Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 03:29:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tranphu341 - Đoàn bb Sông Lam - Trên chiến trường A - Phần 6  (Đọc 36276 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #110 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 02:52:15 pm »


          Sau khi ăn cơm chiều, các tổ ba người lại họp để kiểm điểm công việc như hành quân rèn luyện, lao động giúp dân, bầu và đề nghị biểu dương cấp tiểu đội, cấp trung đội, cấp đại đội. Tôi được anh em đề nghị biểu dương cấp trung đội. Bẩy giờ tối, chuẩn bị đi họp trung đội thì anh Hạ đến thông báo với tôi là đã đến nhà gặp bố mẹ tôi và chuyển thư của tôi. Anh Hạ nói, bố mẹ tôi rất vui vì đã biết được nơi đóng quân của tôi và nói anh Hạ là khoảng một hai ngày nữa bố mẹ sẽ đi thăm tôi. Mọi người lục tục ra sân kho họp trung đội, lại vẫn thủ tục như mọi lần, là phải điểm danh kiểm tra quân số, nhất là kiểm tra các đồng chí được về thăm nhà có mặt đúng hẹn không. Rồi đồng chí Loan quản ca bắt điệu cho anh em hát bài: “Vì nhân dân quên mình” tiếp theo là bài hát: “Giải phóng miền Nam”, “Tiến bước dưới quân kỳ”. Sau ba bài hát, đồng chí Đởn trung đội trưởng lên chủ trì cuộc họp. Đầu tiên vẫn là bài “giáo huấn” về tình hình chiến sự ở miền Nam, khu vực Quảng Trị. Số máy bay địch bị bắn rơi, số phi công Mỹ bị bắt sống ở miền Bắc. Sơ qua về tình hình thế giới, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ ta. Đặc biệt ngay tại nước Mỹ cũng đã có những cuộc biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tiếp đến là nhận xét về ý thức kỷ luật và những điểm mạnh, điểm yếu của trung đội, những cá nhân tích cực và những người chậm chạp thiếu ý thức v.v…
          Sau khoảng một giờ vòng vo diễn thuyết quá quen thuộc, trung đội trưởng đọc danh sách biểu dương các cá nhân mà các tiểu đội bình bầu đưa lên. Tiểu đội tôi được bình chọn là tiểu đội khá nhất, có đến hàng chục người được biểu dương là ý thức tốt, gương mẫu trong học tập và huấn luyện. Tiếp đến là trung đội trưởng phổ biến kế hoạch học tập huấn luyện của tuần tới. Đúng 21 giờ thì cuộc họp giải tán, mọi người ra về, anh Thỉnh phân công gác tối. Tôi rất vui vì biết tin bố mẹ sắp đến thăm. Chị chủ nhà nói: Chú Phú thích nhé, sắp được bố mẹ lên thăm! Tôi ngồi hút thuốc chuyện trò với anh chị chủ một lúc rồi đi ngủ. Trời thật nóng nực, ở đây đâu có điện mà có quạt máy. Ở nhà bố tôi sáng chế lấy cái điamo phát điện của xe đạp rồi làm cái cánh nhỏ bằng phim x-quang, hay bằng nhuôm mỏng lắp vào đầu, mỗi giường treo một cái giữa đình màn. Khi cắm điện xong là phải lấy tay búng búng khởi động, cái quạt mới quay. Có hôm búng khởi động mỏi cả tay mà quạt cũng chẳng chịu quay do điện yếu. Vì nó dùng điện một chiều có 6 von, phải quấn cái biến áp từ điện 220 von xuống, thời đó không phải ai cũng làm được. Nhưng những cái quạt như vậy ngủ đêm cũng rất là lý tưởng, là mát lắm rồi, không phải phành phạch quạt nan, quạt mo cau nữa. Về sau cái quạt bằng củ điện này được nhân rộng ra nhiều nhà dùng rất hữu ích.
          Thế rồi tôi cũng ngủ thiếp đi mặc dù trời rất nóng, đến hai giờ đêm thì Thắng gọi tôi dậy gác. Tôi bật dậy ra ngoài khoác khẩu AK báng gấp không đạn và cái đồng hồ Pôn-jốt của anh Thỉnh cho mượn để biết giờ. Tôi lấy nước rửa mặt, ngoài sân có gió, sương đêm xuống mát mẻ dễ chịu. Trời đầy sao, hôm nay không có trăng, xa xa phía Hải Phòng có tiếng bom nổ rền như sấm. Mấy hôm nay máy bay Mỹ ném bom nhiều lắm. Hình như chúng tăng cường kết hợp với chiến trường miền Nam hay sao ấy. Ngày nào cũng có bản tin nơi này bị đánh bom, nơi kia bị đánh bom và những thành tích của quân dân ta bắn hạ máy bay Mỹ, bắt sống phi công. Đến nay cả miền Bắc đã bắn rơi trên ba ngàn chiếc rồi, mà sao chúng nó nhiều máy bay, nhiều bom nhiều đạn thế không biết. Chúng vẫn say máu tăng cường tập trung đánh phá rất mạnh tại các thành phố lớn với mật độ và sự ác liệt cao hơn. Chúng dọa sẽ dùng cả pháo đài bay B52 ném bom san phẳng Hà Nội và các thành phố, bắt dân ta trở lại thời kỳ đồ đá. Nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố thị xã phải triệt để đi sơ tán. Hồi này chúng dùng loại bom gì mà hiệu quả hơn đợt trước. Nhiều cây cầu, nhiều trọng điểm mấy năm trước chúng đánh phá mãi không trúng, mà đợt này đều bị trúng bom, trúng tên lửa. Tôi khoác súng đi lòng vòng trong các ngõ xóm, vai khoác súng, mồm thì hút thuốc lá liên tục cho đỡ buồn ngủ, làng xóm thật yên tĩnh, mọi người đang chìm vào giấc ngủ sâu. Tôi là thanh niên thị xã không đến nỗi quá vất vả, không thức khuya dậy sớm như nhà nông. Duy nhất có một lần mà cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thức trọn một đêm, ấy là dịp xí nghiệp phát động tăng ca làm thêm giờ để kịp tiến độ hạ thủy tầu phục vụ quốc phòng. Làm đến giữa đêm được công đoàn mang cho một nắm xôi bồi dưỡng. Nhớ lại cái dấu ấn sâu sắc đầu đời thức đêm, còn bây giờ đời bộ đội không biết sẽ phải thức, phải gác bao đêm đây.
          Tôi vòng về đầu ngõ, xem đồng hồ thì đã hơn 3 giờ. Đã hết phiên gác, tôi vào nhà lay gọi Văn, Văn dậy, ú ớ giọng ngái ngủ hỏi: Đã tới lượt em rồi cơ à? Các anh có vặn đồng hồ nhanh lên không đấy? Tôi cười nói: Ơ, cái cậu này, các anh mà lại làm thế à? Anh gác quá cho chú 10 phút rồi đấy. Văn nói giọng tỉnh hẳn: Thế ạ! Em cảm ơn. Tôi chui vào màn ngủ tiếp, giấc ngủ thật ngon. Tiếng còi thúc dậy tập thể dục, ngày mới lại bắt đầu. Nhớ lời anh Hạ nói bố mẹ tôi mấy ngày nữa đến thăm làm tôi háo hức chờ đợi, thứ hai rồi thứ ba. Tôi đoán bố tôi phải đi làm, vậy có khi chủ nhật mới đến thăm tôi được. Buổi trưa ngày thứ tư, sau khi đi tập về thật bất ngờ tôi thấy bố mẹ tôi, chị Phương và cả anh Hải, người đang đặt vấn đề cưới chị Loan đang ngồi nói chuyện với chị chủ nhà.
           Chị Loan là chị thứ hai của tôi làm y tá trên huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Chị rất thiệt thòi vì anh chị em tôi đông, nên học hết lớp ba chị đã phải ở nhà để bế các em giúp gia đình. Một hai năm sau, chị theo học bổ túc văn hóa buổi tối tại xí nghiệp ô tô nơi bố tôi làm việc. Hết chương trình lớp bẩy, chị xin đi học lớp y tá 18 tháng, học xong thì chị cùng cả lớp được điều động lên công tác tận các tỉnh vùng cao. Chị được phân công về bệnh viện huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Anh Đào Quang Hải quê xã Vũ Đông, Kiến Xương, Thái Bình đang công tác tại phòng nông nghiệp huyện, là Đảng ủy viên huyện Hoàng Su Phì, anh chị gặp và yêu nhau. Năm 1971 chị được nghỉ phép, tôi cũng xin nghỉ phép lên Hà Giang cùng chị, nên tôi cũng đã gặp anh Hải.
           Bố mẹ tôi rất mừng khi thấy tôi đi tập về trong trang bị bộ đội súng đạn thật lạ mắt. Mẹ tôi cứ nhìn ngắm tôi chăm chăm. Mẹ cầm tay tôi không nói gì mà hai dòng nước mắt chảy trên má, mẹ khóc. Còn chị gái thì luôn cười, chị rất gầy yếu nhưng lại là người có nghị lực, chị làm kế toán hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Chị gần như là đứng sau mẹ tôi lo toan cho gia đình, cho các em, chị chỉ hơn tôi năm tuổi thế mà lúc tôi mười, mười một tuổi chị vẫn bắt tôi cởi truồng để chị tắm rửa. Trong khi tôi thì rất ngượng, còn chị thì kỳ cọ cho tôi thật chi li, vừa kỳ vừa chê tôi bẩn, chị còn nói vui là: Bẩn như thế này thì lớn lên con gái nó chê, đứa nào chịu lấy mày.
          Anh chị chủ nhà rất vui, chị kể về tôi nhiều, khen tôi đủ đường. Tôi tháo trang bị trên người rồi ngồi nói chuyện. Anh Thỉnh giục Thắng, Văn đi lấy cơm. Chị chủ thì nói: Tôi nấu cả cơm cho ông bà và anh chị chú rồi, các chú đi lấy cơm về rồi ngồi ăn chung cả cho vui. Chị tôi nói: Cảm ơn chị, chị không phải nấu thêm cơm đâu, nhà em có cơm nắm và thịt gà kho đây rồi. Bố tôi cũng rất vui vì ngày trước ông đã từng ở vùng này mấy năm khi xí nghiệp ông sơ tán về đây. Ông hỏi thăm gia đình người nọ người kia. Anh Hải thì cứ nhìn ngắm khẩu AK báng gấp anh nói: Cậu được trang bị khẩu súng đẹp thế, súng này chắc của Đức chế tạo? Tôi nói: Đây là loại súng của Liên-xô nhưng Trung Quốc sản xuất, báng súng gập được dùng cho bộ đội trinh sát nó gọn và tiện. Bố tôi cũng nhìn khẩu súng và nói: Được bắn mấy phát khẩu này thì thích lắm. Ông trước kia là bộ đội sản xuất về súng đạn của Quân khu Tả ngạn nên ông hiểu nhiều về kỹ thuật súng, chế tạo súng đạn. Khoảng chục năm trước, ông còn làm một khẩu súng nhỏ như súng ám sát, giống như cái bút máy cài ở ngực bắn bằng loại đạn Toz8. Ông kể ngày xưa ở công binh xưởng, ông sản xuất nhiều loại này cho bộ đội. Ông tham gia tự vệ xí nghiệp, lúc nào cũng đeo khẩu súng trường K44 để bắn máy bay. Những lần đi thi bắn đạn thật của tự vệ xí nghiệp, ông đều đạt thành tích cao nhất. Tôi còn nhớ một lần máy bay Mỹ vừa bay qua, ông cứ xuýt xoa là từ trong nhà chạy ra chậm không kịp bắn. Ông chửi: Mả cha nó bay nhanh thật, vừa nghe tiếng ào ào nó đã bay qua rồi. Ông chỉ một cành xoan xa xa nói: Để tao bắn thông nòng một phát. Ông nhằm và đoàng… cái cành xoan nhỏ vỡ toác.
         Anh em lấy cơm về, anh Thỉnh ý tứ chia lại phần cơm và phần thức ăn của tôi ở lại cùng ăn với gia đình, còn mọi người sang nhà bên cạnh ăn cơm. Chị tôi cũng lấy ra hai nắm cơm to, gói thịt gà kho rồi nói chị chủ cho mượn dao thái cơm nắm. Chị chủ nhanh nhẹn sắp cơm, vừa sắp cơm chị vừa nói: Hôm nay mời ông bà và anh chị ăn bữa cơm quê với nhà em, có cá vụn kho cùng tép và canh rau tập tàng nhé. Bữa cơm đạm bạc mà thật vui. Sau bữa cơm, tôi và mọi người ngồi uống nước chè xanh nói chuyện. Tôi hỏi thăm bố về tình hình xí nghiệp. Bố tôi nói: Mày đi bộ đội ai cũng tiếc, có mấy việc khó có đứa nào làm được đâu, lại phải mang ra tận Hải Phòng mới làm được, có người còn nói đề nghị xin mày về. Nhưng ông Đảng tổ chức nói Phú là trường hợp đặc biệt, nên tỉnh yêu cầu đồng chí Phú nhập ngũ, để không ảnh hưởng đến phong trào tuyển quân của tỉnh nên không sao được. Ông nói thêm, tình hình bây giờ căng lắm, tỉnh thông báo xí nghiệp đóng tầu là mục tiêu đánh phá của máy bay, nên bây giờ chỗ nào cũng phải đào tăng-xê. Máy bay bay qua, bay lại nhiều như là nó trinh sát ấy. Gần đấy, bộ đội đã kéo mấy khẩu pháo cao xạ 37 ly về để sẵn sàng bắn máy bay, còn có cả bóng khinh khí cầu rất to màu đỏ, có dây neo giữ như dây diều ấy, để đón máy bay bay thấp va vào sẽ bùng cháy, dân gần xí nghiệp cũng phải đi sơ tán cả.
       Bố tôi nói thêm, tôi đi được chục ngày là xí nghiệp bị máy bay đến ném bom rất ác liệt. Có quả bom rơi trúng ngay vào cái nhà tôi ở, làm chết và bị thương mấy người. Mọi người nói tôi đi bộ đội có khi lại may chứ ở lại thì không biết thế nào mà lần. Như vậy về việc bom đạn tôi đã hai lần gặp may. Năm 1965 lúc còn đang học lớp 5, bom Mỹ thả xuống khu vực trường Đảng trước cửa nhà tôi. Một quả bom không nổ gần ngay chỗ mẹ tôi nằm. Còn tôi và chị Tiệp hàng xóm chui nằm dưới gầm giường, bom nổ chấn động mạnh làm bức tường gạch xây giữa hai nhà đổ sập. Rất may nó lại đổ sang nhà bên cạnh chứ đổ sang nhà tôi thì hai chị em bị tường đè chết. Bố tôi kể thêm, cùng hôm nó đánh phá xí nghiệp, thị xã cũng bị đánh bom ác lắm, nhiều người chết lắm. Mẹ, chị Phương và em Lộc cũng suýt chết vì bom hôm đó. Ông Cúc trưởng ty Kiến trúc, chồng cô Cúc bạn mẹ cũng bị chết. Ông Vận là dân quân, bảo vệ khu phố An Tập bị bom phạt vào cổ mãi chiều tối mới tìm được đầu để mai táng.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #111 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 02:54:07 pm »


         Anh Thỉnh cùng Văn, Thắng cũng về góp chuyện. Chuyện trò một lúc đã thấy còi báo đi tập chiều. Tôi nói: Bố mẹ, chị và anh Hải đi về thôi, tới giờ con phải đi tập rồi, con không nghỉ được. Chị tôi lấy mấy bao thuốc lá Tam Đảo cho tôi. Mẹ tôi cho tiền nhưng tôi cương quyết không nhận, tôi nói: Con lấy thuốc lá của chị, tiền con còn, ở đây có tiêu gì đâu, con cảm ơn mẹ. Tôi biết nhà tôi đông các em, nên kinh tế của gia đình còn khó khăn lắm. Mẹ cầm tay tôi, khóc và nói: Cẩn thận con nhé, giữ gìn sức khỏe cho tốt. Tôi nói: Mẹ yên tâm đi, đừng lo cho con mẹ ạ. Tôi chuẩn bị trang bị đi tập, trong khi mọi người cũng chuẩn bị về. Thương nhớ bố mẹ, nhớ chị vô cùng nhưng tôi cũng không muốn có sự bịn rịn chia tay lâu, nên giục mọi người về. Bố tôi nói: Mày còn ở đây, mấy ngày nữa bố lại lên. Tôi nói: Bố đừng lên nữa, hồi này nắng nôi, đường xa đi lại vất vả lắm. Tôi tiễn mọi người tới đầu ngõ rồi chạy theo anh em ra bãi tập. Trời vẫn nắng gắt, vào tập nhưng trong tôi thì bề bộn với bao suy nghĩ. Cũng không thể ngờ rằng đây là chuyến thăm tôi duy nhất của bố mẹ, vì mấy ngày sau chúng tôi di chuyển đóng quân ở nơi khác.
          Đúng là gần đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, ngày tết cổ truyền Đoan Ngọ. Dân gian hay gọi là “lễ giết sâu bọ” thì đại đội chúng tôi di chuyển về đóng quân tại xã An Châu cũng thuộc huyện Tiên Hưng cách đây khoảng ba ki-lô-mét. Lệnh di chuyển thật đột ngột. Anh chị chủ nhà rất buồn khi chúng tôi không ở đây nữa, anh chủ nhà không nói gì, các cháu thì òa khóc, chị chủ nhà nói: Sắp đến ngày “giết sâu bọ” rồi mà các chú phải đi, nếu đóng quân gần thì các chú nhớ về nhé anh chị nấu chè để phần các chú đấy.
        Chúng tôi hành quân băng qua mấy cánh đồng thì tới nơi ở mới. Mấy anh em tôi vẫn được ở cùng nhau, ở nhà một bà mẹ khoảng 50 tuổi sống độc thân. Không biết lý do gì mà bà chỉ sống có một mình, tôi chưa kịp tìm hiểu. Nhà có năm gian lợp ngói ta, sân gạch rộng, bể nước xây to, giếng nước, vườn tược nhà cửa gọn gàng sạch sẽ. Liên lạc trung đội xuống báo anh Thỉnh đi hội ý. Lúc sau anh Thỉnh về phổ biến kế hoạch học tập huấn luyện tại nơi ở mới. Sáng mai sau báo thức mọi người không tập thể dục mà dậy làm vệ sinh nhà, ngõ quanh nơi ở của mình. Bà mẹ hỏi chúng tôi có mấy người rồi chỉ và hướng dẫn nơi vệ sinh, nơi tắm rửa rồi vào buồng đi nghỉ. Bà như có tâm trạng gì đó không vui, không xởi lởi như chị chủ nơi ở cũ. Sau này tìm hiểu chúng tôi được biết hồi cải cách ruộng đất 1955 gia đình bà bị quy là thành phần trung nông lớp trên, bị thu một số tài sản. Chồng bà buồn bực bỏ nhà, bỏ làng ra đi biệt tích. Bà có hai người con nhưng ốm đau sao đó rồi mất cả. Sáng hôm sau chúng tôi dậy làm vệ sinh nhà cửa thôn xóm như kế hoạch, làm xong thì liên lạc xuống báo và dẫn đi lấy cơm sáng. Hôm nay tôi đi lấy cơm cho anh em. Bếp ăn của đại đội ở đầu sân kho hợp tác. Mọi việc như là có chuẩn bị từ trước không có vẻ gì là nơi mới. Giọng ông Sung đại đội phó oang oang chỉ huy việc chia cơm buổi sáng. Có mấy bộ đội nữ trông xinh đẹp trẻ măng cũng thấy vui vui. Tôi gặp cả cô Nhì quản lý nữa, vẫn trong bộ quân phục nữ, nhìn tôi cô nói: Sao từ ngày nhập ngũ, bây giờ mới thấy đồng chí đi lấy cơm? Tôi cười nói là không hiểu sao anh em toàn tranh nhau đi lấy cơm, họ không cho tôi đi, bây giờ tôi mới hiểu hóa ra tranh nhau đi lấy cơm để được ngắm các chị nuôi xinh đẹp. Cô Nhì nói: A, đồng chí bộ đội dân thị xã này khéo nói nhỉ! Rồi ngúng nguẩy nhìn tôi với ánh mắt rất thân thiện.
           Đến giờ đi tập, vẫn trang bị như vậy, anh Thỉnh dẫn ra nơi tập trung của trung đội. Sau khi điểm danh, cả trung đội di chuyển ra bãi tập. Nơi tập là dược mạ đã được nhổ hết ở ngay bên phải đầu làng. Phía bên trái có cây muỗm rất to, có sân kho rộng lát gạch và có cả một nhà mái ngói năm gian treo biển hợp tác xã mua bán xã An Châu. Tôi thấy cảnh trí nơi đây cũng đẹp, cái cửa hàng hợp tác xã mua bán cũng là điểm hấp dẫn tò mò của mọi người. Hôm nay theo kế hoạch, chúng tôi tập xạ kích buổi sáng, buổi chiều học khoa mục mới là lăn-lê-bò-toài-đi khom. Nơi tập mới, thao trường chưa có bệ bắn, trung đội cử người đi đắp bệ bắn và cắm bia số 4. Cánh đồng đã gặt hết lúa nên tìm thao trường xạ kích rất thuận lợi, chỉ mỗi cái là nắng to, không có bóng cây nào lợi dụng, nên anh em phải nằm tập bắn ngoài trời nắng.
        Đầu giờ chiều học khoa mục mới, các kỹ thuật lăn-lê-bò-toài-đi khom. Trung đội trưởng Đởn trực tiếp giảng khoa mục này. Sau khi đã hô khẩu lệnh cho trung đội đứng vào hàng lối. Đứng trước hàng quân, trung đội trưởng hô: Nghiêm! Khoa mục: Các kỹ thuật vận động di chuyển ở chiến trường. Cụ thể là kỹ thuật: Lăn-lê- bò-toài-đi khom-chạy khom, các đồng chí nghỉ. Sau đó anh giảng giải: Chúng ta học khoa mục này là để người chiến sỹ khi ở chiến trường ứng dụng trong chiến đấu, giảm sát thương khi vận động, chiếm lĩnh áp sát tiếp cận mục tiêu, tránh làn đạn của địch, giữ bí mật tạo thời cơ bất ngờ tiêu diệt địch. Sau khi giảng xong về phần lý thuyết khoa mục, trực tiếp trung đội trưởng làm động tác mẫu. Đầu tiên là động tác bò, có hai loại bò: Bò thấp, bò cao. Đi khom cũng có hai loại: Đi khom thấp, đi khom cao, chạy khom cũng vậy. Rồi sang động tác lăn, động tác lê. Trung đội trưởng chắc đã huấn luyện nhiều đợt lính nên các động tác thật thuần thục, không ngại gì nền đất ẩm bẩn, anh nằm ngay xuống làm các động tác mẫu. Xong các động tác mẫu anh đứng dậy, quần áo lấm lem bùn đất, làm lính mới chúng tôi thật sự e ngại khi phải tập các động tác này.
         Trời nắng gắt, học động tác cơ bản nên mới đầu các trang bị (trừ súng) tạm thời không đeo vào người. Chỗ đứng tập hợp và cũng là làm nơi xuất phát cách khoảng 40 mét có rặng tre thấp nơi bờ ao, lấy đó làm đích cho việc tập các động tác trên. Từng tiểu đội duy trì việc tập. Mới đầu mọi người còn e ngại bẩn quần áo, nhưng sau khi đã bẩn rồi thì không ai quan tâm đến sạch bẩn nữa, mà chỉ quan tâm đến cái đích là khóm tre để có bóng mát ngồi nghỉ. Đơn giản là bò mà mọi người tập theo cũng khó, nhiều anh em bò lổm ngổm không đúng động tác trông thật buồn cười. Trung đội trưởng liên tục hô thấp cái mông xuống, đạn địch bắn mất mông bây giờ. Nhiều anh em nói mãi cũng không nghe chỉ mau chóng bò nhanh đến đích, bị bắt quay lại bò từ đầu để thể hiện sự nghiêm túc của việc tập.
           Đến giờ giải lao, chúng tôi chạy ùa vào khu vực sân kho có bóng râm của cây muỗm cổ thụ nghỉ và vào cửa hàng hợp tác xã mua bán xem hàng hóa. Cửa hàng hàng hóa thật nghèo nàn, ngoài muối mắm và một số thứ tạp hóa vải màn, vải thô bán theo tem phiếu thì chẳng ai mua được gì. Đúng ra thì có tem thư, phong bì, thuốc lào được bán tự do. Cô mậu dịch viên trông xinh xắn hỏi chuyện chúng tôi, tôi cũng chào hỏi bắt chuyện làm quen, được biết cô tên là Mai cũng khoảng tuổi tôi, nhà ở thôn trên chưa có gia đình. Hết giờ giải lao mọi người lục tục chạy ra bãi tập. Tôi cố tình lùi lại sau mọi người và nói nhỏ với Mai: Anh là công nhân đi bộ đội nên nghiện thuốc lá, nếu có thuốc lá về thì dành cho anh mấy bao. Cô nhìn tôi tỏ ra thân thiện và nói: Lúc nào rỗi anh cứ ra đây chơi có thuốc em để dành cho. Tôi nói: Ôi, thế thì vui quá anh sẽ ra.
           Tôi bắt tay cô gái trước khi chạy ra thao trường, kịp phát hiện ra cô gái có đôi mắt rất đẹp, trong lòng tôi cảm thấy vui vui. Chúng tôi lại tiếp tục những bài tập cực nhọc lấm lem quần áo. Ai nấy người mệt nhừ, cái nóng, cái nắng làm tăng thêm cái mệt. Hết giờ tập, cả trung đội lại tập trung nghe trung đội trưởng nhận xét về buổi tập. Quần áo ai cũng rất bẩn, mệt nên trên đường về không ai chuyện trò, chỉ muốn đi nhanh về để nghỉ ngơi tắm giặt. Riêng tôi thì cứ vẩn vơ nghĩ về đôi mắt, dáng người mậu dịch viên và câu nói sau cùng như dành riêng cho tôi. Hy vọng là sẽ mua được thuốc lá, cái thứ của hiếm đó mà thanh niên chúng tôi ai cũng thèm, ai cũng thích.
         Những ngày tiếp theo chúng tôi đi sâu vào ôn luyện các khoa mục đã học và tập xạ kích. Xen kẽ có những buổi học về 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật dân vận của quân đội, yêu cầu tất cả chiến sỹ phải học thuộc lòng và có kiểm tra. Tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay nghỉ giải lao vào cửa hàng chơi chuyện trò cùng Mai. Không phải chỉ có tôi hay ghé vào chơi mà trung đội trưởng Đởn cũng thường xuyên ghé chơi. Có lần cả tôi và anh Đởn ở đó, cô Mai mang ra một cái mũ cối nói là của anh bộ đội nào để quên ở đây đã lâu, đơn vị đó chuyển đi nơi khác rồi, các anh lấy mà dùng. Anh Đởn nói: Đưa tôi dùng cho, cái mũ đang còn mới tốt thế này. Ba anh em cùng chuyện trò, anh Đởn nói: Ông có thích về thăm nhà không? Sáng chủ nhật này cho ông về, chín giờ tối có mặt điểm danh. Tôi nói: Ôi, thế thì thích quá, anh cho em về, em thấy nhớ nhà lắm rồi. Tôi trở ra thao trường tiếp buổi tập, anh Đởn thì vẫn ở lại đó.
          Hôm sau là ngày mùng 5 Tháng 5, ngày tết Đoan Ngọ, tôi nhớ thường thì mọi nhà hay làm rượu nếp từ mấy ngày hôm trước. Đúng sáng ngày mùng 5 ngủ dậy, mỗi người thường ăn một bát nhỏ rượu nếp hay gọi là rượu cái, ăn thêm quả chanh hoặc vài quả mận, quả vải, bọn trẻ rất thích những quả này. Còn có phong tục là con rể phải tết bố mẹ vợ đôi vịt và chai rượu. Nhiều người khi mang vịt đến nhà bố mẹ vợ, từ đầu ngõ đã bóp, hay búng cho con vịt đau để nó kêu vịt vịt ầm ỹ lấy khí thế cho việc lễ tết. Ấy là tục lệ xưa, chứ bây giờ chiến tranh dân chúng còn nghèo, tục lệ tết bố mẹ vợ đã dần mất đi, trừ những chú rể mới cưới năm đầu. Còn ở đây thì sáng nay bà chủ cũng cho anh em chúng tôi ăn mỗi người lưng bát nhỏ rượu nếp cái, bà đã làm từ mấy hôm trước. Anh Thỉnh nói: Anh em mình hứa là về nhà anh chị Đạt - Thu ăn chè. Ăn cơm chiều xong anh em mình về Lô Giang nhé. Tôi vui và đồng ý ngay. Còn Thắng và Văn thì nói: Xa bỏ xừ, các anh đi chứ chúng em không đi đâu. Y hẹn, sau khi ăn cơm chiều, anh Thỉnh nói Thắng, Văn thu dọn, còn hai anh em tôi về Lô Giang. Tới nơi anh chị cùng hai cháu rất mừng. Chị chủ nói: Đợi mong các chú mãi sợ các chú không đến được nên vừa ăn cơm xong, thế hai chú kia đâu? Tôi nói: Chúng nó ngại xa không đi. Chị chủ nói: Anh để phần các chú đĩa thịt vịt đây này, chỉ không có tiết canh. Chị chủ bê ra cái mâm gỗ có đĩa thịt vịt luộc, mấy bát chè đỗ đen, có cả một ít rượu trắng nữa. Chị nói: Anh để phần các chú đấy, hai chú kia không đến thì các chú phải ăn hết đi. Nhìn đĩa thịt vịt rất thích nhưng anh Thỉnh nói: Chúng em mới ăn cơm rồi, em ăn chè thôi còn chị cất thịt vịt đi. Anh chị không đồng ý và cứ bắt chúng tôi ăn, chị nói: Bố nó ngồi uống rượu tiếp các chú đi chứ. Thế rồi ba anh em tôi mỗi người cũng nhâm nhi hai chén rượu, mấy miếng thịt vịt rồi ăn chè đỗ. Chè đỗ mới, đỗ bở nấu đường vàng ngon quá. Bữa ăn đơn giản nhưng thật ấn tượng, thật nhớ và thật quý trọng tình cảm mà anh chị đã dành cho anh em tôi trong những ngày đầu quân ngũ này. Ngồi chơi một lúc nữa rồi anh em tôi ra về, hẹn dịp khác lại thăm anh chị. Hai anh em trở về trời tối khó đi, sợ muộn giờ điểm danh nên vừa đi vừa chạy gằn, đúng giờ điểm danh thì chúng tôi cũng về tới nơi.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #112 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 03:06:39 pm »


        Đúng 8 giờ, tôi đã có mặt tại nhà trong tiếng reo vui vỡ òa của mọi người. Hôm nay chủ nhật, bố mẹ tôi được nghỉ ở nhà, cả chị Phương, cả cô em gái Lợi giáp tôi mới được đi học lớp y sỹ cũng nghỉ ở nhà. Các em Lộc, Quang, Vinh, Qúy, Vịnh đông đủ, nhìn các em như thấy lớn hẳn lên. Tôi nhấc bổng chú Vịnh, em út mới 3 tuổi lên cao, nó nhìn tôi đăm đăm lạ lẫm nhưng cứ để tôi bế. Anh Hải hôm nay cũng lên nhà tôi để chuẩn bị đi Hà Giang, anh cũng đã nói chuyện chính thức với bố mẹ xin cưới chị Loan tôi tại trên đó. Hôm nay quả là một ngày thật vui với gia đình tôi, nếu có chị gái Loan đang ở Hà Giang về nữa thì thật trọn vẹn.
         Về nghỉ thời gian ngắn quá nên tôi chỉ ở nhà với bố mẹ và chơi với các em. Mẹ tôi nói: Sao không đi đến nhà bạn chơi? Tôi nói: Con chơi với mọi người ở nhà thôi, con chẳng muốn đi đâu. Buổi chiều, tôi nói với mẹ cho tôi ăn cơm sớm để về  đơn vị. Bố tôi nói: Ăn xong, bố đưa con đi. Nhưng anh Hải nói: Bố để con đưa em sang cho, đi đường anh em trò chuyện với nhau cho vui. Sau khi ăn cơm chiều, anh Hải lấy xe đạp của bố tôi chở tôi, đúng 7 giờ rưỡi tối thì tôi có mặt tại gia đình nhà chủ trước sự ngạc nhiên của mọi người. Anh Hải quay về, tôi đi luôn ra chỗ Mai. Trước khi đi tôi đã chuẩn bị quà cho Mai là một chiếc khăn mùi-xoa Trung Quốc rất đẹp, lọ nước hoa nhỏ mà năm trước tôi mua trên Hà Giang khi lên chơi với chị gái. Khăn mùi-xoa Trung Quốc và nước hoa thời đó là loại hàng xa xỉ, của quý mà mọi người đều thích. Mai bất ngờ, rất mừng khi thấy tôi, Mai nói: Sao anh lên sớm thế? Tôi nói: Về thăm nhà thế là được rồi, ở thêm một hai tiếng nữa cũng không làm gì. Tôi đưa cho Mai gói quà, Mai mở ra xem, cái khăn mùi-xoa màu hồng in hình một cô gái và mấy bông hồng rất đẹp, cùng lọ nước hoa nhỏ rất thơm. Mai nói: Khăn đẹp quá, em ước ao mãi mà không đâu bán. Tôi nói: Khăn và nước hoa này là anh mua mãi tỉnh Hà Giang giáp Trung Quốc năm ngoái đấy. Mai cảm ơn tôi món quà và hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi trả lời xong và nói đi về, Mai nói: Anh ở đây chơi một lúc đã, còn sớm mà. Mai mạnh bạo cầm tay tôi kéo vào trong quầy. Tôi nửa muốn bước theo Mai nhưng nửa lại e ngại, tôi nói: Anh xin lỗi em hôm khác anh ra chơi, hôm nay anh mới đi xa, anh về tắm rửa chuẩn bị còn điểm danh. Mai hụt hẫng buông tay tôi ra nói dỗi: Vậy anh Phú về đi! Tôi về nhà tắm giặt, nghỉ ngơi một lúc thì đến giờ điểm danh. Tôi được biểu dương là chấp hành kỷ luật nghiêm, đã trả phép đúng giờ, trong khi đó còn hai đồng đội đến giờ điểm danh mà vẫn chưa có mặt.
            Những ngày tiếp theo chúng tôi vẫn học tập và huấn luyện theo kế hoạch. Tôi vẫn ra cửa hàng Mai chơi, nhưng cảm thấy Mai có ý thế nào ấy không sởi lởi thân tình như trước nữa. Một buổi sáng đang tập thì anh Hải cùng chú em Lộc đến thăm. Anh Hải nói ngày mai anh lên Hà Giang, nên đi thăm tôi chú em Lộc theo cùng đi. Chú Lộc là em trai kém tôi 4 tuổi hiện đang học lớp 8. Chú cũng gầy nhỏ như tôi, vì đang ngoài thao trường nên anh Đởn cho tôi nghỉ sớm 1 tiếng để anh em chuyện trò đến 10 giờ thì tôi nói hai anh em đi về không trưa nắng. Chú Lộc nói anh tập võ nhiều vào nhé để dậy chúng em. Chứ lần trước anh dạy chúng em có mấy miếng. Chả là khi còn học cơ khí tôi ở cùng anh Thắng quê ở Vũ Thư đã đi bộ đội về. Nghe anh kể anh học võ từ bé, sau này vào bộ đội lại ở đơn vị trinh sát, tôi có học anh một vài miếng võ gia truyền và võ trinh sát, tôi dậy lại các em mấy miếng võ ấy. Chú Lộc năm 1974 thì cũng đi bộ đội ở đơn vị kỹ thuật điện tử thuộc Quân chủng Phòng Không - Không quân tới quân hàm trung tá thì chuyển qua Hải Quan. Trước khi nghỉ hưu giữ chức Vụ phó Vụ Pháp chế cục Hải quan. Hiện đang sống tại Hà Nội.

                                                        IV

            Khoảng cuối tháng sáu, vừa ăn sáng xong đang chuẩn bị đi tập thì liên lạc trung đội xuống báo tôi mang toàn bộ quân tư trang lên đại đội nhận nhiệm vụ. Mọi người rất bất ngờ không biết là nhiệm vụ gì, nhưng anh Thỉnh cũng giúp tôi chuẩn bị tư trang cá nhân. Thắng giúp tôi gấp quần áo, bộ quần áo mới giặt tối hôm qua còn ướt cũng lấy mảnh ni-lon đi mưa gói lại mang đi. Tôi chào bà mẹ và chia tay mọi người lên ban chỉ huy đại đội. Tại đây cũng đã có khoảng hơn chục anh em đang tập trung cũng đầy đủ trang bị như tôi. Có vẻ như là mỗi tiểu đội một người, vì trung đội tôi có ba người. Quân số có lẽ đã đủ, đại đội phó Sung nói anh em bỏ gọn ba lô vào một nơi, rồi hô anh em tập hợp hai hàng ngang. Sau khi tập hợp xong, đại đội phó chạy lên mấy bước giơ tay chào rồi báo cáo đại đội trưởng Nghẹ: Báo cáo đại đội trưởng, quân số đi tiền trạm của đại đội đã tập hợp xong, tổng số 15 đồng chí. Mời đồng chí làm việc. Đại đội trưởng nói: Được, đồng chí về vị trí, rồi đại đội trưởng bước đến trước hàng quân cao giọng nói: Xin giới thiệu với các đồng chí, đồng chí thượng sỹ Phạm Văn Mâu mới được điều động về làm trung đội phó trung đội 3, các đồng chí tìm hiểu sau. Hôm nay đại đội tập trung các đồng chí lên đây để làm nhiệm vụ đi tiền trạm chuẩn bị cho nơi đóng quân mới của đơn vị. Đoàn gồm 15 đồng chí đủ thành phần các trung đội, chị nuôi và y tá. Đoàn do thiếu úy Sung đại đội phó làm chỉ huy trưởng. Đồng chí thượng sỹ Phạm văn Mâu trung đội phó là chỉ huy phó. Quãng đường các đồng chí phải đến rất xa, dự kiến khoảng bốn ngày mới hành quân tới nơi. Trên đường hành quân có nhiều trọng điểm phức tạp, qua các bến phà, qua cả thành phố Hải Phòng là những nơi đang là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Vì vậy các đồng chí phải nhanh nhẹn khẩn trương, nhất nhất theo lệnh của chỉ huy. Các đồng chí là những cá nhân có tinh thần chấp hành kỷ luật cao, gương mẫu trong học tập huấn luyện nên được lựa chọn đi làm nhiệm vụ quan trọng này, chúc các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ.
          Đại đội trưởng nói tiếp: Sau đây đại đội phó Sung cho anh em nhận gạo, xoong nồi, thực phẩm, phân công đội hình. Đúng 7 giờ 30 phút xuất phát hành quân. Đại đội phó Sung phân công chúng tôi làm hai tiểu đội: tiểu đội 1 gồm 8 người trong đó cả hai chị nuôi và một đồng chí y tá trực tiếp do đại đội phó chỉ huy. Tiểu đội thứ 2 còn 7 người do trung đội phó Mâu chỉ huy, tôi ở trong đội hình tiểu đội 2. Rất bất ngờ với nhiệm vụ và chưa biết sẽ hành quân về đâu? Có vài anh em thì thầm nói: Dứt khoát là ra Yên Tử, Quảng Ninh rồi. Vì hiện có tiểu đoàn 815 đang huấn luyện tại đó. Vả lại hầu như các đơn vị huấn luyện tăng cường bao giờ cũng phải hành quân rèn luyện dã ngoại tại vùng núi Yên Tử, Quảng Ninh trước khi lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Mọi người ồn lên một tí, rồi tiếng đại đội phó thúc giục mọi người khẩn trương nhận lương thực, thực phẩm. Mỗi người nhận mười ngày gạo đóng vào ruột tượng, các loại thực phẩm rau củ quả cùng xoong nồi.
           Tôi nhanh chóng nhận xong các tiêu chuẩn của mình, gửi ba lô cho anh em, chạy ra chỗ hợp tác xã mua bán chào Mai. Nhưng cửa hàng không mở, không gặp được Mai. Không thể chào chia tay Mai được, tôi lấy vỏ bao thuốc lá viết vội mấy chữ: “Anh ra chào mà không gặp được em, anh phải hành quân di chuyển, chưa biết về đâu. Anh cảm ơn em đã giúp đỡ anh trong những ngày qua, chào em”! Tôi nhét tờ giấy vào khe cửa rồi chạy về nơi tập trung. Cùng lúc lệnh tập hợp hành quân, mọi người lên ba lô tập hợp theo khẩu lệnh. Đại đội phó hô: Nghiêm! Mệnh lệnh hành quân: Hướng hành quân: Hướng Bắc, tốc độ hành quân ba ki-lô-mét 1 giờ, cứ hành quân 50 phút thì giải lao 10 phút. Dự kiến hôm nay chúng ta hành quân khoảng hai mươi ki-lô-mét. Dọc đường yêu cầu các đồng chí phải nhất nhất theo lệnh người chỉ huy, bám sát đội hình không đồng chí nào được tụt tạt, thứ tự tiểu đội 2 đi trước rồi đến tiểu đội 1, các đồng chí rõ chưa? Mọi người hô: Rõ! Đại đội phó hô: Lên đường!
          Trung đội phó Mâu dẫn đầu đồi hình rồi đến mọi người. Bà con trong xã và các em nhỏ đứng nhìn theo, vẫy vẫy tay tiễn chân chúng tôi. Có lẽ đây mới chính thức là những bước chân hành quân đầu tiên của đời lính. Súng không có đạn, nên trọng lượng của ba lô và trang bị chỉ khoảng hơn 25 ki-lô-gam. Mới hành quân chưa hết chặng đầu mà ai đấy đã thở gấp. Tôi cũng thấy mệt nhưng chưa tới giờ giải lao. Con đường chúng tôi hành quân là con đường đất xuyên qua các làng xã, nhưng hướng đi thì đúng là ra hướng Hải Phòng. Lần giải lao thứ nhất hỏi thăm vẫn thuộc huyện Tiên Hưng. Đến khoảng mười giờ thì tới địa phân đầu huyện Phụ Dực. Chúng tôi vào mấy nhà dân cạnh đường nghỉ giải lao và tổ chức nấu cơm. Mấy người được phân công giúp chị nuôi nấu cơm. Nhà chủ được chúng tôi nhờ làm điểm nấu cơm thì rất vui, hai ba người dân xúm vào giúp bộ đội nấu cơm, còn mọi người vào nghỉ nhờ trong nhà dân đợi cơm. Mới được khoảng chục ki-lô-mét mà mệt quá, tôi thấy chân và hai vai mỏi nhừ. Ăn cơm xong, nghỉ ngơi đến hai giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Đến khoảng 17 giờ tới xã An Bài huyện Phụ Dực ngay gần cầu Nghìn. Chiếc cầu bắc qua sông Luộc trên quốc lộ 10 đi Hải Phòng đã bị đánh bom, nên phải đi phà.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #113 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 03:08:14 pm »


                   Khu vực này thì tôi biết, vì mấy năm trước mẹ tôi cùng đội vận tải xe bò kéo của hợp tác xã vận tải Tiến Bộ ra làm nhiệm vụ chuyên chở đá từ bến sông ngay tại chân cầu để chuyển đến các vị trí nâng cấp con đường 10. Thời gian đội vận tải ở đây khoảng 3 tháng. Lúc đó tôi đã học xong lớp 7, đang đợi xin đi học trường công nhân kỹ thuật cơ khí của tỉnh. Tôi cùng cô Lợi em gái ra đây ở và làm với mẹ, anh em tôi hàng ngày đi cắt cỏ về cho bò. Nơi cắt cỏ thường đi qua phà sang cánh đồng rộng bên kia sông có rất nhiều cỏ, thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nên tôi biết rõ nơi này. Tại xã này tôi có kỷ niệm rất ấn tượng là được xem một đám ma. Tại sân nhà đám, xôi, cơm, thịt để vào một cái mẹt ở giữa sân, mọi người đến viếng, khóc người thân xong lại ra bốc xôi, bốc thịt ăn, không thấy có bát đũa gì cả.
          Chúng tôi vào trọ ở mấy nhà dân ven đường 10. Đại đội phó Sung thúc giục hai chị nuôi cùng mấy người nữa giúp nấu cơm. Tôi được ở cùng nhà với anh Mâu trung đội phó, cũng rất vui là có dịp để anh em nói chuyện. Qua tìm hiểu anh Mâu cho biết kế hoạch đơn vị ra đóng quân huấn luyện tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Quãng đường như vậy là còn xa, dự kiến của đợt hành quân là bốn ngày. Hôm nay hoàn thành được ngày đầu, từ đây ra đấy phải qua mấy cái phà đang là trọng điểm của máy bay Mỹ đánh phá, nên sáng mai phải dậy ăn cơm sớm đúng 4 giờ để hành quân qua phà cầu Nghìn. Sau cuộc nói chuyện rất bổ ích với anh Mâu, tôi nghĩ còn ba ngày hành quân nữa rất vất vả. Tôi nói với anh Mâu: Như vậy là mình đi dọc đường 10 ra tới Hải Phòng, rồi mới rẽ về Thủy Nguyên? Anh Mâu nói: Đúng rồi! Nhưng mình tránh không đi qua thành phố mà tới Kiến An thì qua bến phà Kiến An, qua khu vực Quán Toan, qua phà Kiềng là sang địa phận Thủy Nguyên. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi nói: Như vậy là hành quân dọc quốc lộ 10, trên đường này nhiều ô tô qua lại lắm, nhiều xe đi không ra cảng Hải Phòng nhận hàng hóa. Sao mình không tổ chức vẫy xe đi nhờ? Đi nhờ được mấy chục ki-lô-mét ấy chứ. Anh Mâu nói: Nếu đi nhờ được xe thì tốt quá, vì mình đi tiền trạm để chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại đội ra ở, nên ra nhanh được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Dự kiến đội hình đại đội sẽ ra sau mình năm ngày, mình ra trước có rất nhiều việc phải làm để đại đội ra là có chỗ ăn, ở, tập tành được ngay, sợ là đội hình mình đông, khó đi nhờ, mà phải đi một xe chứ đi lẻ thất tán đội hình là không được. Tôi nói: Em thấy rất dễ đi nhờ, vì trước em đã ở đây em biết, mọi xe qua phà xong đến chỗ đê quai bên kia phà là họ đi rất chậm. Mai mình cứ qua phà sớm, đi đến đê quai thì cho anh em tập trung gọn ở đấy, rồi vẫy xe đi nhờ là được. Anh Mâu nói: Phú nói có vẻ hợp lý, để tối anh bàn với đại đội phó Sung rồi sáng mai Phú ra vẫy xe nhé. Tôi nói: Vẫy xe hỏi đi nhờ anh cứ để em, em tin là được.
         Anh em tôi đi ăn cơm tối, ăn xong, tôi về chỗ nghỉ còn anh Mâu ở lại trao đổi công việc với đại đội phó Sung. Khoảng 8 giờ thì anh Mâu về gọi tôi, anh nói: Đại đội phó cũng đồng ý với kế hoạch đi nhờ xe của anh em mình, đồng ý cho Phú ra đón xe, nhưng phải đi nhờ xe nào chở được cả 15 người, không được xé lẻ đội hình. Tôi rất vui vì ý kiến đề nghị của mình được đại đội đồng ý. Hai anh em chuyện trò một lúc thì đi ngủ. Người đau mỏi vô cùng, nhưng trong đầu tôi thì cứ mong, cứ cầu khấn ngày mai đón xe đi nhờ được may mắn.
         Ba giờ sáng hôm sau, chúng tôi dậy làm vệ sinh cá nhân rồi ăn cơm chính, mỗi người thêm một nắm cơm phụ buổi trưa và gói muối vừng. Đúng 4 giờ 15 thì lên đường ra đường 10 tới bến phà. Không phải đợi lâu, chúng tôi kịp xuống phà ngay. Trên phà đã có tới bốn cái xe tải, loại xe I-fa của Đức, đoàn xe của Công ty Ngoại thương Thái Bình. Thật là may, tôi thấy một bác lái xe có tuổi trông quen quen, tôi đặt vấn đề cho chúng tôi đi nhờ. Bác lái xe sau khi hỏi tôi mấy câu rồi đồng ý cho chúng tôi đi. Vui quá! Tôi chạy đến gặp anh Mâu, nói với anh Mâu là đã hỏi được xe. Đoàn xe ra cảng Hải Phòng, họ cũng qua bến phà Kiến An vì cầu Niệm đã bị đánh bom, như vậy là mình đi nhờ được tới tận phà. Tôi nói thêm: Anh giục anh chị em khi phà cập bến thì nhanh chóng lên bờ đi khoảng 50 mét thì đứng cụm lại để lên xe cho gọn.
        Mọi người rất vui vì đi nhờ được ô tô. Đoàn xe đi khoảng hơn chục ki-lô-mét mọi người phải xuống để qua phà Quý Cao vượt qua sông Thái Bình. Nơi đây có trạm thu thuế mà mấy năm trước đã thu của tôi con gà như đã kể. Đi tiếp bốn ki-lô-mét nữa thì tới phà Tiên Cựu qua sông Văn Úc. Đi tiếp đến 10 giờ, cách bến phà Kiến An 5 ki-lô-mét thì dừng lại nghỉ, bác lái xe nói: Giờ này cao điểm phà không chạy vì sợ máy bay đánh bom, 15 giờ thì phà mới phục vụ. Chúng tôi xuống xe tấp vào các hàng cây ven đường có mấy nhà dân nghỉ. Thời gian còn dài, đại đội phó Sung cho thay đổi phương án là để cơm nắm cho bữa tối, rồi thúc giục chị nuôi và mọi người nấu cơm chính để ăn. Một quyết định thay đổi rất phù hợp, cơm chín chúng tôi mời cả đoàn xe cùng ăn cơm. Cả đoàn có bốn lái xe và một cán bộ nghiệp vụ đi nhận hàng, họ rất vui khi cùng ăn cơm với bộ đội và có lẽ họ vui còn vì được ngắm nhìn hai cô nuôi quân xinh đẹp phục vụ. Thấy chúng tôi ăn cơm đạm bạc quá, thức ăn chỉ có cá khô kho, nhưng con cá mối như đã gần mục, rau thì có bí đỏ nấu, cũng có cả canh nữa, nhưng canh là bí nấu khi chín xúc ra để lại một ít và đổ nước vào làm canh. Người cán bộ nghiệp vụ nhìn khắp mấy mâm cơm rồi đi lên một buồng lái lấy xuống ba lon thịt hộp loại nửa ki-lô-gam, vừa mở thịt hộp ông vừa nói: Chúng tôi góp ăn với bộ đội cho vui. Thế là chúng tôi được thưởng thức món thịt hộp quý giá mà nhiều người chưa được ăn, chưa được biết đến.
          Nghỉ ngơi đến 15 giờ thì lên đường. Đến bến phà, thấy xe xếp hàng đợi phà khá nhiều, chúng tôi xuống xe chia tay, cảm ơn bác tài đã cho chúng tôi đi nhờ đoạn đường dài. Chúng tôi đi bộ ra mép nước, cùng lúc đó có phà cập bến, đợi mấy cái ô tô lên phà xong là chúng tôi lên phà ngay. Ca-nô tăng tốc cuộn nước tung bọt trắng xóa, khói phả đen xì dắt kéo con phà quay đầu sang sông, 15 phút sau thì phà cập bến, chúng tôi nhanh chóng lên bờ, đi theo đường nhỏ chếch về hướng Bắc chứ không đi vào thành phố Hải Phòng. Hành quân khoảng chục ki-lô-mét thì tới khu vực ngã ba Quán Toan. Ở ngã ba này có nhiều đống lốp ô tô cũ xếp cao như núi. Trông ta-lông của lốp còn rất dầy, lốp không còn nguyên chiếc mà được cắt khúc làm ba, lốp to, lốp nhỏ lồng vào nhau.
            Tò mò về việc này, tới chỗ giải lao hỏi dân thì được biết đây là bên Nhật nó chơi khăm ta. Chả là bên Nhật lốp cũ nhưng còn tốt rất nhiều mà rẻ, chúng ta lấy lý do là mua lốp cũ về để làm dép cao su cho bộ đội. Nhưng thực tế chúng ta về vẫn dùng cho ô-tô vì lốp còn rất tốt. Chúng ta mua được hai chuyến, đến chuyến thứ ba tưởng cũng như mọi lần, thương mại lại đặt mua lốp số lượng lớn thì bên họ cắt khúc lốp ra. Khi hàng về Việt Nam thì mới vỡ lẽ ra là họ chơi khăm ta. Việc mua lốp về tái sử dụng bị lộ. Ta có chất vấn là sao lại cắt lốp ra vậy, thì họ nói là hợp đồng của các ông mua lốp cũ về làm dép cao su. Hợp đồng không nói là mua lốp nguyên chiếc. Làm dép thì đằng nào cũng phải cắt ra, để lồng vào nhau sẽ không bị cồng kềnh, chuyên chở được nhiều hơn. Thật có lý và ta thì đuối lý, biết họ chơi khăm mà không sao được. Đành chở về chất đống tại khu vực này. Qua người dân còn kể, hiện tại trong thành phố đang phát hiện tại một nhà thờ đạo Thiên chúa có chứa gián điệp, chúng ta bắt được một số ở dưới hầm ngầm bí mật trong nhà thờ.
         Chúng tôi đi qua ngã ba Quán Toan khoảng hai ki-lô-mét thì tới bến phà Kiềng vượt qua sông Cấm. Trời đã tối, lúc ở trên phà mọi người được lệnh tranh thủ ăn cơm nắm. Qua phà là tới đất huyện Thủy Nguyên đã khoảng 7 giờ, trời tối hẳn. Chúng tôi mò mẫm hành quân theo tỉnh lộ 351 rồi rẽ vào xã Chính Mỹ đi qua chùa Mỹ Cụ. Tương tuyền ngôi chùa này được xây dựng từ thế kỷ thứ 10. Song thân vua Lê Đại Hành đã cầu tự chùa này và sinh hạ được đức vua. Ấy là sau khi ở đây mấy ngày chúng tôi mới được biết như vậy. Còn bây giờ đã khoảng 21 giờ, chúng tôi mò mẫm vào một thôn cách chùa khoảng một ki-lô-mét cạnh đồi cao trồng toàn cây bạch đàn, con đường đất nhỏ ven đồi. Đường tối om, cây cối các loại rậm rạp càng cảm thấy tối hơn, nhà cửa thưa thớt.
            Nhóm chúng tôi ba người được phân công vào hỏi nghỉ nhờ ngôi nhà cuối làng. Không có tiếng chó sủa, nhưng vẫn còn ánh đèn le lói. Đứng ở đầu ngõ có cái cổng tre, anh Tấn nói thật to: Gia đình có ai ở nhà không ạ? Khoảng 1- 2 phút có một người phụ nữ từ trong nhà tay cầm cái đèn dầu nhỏ bước ra cửa hỏi: Ai đấy? Anh Tấn nói vọng vào: Chúng tôi là bộ đội xin vào nghỉ nhờ. Người phụ nữ trở lại trong nhà như có tiếng trao đổi với ai rồi trở ra gần cổng hỏi: Các anh là bộ đội à? Các anh có mấy người? Anh Tấn nói: Chúng tôi có ba người, chúng tôi mới hành quân ra đây xin gia đình cho chúng tôi nghỉ nhờ. Cô gái nói: Gia đình em đã được thông báo là có bộ đội đến đóng quân, nhưng sao các anh đến sớm thế. Anh Tấn trả lời: Đơn vị lớn thì tuần sau mới đến, nhưng chúng tôi đi trước tiền trạm để chuẩn bị nơi ăn ở cho đơn vị. Cô gái mở cái cổng tre rồi nói: Các anh vào trong nhà đi. Chúng tôi theo cô gái vào trong ngõ, qua cái sân gạch tới nhà. Nhà ngói, sân gạch, đặc biệt là có bể nước xây rất to. Cô gái nói: Các anh để ba lô rồi ra bể nước rửa mặt mũi chân tay. Cô nói thêm: Bể nước mưa đấy, nhưng mùa này mưa nhiều các anh cứ dùng đi.
            Trong nhà có tiếng ho của người nhiều tuổi, cơn ho rất dài. Cô gái nói: Mẹ em bị bệnh ho lâu rồi, đêm lạnh ho nhiều lắm sợ các anh mất ngủ. Anh Tấn hỏi xã giao: Nhà ta có đông người không ạ? Cô gái nói: Em là con dâu, hiện chồng em đi làm xa bên ngành xây dựng cầu đường, còn lại em và mẹ chồng em. Hai mẹ con em ngủ trong buồng, ba anh ngủ ở cái giường này. Cô chỉ vào cái giường kê giáp với đầu hồi tường đối diện với căn buồng của ngôi nhà năm gian. Ở giữa nhà có một cái sập gỗ kê trước ban thờ để ngồi uống nước. Tôi thoáng nghĩ đây là gia đình có nền nếp và có kinh tế khá lắm đây như câu ca thời ấy là: “Nhà ngói, sập gụ, giếng nước, bể xây, cây mít” là nhà giầu lắm. Chúng tôi thay nhau ra rửa chân tay, nước mát lạnh làm cho tôi tỉnh tảo hẳn lên. Song không hết được cái mệt, rất mệt vì chặng cuối hành quân cố đến đây, đi nhờ được ô-tô nên tiết kiệm được hai ngày hành quân. Không biết anh em mấy hôm nữa đi đội hình lớn thì phải mấy ngày mới đến nơi.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #114 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 03:10:01 pm »

 
                Anh em tôi hỏi chuyện cô gái mấy câu rồi xin phép đi nghỉ. Cô gái cũng vào buồng ngủ. Thời ấy nhà dân ngủ tối không phải đóng cửa, nên cửa mở không khí ra vào gió lùa tận vào giường rất thoáng mát. Vừa nằm một tý, đã thấy anh Tấn, anh Kiên ngáy đều. Tôi chưa ngủ được ngay, chợt nghĩ đến Mai, không biết Mai có đọc được thư tôi viết vội không? Không hiểu Mai nghĩ về tôi như thế nào? Hôm Mai đưa tôi về tranh thủ, Mai hỏi tôi: Anh Phú giới thiệu em thế nào? Giá mà tôi nói khác đi thì có lẽ tình cảm của Mai với tôi phát triển tốt hơn chăng? Hôm đó mà Mai sang nhà, biết nhà tôi, nhờ cô báo cho gia đình tin của tôi thì tốt quá. Nhưng nghĩ lại mọi thứ như thế là hợp lý, là đúng. Mình với Mai cũng đã có quan hệ gì gọi là yêu đương đâu? Chỉ là cảm mến thôi và với tính cách tình cảm của Mai, bộ đội đóng quân ở đây nhiều, thì Mai cũng đã giúp được nhiều người như giúp tôi. Kể cả việc báo tin về cũng không thật quan trọng, nếu ở đây lâu mình sẽ viết thư về, bộ đội nay đây mai đó di chuyển liên tục sao nhờ mãi được.
         Tôi chìm vào giấc ngủ, giấc ngủ thật ngon, khi thức dậy thì đã 7 giờ sáng. Hai anh Tấn, Kiên đã dậy trước từ bao giờ. Anh Tấn đang là giáo viên dậy tại trường cao đẳng Thái Bình, trường ở Đông Minh, Tiền Hải. Anh Kiên là giáo viên cấp ba ở huyện Thái Ninh, dạy môn toán. Như vậy là các anh đã tốt nghiệp đại học, đã đi dạy học được mấy năm, thì các anh phải hơn tôi năm, sáu tuổi là cái chắc. Thảo nào thấy các anh đạo mạo chững chạc lắm. Hai anh đang trò chuyện gì đó ở sân, thấy tôi dậy rồi ra ngoài, anh Tấn hỏi: Ngủ ngon không ông Phú? Tôi trả lời anh bằng câu hỏi: Mệt! Mà sao các anh dậy sớm thế? Bà mẹ chắc cũng dậy lâu rồi đang cùng cô gái đun nấu gì đó trong bếp. Tôi nhanh chóng đi làm vệ sinh cá nhân. Chưa biết việc ăn sáng thế nào. Cô gái trong trang phục áo nâu quần đen, đầu quấn khăn đen mỏ quạ kín mít chừa có hai con mắt, tay cầm cái liềm, vai thì gánh đôi quang gánh có cái rổ sảo không, chào chúng tôi rồi ra ngoài cổng đi làm.
        Tôi nhớ lại mấy năm trước học nghề ở Hải Phòng, qua các câu chuyện mọi người ca ngợi con gái Thủy Nguyên rất đẹp, bạo dạn nhưng đanh đá lắm. Đặc biệt họ rất trắng vì khi đi ra ngoài đường, đi làm đồng, họ đều quấn khăn đen che hết mặt chừa mỗi hai mắt như cô gái vừa rồi. Nên nắng mấy da của họ cũng không bị bắt nắng. Hôm qua tới giờ giáp mặt cô gái hai lần, mà có nhìn được rõ mặt đâu.
         Anh Tấn nói: Liên lạc vừa sang báo tí nữa sang chỗ nhà bếp ăn sáng chị nuôi vẫn nấu cơm, nghỉ ngơi đến 9 giờ thì họp. Mấy anh em ra ngoài ngõ. Làng quê thật thanh bình. Bên trái con đường là đồi cao trồng rất nhiều bạch đàn. Con đường nhỏ ven chân đồi nhà cửa thưa thớt, nhưng hầu như nhà nào cũng xây, lợp ngói, có bể nước mưa. Cây cối xanh tốt. Ngoài những khóm tre to ven đường, còn trong vườn nhà nào cũng có những cây cau cao thấp, nhiều cây đang có bẹ hoa tỏa hương thơm ngát. Mít và chè xanh rất nhiều, mỗi cây mít có đến mấy chục quả to nhỏ chen chúc. Bên hàng rào, những khóm dứa ăn quả lọai dứa mật quả to. Mùa này là mùa mít chín, dứa chín tỏa hương thơm lừng làng xóm, chúng tôi rất thèm được thưởng thức, dứa và mít, hai thứ này là tôi thích nhất. Đặc biệt trong vườn có rất nhiều cây hồng ăn quả, cây không xanh tốt, đang là mùa quả, quả to bằng cái chén hoa hồng, lúc lỉu trên cây. Tôi nhớ là trong dân gian người ta ca ngợi hồng Thanh Lãng rất ngon. Như vậy là tôi đang được sống tại vùng có giống hồng quý, cùng những cô gái da trắng xinh đẹp. Đời bộ đội rất khổ nhưng cũng lại cho ta biết, cho ta du ngoạn được nhiều nơi, nhiều vùng miền của đất nước.
        Đi dọc làng, ngược trở lại con đường hôm qua khoảng trăm mét đã thấy tiếng đại đội phó oang oang: Chia cơm ra đi, anh em đến rồi, gần 7 rưỡi rồi. Chúng tôi vào sân nhà bếp, cả tốp tiền trạm đã đủ mặt. Chúng tôi ăn sáng, mọi người cười nói ầm ào vui vẻ hỏi thăm nơi ở của nhau có gì đặc biệt. Ăn xong đại đội phó Sung nói: Anh em ăn xong thì về nghỉ làm công tác dân vận tại nơi ở của mình. Quyét tước sạch sẽ nhà cửa, tắm giặt nghỉ ngời rồi hai giờ chiều ta tập trung về đây nghe phổ biến nhiệm vụ.
        Anh em tôi về pha trà uống nước chuyện trò rồi thay nhau tắm giặt. Gia đình ngoài bể to nước mưa, còn có một cái giếng nước. Giếng không to, không sâu lắm nhưng nước mạch từ đồi xuống trong vắt, mát lạnh. Tôi tắm giặt trước, phơi xong quần áo, rồi vào bếp nói chuyện với bà chủ nhà. Bà khoảng 50 tuổi, gầy yếu. Bà nói: Tôi bị bệnh xuyễn nên ho nhiều lắm, chữa mãi không khỏi, nhất là đêm lạnh càng ho nhiều, sợ các chú không ngủ được. Tôi nói: Không sao đâu ạ, chúng con còn trẻ đi tập mệt nên về đặt nình là ngủ được ngay, mẹ không phải nghĩ đâu ạ. Qua chuyện trò hỏi thăm được biết cô gái tên là Phin con dâu của bà. Chồng cô là kỹ sư cầu đường nên đi các công trường xa. Là con một, nên anh chưa phải đi bộ đội. Bà rất mong anh có con để có cháu bế nhưng hai năm rồi vợ chồng vẫn gặp nhau, mà sao khó thế.
           Chè xanh ở đây rất nhiều, cô Phin đã hãm tích nước ủ trong giành tích. Bà nói các chú uống nước chè xanh, em nó hãm rồi đấy. Tôi cảm ơn bà và mượn ấm đun nước sôi để pha trà. Hai anh cũng đã tắm giặt xong cùng ngồi hút thuốc nói chuyện. Qua chuyện trò được biết cả hai anh đều chưa có vợ, nhưng đang có người yêu. Anh Kiên thì yêu cô giáo cùng trường còn anh Tấn thì kể đang yêu một học sinh năm thứ ba của trường quê ở Diêm Điền, huyện Thụy Anh, anh Tấn  hơn anh Kiên hai tuổi. Tôi nói sao các anh không cưới vợ rồi hãy đi. Anh Tấn nói cũng định như vậy nhưng Chút (tên người yêu anh) nói, để học xong đã mới cưới chứ nhà trường không cho, cưới như vậy là vi phạm kỷ luật. Anh Kiên nói là không kịp cưới vợ, đợi khi nào về phép vậy. Như thế là hai anh cùng cảnh ngộ, cùng nghề, tuổi cũng đã cao, có nhiều chuyện tâm sự ý hợp tâm đầu nên hay thấy hai anh em chuyện trò nhỏ to với nhau. Tôi nghĩ mình như vậy là rất vô tư, có khi không có vợ, không có người yêu, vào bộ đội tình thần nhẹ nhõm hơn, ngoài nỗi nhớ gia đình bố mẹ, không bị ràng buộc nhớ nhung đôi lứa.
          Chúng tôi đi ăn cơm trưa về, hai mẹ con bà chủ cũng đang ăn cơm dưới bếp. đúng là nhà neo người, một mẹ một con quạnh hiu thật buồn, vì thế bà mẹ tâm sự đang thèm cháu nội là phải. Tôi xuống bếp chào và ngồi nói chuyên với hai mẹ con bà. Nhìn mâm cơm thật đạm bạc, bát canh rau muống luộc với đĩa tép rang và bát nước rau muống vắt chanh. Cô gái nói: Hôm nay ở đây vẫn còn đi cắt lúa, lúa ở đây chín muộn, việc đồng thu hoạch chưa xong nên em bận lắm, chẳng đi chợ mua gì được. Cô Phin có dáng người rất đẹp, đúng là da trắng, tóc dài. Cô rất vui, hỏi thăm tìm hiểu về chúng tôi rất nhiều, cô nói: Trước cũng có mấy anh bộ đội ở đây, nhưng còn trẻ lắm, sao các anh có vẻ nhiều tuổi? Tôi kể về đợt bộ đội này rất nhiều người như anh Tấn, anh Kiên, đều đã học xong đại học, là giáo viên mấy năm rồi, nhưng năm nay cũng được động viên nhập ngũ. Trong đại đội anh có cả các kỹ sư, đủ các ngành nghề, công nhân cũng đông. Có khoảng một nửa quân số là các thanh niên mới lớn, thậm chí có người mới 16 tuổi. Bà mẹ thở dài nói: Không biết giặc giã đến bao giờ. Mấy hôm nay máy bay đánh bom mạn Hải Phòng nhiều lắm. Hàng xóm nói đêm hôm qua bộ đội tên lửa cũng kéo cả về xã này, nghe chừng ác liệt căng thẳng lắm, sao hồi này lấy bộ đội nhiều thế không biết? Tôi nói qua về tình hình chiến sự Nam - Bắc cho bà nghe. Bà sụt sùi khóc nói: Thôn này, xã này hy sinh, báo tử nhiều lắm, có mấy trường hợp hy sinh lâu rồi mà chưa dám báo tử, chưa dám làm lễ truy điệu, vì sợ ảnh hưởng đến tuyến quân. Tôi nghĩ như vậy là nhân dân rất hiểu về cuộc chiến, về thời cuộc hiện tại. Mẹ không có con đi bộ đội, nhưng thường ngày các bà có con đi bộ đội ở ngoài chiến trường chuyện trò với nhau, nên thấu hiểu cái nhớ nhung, cái lo lắng của những người mẹ với con của mình đang ở ngoài chiến trường. Tôi nói với bà: Anh nhà là kỹ sư cầu đường cũng là may, không phải điều động vào bộ đội đâu. Bà nói: Nhưng mà nó là kỹ sư cầu đường dịp này cũng phải đi vào tận vùng khu Bốn làm cầu đường xa và nguy hiểm lắm. Tôi chỉ mong cho nó về phép ít ngày, cho tôi đứa cháu rồi muốn đi đâu thì đi, thế là tôi vui rồi.
       Trò chuyện với hai mẹ con bà một lúc nữa, tôi xin phép lên nhà nghỉ trưa. Hai giờ chiều anh em tôi sang nhà nơi ở của đại đội phó họp. Sang tới nơi vẫn thấy đại đội phó nằm trên giường, lưng đắp bó lá ngải. Thấy chúng tôi vào đại đội phó nói: Các ông đến sớm thế? Đã đủ chưa? Đợi tôi một tý! Cái lưng hành quân đau quá không đứng thẳng được. Tôi nghĩ thảo nào thấy đại đội phó cứ không đứng thẳng, đi lại cứ nghiêng người thì ra là bị đau lưng. Ông nói: Bên nhà các cậu xem hộ có cô nào đang có chửa con so nói tớ với. Nhờ cô ấy giậm lên mấy cái là khỏi đau ngay, vừa nói, đại đội phó vừa ngồi dậy mặc quần áo chuẩn bị họp. Mọi người đã đến đủ ngồi ngay tại nền nhà. Đại đội phó phổ biến nhiệm vụ: Theo kế hoạch thì ngày mai mình mới ra đến đây, nhưng do đi nhờ được xe nên mình đến sớm hai ngày, đơn vị hành quân đội hình đông thì bốn ngày mới tới. Chúng ta ra trước để tiền trạm, một là chuẩn bị khu vực bếp cho chị nuôi, nhà kho, nhà quản lý. Phải đào đắp bếp Hoàng Cầm. Tiếp nữa là nắm tình hình trong thôn, phân công nơi ở cho ban chỉ huy đại đội và các trung đội, tiểu đội cho phù hợp. Nếu xong thì tìm vị trí làm thao trường, để anh em ra là tập xạ kích được ngay, còn tổ chức bắn đạn thật. Công việc nhiều, tôi lại bị đau lưng, đồng chí Mâu phải thay tôi đi giao dịch và làm mọi việc. Các đồng chí đều là được lựa chọn, nên chúng ta phải thật tự giác làm việc, hàng ngày phải báo cáo tình hình cụ thể cho tôi biết. Chú ý ở đây gần thành phố, máy bay bay qua lại nhiều, các trận địa phòng không, pháo cao xạ và cả tên lửa quanh đây, không đồng chí nào được đi đâu xa. Phải cùng đào hầm với dân, nếu nhà dân nào chưa có hầm hoặc hầm không thuận tiện thì các đồng chí phải tranh thủ đào hầm ngay, đề phòng máy bay ném bom. Các đồng chí sau khi họp xong, về xem xét lại hầm hố, ngày mai chính thức vào công việc như đã nói, đồng chí Mâu ở lại cùng tôi đi chọn vị trí đặt bếp.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #115 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2022, 03:11:44 pm »


              Anh em tôi trở về nhà, xem xét kiểm tra thấy hầm hố đã tương đối đảm bảo không phải đào hầm mới, chỉ cần thu dọn lá rụng, sửa sang qua một chút cửa hầm để lên xuống cho thuận tiện, anh Tấn cẩn thận vơ lá đốt cả trong hầm nữa. Anh nói, để đuổi muỗi và cho nó đỡ hôi. Xong mọi việc, tôi lấy giấy bút viết thư báo tin cho nhà biết là mình đã chuyển ra Thủy Nguyên, Hải Phòng, để tối hay ngày mai nhờ cô Phin chuyển ra gửi hòm thư nơi đầu xã. Anh Tấn với anh Kiên cũng viết thư mà hình như các anh ấy còn ghi chép cả nhật ký nữa.
         Ngày hôm sau và mấy ngày tiếp theo chúng tôi làm việc theo kế hoạch. Tôi trong nhóm làm khu vực bếp ở ngay vị trí cạnh sườn đồi. Tận dụng nhờ một cái lán kho hợp tác xã bỏ hoang. Chúng tôi tổ chức xin rạ về dọi lại chỗ nghi thủng giột, xin tre về làm vách, làm các giá đựng xoong nồi chia cơm, để dụng cụ nhà bếp theo hướng dẫn. Xin rơm về nhào với bùn đất để trát làm vách, đào đường dẫn nước xung quanh lán. Bếp thì dựa vào sườn đồi, đẽo gọt khoét đất làm bếp Hoàng Cầm để nấu được chảo gang quân dụng to theo hướng dẫn của đại đội phó Sung. Đại đội phó Sung giải thích: Bếp Hoàng Cầm là sáng kiến của người chiến sỹ nuôi quân tên là Hoàng Cầm. Trong chiếc dịch Điện Biên Phủ năm 1954 để tránh máy bay phát hiện khói nên ông nghĩ ra loại bếp này ngoài chỗ đun nấu, bếp có thêm hầm chứa khói và mấy cái rãnh râu tôm từ hầm chứa khói tỏa ra mấy hướng, gác cành lá cây lên rãnh rồi rắc một lớp đất mỏng lên. Như vậy khi đun, bếp vẫn đủ ô xy cho lửa cháy và khói thì được chứa trong hầm rồi tỏa ra các râu tôm, lúc này khói không cuộn lên cao mà chỉ là là mặt đất, che mắt được máy bay trinh sát và biệt kích thám báo của đối phương giữ được bí mật nơi đóng quân. Sau này toàn quân gọi bếp này là kiểu bếp Hoàng Cầm.
        Mọi công việc đang trôi chảy theo kế hoạch, lao động thế này không mệt lắm vì không bị thúc giục, anh em làm việc rất tự giác. Đến tối ngày thứ năm thì xẩy ra sự cố. Cô Duyền chị nuôi bị ngộ độc thức ăn, y tá cho uống thuốc mà không khỏi, cứ vừa thổ, vừa tả từ ngày hôm qua, cô mất nước mệt lử không ăn, không ngồi được. Y tá bó tay, đề nghị chuyển lên viện huyện cấp cứu, mãi bốn giờ chiều đại đội phó mới quyết định cho đi bệnh viện. Cử người khiêng cáng cô Duyền đi viện gồm anh Thanh, anh Đại, tôi và đồng chí y tá. Anh Mâu đôn đáo mượn đòn khiêng buộc võng và hỏi đường đến viện, được biết bệnh viện huyện sơ tán cách chỗ chúng tôi khoảng 7 ki-lô-mét. Mọi người đỡ cho Duyền nằm vào võng. Anh Thanh và Đại khiêng trước, tôi đeo tư trang của Duyền, anh An y tá đeo túi thuốc đi sau cùng. Hướng đi về phía chùa Mỹ Cụ rồi đi theo con đường đất nhỏ qua các thôn xóm quanh các sườn đồi. Đi được chưa đầy 1 ki-lô-mét anh Đại đã kêu đau vai, mệt, nói tôi thay. Tôi hạ ba lô của Duyền xuống rồi ghé vai đón cái đầu đòn cáng thay anh Đại. Mới đầu đòn cáng tre tròn to cũng cảm thấy êm vai, nhưng đi được vài trăm mét thì vai đau cảm thấy đau không chịu được nữa.
             Duyền thuộc diện con gái đầy đặn xinh xắn 18 tuổi, nhưng đi bộ đội trước chúng tôi bốn tháng cùng lứa tiểu đội chị nuôi. Mọi người nói Duyền xinh nhất tiểu đội chị nuôi, Duyền dáng mập nên cũng phải trên 50 ki-lô-gam. Đường đi lại cứ phải lên dốc, xuống dốc, có những chỗ đường nhỏ khó đi nên đau rát vai càng nhanh mệt. Anh Thanh người thấp đậm rất khỏe, anh đi trước không thấy kêu ca gì, đi được chừng gần cây số tôi không thể chịu đựng được nữa cứ so vai rụt cổ, dùng cả hai tay đỡ đòn cáng  mà vẫn đau vai, tôi lại kêu anh Đại thay cho tôi. Anh Phát y tá thì cứ đi sau, ra chừng việc khiêng cáng là của chúng tôi chứ không phải việc của y tá. Duyền nằm im không mở mắt như là bị lịm đi không nói gì. Thỉnh thoảng anh Phát lại hỏi: Bây giờ đồng chí thấy thế nào rồi? Nhưng cô gái cũng chẳng trả lời, chẳng ra hiệu gì cả. Nhìn nét mặt Phát y tá thấy có vẻ bồn chồn lo lắng, anh nói chúng tôi dừng lại để cầm tay xem mạch cô gái. Hai anh em tôi như vậy là phải đứng nghỉ nhưng trên vai vẫn còn đòn khiêng cô gái. Cái mệt, cái đau do đòn cáng tỳ vào vai càng đau rát hơn. Xem mạch xong, anh giục chúng tôi cố gắng đi nhanh để vào bệnh viện tiếp nước, vì mạch của Duyền yếu lắm. Tôi cao, khiêng cáng phía sau nên quan sát cô gái được nhiều, cảm thấy rất thương, rất lo cho cô, cảm giác như cô là em gái mình.
          Trời đã xẩm tối, đường đi càng khó hơn. Ba anh em cứ khiêng đổi nhau liên tục. Khoảng 7 giờ tối, anh em chúng tôi tới được bệnh viện huyện, đưa Duyền vào phòng cấp cứu. Anh Phát y tá bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện phải 15 phút sau thì việc giao nhận mới xong. Chúng tôi ra về, Duyền nằm trên giường bệnh ở phòng cấp cứu, tôi cầm tay Duyền nói: Em ở lại điều trị còn các anh phải về. Bàn tay Duyền không có phản ứng, đôi mắt lờ đờ nhìn anh em chúng tôi như là có ý nói lời cảm ơn. Tối trời nhưng vì đã quen đường, nên khoảng 9 giờ tối chúng tôi đã về tới đơn vị, vừa đói vừa mệt. Mọi người xúm lại hỏi thăm tíu tít, anh Phát y tá trả lời mọi người, còn ba anh em tôi thì đói quá nên ăn ngấu nghiến cơm canh để phần đã nguội ngắt.
         Sau này chúng tôi chuyển sang đơn vị mới, đi chiến đấu không gặp lại cô Duyền nữa, nhưng kỷ niệm về chuyến khiêng cáng nữ bệnh binh này thật nhớ. Rồi khoảng 35 năm sau số chị em nuôi quân cô Thái, cô Hòa liên hệ tìm gặp kết nối được chúng tôi. Qua chuyện trò hỏi thăm được biết Duyền nằm điều trị lâu, khi trở về đơn vị thì chúng tôi về phép rồi chuyển nhiệm vụ khác. Hết nghĩa vụ Duyền cùng nhiều người được đi học lớp y sỹ, ra trường làm việc tại Quảng Ninh, rồi lại đi xuất khẩu lao động bên Đức. Sự sụp đổ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, hai nước Đức sáp nhập, những người Việt Nam đi lao động xuất khẩu phải về nước. Hiện cô có khách sạn tại Bãi Cháy, Quảng Ninh. Tôi rất vui vì sau khi chia tay ngày ấy tôi vẫn luôn mong muốn gặp lại người nữ quân nhân xinh đẹp mà tôi cùng mấy người khiêng cáng đi viện. Cái kỷ niệm đó cứ theo tôi trên khắp mọi bước chân của người lính trận. Nhân có công việc ra ngoài Quảng Ninh, tôi nói mọi người dẫn đến nhà, trước mặt tôi là một phụ nữ đã luống tuổi xinh đẹp cao sang, nhưng tôi vẫn nhận được cái nét của Duyền. Bất giác những kỷ niệm xưa ập về tôi bồn chồn hỏi: Em có nhớ dịp ở Thủy Nguyên, em bị ngộ độc thức ăn mọi người khiêng em đi viện không? Duyền gật đầu nói: Đúng rồi, em nhớ là như vậy. Tôi hỏi tiếp: Em có nhớ những ai khiêng em không? Duyền nói: Em không nhớ. Tôi nói tiếp: Có ba người thay nhau khiêng em và anh Phát y tá. Anh là Phú, một trong ba người khiêng đó. Duyền nhìn nhanh tôi nhưng không nói gì, không cảm ơn, không vồ vập, biểu cảm hờ hững tẻ nhạt. Tôi như bị hụt hẫng, bị sốc thực sự, tôi cứ nghĩ là cuộc gặp này vui lắm, sôi động lắm nhưng sao lại vô cảm nhạt toẹt, lãng xẹt thế này. Tôi không muốn nói, muốn hỏi gì nữa, tôi nói mọi người ra về, trong lòng thật buồn.
         Những ngày sau chúng tôi vẫn tiếp tục công việc như vậy. Khoảng 21 giờ ngày 4 tháng 7 năm 1972, đại đội tôi cùng cả hai tiểu đoàn hành quân tới nơi. Tiểu đoàn 817 đóng quân dọc từ chùa Mỹ Cụ trở vào. Tiểu đoàn 816 đóng quân tại xã Phù Ninh, cách tôi chừng hai, ba ki-lô-mét. Đại đội tôi đóng quân tại thôn này. Nhà tôi thêm các anh Thỉnh, Văn, Thắng, là năm người, anh Kiên về bên tiểu đội ở nhà khác. Xóm làng sôi động đông vui hẳn lên. Toàn đơn vị nghỉ ngơi nửa ngày, buổi chiều làm nhiệm vụ quyét dọn nhà cửa thôn xóm và sửa sang hầm hố tránh bom.
          Mấy ngày nay đêm nào máy bay cũng bay qua, ném bom nhiều khu vực trung tâm thành phố và những mục tiêu quan trọng. Ngoài biển và các cửa sông địch phong tỏa thả các loại thủy lôi, bom từ trường, ngăn cản sự giao lưu xuất nhập hàng hóa, giữa ta và các nước. Trận địa tên lửa mấy ngày liền đều phóng đạn. Đạn tên lửa, pháo phòng không các loại lửa sáng đỏ rực trời. Tiếng reo hò khi máy bay Mỹ bùng cháy. Chúng tôi được lệnh gấp rút huấn luyện để bắn đạn thật bài 1. Mọi người, mọi tiểu đội, trung đội phải viết quyết tâm thư bắn đạn thật loại giỏi. Cán bộ trung đội thường xuyên kiểm tra đường ngắm của bộ đội bằng kính xạ kích để đánh giá sự trúng chụm đường ngắm.
            Một buổi chiều sau buổi tập xạ kích, trung đội tôi tổ chức tháo lắp lau chùi bảo quản vũ khí tại nơi tập. Anh em cũng đã thành thạo tháo lắp súng. Nhưng hôm đó xẩy ra sự cố là đồng chí Thực khi tháo súng K63, tháo con ốc hãm đầu lò xo sơ ý bị lò xo đẩy tung con ốc hãm bắn xuống mương nước. Rất sợ nhưng không biết làm sao, trung đội phó Mâu bắt cả tiểu đội mò tìm, cái ốc bé như cái cúc áo bằng sắt chìm xuống bùn. Tìm mãi không được trung đội phó bắt tiểu đội về dân mượn mấy cái sàng vét bùn nơi nghi cái ốc bắn xuống, cứ thế mà sàng mà lọc bùn, thế rồi đến tận tối cũng tìm được con ốc hãm. Đúng là một bài học nhớ đời cho Thực và cho cả mọi người.
           Ngoài tập xạ kích, chúng tôi bắt đầu học chiến thuật tổ 3 người và tiểu đội đánh chiếm mục tiêu. Khoa mục này học rất mệt vì những lô cốt, công sự giả quân địch và quân xanh trên đồi cao, chúng tôi phải bò, phải đi khom tiền nhập đến gần mục tiêu tiến công đánh chiếm. Đồi, lại là đồi đá gan gà những viên đá nhỏ, khi đi hay bò dễ bị trượt ngã. Được cái tập ở đồi dốc leo trèo vất vả nhưng không bị phơi nắng, vì có bóng râm cây bạch đàn che phủ nên cũng dễ chịu hơn.
        Được biết tiểu đoàn 816 hiện đang đóng quân tại xã bên cạnh, có nhiều anh em thị xã, có mấy người là em của bạn học tôi. Chủ nhật được nghỉ, tôi tìm sang chơi, anh em thị xã ở đây rất đông có đến mấy chục người, trong đó có Khánh, Báu, Cường là em của bạn học tôi. Qua chuyện trò được biết tiểu đoàn 816 anh em là người thị xã và hai huyện Đông Quan, Tiên Hưng. Tiểu đoàn 817 của tôi là khối các cơ quan xí nghiệp, sinh viên và giáo viên các trường cùng các thanh niên trẻ là hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân. Tiểu đoàn 815 hiện vẫn đóng quân tại Đông Triều, Quảng Ninh nghe nói toàn thanh niên Quảng Ninh. Tôi gặp một vài anh em quen người thị xã có gợi ý với tôi là nếu chuẩn bị đi vào Nam là sẽ đào ngũ, họ rủ tôi cùng về. Tôi nói: Tùy các bạn, mình thì không về được. Chơi với anh em đến chiều tôi về qua đại đội 7 đóng quân ngay tại chùa Mỹ Cụ gặp được anh Hòe, anh Hà Cao Phan thì cùng học cơ khí và cùng về xí nghiệp đóng tầu Trà Lý với tôi. Anh Phan là thợ tiện cùng tổ với bố tôi. Anh Hòe hơn tôi ba tuổi làm việc ở đoạn bảo dưỡng cùng ty giao thông. Anh Hòe đã có gia đình, anh mang theo cả xe đạp Con Én loại xe thể thao của Liên-Xô. Anh nói, anh nhập ngũ đợt ngày 12 tháng 5, toàn ty Giao thông có 5 người thì hai người bỏ ngũ nên tôi phải đi bổ sung thay. 
          Ở vùng này mít và dứa rất nhiều, mua một đồng thì được mấy quả dứa. Hai đồng thì mua được quả mít to hàng chục ki-lô-gam. Anh em chúng tôi mua dứa, mít về cải thiện liên tục. Tôi máu hàn không bị rôm sẩy mụn nhọt bao giờ, thế mà do ăn nhiều mít, dứa quá nên bị nóng, người tôi lên cái nhọt thật to ở má rất đau. Cái nhọt to chín mọng, anh Quang y tá đắp thuốc mấy ngày mà nó vẫn sưng, rất đau không vỡ. Anh Quang nói: Nó không vỡ phải nặn ra thôi, nhưng đau lắm đấy. Tôi nói anh cứ nặn, đau tôi chịu được. Rồi Quang nhờ thêm Thắng giữ đầu tôi để anh Quang nặn nhọt, đau, rất đau tôi nghiến răng chịu đựng, thế rồi anh Quang nặn ra bao nhiêu là mủ và lôi ra cái ngòi xanh lét thật to, hàng tuần sau cái má tôi mới lấp đầy trở lại.
        Toàn đơn vị đang gấp rút huấn luyện chuẩn bị bắn đạn thật thì khoảng 15 giờ ngày 19 tháng 7 chúng tôi có lệnh tập trung họp đại đội. Thật bất ngờ đại đội trưởng Nghẹ tuyên bố đơn vị có lệnh đi B vào Nam chiến đấu, trung đoàn cho chúng tôi về phép. Thời gian nghỉ phép cả đi về là 12 ngày, đúng ngày 31 tháng 7 phải có mặt tại đơn vị. Ôi thật bất ngờ, niềm vui ập đến mọi người reo hò ầm ỹ. Đợi cho mọi người trật tự, đại đội trưởng nói tiếp: Ngay sau cuộc họp, các trung đội cho anh em gấp rút lau chùi vũ khí súng đạn, bàn giao lên đại đội rồi làm thủ tục nhận tem lương thực, tiền ăn và tiền phụ cấp tháng, phụ cấp tàu xe. Để tránh ồn ào, thứ tự thanh toán từ trung đội 1 rồi đến các trung đội tiếp theo. Nhà bếp nấu cơm cho anh em chiều nay bình thường, đúng 17 giờ, đại đội phát giấy phép cho các đồng chí. Sau đây các đồng chí nghỉ ngơi, làm công tác chuẩn bị, thời gian nghỉ phép tính từ sáng mai, nên các đồng chí làm xong mọi thủ tục thì nghỉ ngơi, sáng mai các đồng chí hãy về. Mọi người lại ồ cả lên, cái vui bất ngờ ập đến không gì bằng. Chúng tôi nhanh chóng về lau chùi bảo quản vũ khí và tập trung lên gửi ở nhà ban chỉ huy. Không những chỉ có bộ đội là vui mừng ồn ã, mà người dân khi biết tin bộ đội nghỉ phép để đi B chiến đấu, nhiều gia đình đang làm đồng cũng bỏ về để chia tay với bộ đội. Có gia đình còn giết gà làm cơm, bắt bộ đội lấy cơm về cùng ăn. Thật không gì quý bằng tình cảm quân dân cá nước, tuy rằng chúng tôi mới đóng quân ở đây chưa đầy tháng, mà họ coi chúng tôi như con em mình.
         Biết tin chúng tôi về phép và không ở đến sáng mai, cô Phin chủ nhà luộc một nồi sắn mời chúng tôi ăn, nấu một xoong nước chè tươi thật to đóng bi đông cho từng người. Nhìn chúng tôi ăn sắn, vội vã háo hức chuẩn bị tư trang, cô buồn không nói gì, cảm thấy như muốn khóc. Sau khi giao súng và thanh toán xong các thứ, đa số anh em nói ăn cơm tối, nhận giấy phép xong là “phắn” ngay chứ không ở đến sáng mai. Tôi chợt nghĩ đến anh Hòe bên đại đội 7 có xe đạp, ý định nhờ anh về. Tôi chạy sang đại đội 7 và gặp được anh, anh cũng đang tâm trạng đợi giấy phép là về. Tôi ngỏ ý đi nhờ, anh đồng ý và nói: Nhận xong giấy phép ông phải sang ngay, tôi đợi ông đến 5 rưỡi hoặc 6 giờ thôi đấy. Tôi đồng ý và chạy về nơi ở. Mọi thủ tục ba lô quần áo thanh toán đã xong, tôi chủ động chào mẹ con Phin rồi mang luôn ba lô lên chỗ ban chỉ huy đại đội lấy cơm ăn và đợi giấy phép. Chị em nuôi hôm nay cũng chia cơm cho bộ đội sớm. Chúng tôi ăn nháo, ăn nhào chỉ mong nhanh nhận giấy phép còn “tút”.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2022, 07:04:35 am »


                  Đúng 17 giờ đại đội tập trung, chính trị viên Trần Lẫm phát biểu nội dung là đi phép cũng là nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm khuyến khích động viên tư tưởng cho các đồng chí và gia đình, hậu phương trước khi lên đường ra tiền tuyến. Đây là sự quan tâm to lớn của trung đoàn với các đồng chí. Vì vậy các đồng chí đi phép thăm gia đình và trả phép đúng quy định, không đồng chí nào vì bất kỳ lý do gì mà quá phép. Chúc các đồng chí có chuyến nghỉ phép thăm gia đình thật vui vẻ. Rồi chính trị viên đọc tên từng người lên nhận giấy phép. Rất nhiều anh em đã mang ba lô tư trang như tôi, cầm giấy phép là không trở lại nhà chủ mà thực hiện nước “mã hồi” ngay. Tới lượt tôi cũng vậy, có lẽ chẳng ai về nhà chủ nghỉ đến sáng mai, mà tất cả ào ra đường về quê. Không phải chỉ đại đội tôi mà toàn tiểu đoàn gần 600 bộ đội ùa ra đường, khi thế thật hào hứng.
          Tôi sang chỗ anh Hòe, anh cũng mới nhận giấy phép. Hai anh em buộc hai cái ba lô hai bên gác ba ga. Tôi nói anh để tôi đèo, anh Hòe nói: Anh quen xe để anh đi trước, hai anh em thay nhau, đường còn dài. Ra tới tỉnh lộ 351 mới thấy cảnh thật sôi động, bộ đội đi đầy đường. Tất cả các loại xe ô tô đi xuôi đều đông đặc bộ đội đi nhờ, kể cả xe đạp cũng vậy. Dân biết bộ đội về phép rồi vào Nam chiến đấu, nhiều người chạy về nhà lấy xe đạp chở giúp bộ đội một quãng, chủ yếu là chở tới bến phà Kiềng thì quay lại. Có người vòng đi vòng lại hai ba lượt để chở bộ đội, thật là cảm động, thật trân trọng tình cảm của nhân dân. Nhưng thời đó, xe cộ cũng đâu có nhiều. Rất nhiều anh em không may mắn vẫn phải cuốc bộ, vừa đi vừa chạy gằn, tốc độ hành quân chắc phải 6-7 ki-lô-mét một giờ chứ không ít. Anh em chúng tôi cũng guồng xe thật nhanh, qua phà Kiềng rồi qua phà Kiến An. Trời đã tối hẳn, hai anh em thay nhau đạp xe thật lực. Được cái xe thể thao vành lốp to rất tốt, nhưng đường  xấu, ổ gà nhiều nên xóc, không thể đi nhanh được. Mới đầu hai anh em quyết tâm đi một mạch về thị xã, nhưng phải qua mấy con phà nên không thể thực hiện được. Tới khoảng 12 giờ khuya thì tới thị trấn Vĩnh Bảo. Như vậy chúng tôi đã đi được khoảng 70 ki-lô-mét và vượt qua bốn con phà. Anh em tôi bàn nhau đành ghé vào vỉa hè của cửa hàng mậu dịch huyện nằm nghỉ. Anh Hòe nói: Cũng phải thay nhau gác đấy Phú nhé, kẻ cắp nó không thương anh em mình đâu! Tôi nói: Anh ngủ trước đi để em thức coi xe, coi đồ. Anh đi ngủ, còn tôi ngồi gác, bi đông nước chè xanh cô Phin đóng cho còn đến một nửa, bây giờ mới thật giá trị, làm cho tôi tỉnh ngủ. Tôi hút thuốc liên tục, nghĩ ngợi mông lung, nghĩ đến lúc tôi đột ngột xuất hiện, bố mẹ tôi, và mọi người bất ngờ vui lắm đây.
         Khoảng 3 giờ sáng, anh Hòe thức giấc bảo tôi đi ngủ. Tôi ngả lưng nằm xuống hè phố, cái lưng được giãn thật khoan khoái nhưng không sao ngủ được. Có lẽ tại nước chè xanh sánh đặc, hay tại thổn thức về phép làm tôi khó ngủ. Thấy tôi không ngủ, anh Hòe nói cũng đã 4 giờ rồi, nếu không ngủ được anh em mình về đi còn phải qua phà Cầu Nghìn nữa. Tôi đồng ý, rồi lấy nước chè trong bi đông vã nước rửa mặt, hai anh em tiếp tục lên đường. Anh Hòe chở tôi về đến nhà thì đã khoảng 7 giờ sáng. Tôi lấy ba lô, cảm ơn anh rồi chạy vào nhà. Mẹ và chị Phương tôi đang ở nhà, bố tôi đi làm ở xí nghiệp. Qua nói chuyện được biết là bà tôi cùng các em đã đi sơ tán về xã Tân Bình cách 5 ki-lô-mét, cô em Lợi thì sơ tán theo trường. Mẹ tôi nhìn thấy tôi, rất vui nhưng lại òa khóc. Cầm tay tôi, mẹ hỏi sao con lại được về, mọi người đang không biết con hiện giờ ở đâu? Tuần trước bố có lên chỗ cũ nhưng họ nói đơn vị đã chuyển đi rồi, nghe nói ra Quảng Ninh. Chuẩn bị vào Nam hả con? Hồi đó các đơn vị huấn luyện khi ra Quảng Ninh là chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Mẹ lo lắng hỏi nhỏ tôi: Con được về phép hay là bỏ về chơi? Tôi trả lời mẹ: Chúng con được về phép mẹ ạ, cả đi về là 12 ngày. Con có giấy phép từ chiều hôm qua, anh em về hết cả trong đêm, con may là đi nhờ được xe đạp của anh Hòe, đêm anh em con ngủ ở Vĩnh Bảo sáng nay về sớm. Mẹ tôi nói: Con được về là mừng, là may lắm rồi, máy bay dịp này đánh phá ác liệt lắm. Con ở chơi một lúc rồi đi lên chỗ sơ tán với bà, với các em đi. Tôi nói: Vâng, con nghỉ đến chiều con lên. Tôi lên Tân Bình nơi bà và các em tôi đang sơ tán, mấy em tôi vui ôm quấn lấy tôi, Lộc, Quang, Vinh, thì cứ hỏi là súng anh đâu sao không thấy súng? Cô em gái Qúy khoảng 10 tuổi thì lấy khoai và đường cho tôi ăn. Chú em út Vịnh 3 tuổi trước tôi hay bế thì cứ nhìn tôi đăm đăm rồi ôm tôi bắt tôi bế.
           Tôi ở chơi đến tối rồi lại về thị xã ngủ. Thị xã những ngày này thật vắng vẻ, nhà cửa đổ nát. Tiếng máy bay bay qua, bay lại và tiếng bom rền liên tục, chiến tranh đang thật khốc liệt. Song cũng còn một số người lớn, một số dân quân tự vệ và thanh niên vẫn bám trụ ở lại. Cũng chẳng có gì để chơi, để thăm, ngày chủ nhật tôi định xuống xí nghiệp dưới Tiền Hải chơi, nhưng bố tôi gàn, nói: Xí nghiệp bây giờ cũng vắng vẻ căng thẳng lắm, nhất là sau hai trận bom đánh vào xí nghiệp, người chết, người bị thương nên công nhân làm xong, hết giờ là chạy đi nơi trọ cách xa xí nghiệp, con không nên xuống, cứ ở nhà chơi với các em hết phép rồi đi. Tôi gặp được mấy người bạn gái cùng phố trò chuyện, biết tôi về nghỉ phép và tối cũng ở thị xã. Buổi tối hai bạn đến nhà tôi chơi. Tôi pha trà nước và kẹo mời mọi người, ngồi chơi nói chuyện phiếm. Khoảng 9 giờ thì có báo động máy bay, tiếng còi hú, tiếng súng phòng không các loại nổ rầm trời. Tôi và hai người bạn gái chạy vội xuống hầm, tiếng bom rung chuyển, hai cô gái hoảng sợ ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt hai cô. Có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi được gần, được ôm con gái. Trong tiếng bom, tiếng đạn, mùi ẩm mốc của hầm mà mùi da thịt con gái làm tôi bồn chồn phấn khích lạ thường. Tôi hít thật sâu cái hương vị trời đất đó. Hết loạt bom, hai cô gái vẫn ôm chặt tôi. Không thể kìm chế được, thật tự nhiên, tôi hôn vào má cả hai cô gái. Hai cô cứ để cho tôi hôn, tôi thấy người hai cô nóng rực. Trong hầm tối tôi trỗi dậy ý nghĩ lấn tới… Vừa lúc đó thì còi báo yên, không hiểu sao tôi lại nói: Báo yên rồi mình lên nhà đi, cả hai cô đều nói: Anh Phú lên trước đi! Tôi tần ngần rồi cũng lên khỏi hầm. Lúc sau hai cô gái cũng lên, vào nhà rồi chia tay tôi ra về. Tôi như bị hẫng hụt tiếc nuối cái cơ hội vừa rồi, bần thần một lúc rồi đi ngủ.
         Mấy ngày phép cũng qua nhanh, ngày mai tôi phải trả phép. Tôi lên thăm bà và các em rồi lại về thị xã. Mẹ tôi giết gà làm cơm. Bố tôi, chị tôi và cô em Lợi tôi cũng về, sáng hôm sau bố tôi đưa tôi sang bên xe bên cầu Sa Cát để ra Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng tôi sang đơn vị. Đúng 4 giờ chiều ngày 31 tôi có mặt tại nơi đóng quân. Cũng có một số anh em đã trả phép. Cô Phin chủ nhà rất vui hỏi tôi: Sao anh lên sớm thế? Tôi nói: Anh lên đúng phép mà. Cô nhìn tôi trìu mến nói: Anh đi tắm đi, rồi cứ để quần áo đấy em giặt cho. Trong những ngày trước khi đi phép, cô Phin rất quan tâm chúng tôi, hôm nào cũng hãm tích nước chè tươi cho chúng tôi uống, khi thì sắn, khi thì khoai luộc cho chúng tôi ăn. Quần áo thay ra chưa kịp giặt là cô giặt. Vì vậy nên sau này anh em tôi bảo nhau tắm xong là phải giặt quần áo ngay, không được ngâm ở chậu.


V


       Chiều muộn, tôi sang nhà ban chỉ huy đại đội báo cáo đã trả phép. Tôi thấy mọi người có vẻ rất bận rộn. Đại đội trưởng và chính trị viên Lẫm cùng mấy người đang hội ý gì đó. Khi thấy tôi vào thì ngừng lại. Chính trị viên Trần Lẫm biểu dương tôi là trả phép đúng hẹn và hỏi tôi anh em đã lên đủ chưa? Tôi nói sơ qua là không nắm được hết, tiểu đội mới thấy có được bốn, năm người. Đại đội trưởng nói: Đồng chí xuống bếp báo cơm nhé, rồi mọi người lại tập trung làm việc gì đó có vẻ rất vội. Tôi xuống nhà quản lý gặp ngay cô Nhì, cô Nhì hỏi tôi: Ô, đồng chí dân thị xã mà trả phép đúng hẹn nhỉ? Quà phép của em đâu? Tôi nói: Tối đi ăn cơm anh đưa cho, anh có kẹo Hải Châu đấy. Cô Nhì nói anh vào đây em nói, rót cho tôi ca nước, vừa đưa cho tôi cô vừa nói: Các anh may nhé được đi phép, chứ bên tiểu đoàn 816 để sáng hôm sau mới phát giấy phép. Đúng 7 giờ tối thì có lệnh trung đoàn là thu hồi giấy phép, dừng tất cả việc đi phép, đi tranh thủ, trung đoàn chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Nhưng tiểu đoàn mình thì các anh về ngay tối nên không sao được nữa. Chúng em sắp chia xa các anh rồi, toàn trung đoàn đang biên chế lại, đợi các anh lên đủ là nhận quân tư trang vũ khí đạn dược, thành lập trung đoàn mới luôn. Tôi nói: Thì trước khi đi phép đại đội cũng đã nói rồi còn gì, sau trả phép là lên đường vào Nam thôi. Cô Nhì nói: Nhưng đây là nhiệm vụ khác, như những đợt huấn luyện trước, thì các anh huấn luyện xong rồi bổ sung tăng cường cho các đơn vị. Còn lần này là thành lập hẳn một trung đoàn cơ động của Bộ. Từ hôm các anh đi phép mọi người ở lại bận rộn vất vả lắm. Tình hình gấp lắm, chỉ một hai ngày nữa là các anh nhận quân tư trang và vũ khí mới rồi. Tôi không hỏi thêm được gì và cũng chưa biết nhiệm vụ mới thế nào, chỉ thấy cán bộ ai cũng có vẻ căng thẳng bận rộn. Tôi hỏi thăm cô Duyền đi viện đã về chưa? Cô Nhì trêu: À! Lại nhớ em Duyền xinh gái rồi, sao nhiều người hỏi thăm em Duyền thế. Tôi nói: Hôm trước anh phải khiêng cô ấy đi viện, giờ vai vẫn còn đau đây này. Cô Nhì nói: Em đùa thế thôi, anh về nghỉ đi, tí nữa lên ăn cơm, nhớ mang quà cho em nhé, cô nói, mắt cô nguýt tôi rồi bẹo vào sườn tôi một cái thật đau.
        Tôi nói chuyện với mọi người về đại đội có nhiệm vụ gì gì đó. Anh Tấn nói: Mình cũng nghe phong thanh như vậy, nhưng bộ đội thì bao giờ mà chẳng phải đi, mà đi là đi chiến đấu chứ gì nữa, việc gì phải bận tâm. Chắc tại Quảng Trị đang đẫm máu, đang khốc liệt, hy sinh nhiều lắm nên tăng cường mình vào đấy. Tôi nói: Nhưng mình mới huấn luyện, đã biết bắn đạn thật, biết ném lựu đạn thế nào đâu mà chiến đấu. Anh Tấn nói: Cứ vào chiến đấu là biết hết, biết ngay mà. Tôi không nói gì nhưng qua chuyện cô Nhì quản lý nói thì thấy có việc gì đó quan trọng, chứ không phải bổ sung tăng cường chiến đấu như kế hoạch đã phổ biến.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2022, 07:06:20 am »


         Chiều muộn rồi tối hẳn. Ngày hôm sau quân số đi phép đã đến gần đủ. Trung đội trưởng Đởn và anh Mâu đến kiểm tra quân số liên tục. Theo anh nói, trung đội còn thiếu 5 người. Anh nói: Kiểm tra quân số xem thiếu ai còn điện khẩn về địa phương thúc trả phép đúng hạn. Nhiệm vụ của mình gấp lắm rồi, không huấn luyện ở đây nữa mà thành lập hẳn một trung đoàn cơ động, đủ vũ khí, súng đạn và chuẩn bị lên đường ngay. Anh nói tiếp: Từ giờ các ông không được đi đâu nữa nhé, nghỉ ngơi đợi lệnh thôi. Lệnh cấm trại, vệ binh của tiểu đoàn, trung đoàn gác khắp nơi đấy, ra ngoài không có giấy phép là bắt ngay đấy. Tôi nói: Sao căng thẳng vậy anh? Trung đoàn mới cho mình đi phép đấy thôi. Anh nói: Có mình được đi phép thôi chứ “thằng” 816, 815 nó có được đi phép đâu, giấy phép bị thu hồi, hủy hết, họ ở lại và đã bắn đạn thật rồi. Lính bên đó không được đi phép, nên tự động bỏ về nhiều lắm, vì vậy phải lập các trạm gác là như thế.
         Theo tinh thần đó chúng tôi được nghỉ ngơi tại chỗ hai ngày. Sáng ngày 1 tháng 8, toàn đại đội họp nghe phổ biến nhiệm vụ. Đại đội trưởng Nghẹ sau khi cho anh em hát bài: “Vì nhân dân quên mình”. Hát xong đại đội trưởng nói ngay: Xin thay mặt ban chỉ huy đại đội, tôi biểu dương các đồng chí đã trả phép đúng hẹn. Như vậy đại đội ta tới giờ phút này chỉ thiếu 4 đồng chỉ chưa có mặt, chưa biết rõ lý do, nhưng chúng tôi sẽ điện báo cho địa phương thúc giục hoặc cử người về địa phương triệu lên. Hôm nay tôi chính thức thông báo với các đồng chí về tình hình đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Chúng ta hiện tại là quân huấn luyện tăng cường của trung đoàn 8, Quân khu Tả ngạn. Theo quyết định của Bộ, do tình hình chiến sự ở Miền Nam, Bộ sẽ thành lập một trung đoàn phiên hiệu là trung đoàn 36B, trong đội hình sư đoàn 308B là sư đoàn cơ động của Bộ. Do đó chúng ta có nhiều thay đổi, có đồng chí về đơn vị mới, có đồng chí ở lại khung huấn luyện luân chuyển theo sắp xếp của ban cán bộ và quân lực. Do đó đại đội ta, tiểu đoàn ta đang mang phiên hiệu là đại đội 5 tiểu đoàn 817, thì bây giờ đổi là đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 36B, sư đoàn 308B. Tiều đoàn 1 gồm 4 đại đội: 1, 2, 3,4 và hai trung đội trực thuộc tiểu đoàn là trung đội thông tin, trung đội vận tải, một tiểu đội trinh sát trực thuộc tiểu đoàn bộ. Đại đội 4 là đại đội hỏa lực.
         Tiểu đoàn 816 đổi phiên hiệu là tiểu đoàn 2 gồm đại đội 5, 6, 7, 8, đại đội 8 là đại đội hỏa lực như đại đội 4 và cơ quan tiểu đoàn bộ. Tiểu đoàn 815 cũng đã hành quân từ Đông Triều, Quảng Ninh về đóng quân tại xã Mỹ Đồng cùng huyện với chúng ta, mang phiên hiệu là tiểu đoàn 3 gồm đại đội 9,10, 11, 12, đại đội 12 cũng là đại đội hỏa lực. Trung đoàn còn có các đại đội trực thuộc là: Đại đội 14 cối 82 ly; đại đội 15 súng chống tăng DKZ82 ly; đại đội 16 súng 12,7 ly; đại đội 17 công binh; đại đội 18 thông tin gồm: thông tin hữu tuyến và thông tin vô tuyến; đại đội 20 trinh sát; đại đội 24 quân y; đại đội 25 vận tải. Trung đoàn bộ còn có 3 cơ quan là: Ban chính trị, ban tham mưu, ban hậu cần và 1 trung đội vệ binh. Sơ bộ như vậy, trong quá trình hành quân, huấn luyện các đồng chí sẽ tìm hiểu sau. Hiện tại các đồng chí cán bộ từ tiểu đội, trung đội, đại đội đã bổ sung về đầy đủ.
         Biên chế trong đại đội cũng thay đổi, bây giờ đại đội bộ binh chúng ta biên chế ba trung đội và một tiểu đội hỏa lực, gồm trung đội 1, trung đội 2, trung đội 3, mỗi trung đội gồm 3 tiểu đội từ tiểu đội 1 đến tiểu đội 9. Tiểu đội 10 là tiểu đội hỏa lực gồm cối 61 ly và súng chống tăng B41. Một tiểu đội anh nuôi quản lý, không có chị nuôi quân nữa. Ban chỉ huy đại đội đủ bốn người, có hai liên lạc và ba đồng chí y tá. Đại đội 1 và 2 cũng được biên chế như chúng ta. Đại đội 4 hỏa lực, biên chế 4 trung đội gồm: một trung đội12,7 ly, một trung đội DKZ 82 ly, một trung đội cối 82 ly, một trung đội đại liên, đây là đại đội hỏa lực trợ chiến. Trong chiến đấu tùy theo tình hình sẽ tăng cường xuống chiến đấu cùng các đơn vị.
         Trên tiểu đoàn gồm có chỉ huy tiểu đoàn đủ bốn người, Thượng úy Nguyễn Quang Tạo là tiểu đoàn trưởng. Thượng úy Lê Hàm là chính trị viên trưởng. Trung úy Hoàng Sỹ Liên là chính trị viên phó. Trung úy Nguyễn Báo là tiểu đoàn phó. Ngoài ra còn có các đồng chí trợ lý chính trị, quân lực, quân y, hậu cần. Đại đội ta cũng biên chế đủ bốn người trong ban chỉ huy gồm: Tôi - đại đội trưởng, đồng chí thiếu úy Phạm Văn Sáu là đại đội phó phụ trách hậu cần, đồng chí trung úy Trần Văn Lẫm là chính trị viên trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Từ là chính trị viên phó. Đại đội trưởng nói tiếp: Sau đây xin giới thiệu các đồng chí trung đội trưởng, trung đội phó chỉ huy ba trung đội: Trung đội 1, thượng sỹ Lã Quang Trung trung đội trưởng, Trung sỹ Nguyễn Phi Yến trung đội phó. Trung đội 2, thượng sỹ Nguyễn Khắc Đàm trung đội trưởng, hiện chưa có trung đội phó. Trung đội 3, thượng sỹ Nguyễn Văn Cán trung đội trưởng, chưa có trung đội phó. Tiểu đội 10 là tiểu đội hỏa lực cối 61 ly và súng chống tăng B41 do hạ sỹ Nguyễn Đăng Khoát làm tiểu đội trưởng, trực thuộc ban chỉ huy đại đội.
Đại đội trưởng nói tiếp: Như vậy hôm nay chúng ta sẽ biên chế đơn vị mới. Vì vậy trong đại đội có một số đồng chí ở lại khung của trung đoàn 8 gồm đại đội phó Sung, đồng chí Vinh và đồng chí Thu trung đội trưởng trung đội 1 và 2, đồng chí Mâu trung đội phó trung đội 3, tiểu đội chị nuôi và đồng chí Nhì quản lý. Đồng chí thượng sỹ Nguyễn Văn Đởn trung đội trưởng trung đội 3 được điều làm đại đội phó đại đội 14 hỏa lực cối 82 ly của trung đoàn. Mời đồng chí Đởn lên chia tay anh em. Đồng chí Đởn lên chào mọi người rồi nói ngắn gọn vài câu chúc mọi người vào Nam đánh giặc giải phóng miền Nam giành thắng lợi và gặp nhiều may mắn. Anh nói thêm, tôi được điều sang đại đội cối 82 ly của trung đoàn sẽ thường xuyên chi viện hỏa lực cho các đồng chí, chúc các đồng chí khỏe. Tiếp đến đại đội phó Sung cũng lên chào chia tay anh em.
         Sau những màn chào hỏi chia tay, đại đội trưởng Nghẹ nói tiếp: Nhiệm vụ của chúng ta rất khẩn trương và cấp bách, vì vậy chúng ta phải làm rất nhiều việc. Sáng nay chúng ta tổ chức biên chế quân số. Xong thì các đồng chí về vị trí của từng trung đội, tiểu đội, tổ chức họp tự giới thiệu để hiểu biết nhau. Đến mười giờ, chúng ta lau chùi vũ khí súng, đạn, xẻng, cuốc. Tư trang cá nhân trừ một bộ quần áo mặc trên người, còn lại toàn bộ trang bị phát cho các đồng chí ngày đầu nhập ngũ cho vào ba lô, để ngày mai chúng ta đổi tư trang mới, đổi cả ba lô. Chiều chúng ta mang súng, cả cuốc, xẻng nộp cho đại đội, trực tiếp bộ phận đồng chí Sung sẽ tiếp nhận. Chúng ta được cấp phát vũ khí súng đạn, cả lựu đạn, quân tư trang thật đầy đủ, mới 100%. Bây giờ tôi đọc danh sách từng đồng chí được biên chế về từng trung đội, tiểu đội như sau, yêu cầu các đồng chí tập trung lắng nghe. Đọc đến tên đồng chí nào thì mời đồng chí ấy nhanh chóng đứng lên về trung đội của mình. Trung đội 1: Trung đội trưởng là… Trung đội phó là:.. gồm 3 tiểu đội. Tiểu đội 1 đồng chí …tiểu đội phó đồng chí… tiểu đội 2 tiểu đội trưởng đồng chí… tiểu đội phó đồng chí … tiểu đội 3: tiểu đội trưởng đồng chí… tiểu đội phó là đồng chí… Trung đội 2 tiểu đội 4 đồng chí… Trung đội 3 đồng chí…
         Tôi đợi mãi mà chưa thấy đọc đến tên mình cảm thấy sốt ruột nhưng đại đội trưởng nói tiếp, sau đây là danh sách tiểu đội 10 - tiểu đội hỏa lực gồm… Như vậy là tôi được biên chế về tiểu đội hỏa lực. Tiếp đến tiểu đội nuôi quân gồm đồng chí… Đại đội trưởng nói tiếp: Như vậy là chúng ta đã biên chế xong đội hình quân số của từng tiểu đội, trung đội trong đại đội. Sau đây đồng chí trung úy Trần Văn Lẫm chính trị viên trưởng đại đội phát biểu. Quay sang bên, đại đội trưởng Nghẹ nói: Xin mời anh Lẫm. Chính trị viên Lẫm đứng dậy phát biểu: Thưa các đồng chí! Vừa rồi đại đội trưởng Nghẹ đã đọc biên chế mới của đại đội. Bây giờ chúng ta mang phiên hiệu mới là đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 36B, thuộc sư đoàn 308B là sư đoàn bộ binh cơ động chiến đấu trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đúng 8 giờ sáng ngày kia, tức ngày mùng 3 tháng 8 năm 1972, trung đoàn sẽ chính thức làm lễ thành lập và lễ xuất quân. Nhiệm vụ của chúng ta trong tình hình mới rất nặng nề, những ngày vừa rồi các đồng chí được đi phép. Riêng hai tiểu đoàn 816 - 815 thì không được đi phép, trong lúc chúng ta nghỉ phép thì hai tiểu đoàn phải gấp rút huấn luyện và đã tổ chức bắn đạn thật, phải làm rất nhiều việc cho việc thành lập trung đoàn mới. Các tiểu đoàn đã nhận xong quân tư trang vũ khí đạn dược. Còn theo chương trình ngày hôm nay chúng ta tổ chức biên chế đại đội, tiểu đoàn, chiều chúng ta tổ chức giao nộp vũ khí. Sáng ngày mai nhận quân tư trang mới và các nhu yếu phẩm, buổi chiều nhận vũ khí đạn dược về lau chùi bảo quản. Các đồng chí phải thật lưu ý, lần này chúng ta nhận vũ khí mới, cả đạn và lựu đạn thật. Gồm các loại súng, các loại đạn, như AK, súng cối, trung liên, B40-B41. Chúng ta chưa được học cách sử dụng súng và chưa được bắn đạn thật kể cả bắn súng AK. Nhưng trước tình hình nhiệm vụ cấp bách của chiến trường, sau ngày làm lễ xuất quân lên đường ngay, hành quân vào Nam chiến đấu. Chúng ta sẽ vừa hành quân vừa tìm hiểu, vừa huấn luyện để có thể sử dụng tốt các loại vũ khí, sẵn sàng chiến đấu được ngay. Nhưng sau khi nhận vũ khí, các đồng chí phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của trung đội, tiểu đội tránh xẩy ra những điều đáng tiếc.
        Chính trị viên nói tiếp: Thay mặt đại đội, tôi kêu gọi các đồng chí nâng cao ý thức kỷ luật, ý chí, quyết tâm, phát huy truyền thống của quân đội, của quê hương, của địa phương và gia đình mình trong nhiệm vụ mới. Góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện theo Di chúc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Xin chúc các đồng chí khỏe, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của dân tộc, của quân đội giao cho. Sau đây, theo kế hoạch các trung đội, tiểu đội về từng vị trí nơi ở của mình tổ chức họp, hoán đổi vị trí ở theo trung đội, tiểu đội mới và thực hiện các công việc như đại đội trưởng Nghẹ đã phổ biến. Chúc các đồng chí khỏe, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Tiếng vỗ tay cổ vũ của toàn đại đội rầm vang.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #118 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2022, 07:08:00 am »


         Tiếp đến đồng chí Lẫm giới thiệu: Xin giới thiệu với các đồng chí, đồng chí chuẩn úy Nguyễn Xuân Từ là chính trị viên phó đại đội chịu trách nhiệm về công tác đoàn sẽ là bí thư liên chi đoàn của đại đội ta, mời anh Từ phát biểu. Đồng chí Từ đứng lên phát biểu: Kính thưa các đồng chí, tôi là Nguyễn Xuân Từ chuẩn úy, chính trị viên phó đại đội ta. Tôi quê tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, do vùng miền thổ ngữ nên nói các đồng chí hơi khó nghe, khó hiểu nhưng rồi chúng ta sẽ quen, chúng ta sẽ được hành quân, hoặc sống tại quê tôi, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Chính trị viên phó Từ có thân hình cao to, miệng rộng, môi dày trông rất khắc khổ. Cả đại đội im phăng phắc, cố gắng nghe anh nói, anh nói cả tiếng địa phương như: “Mai mốt các đồng chí vô trong nớ” thì chúng tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ nghe, chỉ hiểu câu được câu chăng. Anh nói tiếp: tôi là chính trị viên phó đại đội nên đi sâu vào công tác đoàn thanh niên. Về tổ chức đoàn thanh niên của đại đội ta, mỗi trung đội là một chi đoàn. Tiểu đội 10 và anh nuôi quản lý liên lạc, y tá là một chi đoàn. Toàn đại đội là một liên chi đoàn do tôi trực tiếp làm bí thư. Phó bí thư liên chi đoàn các đồng chí sẽ bầu sau. Hôm nay các đồng chí về họp trung đội, ngoài các nhiệm vụ được giao, từng trung đội sẽ bầu ra ban chấp hành chi đoàn, bí thư, phó bí thư chi đoàn của mình, rồi chúng ta sẽ bầu ra ban chấp hành liên chi đoàn. Nhiệm vụ của từng đồng chí đoàn viên thanh niên trong lúc này rất nặng nề, các đồng chí phải phát huy tinh thần xung kích của người đoàn viên trong nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, của dân tộc giao phó. Sau đây các đồng chí về thực hiện theo kế hoạch, chúc các đồng chí khỏe.
          Tiếp theo đại đội trưởng giới thiệu đồng chí thiếu úy Phạm Văn Sáu, đại đội phó đại đội phụ trách hậu cần lên phát biểu. Trái ngược với dáng hình chính trị viên phó Từ, đại đội phó rất đẹp trai, người vừa phải, tầm thước trung bình, da trắng, môi đỏ, miệng luôn cười rất tươi. Anh mặc áo bu-dông, đeo xắc-cốt màu đỏ thắt lưng to bản, đeo con dao găm và khẩu súng ngắn bao da thật đẹp. Anh chào xã giao rồi nói: Tôi quê Bắc Ninh, vùng dân ca quan họ, rồi anh hát luôn hai câu: Quê tôi là đất Bắc Ninh, xin chào các bạn lần đầu gặp nhau, người đi trước, người đi sau, miền Nam kêu gọi ta mau diệt thù í i í ì i !!! Cả đại đội vỗ tay ầm ầm. Tôi nghĩ, lẽ ra anh Sáu và anh Từ đổi vị trí cho nhau thì phải. Đại đội phó nói tiếp: Chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhau sau, bây giờ mời các đồng chí về từng trung đội, tiểu đội của mình theo kế hoạch. Xin chào và chúc các đồng chí khỏe. Anh giơ tay chào theo điều lệnh trông thật điệu đà. Sự ra mắt và mấy câu phát biểu của đại đội phó làm chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm đỡ căng thẳng. Rồi các trung đội giục anh em về trung đội của mình.
         Rất may tiểu đội hỏa lực của tôi vẫn ở nhà cô Phin và một nhà bên cạnh. Tiểu đội trưởng Khoát sau khi để mọi người giải lao vệ sinh mấy phút thì tổ chức cuộc họp. Tiểu đội trưởng nói: Đây là buổi họp đầu tiên của tiểu đội ta, để hiểu biết về nhau, từng đồng chí sẽ tự giới thiệu về mình. Tiểu đội trưởng giới thiệu: Tôi là Nguyễn Đăng Khoát, hạ sỹ mới học tại trường hạ sỹ quan về, được cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội ta. Qua giới thiệu được biết tiểu đội trưởng là sinh viên trung cấp lâm nghiệp, đang học năm thứ hai của trường. Tháng 8 năm 1971 thì nhập ngũ, quê anh gốc ở xã Xuân Hồng, huyện Giao Thủy, Nam Định, anh giới thiệu thêm là làng Hành Thiện, đấy là quê hương của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh. Tiểu đội trưởng có cái miệng hơi rộng, nốt ruồi bên khóe miệng, khi nói rất có duyên, mạch lạc rõ ràng. Tôi nghĩ ông bạn này cũng có nghị lực, có bản lĩnh đây (sau này, năm 1977 anh cùng cả đơn vị tham chiến với bọn Pôn-pốt bảo vệ biên giới Tây Nam mấy trận rồi anh được về học tại trường Đại đọc Mỹ thuật Sài Gòn. Hiện anh là họa sỹ nổi danh với tranh lụa, tranh sơn mài. Anh đã có mấy cuộc triển lãm tranh lớn tại Sài Gòn, Hà Nội, được bảo tàng tranh Việt Nam trưng mua mấy bức tranh quý). Rồi anh giới thiệu anh Phạm Văn Ước là tiểu đội phó, được phân công phụ trách khẩu đội 1 cối 61 ly, mời đồng chí Ước tự giới thiệu về mình. Sau câu chào mọi người, anh  Ước nói: Tôi là Phạm Văn Ước, năm nay 27 tuổi, đã có vợ và 1 con trai. Tôi là Đảng viên, là giáo viên dạy toán của trường cấp II huyện Duyên Hà, quê ở thôn Sắn, xã Phúc Khánh. Tiếp đến tiểu đội trưởng giới thiệu anh Nguyễn Văn Tấn là tiểu đội phó phụ trách súng hỏa lực chống tăng B41. Anh Tấn nói: Tôi là Nguyễn Văn Tấn năm nay bằng tuổi đồng chí Ước, tôi chưa có gia đình nhưng đã có người yêu, tôi quê xã Đông Các, huyện Đông Quan. Tôi là giáo viên dạy môn sinh vật tại trường Sư phạm 10+3 Thái Bình tại Đông Minh, Tiền Hải. Rất vui được sống với các đồng chí, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm sau. Tiếp đến tiểu đội trưởng giới thiệu anh Phạm Văn Thỉnh. Anh Thỉnh nói: Tôi thì các đồng chí biết rồi, tôi kém anh Tấn một tuổi, quê ở Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Tôi là giáo viên dạy môn Nga văn của trường cấp III Gia Lâm. Tôi cũng chưa có vợ nhưng đã có người yêu, rất vui được ở cùng với các đồng chí từ ngày đầu nhập ngũ. Tiếp đến tiểu đội trưởng giới thiệu anh Thê. Anh Thê nói giọng miền Trung lơ lớ nhưng dễ nghe hơn giọng nói của chính trị viên phó Từ, anh nói: Tôi là Lê Văn Thê, giáo viên dạy Văn tại trường học sinh miền Nam, quê tôi ở bên kia vĩ tuyến 17 thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị mà các đồng chí nghe hát bài Bình Trị Thiên khói lửa là quê tôi đó. Ở đây có đồng chí Trạch (anh chỉ tay sang một người ngồi cạnh) học sinh miền Nam, là học sinh của tôi. Rất vui được sống cùng đội ngũ với các đồng chí và cả với học trò của mình. Như vậy thầy trò tôi cùng trường, bây giờ lại được cùng đơn vị, cùng tiểu đội, và sẽ được cùng huấn luyện, cùng chiến đấu bên nhau, trước là tình thầy trò giờ là tình đồng chí thật trân quý. Tiếp đến tiểu đội trưởng giới thiệu thêm: Đồng chí Trạch là học sinh miền Nam, con em cán bộ cốt cán được ra miền Bắc học tập đợt này cũng được huy động nhập ngũ, mời đồng chí Trạch phát biểu. Đồng chí Trạch dáng người thấp, hơi gù, có đôi mắt thật tinh nhanh đứng dậy nói: Tôi thì chẳng biết nói cái chi mô, tôi chỉ biết đánh nhau và hay đánh nhau, các đồng chí phải tập võ thật nhiều, thật giỏi để chúng ta chiến đấu tiêu diệt chúng nó. Quê tôi ở Phò Trạch, cách Huế 30 ki-lô-mét. Hiện tại ba, má tôi và các em tôi đang ở trong nớ, tôi chỉ muốn huấn luyện nhanh nhanh để vô Nam chiến đấu hầy, ai có thích học võ thì tôi dạy võ cho.
         Tiếp đến tiểu đội trưởng nói, mọi người lần lượt phát biểu tự giới thiệu về mình. Vừa xong màn giới thiệu thì đại đội phó Sáu xuống dự họp. Sau màn giới thiệu giống như lúc sáng, đại đội phó nói sâu hơn về nhiệm vụ quan trọng trong chiến đấu của tiểu đội hỏa lực. Theo như đại đội phó nói, thì tiểu đội 10 là tiểu đội hỏa lực, vì thế nên được lựa chọn các đồng chí có trình độ biết tính toán nhanh li giác, lượng giác và những đồng chí là đoàn viên, là đảng viên ưu tú về tiểu đội, rồi đại đội phó nói anh Khoát phân công vị trí các xạ thủ… Đại đội phó chào mọi người (cách chào rất điệu) để sang dự họp trung đội khác. Tôi nghĩ biên chế, tính chất nhiệm vụ như vậy, nhưng chúng tôi từ tiểu đội trưởng cho đến mọi người có ai đã biết khẩu súng cối, súng chống tăng B41 là thế nào đâu. Nhưng với lời phát biểu và phong cách đĩnh đạc của đại đội phó, mọi người cũng dành cho anh một tình cảm nể phục, gần gũi yêu mến.
          Tiểu đội trưởng phát biểu tiếp: Thưa các đồng chí: Nghe phổ biến là tiểu đội ta được trang bị 2 khẩu cối 61ly và 2 khẩu súng chống tăng B41. Ngoài ra còn được trang bị 5 khẩu AK. Các đồng chí lưu ý, về súng và đạn của hai loại vũ khí này thì chính tôi cũng chưa được biết, nhưng ngày mai chúng ta sẽ được nhận. Theo gợi ý của đại đội, hôm nay tôi sơ bộ phân công như sau, nếu trong quá trình học tập và chiến đấu có gì chưa hợp lý, ta sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp. Khẩu đội 1 gồm: Đồng chí Thỉnh là khẩu đội trưởng, đồng chí Trần Văn Phú là pháo thủ số 1, đồng chí Nguyễn Duy Đôi là pháo thủ số 2, đồng chí Nguyễn Quang Hà là pháo thủ số 3. Như vậy khẩu đội 1 gồm 4 đồng chí là một tổ 3 người. Khẩu đội số 2 gồm: Đồng chí Phạm Văn Ước khẩu đội trưởng, đồng chí Lê Văn Thê pháo thủ số 1, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn pháo thủ số 2, đồng chí Phạm Văn Hoàn pháo thủ số 3. Khẩu đội 2 biên chế 4 đồng chí cũng là một tổ 3 người. Tiểu đội trưởng nói tiếp: Hỏa lực súng chống tăng B41 cũng có 2 khẩu, mỗi khẩu biên chế 2 người, một người là xạ thủ chính, người thứ hai là xạ thủ tiếp đạn. Gồm khẩu số 1 là đồng chí Nguyễn Văn Tấn tiểu đội phó và đồng chí Nguyễn Văn Chính. Khẩu số 2 là đồng chí Nguyễn Văn Trạch và đồng chí Phạm Văn Nhiên. Như vậy toàn tiểu đội biên chế 13 người, có tôi là tiểu đội trưởng và hai tiểu đội phó. Súng AK thì tôi một khẩu, anh Ước 1 khẩu, anh Thỉnh 1 khẩu, mỗi đồng chí xạ thủ tiếp đạn súng B41 một khẩu để yểm trợ cho xạ thủ chính trong chiến đấu.
           Sau cuộc họp mọi người đi lau chùi vũ khí, gói buộc quân tư trang để nộp đổi. Tôi nghĩ, tiểu đội có 13 người thì có tới 5 người giáo viên, 3 người trình độ đại học, 5 người  trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật, còn 5 người là học sinh. Như vậy là chất lượng, trình độ của bộ đội rất cao. Có lẽ không có đất nước nào có chất lượng người lính cao như vậy, năm nay nhà nước đã huy động gần như tổng lực vào quân đội rồi, tình hình chiến tranh chắc cam go ác liệt lắm đây.
           Đầu giờ chiều chúng tôi tổ chức giao nộp vũ khí, sáng hôm sau lên tiểu đoàn bộ nhận quân tư trang. Tiểu đoàn đã chuẩn bị tương đối tỉ mỷ làm 5 cụm, mỗi cụm cấp phát mấy thứ. Cụm đầu tiên là cấp ba lô con cóc, mũ cối, cả ngôi sao lắp vào mũ đỏ mới cứng rất đẹp. Tiếp đến là cụm cấp phát quần áo, mỗi người được cấp phát hai bộ quần áo vải Tô Châu Trung Quốc mới tinh, 2 bộ quần áo lót cổ vuông cũng màu xanh, tiếp đến là giầy vải cao cổ 1 đôi, dép cao su đúc 1 đôi, hai cuộn dây cao su quai dép dự bị, có cả 1 cái rút dép nữa và 2 đôi bít tất. Tiếp đến là thắt lưng quần, thắt lưng to bản rồi tất cả các thứ trang bị thật đầy đủ cho người chiến sỹ đi B: tăng, võng, màn, khăn mặt, kem đánh răng, xà phòng bình tông, ăng gô, lương khô 701, cán bộ sỹ quan thì lương khô 702. Máy lửa thì mỗi tổ 3 người 1 chiếc. Rồi đường kính trắng, thịt hộp, ruột tượng đựng gạo, túi đựng cơm nắm bằng vải trắng. Các loại thuốc quân y, thuốc lọc nước, kể cả kim chỉ khâu, tất cả mọi thứ xếp căng phồng ba lô. Có lệnh là thay ngay quần áo mới, nộp bộ quần áo cũ đang mặc. Bỗng chốc toàn đại đội rực lên màu xanh của quần áo Tô Châu, mũ cứng màu xanh mới, giầy dép mới, xanh tuya đỏ trông như điểm nhấn sáng rực thật khí thế. Đến gần trưa thì việc nhận quân trang mới xong, mọi người tập hợp ra về, đoàn quân với ba lô con cóc, mũ cối sao vàng trông thật mới, thật đẹp. Nhân dân địa phương, nhất là các em nhỏ ùa ra  đường xem bộ đội, nói cười thật vui.
         Chúng tôi về nơi ở của từng tiểu đội, trung đội, ai cũng vui, hồ hởi nói cười và lúng túng sắp xếp lại toàn bộ quân tư trang, vật dụng cho thật gọn. Xong việc chúng tôi đi lấy cơm. Được biết ngày hôm nay là ngày cuối cùng, các chị nuôi nấu cơm phục vụ bộ đội vì đã có tiểu đội nuôi quân mới, nhưng cũng như mọi người họ phải đi nhận cấp phát trang bị nên chưa làm nhiệm vụ chính được. Cơm trưa xong nghỉ ngơi một tý, đã có lệnh ra đường làng tập trung để đi nhận vũ khí trang bị. Đại đội phó Phạm Văn Sáu dẫn đội hình lên bộ phận quân khí tiểu đoàn nhận vũ khí. Nhìn kho vũ khí các loại trông thật đồ sộ lạ lẫm. Chúng tôi được hướng dẫn nhận súng của mình, súng cối 61 ly còn trong bọc riêng từng phần nòng súng, chân súng và đế súng, cùng những phụ kiện như kính ngắm quang học, hộp dụng cụ tháo lắp thông nòng súng, cọc tiêu mỗi khẩu 2 cái dài một mét rưỡi sơn hai màu trắng đỏ. Anh Khoát còn được trang bị một cái ống nhòm, một cái địa bàn. Dao găm Liên-Xô có bao da mỗi người một cái, dao tông để phát chặt cây 2 con. Xẻng bộ binh mỗi người 1 cái (trừ người được phát cuốc). Mỗi khẩu đội còn có 1 cái cuốc chim có đầu dẹt và một đầu nhọn để có thể đào phá đất đá cứng.
      Súng chống tăng B41 cũng còn trong bọc ni-lon đầy mỡ bảo quản, các trang bị khác như giá đeo đạn và kính ngắm quang học. Tiểu đội được trang bị 5 khẩu AK báng gấp cùng túi đeo băng đạn. Mỗi người được cấp một túi đeo lựu đạn và một mặt nạ phòng độc. Đạn thì được cấp một cơ số tức là đạn súng AK mỗi khẩu 150 viên, đạn súng cối mỗi khẩu 18 quả, được đựng riêng từng quả trong hộp nhựa màu trắng. Đạn B41 mỗi khẩu 6 quả cũng được đựng trong vỏ nhựa màu xanh. Lựu đạn thật cán gỗ mỗi người hai quả.
         Các trung đội bộ binh thì ngoài súng AK, mỗi tiểu đội còn được trang bị thêm một khẩu súng chống tăng B40 cùng 6 quả đạn. Một khẩu trung liên RPK, một khẩu AK đặc biệt có đầu nòng vát để lắp thêm đoạn nòng phụ bắn được đạn AT. Dao găm, lựu đạn, các trang bị khác cũng như chúng tôi. Xong màn nhận vũ khí chúng tôi hành quân về vị trí của mình. Cũng chưa ai biết tháo lắp bảo quản vũ khí thế nào, mọi người đều có ý sờ sợ lựu đạn và cái số đạn B41 hỏa lực kia, nên động tác ai cũng rụt rè, nhẹ nhàng khi phải động, phải di chuyển xếp đặt chúng. Tất cả xếp đầy vỉa hè nhà cô Phin. Vừa lúc đó thì đại đội phó Sáu cùng cậu liên lạc đại đội dáng nhỏ bé nhưng rất đẹp trai xuống, sau được biết đồng chí liên lạc tên là Lâm Hồng Tiêu quê xã Hoà Bình, huyện Duyên Hà là con của liệt sỹ. Đại đội phó Sáu tập hợp mọi người rồi giới thiệu sơ qua từng loại vũ khí, cách tháo lắp, cách bảo quản. Rồi nói chúng tôi mượn nồi đun nước sôi để lau rửa vũ khí lần đầu. Đạn thì phân công xếp gọn gàng cho vào ba lô đeo, hay xin tre làm nẹp buộc để gánh khi hành quân. Đại đội phó dặn kỹ: Đây là đạn hỏa lực B41 bắn cháy được cả xe tăng. Đạn đã được lắp sẵn cả ngòi nổ nên di chuyển, mang vác phải nhẹ nhàng, nghiêm cấm không để rơi, không để va đập mạnh, đề phòng đạn nổ bất thường gây sát thương cao rất nguy hiểm. Đạn súng cối cũng vậy, ngòi nổ cũng được lắp sẵn, nếu để rơi mạnh, đạn có thể nổ tức thì. Mỗi quả đạn nặng gần 2 ki-lô-gam, sức công phá, sức sát thương rất lớn có thể gấp mười, mười lăm lần quả lựu đạn. Hoặc các đồng chí va đập đạn với nhau, vỏ đạn bằng gang nên có thể bị nứt gọi là đạn rò rỉ, khi bắn đạn dễ bị nổ ngay trong nòng súng gây sát thương pháo thủ. Thực tế đã có nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy. Lựu đạn cũng thế, chúng ta phải tránh va chạm, không được để gần lửa nóng rất dễ gây nổ. Đại đội phó ra về, tôi và mọi người đều cảm thấy rờn rợn về số đạn được cấp phát, nhưng rồi cũng nhẹ nhàng xếp gọn các loại đạn và tổ chức lau chùi vũ khi, rửa nước nóng cho sạch mỡ bảo quản như hướng dẫn.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2022, 07:09:32 am »


                Theo phân công, tôi là pháo thủ số 1, chịu trách nhiệm quản lý mang vác nòng và chân súng cùng một kính ngắm quang học của súng có túi vải bạt đeo vai. Chân súng sau khi lau chùi thì lúc nào cũng lắp sẵn vào nòng súng và có dây khuy buộc chặt chân và nòng súng. Trọng lượng của chân và nòng súng là 13 ki-lô-gam. Xạ thủ số 2 mang đế cối cùng 4 quả đạn và hai cọc tiêu. Xạ thủ số 3 mang 12 quả đạn mỗi quả đạn cối 61 ly đủ cả liều phóng hạt nổ nặng gần 2 ki-lô-gam. Khẩu đội trưởng ngoài mang súng, đạn AK còn phải mang thêm 2 quả đạn cối. Súng chống tăng B41 thì được phân công xạ thủ chính mang súng và phụ tùng súng cùng hai quả đạn. Xạ thủ số 2 ngoài súng đạn AK, mang thêm giá đeo 4 quả đạn B41, mỗi quả đạn B41 có trọng lượng là 3 ki-lô-gam.
Vấn đề tư trang vũ khí đạn dược đã xong, liên lạc đại đội xuống báo tiểu đội cử người lên quản lý nhận lương thực, thực phẩm, xoong nồi nấu cơm. Tôi được phân công trong nhóm đi nhận các thứ. Quản lý mới bây giờ không phải là cô Nhì nữa mà là một đồng chí người dong dỏng, trán cao được giới thiệu là hạ sỹ Nguyễn Văn Rĩnh quê xã An Bài, huyện Phụ Dực cũng ngang tuổi tôi nhưng nhập ngũ năm 1971, cũng mới học xong lớp quản lý của quân khu về, đang cúi gằm vào quyển sổ ghi chép và cấp phát các loại lương thực, thực phẩm dưới sự nhắc nhở đôn đốc của đại đội phó Sáu và có sự hỗ trợ của tiểu đội anh nuôi. Gạo thì đã được đóng sẵn trong các ruột tượng xếp cả đống như đống lòng dồi voi to tướng. Mỗi ngày khẩu phần ăn là 0,71 ki-lô-gam nhân với 7 ngày như vậy là mỗi ruột tượng gạo nặng khoảng 5 ki-lô-gam. Các loại rau xanh gồm rau muống, bầu và bí xanh, bí ngô đỏ, quản lý tiếp phẩm đã mua gom đủ dùng 7 ngày. Mì chính, muối, xoong nồi hai bộ để các trung đội, tiểu đội tự nấu ăn từ ngày mai và dọc đường hành quân.
Chúng tôi mang các thứ đã lĩnh về tiểu đội. Tiểu đội trưởng và anh Tấn nhanh chóng phân công từng người mang vác xoong nồi, rau xanh cho phù hợp. Ruột tượng gạo thì đương nhiên mỗi người một cái khẩu phần như nhau. Lúc này chúng tôi mới thấy vũ khí tư trang, lương thực thực phẩm mới nhiều, mới nặng. Cộng tỉ mỉ tất cả thì mồi người phải mang vác từ 32 đến 35 ki-lô-gam. Ai cũng kêu nặng quá vì với trọng lượng mang vác ấy so với trọng lượng cơ thể chúng tôi, nhiều đồng chí gầy gò nhỏ bé chỉ có 44-45 ki-lô-gam.
          Chính trị viên phó Từ xuống kiểm tra việc chuẩn bị và chỉ định anh Tấn làm bí thư chi đoàn. Anh Từ nói: Chi đoàn ta có đặc thù là gồm tiểu đội ta, tiểu đội nuôi quân, y tá, quản lý và liên lạc. Trong lúc này họp với nhau hơi khó, nên tôi thay mặt bí thư Liên chi đoàn tạm thời chỉ định đồng chí Tấn làm bí thư chi đoàn. Khi nào có điều kiện ta sẽ họp chính thức bầu bí thư và ban chấp hành chi đoàn sau. Anh em tôi có nêu vấn đề về việc mang vác nặng quá, nhiều quá. Chính trị viên Từ nói: Tất cả các thứ từ trang bị vũ khí đến lương thực thực phẩm, kể cả xoong nồi nữa đều là các thứ phục vụ thiết thực của người lính bộ binh. Các đồng chí xem liệu có thể bỏ đi được thứ gì? Thứ gì không dùng đến? Các đồng chí phải khắc phục rèn luyện rồi nó quen dần đi. Đấy là các đồng chí mới lĩnh có 7 ngày gạo. Nếu có chặng mà lĩnh mười ngày gạo đi đường thì còn nặng thêm mấy ki-lô-gam nữa. Như vậy là các đồng chí mang vác còn nhẹ hơn các đồng chí bên đại đội hỏa lực, bên đó có những chi tiết súng 12ly7 nặng trên 40 ki-lô-gam, hay nòng súng cối, đế súng cối, súng DKZ cũng vậy phải hai người khiêng. Mỗi đồng chí bên nớ mang vác nặng từ 38 đến 42 ki-lô-gam. Vì vậy chọn vào đại đội hỏa lực yêu cầu là phải khỏe, phải có thể hình cao to mới chịu đựng được. Chúng tôi chẳng ai nói được gì nữa, cũng chẳng biết thế nào mà nói, thôi thì đến đâu hay đến đó chứ biết sao bây giờ?


VI


          Ngày mùng 3 tháng 8 năm 1972, trong lúc đang tập trung chuẩn bị quân tư trang thì 8 giờ sáng tại một căn nhà của hợp tác xã nông nghiệp xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, đã diễn ra Lễ thành lập trung đoàn 36B. Buổi lễ không có cờ hoa lộng lẫy, song có ảnh Bác Hồ, Quốc kỳ và Quân kỳ, cùng dòng chữ: “Lễ thành lập trung đoàn 36B”. Đại diện Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, đại diện thành phố Hải Phòng và các huyện Thủy Nguyên, Quảng Yên… cùng một số khách mời đặc biệt cũng có mặt. Đại diện Bộ Tổng Tham mưu đọc quyết định thành lập Trung đoàn 36B nằm trong đội hình sư đoàn 308B. Chỉ huy trung đoàn gồm các đồng chí: Trung tá Mạch Quang Kiếm giữ cương vị trung đoàn trưởng, trung tá Vũ Trường Long giữ chức vụ chính ủy; thiếu tá Lê Nguyễn giữ chức vụ phó chính ủy. (Lúc thành lập chưa có trung đoàn phó, sau ít ngày thì được bổ sung thiếu tá Qúy giữ chức vụ này). Đồng chí đại úy Nguyễn Văn Đạt giữ cương vị tham mưu trưởng. Đại úy Nguyễn Côn là tham mưu phó. “Để kịp thời tổ chức lãnh đạo xây dựng trung đoàn thực hiện thẳng lợi nhiệm vụ chính trị. Đảng ủy lâm thời trung đoàn được cấp trên chỉ định do đồng chí Vũ Trường Long làm bí thư. Đảng bộ được tổ chức theo hệ thống tổ chức Đảng ba cấp. Các đại đội đều có chi bộ đảng” (Trích lịch sử trung đoàn bộ binh 273).
Ban chỉ huy các tiểu đoàn gồm các đồng chí sau: Tiểu đoàn 1 (đã giới thiệu ở phần trên). Tiểu đoàn 2 do thượng úy Nguyễn Rấng làm tiểu đoàn trưởng; thượng úy Nguyễn Xuân Phong chính trị viên trưởng. Tiểu đoàn 3 do trung úy Lê Hằng tiểu đoàn trưởng; thượng úy Nguyễn Sinh Viên chính trị viên trưởng. Các cơ quan trung đoàn gồm … Các đại đội trực thuộc gồm…
Sau buổi lễ thành lập là lễ xuất quân của Trung đoàn 36B.
“Thay mặt cán bộ chiến sỹ, trung tá trung đoàn trưởng Mạch Quang Kiếm nhận lá cờ lưu niệm của Bộ tư lệnh Quân khu Tả Ngạn do đồng chí phó chính ủy Lương Tuấn Khang trao tặng với dòng chữ “Đoàn kết - Hy sinh - Chiến thắng” và hứa sẽ cùng trung đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên chặng đường mới, một cuộc chia tay nhẹ nhàng nhưng thấm đậm tình nghĩa người ở người đi”(Trích lịch sử trung đoàn bộ binh 273).
Lên đường!
          Trong khi trung đoàn đón nhận cờ Quyết thắng tại lễ thành lập trung đoàn và lễ xuất quân, thì dưới cơ sở các tiểu đoàn đã cử mỗi đại đội 10 người đi làm công tác tiền trạm. Đại đội 3 của tôi phụ trách nhóm tiền trạm là trung sỹ Nguyễn Phi Yến, trung đội phó trung đội 1. Đồng chí Yến là con trai của đồng chí Bí thư huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng yên, anh đi bộ đội khi mới 17 tuổi. Nghe nói anh là cán bộ trung đội trẻ nhất trong trung đoàn, anh có dáng người thấp đậm, nhanh nhẹn thông minh, đôi mắt thật sáng, rất tinh anh (sau này qua các chức vụ trước khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá, chính ủy tỉnh đội Hưng Yên. Anh là bạn thân cùng ban chính trị sư đoàn 341 những năm 1980 với đại tướng Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Hiện anh nghỉ hưu đang sống tại Hà Nội).
          Cũng sáng ngày mùng 3 tháng 8 các đại đội trong trung đoàn họp phát động thi đua hành quân rèn luyện đường dài vào chiến trường. Đại đội 3 của tôi cũng tổ chức họp. Đồng chí Trần Lẫm chính trị viên lên phổ biến nhiệm vụ, phát động thi đua, anh nói: Thưa các đồng chí! Hiện nay tình hình chiến sự ở cả hai miền Nam Bắc đang diễn ra vô cùng ác liệt. Miền Nam ta đang thắng lớn ở khắp mọi nơi, đặc biệt là chiến trường Quảng Trị. Các đơn vị chủ lực tinh nhuệ của ta cùng với các lực lượng quân sự địa phương đang anh dũng chiến đấu để giữ vững Thành Cổ và thị xã Đông Hà, tiêu diệt được rất nhiều sinh lực địch. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu trong cơn giãy chết, đã dùng đủ các loại vũ khí tối tân, hàng ngày có hàng trăm lượt máy bay, kể cả máy bay chiến lược B52 dội các loại bom đạn. Ngoài khơi, pháo binh hạm đội 7 của Mỹ, kết hợp với các trận địa pháo mặt đất ngày đêm bắn pháo giàn, pháo bầy vào khu vực này hòng đẩy lui chúng ta, cố tái chiếm Thành Cổ, để gây tiếng vang trong Hội đàm Pa-ri. Ở miền Bắc, Mỹ đưa hàng ngàn lượt máy bay đánh phá khắp nơi, hòng tiêu diệt các mục tiêu quân sự, kinh tế của ta, làm chúng ta suy yếu, giảm chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Chúng ta đã bắn rơi hơn ba ngàn máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái mà chúng vẫn như con thiêu thân lao đầu vào lửa. Về tình hình quốc tế đang rất có lợi cho ta. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, ủng hộ Việt Nam lên rất cao. Ngay tại nước Mỹ, các cuộc biểu tình chống quân dịch, chống chiến tranh tại Việt Nam cũng đang rất mạnh mẽ. Thậm chí có thanh niên Mỹ còn tự thiêu ngay trước cửa Nhà Trắng để phản đối chiến tranh tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đang có nhiều bất lợi trong việc tranh cử vào Nhà trắng. Trong bối cảnh đó chúng càng điên cuồng giẫy giụa dốc túi vào cuộc chiến. Chúng điên cuồng đánh phá, phong tỏa các cửa sông, cửa biển của ta bằng thủy lôi, ngư lôi, bom từ trường, bom nổ chậm các loại, hòng ngăn cản tàu của các nước đến với ta. Hàng ngày, ta có rất nhiều đội quân cảm tử, cùng các nhà khoa học phát minh những máy phóng từ trường để phá vỡ bom mìn phong tỏa của chúng.
        Thưa các đồng chí! Để đáp ứng nhu cầu quân sự tại chiến trường. Miền Nam kêu gọi, hậu phương trả lời. Hôm nay, trung đoàn làm lễ thành lập, lễ xuất quân, chi viện cho miền Nam. Đây là nhiệm vụ rất to lớn, trọng đại của chúng ta. Trung đoàn ta được thành lập ngay bên dòng sông Bạch Đằng, nơi cha ông ta đã ba lần đánh bại mọi thế lực xâm lược của phương Bắc. Đây là chiến công chói lọi, là truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Phát huy truyền thống đó, tôi thay mặt ban chỉ huy đại đội phát động đợt thi đua: Hành quân rèn luyện đường dài tới đích 100% quân số, an toàn tuyệt đối người và trang bị vũ khí, lập thành tích cho truyền thống của trung đoàn, của quân đội, của quê hương và kỷ niệm ngày Quốc khánh của đất nước. Xin chúc các đồng chí khỏe, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vinh quang nhưng rất nặng nề này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM