Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:05:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồ sơ cuộc chiến chống FULRO: Nước mắt, máu và nụ cười  (Đọc 12450 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #10 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2017, 05:37:27 pm »

Kỳ 11: TRỐN THOÁT VẪN CÙNG ĐƯỜNG

Vẫn như thông lệ của những chuyến xe trước, chiếc Peugeot 404 chở đoàn của ông K,Cháp chạy phía trước, hai chiếc xe chở Phó giám đốc Vũ Linh và đội trinh sát đặc nhiệm chạy phía sau. Thế nhưng, bất ngờ chiếc xe của đội đặc nhiệm bị trục trặc giữa đường, buộc phải dừng lại sửa chữa. Khi xảy ra sự cố, các anh đã đến chậm ít phút nên không xử lý kịp thời tình huống bất ngờ. Về phía đại tá Vũ Linh, do khi thấy việc “giải quyết” số Fulro trên chiếc xe Peugeot đã an toàn, ông thúc hối lái xe của mình chạy thật nhanh về Đà Lạt để vừa kiểm tra nơi “đón tiếp” đoàn của ông K,Cháp, vừa điện thoại phối hợp và chỉ đạo với đồng chí Nguyễn Văn Độ, các trinh sát an ninh nghiệp vụ, Cục an ninh Bộ CA và Ty CA Đà Nẵng chuẩn bị “đón” toán của ông Ha Pút, để họ thấy thật yên tâm về mọi khâu, nhằm đạt được những kết quả như mong đợi. Về đến Đà Lạt cả gần một tiếng đồng hồ, đồng chí Vũ Linh vẫn chưa nghe báo gì về đoàn xe chở ông K,Cháp. Nghi có chuyện chẳng lành, ông vội kêu tài xế chạy ngược đường xem sự thể ra sao. Đến Cầu Đất - Xuân Trường, nhìn cảnh tượng người và xe cộ, ông hiểu ra cớ sự. Rất tinh nhạy, ông vội điện báo cáo đồng chí giám đốc rồi chỉ đạo lãnh đạo các phòng nghiệp vụ trinh sát “ở nhà” xử lý. Ông cũng vội cấp báo tin xấu với các thành viên ban chuyên án đang ở Đà Nẵng và yêu cầu “cầm chân” Ha Pút cùng số Fulro theo ông ta để bàn phương án “vá lưới”. Ngay sau đó, ông vội lên xe riêng, “chỉ đạo” tài xế chạy xe với vận tốc trên 100 km/giờ để kịp đến Đà Nẵng càng sớm càng tốt, ngay trong đêm.

Việc bắt Ha Pút lúc này là “hạ sách” và không hề có trong kế hoạch, bởi chuyến đi của Pút nhiều chỉ huy “TW Fulro” biết. Nhưng để Pút hoặc một thành viên nào trong đoàn cùng đi với Pút trở về rừng lúc này cũng là không ổn. 7 tên Fulro tháo chạy sẽ có cách buộc số người này khai ra những gì họ đã tận mắt thấy ở Đà Nẵng. Và như vậy, “hội Caritas” sẽ lập tức bị Fulro nghi ngờ. Để kế hoạch câu nhử vẫn có thể tiếp tục, chỉ có cách tạo một cuộc gặp gỡ, “làm việc” y như thật giữa đại diện của “tổ chức Caritas” và những người có thể tạm gọi là “phái đoàn cấp cao của Fulro” mà Ha Pút luôn tự cầm chắc có tên mình trong số đó. Phải mất nhiều giờ bàn bạc, trao đổi, cuối cùng thì các ông Ya Đuk, Lơ Mu Yem cũng chấp nhận “diễn kịch” với yêu cầu cao hơn. Đồng chí Hàn Thái - người vào vai “Tổng thư ký của hội Caritas” “nhập vai” khá đạt. Ông giả bộ đùng đùng nổi giận, bất bình về việc 7 tên Fulro chạy trốn sẽ gây nhiều khó khăn cho sự “hợp tác” của hai phía. Nghe vậy, nhóm Ha Pút tỏ ra rất giận Ha Póh đã âm mưu - một lần nữa làm phản, gây khó khăn cho Fulro, nên đề nghị phía “chỉ huy Fulro” cùng tìm phương án giải quyết. Quyết định truy bắt 6 tên Fulro chạy trốn cùng Ha Póh được ông Ya Đuk ban ra. Theo đó, bọn Ha Póh chính là những kẻ âm mưu làm phản, mọi lời nói của họ không thể nghe theo. Các liên lạc viên của Ha Pút nhanh chóng nhận lệnh lên đường theo anh Ba Bình chuyển các quyết định này khắp các căn cứ Fulro. Bảy tên Fulro kia cũng chẳng hiểu mình đã chạy thoát khỏi “hội Caritas” nghĩa là hội gì. Nhưng khi họ vừa bén mảng trở về thì bị bắt và đe dọa chờ Ha Pút về xử lý. Quá tức tối vì chẳng ai nghe, ai tin, lại bị xua đuổi, hết đường trú ẩn, một số Fulro này đã bỏ rừng, bỏ hàng ngũ Fulro trở về với gia đình. Số còn lại liên lạc với các “chim mồi” của ta để đi gặp ông Ya Đuk tạ tội. Sau nhiều ngày tổ chức cho các ông Ya Đuk, Ha Pút... đi chơi xứ biển Đà Nẵng để giúp họ lãng quên đi những ngày cực khổ ở rừng, cuối cùng, ban chuyên án cũng cho ông Ha Pút biết, “hội Caritas” chính là CA.

Thời điểm này, thông tin về số Fulro tìm đường “xuất ngoại” theo ông Ya Đuk đã lan rộng. Do không cùng “cánh” với ông Ya Đuk, sợ bị mất “quân”, Paul Yưh và số chỉ huy TW Fulro người Ê Đê lập tức liên lạc với số chỉ huy Fulro đang đóng quân ở bên kia biên giới “nại” ra một cái lệnh của thủ tướng Fulro để có cớ trừng trị số Fulro người K,Ho. Từ “TW Fulro”, liên tục có các chỉ thị, chỉ đạo, yêu cầu số Fulro có cấp bậc “tá, úy” phải có mặt để họp và phải chịu trách nhiệm về việc để mất quân số. Mặt khác Fulro tiến hành “tổng động viên” (lôi kéo thanh niên vào rừng theo Fulro). Nếu ai không nghe sẽ bị trừng trị. Do rất sợ những Fulro người Ê Đê nên những người theo Fulro thuộc các dân tộc khác như Mạ, M,Nông, K,Ho, Ba Na... tỏ ra hoang mang cực độ. Một số Fulro cốt cán như “trung tá” K,Ty, “thiếu tá” Tonéh Tông vội vã tìm cách liên lạc với anh Bình, anh Phi và các thành viên của “hội Caritas” nhằm được đi theo ông Ya Đuk.

Vào các ngày 14-11 và 11-12-1980, ta tiếp tục “đón” thêm hai chuyến nữa, nâng tổng cộng 98 Fulro trở về. Tất cả họ đều được giáo dục, làm công tác tư tưởng và đều tỏ ra phục thiện. CA các tỉnh Trà Vinh, Đà Nẵng, Vũng Tàu giúp ta quản lý những người này chờ kết thúc chuyên án.

“KẾ HOẠCH PHƯỢNG HOÀNG” - MỘT ÂM MƯU THÂM ĐỘC

Trước đó, ngày 10-12-1980, theo quy định, anh Ba Bình đến liên lạc với “trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi. Sa Mol dẫn anh Bình đến gặp một tên Fulro xưng là “thiếu tá”. Vừa nhìn thấy hắn, anh Thạnh cũng phải rùng mình khi chạm phải cặp mắt sắc lẻm, dữ dằn và gian tà. Cạnh hắn có bốn tên lính cầm súng chĩa bốn phía. Vừa thấy anh “Bình”, tên “thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh Thạnh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên Fulro xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sach này gồm bốn Fulro cao cấp là các “trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl MBột và “thiếu tá” Tou Néh Đen - “tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang” cùng một số Fulro cấp “úy”. Hắn nói rằng những người này đã có mặt trên núi Voi, rất mong được đi sớm. Ngày 20-12-1980, số liên lạc của Fulro ở địa bàn xã Tân Hội (Đức Trọng) báo với anh Bình có một toán Fulro khác ở hướng này do Chaghiđin cầm đầu cũng muốn đi. Có hai “thiếu tá” xin đi gặp Ya Đuk.

Vẫn như mọi lần, anh Ba Bình chẳng hề tỏ ra nghi ngờ điều gì hay có nghi ngờ anh cũng giấu kín trong lòng vì không muốn làm nhụt ý chí đồng đội. Mặt khác, anh cũng lo ngại rằng, nếu không “đón” tiếp hai chuyến này sẽ làm mất cơ hội, nên khi lãnh đạo ban chuyên án hỏi đến, anh vẫn quyết định “lên đường”. Thế nhưng, anh đâu thể ngờ, tấm lòng anh hoàn toàn trong sáng và trái tim nhân hậu của anh chỉ nghĩ rằng, những chuyến xe anh đi “đón” những người theo Fulro là giúp kéo họ trở về với cuộc sống bình thường, với gia đình, buôn làng của họ; nhưng một số tên Fulro đã trở thành những kẻ ích kỷ, độc ác mất rồi. Bọn chúng “đón” anh bằng “lưỡi hái tử thần” mà anh chẳng hề cảnh giác, chẳng hề hay biết!

Một buổi chiều đầu tháng 7-2010, Đà Lạt bất ngờ đổ cơn mưa thật buồn, thật lâu. Anh Trần Hữu Phi, một trong hai anh may mắn sống sót trong trận bị bọn Fulro tập kích đã nhận lời mời của chúng tôi đến quán cà phê trên phố Nguyễn Chí Thanh - Đà Lạt và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện các anh bị Fulro sát hại 30 năm trước. Hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu đã anh dũng hy sinh...

Đúng 4 giờ ngày 23-12-1980, các anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón hai toán Fulro như đã hẹn. Do cả hai địa điểm cùng nằm trên đường Quốc lộ 20 nên các anh cùng xuất phát và dự định đón toán Fulro tại điểm hẹn thuộc xã Định An, huyện Đức Trọng (đoạn đặt trạm thu phí trên đường cao tốc hiện nay), sau đó sẽ cùng đến xã Tân Hội. Khi vừa tới, các anh đã nhìn thấy một vật cản bên đường của Fulro. Nhận ra “ám hiệu”, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước. Từ bụi cây ven đường, hai tên Fulro bước ra và nói các anh chạy xe vào khoảng 50m. Các “chỉ huy Fulro” của chúng sợ việc đi bị lộ nên năn nỉ các anh dời điểm hẹn. Tuy nhiên, khi các anh chỉ đồng ý chạy một xe vào sâu hơn, còn một xe đứng ngoài đường đợi thì bọn Fulro không chịu. Chúng năn nỉ các anh cho hai xe cùng vào tận nơi số Fulro đang ẩn nấp, bởi việc ra đi của chúng sợ có kẻ khác theo dõi, trả thù. Xe chạy được 50m, chúng lại “xin thêm” hơn 50m nữa. Trước tình huống này, cả 4 trinh sát đưa mắt hội ý và cùng chấp thuận. Xe vừa vào sâu trong cửa rừng, bất ngờ, gần 20 tên Fulro lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn tức tối. Gần chục tên lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Một tên ngăn lại nói: “Thôi, đưa chúng về cho thiếu tá xử lý”. Sợ dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ (cây xấu hổ) quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cây mắc cỡ có gai mọc dày. Bàn tay thô ráp, chai sần của chúng bẻ cây dễ dàng, nhưng khi chúng trói các anh, hàng ngàn cái gai nhọn đâm vào tay và gãy trong đó khiến rướm máu, buốt đau. Nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn Fulro như thỉnh thoảng chúng vẫn làm với các anh trong mấy chuyến trước để buộc các anh thấy sợ hãi mà khai ra, các anh chính là CA đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #11 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2017, 05:38:07 pm »

Kỳ 12: ANH HÙNG LÂM VĂN THẠNH

Thời đó, khu vực này rất thưa thớt dân cư, chỉ có vài ngôi nhà nằm lẩn khuất, lẫn trong những cánh rừng và vườn chuối. Hầu hết đều là nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. Chiếc xe đi yểm trợ các anh giờ này có lẽ đang quần trên Quốc lộ 20 ngóng tìm các anh và không hiểu nổi vì sao các anh lại để “mất dấu”. Rút kinh nghiệm từ mấy lần trước, chiếc xe theo yểm trợ các anh sẽ không xuất hiện sớm vì sợ toán Fulro lởn vởn quanh đó nghi ngờ, cảnh giác. Cứ ước chừng khi xe đón đoàn Fulro đã lăn bánh trên đường quốc lộ, thì đội đặc nhiệm bám theo cũng đủ an toàn. Thế nhưng, hôm nay gặp một tình huống mà các anh phải tự quyết định... Trời lạnh 10 độ, ai nấy da thịt tím bầm, mình sởn gai ốc. Cảm giác vừa căm giận vừa rét khiến hàm răng các anh run lên cầm cập. Có anh bậm môi đến bật cả máu...

Đây không phải là lần đầu tiên anh Thạnh bị tra tấn kiểu này. Trước đó, trong chuyến đầu tiên đón ông Ya Đuk, anh và anh Nguyễn Duy Hưng đã bị 6 tên Fulro đánh phủ đầu bằng những trận đòn bất ngờ, hiểm độc để “dọn đường” cho “ông lớn” của chúng. Rồi một lần khác, trong chuyến đón toán có ông Ha Pút, 4 tên Fulro người M,Nông đã ám sát bộ đội, lấy đồ của các anh mặc, giả lả chào đón anh “Bình” khi anh vừa vào đến điểm hẹn và hỏi anh có phải là CA đang làm nhiệm vụ không? Cần gì chúng sẽ hỗ trợ. Bằng con mắt nhà nghề, nhận ra sự giả mạo này, anh “Bình” đã bằng mọi cách buộc chúng tin anh là người của một tổ chức phi chính phủ, đang giúp đỡ Fulro. Chưa tin anh, bọn chúng đánh anh túi bụi cũng bằng báng súng, gậy và đá. Nhưng anh vẫn tỏ rõ kiên cường. Bù lại, nhiều chuyến đi, anh Thạnh thấy vui và hạnh phúc đến khó tả. Một số Fulro tỏ ra rất thân thiết và yêu mến anh. Có người khi nhận được cả bao bánh mì, thuốc lá và ở lại rừng vì chưa được số “cấp trên” cho đi đã ôm anh khóc rưng rức, luôn miệng khen “Anh Bình tốt quá. Nhớ xin cho em một suất đi với!”. Rồi những lần tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc tụng bình an, may mắn sau mỗi chuyến xe anh đi đón Fulro và lại đưa “chim mồi” trở lại rừng, hay những lần anh đi “bắt liên lạc”... Mọi kỷ niệm vui, buồn suốt hơn 4 tháng nay hiện lên trong anh. Anh nhớ tới người vợ hiền tuổi đời còn rất trẻ, vì cùng ngành nên chị hiểu công việc anh đang làm, chẳng hề dám ngăn cản. Anh mường tượng và hình dung căn phòng tập thể của chị với anh, những bữa cơm đạm bạc chỉ có một mình chị. Có lần, vào một buổi tối, anh trở về nhà, bắt gặp chị đang ngồi chống đũa, uể oải một mình bên mâm cơm, trên má chị giọt nước mắt lăn dài. Vừa thấy anh, chị ôm chầm lấy, miệng cười tươi như trẻ nhỏ. Chị Nga lúc này đã có mang ba tháng. Anh từng nói với chị rằng, là con gái hay con trai anh cũng đều khuyến khích con theo ngành CA. Chị cãi lại, giọng hờn dỗi, nếu là con trai mới cho đi CA, con gái thì cho học làm bác sĩ để biết cách chăm sóc cả vết thương lòng, những khi chồng vì nhiệm vụ cứ bỏ đi hoài. Lúc đó, anh thấy thương chị quá. Anh Diêu cũng ở hoàn cảnh y như anh Thạnh. Nghĩa là, cũng chỉ 7 tháng nữa thôi, cả hai anh sẽ cùng lên chức “bố”. Nhưng chị Nhi có vẻ may mắn hơn vì gia đình chồng chị ở cách Đà Lạt 30 cây số, trong khi anh Thạnh và chị Nga đều cảnh xa quê. Anh Thạnh, anh Phi, anh Diêu đã cùng hẹn, tối mai là Noel, chuyến này, ban chuyên án chỉ đạo các anh đưa số Fulro về Đà Lạt. Giải quyết công việc trong hôm nay, ngày mai anh sẽ trở về làm cho vợ anh giàn đậu đũa, xới lại mảnh vườn để chị trồng mấy luống rau, sau đó mời anh Tư Cho tới nhà dùng bữa cơm tối, rồi sẽ cùng vợ chồng chị Nhi - anh Diêu, anh chị Phi - Loan và cả anh Tư Cho đi chơi lễ Noel. Có lẽ nào lần này anh phải khất vợ và mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa...

Một cú thúc vào bên hông của tên Fulro kè ngay bên làm anh Thạnh suýt ngã dúi xuống. Bọn chúng bịt mắt các anh, quần áo dài thì bị lột hết chỉ còn độc chiếc quần đùi cộc nên các anh bị gai và cây rừng cứa vào da thịt, tứa máu. Do bọn chúng đoán anh Thạnh giỏi võ nên trói anh chặt hơn và cắt cử đến bốn tên luôn kè sát, thỉnh thoảng lại đánh anh để anh mất sức. Đi khoảng gần 1 cây số, do bị đói lâu ngày, bọn chúng dừng lại, chia nhau đồ ăn thức uống rồi nhai ngấu nghiến. Mấy tên canh gác anh Diêu thì hả hê nằm ngửa mặt nhìn trời, hú lên như vượn, coi bộ thỏa mãn lắm. Không ai bảo ai, trong đầu các anh Thạnh, Cho, Phi, Diêu lúc này đều nghĩ rằng, có cơ hội nào bỏ chạy được là chạy thôi. Chỉ cần thoát được, kêu lên sẽ có anh em trinh sát đang ém quân trong rừng ứng cứu.

Nhận ra mình đang “được” lơi lỏng nhất, anh Diêu đưa tay lên giật văng tấm vải che mặt rồi bất ngờ vụt bỏ chạy. Ba bốn tên Fulro lập tức đuổi theo. Một tên vác súng xả đạn về phía anh. Từ phía sau lưng anh, một viên đạn xé gió xuyên lồng ngực làm anh Diêu đổ gục xuống. Anh nằm đó, trái tim đã ngừng đập mà ánh mắt vẫn ánh lên niềm hy vọng. Có lẽ anh mong cho các đồng đội, đồng chí thân thiết của anh sẽ thoát khỏi vòng vây của những tên Fulro độc ác. Vài tên Fulro chạy lại phía anh Diêu. Thấy anh đã chết, sợ hết đạn, chúng không làm gì thêm nữa mà bỏ đi đến chỗ các anh Phi, Cho, Thạnh. Tên mặt choắt lại gằn từng tiếng một:

- Tụi mày nhìn đó. Thằng nào còn dám bỏ chạy, tao sẽ bắn nát óc chứ không phải chỉ như thằng kia đâu.

Nói rồi hắn lầm rầm chửi thằng đen gầy vừa bắn anh Diêu vì tội súng gì toàn đạn lép. Sau đó hắn hối thúc cả bọn lên đường, kiểm tra lại dây trói các anh cho thật chặt rồi phần công mấy tên dùng nòng súng gí vào lưng các anh như dẫn giải tù binh.

Anh Phi nhớ lại: Lúc đó, tôi muốn đổ quỵ xuống vì uất ức, vì đau. Vẫn biết rằng ở vào giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết như thế đó, mỗi người đều nghĩ cách để tìm con đường sống cho mình, cho đồng đội của mình. Diêu đã hy vọng chạy thoát để đi báo anh em tới giải cứu chúng tôi nhưng không ngờ bị bọn chúng ra tay quá độc ác. Nhưng nghĩ Diêu nằm lại đó, cũng gần đường, gần xe, sớm muộn gì cũng được anh em tới đưa về, còn chúng tôi đinh ninh mình sẽ bỏ xác trên núi Voi...

Nếu có dịp đến TP. Đà Lạt, quý độc giả có thể dừng lại ở trạm thu phí trên đường cao tốc và nhìn lên núi Voi, quý vị sẽ thấy nó hùng vỹ đến nhường nào. Cùng với dãy Bi-doóp - núi Bà - Lang Bian, nơi ông Ya Đuk từng trú ẩn, núi Voi nổi tiếng là một trong những ngọn núi cao, hiểm trở, trùng trùng, lớp lớp những cánh rừng già nổi tiếng ở Tây Nguyên.

Mặc dù việc đi và luồn rừng với các chiến sĩ CA tham gia “đánh án” Fulro không xa lạ gì, thế nhưng hôm nay các anh cũng thực sự cảm thấy kinh hãi vì kỷ lục vượt rừng của mình, đúng hơn là bị Fulro lôi đi. Bàn chân các anh nát bươm và bỏng rát. Bọn Fulro đang áp giải các anh cũng sợ bị lạc đường nên lúc nào bị mất phương hướng, chúng lại thả con khỉ mặt đỏ đi trước và đi theo nó. Bọn chúng tính đưa các anh về một căn cứ do tên “thiếu tá” Knêk cầm đầu. Chính tên này đã gặp anh Thạnh qua tên “trung úy” Sa Mol và lừa anh bằng bản danh sách có bốn tên “trung tá” muốn xuất ngoại.

Khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, bọn chúng đưa các anh qua đỉnh núi Voi và tiếp đến đỉnh Hòn Bù ở phía bên kia quả núi.

Dường như đã thấm mệt, bọn chúng dừng lại ở đây để tra khảo các anh. Một vài tên lại gần, giật những tấm vải che mặt của ba anh, xốc nách dồn các anh vào một góc rồi dùng chân đá các anh đau điếng. Anh Thạnh bị chúng lấy dây dù trói cả hai chân lại. Nhất cử nhất động bọn chúng làm gì cũng đều có vài tên đồng bọn gí súng vào đầu các anh và quát: “...Nhúc nhích là tao bắn”. Lúc này các anh mới nhìn kỹ tên mặt choắt. Hắn chính là tên cầm đầu toán Fulro này. Đôi mắt hắn vằn từng tia máu đỏ trông rất dữ tợn.

- “Đoàng”!

Tên mặt choắt lia khẩu súng, một con thú rừng, gần giống sơn dương vừa chạy qua, bị trúng đạn giãy chết. Nhưng bọn chúng không làm thịt ăn ngay mà dùng lưỡi lê mổ bụng, moi hết nội tạng và đào một cái hố chôn bộ lòng xuống. Tên mặt choắt này cũng được gọi là “thiếu tá”. Hắn nói đại ý rằng, không muốn chia công trạng “bắt được tình báo cộng sản” cho “thiếu tá” Knêk nên dừng ở đây để tự xử lý. Hắn kêu đám lính đưa bao tải đựng quần áo của các anh lại gần và chọn lấy cho mình một bộ quần áo cùng một đôi giày, vớ ấm và đẹp nhất. Số còn lại, hắn ngồi liệt kê công, tội của đám lính đi theo rồi “thưởng” cho đứa được cái quần, đứa cái áo, đứa đôi vớ... Do buổi sáng, trời lạnh, có anh mặc chồng lên 2 - 3 cái áo nên việc chia chác của tên mặt choắt coi như tạm ổn. Có vài tên chỉ nhận được đôi vớ đã cãi nhau chí choé. Thấy thế, tên mặt choắt giơ súng dọa bắn bỏ, khiến chúng im bặt...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #12 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2017, 05:38:37 pm »

Kỳ 13: NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRƯỚC HỌNG SÚNG KẺ THÙ

Tên mặt choắt B,ré Niê với tay lấy chiếc bình đựng rượu mà đám lính bày sẵn trước mặt, ngửa cổ nuốt ừng ực rồi tiến lại gần các anh:

- ...Nói mau! Tụi mày có phải là Công an Lâm Đồng không? Có phải là tình báo cộng sản không?

Do có sự chuẩn bị từ trước, bởi các anh đã tiên liệu rằng, làm nhiệm vụ này sớm muộn gì cũng bị rơi vào tay đối phương, nên các anh đều lựa câu trả lời để chúng tin các anh không phải là công an. Anh Thạnh nói rằng anh là Nguyễn Văn Bình, tự Ba Bình, thành viên của hội Caritas. Anh Trần Hữu Phi có “thẻ hội viên” mang tên Trần Văn Hai, nên cũng nhất quyết khai mình là Trần Văn Hai. Còn anh Nguyễn Văn Cho thì nhận mình là lái xe thuê, vì ham kiếm tiền, được anh Trần Văn Hai giới thiệu lái xe cho “hội Caritas” để giúp đỡ Fulro...

- Cái miệng tụi bay không lừa được tao đâu. Tụi bay đích thị là tình báo cộng sản nên mới không sợ chết. Hôm nay tao sẽ cho tụi bay được chết.

Nói rồi, tên mặt choắt dùng báng súng đánh các anh. Sau đó, hắn kêu bọn lính xốc nách các anh dậy, lấy những mảnh vải che mặt các anh lại và xếp các anh đứng thành hàng. Âm mưu thủ tiêu của chúng đã rõ ràng. Rất nhanh mắt, các anh đã nhìn thấy phía trước là một cái vực sâu thăm thẳm. Có lẽ bọn chúng định vứt xác các anh nơi đây...

- Chạy đi các anh!

Bất ngờ tiếng hô của anh Thạnh và bóng anh lộn nhào để tính lăn xuống lòng vực. Chỉ một giây chần chừ, cả anh Phi và anh Cho hiểu rằng phải chạy thoát khỏi nơi đây. Một loạt đạn bắn đuổi theo và cả vài tiếng đạn vang lên khô khốc phía các anh vừa chạy thoát. Anh Phi gục khóc bên bờ suối. Phía sau kia, anh Thạnh đã vĩnh viễn nằm lại.

- Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình chạy thoát, không hề bị mảnh đạn nào găm vào người. Bọn chúng đeo 4 - 5 khẩu súng, nhưng chắc súng không đủ đạn. Lúc đó anh em chỉ nghĩ rằng, theo phản xạ cứ chạy khỏi cái chết hiển hiện trước mắt, còn chết thế nào là một chuyện khác. Nghe súng nổ, tôi cứ ngỡ súng bắn trúng mình. Lúc ấy, toàn thân tê dại, chẳng thể nhận biếât nổi điều gì nữa. Tôi khóc, gọi cả tên anh Tư Cho vì nghĩ anh cũng trúng đạn. Anh Tư Cho thì nghĩ chỉ mình anh may mắn sống sót. Sau này, anh Tư Cho đã nói với tôi như vậy.

Anh Phi bùi ngùi hồi tưởng lại những giây phút kinh hoàng.

Khoảng 11 giờ đêm đó, anh Phi lần theo hướng hồ Tuyền Lâm, men theo triền dốc núi Voi rồi đến đồi pháo binh và tìm được đến trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng. Anh được đưa về trạm xá CA tỉnh để điều trị những vết thương trên thân thể. Kinh khủng nhất là bàn chân anh bị giẫm vào cỏ tranh muốn rách nát. Trùng hợp thay, dù không rành đường trên Tây Nguyên, nhưng anh Tư Cho cũng tìm được đường xuống núi, lần mò sao anh cũng về được đúng trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng rồi được đưa vào trạm xá của ngành như anh Phi.

LẶNG TÌM ĐỒNG ĐỘI

Dù những vết thương trên người đau nhức, nhưng cả hai anh vẫn nhất quyết đến nhà tang lễ để nhìn anh Diêu lần cuối. Một trung đoàn cảnh vệ do thiếu tá Trung Sơn - Phó trưởng phòng dẫn đầu theo hướng các anh Phi và Tư Cho vẽ lại đã lên đường đến đỉnh Hòn Bù tìm xác anh Lâm Văn Thạnh. Thế nhưng, suốt cả đêm trường và mãi đến hết một ngày hôm sau, các anh cũng không tìm ra chỗ bọn chúng đã tra khảo và giết hại anh Lâm Văn Thạnh, bởi dãy núi quá rộng lớn. Cuối cùng, các anh quyết định chờ thêm hai ngày để bộ lòng con thú rừng mà bọn chúng chôn nơi tra khảo các anh đến thời kỳ phân hủy, bốc mùi lên mới có thể tìm được đến. Đúng như nhận định của các anh, ngày 25-12-1980, một trung đoàn cảnh vệ CA Lâm Đồng, sau gần một ngày vượt qua nhiều dãy núi, lần theo những vỏ hộp, bịch xốp, rác thức ăn mà bọn Fulro lấy trên xe của nhóm anh Thạnh, đã tìm đến đỉnh Hòn Bù, khu vực chúng sát hại anh Thạnh. Mùi đặc trưng của bộ lòng động vật đang thời kỳ phân hủy đã giúp các anh khoanh vùng và dễ dàng tìm được xác anh Thạnh. Sau khi bắn anh Thạnh chết, có lẽ vì kiêng kỵ, bọn chúng giấu xác anh vào một hốc cây và úp mặt anh lại. Anh Thạnh được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Đà Lạt trong nỗi tiếc thương vô hạn của bao người! Mãi mãi anh không bao giờ còn được thấy vợ và con gái của mình nữa. Thế nhưng, trong trái tim mọi người, anh Lâm Văn Thạnh và anh Nguyễn Ngọc Diêu mãi là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả.

Ngày 23-12-1982, liệt sĩ Lâm Văn Thạnh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trở lại với anh Nguyễn Ngọc Diêu. Buổi sáng định mệnh đó, ông Tư Vũ cùng với Ban chuyên án có cuộc họp đột xuất với Cụm an ninh Tây Nguyên về tình hình Fulro đang tìm cách kéo thanh niên ra rừng. Mặt khác chúng đang tìm mọi cách chống phá ta dữ dội. Đồng chí Vũ Linh vì thế đã không theo xe đi như thường lệ. Theo tính toán của ông, việc đi đón hai toán Fulro này xuất phát từ 4 giờ sáng. Ta sẽ khống chế và bắt giữ họ tại một điểm sau hai tiếng đồng hồ, rồi theo đường QL11B trở về Đà Lạt. Như vậy, chậm nhất là 9 giờ đoàn đã về rồi. Thế nhưng, ông Tư Vũ chờ mãi vẫn không thấy các anh đâu. Bằng linh cảm nghề nghiệp, đại tá Vũ Linh điếng hồn khi nghĩ rằng, có thể các anh đã bị lộ và bị lọt vào bẫy của những tên Fulro ngoan cố.

Dưới sự chỉ đạo của Phó giám đốc Tư Vũ, lực lượng CA phong toả toàn bộ khu vực điểm hẹn đầu tiên đón Fulro. Sau khi đi qua khỏi rừng cây rậm rạp bên đường, các anh đã nhìn thấy hai chiếc ôtô vẫn còn nháy đèn pha mà không thấy bóng người. Các anh vội tỏa đi tìm và phát hiện xác anh Diêu. Mọi người lại chia nhau đi các ngả với hy vọng sẽ cứu được các anh còn lại, nhưng những cánh rừng trong núi Voi dày rậm rịt, cuộc kiếm tìm coi như vô vọng.

Anh Diêu được đưa về Đà Lạt khi trời đã ngả về chiều. Bởi một số người già trong làng người đồng bào dân tộc thiểu số gần đó nghe tin đã tìm đến xin làm lễ cúng anh theo đúng phong tục của làng dành cho những người con của núi rừng.

Đây có lẽ là những lần hiếm hoi trong cuộc đời, ông Tư Vũ khóc.

NƯỚC MẮT NHỮNG NGƯỜI VỢ TRẺ

Cả hai chị Trịnh Thị Nhi và Trịnh Thị Nga, vợ của hai liệt sỹ Nguyễn Ngọc Diêu và Lâm Văn Thạnh đều cùng vừa nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm trung tá An ninh thuộc CA Lâm Đồng. Cả hai chị thời gian qua đều công tác tại Phòng hậu cần CA tỉnh. Ngoài việc có sự trùng lặp về họ, tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh; hai chị còn có một điểm chung khá thú vị khác: họ cùng có hai cô con gái đang là các nữ trung úy CA. Con gái của anh Nguyễn Ngọc Diêu là Nguyễn Trịnh Hồng Nhung, còn con gái của anh Lâm Văn Thạnh là Lâm Quỳnh Hương. Hai trung uý trẻ cũng vừa cùng lập gia đình và cùng lên chức mẹ. Chính những điểm chung này đã kéo hai chị Nhi và Nga trở nên đôi bạn thân thiết suốt 30 năm qua.

Chị Nga sau đó đã đi thêm một bước với người đồng đội, đồng chí của mình và cũng là bạn của anh hùng Lâm Văn Thạnh. Có lẽ cuộc hôn nhân mới hạnh phúc này đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của chị, làm ấm lòng các chú, các anh đã tin tưởng giao cho anh Lâm Văn Thạnh “vai chính” trong một chiến dịch “đặc biệt”.

Chúng tôi đến thăm chị Nhi vào một buổi chiều nắng đẹp. Chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 53 của mình. Vì mối tình sâu nặng với anh Diêu, chị Nhi đã chấp nhận ở lại nuôi con khôn lớn. Chị mở tủ đưa cho tôi xem một chiếc máy xay sinh tố, xay bột cho trẻ con và kể rằng, đó là món quà mà anh Diêu đã gom góp tiền mua tặng mẹ con chị. Món quà đó, chị đã cất giữ suốt bao năm, là kỷ vật thân thiết và đầy ý nghĩa của anh. Chị kể rằng, lúc anh tham gia chuyên án, chị đang công tác tại Trung tâm dịch tễ Đà Lạt và đang có thai ba tháng. Anh thường đi suốt cả ngày. Có khi nửa đêm cũng rón rén thức dậy ra đi. Chị gặng hỏi mãi, cuối cùng anh mới nói: Anh đang làm một nhiệm vụ bí mật, không thể nói em biết được. Rồi anh dặn chị một câu nghe... phát sợ:

- Nhiệm vụ cấp trên giao cho anh yêu cầu phải tuyệt đối bí mật. Cũng có thể anh sẽ phải hy sinh. Em đừng buồn nhé. Nếu hôm nào 5 giờ chiều mà anh vẫn chưa về thì kể như “xong rồi đó nha”!

Dù anh cố nhắc đến cái chết một cách nhẹ nhàng để an ủi chị, nhưng chị vẫn sợ hãi đến phát khóc. Nhưng vì anh là một chiến sĩ CA đi con đường anh đã chọn, chị khó mà ngăn cản, chỉ nhắc anh hãy nghĩ đến vợ con. Anh mãi mãi không bao giờ trở về được nữa. Nhưng trong căn nhà của mẹ con chị vẫn luôn có bóng dáng anh. Chị đã nuôi con gái lớn khôn bằng tất cả tình yêu của anh với chị.

Có một lần, chiếc kim đồng hồ đã chỉ vào 5 giờ chiều mà vẫn chưa thấy anh về. Chị bỏ dở bữa cơm đang nấu rồi vội khoác áo đi lên cơ quan anh. Vừa ra tới cổng thì anh về. Anh vừa chạy vừa đưa tay vẫy và gọi chị từ xa: “Nhi ơi! Anh còn sống nè!”.

Nghe tin anh mất, chị đã chết lặng vì đớn đau...
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #13 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2017, 05:39:37 pm »

Kỳ cuối: THẤY GÌ QUA SỰ HÌNH THÀNH VÀ TỒN TẠI FULRO?

MẺ LƯỚI CUỐI CÙNG

Sau trận hy sinh của hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, ban chuyên án xem xét lại mọi diễn biến của Fulro và phát hiện, chính 3 đối tượng Fulro bị ta bắt về trong các chuyến trước đó đã viết thư vào một chiếc thắt lưng với nội dung “Đây là tổ chức tình báo cộng sản...” rồi gửi về rừng qua liên lạc của Fulro. Toán Fulro thứ 2 mà ta không kịp đón ngày 23-12-1980 tại xã Tân Hội (Đức Trọng) vẫn tìm cách liên lạc với anh Phi và anh Ba Bình, tha thiết chờ được đi “xuất ngoại” (?!). Nhận định của Ban chuyên án là toán Fulro này không đồng lõa với toán Fulro 1 (toán đã bắt anh em của ta) và quyết định tìm cách kéo toán này. Anh Trần Hữu Phi gặp đại tá Vũ Linh xin được thay anh Lâm Văn Thạnh làm tròn nhiệm vụ...

Trước đó, sáng 23-12-1980, như quy định, toán Fulro thứ 2 do Traghiđin cầm đầu đến điểm hẹn chờ các anh đến đón. Họ chờ đến 8 giờ, không thấy, đành rút sâu vào rừng và nghe ngóng tình hình. Ngay tối hôm đó, 4 tên Fulro từ núi Voi xuống gặp toán 2 này ra lệnh cấm không được xuất ngoại theo con đường của ông Ya Đuk, nếu tiếp tục đi sẽ mắc mưu cộng sản, ai không nghe sẽ bị bắn bỏ. Mặt khác, chúng khẳng định đã giết chết anh Bình và lái xe Hoàng (tức anh Nguyễn Ngọc Diêu), hai anh Trần Văn Hai và Tư Cho chạy thoát. Trong khi chúng đến thì có mặt hai liên lạc (“chim mồi”) của ta và định bắn hai người này vì tội lôi kéo Fulro. Nhưng toán Fulro ở đây đã xin cho họ. Trước lời đe dọa của toán Fulro Ê Đê tại căn cứ núi Voi, toán Fulro 2 vốn tin tưởng anh Bình giờ tỏ ra hoang mang, không biết đâu là sự thật. Do từng liên lạc qua thư với anh Bình và biết rõ nét chữ của anh, Traghiđin viết thư gửi anh Bình. Ban chuyên án đã cử người giả nét chữ anh Thạnh, hồi âm thư, nói rằng anh Bình hiện đang ở Vũng Tàu làm phiên dịch viên cho Tổng thư ký Caritas, có thể anh Phi sẽ đón. Anh Bình rất mong gặp lại Traghiđin cùng lời hứa sẽ đem lại cho Traghiđin và những người anh em một cuộc sống tốt đẹp. Để củng cố thêm niềm tin với nhóm của Traghiđin, ông Ya Đuk cũng viết thư kêu gọi Traghiđin hãy tin tưởng đưa anh em theo ông. Ông sẽ đảm bảo tính mạng và số phận của họ. Anh Phi quyết định một lần nữa làm “cảm tử quân” để thực hiện cơ hội hiếm có mà Ban chuyên án và đồng đội, đồng chí của anh đã vất vả tạo lập, và cũng vì lời hứa với anh Thạnh: nếu một trong hai người, ai hy sinh trước, người kia sẽ làm nốt nhiệm vụ của người ngã xuống!

Nhóm của Traghiđin rời địa điểm giáp huyện Di Linh và hẹn ngày 13-1-1981 cho xe đón họ. Đúng hẹn, anh Phi ngồi ghế thay anh Lâm Văn Thạnh, anh Nguyễn Bảo Toàn lái xe. Một tổ công tác bảo vệ được bố trí trên một chiếc xe khác. Toán của ông Traghiđin cử một đối tượng đến điểm hẹn đón hai anh Phi, Toàn rồi xin các anh cho ôtô vào sâu thêm khoảng 1 cây số. Anh Phi thoáng rùng mình khi nghĩ đến lần bị phục kích ngày 23-12 trước đó. Nhưng, không muốn để lỡ mất cơ hội, anh thương lượng và hai bên cùng đến một điểm vừa đủ để giữ an toàn. May mắn đã không xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Kết quả ta đón thêm được 8 người, trong đó có 3 “đại úy” Fulro.

Đến đây, Ban chuyên án quyết định chấm dứt phương thức câu nhử, vì không còn điều kiện cho phép. Ta chuyển sang kế hoạch tấn công bằng biện pháp khác vào hàng ngũ Fulro. Mặt khác, đưa số người từng theo Fulro, nay trở về, sẵn sàng hợp tác với ta viết thư kêu gọi Fulro về hàng. Lần lượt sau đó, các ông Rơ ông Đông; Tam Bou Sun - “thiếu tá”, Phó tư lệnh vùng 4 Fulro; Kara Jăn Ha Xuyên - “trung tá”, Tư lệnh quân khu 4; K,Diêp (tự Hà Búp bê), tư lệnh phó biệt khu thủ đô TW Fulro; K,Vênh - “trung tá”, chỉ huy vùng Đầm Ròn; Tou Néh Đen - “thiếu tá”, tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang đã đưa gần 200 bạn bè, chiến hữu cùng gia đình đầu hàng ta, trở về với buôn làng. Hàng trăm Fulro tại nhiều căn cứ khác đóng chân trên đất Lâm Đồng sau những ngày luồn rừng sang bên kia biên giới, bị bỏ rơi, đói khát cũng quay về đầu hàng cách mạng ta. Họ đều được đối xử tử tế, được đưa về với gia đình, buôn làng, được cấp đất, làm nhà ở và phụ cấp lương thực. Cuộc sống của họ sau đó rất khấm khá. Như ông Hà Búp bê, hiện ở thôn Đa Me, xã Nthol Hạ (Đức Trọng) mỗi năm thu vài trăm triệu đồng từ cà phê; ông Tam Bou Sun làm CA xã Ninh Gia - Đức Trọng; ông Rơ ông Đông ở thôn 4, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nổi tiếng là già làng uy tín, gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Ông cũng là chủ căn nhà xây đầu tiên, hoành tráng nhất của thôn vào năm 1993. Năm 2003, ông vinh dự được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm nhà. Năm 2004 gia đình ông nhận được một hộp quà cùng tấm ảnh Bác Hồ của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi tặng. Xin trích lại một đoạn trong thư kêu gọi của các ông Tam Bou Sun và Kara Jăn Ha Xuyên viết ngày 14-7-1987: “...vì nghe theo âm mưu thâm độc của đế quốc và bọn cầm đầu Fulro, anh em ta đã sống trong rừng sâu, nước độc, rày đây mai đó, chẳng có ích gì cho chúng ta và dân tộc, ngoài hậu quả đói rách, chết chóc, đau thương! Bao nhiêu anh em ta đã chết cùng với đại tá MBột (tổng tham mưu phó) những cái chết vô nghĩa!...”.

Từ năm 1977 - 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị CA toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, CA các địa phương đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề Fulro (khoảng 55 chuyên án), thu được thắng lợi lớn. Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của Fulro; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên. Chuyên án F384 (từ tháng 3-1984 đến tháng 7-1985) của CA tỉnh Đăk Lăk, đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai người M,nông ở địa bàn Đăk Mil, Đăk Nông - Đăk Lăk. Vơi kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt hai đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận Fulro người M,Nông; kịp thời ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức Fulro mới do người M,Nông lãnh đạo, góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của Fulro ở Tây Nguyên. Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của bộ quốc phòng Fulro; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của bộ tổng tham mưu do tên đại tá Ênuôl M,Bột cầm đầu của CA hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đăk Nông - Đăk Lăk - sau chuyên án F101 đã thu được những thắng lợi rất quan trọng: giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của Fulro trong buôn, ấp. Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của Fulro.

Năm 1983, trung úy Nguyễn Đức Hiệp (hiện là đại tá - Giám đốc CA Lâm Đồng) đã đánh tan căn cứ Fulro tại núi Voi, tiêu diệt tên “thiếu tá” B,ré Niê (còn gọi là Y Giôn) - kẻ cầm đầu toán Fulro Ê Đê đã bắt các anh Thạnh, Diêu, Phi, Cho và là kẻ trực tiếp bắn chết anh hùng Lâm Văn Thạnh. Ông Paul Yưh sau đó chết tại Đăk Lăk. Có thông tin rằng, một số Fulro hung dữ đã đầu độc “đệ nhị phó thủ tướng” của mình. Song, sự vụ đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trước đó, tháng 8-1978, ông Y Gơk Niê Kđăm - “thủ tướng” tự phong của Fulro đã “cao chạy xa bay” sang nước Mỹ.

Đầu năm 1992, những biến động về chính trị - xã hội trên toàn thế giới đã tác động đến nước ta nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Ở Campuchia, sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (1989), bọn phản động Pôn Pốt Iêng Xari lại ngoan cố, điên cuồng chống phá. Để thực hiện giải pháp chính trị, lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (UNTAC) đã can thiệp đất nước Campuchia. Tháng 12-1992, toàn bộ số Fulro còn lại (gồm 407 người cả phụ nữ và trẻ em) do “đại tá” Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức Fulro.

Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai - Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk - Đăk Nông) và các tỉnh phụ cận (Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, An Giang...) đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu (chủ yếu là gọi hàng) 15.000 lượt Fulro ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của Fulro trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề Fulro được giải quyết triệt để bằng con đường cách mạng. Fulro không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm.

Xuyên suốt sự hoạt động, tồn tại của Fulro cho thấy, đó là một tổ chức cực đoan, chuyển thành khủng bố; âm mưu chia rẽ, ly khai theo sự xúi giục từ bên ngoài. Tất cả các thủ lĩnh Fulro trong các thời kỳ đều lợi dụng sự ngây thơ, tin tưởng của đồng bào để kích động, chia rẽ, lừa phỉnh họ. Chiêu bài đi biểu tình được tiền thưởng; nếu không nghe, không theo Fulro sẽ bị dân làng ruồng bỏ, bị trừng trị, sau này không được chia phần đất; rồi bạo lực, đổ máu không mang tính chính nghĩa. Từ sau năm 2001, Fulro chuyển sang hoạt động kích động, gây rối... dẫn đến việc nhiều người nghe và theo kẻ xấu phải đến trại tạm cư bên kia biên giới sống trong cảnh thiếu thốn, đói khát. Bản chất xuyên suốt của Fulro là độc ác. Trong xu hướng hiện nay càng không phù hợp nên sẽ dẫn đến sự diệt vong tất yếu.

Qua thực tiễn đấu tranh và qua lịch sử, có thể khẳng định rằng, đấu tranh chống Fulro là một phần trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động khác, được Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang xác định đó là vấn đề lâu dài; là vấn đề chính trị gắn với dân tộc, văn hoá, kinh tế. Vì thế, nhiều chủ trương, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng, quan tâm đặc biệt; nhằm từng bước nâng cao dân trí, ổn định đời sống kinh tế, văn hoá của bà con dân tộc thiểu số. Nhiều bậc trí thức là người dân tộc thiểu số trở thành những hình mẫu, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, về ý thức chính trị để dạy dỗ, dìu dắt thế hệ trẻ. Lực lượng kế thừa ngày càng uy tín nhờ được trang bị học vấn, kiến thức. Chúng ta càng thấy thấm thía với tư tưởng của Bác: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”!
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM