Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:13:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điệp báo A10  (Đọc 18663 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #40 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:26:01 am »

Mấy ngày sau, trên trang nhất của rất nhiều tờ báo trong nước, nước ngoài đăng bức ảnh tay trung sĩ đứng trước Hạ viện lên tiếng kêu gọi Thiệu từ chức để hòa bình hiện diện ở Việt Nam.

Cũng trong chuyến về Sài Gòn này, anh nhận được tín hiệu liên lạc của Cụm. Như người bệnh nằm liệt giường chiếu nhiều ngày được hồi sinh, anh mừng rỡ đi tìm hòm thư mật nhận chỉ thị. Chỉ thị yêu cầu anh đưa Bá Thành vào mật cứ thuộc vùng giải phóng ở Trảng Bàng.

Năm Quang bảo Bá Thành:

- Ê! Sắp qua trạm kiểm soát kìa mày, lấy cái nón sắt tao để phía sau đội lên đi.

Bá Thành im lặng làm theo.

Kể từ đầu năm nay, lo sợ thuộc hạ đảo chính mình, lo sợ quân giải phóng tấn công, Thiệu cho lập một hàng rào quân sự bao bọc kín Sài Gòn. Tất cả những con đường lớn nhỏ, kể cả đường mòn trên đồng từ ngoại ô vào Sài Gòn đều được đặt trạm gác liên hợp được trang bị máy kiểm tra giấy tờ giả.
Chiếc xe Jeep vẫn giữ nguyên tốc độ, khi chỉ còn cách thanh chắn khoảng 20 mét, Năm Quang mới chịu siết thắng. Bốn bánh xe Jeep chị bắt đừng cày miết dưới mặt đường nhựa tạo thành một thứ âm thanh chói tai, buốt óc. Từ trong trạm, một thiếu úy quân cảnh xách súng chạy ra, vừa liếc thấy ve áo của Năm Quang vội nghiêm chào:

- Tôi, Trần Nguyên Vũ, thiếu úy quân cảnh thuộc đơn vị Biệt khu Thủ đô, yêu cầu đại úy xuất trình giấy tờ.

Thấy cái kiểu quân cách của gã thiếu úy, Bá Thành hơi ái ngại cho tình thế. Năm Quang đã quá quen thuộc với món này, hất hàm văng tục:

- Đù móa! Giấy tờ gì mày? Mày không nhận ra phù hiệu lữ đoàn của tao à? Mày nghĩ coi, từ Vùng Một chiến thuật về đến đây tao phải qua bao nhiêu cái trạm?

Gã thiếu úy vẫn giữ tư thế chào:

- Trình đại úy, phía bên kia trạm, cách vài cây số là vùng không đảm bảo an toàn, Việt cộng đang kiểm soát. Tôi e ngại cho sự an toàn đại úy, mong đại úy thông cảm.

Ngay từ khi được rút lên trung đoàn quân y của lữ đoàn, mỗi lần vễ Sài Gòn, Năm Quang đều yêu cầu lữ đoàn cấp cho anh sự vụ lệnh đặc biệt để sử dụng trong trường hợp Cụm giao nhiệm vụ bất ngờ. Sự lo xa của anh có dịp sử dụng trong trường hợp này. Nhưng nếu gã thiếu úy hỏi về lý do Bá Thành đi theo anh thì hơi khó. Từ lâu Thiệu đã liệu cánh báo chí vào trường hợp kiểm soát gắt gao, cấm mon men vào vùng giải phóng. Vả lại, Cụm đã yêu cầu Bá Thành không để lộ tung tích ký giả. Năm Quang chỉ còn cách sử dụng chiêu “cả vú lấp miệng em” đánh lạc hướng gã thiếu úy.

Năm Quang vẫn ngồi trên xe, một tay móc túi chìa sự vụ lệnh đặc biệt vào mặt gã thiếu úy, một tay đặt báng súng ngắn đeo bên hông chửi thề liên tục:

- Một sĩ quan cao cấp của lữ đoàn vừa bị thương, đang nằm trong căn cứ Đồng Dù chờ tao. Nếu vì sự rắc rối của mày mà cứu trễ cấp trên của tao thì… tao hứa với mày, tao sẽ đem một đại đội về đây tiễn cái trạm chết tiệt của mày vào chỗ bán đồng nát.

Thấy Năm Quang làm dữ, gã thiếu úy hoảng hốt trả giấy, đứng nghiêm chào, miệng lắp bắp:

- Mời đại úy qua trạm.

Năm Quang nhấn mạnh ga, chiếc xe Jeep miết bánh xuống mặt đường lao vụt về phía trước.

15 phút sau, chiếc xe Jeep rẽ vào một vạt rừng chồi. Năm Quang siết tay bạn:

- Mày ở đây, sẽ có người đến đón mày vào mật cứ. Tao phải trở về.

Bá Thành vui ra mặt. Anh cảm nhận rất rõ cái siết tay mạnh mẽ của Năm Quang.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #41 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:28:39 am »

Chương 28:

Bá Thành cho chiếc Ladalat rẽ ngoặt vào cổng dinh Hoa Lan.

Tướng Minh mang gương mặt ưu tư đứng chờ anh từ lúc nào. Cái dáng người cao lớn ẩn nhẫn trong bộ đồ 4 túi kiểu ký giả màu xám khiến ông giống một giáo chức già hơn là một vị tướng hưu trí.

- Moa trông toa đến giúp moa vài chuyện quan trọng.

Lần nào cũng vậy, vừa gặp Bá Thành, ông Minh đều nói kiểu ngoại giao như thế.

Nhiều người cho rằng ông Minh là một vị tướng không am tường chính trị. Anh không nghĩ vậy. Là người yêu nước theo kiểu cổ xúy tinh thần dân tộc, khi ở địa vị quốc trưởng, có lẽ ông hiểu cái thế cờ miền Nam nằm trong sự kiềm tỏa của Mỹ. Với thế kiềm tỏa đó, miền Nam chỉ phải đi theo một chuẩn mực do Mỹ vạch ra, không thể khác được. Thế là ông bất lực buông xuôi. Trong những ngày lưu vong tại Thái Lan, ông nhận thấy, miền Nam muốn thoát khỏi bàn tay của Mỹ, chỉ có một con đường duy nhất, đó là chấp nhận vai trò nhạc trưởng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng với vị thế hiện tại của mình, ông không thể nói trắng ra điều đó.

Tiếp cận ông thường xuyên nên Bá Thành nhận ra ông có tư tưởng như vậy nhưng anh không hiểu vì sao lãnh đạo T4 không lôi kéo ông đứng hẳn về phía Mặt trận. Có lẽ, lãnh đạo T4 đã có một kịch bản bí mật.

Với anh, chuyến vào mật cứ vừa qua là một khóa huấn luyện điệp báo thật sự. Người chỉ huy tình báo Mười Hương và Sáu Ngọc đã truyền đạt cho anh nhiều biện pháp nghiệp vụ quý giá trong cách khai thác thông tin và điều khiển hành động đối phương theo ý đồ mình. Anh Mười Hương khuyên, đừng bảo ông Minh làm điều gì cụ thể cả mà chỉ có một cách duy nhất để hành động. Tất nhiên, hành động duy nhất đó là ý đồ mong muốn của ta. Cái thâm thúy nghiệp vụ và sâu sắc về tình hình, diễn biến chính trị của anh Mười Hương khiến Bá Thành thán phục tuyệt đối. Sống giữa lòng Sài Gòn nhưng khi gặp Mười Hương anh mới nắm bắt được những mấu chốt quan trọng nhất, yếu huyệt tuyệt đối nhất của chế độ Sài Gòn.

Từ khi nhận nhiệm vụ hoạt động tình báo, anh chỉ nhận được chỉ thị mục tiêu để tự đề ra phương thức hành động. Tức là Cụm chỉ đề ra mục tiêu cuối cùng cần đạt, giống như ra một đề toán đã có đáp số sẵn, anh phải tự tìm ẩn số X trong cách giải bài toán hành động.

Chính trị Sài Gòn thời điểm này giống như một cái lẩu thập cẩm. Cái xã hội vàng thau lẫn lộn này, ai cũng có thể trở thành một chính trị gia. Một gã buôn heo, ngủ một giấc thức dậy, hứng chí là chính trị gia bỏ tiền ra thuê thiên hạ ủng hộ mình. Các biểu tượng chính trị mọc nhanh nhản khắp nơi. Bông lúa, cành trúc, gà trống, nồi đồng, củ tỏi và hàng trăm thứ hầm bà lằng khác đều có thể biến thành biểu tượng của một nhóm chính trị. Lủng củng, lùng nhùng những học thuyết ba xu, những đường lối tiêu, hành, tỏi, ớt. Giữa cái mớ hỗn độn ấy, anh cần phải nhận ra nhóm nào có khả năng xoay chuyển tình thế nhất để đối phó. Nếu không có sự định hướng của anh Mười Hương và Sáu Ngọc, bị rơi trong mớ hỗn độn ấy, anh sẽ phân tán rộng sự chú ý của mình. Từ sự phân tích của anh Mười Hương, anh nhận ra, dù hỗn độn nhưng tất cả những nhóm chính trị đều có chung một đòi hỏi: Đuổi Thiệu ra khỏi ghế tổng thống. Tuy hỗn độn nhưng tất cả những nhóm chính trị có thực lực đều chọn tướng Minh là nhân vật trung tâm.

Cầm tờ báo Điện Tín mới phát hành sáng nay, anh trịnh trọng đưa tướng Minh, cất lời:

- Hôm bay báo đăng nguyên văn kế hoạch Sao Chổi của Thiệu đó chú.

Tướng Minh cầm tờ báo, một tay áp sau lưng Bá Thành nhẹ nhàng dìu vào trong:

- Đi vào uống nước trà đã. Thiệu dùng kế hoạch Sao Chổi bịt miệng dư luận tức là tự bịt cả mũi lẫn miệng của y rồi đó. Chết ngộp ngay tức khắc thôi. Toa công khai kế hoạch này ra là bấm đúng huyệt chết đứng của y. Hôm nay, moa muốn ký giả chứng kiến và ghi nhận một cuộc họp quan trọng.

Bá Thành vừa đặt chân lên tiền sảnh đã thấy trong phòng có rất đông những gương mặt các chính trị gia nổi tiếng.

Một nghị sĩ vừa trông thấy anh đã lên tiếng:

- Ồ, có cả ngài Họa sí Ớt đây nữa. Xem tranh của ông, cay xé cả mắt.

Bá Thành nhận ra đó là một nghị sĩ vừa được anh đưa gương mặt vào làm chủ thể một bức biếm họa. Trong bức họa này, anh không hề có chủ ý chửi xiên xỏ vị nghị sĩ này mà chỉ mượn hình ảnh ông ta đang giương cao một lá cờ hòa bình. Hàm ý của anh là phê phán chung chung những ông nghị chỉ kêu gọi hòa bình suông bằng lời chứ không bằng hành động cụ thể. Tuy anh không phê phán riêng cá nhân ông ta nhưng nét vẽ phóng khoáng khiến gương mặt của ông ta trông méo mó như một tên hề. Trong giới chính trị Sài Gòn kháo nhau về 3 nỗi sợ khi hoạt động: Ám sát, số một; Lột quyền, số hai; Cay ớt, số ba. “Cay ớt” là cụm từ ám chỉ Họa sĩ Ớt đưa chân dung vào biếm họa.

Anh chìa tay ra tỏ ý thân thiện với vị nghị sĩ:

- Nếu bức họa làm ông phiền lòng, mong ông thứ lỗi. Tôi chỉ có ý muốn kêu gọi mọi người nên hành động cụ thể có lợi cho nước nhà chứ không chủ ý với riêng cá nhân ông. Xin thứ lỗi! Thứ lỗi!

Vị nghị sĩ cười khà nắm chặt tay anh như chấp nhận lời xin lỗi.

Anh đảo mắt quanh phòng họp nhận diện từng người. Những thành phần có mặt khẳng định cuộc họp này rất quan trọng. Anh đi một vòng bắt tay từng người để phân loại nhanh. Nhóm thứ nhất có xu hướng chống Cộng gồm: Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Hữu Phi, Mai Hữu Xuân, Võ Văn Hải, Tôn Thất Thiện, Bùi Chánh Thời. Nhóm thứ hai chủ trương trung lập hóa miền Nam gồm Vũ Văn Mẫu, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung. Nhóm thứ ba có biểu hiện Mặt trận gồm Trần Ngọc Liễng, Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận. Ngoài ra còn một số ký giả trong nước lẫn nước ngoài.

Với những thành phần như vậy, Bá Thành đoan chắc cuộc họp này sẽ đánh dấu một điều gì đó to tát đối với chế độ Thiệu. Anh lẳng lặng tìm một chỗ khuất ngồi xuống theo dõi diễn biến.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #42 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:31:02 am »

Trong cuộc bầu cử năm 1971, Tổng thống Thiệu dùng quyền lực chính quyền ép quốc hội ra luật bầu cử mới buộc mỗi liên doanh phải có đủ 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên đồng giới thiệu mới được ra ứng cử. Thiệu dùng chiêu này để loại bỏ giá trị chơi, ứng viên chỉ còn hai liên doanh tranh cử là ông Minh và Thiệu. Trước sự xảo trá của Thiệu, ông Minh chờ gần hết ngày niêm yết chính thức danh sách liên danh tranh cử, bất thần tuyên bố rút tên để mỗi người tranh cử với chính mình. Nếu một người tranh cử danh chính ngôn thuận, trong tình thế đó, Thiệu phải hủy bỏ cuộc tranh cử để xin ý kiến quốc hội tổ chức lại. Nhưng bản tính tham quyền cố vị, Thiệu “độc diễn” luôn trong sự dè bỉu của công luận quốc tế cớ cho hàng loạt của biểu tình chửi rủa Thiệu. Lúc đó, Bá Thành chưa được của giao nhiệm vụ nhưng anh biết, Cụm đã cho người tiếp cận ông Minh để bày diệu kế đó.

Với sự nhạy bén của một ký giả lăn lộn trong chính trường địch, anh nhận ra trong số những người tham mưu của ông Minh gồm những Vũ Văn Mẫu, Lý Chánh Trung, Hồ Văn Minh, Trần Ngọc Liễng, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và Lý Quí Chung có người của Cụm. Sau này, khi đã vào Cụm, tuy nhận diện được “mặt anh em” nhưng nguyên tắc anh không cho phép anh nhận “họ hàng”.

Sau cuộc “ứng cử độc diễn” của Thiệu, mỗi thứ tư hàng tuần, dinh Hoa Lan có thêm nhiều chính khách mới. Một số người trước kai ủng hộ Thiệu rất hăng, nay tìm đến dinh Hoa Lan để ngóng nghe tin tức, lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Một người mặc áo vest bạc đứng lên vỗ tay bôm bốp ra hiệu cho mọi chú ý rồi bắt đầu nói:

- Kính thưa tất cả quý vị có mặt ở đây hôm nay. Chúng tôi cố ý mời tất cả các vị, không phân biệt thành phần chính trị, tôn giáo, đảng phái cùng ngồi với nhau để cùng nhìn về một hướng, đó là vận mệnh quốc gia. Như quý vị đã rõ, Nguyễn Văn Thiệu đã lộ rõ bản chất xảo trá, gian manh, tham quyền, cố vị, lừa đảo, tham nhũng, độc ác, phi nhân. Ông ta đã tuyên bố không chấp nhận hòa bình. Lời tuyên bố của ông được lặp lại nhiều lần. Đó là sự thách thức trắng trợn đối với những ai biết đau xót trước thảm cảnh dân tộc bị bom cày, đạn xới, người dân vô tội bị giày xép thịt da…

Có ai đó ngồi trong nhóm ông già Thơ nói lớn:

- Gọn đi cha nội.

Không đếm xỉa đến lời nói cắt ngang phá bĩnh, ông ta nói tiếp:

- Chúng ta cần làm áp lực để Thiệu từ chứ. Chúng ta cần một người có tài lên thay Thiệu để đưa đất nước vào cái thế hòa bình, hòa hợp dân tộc.

Nhiều lời bàn luận lao xao từ phía các cử tọa khiến lời nói của ông ta bị chìm nghỉm. Nhóm nào cũng muốn đại diện của mình trở thành nhân vật trung tâm của “công cuộc” thay Thiệu. Người mặc áo vest xám bạc phải vỗ tay nhiều lần mới làm không khí dịu xuống. Ông ta nói tiếp:

- Chúng tôi nhận thấy ngài đại tướng Dương Văn Minh là người đầy đủ bản lĩnh chính trị để lãnh đạo quốc gia. Chúng tôi xin công bố cương lĩnh hoạt động…

Cả phòng lặng đi giây lát rồi tiếng lao xao lại cất lên. Hầu như ai cũng công nhận tướng Minh là người thay thế Thiệu phù hợp nhất. Ai cũng biết, cái ghề của Thiệu tuy đã lắt lay không vững nhưng vẫn còn tồn tại là nhờ có Mỹ chìa tay ra giữ. Muốn Thiệu ra đi, họ cần một người thay thế. Người thay thế đó phải được Mỹ chấp nhận. Ông Minh đã từng được Mỹ hậu thuận trong cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm, sẽ dễ dàng được Mỹ chấp nhận thay Thiệu hơn những người chưa có “số má”. Vả lại, nếu ông Minh lên nắm quyền, người của họ sẽ có nhiều cơ may tham chính hơn những gã ăn đong khác. Cuộc họp trở nên hỗn loạn: mạnh ai nấy nói.

Ông Minh lẳng lặng bước sang căn phòng thư viện:

Bá Thành cố nhẹ nhàng để không tạo sự chú ý về phía mình, len lách người bám theo tướng Minh.

Tướng Minh mệt mỏi ngả lưng trên chiếc ghế tựa. Gương mặt ông đầy vẻ thất vọng chán chường. Ông tươi tỉnh nét mặt ngay khi trông thấy Bá Thành:

- Moa mệt mỏi quá. Tưởng chúng nó bàn luận chuyện gì mới, không ngờ cứ bấy nhiêu lặp đi lặp lại hoài. Chán ngắt.

Bá Thành ngồi xuống cạnh ông Minh:

- Thưa đại tướng – Anh nói rõ hai tiếng “đại tướng” – Cháu nhận thấy đại tướng đã quy tụ được nhiều thế lực ủng hộ nhưng hình như… không biết đại tướng có chấp nhận ý kiến của cháu không?

-Ồ, toa sao lại khách sáo với moa. Moa luôn tôn trọng ý kiến của những anh em trẻ nhưng nhiệt tâm như toa. Toa cứ nói.

Vẫn giữ thái độ e dè, Bá Thành nói:

- Có một lực lượng rất quan trọng đã thúc đẩy độ chín muồi cho cuộc đảo chính năm Sáu ba. Ông Thiệu rất e dè lực lượng này.

Ông Minh vỗ tay đánh bộp vào thành ghế:

- A! A! Toa định nói về thượng tọa Trí Quang?

Như có luồng sinh lực mới, ông Minh ngồi dậy bóp trán.

Ông Minh là phật tử và có mối thâm tình với thượng tọa Trí Quang - một nhận vật kỵ số một với Thiệu mà Mỹ rất ngán. Trong nhóm chính trị gia ủng hộ tướng Minh đã có sẵn nghị sĩ Mầu, cầm đầu lực lượng hòa giải dân tộc. Nghị sĩ Mầu cũng là đại diện giới Phật giáo. Nhưng thượng tọa Trí Quang mới là người cónảnh hưởng chính trị lớn nhất trong giới Phật giáo nói chung và Ấn quang nói riêng. Nếu ông Minh tìm được tiếng nói ủng hộ cụ thể từ thượng tọa Trí Quang thì chắc chắn Thiệu không còn đường thoát.

Ông Minh lại vỗ tay xuống thành ghế một lần nữa:

- Ngay ngày mai moa sẽ đến chùa Ấn Quang. Toa rất nhạy bén. Cám ơn toa đã cho moa một gợi ý sáng suốt.

Không để ông Minh khe thêm, Bá Thành nhắc lại bài báo công khai kế hoạch Sao Chổi của Thiệu:

- Theo đại tướng thì giới ký giả có nên làm một điều gì đó để phản ứng lại kế hoạch bịt miệng báo chí của Thiệu không ạ?

Sực nhớ đến tờ báo của Bá Thành đưa, ông Minh vỗ trán:

- À, lát nữa moa sẽ đọc. Nhưng moa đã nghe kể nội dung sơ nét. Moa sẽ đề nghị các anh em tổ chức một cái gì đó đập lại tên gian hùng Thiệu.

Bá Thành thở phào. Anh đã hoàn tất hơn phân nữa điệp vụ. Anh cũng toan thông báo cho tướng Minh biết Thiệu đã có một kế hoạch tấn công dinh Hoa Lan nhưng anh kịp giữ lại. Nếu một cuộc biểu tình quy mô của giới ký giả bùng nổ thì Thiệu chẳng còn hơi sức đâu để tấn công ai khác. Một động tác thừa thãi có thể dẫn đến nguy cơ lộ diện, tốt nhất là giữ bí mật.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #43 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:36:13 am »

Chương 29:

Thiệu ngao ngán nhìn gương mặt phị mỡ lấm tấm mồ hôi của Quang. Nếu không bị ràng buộc bởi những phi vụ làm ăn của vợ, Thiệu đã cho gã về vườn từ lâu. Hơn ai hết, Thiệu biết rõ cái gã quân sư an ninh này chẳng làm nên trò trống gì ngoài lòng trung thành tuyệt đối. Bản chất đa nghi khiến Thiệu không tin ai nhưng với Quang thì Thiệu tin. Thiệu tin vì biết sự trung thành của Quang được ràng buộc bởi những phi vụ làm ăn. Nếu không có những phi vụ làm ăn, có lẽ Quang cũng đã bỏ rơi Thiệu như bao nhiêu gã đàn em khác.

Thiệu biết, quốc hội Mỹ dũng đã ngán Thiệu đến tận cổ nhưng vẫn cố duy trì, dù lay lắt. Cái yếu tố để Mỹ duy trì Thiệu năm trong cụm từ “chống Cộng tuyệt đối”. Thiệu hiểu điều đó nên bám rịt lấy cái phao chống Cộng để Mỹ đừng bỏ rơi mình.

Nhiều khi Thiệu tự cười cợt mình về cái tư tưởng chống Cộng. Suy cho cùng, chẳng lý do gì để Thiệu căm thù Cộng sản cả. Họ có làm gì ông đâu. Có lần một gã nhà báo Mỹ hỏi về lý do chống Cộng, Thiệu suy nghị mất mấy phút mới tìm được một câu khỏa lấp: “Họ gây mất trị an”. Ai muốn hiểu sao cứ hiểu. Ấy vậy mà một số ký giả ăn lương “đen” của Quang, cong đít rán dương rằng: “Việt cộng gây mất trị an khu vực và quốc tế”. Làm tổng thống sướng thật. Càng nói những câu tối ý, càng có lý do để người khác suy đoán thành triết lý. Một câu nói bật cũng trở thành một học thuyết. Hồi còn là một anh sĩ quan bộ binh quèn, một lần được giao nhiệm vụ chỉ huy trung đội đi tuần tra khu vực ngoại vi căn cứ. Đang đi tuần, trung đội của Thiệu bất thần chạm mặt hai chiến sĩ Việt Minh đang đi ngược chiều. Hai chiến sĩ Việt Minh thét to: “Đứng lại, các anh đã bị bắt!”. Thoáng nghĩ, ngoài hai người Việt Minh đó, có lẽ quân phục kích rất đông nên Thiệu… co cẳng chạy một mạch về đến căn cứ. Tất nhiên đám lính do Thiệu chỉ huy cũng co cẳng chạy theo. Chạy về tới căn cứ, một anh lính nói cho Thiệu biết là hai người Việt Minh đó tay không vũ khí, đi đơn độc chứ chẳng có quân phục kích nào. Thiệu bị sĩ quan chỉ huy mắng: “Tôi không tin những lời anh biện minh mà tôi chỉ tin những gì anh mới làm”. Khi trở thành tổng thống, trong một lần độc diễn văn tố cáo láo Việt cộng vi phạm Hiệp định Paris, đồng thời khẳng định quân lực Việt Nam Cộng hòa đủ sức chống chỏi với Việt cộng để cầu xin Mỹ đừng cắt viện trợ, bất thấn nhớ đến câu chuyện năm xưa, Thiệu buộc miệng: “Người Mỹ đừng tin lời Việt cộng tố cai Việt Nam Cộng hòa. Người Mỹ hãy nhìn những chiến thắng mà quân lực Việt Nam Cộng hòa đạt được”. Nói xong, Thiệu toát mồ hôi hột. May nhờ Quang lanh trí thu xếp cho các ký giả cùng phe sửa lại thành: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”.

Ấy vậy cho nên Thiệu giữ sự trung thành của Quang bên mình.

Thiệu cao giọng hỏi Quang:

- Bọn chõ hơi chầu thịt ở dinh Hoa Lan đang mưu đồ đảo chính tôi?

- Thưa Tổng thống, hiện giờ mấy lão chính trị ở đó chưa có động thái rõ ràng. Đáng lo ngại là sự xuất hiện của lão Timmes.

- Timmes?

Thiệu lo ngại trước thông tin này. Timmes là một cựu sĩ quan quân đội của Mỹ được CIA sử dụng làm điệp viên chính trị. Thiệu nhớ tới vụ đảo chính Diệm. Kích hơi cho vụ đảo chính đó là một gã CIA có vai trò giống như gã Timmes này.

- Timmes thường xuyên lui tới dinh Hoa Lan nhưng cái đám chính trị gia hết thời ở dinh Hoa Lan vẫn không đáng ngại bằng tướng Kỳ. Timmes cũng mom men đến gặp tướng Kỳ nhiều lần.

- Anh có nghe thằng Kỳ mưu toan gì không?

- Hiện giờ thì chưa nắm được ông Kỳ sẽ làm gì nhưng…

- Nhưng sao?

- Nếu xảy ra đảo chính, lực lượng nào nắm được không quân thì phần thắng nằm trong tay. Tuy ông Kỳ đã hưu trí nhưng đàn em của ông Kỳ còn trong lực lượng không quân rất đông. Mình đề phòng ông Kỳ cho an toàn.

- Anh đã làm gì chưa?

- Dạ, em đã cho tổ Tulip Đen bám sát tướng Kỳ. Chỉ cần có động tĩnh là em cho ám sát ngay. Giết rắn chỉ cần đập đầu thôi. Nhưng…

- Nhưng sao nữa?

- Em cần giấy phép đặc biệt cho đám đàn em được ra vào Tân Sơn Nhất tự do hơn.

- Thì giấy của tụi Tulip Đen là giấy ưu tiên đặc biệt rồi.

- Không sử dụng giấy này được. Lỡ có anh nào bị phát hiện thì ta lòi bản chất… à không, ta để lộ hành tích. Tổng thống nên cho sử dụng giấy phép của an ninh quân đội.

- À! Được rồi. Anh cần bao nhiêu giấy?

- Càng nhiều càng tốt ạ. Ta chỉ sử dụng hai nhân viên nhưng đề phòng mất thằng này còn thằng khác thay thế.

- Được rồi. Anh cứ ghi sẵn danh sách, tôi đích thân mang sang quân đội yêu cầu họ cấp.

Quang mừng húm. Với loại thẻ đặc biệt này, lính của Quang không còn vùng cấm nữa. Cả tháng nay vợ Quang mè nheo về chuyện mấy chuyến hàng đặc biệt từ Tam Giác Vàng cứ bị hốt ở sân bay. Với loại thẻ này, bây giờ đố thằng nào dám xét hỏi. Chỉ cần một thẻ thôi là Quang đã trúng số mỗi ngày một tờ độc đắc rồi, đằng này có đến mấy chục thẻ.

Thiệu thở dài:

- Tôi vẫn lo ngại đám dinh Hoa Lan.

Lúc nãy, vì cần số thẻ thông hành đặc biệt, Quang đôn sự nguy hiểm của tướng Kỳ lên, bây giờ đã toại nguyện, Quang đẩy vấn đề dinh Hoa Lan lên hàng đầu:

- Bây giờ dinh Hoa Lan trở thành trụ sở quốc hội rồi. Suốt ngày mấy chả cứ tụ tập ở đó bàn cách lật đổ chúng ta. Hay là mình hốt trọn ổ một lần? Ở đó có nhiều thành phần liên can Việt cộng đang bị truy nã, ta đủ chứng cứ để hốt mà không sợ dư luận.

- Nghị sĩ, dân biểu là thành phần bất khả xâm phạm, được miễn trừ… gì quên rồi?

- Được miễn trừ… miễn trừ…, tóm lại là không được phép bắt họ nhưng em đã có cách. Lẫn lộn trong số đó có nhiều tên đang có lệnh truy nã. Ta cứ bắt hết. Bắt xong, ta họp báo cho rằng làm như vậy để thanh lọc Việt cộng nằm vùng, bảo vệ an nguy cho tướng Minh.

Thiệu đoán Mỹ sử dụng dinh Hoa Lan làm thứ áp lực, một loại vòng kim cô đe dọa cái ghế tổng thống của Thiệu. Mỹ đe dọa theo cái kiểu cao bồi miền Tây: “Anh không nghe lời tôi, tôi sẽ xúi giục tụi nó đảo chính anh đấy”. Bởi vậy, đụng tới dinh Hoa Lan là đụng tới Mỹ. Nhưng im lặng thì cái gai trong mắt cứ nhức nhối, khó chịu.

Kể từ khi Nixon ra đi trong tai tiếng, Ford trở thành Tổng thống Mỹ. Nhờ chứa, Ford vẫn ủng hộ Thiệu nhờ cái mác chống Cộng. Thiệu cần phải chứng minh cho Ford thấy, dinh Hoa Lan là cái ổ Việt cộng để Thiệu là đứa con cưng duy nhất của Mỹ.

Dù ăn không được cũng phải phá cho hôi, Thiệu mím môi bảo Quang:

- Triệt! Triệt hết đám dinh Hoa Lan. Ngay bây giờ, ta có đủ yếu tố đánh úp cái ổ này không?

- Dạ, có sẵn lực lượng. Em đã dự thảo kế hoạch tấn công dinh Hoa Lan từ hơn một tuần nay.

- Có đảm bảo bí mật không?

- Dạ hoàn toàn bí mật.

- Vậy hành động ngay đi.

- Dạ, em thực hiện ngay.

Quang vừa xoay lưng chưa kịp bước đi thì tiếng chuông điện thoại reo đột ngột. Thiệu cầm ống nghe. Đầu dây bên kia, giọng đại sứ martin vang ong ỏng:

- Tổng thống chịu khó bước ra hành lang nhìn xuống công viên. Chúc tổng thống bình yên.

Martin cúp máy ngang.

Thiệu lẫn Quang chạy nhanh lên Tĩnh Tâm lâu nhìn xuống đường. Sau khi đưa mắt nhìn một lượt quang cảnh dưới đường, Thiệu nhăn mặt hỏi Quang:

- Tụi nó làm gì vậy?

Quang xám mặt:

- Hình như… biểu tình. Sáng nay em đã yêu cầu tướng Bình thu xếp ngăn cản một vụ biểu tình của tụi ký giả. Không hiểu thằng nào tiết lộ bí mật kế hoạch Sao Chổi, hôm qua báo Điện Tín đăng nguyên văn.

Thiệu nhăn mặt:

- Chú làm tình báo gì kỳ vậy? Tạm ngưng kế hoạch tấn công dinh Hoa Lan. Lo đối phó với vụ này gấp.

Quang không ngờ toàn bộ kế hoạch tấn công dinh Hoa Lan đã được một cơ sở bí mật đang ẩn nấp trong vao một thư ký của Quang gởi vào cho cụm trưởng A10 ngay khi vừa soạn thảo xong.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #44 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:42:17 am »

Chương 30:

Từ sáng sớm người ta đã thấy hàng trăm ký giả, nhà văn, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của làng báo Sài Gòn hàng ngay ngắn trước cửa trụ sở Hạ viện. Xung quanh họ là hàng trăm cảnh sát dã chiến đứng đan cánh tay thành hàng rào người hơn 10 lớp. Bên ngoài những lớp hàng rào cảnh sát là hàng chục ngàn người bao vây gồm giới tài xế taxi, giới xích lô, công nhân của các hãng Mic, Xakibomi, Vifomico, sinh viên, học sinh, Phật tử, ni cô, linh mục, trí thức, tiểu thương, thương phế binh. Đã được báo tin trước từ tối qua, hàng trăm ký giả, phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình của các hãng tin quốc tế len lỏi vào giữa đám đông để tiếp cận sự kiện.

Cánh cửa Hạ viện đang đóng im ỉm chợt bật mở. Một số dân biểu từ bên trong bước ra chuyền tay nhau phân phát nón lá, gậy và chiếc bị cói cho các ký giả đang xếp hàng. Trên nón là sơn sẵn hàng chữ “Ngày ký giả ăn mày”.

Sau khi trang bị xong dụng cụ, những “người ăn mày” bắt đầu tiến thẳng về hàng rào người cảnh sát. Một cảnh tượng hỗn độn bắt đầu diễn ra. Bên ngoài, lực lượng biểu tình xông vô xé hàng rào cảnh sát để những “người ăn mày” thoáy ra. Ở góc phải tòa nhà, có ai đó la lớn: “Cảnh sát đánh người đổ máu ở đây anh em ơi!”. Đám đông kéo dạt sang hướng phát ra tiếng la. Ở đó, một thanh niên trẻ mặc chiếc áo sơ mi trắng nhuộm đỏ máu đang vật lộn với 4 cảnh sát. Đám đông xông vào ôm ngang người 4 gã cảnh sát kéo ra đè nghiến xuống đường. Thấy đồng bọn bị tấn công, đám cảnh sát làm hàng rào kéo dạt qua giải vây. Nhờ vậy, những người “ăn mày” thoát ra ngoài tiến thẳng về hướng chợ Bến Thành. Họ đi giữa rừng người đông nghịt. Đi đến đâu, rừng người vẹt ra chừa lối cho họ đi đến đó. Nhiều người xúc động gởi vào chiếc bị cói của “người ăn mày” gói xôi, bánh mì, thuốc lá.
Rừng người cùng hòa giọng thét to: “Đả đảo đàn áp báo chí! Đả đảo bịt miệng dư luận! Thiệu phải từ chức!”. Từ khắp các ngả đường, rất nhiều xe chở lính, cảnh sát lẫn xe cứu hỏa xuất hiện nhưng chỉ dừng từ xa, bất lực quan sát những dòng người hừng hực nhiệt huyết.

Từng dòng người từ khắp các ngả đường đổ về càng đông. Trục đường Lê Lợi không còn đủ sức chứa hàng chục ngàn người cùng tuần hành, thế là một dòng người tách ra đi dài theo các tuyến phụ bao bọc xung quanh trung tâm Sài Gòn. Dòng người này đồng thanh kêu gào Thiệu từ chức, đòi hòa bình, đòi tự do, đòi cơm áo, đòi thi hành hiệp định Paris và kêu gọi cảnh sát, binh lính đào bỏ ngũ đứng về phía đồng bào đấu tranh. Trên đường đi, dòng người biểu tình vẽ khẩu hiệu bằng nước sơn xuống mặt đường Lê Lợi.

Ở trên bậc thềm Hạ viện, một dân biểu đứng diễn thuyết phân tích việc Thiệu vi phạm hiệp định Paris. Ở một góc chợ Bến Thành, một ni sư đứng giữa hàng trăm ni cô diễn thuyết kêu gọi Phật tử đứng lên đuổi Thiệu ra khỏi đất nước. Trên tượng đài, góc đường Phan Đình Phùng một người đàn ông diễn thuyết kêy gọi con chiên của Chúa cùng hợp lực đòi Thiệu trao chính quyền.

Mười Thắng trong vai một tài xế xe ôm ngồi trên chiếc xe Honda 67 dựng sát góc vỉa hè quan sát quang cảnh. Đây là lần đầu tiên anh hiện diện công khai giữa đường phố trung tâm Sài Gòn, kể từ ngày vào căn cứ. Không khí rực lửa của cuộc biểu tình khiến anh nao lòng.
Anh không ngờ mức độ thành công của kế hoạch được như thế. Anh hài lòng vì không uổng công sức thức trắng suốt một tuần điều phối kế hoạch trong nước rút.

Như một nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng nhiều cung bậc, anh đã phân công từng nhiệm vụ riêng lẻ cho mỗi mắt xích thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Điều khó khăn nhất là phải tận dụng đúng thời điểm để bùng nổ cuộc biểu tình đại quy mô này. Nếu chậm một ngày, có thể tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng khác, bất lợi cho kế hoạch dài hạn. Nếu vội vã, bỏ sót một chi tiết, cuộc biểu tình sẽ không đánh trúng huyệt đạo đối phương.

Ngay khi nắm được tin lực lượng ký giả Sài Gòn tổ chức một ủy van “đấu tranh đòi tự do báo chí” để chống lại việc Thiệu ban hành đạo luật số 007 khống chế tất cả những tờ bào Sài Gòn nhằm bịt mọi thông tin bất lợi đối với ông ta, anh đã chỉ đạo một cơ sở xâm nhập vào lực lượng này. Nếu tổ chức biểu tình trong thời điểm này, Thiệu sẽ dễ dàng đàn áp thẳng tay lực lượng. Anh chỉ đạo cơ sở, tìm cách kiềm chế ủy ban này, khuyên họ khoan manh động để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ.

Anh biết cái đạo luật 007 vẫn chỉ là một mớ giấy lộn nếu Thiệu không áp dụng cụ thể. Chắc chắn một ngày không xa, Thiệu sẽ hành động. Anh biết chắc như thế vì các tờ báo bất chấp đạo luật 007, vẫn tiếp tục chửi rửa Thiệu, Thiệu từ chức. Đúng như dự đoán, cách nay một tuần, một cơ sở của A10 trú ẩn trong Tổng nha Cảnh sát đã chộp được kế hoạch thực hiện chiến dịch bí mật mang mật danh Sao Chổi gởi vào cứ. bản kế hoạch chiến dịch này nêu rõ chi tiết đàn áp, bắt bớ, khủng bố từng tòa soạn, từng ký giả bằng những thủ đoạn đê hèn nhất, kể cả hành động thuê côn đồ đốt tòa soạn, đánh đập dằn mặt ký giả.

Cùng thời điểm, bọn tay chân Thiệu cũng soạn thảo một kế hoạch đánh úp dinh Hoa Lan. Kế hoạch này được soạn thảo bí mật, chỉ có Quang và vài thuộc hạ của y biết, khác với kế hoạch Sao Chổi có rất nhiều bộ phận tham gia soạn thảo. Nếu cho báo chí công bố kế hoạch Thiệu đánh úp dinh Hoa Lan, chẳng khác nào chỉ rõ vị trí của điệp viên đang ẩn thân cạnh Quang. Nếu để Thiệu đánh úp dinh Hoa Lan, một số điệp viên của Cụm sẽ bị vô hiệu hóa hoạt động.

Anh biết thời điểm đã đến. Thế là một kế hoạch tấn công chính trị quy mô vào chính quyền Thiệu được khởi động mà tâm điểm “ký giả ăn mày”. Anh huy động tất cả mạng lưới của Cụm vào cuộc.

Đường dây của H2 chịu trách nhiệm kích thích ủy ban “đấu tranh đòi tự do báo chí” tập hợp lực lượng ký giả, tổ chức nón, bị, gậy đi tuần hành “ăn mày”, đồng thời ra thông cáo báo chí phát cho các ký giả , phóng viên quốc tế. Đường dây của H3 chịu trách nhiệm vận động, kích thích các nghị sị, dân biểu ủng hộ cuộc tuần hành “ký giả ăn mày”, trong đó, nhân tố chính là Họa sĩ Ớt. Các mắt xích, đường dây ngoại vi của H2, H3 nằm rải rác ở ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, các nhà thờ, chùa chiền, các trường học, các chợ và 39 lõm chính trị bao quanh Sài Gòn đồng loạt tổ chức xuống đường làm hậu thuẫn cho các ký giả .

Một đoàn sinh viên học sinh đi qua kéo Mười Thắng về thực tại. Những gương mặt trẻ trung hừng hực khí thế, tay vung lên cao, miệng hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu độc tài”. Tim anh run lên khi trông thấy Uyển Nhi, cô học trò mà anh dạy kèm trước khi rời Sài Gòn vào căn cứ. Uyển Nhi thướt tha trong bộ áo dài trắng dẫn đầu một tốp nữ sinh viên, tay cầm khẩu hiệu “Trả hòa bình cho Việt Nam” vung cao.

Như linh cảm, Uyển Nhi ngoái cổ lại nhìn anh. Ánh mắt cô thoáng chút bối rối rồi sáng lên. Cô rời đoàn người tiến thẳng đến bên anh. Khi còn cách anh khoảng 5 bước chân, cô đứng lại. Anh rất muốn nở nụ cười tươi đón Uyển Nhi nhưng tình thế hiện tại không cho phép anh làm điều đó. Anh nhìn Uyển Nhi bằng ánh mắt nhìn hững hờ, xa lạ.

- Hình như… anh…. thầy phải không?

Mười Thắng sửa giọng nói:

- Cô muốn đi xe Honda ôm?

Uyển Nhi rụt rè tiến thêm vài bước chân nghiêng đầu nhìn kỹ anh một lần nữa. Anh lặp lại câu hỏi:

- Cô muốn đi về đâu?

Uyển Nhi chớp chớp mắt, nói nhỏ vừa đủ anh nghe:

- Nếu đúng là anh thì em cũng không cần anh xác nhận. Em chỉ muốn nói là, anh không đúng như người em đã từng nghĩ. Em thất vọng về anh.
Giọng cô run run âm điệu trách móc. Đôi môi chín mọng trĩu xuống biểu lộ trạng thái khinh thị. Anh không thể trách cô. Anh đang trong bộ dạng một người chạy Honda ôm bàng quang thời cuộc, an phận kiếm cơm.

Uyển Nhi nhìn thẳng vào mắt anh một lần nữa rồi xoay lưng tất cả cất bước. Cái dáng nhỏ xinh xắn của cô hòa vào dòng người để lại anh một cảm giác pha trộn vui lẫn buồn đến khó tả.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #45 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 12:50:29 am »

Chương 31:

Sài Gòn đầu tháng Tư như một lò lửa. Mùa khô đã đến hạn ra đi nhưng cơn mưa đầu mùa vẫn chưa chịu đến khiến không khí cứ hầm hập khó chịu. Đã vậy, tin chiến sự nóng hỏi ở chiến trường cứ tới tấp bay về càng khiến người ta cứ ngoắc ngoải chờ đợi, mong ngóng một điều gì đó to tát sắp xảy ra.
Từ các quán cà phê cóc trên vỉa hè, các quán bún ốc trong chợ cho đến những nhà hàng sang trọng sóng sánh rượu ngoại, đâu đâu người ta cũng hỏi nhau: Quân giải phóng đã tới đâu rồi? Giới cá độ Chợ Lớn còn cá cược với nhau khi nào Sài Gòn thất thủ. Khắp các vỉa hè, phố xá, bến xe, nơi nào người ta cũng bắt gặp một vài anh lính quần áo rách bươm, đầu tóc rối bời, thất thần kể lại cuộc tháo chạy nháo nhào của binh lính ở các chiến trường miền Trung.

Bá Thành ngồi trầm ngâm trong văn phòng tòa soạn, trên tay cầm bản dịch chuyển ngữ một bài báo của hãng tin Mỹ UPI mô tả một chuyến bay của hãng World Airways chở binh lính tháo chạy từ Đà Nẵng về Sài Gòn:

“Khoảng hơn một ngàn người sáng hôm thứ Bảy đã tràn vào phi đạo, đánh đập, giày xéo, bắn nhau để cố leo lên chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do USAID thuê bao. Nhưng cuối cùng “chuyến bay địa ngục” – nói theo văn từ của viên phi công trưởng - vẫn có lắc lư hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả 400 người trên máy bay đều an toàn, kể cả một số người ngồi nép mình ở hầm hành lý dưới lườn máy bay, ngoại trừ một người chết nhẹp vì bị bánh máy bay rút vào ép sát. Sau đây là bài tường thuật chi tiết của phóng viên UPI Paul Vogen đi theo chuyến bay này:

Chiếc Boeing lăn bánh để cất cánh. Nhưng nhiều người dưới đất vẫn nhào ra một cách tuyệt vọng trước lằn bánh máy bay di chuyển. Một số binh sĩ dùng cả đại liên bắn theo máy bay.

Khi chúng tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất, xác một binh sĩ, khẩu M16 vẫn còn trên vai, đang lắc lư dưới lườn chiếc phản lực. Tôi đã ở Việt Nam hơn 18 năm và cảnh tượng ở Đà Nẵng hôm thứ Bảy là cảnh thê thảm nhất tôi đã chứng kiến trong đời. Viên hoa tiêu nói với tôi là ông ta đã bay 75 chuyến không vận Nam Vang từ mấy tuần qua, nhưng “thà tiếp tục bay thêm 300 chuyến như vậy còn hơn là bay thêm một chuyến ra Đà Nẵng”.

Trên chuyến bay, những người dân duy nhất là hai phụ nữ và một em bé. Còn lại tất cả là quân nhân. Số quân nhân đã bị quân cảnh bắt giữ ngay khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Hầu hết trong số này thuộc đơn vị Hắc Báo được coi là tinh nhuệ nhất của Sư đoàn 1 bộ binh.

Một phóng viên Việt Nam đã chứng kiến tường tận cảnh tướng Ngô Quang Trưởng liều mình nhảy xuống biển bơi ra một chiếc tuần dương hạm đậu ngoài khơi để đào thoát. Ông Trưởng sắp chết đuối thì được một bộ binh sĩ và phóng viên Việt Nam - người chứng kiến sự việc - bơi dìu ra tận chiếc tuần dương hạm”.

Bá Thành sẽ cho đang bài báo này để người dân Sài Gòn thấy sự hoảng loạn tháo chạy của binh lính. Anh trích dẫn thêm một mẫu tin Tổng thống Ford trả lời phỏng vấn tờ Washington Post: “Có lẽ sự cần thiết lúc này Việt Nam Cộng hòa nên vứt bỏ Thiệu”. Anh chỉnh sửa một vài chi tiết rồi mang bài báo sang phòng thư ký.

Sau đó, anh lấy hồ sơ nhà báo Pháp Paul Leandri – phó văn phòng AFP tại Sài Gòn - bị sát hại tại trụ sở Tổng nha Cảnh sát, cho vào cặp. Khi ra đến cửa, trông thấy một con chuột mập ú lao ngang chân, một thoáng ý nghĩ chạy quanh qua tâm trí, anh nghĩ, Thiệu cầm tinh con chuột, năm nay là năm Mão, kỵ tuổi Thiệu. Thiệu rất tin vào những trò bói toán. Anh đi ngược trở vào gặp viên thư ký, bảo:

- Anh biết nơi ở của chiêm tinh gia Huỳnh Liên không?

Viên thư ký nhìn anh ngạc nhiên:

- Anh cũng tin vào những thứ mê tín đó à?

Viên thư ký hấp háy đôi tròng kính cận hỏi tiếp:

- Huỳnh Liên là thầy bói riêng của Thiệu thì em biết.

- Anh đến đó lấy một quẻ bói cho Thiệu giùm tôi. Số báo ngày mai cũng cần đăng một quẻ bói cho Thiệu. Anh làm cách nào đó cho quẻ bói dành cho Thiệu càng thê thảm càng tốt.

Đã hiểu ý anh, viên thư ký nói:

- Nếu vậy, ta cho đăng luôn tin miếu trấn yếm cung mạng của Thiệu ở Bình Thuận bị trời đánh?

- Thật hả?

- Thật. Hôm qua, cộng tác viên có gởi một cái bài kể vụ này, có ảnh chụp nữa. Em ngại mấy vụ mê tín dị đoan nên không gởi cho anh duyệt.

Bá Thành cười:

- Nếu những tin liên quan đến vận mệnh xúi quẩy của Thiệu thì cứ cho đăng. Thời điểm này, hù dọa bóng vía ông ta càng nhiều càng tốt.

- Dạ, em hiểu.

Bá Thành buồn cười trước sự mê tín đến mê muội của Thiệu.

Khi vừa ngồi ghế tổng thống chưa ấm đít, Thiệu đã cho mời ông thầy bói Huỳnh Liên đến dinh Độc Lập trấn yểm tà ma. Lúc đó, cột cờ của dinh Độc Lập ở dưới đất, ngay trước tiền sảnh, cạnh dài phun nước. Lão thầy bói Huỳnh Liên kéo tay Thiệu ra đứng dưới đường, sau nhà thờ Đức Bà chỉ về hướng dinh Độc Lập bảo: Cái dinh Độc Lập giống như hình con tàu cháy nếu để cột cờ ở đó. Màu cờ ba que là… ngọn lửa, còn màu máu nước phun cao là… khói tỏa. Thế là Thiệu cho dời cột cờ lên nóc dinh.

Thầy bói Huỳnh Liên còn bàn: Dinh Độc Lập là đầu rồng, tượng trưng cho quyền lực của vị vua là Thiệu. Đầu rồng ngoi lên trên ngay phần đất cao là hợp lý. Mình rồng chạy lượn theo các trục đường Côn Lý, ẹo xuống bến Bạch Đằng, ưỡn lên đường Tự Do ngoặt qua đường Duy Tân rồi… chìm nghỉm đuôi dưới đất. Huỳnh Liên khuyên Thiệu nên xây cái gì đó cho đuôi rồng ngóc cao lên. Hỏi cái đuôi đang chìm ở đâu thì Huỳnh Liên chỉ dấu tích tượng đài “chiến sĩ vô danh” của Pháp xây ngày xưa đã bị quân đảo chính Diệm đập phá. Nghe lời Huỳnh Liên, Thiệu cho xây ngay cái hồ Con Rùa ngay góc đường Duy Tân. Thiệu còn chi tiền cho Huỳnh Liên đi khắp miền Nam tìm 4 yếu huyệt trấn yểm. Thiệu tin rằng, làm như vậy, Thiệu sẽ mãi mãi được làm vua.

Anh không tin đánh vào tâm trạng mê tín làm cho Thiệu từ bỏ tham vọng quyền lực nhưng đó sẽ là một trong những yếu tố cộng thêm để tác động tâm lý của Thiệu.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #46 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 01:22:08 am »

Cụm trưởng đã vào Sài Gòn trú ẩn trong nhà một cơ sở từ cả tháng nay để chỉ đạo lưới hoạt động. Anh đã cùng cụm trưởng phân tích, đánh giá mọi khả năng giãy chết của địch.

Địch liên tiếp tháo chạy khỏi Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và bây giờ co cụm tại tuyến phòng thủ cuối cùng lại Xuân Lộc. Nếu ta đánh vỡ phòng tuyến Xuân Lộc, tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, một cuộc phản kháng trong thế đường cùng của địch sẽ biến Sài Gòn thành một bãi chiến trường hoang tàn, đổn nát. Trước áp lực của Mỹ, Thiệu đã chuẩn bị tư thế rút lui nhưng không vội vã. Thiệu vẫn ngoan cố bám lấy cái ghế tổng thống lay lắt của y. Có thể Thiệu cố tình trì hoãn cho đến khi chính quyền miền Nam chẳng còn gì để mất hòng trả đũa sự buông tay của Mỹ. Nhiệm vụ của anh lúc này là “khích lệ” Thiệu ra đi càng sớm càng tốt. Những bài báo đánh vào tâm lý mê tín của Thiệu sẽ là một phát đạn hòa vào lưới đạn tấn cống của Quân giải phóng nhắm vào hướng chính quyền Thiệu.

Bá Thành lái chiếc xe Ladalat rời tòa soạn hướng về dinh Hoa Lan.

Cuộc biểu quyết của Thượng viện Sài Gòn đòi Thiệu từ chức vừa diễn ra. Cho rằng cuộc biểu quyết này do tướng Minh đạo diễn, Thiệu trả thù bằng cách ra lệnh cho cảnh sát bắt hàng loạt chính trị gia đã từng có mặt ở dinh Hoa Lan như nhà báo Kiên Giang – Hà Huy Hà, Tô Nguyệt, Văn Mại, Quốc Phượng, Sơn Nam, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, kỹ sư Châu Tâm Luân, Ngân – Nguyên trợ lý của Thiệu… trong đó có nhân vật nội tuyến của Cụm. Một số nhân vật khác, kể cả Bá Thành, chắc chắn sẽ bị Thiệu tiếp tục bắt, anh cần làm một điều gì đó để ngăn chặn tình thế này. Mặc dù không bị bắt vì lộ diện hoạt động tình báo nhưng trong tình thế cấp bách hiện tại, không thể để người của Cụm bị bó tay chân trong phòng giam trong khi các hoạt động đang cần nhiều nhân lực. Vì vậy, anh cần gặp tướng Minh.

Bá Thành cho xe rẽ vào ngoặt vào cổng dinh. Một tốp cảnh sát áo trắng cầm dùi cui đứng chắn giữa cổng ra hiệu cho anh dừng xe. Đã chuẩn bị trước tình huống này, Bá Thành cầm tấm thẻ “ưu tiên đặc biệt” chìa cho gã cảnh sát. Nếu không có lá bùa hộ mạng này, anh đã bị bắt trong vụ Thiệu trả đũa Thượng viện từ mấy ngày qua. Nhờ F7 là “đệ tử ruột” của tay cố vấn an ninh trong Phủ Tổng thống, Bá Thành mới có tấm thẻ đặc biệt này.

Gã cảnh sát trả lại tấm thẻ, khoát tay ra hiệu cho Bá Thành vào cổng.

Tướng Minh ngồi trầm ngâm một mình trong thư viện, tay cầm tách trà đầy đã nguội ngắt từ bao giờ. Vừa trông thấy Bá Thành, ông mừng rỡ:

- Đúng là cầu được ước thấy. Moa vừa nghĩ tới toa thì toa xuất hiện ngay. Moa đang định nhờ toa mấy việc.

Quá quen với câu chào ngoại giao của tướng Minh, Bá Thành chìa tay ra bắt, miệng nói:

- Cháu chúc đại tướng đầy sức khỏe và vững tinh thần trong thời điểm này.

Vừa rót trà cho khách, tướng Minh vừa làu bàu:

- Thằng Thiệu láu cá thiệt. Tuần trước thằng Kỳ bắt được hai thằng sát thủ lởn vởn gần dinh của nó. Hai thằng mật vụ khai, nó có nhiệm vụ theo dõi từng bước đi của Kỳ, nếu Kỳ có dấu hiệu động binh là ám sát ngay.

Tuy đã biết rõ vụ này nhưng Bá Thành vẫn vờ la hoảng:

- Thiệt vậy sao? Hèn gì ông Martin lần mò tới gặp Kỳ.

Tướng Minh ngạc nhiên:

- Ông đại sứ Mỹ gặp Kỳ?

- Dạ đúng, Cháu có người bạn làm việc trong Phi Long. Người bạn cháu cho biết, tướng Timmes dẫn ông Martin đến gặp Kỳ.

Tướng Minh giãn gương mặt, cười:

- Thủ thuật của bọn Mẽo đó. Thằng Timmes cũng mò đến chỗ moa. Tũi Mẽo sợ thằng tướng cao bồi làm ẩu, đảo chính Thiệu, làm hư ván cờ chính trị cuối cùng của chúng. Mẽo muốn chính Thiệu từ chức để già Hương ngồi ghế Tổng thống.

Bá Thành thăm dò:

- Thiệu nhờ Martin thực hiện động thái giả này?

- Không đời nào - Tướng Minh lại cười – Martin muốn dọa Thiệu đó. Nếu anh không sớm từ chức thì tôi sẽ xúi thằng cao bồi đảo chính anh đó. Anh liệu hồn đi nhé. Đó, thăm Kỳ để nói với Thiệu như vậy đó.

Bá Thành vờ thắc mắc:

- Ông Thiệu có hiểu lời răn đe đó không?

- Thiệu không đủ thông minh hiểu điều đó nếu không có người giải thích. Toa làm điều đó đi. Chỉ cần toa cho đăng một cái tin ngắn cho biết ngài đại sứ Mỹ có một chuyến ghé thăm Kỳ bí mật là Thiệu quắn đít.

- Nhưng một tờ Điện Tín sẽ không đủ…

- Yên tâm. Moa sẽ bảo mấy đứa nhỏ rỉ tai với các tờ báo khác để đăng tin đồng loạt.

Bá Thành cố giấu nét vui mừng vì đã đạt được thêm một mục tiêu.

Tướng Minh đưa tay xoa trán một lúc rồi cất tiếng:

- Moa nhờ toa một chuyện nghen?

Nghe câu ngoại giao này nghe nhiều lần nhưng trong bối cảnh này, Bá Thành hiểu ông Minh cần anh làm giúp chuyện gì đó. Anh sốt sắng:

- Cháu rất vinh dự được làm điều gì đó có ích cho đại tướng. Cháu biết,mọi việc của đại tướng đều vì dân tộc.

Gởi tia nhìn vào xa xăm, tướng Minh nói giọng trầm buồn:

- Nói thật lòng, moa không còn ham hố gì đến địa vị nữa. Moa đã quá hiểu cái bản chất của Việt Nam Cộng hòa rồi. Thà làm dân một đất nước độc lập, thống nhất, còn hơn làm tổng thống một cái chế độ lệ thuộc ngoại bang. Trong tình hình này, nếu già Hương giữ cương vị tổng thống, thời gian giãy chết của chế độ sẽ kéo dài ngoắc ngoải, càng thêm khổ dân chúng. Moa phải giành lấy cớ để trao cho Quân giải phóng càng sớm càng tốt.

Bá Thành nhìn ông Minh. Một số người cho rằng ông Minh không biết là chính trị. Anh nghĩ khác. Anh nghĩ tướng Minh không thuộc dạng tham vọng chính trị. Đã từng giữ cương vị quốc trưởng của chính quyền miền Nam, ông hiểu sâu xa các chính trường ngụy tạo, giả hiệu do Mỹ dựng lên. Những chính trị gia bao quanh ông mới là những người thúc đẩy ông tham chính. Nói chính xác hơn là họ núp bóng ông, lấy ông làm biểu tượng quyền lực đối chọi với thế lực đương quyền.

- Nếu Thiệu trao quyền cho già Hương, moa sẽ tổ chức một đại hội nhân sĩ, trí thức để ra một tuyên cáo chống chính phủ của già Hương. Moa biết chắc chính phủ của Hương sẽ là một “chính phủ của Thiệu nhưng không có Thiệu”. Địa điểm sẽ thông báo sau. Thời gian được chọn là ngay sau khi Thiệu trao quyền tổng thống cho già Hương. Toa giúp mua phiên dịch bản thông cáo này ra tiếng Anh, Pháp để phân phát cho các ký giả quốc tế.

Tướng Minh với tay lấy từ trên kệ xuống một xấp tài liệu đưa cho Bá Thành, căn dặn:

- Bí mật tối đa nhé. Moa chỉ tin tưởng mỗi mình toa trong việc này.

Bá Thành nhận xấp hồ sơ từ tay tướng Minh:

- Cháu hứa sẽ hoàn tất sớm việc dịch thuật và giữ bí mật tuyệt đối.

- Tòa soạn cho moa danh sách các ký giả quốc tế luôn thể. Chỉ chọn những ký giả ủng hộ hòa bình thôi nhé.

- Dạ.

Bá Thành đứng lên sửa soạn kiếu từ. Tướng Minh nói bâng quơ một mình:

- Giá như có cách nào đó để moa gặp trực tiếp một đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì hay biết mấy.

Bá Thành hơi chột dạ. Anh không hiểu câu nói của tướng Minh có ẩn chứa ý gì. Có thể tướng Minh đã đoán biết anh là người của Mặt trận nhưng cũng có thể tướng Minh chỉ bộc phát tức thời ý nguyện. Dù thế nào đi nữa, anh cũng không cho phép mình tắc trách. Anh trả lời cầm chừng:

- Cháu nghĩ, sẽ có lúc Mặt trận sẽ cử người tìm gặp đại tướng.

- Moa cũng mong vậy.

Bá Thành đón bàn tay của tướng Minh nắm chặt trước khi xoay người.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #47 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2017, 01:24:53 am »

Chương cuối:

Một buổi sáng tháng 4 năm 2010, trong căn phòng nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh, một ông lão tầm thước, có đôi mắt thông minh và mái tóc bạc trắng ngồi đối diện với một nữ nhà báo trẻ, thuộc thế hệ 8X. Đó là ông Trần Quốc Hương - người chỉ huy nhiều mạng lưới tình báo cách mạng hoạt động trong lòng địch ở miền Nam trước năm 1975. Ông đang kể cho cô nhà báo nghe về một góc chỏ của cuộc chiến tranh vĩ đại giải phóng dân tộc mà ông là người trong cuộc.

Cô nhà báo sinh ra trong thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới và trưởng thành trong thời kỳ phát triển kinh tế. Khái niệm về chiến tranh đối với cô mơ hồ, trừu tượng. Vì vậy, ông chỉ hướng câu chuyện vào những góc khuất nhỏ, những góc khuất ít người biết để minh họa thêm cho một khúc ngoặt thời gian. Điều đó, những nhân chứng như ông, ít ai biết. Nếu so với pho lịch sử của đất nước thì điều đó quá nhỏ nhoi, cùng lắm được các nhà viết sử ưu ái ghi một vài dòng ngắn gọn. Nhưng nếu so với một đời người sống trọn vẹn trong thời bình yên, phồn thịnh thì những góc khuất nhỏ ấy trở thành vĩ đại. Những góc khuất nhỏ ấy chất chứa rất nhiều điều, kể mãi không cạn.

Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là một nhân chứng lịch sử cuộc kháng chiến của dân tộc nhưng những gì ông đã cống hiến khiến cho pho lịch sử ấy dày thêm rất nhiều trang.

Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những thanh niên ưu tú của chính quyền non trẻ. Năm 1954, khi hai miền đất nước bị chia cắt sau hiệp định Genève, ông được Trung ương biệt phái vào Nam để xây dựng, huấn luyện và chỉ huy một số mạng lưới điệp viên hoạt động trong lòng địch. Kể từ đó, tuổi trẻ của ông trôi theo dòng lịch sử kháng chiến miền Nam trong trận tuyến tình báo. Ông thấu hiểu những nhân vật tình báo của ông là một khuân mẫu hoàn toàn khác với những khuôn mẫu của mọi đất nước phồn vinh hiện đại. Họ đã cống hiến không vụ lợi, không trả treo với lịch sử và ra giá với bản thân. Nhờ giá trị đó, họ luôn chiến thắng.

Như sinh ra để hoạt động tình báo ông luôn chiến thắng, kể cả lúc bị địch bắt vào năm 1958. Biết ông là tình báo cao cấp, địch sử dụng mọi biện pháp để lung lạc ý chí ông rồi sau đó mua chuộc. Không khuất phục được chúng đã đưa ông vào danh sách 200 tù nhân cần thủ tiêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm xảy ra.

Ra khỏi tù, ông về Hà Nội. Năm 1968 Trung ương Cục miền Nam xin Trung ương chi viện ông về chiến trường miền Nam. Lần vào Nam này, ông giữ vai trò Phó Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam phụ trách An ninh đô thị và Trinh sát vũ trang, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Đây là thời điểm ông tổ chức, xây dựng và chỉ huy nhiều Cụm tình báo hoạt động trong lòng chính quyền địch, trong đó có cụm tình báo A10.

Bằng giọng chậm rãi, khúc chiết, ông kể:

- Trong lịch sử thế giới, trận đánh quyết định cuối cùng của chiến tranh luôn biến sào huyệt của kẻ chiến bại thành một bãi hậu chiến đổ nát, hoang tàn. Duy nhất chỉ có thành phố Sài Gòn được giải phóng nguyên vẹn. Để làm được điều đó, ta phải vận dụng rất nhiều bộ phận quân sự, chính trị, nghiệp vụ phối hợp chiến đấu. tất cả bộ phận đó, mỗi anh một việc, mỗi anh một vị trí nhưng đều tập trung cho nỗ lực giải phóng Sài Gòn nguyên vẹn. Như một dàn nhạc giao hưởng, một bộ phận thực hiện một cung bậc khác nhau bằng các loại nhạc cụ khác nhau nhưng có cùng một nhịp, cùng một nhạc phẩm. Nếu Trần Văn Hương không chịu trao quyền Tổng thống cho Dương Văn Minh mà tiếp tục ra lệnh Sài Gòn tử thủ thì Quân giải phóng buộc lòng đánh sâu vào nội đô. Trước sau gì thì ta cũng giải phóng xong nhưng mỗi ngày kéo dài thêm cuộc chiến là danh sách người chết dài thêm. Phố phường sẽ đổ nát vì giao tranh. Chính cụm tình báo A10 đã góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực thúc đẩy ông Minh quyết tâm giành lấy chính quyền để giao cho Cách mạng. Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông Minh luôn khẳng định Huỳnh Bá Thành là người tác động quan trọng nhất để ông tuyên bố đầu hàng, trao chính quyền cho Quân giải phóng. Sáng ngày Hai mươi chín tháng Tư năm Bảy lăm, khi Quân giải phóng đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch và đã tiến quân đến sát cầu Sài Gòn, một đơn vị biệt động quân của địch được lệnh đặt mìn phá hủy cầu để chặn bước tiến của quân ta. Huỳnh Bá Thành đã nhờ Huy - một vị dân biểu là con rể của Dương Văn Minh bạn thân của chỉ huy đám lính biệt động quân chốt giữa cầu Sài Gòn - yêu cầu đừng phá sập cầu. Lúc ấy Sài Gòn rất náo luận nhưng Huy vẫn đến được tận chân cầu gặp trực tiếp tay chỉ huy yêu cầu giữ nguyên cây cầu với lý do: chừa đường cho đám tàn quân ở Long Khánh chạy về Sài Gòn. Nhờ vậy, xe tăng và quân của ta có đường xâm nhập vào thành phố…

Chờ ông ngưng lời nhấp ngụm trà, cô nhà báo trẻ hỏi:

- Thưa ông, vì sao gọi A10 là tình báo chính trị ạ?

Ông cười hồn nhiên:

- Có lẽ trên thế giới chưa có hoạt động tình báo nào như cụm A10. Họ không được trang bị bất kỳ máy móc, thiết bị nào cả. tất cả các thành viên của cụm đều không có đồng lương nào. Hoạt động vì lòng yêu nước, vì nhiệt tình tuổi trẻ và vì cách mạng. Gọi là tình báo chính trị vì hoạt động của cụm luôn bám các chủ trương của địch mà đánh. Đánh bằng chính trị. Tính từ năm Bảy hai đến đầu năm Bảy lăm, Thiệu ban hành hơn sáu mươi sắc lệnh để thủ tiêu quyền dân chủ, khủng bố tất cả những ai không đồng ý với ông ta. Thông qua A10 Thành ủy đề ra các khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành, từng thời điểm để đấu tranh với Thiệu. A10 đã linh hoạt để xoay chuyển hình thức, quy mô đấu tranh chính trị một cách linh hoạt, phù hợp, sát thực tế nên lôi kéo, cuốn hút được nhiều thành phần trung gian, nhiều sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền giúp phong trào đấu tranh biểu tình vừa có hiệu quả, vừa bảo toàn được lực lượng, góp phần thúc đẩy nhanh sự khủng hoảng chính trị trong chính quyền Sài Gòn. A10 đã làm các sắc lệnh của Thiệu bị vô hiệu , thậm chí để biến các sắc lệnh ấy trở thành chứng cứ tố cáo Thiệu.

- Hầu hết những thành viên của A10 đều không qua đào tạo nghiệp vụ tình báo?

Ông lại cười:

- Đúng. Nếu có thì chỉ là những buổi nói chuyện mang tính bình luận thời sự hơn là học nghiệp vụ. Mỗi thành viên A10 đều tự tìm cho mình một phương thức hoạt động. Ấy vậy mà, suốt thời gian hoạt động, cho đến ngày toàn thắng không một thành viên nào của Cụm A10 bị địch phát hiện. Nhắc chuyện này khiến tôi nhớ đến một nữ giao liên của A10. Cô này là em vợ Bá Thành, lúc đó đang là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, chưa từng tham gia phong trào sinh viên lần nào và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm hoạt động bí mật. Thời điểm đó, Bá Thành bị theo dõi nên không thể tiếp xúc trực tiếp với H3. Thế là Bá Thành nhờ cô em vợ này trao một tài liệu quan trọng cho H3. Bá Thành dặn cô đến địa chỉ hẹn, chờ gặp một người thanh niên. Nếu anh ta nói đúng và trả lời đúng mật khẩu thì giao tài liệu được hóa trang thành điếu thuốc lá. Sau lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ thành công, cô này xin được nhận nhiệm vụ luôn mà không biết đó là làm tình báo. Sau này, khi đó là nhiệm vụ tình báo thì cô đã trở thành một cán bộ đầy kinh nghiệm từ bao giờ.

Cô nhà báo toan hỏi thêm điều gì đó, ông ôn tồn bảo:

- Khi đất nước thống nhất rồi, một số anh em trong A10 được chuyển về công tác tại Công an Thành phố, một số chuyển sang làm báo, luật sư. một số khác vẫn tiếp tục ẩn thân hoạt động, bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng khác để bảo vệ an ninh tổ quốc và giữ bình yên cuộc sống cho mọi người. Hồi mới hòa bình, tôi chỉ đạo “đại úy bác sĩ thủy quân lục chiến” Khánh Duy vẫn ra trình diện quân cách mạng như bao nhiêu anh em binh sĩ ngụy khác. Khánh Duy vẫn đi học tập cải tạo. Nhưng sau đó, vì thấy không cần thiết duy trì vỏ bọc đó, Khánh Duy được chuyển về công tác tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện giờ, Khánh Duy là giám đốc một trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện ở Thanh Đa; Minh Trí là luật sư trưởng văn phòng luật sư Trí Việt; Hai Phương là một nhà báo; Ba Hoàng đã mang hàm Thiếu tướng Công an… Có người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, có người đang được đề nghị.

Ngưng một chút, ông nói tiếp như để kết thúc cuộc trò chuyện:

- Không thể kể hết tất cả mọi thứ được. Với tình báo, chạm vào bất kỳ điểm nào, ngóc ngách nào cũng có thể biến nó thành một câu chuyện dài nhiều tình tiết…

Ông nhắm nghiền mắt, dựa người vào thành ghế nghỉ ngơi. Sức khỏe của ông dạo này không được tốt lắm. Nhưng tiềm ẩn trong cơ thể yếu ớt vì tuổi già đó, một sức sống mãnh liệt luôn tồn tại.

Trại sáng tác Đà Lạt 2009

Trại sáng tác Nha Trang 2010

Nông Huyền Sơn
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM