Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:08:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 30888 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:30:43 pm »

*

Sau những trận đánh cuối năm 1952, trên địa bàn trong tỉnh Quảng Yên, đặc biệt là ở bốn huyện đồng bằng miền tây của tỉnh, các khu căn cứ du kích của ta nằm đan xen giữa các đồn bốt địch, bên cạnh đó là những khu tranh chấp phát triển ngày một nhiều. Trên địa bàn chiến lược này cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Địch ra sức đánh phá, hòng xóa bỏ các căn cứ đứng chân của ta ngay trong lòng chúng, ngược lại ta cũng ra sức phát triển mở rộng các vùng căn cứ du kích, thu hẹp địa bàn chiếm đóng của địch và phá các thủ đoạn gom dân bắt lính của chúng.

Bước vào năm 1953, trong khi phải tập trung xây dựng các khối cơ động chủ lực, tác chiến, địch vẫn phải để lại ở Quảng Yên một lực lượng lớn binh lính để thực hiện kế hoạch bình định, càn quét gom dân bắt lính và đối phó với các hoạt động của các lực lượng vũ trang ta.

Về phía ta, trong những tháng đầu năm 1953, lực lượng vũ trang của tỉnh cũng được tăng cường rất nhanh cả về số lượng và chất lượng. Số đơn vị chiến đấu của tỉnh bao gồm tiểu đoàn Bạch Đằng với ba đại đội bộ binh và một đại đội hỏa lực, đại đội 911 của huyện Chí Linh, đại đội 913 của Đông Triều, đại đội 915 của Yên Hưng, đại đội 917 của Sơn Động, đại đội 921 của Kinh Môn, đại đội 919 của Cát Hải và đại đội 915 của Thủy Nguyên(1). Ngoài ra tỉnh còn có một đại đội trinh sát đặc công và đại đội 912 chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Bên cạnh phát triển về số lượng, bộ đội Quảng Yên đã có những tiến bộ mới về chiến thuật như đánh đặc công, đánh giao thông thủy bộ…

Ngoài ra tỉnh còn có hàng ngàn dân quân du kích được trang bị tương đối đầy đủ và có kinh nghiệm chiến đấu tốt.

Với một biên chế tổ chức tương đối đồng bộ từ tỉnh đến huyện và xã như vậy, Quảng Yên chủ trương mở rộng thêm và nâng cao hơn nữa trình độ chiến tranh nhân dân bằng cách duy trì sự có mặt thường xuyên của bộ đội để hoạt động liên tục trong vùng sau lưng địch. Trước kia cứ sau một đợt hoạt động, các đơn vị của tỉnh, thậm chí cả một số đơn vị huyện cũng phải lui về rừng để củng cố. Do đó tạo nên sự ngắt quãng hoạt động, mặt khác mỗi lần từ rừng về bộ đội lại phải mất một thời gian mới làm quen được với chiến trường. Từ năm 1953 Quảng Yên đã tổ chứ luân phiên giữa tác chiến và nghỉ ngơi hoặc huấn luyện ngay trong vùng sau lưng địch. Trong một tiểu đoàn, cứ hai đại đội hoạt động, một đại đội nghỉ huấn luyện. Khi địch ít càn quét, ta thực hiện luân phiên ngay trong từng đại đội cũng theo phương thức và tỷ lệ như vậy.

Đầu năm 1953, địch đã có những thủ đoạn mới, đó là những cuộc hành quân càn quét phản ứng nhanh để đối phó với các hoạt động của bộ đội ta ở vùng du kích. Lực lượng địch sử dụng trong các cuộc càn này thường từ dưới một trung đoàn, có khi chỉ một đại đội, thậm chí một tiểu đội, tùy theo tính chất, nhiệm vụ của cuộc càn.

Thủ đoạn mới này đã gây cho ta một số khó khăn, tổn thất. Đại đội 902 qua ba lần chiến đấu ở Văn Đức (Chí Linh), Tri Giả (Kinh Môn) đã mất 70 người vừa hy sinh, vừa bị bắt. Tiếp dó đến tháng 4 đại đội 910 lại bị thất bại lớn. Ngày 11 tháng 4, đại đội 910 và đại đội 923 (Kinh Môn) đã tiến công tiêu diệt gọn một đại đội quân ngụy đóng ở Trung Hòa. Đồng chí Phạm Khắc, tỉnh ủy viên, chính trị viên phó tỉnh đội Quảng Yên đi cùng đơn vị.

Đêm 11 tháng 4, do không vượt được hết qua sông để trở về Nhị Chiểu nên đơn vị phải quay lại trú quân ở Đích Sơn, một xã không xa đường 5. Lực lượng của ta có đại đội 910 và một trung đội của đại đội 923, cùng hàng trăm tù binh và nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm.

Ngay mờ sáng hôm sau, hàng nghìn tên địch có tàu chiến, xe tăng và pháo binh yểm trợ đã bao vây thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa. Quân ta đã đánh lui được nhiều đợt xung phong của địch. Nhưng cuối cùng địch đã dùng pháo xe tăng bắn phá lũy tre mở đường cho quân đột phá vào làng. Nhân cơ hội này tù binh địch đã cướp vũ khí của thương binh, tử sĩ và súng chiến lợi phẩm để đánh từ trong ra. Trận đánh giáp lá cà diễn ra ác liệt trong từng căn nhà. Đồng chí Phạm Khắc đã cùng các chiến sĩ dũng cảm đánh địch và anh dũng hy sinh. Đại đội trưởng đại đội 910 và những chiến sĩ còn lại đều bị bắt.

Đây là một thiệt hại chưa từng có đối với bộ đội Quảng Yên.

Sau thất bại này các đơn vị trong toàn tỉnh đã kịp thời rút kinh nghiệm, tỉnh ủy, tỉnh đội Quảng Yên quyết tâm xây dựng lại đại đội 910, giữ vững truyền thống chiến đấu của tiểu đoàn Bạch Đằng cũng như toàn thể bộ đội trong tỉnh. Chỉ mấy tháng sau, ngay trên đất Kinh Môn, không xa xã Hiệp Hòa, đại đội 910 mới được xây dựng lại, đã đánh thắng một trận giòn giã ở vị trí Sấu, tập kích thắng lợi một số ụ boong-ke của địch.

Để đối phó với thủ đoạn mới của địch, tỉnh đội Quảng Yên chủ trương phân tán bộ đội tỉnh về các huyện để làm nòng cốt cho phong trào toàn dân chống càn ở các vùng du kích; bộ đội huyện và dân quân du kích hỗ trợ cho các xã tạm chiếm chống càn và thực hiện lối tác chiến liên hoàn giữa nhiều xã, nhiều huyện và cả với tỉnh bạn.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, mùa hè năm 1953, ba đại đội của tiểu đoàn Bạch Đằng đã phân tán về các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách. Các đại đội chia thành các trung đội đóng thành thế chân kiềng ở các khu du kích. Các trung đội của huyện phân tán ở vùng giáp ranh giữa các khu du kích với nơi tạm chiếm để hỗ trợ cho du kích phá càn nhỏ của địch vào vùng tạm chiếm. Để đảm bảo hoạt động lâu dài ở vùng sau lưng địch, bộ đội chủ lực cũng đào hầm bí mật như du kích để giấu lực lượng khi cần. Thời gian này các đơn vị của tỉnh và huyện đã liên tục đánh phá giao thông địch. Trong tháng 3, trung đội 2 của đại đội 923 đã liên tục đánh sập ba cầu; đại đội 75 đã đánh chìm nhiều tàu địch ở Bến Đụn và Bến Triều. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1953, đại đội 75 và trung đội 2 của đại đội 923 đánh sập tiếp 13 cầu và tầu chiến, ba máy xay đá của địch. Bộ đội huyện Yên Hưng, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn cũng liên tiếp đánh hơn 30 trận, đánh sập hàng chục cầu, hàng chục tàu địch, các tháp canh và các tuyến thông tin điện thoại của chúng. Đặc biệt trong tháng 8 trung đội 2 của đại đội 915 do trung đội trưởng Đàm Quang Cần chỉ huy đã bất ngờ đánh một tàu địch ở Hòn Đấu (Yên Hưng) diệt một trung đội hạ sĩ quan và bắt sống tên quan ba chỉ huy trưởng đào tạo biệt kích ở Bãi Cháy.


(1) Tổng số quân của bộ đội địa phương Quảng Yên năm 1953 có 2.000, trong đó 500 người biên chế trong các cơ quan quân sự các cấp và 1.500 người thuộc quân số chiến đấu. Tất cả các huyện đều thành lập đại đội địa phương, nhưng ở Thủy Nguyên biên chế mới có hai trung đội và ở Cát Hải mới có một trung đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:32:10 pm »

Để đưa cuộc chiến tranh nhân dân mạnh mẽ ở các thôn xã, tỉnh Quảng Yên đã phát động phong trào đánh địch bằng chông, mìn rộng rãi trong toàn dân, xây dựng các đội du kích của các giới, xây dựng các tổ quân báo nhân dân, hình thành các ban chỉ đạo chống càn từng khu vực, xây dựng lối đánh chủ động và thế trận liên hoàn trong chống càn, kết hợp với các hình thức đấu tranh chính trị, binh vận v.v.

Phong trào làm hố chông lúc đầu có khó khăn vì nhân dân lo ngại địch trả thù, nhưng sau đã lan rộng khắp nơi. Cả vùng đồng bằng địch hậu của Quảng Yên là một rừng chông. Và trận chông, mìn đã phát huy tác dụng. Ngày 26 tháng 11, quân địch tổ chức trận càn vào Văn Đức (Chí Linh). Trong trận này ngoài số bị diệt bằng các loại vũ khí khác, địch đã bị thương vong một số và bị sập gần 200 hố chông và vướng 42 quả mìn. Trong trận càn khác kéo dài bốn ngày liền ở xã Lạc Long (Kinh Môn) có 30 tên địch bị chết vì chông, mìn. Trận địa chông mìn của ta bố trí làm địch ghê rợn. Ở Nam Sách vì sợ mắc hố chông, địch không dàm càn sục vào các vùng du kích. Bộ đội và du kích phải vào vùng tạm chiếm tìm địch mà đánh. Ngày 26 tháng 1, du kích Hợp Tiến đã phục kích bắt gọn bọn hương dũng ở thôn Kinh Bịch, bộ đội tỉnh ngay đêm đó lại tiêu diệt đồn Ngô Đồng.

Bên cạnh việc đánh địch bằng hầm chông, bẫy mìn, đại đội 923 (Kinh Môn) đã chia ra các tổ nhỏ, bí mật phục kích dưới hầm để đánh vào các nơi sơ hở, hoặc bộ phận chỉ huy của địch trong các cuộc càn quét. Với lối đánh này, trong nhiều cuộc chống địch càn quét ở Lạc Long, Quang Trung (Kinh Môn) đại đội 923 đã nhiều lần đánh trúng vào các bộ phận chỉ huy hoặc cá mũi hiểu yếu của địch, tiêu diệt được những sinh lực quan trọng của cuộc càn.

Quá trình chỉ đạo cuộc chiến đấu trong vùng sau lưng địch, tỉnh ủy và tỉnh đội Quảng Yên đã quán triệt tinh thần nghị quyết Trung ương về phương châm hoạt động ở vùng sau lưng địch, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh đấu tranh quân sự trong vùng tạm bị chiếm ở những nơi cơ sở ta mạnh và gần khu du kích lên cao hơn một bước, tuy nhiên vẫn giữ đấu tranh chính trị là chính. Đánh giặc một cách khéo léo, “hợp pháp” để tạo cho nhân dân có điều kiện dùng đấu tranh chính trị để khéo bảo vệ cơ sở. Thực hiện chủ trương này, tại các vùng tạm bị chiếm ta đã áp dụng rộng rãi lối đánh chống càn nhỏ. Chí Linh là huyện đã tiến hành chống càn nhỏ rất sáng tạo. Đại đội 911 của huyện đã giúp du kích hai xã tạm bị chiếm là Chí Minh, Vạn An chống bọn càn sục. Để bảo vệ cơ sở, anh em đã tổ chức đánh ở ngoài làng, khi địch mới xuất phát hoặc đang vận động vào gần làng. Đánh xong, lực lượng chiến đấu rút về vùng du kích sau đó mới về làng mình. Cũng tương tự như vậy, hai xã Lạc Long và Quang Trung (Kinh Môn) cũng từ xã tạm bị chiếm chuyển thành các khu du kích.

Trong năm 1953, việc tác chiến liên hoàn, phối hợp giữa các địa phương cũng đã đạt nhiều kết quả. Tháng 3 năm 1953, trước khi huy động 4.000 quân và 300 xe lội nước mở chiến dịch Noóc-măng-đi (Normandie) nhằm càn lớn vào Hưng Yên, Hải Dương địch đã dùng một bộ phận để càn vào Nam Sách, Kinh Môn. Khi càn vào Nam Sách địch đã bị bộ đội và du kích ta chặn đánh làm cho bị thiệt hại nặng ở Đồng Lạc, nên chúng chuyển hướng sang Kinh Môn. Ngày 29 tháng 3, lực lượng du kích của thôn Tri Giả chỉ có 19 người (trong đó có bảy nữ) đã dũng cảm đánh lui một tiểu đoàn địch, diệt 17 tên.

Trước và sau chiến dịch Ni-xơ (Nice) để càn vào Bắc Ninh, quân địch cũng tiến hành càn ở Quảng Yên. Phối hợp với tỉnh bạn, tiểu đoàn Bạch Đằng đã diệt các vị trí Thái Mông, Trung Hòa ở Kinh Môn. Cùng thời gian đó, bộ đội và du kích Chí Linh đã bao vây uy hiếp vị trí Thiên buộc bọn địch ở Quảng Yên không hỗ trợ được cho chủ lực của chúng ở Bắc Ninh.

Trong năm 1953, bộ đội Liên khu Việt Bắc và bộ đội chủ lực tỉnh đã hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, tạo điều kiện cho chiến tranh nhân dân trong vùng sau lưng địch ở Quảng Yên phát triển mạnh mẽ.

Ngày 19 tháng 6, bọn địch ở Phả Lại đang tập trung lực lượng chuẩn bị hành quân càn quét lớn vào hướng Yên Dũng (Hà Bắc). Trung đoàn 238 (Liên khu Việt Bắc) phát hiện được âm mưu địch đã tổ chức một trận tập kích vào bến Phả Lại – nơi xuất phát của cuộc hành quân, diệt 400 tên địch, bắn chìm ba tàu chiến, làm địch phải bỏ dở cuộc càn.

Ngày 26 tháng 11, hai trung đoàn địch càn vào Văn Đức (Chí Linh) định bao vây tiêu diệt một tiểu đoàn của trung đoàn 238 và một bộ phận của tiểu đoàn Bạch Đằng. Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Văn Đức, đại đội 908 (tiểu đoàn Bạch Đằng) đã tập kích vào huyện Nam Sách và tiêu diệt vị trí Cầu Phủ, buộc địch bỏ dở cuộc càn ở Văn Đức (Chí Linh) để quay về Nam Sách cứ nguy cho đồng bọn. Nhưng tại Nam Sách chúng đã bị bộ đội và du kích ta chặn đánh diệt gần 100 tên.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch giằng co quyết liệt. Bị quân ta liên tiếp tiến công ở các huyện Nam Sách, Kinh Môn, Chí Linh, bọn địch rất cay cú muốn giành một chiến thắng để trả đòn.

Ngày 4 tháng 11 địch đã huy động gần một trung đoàn quân biệt kích càn vào căn cứ địa của huyện Yên Hưng nơi tiếp giáp với căn cứ của tỉnh Quảng Yên về phía đông – nam. Hàng nghìn tên biệt kích người dân tộc rất thạo cách đánh ở rừng núi, do tên quan tư Đuy-cát (Ducasse) chỉ huy phó lực lượng biệt kích ở Bắc Bộ chỉ huy.

Lúc này ở căn cứ ta chỉ có một số bệnh binh, chiến sĩ coi kho và cán bộ, nhân viên của các cơ quan huyện Yên Hưng. Đồng chí Viễn huyện đội trưởng đã tổ chức họ thành các tổ chiến đấu để đánh chặn địch, đồng thời cấp tốc điều một trung đội của huyện đang ở hậu địch về bảo vệ căn cứ.

Trên đường tiến vào căn cứ, địch đã bị ta chặn đánh một số trận nhưng tổn thất không đáng kể. Trong lúc đó trung đội bộ đội huyện đã hành quân cấp tốc về kịp và chuẩn bị bước vào chiến đấu.

Thấy lực lượng ta quá nhỏ bé, tên Đuy-cát chủ quan, dẫn đầu đội hình thọc vào căn cứ Bằng Tân. Nhưng ở đây chúng đã sa vào trận địa phục kích của của quân ta. Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan, bệnh binh và bộ đội của huyện mới về do huyện đội trưởng chỉ huy bao vây chặt quân địch. Đuy-cát bị bắt cùng 58 tên địch có đầy đủ vũ khí. Trận càn của chúng thất bại hoàn toàn, hơn 100 tên giặc bị diệt và bị bắt, số còn lại buộc phải mở đường máu rút lui.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:34:27 pm »

*

Gom dân, bắt lính, kìm kẹp khống chế nhân dân trong các vùng tạm chiếm, bao vây kinh tế nhằm bần cùng hóa đời sống nhân dân là một thủ đoạn thâm độc địch đã áp dụng ở Quảng Yên năm 1953.

Để đắp đê, chống lũ lut trong mùa nước năm 1953, ngày 19 tháng 3, đảng bộ Nam Sách đã lãnh đạo hàng nghìn nhân dân đắp đê, xây kè(1). Để phá sản xuất, bọn Pháp đã cho bắn đại bác uy hiếp, sau đó bắt đi 160 thanh niên. Trước hành động dã man của giặc Pháp, hàng trăm người dân khác tiếp tục lên đê. Khối người mỗi lúc một đông thêm, trong đó có cả nhân viên ngụy quyền và gia đình binh lính ngụy. Trước lý lẽ và khí thế đấu tranh của nhân dân, địch đã phải thả số thanh niên bị bắt và chấp nhận để động bào được tiếp tục đắp đê. Phấn khởi với thắng lợi đó, có ngày nhân dân đã tập hợp tới 3.000 người trên đê và trong thời gian ngắn đã đắp được quãng đê yếu nhất thuộc hai xã An Bình và Cộng Hòa dài 1.649 mét với gần năm vạn mét khối đất đá.

Trong quá trình lao động tập thể vì lợi ích chung đó, các cán bộ của ta đã gây cơ sở được với các nhóm công giáo và vận động được 23 lính ngụy giải ngũ.

Tiếp sau việc đắp đê, nhân dân Nam Sách lại đấu tranh với địch để xây cống Ngọc Trì, Hà Liễu để bảo đảm tưới tiêu cho 2.400 mẫu ruộng hai vụ của huyện.

Trên đà thắng lợi của nhân dân Nam Sách, các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột cũng diễn ra liên tục các nơi, như không chịu đi phu, không chịu nộp tiền, nộp thóc cho địch và đòi địch phải cho khai hoang cày cấy ở khu trắng.

Trong năm 1953 địch đã tăng cường việc càn phá và dồn dân ở các khu du kích như An Lạc (Chí Linh), Nguyễn Huệ, Văn Đức, Vũ Trù, Hoàng Lạt (Đông Triều), An Sinh (Kinh Môn) và Yên Thành, Lưu Kiếm, Minh Thành (Yên Hưng).

Được sự lãnh đạo của các chi bộ địa phương, nhân dân ở ven đường 17, đường 18 đã chống dồn làng và tổ chức làm vành đai trắng ở 16 thôn thuộc các huyện Đông Triều, Kinh Môn, Nam Sách. Các xã Yên Đức, Yên Thọ đã cử người sang huyện Thủy Nguyên để vận động và giúp đỡ số dân bị dồn trở về làng cũ. Khi nhân dân về đông, ta đã tổ chức sản xuất theo nếp quân sự hóa để tránh pháo địch bắn tới, đồng thời hướng dẫn bà con làm ăn theo lối đổi công. Trong những ngày đâu về làng cũ, vì trâu bò đã bị giặc cướp và giết nên nhân dân phải kéo cày thay trâu. Dân quân du kích đã bố trí chông, mìn và tổ chức quan sát để bảo đảm cho nhân dân lao động sản xuất. Các cơ sở của ta cũng vận động binh lính địch không bắn vào nhân dân trở về làng cũ.

Do chống dồn làng thắng lợi nên các xã Lê Lợi, Yên Thanh đã trở thành khu du kích. Các xã Nguyễn Huệ, An Lạc, An Sinh càng đẩy mạnh phong trào đấu tranh vũ trang ở địa phương.

Năm 1953, nhân dân Quảng Yên còn đấu tranh với âm mưu tập trung dân vào các khu tập trung để chúng dễ bề kiểm soát, đồng thời cũng nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa lực lượng vũ trang các lực lượng kháng chiến với nhân dân, tiến tới làm “vô hiệu hóa” cuộc chiến tranh nhân dân của ta.

Để thực hiện âm mưu này, trên chiến trường Bắc Bộ, giặc Pháp đã chủ trương thành lập hai khu tập trung dân làm thí điểm là: xã Đồng Quan ở Hà Đông và Khoái Lạc ở Quảng Yên (huyện Yên Hưng). Để lừa bịp nhân dân, chúng gọi hai nơi này là “Đại xã Đồng Quan” và “Đại xã Khoái Lạc”, nhưng thực chất đó chỉ là những trại tập trung trá hình.

Thôn Khoái Lạc thuộc xã Đông Mai huyện Yên Hưng, nằm trên đường 10 từ Quảng Yên đi Biểu Nghi. Ở đây giặc đã dồn dân ở cá xã Yên Đức, Phạm Hồng Thái (Đông Triều), Yên Thanh (Yên Hưng) cùng với số dân địa phương để làm thành một trại tập trung bên ngoài có hào sâu, rào gai, bên trong có một đồn bảo chính đoàn đóng ở giữa trại. Nhân dân phải sinh hoạt, làm ăn theo giờ giấc của trại, chỉ được làm ăn ở những khu vực địch cho phép và khi ra vào trại phải xuất trình giấy tờ.

Tháng 3 năm 1953, địch định dồn dân ở các xã Minh Thành, Minh Tân, Lục Thanh và hơn 100 gia đình ở thị xã Quảng Yên vào trại nhưng đã bị thất bại. Huyện ủy Yên Hưng đã trực tiếp lãnh đạo việc phá trại tập trung này. Có sự hỗ trợ của bộ đội và du kích, ta đã hướng dẫn cho nhân dân đấu tranh không chịu đào hào, phái được đi làm xa ngoài khu vực quy định và đòi về làng cũ lấy hoa màu. Từng bước ta đã gây được cơ sở trong binh lính địch đóng trong trại và cán bộ ta đã thâm nhập được vào trại để trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân.

Được hướng dẫn cụ thể, lại có tiếng súng hỗ trợ của bộ đội và du kích ở bên ngoài, một số dân đã bỏ trốn về làng cũ. Bọn địch ra sức ngăn cản, nhưng vô hiệu, số người bổ trốn mỗi ngày một tăng và cho tới năm 1954 khi giặc Pháp bị thất bại hoàn toàn trên mặt trận Điện Biên Phủ thì “Đại xã Khoái Lạc” cũng trở thành một nơi không người.

Năm 1953, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của Đảng, đảng bộ và nhân dân các tỉnh Hải Ninh, Quảng Yên và Đặc khu Hồng Gai đã triển khai đồng đều các mặt công tác đấu tranh với địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và kinh tế, và đã giành được những thắng lợi rất cơ bản. Riêng về mặt quân sự, thực hiện phương hướng chiến lược của Đảng, ta đã đánh mạnh vào âm mưu gom dân bắt lính của địch, tiêu diệt sinh lực, bẻ gãy các cuộc càn quét, mở rộng vùng căn cứ du kích trong lòng địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời đánh mạnh vào lực lượng vũ trang phản động và kế hoạch xây dựng ngụy quân của chúng. Ta đã thực hành song song giữa tác chiến với địch vận, giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ chỗ hồi đầu năm ta và địch còn đang ở thế giằng co, đến cuối năm ta đã nắm được quyền chủ động trong tay, liên tiếp chiến đấu và đấu tranh với địch. Lực lượng vũ trang của các địa phương đã có bước trưởng thành nhanh chóng, bộ đội địa phương và du kích nhiều nơi được xây dựng và củng cố đã có khả năng phối hợp hoặc độc lập tác chiến với các hình thức vận động, công đồn, phục kích, v.v.

Những thành tích và kết quả trên đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang ta giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong giai đoạn kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp trong năm 1954.


(1) Mùa nước năm 1952 đê An Bình bị sạt lở 600 mét chưa bồi trúc được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:36:29 pm »

CHƯƠNG NĂM

THAM GIA CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC ĐÔNG XUÂN (1953-1954)
CÙNG VỚI QUÂN VÀ DÂN CẢ NƯỚC GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN
CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
(1953-1954)

1. Phối hợp với chiến trường chính, đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, kết hợp với đấu tranh chính trị và công tác địch vận làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng nhân dân.

Bước vào năm 1954, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn quyết định, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954. Chỉ trong thời gian không đầy hai tháng kể từ ngày 10 tháng 12 năm 1953, quân và dân ta đã liên tiếp tiến hành ba chiến dịch tiến công lớn đánh vào quân địch tại Tây Bắc, Trung Lào và Tây Nguyên tiêu diệt từng mảng lớn sinh lực địch và giải phóng những vùng đất đai rộng lớn trên các địa bàn chiến trường này(1). Trong lúc đó tại các mặt trận vùng sau lưng địch như đồng bằng Bắc Bộ, Bình – Trị - Thiên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân ta cũng liên tiếp tiên công quân địch ta các địa bàn xung yếu, những vị trí then chốt vừa tiêu diệt địch, bảo vệ dân, vừa mở rộng vùng tự do và thu hẹp địa bàn chiếm đóng của địch.

Bị tiến công trên nhiều chiến trường cùng một lúc, bộ chỉ huy quân Pháp lúng túng, bị động, buộc phải phân tán chủ lực của chúng ra đối phó khắp nơi.

Đến tháng 3 năm 1954, khi quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ thì quân Pháp lại càng lúng túng bị động hơn. Chúng phải tập trung tới mức tối đa khối chủ lực tác chiến để giữ bằng được cứ điểm Điện Biên Phủ cũng như các địa bàn quan trọng khác.

Để thực hiện kế hoạch đã định và để đối phó với tình huống chiến tranh diễn ra hết sức mau lẹ, Na-va đã ra sức vét quân chiếm đóng ở các nơi để xây dựng khối chủ lực tác chiến cơ động chiến lược, đồng thời giật dây cho bọn bù nhìn ráo riết bắt lính xây dựng quân ngụy để bù vào những chỗ trống do quân Pháp để lại. Một mặt chúng ra sức đánh phá, bình định các vùng tạm chiếm và vùng du kích của ta, kể cả những vùng tự do để ta không tập trung được chủ lực cho các chiến trường chính, đồng thời phá hoại hậu phương, phá hoại tiềm lực kháng chiến của ta.

Cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra vô cùng quyết liệt, Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở khắp các chiến trường hăng hái vượt qua mọi gian khổ, hy sinh anh dũng diệt địch và hoàn thành mọi nhiệm vụ để đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng.

Ở chiến trường Đông Bắc trong năm 1954, địch rút mạnh lực lượng chiếm đóng Âu – Phi và mạnh dạn đưa quân ngụy lên làm nhiệm vụ thay thế. Trên địa bàn Hải Ninh, với lực lượng nòng cốt là quân ngụy Voòng A Sáng chúng đã sử dụng đội quân này như lực lượng chủ lực để tiến hành càn quét đánh phá vào vùng tự do căn cứ của ta. Bên cạnh đó chúng tăng cường trang bị và nuôi dưỡng các bọn thổ phỉ, phản động trên các vùng cao, dùng bọn này phục kích, tập kích ngăn chặn liên lạc của ta giữa vùng tự do với vùng tạm bị chiếm. Tại Đặc khu Hồng Gai, chúng ra sức củng cố lực lượng vũ trang phản động trên tuyến “Hành lang Mán” từ Hoành Bồ đến Ba Chẽ. Tại Quảng Yên chúng điều lực lượng cơ động về Đông Triều, thị xã Quảng yên và Thủy Nguyên để phòng ngừa các cuộc tấn công lớn của ta (huyện Thủy Nguyên được sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên từ cuối năm 1953).

Đến tháng 3, khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ bắt đầu, quân địch đã bằng mọi cách để vơ vét quân đưa đi chiến trường chính. Chúng đã phải rút bớt số quân trong từng vị trí và đã phải bỏ không đóng quân ở 41 ụ boong-ke thuộc địa bàn Quảng Yên.

Về phía ta, ngay từ cuối năm 1953, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Liên khu ủy Liên khu Việt Bắc đã chỉ thị cho các tỉnh về việc chống âm mưu mới của địch và kế hoạch đề phòng địch trong Thu Đông 1953. Sang đầu năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong thời kỳ chuẩn bị, Liên khu ủy lại chỉ thị phải “tăng cường tập kích, phục kích, tiêu diệt vị trí, diệt gọn từng bộ phận sinh lực địch; đánh mạnh trên đường giao thông bằng mìn, cạm bẫy, phá hoại, bao vây vị trí, giam chân địch”(2).


(1) Ba chiến dịch lớn mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 là: Chiến dịch Lai Châu mở màn ngày 10 tháng 12 năm 1953, kết thúc ngày 13 tháng 12 năm 1953; Chiến dịch Trung Lào từ ngày 21-12-1953 đến 31-1-1954 và Chiến dịch Tây Nguyên từ 27-1-1954 đến 5-2-1954.
(2) Chỉ thị 21 CT/LKVB ngày 17 háng 1 năm 1954. Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, t. 10, tr. 56.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:37:19 pm »

Chấp hành chỉ thị của Liên khu, các tỉnh ủy Hải Ninh, Quảng Yên và Đặc khu ủy Hồng Gai đã chỉ đạo quân và dân các địa phương liên tục đấu tranh chiến đấu với địch để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Ở Hải Ninh, bên cạnh việc o ép vùng tạm bị chiếm, địch tăng cường bắt lính bằng mọi thủ đoạn tàn bạo. Tháng 1 năm 1954, Voòng A Sáng huy động một lực lượng lớn quân ngụy càn lên Phong Dụ, Hà Lâu thuộc huyện Tiên Yên giết 11 người dân và bắt đi 115 người để buộc họ vào lính; đồng thời cướp bóc rất nhiều lương thực, trâu bò, lợn gà. Sau đó chúng liên tiếp tung biệt kích lên càn sục, phục kích bộ đội và cán bộ ta ở Bình Liêu, khống chế đèo Ngàn Chỉ, cắt đứt đường từ Bình Liêu xuống vùng tạm chiếm. Chúng liều lĩnh tập kích cả vào những cuộc mít tinh của nhân dân ở ngay giữa vùng tự do làm cho nhân dân rất lo ngại. Sau những trận này hơn hai chục gia đình cơ sở và nhân dân ở Khe Tạo, Pắc Mười đã phải chạy lên Bình Liêu hoặc vào khu tạm bị chiếm.

Trước tình hình đó tỉnh ủy Hải Ninh chủ trương ra sức củng cố vùng tự do, dùng một lực lượng bộ đội hỗ trợ cho cuộc vận động trừ gian, tiễu phỉ ở vùng căn cứ, đồng thời mạnh dạn tung bộ đội chủ lực của tỉnh về vùng sau lưng địch để giúp các địa phương phát động chiến tranh du kích. Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, tỉnh chủ trương tiếp tục giảm tô, giảm tức, nhằm đẩy mạnh sản xuất và kết hợp hoàn thành các nhiệm vụ trước mắt. Tỉnh đã tổ chức hai đoàn cán bộ đi các huyện Bình Liêu, Đình Lập tiến hành phát động quần chúng tiễu phỉ và vận động sản xuất, củng cố cơ sở. Trong một thời gian ngắn ta đã củng cố và phát triển được các tổ chức nông hội, số hội viên nông hội của hai huyện đã lên tới gần 2.000 người. Cơ sở được củng cố, sản xuất đi lên, khí thế của quần chúng được nâng cao kết hợp với sự hoạt động hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương đã làm bọn địch không dám công khai quấy rối, hoạt động như trước.

Để phá âm mưu bắt lính của địch, tỉnh Hải Ninh cũng đã phát động một phong trào truyền tin chiến thắng kết hợp với việc tuyên truyền giải thích cho dân hiểu về âm mưu thâm độc “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Được học tập các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng bào các dân tộc Việt, Hoa, và các dân tộc ít người khác đã hăng hái làm các bản cam kết bảo vệ chồng, con, em mình đã không để họ bị giặc bắt làm bia đỡ đạn. Hơn 300 thanh niên đã làm bản cam kết không chịu để địch biến thành lính ngụy chống lại kháng chiến.

Tỉnh còn tiến hành vận động binh lính ngụy đang tại ngũ bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân. Các hình thức như rải truyền đơn, căng biểu ngữ, treo quốc kỳ ở ngay trong vùng tạm bị chiếm ở vùng gia đình binh sĩ ngụy, kêu gọi người thân rời hàng ngũ giặc, v.v. đã có tác động mạnh đến tinh thần, tư tưởng của các binh sĩ địch. Tính tới giữa năm 1954, ở Hải Ninh đã có 1.000 lính bỏ ngũ mang theo 182 súng các loại, trong đó có cả súng cối và súng máy. Riêng các gia đình binh sĩ ngụy đã trực tiếp vận động, kêu gọi được 180 người thân trở về nhà làm ăn. Hàng trăm binh lính đã chống lệnh trên không chịu đi tiếp viện cho đồng bọn và đòi giải ngũ trở về nhà.

Song song với việc phát động quần chúng đấu tranh với địch bảo vệ và củng cố vùng tự do, trong khi phải đưa một bộ phận bộ đội chủ lực hỗ trợ cho nhiệm vụ này, tỉnh Hải Ninh cũng đưa một bộ phận bộ đội vào vùng sau lưng địch hoạt động để tiêu hao và kìm chân địch.

Tháng 2 năm 1954, đội trinh sát biệt động vào hoạt động ở Móng Cái, nơi trung tâm đầu não của địch ở Hải Ninh. Sau thời gian nghiên cứu tình hình, phát hiện sơ hở của địch, đơn vị đã tổ chức một bộ phận tinh nhuệ dùng bộc phá đánh sập các tháp canh Ninh Dương, Bạt Cạp và tập kích đồn Thán Phún.

Một tổ khác của đội trinh sát biệt động về hoạt động ở Đầm Hà bị địch phát hiện bao vây ở Núi Hứa. Anh em đã mưu trí dũng cảm chiến đấu với một tiểu đoàn địch, sau đó bí mật luồn ra ngoài vòng vây, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Khi ta mở chiến địch Điện Biên Phủ, tỉnh Hải Ninh đã tổ chức học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong ba tháng chiến đấu liên tục, quân và dân Hải Ninh đã đánh 132 trận, diệt 126 tên địch, làm bị thương 184 tên, tiếp nhận ba hàng binh, phá hủy 9 xe, đánh sập một cầu, thu 26 súng, 40 lựu đạn và cắt đứt 41 ki-lô-mét đường dây điện thoại.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định quốc tế về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Lo sợ bị tan rã sau đại bại ở Điện Biên Phủ, từ ngày 23 tháng 7 giặc Pháp đã phải cho lực lượng của chúng ở Hải Ninh nhanh chóng rút quân về khu tập kết 300 ngày. Trong 17 ngày (từ 23 tháng 3 năm 1954 đến ngày 8 tháng 8 năm 1954) trên khắp địa bàn tỉnh Hải Ninh, quân đội Pháp và tay sai đã lần lượt rút khỏi các căn cứ đóng quân của chúng ở Đầm Hà, Ba Chẽ, Hà Cối, Tiên Yên, Móng Cái. Ngày 8 tháng 8 năm 1954, trên toàn đất Hải Ninh, không còn bóng một tên quân xâm lược, Hải Ninh trở thành một trong những tỉnh được giải phóng sớm ở miền Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:37:39 pm »

*

Trên địa bàn Đặc khu Hồng Gai vào những ngày cuối năm 1953 đầu năm 1954, địch đã rút bớt quân trong cá vị trí ở tuyến trong như: Hà Tu, Hà Lầm, Quang Hanh, Đèo Bụt và đảo Thẻ Vàng để bổ sung cho chiến trường chính. Đồng thời địch tăng cường bắt lính, phát triển lực lượng vũ trang phản động, xây sựng nghĩa dũng và địa phương quân để củng cố tuyến ngoài cho khu mỏ. Tuyến ngoài của địch dựa vào vùng rừng núi của Hoành Bồ và Ba Chẽ, nơi mà chúng gọi là “hành lang Mán”.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1954, địch đã bắt 277 lính mới và xây dựng tám đội dõng ở hai huyện Hoành Bồ, Cẩm Phả. Chúng còn phát súng cho dân ở Ba Chẽ bị dồn về xã Cẩm Bình (thị xã Cẩm Phả).

Tháng 4 năm 1954, trước nguy cơ tan rã của lực lượng này, giặc Pháp đã đưa tên Bàn Đức Thắng về Tân Ốc, Phú Diễn và biên chế lực lượng vũ trang phản động từ Đồng Quặng đến Lương Mông, Minh Cầm thành năm trung đội và giao cho y chỉ huy. Những tên chỉ huy người dân tộc miền núi đều được giặc đưa về quê quán chỉ huy bọn dõng ở địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy và sự chỉ đạo của đặc khu đội, ta đã tiến công mạnh vào lực lượng vũ trang phản động này. Bộ đội và cán bộ của ta đã vào được hai khe, xóm thuộc xã Đồng Quặng để hoạt động. Các cơ sở là cai đội trong lực lượng phản động, mỗi tháng gặp bộ đội hai lần để thông báo các tin tức tình báo và nhận ý kiến của bộ đội ta hướng dẫn đấu tranh.

Để hỗ trợ cho công tác vận động quần chúng, ta đã đánh một số trận để diệt những tên ngoan cố nhất và cảnh cáo những tên còn có âm mưu chống lại kháng chiến. Tiếp đó ta đã chỉ đạo cho lính ngụy đấu tranh và hướng dẫn các gia đình có con em cầm súng cho địch ở “hành lang Mán” do Bàn Đức Thắng chỉ huy đã lần lượt bỏ về nhà làm ăn.

Từ các cơ sở ở Đồng Quặng, Tân Dân, bộ đội làm công tác vận động quần chúng của đặc khu đã phát triển sang cả Lưỡng Kỳ, Đồng Vải (Thống Nhất) và liên lạc được cả với đồng bào người Hoa mà từ trước đến nay ta chưa liên lạc được.

Cùng với công tác vận động quần chúng ở rẻo cao, đặc khu cũng đẩy mạnh hoạt động tác chiến. Yên cầu của liên khu về phối hợp tác chiến với chiến trường chính rất cao, trong lúc đó lực lượng vũ trang của đặc khu rất có hạn, chủ lực của đặc khu và của huyện Hoành Bồ chỉ có hai đại đội, nhưng chỉ có một phần ba số quân chủ động, còn lại hai phần ba số quân bảo vệ căn cứ và làm công tác vận động quần chúng ở rẻo cao.

Tuy lực lượng quá mỏng, nhưng quán triệt chỉ thị của trên, bộ đội và du kích đặc khu đã tích cực, chủ động tiến công địch. Trong hai tháng 2 và 4 năm 1954, ta đã đánh 20 trận trên đường 128. Kết hợp tác chiến với địch vận, ta đã buộc địch phải rút các đồn Khe Tảo (Đồng Quặng), Bằng Ngà (Thống Nhất) và Hang Ma.

Ngày 19 tháng 3 năm 1954, khi quân ta đang tiến quân ra Đá Trắng để phục kích thì được tin giặc càn xã Bằng Cả. Biết bọn lính ở Đồng Đăng, Bằng Ngà đã kéo đi càn hết, ta chủ trương tập kích bất ngờ vao đồn Bằng Ngà diệt bọn còn lại và phá hủy đồn. Sau một đêm và nửa ngày hành quân, ta đã đến vị trí, nhanh chóng đột nhập tiêu diệt lực lượng địch ở lại gác đồn và thu một số vũ khí, chiến lợi phẩm. Sau đó ta lại phục kích đón đánh bọn địch càn quét ở Bằng Cả về, diệt tám tên, số còn lại bỏ chạy tán loạn.

Trước sự đe dọa, uy hiếp của quân ta, địch phải điều đại đội đóng ở Bằng Ngà rút về Trới. nhưng về đến Trới chúng lại tiếp tục bị phục kích nhiều trận nữa và thiệt hại thêm một số sinh lực. Trong khi ấy công tá địch vận của ta cũng đã góp phần làm cho nhiều binh lính địch ở đây chán ghét chiến tranh, rời bỏ hàng ngũ giặc. Cho tới ngày gần kết thúc chiến tranh, đại đội dõng ở đây quân số chỉ còn một trung đội.

Sang tháng 5, khi quân ta mở đợt tổng công kích ở Điện Biên Phủ thì bọn giặc ở Hoành Bồ và đặc khu đã co lại hoàn toàn. Lực lượng vũ trang phản động tan rã từng mảng, binh lính địch bỏ súng về nhà hàng loạt, bọn chỉ huy địch không sao ngăn cản nổi họ.

Phát huy thắng lợi, ngày 2 tháng 6 bộ đội đặc khu có nội ứng đã tập kích tiêu diệt đồn Giếng Đáy, diệt 18 tên, thu 18 súng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:38:33 pm »

Lực lượng địch lúc này trên địa bàn đặc khu chỉ còn vị trí Đá Trắng là mạnh nhất. Đặc khu đã tập trung cả hai đại đội tổ chức bao vây chặt vị trí này và tiêu hao địch bằng bắn tỉa. Dựa vào các mỏm cao và hang đá, quân ta đã diệt những tên địch ra ngoài các công sự, làm cho chúng rất khiếp sợ và căng thẳng. Địch đã ba lần tiến hành giải tỏa cho vị trí này bằng bộ binh và không quân, nhưng không phá nổi vòng vây. Đá Trắng bị vây hãm và tiêu hao dần cho ngày đình chiến mới thoát khỏi bị tiêu diệt.

Trong bảy tháng đầu năm 1954, lực lượng vũ trang Đặc khu Hồng Gai đã chiến đấu 68 trận, diệt 164 tên địch, bắn bị thương 77 tên, thu 35 súng, phá bốn xe, hai phà và làm tan rã hàng trăm tên địch. Chiến công xuất sắc này đã được Bộ tư lệnh liên khu biểu dương trong tổng kết chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954.

Phối hợp với hoạt động tác chiến, Đặc khu ủy Hồng Gai cũng chỉ đạo nhân dân trong vùng sau lưng địch đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống bắt lính và tiến hành công tác địch vận làm tan rã hàng ngũ địch.

Trong những ngày đầu năm 1954, nhằm phối hợp giữa hành động quân sự, chính trị với kinh tế để thực hiện kế hoạch Na-va, bọn tư bản chủ mỏ, ngụy quân tay sai và bọn chỉ huy quân sự của giặc Pháp ở khu mỏ đã thi hành mọi thủ đoạn tàn bạo, xảo quyệt để đánh phá các cơ sở của ta trong lòng địch, ra sức bóc lột tàn tệ công nhân và các tầng lớp nhân dân ở khu tạm bị địch chiếm và ra sức bắt lính để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Để đối phó với các thủ đoạn thâm độc của địch, đặc khu đã chấn chỉnh, củng cố tổ chức công đoàn bí mật; thay đổi cách thức liên lạc công tác mới phù hợp với tình hình trong khu mỏ và vùng nội thị, đồng thời chỉ đạo công nhân và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh đấu tranh với địch.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1954, có 14 cuộc đấu tranh của công nhân trong khu mỏ. trong đó nổi bật là cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt của nữ công nhân nhà sàng Cửa Ông đòi bọn chủ mỏ phải chấm dứt hành động ngược đãi, đánh đập và cải thiện điều kiện làm việc cho chị em. Tiếp theo cuộc đấu tranh của chị em nhà sàng, công nhân ở các cơ sở của khu vực Cửa Ông đã đấu tranh thắng lợi buộc bọn chủ phải tăng lương, chống đánh đập, cúp phạt và hạ mức khoán sản lượng(1).

Ngày 22 tháng 2 năm 1954, bọn địch ở Cửa Ông đã bắt 12 thanh niên và một số công nhân ở đây đi lính. Được cổ vũ bởi những tin chiến thắng ở chiến trường và đã được học tập về âm mưu thủ đoạn của địch, số thanh niên công nhân này trong khi bị địch giải đi trên đường đã đồng thanh hát bài Quốc ca Việt Nam và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!”, đồng thời đòi địch phải thả cho anh em về nhà. Nhân dân Cửa Ông đã đi theo rất đông để hưởng ứng cuộc đấu tranh. Đến 12 giờ đêm dó, địch mới giải tán được nhân dân và đưa số người bị bắt lính về quận công an ngụy tại thị xã Cẩm Phả. Đồng bào ở Cẩm Phả và những gia đình người bị bắt lại bao vây la hét và giành giật với địch làm náo động cả thị xã. Tên quận trưởng bù nhìn lừa bịp, dụ dỗ, nhưng đã bị quần chúng chất vấn: “Tại sao nói Việt Nam độc lập rồi mà còn bắt dân đi lính cho Pháp?”. Bọn địch đã phải dùng sức mạnh để dồn ép anh em lên xe đưa về Quảng Yên. Trong thời gian ở trại lính Văn Miếu (Quảng Yên), số anh em này đã tham gia phong trào đấu tranh của những binh lính ngụy được giác ngộ trong trại.

Ngày 15 tháng 5, giặc lại bắt 93 thanh niên ở Cửa Ông đi lính. Số anh em này và nhân dân cũng đấu tranh quyết liệt, hát Quốc cà và hô khẩu hiệu cách mạng. Đến Hồng Gai, địch phải thả hai phần ba số người này về nhà.

Tiếp đó ngày 17 tháng 5, 400 thanh niên ở Hồng Gai, Hà Lầm, Hà Tu, Cái Đá, thị Cẩm Phả cũng bị bắt lính. Đây là một đợt bắt lính quy mô lớn, do đó đấu tranh của thanh niên và các tầng lớp nhân dân cũng rất rầm rộ, mạnh mẽ. Các khẩu hiệu “Ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh!”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Bảo Đại!” được hô vang trên các đường phố. Nhân dân Hồng Gai trên bến dưới thuyền, thăng hái tham gia cuộc đấu tranh, bất chấp bọn binh lính Pháp, cảnh sát ngụy và bọn tay sai chỉ điểm.

Từ tháng 4, việc chống bắt lính và công tác địch vận đã thành một phong trào rộng lớn trong đặc khu. Binh lính ngụy ở các đồn Ngã Hai, Dương Huy và các nơi khác thuộc ba thị xã và hai huyện nhận được hàng nghìn truyền đơn và luôn chứng kiến cảnh các gia đình lính ngụy đòi chồng, con, em được giải ngũ.

Chỉ trong hai tháng cuối chiến tranh, Đặc khu Hồng Gai đã vận động được 2.730 binh lính ngụy trở về nhà. Ngụy quyền ở nhiều xã vô cùng khiếp sợ trước chiến thắng to lớn của quân và dân ta, đã đem tài liệu, con dấu nộp cho kháng chiến. Hàng trăm lính dõng và địa phương quân của hai huyện Hoành Bồ, Cẩm Phả đã ra trình diện với chính quyền ta.


(1) Đầu tháng 4 năm 1954, bọn chủ mỏ ở Cửa Ông đã bắt các công nhân nhà sàng Cửa Ông phải đứng làm việc liên tục suốt ca dưới sức nóng của những ngọn đèn 500 oát. Tên cai Cạnh rất tàn ác và luôn đánh đập, trêu ghẹo phụ nữ, cúp phạt lương, đuổi việc rất bừa bãi, đã bị chị em đánh lại. Chị em đã đình công buộc bọn chủ phải đóng ghế để chị em ngồi làm việc. Cuộc đấu tranh này đã được cả công nhân người Hoa ủng hộ mạnh mẽ. sau đó công nhân Cửa Ông cũng đấu tranh đòi chủ tăng lương mỗi công 3 đồng, đồng loạt cho tất cả mọi người và bắt hạ mức khoán đào xúc than từ 1,8 tấn trong một ca hai người xuống 1,8 tấn trong một ca bốn người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:38:54 pm »

*

Ở Quảng Yên, sau khi điều chỉnh tổ chức chiến trường, để tăng cường khả năng phòng thủ trên địa bàn trọng điểm này, địch đã tìm mọi cách để vét quân đưa đi các chiến trường. Nhưng do tình hình chiến đấu trên chiến trường chính phát triển quá nhanh, nhu cầu cung cấp sinh lực không đáp ứng kịp, nên đến cuối chiến tranh địch chỉ còn đủ khả năng tiến hành các cuộc càn quét nhỏ vào một số nơi quanh các vị trí đóng quân bằng một, hai đại đội quân chiếm đóng hoặc địa phương quân.

Về phía ta, tranh thủ thời cơ đặc biệt thuận lợi do chiến trường cả nước tạo ra, tỉnh ủy Quảng Yên đã chủ trương mạnh bạo đưa bộ đội chủ lực tỉnh vào vùng tạm bị chiếm của Yên Hưng, Thủy Nguyên để tiêu diệt địch và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và công tác địch vận trên phạm vi hai huyện này. Đồng thời tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh lối đánh địch chủ động, liên tục và rộng khắp của bộ đội huyện và dân quân du kích để hỗ trợ cho hàng loạt xã ở vùng tạm bị chiếm lên đấu tranh vũ trang, hoặc đấu tranh vũ trang khết hợp với đấu tranh chính trị.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Đông Triều đã thành lập ban chỉ đạo tiểu khu Hoàng Hoa Thám (gồm các xã Yên Đức, Yên Thọ, Phạm Hồng Thái, Xuân Sơn, Kim Sơn, Vĩnh Khê…) bên cạnh đường 18 và đưa đại đội 913 của huyện về dìu dắt dân quân du kích tại các nơi này đấu tranh với địch. Trong một thời gian ngắn, với việc mở được khu du kích này, Đông Triều đã tạo thuận lội cho bộ đội từ vùng tự do vào các địa bàn Yên Hưng và Thủy Nguyên.

Trong Đông Xuân 1953-1954, tỉnh đã đưa 47 thôn từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang và phục hồi cơ sở ở nhiều nơi trong vùng tạm bị chiếm. Trong 142 xã, 632 thôn của toàn tỉnh, đã có 80 xã và 349 thôn thuộc vùng tự do và vùng du kích. Các vùng du kích của ba huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn trở thành các căn cứ du kích nối liền với các vùng du kích mới của Đông Triều, Yên Hưng và Thủy Nguyên.

Ở Nam Sách, Chí Linh, bộ đội huyện và dân quân du kích đã chủ động phá các cuộc càn của địch bằng cách tập kích bằng hỏa lực vào ngay chỗ chúng đang tập trung lực lượng chuẩn bị hành quân. Để ngăn đường các loại xe cơ giới chiến đấu của địch tiến vào khu du kích của ta, các huyện này còn tổ chức phá đường, đắp ụ trên các đường giao thông, thậm chí có nơi còn đào cả các kênh mương trên đồng ruộng để ngăn cơ giới địch.

Việc càn quét vào các căn cứ du kích ngày càng bị hạn chế, buộc địch chỉ cón thể càn nhỏ vào các xã ven khu du kích. Đây lại là cơ hội để các xã mới chuyển lên đấu tranh vũ trang được rèn luyện trong chống càn, tiêu diệt địch và bảo vệ nhân dân. Nhiều xã bao năm nằm sâu trong vùng tạm chiếm nay cũng lập công xuất sắc trong chiến đấu chống càn như Vạn An, Cổ Thành (Chí Linh), Tam Lưu (Kinh Môn) và Yên Thọ (Đông Triều) đã độc lập chiến đấu đánh lui hàng tiểu đoàn giặc. Nữ du kích Tri Giả, Lạc Long (Kinh Môn) đã làm cho quân địch nhiều lần phải khiếp sợ.

Ngoài việc đánh địch tại chỗ, anh chị em còn lặn lội sang các xã bạn, huyện bạn tìm địch mà đánh. Du kích Nhị Chiểu đã vượt sông Kinh Thầy để cùng du kích khu ngoài Kinh Môn bao vây đánh địch ở vị trí Kinh Chủ. Du kích các xã Lê Lợi, Hưng Đạo, Xuân Sơn… đã sang các xã bạn phục kích đánh mìn, đánh phá giao thông địch. Đặc biệt nhiều xã ở Chí Linh du kích đa tự động tổ chức bao vây vị trí Thiên, vừa vây ép địch vừa bắn tỉa để tiêu diệt địch, vừa phá đường để ngăn xe địch đến giải tỏa. Bọn địch có ngày đã phải dùng tới 20 lần chiếc máy bay để tiếp tế cho vị trí này.

Trong lúc du kích đã phát triển, bộ đội địa phương huyện có thể tách ra để độc lập tác chiến.

Ở huyện Yên Hưng, đại đội 915 đã cùng với du kích áp sát các xã quanh tỉnh lỵ Quảng Yên đánh địch. Đơn vị đã tập kích một số ụ boong-ke trong vị trí Kim Lăng, sau đó lại phối hợp với du kích vùng Hà Nam, Hà Bắc (thuộc Yên Hưng) diệt hàng loạt tháp canh ở Bùi Xá, La Khê (Tiền An), Cống Quỳnh (Vị Khê) và bức rút các bốt Cống Mương, Yên Động, Trung Bản. Đội trinh sát đặc công tỉnh đã táo bạo đột nhập vào thị xã Uông Bí diệt gần 30 tên địch gồm toàn sĩ quan Pháp.

Đại đội 923 (Kinh Môn) giỏi cà đánh phân tán và tập trung. Đại đội đã liên tục tập kích trên đường Tuần Mây và ngày 15 tháng 4 đã tập kích vào vị trí Chùa Hang (Kính Chủ) diệt và bắt 35 tên giặc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:39:36 pm »

Ngày 10 tháng 1, đại đội 911 cùng du kích xã Đồng Lạc đã bao vây và bức một số địch ở Bến Bình phải ra hàng. Sau đó đơn vị lại chủ động đi tìm giặc mà đánh nên trong bảy ngày đã diệt được hai trung đội địch trên đường 18. Ở Thủy Nguyên, đại đội 925 đã tập kích Phố Si, Núi Đèo và Pháp Cổ. Ở Đông Triều, đại đội 913 cùng du kích đã chống càn nhiều trận ở các thôn xã tạm bị chiếm ở dọc sông Kinh Thầy và đường 18, như Cậy Sơn, Kim Sơn, Phạm Hồng Thái, hỗ trợ cho các xã mới chuyển lên đấu tranh vũ trang.

Cùng thời gian đầu năm 1954, tiểu đoàn Bạch Đằng chủ lực của tỉnh Quảng Yên cũng được lệnh bí mật vượt các tuyến phòng thủ của địch thọc sâu vào hai huyện Yên Hưng, Thủy Nguyên để tập kích diệt một số vị trí Pháp và các cứ điểm phản động ở hai huyện này.

Mở đầu cho cuộc tiến quân vào vùng tạm bị chiếm, tiểu đoàn đã phối hợp với đại đội 925 của địa phương và du kích diệt liên tiếp ba vị trí địch trong một đêm là Hà Luận, Bang Loan và Pháp Cổ, Trong cả ba trận, đơn vị đã diệt một số địch, bắt sống 66 tên, phá một khẩu đội pháo 37 mi-li-mét, thu 18 trung liên, tiểu liên, 39 súng trường và ba tấn quân trang, quân dụng. Đặc biệt tại Bang Loan ta đã bắt sống tên quận trưởng ngụy quyền của huyện Thủy Nguyên và tại Hà Luận ta đã diệt tên chỉ huy ác ôn.

Chiến thắng trận đầu đã làm rung chuyển cả huyện Thủy Nguyên, tạo điều kiện cho địa phương đưa phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao.

Sau trận đầu, tiểu đoàn đánh tiếp hai vị trí Phi Liệt, Cầu Giá là những đầu cầu để bộ đội ta ra vào vùng tạm chiếm Yên Hưng, Thủy Nguyên.

Sau khi đánh bung các vị trí quan trọng ở Thủy Nguyên, tiểu đoàn chuyển hướng sang các xã Minh Tân, Lưu Kiếm thuộc huyện Yên Hưng, là một vùng bốn bề sông nước bao bọc, từ lâu bộ đội chủ lực ta chưa đánh đến. Chỉ trong hai đêm, các đơn vị của tiểu đoàn đã tiêu diệt bốn vị trí là Quỳ Khê, Diệu Tú, hang Phúc Liệt và hang Mỹ Liệt.

Qua hai trận ở Phi Liệt, Cầu Giá và bốn trận ở Minh Tân, Lưu Kiếm ta đã diệt một tên giặc, bắt sống 39 tên, thu 126 súng các loại, năm tấn quân trang quân dụng và phá ba khẩu pháo 57 mi-li-mét.

Chưa có thời gian nào thi đua sôi nổi như cuộc thi đua nước rút và đầu năm 1954 để quyết tâm giành các phần thưởng cao quý như cờ Quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Tiểu đoàn gương mẫu của Liên khu Việt Bắc. Hàng tháng trong các cuộc giao ban giữa cấp ủy, chính quyền tỉnh với đại diện các ngành các giới các địa phương, hội đồng thi đua đã thông báo và nhận xét về tình hình thi đua và nêu những ý kiến chỉ đạo cho thời gian tới. Các tờ tin của tỉnh đội, của ty thông tin – tuyên truyền thông báo kịp thời các tin chiến thắng, các gương thi đua của chiến trường cả nước và của địa phương. Các đơn vị, địa phương theo dõi thành tích của đơn vị bạn để tìm cách vượt lên.

Sôi nổi, căng thẳng và đầy phần hứng hứng khí thế cách mạng là cuộc thi đua giữa tỉnh Quảng Yên với tỉnh Bắc Ninh và giữa tiểu đoàn Bạch Đằng với tiểu đoàn Thiên Đức.

Đầu tháng 5, chỉ còn nửa tháng nữa là thời gian thi đua kết thúc, hưởng ứng phong trào thi đua giành cờ Quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Tiểu đoàn gương mẫu của Liên khu Việt Bắc, để đuổi và vượt tỉnh Bắc Ninh(1), đồng thời phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ đang đánh to thắng lớn, Quảng Yên quết định tiến công vị trí Linh Xá là một cứ điểm lớn, kiên cố nằm hai bên bờ sông Kinh Thầy thuộc địa phận hai huyện Nam Sách và Chí Linh.

Đánh Linh Xá ngoài mục đích nhằm xóa bỏ một cứ điểm quân sự lợi hại khống chế cả một vùng rộng lớn của hai huyện Chí Linh, Nam Sách còn làm lung lay hệ thống phòng ngự của địch trên dọc sông Kinh Thầy, tạo điều kiện thuận lợi cho những trận đánh tiếp sau đạt kết quả tốt, còn có ý nghĩa cả về chính trị vì căn cứ này phần lớn nằm trên địa bàn xã Nam Hưng là quê hương của liệt sĩ anh hùng Mạc Thị Bưởi, người con trung hiếu của đồng bằng Nam Sách đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng quê hương.

Các đồng chí Trịnh Nguyên, bí thư tỉnh ủy kiêm chính trị viên tỉnh đội và đồng chí Nguyễn Anh Vũ, tỉnh đội trưởng đã trực tiếp giao cho tiểu đoàn Bạch Đằng và hai đại đội của Nam Sách, Chí Linh vinh dự đánh trận này.


(1) Lúc này tỉnh Bắc Ninh đã tiêu diệt nhiều địch hơn tỉnh Quảng Yên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 10:41:14 pm »

Để chuẩn bị cho trận đánh thắng thắng lới, tiểu đoàn Bạch Đằng và đại đội 921 (Nam Sách), 911 (Chí Linh) và lực lượng du kích Nam Sách đã điều tra nghiên cứu chiến trường, nắm tình hình địch, xây dựng phương án tác chiến và thiết kế thao trường để học tập.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, vào một đêm tháng 5, tiểu đoàn trưởng Đào Bá Tuyên và đại đội trưởng đại đội 908 Phạm Tô Lương cùng các đơn vị phối hợp của Nam Sách, Chí Linh tiến về vị trí Linh Xá.



Đồng chí Đào Bá Tuyên – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bạch Đằng

Trận đánh đã diễn ra nhanh gọn với thắng lợi giòn giã. Quân ta đã tiêu diệt hai đại đội Âu – Phi, bắt sống toàn bộ số địch còn lại gồm 70 tên, thu toàn bộ súng đạn và quân trang, quân dụng, trong đó có hai khẩu cối 120 mi-li-mét còn nguyên vẹn.

Tổng kết đợt thi đua do Liên khu Việt Bắc phát động để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ (phát động ngày 22 tháng 12 năm 1953, kết thúc ngày 19 tháng 5 năm 1954), quân và dân Quảng Yên đã đánh gần 400 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 tên địch, vận động được 1.195 lính ngụy đào ngũ và giải ngũ. Về tỉ lệ vũ khí ta thu được của địch so với số vũ khí ta bị phá hủy là 128/1 (tức là ta mất một khẩu thì địch mất 128 khẩu).

Riêng Tiểu đoàn Bạch Đằng trong đợt thi đua đã chiến đấu 23 trận ở vùng tạm bị chiếm, diệt 766 tên, bắt 325 tên (một phần tư trong số bị diệt và bị bắt là lính Âu – Phi), thu 53 súng các loại và đặc biệt tiểu đoàn không bị mất khẩu nào.

Với những thành tích đã đạt được, tỉnh Quảng Yên đã vinh dự được nhận cờ thi đua Quyết chiến quyết thắng của Bác Hồ và tiểu đoàn Bạch Đằng được vinh dự nhận cờ “Tiểu đoàn gương mẫu của Liên khu Việt Bắc”.



Cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân dân tỉnh Quảng Yên trong Đông Xuân 1953-1954

Tiếp theo đợt thi đua này lực lượng vũ trang Quảng Yên tiếp tục tiến công địch. Ngày 19 tháng 7 năm 1954, tiểu đoàn Bạch Đằng cùng đại đội 921 (Nam Sách) diệt gọn vị trí Trắc Châu thu 100 súng các loại. Tiếp đó trong những ngày cuối tháng 7 năm 1954, hàng loạt vị trí địch ở Chí Linh như Hữu Lộc, Bãi Thảo, Mật Sơn, Sui, Chí Ngãi, Thiên và các vị trí Lĩnh Động, Kinh Chú (Kinh Môn), Chim Kêu, Yên Đức (Đông Triều), Chí Điền (nam Sách) đểu bị quân ta bao vây và bị du kích bắn tỉa làm cho quân địch vô cùng khốn đốn. Những vị trí quan trọng của địch như Thiên, Mật Sơn và Sui thuộc huyện Chí Linh không chịu đựng nổi sức ép của quân ta đã buộc phải tháo chạy. Còn các vị trí khác tiếp tục bị bao vây cho tới ngày đình chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM