Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:45:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 30929 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:15:27 pm »

*

Phong trào chiến tranh du kích ở Quảng Yên ngày càng phát triển. Bọn chỉ huy địch ở đồng bằng Bắc Bộ rất lo ngại, nhất là trước nguy cơ tuyến đường 5 và thành phố Hải Phòng bị uy hiếp, do đó chúng đã tổ chức cuộc hành bính lấy tên là “Chiến dịch Bô-lê-rô” (Boléro) nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang của ta ở bốn huyện miền tây Quảng Yên, xóa sạch các vùng du kích mới mở, thực hiện bình định trở lại vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Yên, khôi phục lại tình thế trên địa bàn này như hồi trước chiến dịch Hòa Bình năm 1951.

Chiến dịch Bô-lê-rô được địch tiến hành làm ba đợt, mỗi đợt gồm nhiều cuộc càn với quy mô khác nhau và trên nhiều khu vực.

Mỗi cuộc càn chúng tiến hành các bước sau:

- Một là, tập trung binh hỏa lực với ưu thế tuyệt đối để bao vây,tiêu diệt bộ đội địa phương và du kích trong từng khu vực; sau đó tán phá vùng du kích về mọi mặt, từ tài sản, công trình, nhà cửa, cho đến con người và cả những địa hình chúng cảm thấy có lợi cho du kích chiến đấu.

- Hai là, đưa các đoàn “quân thứ hành chính lưu động”, gọi tắt G.A.M.O. – một tổ chức bình định mới ra đời, đi theo quân cơ động để tuyên truyền lừa gạt nhân dân, tô vẽ cho trò hề độc lập giả hiệu để thành lập ngụy quyền cơ sở.

- Ba là, lập các vị trí bảo chính đoàn do ngụy quân làm nhiệm vụ chiếm đóng để khống chế các vùng du kích.

Đợt một chiến địch, địch tiến hành ở Kinh Môn. Lực lượng địch sử dụng gồm GM7, một tiểu đoàn lính dù, một tiểu đoàn quân chiếm đóng, một số tàu chiến và xe bọc thép. Lực lượng phối hợp yểm trợ có không quân ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi, pháo binh ở Núi Đèo, Đông Triều, đường số 5. Chỉ huy chung là tên quan năm Bơ-lăng-ke (Blankais) – chỉ huy trưởng GM7.

10 giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm 1952, 2.000 tên giặc và 35 xe bọc thép lội nước tiến vào xã An Sinh từ ba mặt: một mũi gồm ba tàu chiến theo đường sông từ Thủy Nguyên tới đổ quân lên bờ rồi đánh vào làng từ hướng bắc. Một cánh gồm một tiểu đoàn do sáu máy bay thả dù xuống Kính Chủ rồi tiến vào từ hướng tây – bắc. Một cánh khác do quân chiếm đóng từ Đồn Lưu và Tuấn Mây hợp lại đánh vào làng từ hướng nam. Hỏa lực chi viện trực tiếp bố trí trên các điểm cao của dãy núi An Phụ và các tàu chiến.

Xã An Sinh gồm các thôn Kim Xuyên, Vân Ổ, Nghĩa Vũ nằm dưới chân dãy núi An Phụ, là khu du kích mạnh nằm giữa các vị trí giặc. Vị trí gần nhất là Kính Chủ cách vài ki-lô-mét. Trong xã An Sinh có đại đội 910 chủ lực của tỉnh, một trung đội thuộc đại đội 923 của huyện và dân quân du kích. Các đơn vị phân công nhau đóng ở các thôn, mỗi thôn cách nhau vài trăm mét.

Mặc dù quân địch đông gấp mấy chục lần, lại có hỏa lực mạnh và chiếm lĩnh được các điểm cao, nhưng qua nhiều đợt xung phong, chúng vẫn không vào được làng. Buổi chiều, địch tập trung máy bay, pháo binh mặt đất và pháo tàu oanh tạc dữ dội vào trận địa ta, sau đó bộ binh tập trung đột phá vào một thôn chiến đấu, mở được cửa vào làng. Cuộc chiến đấu trong thôn diễn ra rất ác liệt, kéo dài. Quân ta giành giật với địch từng mảnh vườn, từng ngõ xóm, căn nhà. Hàng chục xác giặc đổ gục trước các làn đạn bắn găm của quân ta, bằng cả lưỡi lê và các vũ khí bạch binh khác.

Trong lúc xã An Sinh chiến đấu quyết liệt với địch, xã Vũ An đã chủ động phối hợp tác chiến, đánh địch từ phía sau đội hình của chúng để chi viện cho An Sinh.

Đến tối, lợi dụng lúc địch đang củng cố đội hình, quân ta đã bí mật luồn ra khỏi vòng vây rút về Chí Linh và Nhị Chiểu. Trong trận chiến đấu đầu tiên này ta đã giáng cho địch một đòn đau, tiêu diệt 120 tên địch, trong đó có tên quan năm Bơ-lăng-ke chỉ huy trưởng GM7 và chỉ huy trưởng cuộc càn. Về phía ta tổn thất gồm 11 đồng chí (vừa bị bắt, vừa hy sinh), tám đồng chí bị thương, bị hỏng và bị mất 15 súng.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:27:38 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:15:52 pm »

Từ ngày hôm sau quân địch càn tiếp các xã du kích nằm hai bên dãy núi An Phụ để hỗ trợ cho bọn “quân thứ hành chính lưu động” đi lập tề và bảo chính đoàn, tổ chức chiếm đóng.

Ngày 3 tháng 7 năm 1952, hai binh đoàn cơ động GM1 và GM7 gồm bảy tiểu đoàn tiến công căn cứ Nhị Chiểu. Sau khi rải quân trên dãy núi vắt ngang khu Nhị Chiểu và làm xong công sự dã chiến, ngày 6 tháng 7 địch bắt đầu đánh xuống các xã trong khu.

Do chủ quan, thiếu kế hoạch chống càn nên huyện ủy Kinh Môn trở nên lúng túng, bị động. Một số cán bộ huyện bị địch bắt, các xã mất liên lạc với huyện. Đại đội 923 phải rút sang xã Lạc Long (bên kia dãy An Phụ). 400 du kích và thanh niên phải chạy vào hang đá tránh giặc, một số cán bộ và nhân dân chạy vào rừng.

Địch đã dồn 4.000 dân của khu căn cứ Nhị Chiểu vào các xã tạm chiếm gần các vị trí của chúng và để lại 1.500 quân đóng tại Nhị Chiểu. Ở khu ngoài Kinh Môn địch bố trí thêm 2.200 quân để bảo vệ cho khu trong và ngăn chặn lực lượng ta từ các hướng tiến vào. Bốn xã Hoàng Sơn, Minh Tân, Tân Dân, Phú Thứ thành khu không người. Tình hình huyện Kinh Môn trở nên nghiêm trọng. Để giúp cho huyện khôi phục được phong trào, tình ủy Quảng Yên quyết định đưa bộ đội vào Kinh Môn để đánh địch. Cơ quan lãnh đạo huyện và xã phải quay về bám đất, bám dân, phục hồi phong trào; các huyện khác phải tích cực phối hợp tác chiến với Kinh Môn. Đồng thời tỉnh Quảng Yên cũng chủ trương mở thêm các khu căn cứ du kích ở Kiệt Đặc, Kiệt Đoài, Đáp Khê thuộc huyện Chí Linh để buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó (nhưng chủ trương này không được Liên khu ủy Việt Bắc chuẩn y).

Chấp hành chủ trương của tỉnh ủy, ngày 10 tháng 7, một trung đội cảu huyện về khu ngoài hoạt động. Do lối chống càn cố thủ nên chỉ sau hai trận chiến đấu đơn vị bị tổn thất nặng, chỉ còn lại năm người. Tiếp theo đó, một trung đội khác của huyện đã lọt vào khu trong gần đường số 5 phân tán phối hợp với du kích dân quân hoạt động. Ngày 18 tháng 7 đơn vị đã cùng với du kích Châu Xá đột nhập và thôn Mụa (Thượng Quận) đánh úp bọn G.A.M.O. đang tuyên truyền lừa bịp nhân dân, diệt năm tên, bắt bảy tên, thu tám súng các loại. Mấy ngày sau một chiến sĩ du kích Thượng Quận đã đánh mìn trên đường 5 phá một xe địch đang chở quân đi càn.

Ngày 22 tháng 7, một trung đội của đại đội 908 vượt sông vào Nhị Chiểu để hoạt đông, nhưng do công tác trinh sát nắm địch không chắc nên đã bị địch phục kích ở bến đò Na Dương, cả trung đội đã bị địch bắt khi mới lên tới bờ sông.

Trước sự đối phó quyết liệt của địch và kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội còn ít, chính trị viên tiểu đoàn Bạch Đằng Tăng Văn Hội đã trực tiếp chỉ huy hai trung đội của đại đội 908 vào Nhị Chiểu để nghiên cứu tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh trong khu. Bộ đội, du kích và số thanh niên sơ tán trong hang núi đã được chỉ đạo thống nhất. Quân ta đã dựa vào các hang đá để tránh giặc và duy trì sức chiến đấu. Đêm đêm du kích quay về làng mót thóc lúa, còn bộ đội thì ra khu ngoài để tiếp nhận gạo của nhân dân. Cuối tháng 8 năm 1952, đại đội 908 rút vào rừng và bảo vệ hơn 200 dân về theo. Đại đội 910 ra thay phiên chiến đấu. Trong cuộc sống gian khổ giữa hang đá, bộ đội và nhân dân đã chia nhau từng bát cơm, nắm gạo. Bộ đội dùng mũ sắt làm cối, lựu đạn hỏng làm chày để giã gạo. Nữ du kích dùng khăn đội đầu để sàng sẩy gạo. Chính trong khung cảnh ấy bài hát “Kinh Môn vùng lên” do bộ đội ta sáng tác đã được quân và dân Quảng Yên yêu thích coi như một bài hát truyền thống của mình:

“Lòng dân Kinh Môn, tình dân Kinh Môn trong hang tối vẫn sáng ngời…”(1).

Từ trong hang núi bộ đội và du kích đã bung ra đánh tỉa quân giặc, rồi tiến tới phục kích và chống càn, có trận đã cướp được cả đại liên của địch. Trước sự phục hồi sức mạnh chiến đấu của ta, dần dần quân địch đã phải co lại không dám càn quét sục sạo như trước.

Có tiếng súng của bộ đội và du kích, nhân dân bị dồn vào gần vị trí địch đã đòi địch phải cho về làng trông nom nhà cửa, ruộng vườn làm lỏng dần sự kiểm soát của chúng.

Để phục hồi và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Trịnh Nguyên, bí thư tỉnh ủy Quảng Yên đã về khu ngoài để kiểm tra tình hình và truyền đạt quyết tâm của thường vụ tỉnh ủy cho các cấp ủy địa phương. Huyện ủy Kinh Môn đã được củng cố, chấn chỉnh và quay về địa bàn huyện chắp nối lại sự chỉ đạo từ huyện đến các xã. Phong trào của Kinh Môn dần dần được vực dậy, hồi phục.


(1) Bài hát “Kinh Môn vùng lên”, sáng tác của Nguyễn Phú Đạt, trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn Bạch Đằng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:17:36 pm »

Đợt hai chiến dịch Bô-lê-rô địch tiến hành từ ngày 16 tháng 8 năm 1952. Lực lượng địch dùng trong đợt này gồm sáu tiểu đoàn thuộc các GM1, GM3, GM7 và hai tiểu đoàn quân chiếm đóng, có xe bọc thép và pháo binh yểm trợ do tướng Béc-su (Berchout) chỉ huy. Trong hai ngày 17 và 18 tháng 6 địch triển khai trên dãy đồi núi nằm giữa các khu du kích của Chí Linh để làm công sự. Ngày 19 tháng 8 địch bắt đầu tiến công.

Có kinh nghiệm của Kinh Môn, quân và dân Chí Linh lập phương án đối phó. Khi một cánh quân địch tiến vào xã Chí Minh để lùng tìm quân ta, một trung đội của bộ đội huyện cùng với du kích đã bất ngờ nổ súng diệt 70 tên. Phát hiện được lực lượng quân ta không nhiều, một đại đội địch liều lĩnh xung phong vào làng, nhưng quân ta đã bình tĩnh bám chắc công sự, cản phá, diệt tiếp 60 tên nữa làm chúng phải bỏ chạy.

Ở các xã khác các trận đánh cũng diễn ra tương tự như xã Chí Minh; địch dựa vào thế đóng quân ào ạt tiến công; ta bình tĩnh bám sát trận địa kiên cường đối phó, thực hiện đánh gần, đánh chắc, tiết kiệm đạn và đánh liên hoàn, hỗ trợ lẫu nhau. Vùng du kích Chí Linh gồm nhiều thôn xóm nhỏ rài rác quanh vùng đồi núi trải rộng, do đó giặc khó có thể bao vây gọn để “cất vó” quân ta, nhất là với những đơn vị nhỏ, phân tán và cơ động trong các xóm trại.

Cũng trong thời gian này giặc càn sang cả xã Nguyễn Huệ thuộc huyện Đông Triều. Các trận chiến đấu diễn ra không khác ở Chí Linh. Bọn giặc đã cho bọn G.A.M.O đi lập tề ở các khu du kích và tổ chức lại vị trí bảo chính đoàn đóng lại ở hai khu du kích Văn Đức (Chí Linh) và Nguyễn Huệ (Đông Triều). Đã có kinh nghiệm đối phó với địch, một mặt quân ta vẫn tổ chức đánh địch để tiêu hao sinh lực chúng, một mặt ta cho một số nơi lập tề nhưng vẫn do xã điều khiển.

Để đối phó với địch, và buộc chúng phải phân tán lực lượng, tỉnh đội Quảng yên ngoài việc chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương kiên cường chống càn, còn điều một lực lượng bộ đội địa phương gồm bảy trung đội liên tục đánh phá giao thông và các vị trí địch trên đoạn đường 18 thuộc hai huyện Chí Linh, Đông Triều. Một mặt tỉnh đội cũng chỉ đạo dân quân du kích huyện Nam Sách tăng cường đánh các toán quân địch di chuyển các cuộc càn. Bị quân ta căng đánh ở khắp nơi, ngày 24 tháng 8, địch phải điều bớt quân đi càn vào vùng Cổ Vịt thuộc xã Lê Lợi ở phía bắc đường 18 thuộc huyện Chí linh, không tập trung quân gây ép mạnh được với các vùng chúng đang càn quét bình định.

Đợt ba chiến dịch Bô-lê-rô bắt đầu ngày 21 tháng 8 năm 1952. Trong chiến dịch này, địch đã dùng 258 lần ô-tô chuyển 700 quân từ Hải Phòng và Hải Dương về càn vào huyện Nam Sách. Chúng dùng 38 xe “cóc” (là loại xe lội nước) để tiện cơ động trên đồng trũng của huyện này.

Đại đội 902 thuộc tiểu đoàn Bạch Đằng và đại đội 921 của huyện cùng dân quân du kích dựa vào làng mạc rộng, có lũy tre dầy để chống càn ở An Dật, An Giới, Thượng Triệt, Mỹ Xá, Đồn Bối… thắng lợi. Trong 5 ngày chiến đấu liên tục, quân và dân Nam Sách đã tiêu diệt 162 tên địch, bắn bị thương 82 tên, phá hai xe cóc. Phía ta bị thương tám đồng chí, bị bắt hai và hy sinh 13 đồng chí.

Bị tiêu hao nhiều lực lượng mà hiệu quả đạt được lại thấp, ngày 25 tháng 8 năm 1952, địch chấm dứt cuộc càn quét thứ ba, đồng thời kết thúc chiến dịch Bô-lê-rô.

Vậy là sau hai tháng tiến hành cuộc hành binh càn quét và bình định lớn vào vùng đồng bằng tây Quảng Yên, địch không thực hiện được các mục tiêu cơ bản chúng đề ra, ngược lại chúng phải chịu những tổn thất đáng kể: 595 tên bị diệt (trong đó có hai quan năm, quan tư), 2.246 tên bị thương, 13 tên bị bắt làm tù binh, nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh bị mất, bị hư hỏng.

Về phía ta, qua hai tháng quân và dân đồng bằng sau lưng địch đã mưu trí đánh địch và dũng cảm bám đất, bám dân. Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, đã từng bước tìm được phương thức để chiến thắng địch, bảo vệ được lực lượng ta và bảo đảm an toàn cho nhân dân, không để địch lôi kéo, khống chế, mua chuộc. Tuy trong chiến đấu ta có bộc lộ một số khuyết nhược điểm, trong đó có cả những khuyết điểm như chủ quan, thiếu cảnh giác sẵn sàng chiến đấu để dẫn tới một số tổn thất, hy sinh, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của trên, cán bộ, chiến sĩ đã khắc phục được khuyết nhược điểm để vượt lên hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:18:40 pm »

Trong chiến dịch Bô-lê-rô bọn địch đã bộc lộ bản chất tàn bạo và xảo trá. Nhân dân hết lòng yêu bộ độ, cưu mang lẫn nhau và mưu trí đấu tranh với giặc. Ở khu căn cứ Nhị Chiểu, giặc bắt dân ở gần vị trí phải đi gặt lúa của nhân ở khu du kích, đồng bào buộc phải gặt về nhưng lại bí mật đem trả lại. Ở Đồn Lưu bọn G.A.M.O buộc dân phải tập trung để nghe tên thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu nói chuyện, đồng bào đã gây lộn xộn mất trật tự để phá cuộc mít tinh ấy.

Đặc biệt trong cuộc đối đầu quyết liệt với địch, nhiều cán bộ, đảng viên, bộ đội và dân quân du kích đã thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất chiến đấu với giặc đến viên đạn cuối cùng, nhất định không chịu thỏa hiệp đầu hàng giặc. Tại các xã An Sinh, Hiệp Sơn, Hiệp An, Chí Minh… mặc dù bị địch kiểm soát gắt gao và khủng bố dã man, nhưng các cán bộ, bộ đội và du kích vẫn bám đất, bám dân để lãnh đạo phong trào, hướng dẫn cho nhân dân, quần chúng đấu tranh với địch. Đồng chí Nguyễn Doãn Giang, bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội dân quân xã An Sinh và các đồng chí cán bộ khác của xã đã ăn bờ, ngủ bụi hàng tháng trời để nắm tình hình địch và lãnh đạo nhân dân. Một đồng chí ủy viên thường vụ tỉnh ủy đã trực tiếp về khu ngoài để chắp nối lại liên lạc với các xã đang bị địch đánh phá.

Với tinh thần chiến đấu hy sinh và truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường như vậy nên chỉ một tháng sau khi chiến dịch Bô-lê-rô kết thúc phong trào chiến tranh du kích ở Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách, Đông Triều lại rộ lên và ngày càng lan sâu, lan rộng thêm.

Tháng 9 và tháng 10 năm 1952, đại đội 911 (Chí Linh) và dân quân du kích đã phục kích tiêu diệt bọn G.A.M.O. ở Ninh Cống, Quán Cao. Dân quân du kích xã Nguyễn Huệ (Đông Triều) độc lập chiến đấu bẻ gãy liên tục năm trận càn của địch vào địa phương.

Khi chiến dịch Tây Bắc mở (ngày 14 tháng 10 năm 1952), theo chỉ thị của tỉnh ủy Quảng Yên, các khu du kích bị lấn chiếm được lệnh cắt tề và chuyển lên đấu tranh vũ trang. Mở đầu cho đợt chiến đấu này, đại đội 908 do đại đội trưởng Đào Trọng Tính chỉ huy và một trung đội của đại đội 911 đã tập kích tiêu diệt gọn một đại đội báo chính đoàn ở Đông Xá. Em Nguyễn Văn Hòa, một thiếu niên du kích đã cung cấp cho bộ đội tình hình hoạt động của địch, góp phần đáng kể vào chiến thắng này. Ngày hôm sau (15 tháng 10 năm 1952), một tiểu đoàn Âu – Phi càn vào xã Văn Đức. Trong trận chống càn này quân ta đã tiêu diệt gần 500 tên địch. Trong khi đó ở Nhị Chiểu (Kinh Môn), đại đội 910 và đại đội 923 cùng du kích đã đánh thắng liên tiếp ở Hàng Cả, Vạn Chanh, Duyên Linh và Duy Tân. Du kích trở về xã bảo vệ cho số dân dồn làng trở về các xã giúp dân gặt mùa và chuẩn bị làm chiêm.

Trước sự tiến công liên tiếp của ta, ngày 17 tháng 11 năm 1952, 12.000 quân địch đóng ở khu Nhị Chiểu đã phải rút lui.

Nhưng lúc này do hậu quả của địch tàn phá trong cuộc càn và do hạn hán, nạn sâu và chuột phá lúa nên nạn đói đe dọa nhân dân trong tỉnh(1). Cán bộ, bộ đội, du kích đã tích cực giúp dân sản xuất, làm thủy lợi. Toàn tỉnh có phong trào bớt bữa giúp đồng bào Nhị Chiểu. Nhân dân ở vùng tạm chiếm gửi tiền, lương thực, vốn, giống và sức kéo giúp khu căn cứ này nhanh chóng hồi phục.

Cuối năm 1952, ở tỉnh Quảng Yên nạn đói bị đẩy lui và chiến tranh du kích lại phát triển. Giữa tháng 11, đại đội 902 và một trung đội của đại đội 911 đã chống cuộc càn của địch ở Giang Hạ, tiêu diệt 160 tên địch. Đại đội 921 và du kích Nam Sách đã diệt gần 100 tên trong các trận Vối, Đụn (xã Hồng Phong) và xã Mạc Xá. Đại đội 908 cùng du kích Kinh Ôn chống một tiểu đoàn quân Âu – Phi và một đại đội biệt kích đi càn ở Uông Hạ diệt 70 tên.

Các trận đánh nổ ra liên tiếp cho đến cuối năm 1952 lại càng rộ lên: ở Đông Triều ta tiêu diệt quân địch đóng ở Giếng Lãm và bao vây Núi Đồn, Núi Trọc; ở Chí Linh ta diệt các vị trí Hoàng Giáp và Lức; trong ba ngày 11, 12, 13 ta liên tiếp phục kích ở An Lạc, Văn Đức, Tân Dân và giải tán tề và dõng ở Đáp Khê, Phả Lại. Cuối tháng 12 năm 1952, huyện Nam Sách diệt các vị trí địch ở An Dật, Vạn Tải, Linh Khê. Các vị trí bảo chính đoàn ở các khu du kích bị quét sạch. Cả vùng đồng bằng Quảng yên khí thế của cuộc chiến tranh nhân dân lại bốc cao hòa cùng với Hải Ninh, Đặc khu Hồng Gai và toàn chiến trường đồng bằng Bắc Bộ.


(1) Trong cuộc hành binh Bô-lê-rô quân địch đã tàn phá tới 9/10 vụ chiêm của bốn huyện đồng bằng Quảng Yên. Hai huyện Chí Linh, Nam Sách bị phá 8.000 mẫu, huyện Đông Triều bị hạn nặng. Toàn tỉnh Quảng Yên có 849 gia đình bị đói và riêng khu Nhị Chiểu có 2.277 người bị đói. Trong phong trào khôi phục sản xuất, chống đói các địa phương toàn tỉnh đã sửa đê đập, mương tưới cho 3.546 mẫu ruộng. Chính quyền giúp dân và nhân dân giúp nhau được 40.760 ki-lô-gam thóc và 10.000 đồng. Chính quyền cho nhân dân vay 221.645 ki-lô-gam thóc và mua hộ 282 con trâu để có sức kéo phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh đã bắt và diệt gần 10 triệu sâu phá lúa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:22:14 pm »



Cuộc chống càn lớn Bô-lê-rô của địch (28-6-1952 - 28-8-1952
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:24:34 pm »

3. Đẩy mạnh chiến tranh toàn diện, phá các âm mưu thủ đoạn mới của địch, giành quyền chủ động trên chiến trường địa phương.

Năm 1953 cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới ngày càn có lợi cho ta không có lợi cho địch.

Sau những thất bại nặng nề trong năm 1952 tại chiến dịch Hòa Bình và chiến dịch Tây Bắc, sau đó lại thất bại ở chiến dịch Thượng Lào năm 1953, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Chúng đã thay thế tổng chỉ huy chiến trường và thực hiện “Kế hoạch Na-va” với sự thỏa thuận của Mỹ.

Âm mưu mới của thực dân Pháp là tập trung xây dựng cho được một khối chủ lực tác chiến mạnh và xây dựng đội quân ngụy to lớn thay thế nhiệm vụ chiếm đóng cho quân viễn chinh. Chúng chủ trương trong thu đông 1953 và mùa xuân 1954 giữ thế phòng ngự chiến lược, đánh quyết chiến ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng toàn bộ vùng tự do còn lại của miền Nam; đến đông xuân 1954 – 1955, với khối chủ lực cơ động được xây dựng xong, tập trung toàn bộ lực lượng quyết chiến với chủ lực ta trên chiến trường miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Với số tiền viện trợ quân sự 650 triệu đô-la của Mỹ, chúng đã dành ra 400 triệu để xây dựng và tổ chức quân ngụy, đồng thời tăng chi phí cho các hoạt động quân sự của quân viễn chinh. Từ đầu năm cho tới mùa thu 1953, chúng đã mở hàng chục cuộc hành quân càn quét tại các vùng ở Bắc Bộ, Bình – Trị - Thiên, Nam Bộ, ráo riết bình định, bắt lính. Chúng tập trung một nửa lực lượng cơ động chiến lược và một lực lượng chiếm đóng rất lớn gồm hơn 100 tiểu đoàn hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ. Chúng tiến đánh các căn cứ của ta ở nam Nam Định, vùng sông Luộc và Vĩnh Bào (Kiến An) nhằm phá các bàn đạp tiến công của ta. Chúng tăng cường biệt kích tập kích đánh phá vùng tự do, ra sức đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, tuyên truyền cho “Kế hoạch Na-va”. Đồng thời chúng thả hàng nghìn thổ phỉ xuống các vùng cao ở hậu phương của ta, kết hợp với các hoạt động tập kích bằng đường không thả quân dù xuống đánh phá các mục tiêu ở sâu hậu phương ta trong từng thời gian ngắn.

Nhận định thế và lực giữa và địch trên chiến trường, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi tới thắng lợi, tháng 1 năm 1953 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hai vấn đề lớn là: Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự; phát động quần chúng quán triệt để giảm tô, tiến đến cải cách ruộng đất.

Về lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự, báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 10 điểm cơ bản có tính chất quyết định đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng, tác chiến và hoạt động… cho các lực lượng vũ trang và các địa phương trong cả nước.

Đối với chiến trường sau lưng địch, báo cáo nêu rõ: “… phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt, tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đất đó, thu hẹp nguồn ngụy binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những căn cứ địa kháng chiến sau lưng địch”(1). Trong xây dựng lực lượng, “ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân và du kích không thoát ly sản xuất”(2) để đảm nhiệm nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an trong các bản làng, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, đồng thời còn làm nguồn bổ sung cho bộ đội chủ lực.

Về thực hiện chính sách ruộng đất, Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng quyết định: “Tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân”(3). Hội nghị thông qua bản Dự thảo cương lĩnh của Đảng về chính sách ruộng đất. Trước mắt, trong năm 1953, hội nghị quyết định: “Phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, chia lại công điền, chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân… thiết thực chuẩn bị cải cách ruộng đất”(4).

Chính sách ruộng đất của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng hàng ngàn năm của giai cấp nông dân Việt Nam, là động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến của toàn dân tộc nhanh chóng đi tới thắng lợi. Nhân dân cả nước phấn khởi đón mừng và thực hiện nghị quyết lịch sử này của Đảng.

Đối với ba tỉnh và đặc khu ở địa bàn Đông Bắc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là ngọn cờ chỉ đạo và cổ vũ cho mọi hoạt động của quân và dân ta trong năm 1953.

Ở Hải Ninh, Quảng Yên và Hồng Gai từ năm 1952 địch đã ra sức càn quét đánh phá các vùng căn cứ du kích, mở rộng phạm vi chiếm đóng và bắt lính lập dõng xây dựng lực lượng vũ trang phản động. Đến năm 1953, thực hiện kế hoạch Na-va chúng càng ra sức đôn quân bắt lính, xây dựng gấp các đơn vị địa phương quân, thúc đẩy bọn phản động ráo riết hoành hành đánh vào các vùng tự do căn cứ kháng chiến của ta hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não của các tỉnh, đồng thời tiếp tục càn quét bình định ở vùng sau lưng địch hòng trục xuất lực lượng vũ trang của ta ra khỏi các vùng này, giành quyền kiểm soát kho nhân tài, vật lực để nuôi sống cuộc chiến tranh của chúng. Trước thủ đoạn mới của địch, được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu Việt Bắc, các tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hồng Gai đã căn cứ vào tình hình thực tế của chiến trường địa phương của mình để tiến hành chỉ đạo các hoạt động đấu tranh vũ trang nhằm đánh thắng các âm mưu, thủ đoạn của địch, duy trì và đẩy mạnh kháng chiến tiến tới thắng lợi.


(1), (2) Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng (tháng 1 năm 1953).
(3), (4) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng (từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:27:13 pm »

*

Tại Hải Ninh, từ tháng 12 năm 1953, sau khi học tập nghị quyết Trung ương về phương châm đấu tranh ở vùng sau lưng địch, đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã tạo được chuyển biến rõ rệt trong chiến tranh nhân dân địa phương. Trên cơ sở phân rõ được các vùng tạm chiếm với vùng du kích, tỉnh ủy Hải Ninh đã quyết định:

- Chấm dứt hiện tượng các cơ quan lãnh đạo bỏ đất, bỏ dân và chỉ đạo theo lối “vọt cần câu” từ xa về.

- Chuyển hướng các tổ chức, các hoạt động ở vùng tạm chiếm vào bí mật; tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên.

- Chú trọng lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống áp bức, bóc lột của kẻ địch, bảo vệ quyền lợi hàng ngày của đồng bào.

Thực hiện quyết nghị của tỉnh ủy, các cấp bộ Đảng, chính quyền các huyện, thị về đất của địa phương, bám sát dân, bám sát phong trào, kiên trì, khéo léo tuyên truyền giác ngộ và vận động quần chúng đấu tranh với địch từ thấp đến cao. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1953, toàn tỉnh đã có 27 cuộc đấu tranh lớn nhỏ, bao gồm 10 cuộc chống bắt phu, bắt lính, chống lập dõng và xây vị trí cho dõng, tám cuộc chống cướp bóc, ức hiếp nhân dân; tám cuộc đấu tranh chống tập trung thóc, nộp tre gỗ và tống tiền. Ngoài ra còn 24 cuộc đấu tranh lẻ tẻ khác với số người dưới 10 người đòi những vấn đề dân sinh, an toàn trật tự như chống cướp hàng, cướp tiền, v.v. Những cuộc đấu tran trên đã thu hút 1.591 người tham gia, trong đó có cả người Hoa, người Việt và gia đình của tề, ngụy. Nổi bật là cuộc đấu tranh ở Chúc Bài Sơn có tới 162 người tham gia, đã thu hút được cả người Hoa và người Thanh Phán.

Qua đấu tranh của quần chúng, ta đã phục hồi được 108 tổ công tác bí mật gồm 715 cơ sở. Phong trào quần chúng ngày một phát triển đã hỗ trợ cho công tác binh vận và đấu tranh vũ trang.

Song song với việc chỉ đạo đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân đối với địch, tỉnh ủy Hải Ninh cũng chỉ đạo đấu tranh vũ trang chống lại âm mưu bình định, lấn chiếm vùng tự do và phá kế hoạch đôn quân bắt lính của địch.

Năm 1963, tuy phải rút quân Âu – Phi đưa về lực lượng cơ động, nhưng với đội quân ngụy do Voòng A Sáng cầm đầu và lực lượng dõng được xây dựng từ những năm trước và có các lực lượng phản động hỗ trợ, giặc Pháp vẫn liên tiếp tổ chức càn quét đánh phá các vùng, kể cả vùng tự do của ta. Trong càn quét chúng đã sử dụng lực lượng ngụy của Voòng A Sáng, bọn biệt kích người dân tộc thiểu số do sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy, kết hợp với các đội mật thám cơ động và chỉ điểm nằm vùng.

Về phía ta, trong năm 1953, tuy bộ đội địa phương và dân quân du kích đã được phát triển và củng cố một bước(1) nhưng do điều kiện chiến trường rừng núi, giao thông liên lạc khó khăn và trình độ tác chiến của dân quân du kích có hạn, do đó hoạt động của chủ lực địa phương có khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, phối hợp với chiến trường cả nước, Hải Ninh đã có nhiều cố gắng trong xây dựng, nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang địa phương. Đi đôi với việc chấn chỉnh, củng cố các đơn vị bộ đội huyện và huấn luyện kỹ thuật cho các đơn vị chủ lực của tỉnh, tỉnh đội Hải Ninh đã xây dựng được một đội trinh sát khá mạnh để phục vụ cho lãnh đạo nắm tình hình địch và phục vụ cho việc tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương.

Mở đầu cho các hoạt động quân sự của Hải Ninh là trận đánh của đại đội 20 tại Cầu Đôi ngày 8 tháng 2 năm 1953. Sáng ngày 8 tháng 2, quân địch đóng ở Đầm Hà đã mở một trận càn từ Đại Dực (Đầm Hà) sang các xã Yên Than, Yên Lãng thuộc huyện Tiên Yên. Do lực lượng dân quân du kích ở đây không đủ sức đương đầu với số quân địch đông gấp bội nên địch đã tràn được vào xã tàn phá nhà cửa, hoa màu, bắt đi 50 người dân và một thuyền có tài liệu của chi bộ Yên Lãng do một đảng viên phụ trách. Được tin địch càn, đại đội 20 đã vận động đến chặn địch ở Cầu Đôi, sau ít phút chiến đấu ta đã diệt 20 tên địch, phá một ô-tô, thu năm súng, bọn địch còn lại tháo chạy về Đầm Hà.

Ngày 18 tháng 5 năm 1953, đội trinh sát của tỉnh đã bí mật lọt vào vùng địch, dùng bộc phá đánh sập tháp canh Na Liễu, diệt 5 tên địch, làm bị thương 10 tên.

Tháng 6 năm 1953, một tiểu đoàn địch càn vào Đại Dực Động và Khe Lán. Đại đội 54 bộ đội chủ lực tỉnh đã phối hợp với du kích xã Phong Dụ (Tiên Yên) chặn đánh diệt 32 tên.



Đại đội 54 bộ đội địa phương tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp


(1) Năm 1953, bộ đội địa phương Hải Ninh có số quân 853 cán bộ, chiến sĩ được biên chế trong tiểu đoàn chủ lực tỉnh và các địa phương của các huyện; lực lượng du kích có 604 người, vũ khí có 527 súng các loại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #87 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:28:24 pm »

Ngày 17 tháng 7 năm 1953, giặc Pháp mở cuộc hành binh “Con én” đưa ba tiểu đoàn dù nhảy xuống Lạng Sơn bất ngờ tập kích vào hậu phương ta. Đến 13 giờ cùng ngày địch theo đường 4A rút chạy khỏi Lạng Sơn. Năm tiểu đoàn Âu – Phi từ Tiên Yên lên yểm trợ. Phối hợp với cuộc hành binh này, từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 27 tháng 7, địch hoạt động mạnh ở Ngàn Chỉ, Tĩnh Húc Động (Bình Liêu), Hà Cối và Nậm Xi, Pò Hèn, Thán Phún thuộc Móng Cái. Được lệnh của ban chỉ huy tỉnh đội các đại đội 54, 55, 63 đã liên tiếp phục kích trên đường số 4A và chặn đánh địch từ Nà Pá đến Phố Cũ, diệt 55 tên, làm bị thương 89 tên, bắt một tên, giải thoát 20 tù binh và 69 người dân tỉnh Lạng Sơn bị địch bắt.

Tiếp sau đợt chiến đấu trên đường 4A, ngày 29 tháng 8 quân ta tập kích diệt bốt Đông Triều; ngày 30 tháng 8 diệt bốt Đường Hoa. Trong hai trận này ta bắt 35 tên, diệt một số tên và thu toàn bộ súng. Ngoài ra ta còn cắt thêm 2.000 mét dây điện thoại của địch trên đường đi Chúc Bài Sơn ở Hà Cối.

Phát huy thắng lợi, bội đội và cán bộ chính trị của tỉnh đã tổ chức vũ trang tuyên truyền vào Đầm Hà, liên lạc với các cơ sở ở Nà Phá, Đầm Cái Xương, Tiên Lãng, Hin Đăm, Nà Hắc và gây được cơ sở ở thôn Thủy Cơ, vào được Hà Dong (Tiên Yên) và lãnh đạo được cuộc chống thuế ở đảo Vĩnh Thực. Trong đợt hoạt động này ta đã vận động được 30 lính dõng ở Đại Dực, Dực Yên, Nà Pá mang trả súng cho bọn chỉ huy để trở về nhà làm ăn.

Trước những hoạt động của ta, bọn ngụy Voòng A Sáng ra sức phản kích. Ngày 2 tháng 4, được bọn phản động nằm vùng chỉ điểm, lợi dụng lúc bộ đội đang rời căn cứ đi hoạt động, Voòng A Sáng đã sử dụng hai tiểu đoàn quân ngụy theo hai hướng Chúc Bài Sơn và Đồng Văn tiến công vào vùng tự do của ta ở Bình Liêu. Địch đã đánh vào cơ quan của tỉnh ở Bản Pạt, giết 6 nhân viên của cơ quan và đốt hết nhà cửa. Bọn giặc đã lùa hết nhân dân lên phố huyện để dụ dỗ. Chúng phát quần áo cho phụ nữ và trẻ em; thăng chức cai, đội cho các tên phản động nằm vùng. Thâm độc hơn chúng đã phá kho gạo của nhà nước và khuyến khích nhân dân vào lấy. Chúng đã tuyên truyền, mê hoặc quần chúng, suy tôn Voòng A Sáng là “vua” của người dân tộc. Với các thủ đoạn thâm độc và lừa bịp chúng đã lôi kéo được hai chiến sĩ bộ đội, hai đảng viên ở Hoành Mô và 10 cán bộ xã đi theo chúng, đồng thời chúng bắt 300 dân đưa về vùng tạm chiếm

Đây là một tổn thất lớn của ta trong năm 1953, một bài học về kém cảnh giác sẵn sàng chiến đấu trong công tác tổ chức, chỉ huy.

Tuy nhiên, trong một loạt những sơ hở, thất bại cũng có những điển hình tích cực nổi lên. Ở Đồng Văn, khi quân địch càn đến, các chiến sĩ du kích ở đây đã giải vờ đầu hàng địch để chúng tự do vào làng ăn uống, nghỉ ngơi. Sau khi cho địch chè chén no say, anh em đã dùng vũ khí uy hiếp địch, bắt sống tên quan một người Thanh Phán và bảy lính ngụy khác.

Sang tháng 10 năm 1953, ta chủ trương đánh đồn Thán Phún nhằm mở rộng phong trào sang Tràng Vinh, nhưng do bị lộ nên quân địch từ Móng Cái dến bao vây. Sau mấy giờ đánh phá vây ta đã diệt 13 tên địch, phá được vòng vây của chúng, nhưng ta cũng bị thương vong một trung đội.

Sau trận này đến tháng 12, bộ đội và du kích tiếp tục đánh phá những trận phục kích và chống càn nhỏ, diệt hơn hai chục tên, bắt 13 tên và thu một số súng.

Ngày 18 tháng 11, Voòng A Sáng lại dùng hai tiểu đoàn càn vào hai xã Tĩnh Túc và Lục Hồn ở Bình Liêu. Chúng đã đóng ở đây 3 ngày, cướp phá, giết chóc nhân dân, đốt hai kho thóc, nhiều nhà cửa của dân và bắt đi hơn 100 gia đình.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch giằng co quyết liệt. Trước một kẻ địch đông và khá mạnh gồm đủ đối tượng, chúng lại chốt giữ được các địa bàn quan trọng và bao vây vùng căn cứ của ta; trong khi đó lực lượng vũ trang nhân dân địa phương của ta còn có hạn, trình độ không đồng đều, chưa dày dạn kinh nghiệm chiến đấu... nên kết quả thu được cũng còn bị hạn chế. Trong năm 1953, bộ đội và du kích Hải Ninh đánh 21 trận, diệt và bắt 396 tên, làm bị thương 31 tên, thu nhận năm hàng binh, thu 58 súng các loại, phá 4 xe ô-tô, vận động một trung đội và 45 tên địch ở Tiên Yên, Đầm Hà bỏ ngũ.

Tuy nhiên, có một thủ đoạn mới của địch mà các lực lượng ta chưa đối phó được có hiệu quả là việc địch kết hợp giữa càn quét và dụ dỗ mua chuộc lôi kéo nhân dân và cán bộ, bộ đội ta đi theo chúng (Trong năm 1953 địch đã bắt 530 người dân và 100 gia đình đưa về vùng tạm chiếm, mua chuộc dụ dỗ 50 chiến sĩ của các đơn vị ở Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu; hai đảng viên và 40 cán bộ ở Bình Liêu về theo chúng). Đây là một đặc điểm riêng của Hải Ninh mà ta còn phải tiếp tục khắc phục cùng với quá trình đấu tranh chống lại các thủ đoạn chia rẽ dân tộc của địch để đưa cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #88 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:29:17 pm »

*

Đầu năm 1953, tại Đặc khu Hồng Gai, giặc Pháp đã phải rút quân chiếm đóng để xây dựng lực lượng cơ động chiến lược. Để tiện cho việc chỉ huy và tăng cường bảo vệ cho khu mỏ, chúng đã sáp nhập phân khu quân sự Hồng Gai bao gồm cả binh lực toàn khu mỏ vào với phân khu quân sự Quảng Yên và tăng cường các vị trí Đồng Đăng, Sơn Dương, Đá Trắng, Đá Bia, Đèo Bụt, Cửa Ông, Cái Bầu…

Chúng ráo riết xây dựng các “khu trắng” quanh các mỏ để ngăn ta thâm nhập. Đồng thời tích cực thực hiện kế hoạch lập dõng, lập địa phương quân ở đặc khu và lấy Hoành Bồ làm trọng điểm, nhằm tạo lực lượng thay thế ở địa phương để đưa một bộ phận quân chiếm đóng đi chiến trường chính. Chúng đã phát thêm nhiều vũ khí cho bọn dõng người Thanh Phán và người Hoa ở Đá Trắng, Đồng Quặng, Thống Nhất; dự tính đưa bọn dõng về Đồng Vải, Thống Nhất và ở huyện Cẩm Phả lên thành địa phương quân.

Tại vùng biển và hải đảo, địch đã lập dõng ở các xã Bình Dân, Đoàn Kết, Đông Xá, Hạ Long để hỗ trợ cho bọn biệt kích Hội Hành. Chúng quy định “vành đai trắng” trên biển từ khu vực đảo Vạn Hoa đến Vân Hải, cấm các thuyền bè, ngư dân qua lại lằm ăn ở khu vực đó, trừ những nơi đã bị dồn dân về Cửa Ông và có thẻ căn cước của chúng.

Đối với đồng bào làm ăn sinh sống trên vùng biển và hải đảo, giặc Pháp đã đàn áp bóc lột rất dã man. Từ tháng 12 năm 1952 đến tháng 3 năm 1953, chúng đã càn sục 66 lần vào xã Văn Châu nơi có 500 dân cư trú, để dồn họ về Cửa Ông. Sau đó chúng càn liên tiếp vào các Cái Bầu để tìm phá huyện ủy Cẩm Phả. Địch gở mọi hành động dã man với đồng bào ta. Tại Thạch Hà để dồn nhân dân ở đây về khu tập trung chúng đã không ghê tay bắt giết 12 người liền một lúc và phá hủy hàng chục chiếc thuyền. Ở Hùng Thắng giặc cũng giết hàng chục người và cướp một số tài sản giá trị bảy vạn đồng Đông Dương.

Đi đối với các hoạt động quân sự, địch còn ra sức áp bức bóc lột nhân dân. Bên cạnh các hình thức thông thường của bọn chủ mỏ đối với công nhân như giãn thợ, cúp lương, tăng thuế, tăng tiền nhà, tiền điện, trên mặt biển chúng đặt ra hàng chục thứ thuế rất vô lý như thuế thuyền, thuế bãi phơi lưới, thuế ngụ cư, thuế chợ, thuế bến, thuế làm sổ, thế bút (khi xin giấy tờ), thuế đò thuyền, v.v. Đối với khu vực nông nghiệp chúng cũng bóc lột không kém. Theo thống kê, ở huyện Hoành Bồ, Trung bình một gia đình trung nông hàng năm phải đóng tới ba vạn đồng Đông Dương tiền thuế và một gia đình bần nông phải đóng một vạn đồng.

Xuất phát từ tình hình của địa phương, Đặc khu ủy Hồng Gai đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh với địch trên cả ba mặt trận chính trị, kinh tế và quân sự.

Về đấu tranh chính trị ta đã tập trung vạch mặt bốn “nghiệp đoàn vàng” tay sai của bọn chủ mỏ, chống thủ đoạn giãn thợ bắt lính và sa thải công nhân. Trong đấu tranh về kinh tế, bên cạnh việc các tầng lớp nhân dân phản đối, tẩy chay việc đóng “đảm phụ quốc phòng” và các thứ thuế vô lý của địch; phản đối việc bọn chủ mỏ mở các sòng bạc, nhà chứa, tăng tiền nhà, tiền điện và tăng giờ làm (16 giờ một ngày), tại các khu mỏ công nhân đã đòi tăng lương, đòi phát lương đúng kỳ và cao hơn nên đã tổ chức phá hoại sản xuất, trực tiếp đánh vào kinh tế dịch. Điển hình như các vụ phá hoại ngày 30 tháng 4 của công nhân nhà sàng Cửa Ông, vụ phá hoại của công nhân Sở Bến, Hồng Gai ngày 1 tháng 5, đã làm cho địch thiệt hại gần một triệu đồng tiền Đông Dương.

Song song với đấu tranh kinh tế, chính trị, Đặc khu ủy đã chú ý lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh đấu tranh quân sự, vũ trang. Năm 1953 Đặc khu ủy xác định nhiệm vụ quân sự của đặc khu là: tiếp tục chủ động đánh địch nhằm tiêu hao sinh lực địch và giam chân chúng ở địa phương, không cho chúng chi viện cho chiến trường chính; bảo vệ và củng cố vùng căn cứ du kích và phá âm mưu của địch nhằm củng cố bọn phản động vũ trang trên vùng cao, phá kế hoạch đôn quân bắt lính của địch.

Đặc khu cũng quy định địa bàn tác chiến trong năm 1953 là huyện Hoành Bồ, bao gồm chặng đường 18 từ Yên Lập đến Bãi Cháy, chặng đường từ Đồng Đăng đến Thống Nhất và các xã thuộc vùng rừng núi của huyện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #89 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2017, 10:29:52 pm »

Để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang của đặc khu đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan đặc khu đội Hồng Gai đã được củng cố. Đại đội 21 của đặc khu và đại đội 23 của huyện Hoành Bồ cũng được bổ sung thêm quân số và vũ khí; quân số của hai đại đội này và của cơ quan đặc khu đội và huyện đội Hoành Bồ là 327 người.

Với số quân ít, lại hoạt động trong một địa bàn hẹp, lực lượng vũ trang của đặc khu đã thực hiện triệt để phương châm đánh du kích, đánh có chuẩn bị và sử dụng các chiến thuật thích hợp như phục kích, bắn tỉa, đánh phá giao thông. Suốt trong năm 1953, đại đội 21 của tỉnh và du kích các xã Việt Hưng, Sơn Dương đã liên tục bám các trục đường giao thông đánh địch, lúc đánh mìn, phá cầu, lúc phục kích, bắn “bia sống”. Kết quả trong năm đã diệt và bắt 95 tên địch, phá năm xe vận tải quân sự, một xuồng chiến đấu, thu 116 súng trường và một số súng cối. Điển hình trong các hoạt động chiến đấu này là trận phục kích ngày 7 tháng 8 tại Cựa Gà (trên đường 18). Trong trận này, quân ta đã diệt một xe và năm tên địch, thu toàn bộ số súng địch định mang về Trới trang bị cho bọn ngụy gồm 116 khẩu súng trường và một số súng cối, lựu đạn. Ngày 22 tháng 12 cùng với trí thông minh và tài ngụy trang quân ta đã phục kích đánh một toán địch từ Trới di chuyển về Đồng Đăng. Vị trí phục kích của ta ở ngay đường hành quân của quân địch, nhưng chúng không phát hiện được, khi cả toán quân xuống thuyền và ra tới giữa sông, quân ta mới nổ súng bắn đắm thuyền, tiêu diệt một số tên. Phán đoán dịch sẽ tiếp tục kéo tới để giải quyết hậu quả, đại đội 21 và du kích Việt Hưng lại tổ chức phục kích tiếp. Quả nhiên bọn địch ở Đồng Đăng đã dẫn xác tới và đã lọt vào trận địa của ta. Một xe địch bị trúng mìn, chín tên địch bị chết.

Bị đánh liên tiếp, bọn địch ở Hồng Gai đã dùng cả quân chiếm đóng và bọn thổ phỉ càn sục vào các xã tạm chiếm như Việt Hưng, Lê Lợi, Thống Nhất hòng tiêu diệt lực lượng du kích và bộ đội ta và phá các cơ sở kháng chiến của ta ở những nơi này.

Nhưng chi bộ các xã đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch để hạn chế việc cướp bóc, tàn phá và khủng bố của giặc, bảo vệ được cơ sở và phong trào.

Trong khi đại đội 21 đánh địch liên tục trên các trục giao thông thì đại đội 23 tiến hành vũ trang tuyên truyền ở các vùng cao của huyện. Rút kinh nghiệm hoạt động của năm 1952, trong năm 1953 đơn vị không tổ chức thành từng đợt lớn mà chuyển sang dùng các tổ chức nhỏ lẻ len lỏi vào các khe, xóm để làm công tác cơ sở một cách thường xuyên. Bộ đội ta đã kiên nhẫn đón từng người dân đi chợ, làm nương để thăm hỏi và phổ biến chính sách của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc.

Từ cơ sở trong dân, các chiến sĩ ta đã liên lạc được với binh lính ngụy. Đại đội trưởng Đặng Khắc Ngân đã giác ngộ được một viên đội người Thanh Phán ở Đồng Quặng. Từ viên đội này ta đã gây được cơ sở trong một số chỉ huy và binh lính khác ở Đồng Quặng, Lưỡng Kỳ, Đồng Vải, Đồng Mang và Trới. Thời gian đầu ta chỉ yêu cầu họ báo cho ta biết những nơi địch sẽ tuần tiễu, phục kích, tiến tới ta bày cho họ đấu tranh với bọn chỉ huy đòi chúng không được cúp lương, ngược đãi binh sĩ.

Được các cơ sở thông tin chính xác, đại đội 23 đã đánh một số trận diệt được những tên chỉ huy ngoan cố. Sau đó đơn vị vận động lính dõng ở rẻo cao bỏ đồn trở về nhà.

Lực lượng vũ trang phản động ở Đồng Quặng bị phá, phong trào của địa phương được phát triển. Một số dân ở Sơn Dương bị dồn làng đã bỏ về làng cũ; 30 gia đình ở Đồng Quặng cũng trở về khe, xóm làm ăn. Nhân dân các xã quanh khu vực yên tâm lên rừng thu hái lâm thổ sản không lo bị phỉ phục kích bắn giết như trước. Căn cứ Bằng Cả đã được mở rộng không bị o ép. Đường giao thông liên lạc từ căn cứ của đặc khu về vùng mỏ đã an toàn hơn.

Với thắng lợi của công tác vận động quần chúng và địch vận của bộ đội đặc khu, bọn lính ngụy và biệt kích người Thanh Phán ở Trới rất hoang mang dao động, chúng nơm nớp lo sợ ngày đêm và không dám hung hăng, lùng sục càn quét như trước nữa, nhân dân vùng địch kiểm soát được nới lỏng và bộ đội, cán bộ ta có điều kiện tiếp cận làm công tác cơ sở vận động quần chúng vũ trang tuyên truyền trong hàng ngũ binh lính địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM