Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:53:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam  (Đọc 81772 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2008, 10:57:16 pm »

-Thưa ông, chuyện cuộc đời, chuyện đồng đội phong phú, sôi động như vậy, còn chuyện tình cảm riêng tư của mình có kỷ niệm nào đáng nhớ không?

-Thế hệ chúng tôi lúc đó lớn lên trong hoàn cảnh mấy nước, được giác ngộ cách mạng, nên lấy việc chung làm hạnh phúc, ít nghĩ đến chuyện riêng tư. Tôi còn nhớ trận phục kích đầu tiên mà tôi bị thương, khi nhìn thấy bọn lính Pháp-Anh đi mặt mày lấm la lấm lét trên đường thì tôi sướng lắm! Bởi trước đây gặp chúng tôi là tôi cúi xuống thôi, không dám ngó thẳng mặt. Nhưng bây giờ thì chúng biết sợ mình. Chúng đánh với mình cũng giống như trong Đại chiến thế giới lần thứ hai mà tôi thấy qua phim ảnh: đội nón sắt, mang giày da, mặc quân phục, tay xách súng, mắt lom lom sợ hãi. Nghĩ bao nhiêu đó, tôi sướng muốn chết rồi. Tự hào lắm! Nên không nghĩ đến chuyện gia đình nữa.

Lúc đó, tôi đã 23-24 tuổi. Tôi cũng còn nhớ trên đường hành quân đi đánh trận Bàu Cá năm 1947, vì mệt nên khi được lệnh nằm xuống, là nằm co rúm lại liền. Đất ướt, sợ vắt chui vào lỗ tai nên đầu người nọ gối lên mông người kia. Có khi gối phải mông… phụ nữ, nhưng tôi chẳng có rung động gì và lắm lúc cũng chẳng nghĩ họ là… phụ nữ nữa, mà là phụ nữ đẹp mới chết kia chớ (cười vang)!


-Vậy ông “nghĩ” đến bà nhà từ lúc nào?

-Duyên số đây. Trong hàng ngũ kháng chiến lúc đó, có hai cô y tá học hệ Pháp ở Sài Gòn là Trần Thị An và chị Tư Tương. Hai chị rất giỏi tiếng Pháp lại ân cần đảm đang hết lòng với bộ đội. Anh em thương binh từ mặt trận trở về gặp hai bà này chăm sóc thì họ mừng lắm. Các anh trong chiến khu muốn ghép chị Trần Thị An cho tôi. Bấy giờ tôi là Giám đốc Binh công xưởng mà ham đi đánh giặc lắm. Và trận nào không có tôi thì anh em không tin. Đơn giản là vì trình độ văn hóa, kỹ thuật của anh em không có, nên chỉ cần để lựu đạn phải sương cũng đã lép rồi.

Trong trận Bàu Cá, tôi đang phục kích ngoài trận địa, thì anh em bố trí cho mấy chị đem cơm vắt ra, trong đó có chị này nè (ông đưa tay chỉ về hướng bà Trần Thị An đang ngồi thái rau, bà quay lại cười:”Cái ông này sao mà nhớ dai quá”). Lúc đó, chiến sĩ nam giới thiếu gì, nhưng các anh cố ý như thế. Sau này, bác sĩ Võ Cương mới nói: “Cơm vắt là của chị An đó. Chị nhường lại cho anh đó!”. Chúng tôi dần thân thiết, thương yêu nhau và được đơn vị tổ chức đám cưới ngay trong Chiến khu Đ, bên bờ sông Đồng Nai…


-Ông bà được bao nhiêu người con?

-Ba đứa, hai trai một gái. Tôi cứ nói chơi với anh em hoài: nếu có thêm đứa nữa thì tan nhà nát cửa.


-Vì sao?

-Bởi vì năm 1954 chúng tôi đã chia tay rồi. Tôi ra ngoài Bắc. Bả ôm ba đứa con từ chiến khu về quê Cần Giuộc dạy học, khai với chính quyền cũ là chồng tử trận, để tránh tai mắt địch, âm thầm đợi tôi cho tới ngày giải phóng. Ba đứa con đều sinh trong chiến khu, nên năm nay tụi nó phải 40 tuổi trở lên, còn nếu nhỏ hơn thì… nó không phải là con mình (Ông quay sang bà, cùng cười).

Nhìn nụ cười tràn đầy hạnh phúc của ông bà, tôi cảm thấy vui lây. Tiếng hót con chim xanh vẫn đều đều gõ nhịp. Một ngọn gió nhè nhẹ lướt qua mặt sông Sài Gòn lùa vào khu vườn sum suê hoa trái. Thật kỳ thú. Tuổi xuân dặm dài trên mọi ngả đường chinh chiến. Khi tuổi xế chiều mới có dịp điền viên cùng vợ con, văn chương chữ nghĩa. Với nhiều thế hệ người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, điều ấy dường như trở thành qui luật. Nhìn tướng Bùi Cát Vũ, lòng tôi chợt nhớ đến một nhà chế tạo vũ khí khác, cũng là Thiếu tướng và người Nam Bộ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử: Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Dù mỗi người ở trong một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chất phù sa của dòng Cửu Long trong mạch máu của họ thật mạnh mẽ, vô tận. Và ở họ, lý tưởng và hạnh phúc là điều gì đó thật hồn nhiên, trong sáng.


Tân Bình, tháng 3 năm 1995
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:19:24 pm »

Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến


Tướng Nguyễn Hữu Xuyến là nhà chỉ huy quân sự có mặt xuyên suốt chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến. Vốn là một “đô vật nhí” vùng Kinh Bắc, đơn độc lưu lạc với nhiều nghề mưu sinh khác nhau tận phương Nam, Nguyễn Hữu Xuyến đã dấn thân vào con đường cách mạng, bị địch bắt đày đi Côn Đảo, rồi trở thành một trong những nhà cầm quân nổi tiếng thời đánh Pháp ở miền Tây Nam Bộ, nhất là Sa Đéc-thánh địa của “Bộ đội Ông Xuyến”. Hiệp định Genève năm 1954 ký kết. Chuyển quân ra Bắc. Giờ chót, Nguyễn Hữu Xuyến được lệnh “nằm” lại , nắm quyền chỉ huy trưởng quân sự bí mật toàn miền Nam. Một sự tín nhiệm cao của Trung ương, đồng thời cũng là một sứ mạng đặc biệt vừa tế nhị vừa nguy hiểm giữa lòng đối phương! Bộ chỉ huy các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam được thành lập, Nguyễn Hữu Xuyến được cử làm phó tư lệnh. Đất nước thống nhất, trên cương vị mới, tướng Tám Kiến Quốc Huy tổ chức xây dựng lại Quân khu 9, nơi mà ba mươi năm trước ông đã khởi đầu binh nghiệp. Nguyễn Hữu Xuyến được phong Thiếu tướng năm 1974, thăng Trung tướng năm 1982… và được tặng thưởng Huân Hồ Chí Minh. Đằng sau thân hình vạm vỡ, uy nghi của tướng Xuyến, tôi bắt gặp một trái tim giàu súc cảm, một khối óc còn ẩn chứa nhiều tư liệu sống về lịch sử một thời giữ nước.


Tuổi Mẹo, Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến sinh tháng 10 năm 1915 tại làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây chính là cái nôi của nhà Lý, hiện có đền thờ Lý Bát Đế cùng nhiều di tích liên quan đến triều đại phong kiến đầy hiển hách này. Vùng “linh kiệt” Tiên Sơn còn là nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng và các tướng lĩnh: Lê Quang Đạo, Phạm Văn Trà… Gia đình Nguyễn Hữu Xuyến làm nghề nông kiêm thủ công nhưng vẫn không đủ ăn. Vì quá nghèo khổ, bố mẹ cùng người anh cả dắt díu nhau vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người con nhỏ còn lại nương nhờ bà con họ hàng nuôi giúp. Nguyễn Hữu Xuyến ở chăn trâu cho người anh con ông bác họ và được cắp sách đến trường làng một thời gian ngắn. Ham học, vừa chăn trâu Nguyễn Hữu Xuyến vừa cố gắng tìm cách tự học và đọc được nhiều sách như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử…


Năm 1940, nghe tin mẹ bệnh mất, Nguyễn Hữu Xuyến liền lên tàu vào Nam. Đến Sài Gòn gặp được cha và các anh chị em, viếng mộ mẹ, Nguyễn Hữu Xuyến bắt đầu cuộc sống tự lập. Chàng trai làng Đình Bảng lang bạt từ Sài Gòn sang Phnôm Pênh rồi Sa Đéc, Cần Thơ với nhiều nghề mưu sinh: sơn guốc, may quần áo, bán hàng, giặt ủi… Đủ cả. Cuộc sống vô gia cư của một con người giàu nghị lực đã đưa Nguyễn Hữu Xuyến đến với cách mạng. Ông hoạt động bí mạt và được kết nạp vào Đảng Cộng sản ở Sa Đéc.


Cuối năm 1941, do cơ sở bị lộ, Nguyễn Hữu Xuyến bị địch bắt giam, đưa lên bót Catinat-Sài Gòn. Ở đây ông bị tra tấn sáu tháng trời, trước lúc bị đày đi Côn Đảo. Nơi trường học cách mạng ở chốn lao tù xa xôi, ông được gặp nhiều nhà cách mạng đàn anh nổi tiếng thuộc nhiều đảng phái khác nhau. Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng các chính trị phạm được đón về đất liền. Nhờ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh ở Côn Đảo, Nguyễn Hữu Xuyến được hai người bạn tù bây giờ là cán bộ hàng đầu tỉnh Sa Đéc, ông Phạm Văn Lầu-chủ tịch và bà Sáu Ngài-bí thư, đề nghị về Sa Đéc phụ trách công tác quân sự địa phương, rồi kết hợp chỉ huy bộ đội chủ lực.


Chín năm chống Pháp, Nguyễn Hữu Xuyến làm chi đội trưởng Chi đội 18, chỉ huy trưởng Liên trung đoàn 109-111, đến năm 1951 ông được đề bạt làm tham mưu trưởng Phân liên khu miền Tây Nam Bộ mà tướng Lê Hiến Mai, tức Dương Quốc Chính là tư lệnh, tướng Phan Trọng Tuệ là chính uỷ. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Xuyến, nhiều trận đánh vang dội đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra. Chẳng hạn các trận tấn công nhà thờ Cù lao  Giêng, chi khu quân sự Gò Quao, tiêu diệt Tiểu đoàn Tidoa-Néon ở Cổ Cò-trận giao thông chiến đầu tiên ở miền Nam, đánh chìm tàu biển trên sông Cửu Long, rồi chùng chỉ huy các chiến dịch Cầu Ké, Trà Vinh, An Biên-U Minh Thượng…


Năm 1954, đất nước bị chia cắt. Giờ cuối trước khi tập kết ra Bắc, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn đề nghị Nguyễn Hữu Xuyến ở lại làm trưởng ban quân sự, bí mật xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ông trở thành vị tướng bám trụ chiến trường Nam Bộ xuyên suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc đầy gian khổ đau thương nhưng cũng vô cùng oanh liệt. Vượt trên mọi hàm tước, tướng Xuyến được xem là vị chỉ huy kiên cường, bản lĩnh, dạn dày trận mạc và sâu nặng nghĩa tình. Ông có nhiều công lao to lớn đối với Nam Bộ, được quân lính tin yêu, đồng đội nể trọng. Ở tuổi bát tuần, vị tướng mang biệt danh Tám Kiến Quốc lừng lẫy, hưu trí cùng “người đẹp Sa Đéc” năm xưa, bà Nguyễn Thị Hai và con chá ở gần chợ Vườn Chuối, Thành phố Hồ Chí Minh. Một sáng tháng Bảy, tôi đến gặp ông…
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:21:18 pm »

-Thưa Trung tướng, một ngày bình thường của Trung tướng bây giờ là gì?

-Thực hiện ba mục tiêu mà tôi đề ra khi về hưu. Thứ nhất là theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình đất nước lẫn thế giới để mình không trở thành người lạc hậu. Hai là giáo dục con cháu trong gia đình nên người có ích cho xã hội. Ba là bảo vệ sức khoẻ cho tốt ở tuổi già.


-Trung tướng vui lòng cho biết một trong những kinh nghiệm nuôi dạy con cháu của mình?

-Nếu có điều kiện thì ba tháng họp gia đình một lần, định kỳ thì sáu tháng họp một lần. Mục đích là liên hoan họp mặt và có vấn đề nào cần bàn bạc thì đưa ra trao đổi môt cách dân chủ để tìm sự nhất trí. Trong gia đình, ai có năng khiếu mặt nào, phải tập trung giúp đỡ, tạo điều kiện phát huy hết khả năng, để phục vụ tốt cho xã hội. Chúng tôi có bốn đứa con, một trai ba gái, nay đều là bác sĩ, kỹ sư.


-Còn về đời sống vợ chồng, thưa Trung tướng?

-Phải biết tôn trọng và luôn chủng cố niềm tin lẫn nhau, mới có hạnh phúc. Trước khi là vợ chồng, thường thấy các mặt đều tốt đẹp. Nhưng khi đã thành hôn rồi lại dễ phát hiện những khác biệt của nhau. Nguyên nhân có thể do tính cách hoặc sự chênh lệch về trình độ văn hoá, thu nhập kinh tế không đáp ứng nhu cầu và đặc biệt là nhận thức về chính trị khác nhau. Nếu không biết cách giúp đỡ, xây dựng, tìm sự hoà hợp thì hôn nhân dễ đi đến tan vỡ.


-Đối với bà nhà, Trung tướng yêu quý đức tính nào nhất?

-Hiền thục, biết cách đối nhân xử thế. Bà là hậu phương vững chắc của tôi!


-Về vấn đề bảo vệ sức koẻ, Trung tướng có tích luỹ được kinh nghiệm nào không?

-Tôi nhớ một nhà bác học đã nói rằng, nếu con người giữ gìn được sức khoẻ từ lúc mới lọt lòng cho đến già, không chết vì bệnh lý, thì có thể sống đến hai trăm tuổi về mặt sinh lý. Tôi cũng nhớ một bác sĩ Liên Xô cũ đã viết: Trong con người, bảo vệ được cái não tốt là yếu tố quyết định nhất trong sức khoẻ con người, vì não là trung tâm điều khiển hoạt động của con người. Còn theo một bác sĩ Mỹ, bảo vệ được ngũ tạng là yếu tố quyết định nhất, vì chúng là cơ quan thu nhận thức ăn và điều tiết tất cả các bộ phận cơ thể con người.
Theo tôi, các lý thuyết trên đầu có cơ sở đúng đắn. Dựa vào đó mà mỗi người tìm cho mình cách tập luyện phù hợp để bảo vệ sức khoẻ.


-Theo Trung tướng, ở thời điểm nào trong cuộc đời, con người có thể xác định hướng đi tốt cho mình…

-Từ mười sáu đến ba mươi lăm tuổi. Nhưng chín chắn nhất là khoảng tuổi từ ba mươi đến ba lăm. Từ tuổi bốn mươi trở lên, có người vẫn tìm được cơ hội thay đổi cuộc đời mình. Nhưng cũng chỉ là cá biệt.


-Bây giờ nếu trở lại từ đâu thì Trung tướng sẽ chọn cho mình nghề gì?

-Nghề… lính (cười). Với tôi, không gì đáng tự hào hơn hình ảnh người lính, nhất là người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Họ không nghĩ gì cho riêng mình. Họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.


-Thưa Trung tướng, một đời chinh chiến, hình ảnh bố mẹ và tuổi thơ còn đọng lại gì trong ký ức Trung tướng?

-(Gương mặt lão tướng ra chiều trầm tư). Tôi nhớ mãi kỷ niệm lúc năm tuổi, hai lần mẹ tôi đưa tôi xuống Hải Dương thăm người bà nuôi mẹ, để gửi chú Ngoạn-em tôi. Khi đi qua núi Bà Lý Chiêu Hoàng, mẹ ghé nghỉ chân và mua bánh cho tôi ăn. Vì nghèo khổ, nợ nần mà bố mẹ bỏ vào Nam. Từ đó, tôi không bao giờ gặp được mẹ nữa! Trong tâm trí tôi luôn hiện lên rất rõ hình ảnh cái nhà, cái sân, cái bếp, cái cối giã gạo để gần cổng đi vào. Cả hình ảnh hai nhà hàng xóm bên cạnh nữa. Cùng một ngõ có nhà cụ Hiếu, trước đi lính Pháp được hàm cửu phẩm. Cụ có người con gái gọi là cô Hiếu, đẹp lắm, nhưng lớn tuổi chưa có chồng, sau phải đi làm vợ lẽ cho tên cai tổng làng Sặt. Vì ở nhờ, tôi chỉ được đi học hơn ba năm trường làng. Học trò bấy giờ có người gần mười tám tuổi cùng học lớp sơ học, tóc để chỏm. Tôi nghỉ học ở nhà cắt cỏ, chăn trâu, làm ruộng, nhuộm hàng. Nhờ có sức khoẻ và gan góc, một mình tôi chăn bầy trâu hàng chục con.


-Trung tướng còn nhớ người thầy đầu tiên của mình?

-Nhớ chứ! Đó là thầy giáo Khang, là người duy nhất trong làng lúc đó học đến trung học. Thầy Khang là ông giáo tốt, nhưng vì nhà nghèo, học trò ít, dạy học không đủ nuôi sống gia đình, nên sau đó thầy bỏ dạy vào Nam kiếm sống.


-Ngoài những điều bất hạnh, thời thơ ấu ở vùng văn hoá Kinh Bắc có lưu lại hình ảnh đẹp nào trong lòng Trung tướng?

-Nhờ tài đánh đáo giỏi, nên tôi hay đánh được tiền, mua quà (cười). Cứ đến tháng giêng, tháng hai, tháng ba bạn bè rủ nhau đi chơi hội các làng: hội đền Lý Bát Đế, hội làng Đồng Kỵ, hội Lim-với từng đoàn trai gái riêng biệt hát đối đáp quan họ trên khắp các ngọn đồi. Đến tháng tư thì đi xem hội Gióng. Đây là hội tưởng nhớ vị anh hùng Thánh Gióng đánh giặc cứu nước. Bấy giờ, cứ tới hội này, trai các làng thường đi từng đoàn và hay đánh nhau. Quan lính trên huyện, trên phủ về xem, họ cũng đánh.

Tôi cũng thường rủ bạn bè đi học võ, học vật; tôi nổi tiếng vật giỏi cả vùng. Bạn bè đủ hạng, nhất là con nhà nghèo, rất yêu mến tôi, chiều tối hay rủ nhau sang xóm khác chơi vật, chơi hát đối đáp, đặc biệt là hát trống quân: “Thình thùng thình, mong ai đừng sớm có chồng, thình thùng thình, ngày mai ta hẹn ra đồng gặp nhau…”. Vui lắm! Hồn nhiên lắm!
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:23:03 pm »

-Vốn xuất thân là một cán bộ hoạt động chính trị, sau Cách mạng tháng Tám mới chuyển sang chỉ huy quân sự. Vậy thời gian đầu Trung tướng có gặp nhiều khó khăn?

-Đây là qui luật tất yếu ở các bị trị, khi người dân muốn thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang. Đấu tranh quân sự chính là bước phát triển cao của đấu tranh chính trị, vào thời điểm quyết liệt nhất, phải dùng đến lực lượng võ trang. Buổi đầu cầm quân đánh giặc, ai không gặp khó khăn, nhưng càng dánh càng có kinh nghiệm; đồng thời tôi cũng luôn học tập, nghiên cứu về lý luận quân sự để áp dụng những điều phù hợp vào thực tiễn. Bởi quân sự là vấn đề khoa học về chiến tranh, đối kháng giữa người với người, mà bên nào cũng muốn thắng.


-Chắc Trung tướng còn nhớ trận đầu tiên mà mình cầm quân.

-Trận tấn công nhà thờ Cù lao Giêng. Năm 1945, lúc Pháp chưa tái chiếm được Sa Đéc, bọn Nhật vẫn đi lại hoành hành tự do. Một số tên lính Nhật không chịu rút, muốn ở ẩn lại chờ thời cơ. Do đó, trận tấn công nhà thờ Cù lao Giêng có cả quân Nhật và Pháp. Lực lượng của ta gồm bộ đội, du kích từ ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc bao vây tấn công ba ngày đêm. Địch có hỏa lực mạnh, phòng thủ tương đối chặt. Một số tổ xung kích của ta lọt được vào trung tâm nhà thờ, nhưng đều bị hy sinh. Lực lượng ba tỉnh bị tiêu hao, có đơn vị hết đạn, nên bộ chỉ huy mặt trận rút lui. Còn lại ba tư lệnh của ba tỉnh ở ba hướng tấn công liền họp lại, bầu ban chỉ huy thay thế và bàn cách đánh tiếp.

Chúng tôi đưa đội hình áp sát nhà thờ, cho nhiều đội xung kích bắt thang trèo vào bên trong để tấn công, đồng thời kết hợp chiến thuật hoả công. Do nhà thờ cấu trúc và bố trí như một cứ điểm lớn, nên nếu chỉ dùng mìn, lựu đạn và sức người thì không thể phá vỡ nổi. Vì vậy, chúng tôi dùng chiến thuật hoả công, đưa xăng dầu vào đốt hành lang nhà thờ chính được năm phút, địch sợ bị cháy rụi nên kéo cờ trắng ra hàng, ta bắt sống hơn 20 tên Nhật, 10 tên Pháp, với gần 100 súng các loại… Đánh chiếm nhà thờ Cù lao Giêng là trận thắng đầu tiên vang dội cả đồng bằng sông Cửu Long.


-Trung tướng có thể kể sơ lược thêm vài trận đánh tiêu biểu khác thời chống Pháp mà Trung tướng trực tiếp chỉ huy.

-Năm 1947, tại Sa Đéc ta bắt đầu kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn, chuyển mọi hoạt động quân sự sang thế chủ động, tự do về tác chiến. Ngay từ đầu năm Tết âm lịch, ta mở trận giao thông chiến tại Cổ Cò-Mỹ Tho, với sự phối hợp lực lượng của hai tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho và toàn bộ học sinh trường quân chính của Khu 9. Quân ta phục kích đoạn đường dài mười hai cây số, hình thành thế trận: dẫn địch vào sâu khu trung tâm, bao vây nhiều lớp và chặn viện nhiều chặng. Tiểu đoàn Tidoa-Néonah của Pháp thắng Đức trong Thế chiến thứ hai, đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, với mười lăm xe cơ giới, trong đó có tám xe thiết giáp. Viện binh của địch ở hai đầu đều bị đánh chặn. Cánh viện binh từ Sài Gòn xuống phá vỡ được tuyến phòng thủ thứ nhất nhưng bị tuyến phòng thủ thứ hai của ta chặn đứng.

Trận Cổ Cò là trận giao thông chiến đầu tiên của Nam Bộ và có lẽ cũng là trận giao thông chiến đầu tiên trong cả nước. Tiếng súng vừa dứt, đồng bào các ngả kéo đến đông nghịt chúc mừng và uý lạo bộ đội. Tôi còn ghi lại mấy câu thơ của ông già Ba ở ngay Cổ Cò tặng bộ đội hôm đó rằng:

Xưa nay Việt Nam lắm anh hùng Tết thắng giặc Tàu nhắc Quang Trung
Xuân đánh bại Tây trận Cổ Cò
Diệt “anh hùng Néon”, thật anh hùng Hoa xuân nở khắp non sông
Mừng Tết Cổ Cò lập công đánh Pháp


-Nếu như Cổ Cò là trận giao thông chiến đầu tiên thì Cầu Kè được xem là chiến dịch đầu tiên ở Nam Bộ đã giành thắng lợi vang dội. Là vị chỉ huy trực tiếp, xin Trung tướng cho biết những điểm chính của Chiến dịch Cầu Kè.

-Năm mà ta và địch ở vào thế giằng co quyết liệt nhất là năm 1949. Địch hòng quét sạch, đẩy ta ra khỏi từng khu vực. Ta cũng chuyển thế tân công ở từng vùng để tiến đến giải phóng từng phần. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục, nổi bật là hai trận chống càn của địch đánh vào căn cứ của ta, bằng đường bộ và đường sông. Cho đến cuối năm 1949, ta mở Chiến dịch Cầu Kè thuộc tỉnh Trà Vinh với mục đích tiêu diệt, bức hàng, bức rút một số đồn bót ở địa phương và diệt viện của địch; đồng thời xây dựng lại tình đoàn kết đang bị chia rẽ giữa người Việt và người Việc gốc Khmer.

Lực lượng gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh phối hợp với Liên trung đoàn 109-111 cùng Tiểu đoàn 307 vừa được tăng cường. Sau mười ngày, ta bức hàng bức rút hai mươi cứ điểm, đồn bót và diệt hai cánh địch viện bằng đường bộ và đường sông, hơn một trăm quân Pháp và lình lê dương Marốc bị bắt, thu nhiều vũ khí đạn dược. Chiến dịch Cầu Kè là chiến dịch tấn công mở vùng, mở mảng đầu tiên ở Nam Bộ đã giành thắng lợi. Và nếu tôi không lầm, hình như trên toàn quốc lúc này chưa mở chiến dịch tấn công nào.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:24:46 pm »

-Tiếng súng Nam Bộ đã khởi đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chín năm chống Pháp. Trung tướng từng là một trong những vị chỉ huy quân sự am tường và trực tiếp trên chiến trường. Theo Trung tướng có điểm khác biệt nào giữa Nam Bộ với các chiến trường khác lúc bấy giờ?

-Nam Bộ là chiến trường mang tính chất đấu tranh du kích ở hậu phương địch. Giữa chủ động tấn công và bị động chống càn xảy ra liên tiếp. Mỗi đơn vị hàng năm phải đánh cả trăm trận. Người chỉ huy quân sự luôn phải tự lực cao, có sức sáng tạo lớn, mới không bị động, đòi hỏi người chỉ huy phải biết cách đánh, biết xây, biết bảo vệ và phát triển lực lượng dựa vào phong trào cách mạng quần chúng; đồng thời phải hiểu biết cặn kẽ tình hình địch-ta.

Thời chống Pháp ở Nam Bộ chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có trường quân sự chính qui. Chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế chiến trường, mà tìm ra cách đánh phù hợp, đề ra chiến thuật. Trên cơ sở đó, bắt đầu mở các chiến dịch, từ chiến dịch tấn công đến chiến dịch chống càn, từ chiến dịch đánh độc lập đến chiến dịch phối hợp với toàn quốc. Và Nam Bộ là nơi mở các chiến dịch sớm hơn tất cả các chiến trường. Tuy nhiên, dưới con mắt của một vài nhà quân sự chính qui hiện đại, họ lại xem cách đánh trên là đánh du kích không khoa học!


-Được biết sau Hiệp định Genève-1954, Trung tướng được Trung ương tin cẩn giao nhiệm vụ bí mật ở lại phụ trách quân sự miền Nam. Trung tướng còn nhớ gì về tình hình tế nhị và phức tạp đó?

-Ngay từ lúc đầu ngừng chiến, địch đã lo ổn định tình hình, tổ chức chính quyền ở vùng cách mạng trước đây. Mỹ tìm cách hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên cai trị miền Nam chia cắt đất nước. Trước tình hình ấy, ta vừa chuyển quân tập kết ra Bắc, đồng thời chuyển một số cán bộ vào hoạt động bí mật để lãnh đạo, chỉ huy phong trào chiến đấu trong lòng địch. Tôi đang phụ trách chuyển quân tập kết, đến chuyến cuối cùng, thì bất ngờ nhận lệnh ở lại. Bởi nhiệm vụ này vốn đã được phân công cho người khác chứ không phải tôi.


-Giữa lúc chiến hữu và người thân chuyển ra Bắc, Trung tướng đột ngột nhận nhiệm vụ ở lại giữa vòng vây đối phương, tâm trạng Trung tướng lúc ấy thế nào?

-Vừa ngậm ngùi, vừa tự hào. Bước chân xuống ghe, nhìn cảnh vợ con đứng trên bờ chuẩn bị ra Bắc, lòng làm sao không bùi ngùi cho được. Tôi nhớ đêm hôm trước, hình như linh tính báo rằng ba không cùng ra Bắc, nên thằng Hoàng con tôi khóc dữ, mẹ dỗ mãi mới thôi (cười). Biết ở lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, nhưng tôi cảm thấy toại nguyện. Vì tình cảm của mình đối với dân bấy giờ thật khó tả, có lúc nghĩ đến cảnh dân phải ở lại trong lòng địch tôi rơi cả nước mắt. Ngay đêm đó, tôi vào căn cứ ở chung bộ phận với các anh Ba Duẩn, Sáu Dân, Tám Cao, Ba Bụng, Cao Đăng Chiếm…


-Như thế cả hai cuộc kháng chiến, Trung tướng đều không rời chiến trường miền Nam?

-Vâng. Do tình hình mới, tôi bắt tay nghiên cứu tài liệu, xây dựng các lực lượng vũ trang, công tác binh vận, thanh niên. Hoạt động vừa có tính hợp pháp, bán hợp pháp, lại bất hợp pháp. Mặc dù nằm giữa lòng địch, bị khủng bố và tàn sát dã man, nhưng lực lượng cách mạng vẫn tồn tại và từng bước phát triển. Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, Trung ương mới tăng cường anh Trần Văn Quang vào Nam cùng tôi phụ trách về quân sự. Đến khi anh Quang ra Bắc, anh Trần Văn Trà, anh Nguyễn Chí Thanh, anh Lê Trọng Tấn và một số đồng chí khác được cử vào chiến trường. Bộ chỉ huy các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam được thành lập, tôi được cử làm phó tư lệnh Miền và tiếp tục cầm quân tham gia tác chiến. Có hai lần tôi xa chiến trường. Lần thứ nhất từ cuối năm 1963 đến 1965, tôi sang Trung Quốc học. Lần thứ hai là cuối năm 1974, tôi ra Hà Nội làm thường trực Ban Chỉ đạo Quân sự miền Nam, trong ban gồm có anh Võ Nguyên Giáp, anh Văn Tiến Dũng và một số cán bộ quân sự khác.


-Có thể nói, cách mạng miền Nam thời kỳ 1954-1960, nghĩa là trước khi phong trào Đồng Khởi bùng nổ và các đoàn công tác từ miền Bắc vào, đã gặp nhiều gay go, tổn thất. Với tư cách người chỉ huy quân sự đứng đầu miền Nam lúc đó, Trung tướng có thể phác hoạ sơ lược về tình hình và hoạt động quân sự thời kỳ này?

-Năm 1954-1956 là giai đoạn còn đấu tranh thực hiện Hiệp định Genève. Ở Nam Bộ, có chỉ đạo chung là xây dựng lực lượng võ trang mật và tranh thủ các giáo phái. Tuy nhiên ở các địa phương việc chỉ đạp và xây dựng không đồng nhất. Có nơi hoạt động tốt. Có nơi không xây dựng được. Thậm chí có nơi liệng súng xuống sông để chỉ đơn thuần đấu tranh chính trị. Hoạt động của các lực lượng võ trang bấy giờ là tự vệ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ dân và võ trang tuyên truyền, bằng phương pháp khống chế bọn ác ôn và chính quyền của địch ở nông thôn. Thời gian này ở Nam Bộ sơ khai hình thành trở lại ba căn cứ: U Minh, Đồng Tháp và chiến khu Đ.

Mặc dù bị chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố, tàn sát dã man, nhưng thế và lực cách mạng vẫn chuyển biến nhanh. Thế chính trường như có hai nhánh chính quyền hình thành ở nông thôn mà nhất là Khu 9, nhiều nơi thế lực cách mạng mạnh hơn địch.


-Nghe nói thời kỳ này, Trung tướng có đề xuất với ông Lê Duẩn việc cướp chính quyền. Điều này có hay không, thưa Trung tướng?

-Có. Lúc đó anh Lê Duẩn là người lãnh đạo trực tiếp cao nhất của cách mạng miền Nam. Bằng lực lượng võ trang ngầm nổi, trong ngoài, kết hợp với phong trào quần chúng, tôi đã đề nghị với Đảng mà trực tiếp là anh Lê Duẩn, cho cướp chính quyền. Nhưng anh trả lời chưa đủ điều kiện. Vì lúc đó, chỉ có lực lượng ở Khu 9 là mạnh, còn Khu 8 và Khu 7 lực lượng còn yếu. Ngoài Khu 5 trừ một bộ phận nhỏ ở Trà Bồng, thì lực lượng chưa có gì. Từ đề nghị này mà về sau, có cán bộ lãnh đạo cao cấp cứ mãi nhắc nhở đề phòng việc bạo động non cướp chính quyền.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:26:37 pm »

-Vậy còn tình hình chung từ năm 1956-1960?

-Cuối năm 1956, địch ra sức xây dựng chính quyền đều khắp vùng căn cứ cách mạng, tiến hành bình định, lập ấp chiến lược, tăng cường khủng bố, đàn áp. Hầu hết các lực lượng võ trang giáo phái thân Pháp ra đầu hàng Mỹ, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ được giác ngộ ở lại bưng biền với cách mạng. Miền Tây bị tổn thất khá nặng. Tuy nhiên ở miền Đông từ cuối năm 1957 trở đi, ta xây dựng được căn cứ và lực lượng võ trang mạnh dần. Thành phần bao gồm cả cán bộ, chiến sĩ từ Khu 9 và Khu 8 lên cộng với người ở Khu 7. Đồng thời, còn có cả lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài được sát nhập vào lực lượng giải phóng. Nhờ đó lực lượng chính trị ở miền Đông được củng cố và mạnh dần lên, có tác dụng duy trì thế chính trị chung trong tình hình cả miền Nam khó khăn.

Cho đến phong trào Đồng Khởi năm 1960, lực lượng quần chúng nổi dậy là chủ yếu, nhưng vai trò quân sự hỗ trợ cũng rất đắc lực.


-Đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Thành năm 1961 có thể nói là hoạt động quân sự gây tiếng vang lớn thời kỳ đầu chống Mỹ mà nhiều người thường nhắc. Vốn trực tiếp chỉ huy trận đánh này, xin Trung tướng kể lại một số diễn tiến chính.

-Tỉnh lỵ Phước Thành là một đặc khu mới xây dựng của địch lúc ấy, để chế áp cách mạng ở chiến khu Đ và vùng rừng núi miền Đông. Ta sử dụng ba tiểu đoàn cộng ba đại đội để tấn công và chặn viện. Quân ta dùng chiến thuật kỳ tập bằng đặc công tiến trước và kết hợp chiến thuật tập kích tấn công của các tiểu đoàn tiếp theo, hình thành thế tấn công vào năm khu vực bằng năm cánh quân hợp vây, chia cắt địch ra từng mảnh ngay từ đầu để chúng không ứng cứu nhau được, mà trọng điểm là khu vực cơ quan đầu não tỉnh.

Trận đánh mang yếu tố bí mật, bất ngờ chỉ sau hai giờ, ta đã làm chủ toàn bộ tỉnh lỵ Phước Thành, bắt sống tỉnh phó, giải thoát bốn trăm tù chính trị, tiêu diệt và bắt gọn hơn một ngàn tên địch của ba tiểu đoàn bảo an, một tiểu đoàn cộng hoà, một tiểu đoàn công an, thu toàn bộ vũ khí trong đó có cả xe thiết giáp và pháo 105. Quân tiếp viện của địch ở các hướng cũng bị đẩy lùi. Về sau dùng máy bay yểm trợ chiếm lại, nhưng địch vẫn phải bỏ hẳn tỉnh lỵ Phước Thành, xoá tên tỉnh này khỏi bàn đồ hành chính.

Trận Phước Thành có tác động rất lớn ở miền Đông. Nó gây hoang mang dao động dây chuyền đối với địch. Quân ta tiếp tục khuếch trương chiến quả, bao vây uy hiếp các đơn vị của địch ở ven rừng, đánh chiếm và bức rút hàng chục đồn bót và chi khu, phá các ấp chiến lược, giải phóng hàng chục ngàn dân, mở rộng vùng giải phóng.


-Nghĩa là theo Trung tướng, sau trận Phước Thành, cục diện chiến trường dần chuyển biến qua thế có lợi cho ta…

-Vâng, nhất là kể từ năm 1962, khi hàng loạt cuộc tấn công của ta diễn ra khắp nơi. Các lực lượng biệt động ở thành thị cũng bắt đầu hoạt động gây được tiếng vang trên cơ sở tấn công địch ở chiến trường miền Đông, lần lần các chiến trường khác chuyển động mạnh. Trước hết là Khu 9, rồi đến Khu 5. Riêng Khu 8 sau trận thắng vang dội Ấp Bắc đầu năm 1963 đã thật sự mạnh đều lên và có thể nói, sau chiến thắng Ấp Bắc, quân ta đã nắm lại quyền chủ động tấn công trên toàn miền Nam. Điều đó có tác động lớn đến việc “thay ngựa giữa dòng” của Mỹ khi lật đổ Ngô Đình Diệm và chế độ độc tài gia đình trị của ông ta.


-Về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, có nhiều ý kiến trái ngược nhau cả phía đối phương lẫn phía ta về kết quả của nó. Riêng Trung tướng có nhận định thế nào, thưa Trung tướng?

-Đúng như anh nói, lúc đầu phía đối phương công nhận họ thua, sau họ bảo thắng. Còn ta cũng có người cho rằng không thắng vì không dứt được điểm nào, mà còn bị tổn thất khá nặng. Theo tôi, cuộc tấn công Tết Mậu Thân-1968 cho thấy sự đánh giá đúng về mặt chủ quan của địch, tạo được một bước chuyển biến về chiến lược có lợi cho ta, đem lại kinh nghiệm quý cho các cuộc tấn công chiến lược về sau.

Mặt khác nó cũng chỉ ra rằng, sức tấn công quân sự của ta còn có hạn, nên không thúc đẩy được phong trào nổi dậy của quần chúng giành chính quyền. Chẳng hạn, tại Tây Ninh, nếu ta có được một trung đoàn thì sẽ đánh chiếm toàn bộ tỉnh lỵ một cách nhanh gọn. Bởi lúc ấy chỉ với một lực lượng ít ỏi, chủ yếu là bộ đội địa phương, nhưng ta vẫn chiếm, bao vây một số điểm quan trọng, làm chủ thị xã Tây Ninh hai đêm hai ngày. Tại các đô thị khác cũng vậy.

Một điểm cũng đáng chú ý là bấy giờ thế và lực của đối phương vẫn còn mạnh. Địch nhanh chóng khôi phục lực lượng, còn ta thì cần thời gian dài hơn. Nhưng nhờ thắng lợi Mậu Thân 1968, ta đã buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, rút quân về nước, để ta có điều kiện đánh nguỵ nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam.


-Với tầm nhìn bao quát: của một vị tướng có mặt xuyên suốt trên chiến trường, theo Trung tướng, sự tài tình về nghệ thuật chỉ huy trong chống Mỹ thể hiện ở những điểm nào?

-Thể hiện ở các cuộc tấn công chiến lược; cách đánh giá chính xác tình hình địch ta; nghệ thuật chỉ huy quân sự ở từng trận đánh với thế tấn công bất ngờ, chuyển từ bị động sang chủ động, từ yếu lên mạnh đến mạnh tuyệt đối để hoàn toàn áp đảo đối phương, kết thúc chiến tranh.


-Nghe Trung tướng kể chuyện, cứ ngỡ như những ngày hào hùng và bi tráng mới thoáng qua. Theo Trung tướng, trong hai cuộc chiến đấu vừa qua, phụ nữ có vai trò như thế nào?

-Vai trò của người phụ nữ không chỉ thể hiện trên chiến trường mà cả ở hậu phương, trong từng gia đình. Chính vì vậy mà nhiều bà mẹ Việt Nam đã được phong tặng anh hùng. Trên thế giới không nước nào có nhiều bà mẹ anh hùng như thế!


-Có điều chiến tranh đã đi qua hơn ha imươi năm, nhiều bà mẹ đã mãi mãi ra đi không kịp nhận vinh dự mà Nhà nước phong tặng!

-Đây cũng là điều cần suy nghĩ. Nhưng muộn còn hơn không. Theo tôi, trong việc phong tặng cho các bà mẹ cũng cần phải chú ý đến một thực tế: có những bà mẹ liệt sĩ, đồng thời bản thân còn trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, chịu cảnh tù đày, tra tấn. Đó là những bà mẹ anh hùng. Còn những bà mẹ có con là liệt sĩ, nhưng bản thân không trực tiếp hoạt động cách mạng, thì đó là bà mẹ Việt Nam yêu nước.


-Đã có bà mẹ Việt Nam anh hùng sao không có ông cha Việt Nam anh hùng, thưa Trung tướng?

-(Cười) Tôi cũng nghĩ cần có danh hiệu này.


Tôi đề nghị mượn Trung tướng mấy tấm ảnh tư liệu. Ông bước vào nhà trong. Vừa lúc người bạn đời của Trung tướng, bà Nguyễn Thị Hai, bước ra châm thêm bình nước. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi chuyển câu chuyện sang bà. Đã ở tuổi bảy mươi sáu nhưng trông bà còn khoẻ và hoạt bát lạ thường. Tôi hỏi:

-Thưa bà, cả đời sống với nhau, điều gì làm bà vừa lòng và điều gì làm bà không ưng ý đối với ông nhà?

-Ông nhà tôi là con người hiền hậu, chất phác. Là tướng nhưng không tỏ vẻ là tướng, mà luôn sống giản dị. Tuy là vợ chồng, nhưng thời gian chúng tôi sống bên nhau rất ít. Cả đời ông ấy gắn với chiến trường, chỉ nghĩ chuyện đánh giặc, ít nghĩ chuyện gia đình. Đến bây giờ, cả việc lớn việc nhỏ thường cũng tự tôi lo liệu.


-Chắc bà còn nhớ thời điểm ông bà thành hôn với nhau…

-Tôi đến với ông ấy hoàn toàn do quyết định của cha tôi. Quê tôi ở Gò Công, cha tôi hay xuống Cần Thơ buôn bán và gặp ông nhà tôi. Thấy ông đơn côi, làm ăn thực thà, cha tôi đem lòng yêu quý. Qua một người cô ở Cần Thơ, chúng tôi ”coi mắt” nhau và… Vậy thôi. Không có chuyện được tìm hiểu, yêu thương trước khi cưới như bây giờ.

Năm 1941 chúng tôi có đứa con đầu, ông ấy bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Ở nhà, bà nội tôi cứ đòi đem tôi gả cho người khác (cười). Nhưng cha tôi nhất quyết không chịu. Vì lúc đó, đi Côn Đảo chẳng biết ngày về. Và khi ông ấy trở về thì tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi đi đánh giặc suốt tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cứ mỗi lần gặp nhau, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi lại có… một đứa con (cười)! Cứ thế. Bốn đứa bây giờ đều trưởng thành. Tôi nhớ khi tập kết ra Bắc năm 1954, tôi đòi ở lại miền Nam với ổng nhưng ổng không cho. Đợt ấy gần chín năm sau mới gặp lại. Ra Hà Nội, một mình tôi vừa nuôi con, vừa làm việc để… đợi ông!


Nghe phu nhân Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến tâm sự, tôi càng thấm thía nỗi thống khổ do hai chữ “chiến tranh" đem lại. Nó không chỉ là nỗi đau chung của một dân tộc, mà còn “bắn” vào từng gia đình. Và ở đó, người phụ nữ luôn âm thầm chịu đựng bao nỗi mất mát: xa chồng, xa con, mất chồng mất con và theo tôi, nỗi đau lớn nhất trong những nỗi đau: sự mỏi mòn chờ đợi trong tuổi thanh xuân!


Tân Bình, tháng 7 năm 1997
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2008, 09:29:50 pm »

Phan Hoàng với cảm đề về các vị tướng

Từ “Mùa thu rồi ngày hăm ba…” đến “Ba mươi năm dân chủ cộng hoà kháng chiến thành công” là khoảng thời gian mà hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” luôn là hình ảnh trung tâm của nền văn học cách mạng. Hình ảnh người lính do chính họ hay do người khác viết đều là những người lính bình thường, có thể là anh đôi viên hoặc người chỉ huy phân đội. Rất ít khi ta gặp các vị tướng-những người chỉ huy cấp cao trong những trang sách văn học về đề tài chiến tranh cách mạng.


Khi Phan Hoàng-nhà báo thực hiện những cuộc phỏng vấn các vị danh tướng về cuộc đời và sự nghiệp của họ đề giới thiếu với bạn đọc rộng rãi thì Phan Hoàng-nhà thơ đã dậy lên trong lòng những cảm xúc thi ca. Những vần thơ có tính “ứng khẩu” về các vị tướng cho ta hiểu thêm những nhân vật ít được có mặt trong văn học viết về người lính, để ta yêu hơn những con người đã hiến dâng cả đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, góp phần làm nên trang sử vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu



Trần Đại Nghĩa

Hành trang nắm đất Cửu Long
Lạy mẹ lạy chị thắt lòng ra đi
Tài vũ khí khó ai bì
Tinh thần đại nghĩa tiếc gì sông Sein
8.1994


Bùi Cát Vũ
Nghỉ võ lui về làm văn
Sài Gòn gió bụi cơ hàn tuổi mây
Cùng Huỳnh Văn Nghệ đánh Tây
Trải bao cuộc chién vẫn say… La Ngà!
3.1995


Hoàng Cầm
Tuổi xanh chiếu đất màn trời
Mùa thu bão nổi đổi đời đổi tên
Lính xung kích tướng tiên phong
Làm thơ tặng vợ lập công tuổi già
4.1995


Nguyễn Minh Châu
Phục Dăkpơ bắt quan năm
Phất cờ Ba Nhất giiác Nam chập chờn
Gối đầu vách gió Trường Sơn Hiu hiu Bình Thuận lấy đồn nuôi quân
5.1995


Đồng Văn Cống
Láng giềng kết nghĩa phu thê
Súng Tây gươm Nhật chông tre giữ làng
Đời cha đuổi thú khai hoang
Đời con đuổi giặc dang vang đất Rồng
8.1995


Trần Nam Trung
Bước chân chinh chiến trăm miền
Ba Tơ hào khí Điện Biên hào hùng
Vượt Trường Sơn bám Nam Trung
Sài Gòn dừng gót bão bùng tình riêng
2.1996


Trần Văn Trà
Miền Trung tay trắng lên đường
Điều binh khiển tướng uy lừng trời Nam
Bình yên thiên mã bất kham
Dở dang trang sách ruổi rong trời nào?
4.1996


Dũng Mã
Hà thành gác mộng bút nghiên
Tiến về Việt Bắc đầu quân diệt thù
Song Mã hùng dũng chiến khu
Anh xanh duyên mới em mù khói sương
8.1996


Trần Văn Danh
Đêm đầu kết thúc chiến tranh
Cũng đêm thiêng riêng tướng Danh-Ba Trần
Nửa đời xuất quỉ nhập thần
Nửa đời lặn lội lấp dòng Trị An
4.1997


Tô Ký
Vượt Tà Lài bám Vườn Trầu
Chỉ huy Liên quận mưu sâu nghĩa dày
Giao thông đi gió về mây
Đã nấu ăn thì Tàu Tây cũng rành
7.1997


Lê Văn Tri
Từ bộ binh đến phòng không Ngắm tên lửa nhớ tầm vông thuở nào
Đêm làng hoa mơ chiến hào
Pháo đài bay rớt cánh đào hồ Tây
8.1997


Phan Khắc Hy
Quách Xuân Kỳ, Phan Khắc Hy
Ném thân gió bụi sá gì phu thê
Chiến trường đâu cũng là quê
Trường Sơn ứng mộng lời thề… mẹ xưa!
9.1997


Dương Cự Tẩm
Đặc phái viên thành kiều bào
Lập liên quân giúp nước Lào giải vây
Viện binh Nam Bộ đánh Tây
Mê hò sông Hậu vướng dây tơ hồng
9.1997


Nguyễn Hữu Xuyến
Tưởng rằng hát mãi hội Lim
Ngờ đâu lại hoá cánh chim vô thường
Ba mươi năm bám chiến trường Giật mình quan hẹ dò đường… hội Lim
5.1998

Đồng Sĩ Nguyên
Hàng ơi nhanh đến chiến trường
Rừng sâu vực thẳm mở đường xe qua
Đêm Trường Sơn trăm mùi hoa
Sao lòng thấp thỏm hoa nhà… Ngọc Lan
8.1998


Võ Nguyên Giáp
Thuý Hồ hội ngộ anh hùng
Điện Biên danh tướng lẫy lừng năm châu
Mấy ai thoát cảnh bể dâu
Đẹp thay vẫn mối duyên đầu sắt son
9.1998


Lê Tự Đồng
Huế đau thương Huế nghĩa tình
Huế đâu chỉ Huế riêng mình Huế ơi
Làm quân làm tướng nơi nơi
Bạc đầu đỉnh Ngự chẳng rời dòng Hương
2.1999


Nguyễn Dưỡng
Một thời quấn lá ngủ rừng
Một thời quấn gió lưng chừng đảo xa
Một thời ông động viên bà:
Sáng mai đi họp ráng mà… ngủ ngon!
7.1999
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM