Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:21:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật danh AZET  (Đọc 20877 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2017, 07:35:39 pm »

  thể loại: truyện chống gián điệp, thám báo mĩ
 
 tác giả: Phạm Thanh Khương         

1/HANG MA
Hang ma lại có ma xuất hiện.

Lời đồn thổi nhanh như gió, nhẹ như gió, luồn lách vào từng hang cùng ngõ hẻm, nơi gốc cây, bụi ruối, nơi xó bếp, góc nhà. Lời đồn loang đi như lũ. Ầm ầm, ào ào. Mấy bản xung quanh hang ma ngơ ngác. Bóng ma lởn vởn trong đầu, trong giấc ngủ. Bóng ma ngồi cạnh người, cùng ăn chung trong bữa cơm. Bóng ma trùm lên làng, lên bản. Nơi đâu người ta cũng có thể nhìn thấy ma. Nhìn mặt ai cũng thấy ma. Hố mắt, bánh má ai cũng hốc hác vì lo sợ. Nhìn những chiếc lá phật phờ bay, nhiều người hồn vía đã bay lên tới chín tầng trời, rơi xuống mười tầng địa ngục. Mặt xanh nanh vàng vì bóng ma ở hang ma cứ lởn vởn đè trong tâm trí.

Lão Tảng đứng dạng te he trên bến, ngay trên bờ ngầm Ní Nà ngoác cái miệng cá ngão ra nói oang oang:
- Con ma trên hang ma lần này kinh tởm lắm. Trông nó to như trái núi Bái. Miệng nó ngoác ra thè cái lưỡi đỏ đòng đọc, nhểu toàn máu
là máu. Tối tối ma trong hang kéo đàn kéo lũ ra ngoài bay kín trời.

Nghe lão Tảng nói, nhìn cái miệng lão trễ ra, sức nặng về thông tin hang ma có ma càng làm cho người dân thêm tin vào câu chuyện và thêm sợ về các điều đang diễn ra. Đánh mắt nhìn mọi người. Như để khẳng định và tăng sức nặng cho những lời nói của lão vừa đưa ra. Lão Tảng nhìn sang mụ Đoác:
- Mọi người cứ hỏi mụ Đoác mà xem. Tối qua mụ Đoác còn bị ma nó vần cho mệt bở hơi tai ra đấy.

Người các bản bên chân núi chả ai lạ gì lão Tảng. Lão Tảng có tấm thân to như hộ pháp. Người lão to đến mức, mấy bà bảo lão to hổ ăn cả tuần không hết thịt. Lão hay nói. Cái gì vướng vào mắt là thế nào lão cũng phải nói ra bằng được. Mọi cái vào mắt lão là thể nào cũng ra đằng mồm. Cái gì qua tai lão cũng biết chui ra đằng miệng. Lão mà chưa nói ra được, cái miệng lão ngứa ngáy, khó chịu lắm. Cái ngứa miệng này của lão không giống lối ăn phải khoai, phải ráy. Cái ngứa miệng của lão, như có cái gì vương vướng trong mồm, như cái kiểu người ta ăn dính răng. Cái dính răng này nó không thể lấy que tăm mà xỉa rồi lấy ra được. Nó bám vào như dán keo da trâu, đào khoét, bới, chọc cũng không lấy ra được. Nó nằm trong miệng, ngứa ngáy rồi làm tổ cho vi trùng. Cái đau, cái ngứa quá bằng làm đau răng nhức mắt. Không những thế, mỗi khi mở miệng, mùi hôi, thối thoát ra. Người nào ngồi, đứng đối diện để nghe thì chả khác nào phải đứng cạnh hố phân mà người ta hay ủ để đem ra ruộng vãi.

Bên cạnh cái tật ngứa mồm, lão Tảng còn phải cái thích thuốc phiện. Mỗi khi lão vác súng, xách nỏ đi săn thì khi về, thế nào cũng có con chồn, con cáo trên tay, con chim đeo bên sườn. Cũng vì mắt lão tinh nên nhìn thấy con thú nhanh và cái gì lọt vào mắt cũng nhanh. Với lão Tảng, việc săn bắt con chồn, con cáo, bắn con chim trên rừng chẳng khác gì người ta thò tay vào lấy đồng xu trong túi áo. Lão nổi tiếng là tay săn bắt có nghề nhất trong khu Yên Hưng. Ngày trước, cụ Chu, người mà lão cả đời cúc cung tận tụy phục vụ. Cậu Lềnh người mà lão được cụ Chu giao cho trách nhiệm bảo vệ. Mỗi khi cụ chủ hay cậu động hớn lên, thích ăn thịt con gì, chẳng cần đợi lâu, lão xách khẩu súng vào rừng. Khi lão về, cụ Chu hay cậu Lềnh đã có thịt thú ăn theo ý thích. Từ ngày cụ Chu chết, cậu Lềnh bỏ nhà đi đâu biệt tăm, lão sống một mình và vẫn đi vào rừng săn bắt thú về bán lấy tiền mua thuốc cho bản thân lão hút. Lão làm được bao nhiêu, săn được bao nhiêu, tất tần tật số tiền kiếm được đều chui qua nõ điếu vào trong ống họng lão hết. Mụ Đoác thỉnh thoảng lại sang ở với lão. Mỗi lần như thế, trông cái mặt lão tớn lên, ra vẻ sung sướng lắm.

Ngày còn trẻ, lão là kẻ tôi tớ của nhà cụ Chu. Ngày đấy lão chả khác gì con chó trông nhà cho chủ. Cụ Chu đi đâu tha lão đi theo. Trời mưa, lão đi trước để tìm đường. Gặp chỗ nước, chỗ vũng, lão cõng cụ Chu đi qua chỗ lầy, chỗ nhão. Qua suối, cụ Chu chưa mở miệng lão đã biết ghé vai đưa cụ Chu qua. Vượt dốc, tay lão dắt ngựa cho cụ Chu đi. Gặp ngày chợ phiên, vui bạn, khi cụ Chu say. Lão bám đuôi ngựa để đi theo phòng khi cụ Chu trên đường về nhà có trúng gió, trúng độc đã có lão giúp cho. Sau này khi cách mạng giành được chính quyền, nhà cụ Chu bị cách mạng đem chia cho dân nghèo thì lão cũng thôi làm con chó cho nhà cụ Chu.

Lão cả đời làm tôi làm tớ cho nhà cụ Chu mà lão quên cả việc lấy vợ. Ngày lão còn trẻ, cũng có đôi ba lần cụ Chu cho lão đi theo. Thấy mắt lão nhìn đàn bà, con gái như hổ đói nhìn thấy con lợn béo, con quạ nhìn thấy con gà con. Những lúc như thế, cụ Chu cũng bảo sẽ kiếm cho lão đứa đàn bà để lão được biết cái sung sướng của thằng đàn ông. Nhưng rồi, cụ Chu chưa kịp kiếm cho lão con đàn bà để lão biết được cái sung sướng của đời thì cụ đã chết. Cụ để lại lời hứa sống cùng lão. Tất nhiên, cụ Chu đâu có biết. Cái sung sướng của đời người thì bà Năm của cụ đã cho lão biết rồi. Riêng cái việc đó đã trói lão làm tôi tớ, làm con chó giữ nhà cho cụ cả đời rồi mà không một lời kêu ca hay đòi hỏi gì.

Miệng cụ Chu nói với lão thế thôi. Chứ thực lòng cụ Chu thấy cái cuống họng của lão Tảng, mỗi khi gặp đàn bà, con gái là cụ lo lão cướp mất mấy con vợ của cụ. Nhìn thấy đàn bà con gái, cuống họng lão Tảng nhô lên thụt xuống còn hơn cả con ngựa đực dậm móng khi thấy con ngựa cái thả ra cái hơi mùa động đực. Cụ Chu nói thế chẳng qua cụ muốn để lão còn cúc cung cho mình nên phải nói khéo thế. Chuyện cụ nghĩ thế, nói thế chả biết lão có hay không. Nhưng thấy cụ nói thế là lão đã thấy khắp người sướng rân rân. Cũng có đôi ba lần lão nói xa, nói gần việc cụ tìm cho lão con đàn bà để được biết cái sung sướng của thằng đàn ông. Rồi không thấy cụ nói gì, lão chép miệng cho qua. Lão đã có bà Năm cho cái sung sướng làm kiếp đàn ông rồi. Vì thế mà đến bây giờ, khi da mặt đã nhăn như cái vỏ cây, lão vẫn chưa có vợ. Và hình như lão cũng không còn thích lấy vợ. Nếu lão lấy vợ thì lấy gì để làm đồ dẫn cưới. Cả đời lão đi theo nhà cụ Chu. Lão có được cái gì để ra cho riêng mình. Lão chỉ là con ngựa thôi. Khoẻ thì cho người cưỡi, yếu thì người thịt. Cũng có nhiều người đàn bà mê lão nhưng lại không muốn bắt lão về làm chồng. Thấy lão mắc bệnh ngứa mồm, lại hau háu khi nhìn thấy con gái nên ngại. Lấy về có khi lão lại đi làm con ngựa cho nhà khác. Nếu không có cái tật ngứa mồm, ngứa miệng như thế thì lão là người đàn ông có khối người đàn bà mê. Đã có nhiều lần người già nói về lão như thế này:
- Lão Tảng là con ngựa giống tốt. Cái vó nó lúc nào cũng muốn đi. Cái ngực nó trông như ức con ngựa đực thế kia là khoẻ lắm. Đứa nào lấy nó thì con nhiều như đàn lợn. Nhung nhúc, nhung nhúc

Lão Tảng nói chưa dứt miệng, mụ Đoác đứng kế bên cũng trễ cái miệng ra hùa theo:
- Eo ơi. Mấy tối nay, tối nào tôi cũng thấy ma nó về cứ vần tô suốt đêm. Tôi còn nghe rõ tiếng con ma thở hổn hà hổn hển.

Nghe mụ Đoác nói mọi người bưng miệng cười. Người mụ nhão như bún, thịt nhẽo như con lợn sề. Mụ tắm, cái vú của mụ thỗn thện, vắt vẻo, lẳng bên nọ, ngọ ngoạy bên kia như quả mướp thối. Trông chả khác gì miếng thịt trâu chết. Người thì có ai thiết. Có chăng, chỉ ma mới thích mụ nên nó mới vần. Thằng đàn ông nào mà ngủ với mụ thà về nhà, chui vào chuồng, ôm con lợn sề mà ngủ còn thấy thích hơn. Vần người mụ cho mỏi tay và hỏng con giống đi chắc. Mụ Đoác cũng là kẻ tôi tớ của nhà cụ Chu cùng thời với lão Tảng. Mụ cũng là đồ chơi của cụ Chu một thời. Khi cụ Chu no xôi chán chè thì mụ bị cụ Chu đẩy ra ngoài chuồng lợn, chuồng ngựa cùng với lão Tảng.

Có một chuyện mà lão Tảng luôn phải tự nhủ lòng mình sống để dạ chết mang theo nếu còn muốn sống và muốn khi chết còn có đất chôn. Cái chuyện ấy thì chẳng phải lão mà ngay bà Năm của cụ Chu cũng thế. Nhiều khi lão nghĩ. Cứ giả thử trời có mắt đi thì với lão, trời cao đất dầy ắt cũng biết đường mà giúp lão. Chuyện của lão và bà Năm, vợ cụ Chu, trời cũng phải xui hai kẻ khốn khó biết im cái miệng, biết giữ cái mồm

Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2017, 07:50:29 pm »

Theo thói quen, hôm nào đi các bản quanh vùng cúng cho các nhà dân về là cụ Chu lại ngồi đánh tổ tôm với các cụ tiên chỉ trong làng. Không chơi thì thôi chứ chơi là các cụ chơi thâu đêm tới sáng, trôi ngày trôi tháng. Không ít lần, các cụ chơi kéo ngày sang đêm tới tám chín ngày đêm liền. Đêm nào như thế là bọn tôi tớ trong nhà phải phục vụ các cụ cho đến bao giờ các cụ rã hội mới thôi. Miệng người ăn lắm cũng quen, hút lắm cũng nghiện, sai lắm cũng thấy khoái. Chập choạng tối, khi màn sương còn mờ mờ, con gà mới dẫn con lên chuồng là các cụ đã ngồi.

Cả đời cụ Chu có hai cái thú thích nhất là chơi tổ tôm và bắt gái. Ở cụ, có lẽ là chuyện bắt con gái, những đứa còn đang hơ hớ về làm vợ là cái máu mà có thay cụ cũng chả đổi được. Nhiều người, lão Tảng thấy cụ Chu bắt về mà phát thèm. Mỗi khi cụ bắt được đứa con gái nào về, người mà cụ Chu duy nhất cho phép ra vào phục vụ và canh gác là lão Tảng. Chỉ nhìn thấy cái bắp chân, cái đùi trắng hơn hớn, cái vú chắc như mông con ngựa là người lão nổi da gà ngứa ngáy lắm. Nhất là khi lão lại nghe thấy tiếng rên hư hử thì lão không thể chịu được. Chỗ nào trong người lão cũng nổi phồng lên ngứa ngáy và thèm muốn. Lúc đầu lão không dám xem. Lão sợ lắm. Cụ Chu mà thấy được thì lão chỉ có nước bị chôn sống. Mỗi khi cụ bảo lão: Tối nay mày đứng ngoài gác cửa cho cụ. Cụ Chu chỉ cần nói thế là lão biết phải tăm tắp làm theo.

Đứng canh cho cụ ngoài cửa, lão không dám cả ngọ ngoạy, không dám vạt cả con muỗi cứ bu vào cổ, vào tay mà châm, chích. Cụ Chu có tin lão, có quý lão và có thương lão cụ mới sai bảo thế. Lão nghĩ sao thì lão làm vậy. Lão nghĩ. Kẻ tôi tớ, người ở nhà cụ thiếu gì mà chỉ có lão được cụ sai bảo thế. Cụ đã tin lão thì lão cũng phải hết lòng phục vụ cụ. Cái lý ở đời là người thương ta thì ta thương lại người. Lão cứ nghĩ thiển cận. Khi lão đói, có ai cho lão bát cơm, có nghĩa là đã cứu sống lão. Lão sống thì cái mạng của lão đã là của người ấy. Mạng sống đã là của người ta thì người ta muốn băm, muốn vằm như thế nào là tuỳ thích. Với cụ Chu cũng thế. Lão được cụ Chu nhặt về cho cơm ăn, cho hầu hạ thì tất nhiên, cái mạng của lão là của cụ rồi. Cúc cung phục vụ cụ là nghĩa vụ của lão. Và bản thân lão cũng thấy sướng, sướng lắm khi được cụ Chu tin cậy giao việc.

Thế rồi, có một đêm. Chiều ấy cụ bắt nợ một nhà ở dưới bản Lồng Tồng về được đứa con gái. Đêm ấy cụ cũng cho gọi lão lên gác cửa. Cô gái trước lúc bị cụ bắt nợ đã có lời hẹn với một chàng trai và họ đã thề nguyện sống với nhau đến trọn kiếp. Khi cụ vào thì bị cô gái chống cự. Bị cô gái chống trả quyết liệt nên cụ không thể làm được chuyện kia. Cụ cho gọi lão vào giúp. Khi vào, lão thấy cô gái còn trẻ quá, quần áo bị xé nát, rách tơi tả. Cô ngồi nép vào trong xó nhà, hai tay giữ chặt lấy ngực. Lão lao đến, giúp cụ vật cô gái xuống giường để cho cụ hành sự. Được chứng kiến toàn bộ cuộc truy hoan của cụ. Khi giúp cụ làm được chuyện kia thì lão thấy toàn thân căng cứng và cơn thèm khát nhục dục của lão lên đến tột độ. Khi cụ làm xong, đuổi lão ra rồi khoá, nhốt cô gái lại trong phòng.Đợi cụ đi khuất, lão quay lại. Lúc ấy, cái chỗ con giống người lão cũng còn căng cứng lắm. Lão cũng thèm muốn được như cụ. Nhưng bản tính của kẻ tôi tớ làm lão không dám. Lão chỉ biết ôm cái cột để cho đỡ cơn thèm khát.

Khi lão ôm cột để cho đỡ cơn thèm khát. Lão đâu có biết. Mọi hành động của lão không qua được mắt bà Năm. Khi lão từ trong phòng bước ra để mặc cụ Chu với cô gái cụ mới bắt về, cơn thèm khát làm lão không chịu được. Lão cứ ôm lấy cái cột mà nhấn ra nhấn vào nghiến ngấu. Bà Năm biết. Đợi cho cụ đi khuất, bà Năm cho gọi lên. Những khát thèm của lão được bà Năm đáp ứng. Và cũng từ đó, mỗi khi bà mong muốn hay thèm khát cái mùi đàn ông, lão lại được bà cho gọi. Lão trở thành con giống đực của riêng bà. Còn cụ Chu. Vì còn mải đi làm ăn và các bà khác đòi, lại ham thú chơi tổ tôm với các cụ tiên chỉ trong làng. Mỗi khi về được đến nhà, cụ hầu như không biết được chuyện của lão với bà Năm.

Mặc dù, lão là con giống đực của bà Năm nhưng mỗi lần nhớ đến cảnh giúp cụ hôm nào là lão lại thấy người nó rạo rực, bứt rứt, rất khó chịu. Có nhiều lúc lão đã nghĩ. Cả đời lão giá chỉ được ngủ một đêm vớinhững đứa con gái ấy rồi có ném vào vạc dầu hay vứt cho chó nó gặm lão cũng thấy mãn nguyện.

Nghe lão Tảng và con mụ Đoác nhểu cái mồm ra nói, mấy người còn đang thỗn thễn dưới suối vội bước lên bờ quáng quàng quẩy gánh củi đi về. Họ sợ tối không về đến nhà, gặp phải con ma trên hang ma thì khốn nạn. Hang ma thì chả ai còn lạ gì. Chuyện hang ma đã được các già kể đời này qua đời khác, nhiều như cây trên rừng, dài như suối, rậm như cỏ.

Lời đồn trên hang ma có ma trở lại cứ thế theo gió bay đi. Câu chuyện về con ma cũng hư hư thực thực. Câu chuyện từ miệng người này nhảy qua miệng người khác. Mỗi lần như thế thì con ma cũng đã khác đi rồi. Chỉ có điều, mỗi lần như thế thì chuyện con ma ở hang ma càng nghe càng kinh hãi hơn. Bóng ma trên hang ma thực sự như hòn đá đè lên cả vùng núi Bái. Con ma trên hang ma lúc mang mặt người, khi mang mặt rắn, mặt chó, mặt ngựa. Dẫu mang khuôn mặt gì thì từ miệng con ma cũng ròng ròng máu tanh nồng, nhểu xuống cánh rừng núi Bái, ngấm vào đất, thấm vào nước, đem đến cho người dân cái chết, bệnh tật.

Chuyện ma trên hang ma trở lại người ta chưa biết đúng sai đến đâu. Nhưng chuyện ma hang ma về bắt người các bản bên chân núi Bái đã xảy ra rồi. Ai cũng đã biết, đã thấy. Cái đận đó, người chết không kịp chôn, chất đống như đống củi góc rừng.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2017, 08:02:41 pm »

2/BỨC MẬT ĐIỆN LÚC NỬA ĐÊM
Thiếu tá Trịnh Toàn rời bàn làm việc. Ông nhẹ nhàng bước ra phía cửa sổ. Phía ngoài khơi những cơn gió đẩy hơi nước về lành lạnh. Ông giơ tay cài lại chiếc cúc áo cổ. Hướng mắt về phía biển. Trên vịnh, những ngọn đèn của vạn chài hắt vào đêm thứ ánh sáng bàng bạc, mỏng như tờ giấy. Xen trong tiếng rì rào của sóng biển là tiếng lá ri ri từ rặng phi lao chắn sóng vọng về.

Đưa tay vuốt lại mái tóc bị gió làm lật nếp, ông khép cửa rồi bước về bàn làm việc. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu hiu hắt vàng vàng chiếu xuống bức điện mật của Ban Công an nhân dân vũ trang Trung ương vừa gửi. Ông đưa tay lấy tờ công điện, ghé sát vào ánh đèn. Ông đọc chậm rãi như đếm từng con chữ trên trang giấy.

Cách đây có mấy tháng, trong hội nghị quán triệt nghị quyết của Ban bí thư và họp triển khai kế hoạch công tác những năm tiếp theo. Trong bản báo cáo tham luận, ngay đồng chí Bộ trưởng cũng đã nhận định về tình hình hoạt động và các diễn biến sắp tới. Ông biết. Khi trong miền Nam, tình hình đấu tranh cách mạng lên cao, kẻ địch sớm muộn cũng tìm cách phá hoại và chúng cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động ra miền Bắc.

Sau khi lê máy chém đến từng nhà, từng ngõ ngách với chính sách nhổ tận gốc trốc tận rễ mầm mống cộng sản của chính quyền Ngô Đình Diệm đã vấp phải sự chống đối không chỉ của quần chúng nhân dân miền Nam mà còn ở ngay quan thầy bên kia đại dương. Rà từng ngõ, gõ từng nhà để tận diệt cộng sản không thành mà phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước lại càng làm cho nội bộ chính quyền gia đình trị của Ngô Đình Diệm thêm chia rẽ.

Theo thông báo của trên trong buổi nói chuyện thời sự cho cán bộ cao cấp. Ban chấp hành Trung ương cũng đã nhận định. Để giữ vai trò của mình ở bán đảo Đông Dương, quan thầy Mỹ đã tính chuyện phải thay ngựa giữa dòng. Song dù là chính quyền gia đình trị của Ngô Đình Diệm hay chính quyền do Mỹ dựng nên thì bản chất của chúng cũng không hề thay đổi. Không những chỉ thay quân đổi chủ mà chính quyền Mỹ cũng đã đưa quân trực tiếp vào miền Nam. Chính quyền Mỹ đã lộ mặt can thiệp sâu vào Đông Dương. Năm 1960, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ đã trực tiếp tăng cường các hoạt động triển khai lực lượng viễn chinh vào khu vực Bắc miền Nam và Lào. Động thái trên của Mỹ thực sự muốn duy trì sự có mặt của mình ở Đông Nam Á.

Cũng do tình hình trong chiến trường miền Nam đang có chiều hướng bất lợi cho chính quyền Mỹ duy trì sự có mặt của mình ở miền Nam, tất yếu chúng sẽ tìm mọi cách để xâm nhập ra miền Bắc. Bản thân Tổng thống Ken - nơ - đi cũng đã có ý định sẽ can thiệp vào miền Bắc trong thời gian tới. Nếu theo tính toán thì chỉ trong vòng hai đến ba năm nữa là Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp ra miền Bắc. Việc cho người xâm nhập ra miền Bắc là chúng nhằm mục đích nắm được các chủ trương của cách mạng, các mục tiêu của cuộc đấu tranh ở miền Nam. Con đường để nắm được những thông tin này là hoạt động gián điệp. Ngay bản thân thực dân Pháp. Mặc dù phải chấp nhận thua trên chiến trường nhưng khi rút khỏi miền Bắc, chúng đã cài cắm một lực lượng rất đông các điệp viên ở lại miền Bắc. Ngay Hải Phòng thực dân Pháp cũng đã cài cắm ở lại hàng chục tên với mục đích nằm chờ cho đến khi được lệnh hành động mà các cơ quan an ninh của chúng ta đã khám phá và tiêu diệt. 

Đồng chí Bộ trưởng cũng đã chỉ rõ phương thức hoạt động của địch thời gian tới có thể tập trung vào hoạt động gián điệp, biệt kích kết hợp với phá hoại từ bên trong và đánh phá từ bên ngoài. Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ rõ cách thức xâm nhập và đối tượng xâm nhập.

Do khác biệt về văn hoá giữa hai miền Nam Bắc, đối tượng đầu tiên mà địch có thể tung vào hoạt động có thể chủ yếu là những người đã ở phía Bắc, chạy theo địch di cư vào Nam năm 1954. Đây là đối tượng chủ yếu người theo đạo thiên chúa giáo. Ngày đó do bị địch tung tin chúa đã vào Nam nên nhiều gia đình ở các khu thiên chúa giáo đã theo chúa vào Nam. Những người chạy theo chúa vào Nam cũng chủ yếu là những người sùng tín kính chúa nhưng nhận thức còn hạn chế. Trong Kinh thánh cũng đã từng khẳng định. Chúa ở khắp mọi nơi, chúa trên đầu mọi người, ở đâu kính chúa thì ở đó có chúa. Nếu cứ theo lời của chúa dạy thì chúa đâu có di cư vào Nam. Sau khi quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, hòng có dịp  quay trở lại xâm lược nên các thế lực phản động và thù địch đã tung ra tin chúa chạy vào Nam để lôi kéo số đồng bào theo đạo thiên chúa vào theo để gây mất ổn định xã hội. Song, xét về mặt chiến lược thì khi những người này theo chúa vào Nam cũng là lực lượng mà về lâu về dài chúng có thể lợi dụng để đánh trở lại. Lúc đó, bọn phản động, gián điệp mà trước khi rút chạy bọn tình báo đã cài cắm lại để phục vụ cho chiến dịch hậu chiến sẽ kết hợp với lực lượng đánh trả về hoạt động gây rối, xây dựng địa bàn hoạt động.

Đối tượng thứ hai mà bọn phản động có thể đánh trở lại là những đối tượng do bất mãn chế độ hay gia đình có người bị phía cách mạng trừng trị, mang sẵn lòng hận thù. Nhất là những đối tượng trong gia đình có người thân, do những sai lầm trong quá trình cải tạo xã hội của chế độ xử lý. Những đối tượng này sẽ được các cơ quan tình báo tuyển lựa đào tạo rồi đánh trở lại. Đây là những đối tượng nắm rõ tâm lý, đời sống sinh hoạt cũng như các phong tục tập quán ở địa phương. Những đối tượng này thường có cơ sở sẵn là người nhà, người thân trong dòng tộc. Khi xâm nhập trở lại thì chúng phải bám vào những người này để hoạt động và hợp thức hoá nhân thân.

Đối tượng thứ ba mà địch có thể đánh trở lại miền Bắc để hoạt động sẽ là các đối tượng xuất thân từ bọn du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp. Bọn này hoạt động thường manh động, liều lĩnh. Nhưng để hoạt động độc lập ít khi xảy ra.

Trong phiên họp triển khai kế  hoạch bảo vệ an ninh nội bộ đồng chí Bộ trưởng cũng đã chỉ rõ cách thức xâm nhập của các loại đối tượng. Với phương thức xâm nhập qua con đường ngoại giao là khó có thể xảy ra và thời gian hoạt động không kéo dài. Trường hợp này chủ yếu vào để móc nối, dựng lại các cơ sở ngầm hoặc giao nhiệm vụ, cung cấp tài chính là chủ yếu. Muốn có thời gian để tạo cơ sở thì chỉ có con đường đột nhập bí mật và đội lốt tên tuổi một người khác. Khả năng này thường xảy ra vì trong những năm chiến tranh, việc người dân di chuyển nơi cư trú, chạy loạn từ nơi này đến nơi khác rồi ở lại theo quan niệm, đất lành chim đậu.

Hướng xâm nhập bằng con đường bất hợp pháp khả năng xảy ra bằng đường biển, đường bộ và đường không. Trong ba hướng có thể xâm nhập thì hướng đường biển thường được các cơ quan tình báo áp dụng. Nhất là trong trường hợp Việt Nam lại có bờ biển dài, phức tạp, có nhiều hang thiên tạo. Khí hậu vùng biển của miền Bắc Việt nam cũng là điều kiện để cho các hoạt động xâm nhập có điều kiện thực hiện. Về mùa đông, tuyến biển phía Bắc thường có sương mù, gió mùa. Về mùa hè thường xuyên có gió Nam, sóng lớn. Hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản của Việt Nam cũng còn rất nhiều hạn chế. Người dân chủ yếu hoạt động đánh bắt ven bờ chứ chưa có điều kiện vươn xa. Phía biển lại có hạm đội Thái Bình Dương khống chế và bao bọc phía ngoài. Ngay trong hội nghị quán triệt nghị quyết, đồng chí Bộ trưởng cũng đã có ý nhắc nhở các tỉnh có tuyến biển cần chú trọng và xây dựng kế hoạch phòng chống các hoạt động xâm nhập gián điệp, biệt kích từ phía biển.

Sau buổi học tập triển khai nghị quyết, trên đường về cơ quan, đồng chí chính uỷ Ban công an nhân dân vũ trang Trung ương vỗ vai nhắc nhở:
- Ban chỉ huy xác định địa bàn Yên Hưng của cậu là địa bàn trọng điểm, hướng trọng điểm. Tình hình có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Đồng chí về lại dưới đó, cố gắng quán triệt, tổ chức thực hiện cho tốt, đạt hiệu quả.

Chính uỷ đưa bàn tay về phía trước, xòe ra:
- Kẻ địch thì lắm mưu ma chước quỷ. Chúng sẽ không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích đâu. Chúng bất chấp tất cả. Nhưng cậu đừng lo. Vỏ quýt dầy thì đã có móng tay nhọn.

Nói đoạn, ông nắm bàn tay lại như nắm đấm:
- Thế nào. Khó khăn đấy, nhưng làm được chứ?

- Vâng. Chúng tôi sẽ cố gắng. Chính uỷ cứ yên tâm.

 Trả lời đồng chí chính uỷ thế nhưng trong lòng Trịnh Toàn bộn bề lo lắng. Chính uỷ nhìn Trịnh Toàn vừa như thông cảm mà cũng như vừa chia sẻ khó khăn. Chính uỷ đùa:
- Sao lại chúng tôi? Tôi sẽ cố gắng chứ? Nhiệm vụ của mình mà lại lôi cả mọi người vào là sao?

Chính uỷ cười động viên:
- Nói vui vậy thôi. Các đồng chí cứ yên tâm. Có gì Ban chỉ huy Trung ương sẽ hỗ trợ các đồng chí hết khả năng. Trách nhiệm chung mà. Tất cả vì sự nghiệp giành thắng lợi của cách mạng. Các đồng chí cứ có niềm tin là sẽ làm được tất cả. Niềm tin. Nhớ đấy. Chỉ có niềm tin sắt son thôi thì chúng ta mới giành được thắng lợi. Khó khăn như giành chính quyền mà chúng ta còn làm được. Những khó khăn này đã ăn thua gì. Hãy tin vào điều đó.

  Thiếu tá Trịnh Toàn lật tờ mật lệnh sấp xuống bàn. Trịnh Toàn không nghĩ những dự báo ấy lại trở thành sự thật nhanh đến mức như thế này. Ông với tay cầm chiếc điếu cày, nhồi thuốc định hút rồi lại thôi. Ông đi lại phía chiếc điện thoại hữu tuyến. Ông nhìn đồng hồ. Lúc này đã là mười hai giờ đêm. Dừng lại một chút bên chiếc điện thoại, ông đưa tay phẩy phẩy như ý tự trách mình quá lo lắng và nóng ruột. Đã bao nhiêu lần ông phải cố gắng điều chỉnh thói quen nóng nảy của mình để cho các hoạt động trầm đi.  Chẳng qua cũng vì công việc. Anh em cán bộ chiến sĩ cũng hiểu ông vì công việc. Nhưng ông biết. Cán bộ chiến sĩ cũng như ông cả, cũng là con người, cũng bằng da bằng thịt. Vì nhiệm vụ, vì công việc được giao, họ không bao giờ và không hề kêu ca một lời mà luôn chấp hành và làm tốt những nhiệm vụ của ông giao cho. Tuy biết tấm lòng của cán bộ đối với ông như thế nhưng Trịnh Toàn tự biết bản thân mình không vì thế mà không nghĩ đến công việc được giao.

Trịnh Toàn lấy tay lật đi lật lại tờ mật điện. Trên đã thông báo cho biết thời gian tới khả năng địch sẽ tung các toán gián điệp, biệt kích quay trở lại miền Bắc để hoạt động chống phá. Bức mật điện cũng nhận định khả năng nhiều chuyến xâm nhập sắp tới sẽ theo đường biển. Cơ sở từ bên ngoài báo về, xâm nhập lần này lại có rất nhiều khả năng xảy ra trên địa bàn ở tỉnh Yên Hưng nơi mà ông đang phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Toán xâm nhập đợt này cũng rất khác, đối tượng khi xâm nhập sẽ hoạt động đơn tuyến vì thế mà tính chất hoạt động của đối tượng sẽ rất khó cho công tác điều tra, truy bắt. Phải chăng cũng vì đối tượng khi xâm nhập chỉ có một mình mà có mật danh là AZET?

 AZET là ai? Có quan hệ  gì với địa phương? Là người ở vùng Yên Hưng hay ở tỉnh khác đến? Mục đích nhiệm vụ chính của đối tượng khi thực hiện chuyến xâm nhập được giao? Ngoài đối tượng xâm nhập ra có cơ sở của các cơ quan tình báo cài cắm lại hay không? Ông với bút, rút tờ giấy ghi nhanh nội dung công việc triển khai cho cuộc họp đột xuất sáng mai. Làm xong các công việc, ông nhìn lại đồng hồ. Từ phía mấy dãy nhà nép bên chân núi, tiếng gà gáy chuyển canh tư.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:05:33 pm »

3/TRÊN ĐỈNH CON CÓC
Cứ theo các câu chuyện truyền miệng, hang ma không chỉ còn là sự huyễn hoặc mà đã là một sự sợ hãi và là nỗi lo của nhiều người. Câu chuyện được thêu dệt qua người này sang người khác ngày càng thêm huyền bí và đáng sợ. Theo miệng lão Tảng và mụ Đoác thì mấy hôm nay trên hang ma đêm đêm thường xuyên xuất hiện những bóng ma trơi bay lập lòe, lởn vởn trong khu rừng. Chúng bay rất nhanh. Đằng sau đường bay chỉ để lại những ánh sáng như vệt sao băng. Những vệt sao băng ấy cũng chỉ nhỏ như một tàn đóm khi người ta hút thuốc lào, búng que đóm quá tay làm bật văng ra xa. Những bóng ma trơi này không chỉ có vào những đêm mưa thâm tối trời mà đêm nào nó cũng xuất hiện.

Vào những đêm tối trời, có mưa lâm râm thì những ánh lửa trông mờ mờ, nhoè nhoẹt, phất pha phất phơ. Những đốm sáng thi thoảng lại bùng lên rồi lịm xuống. Lúc sáng, lúc mờ rất quái đản và cũng đầy bí ẩn. Những lúc như thế, trông bóng sáng không khác gì mặt người, dài nghêu, vàng vọt của sự chết chóc. Phải ngày nắng ráo, những bóng ma bay vật vờ, lơ lửng tà tà ngọn cây. Những lúc ấy, bóng ma lại giống hình mặt con trăn gió, quăng mình rào rào từ cây này sang cây khác. Từ dưới chân núi Bái nhìn lên, những bóng ma chả khác gì làn khói mấy người đi nương đốt củi nướng sắn, nướng khoai làm khói bay lên vào các chiều. Những sợi khói mỏng tang như tờ giấy phất phơ bay, lúc cuộn lên, lúc xoắn lại lẩn vào trong màu xanh xanh thâm thẫm của cây rừng. Còn vào những đêm trăng sáng, những bóng ma trơi ấy có màu vàng vàng, đo đỏ. Màu lửa của ma như màu lưu huỳnh cháy. Nhìn lâu, những vệt màu đỏ đòng đọc như máu chảy loang lổ rồi lại nhểu từng giọt, từng giọt xuống đất.

Những con ma xuất hiện trên hang ma lần này không như những lần người dân nhìn thấy. Mỗi khi có vệt lửa ma xuất hiện, mấy người cứng bóng vía kéo nhau ra đứng xem. Người nào cũng đều thấy, phía trước các ánh lửa bay phơ phất ấy là một vệt màu hồng, đỏ ngoe đỏ ngoét, dài như cái lưỡi con rắn ngo ngoe phía trước. Bọn trẻ con lúc đầu nghe người lớn kháo nhau cũng túm gấu áo bố, áo mẹ ra xem. Khi nhìn vệt sáng đỏ như máu, đứa nào đứa nấy sợ vãi cả đái ra quần. Có nhiều bà, nhiều chị khi nhìn thấy thế cũng sợ, giật mình vội ngồi thụp xuống, theo cái lối ngồi tránh bị chó đuổi mỗi khi vào nhà ai đó có con chó dữ. Không kịp tránh con cái đang bám dưới chân, váy của các bà, các chị trùm cả lên đầu lũ trẻ. Đôi mắt ngơ ngác, sợ sệt, thất hồn.

Hang ma trở thành nỗi khiếp sợ cho mọi người trong các bản xung quanh. Nhiều gia đình đã rậm rịch dạm bán nhà để chuyển đi nơi khác. Thậm chí có một vài gia đình đã bồng bế con cái, bấu vúi, đìu íu bỏ bản đi nơi khác, để mặc ruộng nương, vườn tược cho cỏ mọc.

 Vào những lúc trên hang ma xuất hiện những đốm sáng như thế, chó của mấy bản nằm xung quanh hang ma trong khu núi Bái sủa inh ỏi. Có nhiều con sủa tiếng tru đập vào vách núi âm âm u u vọng ra nghe dờn dợn như tiếng của bầy chó sói bị săn đuổi tìm bầy đàn. Tiếng tru kéo dài, dài mãi. Tiếng của chó sủa hay tiếng của ma cũng không biết được. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn. Chuyện hang ma có ma trở lại theo gió bay đi, theo mưa rơi xuống rồi theo nước trôi đi tiếp. Vết dầu loang cứ loang mãi. Vết dầu bắt lửa cháy. Lúc đầu còn cháy âm ỉ sau rồi cứ thế lan mãi ra, bốc ngùn ngụt thành cả rừng lửa. Đến khi vết dầu loang cháy lâu, bốc cao như núi. Ngọn núi Bái phủ một màu chết chóc lên cả một khoảng không gian rộng lớn của miền sơn cước. Ngồi đâu, làm gì, ngay cả nghĩ gì cũng chỉ xoay quanh chuyện hang ma. Hang ma chập chờn ngay cả trong giấc ngủ. Chúng thè cái lưỡi đỏ đòng đọc những máu là máu, liếm lên mặt, lên người. Mỗi khi cái lưỡi đỏ đòng đọc ấy liếm đến đâu, chỗ đó ròng ròng máu, lở loét, nham nhở, tanh tưởi. Đêm đêm tiếng hú, tiếng kêu cầu cứu, khiếp đảm từ các giấc mơ phủ lên các làng bên hang ma.

Chuyện trên hang ma có ma làm những người dân ở bản La Khê không còn mấy người dám vào rừng. Sợ ma một thì cái chuyện ngày xưa lại trở về làm người dân sợ mười. Cái nỗi sợ nó ám ảnh và đeo bám vào trong mỗi người dân ở quanh khu hang ma từ miệng người già kể lại được dịp bùng phát. Bởi từ những câu chuyện của người già kể lại, từ người trung niên, đã ăn hết cả mấy chục mùa sắn, nương khoai, đã làm mất cả bao mùa ngô, mùa lúa qua cái bụng chỉ nhỏ như cái quần, cái lù cở đến lũ trẻ mới nứt mắt, còn cởi truồng. Lời kể chuyện, truyền từ miệng người này sang đến miệng kẻ khác nó đã sinh sôi, nảy nở ra biết bao cái mà người nghe không biết thực, biết hư ở đâu, ở chỗ nào.

Mỗi lần có ma xuất hiện, người ta lại thấy lão Tảng lù lù vác cái mặt đến. Mũi lão thính hơn cả mũi con chó đi săn. Thấy đâu có người bàn kháo nhau chuyện ma là lão lại có mặt.
- Hôm qua tôi thấy con ma có khuôn mặt như cô gái đấy.

- Lão nhìn thấy thật không? Mọi người nhao nhao hỏi.

- Không nhìn thấy mà tôi nói được à. Nói dối để trời bắt tội mà lội xuống sông, xuống suối à.

 Lão Tảng thề.
- Tôi mà nói dối thì trời đánh cho chết mất xác. Nếu có chết rồi thì cũng không có đất chôn. Xác để cho chó, cho dũi, cho dòi bọ nó đục.

- Thế lão thấy nó giống ai? Hay nó giống cái con mụ Đoác của lão?

- Ôi. Nó giống con mụ Đoác làm sao được. Mụ Đoác nếu có làm ma thì cũng là ma già rồi. Con ma này còn trẻ lắm. Ma con gái mà.

- Không giống mụ Đoác của lão thì nó giống ai?

- Tôi không biết được. Chỉ thấy con ma này trẻ, xinh ơi là xinh. Mặt nó trắng như mây trên núi Bái ấy. Môi nó đỏ như hoa thôi. Tóc nó cũng trắng, dài lắm. Khi nó bay, mái tóc ấy cứ cuồn cuộn đằng sau như gió cuốn. Đang trắng thế mà nó chuyển ngay thành màu đỏ như máu. Lúc đó tôi tưởng nó vãi cả máu vào mặt ấy chứ.

- Lão có thấy nó giống mặt cô Lù không?

- Tôi có nhìn rõ được mặt con ma đâu. Nhưng nhìn kỹ. Ờ ờ. Nó cũng hao hao giống mặt cô Lù thì phải. Nó…

Lão vừa nói thế, chưa hết câu đã thấy phèn phẹt cái mặt mụ Đoác bên cạnh. Mụ Đoác lườm lão. Cái miệng dẩu ra.
- Này lão. Lão ngứa mồm quá rồi đấy. Lão không sợ đêm về cô quật lão hộc máu tươi ra hay sao?

Lão Tảng nghe thế nhăn nhở cười.
- Ối giời. Cô mà về vật tôi. Có mà tôi vật cho cô bở hơi tai ra chứ chả chơi à. Mà vật cô có khi lại còn thích hơn vật mụ ấy chứ.

Mụ Đoác sa sầm nét mặt.
- Lão còn muốn sống hay là lão muốn được làm thức ăn cho giun, cho dế đấy. Lão không còn nhớ cái gì nữa à?

Nghe mụ Đoác nói thế. Lão Tảng im miệng, mặt nghệt ra. Lão len lén nhìn mụ.
- Ờ ờ. Thì coi như tôi chưa nói gì.

Lão vừa nói xong, mép chưa kịp khô mà nói là coi như chưa nói gì là làm sao. Lão không thiết sống nữa rồi.
- Thôi mà. Thủi thui cái mồm. Thủi thui cái mồm.

Vừa nói, lão vừa lấy tay tự vả vào mặt mình bèn bẹt. Mấy người đứng quanh nhìn lão ngán ngẩm. Mụ Đoác thấy thế càng được nước lấn tới.
- Lão cứ ngứa mồm lắm vào. Sao cũng có ngày thần thánh cũng không cứu nổi cái mạng lão. Đến lúc đó, có chó nó ỉa vào mộ lão chứ đừng nghĩ có được người cắm cho bát cơm quả trứng.

- Thì tôi nói chỉ có tôi với mụ cùng vài ba người chứ có ai đâu mà lo. Nếu cậu…

Lão vừa thốt ra tiếng cậu khỏi miệng đã vội lấy tay bịt lại. Lần này thì lão sợ thật. Cái mặt lão tái mét, thâm sì. Mụ Đoác hậm hụi bỏ đi. Lão Tảng vội vàng lẹt bẹt chạy theo. Trông lão chạy, dáng cun cút thật tội nghiệp.

Câu chuyện hang ma vốn đã là nỗi lo lắng của bao người thì bây giờ nó càng là nỗi khiếp sợ của cả vùng, của cả bao tộc người sống quanh núi Bái. Không một người dân nào sống quanh núi Bái là không nghe, không biết đến cái chết tức tưởi của cô Lù nơi cửa hang.

Câu chuyện và cái chết của cô Lù ngày nào vì oan khuất vẫn treo lơ lửng ngay trước mắt của người dân ở bản.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:08:09 pm »

Cách đây mấy chục năm, người già của bản La Khê nằm dưới chân núi Bái, gần hang ma vẫn còn nhớ và còn mang nặng nỗi sợ hãi và dấu ấn nặng nề khi chứng kiến cái chết tức tưởi, đày oan khiên của cô Lù, người phụ nữ đẹp nhất bản vì sự bạc tình của cậu Lềnh. Bà con ở bản không ai nghĩ cô Lù lại phải chịu nỗi buồn đau như thế. Lúc nào người dân bản cũng cứ như còn nhìn thấy cô Lù treo cổ lủng lẳng ngay trước mắt vậy.

Cái ngày cô Lù treo cổ  chết trước cửa hang, ma ở hang ma lại xuất hiện trở lại. Năm đó, cả bản La Khê có  tới hàng chục nhà mắc bệnh. Bệnh gì không ai biết. Chỉ biết người bị mắc bệnh, miệng sùi bọt như chỗ thác nước đổ, từng tảng bọt đùn ra miệng, chảy ướt hết áo. Khi nào miệng không còn sủi bọt nữa, ngáp mấy cái là chết. Người chết nhiều quá, không kịp chôn, chả kịp đóng ván, để chảy nước ra đầy nhà, đành phải cuốn vào cái chiếu, đêm đem ra rừng vứt hoặc bỏ đấy cho quạ nó rỉa. Có nhiều nhà, đem người chết vứt ngoài rừng. Mấy hôm sau ra, chả còn thấy người đâu, chỉ có đống mối to lù lù trước mặt. Cái đận đó, dân làng La Khê cũng bỏ làng mà đi vãn đến quá nửa. Thiên hạ kháo nhau, cô Lù chết oan chết ức nên về bắt tội dân làng.

Bây giờ hang ma lại có ma xuất hiện. Biết đâu đấy. Hồn ma cô Lù lại về bắt tội dân làng thì sao? Mặt ma thì chưa ai biết nhưng cái hạn dân làng phải gánh thì không một ai không biết. Tránh mưa, tránh nắng chứ có ai tránh được hạn của đời. Hồn ma cô Lù mà về thật thì có ai gánh được hạn này. Cô Lù không muốn cho mọi người ở thì mọi người đi. Đất rừng còn rộng, lo gì không có chỗ dung thân.

Khi bên dưới phía biển, người dân kháo nhau về chuyện ma trên hang ma. Người các bản xung quanh chân núi Bái rục rịch bán nhà chuyển đi nơi khác vì núi Bái lại xuất hiện có ma thì Phan Lềnh, ngồi trên đỉnh núi Bái, chỗ chóp có hình con cóc lầm rầm chửi thề.

Phan Lềnh nép sát người xuống khóm cây tập tàng cạnh mỏm đá trên đỉnh Con Cóc. Người duy nhất biết vì sao mà tự nhiên lại xảy ra chuyện các bản bên chân núi Bái nhao nhao chuyển nhà vì cái chuyện hang ma có ma xuất hiện trở lại là Phan Lềnh. Cả dải đất của nhà Phan Lềnh một thuở ngày nào mà Phan Lềnh luôn khao khát lấy lại khi công việc hoàn thành có nguy cơ bị phá sản. Phan Lềnh thấy người nóng bừng bừng, chả khác gì bị ai đem hơ trên ngọn lửa. Phan Lềnh chỉ muốn làm cái gì đó cho hả cơn tức giận. Phan Lềnh túm lấy mấy cái thân cây tập tàng, mọc lúp xúp trước mặt bẻ gẫy gập. Khi mấy khóm cây trước mặt bị Phan Lềnh phá nát. Phan Lềnh giật mình thấy nằm tơ hơ trên đất. Cấp trên trước khi đưa trở lại đã nói với Phan Lềnh rất nhiều đến việc phải biết giấu cái tức, cái nóng nảy đi mới có thể làm được nên nghiệp lớn. Không phải Phan Lềnh không biết mà cái bực tức không thể kìm lại được. Ngày còn tham gia trong đoàn thể, Phan Lềnh còn nhớ lắm câu chuyện của một viên quan văn.

Chuyện rằng. Ngày xưa có một ông quan văn đi qua đường. Có cậu bé đang ngồi trên cành cây thấy vậy vạch quần ra đái. Khi lính bắt cậu bé từ trên cành cây xuống. Mặc dù bị đứa trẻ đái ướt quần áo nhưng ông quan văn đó không hề đánh mắng mà còn rút tiền ra cho. Rồi ông quan văn đó dặn.
- Lần sau, thấy ai đi qua, cháu cứ đái vào đầu người đó. Người đó sẽ cho tiền.

Rồi lần khác, đứa trẻ ấy cũng thấy có một ông quan đi qua. Tưởng lại được tiền như lần trước, leo lên cây đái xuống. Khi bị lính bắt xuống đưa trình trước mặt quan. Vị quan hôm đó không phải quan văn mà là quan võ. Vị quan đó không nói không rằng, rút kiếm chặt đầu. Phan Lềnh biết. Cái khác nhau cơ bản của người làm quan văn và quan võ chính là chỗ đó. Quan văn đã biết kìm nén cái bực tức lại mà dùng tay người khác để trừng trị.

Phan Lềnh bò thụt lùi, giật lùi chui vào cái hang Con Cóc có hình tổ sâu trên đỉnh núi Bái.

Tựa lưng vào hốc đá, Phan Lềnh chửi thề. Tay đấm mạnh xuống đám lá khô mới vơ vội về trải làm chỗ ngủ.

Đêm ập xuống. Cả bóng đêm rồi cả dãy núi Bái, cả đỉnh Con Cóc như cái nơm, úp chụp lấy Phan Lềnh. Phan Lềnh nghiến hai hàm rằng vào nhau kèn kẹt. 
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:11:46 pm »

4/KÝ ỨC CỦA LÒNG HẬN THÙ
Khi khoác chiếc tay nải về đến đầu làng, Phan Lềnh thấy phía sân đình làng người bu đen bu đỏ. Thấy cảnh đó, Phan Lềnh bụng bảo dạ, chắc làng đang có chuyện lớn. Với tính cách của người làm báo, khi trên đường về, Phan Lềnh chỉ có mong muốn được nằm ngủ lấy lại sức. Nhưng về đến đầu làng, thấy chuyện ấy, Phan Lềnh không chịu được, khoác chiếc tay nải vào xem. Tính cho đến nay, Phan Lềnh đã phải đi bộ cả tuần trời mới về được đến đây. Ngày đi đêm nghỉ, khát đâu xuống sông xuống suối, đói đâu tìm vào nhà dân xin ăn. Cái ý chí khắc đi khắc đến của người cán bộ những ngày đầu cách mạng đã rèn cho Phan Lềnh điều đó. Chiếc tay nải tòng teng trên vai với bộ quần áo nâu nhiều lúc cũng làm cho đôi vai của Phan Lềnh mỏi đến rời rã. Bàn chân không muốn bước nhưng cái mong muốn được gặp gia đình thôi thúc Phan Lềnh. Đã quá lâu rồi Phan Lềnh chưa về nhà. Những tháng năm làm việc, công tác trên vùng rừng Việt Bắc, có công có việc thì thôi chứ được một phút thảnh thơi, Phan Lềnh lại nhớ nhà đến nôn nao. Con chim có tổ, con người có tông. Dẫu những năm tháng ở nhà Phan Lềnh cũng chẳng có vui nào nhưng cái tình gia đình thì khi đi xa rồi Phan Lềnh nhận ra nó thật lớn, thật thiêng liêng.

Không kịp về nhà, Phan Lềnh ghé vào sân đình nơi cả làng, cả tổng đang tập trung. Tiếng quát, tiếng chửi, tiếng la ó rầm rầm, huyên náo. Trong đám đông, thỉnh thoảng lại có những cánh tay giơ lên. Trong cả rừng cánh tay ấy nào là đòn gánh, đòn càn, liềm gặt đưa lên đưa xuống tua túa. Mỗi khi cả rừng cánh tay, cả rừng đòn gánh, đòn càn, cả rừng liềm hái giơ lên là một đợt sóng trỗi dậy. Những đợt sóng của lòng người từ âm thanh hừng hực lòng căm giận, lòng uất ức. Những con sóng lòng người ấy có thể nhấn chìm tất cả, phá nát tất cả mà không có thể có một vật gì che chắn, che đỡ được. Đã từng làm cán bộ tuyên giáo, Phan Lềnh biết. Cách mạng giành thắng lợi cũng chính là nhờ biết phát động những đợt sóng như thế này. Một lãnh tụ của nước bạn cũng đã từng nói: Quần chúng chỉ là con số không. Cán bộ là con số một. Nếu các con số không có dài đến bao nhiêu thì cũng vô giá trị. Nhưng nếu có người cán bộ biết khơi dậy, xếp hàng các con số đó theo trật tự và người cán bộ đứng đầu, dẫn dắt dãy con số quần chúng đã xếp hàng theo trật tự thì sẽ là một sức mạnh. Sức mạnh đầy ý nghĩa. Một sức mạnh như sóng dậy triều dâng.

Trong học thuyết của mình, Mác và Ăng ghen cũng đã nói đến sức mạnh của quần chúng. Muốn giành được thắng lợi bằng bạo lực cách mạng thì cách mạng không thể không có sức mạnh của quần chúng. Chính vì thế mà Mác và Ăng ghen cũng đã từng khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chỉ có sức mạnh của quần chúng mới làm nên sự thắng lợi của cách mạng. Tất nhiên, muốn phát huy và giành được thắng lợi thì người cán bộ phải biết vận dụng và phát huy sức mạnh ấy đúng lúc, đúng chỗ, biết tận dụng thời cơ, biết làm cú huých cho cỗ máy ấy vận hành. Khi cỗ máy ấy đã vận hành, nghĩa là đã chạy rồi thì để chạy trôi chảy người cán bộ lại phải biết hướng vào một mục tiêu. Mục tiêu ấy chính là lợi ích của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân xét trên một bình diện nào đó nó là những củ khoai tây lăn lóc mỗi nơi một củ. Khi sự phân tán đó còn xảy ra thì nó không có sức mạnh. Nhưng khi mỗi củ khoai lăn lóc đó được một ai đó tập trung lại, dồn nó vào một chiếc bao tải, lấy lợi ích của nó làm phương châm hành động, lấy quyền lợi làm mục tiêu để chiến đấu thì nó sẽ trở thành một sức mạnh như hòn đá tảng.

Những lý thuyết của học thuyết Mác, những bài học từ các đợt tập huấn chỉnh huấn chỉnh quân đã cho Phan Lềnh nhận ra được nhiều điều. Những vấn đề trên cũng đã được ngay chính bản thân Phan Lềnh lên lớp, đi giảng giải cho nhiều nơi, cho nhiều người nghe. Trong lịch sử của loài người để lại, có cuộc chiến tranh nào mà vắng được sức mạnh của quần chúng, vắng mặt tham gia của quần chúng lao động. Chính họ và chỉ có họ mới làm được cuộc cách mạng. Và cũng chính họ, khi quyền lợi kinh tế, quyền lợi vật chất mà các thế hệ cha ông họ, bản thân họ đã đổ xương máu để giành lấy bị xâm hại thì họ lại đứng lên. Họ đứng lên khi có một cá nhân hay một tập thể nào đó tìm ra được những yêu cầu mục đích đáp ứng được mong mỏi của họ. Và thế là một cuộc cách mạng mới lại nảy sinh. Cứ thế, lịch sử loài người mới trải qua năm hình thái kinh tế xã hội. Mỗi lần thay đổi là một sự phát triển. Từ chế độ nguyên thuỷ lên chiếm hữu nô lệ. Từ chiếm hữu nô lệ chuyển lên chế độ phong kiến. Từ chế độ phong kiến bước lên chủ nghĩa tư bản. Và bây giờ là quá trình từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong mỗi bước chuyển hình thái kinh tế ấy là một cuộc cách mạng mà quần chúng nhân dân là người đã tham gia và làm nên.

Lịch sử của mọi cuộc cách mạng là sự hy sinh của tầng tầng lớp lớp nhân dân lao động. Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc giúp Lê Thái tổ giành lại được đất nước từ tay quân xâm lược nhà Minh cũng đã từng nói: Lật thuyền là dân. Đẩy thuyền là dân. Lật thuyền mới biết sức dân như nước. Phan Lềnh cũng còn nhớ, có một nhà thơ cách mạng đã từng viết: Sóng xô sóng đẩy, sóng dậy thuyền đi. Con sóng là quần chúng và con thuyền là cách mạng. Con thuyền cách mạng có thể vượt được trùng khơi là nhờ có lớp lớp các con sóng nhân dân.

Những con sóng ấy đang tràn về quê của Phan Lềnh. Tràn vào làng của Phan Lềnh. Chỉ nhìn những rừng đòn càn, đòn gánh, rừng liềm, rừng hái với trùng trùng điệp điệp lời hô vang như sấm là Phan Lềnh biết. Con sóng cách mạng ở làng quê của Phan Lềnh rồi sẽ cuốn đi tất cả. Những rác rưởi của xã hội cũ sẽ không còn đất sinh sống, không còn nơi để tồn tại.

Đứng từ xa, lắng nghe những tiếng hô: Đả đảo bọn địa chủ. Đả đảo bọn tay sai. Đảng lao động Việt Nam muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Phan Lềnh biết. Một cuộc sống mới đã tràn đến quê Phan Lềnh. Những tiếng hô như sấm dậy, đập vào núi, vọng vào rừng, lan toả đi muôn nơi, kéo người từ trong xó nhà góc bếp đi ra, lôi người từ rừng thẳm thung sâu mà về. Tiếng hô âm âm lặn vào đất gọi sự trỗi dậy. Tiếng hô bay bổng lên trời xanh, bao trùm niềm vui sướng lên muôn cuộc đời lầm than tăm tối. Ngọn lửa cách mạng ngày nào mới nhen còn lom dom cháy thì bây giờ, nó đã thành rừng, bốc cao hơn núi. Ngọn lửa cháy từ lòng căm giận là ngọn lửa thiêu. Nó sẽ đốt trụi, thiêu cháy hết những gì nó tràn qua. Phan Lềnh hiểu hơn ai hết điều đó. Ngay từ những lúc đứng trên mô đất, thân cây, mỏm đá, xếp chân bằng tròn hay ngồi xổm bên bếp lửa nhà dân để giảng giải về sức mạnh của quần chúng, Phan Lềnh đã nhận ra và hiểu ra điều đó hơn ai hết.

Chưa cần bước chân vào đến sân đình, chỉ nhìn cả rừng cánh tay, cả rừng đòn gánh, đòn càn, cả rừng liềm, rừng hái cùng rùng rùng lời hô vang các khẩu hiệu như sóng dập, như bão nhồi, Phan Lềnh cũng đủ biết cái gì đang diễn ra, đang xảy ra ngoài sân đình. Bây giờ đang trong giai đoạn cả nước tập trung đấu tranh trừng trị bọn địa chủ, cường hào gian ác, hại dân hại nước. Đất nước này, dân tộc này không thể chấp nhận có những loại người cùng chung máu đỏ da vàng mà có lối sống như thế. Chúng sống trên mồ hôi nước mắt của người dân. Khi chúng sống phè phỡn trên lụa là gấm vóc, thóc lúa chứa đầy nhà chật kho thì có tới hơn hai triệu đồng bào phải chết đói, nằm phơi xác dọc đường. Nạn chết đói năm cách mạng giành chính quyền là bằng chứng tội ác mà chúng không thể chối cãi. Phải tiêu diệt bọn phản động, bọn cường hào gian ác, bọn làm tay sai cho giặc, coi mạng sống của đồng bào, nền độc lập của dân tộc như cỏ rác, không bằng cuộc sống của chúng. Phải tiêu diệt. Triệt tận gốc, trốc tận rễ những mầm mống tay sai phản dân hại nước như thế.

Sức mạnh của rừng người cuốn Phan Lềnh đi. Phan Lềnh cũng buột miệng hô theo tiếng hô của rừng người: Đả đảo, đả đảo! Muôn năm. Muôn năm! Miệng hô, tay rẽ, chân lách đám đông, Phan Lềnh cố len vào bên trong.

Ngày Phan Lềnh còn ở  nhà, chỉ nhìn thấy Phan Lềnh là mọi người, người nào người nấy đã tránh ra nhường lối. Nhưng hôm nay khác. Mọi người không những không nhường lối cho vào mà còn nhìn với ánh mắt đầy căm hận. Phan Lềnh tự nhủ lòng, nghĩ. Phan Lềnh đi xa nhà đã quá lâu đâu mà người làng không nhận ra. Thời gian còn ngắn, cuộc sống có vất vả, sinh hoạt có thiếu thốn thì cũng đâu có thể làm cho mọi người không nhận ra được mình. Nhìn vào khuôn mặt ông bà nông dân, Phan Lềnh nhận thấy trong ánh mắt của họ, người nào người nấy đều có lửa. Những ngọn lửa cháy rừng rực. Những ngọn lửa ấy như muốn thiêu, muốn đốt Phan Lềnh. Năm tháng đã đổi khác và con người cũng đã đổi khác rồi sao? Cách mạng đã làm thay đổi tất cả người dân quê của Phan Lềnh rồi sao? Những ông bà nông dân một thời đi làm thuê, cày thuê, đến xin xỏ bố Phan Lềnh cho công cho việc ngày nào cũng đã thay đổi rồi sao? Phan Lềnh vừa cố lách vào vòng trong vừa nghĩ về những ánh mắt mà Phan Lềnh đã nhìn thấy, nhận thấy.

Vào được đến bên vòng trong Phan Lềnh tự nhiên thấy mọi người im lặng. Phút im lặng của trận bão mới, phút chuyển gió giữa hai đợt gió của mỗi cơn bão. Mỗi khi có gió bão, bao giờ cơn bão cũng thổi đủ bốn hướng. Mỗi khi chuyển hướng gió khác, bao giờ cũng có một khoảng lặng. Khoảng lặng đến kinh ngạc. Những lúc ấy không có một tý gió gọi là. Cây cối đứng im phăng phắc. Nhưng cũng chỉ một thoáng thôi, một thoáng rất nhanh gió lại quật về. Và cũng chính những trận gió ấy sẽ làm đổ cây, nhổ bật gốc, vặn xoắn ngôi nhà, đẩy tất cả cảnh vật và con người vào trong tâm bão. Tâm bão đi qua rồi thì khó còn có thể có cái gì đứng vững.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:17:47 pm »

Quỳ dưới sân là bố Phan Lềnh, cụ chủ Chu. Hai tay lão Chu bị trói giật cánh khuỷu. Cái đầu hói của cụ Chu còn sót vài ba sợi tóc dài phủ xuống che kín mặt. Ngồi sau cái bàn kê trên bậc sân đình là lão Mai và lão Dung. Phan Lềnh không lạ gì hai con người này. Vào những khi giáp hạt, nhà lão Mai và lão Dung thường đến nhà Phan Lềnh để xin cụ Chu cho việc làm để kiếm sống. Nhà hai người này con nhiều như gà, như lợn nên lúc nào cũng đói, cũng rách. Dưới con mắt của Phan Lềnh, hai lão Mai và lão Dung không xứng cả làm tôi tớ trong nhà. Với Phan Lềnh, hai lão Mai và lão Dung chỉ là con vật tốt giống không hơn không kém.

Không kịp nghĩ gì, Phan Lềnh lao vào giữa sân, nơi đám đông đang bu đen bu đỏ. Chiếc tay nải vuột khỏi vai.
- Bố. Sao bố lại nên nông nỗi này? Hả. Ai cho các người bắt bố tôi. Hả?

Phan Lềnh phủ phục xuống chân cụ Chu. Đôi mắt ngầu đỏ, hằn rõ những tia máu nhỏ chạy vằn vện trong mắt. Ngay lúc đó, tiếng gào thét lại ầm lên.

- Trói cổ thằng con nó  lại. Bố nó là quân địa chủ. Nó  cũng là quân địa chủ. Trói gô cổ nó  lại…

Ngồi trong hốc đá trên đỉnh Con Cóc, Phan Lềnh bỗng nhớ lại chuyện cũ. Nhớ đến rừng đòn gánh, đòn càn, rừng liềm rừng hái cùng tua tủa những cánh tay giơ lên giữa rầm rầm lời hô như bão dậy, như muốn chụp lấy Phan Lềnh mà xé ra từng mảnh.

Phan Lềnh chợt rùng mình. Bất giác, co hai tay ôm lấy ngực, Phan Lềnh ngồi tựa vào hốc đá. Mồ hôi rịn trên trán.

Phan Lềnh thấy đói. Bụng sôi lục bục như lỗ nước đùn chỗ ruộng lầy. Phan Lềnh ngửa mặt nhìn trời đoán thời gian. Sao đến bay giờ mà chưa thấy lão Tảng đến. Dặn đi dặn lại lão bao nhiêu lần rồi mà lão vẫn chưa chừa cái tội ngứa mồm. Đúng là đồ ngu. Ếch chết tại miệng. Đã nói rồi mà vẫn chứng nào tật đó. Phan Lềnh còn lạ gì những người cán bộ. Phan Lềnh có thể thuộc đến trong vỏ ngoài lõi của họ rồi. Chẳng gì thì Phan Lềnh cũng đã có một thời ăn sắn, ăn khoai, đắp chung chăn cùng họ.

Có tiếng sột soạt trong lùm cây bên cạnh cửa hang. Với tay cầm khẩu súng, Phan Lềnh nép vào vách, giấu hẳn mình vào khe đá. Một cái đầu tóc bết vón lại nhô ra. Mắt lấm lét nhìn vào trong hang. Cái đầu cất tiếng gọi nhỏ.

- Cậu ơi!

Một mũi súng đen ngòm đua ra, tỳ sát vào má.
- Sao bây giờ mới lên. Lão định để tao chết đói ở đây đấy à?

- Dạ. Con đi sớm nhưng tranh thủ thăm mấy cái bẫy nên lên muộn. Cậu thông cảm, tha cho con.

Đỡ nắm xôi lão Tảng lấy từ trong cái típ ra. Phan Lềnh lừ mắt.
- Lão cần tiền đến thế cơ à? Có cần thêm tao đưa cho?

- Dạ. Không. Tiền cậu chủ cho con vẫn còn chưa dùng hết. Cậu bỏ quá cho con. Con nhớ rồi.

Vừa ăn, Phan Lềnh vừa gườm gườm nhìn.
- Lão nhớ đấy. Đi đứng cho đúng giờ. Lão mà còn bén mảng, lởn vởn ở khu này vì mấy con cầy, con cáo. Lão sẽ biết tay tao. Lúc đó đừng có trách tao không nói trước.

- Dạ. Con nhớ.

- Lần này về, nhớ tranh thủ xem bà và cậu Đô, cậu Đồ thế nào nhé. Có gì nói lại cho tao đấy. Rõ chưa?

- Dạ. Con nhớ rồi.

- Mà lão cũng bớt tội ngứa mồm đi. Làm kheo khéo vào kẻo lại đưa bọn công an lên đây thì lão chết.

- Cái đấy cậu chủ yên tâm. Con đi vào rừng thường xuyên nên có mấy ai để ý. Có chăng chỉ có chó nó mới để ý đến con.

- Dặn phòng xa lão thế. Làm gì cũng phải cẩn thận đấy. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là không còn đất sống đâu.

- Dạ. Cậu chủ cứ yên tâm.

- Được rồi. Lát nữa về. Nhớ mấy việc tao dặn.

- Dạ.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:32:28 pm »

5/VÉN MÀN BÓNG ĐÊM
Mọi thông tin về hang ma có ma ngày càng dồn về Ban chỉ huy  công an nhân dân vũ trang Yên Hưng một nhiều thêm. Kéo tấm màn ri đô sang bên, Tô Hồng Dân, trưởng ban trinh sát ban công an nhân dân vũ trang Yên Hưng nhìn như dán mắt vào cái điểm chấm có dấu khoanh tròn tròn trên bản đồ khu vực có quyết tâm chiến đấu của đơn vị. Trên tấm bản đồ chỉ có mầu xanh thẫm, cùng các đường nâu nâu vàng vàng nhỏ, mảnh như sợi chỉ vắt loằng ngoằng tầng tầng lớp lớp. Nhìn vào bản đồ, những dấu hiệu trên cho người xem nhận ra đây là khu rừng rậm và có độ cao nhất trong cả khu vực. Nếu từ độ cao này, đứng trên đó có thể quan sát được toàn bộ khu vực rộng tới hàng chục ki lô mét vuông. Mặc dù chưa có dịp đặt chân lên điểm cao này, nhưng những gì mà các nhà đo vẽ bản đồ thể hiện cũng đủ cho Tô Hồng Dân nhận ra sự gian khổ và nguy hiểm khi lên đây. Hướng có hang ma cũng là hướng trọng điểm, địa bàn trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị biên giới của đơn vị.

Nhìn kỹ lại một lần nữa tấm bản đồ trước khi kéo tấm màn ri đô che đi, Tô Hồng Dân mở tủ hồ sơ tài liệu. Toàn bộ tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho đến bố trí dân cư, đời sống văn hoá, kinh tế của các bản xung quanh chân núi và trong khu vực cũng vừa được anh em bổ sung song các con số còn rất sơ sài, gần như còn trống trơn. Ngồi lại bàn làm việc, Tô Hồng Dân đưa hai tay lên bóp bóp trán. Tô Hồng Dân cố nhớ lại những điều đã biết rồi xâu chuỗi, lắp ghép nó thành một sự thống nhất theo trình tự.

Bản La Khê nằm trong khu vực địa bàn nội địa đất liền. Nếu cắt theo đường chim bay, từ bản La Khê ra đến khu vực biên giới biển khoảng mười lăm ki lô mét. Nếu cũng từ bản La Khê đi lên hướng biên giới đất liền khoảng hai, ba mươi cây số.  Đường chim bay là thế nhưng nếu đi bộ từ bản La Khê ra đến biển phải mất ngày đi bộ và đi ra biên giới đường bộ thì cũng phải mất từ hai đến ba ngày đường.

Các bản nằm xung quanh chân núi Bái chủ yếu là đồng bào dân tộc. Do nằm xa các khu trung tâm văn hoá xã hội và chính trị nên sự tác động của các chế tài luật pháp hầu như không có tác dụng. Mọi hoạt động trong quan hệ đều ứng xử theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc và các dòng tộc trong vùng. Trong những năm thực dân Pháp còn cai trị, chủ yếu các quan lại cấp phủ, huyện đều dựa vào những người có chức sắc trong bản và dân tộc. Thời kỳ kháng chiến, nơi đây là vùng răng lược, đan xen giữa vùng tề và vùng theo Việt Minh.

Do sống trong vùng sâu nên trình độ dân trí còn thấp, đời sống sinh hoạt vật chất chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp và tự nhiên. Người dân ở đây, ra khỏi nhà ngửa mặt là núi, cúi mặt là suối, quanh năm suốt tháng chỉ biết vào rừng săn bắt con cày, con cáo, lũ gà rừng, con chim, con dũi, trồng lúa, trồng ngô, trồng khoai. Ngọn núi Bái cao ngất ngưởng lúc nào cũng có sương phủ trắng bao quanh. Vượt qua dãy núi là sang bên kia, nơi con người cũng mang dòng máu giống nhau nhưng đã nói thứ tiếng nói của nước khác, đất khác.

Sáng, khi sương mù còn phủ kín cả bản, cách nhau bước chân không nhận ra người, tiếng con gà gáy nhòe hơi nước, khản giọng vì lạnh thì người phụ nữ đã phải lên nương. Lên được đến nương, khi đó sương đã kéo nhau lên tận đỉnh núi Con Cóc. Buông cái lù cở khỏi vai, đưa tay gạt mồ hôi mặt, cái tay đã phải cuốc cho đến khi cái lưng thấy mỏi, cái tay thấy nhức, cái áo thấy ướt mới dừng để lấy nắm cơm gói trong túm lá dong ra ăn. Ấy là đã trưa. Lúc này ông mặt trời mới vừa ló ra khỏi đám mây dầy như cái nệm chăn bông gòn, bông gạo. Miếng cơm chưa nuốt trôi khỏi cổ, hớp nước vừa vào đến miệng đã lại tay cuốc, tay cào cho đến tối mò tối sà mới quàng cái lù cở lên vai về bản. Về đến bản, chui vào nhà, nổi vội cái bếp lửa, nấu xong được nồi cơm, bát canh, lùa qua miệng, chùi hai bàn chân vào nhau, ngả lưng lên cái chõng tre là hai mắt đã dính chặt vào nhau. Cái ăn, cái uống hằng ngày kéo cuộc sống của người dân xuống đất, lẫn vào cây ngô, cây khoai. Ngẩng đầu lên đầu ngày khi sương còn mờ nhọ, ướt mặt người. Làm cho đến cuối ngày, ngẩng mặt lên đã lại một màu đêm.

Vào một sáng, khi lớp sương mù vừa kịp cho mặt trời he hé chiếu vài ba tia nắng xuống vạt đồi, cả làng La Khê thất kinh khi nghe tin cô Lù treo cổ tự tử ở cửa hang ma. Già làng không kịp tắt bếp, rút củi, người lớn quăng cuốc ngoài nương, lũ trẻ để mặc trâu ngoài rừng, bọn con trai, con gái đùm úm kéo nhau chạy về hang ma.

Ngay chính giữa cửa hang ma, cô  Lù tự cuốn một sợi dây sắn rừng quanh cổ,  đầu dây phía trên buộc vào cái gốc cây si mọc thò ra cửa hang. Đám rễ cây si chảy xủ xuê xuống che gần hết hang. Đám rễ cây si mà lũ trẻ trâu thường bám vào đó đu mỗi trưa đi tìm trâu hay xua trâu về nhà. Chùm rễ cây si phơ phất lắc lư, đẩy qua đẩy lại che khuất người cô Lù.

Phía trên, chỗ cái thòng lọng dây sắn rừng thít vào cổ cô Lù, cái  đầu của cô Lù ngật sang một bên. Mái tóc mọi ngày cô quấn, giấu trong chiếc khăn đội đầu nay xổ xuống, bám rối vào chùm rễ si. Mắt cô Lù trợn tròn, xám ngoét. Miệng cô Lù còn ngậm cái lưỡi bị đùn ra thâm như miếng thịt trâu. Bám vào cái đầu lưỡi thâm đi đỉ ấy là cả một bầy nhặng bu đen. Phía dưới sợi dây cuốn cổ là cả cái thân cô Lù thả rủ xê, thõng thượt. Hai cánh tay cô Lù buông xuôi, dọc theo thân người. Bàn tay cô cong cong như bàn tay khỉ. Hai bàn chân của cô Lù thẳng đuồn đuỗn chúc xuống dưới. Từ các đầu ngón chân, ngón tay, nước vàng vàng từ người cô chảy ra nhỏ từng giọt tóc tách rơi xuống. Cạp váy của cô bễ xuống vướng vào hai bên mông, chiếc áo co tớn lên, làm trật ra cái bụng của cô có những lỗ thủng mà nước từ trong thỉnh thoảng lại ộc ra, chảy xuống cái váy rồi rơi xuống nền đất mặt cửa hang.

Phía đất dưới cửa hang, thẳng chỗ cô Lù  treo mình, ruồi bu đen, đặc như bầy ong. Mỗi lúc có ai rẽ đám rễ cây si để đến gần xem xác cô Lù, lũ ruồi chả khác gì bầy ong bị động tổ nhao nhao bay ra ngoài. Trên người cô, chỗ cái bụng trật ra trắng hêu hếu như cái da con lợn bị dội nước làm thịt, từ các lỗ thủng bụng cô Lù, các con bọ vón cục thỉnh thoảng lại rơi xuống chỗ nước làm bầy ruồi nhao nhao bay lên. Tiếng ao ao của bầy nhặng vỗ cánh nghe ai oán, thổn thức, nức nở.

Từ trên người cô Lù, các búi dòi rơi xuống chạm mặt vũng nước lẹt bẹt. Khi rơi xuống đất, đám dòi bọ lại xục mình vào vũng nước, vón cục. Có nhiều con bò cả ra bốn xung quanh. Chúng bò ra xa một đoạn rồi lại lần tìm theo các vệt nước quay trở lại vũng nước vàng vàng từ người cô Lù nhểu xuống. Mùi thối rữa, khăm khắm, từ người cô Lù thoát ra, mùi từ vũng nước vàng vàng của bầy ruồi hắt lên tanh tanh nồng nặc, sặc sụa.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:39:06 pm »

Chuyện cô Lù treo cổ  chết ở hang ma đã xảy ra lâu lắm rồi. Cô  Lù chết từ bao giờ không ai biết, Tô Hồng Dân cũng như anh em cán bộ chiến sĩ trong đồn chỉ nghe người dân trong bản nói lại, kể lại. Rồi cả chuyện cô Lù chết về bắt dân làng chết theo cũng là chuyện mà mọi người, chỉ được nghe mà không được thấy. Mọi người chỉ biết rằng, khu vực núi Bái, cánh rừng bên chân núi Bái, không có mấy người dám ra vào săn bắn hay trồng cấy cái gì. Nay, không biết từ đâu, người xung quanh núi Bái lại rộ lên chuyện hang ma có ma. Người dân ở bản La Khê lại rục rịch đưa cả nhà đi tránh. Bỏ bê ruộng nương cho cỏ mọc.

Sau khi đã lật giở lại hồ sơ trong khu vực, trưởng ban trinh sát tỉnh Tô Hồng Dân cho gọi A Lò và Tự Kim lên phòng làm việc. Anh cũng cho gọi đội trưởng đội đội trinh sát địa bàn lên để trực tiếp báo cáo. Đợi mọi người ngồi xuống ghế, Tô Hồng Dân hỏi ngay.
- Mấy đồng chí có nghe thấy tin tức tình hình gì đang xảy ra trên địa bàn núi Bái, khu vực bản La Khê không?

A Lò, Tự Kim đưa mắt nhìn  đội trưởng trinh sát địa bàn ra ý chưa hiểu trưởng ban trinh sát tỉnh hỏi cái gì.
- Báo cáo trưởng ban trinh sát. Anh em ở cơ sở báo về vẫn bình thường ạ. Trưởng ban hỏi về vấn đề gì cơ?                               

Nghe thế, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân đập tay xuống bàn, cáu.                                             
- Các đồng chí nói bình thường là bình thường như thế nào? Hãy nói cho tôi biết cái bình thường của các đồng chí đi. Nói tôi nghe xem nào?

A Lò, Tự Kim và đội trưởng đội trinh sát đỏ bừng mặt. Mọi người biết, khi trưởng ban trinh sát hỏi thế là thể  nào cũng đã có chuyện gì xảy ra. Nhưng trong lòng chưa biết là ý trưởng ban trinh sát hỏi về vấn đề gì.
- Các đồng chí nói tôi nghe tình hình địa bàn có xảy ra chuyện gì  không?

Lúc này thì mọi người đã hiểu rõ ý của Tô Hồng Dân. A Lò  và Tự Kim nháy mắt ra hiệu đội trưởng đội trinh sát nói trước.
- Báo cáo trưởng ban trinh sát. Địa bàn báo về là cơ bản không có gì lớn. Tình hình an ninh cơ bản ổn định.

- Thế đồng chí có  biết, dân ở bản La Khê đang rục rịch bồng bế chồng con gia đình đi không?

- Dạ. Có biết.

- Biết mà địa bàn vẫn cơ bản ổn định là sao? Hả?

- Báo cáo trưởng ban…

Không để cho đội trưởng trinh sát nói hết, Tô Hồng Dân lúc này thực sự thấy bực mình. Tô Hồng Dân nhìn sang phía A Lò và  Tự Kim.

- Thế hai đồng chí  có biết chuyện gì không?

Nghe trưởng ban trinh sát hỏi, cả A Lò và Tự Kim lúng búng.
- Chuyện dân bản La Khê rục rịch bỏ đi, theo chúng tôi được biết là do có tin đồn hang ma có ma. Dân sợ lại xảy ra như trước kia.

- Thế các đồng chí  có biết từ đâu, ai là người tung ra tin này không?

- Dạ. Chúng tôi mới chỉ  nghe nhưng chưa xác minh được.

- Thế đến bao giờ thì xác minh được. Mai, ngày kia hay sang năm hả? Hay là thôi. Cái gì xảy ra cũng chỉ nghe mà không cần làm, không cần điều tra xác minh?

Đến lúc này thì cả A Lò, Tự Kim và đội trưởng trinh sát địa bàn đã đoán ra. Việc hang ma có ma, việc người dân La Khê bỏ bản đi không còn là chuyện nhỏ nữa mà là chuyện lớn.

Sự việc như thế  mà khi hỏi, cán bộ chiến sĩ chỉ trả  lời chung chung nên Tô Hồng Dân thực sự khó  chịu. Tô Hồng Dân thấy bực bội trong người. Nỗi bực tức không kìm giữ được, bộc ra ngoài.

Chỉ tay thẳng vào mặt cả ba người, Tô Hồng Dân nói mà như quát.

- Ngay ngày mai, cả ba đồng chí phải đi xác minh cụ thể và phải kết luận cho tôi rõ. Ai? Ở đâu tung ra tin hang ma có  ma? Dân bản bỏ bản đi có phải vì tin này không? Có bao nhiêu nhà đã đi? Bao nhiêu nhà sắp đi? Bao nhiêu nhà còn ở lại bản? Đã làm cái thằng công an ấy. Cái gì chỉ hơi khác bình thường là phải nắm ngay, phải có kết luận ngay. Nắm thật chắc đến tận gốc rễ ấy. Cứ ậm ờ ậm ờ rồi có ngày, thổ phỉ nó mang mìn vào tận đây nó đặt, mang súng vào tận đây nó bắn. Lúc đó rồi mới biết. Đằng này. Tình hình gần như rối tung lên mà còn bình thường với chả bình thường.

Nói đoạn, Tô Hồng Dân ngồi phịch xuống ghế. Cả ba người còn chưa hết bàng hoàng, đứng chôn chân bên bàn.
- Các anh không đi làm ngay còn  đứng đực ra đấy làm gì? Hả?

- Báo cáo trưởng ban…

- Báo báo cái gì. Báo báo cái con…Lúc nào cũng chỉ báo cáo với báo mèo. Làm thì như đĩ chơi giăng mà báo cáo cho lắm.

A Lò, Tự Kim và đội trưởng trinh sát vội đi nhanh ra ngoài. Đi như chạy.

Nhìn theo bóng ba chiến sĩ thuộc quyền, lòng Tô Hồng Dân buồn rười rượi. Linh tính mách bảo, chuyện hang ma có ma, chuyện dân bản La Khê bỏ đi không chỉ đơn thuần là tin đồn, không hẳn là sự lo lắng sợ sệt. Đằng sau nó là vấn đề hệ trọng mà bây giờ, Tô Hồng Dân chưa thể đọc tên, nói rõ ra bản chất của nó được. Nó là cái gì? Hình thù của nó ra sao? Tất cả còn nằm trong bóng tối. 
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:45:07 pm »

6/BÓNG MA 
Chuyện cô Lù treo cổ  chết ở hang ma vì ai, vì cái gì thì  dân làng La Khê chẳng cần phải ai nói cũng biết. Chuyện cô Lù thích thằng Lềnh, ngủ với thằng Lềnh có chửa rồi nó bỏ trốn đi đâu biệt tăm biệt tích thì cả bản đều biết. Tục làng nó thế. Trai gái thích nhau cứ thích, yêu nhau cứ yêu, cho nhau cứ cho nhưng không được để có con. Con cái là của trời, có rồi thì phải sinh, phải nuôi. Không sinh được, không nuôi được thì phải chết. Nếu không muốn chết thì bỏ làng mà đi. Làng bản không có người như thế. Nếu ở bản nào có kẻ đó thì bản sẽ phải chịu trời phạt làm cho đói khổ, chết chóc. Nếu không chết cũng ốm quặt ốm quẹo, bệnh tật đeo bám suốt đời.

Cô Lù vì yêu thằng Lềnh, thích thằng Lềnh, cho thằng Lềnh cái sinh con của mình nhưng nó lại bỏ bản đi thì cô Lù phải tự tìm đến cái chết thôi. Bản không thương, bản không tiếc. Những người như thế không phải là người của bản. Nó là con ma rừng đầu thai vào người mà thành. Nó chết đi càng không phải bắt tội người bản được.

Bản cũng không lạ gì  nhà thằng Lềnh. Ông thằng Lềnh là thày mo của cả khu rừng bên chân núi Bái. Ông nó đêm đêm ngày ngày đi cúng cho nhà ai có bệnh, có hạn, có lễ. Khi đi tay không nhưng khi về đã có gà cắp nách, có dê kéo tay, có lợn nhốt trong rọ, có bạc giắt cạp quần. Vì ông nó kiếm được nhiều tiền, lấy được nhiều lợn, nhiều gà, nhiều dê của các nhà người bệnh mà trong nhà ông nó lúc nào cũng có gà đầy sân, lợn đầy vườn, dê khắp núi. Nhà ông nó là nhà giàu có nhất nhì trong vùng núi Bái. Đứng từ trên đỉnh Con Cóc, đưa mắt nhìn xa khi nào không thấy người, không rõ cây mới hết đất của nhà ông nó. Vì ông nó giầu thế nên khi quân Pháp đưa lính lên đây cũng phải vào xin ông nó đất để dựng trại cho lính ở. Thằng quan hai ngày nào cũng có mặt ở nhà ông nó uống rượu, ăn thịt thú rừng và chơi gái bản. Ông nó thích đứa con gái nào là đứa đó phải về làm vợ, lau chân, rửa mình, ôm ông nó ngủ cho không lạnh. Đứa con gái của bản nào mà lấy được con cháu nhà ông nó là có khác gì con chuột tìm được cái hang để ở. Mà cái hang này lại có nhiều thóc, còn hơn tìm được các đọn lúa treo trên gác bếp. Cũng chính vì thế mà vợ của ông nó đông hàng đàn, con nhiều hàng đống, còn cháu chắt dòng họ nhà nó đông như cỏ dại. Cỏ dại nhà nó vương vào đâu là ở đó nảy mầm, ăn sâu bám rễ, mọc nhanh chả mấy chốc mà đã thành rừng.

Hết đời ông lại đến đời bố nó. Bố thằng Lềnh cũng làm thày mo. Bố nó có khuôn mặt của dơi, tay của khỉ, chân của loài cáo nhưng cái con giống thì của loài ngựa, loài sơn dương. Người trong bản trên xóm dưới sợ bố nó hơn sợ cọp. Bố nó còn thuê cả lính về ở, canh gác vòng trong vòng ngoài. Bố nó làm nghề thày mo, thầy cúng nhưng người trong bản thấy bố nó chẳng mấy khi ở trong vùng. Bố nó thường xuyên sang bên kia buôn bán với người bên kia biên giới. Đã có nhiều người theo bố nó sang bên kia biên giới nhưng người trong bản không thấy trở về bản bao giờ nữa. Người trong bản kháo nhau, hình như bố nó buôn bán bạch phiến với người ở bên kia biên giới. Đúng sai ra làm sao không biết nhưng bố nó chỉ cần nghe phong thanh thôi, rằng người nọ, người kia nói thế này thế khác thì chỉ một thời gian sau người đó đã không thấy có mặt ở trong bản nữa. Sống đầy đọa còn khổ gấp trăm nghìn lần chết nhanh. Nhưng vì cái sống, vì muốn thân xác và người nhà không chịu cảnh đọa đầy nên ai cũng im lặng chẳng dám nói xa, nói gần. Cái sự mưu sinh nó trói buộc con người ta vào trong vòng cương toả vô hình của bố thằng Lềnh đưa ra.

Từ ngày ông nó  mất, bố nó lên thay cai quản cơ ngơi tài sản thì đất nhà nó càng rộng, người ăn người ở nhà nó càng đông, trâu bò nhà nó đầy rừng, con lợn con gà nhà nó đếm mỏi mồm chưa hết. Đi đến đâu, làm cái gì, từ hòn đá trên núi, con cá dưới khe đến cái cây mọc bên lối đi, bãi phân trên vách núi cũng là của nhà thằng Lềnh cả. Của cải nhà nó không để đâu cho hết.

Sau khi làm cho cô Lù  có chửa, cái bụng cứ to đẫy ra, ềnh ễnh, ọc ạch đi thì thằng Lềnh tìm đường trốn mất tăm mất tích. Cô Lù vì sợ già làng bắt phạt mà phải ra cửa hang treo cổ. Cô treo cổ, chết thối trên cây, cái bụng có đứa trẻ bị dòi, bọ ăn nhung nhúc, từng búi rơi lét bét xuống đất được người già lấy làm câu chuyện răn dạy con cháu. Năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, câu chuyện được kể từ xó bếp đến chân cầu thang, theo mồm người lên nương, vào núi.

Thói đời, câu chuyện qua miệng người nó như cái cây, chỉ từ một cái hạt nhỏ tin hin bằng móng tay, bắt rễ vào đất, mọc mầm, nảy lá rồi cứ thế ăn sâu bám rễ vào đất mà lớn lên. Qua gió câu chuyện một sinh mười, qua đất câu chuyện sinh ra một trăm nhưng qua miệng người thì nó sinh ra hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện khác. Nó như cái cây mọc rễ rồi từ một cây thành hai cây, hai cây thành bốn cây, bốn cây thành mười sáu cây. Cứ thế, chả mấy chốc nó đã thành rừng, trùm kín cả núi, trùm kín cả người. Nếu câu chuyện mà lại qua miệng kẻ ác thì nó nhiều lắm, nhiều vô kể, chặt không hết, đếm không hết. Nhiều vô thiên rủng. Lúc ấy nó chả khác gì cơn gió độc luồn lách, chui rúc vào đến tận xó bếp, góc nhà, chuồng lợn chuồng gà, nó bám vào cả từng chân lông của lũ dê thả trên núi.

Chuyện cô Lù treo cổ  chết ở cửa hang ma cũng thế. Nó qua miệng người, qua bao nhiêu năm, qua bao nhiêu tháng người nghe không còn biết đâu là thực, đâu là giả, u u minh minh như rừng, như đất, như người. Lũ trẻ lớn lên thành người lớn, người lớn già đi thành đất, thành cát. Chuyện cô Lù treo cổ chết ở hang ma có thật hay không có thật chỉ có trời biết, đất biết. Bởi cho đến bây giờ, người trong bản, quanh chân núi Bái có hỏi người già rằng cô Lù người bản nào, cô có xinh hay không xinh, cha mẹ cô là ai. Chịu. Chỉ tay lên núi. Lên kia mà hỏi thần rừng. Thần rừng biết đấy. Thần rừng, thần đất nói lại cho mà nghe. Nhưng mọi người tin. Tin chứ. Cô Lù bị thằng Lềnh nó làm cho cái bụng to lên cũng vì tham nhà nó giầu, cái tai ham nghe lời nó nói. Tiếng nó nói như con chim hót thế thì cô Lù chết mê chết mệt là phải thôi.

Bọn con gái bây giờ cũng thế cả. Nó không chịu nhìn bằng mắt, chúng nó  chỉ thích nhìn bằng tai thôi. Con chó sói ngoài rừng, khôn thế, liều lĩnh là thế mà cũng chết vì bả đấy thôi. Cái bả làm ra có mùi thơm nên cái mũi chỉ ngửi thấy thơm mà con mắt có nhìn thấy cái cạm người gài bên dưới đâu.

Tai thính nhưng không biết phân biệt tiếng động độc, mũi thính chỉ ngửi thấy mùi thơm mà không ngửi thấy mùi thuốc độc, mắt sáng nhưng không nhìn ra cái ác, cái chết bên trong thì chết thôi, thì bị bắt làm thịt thôi. Trách ai được, mắng ai được. Có mắng thì hãy mắng mình ngu ấy. Già làng kể chuyện bao giờ cũng nói thế mà.

Tự Kim và A Lò vừa nghe già bản kể vừa vội vàng ghi chép vào cuốn sổ tay. Câu chuyện cô Lù chết nếu theo già bản kể cũng khó mà xác định được thực hư thế nào. Nhưng có thực nhà thằng Lềnh như thế không? Nhà thằng Lềnh có bao nhiêu người? Tại sao thằng Lềnh lại bỏ nhà đi? Nó đi đâu? Làm gì? Đi từ bao giờ? Trước kia thằng Lềnh là người như thế nào? Có nghĩa là phải hỏi cho rõ tất cả. Rồi hang ma nữa. Phải lên hang ma. Lên tận nơi xem cái hang đó như thế nào? Có đúng là hang ma có ma không? Nếu không có ma thì cái gì phát ra lửa đêm đêm?

Sau một lúc đắn đó tính toán, Tự Kim và A Lò quyết định phải lên xác định hang ma trước. Xong việc trên hang ma sẽ đi xác minh thân phận của Lềnh.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2017, 10:20:30 pm gửi bởi bodoibienphong » Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM