữa. Lần đầu tiên kể từ khi mọi thứ bắt đầu, tôi òa khóc........"


                                              …………………………………..  

             HẾT -CẢM ƠN ĐỘC GIẢ THỤC QUYÊN ĐÃ DỊCH XUẤT SẮC TÁC PHẨM NÀY
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Năm, 2017, 07:28:20 pm gửi bởi huytop » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM