Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:28:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 30605 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:10:22 pm »

*

Địch tổ chức nhiều cuộc lùng sục, phá hoại cơ sở của ta ở Cái Chiên, Vũ Hải, Tiến Tới, Vạn Ninh, Cái Đông, Đại Dực, Tiên Lãng. Địch đã nhiều lần càn lên Khe Lục, Khe Quang, Văn Mây thuộc vùng căn cứ của ta, nơi tiếp giáp giữa Tiên Yên và Bình Liêu.

Tháng 10 năm 1951, bộ đội Hải Ninh mở một đợt tiến công vào Khe Lục, Khe Quang, Văn Mây. Sau ba ngày chiến đấu, ta chỉ diệt và bắt được 16 tên, thu 81 súng trường, 200 súng kíp. Bọn đầu sỏ đã chạy thoát xuống Tiên Yên.

Tính đến tháng 10 năm 1951, bộ đội và du kích Hải Ninh đã đánh 68 trận (có 32 trận chống càn, 24 trận phục kích), diệt 439 tên (có 10 sĩ quan), làm bị thương 329 tên, bắt 31 tên, phá bảy xe, hai đại bác, thu 121 súng trường, 223 súng kíp. Ta hy sinh 13 đồng chí, bị thương 35, mất tích hai, bị mất hai trung liên, năm súng trường. Trong chiến dịch đường 18, Hải Ninh tiếp nhận 26 lính Âu Phi và 44 lính ngụy ra hàng, mang theo 102 súng.

Việc củng cố vùng tự do và vùng giải phóng đã có một bước tiến mới. Hội “Hải Ninh nhân dân giải phóng” đã thu hút được nhiều đồng bào dân tộc. Nhiều đồng bào người Hoa và Thanh Phán tham gia chính quyền và các đoàn thể.

Nhân dân Bình Liêu, Đình Lập được điều hòa giống, nông cụ, sức kéo, đã hăng hái làm ăn theo lối đổi công và bỏ ra hàng triều đồng để mua giống. Lâm sản từ Hải Ninh sang Lộc Bình và xuống vùng tạm chiếm đã giúp ta nhập được muối, vải, dầu hỏa cho vùng căn cứ.

Trong năm 1951, nhân dân đã ủng hộ bộ đội số tiền và hiện vật bằng 17.749.800 đồng tiền tài chính.

Trong phong trào kháng chiến của Hải Ninh đã nổi lên những tấm gương kiên cường bất khuất. Đồng chí A Lộc bị giặc bắt và tra tấn dã man vẫn không chịu khuất phục. Bọn giặc đã giết anh, bêu đầu ở giữa chợ. Em Hoàng Văn Thự, chiến sĩ giao thông đã nhiều lần đóng bè vượt qua Cửa Đại để truyền tin tức. Trong một lần dẫn đường cho cán bộ, không may sa vào ổ phục kích của địch, em đã mưu trí chạy sang hướng khác để thu hút địch. Em đã trúng đạn và hy sinh, nhưng hàng chục cán bộ của ta đã được cứu thoát.

*

Trước hoạt động quân sự của ta ở vùng Đông Bắc, trong năm 1949 giặc Pháp đã đánh phá vào căn cứ kháng chiến của Quảng Yên để phá việc chuẩn bị chiến trường của ta. Mặt khác, chúng tăng cường hệ thống chiếm đóng ở Thiên, Bến Bình (Chí Linh), Linh Khê (Nam Sách), Nhị Chiều, Kim Chú (Kinh Môn), Phi Liệt (Thủy Nguyên) để chia cắt giữa các vùng, các huyện của Quảng Yên. Đồng thời chúng tổ chức nhiều cuộc càn vào các khu du kích và căn cứ du kích.

Ngày 20 tháng 10 năm 1949, địch càn lên Sơn Động. từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1949, chúng liên tiếp càn vào Nguyễn Huệ (Đông Triều). Tháng 2 năm 1949 chúng càn Lưu Kiếm (Yên Hưng) trong bảy ngày liền.

Trong càn quét, giặc gây nhiều tội ác man rợ hòng uy hiếp tinh thần đồng bào ta. Ở Núi Canh, Yên Đức, Yên Dưỡng (Đông Triều), Lưu Kiếm (Yên Hưng) và Kính Chủ (Kinh Môn), chúng tàn sát tới 342 người.

Chúng đã xây dựng được lực lượng vũ trang phản động ở các xã như Hưng Đạo (Chí Linh), Mặc Cầu (Nam Sách), Huệ Trì (Kinh Môn), Câu Tử (Thủy Nguyên), Đông Mai (Yên Hưng).

Cuối năm 1949, Liên khu ủy 1 giao nhiệm vụ cho Quảng Yên xây dựng lực lượng thủy chiến ở Cát Bà để đón thời cơ ở vùng biển.

Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 1 năm 1949, tỉnh ủy Quảng Yên mở hội nghị cán bộ. Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ lớn của năm 1949 là: “Tiến công địch về mọi mặt. Phát triển chiến tranh du kích thật rộng rãi, xúc tiến công tác địch vận, chú trọng ngụy vận. Gây phong trào sôi nổi “tất cả là du kích”. Chuyển mặt trận chính của ta vào nơi “đại thái bình” của địch, mở rộng những vùng tự do ngay trong lòng địch”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:11:52 pm »

Thực hiện nhiệm vụ và phương hướng của hội nghị cán bộ tỉnh, toàn tỉnh đã dấy lên nhiều phong trào sôi nổi như: Toàn dân vào Liên Việt, toàn dân vào du kích, toàn huyện đánh mìn…

Để phát động chiến tranh nhân dân có trọng tâm, nhiều địa phương đã tổ chức các “tuần lễ tranh đấu” với các nội dung thiết thực như Tuần lễ phá hoại để phá đường hoặc cắt dây điện của địch, Tuần lễ đào hầm hố…

Thi hành sách lệnh về thành lập bộ đội địa phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng Yên đã nhanh chóng tổ chức, chấn chỉnh lực lượng vũ trang của tỉnh.

Ngày 1 tháng 1 năm 1950, tiểu đoàn Bạch Đằng, bộ đội chủ lực của tỉnh Quảng Yên được thành lập với số quân là 503 người; biên chế thành ba đại đội bộ binh (966, 968, 910), một đại đội hỏa lực (904). Đồng chí Chu Bằng Thanh giữ chức tiểu đoàn trưởng, đồng chí Tăng Văn Hội, tỉnh ủy viên giữ chức chính trị viên tiểu đoàn. Đồng thời, tỉnh cũng quyết định thành lập các đại đội địa phương huyện: Đại đội 911 Chí Linh, gồm bốn trung đội, 241 người. Đại đội 913 Đông Triều, gồm bốn trung đội, 222 người. Đại đội 915 Yên Hưng gồm hai trung đội, 135 người. Đại đội 917 Sơn Động, gồm ba trung đội, 160 người. Đại đội 919 Cát Hải, gồm hai trung đội, 93 người. Đại đội 921 Nam Sách, gồm bốn trung đội, 198 người. đại đội 923 Kinh Môn, gồm bốn trung đội, 225 người.



Huân chương Quân công hạng Ba
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Tiểu đoàn Bạch Đằng
có thành tích trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1951

Các đại đội đều có chi bộ Đảng, mỗi chi bộ có từ 30 đến 50 đảng viên.

Trong thời gian này ở Quảng Yên còn có một bộ phận lực lượng vũ trang gồm các phái viên của Bộ Tổng Tham mưu và của Bộ tư lệnh Liên khu Việt Bắc làm nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng trinh sát và hậu cần, cón bí danh là e98 QT. Bộ phận này có trách nhiệm chuẩn bị cho bộ đội chủ lực về tác chiến ở Đông Bắc.

Về xây dựng du kích, cho đến năm 1950 tỉnh Quảng Yên có 3.120 du kích và 10.230 dân quân.

Bộ đội địa phương đã được hưởng tiêu chuẩn của Nhà nước, nhưng mức sống còn quá thấp. Mỗi chiến sĩ được cấp 750 đồng một tháng trong khi giá gạo là 120 đồng một ki-lô-gam. Cho tới năm 1950 số quân chiến đấu của Quảng Yên là 1.779 người, cộng với số quân của tỉnh đội, các huyện đội, cơ quan khác như trường quân chính, quân y viện, các đơn vị như trinh sát, tân binh, công binh, xưởng vũ khí… thì số quân của tỉnh lên tới gần 3.000 người. Do vậy, vấn đề nuôi quân và trang bị gặp rất nhiều khó khăn. Về vũ khí của bộ đội địa phương còn rất thiếu thốn. Một đại đội chỉ có hai phần ba số người có súng, trong đó có một phần ba là súng hỏng(1).


(1) Đến cuối năm 1950, khi bộ đội Quảng Yên nhận được số vũ khí của trung đoàn 98 giao lại thì trang bị của các đơn vị có khá hơn. Nhưng trong các trận đánh hiện tượng súng hỏng hóc vẫn còn phổ biến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:13:03 pm »

Để giải quyết khó khăn về công tác nuôi quân, ngày 20 tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng việc bán thóc và cho vay thóc để nuôi quân. Số thóc của nhân dân mà Quảng Yên thu được đã góp phân giải quyết phần lớn yêu cầu nuôi quân của địa phương và góp phần vào yêu cầu chung của việc xây dựng bộ đội chủ lực trong liên khu.

Ở các địa phương có “Hội mẹ chiến sĩ” để đỡ đầu các đơn vị bộ đội, “Hội bảo trợ dân quân” để giúp đỡ dân quân. Nhân dân Nam Sách luân phiên nhau nuôi các chiến sĩ bộ đội địa phương trong các gia đình. Phụ nữ Hiệp Sơn (Kinh Môn) thu gom các “Hũ gạo kháng chiến” của từng gia đình trong ba tháng được tới ba tấn gạo. Nhân dân Nam Sách, Thủy Nguyên, Đông Triều, Yên Hưng, Kinh Môn, Chí Linh dù ở ngay gần vị trí giặc, vẫn gửi tiền và gạo ra cho bộ đội. Nhân dân An Châu, Thanh Luân (Sơn Động) dù ở gần địch vẫn cứu chữa và nuôi dưỡng thương binh ở trong rừng.

Tỉnh đã tập trung người và dụng cụ, vật liệu của ba huyện Chí Linh, Nam Sạch, Kinh Môn để thành lập xưởng vũ khí Chí Linh. Xưởng vũ khí này đã hoạt động từ năm 1947 đến năm 1951, làm mìn, lựu đạn để cung cấp cho bộ đội và du kích ba huyện và tỉnh đánh địch. Công nhân mỏ đá Tràng Kênh (Yên Hưng) cũng chuyển nhiều vật liệu, phương tiện ra cho tỉnh để sản xuất vũ khí.

Cuối năm 1949, các cơ quan của tỉnh đã chuyển vào Sơn Động, ở đây đã mọc lên những khu vực dân cư mới nằm bên các căn cứ của huyện và tỉnh, trong đó có các khu phố kháng chiến như Mai Sưu, Đồng Vành, Đồng Trâu, Khe Chè, Tân Mộc, Địa Đô… Ngoài căn cứ của tỉnh, của bốn huyện Chí Linh, Đông Triều, Yên Hưng, Sơn Động, còn có căn cứ của Đặc khu Hồng Gai, tỉnh Hải Dương, tỉnh đội Hải Phòng xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Yên.

Những năm 1949, 1950, trong căn cứ địa của tỉnh có gần 10.000 đồng bào các dân tộc ít người sinh sống. Đời sống đồng bào ở đây rất khổ cực. Để giúp cho nhân dân ổn định đời sống, chính quyền đã hướng dẫn cho họ làm ruộng nước và cho vay 586.000 đồng để sản xuất. Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 và Ủy ban kháng chiến Quảng Yên còn giúp dân 300.000 đồng và bảy tạ thóc để làm ăn.

Đối với người miền xuôi vào rừng để khai hoang, Chính phủ đã miến thuế và khuyến khích, giúp đỡ họ trong sản xuất. Bộ đội và các cơ quan ở trong căn cứ kháng chiến đã tích cực trồng rau, trồng sắn, trồng khoai để khắc phục một phần về lương thực, thực phẩm.

Trong năm 1950, diện tích hoa màu trong vùng căn cứ của tỉnh Quảng Yên tăng hơn 1.000 mẫu so với năm 1949. Nhân dân vùng căn cứ đã hợp tác, tương trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp. Đông Triều và Chí Linh có ba tổ hợp công (làm đổi công trong ngày mùa) với 108 hộ và 60.000 đồng tiền quỹ. Sơn Động có một tổ đổi công với 16 mẫu ruộng. Chí Linh có một hợp tác xã với 160 xã viên và 54.000 đồng tiền cổ phần.

Nhân dân phía bắc Sơn Động như Dương Hưu, Thăng Long, Thanh Luân, Đồng Am, Tuấn Đạo xưa ki bị đói khổ, lại luôn bị phỉ cướp bóc, giặc Pháp càn phá, nay đời sống đã được nâng lên. Đồng bào bắc Sơn Động đã hăng hái đóng góp cho mặt trận Đông Bắc 50 tấn gạo.

Để đối phó với các hoạt động của ta cuối năm 1949, giặc Pháp tập trung đánh phá ác liệt để diệt cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Yên ở trong rừng và xóa các khu du kích ở vùng sau lưng địch.

Chí Linh là đầu cầu chính cho lực lượng của ta từ căn cứ địa ra vùng địch hậu, đồng thời đây cũng là khu vực địch tập trung đánh phá mạnh.

Trước thủ đoạn càn phá của giặc nhằm xóa các vùng du kích của ta, đảng bộ Chí Linh đã chủ trương:

- Củng cố và phát triển hai vùng du kích ở hai bên đường 18 để tạo thế, hỗ trợ nhau giữa rừng núi và đồng bằng, đó là cụm Hoàng Hoa Thám – Bắc An phía bắc đường 18 và cụm Văn Đức – Đồng Lạc – An Lạc – Tân Dân ở nam đường 18.

- Mở rộng các khu du kích, phân loại rõ nơi nào cần phải lập tề thì lập tề, nhưng vẫn phải tổ chức đánh một cách hợp pháp (như đánh ở ngoài làng) và tạo điều kiện để tiến lên đánh du kích.

Huyện ủy cũng chỉ đạo giữa vùng có tề và không có tề phải tạo thế liên hoàn với nhau bằng đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2017, 09:32:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:13:28 pm »

Đông Triều cũng là một hướng ra vào hậu địch của tỉnh Quảng Yên. Từ Tràng Lương, Bình Khê, An Sinh phía bắc đường 18 sau một đêm ta có thể qua đường 18 vào Nguyễn Huệ hoặc Yên Đức để sang Chí Linh, Kinh Môn.

Trong năm 1949, bộ đội huyện Đông Triều và du kích đã bám sát các khu du kích Nguyễn Huệ, Bình Dương, Văn Thọ, Yên Đức để hỗ trợ cho nhân dân đánh bại âm mưu xóa các khu du kích này.

Từ khẩu hiệu “Du kích làm chủ ban đêm”, ta tiến tới tổng phá tề và đánh du kích. Ngày đêm du kích thay nhau báo sát các vị trí địch để đánh các toán địch đi càn và lùng sục.

Nhân dân Nguyễn Huệ làm hầm hố tránh đại bác cả trong nhà, trong vườn, trên đường đi, bên đồng ruộng, trong số dân đi gặt, đi cày, cấy, có du kích mang theo súng đạn và mìn, tổ cùng làm với dân, tổ cảnh giới và sẵn sàng chặn đánh quân thù. Qua một năm bám đất, bám dân chiến đấu, chi bộ Nguyễn Huệ ngày một trưởng thành, từ chỗ chỉ có 26 đảng viên, cuối năm 1949 chi bộ đã có 130 đảng viên.

Đảng bộ xã Yên Đức đã biết phát huy thế mạnh của địa phương mình là có đồi đất, có núi đá, thôn xóm lại có sông bao bọc xung quanh để xây dựng các khu du kích. Đồng thời xã đã làm tốt việc chia ruộng đất công cho dân, mỗi nhân khẩu được chia một sào tám thước, mỗi gia đình bần cố nông trung bình được chia năm sào ba thước. Khi có sắc lệnh giảm tổ 25 phần trăm, chính quyền ở đây yêu cầu chủ ruộng phải giảm 50 phần trăm. Qua chiến đấu, xây dựng khu du kích, thực hiện tốt chính sách giảm tô của Đảng, đảng bộ Yên Đức không ngừng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 20 đảng viên, cuối năm 1949 đảng bộ đã có 227 đảng viên.

Tỉnh Quảng Yên có hai căn cứ du kích quan trọng là Nhị Chiểu (Kinh Môn) và Hà Sen (Cát Bà).

Nhị Chiểu là vùng đồi đất, xen kẽ với các núi đá hiểm trở, lại bao bọc một phần bởi sông ngòi và ở gần tuyến đường 18, nhưng cũng có thế liên hoàn với vùng núi đá phía bắc Thủy Nguyên.

Năm 1947, 1948, địch tiến công ta ở Áng Sơn và chiếm đóng khu Nhị Chiểu.

Năm 1949, với quyết tâm đưa Nhị Chiểu thành căn cứ của huyện ngay trong lòng địch, huyện ủy Kinh Môn chủ trương xây dựng chi bộ và phong trào du kích mạnh ở cả bốn xã Minh Tân, Phú Thứ, Hoành Sơn, Tân Dân. Huyện ủy quyết tâm xây dựng bộ đội huyện mạnh, cơ quan huyện đội mạnh, bám sát khu Nhị Chiểu để đánh địch, đồng thời tạo thế chiến đấu liên hoàn giữa bốn xã trong khu Nhị Chiểu với các xã khu trong và khu ngoài Kinh Môn. Riêng ở khu Nhị Chiểu, huyện ủy phát động một đợt chủ động đánh địch. Bộ đội huyện và du kích thay nhau đánh “chim sẻ”, liên tục quấy rối, tiêu hao địch làm cho chúng mất ăn, mất ngủ, tiến tới phục kích thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng.

Qua hơn nửa năm bị bộ đội và du kích bám sát và vây hãm, địch phải rút hai trong bảy vị trí đã đóng ở Nhị Chiểu và phải chấp nhận sự tồn tại của một căn cứ du kích ở vùng này.

Hà Sen trước năm 1945 là một tổng nằm trong đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, tỉnh Quảng Yên - ở phía tây vịnh Hạ Long.

Cát Bà là một vùng gồm nhiều đảo đá, có núi cao, hang sâu, dốc đứng và những khu rừng nguyên thủy với nhiều cây to lớn, rậm rạp. Nhân dân Hà Sen ở thành từng chòm xóm nhỏ trong các thung lũng hẹp gọi là “áng”. Từ áng nọ sang áng kia phải theo các lối mòn qua giữa núi đá cao, vách đứng.

Trước chiến tranh, trừ rất ít nhà giàu có thuyền lớn để đánh cá ngoài khơi hoặc đi buôn sinh sống, số đông nhân dân sống bằng thuyền nhỏ hoặc làm thuê, làm mướn hoặc đi lấy lâm sản. Từ khi địch phong tỏa mặt biển, đời sống nhân dân trên đảo gặp nhiều khó khăn. Lâm sản không bán được, gạo và các thứ hàng thiết yếu khác trở nên rất khan hiếm. Lương thực chủ yếu ở đảo là cây bắp.

Sau khi địch chiếm Cát Bà, huyện ủy đã chỉ đạo một số xã đưa người ra làm tề cho Pháp, nhưng vẫn chịu sự điều khiển của ta. Cuối năm 1948, tỉnh ủy Quảng Yên cử đông chí Xuyên, tỉnh ủy viên ra làm bí thư huyện ủy (sau đó đồng chí Hoàng Cầu lên thay).

Tuy về danh nghĩa, cá xã thuộc Hà Sen chịu lập tề, nhưng ta đã dựa vào các tổ chức của địch để hoạt động. Ta còn lập các đội phu tuần, nhưng thực chất lại là các đội du kích bí mật ở Gia Luận, Trân Châu, Phú Lương, Xuân Đám. Mỗi xã có từ hai tiểu đội đến một trung đội được trang bị vài khẩu súng.

Mặc dù ta đã lập tề, nhưng giặc Pháp vẫn luôn lùng sục cướp phá, do đó nhân dân rất căm tức và xin với Đảng cho đứng lên đấu tranh vũ trang. Đầu năm 1949, huyện ủy Cát Hải quyết định tổ chức lực lượng vũ trang chống Pháp.

Ngày 1 tháng 6 năm 1949, chủ tịch huyện Vũ Tiến Khuông đang trên đường đi công tác thì phát hiện một tiểu đội Pháp tiến vào Trân Châu. Anh đã khẩn trương tổ chức một lực lượng chiến đấu gồm hai ông già, một vài đồng chí bộ đội và du kích ở gần đó, với trang bị một tiểu liên, vài quả lựu đạn và một bẫy đá. Chờ quân Pháp lọt vào con đường nhỏ giữa hai vách đứng, chủ tịch Khuông ra lệnh bắn đá. Hàng trăm tảng đá nổi nhau ầm ầm xối xuống giết chết hai tên giặc làm bị thương năm tên khác, buộc chúng phải khiêng nhau tháo chạy.

Cuối năm 1949, 22 ca nô và thuyền máy của giặc vây chặt đảo kêu gọi nhân dân đầu hàng. Nhưng bộ đội địa phương của huyện đã cùng du kích lợi dụng các mỏm đá để bắn tỉa bọn giặc, làm cho các tàu thuyền của chúng phải rút lui.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:13:49 pm »

Bọn giặc đã tổ chức nhiều cuộc càn vào dân. Mỗi lần càn bọn lính phải nối đuôi nhau len lỏi qua các lối mòn, dốc cao, vách đứng, hoặc lội bì bõm trong đồng sâu, cây cối rậm rạp, nên chúng phải tiến rất chậm chạp. Nhiều lần chúng đã bị du kích các thôn Đồng Tép, Áng Đài, Vĩnh Hải đánh úp. Trong trận đánh ở khoang Đá Phòng bọn giặc phải tháo chạy trước bẫy đá, để lại một tên bị bắt tại trận và một súng.

Chỉ cách vị trí Cát Bà vài cây số, Hà Sen vẫn giữ được liên lạc với đất liền và trở thành một căn cứ du kích ngay trên vịnh Hạ Long.

Trong năm 1949, chiến tranh nhân dân ở tỉnh Quảng Yên đã phát triển đồng đều trên các huyện. Các lực lượng vũ trang địa phương đều có tiến bộ trong xây dựng và tác chiến. Lực lượng du kích đã có nhiều trận đánh độc lập, có hiệu quả cao.

Tháng 2 năm 1949, 20 du kích Lưu Kiếm (Yên Hưng) đánh lui một cuộc càn của một trung đoàn địch. Dân quân du kích ở đây đã độc lập chống càn thắng lợi ở Đồng Lặc (Chí Linh), Hà Sen (Cát Hải), Nhị Chiểu và Hiệp Sơn (Kinh Môn), Trù Hựu (Sơn Động).

Dân quân du kích xã Nguyễn Huệ và Bình Dương (Đông Triều) đã đánh thắng nhiều trận quanh khúc sông Đạm Thủy, có khi địch đi càn hoặc đi càn về đều bị ta đánh. Có trận du kích đã nổ súng khi giặc đang xuống thuyền, diệt 12 tên, thu ba súng và lấy lại một số trâu bò mà chúng cướp của dân.

Trước tình hình đó, địch phải xây lại cầu Đạm (cầu đã bị ta phá hoại). Bọn địch đến xây cầu lại bị du kích liên tục bắn tỉa. Ngày địch xây, đêm ta lại phá. Giặc Pháp buộc phải đem quân đến đóng bên sông Đạm Thủy và cũng phải sau bốn tháng mới xây xong cầu. Năm 1949, quân dân trong tỉnh đã tích cực làm công tác ngụy vận. Trong các ngày lễ, ngày tết, nhân dân gửi thư, gói truyền đơn vào quà bánh để trao cho lính địch hoặc để ở những nơi họ hay qua lại.

Nhờ kết quả của công tác ngụy vận, trong năm bộ đội và du kích đã dùng lối đánh có nội ứng để tiêu diệt vị trí Phúc Liệt (Yên Hưng), diệt nhiều tháp canh ở Nhân Huệ, Vạn Yên, Kim Điền (Chí Linh), Tống Xá, Mỹ Động (Kinh Môn) và một số tháp canh ở Nam Sạch.

Sự phát triển của phong trào chiến tranh nhân dân ở Nam Sách có những nét riêng biệt. Từ cuối năm 1948 đến tháng 12 năm 1949, huyện Nam Sách do tỉnh ủy Hải Dương lãnh đạo. Tháng 6 năm 1949 bị giặc càn ác liệt, huyện ủy phải tạm lánh vào rừng. Nhưng vào rừng vẫn bị giặc càn. Cuối cùng, huyện ủy Nam Sách đã có quyết định đúng đắn là chỉ có bám đất, bám dân mới tạo được ăn cứ vững chắc để đánh địch và bảo vện mình.

Khi quay về bám đất, bám dân huyện ủy Nam Sách đã chú trọng xây dựng bộ đội huyện và dân quân du kích mạnh, đồng thời phát triển công tác ngụy vận để đẩy mạnh việc phá tề, trừ gian và phá hệ thống tháp canh đang kìm kẹp quần chúng. Tháng 12 năm 1949, quân và dân Nam Sách đã phá 47 tháp canh hương dũng, tổng dũng ở Hồng Phong, Hiệp Cát, Hợp Tiến, Nam Hưng, Nam Tân, Quốc Tuấn, Cộng Hòa, Đồng Lặc, Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt, Thái Tân, An Lâm, An Sơn.

Trong trận đánh đồn Vũ La (đồn này có một trung đội ngụy chiếm đóng), do bắt liên lạc được với tên chỉ huy địch, nên đêm 31 tháng 10 năm 1949 ta đã diệt bảy ác ôn và tiếp nhận cả đơn vị ngụy ra hàng. Cũng có nội ứng, du kích đã diệt tháp canh Bạch Đa (An Lâm) và bắt 12 tên, thu 12 súng.

Cuối năm 1949, Nam Sách phá tề ở 41 thôn, bộ đội và du kích trong huyện đã phục kích, đánh mìn, đánh trên sông, phá ba xe và ca nô của Pháp.

Ở hai huyện Chí Linh và Đông Triều, bộ đội đã phục kích nhiều trận có kết quả. Đại đội 911 (Chí Linh) tổ chức đánh phục kích “độn thổ” nhiều trận thắng lợi ở Vĩnh Trụ và trên đường 17 (tháng 11 năm 1949). Một trung đội của Đông Triều đã phục kích một tiểu đội địch đi tuần ở Dốc Đỏ, tiêu diệt địch, thu tám súng.

Còn ở Yên Hưng, tỉnh ủy đã chỉ đạo quân dân Yên Hưng kết hợp chặt chẽ các hoạt động quân sự với phong trào đấu tranh của công nhân.

Để phá việc khai thác than ở Vàng Danh và vận chuyển than ở cảnh Điền Công, đại đội Bạch Đằng cùng du kích Yên Thanh đã phá tàu hỏa và bảy thuyền chở than, bắt một tiểu đội lính ngụy gác ở Đền Công. Du kích Lưu Kiếm đã giả làm dân thường, bất thình lình nổ súng bắt một tiểu đội địch ở Chợ Tổng. Du kích Minh Tân dùng lối đánh có nội công diệt đồn Tràng Kênh bắt 25 tên địch, thu 29 súng trường, phá một đại bác.

Cuộc đấu tranh của công nhân mỏ đá Tràng Kênh đã diễn ra khác quyết liệt. Ngày 28 tháng 6 năm 1949, 900 công nhân vận chuyển và 80 phần trăm số thợ đục đá đình công đòi địch phải trả ba thuyền và thả 24 công nhân bị chúng bắt, đồng thời phải tăng giá cước vận chuyển. Trước khí thế đấu tranh của công nhân, bốn ngày sau địch phải thả người và trả thuyền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:15:03 pm »

*

Đi đôi với việc xây dựng căn cứ du kích tiến công địch trên địa bàn trong tỉnh từ đầu năm 1949, tỉnh ủy đã chú trọng chỉ đạo việc xây dựng cơ sở bí mật trong tỉnh lỵ Quảng Yên để phục vụ cho tác chiến khi có thời cơ. Đoàn cán bộ gây cơ sở gồm cán bộ của tỉnh ủy, ty công an, huyện Yên Hưng, cùng các cán bộ quân sự thuộc trung đoàn 98 và đại đội Bạch Đằng. Nhờ làm tốt công tác gây cơ sở nên cuối tháng 4 năm 1949 ta có đủ điều kiện để mở đợt tiến công vào tỉnh lỵ Quảng Yên.



Đại đội Bạch Đằng sau trận tiến công thị xã Quảng Yên ngày 28 tháng 4 năm 1949

Để chuẩn bị tiến công tỉnh lỵ Quảng Yên, ngày 26 tháng 4 năm 1949, tiểu đoàn 215 của trung đoàn 98 cùng bộ đội Bạch Đằng được lệnh tiến quân từ Sơn Động qua Bằng Cả, Quang La (Hoành Bồ), Đá Chông (Uông Bí) rồi theo Núi Na, Khoái Lạc về đóng quân ngay ở đồn điền Phàn Ngọc (Yên Trì) giáp đường 18.

Theo kế hoạch, tiểu đoàn 215 có nhiệm vụ đánh chiếm Đồn Cao, trại lính khố đỏ, trại Nghĩa Dõng, kho bạc; đại đội Bạch Đằng đánh kho dầu, bến tàu và cùng công an phá nhà tù. Lực lượng công an cùng cán bộ địa phương đảm nhiệm việc trừ gian và phá tề. Sau trận đánh, bộ đội sẽ rút theo đường Vũ Tướng, còn cán bộ địa phương phải tuyên truyền rộng rãi chiến thắng và đẩy mạnh phong trào tòng quân.

Tối ngày 28 tháng 4 năm 1949 (thứ bảy), du kích Văn Trì đã dẫn đường cho bộ đội lọt vào thị xã. Một số nhân mối của ta như bồi bếp, binh lính ở Đồn Cao và các mục tiêu khác đã bí mật đưa các cánh quân của ta ém sẵn vào các mục tiêu đã định.

24 giờ 20 phút ngày 28 tháng 4, quân ta nổ súng tiến công tỉnh lỵ Quảng Yên. Mọi việc diễn ra đúng kế hoạch đã định. Quân địch trong tỉnh lỵ hoàn toàn bị tê liệt ngay từ đầu. Quân ta còn làm chủ tỉnh lỵ cho đến sáng ngày 29 tháng 4 năm 1949. Trong trận này ta đã diệt 80 tên địch, làm bị thương 20 tên, giải phóng 40 người tù, thu hơn bốn vạn đồng tiền Đông Dương, phá một xe ô-tô, đốt 3.000 lít xăng dầu.

Ngày 21 tháng 10 năm 1949, giặc càn vào căn cứ của tỉnh ở Khe Cháy, Đàm Chì (Sơn Động). Phối hợp với cuộc chống càn trong căn cứ, đại đội 53 của trung đoàn 98 và đại đội Bạch Đằng đã tập kích vị trí Phúc Liệt (Yên Hưng), đánh lui quân địch tiếp viện từ Cầu Giá lên, diệt 50 tên địch, bắt sáu tên, thu 40 súng trường, chín súng máy và tiểu liên, hai tấn đạn.

Trong năm 1949, trên địa bàn Quảng Yên, trung đoàn 98 đã đánh 46 trận, quân và dân địa phương đánh 107 trận. Ta diệt và bắt 616 tên, làm bị thương 164 tên, thu nhận ba hàng binh người Pháp, thu 110 súng, một tiểu pháo 40 mi-li-mét. Về phía ta bị bắt và hy sinh 37 người, bị thương 52 người, mất bảy súng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 09:44:25 pm »

*

Bước sang năm 1950, đi đôi với việc tổ chức những cuộc hành quân càn quét lớn vào địa bàn tỉnh Quảng Yên, thực dân Pháp tích cực bình định và chiếm đóng.

Để chống lại âm mưu bình định của địch, giữ vững và phát triển các khu du kích, tỉnh ủy Quảng Yên đã phát động chiến tranh nhân dân, phá tan ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở.



Đồng chí Trần Đức Thắng, Trưởng Ban căn cứ kháng chiến chống Pháp liên tỉnh Hồng Quảng dạy du kích Đồng Vành bắn súng lục để bảo vệ căn cứ kháng chiến năm 1950

Đối tượng tác chiến của ta ở đây là bọn nghĩa dũng và bảo an.

Lực lượng bảo an thường chiếm đóng ở những xã xung yếu trong huyện, lúc đầu được tổ chức đến trung đội, do một tên Pháp chỉ huy, sau đó được thay bằng chỉ huy người Việt. Bảo an có vũ khí đầy đủ và đóng ở vị trí nhỏ, có một số tháp canh hoặc lô cốt kiên cố hơn của bọn nghĩa dõng.

Hệ thống tháp canh của đồn bảo an được đặt trong một kế hoạch tác chiến chung của từng huyện và được sự yểm trợ bằng pháo binh của thực dân Pháp.

Đầu năm 1950, để phối hợp với chiến địch Lê Hồng Phong 1, Liên khu Việt Bắc chủ trương mở chiến dịch phá tề, diệt bảo an trong toàn liên khu với các nội dung:

“Phá tan ngụy quân, ngụy quyền và âm mưu phản động hóa nhân dân của giặc.

Phối hợp với các mặt trận trong liên khu, với những nhiệm vụ mới của liên khu và để đón thời cơ lớn, thực hiện tổng phản công”(1).


(1) Chỉ thị “Nhiệm vụ quân sự năm 1950”, Liên khu ủy Việt Bắc. Lưu trữ văn phòng Liên khu Việt Bắc.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Bảy, 2017, 10:05:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 09:45:24 pm »

Thực hiện chủ trương của liên khu, tháng 2 năm 1950, tỉnh ủy Quảng Yên đã mở chiến dịch phá tề, diệt bảo an trong tháng 2 và tháng 3 năm 1950 và đợt hoạt động quân sự lấy tên là chiến dịch Kinh – Thủy (mở ở Kinh Môn và Thủy Nguyên).

Chiến dịch phá tề, diệt bảo an diễn ra khá sôi nổi trong bốn huyện ở Nam Sách, ta đã phá tề ở 50 làng, diệt một đồn của bọn lính biệt kích ở gần đường 5, thu 41 súng, 400 lựu đạn. Các trận đánh này đều có nội ứng. Ta còn đánh lui một trận càn của giặc ở Phú Điền.

Ở Yên Hưng, chỉ trong một đêm ta đã cắt hết tề ở khu Hà Nam.

Ở Sơn Động, ta phá tề ở 40 làng, giải tán 135 tên tề. Du kích quấy rối ở vị trí và phục kích ở Tuấn Đạo, Khe Phú, chống càn ở Nam Sơn, Nghĩa Phương, Mỹ An, An Lạc và cắt dây điện thoại, đào hố và đắp ụ trên đường 13.

Huyện Chí Linh có một số xã bị bọn phản động có vũ trang khống chế như Hưng Đạo, Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội. Trong chiến dịch, huyện đã phá tề ở Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội, Thái Học, Tân Dân, Đồng Lạc. Du kích đã giúp dân cất giấu thóc lúa và tài sản để chống địch cướp phá. Bộ đội và du kích nhiều lần đột nhập các tháp canh và cảnh cáo những tên phản động, đã đánh tám trận phục kích, thu 10 súng.

Đầu năm 1950, toàn tỉnh Quảng Yên có 287 làng có tề (trong đó có 83 làng có bọn nghĩa dõng vũ trang). Qua một tháng tiến hành chiến dịch phá tề, ta đã phá tề ở 109 làng, giết 249 tên tề, dõng phản động, đánh 29 đồn bảo an, diệt 39 tên địch, bắt 1.150 tên, thu nhận 31 tên ra hàng.

Chiến dịch Kinh – Thủy được mở vào tháng 3 năm 1950. Lực lượng chiến dịch gồm tiểu đoàn Bạch Đằng, bộ đội các huyện Yên Hưng, Kinh Môn và du kích Yên Hưng, Kinh Môn, Thủy Nguyên. Đại đội 906 của tiểu đoàn có nhiệm vụ hoạt động ở Kinh Môn, còn đại đội 908 của tiểu đoàn làm nhiêm vụ ở Thủy Nguyên.

Ở Kinh Môn, ta đã phá tề ở một số nơi, diệt năm bốt và tháp canh bằng nội ứng, đánh địch đi càn ở Nhị Chiểu và An Sinh. Đại đội 908 vào tới Rãng Động (Yên Hưng) giữa lúc 1.025 công nhân mỏ đá Tràng Kênh phá các lán thợ, đốt và lấy bốn thuyền và đồng loạt bỏ về nhà. Trong 20 ngày mỏ đá tê liệt, nhà máy xi măng Hải Phòng ngừng hoạt động, giặc Pháp đã mở nhiều cuộc càn vào Tràng Kênh, Gia Đước, Rãng Động để tìm và bắt công nhân trở lại làm việc(1).

Quân ta đã đánh chặn địch ở núi Chùa Trung diệt một số tên, thu súng. Nhưng ngay sau đó quân địch đã tập trung quân vây chặt đại đội. Cán bộ chỉ huy đại đội 908 ra lệnh cho bộ đội tập trung hỏa lực bắn cháy một số ca nô để mở đường vượt sông sang Ánh Tái (Kinh Môn).

Hai đại đội của tỉnh đã cùng quân và dân huyện Kinh Môn, Thủy Nguyên đánh 14 trận, phá tan tháp canh, diệt và bắt 154 lính địch, diệt và bắt 230 tên dõng, bảo an và phản động, thu 50 súng, phá năm xe và 175 mét đường, bao vây hai đồn Thanh Lãng và Phù Liệt (Thủy Nguyên).

Chiến dịch Kinh – Thủy đang phát triển thuận lợi thì ngày 17 tháng 4 năm 1950 địch tập trung 4.000 quân mở cuộc càn lớn và các cứ địa của tỉnh ở Mai Sưu, Cổ Rồng, Vy Loại. Tiểu đoàn Bạch Đằng đang chiến đấu trong vùng địch được lệnh tập trung về rừng để chống càn.

Tỉnh ủy chỉ thị cho các huyện hậu địch hoạt động mạnh để phối hợp với cuộc chống càn ở rừng và phân tích rõ: sau khi càn rừng, địch sẽ về càn địch hậu, do đó diệt quân địch trong càn ở rừng chính là cách tốt nhất để bảo vệ phong trào ở vùng sau lưng địch.

Cũng trong thời gian này (từ ngày 26 tháng 4 năm 1950 đến ngày 1 tháng 5 năm 1950), đại đội 917 (Sơn Động) cùng dân quân du kích đánh địch ở Đèo Gia, Đối Sơn, Trù Hựu, Cầu Giang, diệt 19 tên. Các đại đội 911 (Chí Linh), 913 (Đông Triều) đã đưa hai phần ba lực lượng ra hậu địch, cùng các xã ven đường 18 đánh du kích để phối hợp chống càn với căn cứ. Xã Nguyễn Huệ đã tổ chức nhiều trận đánh mìn và phá tề ở bên đường 18.

Ngày 2 tháng 5 năm 1950, tiểu đoàn Bạch Đằng từ hậu địch về đã khẩn trương tổ chức đánh chặn địch ở Chân Hồ, diệt 40 tên.

Qua cuộc chống càn, quân ta đã diệt 511 tên địch (có năm sĩ quan).

Sau chiến dịch chống càn, tỉnh Quảng Yên đã thành lập ban cán sự căn cứ địa để giúp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, bảo vệ căn cứ, đồng thời tổ chức việc phối hợp chiến đấu với các huyện Sơn Động, Chí Linh, Đông Triều, Yên Hưng cũng như các địa phương bạn đến hoạt động ở vùng rừng núi phía bắc đường 18 như Hải Phòng, Đặc khu Hồng Gai, Hải Hưng. Hai huyện Chí Linh, Yên Hưng đã củng cố dân quân du kích ở các xã ven căn cứ như Bác An, Hoàng Hoa Thám, Thượng Yên Công.

Đồng thời ban chỉ huy tỉnh đội đã lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường hoạt động trên đương 18 để ngăn quân cơ động của địch đi càn quét. Tháng 8 năm 1950, một đại đội của tỉnh và đại đội 915 (Yên Hưng) đã phục kích trên đường 18 diệt một số địch và thu tám súng.


(1) Thực hiện chủ trương của tỉnh ủy, tháng 1 năm 1950, 1.025 công nhân mỏ đá Tràng Kênh phá các lán thợ, đốt và lấy bốn thuyền của địch đồng loạt bỏ về nhà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 09:51:54 pm »

*

Để đánh bại âm mưu xóa các khu du kích của ta ở địch hậu, năm 1950 tỉnh ủy Quảng Yên đã chỉ đạo các địa phương tích cực mở rộng các khu du kích để tạo thành thế chiến đấu liên hoàn giữa xã với xã, huyện này với huyện khác.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện ủy Chí Linh đã đưa đại đội 911 về phối hợp với dân quân du kích tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền và vận động lực lượng dõng, bảo an trong huyện, đồng thời tổ chức cho nhân dân năm thôn bị giặc dồn làng đấu tranh đòi về làng cũ. Chí Linh phát triển cách đánh phục kích và chống càn ở ngoài các làng xã, vừa để diệt địch vừa giữ bí mật, bảo toàn lực lượng ta hoạt động trong vùng tạm bị địch chiếm. Do vậy một số xã có khu du kích của Chí Linh phong trào kháng chiến vẫn được giữ vững.

Nam Sách là một huyện đồng trũng, có sông ngòi bao bọc xung quanh. Do vậy việc bảo vệ vùng du kích của Nam Sách đã tạo nên thế liên hoàn giữa các xã trong cùng khu vực và với huyện bạn (như huyện Chí Linh và huyện Gia Lương của Bắc Ninh) trở nên hết sức quan trọng. Huyện đã phát triển công tác vận động nghĩa dũng, bảo an và đã gây được nhiều cơ sở trong các lực lượng này, nên đã tạo thuận lợi cho cán bộ bám dân, bám đất, đồng thời tạo điều kiện để ta có thể đánh nội ứng khi cần.

Tháng 4 năm 1950, xã Phú Điền đã chống càn hai trận thắng lợi (xã này cùng với Tân Dân, Đồng Lạc, An Lâm hợp thành bốn xã của vùng du kích ở Nam Sách).

Còn ở huyện Kinh Môn (huyện duy nhất ở đồng bằng Quảng Yên có căn cứ du kích), từ căn cứ Nhị Chiểu, huyện luôn giữ được thế liên hoàn với các xã du kích ở hai bên dãy núi An Phụ.

Đông Triều là huyện trải dài theo đường 18. Huyện có hai khu du kích kiên cường là Nguyễn Huệ và Yên Đức. Năm 1950, địch càn Nguyễn Huệ 10 ngày liên và càn Yên Đức trong bảy ngày liền, nhưng không xóa nổi hai khu du kích này.

Đối với huyện Yên Hưng, huyện đã bố trí hai trung đội của đại đội 915 ở Lưu Kiếm – Minh Tân và vùng Ninh Thành – Tiền An. Vùng Lưu Kiếm có dân quân du kích mạnh, có nhiều kinh nghiệm làm công tác ngụy vận, lại có địa hình thuận lợi nên tạo được thế liên hoàn trong khu vực và với các huyện bạn.

Tháng 9 năm 1950, khi quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Biên Giới (chiến dịch Lê Hồng Phong 2) thì địch cũng tổ chức nhiều cuộc càn lớn vào căn cứ kháng chiến của ta. Ngày 6 tháng 9 năm 1950, thực dân Pháp mở chiến dịch càn quét Giê-ra-ni-om (Giéranium) với 4.000 quân gồm cả Âu – Phi và thổ phỉ vào Mai Sưu, Đìa Đô, Tân Mộc, Hồ Lao, Quán Vuông, Dốc Sắt, Đèo Voi, Đèo Nhung, Khe Chè, Ngoại Vân, Chân Hồ, Vua Bà, Năm Mẫu, Cây Châm. Đây là cuộc càn lớn của địch cùng một lúc vào cả căn cứ của tỉnh và của huyện trong vùng rừng núi.

Để đối phó với địch, quân ta đã tổ chức một lực lượng chiến đấu bao gồm tiểu đoàn Bạch Đằng, đại đội 917 (Sơn Động), đại đội 913 (Đông Triều), đại đội 915 (Yên Hưng) chặn đánh địch ở phía nam căn cứ (Lán Giấy, Đèo Voi) và ở trung tâm căn cứ (Mai Sưu, Đìa Đô, Chồi, Đồng Vành). Tới ngày 18 tháng 9 năm 1950, quân địch đã phải rút khỏi vùng căn cứ địa của ta sau khi bị diệt 196 tên và bị thương 121 tên. Các cơ quan lãnh đạo của ta được bảo vệ an toàn.

Sau khi càn vào căn cứ địa của ta ở vùng rừng núi, thực dân Pháp lại mở tiếp chiến dịch càn quét Ca-ni-nơ (Carine) với 4.500 quân vào Kinh môn (từ ngày 19 tháng 9 năm 1950 đến 29 tháng 9 năm 1950). Địch bao vây khu Nhị Chiểu. Quân ta gồm hàng ngàn người trong đó có cán bộ tỉnh Quảng Yên, cán bộ các huyện của Hải Phòng – Kiến An cùng nhiều tân binh đã chiến đấu để phá vây và rút về Thanh Hà, Tứ Kỳ an toàn.

Trong phong trào chiến tranh du kích của tỉnh Quảng Yên vào cuối năm 1950 đã nổi lên tấm gương chiến đấu kiên cường của khu du kích Yên Đức (Đông Triều).

Ngày 28 tháng 11 năm 1950, 600 tên giặc có đại bác và tàu chiến yểm hộ đã tiến công xã Yên Đức. Các mũi tiến công của giặc đã bị du kích và nhân dân các thôn Chí Linh, Dương Để chặn đánh. Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, cuối cùng cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và 200 dân đã rút vào hang đá. Núi Canh. Du kích trong hang đã đánh bật nhiều đợt xung phong ác liệt của giặc.

Chi bộ xã Yên Đức chủ trương đưa dân ra ngoài nhưng chỉ thoát được 20 người vì cửa hang bị địch vây chặt.

Trong các trận đánh của những ngày tiếp theo, mặc dù giặc dùng pháo bắn thẳng vào cửa hang, nhưng cán bộ, đảng viên du kích đã dũng cảm chiến đấu ở phía ngoài để bảo vệ nhân dân.

Đến ngày 3 tháng 12 năm 1950 trong hang hết gạo, hết đạn, hết nước uống, du kích phải lăn đá để diệt địch.

Bọn giặc dã man đã vây chặt các cửa hang rồi cho lính dỡ nhà dân lấy rơm rạ, tre gỗ chất đống để đốt và hun khói vào hang. Chúng dùng rạ ướt vít các khe đá, không cho khói thoát ra ngoài. Vừa hun khói, giặc vừa đánh mìn, giật bộc phá và ném lựu đạn vào hang.

Trước hành động tàn bạo của giặc, từ trong hang vẫn vọng ra những lời hô “Đả đảo thực dân Pháp” và những bài ca cách mạng cho đến lúc cả 76 người (trong đó có hai huyện ủy viên) bị sặc khói hy sinh. Trong trận càn này, địch còn bắt 22 người và đốt 122 nhà. Tội ác cúa giặc Pháp trong ngày 3 tháng 12 năm 1950 đã để lại trong lòng nhân dân Yên Đức cũng như nhân dân Đông Triều một mối căm thù sâu sắc không bao giờ quên. Lòng căm thù đó đã tạo nên sức mạnh động viên mỗi người dân ở đây hăng hái giết giặc lập công để trả thù cho những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Bảy, 2017, 10:04:52 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 09:52:46 pm »

*

Vào giữa năm 1950, hội nghị địch vận toàn quốc họp để đúc kết kinh nghiệm của các địa phương và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác địch vận trong giai đoạn mới.

Ngày 29 tháng 8 năm 1950, theo nghị quyết của hội nghị Liên khu ủy Việt Bắc, tỉnh Quảng Yên có nhiệm vụ:

- Kiện toàn tổ chức chỉ đạo địch vận.

- Chú trọng phá bảo an, tuần tổng, đồng thời phá ngụy binh.

- Đẩy mạnh việc vận động nguy binh và gia đình họ(1).

Thực hiện nghị quyết của Liên khu ủy Việt Bắc về công tác địch vận, trong những tháng cuối năm 1950, tỉnh Quảng Yên đã tổ chức Ban địch vận thống nhất và phát động một đợt vận đông binh lính địch.

Cán bộ địch vận của tỉnh cùng với nhân dân đã vận động được phong trào đấu tranh trong binh lính Âu – Phi trên các vị trí ở dọc đường 18. Ở Đồn Cao (Đông Triều) lính Âu – Phi đòi hồi hương, ở vị trí Sui (Chí Linh) binh lính không chịu đi tuần ban đêm, ở vị trí Phả Lại họ từ chối việc hành quân lên biên giới.

Công tác vận động lính Âu – Phi của Quảng Yên và của các tỉnh khác nằm trong chương trình phối hợp hành động với phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp từ ngày 20 tháng 11 năm 1930 đến ngày 15 tháng 1 năm 1951.

Việc vận động hương dũng, tổng dũng, bảo an của tỉnh Quảng Yên được tiến hành có kết quả tốt. Từng huyện, xã đã có cơ sở trong hương dũng, tổng dũng, bảo an ở các tháp canh và đồn đóng trên địa phương mình.

Nam Sách là huyện làm tốt công tác vận động hương dũng, bảo an. Nhưng qua phong trào cũng nảy sinh một số vấn đề phức tạp, là việc bố trí cho hàng loạt cán bộ, đảng viên giả đầu hàng giặc để tạo điều kiện bí mật nắm lấy dõng và bảo an. Vấn đề này đã được tỉnh ủy chỉ đạo, uốn nắn kịp thời, nên đã hạn chế được mặt tiêu cực, đưa phong trào kháng chiến của huyện lên những bước phát triển mới.

Trong công tác vận động dõng và bảo an năm 1950, ta đã vạch mặt và cô lập một số ngụy binh phản động và bọn đội lốt Thiên chúa giáo được giặc đưa về để làm nóng cốt trong lực lượng dõng và bảo an. Bộ đội địa phương và du kích đã chú trọng trừng trị bọn phản động này và đã ngăn ngừa được tác hại do chúng gây nên

*

Năm 1950, địch đánh phá và phong tỏa vùng căn cứ của ta rất quyết liệt. Đời sống của nhân dân huyện Sơn Động vô cùng căng thẳng vì thiếu gạo và hàng hóa, giá cả tăng vọt, đồng bạc tài chính bị sụt giá. Trước tình hình đó, tỉnh ủy chủ trương:

- Thực hiện việc hỗ trợ nhau giữa căn cứ địa và hậu địch cà về quân sự và kinh tế. Phải đẩy mạnh tác chiến ở sau lưng địch và đánh phá giao thông để phá thế bao vây, chia cắt của địch đối với hai vùng trong tỉnh.

- Chú trọng việc bồi dưỡng sức dân, giúp dân sản xuất làm tốt việc bảo vệ sản xuất để thực hiện được việc huy động sức người, sức của cho kháng chiến.

Bộ đội và dân quân du kích ngoài việc tác chiến còn phân tán để bảo vệ mùa màng, chống địch cướp phá, bảo vệ việc vận chuyển lương thực, hàng hóa qua đường 18. Các xã ở ven đường đã đấu tranh bền bỉ để tìm cách chống địch dồn làng, hoặc đòi được trở về làng cũ để thu hẹp vành đai trắng bên tuyến chia cắt rừng núi và đồng bằng của địch.

Tháng 5 năm 1950, tỉnh Quảng Yên mở hội nghị rút kinh nghiệm về việc tạm cấp ruộng đất và thực hiện sắc lệnh giảm tô.

Sau hội nghị, ta đã triển khai việc tạm cấp ruộng đất trong căn cứ. Đến tháng 8 năm 1951, tỉnh Quảng Yên đã tạm cấp ruộng đất ở 18 đồn điền cho 6.555 dân cày nghèo.


(1) Trích nghị quyết của hội nghị Liên khu ủy Việt Bác, tháng 8 năm 1950. Tài liệu lưu trữ của văn phòng Liên khu Việt Bắc.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Bảy, 2017, 10:04:44 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM