sauchinbaymot
Thành viên

Bài viết: 628
Nhớ Rừng!
|
 |
« Trả lời #281 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2014, 06:41:19 pm » |
|
Gọi Hạc (42)
Người Việt bảo, dưới Âm dùng lịch Âm. Ngày này năm trước tính theo lịch Âm là mùng Chín tháng Ngâu, mình viết thế này, đọc lại thấy xa lắc, xa lơ, hư hư, thực thực:
"Đã hơn 3 năm, cái topic có tên dài loằng ngoằng "Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt" rất ít khi bị trôi xuống trang Hai, trong khi các topic của cánh bạn bè thời Quảng Trị đã lặn mãi xuống trang 3 trang 7, trang 10, thi thoảng mới nhoi lên được trang Một. Hơn 60 rồi, lực bất tòng tâm, nhường chỗ cho cánh trẻ Tây Nam, Hà Giang ào ào chuyện bom đạn biên cương. Còn bạn tôi - Âm thầm mà rực cháy, hết chuyện trinh sát, luồn sâu, binh địa, lại chấp bút "chuyện Lê Xuân Tường", "chuyện họa sỹ Thập".
Thế rồi đột ngột, tháng Bảy này, thấy nó cứ lơ đãng, trôi trôi. Tôi giật mình. Thấy trôi đến cuối trang tôi lại vào tào lao mấy chữ, giữ chỗ cho bạn tôi khỏi trôi xa. Bạn bè lại ùa vào, lại neo nó lại trang Một. Nhưng hôm qua, nó lại trôi đến cuối trang, và sáng nay trượt xuống trang Hai. Cứ thấy nao nao buồn.
Chiều qua Hà Nội nóng, oi oi. Lại thêm bốt điện Nghĩa Tân nổ, mất điện cả vùng 3 ngày rồi. Thêm mấy chuyện bực dọc cơ quan, dồn lại đủ dâng huyết áp lên thêm vài chục phân nữa. Rồi bất chợt, thấy số điện thoại lạ gọi, nhưng giọng nam cao (terno) nghe rất quen: “T ơi, M sao rồi?”. Chiến C3 gọi. Chưa kịp trả lời hay hỏi ngược lại thì đã thấy giọng terno chuyển sang giọng trầm basso: “M phải thở oxy, trong SG mới báo ra, biết chưa”. Rụng rời. Nhớ lại, năm ngoái, cũng buổi chiều, một cú điện thoại cũng choáng vàng: “T ơi, bận gì không? Vào bệnh viện Giao thông, tớ sắp lên bàn mổ”. Hộc tốc vào thì ra bạn bị u ở bờ vai, to như quả trứng ngỗng. Giấu vợ con, bạn bè, lúc lên bàn mổ, phải có người thân ký cam đoan mới gọi cho tôi. Gan cóc tía.
Nghe Chiến nói, mình vội lôi thằng con dượt xe vào Bạch Mai. Từ phía bắc xuyên xuống tận phía nam thành phố. Quãng 5h chiều, Hà Nội tắc quá. Kẹt xe gần nửa tiếng đúng quãng ngõ nhà bạn – Quan Thổ 1. Hối hả đến nơi. Bạn nằm trên giường, dây ống chằng chịt. Chân giường là cái màn hình la liệt số và những đường ngoằn ngoèo hình sine. Nặng hơn hôm trước rồi. Thấy tôi đăm đăm đọc mấy con số, mấy hình vẽ, anh bạn bệnh nhân bên cạnh bảo:"Bác nhìn cái số to to ấy, cứ 90 trở lên là ổn, xuống dưới 80 thì chạy gọi bác sỹ ngay". Đọc thấy ghi là PSO2, chắc là chỉ số oxy hòa tan trong máu. Thấy số đang nhảy nhót 90-92. Thế là ổn. Bạn khó khăn trở mình lấy cái điện thoại bị đè dưới lưng. Con số ấy tụt ngay xuống 85. Phổi kém, cử động nhẹ thế mà oxy trong máu đã tụt ngay mất đến 6-7 điểm. Tôi bảo bạn: Thôi cứ nằm im, không cử động, không nói nữa, để tớ kể chuyện cho mà nghe.
Ngồi ấp tay bạn trong tay mình mà thương quá. Nhớ cái ảnh tô màu của hai đứa hồi về lớp Dự khóa bay ở Bạch Mai. Cũng bạch Mai, nhưng ở hai phía đầu - cuối phố, hai phía của 42 năm. Hai khuôn mặt bầu bầu, non sợt, giờ đã thành nhầu nhĩ, uể oải. Đúng là bạn phải thở oxy. Thực ra bệnh nhân hô hấp thì thở oxy là chuyện lính nằm võng, thường thôi. Nhưng nghe thì khiếp. Để hai cái ống oxy vào mũi thì nom có vẻ nhẹ hơn, nhưng hơi khó chịu, chắc không đủ liều. Đeo hẳn cái mặt nạ vào thì dễ thở hơn, nhưng nói năng rất khó, nghe thào thào, thào thào. Bạn bảo: “Buổi chiều, BH nó gọi từ SG ra, hỏi thăm sức khỏe. Hắn hỏi: sao giọng anh lạ thế? – Vì đang phải đeo mặt nạ thở oxy. Có giấu cũng chả được”. Thì ra thế. Tôi giúp bạn mắc chiếc mặt nạ vào. "Thôi coi như câm tạm thời, để tớ nói thôi". Thương bạn, đã "dở điếc" rồi bây giờ lại "dở câm" nữa thì ..., mọi người bảo càng sống lâu.
Nhớ những dòng đầu tiên khi bạn vào diễn đàn, hồi 9/2010: “Không biết có ae nào đã trải nghiệm 5 ngày chỉ nói thầm hoặc làm ám hiệu mà không được nói thành tiếng? Chúng tôi hoàn toàn mất tiếng nói. Thường thì sẽ hồi phục sau vài ngày”.
Thành tâm mong như vậy".
Nhớ lại thêm một chút, viết lại đây để năm sau có đọc lại còn biết là thực, không phải ảo, để nếu có cõi Âm thì Âm Dương chia sẻ:
Hôm ấy LMinh có bảo mình: “Trong viện nhiều chuyện hay lắm”. Mình gật gật đầu. LMinh thở dốc, rất mệt. Linh tính mách bảo mình: “Thế nào rồi Minh cũng sẽ khỏi, sẽ ra viện kể cho nhau nghe những chuyện sắc sảo hay trong viện”. Nhưng linh tính nhiều khi cũng sai.
Châu và con gái “nhường” LMinh cho mình. Cậu con rể chạy xuống tầng lo việc giấy tờ, chụp, chiếu gì đó. LMinh nằm, mình ngồi ấp tay Minh trong tay mình. Tự nhiên hôm ấy mình chỉ toàn kể về những chuyện và con người của Tổ Vật lý chất rắn ở ĐHTH, nơi cả 2 đưa đã trải qua thời SV. Đang dở chuyện "thăgnf Hải, thằng Dương" thì thấy 2 bác sỹ vào phòng kéo theo xe chụp X-Ray di động, đến giường Minh. - Bác giúp cháu đỡ bác ngồi dậy ạ. Mình mới đỡ Minh gỡ mặt nạ ra, nhồm ngồi dậy một cách khó nhọc thì thấy vang lên tiếng tút tút và đồ thị trên màn hình đổi màu, lao dốc đứng xuống, con số màn hình tụt về hơn 80, nháy nháy, giật giật. Gớm, gai hết cả người. Nhưng cậu bác sỹ bảo: - Không sao bác ạ. Một tý là hết thôi. Bác đỡ bác Minh ngồi quay mặt vào tường, quay lưng ra máy. Vâng thế, thế... Bác Minh ôm cái này vào ngực ạ.
Minh khó nhọc ngồi, ôm cái bia chắn tia X trước ngực, mình đứng cạnh đỡ vai Minh. Cậu bác sỹ bảo: - Bác đứng xê ra bên cạnh một tý, chuẩn bị chụp nhé.
Nói xong, một cậu bác sỹ chạy ra nấp ở hành lang phía sau, còn một cậu cầm cái tay bấm đi lùi ra ngoài cửa trước. - Xong rồi ạ. Bác đỡ bác Minh nằm xuống thật từ từ.
Mình nói đùa với LMinh: “Tia-X của máy chụp cơ động, người ta tính toán liều lượng cả rồi, làm gì mà cứ như là bom B52 ở Quảng Trị không bằng. Ừ, nói thế chứ, bệnh nhân thì phải chịu chứ chúng nó là bác sỹ, tránh được vẫn hơn, dại gì”.
Chỉ một lúc sau cậu con rể đã mang phim X-ray lên. LMinh ra hiệu cho mình lấy cái phim chụp hôm trước, để ở đầu giường ra so sánh. - Có vẻ vẫn thế M ạ.
Thực ra phải có chuyên môn mới biết. Mà chuyên môn của 6971 lại là Cộng hưởng từ chứ không phải tia X. Xem như xem bức vách, gật gật, lắc lắc để an ủi bạn thôi.
LMinh cố nói thào thào qua mặt nạ, câu được câu chăng, hiểu là thế này: - Phổi kém lắm rồi, không cấp đủ oxy cho máu nữa. Chỉ cần vung tay lên hay ngồi dậy như lúc nãy là hụt oxy, máy báo động rú rít, nghe thấy hoảng.
Nhìn quanh trong phòng bệnh, nhớ mang máng là phòng số 69, thấy bệnh nhân có vẻ nặng hơn so với phòng hôm trước. Lại nhớ có câu thơ ai đó tự an ủi khi tránh mưa bên hiên phố:
“Bao nhiêu người ướt kề bên Để cho ta thấy bình yên quanh mình”.
Lo lo, nhưng hy vọng, chưa thất vọng. Vẫn tin, bao giờ khỏe, ra viện, kể cho nhau nghe Những chuyện ở bệnh viện.
|