Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:33:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quảng Ninh - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)  (Đọc 30650 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 09:54:01 pm »



Quảng Yên trong chiến dịch đường 18 (18-3-1951 - 7-4-1951)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 09:56:17 pm »

3. Đấu tranh phá hoại kinh tế dịch. Phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân địa phương ở khu mỏ.

Sau thất bại ở Việt Bắc thu – đông năm 1947, giặc Pháp quay về bình định, củng cố vùng chúng tạm kiểm soát, đồng thời ra sức vơ vét sức người, sức của phục vụ chiến thuật “vết dầu loang”. Giặc Pháp đã lấn dần ra vùng tự do, chiếm đóng thêm một số nơi của ta. Để phá hoại kinh tế địch, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở khu mỏ, ngày 4 tháng 12 năm 1948 Khu ủy 1 đã họp chủ trương thành lập Đặc khu Hồng Gai, có đủ các tổ chức chính trị, hành chính, kinh tế, quân sự.

Được Trung ương Đảng và Chính phủ phê chuẩn ngày 26 tháng 12 năm 1948, khu đặc biệt Hồng Gai chính thức được thành lập gồm các thị xã Hồng Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và huyện Cẩm Phả. Ngày 19 tháng 9 năm 1949, Liên khu 1 lại quyết định tách huyện Hoành Bồ ra khỏi tỉnh Quảng Yên để sáp nhập vào Đặc khu Hồng Gai. Như vậy, trên địa bàn đông-bắc Bắc Bộ thời gian này có ba đơn vị hành chính cấp tỉnh là tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh và đặc khu Hồng Gai.

Cùng với việc xây dựng các cơ quan chính quyền, đoàn thể, lực lượng quân sự cũng được xây dựng, củng cố. Tháng 9 năm 1949, đặc khu đội Hồng Gai được thành lập, tháng 10 năm 1949 đại đội 39 (tức đại đội Hồ Chí Minh trước đây) được trung đoàn 98 bàn giao lại cho đặc khu đội. Đại đội 39 trở thành bộ đội chủ lực của đặc khu.



Huân chương Kháng chiến hạng nhì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
tặng thưởng Đại đội Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp

Để tăng cường khả năng lãnh đạo cũng như hoạt đội mọi mặt của một vùng kinh tế - quân sự đặc biệt này. Trung ương Đảng đã điều một số cán bộ về phụ trách công tác đảng và công tác chính quyền; chỉ đạo ngành công an tình báo đưa các cán bộ có năng lực, thạo công tác bí mật vào hoạt động ở khu mỏ. Số cán bộ này chịu sự chỉ đạo trực tiếp thống nhất của đặc khu ủy. Trung ương cũng yêu cầu Ban Hoa vận Trung ương điều thêm cán bộ về Hồng Gai để tuyên truyền vận động quần chúng và công nhân vùng mỏ.

Ở khu mỏ, địch vẫn liên tục đánh phá cơ sở kháng chiến của ta. Sau những cuộc khủng bố lớn cuối năm 1948 và các thủ đoạn mới của địch, đầu năm 1949 đặc khu ủy đã tổ chức rút kinh nghiệm về công tác cơ sở đề ra phương châm hoạt động là “xây dựng cơ sở, tích trữ lực lượng, tuyệt đối giữ bí mật, tránh khuynh hướng ăn ngay và phá hoại lớn”. Đặc khu ủy nêu rõ: Trọng tâm phục hồi cơ sở là những nhà máy, hầm mỏ quan trọng đồng thời phải củng cố bàn đạp ở các xã ven thị, như Thành Công, Xích Thổ, Dương Huy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 09:58:06 pm »

Với quyết tâm của quân và dân đặc khu, dến cuối năm 1949 khu mỏ đã xây dựng được cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng ngày một vững mạnh. Ở Hồng Gai có 240 đoàn viên công đoàn năm chi bộ Đảng và 36 đảng viên; ở Cầm Phả - Cửa Ông có 105 đoàn viên công đoàn, hai chi bộ và 112 đảng viên.

Để chỉ đạo phong trào chiến tranh và phá hoại kinh tế địch ở khu mỏ, ngày 29 tháng 7 năm 1949, đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 1 họp đã đề ra một trong 12 nhiệm vụ lớn của liên khu trong năm 1949 là “triệt để bao vây và phá hoại kinh tế địch, phải phá các nhà máy, hầm mỏ vùng Hồng Gai”(1), “phải chú trọng giữ bí mật, rút kinh nghiệm thiệt hại năm 1948”(2) và “đề phòng khuynh hướng chỉ muốn đấu tranh với hình thức vừa phải không dám đấu tranh quyết liệt như: phá hoại, đánh du kích từ những cuộc bãi công, đình công, biểu tình tiến tới những cuộc phá hoại, kết hợp với đánh du kích”(3).

Chấp hành chỉ thị của liên khu, tháng 12 năm 1949, đặc khu ủy đã mở một chiến dịch phá hoại kinh tế địch từ ngày 1 tháng 12 năm 1949 đến ngày 14 tháng 12 năm 1949 ở Hồng Gai và từ ngày 25 tháng 12 năm 1949 đến ngày 25 tháng 1 năm 1950 tại thị xã Cẩm Phả nhằm phá hoại kinh tế địch, cải thiện đời sống của công nhân và đấu tranh bảo vệ các quyền lợi của công nhân.

Ở Hồng Gai cuộc đấu tranh diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú. Công nhân phá lộ, phá máy, phá xe, lãn công, đình công, trộn đất đá vào tham, làm bớt giờ, bớt chuyến, đòi tăng lương và lấy các dụng cụ của mỏ gửi ra cung cấp cho kháng chiến.

Ở Cẩm Phả phong trào đấu tranh của công nhân cũng phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc phá hoại sản xuất như Hồng Gai, anh chị em còn tổ chức rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, truyền tin chiến thắng ở chiến trường. Trong cuộc đấu tranh chống địch bắt làm quá giờ, công nhân đã phá bốn trong chín máy xúc (chủ mỏ mới đưa về), đồng thời phá 20 xe vận tải và nhiều máy móc khác.

Cuộc đấu tranh của công nhân Hồng Gai và Cẩm Phả năm 1949 đã làm cho địch thiệt hại gần 19 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó ở Hồng Gai đã làm cho chúng thiệt hại 18 triệu đồng.

Để đối phó với các hoạt động của ta, bước sang năm 1950, địch đã có những âm mưu và thủ đoạn chống phá kháng chiến, đánh phá phong trào công nhân tinh vi, xảo quyệt và tàn bạo hơn trước. Để bảo vệ chặt chẽ khu mỏ, chúng đã xây dựng một hành lang bao gồm các hệ thống chiếm đóng, nối liền với cơ sở phản động ở núi rừng, bọn phản động có vũ trang và các tàu chiến tuần tiễu trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Trong năm 1950 số lượng thợ mỏ bị giảm nhiều. Để khắc phục khó khăn về nhân công, một mặt bọn chủ mỏ đưa một số máy khai tác hiện đại để tăng nhanh sản lượng than và khai thác ẩu; đồng thời chúng ra sức bóc lột công nhân như bắt làm tăng giờ, tăng chuyến mà không tăng lương.

Bên cạnh các biện pháp về kinh tế, thực dân Pháp đã đưa về khu mỏ nhiều mật thám và thanh niên công giáo phản động phối hợp với mạng lưới chỉ điểm tại chỗ để phá các cơ sở của ta. Được bọn tay sai chỉ điểm, trong năm 1950 địch đã mở bốn cuộc vây ráp bắt bớ và đàn áp cơ sở của ta, riêng ở thị xã Cẩm Phả, chúng đã bắt tới 750 người.

Để giữ vững phong trào, đặc khu ủy đã kịp thời, thường xuyên chỉ đạo các cuộc đấu tranh và phá hoại kinh tế của địch, kết hợp giữa phá nhỏ, phá vừa tới phá lớn, phát động quần chúng tham gia phá hoại một cách rộng rãi, hợp pháp để tránh khủng bố.

Với sự chỉ đạo chặt của đặc khu ủy, quân và dân khu mỏ đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 3 năm 1950, nhà máy sàng Hồng Gai bị ta phá phải ngừng sản xuất bốn tháng. Tháng 5 năm 1950, lợi dụng mưa to công nhân đã khơi rãnh cho nước chảy mạnh làm sụt lở tầng lò. Mức sản xuất than giảm mạnh, từ 70 nghìn tấn trong tháng 3, sụt xuống chỉ còn 30 nghìn tấn trong tháng 6. Ở Núi Trọc (Cẩm Phả) sản lượng than từ 4.600 tấn một ngày xuống còn có 300 tấn một ngày.

Cuộc đấu tranh của công nhân khu mỏ bị địch đàn áp nặng nề. Nhưng địch càng đàn áp anh chị em càng hăng hái đấu tranh vì họ hiểu rằng mỗi hành động và kết quả đấu tranh của công nhân khu mỏ đều gắn liền với các chiến thắng của quân và dân ta ngoài mặt trận.


(1), (2), (3) Văn kiện đại hội. Lưu trữ Liên khu ủy Việt Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 09:59:45 pm »

Trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện tấm gương của đồng chí công nhân – chiến sĩ Nguyễn Văn Đồng. Anh vốn là công nhân thợ mỏ ở Hồng Gai. Năm 1946 giặc Pháp bắt đầu trở lại xâm lược nước ta, cùng với những người thợ mỏ yêu nước khác, Nguyễn Văn Đồng đã tham gia lực lượng tự vệ mỏ, và sau đó tham gia bộ đội, làm chiến sĩ tranh sát của Liên khu Việt Bắc. Năm 1948, anh được phân công trở về hoạt động trong phong trào công nhân của vùng mỏ, lãnh đạo xưởng máy, công nhân phá hoại kinh tế địch. Vừa lãnh đạo công tác phá hoại anh vừa thu gom thuốc men, chất nổ và hóa chất để đưa ra vùng tự do phục vụ cho bộ đội ta đánh giặc.

Trước sự hoạt động liên tục và nguy hiểm của anh, bọn địch đã ra sức truy tìm lùng bắt. Tháng 3 năm 1950, Nguyễn Văn Đồng sa vào tay giặc. Biết anh là một đảng viên, cán bộ nằm vùng, bọn phòng nhì Pháp ra sức dụ dỗ mua chuộc hòng khai thác bí mật tổ chức của ta trong vùng mỏ và biến anh trở thành tay sai cho chúng. Suốt ba tháng trời, bằng mọi thủ đoạn, lúc dụ dỗ, lúc đánh đập tra tấn dã man, nhưng bọn địch không moi được ở người đảng viên kiên cường này một tin tức gì. Ngày 19 tháng 8 năm 1950, tên Ray chánh mật thám Pháp ở Hồng Gai đã trực tiếp hỏi cung anh. Hắn dùng những lời lẽ và hành động thâm độc, bỉ ổi với anh. Căm giận trước thủ đoạn đê hèn của kẻ thù, Nguyễn Văn Đồng đã hắt cả tách cà phê vào mặt tên trùm mật thám ác ôn và dõng dạc hô to: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”. Tên thực dân khét tiếng gian ác của vùng mỏ đã bắn chết anh. Hành động kiên trung bất khuất của người đảng viên công nhân ấy đã động viên khích lệ mọi người tiếp tục đấu tranh với địch tới ngày thắng lợi hoàn toàn.

Sang năm 1951 địch đã dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm để phá phong trào công nhân vùng mỏ. Bọn mật thám, gián điệp được tung vào để phá cơ sở của ta. Bọn Pháp còn dùng một số tên cố đạo kiêm chủ thầu từ Trung Quốc để theo dõi và nắm số công nhân người Hoa, đặc biệt là những người hai năm trước trong quân đội Tưởng chạy sang Việt Nam(1).

Trong sáu tháng đầu năm 1951 bọn Pháp đã phá vỡ nhiều cơ sở của ta, bắt nhiều người, kể cả nhân dân để đem về tra tấn. Trong ba vụ vây bắt ở xã Cẩm Bình (thị xã Cẩm Phả), chúng đã bắt 38 cơ sở và 117 người dân để tra tấn.

Sau khi phá cơ sở ở thị xã, bọn gián điệp lại giả làm cán bộ kháng chiến ra các xã bàn đạp của ta ở ven thị vờ “chắp nối liên lạc” để dò la những cơ sở ở vùng ven. Tuy nhiên do ta kịp thời chấn chỉnh lại tổ chức theo nguyên tắc bí mật nên đã hạn chế được thiệt hại và một số nơi còn phát triển được; như ở Hồng Gai số đoàn viên công đoàn bí mật đã từ 42 tăng lên 103; ở Cẩm Phả, Cửa Ông tăng thêm được 49 người nữa, và từ tháng 6 năm 1951 trở đi phong trào vận động công nhân ở khu mỏ đã biến thành một phong trào quần chúng phá hoại kinh tế dịch rất rộng rãi(2).

Trong năm 1951, cùng với việc triển khai các kế hoạch quân sự của Tát-xi-nhi, thực dân Pháp thúc giục bọn ngụy quyền lập ra nhiều tổ chức quần chúng giả hiệu để hòng lừa gạt và tập hợp nhân dân ta như: nghiệp đoàn vàng, hội thanh niên, hội Cao đài, hội tương tế, v.v. Đảng bộ đặc khu đã lãnh đạo nhân dân tẩy chay các tổ chức này nên bọn địch đã phải dùng quân đi bắt nhân dân đến họp để lập nghiệp đoàn vàng và hội thanh niên.

Song song với phong trào đấu tranh chính trị là cuộc đấu tranh của công nhân chống sự đàn áp, áp bức, bót lột của bọn chủ mỏ và cai ký.

Trong tháng 2 năm 1951, công nhân người Hoa ở Núi Trọc đã đánh một tên cai người Pháp (vì tên này đánh ba anh em rất dã man). Khi cảnh sát địch đến bắt đi một số người, anh em công nhân người Hoa đã biểu tình bao vây định phá đồn công an của địch ở Cẩm Phả. Ngày 18 tháng 2 năm 1951, 10.000 thợ người Hoa ở Hà Tu, Hà Lầm đấu tranh đòi địch phải thả số thợ bị bắt vì đã chống bọn chủ thầu và cai tàn ác.

Từ 20 tháng 2 đến 25 tháng 3, công nhân Hà Tu đấu tranh chống chủ bắt làm quá tầm, tăng chuyến. Chủ mỏ đưa lính đến đàn áp, bắt đi năm người, nhưng anh em không lùi bước. ngày 6 tháng 3, bọn chủ mỏ đuổi những thợ người Hoa đã đấu tranh những ngày trước, đồng thời tăng lương cho những người không đấu tranh chống lại chúng. Trước hành động đó của địch, ta đã kịp thời lãnh đạo công nhân vạch trần thủ đoạn nham hiểm này, đấu tranh buộc bọn chủ mỏ phải tăng lương đồng loạt cho công nhân người Việt và người Hoa, giảm mức khoán hàng ngày cho anh em. Qua đấu tranh ta đã làm cho một số công nhân người Hoa giác ngộ và xây dựng được tình đoàn kết tương thân tương ái giữa công nhân người các dân tộc.

Với cuộc đấu tranh bền bỉ quyết liệt trên toàn khu mỏ, trong năm 1951 ta đã làm cho bọn tư sản thực dân chủ mỏ thiệt hại tới trên 65 triệu đồng tiền Đông Dương, làm cho ngân sách chiến tranh của thực dân Pháp cũng phải chịu thất thu một phần từ nguồn đóng góp quan trọng này.


(1) Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, 300 quân Tưởng chạy trốn sang Hải Ninh đã bị quân Pháp tước khí giới và đưa về vùng mỏ làm phu.
(2) Báo cáo của đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Hồng Gai (tháng 4 năm 1951).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:03:28 pm »

*

Cùng với việc chỉ đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân trong các thị xã phá hoại kinh tế địch, từ năm 1949 Đặc khu Hồng Gai đã quan[ tâm đến việc xây dựng căn cứ hậu phương kháng chiến, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương và chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, từng bước đưa chiến tranh nhân dân ở địa phương đi lên.

Sau khi có quyết định thành lập (cuối năm 1948), đặc khu ủy Hồng Gai đã chuyển căn cứ của đặc khu từ Vy Loại (Sơn Động) thuộc tỉnh Quảng Yên về Hoành Bồ, đồng thời xây dựng căn cứ để đưa bộ đội về Dương Huy và Tài Xá (huyện Cẩm Phả) để phối hợp chiến đấu với mặt trận Đông Bắc.

Sau khi tiếp nhận huyện Hoành Bồ (tháng 10 năm 1948) đặc khu ủy Hồng Gai đã củng cố vùng Bằng Cả, Quảng La để tạo điều kiện đưa cơ quan lãnh đạo đặc khu về Cài. Đặc khu còn có kế hoạch vận động nhân dân làm muối ở Xích Thổ, Yên Mĩ để đưa lên Cài cung cấp cho nhân dân vùng cao.



Đội tuyên truyền xung phong trong thời kì kháng chiến 1945-1954

Tuy nhiên, nhiều khó khăn dồn dập đã làm cho kế hoạch này không thực hiện được; vùng đất Quảng La thưa dân lại bị địch uy hiếp từ nhiều hướng từ Uông Bí, Đông Mai, Đồng Đăng, Bang, Trới và cả từ Đồng Quặng, Đá Trắng sang; chúng dùng máy bay ném bom xuống Cài. Một số cán bộ và nhân dân bị hy sinh, toàn bộ khu lán trại của cơ quan đặc khu vừa xây dựng bị lửa bom thiêu cháy hết.

Nhận thức rõ vị trí quan trọng của Hoành Bồ đối với khu mỏ, bọn địch tìm mọi cách phá hoại, đánh phá nơi tập kết lực lượng của ta. Từ năm 1948 thực dân Pháp đã tìm mọi cách nhen nhóm ở đây lực lượng phản động trong đồng bào người Thanh Phán. Tháng 4 năm 1949, bọn phản động người địa phương đã đưa đường cho quân Phấp đột nhập vào hai xã Tân Dân và Đồng Quặng. Bọn địch đã bắn chết hai chủ tịch của hai xã này và hai đồng chí bộ đội của ta.

Ngay sau đó bọn phỉ ở Khe Chặng (Đồng Quặng) cũng thừa cơ nổi lên. Được thực dân Pháp cấp tiền, cấp súng, những tên phỉ trở nên hung hăng, tàn bạo chống phá cách mạng. Giữa năm 1949, một đơn vị của trung đoàn 98 hành quân qua Đồng Quặng đã bị bọn phỉ phục kích, bắn chết một đồng chí tiểu đoàn phó. Vô cùng căm phẫn, đại đội 39 của trung đoàn đã đánh vào Đồng Quặng. Vì bọn phỉ ở lẫn trong dân nên quá trình chiến đấu quân ta đã đánh lầm vào dân, làm cho nhân dân hiểu sai về bộ đội và một số người đã đi theo phỉ.

Lợi dụng cơ hội đó, thực dân Pháp đã nói xấu cách mạng, đồng thời cho bọn đặc vụ người Hoa và bọn mật thám mang hàng hóa đến Đồng Quặng để dụ dỗ dân và chia rẽ đồng bào với kháng chiến. Được bọn Pháp tung tiền của, hàng hóa ra treo thưởng, mua chuộc, bọn phỉ ra sức hoành hành, chúng bắn giết bất cứ một ai để lấy thưởng của quan thầy. Không chịu được hành động dã man của bọn phỉ, nhân dân xã Tân Dân, người Thanh Phán đã phải bỏ khe bản chạy lên Sơn Động cùng với một số đồng bào người Hoa và Sán Dìu để làm ăn sinh sống.

Cuối năm 1949, bộ đội được lệnh đánh vào Đồng Quặng để diệt một số tên phỉ đầu sỏ. Do quá căm thù và không phân biệt được đâu là dân, đâu là phỉ, nên ta càng đánh, phỉ lại càng phát triển. Cho đến cuối năm, nạn phỉ đã lan ra khắp các xã rẻo cao như Tân Dân, Kỳ Thượng, Đồng Quặng và tới cả xã Hòa Bình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:03:59 pm »

Trong khi ở Hoành Bồ nạn phỉ lan tràn thì ở phía Song Huy (Dương Huy, Huy Động) và Hòa Bình, bọn đặc vụ người Hoa đã lén lút hoạt động. Khu vực này đa số đồng bào là người Hoa, có phong trào kháng chiến mạnh. Từ năm 1948 trung đoàn độc lập cùng đại đội 39 đã hoạt động ở đây, được đồng bào thương yêu, giúp đỡ. Trên cơ sở đó ta đã xây dựng được xưởng chế vũ khí ở Khe Gai (Hòa Bình) và tạo nên một bàn đạp để tiến vào thị xã Cẩm Phả. Tuy nhiên sau một thời gian bị địch kích động và đe dọa, mặt khác do tình hình kinh tế khó khăn, thiếu gạo, thiếu muối rất trầm trọng, nên nhân dân đã rời bỏ địa bàn ra Ngã Hai để ở. Một số gia đình trung kiên theo bộ đội về Sơn Động. Đại đội 39 vừa phải đánh phỉ vừa phải gồng gánh đồ đạc, dìu cõng trẻ em luồn rừng lội suối để về Sơn Động, Dương Huy trở thành khu không người.

Trước khó khăn của Đặc khu Hồng Gai, đầu tháng 10 năm 1949, Liên khu Việt Bác đã điều trung đoàn 98 về hoạt động hỗ trợ cho phong trào địa phương.

Ngày 24 tháng 10 năm 1949, tiểu đoàn 215 đã diệt vị trí Làng Bang (Thống Nhất) một mắt xích quan trọng trong tuyến bảo vệ khu mỏ, đồng thời là nơi tụ tập bọn mật thám Pháp, đặc vụ Tưởng để móc nối và chỉ huy phản động ở rẻo cao. Trong trận này quân ta diệt 75 tên, thu 75 súng (có ba khẩu tiểu pháo 20 mi-li-mét, trọng liên và súng cối).

Cũng trong tháng 10, một đơn vị của trung đoàn 98 và bộ đội địa phương đã vào Đồng Quặng để tiến công bọn phản động. Cán bộ xã và cơ sở đã giúp bộ đội trong chiến đấu. Ta đã diệt bốn tên phỉ chỉ huy và vận động 80 gia đình nộp lại cho ta 30 khẩu súng.

Sau khi bộ đội chủ lực rời đi, phong trào kháng chiến của nhân dân Hoành Bồ gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 1 năm 1950, thường vụ đặc khu ủy Hồng Gai họp xác định nhiệm vụ của Hoành Bồ: “Trọng tâm công tác của huyện là công tác Hoa vận, thiểu vận và thanh toán phản động. Huyện phải lập các chi nhánh “Hội Hoa Việt thân thiện” ở Sơn Dương, “Ban công tác Vũ Oai” phải được thành lập để gây cơ sở và thuyết phục lực lượng tề ở đó. Đề nghị tỉnh bạn Hải Ninh cùng phối hợp để thanh toán phản động”.

Nội dung nghị quyết của thường vụ đặc khu ủy là tích cực, nhưng những yếu tố để thực hiện thì không đầy đủ.

Trong năm 1950, đặc khu ủy phải tập trung lãnh đạo đối phó với các khu vực cơ sở bị vỡ trong mỏ. Căn cứ Bằng Cả bị địch o ép mạnh, lực lượng phỉ đang phát triển ở vùng cao, còn tỉnh Hải Ninh lúc này cũng gặp khó khăn, nên không thể hỗ trợ gì cho Hoành Bồ. Công tác vận động đồng bào người Hoa và đồng bào các dân tộc ít người không được tổ chức và chỉ đạo rõ ràng ở cấp đặc khu và huyện.

Đặc biệt trong thời gian này việc xây dựng lực lượng vũ trang đang gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quân sự của đặc khu chưa được kiện toàn, huyện Hoành Bồ không có cơ quan huyện đội. Đại đội 23 vừa xây dựng được hai trung đội thì lại bị địch đánh úp ngay giữa căn cứ Vy Loại và bị mất một nửa quân số. Đại đội 39 trở về đặc khu từ tháng 10 năm 1949 nhưng chỉ có vài chục người hoạt động được, còn quá nửa quân số bị đau ốm hoặc phải đi vác gạo. Lực lượng du kích ở các xã lại càng thiếu và hoạt động yếu. Du kích cả bốn xã Quảng La, Bằng Cả, Sơn Dương, Việt Hưng chỉ có 32 người, trong đó chỉ có bảy du kích ở Bằng Cả là còn bám trụ tại địa phương, còn ba xã kia phải chạy lên rừng. Ở xã Lê Lợi và Thống Nhất có 57 du kích bí mật, nhưng bị địch khống chế rất gắt gao nên không hoạt động được.

Tuy lực lượng vũ trang của huyện quá mỏng, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường, chiến đấu với địch. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1940, đại đội Hồ Chí Minh đã chiến đấu 11 trận, diệt 20 tên địch, thu một số súng trường và súng kíp. Phối hợp với du kích Bằng Cả, đơn vị đã chín lần đánh tan các cuộc càn của bọn biệt kích và bọn phỉ vào căn cứ kháng chiến của ta. Đầu năm 1950 đại đội Hồ Chí Minh được Tổng liên đoàn trao tặng lá cờ lưu niệm và một số súng (do những người thợ quân giới tự tạo) để trang bị cho đơn vị chiến đấu giết giặc. Ngoài ra bộ đội đặc khu và của huyện Hoành Bồ còn nhiều lần dùng súng cối, phóng lựu bắn quấy rối các vị trí của địch.

Trong lúc quân và dân vùng mỏ và huyện Hoành Bồ liên tục đối phó với thực dân Pháp và bè lũ tay sai, thì ở Cẩm Phả trong những tháng đầu năm 1950 ta có điều kiện xây dựng lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến thuận lợi hơn. Do phải tập trung lực lượng để phá cơ sở của ta trong mỏ và lập hành lang phản động ở vùng rừng núi Hoành Bồ nên thực dân Pháp chưa có điều kiện khống chế huyện Cẩm Phả. Trên địa bàn này địch mới chỉ có quân đóng ở Vạn Hoa và lập tề ở vài thôn quanh đó, còn hầu hết các xã trên đảo nhân dân vẫn được tự do.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:05:09 pm »

Ngày 6 tháng 4 năm 1950, hội nghị cán bộ đặc khu họp giao nhiệm vụ cho huyện Cẩm Phả: Phải chuẩn bị chiến trường cho chủ lực và xây dựng dân quân du kích vững mạnh để phối hợp hoạt động khi có điều kiện; phát động chiến tranh du kích ngoài bể làm cho du kích ngoài đảo quen dần với chiến đấu; đồng thời chấn chỉnh cấp xã, thiết lập vòng vây khu vực kinh tế của địch(1).

Dưới sự lãnh đạo của đặc khu và huyện ủy, phong trào dân quân du kích của Cẩm Phả phát triển mạnh mẽ. Huyện đã xây dựng được một trung đội tập trung. Xã Vân Hải có 155 du kích với 12 súng trường. Xã Hùng Thắng có 109 du kích với bảy súng trường. Xã Thạch Hà cũng có một trung đội. Tổng cộng toàn huyện trong năm 1950 có 452 du kích, trong đó có 110 người thuộc lực lượng nửa thoát ly. Ngoài ra số dân quân trong huyện có tới 778 người.

Với số dân quân du kích này làm nòng cốt, phong trào kháng chiến của huyện được phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 1949 đầu năm 1950, trước những chiến thắng liên tiếp của quân ta trên khắp các chiến trường, nhân dân Cẩm Phả đã hăng hái góp công, góp của phục vụ cho bộ đội ta chiến đấu. Nhân dân ngày đêm gánh gạo nhập kho đê từ đó chở ra tiền tuyến. Chỉ trong một thời gian ngắn, 50 tấn gạo đã được tập kết vào các kho bí mật ở trong rừng, chuẩn bị cho ngày đưa vào đất liền cho bộ đội.

Ngoài góp gạo, nhân dân các xã Vân Hải, Ngọc Vừng, Hùng Thắng… còn góp tiền (bán cá, bán củi) để ủng hộ bội đội và dân quân du kích. Tính ra trong năm 1950, nhân dân huyện đảo Cẩm Phả đã ủng hộ lực lượng vũ trang trên một triệu đồng tiền Đông Dương. Với số tiền này dân quân du kích đã dùng một phần đi mua sắm vũ khí đánh địch.

Trước các hoạt động mạnh của huyện Cẩm Phả, đến cuối năm 1950 giặc Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu phong tỏa vùng biển. Thực dân Pháp đã lập khu trắng trên mặt biển, cấm nhân dân qua lại làm ăn ở các khu vực này, và gây dựng bọn phản động có vũ trang để kiểm soát vùng biển quanh khu mỏ.

Tháng 10 năm 1950, địch tổ chức một đội biệt kích ở xã Thành Công, do tên Hội Hành chỉ huy. Từ xã Thành Công, địch ép hai xã Hùng Thắng và Thạch Hà cũng phải tổ chức lực lượng phản động. Xã Hùng Thắng bị khủng bố dữ dội, nhân dân chạy tán mát khắp núi. Nhân dân xã Thạch Hà phải tạm lánh vào núi đá làm ăn, chịu đói, chịu khổ, kiên quyết không hàng phục giặc.

Cuối năm 1950, giặc đã xây dựng được bọn phản động ở một số nơi như Thành Công, Hùng Thắng, Cộng Hòa, Bình Dân, rồi dồn dân đánh cá về Cửa Ông để lập trước khu mỏ một vành đai trắng trên mặt biển.

Tháng 12 năm 1950, địch tổ chức nhiều cuộc càn vào các đảo Cái Bầu, Vạn Hải để lùng bắt cán bộ và phá các kho gạo chuẩn bị cho chiến dịch của ta. Trong gian khổ, ác liệt, người dân trên vùng hải đảo một lòng trung kiên theo Đảng, theo kháng chiến. Nhân dân đã tìm mọi cách để bảo vệ cán bộ, bộ đội và du kích. Mỗi lần đi biển, đi nương nhân dân lại bí mật khéo léo che mắt địch tiếp tế lương thực cho cán bộ, báo tin cho bộ đội ta biết các hoạt động của chúng. Có những chiến sĩ giao thông đã ghép bè bằng tre để vượt biển từ đảo này sang đảo khác để liên lạc với cán bộ. Cảm động trước tấm lòng kiên trung của nhân dân, các cán bộ và bộ đội ta cũng kiên trì bám đất, bám dân để chỉ đạo phong trào. Sống trên các đảo đá không có đất để trồng cây lương thực, cán bộ, bộ đội đi kiếm củi, trồng chè nhờ nhân dân bán đổi lấy gạo muối để tự túc sinh hoạt, tiếp tục lãnh đạo phong trào.

Với tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ và kiên cường đấu tranh của cán bộ, nhân dân nên mặc dù bị địch càn phá nhiều lần và tàn sát rất dã man, nhưng phong trào của Cẩm Phả vẫn được giữ vững và phát triển. Các cơ sở của ta ở Ngọc Vừng, Bản Sơn, Vân Hải, Thạch Hà, Văn Châu, Đoàn Kết vẫn vững vàng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Từ trong phong trào và khí thế của quân và dân huyện Cẩm Phả đã xuất hiện nhiều tấm gương chủ động giết giặc của bộ đội và nhân dân ta làm cho quân thù khiếp sợ.

Giữa năm 1949, một tên Pháp đã bắt vợ chồng ông Giáp Lưu (xã Văn Châu) phải chèo thuyền chở nó từ Cửa Cái (Ba Chẽ) về Cửa Ông. Dọc đường đi, ông Lưu đã dùng bơi chèo đánh và vật tên giặc xuống sạp thuyền để bà Lưu dùng dao chém. Hai vợ chồng người dân chài nghèo này đã trừ được một tên giặc và thu được súng mang về nộp cho kháng chiến.

Cuối năm 1949, gia đình bà Gái Chu (xã Văn Châu) đã dùng dĩa và bơi chèo diệt hai tên Pháp khi chúng bắt gia đình bà phải chở thuyền cho chúng đi bắt cán bộ ta ngoài đảo.

Tiếp theo hai sự kiện này, đến cuối năm 1950, bộ đội huyện Cẩm Phả dưới sự chỉ huy của đồng chí Phúc, huyện đội phó đã đánh một ca nô do tên mật thám ác ôn Béc-dô-la chỉ huy, diệt một số tên địch.


(1) Nghị quyết hội nghị cán bộ Đặc khu Hồng Gai, ngày 6 tháng 4 năm 1950. Lưu trữ khu ủy Hồng Quảng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:06:25 pm »

*

Từ đầu năm 1951 ở Đặc khu Hồng Gai địch đã đóng thêm chín vị trí ở trong mỏ và năm vị trí ở Nghĩa Lộ (Hoành |Bồ) đến các đảo Cái Bầu, Quan Lạn. Các đội dõng được thành lập ở Mỏ Đông (Sơn Dương), Yên Mỹ (Lê Lợi), Quang Hanh, Lộ Phong (Khu Mỏ) và Quan Lạn (huyện Cẩm Phả. Địch phát súng cho nhân dân ở các xã rẻo cao và chọn từ những nơi này được 100 tên phỉ để thành lập đội biệt kích của Hoành Bồ.

Căn cứ Đồng San (Bằng Cả) của ta bị ép từ nhiều phía, nhân dân các xã Sơn Dương, Việt Hưng bị địch dồn lại vào một khu để chúng dễ bề kiểm soát.

Chúng ngăn cấm việc nhập lương thực vào Hoành Bồ, ra tay phá mùa màng, cắt nguồn đóng góp của nhân dân với kháng chiến.

Tháng 4 năm 1951, đại hội đại biểu đặc khu Hồng Gai đã họp, nghiên cứu các văn kiện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, kiểm điểm công tác năm 1950 và đề ra nhiệm vụ mới cho địa phương.

Về mặt quân sự, đại hội đánh giá: “Ta đã thu được nhiều kết quả tốt, bộ đội địa phương đã tiến bộ hơn, việc xây dựng du kích trên mặt bể thu được nhiều kết quả khả quan”.

Sau đại hội, Đặc khu ủy đã có kế hoạch lãnh đạo chặt chẽ chiến tranh nhân dân ở địa phương. Việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương có nhiều tiến bộ; cơ quan khu đội được tăng cường: hai huyện đội Hoành Bồ và Cẩm Phả được thành lập. Bộ đội đặc khu đã có hai đơn vị là đại đội 75 (tức đại đội 39 hoặc đại đội Hồ Chí Minh) và đại đội 23 của Hoành Bồ.

Bước sang năm 1951, phong trào du kích của Hoành Bồ và Cẩm Phả có tiến bộ. Các xã Bằng Cả, Lê Lợi, Dân Chủ đã có một phần ba số đảng viên vào du kích. Sau chiến dịch đường 18, do bị địch càn phá, bị bắt nên số du kích hai huyện từ 558 người chỉ còn 78 người, nhưng sau đó các huyện, xã đã chú trọng phục hồi nên đến cuối năm số dân quân du kích của huyện Hoành Bồ và Cẩm Phả đã có trên 1.000 người.

Đặc khu đã chú trọng củng cố căn cứ của đặc khu ở Vy Loại (Sơn Động) và căn cứ du kích Đồng San (Bằng Cả). Ta đã vận động số dân của Bằng Cả bị giặc dồn ra Trới quay về bản cũ. Bộ đội và dân quân du kích ở Bằng Cả đã xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ căn cứ chặt chẽ. Trong năm 1951 căn cứ Bằng Cả đã chống càn bốn trận, diệt, bắt sống và tiếp nhận đầu hàng 17 tên địch, thu bốn súng máy và nhiều súng trường.



Đội dân quân du kích dân tộc Dao trong căn cứ kháng chiến huyện Sơn Đông năm 1951

Để củng cố và xây dựng căn cứ, cán bộ, bộ đội ta đã vận động nhân dân chuyển từ trồng mía, cấy lúa nương sang cấy lúa nước và trồng thêm nhiều ngô, khoai, sắn. Bộ đội đã vượt rừng hàng tháng để mua trâu và giúp dân làm ruộng. Căn cứ Vy Loại, Quảng La, Bằng Cả dần dần trù phú, đông vui. Vụ mùa năm 1951 năng suất lúa tăng 50 phần trăm, năng suất ngô tăng 100 phần trăm.

Những thành tích trên đã đánh dấu bước trưởng thành của đảng bộ, quân và dân Hồng Gai. Nhưng nổi bật nhất trong năm 1951 của đặc khu là sự chuyển hướng trong công tác đánh địch và công tác vận động đồng bào các dân tộc vùng rẻo cao.

Từ năm 1948, huyện ủy và các cơ quan lãnh đạo của huyện Hoành Bồ luôn bám đất bám làng để chỉ đạo phong trào. Năm 1951, cơ quan của huyện Hoành Bồ đã từ Sơn Dương về Yên Mỹ (Lê Lợi). Quyết tâm của huyện ủy là phá âm mưu lập dõng của địch, củng cố khu du kích Bằng Cả và phá hành lang phản động của địch ở rẻo cao.

Xã Sơn Dương là nơi có vị trí quân Pháp chiếm đóng và tháp canh của bọn ngụy quyền ở thôn Mỏ Đông. Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1951, hai đại đội 21, 23 cùng du kích đã diệt tháp canh Mỏ Đông và phục kích một trận ở thôn này. Bọn dõng và phản động ở Mỏ Đông chỉ còn một số tên chạy xuống Yên Mỹ (Lê Lợi). Mặc dù trong xã còn có vị trí giặc nhưng nhân dân Sơn Dương vẫn hăng hái đóng thuế nông nghiệp cho kháng chiến.

Sau khi tiêu diệt tháp canh Mỏ Đông, bộ đội ta được lệnh tiến công tháp canh Yên Mỹ. Thời gian này cơ sở ta ở các thôn Yên Mỹ, Từa Xá (Lê Lợi) khá mạnh. Các bà, các chị đã gây dựng được cơ sở trong số lính dõng người địa phương và giúp cho bộ đội xã thôn chuẩn bị cho trận đánh. Ngày 6 tháng 4 năm 1951, bộ đội ta nổ súng tiến công tháp canh, có nội ứng. Quân ta đã diệt tháp canh Yên Mỹ, bắt 19 tên và thu toàn bộ vũ khí.

Ngày 11 tháng 3 năm 1951, bộ đội Hoành Bồ cùng du kích xã Dân Chủ tiến công bọn địch ở Khe Cái, Khe Kênh, Khe Cần (Đồng Quặng), diệt 12 tên, thu 11 súng kíp.

Bên cạnh hoạt động quân sự, huyện ủy Hoành Bồ đã chú trọng lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức bóc lột. Trong năm 1951 ở hai huyện Hoành Bồ và Cẩm Phả đã có 27 cuộc đấu tranh.

Cuối năm 1951, Đặc khu ủy đã họp kiểm điểm việc thực hiện chính sách dân tộc đối với các rẻo cao và đề ra phương hướng nhiệm vụ mới.

Trong thời gian qua việc giải quyết vấn đề rẻo cao của ta còn phiến diện, thiếu phương hướng và quan điểm đúng đắn, các biện pháp xử lý sai lầm, thô bạo. Có lúc ta cho việc tiêu diệt bọn phản động ở rẻo cao là vấn đề cụ thể thuộc phạm vi bao vây kinh tế địch, nhưng cũng có lúc cho đây là một vấn đề quân sự đơn thuần, chỉ cần dùng bộ đội đánh là được.

Qua cuộc chỉnh huấn chính trị về bản chất của quân đội nhân dân, bội đội của đặc khu đã kiểm điểm rất sâu sắc quan điểm nhân dân của mình khi đánh vào lực lượng phản động ở rẻo cao. Anh em thấy rõ không phân biệt được phỉ với nhân dân, nên trong một số trận ta đã đánh nhầm vào dân. Đồng thời ta cũng chưa phận biệt được những người lầm đường hoặc bị bắt buộc với bọn đầu sỏ, nên chưa chú trọng làm công tác ngụy vận, và chưa tạo điều kiện tiêu diệt bọn chỉ huy ngoan cố. Bộ đội nêu quyết tâm vào giải thích, giáo dục vận động nhân dân chống bọn ác ôn và vạch trần âm mưu chia rẽ của giặc Pháp.

Đặc khu đã xác định việc giải quyết lực lượng phản động ở rẻo cao chính là một phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, nhằm đoàn kết các dân tộc, đánh bại âm mưu chia rẽ dân tộc của địch và sử dụng lực lượng. Đặc khu chủ trương: trong công tác chống bọn phản động có vũ trang ở rẻo cao, phải lấy bộ đội làm lực lượng chính để tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:07:57 pm »

Ngày 11 tháng 8 năm 1951, Đặc khu ủy đã họp chủ trương mở một đợt tiến công chính trị vào rẻo cao, lấy đại đội 23 (Hoành Bồ) làm lực lượng chính để vũ trang tuyên truyền, có một đặc khu ủy viên và một huyện ủy viên trực tiếp chỉ đạo.

Trong đợt đầu, đồng chí Phạm Hoành, đặc khu ủy viên, chính trị viên khu đội cùng đi với một đơn vị bộ binh do đại đội trưởng Đặng Khắc Ngân chỉ huy. Bộ đội ta chia thành các tiểu đội, lợi dụng đêm tối áp sát vào những nhà có người cầm súng cho địch. Sáng sớm ta vào các gia đình để gặp nhân dân. Nhiều người cầm súng không dám bắn vào bộ đội và đã đem súng nộp cho cách mạng. Sau đó bộ đội ta đã giải thích chính sách của Đảng, âm mưu của địch cho nhân dân.



Đồng chí Phạm Hoành
Một tên đội đã nộp cho ta hai súng, nhưng ta không nhận. Và ta đã giải thích cho dân: vì thiếu gạo và muối mà họ phải giữ súng cho Pháp, nhưng không bắn lại bộ đội thì Chính phủ cho phép họ được tiếp tục giữ súng. Tên đội được ta cử đi để gọi cấp trên của hắn đến gặp cán bộ và bộ đội. Khi hắn quay lại thì bọn lính phỉ đi theo đã nổ súng về phía ta. Bộ đội ta không bắn trả mà rút lui khỏi bản an toàn. Sau việc này, nhân dân Đồng Quặng bảo nhau: Bộ đội thực lòng vào gặp dân, không bắn giết và thu súng của dân, bộ đội lại cho dân tự do đi chợ Trới để mua hàng, không ngăn cản như trước.

Sau mấy lần vũ trang tuyên truyền trong tháng 10 năm 1951, bộ đội đã bước đầu xây dựng được lòng tin với dân. Sau đó vài tháng, bộ đội ta lại vào gặp nhân dân ở rẻo cao và vũ trang tuyên truyền ở hai xã Thống Nhất và Lê Lợi.

Sau chiến dịch đường 18, bộ đội và du kích của đặc khu đã phục kích một số trận ở Bang, Trới, Sơn Dương, nhằm cắt đứt liên lạc giữa bọn phỉ ở rẻo cao với bọn Pháp ở huyện lỵ, diệt 38 tên phỉ người Thanh Phán, làm bị thương 10 tên, thu một súng máy, 26 súng trường.

Ngày 12 tháng 9 năm 1951, đại đội 23 và du kích Xích Thổ (Thống Nhất) phục kích ở Hẻm Tuốc. Sau đó hai đại đội 21, 23 đã đánh bọn dõng ở Sơn Dương và Lê Lợi đạt kết quả tốt.

Xã Bằng Cả bị địch càn phá liên tục nên ở đây chỉ còn chín, mười gia đình bám trụ ở lại. Nhờ có bộ đội về hỗ trợ, nhân dân đã trở về làm ăn đông hơn. Tháng 10 và tháng 11 năm 1951, bộ đội và du kích đã chống càn thắng lợi bốn trận ở Bằng Cả. Trong năm 1951, bộ đội và du kích Đặc khu Hồng Gai do khu đội trưởng Lý Văn Bài chỉ huy đã diệt và bắt 90 tên địch, làm bị thương 17 tên, thu sáu súng máy, 31 súng trường, 18 súng kíp.

Cùng với sự phục hồi phong trào cách mạng ở Hoành Bồ, ở huyện Cẩm Phả đầu năm 1951, phong trào cách mạng của quần chúng cũng phát triển đồng đều, toàn diện. Nhưng từ tháng 7 năm 1951 trở đi, do ta sơ hở địch đã nắm được các cơ sở và nơi đóng cơ quan của ta. Cuối năm 1951, giặc Pháp đã liên tiếp vây càn, đánh phá vào Cái Bầu, Vân Hải, Bình Dân, Hồng Thắng, Đoàn Kết, Cộng Hòa, Văn Châu để phá các cơ sở, hòng biến những nơi này thành các khu trắng. Hai xã Ngọc Vừng và Bản Sen là những nơi đông dân hất cũng bị địch dồn dân đi các nơi khác, để lại ở đây những cánh đồng hoang vắng và làng mạc tiêu điều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:09:33 pm »

4. Đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch, đưa chiến tranh nhân dân địa phương trên hai tỉnh Hải Ninh, Quảng Yên tiến lên những bước mới.

Sau chiến dịch Biên Giới, ranh giới giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm ở Hải Ninh đã hình thành rõ. Phía đường số 4, địch kiểm soát từ Phố Cũ đến Tiên Yên. Phía đường 10 lên Bình Liêu, chúng kiểm soát từ Đồng Và (Tiên Yên) trở xuống. Phía Sơn Khu, Hà Cối, Móng Cái, chúng kiểm soát từ Chúc Bài Sơn, Lục Phủ về phía đông.

Để tăng cường phòng ngự, địch đóng thêm các vị trí Đồng Và, Tằng Sắn Phềnh và tăng cường công sự ở những nơi chúng chiếm đóng. Để tiện huy động lực lượng ứng cứu ở vùng duyên hải, địch đặt phân khu quân sự Tiên Yên trực thuộc liên khu Hải Phòng và thành lập khu biên giới đông bắc để chỉ huy các lực lượng của Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái.

Trên vùng giáp giới giữa căn cứ của Hải Ninh và vùng địch tạm chiếm, chúng chỉ có một số ít vị trí lọt trong vùng rừng núi. Để bảo vệ vùng tạm chiếm, địch đã hình thành hành lang có lực lượng vũ trang phản động chạy từ Ba Chẽ đến Khe Lò với khu Phềnh Hồ nối vào khu Lý Sầy (Hà Cối) và dãy tháp canh từ Chúc Bài Sơn lên Tràng Vinh, Lục Phủ (Móng Cái).

Khi chiến dịch đường 18 mở, bọn giặc ở Hải Ninh đã càn liên tiếp trên tuyến giáp ranh. Từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1951, chúng càn bốn lượt với số quân từ 200 đến 1.000 tên. Có những trận hoàn toàn do bọn phỉ người Hoa trong Thanh niên đảng của Tưởng đảm nhiệm. Các điểm mà chúng càn mạnh là Châu Sơn, Bắc Lãng, Chúc Bài Sơn, Tràng Vinh.

Tỉnh ủy Hải Ninh đã phát động một đợt thi đua giết giặc lập công để phối hợp với chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh. Tỉnh đội trưởng Đặng Công Lệnh cùng với cơ quan tỉnh đội đã chuẩn bị chu đáo cho bộ đội ra quân.

Ngày 28 tháng 3 năm 1951, đại đội 54 (tiểu đoàn 20) và đại đội 35 (Đình Lập) cùng dân quân du kích Châu Sơn, Bắc Lãng chặn đánh 1.000 tên địch trên đường số 4, diệt 55 tên. Ngày 11 và 12 tháng 4 năm 1951, đại đội Móng Cái chặn đánh bọn phỉ (tàn quân của Tưởng), đại đội Hà Cối chặn đánh 300 tên giặc ở Chúc Bài Sơn. Ngày 16 tháng 4 năm 1951, đại đội Hà Cối phục kích một trung đội giặc ở Lang Khê. Qua ba trận đánh, ta diệt 17 tên. Ngày 19 tháng 4 năm 1951, đại đội Tiên Yên phục kích một toán quân địch đi càn Phong Dụ, diệt 60 tên ở bến đò Đông.



Du kích xã Phong Du (Tiên Yên) bảo vệ dân gặt lúa trong kháng chiến chống Pháp

Cơ sở của ta lúc này phát triển khá mạnh, lực lượng của ta có ở quanh Chúc Bài Sơn, Tràng Vinh. Cơ sở chính trị của ta khá phát triển từ các đảo phía bắc Vạn Hoa, Cái Chiên, Vĩnh Thực và ven theo biển Đầm Hà, Hà Cối tới Móng Cái, chạy dài bên tuyến chiếm đóng của quân ngụy Voòng A Sáng.

Sau chiến dịch đường 18, địch rút quân Âu – Phi ở Hải Ninh đi xây dựng lực lượng cơ động, còn hệ thống chiếm đóng ở địa phương thì hầu hết giao cho quân Voòng A Sáng, bọn dõng, bảo an. Bên cạnh đó, chúng tăng cường lực lượng biệt kích người dân tộc và hệ thống do thám, chỉ điểm để càn sục liên tục và phá vỡ cơ sở ở các thôn, xã. Ở Đầm Hà có hai đội biệt kích hoạt động ở Làng Ngang, Nà Pá, gồm 424 tên địch. Ở Hà Cối có hai đội ở Lý Sầy, Phềnh Hồ. Ở Tiên Yên có hai trung đội ở Khe Lò, Khe Tầu, Kiên Mộc, Pắc Xa. Các đội biệt kích này đều do sĩ quan phòng nhì của Pháp chỉ huy có nhiệm vụ vừa chống ta xâm nhập vùng ven, vừa để thâm nhập vào vùng căn cứ kháng chiến nhằm phá hoại và gây cơ sở phản động.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2017, 10:47:22 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM