Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:18:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tranphu341 - Đoàn bb Sông Lam - Trên chiến trường A - Phần 6  (Đọc 35879 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2017, 09:51:24 am »


                                                        NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG

                                                   HAY NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÓC.

   Thưa các bạn!

   Từ xưa, trong sách báo văn học cổ đến kim người ta thường hay nói đến giọt nước mắt đàn bà. Ít khi nào người ta nói về người đàn ông khóc. Phải chăng đàn bà ủy mỵ yếu đuối hay khóc, dễ khóc. Còn người đàn ông thì cứng cáp khô cằn ít thể hiện sự đau thương bằng nước mắt. Có câu tục ngữ: "Đàn ông con trai nước mắt chảy vào trong. Đàn bà con gái, nước mắt bong ra ngoài".

   Với tôi, trong đời quân ngũ được chứng kiến biết bao đau thương, bao khổ cực. Chứng kiến các đồng đội mình, nhất là các thế hệ đàn em của mình đổ máu hy sinh, chết không toàn thây do bom đạn thù mà ta thường nói" Thịt nát, xương tan". Có những trận chiến bi hùng không phải hàng chục, mà là hàng trăm người chết, máu đỏ thẫm đen trên màu xanh áo lính nhàu nát, thịt xương bét be hàng chục người cùng sỏi đất đựng chưa đầy cái mũ đội đầu. Đau thương vô tận, nhưng không hiểu sao chúng tôi không khóc. Không một ai khóc hay nói đúng ra không ai nhìn thấy giọt nước mắt nào của những đồng đội đang sống trong đau thương, đau thương đến tê dại ngỡ ngàng. Thưa các bạn thế mà có một lần trong đời tôi được gặp, được nhìn thấy người đàn ông khóc. Hình ảnh đó vẫn đọng mãi vẫn hiển hiện trong tôi đến tận bây giờ.

   Đó là một ngày của tháng 8 năm 1972. Chúng tôi hành quân chi viện cho Miền Nam. Đường hành quân từ Thủy Nguyên Hải Phòng, qua Nam Sách Hải Dương theo đường 1, vượt sông Hồng vào đêm mưa. Dừng chân tại ga Tía Thường Tín nghỉ 1 ngày rồi tối hôm sau được lên tàu hỏa, cái toa tàu thật " Sang trọng" gọi là " Toa đen" tới tận Ninh Bình. Sáng ra mặt ai cũng nhem nhuốc thật sự vì toa tầu chở than đen nhẻm. Nhưng với những người lính bộ binh thì được ngồi tầu mấy chục cây số cũng là oai, là giá trị lắm rồi.

   Tiếp tục từ Ninh Bình chúng tôi hành quân bộ rẽ vào con đường mang tên Nguyễn văn Trỗi qua khu vực đền đài Vua Đinh Bộ Lĩnh, chùa Bái Đính, qua rừng Cúc Phương. Qua nho Quan, Hậu Huyền, Bến Cát Kim Tân. Tại đây tôi được biết Kim Tân Thạch Thành là nơi tôi được ra đời. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi mà bố tôi xưa làm việc tại công binh xưởng sản xuất vũ khí của quân đội thời chống Pháp. Mẹ tôi tản cư theo công binh xưởng của bố tôi. Đi tiếp, đi tiếp một buổi chiều khi hành quân qua một khu vực có thành quách chung quanh. Có 2 con Rồng đá dài bị cụt đầu rồi qua 1 cổng thành lớn. Chúng tôi được  biết đây là di tích thành nhà Hồ. Tuổi đời của nó cũng đã gần ngàn năm.

   Đang ngỡ ngàng trong niềm vui được biết nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Rồi lại được qua những đền đài thành quách mà chưa bao giờ chúng tôi được biết. Nhìn sang bên đường, bất chợt tôi thấy một người đàn ông đang đứng khóc, khóc nức nở nhưng không thành tiếng. Ông mặc áo nâu đã bạc có mấy miếng vá. Cái quần cộc cũng màu nâu nhưng thẫm hơn. Cái nón ông đôi cũng thật cũ rách tua. Một tay ông cầm cái đòn gánh chống xuống đất đầu trên tựa vào vai, còn tay phải ông liên tục gạt nước mắt. Tôi vừa đi ngang qua thì ông cũng đã xỏ quang gánh có 2 cái rổ sảo không, chắc ông vừa gánh gì đó và trên đường đi về. Thấy bộ đội hành quân, nhìn những người lính 17 -18 đôi mươi rập rập cúi rạp hành quân hướng đường ra trận. Có thể ông cũng có con là lính. Thương nhớ con hay ông thấy những người lính trẻ đẹp thơ dại kia đang hành quân chi viện cho chiến trường mà ngày đi thì có còn ngày về mấy ai được. Rất nhiều, rất nhiều người đã mãi mãi không về. Sinh Bắc tử Nam. Ông thương con ông khóc. Ông thương chúng tôi ông khóc. Hay ông khóc do cuộc sống quá đau khổ vì chiến tranh triền miên đói rét cơ cực và bao điều nữa chúng tôi lúc đó không thể hiểu hết. Đi qua ông rồi mà không hiểu sao tôi vẫn quay lại nhìn ông, nhìn mãi nhìn mãi. Ông vẫn đi theo đoàn quân vẫn 1 tay để trên đòn gánh 1 tay cứ đưa lên quyệt nước mắt. Quyệt ngang giữa trời.

    Chiều muộn, tháng tám mưa dầm thật ảm đạm. Tiếng máy bay thù vẫn ì ầm và những tiếng bom nổ rền xa nơi cầu Chuối. Hình dáng người đàn ông khóc bên thành quách rêu phong buổi chiều hôm ấy. Hình ảnh đó cứ hiển hiện mãi trong tôi qua bao năm rồi mà vẫn như bức tranh trước mặt mới mãi, mới mãi. Có lẽ hình bóng bức tranh người đàn ông khóc chiều đó mãi theo tôi đến tận cuối đời.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Bảy, 2017, 10:03:59 am gửi bởi tranphu341 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #21 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2017, 08:07:59 am »

xuanv338 chào anh chủ đoàn bộ binh sông Lam anh hùng. Câu chuyện anh viết vào tháng 7 càng thêm xúc động. Đọc bài viết của anh Tranphu341 hôm nay sau lần cho xuất bản cuốn sách đầu tay. Cốt chuyện hay, phù hợp tâm trạng của tháng 7 về,  nhưng khác lạ, đọc văn anh hôm nay đúng là thay da đổi thịt. Câu từ chuẩn, cách diễn đạt chuyện như một nhà văn đích thực chứ không phải ông CCB từng đánh trận, không phải ông GĐ một công ty đang chiến đấu cam go không kém trên lĩnh vực thương trường. xuanv338 chúc mừng anh và nhân bài viết chích em kính chúc anh mạnh khỏe và thắng lợi trên mọi lĩnh vực. Cảm ơn Giangtvx đã Số hóa cuốn sách của anh làm người đọc thoải mái không phải ngắt đoạn chờ đọc.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2017, 08:22:13 am gửi bởi xuanv338 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2017, 01:31:33 pm »


          Chào xuanv338 chào các bạn!

          Như vậy là cô em xuanv338 khen nhiều khen nhiều quá làm ông anh nguy hiểm mất rồi. Tránh xa tránh xa nhé để đảm bảo an toàn cho mọi người chứ cứ đà khen này thì mũi của ông anh có nguy cơ vỡ mất đấy hi hi...Rất trân trọng cảm ơn xuanv338 cùng các bạn luôn ủng hộ Tranphu341 để có thể tiếp tục những câu chuyện đời lính còn đang rất dài!!!!

          Kính chúc xuanv338 cùng các bạn luôn mạnh khỏe cùng thật nhiều niềm vui cuộc sống!!!


           Tranphu341 xin kể lại 1 câu chuyện mà Tranphu341 vẫn cứ vẩn vơ nghĩ ngợi đến tận bậy giờ.


                                                                    Chuyện của tôi.

                                                                NHÁT BÚA SÁT SINH !

               
                  Thưa các bạn !
                 
                  Nhân chuyện lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn xảy ra sự cố đáng tiếc! Người chủ Trâu bị chính Ông Trâu húc chết. Về lễ hội chọi Trâu truyền thống này không biết có từ thời nào. Có thế xuất xứ từ Đồ Sơn Hải Phòng nhưng cho đến bây giờ thì rất nhiều tỉnh đều mong muốn được mở trường đấu Chọi Trâu, chọi bò, chọi chó.

                  Khó có thể luận bình được đúng sai cái thiện cái ác của lễ hội. Những con Trâu được chọn, được vỗ béo từ đầu năm không phải đi cầy bừa lao động gì cả mà mục đích duy nhất là chỉ để phục vụ cho mấy ngày lễ hội đang rất cuốn hút người xem. Cuộc đời Trâu chọi đâu có dài, vì dù Trâu thắng hay Trâu thua thì sau lễ hội cũng bị" Xử trảm". Riêng thịt Ông Trâu thắng cuộc thì được giá bán rất cao. Rồi các chủ Trâu lại lục tục dong duổi đi tìm những con Trâu mới có đủ tố chất cho mùa chọi mới.

                 Tục ngữ Việt và phong tục Việt rất quý trọng con Trâu. Đã có câu ca lưu truyền là: "Con Trâu là đầu cơ nghiệp". Nhưng hiện nay khi mọi văn minh nhân loại phát triển máy móc thay thế thì con Trâu không còn thật quý thật quan trọng như xưa nữa. Có dịp về các vùng thôn quê bây giờ mà nhìn thấy con Trâu con Bò cũng khó. Các bờ ruộng thì cỏ xanh tốt ngút ngàn chẳng bù cho ngày xưa khi mà con Trâu con Bò vẫ đang được coi là"đầu cơ nghiệp". Nhưng dù như vậy thì cái bản chất lương thiện và sự quý trọng con Trân con Bò trong chúng ta mỗi người dân chúng ta vẫn rất quý rất trọng chúng. Chiều chiều ven đê, nhìn những đàn Trâu, đàn Bò thong dong nhàn rỗi gặm cỏ, trên lưng có mấy em nhỏ cưỡi và ngân nga sáo trúc, tiếng sáo diều âm vang thì thấy cảnh thanh bình thật sự của làng quê. Hay những con Trâu nằm dưới khóm tre nhai cỏ sau một ngày làm việc ve vẩy cái đuôi đuổi ruồi đuổi muỗi, thế hệ mình ai mà chẳng nhớ. Vì vậy việc sau lễ hội tất cả những Ông Trâu thi đấu dù là thắng, dù là thua đều bị giết thì cũng làm cho nhiều người và báo chí đã không ít lần đàm luận vấn đề này.

              Nhớ lại Tết năm 1972 sang 1973. Đơn vị tôi đang hành quân vào Nam. Lúc đó Hiệp định Pa Ri đã được ký. Trong niềm vui lớn những ngày đầu ngừng chiến. Nhất là Tết cổ truyền kề cận. Tối tối trên trời đạn đỏ vạch đường được bắn lên như pháo hoa. Dọc đường hành quân tiếng hát"Việt Nam trên đường chúng ta đi" vang vang như nâng nhịp bước hành quân. Ngày 30 tết năm đó Tiểu đoàn 1 tôi nghỉ tại xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh. Dân ở đây thật nghèo nhưng cũng thật tình cảm. Trên thông báo mỗi đại đội được cấp 1 con Trâu ăn Tết. Đại đội 3 như vậy cũng có 1 con Trâu do hậu cần cấp. Con Trâu không to lắm. Mỗi trung đội cử 2 người đi giết Trâu. Tiểu đội 10 thì tôi được nhận nhiệm vụ đó. Toàn lính mới chỉ quen giết gà, giết chó hay cải thiện lươn cua ốc ếch, chứ giết Trâu thì chẳng ai đã từng. Đã sang chiều mà mọi người cứ lúng túng trong việc hành quyết. Người thì nói cho nó mấy phát AK nhưng lại sợ nếu bắn không chết ngay thì nó lồng lên húc rất nguy hiểm. Cứ loay hoay loay hoay bàn đi tính lại mà vẫn chưa có cách hành quyết.

              Nhớ lại hồi nhỏ tôi có được xem nơi lò mổ người ta giết trâu rất đơn giản chuyên nghiệp là chỉ cầm dây mũi Trâu thật chắc, hơi nâng đầu con Trâu lên. Rồi chỉ cần con dao nhỏ bằng 2 ngón tay dài khoảng 1 gang, dí đúng vào cái khoáy giữa 2 sừng rồi ấn mạnh xuống là Trâu năn ra ngay. Sau đó cắt chân, chọc tiết vv… Nhưng ở đây thì chẳng ai làm được như vậy. Ai cũng chỉ có con dao găm Liên xô mài sắc không thể làm theo họ được. Nghĩ ngợi 1 lúc tôi nói mọi người mượn cho tôi cái búa tạ. Rồi nói một đồng đội cầm dây mũi Trâu cho chắc. Tôi nhằm đúng khoáy Trâu giữa hai sừng vung búa lên đập xuống 1 nhát. Tay búa của tôi, người thợ cơ khí chuyên nghiệp đã trúng chỗ khoáy hiểm. Con trâu nằm năn ngay ra trong tiếng hò reo của mọi người. Thế rồi 4 đồng đội lao vào cắt 4 chân trâu, rồi tiếp những việc khác cũng khoảng 30 phút sau thì đã thấy rộn dã tiếng các trung đội nhận được thịt Trâu chia. Riêng tiểu tôi thì được đồng đội quản lý tặng thêm cho cái lưỡi vì tôi đã có công hạ sát con Trâu.

               Ngược với niềm vui của mọi người, sau nhát búa thấy Trâu ngã ra tứ chi đập đạp giẫy giẫy, tôi lại thật bần thần như mình có lỗi gì đó. Điều này, sự việc và nhát búa đó cứ đọng mãi trong tôi với sự ân hận sát sinh cho đến tận bây giờ.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2017, 03:11:32 pm »


             Nhân dịp ông Hun Sen thăm lại những vùng chiến địa xưa. Nhắc lại tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia và những giá trị của bộ đội tình nguyện. Phu TranPhu xin góp câu chuyện về những năm tháng sống chiến đấu tại đất Chùa Tháp.
Chuyện Tiểu ban Xăng xe Trung đoàn 273:

                                                            Mon sư hơi! - Mon sư hơi!

            Khoảng giữa năm 1980 khi mà tình hình chiến sự tại Campuchia dần tạm ổn. Đoàn văn công tổng cục chính trị sang tận nơi biểu diễn phục vụ cho bộ đội tình nguyện. Đoàn vào phục vụ tận những nơi đang còn là điểm nóng khó khăn gian khổ ác liệt như cua chữ V, Tà Sanh, Săm Lốp.

            Trung đoàn 273 đứng chân tại Huyện Muông Rư Xây Tỉnh Bát Tam Băng có nhiều thuận lợi hơn nên được đón tiếp đoàn lâu hơn. Trong đoàn văn công thời đó có đủ các nghệ sỹ ca sỹ có tên tuổi như Ca sỹ Lê Dung, Trung Đức, Bích Việt, Linh Nhâm, Đoàn Thọ vv… Ca Sỹ Lê Dung và Trung Đức lúc đó chưa được thành danh chưa có những thành công như sau này. Tiểu ban Xăng xe của Trung đoàn càng vui khi được các nghệ sỹ Trung Đức, Doãn Tần, Quang thọ trực tiếp cùng ở cùng ăn. Anh Vũ Thanh Giã là trưởng tiểu ban, anh Thắng kều, anh Hùng còi, Hùng béo, anh Rền toàn là những người vui nhộn cũng có khiếu về ca hát. Cũng hay bập bùng ghi ta theo bản nhạc nào đó. Từ khi anh em đoàn ca nhạc về ở cùng, Tiểu ban Xăng xe như là bị lây thêm cái chất điệu VĂN NGHỆ SỸ hay sao mà ai nói nói gì hay làm cái gì cũng phèng phèng dịp điệu đế vào như là nhạc đệm. Tiện cái gì thì vỗ vào cái ấy nào là thùng lương khô rỗng, nào là vung xoong cơm, nào là cờ lê mỏ lết va đập lung tung như dàn hợp xướng. Mọi người như đều thấy mình có khiếu âm nhạc, có khiếu sáng tác tiềm ẩn từ lâu đến bây giờ mới được bung ra thể hiện. Đến giờ ăn cơm, một ai đó xướng lên đi ăn cơm thôi là tất cả mọi người mọi âm thanh của dàn nhạc cụ Xăng xe được thúc lên hòa tấu. Vui vui, thật vui. Tiểu ban Xăng xe lúc nào cũng vui lúc nào cũng nhộn, lúc nào cũng đầy chất âm nhạc.

           Một chiều tôi cùng Sa Chơn trong đội công tác sang bên Tiểu bạn Xăng xe chơi. Thấy hai chị em cô gái. Cô chị khoảng 17-18 tuổi đứa em trai khoảng 10-12 tuổi gì đó. Cô chị đang cắp ở nách 1 con gà trống to. Hai chị em đang có ý trao đổi gì với anh em. Nhìn cách ăn mặc và dáng người gầy gò bẩn thỉu áo quần thì rách rưởi của 2 chị em tôi đoán là họ mới ở trong rừng ra họ có vẻ đang đói. Anh em Xăng xe thì cứ cao hứng gõ thùng lương khô và cái xong cơm phèng phèng, phèng phèng. Vừa gõ vừa hát chế theo bằng tiếng Cămpuchia: On ơi on ơi,( phènh phèng phèng) Mon sư hơi, mon sư hơi ( phèng phèng phèng) Hớp ót sa nganh, hớp ót sa nganh( Phèng phèng phèng)

          Nội dung là: (Em ơi em ơi, gà ốm rồi gà ốm rồi, ăn không ngon, ăn không ngon)Anh em đùa vui thật ngộ nghĩnh thái quá. Tôi để ý thì đúng là cái mào con gà đang bị tái. Không biết có phải vì mang đi xa hay gà bị bệnh thật. Hai chị em cô gái thì như sắp khóc. Anh em vẫn tiếp tục trêu đùa. Thấy vậy tôi đến hỏi han thì biết đúng là hai chị em mới ở trong rừng ra. Đang rất đói vì không có gạo. Mẹ ở cũng đang bị ốm đang tá túc tạm ở gần đơn vị chứ không có nhà. Tôi nói với anh em đừng trêu họ nữa. Có thể là họ nghèo thực nhưng cũng có thể là thủ đoạn trinh sát của bọn Pôn Pốt. Tôi hỏi họ đổi con gà lấy gì họ nói đổi lấy 5 non gạo.
Tôi nói anh em cho họ 10 non gạo và ít muối, ít bột ngọt rồi cho lại họ cả con gà. Rồi nói họ dẫn về chỗ mẹ xem xác minh xem có đúng không như họ nói không???

            Tôi xin cả một y tá đi cùng, đúng như lời họ nói. Được yta thăm bệnh cho thuốc, bà mẹ cô gái và mọi người rất cảm động biết ơn bộ đội và kể cho chúng tôi biết những tin tức về tình hình của bọn Pôn Pót trong rừng. Giúp cho đơn vị truy quyét rất hiệu quả. Góp phần xây dựng địa bạn huyện Muông Rư Xây nhanh chóng lớn mạnh được tặng thưởng huân chương và được ông Bí thư Đảng Căm Pu Chia Ben So Van về thăm.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 07:31:41 am »

                                                       Chuyện của tôi:

                                             MỘT BUỔI HỌP KIỂM ĐIỂM

                                                     CÔNG HAY TỘI


            Đó là vào khoảng trung tuần tháng 10 Năm 1972. Khi chúng tôi trong đội hình trung đoàn 36B, Sư đoàn 308B đang gấp rút luyện quân. Toàn trung đoàn đóng quân tại nhà dân kề cận theo phía Tây Nam của núi Ngàn Nưa Thanh Hóa. Dãy núi Ngàn Nưa chạy dài mấy huyện Như Xuân, Triệu Sơn. Yên Định, Nông Cống. Theo sử sách, ngày xưa Bà Triệu Thị Trinh cũng đã từng cưỡi voi  luyện quân tại đây để đánh giặc Ngô phương Bắc. Tiểu đoàn 1 của tôi đóng quân tại xã Phú Nhuận. Đại đội 3 tại thôn Bồng Sơn. Đối diện bên kia núi là Mỏ Cromit Cổ Định. Dân ở đây chủ yếu là Người Dân Tộc Mường Sinh sống. Chỉ có mấy gia đình người Kinh lên khai hoang có nền nhà đất. Còn toàn bộ là nhà sàn đặc trưng của dân tộc Mường.

           Những ngày tháng này, miền Bắc đang là đỉnh cao của cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của Đế quốc Mỹ. Chiến trường Miền Nam vẫn đang nóng bỏng sau cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi là đơn vị cơ động của bộ nên gấp gáp huấn luyện để tăng cường cho chiến trường đó. Ở đây không xa biển không xa trục đường 1 mấy, là vùng bán sơn địa không là trọng điểm bắn phá của máy bay. Tối tối lên đồi nhìn về hướng cầu Chuối bom thù rền vang. Đạn phòng không bắn lên trời như pháo hoa. Những trái pháo hạm từ biển bắn vào vẽ lên trời đêm đường bay cầu vồng rồi bùng nổ rất rõ.

            Bất ngờ một buổi chiều máy bay của Mỹ bay rất nhiều. Chúng cứ bay qua bay lại từng tốp, từng tốp bắn phá vào những cụm nhà ven núi. Rồi sáng hôm sau chúng lại bay đến nhiều hơn. Cả 1 vùng núi rừng yên tĩnh đột nhiên bị những tốp máy bay đủ loại gào thét. Chúng bắn rocskét, chúng bắn đạn 20 ly vào bất kỳ chỗ nào. Chúng thả cả bom cháy. Bom lân tinh vào khu vực dân cư của đại đội 1. Chúng tôi là lính bộ binh đang huấn luyện nên không có lệnh đánh máy bay mà chỉ phải xuống hầm tránh bom tránh đạn. Mọi người ngó nghiêng xem máy bay, đếm từng tốp máy bay quần đảo gào thét như đang tìm kiếm điều gì? Đã có nhiều người dân bị chết bị thương. Có gia đình đang ăn cơm buổi trưa bị trúng 1 quả Rocsket cả 3 mẹ con đều chết rất thương tâm. Đại đội 1 phải hành quân sơ tán. Đến chiều ngày thứ 2 tiểu đoàn điều 1 khẩu đội súng 12,7ly của đại đội 4 lên đồi để bắn máy bay . Triển khai xong trận địa, vừa bắn được mấy loạt thì bị chúng dập Rocsket và bắn đạn 20 ly cầy nát quả đồi. Hai đồng chí hy sinh 3 đồng chí bị thương. Đồng chí Uy trung đội trưởng quê Thanh Hóa, đồng chí Tính xạ thủ quê Hưng Hà Thái Bình hy sinh. Trong số bị thương còn có 1 đồng chí chính trị viên đại đội 1. Trên đường đi họp đảng ủy tiểu đoàn về ghé thăm khẩu đội.


             Máy bay của chúng vẫn làm chủ bầu trời. Chúng gầm thét quần đảo quanh khu vực đóng quân của trung đoàn nhưng tập trung là khu vực tiểu đoàn 1 mà không bị lực lượng phòng không nào bắn trả. Sang sáng ngày thứ 3. Chúng tôi vẫn ở nguyên vị tri, sẵn sàng đợi lệnh đi sơ tán. Mọi người phải xuống hầm hết. Đại đội tôi điều 1 khẩu trung liên của trung đội 1 lên đồi trực tiếp do trung đội phó Nguyễn Phi Yến chỉ huy sẵn sàng bắn máy bay. Tiếng đạn, tiếng bom, tiếng máy bay vẫn ầm ầm gào thét. Tiểu đội 10 xuống 2 hầm kèo chữ A. Xuống hầm nhưng tôi cứ nhoi ra ngoài nhìn đếm máy bay. Chúng bay rất thấp vẫn 2 chiếc một ào qua như bay sát ngọn tre. Thấy chúng bay thấp quá tôi nói anh Tấn tiểu đội phó: Để em bắn mấy loạt. Anh Tấn nói: Liệu có trúng không. Tôi nói: Nó bay thấp lắm nhìn rõ cả phi công.

             Vừa lúc đó thì lại thấy 2 chiếc khác lao tới. Tôi dương súng làm 2 loạt tằng tăng- tằng tằng. Anh Tấn hỏi có trúng không? Có thấy cháy không? Tôi chưa kịp trả lời thì nghe tiếng quát chửi của đại đội trưởng Nghẹ rất to . Đ.. mẹ mày bắn cái gì? Ai cho mày bắn? Ai cho mày bắn, lộ mục tiêu chết hết bây giờ. Nhìn rõ mặt ông đỏ phừng phừng rất hốt hoảng. Ông vơ luôn mấy cục đất sỏi đáp huỵch huỵch về phía tôi.

( Còn nữa)
Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2017, 09:40:09 am »

Thật lâu, hôm nay như (con dâu trốn mẹ chồng) viền thăm anh chị Phú Ngọc. Thật vui khi bộn bề công việc mà anh trai vẫn cập nhật đều đặn những thông điệp ghi nhớ một thời mãi nhớ. Thay mặt Vetran và con cháu em kính chúc anh chị và các con cháu mạnh giỏi thành đạt, cho em gửi lời chúc sức khỏe chị Xuanvui, anh chị Lập, anh chị Minh và các anh chị CCB f341 Thái Bình. Sang năm  Vetran vào tuổi "Lục thập hoa giáp" chúng em rảnh rang sẽ viền thăm các anh chị. Em xin chào.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #26 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2017, 10:32:47 am »


               Chào anhtho! Chào các bạn! Đúng là đã lâu mới lại thấy em trở lại trang nhà! Chắc mải mê lợn gà và rau sach đây mà!!! Chúc em cùng gia đình luôn nhiều niềm vui cuộc sống!

               Tranphu341 xin tiếp câu chuyện: Công hay tội.

           Tiếng bom đạn vẫn ầm ầm, ầm ầm. Rồi khói, khói trắng ở phía núi tràn về dầy đặc không ai nhìn thấy gì nữa. Khung cảnh thật ác liệt. Tiếng khẩu trung liên trên đồi tạch tạch, tạch tạch mấy loạt. Khoảng chục phút sau mới hết khói. Bom đạn ầm ầm nhưng có vẻ thưa dần, thưa dần không gắt như trước nữa. Tiếng máy bay xa dần xa dần, trời đất trở lại thanh bình như không có gì xẩy ra. Chúng tôi được lệnh ra khỏi hầm trở lại sinh hoạt bình thường. Các Trung đội trưởng và tiểu đội trưởng của tôi lên đại đội hội ý. Anh em tôi và mọi người thì vẫn sôi nổi bàn tán về sự việc máy bay mấy ngày qua. Anh Tấn thì nói bắn chán bỏ mẹ, nó bay thấp thế mà không trúng. Riêng tôi thì rất lo sẽ bị kỷ luật vì tự động bắn máy bay khi chưa được phép.

          Gần trưa anh Khoát mới đi họp về nói sơ bộ tình hình là mấy hôm nay máy bay bay ở khu vực này nhiều là vì chúng cứu phi công nhảy dù xuống vùng núi Nưa. Chúng tìm kiếm bắn phá suốt 3 ngày. Lúc sáng khi nghe tiếng nổ nhiều và khói là chúng đưa máy bay trực thăng từ biển vào. Tiếng nổ nhiều là đạn giấy chỉ có tiếng nổ lừa mọi người, khói để che mắt đối phương. Cùng lúc máy bay trực thăng thả thang dây cứu được tên phi công. Anh khoát nói thêm: Chiều nay chúng ta họp rút kinh nghiệm việc phòng tránh máy bay và kiểm điểm đồng chí Phú đã tự động bắn máy bay khi không có lệnh.

           Tiểu đội 10 là tiểu đội hỏa lực thuộc đại đội bộ binh. Quân số đủ là 12 người trang bị 2 súng B41, hai súng cối 61 ly. Về kỹ năng và kỹ thuật đòi hỏi sử dụng ống kính quang học để bắn súng B41 và ống kính quang học và phần tử liều bắn thước đo ly giác vv.. cũng giống như là pháo binh mặc dù đây là loại "Pháo tép" nên tiểu đội 10 được yêu tiên những đồng chí có trình độ văn hóa cao. Chất lượng văn hóa của tiểu đội tôi cụ thể như sau: Tiểu đội trưởng là đồng chí Nguyễn đăng Khoát sinh viên Lâm nghiệp, Tiểu đội phó 1 là anh Nguyễn Tấn giảng viên trường cao đẳng sư phạm 10+3. Tiểu đội phó 2 là anh Nguyễn Thỉnh giáo viên cấp 3 dạy Nga văn. Ngoài chiến sỹ còn có anh Lê Văn Thê là giáo viên văn cấp 3. Anh Ứơc anh Hoàn giáo viên cấp 2. Công nhân kỹ thuật có 3 người Tôi và anh Nguyễn Duy Đôi, anh Nguyễn văn Chính. Còn mấy anh em khác đều là có trình độ văn hóa cấp 3.

           Buổi chiều khi bắt đầu vào buổi họp, sau nhận xét nói chung sang phần kiểm điểm tôi về ý thức kỷ luật khi không có lệnh đã tự động nổ súng. Rất nguy hiểm khi làm lộ bí mật gây thương vong cho mọi người vv… Phê bình anh gắt nhất là anh Lê văn Thê. Anh là giáo viên văn gốc quê Quảng Trị nên rất nhiều lý luận để quy kết hành động vô kỷ luật của tôi. Nhất là sau này vào chiến đấu ở chiến trường anh nâng quan điểm như vậy.

              Anh Thỉnh và anh Tấn thì có ý bênh tôi vì cho là tôi có vi phạm bắn máy bay khi không có lệnh nhưng lại là hành động dũng cảm . Mọi người xuống hầm thì tôi lại đứng lên dương súng bắn máy bay. Hành động dũng cảm đáng khen ngợi. Cứ thế cứ thế, cứ 2 dòng lý luận của các anh đều là những người có trình độ, thành ra trong buổi họp hình thành 2 phe. Một phe thì yêu cầu kỷ luật tôi nặng là cảnh cáo. Một phe thì đề nghị có kỷ luật nhưng nên có khen thưởng. Chẳng phe nào thắng lý luận phe nào. Đến lúc tranh luận nhau căng quá đồng chí tiểu đội trưởng xin biểu quyết kỷ luật tôi, thì anh Tấn xin phát biểu câu cuối thế này:

             Nếu như hôm qua mà đồng chí Phú bắn máy bay mà rơi. Tiểu đội, đại đội ta được thưởng 1 con trâu hay 1 con bò. Liệu giết trâu, giết bò liên hoan tôi hỏi các đồng chí có ăn không??? Hồi đó mỗi đơn vị hay địa phương nào bắn rơi máy bay thì đều được thưởng huân chương và hiện vật là 1 con trâu hay 1 con bò. Nên có bài hát chế các Cụ dân quân Hàm Rồng là: "Huân chương không lấy đâu, các Cụ chỉ nhận con trâu dễ chia".

            Sau câu hỏi của anh Tấn mọi người ngẩn người im lặng cùng phá ra cười. Rồi cũng không thể kết luận được tôi là có công hay có tội nữa Huh  Ba ngày hôm sau cấp trên có thông báo về việc Máy bay cứu phi công. Chúng đã cứu được phi công nhưng có 1 chiếc máy bị thương bay ra biển thì rơi. Chúng ta và huyện đội đã rất thiếu kinh nghiệm để chúng đưa máy bay trực thăng vào tận sâu trong đất liền cứu thành công viên phi công nhẩy dù xuống đó mấy ngày trước.

Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #27 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2017, 05:40:40 pm »

xuanv338 chào anh chủ topic đoàn Bộ bình sông Lam anh Hùng. Câu chuyện mà xuanv338 đã được nghe anh kể hôm tới Bến Sung. Đố là một dũng khí tuổi trẻ thời đánh giặc. Kỷ niệm núi Ngàn Nưa sẽ còn mãi đọng trong ký ức của người lính 308B quê lúa. Công, tội ngang nhau he..he...
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #28 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2017, 01:34:58 pm »

Chào anh Trần Phú, chào chị Xuân cùng các anh các chị, các bạn đồng niên. longtrec em vào mong tiếp tục được đọc những câu chuyện, những dòng ký ức của anh TP mà không thấy. Em nghĩ anh bận nhiều việc chứ ký ức của anh trong chiến trang chống Mỹ còn hầu như nguyên trạng. Anh mới chỉ đang viết vòng ngoài. Rất mong anh bớt chút thời gian giao lưu với anh em, cùng các độc giả.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2017, 10:11:13 am »


          Chào xuanv338, chào Longtrec!Chào các bạn!!!

          Rất vui các bạn tôi vẫn theo dõi vẫn đến thăm nhà! Đúng ra dự định tôi đang còn nhiều. Đang muốn viết thật nhiều viết hết những gì cơ bản của đời lính đã trải qua 2 cuộc chiến mười mấy năm. Vữa rồi đúng là mình mới hoàn thành được phần kể của cuộc chiến biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Đang viết dở thời bắt đầu nhập ngũ Phần 5. Mãi mà chưa xong được cũng vì nhiều lý do. Song Tranphu341 cũng vẫn phải hoàn thành tuy bị chậm hi hi... Mấy dịp này lại hay viết các mẩu chuyện và lớp lính thế hệ Vàng 1978 Hà Nội Hải Phòng. Họ thật sự là những lớp người cần phải ca ngợi. Cần phải tôn vinh xứng đáng.

          Mấy hôm nay trang mạng: vvin vvin việt nam - Họ đang tổ chức đọc bài viết của Tranphu341 từ đầu. Nên mải nghe đọc lại và anh em gọi giao lưu nhiều. Nghe đọc lại cũng sống lại rất vui. Nếu có điều kiện các bạn nên nghe đọc. Trước khi đi ngủ cũng rất thích.

          Đường linh bài 1 đây:

          https://www.youtube.com/watch?v=fYgpaZBIPg8&list=PL4l9KtZCNZkvObthNDL9cGKJQFw64cisT

         Chúc xuanv338 , Longtrec cùng các bạn luôn nhiều niềm vui cuộc sống! Hen gặp nhé !!!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM