Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:09:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường ra trận  (Đọc 30819 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 11:49:57 am »

Tác giả: Bùi Văn Cường
Nhà xuất bản: Lao động
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, saovang, chienvit


Đoàn xe hối hả vượt qua
Nhớ người chiến sĩ ghép phà đêm nay
Mù trắng như mây
Mù đặc hơn mây 
Qua sông chẳng đợi cầu xây, mố kề
Hoa tiêu dẫn ánh đèn xe
Máy reo dẫn lối đi về đêm đêm


K.D


Bùi Văn Cường, tác giả cuốn “Đường ra trận" là chiến sĩ từng bám trụ trên giới tuyến Vĩnh Linh đã có mặt trên chiến trường Quảng Trị, trên địa bàn Bình - Trị - Thiên những năm tháng đạn bom ác liệt, kể lại những gì bản thân anh và đồng đội đã trải nghiệm, đã sống trong những chảo lửa nóng bỏng nhất của ngày hôm qua.


Cuốn sách không dầy, nhưng cầm trên tay nghe nóng hổi - cái nóng của chiến trường hơn một phần tư thế kỷ và cái nóng của tâm huyết tác giả gửi vào trang sách.

“Đường ra trận", cuốn sách góp phần làm phong phú thêm trang sử anh hùng của công binh nói riêng, loại sách truyền thống về Quân đội nhân dân Vệt Nam nói chung.

Hà Nội, cuối thu năm 2000
Tạ Hữu Yên
(Đại tá nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2020, 07:31:13 am gửi bởi ptlinh » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 11:51:11 am »

Kính tặng những người lính


Hà Nội ra đi năm ấy!

Học xong phổ thông cấp I, tôi được lên cấp II. Mười hai tuổi, là cậu học sinh lớp 5, tôi đã thấy mình sắp làm người lớn rồi. Tôi bắt đầu hiểu biết nhiều hơn về đất nước mình, về cuộc sống phố phường diễn ra hàng ngày quanh tôi. Hình ảnh cô giáo trên bục giảng xúc động nhắc đến sự chia cắt đất nước do Mỹ - Diễm gây ra, qua bài thơ "Cầu Hiền Lương”, cứ bám riết trong tôi như một kỷ niệm của thời thơ ấu. Tôi được biết cây cầu nối đôi bờ, ở bờ Bắc có anh bộ đội Cụ Hồ đứng gác, còn bên bờ Nam là lính của Nguỵ quyền tay sai trơ tráo đã xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954, phá bỏ tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc. Bọn Mỹ đã đem quân vào miền Nam tiếp sức cho Nguỵ quyền Ngô Đình Diễm thực hiện mưu đồ chia cắt lâu dài Việt Nam. Mỹ - Diệm điên cuồng giết hại những người Việt Nam yêu nước. Chiến dịch chống Cộng đầy máu và nước mắt được thực hiện suốt từ mũi Cà Mau đến bờ nam sông Bến Hải. Ngô Đình Diễm và bè lũ tay sai lê máy chém đến khắp thị trấn, thôn làng tàn sát những người Cộng sản, những thân nhân của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc... Cô giáo và lũ trò nhỏ chúng tôi đã khóc khi nghe tin Mỹ - Diễm dùng thuốc độc tàn sát cả mấy trăm con người tại nhà giam Phú Lợi.


Chiến tranh đã lan ra cả miền Bắc. Máy bay Mỹ đánh phá dữ dội nhiều nơi, bắt đầu từ Hàm Rồng, rồi Nghệ An, Hà Nội cùng nhiều mục tiêu trên các tỉnh. Hà Nội có lệnh sơ tán. Nhiều nhà đã khoá trái cửa tản cư về vùng nông thôn. Lẽ dĩ nhiên, các trường cấp II như trường Trung Phụng của tôi cũng đóng cửa. Chúng tôi phải theo gia đình về quê và học tiếp ở đó. Còi báo động thỉnh thoảng lại hú dài, báo hiệu máy bay giặc Mỹ xâm phạm bầu trời Hà Nội. Các hè phố không còn nguyên vẹn nữa. Nơi nào cũng có hầm trú ẩn. Hà Nội đông vui là thế bỗng vắng hẳn bóng người. Từng đoàn người rời khỏi phố cũ, nhà xưa, về những nơi an toàn để tránh bom đạn giặc.


Tôi là con trai đầu của gia đình trong thời buổi chiến tranh nên dù còn ít tuổi cùng phải gánh vác việc nhà. Bố mẹ tôi thoạt đầu bàn cứ liều nấn ná ở Hà Nội chờ đợi. Nhưng chẳng lẽ người trong phố đi sơ tán cả, cái bến xe Kim Liên xưa kia đông vui là thế, xe đến, xe đi nườm nượp cũng vàng lặng, mình ở lại thì con cái học ở đâu, mà nếu không may, nhỡ xảy ra điều gì thì không những phải ân hận mà còn bị khu phố kiểm điểm, phê bình cho là không nghiêm chỉnh chấp hành Lệnh của Thành phố. Bàn mãi, bố tôi lúc đầu đưa ra ý kiến là gia đình nên về quê Nội ở Thanh Hà - Hải Dương. Nhưng rồi suy đi tính lại, thấy đường đi lại phải qua nhiều điểm nguy hiểm lúc đó đang là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ như: cầu Long Biên, cầu Phú Lương, đường lại quá xa, nên cuối cùng bố mẹ tôi quyết định đưa cả nhà về quê Ngoại ở Dục Tú - Đông Anh.


Sau mấy ngày thu xếp xong nơi ăn, chốn ở, chúng tôi đem giấy giới thiệu sơ tán của trường Trung Phụng xin học tại xã, các thầy, cô giáo ở trường Dục Tú vui vẻ nhận ngay chúng tôi vào lớp mới.

Những ngày đầu tới sơ tán ở vùng quê Dục Tú, tôi cảm thấy rất buồn. Đêm... những đêm đen không ánh sáng điện, đứng trên gò cao nhìn về cái quầng sáng bên phía bên kia sông Hồng, tôi thấy nhớ nhà, nhớ bạn đến phát khóc. Hùng... thằng bạn học từ lớp 1 của tôi, bây giờ nó sơ tán về đâu? Không biết các thầy, cô trường Trung Phụng của tôi đi đâu, về đâu? Tôi cố gắng học hành, tuy rằng sinh hoạt của gia đình tôi ở Dục Tú không còn được như trước nữa. Vẫn cơm độn sắn, độn khoai; thịt và đậu phụ hầu như không có. Hàng tháng chỉ một lần, bố tôi kẽo kẹt đạp xe - vượt cầu Đuống, cầu Long Biên về Hà Nội dồn tất cả phiếu thực phẩm, trong đó quan trọng nhất là  phiếu thịt mua một lần mà ăn chỉ vài bữa đã hết. Những ngày còn lại chỉ có dưa muối và cơm chan tương. Dần dần rồi cũng quen đi. Sau giờ học, tôi ra bãi chạy nhảy cùng các bạn mới trong thôn, trong lớp. Tôi làm quen với các anh chị dân quân, thường đi theo họ để xem tập bắn, bố trí trận địa mai phục bắn máy bay Mỹ. Tôi yêu những vành lá nguỵ trang các anh, các chị đeo trên người mỗi khi vào trận đánh tập hoặc đánh thật lúc có tin báo máy bay Mỹ bay qua vùng trời Dục Tú. Trước  đây nghe máy bay gầm rú, nghe còi báo động là tôi sợ điếng người đến nỗi nhiều phen bố mẹ tôi phải kéo tôi chui xuống hầm trú ẩn. Từ ngày được các anh, chị dân quân trong đội phòng không xã yêu mến, cho đi theo, tôi mạnh dạn hẳn lên. Mỗi khi có máy bay Mỹ nhào vào bầu trời Hà Nội tôi vẫn nhìn lên, dõi theo những làn đạn quân ta bắn và có lúc đã vỗ tay reo khi thấy những “Con ma", "Thần sấm" dính đạn của ta bốc cháy đâm chúc đầu xuống đất.


Bữa đói, bữa no ở nơi sơ tán giúp tôi hiểu thế nào là nạn ngoại xâm. Có những đêm mưa rả rích, miền quê thanh vắng trong bóng tối, hai bố con tôi nằm chung giường không ngủ được; bò tôi lại kể cho tôi nghe về những ngày ông theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập cho dân tộc. Tôi tự hào về bố tôi và cứ đinh ninh một điều: Sau này lớn lên, nhất định, tôi sẽ là bộ đội, sẽ chiến đấu gan dạ như bố.


Như bao đứa trẻ khác, đường học vấn của tôi trong những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc không được suôn sẻ. Là con lớn trong gia đình, tôi thường phải đạp xe về Hà Nội mua gạo và thực phẩm, vì nếu chậm thì các loại tem phiếu bị hết hạn, bỏ phí đi, các em thiếu cái ăn. Có khi về Hà Nội, lưu luyến từng góc nhà, từng vạt cỏ vàng, từng cây hoa leo bên cửa sổ, tôi dùng dằng không muốn về nơi sơ tán. Có khi nóng ruột vì nhà vắng hết, sợ đồ đạc ẩm mốc, bố mẹ tôi lại cho tôi nghỉ học về trông nhà vài ba ngày. Đó là chưa kể những việc lặt vặt khác. Do đó, tôi "đúp" liền ba năm lớp 5.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 11:56:40 am »

Trong những năm tháng chiến tranh, phong trào tòng quân đánh Mỹ, giải phóng miền Nam dấy lên mạnh mẽ khắp nơi. Hết đợt lấy quàn này đến đợt lấy quân khác, thanh niên Hà Nội và ngay ở Dục Tú, quê Ngoại tôi đều hăng hái xung phong đi bộ đội. Tuổi tôi mới mười sáu, tôi giấu bố mẹ, làm đơn xin đi bộ đội. Đơn đầu tiên gửi đi, không được trả lời. Tôi lên Khu đội Hai Bà Trưng hỏi thì cấp trên cho biết tôi chưa đến tuổi, phải chờ đợi Không nấn ná được, tôi lại làm đơn thứ hai, khẩn khoản xin được chấp nhận cho lên đường vào Nam đánh Mỹ. Tuy học lực chỉ ở trình độ lớp 5, nhưng tôi hay đọc báo, hay nghe tin tức phát trên đài. Nhà Ngoại tôi ở gần một cái loa công cộng, hằng đêm tôi thường cố thức nghe cho đến hết buổi truyền thanh của xã. Tôi biết, Mỹ đã đổ hàng vạn tên, đủ các binh chủng hải lục, không quân vào miền Nam, tiếp sức cho bọn tay sai. Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam đã ra đời. Phong trào đồng khởi đã dấy lên trên khắp dải đất có bộ máy đàn áp của chúng. Quân ta đã đánh nhiều trận vang dội miền Trung, miền Đông và Tây Nam Bộ... làm nức lòng nhân dân cả nước.


Những tin tức phấn khởi đó càng thúc giục tôi lên đường. Tôi đành phải thú thật với bố tôi để mong được ông giúp đỡ.

- Ngày xưa, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta bố còn trẻ đã theo Bác Hồ kháng chiến. Nay con cũng đã lớn rồi. Con muốn noi theo đường đi của bố. Vậy mà cơn con gửi lên Khu đội, người ta bắt con phải chờ. Bố thương con, bố lên Khu đội xin cho con một lời.

Bố tôi bảo:

- Bố không ngăn con lên đường đánh giặc. Song tuổi con chưa đủ. Người ta bảo đợi thì đợi. Vội gì.

- Thời cơ này không bỏ lỡ được. Mỹ - Nguỵ sắp thua rồi. Không có mặt trong trận chiến cuối cùng này thì con hổ thẹn lắm, bố ạ.

Mẹ tôi rất thương tôi. Bản thân bà đã qua những năm tháng xa chồng, lam lũ nuôi con với bao lo lắng, phấp phỏng chờ đợi, vì chiến tranh, lửa đạn. Do đó, nghe hai bố con tôi bàn bạc, bà lớn tiếng can ngăn.

- Thằng Cường nó là con đầu. Tôi không cho nó đi đâu cả.

Dù sao, bố tôi vẫn là người hiểu tôi nhất và chiều ý con. Bố tôi đã cùng tôi lên Khu đội, tha thiết xin cho tôi được sớm ra chiến trường. Cấp trên khuyên bố con tôi cứ về nhà, làm ăn bình thường, tôi vẫn phải chăm chỉ học hành, có dịp Khu đội sẽ gọi.


Từ hôm đó, tôi không về nơi sơ tán của gia đình tôi ở Dục Tú nữa. Tôi ở lại Hà Nội trông nhà. Một chiều, tôi thấy Hùng - bạn thân từ thuở nho của tôi lang thang ngoài bến xe Kim Liên. Hai đứa gặp nhau mừng không thể ta. Thì ra, Hùng cũng phải sơ tán theo gia đình về quê. Hùng nhớ Hà Nội nên cũng giống tôi, xin bó mẹ cho về phố coi nhà. Tôi nói với Hùng răng tôi muốn đi bộ đội, đã làm hai lá đơn, cả bố toi lên Khu đội xin mà cũng chưa được giấy gọi. Hùng ôm lấy tôi reo lên:

- Thế thì mày giống tao. Thấy người  ta lên đường, tao cũng muốn lắm. Tao đã làm đơn mà Khu đội trả lại vì chưa đến tuổi.

Tôi hỏi:

- Thế mày khai bao nhiêu?

- Tính ra, chưa đến mười sáu.

Tôi cười bảo:

- Trách gì... mày còn kém tuổi tao. Tao mười sáu người ta còn chưa nhận, huống hồ mày.

Hùng cương quyết:

- Dù sao tao cũng quyết tâm để đi bộ đội cho được. Mày đã học lịch sử thì biết đấy. Trần Quốc Toản mới chưa đầy mười lăm đã biết đánh giặc. Mình đã mười sáu rồi.

Sau lần gặp đó, chúng tôi bên nhau. Hai đứa thổi cơm ăn chung rồi nằm lăn ra đọc truyện. Vậy là cùng ở nơi sơ tán về chúng tôi đã bỏ học. Thỉnh  thoảng ghé vào thăm trường cũ, ngôi trường Trung Phụng nhỏ bé nhưng xinh xắn của chúng tôi. Cây phượng vĩ ở sân trường mùa hạ này vẫn nở hoa đỏ rực. Đâu đó tiếng ve kêu gieo vào chúng tôi nỗi buồn khó tả. Sân trường đầy cỏ mọc. Những lớp học cửa khoá, then cài. Chỗ chúng tôi hay đá bóng, đánh cầu nay đã nhường chỗ cho những hầm trú ẩn. Những dãy hầm chữ chi xây bằng gạch trên có nắp đậy bằng những tảng xi măng cốt thép đúc sẵn, phủ đầy đất lên trên. Cảnh trường cũ thật buồn, nhớ các thầy, các cô đôi khi chúng tôi ôm nhau khóc.


Tháng Giêng năm 1972. Đã sang năm mới dương lịch và cũng gần đến Tết ta rồi. Tôi đang hí hửng mừng vì nghe nói Tết này gia đình về Hà Nội ăn tết thì nhận được giấy gọi nhập ngũ. Thằng Hùng tiu nghỉu, nói:

- Thế là mày hơn tao. Mày đi rồi, tao chẳng còn ai là bạn ở cái phố Kim Liên này. Thôi được rồi. Tao gắng đợi. Mày cho tao biết ngày giờ tập trung, tao sẽ đi tiễn mày.

Thấy tôi mừng quýnh với giây gọi nhập ngũ trong tay, nó vớt vát:

- Mày đừng có vênh vang làm bộ với tao. Thế nào tao cũng gặp mày ngoài chiến trường. Cứ tin như vậy.

Tôi bấm đốt ngón tay nhẩm tính thấy chỉ còn vài ngày nữa là phải có mặt nơi nhận quân. Tôi báo cho Hùng biết và tranh thủ đến mấy nhà họ hàng chào ông chú, bà bác trước lúc lên đường. Vài thứ cần dùng đã để sẵn trong túi xách, tôi đến trường cũ nhìn lại nơi mình đã học mấy năm trời. Tôi lại ra đầu phố nhìn lại những gì đã gắn bó suốt cả tuổi thơ ấu. Từ nhà tôi ra cái rào chắn xe lửa đi qua đầu phố Khâm Thiên rất gần. Tôi ngắm những hàng cây bàng đã trút lá chỉ còn trơ thân cành, tôi chợt nghĩ đến mùa xuân, tưởng như thân cành ấy đang ủ nhựa để rồi mai này xoè những búp non xanh mướt. Trời đất hình như đang ấm dần. Nhiều nhà trong phố vẫn đi sơ tán chưa về, cửa nhà còn khoá kỹ. Phố vắng quá. Mỗi chuyến tàu điện từ ngả Cửa Nam nhạy về Vọng, tiếng chuông leng keng, chỉ có mươi người khách...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 11:59:58 am »

Biết tin tôi sắp lên đường nhập ngũ, bố mẹ tôi và các em từ Dục Tú trở về Hà Nội thu xếp hành trang cho tôi. Tôi tình cờ nghe được bố tôi dặn mẹ tôi:

- Con nó đang phấn khởi, đang hăng hái, bà phải vui vẻ cho nó yên tâm đánh giặc, đừng làm nó phân tâm. Ta phải làm vài mâm cơm mời bà con dân phố và mấy nhà quen thân để tiễn chân nó.

Cả đất nước sôi sục bước vào giai đoạn quyết liệt giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Theo giấy gọi, chúng tôi có mặt tại trường Đại học bách khoa đúng 7 giờ sáng. Hùng cũng theo đi tiễn tôi. Không ngờ khi Khu đội đọc tên từng người có giấy gọi, nhắc đi nhắc lại đến ba lần tên một tân binh là Trần Văn Hùng mà chẳng thấy ai đứng lên. Tôi bấm nhẹ tay Hùng: "Mày lên nhận béng đi". Thế là Hùng đứng lên dõng dạc: "Có tôi (Về sau tôi mới biết chuyện Hùng dám nhận tên dùng khác là mình để vào bộ đội đã làm Khu đội phải tra cứu hồ sơ mãi. Cũng may, vì bố Hùng làm ở Ban bảo vệ dân phố, thành phần gia đình trong sạch nên không có vấn đề gì. Hơn nữa Hùng cũng có đơn xung phong đi bộ đội). Thế là hai chúng tôi sát cánh bên nhau cùng lên xe về tập kết tại thôn Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Bố tôi và mấy đứa em cũng theo đoàn tân binh về tận đấy. Tôi nhớ mãi lời bố căn dặn:

- Đã có gan xung phong đi bộ đội thì phải cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Lúc chia tay tôi thấy lòng xốn xang, nhưng vẫn làm ra vẻ bình thường, nắm tay bố, tươi cười:

- Bố ạ, thế là con toại nguyện rồi. Bố đừng lo gì về con, mong bố mẹ và các em khoẻ. Con sẽ luôn viết thư về nhà.

Tôi xoa đầu các em căn dặn ở nhà phải chăm sóc bố mẹ và cố gắng học hành. Đêm đó, tôi và Hùng nằm ngủ bên nhau, chỉ chợp mắt được một lúc rồi không sao ngủ được, phần vì lạ chỗ, phần vì lần đầu xa nhà. Tuy nhiên, tôi với Hùng đều rất vui vì Hùng đạt được ý nguyện mà bạn mơ ước tưởng như không bao giờ đạt được. Hai đứa cứ khúc khích cười.

Đêm đó tôi đã thành nhà thơ của chính mình. Tôi viết:


Chào Hà Nội chúng tôi đi
Tôi nhớ mãi tháng giêng năm ấy: 1972.
Lũ học trò tuổi đôi mươi
Xung phong đi đánh Mỹ
Xếp bút nghiên, nguyện làm chiến sỹ
Gửi lại quê nhà, ước vọng thanh xuân
Gửi lại mái trường, bè bạn mến thân
Mỗi kỷ niệm như một lời nhắn nhủ
Hãy đến những nơi súng nổ.
Giữ lấy không rời từng tấc đất cha ông.
Hậu phương xa canh cánh bên lòng
Chúng tôi đi cho ngày chiến thắng.

Gần sáng, đơn vị được lệnh hành quân ra ga Văn Điển. Mấy toa đầu dành cho tân binh đã chờ sẵn, chúng tôi được lệnh lên tầu.

Đến trưa thì tầu đến ga Ghềnh, một ga nhỏ gần nông trường Đồng Giao, cách thị xã Ninh Bình khoảng 10 kilômét về phía nam. Chúng tôi xuống tầu rồi mải miết hành quân trên con đường đất đỏ về lối Nho Quan.

Từ đây bắt đầu cuộc đời quân ngũ của tôi. Đeo chiếc ba lộ bên trong có mấy tấm áo quần, vài cân gạo, bốn, năm củ xu hào, tôi thấy như cả một gánh nặng đè trên vai. Lại thêm đôi dép cao su đế dày, quai sắc như cứa rát cả đôi chân. Vừa đi vừa lau mồ hôi, đến chập chiều chúng tôi cũng vào đến Rịa. Nghe nói con đường này là con đường chiến lược, nối liền Nho Quan với mấy huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá. Từ Rịa vào thành Nhà Hồ chưa đầy mười kilômét, thời kháng chiến chống Pháp dân công các tỉnh Thanh - Nghệ đưa gạo muối tiếp tế cho Chiến trường Điện Biên Phủ và Việt Bắc, đều qua con đường này.


Các đồng chí nuôi quân đi tiền trạm đã cùng dân làng chuẩn bị cho chúng tôi bữa cơm tối. Cơm độn ngô đỏ, thức ăn là thịt rang mặn, canh su hào. Sau một ngày hành quân vất vả, tôi và Hùng ăn lấy lệ vì quá mệt, quên cả đói. Chúng tôi tranh thủ tìm chỗ nghỉ.


Tại Rịa, đơn vị phải bỏ ra mấy ngày đi chặt tre, nứa, về làm nhà, chỗ ăn chỗ ở. Dựng xong lán, chúng tôi lên lớp học chính trị, tiếp đó là những ngày ra thao trường luyện tập...


Mới đó mà đã đến Tết Nguyên Đán. Thấy dân làng đi chơi, sắm tết, mọi người hồ hởi đón mừng năm mới, cánh lính Hà Nội chạnh lòng nhớ nhà da diết. Năm nào cũng vậy, khi còn ở nhà, vào những ngày cuối năm như thế này, dù ở nơi sơ tán hay ở Hà Nội, bao giờ chúng tôi cũng được bố mẹ cho tiền đi sắm đồ tết: bộ quần áo mới, đôi giầy. Bữa cơm cuối năm, lễ cúng tổ tiên, ông bà đêm giao thừa, tiếng pháo nổ giòn tan tạo nên bầu không khí ấm êm của gia đình. Những nền nếp đó đến nay tôi hiểu là đã giúp tôi nên người. Nay thì xa xôi quá đi rồi. Những đứa con lần đầu xa nhà khi tết đến sao thấy lòng bâng khuâng đến kỳ lạ. Dẫu sao cũng bấm bụng chịu. Hàng ngày phải gồng hết sức mình làm trọn các nhiệm vụ đơn vị giao cho và chịu khó tập luyện. Dẫu sao thì người lính mới cũng được an ủi nhờ sự đùm bọc của nhân dân trong vùng. Mùng một Tết, bà con gánh bánh chưng hoa quả đến tặng bộ đội ăn tết. Rồi chính quyền, đoàn thể địa phương đến chúc Tết. Chúng tôi hoà mình vào khung cảnh Tết của làng quê, cũng phần nào vợi đi được nỗi nhớ nhà.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 12:04:47 pm »

Sáng mùng hai Tết, toàn đơn vị được lệnh ăn mặc chỉnh tề hành quân ra Đồng Giao để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội vào chúc Tết bộ đội. Trong nắng ấm mùa xuân, giữa vùng núi non hiểm trở, Đại tướng đứng trên đồi cao nói chuyện với anh em. Đại tướng điểm tình hình thời sự, nhắc đến những thắng lợi vang dội của nhân dân ta trên chiến trường miền Nam, cái thế đi lên của dân tộc và căn dặn anh em tranh thủ thời cơ để đánh giặc mạnh hơn nữa cho Mỹ cút Nguy nhào. Đại tướng giao nhiệm vụ: bộ đội phải tích cực học tập, rèn luyện tốt để sẵn sàng vào chiến trường đánh giặc, đáp lại lòng mong mỏi của tiền tuyến đối với hậu phương. Rồi Đại tướng xuống từng đơn vị thân mật chia quà cho anh em.


Có đi xa mới thấy hết vẻ hùng vĩ của đất nước. Sau khi Đại tướng ra về, trong giờ nghỉ giải lao bên quán nước ven đường, hỏi chuyện đồng bào địa phương mới biết nơi Đại tướng đứng nói chuyện với chúng tôi là một thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây, hơn hai trăm năm về trước là nơi ém quân của Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm, khi hơn hai mươi vạn quân nhà Thanh được Lê Chiêu Thống cầu viện kéo sang xâm lăng nước ta dưới chiêu bài giúp Lê Chiêu Thống đánh lại quân Tây Sơn. Theo mưu kế của Ngô Thời Nhiệm, tướng Ngô Văn Sở tạm thời đưa binh sĩ vào đóng quân tại Đồng Giao, có nghĩa là cho bọn quân Thanh ngủ nhờ ít đêm tại Thăng Long, và đợi quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy kéo từ Thuận Hoá ra rồi hội quân thần tốc tiến về Thăng Long. Mùa xuân năm ấy, khi vua Quang Trung ra đến Đồng Giao lệnh cho quân sĩ ăn Tết trước, rồi trùng trùng kéo về Thăng Long. Bọn giặc Thanh trở tay không kịp. Xác chúng chết ngổn ngang ở Ngọc Hồi, ở gò Đống Đa. Và đúng ngày mùng 5 Tết, Thăng Long trở về ta nguyên vẹn, trong khi Lê Chiêu Thống phải chạy theo bọn tàn quân nhà Thanh.


Tôi ngắm mãi cảnh sắc Đồng Giao. Phía xa xa kia là đèo Ba Dội thường gọi là Tam Điệp, ba ngọn đồi trên đường thiên lý Bắc - Nam, ngày trước từ "đàng ngoài” đi vào “đàng trong", khi chưa có đường 1A, khách bộ hành đều phải đi qua đó. Thì ra, bài thơ "Một đèo, một đèo, lại một đèo, khen ai khéo tạo cảnh cheo leo... của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương viết về đèo Ba Dội là thế, nay tôi mới hiểu hết. Những núi đá quanh vùng còn để lại bao nhiêu là sự tích. Kia là núi Chong Đèn, tục truyền khi quân Tây Sơn đóng ở đây, trên núi có chong đèn hiệu. Kia là núi Vương Ngự tức là núi Vua Quang Trung ở đó bàn việc quân với các tướng, kia là Kẽm Đó, khu núi đá hễ quân đứng chật là tính vừa một đạo binh. Rồi có núi Cờ, núi Voi là núi khi xuất quân, Vua và các tướng làm lễ tế trời đất, tế cờ.


Biết chúng tôi từ Rịa về để nghe Đại tướng chúc tết, Ban Giám đốc nông trường Đồng Giao cho đem dứa đến tặng. Dứa Đồng Giao rất ngọt. Nghe nói trước đây Đồng Giao chỉ nuôi bò đàn và trồng cà phê, nhưng cây cà phê không cho nhiều lãi. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, nông trường đã trồng dứa, Liên Xô giúp nông trường xây dựng một nhà máy lạnh. Dứa thu hoạch, đưa vào nhà máy này, rồi xuất khẩu sang Liên Xô, được bạn rất ưa chuộng. Từ đó nông trường ngày càng phát triển. Đồng Giao xưa là nơi nước độc, rừng thiêng với câu ca dao:

“Ai ơi chớ đến Đồng Giao
Má hồng để lại, xanh xao mang về"


Vì nước nơi này độc, lắm muỗi rừng gây nên bệnh sốt rét, bụng báng nên mới có câu ca dao đó. Khi chúng tôi đến Đồng Giao thì nơi đây đã là một nông trờng lớn. Suốt hai bên đường, từ Đồng Giao vào gần Bỉm Sơn đã là thị trấn Tam Điệp vời nhiều ngôi nhà đẹp, có trường học, sân vận động, nhiều cửa hàng, cửa hiệu...


Sau Tết Nguyên đán, một lần nữa đơn vị tôi lại chuyển ngược quân về đoàn 1506 tại Trung Hà (Sơn Tây). Tôi và Hùng cùng trở thành chiến sĩ công binh.

Trước khi được điều về binh chủng này, cấp trên có hỏi nguyện vọng của tôi:

- Nghiệp vụ của chiến sĩ công binh rất nguy hiểm. Phải học rà, phá bom mìn. Phải tập bắc cầu cho xe ta qua sông. Phải biết đánh bộc phá... Đồng chí có quyết tâm vào binh chủng công binh không?

Tôi trả lời dứt khoát:

- Báo cáo Chỉ huy, tôi sẵn sàng.

Tôi tự hào được gia nhập binh chủng công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thủ trưởng trung đoàn đã nói với chúng tôi về truyền thống của binh chủng. Trong đôi mắt trẻ và trong trái tim, chúng tôi ngưỡng mộ và xiết bao tự hào khi nghe những chuyện chiến đấu hào hùng đến kỳ lạ của binh chủng này.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 05:18:08 pm »

Đó là những ngày giữa tháng 1 năm 1951, phiên hiệu Trung đoàn 151 ra đời. Chỉ trong vòng 6 tháng, Trung đoàn đã tham gia ba chiến dịch lớn: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Với hai Tiểu đoàn 333 và 444, sau chiến dịch Quang Trung được bổ sung thêm quân, trung đoàn có thêm một tiểu đoàn nữa là Tiểu đoàn 555.


Tiểu đoàn 555 có những đại đội đã có mặt tại Mặt trận Tây Bắc, tại Đại đoàn 304 và có những đồng chí được rút từ các công xưởng cơ quan Bộ Tổng tư lệnh về. Tiểu đoàn này có kỹ sư cầu đường - đồng chí Nguyễn Đình Năm - là tiểu đoàn trưởng và đồng chí Tô Hoàn vừa tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân ra. Ngày đầu, tiểu đoàn đóng quân tại Đoan Hùng (Phú Thọ) bên dòng sòng Thao tập làm cầu gỗ. Tài liệu để huấn luyện chiến sĩ không có, cán bộ chỉ qua sự hiểu biết của mình và trí nhớ để hướng dẫn anh em tập. Chỉ với hai bàn tay của người chiến sĩ, gỗ trên rừng, dây mây, dây tre dưới suối bện lại thật chắc; gỗ được cưa, đẽo thành cọc, thành vồ, thành những dụng cụ để bắc cầu gỗ.


Tháng 11 - 1951, Pháp đánh lên Hoà Bình. Công binh tham gia chiến dịch. Sau gần một tháng bị tiến công, chúng co về cố thủ ngay tại thị xã nơi có những ngôi nhà xây kiên cố. Tiểu đoàn 555 hành quân trên đường Đồn Vàng, sửa đường bắc cầu cho xe pháo ta đi đánh trận. Mùa đông trên rừng trời rét buốt. Chiến sĩ công binh không ngại gian khó đã bắc ba cầu gỗ, làm phà qua sông Thao ở bến Gia Dụ, khiến quân Pháp bị bao vây phải bỏ Hoà Bình tháo chạy. Chiến dịch kết thúc. Chiến công đầu của Công binh mà Tiểu đoàn 555 có mặt, đã góp vào thành tích chung cua Trung đoàn 151 tại Hoà Bình. Ngoài ra, tiểu đoàn 555 còn thu được hai mươi xưởng gỗ, 5 máy đẩy. Đây là phương tiện hành nghề đầu tiên của Công binh Việt Nam.


Sau chiến dịch Tây Bắc, Công binh Việt Nam phục vụ chiến dịch Thượng Lào, mở rộng vùng giải phóng liên hoan Tây Bắc và Thượng Lào, làm bến phà tại suối Rút trên sông Đà. Rồi lên Mộc Châu sang Lào làm bến phà Sốp bao, qua sông Mã. Phà này dùng các phao thuyền gỗ, lấy tre ván gỗ xẻ làm dầm, lấy dây mây chằng. Đây là chiếc phà ghép bằng phao thuyền đầu tiên của Công binh Việt Nam.


Tuổi thơ chúng tôi vốn sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng qua cầu Long Biên nhìn xuống sông Hồng, tưởng chỉ là thơ với mộng. Bây giờ, trong hàng ngũ công binh, nghe Thủ trưởng kể về sông nước, về Công binh những ngày đánh Pháp, tôi mới thấy hết cái vĩ đại của cuộc trường kỳ kháng chiến và cái dữ dằn của sông nước mà Công binh phải vật lộn. Trên sông Hồng, đoạn Lao Cai về Yên Bái có biết bao thác ghềnh. Nào thác Cối Xay, nào thác Điên Khùng, Ba Hồn, thác Loạn... Công binh phải dùng thuyền và bè tre nứa để chở pháo đã tháo rời và phải đóng bè chở đá cho trôi xuôi dòng đi trước để thăm dò luồng lạch. Kiên trì suốt một tháng ròng rã, cứ xong một chuyến xuôi bè, chiến sĩ lại đi bộ ngược lên để chuyển tiếp chuyến sau. Bè về đến bến Âu Lâu, xe pháo lại được nhanh chóng lắp ráp lại để về nơi tập kết vào chiến dịch.


Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, Công binh Tiểu đoàn 555 của Trung đoàn 151 hướng lên Tây Bắc. Quân ta đánh địch trên ba hướng: Tây Bắc - Tây Nguyên - Trung Lào. Đã vào tháng 9-1953, cánh Công binh hành quân từ Phú Thọ đến bến đò Tạ Khoa là nơi các chiến sĩ phải bắc cầu phao để nối đường 13 vào đường 41 từ Hoà Bình đi Lai Châu. Chỉ trong ba đêm cầu phao qua sông Đà Bắc ở Tạ Khoa đã xong, đưa đại đoàn 308 tiến lên Lai Châu. Điện Biên Phủ lúc này đã thành lập đoàn cứ điểm của quân Pháp hòng ngăn quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Công binh ta mở đường trong gian khổ, phá đá, đào đất, bắc cầu dưới bom đạn địch... Đường mở đến đâu, xe pháo vào đến đó. Đêm, Công binh giúp bộ binh quay tời kéo pháo vào trận địa; ngày, Công binh nguỵ trang kín đường, che pháo, che người. Pháo vào trận rồi nhưng lại có lệnh đưa pháo ra vì trên thay đổi phương thâm từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang "đánh chắc, tiến chắc". Việc đưa pháo ra cũng không kém phần nguy hiểm và khó khăn như kéo pháo vào, nhưng "quân lệnh như sơn”, phải chấp hành triệt để. Ăn tết Giáp Ngọ (1954) trên trận tuyến xong, Công binh lại mở đường đưa pháo vào vị trí mới để sẵn sàng trút bão lửa xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.


Trong khi Tiểu đoàn 555 mở đường kéo pháo thì Trung đội Công binh 51 đi phá thác trên sông Nậm Na. Con sông chảy từ biên giới Việt – Trung về thị xã Lai Châu dài 70km, với hơn trăm con thác lớn nhỏ. Trước đó ta đã chở gạo trên sông này, mất hàng trăm mảng  bị vỡ ở dọc đường. Công binh đã phải dùng thuốc nổ để phá thác. Những thác nguy hiểm như Chiềng Nữa, Băng Căng cuối cùng cũng bị Công binh chinh phục. Sông Nậm Na trở nên hiền hoà giúp ta chở gạo nuôi quân và dân công. Cũng ở sông Nậm Na này, Công binh đã có chiến sĩ Phan Tư trở thành anh hùng phá thác.


Chúng tôi học những bài học về Điện Biên, hát bài hát Điện Biên ở trường, nay vào binh chủng Công binh được nghe về truyền thống của Công binh trên mặt trận Điện Biên Phủ, càng thấy náo nức, tự hào với truyền thống "mở đường thắng lợi của Binh chủng Công binh Việt Nam", lòng nhủ lòng phải cố gắng xứng đáng với bao người đi trước.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2008, 07:24:00 pm gửi bởi chienvit » Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 05:21:53 pm »

Một buổi tập thao tác trên sông ở đoạn Trung Hà, lúc chiến sĩ đang nghỉ giải lao, đồng chí Chính trị viên của chúng tôi hỏi anh em:

- Các đồng chí có muốn nghe chuyện Bác Hồ với Công binh không?

Chung tôi sung sướng đồng thanh:

- Có! Có!

Đồng chí kể:

- Năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nước ta, và trước hết là đánh hỏng tất cả các cầu lớn trên các con đường chính của đất nước. Công binh ta, với những bộ cầu phà quân sự đã nhanh chóng ứng cứu các bến, giữ vững mạch máu giao thông, phục vụ lực lượng phòng không cơ động đánh địch, góp phần giữ ổn định kinh tế xã hội.

- Tháng 1-1966 Công binh đang diễn tập bắc cầu phao 16 tấn qua sông Hồng ở hạ lưu cầu Long Biên. Trời tối dần, dưới ánh trăng mờ, khi cầu đã bắc xong thì nghe tin có phái đoàn đến thăm. Đoàn có Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cán bộ binh chủng đi cùng Đoàn. Trăng mờ, có người cầm đèn măng sông soi lối cho Đoàn đi. Đến gần Tiểu đoàn I, bộ đội ta thấy Bác, mừng quá và đến quanh Bác. Bác hỏi thăm sức khoẻ của các chiến sĩ. Bác hỏi có mệt không? Tất cả đều trả lời khoẻ và không mệt. Bác biết rõ việc Công binh đã làm từ hôm trước. Bác nói "ngày hôm qua, các chú tiến bộ một ít, ngày hôm nay tiến bộ thêm một ít, ngày hôm nay làm hết 5 phút, ngày mai rút xuống còn 3 phút, 2 phút rồi 1 phút, mỗi ngày tiến lên một tý. Không được phép dừng lại - Bác ngừng một chút rồi lại nói tiếp - Thời gian bắc cầu, các chú đạt như thế là tốt cần phải tích cực rèn luyện tính tự giác, tính kỷ luật cao để xây dựng quân đội hùng mạnh, nhanh chóng đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược". Sau cùng, Bác chúc toàn bộ cán bộ chiến sĩ khoẻ mạnh vui vẻ và không ngừng tiến bộ.


Đồng chí Chính trị viên còn kể cho chúng tôi nghe về những việc Công binh đã làm khi bước vào những ngày đánh Mỹ. Tại bến Chèm, Công binh đã phối hợp với Sở giao thông Vận tải Hà Nội diễn tập bắc cầu phao dài 2000 mét qua sông Hồng. Cuối tháng 6 năm 1967, cầu Long Biên bị đánh hỏng mấy nhịp, Công binh được lệnh phải bảo đảm giao thông qua sông Hồng. Suốt 17 ngày đêm, việc đi lại qua phà ở bến Chèm và Khuyến Lương đều được thông suốt. Mỗi bến có ba phà, hai làn xe, đảm bảo cho hàng vạn xe cơ giới và thô sơ qua sông.


Chúng tôi bảo nhau cố học tập thật tốt. Ở binh chủng này, nếu không học tốt, chểnh mảng, khi ra thực hành sẽ phải trả giá rất đắt đôi khi không chỉ bằng cuộc sống của riêng mình mà còn của nhiều đồng đội khác. Khi đơn vị bước vào đánh bộc phá và bắn đạn thật, tôi hy vọng đợt này mình bắn và thực hành tốt, nhất định Chỉ huy sẽ thưởng cho về phép thăm gia đình. Nhưng niềm vui chưa đến thì đơn vị lại chuyển quân. Chúng tôi đi chia tay với nhân dân địa phương với những làng quê - nơi đã đùm bọc chúng tôi trong những ngày học tập. Bà con lưu luyến tiễn chúng tôi, chúc mọi người hoàn thành nhiệm vụ.


Tôi và mấy người bạn, tranh thủ lên thăm lại bãi tập, nơi hàng ngày đã gắn bó với chúng tôi qua các bài tập, tháo gỡ bom mìn, do các giảng viên đã chỉ dạy. Kia chiếc lô cốt cũ, dấu tích chiến tranh của bọn thực dân để lại, nó đã được dùng làm vật cản cho chiến sĩ chúng tôi thực hành bài tập đánh bộc phá (cửa mở). Ở đây, mọi người thường hay gọi cái lô cốt đó là bốt tòng.


Rồi chúng tôi chia tay nhau, chúc các đồng chí “cán bộ khung" ở lại huấn luyện thêm nhiều chiến sĩ Công binh giỏi cho chiến trường góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam - thống nhất Tổ quốc.

Anh em lên xe cùng nhau hát vang bài hát: "Vì nhân dân quên mình".

Chúng tôi được giao sang một đơn vị bạn từ mạn trong ra quản lý. Đám tân binh chia thành từng Trung đội, mỗi Trung đội lên một xe. Đủ số, xe rồ máy đi luôn. Đoàn xe xuất phát từ Trung Hà, được nguỵ trang kín mít. Đoàn xe chạy trên quốc lộ 32. Ngồi trên xe, chúng tôi biết mình đang sắp qua Hà Nội. Vào đêm, dưới ánh đèn điện, tôi nhận ra mình đã qua ga Văn Điển. Anh em không biết mình đi đâu, cánh lính Hà Nội gặp ai cũng nhờ gửi thư về gia đình và bè bạn, thư không kịp cả dán tem, xe chạy nhanh anh em phải ném thư xuống đường mong những người nhặt được sẽ chuyển giúp đến gia đình.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 05:26:04 pm »

Sau này khi giải phóng hoàn toàn miền Nam chúng tôi rất ngạc nhiên vì những lá thư đó đều đến tay người nhận. Có những lá thư phải đi đến nửa vòng trái đất mới đến địa chỉ người nhận là bạn bè, người thân đang học tập ở nước ngoài. Chúng tôi vô cùng cảm động trước những tấm lòng của người dân ngày đó đã lặng lẽ chia xẻ, giúp đỡ những người con của Hà Nội đang trên đường ra trận. Và trong số đó có những người con, người em của họ với những bức thư đó là những dòng chữ cuối cùng được gửi tới những người thân. Biết là chuyến này đi xa, có thể đang trên đường vào chiến trường, lòng tôi vô cùng bồn chồn. Và bây giờ mới thật nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em. Ôi, ga Văn Điển... cái ga ngày nào tôi lên tầu đi vào Rịa, cái ga rất gần con đường về nhà. Kể từ ngày tôi lên tàu, từ ga này tôi bước vào cuộc đời chiến sĩ. Cái ga gợi lên bao kỷ niệm. Tôi ngồi trên xe, gục đầu xuống đùi cứ nhớ mung lung. Rồi thiu thiu ngủ lúc nào tôi cũng không biết. Gần trưa, đến Thanh Hoá, đoàn xe đỗ lại. Chúng tôi được xuống ăn lương khô và nghỉ chừng nửa giờ, rồi lại được lệnh lên xe đi tiếp. Khoảng chiều tối, đoàn xe qua Vinh. Thành phố đẹp là thế, nay sau những trận bom cày, đạn sởi trở nên hoang tàn, vắng vẻ. Nhiều trường học, nhà cửa bị bom Mỹ phá sập. Nghỉ lại khoảng nửa giờ uống nước tại một làng trên đường số 7 cách Vinh chừng vài kilômét, đoàn chúng tôi lại lên đường, ngược về phía Tây. Đây là con đường Vinh lên Nam Đàn, qua làng Kim Liên quê Bác Hồ. Xe chạy gần hai mươi kilômét nữa thì đổ quân xuống bờ sông Lam thuộc huyện Thanh Chương. Chúng tôi vào một làng cạnh sân vận động nghỉ tại nhà dân. Hôm sau chúng tôi mới biết đây là Rộ. Tôi có thuộc đôi câu thơ của nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn; trong đó có những vần thơ ông viết về Rộ:

Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam xã Đoài

Nghĩa là chúng tôi đang đóng quân trên đất cách mạng với những cuộc khởi nghĩa của nông dân Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bà con ở đây nghèo nhưng thương yêu bộ đội vô bờ bến. Sáng nào chúng tôi cũng được bà con mời ăn khoai lang luộc và uống nước chè chát. Đêm đêm nằm bên bờ nghe tiếng hò xứ Nghệ từ dưới những con đò xuôi ngược trên sông Lam vẳng tới tôi chợt nhận ra cái quí giá của niềm vui thanh bình đang hoà quyện trong tình quân dân:

Nước sông Lam vừa trong vừa mát
Thương người đi đánh giặc, em múc bát nác (nước) mời anh

Tình cảm của bà con Rộ đối với đám công binh chúng tôi thật là nồng thắm. Ở đây, ban ngày chúng tôi ra sông tập ghép cầu phao và phà. Tối đến, sau giờ sinh hoạt, lại ngồi nghe các "cố” kể chuyện đấu tranh chống địa chủ, phong kiến và thực dân Pháp ngày xưa. Tại Rộ đây, thời Pháp có dinh của Tri huyện Thanh Chương. Năm 1930- 1931 phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ bà con đã phá đồn điền Ký Viễn gần đó, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Thực dân Pháp đem lính về đàn áp bắn vào dân cày. Nhiều người ngã xuống, nhưng tiếng hát: "... Cho thê giới đại đồng, tiến lên quân Hồng" còn vang mãi đến ngày nay. Tôi đâm nghiện chè chát Thanh Chương. Hoá ra, thứ nước chè màu vàng như mật ong, đặc sánh, chiến sĩ ta uống thấy mát người, thêm khoẻ ra, theo bậc già cả trong làng cho biết, mỗi buổi sáng, trước khi vác cày và lùa bò ra đồng (ở đây bà con thường đi cày bằng bò, không cày băng trâu), ăn một củ khoai Rộ, uống một bát nước chè chát thì no đến tận trưa. Lớp lính trẻ chúng tôi ăn khoẻ như Chư Bát Giới, ngô bẻ ngoài bãi sông Lam luộc chín, bắp to bằng cổ tay, mỗi cậu chén đến mươi bắp chưa biết no. Gạo, cơm lúc này có tiêu chuẩn, rau xanh ở đây rất hiếm với cường độ máy bay Mỹ đánh phá như thế này thì rau cũng chả mọc kịp. Vậy mà mỗi bữa ăn cánh lính chúng tôi đều được bà con Thanh Chương mời ăn (nhút), thoạt đầu không ai hiểu là món gì ai cũng nhường nhau nếm thử thấy chua chua. Anh em thành ra nghiện (nhút) là do bà con lấy sơ mít xanh để muối thay dưa vì vùng Thanh Chương này trồng nhiều mít lắm. Rồi khoản khoai Rộ và nước chè chát Thanh Chương cũng giúp tạm no lòng. Tôi theo dõi không biết làm cách nào mà bà con hãm chè ngon đến thế. Khoai luộc cũng ngon, thơm, mật khoai cứ ỷ tràn ra ngoài vỏ, sau mới biết thứ chè bà con hãm mời bộ đội là thứ chè trồng ở huyện trên (miền đất Đô Lương). Mỗi phiên chợ, người Đô Lương, Anh Sơn, gánh những gánh nặng chè xuống chợ Rộ bán. Chè để nguyên cành, bẻ thành từng đoạn dài vai gang tay, bó thành từng bó. Người mua về, đem những bó chè ra sông Lam rửa kỹ rồi vò cho nát, bỏ cả bó vào một cái ấm đất to, đổ nước vào đun. Đun sôi, nồi nước chè cứ để nguyên trên bếp, vùi vào tro nóng một lúc lâu mới đem ra rót vào những bát to mời nhau uống. Ở đây, bà con mời nhau uống nước “chè chát” bằng bát to chứ không uống bằng chén nhỏ như người ngoài Bắc. Có một tập quán biểu lộ lòng mến khách, tình nghĩa xóm làng là, hễ cứ nhà nào nấu nước xong, đứng cửa lớn tiếng "Mời sang nhà tui uống chè chát nè".


Đấy là những ngày tôi và Hùng được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 249 Công binh cầu phà. Chúng tôi miệt mài luyện tập trên bãi cát trắng sông Lam, bên dòng nước rất trong của dòng sông xứ Nghệ.


Những ngày học tập và thao tác nghiệp vụ Công binh rà phá bom, mìn, bắc cầu phà của chúng tôi trôi nhanh trong sự đùm bọc của bà con cô bác. Các o dân quân ở đây cũng sinh hoạt như bộ đội thời chiến: hàng ngày vừa luyện tập quân sự, đào hào đắp luỹ, trực chiến, vừa bám đồng ruộng để đảm báo sản xuất. Trong những gian khổ nhường ấy với tình cảm bà con khiến chúng tôi vô cùng cảm động; không ai bao ai, những lúc rỗi anh em thường bảo các em nhỏ học tập, giúp đỡ gia đình nơi trú quân lúc sửa cái mái nhà, khi cuốc vỡ mảnh đất để tra hạt bắp... theo truyền thống những người đi trước của Trung đoàn 249 Anh hùng.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 05:29:46 pm »

Ta càng đánh thắng, Mỹ càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh. Đơn vị chúng tôi ngày một đi sâu vào phía chiến trường, trực diện với quân thù, với phương châm: "Đi sâu, ở đâu, thọc sâu, vươn dài".
Trước chúng tôi đã có những chiến sĩ Công binh vào khu 4 bảo đảm các bến trên đường số 1. Con đường 15 từ sông Gianh vào Vĩnh Linh là con đường chiến lược chi viện quan trọng nhất từ Bắc vào Nam.


Từ năm 1967, dải đất miền Trung đã dài lại hẹp, với những sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh cắt ngang, những cây cầu, bến phà qua các con sông này luôn bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Chúng muốn chặn đứng nguồn chi viện của hậu phương lớn - miền Bắc cho tiền tuyến lớn anh hùng - miền Nam.
Trung đoàn Công binh 249 đã có mặt ở vùng đất lửa này ngay từ những ngày đầu ác liệt. Đây là đợt nhiệm vụ lớn nhất, khó khăn nhất kể từ khi thành lập Trung đoàn.


Một cuộc hành quân dài với hai Tiểu đoàn mang theo bốn bộ phà tự hành (LPP), hai mươi ca nô dắt và các đại đội phục vụ. Vài trăm xe chở thuyền kéo ca nô cồng kềnh, trên con đường gần nghìn cây số nhỏ hẹp, khúc khuỷu lại bị đánh phá suốt ngày; Đêm thì bom đạn, ánh pháo sáng. Xe bị đổ, bị rệ, lính bị thương. Theo nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Quân khu giao, Công binh triển khai cuộc chiến đấu với Tiểu đoàn 2 bảo đảm các bến Xuân Sơn, Gianh Bùng, Phong Nha, Đá Mài; Tiểu đoàn I bảo đảm các bến Long Đại, Mỹ Đức, Thác Cóc, Bến Tiến Sa Lung...


Trước chúng tôi, cuối năm 1967, đã có một số văn, nghệ sĩ vào mặt trận đường 9; Các anh trong đoàn quay phim đã dồn sức vào mặt trận đường 9, trong đó Binh đoàn Quang Vinh, Binh đoàn xe tăng đã lần lượt tiến về phía Nam. Trong khi đó ống dẫn dầu chạy song song các con đường mòn, hệ thống thông tin đường dài dây trần đã vào tận Sở chỉ huy Bộ tư lệnh B4.


Về đoàn làm phim sau khi quay xong trận đánh làng Vây các nhà quay phim quay cảnh núi đồi nhấp nhô, đường 9 nằm trong vòng bán kính hoạt động của trực thăng vũ trang Mỹ - Nguỵ suốt ngay, đêm quần đảo trên bầu trời để do thám. Chúng hoạt động không theo một quy luật nào, nơi chúng nghi là nơi trú quân của bộ đội ta thì chúng ném lựu đạn, xả đại liên cực nhanh hoặc bắn rốc-két, thả pháo sáng... Lúc bấy giờ đường 9 nham nhở vết hố bom và hố đại bác, lớp nhựa phủ mặt đường đã bị xích xe tăng M41, xe thiết giáp M113 quần nát chỉ còn lớp đá răm lồi lõm ổ gà lớn, ổ gà nhỏ.


Các nhà văn, nhà báo độ ấy cũng đã nói về lính Công binh. Lính Công binh chỉ thu gọn vào hai hướng. Dù con dốc ấy, dù ngầm ấy chạy từ đông sang tây, lính Công binh vẫn gọi phần ngầm hướng về phía chiến trường xa là bến Nam, bờ Nam, còn phần hướng về phía hậu phương là bến Bắc, bờ Bắc. Công việc của Công binh bất kể ngày hay đêm là nối liền bờ Bắc với bờ Nam, rà phá bom nổ chậm, bắc phà, làm ngầm, hàn đi hàn lại những khúc đường đứt đoạn, đảm bảo mạch máu giao thông cho bộ đội ta và xe pháo vào chiến trường đánh giặc. Không mọt giờ phút nào vắng mặt người chiến sĩ Công binh trên mặt đường. Khi chúng tôi nối bước các anh vào vùng đất lửa thi Công binh ta đã làm nên sự tích anh hùng; 80 lần ghép nhà, 36 lần bắc cầu cho gần ba vạn xe, pháo qua sông. Bến Long Đại là nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Tại đây, chiến sĩ Trung đoàn gọi bến Long Đại là bến “Long Đầu”, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 249 đã kiên trì bám bến, bám phà, bảo đảm giao thông hàng nghìn xe, pháo qua lại an toàn; Đã có nhiều đồng chí dũng cảm hy sinh, để lại cho chúng tôi những tấm gương sáng chói, vừa cảm phục vừa thương tiếc không nguôi. Như gương anh Hà Văn Dặc. Anh là chiến sĩ lái ca nô phá bom từ trường trên mỗi khúc sông đơn vị bắc cầu phà. Có lần anh xung trận, đơn vị đã làm lễ "truy điệu sống”. Như anh Nguyễn Xuân Toàn, trong năm đêm liền lái ca nô phá nổ 27 quả bom từ trường, chiếc ca nô đó đã được đặt tên là ca nô "Bất khuất", hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Công binh.


Chiến tích của Trung đoàn bây giờ đang nâng bước chân đoàn Công binh mới, trong đó có những người trẻ tuổi Hà Nội chúng tôi đang trên đường vào miền đất lửa.

Lệnh hành quân phát ra được truyền nhanh tớ toàn đơn vị đã sẵn sàng, đoàn xe chở bộ đội, chở các khoang thuyền, ca nô, nguỵ trang kín mít, từ từ chuyển bánh, để lại phía sau những tình cảm lưu luyến tiễn đưa. Xe chạy một hồi đã đến Nam Đàn quê Bác. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều im lặng và như thầm hứa với Bác: “Chúng cháu sẽ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà Bác đã trao cho thế hệ trẻ". Sau một thoáng lắng xuống, cả đoàn xe như bừng tỉnh, các chiến sĩ cùng chỉ huy đều hát vang bài hát Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Xe qua Vinh, cảnh cả thành phố chìm trong đổ nát của bom đạn máy, bay Mỹ đánh phá ngày đêm đập vào mắt chúng tôi. Đâu đó chỉ còn lại những đơn vị bộ đội và dân quân tự vệ, cùng những đồng chí Công an đang làm nhiệm vụ. Có tận mắt mới thấy hết được sự tàn phá của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra cho dân tộc mình. Lòng chúng tôi quặn đau chia sẻ nỗi cảm thông mất mát với nhân dân cùng đồng đội thành phố Vinh. Đoàn xe vẫn tiếp tục hành quân. Chiếc xe lội nước bánh lốp của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Vũ Văn Tuất (quê Hải Dương) dẫn đầu đội hình hành quân trông như một con rồng khổng lồ đang vươn mình lên phía trước để đòi lại từng tấc đất của cha ông. Chẳng mấy chốc xe chúng tôi đã qua phà Bến Thuỷ.


Ngày đó Nghệ An chưa bắc cầu Bến Thuỷ, sông thì rộng, bến phà là mục tiêu không quân Mỹ đánh phá suốt ngày đêm. Dù sao, trong đêm đen, đoàn chúng tôi cũng qua phà an toàn đi vào địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Càng vào sâu càng cảm nhận sự thảm khốc của chiến tranh. Nhiều đoạn đường bị bom Mỹ đào xới; nhiều làng bên đường bị thiêu trụi. Tuy nhiên, những người chúng tôi gặp trên đường không ai tỏ vẻ nao núng. Từng đoàn thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến hát hò vui vẻ. Xe qua ngã ba Đồng Lộc. Những cô gái trẻ đang lấp hố bom, đang đắp đường vẫy tay chào lính. Các cô chúc bộ đội chiến thắng. Chính cái không khí ấy, cảnh tượng rộn ràng ấy của miền tuyến lửa đã động viên, khuyến khích chúng tôi hoà vào dòng người đi chiến đấu. Và trên cung đường lửa, nỗi đam mê chỉ còn là: Được hiến dâng, được chiến đấu vì Tổ quốc!
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 05:35:16 pm »

Toàn đội hình hành quân nghỉ lại Quảng Bình một ngày. Lá nguỵ trang chúng tôi mang theo từ đất Thanh Chương đã khô héo hết. Anh em phải thay lá nguỵ trang mới tiếp tục đi đến nơi trú quân ở cánh rừng của nông trường cao su Quyết Thắng - Vĩnh Linh. Những cây cao su mọc thẳng hàng, rừng quang đãng, có tán lá xanh che đầu thật thuận tiện cho việc mắc võng trên đường hành quân. Sau khi đào hầm tránh bom, lại sau một chặng đường đi dài, chúng tôi ngủ ngon lành trên những cánh võng dưới tán lá cao su rười rượi xanh.


Từ ngày máy bay Mỹ đánh phá vùng này, rừng cao su ít người lui tới. Công nhân lâm trường, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu đánh trả lại máy, bay Mỹ; đồng thời trồng thêm những cây lương thực ngắn ngày giúp bà con ở những làng bản lân cận ổn định thêm cuộc sống.


Một đồng chí dân quân dẫn đường cho chúngtôi biết: Nơi đây, cuối năm 1963, chưa có cây cao su mới chỉ là ruột vệt đất đỏ chạy dài toàn cây mua, cây si. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vào thăm và làm việc với Vĩnh Linh thấy đất đỏ ba-zan hợp với cây cao su nên đã khuyến khích địa phương trồng cao su. Từ đó vùng này mới phát triển cây cao su và nông trường cao su. Quyết Thắng ra đời đã thu được những tấn mủ cao su đầu tiên góp vào công cuộc xây dựng đất nước.


Bom đạn, tiếng máy bay Mỹ gầm rú không dứt khi chúng tôi đóng trên đất nông trường. Đã có những gốc cao su đổ gục vì bom đạn của máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm.

Sáng hôm sau, sau tiếng còi báo thức của đại đội lệnh trên đã được truyền về từng Tiểu đội: mỗi chiến sĩ phải tranh thủ khai ngay lý lịch trích ngang giao cho chỉ huy: Toàn bộ tư trang, kể cả thư từ, nghĩa là những gì anh em có trong ba lô mang từ ngoài Bắc vào đều phải gói gém, ghi rõ họ tên, địa chỉ rồi nộp lại; không ai được đem chúng theo trên đường hành quân vào sâu phía Nam.


Với kỷ luật bảo mật này, anh em bảo nhau: Thế là đã bắt đầu vào cuộc chiến đấu. Chúng tôi đã vào trận, trận đọ sức với kẻ thù hung bạo để giải phóng miền Nam. Cuộc chiến đấu đó sẽ đầy gian nan và nguy hiểm. Cái tờ giấy ghi lý lịch trích ngang kia có lẽ sẽ được sử dụng tới khi hy sinh trước bom đạn và mũi súng kẻ thù. Hẳn là từ những tờ giấy ghi vẻn vẹn có vài dòng kia, sẽ giúp cấp trên xác định chúng tôi là ai và ở đâu...


Lệnh còn truyền đến từng chiến sĩ là trong đêm không được để phát ra ánh sáng. Đã có những trường hợp xảy ra, vài đơn vị dân quân gác đêm, để đỡ buồn ngủ, có người quẹt diêm hút thuốc lào thế là vọng gác bị địch phát hiện và bị ném bom. Ở đây chỉ có tiểu đội trưởng được dùng đèn pin. Từ tiểu đội trưởng lên đến cấp trên, cán bộ được sử dụng đèn pin, nhưng mặt đèn được bịt kín, chỉ để hở một lỗ nhỏ bằng đồng xu.

Như thế, chúng tôi càng thấy rõ: mình đã vào trận.

Tiểu đội trưởng của tôi phổ biến nhanh gọn mệnh lệnh: Toàn đơn vị phải tuyệt đôi giữ bí mật, bảo quản tốt vũ khí, khí tài. Phải coi trọng công tác dân vận. Thực hiện đúng khẩu hiệu: "Đi dân nhớ - ở dân thường".

Sau khi nhận lệnh và di chuyển chúng tôi đã có mặt ở Vĩnh Linh, tại khu giới tuyến, vùng đất địa đầu miền Bắc bị Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Ở đây tôi tình cờ tìm được một cuốn sách nhỏ viết về lịch sử Vĩnh Linh.
Theo sử cũ và truyền thuyết, "Vĩnh Linh là phần đất của Bộ Việt Thường, trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đến thời nhà Tống, nhân phong kiến Trung Quốc suy yếu, nước Chăm-pa đem quân chiếm Việt Thường, đặt thành các châu: Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh (gồm Quảng Bình và Bắc Quảng Trị). Đến thời kỳ quân Chăm-pa bị đánh đuổi nhà Lý đổi châu Đại Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và đưa dân các nơi về sinh sống. Đến triều Lê, châu Minh Linh chia thành năm tổng: An Xá, Minh Lương, Bới Trời, Thuỷ Ba, Yên Mỹ. Sau vua Minh Mạng chia Minh Linh thành hai huyện: Minh Linh và Địa Linh. Đời vua Hàm Nghi vì huý chữ Minh nên đổi Minh Linh thành Chiêm Linh. Năm Thành Thái thứ nhất lại đổi Chiêm Linh thành Vĩnh Linh. Thời Pháp đô hộ nước ta, Vĩnh Linh chia thành năm tổng: Xuân Hoà, Thuỷ Ba, Hờ Xá, Huỳnh Công và Hiền Lương. Như vậy, theo cổ sử huyện Vĩnh Linh có từ năm 1069, là một trong những huyện hình thành sớm nhất của tỉnh Quảng Trị. Vĩnh Linh rộng 890 ki-lô-mét vuông, địa hình khá thuận lợi cho việc đi lại. Từ biên giới Việt - Lào đến Cửa Tùng có đoạn đường rừng, từ bến Than đến Mũi Láy dài đến 20 kilômét, những binh đoàn chủ lực của ta hành quân rất thuận lợi. Đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt đi qua huyện. Vĩnh Linh có ba con sông chính: sông bến Hải (Hiền Lương), sông Sa Lung, sông Đào Hồ Xá. Các con sông này đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn...


Chúng tôi vào Vĩnh Linh giữa lúc quân đội ta mở cuộc tiến công lớn vào Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Quảng Trị là hướng tấn công chủ yếu đã trở thành nơi thử thách quyết liệt của công binh Việt Nam, tiêu biểu là Trung đoàn 249 của chúng tôi. Chấp hành lệnh trên, Trung đoàn đã cử trinh sát vào khu vực tập kết ở Vĩnh Linh và các bến trên sông Bến Hải là bến Cửa Tùng - Hiền Lương, Bến Than, một bến trên sông Võ Xá. Một tiểu đoàn vượt sông và một Đại đội Công trình được điều vào phối hợp với mặt trận Trị - Thiên. Đơn vị đã tập kết ở Vĩnh Hiên và Cố Kiểng.


Sau khi Tiểu đoàn 1 tập kết ổn định, chúng tôi đi trinh sát chuẩn bị đường xá, bến vượt qua Cửa Tùng để đưa pháo sang sông vào sâu 16km ven mép biển. Pháo đặt trận địa tại Cẩm Phổ. Đây là mũi pháo bất ngờ và hiểm, bắn được sâu vào Đông Hà, Quảng Trị, bến Cửa Tùng nằm ở bờ Nam. Các đồng chí trinh sát về báo: nước sông lên xuống theo thuỷ triều, ngoài khơi thường xuyên có tàu tuần tiễu của địch hoạt động.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM