Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:44:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 85686 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2017, 08:47:13 am »

        
        - Tên sách: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp (tập 1)
                         Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp (tập 2)
                         Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp (tập 3)

        - Tác giả: Trần Ngọc Phú (Tranphu341)

        - Nhà xuất bản tống hợp Thành phố Hồ Chí Minh

        - Năm xuất bản: 2016 (tập 1), 2017 (tập 2), 2018 (tập 3)

        (Có thể trao đổi trực tiếp với tác giả tại: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=31223.msg522003;topicseen#msg522003 (link mới)


       
        Sáng ngày 27 tháng 9 năm 1977, sau thời gian làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định, Sư đoàn 341 chúng tôi về đóng quân ở tổng kho Long Bình, chuẩn bị chuyển sang làm kinh tế, bất ngờ toàn đơn vị được lệnh nhanh chóng nhận lại vũ khí, trang bị để lên bảo vệ biên giới Tây Nam. Thời gian này tôi đang làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, một trong ba Trung đoàn bộ binh của Sư đoàn.

        Trước khi vào nhiệm vụ hết sức quan trọng này, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 đã cử tôi về làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, Đại đội 2, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cùng toàn đơn vị mau chóng nhận quân tư trang, súng đạn, tăng võng, lương khô. Theo lệnh, thời gian thi hành nhiệm vụ khoảng 15 ngày nên mỗi người chỉ mang theo hai bộ quấn áo và tư trang cần thiết, còn lại gửi hậu cứ. Tôi được cấp một khẩu AK với ba băng đạn, hai quả lựu đạn US của Mỹ, dao găm Liên Xô, bình đựng nước và thắt lưng to bản. Những trang bị, đồ dùng trong chiến đấu này đã quen thuộc với tôi nhiều năm trong chiến tranh. Sau giải phóng miền Nam tưởng đã từ giã những thứ này vĩnh viễn, đâu ngờ hôm nay nó lại trở về với tôi và đồng đội. Vậy là mới hơn hai năm cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, một cuộc chiến tranh mới lại xảy ra ở biên giới Tây Nam của Tố quốc.

        Đúng 21 giờ, đoàn xe của Đoàn 33 rầm rập tiến vào doanh trại, mỗi Đại đội dồn lên ba xe tải. Ban chỉ huy Đại đội và hậu cần lên một xe, hai xe còn lại dành cho ba Trung đội và hai Tiểu đội hỏa lực. Quân số biên chế lúc này khoảng hơn 80 người, so với biên chế thì thiếu nhiều. Nhớ lại, hồi năm 1975, hành quân vào Nam quân số đủ một Đại đội là 115 người. Tôi nhận thấy điều trùng lặp là tháng 1 năm 1975, khi đang đóng quân tại Vĩnh Linh - Quảng Trị, được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, cũng Đoàn vận tải 33 này với hơn năm trăm xe, chở cả Sư đoàn vượt hàng ngàn cây số đường Trường Sơn, sang đất Lào, Campuchia, qua ngã ba Đông Dương, rồi đổ quân xuống địa phận Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Hôm nay lại cũng những chiếc xe này chở Sư đoàn đến Tây Ninh. Trong chúng tôi, mỗi người mang theo mỗi suy nghĩ trong dòng xe cuốn như bão. Tất cả là lính nhập ngũ năm 1971 đến 1975. Lính 1975 mới bổ sung vào nên có vẻ mặt bồn chồn riêng. Còn chúng tôi đã từng trải thì trầm lặng, ngắm nhìn phố phường. Đèn điện vẫn sáng trưng, phố xá tấp nập người đi lại. Cuộc sống thanh bình như không có những vụ thảm sát đẫm máu do bè lũ Pôn Pốt gây nên ở các làng xóm dọc đường biên. Đoàn xe chạy theo xa lộ Đại Hàn, tên gọi một cung đường do người Hàn Quốc xây dựng, rồi vào quốc lộ 1A hướng lên Tây Ninh. Nhà cửa thưa dần, qua Trảng Bàng khoảng 10 km, cả đoàn xe dừng lại nghỉ để xốc lại đội hình. Anh em ùa xuống giải lao, đường vắng không một bóng người qua lại. Hai bên là cánh đồng lúa đã chín, không hàng quán, gió thổi hun hút. Tôi ngả người nằm xuống nền đường nhựa, ngửa mặt nhìn trời mà rít thuốc, chưa biết cụ thể nhiệm vụ mới ra sao.

        Khoảng 24 giờ, đoàn xe lại tiếp tục lên đường, nhưng không bật đèn pha để giữ bí mật. Trên xe mọi người tĩnh lặng, tâm trạng thật nặng nể. Xe chạy tới Gò Dầu gặp những đoàn người, đoàn xe trâu của người dân Campuchia di tản sang Việt Nam với nét mặt hoảng loạn, họ đi nép vào bên đường. Sau này được thông báo, đêm đó mấy ngàn người dân Campuchia trốn truy sát của lính Pôn Pốt. Các đơn vị bộ đội và chính quyền địa phương tổ chức trại tạm cư ở Bến Sắn thuộc địa phận Tây Ninh, với những căn nhà bạt, nhà khung sắt, bệnh xá dã chiến, lương thực, thực phẩm, phục vụ nhân dân Campuchia sang lánh nạn. Phần lớn người dân đất nước Chùa Tháp hiểu biết Việt Nam qua những tháng năm kháng chiến, gian khổ có nhau. Nhiều lúc chính họ cũng đã cưu mang bộ đội Việt Nam khi phải tạm thời lánh sang đất bạn, nhất là sau chiến dịch Mậu Thân 1968. Ba năm họ bị xua đuổi ra khỏi phum sóc (tên gọi như làng xã ở Việt Nam), giam cầm trong các trại tập trung kiểu công xã, họ biết rõ sự tàn ác của chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng xary. Sau này, chính những người dân này là nòng cốt tham gia trong đội quân cách mạng cứu nước Campuchia. Nhân dân lao động ở đâu cũng vậy, luôn sáng suốt đứng về phía chính nghĩa.

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Hai, 2020, 05:30:18 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2017, 07:55:19 am »


        Đoàn xe chở chúng tôi tiếp tục qua cầu Gò Dầu Hạ, Gò Dầu Thượng, để vào các vị trí tác chiến của từng đơn vị. Đại đội tôi đi thẳng lên cửa khẩu Mộc Bài. Khi xuống xe, Trung đội tôi men theo đường số 1 lên chốt tại khu vực gần đồn biên phòng. Bọn Pôn Pốt đã dàn quân thành chốt để ngăn không cho dân di tản từ Campuchia sang Việt Nam nữa. Các nhà ven đường đóng cửa im lìm, không có đèn, chẳng có tiếng gà, tiếng chó. Dân trong các làng ấp đã sơ tán vào bên trong nội địa từ khi tình hình căng thẳng, vì vậy nơi đây lặng im có cảm giác hơi rờn rợn. Đi tiếp ra cửa khẩu nơi biên giới cũng thật im ắng rất đáng sợ. Xa xa bên kia cửa khẩu, lờ mờ là cột tháp bằng những thanh thép cao khoảng 20 mét, biểu tượng của văn hóa đất nước Ăngko. Xa nữa là những cây thốt nốt trong bóng đêm cao to, thô cứng gần giống như những cây cọ. Anh em biên phòng thấy chúng tôi lên vô cùng mừng rỡ, hướng dẫn luôn về tình hình địch và địa hình, bố phòng... Trong tôi bỗng trào lên cảm giác mới lạ, biên giới là đây ư? Tại sao có cuộc chiến tranh này? Ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi rất nhanh, công việc đang rất gấp rút, tôi cũng bắt đầu cùng Trung đội, Tiểu đội đào còng sự, hầm hào. Lúc này đã là 2 giờ sáng ngày 28 tháng 9, tôi vào phiên gác đầu tiên của tôi nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

        Tôi choàng tỉnh dậy thấy ánh sáng chói lòa. Định thần nhớ lại xem mình đang ở đâu và những gì đang xảy ra. Tôi đã ngủ say quá sau ca gác tới bốn giờ liền. Đổi gác, tôi tấp vào hè nhà trải nilon để nguyên giày, cởi bao xe đạn để cùng bên khẩu AK, một lát đã chìm vào giấc ngủ. Tôi tranh thủ làm vệ sinh cá nhân. Lác đác thấy bóng một vài người dân trở về. chỗ tôi ngủ là nhà má Bảy, gia đình má đã chạy về An Thạnh. Bây giờ, má cùng mấy người con về thu dọn đổ đạc và thu hái rau trái ở vườn. Tôi tranh thủ hỏi thăm, chuyện trò, làm công tác dân vận rồi quan sát địa hình. Nhà má ngay sát rìa làng, chỗ tôi ngồi gác sát mép ruộng lúa đã chín. Từ đây nhìn thẳng ra khoảng 800 mét, là dải đất có nhiều cây thốt nốt cao thấp, bên đó là địa giới thuộc Campuchia. Tôi thoáng nghĩ, địa hình bên đó cao hơn bên mình, về thế quân sự thì bọn lính Pôn Pốt giữ địa bàn có lợi hơn.

        Tình hình chiến sự mấy hôm đầu có vẻ yên tĩnh, chưa có tiếng súng. Qua đài quan sát thấy bọn Pôn Pốt đang tích cực đào hầm hào công sự, mật độ lính Pôn Pốt đi lại nhiều, hai bên đang tăng cường trinh sát nhau. Ta đã bắt được mấy nhóm trinh sát của Pôn Pốt. Có một thằng là Trung đội trưởng, chúng khai thuộc Trung đoàn 182, Sư đoàn 3, Quân khu Đông Bắc. Chúng còn nói Pôn Pốt đang đưa Sư đoàn 290 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Niếc Lương xuống hợp với Sư đoàn 3, chuẩn bị tiến công vào Bến Cầu tỉnh Tây Ninh.

        Trước tình hình đó, bộ đội ta được lệnh bố trí điểm chốt thành tuyến phòng ngự chặt hơn, tăng cường các vọng gác đêm nhiều hơn. Ban ngày thì củng cố hẩm hào công sự, đêm thì phiên gác kéo dài thêm, mỗi người gác tới sáu tiếng, cứ từ 18 giờ tới 24 giờ hoặc từ 24 giờ đến sáng. Gác nhiều, thức nhiều, bộ đội ta người nào cũng gầy đi, da dẻ rám nắng. Đằng sau khoảng một vài cây số thì cuộc sống vẫn bình thường, sôi động, còn ở đây đang căng đội hình ra mà giữ đất, bám dân, thật căng thẳng. Trong đơn vị đã có những đồng chí lẻn về Sài Gòn. Mờ sáng hôm ấy, tôi thức dậy khi nghe người gọi mình, mở mắt ra đã thấy đồng chí Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Chính và đồng chí Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Phạm Văn Hiệp đứng đợi tôi. Đồng chí Hiệp thăm hỏi, động viên tôi, giọng ân cần chia sẻ về việc tổ chức có sai sót nên tôi có những thiệt thòi. Rồi anh động viên tôi phát huy tinh thần chiến đấu, ý chí của người đảng viên trong tình hình nhiệm vụ mới. Tôi cười uể oải, vẫn thèm ngủ sau một đêm gác dài. Thực ra, với tôi, tất cả mọi thứ chức tước không bao giờ coi là quan trọng. Tôi không bao giờ đòi hưởng những ưu đãi quá lớn. Vâng, thế hệ người lính chống Mỹ và chắc chắn sau này nữa, đểu có quan niệm như tôi. Trong chiến đấu, chúng tôi luôn tâm niệm, trước mắt là kẻ thù, sau lưng là nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2017, 09:02:09 am »


*

*       *

        Chúng tôi thuộc thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Sư đoàn 341, một đơn vị chính quy của quân đội ta. Sư đoàn tôi khi thành lập đứng chân ở Nam Đàn, nên mang danh hiệu là đoàn Sông Lam, hay còn có phiên hiệu là Sư đoàn bộ binh 1. Được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1972. Sư đoàn có ba Trung đoàn bộ binh là Trung đoàn 273, Trung đoàn 270, Trung đoàn 266 và Trung đoàn pháo binh 55. Ngoài ra, còn có Tiểu đoàn trực thuộc. Là Sư đoàn được thành lập khi mà cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước đang trong những ngày tháng cực kỳ quyết liệt. Bọn định nống ra Quảng Trị hòng mở những trận càn lớn, quân ta đã chiến đấu ngoan cường, giải phóng Thành Cổ trong khoảng thời gian 81 ngày đêm. Ngay khi ra đời, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ vừa huấn luyện cấp tốc, vừa bảo vệ khu giới tuyến tạm thời, sẵn sàng cơ động vào giải phóng miền Nam.

        Sau thành lập, Sư đoàn kéo quân vào đứng chân ở Vĩnh Linh, phía nam tỉnh Quảng Bình, đội hình đơn vị giăng ra để huấn luyện thành đơn chính qui, hiện đại và bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu ở khu vực vĩ tuyến 17. Tháng 1 năm 1975 được giao nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau mười lăm ngày hành quân bằng xe cơ giới, Sư đoàn tới địa bàn Lộc Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh và được sáp nhập vào đội hình Quân đoàn 4. Không kịp nghỉ ngơi, nhiều đơn vị vào thay chốt ngay cho Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, cùng các đơn vị bạn tham gia những trận đánh giải phóng Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Bình Long. Chốt và đánh địch ở đường số 13 Sông Bé. Đây là mặt trận mới, vùng tranh chấp khốc liệt, địch nống ra những đơn vị thiện chiến nhất, phần lớn bộ đội ta chưa từng giữ chốt chặn, nên nhiều đồng chí đã hy sinh trong những ngày bám điểm tựa. Nhưng chúng ta đã giữ được các vị trí chốt chặn, phản công tiêu diệt địch. Lịch sử của Sư đoàn đã có những trang chói lọi về thời gian đánh địch, giữ đường cung đường số 13 Bến Cát, trước cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, Sư đoàn đã tham gia chiến đấu giải phóng Xuân Lộc, Long Khánh, trận quyết chiến ở mặt trận cuối cùng của tuyến bố phòng. Quân địch tung các đơn vị tổng dự bị ra đây, quân ta đã thương vong lớn, có đơn vị mỗi ngày thay quân đến hai lần. Sư đoàn 341, tiến công địch ở Xuân Lộc bằng tất cả quyết chí và sự hy sinh quả cảm của cán bộ, chiến sĩ, cuối cùng phần thắng thuộc về ta. Xuân Lộc được giải phóng, Sư đoàn 341 đã nhanh chóng củng cố, bổ sung quân số, trang bị, để nhận kế hoạch tác chiến trong cánh quân hướng Đông. Là một trong những đơn vị nổ súng đầu tiên mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bằng phương thức tác chiến hành tiến, Sư đoàn đã chiến đấu đánh tan rã địch ở chi khu Trảng Bom, Hố Nai,

        Biên Hòa, đưa nhân dân về địa điểm an toàn rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn, cơ quan đầu não của chế độ ngụy quân ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ.

        Sau giải phóng, Sư đoàn được giao nhiệm vụ làm quân quản tại Thành phố Hổ Chí Minh. Xây dựng chính quyền cách mạng, thanh lọc các phần tử phản động nấp dưới vỏ bọc cán bộ phường, khóm của chính quyền cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, truy quét tàn quân địch và bọn phỉ FULRO. Khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản, Sư đoàn bàn giao địa bàn cho chính quyền thành phố để bước vào công tác cực kỳ quan trọng của bộ đội thời bình. Đó là xây dựng kinh tế làm giàu cho đất nước. Tuy đây là nhiệm vụ mới mẻ, chắc chắn rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ , chiến sĩ Sư đoàn rất náo nức, chờ đợi thử thách mới, một chặng đường mới để cống hiến cho đất nước. Sư đoàn 341 chuyển ra tổng kho Long Bình để củng cố tổ chức, chuẩn bị trang bị kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ. Chẳng ai ngờ, một cuộc chiến tranh nữa lại đến.

        Giờ đây là năm 1977, chỉ sau hai năm miền Nam giải phóng. Bè lũ phản động Pôn Pốt - Iêng xary được quan thầy xúi giục, đã cho quân lấn chiếm các đảo phía Nam của Tổ quốc như đảo Thổ Chu, Cô Tang, tàn sát nhân dân, thực hiện mưu mô chiếm đảo của ta. Đặc biệt là chúng lấn chiếm, cướp và giết hàng ngàn người dân lương thiện một cách rất dã man dọc biên giới Tây Nam như Xa Mát, Thiện Ngôn tỉnh Tầy Ninh, Ba Chúc - An Giang, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang...

        Trước sự xâm lấn điên rồ và hung bạo của bọn Pôn Pốt, ngay từ tháng 7 năm 1977, Sư đoàn 341 đã điều động Trung đoàn 270, một đơn vị mạnh của Sư đoàn, xuống đánh địch bảo vệ dân, bảo vệ biên giới ở thị xã Hà Tiên - Kiên Giang. Tháng 9 năm 1977, các đơn vị còn lại được nhận trang bị vũ khí, quân tư trang phục vụ chiến đấu hành quân đến biên giới Tây Ninh.
Logged

tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2017, 11:27:28 am »

             Chào ban quản trị chào chủ nhà chào các bạn!

             Theo lời giới thiệu của xuanv338 hôm nay Tranphu341 mới biết về trang VĂN HỌC CHIẾN TRANH này. Rất vui khi được biết Bác Giangtvx là thành viên là Quản trị trang đã đưa sách Từ biên giới Tây Nam đến Đất Chùa Tháp Tập 1. Hồi ký của Tranphu341 trong topic Tranphu341 đoàn bb Sông Lam Biên giới Tây Nam mục Một Thời Máu và Hoa sang đây để bạn đọc theo dõi được liền mạch đủ đầy hơn.

           Rất trân trọng cảm ơn bạn Giangtvx và diễn đàn đã quảng bá rộng rãi tác phẩm cho bạn đọc.

           Kính chúc ban quản trị cùng các thành viên ngày càng phát triển.

           Một vài hình ảnh phái đoàn của đồng đội Giangtvx, PhicôngTiêmKích cùng Phaiphai về thăm Tranphu cùng xuânv338 tại Thái Bình.


Anh lính nhà trời tặng sách và thơ cho Tranphu341


Trà- Chuối đơn sơ của buổi gặp.


Tranphu341 tặng sách cho anh Giangtvx


Người lính nhà Trời Phi công tiêm kích cùng người lính mặt đất Đặng Thành Văn ccb sư đoàn 341 tặng sách thơ cho nhau.


Cái bắt tay nhiều ý nghĩa của Giangtvx và xuanv338
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Hai, 2020, 06:05:35 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2017, 08:13:51 pm »

         
*

*       *

        Tình hình chiến sự ở biên giới Tây Nam ngày càng rất phức tạp. Chúng ta đã nắm được ý đồ của bọn Pôn Pốt chuẩn bị dồn quân để tấn công sang huyện Bến Cầu, làm bàn đạp tấn công đánh chiếm Tây Ninh. Ý định của bè lũ diệt chủng thật ngông cuồng. Bọn Pôn Pốt ảo tưởng, chúng tưởng sẽ là đội quân bất khả chiến bại. Thực ra, đã từ mấy năm trước, chúng đã tỏ thái độ không tốt với ta rồi. Khi những đoàn xe của bộ đội ta chở lương thực, vũ khí từ Bắc vào Nam, qua địa phận đất Campuchia chúng thường ra chặn xe và cướp bóc hàng hóa, có khi thu luôn cả xe. Để giữ tình đoàn kết anh em trên bán đảo Đông Dương, chúng ta kiên nhẫn chịu đựng.

        Ngay khi tình hình biên giới Tây Nam căng thẳng, ý đồ lẫn đất của bọn Pôn Pốt đã lộ rõ, chúng vẫn còn giở trò xin chúng ta cả đoàn xe vũ khí súng đạn với lý do là để đối phó với Thái Lan. Lúc này, nghĩ tới tình hữu nghị, vả lại đang thừa súng đạn sau chiến tranh, nên chúng ta cũng cho chúng. Đã bàn giao cả đoàn xe chở đầy vũ khí cũng tại cửa khẩu Mộc Bài này cho bọn chúng. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau, chúng lại sử dụng chính vũ khí đó để cướp bóc và xâm lấn biên giới, giết chóc đồng bào ta. Đúng là tội ác không thể tha thứ.

        Trong khi hướng đường số 1 còn im ắng, bọn Pôn Pốt cho quân sang chiếm khu vực Cây Me, xã Long Khánh. Tiểu đoàn 3 được tăng cường thêm cho Đại đội 14 súng cối 82 ly của Trung đoàn 266 do Trung đoàn phó Lê Tiến Hạt, quê ở Minh Quang, Kiến Xương, Thái Bình chỉ huy, sau 3 giờ chiến đấu đã tấn công đánh đuổi tan tác Trung đoàn 182, Sư đoàn 3 Quân khu Đông Bắc của Pôn Pốt. Sau này, anh Hạt là đại tá, hiện nay anh đã nghỉ hưu và sống ở Hà Nội.

        Chiến thắng đầu tiên này mang tầm ý nghĩa vô cùng quan trọng mở đầu trang sử hào hùng của Trung đoàn 273 và Sư đoàn 341 trên chiến trường biên giới Tây Nam.

        Vê' phía địch, sau khi tháo chạy ở Cây Me, Long Khánh, chúng tập trung quân tấn công ta hướng dọc đường số 1 và phía đông đường rừng thốt nốt giáp sang Long An. Địa hình nơi đây đất Campuchia lồi sang ta như một cái “mỏ vẹt”. Nên một số phần tử phản động quốc tế rêu rao, đổ lỗi cho ta đánh chiếm vùng “mỏ vẹt” của Campuchia. Trong khi đó, lính Pôn Pốt đã dùng các loại súng cối 60 ly, 82 ly bắn sang đất ta để khiêu khích và thăm dò. Lúc này, ta đã nắm rất chắc địa hình và ý đồ của bọn chúng nên toàn Sư đoàn được lệnh chủ động tiêu diệt Pôn Pốt tại đây. Trinh sát của các cấp tăng cường bám nắm địch, pháo binh đã chấm xong các tọa độ và chuẩn bị phần tử bắn các mục tiêu. Bộ còn tăng cường một trạm trinh sát điện tử có máy ngắm ban đêm. Chỉ huy các cấp họp nhận nhiệm vụ chiến đấu, được phổ biến tình chiến sự, cách bố trí lực lượng của Pôn Pốt dọc đường số 1 và Pavét 1, Pavét 2, (Pavét có thêm con số là địa danh trên bản đồ tác chiến), phía bên kia là Chi Phu, Chuôi Vổ, Rừng Sở...

        Theo phổ biến thì địch bố phòng rất kiên cổ, có nhiều lớp chốt, chằng chịt giao hào giao thông và các điểm hỏa lực. Nhất là các ụ súng trên các cửa sổ nhà sàn, nhà cao tầng, địa hình địch chiếm đóng cao hơn phía bên ta khiến cho ta gặp khó khăn khi tiến công chúng. Cấp trên đã tổ chức cho từng Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn liên tục họp bàn nhiệm vụ, tìm ra cách đánh địch tốt nhất và hạ quyết tâm chiến đấu. Trong đơn vị lác đác đã xuất hiện tư tưởng ngại gian khổ, ác liệt. Đó là trường hợp đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, và đã phải điều về phía sau làm công việc tăng gia, sản xuất. Bao giờ cũng vậy, người lính đang từ cuộc sống yên bình chuyển sang thời chiến có những người dao động là điều dễ cắt nghĩa. Đây không phải là tổn thất mà là sự sàng lọc, đào thải trong cuộc chiến đấu mới. Bên cạnh đó, rất nhiều chiến sĩ trước kia chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nay là được tôi luyện trưởng thành bổ sung vào đội ngũ. Họ sẽ kế thừa tinh thần chiến đấu của lớp bộ đội thời chống Mỹ. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ được tăng cường sẽ tạo nên sức mạnh cho các đơn vị.

        Kế hoạch tác chiến như sau: Đúng giờ G, các loại pháo của Trung đoàn 55, gồm 6 khẩu pháo 105 ly, 4 khẩu 85 ly nòng dài, 4 khẩu 130 ly của Lữ đoàn 24 Quân đoàn, 2 khẩu pháo 175 ly vua chiến trường của Mỹ, trên xe bắn tự hành của lính Hải quân. Các trận địa pháo đều đặt ở An Thạch, cách Mộc Bài khoảng 5 km. Các loại súng cối 120 ly của Trung đoàn đặt ở khu vực Trung đoàn bộ đi Tốc xé. Cối 82 ly cấp Tiểu đoàn đổng loạt nổ súng bắn phá hoại các mục tiêu, thời lượng là 60 phút, bắn cấp tốc rồi bắn chế áp vào phía trong.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2017, 08:42:59 pm »


        Trong lúc pháo bắn thì xe tăng T54 và T39 gồm sáu chiếc tiến nhập sát vào cửa khẩu cùng bộ binh xung phong dọc đường số 1. Đánh thẳng vào Pavét 1, Pavét 2. Sau xe tăng là 5 xe chở súng 12,7 ly bắn tiêu diệt bộ binh. Đội hình tấn công cùng xe tăng dọc đường số 1 là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 9. Pháo 37 ly 2 nòng nhanh chóng chiếm trận địa, bắn tiêu diệt địch hỗ trợ cho bộ binh. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273 còn ở nông trường Dầu Giây chưa kịp lên nên lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 266 và của Trung đoàn 270 đang làm nhiệm vụ ở Hà Tiên, Kiên Giang. Đội hình của Sư đoàn bị xé nhỏ như vậy đó, nhưng nghệ thuật tác chiến là thế.

        Hướng làng Tiên Thuận, Tốc Xé, Tiểu đoàn 3 cùng 10 xe bọc thép MI 13 đánh tạt sườn từ hướng Tây Bắc sang Pavét 1. Giờ G được ấn định là 4 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 1977. Sau khi được nghe phổ biến nhiệm vụ, các đơn vị nhận thêm súng đạn đảm bảo ba cơ số và chuẩn bị các loại bộc phá ống đánh hàng rào, bộc phá gói đánh lô cốt, trang bị vũ khí thật nặng nề.

        Không khí chuẩn bị chiến đấu vô cùng sôi động và cũng thật căng thẳng. Ở Mộc Bài, đồn biên phòng cửa khẩu đông nghịt bộ đội. Vì ngoài lực lượng chốt giữ của Tiểu đoàn 1, lại còn Sở chỉ huy và đài quan sát của các cấp, các binh chủng, pháo binh, xe tăng... dây hữu tuyến của các đơn vị từ phía sau tới đồn biên phòng cạnh đường từng búi trông thật khiếp. Các cấp chỉ huy xuống từng Trung đội, Đại đội động viên tinh thần chiến đấu của anh em rồi kết luận một câu là: “Chúng ta phải quét sạch bè lũ xâm lược Pôn Pốt ra khỏi đất đai của Tổ quốc”. Hội Phụ nữ của xã và huyện Bến Cầu cũng đến ủy lạo anh em thực phẩm, bánh kẹo, trà. Dân gốc ở Mộc Bài cũng đến rất đông, phụ nữ và trẻ em đã được sơ tán về phía sau, thỉnh thoảng bà con về thăm nhà, thăm làng xóm, họ đã đến các điểm tựa gặp bộ đội, những chiến sĩ đánh giặc giữ đất đai, làng mạc, để tặng quà. Má Bảy cùng hai người con đến Trung đội của tôi mang cả gà và một chai rượu nữa cho anh em tôi liên hoan. Nhìn lính ăn má hân hoan nhưng lại chảy nước mắt nói: “Các con đánh đám giặc đó cần coi chừng tụi nó hay hắn sẻ, bắn lén lắm nghe”. Tôi cảm ơn má và thoáng nghĩ đến mẹ mình ở quê, mẹ tôi cùng độ tuổi với má Bảy. Mẹ tôi phải lao động chân tay nhiều, có đức tính nhẫn nại, tháo vát, suốt đời sống vì chồng vì con. Tôi có chín anh chị em, chắc các bạn biết thời đất nước chiến tranh, gian khổ, thiếu thốn như thế nào rồi. Để nuôi dạy được cả chừng đó người con trưởng thành mẹ tôi phải trải qua biết bao gian truân vất vả.

        Ngày 22 tháng 10 năm 1977, tất cả mọi chuẩn bị cho trận đánh được hoàn tất. Buổi tối chiến sĩ Tiểu đoàn 1 vẫn canh gác bình thường. Đến 22 giờ bí mật dồn đội hình theo hướng và nhiệm vụ tấn công. Đại đội 2 của tôi dịch hẳn lên qua đồn biên phòng của ta, bí mật chiếm lĩnh cửa khẩu và đồn biên phòng Campuchia, chúng đã bỏ vị trí này từ mấy ngày trước. Tiếp đến là Đại đội 3, Đại đội 1 bám trục đường để đợi xe tăng phối thuộc. Đại đội 4 của Tiểu đoàn 1 đã được xé lẻ tăng cường cho các Đại đội gồm 12,7 ly và ĐKZ82. Còn bốn khẩu cối 82 ly được bố trí ở trận địa đầu Mộc Bài từ Bến Cầu đi vào. Lúc này, về khuya đã dịu bớt cái nóng nhưng cũng không có gió, trời đầy sao. Vừa căng mắt theo dõi động tĩnh phía trước, vừa ngửa mặt nhìn trời đêm, các vì sao, chòm sao thật quen thuộc, cũng giống như quê mình nhưng ở đầy đã là đất Campuchia. Nghĩ ngợi miên man, thèm thuốc lá quá, bây giờ có được một điếu, rít thật sâu thì khoái biết bao. Nghĩ vậy nhưng không ai dám hút sợ lộ, mọi động tác di chuyển hay trao đổi với nhau đểu thật khẽ, thật nhẹ. Là lính già, đơn vị đã được huấn luyện kỹ càng bài bản các kỹ thuật cá nhân cũng như các kinh nghiệm chiến đấu, bản lĩnh của người lính chiến bộ binh khác hẳn với các chủng lính khác. Sau này làm kinh tế, các công nhân trẻ làm gì cũng lớ ngớ không có tác phong kỷ luật gì cả, tôi vẫn thường nói: “Giá như cho các em, các cháu, trải qua khóa huấn luyện lính bộ binh thì tốt”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2017, 08:34:49 am »


        Trước giờ G, im ắng một cách lạ thường. Thỉnh thoảng có con chim cú liệng bay rúc lên “cú cú” thật rợn người. Tôi thoáng nghĩ tới mẹ, tới gia đình anh chị em. Mọi người giờ này chắc đã ngủ say, còn tôi, con của mẹ đang căng mắt, căng tai, nghe ngóng kẻ thù, chuẩn bị bước vào trận đánh mới, trận chiến mới mà rất nhiều người ở xa chưa biết đến. Nghĩ tới Sài Gòn, nơi tôi đã được sống, công tác, xây dựng chính quyền, có lúc được đi biệt phái xuống phường 7, quận 11 làm nhiệm vụ cải tạo công thương. Tôi có quen được cô gái cạnh nhà chung cư Lý Thường Kiệt, sau đó trở thành địa chỉ mà tôi yêu quí. Cô bé còn trẻ, tên là Thanh mới 16 tuổi, có làn da thật trắng, tóc để dài như con gái ngoài Bắc. Trước khi đơn vị lên biên giới được về Sài Gòn 2 ngày, tôi có đến gặp Thanh và nói lời chia tay. Giống như hổi năm 1972 tôi cũng chia tay với người yêu trước khi nhập ngũ, với suy nghĩ là lính ra trận không biết bao giờ trở về. Hình như thế hệ tôi rất nhiều người hành động như vậy. Thanh giờ này ngủ chưa? Nhớ em quá. Chợt tôi thấy mình thật ích kỷ khi nhớ những chuyện riêng tư đã qua rồi như vậy. Dằn vặt một lúc rồi trở lại thực tế, mình chia tay là đúng, người lính ra trận cần phải nhẹ nhàng, không làm vướng bận người khác và để cho người ta tìm kiếm hạnh phúc lâu dài. Khi tôi đang miên man suy nghĩ vẩn vơ như thế thì một đồng chí cán bộ Đại đội bò tới hỏi tình hình địch. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng, giờ G đang tới gần...

        Ba phát pháo hiệu đỏ lừ vút lên trời. Tiếp đến là tiếng đề pa của hai khẩu 105 ly xé tan sự yên tĩnh của đêm đã gần sáng. Đề pa phiên âm từ chữ depart, nghĩa là khởi động, khởi hành. Như ngưng lại một chút để chỉnh tọa độ mục tiêu điểm bắn, rồi đồng loạt các loại pháo cùng đề pa. Tiếng đề pa của pháo 85 ly nòng dài đanh gọn, tiếng đề pa pháo 130 ly trầm hơn. Còn lựu pháo 105 ly thì ròn đều, xen kẽ là tiếng đề pa của pháo 175 ly trầm như tiếng sấm xạ nhưng âm thanh lan tỏa khủng khiếp. Các loại ĐKZ75, cối 120 ly, cối 82 ly thi nhau toong- toong. Những chớp lửa ở phía trước rất gần, vì từ đây vào Pavét 2 khoảng hơn 1.000 mét. Có quả trúng ngay mặt đường chớp nổ sáng lòa. Mùi thuốc nổ đã khét lẹt. Các loại pháo thi nhau cấp tập.

        Thời chống Mỹ, có rất nhiều trận đánh lớn nhưng ít khi pháo các cỡ của ta bắn nhiều trong một lúc như lúc này. Đã không phân biệt được các loại tiếng nổ nữa, giống như mình ngồi trong nhà tôn mà có mưa rào, lúc đầu nặng hạt, mưa thưa, còn nghe rõ từng hạt mưa rơi, đến lúc mưa dày hạt thì chỉ nghe tiếng vang và tiếng sấm chớp loang loáng.

        Pháo bắn khoảng 60 phút, điểm nổ đã xa dần vào sâu. Đã thấy tiếng xích sắt của xe tăng nghiến xuống đường, quay lại thì xe tăng đã lù lù phía sau. Lệnh xung phong, tôi nhổm dậy điểm xạ hai loạt về phía cái tháp sắt. Thấy tóe lửa, thoáng nghĩ mấy năm rồi hôm nay mới lại bắn AK, nghe ra tay súng và kỹ thuật điểm xạ còn chắc lắm, các loại súng bộ binh đã đều rộ lên.

        Tiếng ùng oàng của B40, B41 và tiếng nổ chát chúa của ĐKZ, tiếng thùng thùng của 12,7 ly trên xe và của Đại đội 4 phối thuộc. Khói bụi mù mịt, thoáng thấy chiếc xe tăng đầu như khựng lại, nhưng rồi lại thấy nó gầm lên hành tiến tiếp. Hai khẩu 37 ly loại hai nòng cũng bắt đầu nhả những điểm xạ 5 viên một, trước nòng súng mới khiếp làm sao. Đạn đỏ và các loại đạn vạch đường chằng chịt trên đầu. Tất cả các loại súng đã được sử dụng như bắn thị uy, như để lấy thêm sức mạnh dũng mãnh xông lên. Tiếng xung phong vang dội, mọi người lom khom chạy gằn bám sau xe tăng và bám hai bên đường. Khổ nhất là mấy bác được phân công đánh hàng rào là vất vả nhất. Vì họ phải ôm thỏi thuốc nổ to như ống luồng dài hai mét hoặc khối thuốc vuông to cỡ bằng năm cái bánh chưng cài cán dài nửa mét. Để chống áp vào lô cốt cho dễ đặt bộc phá, kềnh càng nên chạy rất vướng. Đúng là bản hợp xướng và bức tranh của chiến trận thật hoành tráng, chỉ thiếu tiếng gươm khua, tiếng voi gầm ngựa hí. Nhưng tiếng thét, tiếng súng trận thời này đanh mạnh hơn tiếng ngựa, tiếng voi biết bao lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2017, 09:11:37 am »


        Vừa tiến vừa bắn, mặc dù chẳng thấy thằng Pôn Pốt nào, cũng chưa phát hiện ra hàng rào hoặc ụ súng lô cốt nào như Cấp trên đã phổ biến. Quay sang bên phải hướng làng Tiên Thuận, Tốc Xé cũng đã thấy chớp lòa của các loại súng cùng tiếng hô xung phong vang tận đây. Anh em Tiểu đoàn 3 đa phần là dân Quảng Ninh đất mỏ. Họ khỏe mạnh, trong huấn luyện thì cán bộ các cấp thật khó chịu vì tính nghịch ngợm phá phách, chấp hành kỷ luật không nghiêm. Họ ăn cũng thật khỏe, mời họ ăn cơm hay nhậu thì phải lưu ý vì không cẩn thận “vỡ nợ” với họ. Hồi ở Đông Trường Sơn đường số 15A họ được mệnh danh là “cơn lốc đường số 15”. Vì hồi đó đi vào rừng lấy gỗ làm doanh trại, đón ô tô mà không cho đi thì họ cứ chạy nhảy lên thùng xe cởi áo trùm kính. Xe phải dừng lại. Lái xe ức mà không dám làm gì vì nhìn ai cũng to con, bên sườn mỗi người đeo một dao găm cán trắng, do Liên Xô sản xuất hoặc dao tự chế đúc nắm bằng vỏ máy bay Mỹ. Trong chiến đấu thì lại khác. Họ mạnh mẽ, mau lẹ và dũng cảm tuyệt vời. Ngay từ thời đánh Mỹ, Trung đoàn và Sư đoàn hay sử dụng Tiểu đoàn 3 là đơn vị chủ công. Vì những thành tích đặc biệt nên được Quốc hội và Nhà nước phong tặng danh hiệu Tiểu đoàn anh hùng lực lượng vũ trang.

        Nhìn sang đường hướng Đông nơi Tiểu đoàn 9 tấn công vào khu rừng thốt nốt, tiếng súng, tiếng hô xung trận cũng không kém. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng nổ, chớp lòa trên cao chắc đạn ĐKZ hoặc B40-B41 bắn trúng thân cây thốt nốt. Chỉ mấy ngày sau, củng quả đạn ĐKZ82 ly của Pôn Pốt nổ ở trên thân cây, khu vực Pavét 2 này, đạn nổ cao, mảnh găm hết xuống đất. Đã cướp đi sinh mạng một đồng đội cùng Tiểu đội tôi, bị thương hai người, tôi may mắn không bị gì.

        Tiếp tục hành tiến 300 mét, 500 mét rồi 800 mét tới rìa làng Pavét 2 trời sáng hẳn, đã nhìn rõ những căn nhà sàn, nhà xây bên ngoài. Mọi người thận trọng hơn. Xe tăng của ta đã xuống cả ruộng lúa hai bên đường dàn hàng ngang và nhằm bắn những mục tiêu mà cho là có địch. Hỏa lực của tăng thật khiếp. Khẩu pháo 100 ly trên xe bắn thẳng. Mục tiêu gần nên vừa nghe thấy tiếng nổ đầu nòng đã thấy bụi đất phía trước tung lên. Có căn nhà bùng cháy, những mảnh tre gỗ rơi lả tả. Sau mấy loạt pháo bắn của tăng, cả đoàn xe chồm lên lao đi nhanh hơn. Lính bộ binh chạy theo đứt hơi mà vẫn bám không kịp. Không thấy hàng rào, ụ súng nào nên đã thấy rải rác bộc phá ống, bộc phá gói vất ở đường. Rồi thấy cả dàn định hướng và cấu gỗ vượt mương nữa chứ.

        Bộ đội ta vất cho nhẹ để chạy theo tăng đánh chiếm vào làng. Nhưng quái lạ, không thấy loạt đạn hay phát súng nào bắn trả của Pôn Pốt. Đội hình xung kích chiếm xong Pavét 2 rồi lại tiếp tục xông thẳng sang Pavét 1. Thiết giáp và lính Tiểu đoàn 3 từ Tốc Xé, Tiên Thuận xông sang cũng đã chiếm Pavét 1. May mà phát hiện ra nhau sớm, nên không có trường hợp nào nổ súng nhầm. Tiếng súng bộ binh đã ngớt. Lệnh tiến công ra hướng Chi Phu, Chuồi Vồ và dọc đường số 1 gẩn Rừng Sở rồi dừng lại.

        Pháo binh phía sau vẫn nã tới các mục tiêu ở xa. Ta chiếm được hết các vị trí Pavét 1, Pa vét 2, rừng thốt nốt, ba hướng đánh đã hội tụ. Quân ta hoan hỉ tay bắt mặt mừng. Không ngờ trận đánh lại đơn giản thế. Không một ai hy sinh, duy nhất có hai người bị thương do nằm trước xe tăng. Khi pháo của tăng bắn với áp suất rất lớn đẩy quả đạn đi, còn tạo thành luồng khí mạnh thổi đất đá phía trước nữa, hai đổng chí này bị thương là do đá văng vào.

        Mọi người nhận định ngay là thấy ta chuẩn bị rầm rộ tấn công lớn, Pôn Pốt đã bỏ chạy để tránh đòn. Hôm sau, tại Hội nghị rút kinh nghiệm trận đánh tại Sư đoàn, Đại tá, Sư đoàn trưởng Vũ Cao, kết luận là chúng ta đã lấy “Búa tạ đập ruồi”. Búa nặng khi vung lên mạnh quá gây động, nên khi đập xuống ruồi đã bay đi hết. Và cũng phê phán trinh sát các cấp từ trinh sát Tiểu đoàn, Trung đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn cho đến cả trinh sát của bộ nữa, đều sai một cách nghiêm trọng. Chuyện thật như đùa, còn phía Pôn Pốt thấy nói là thương vong vì pháo rất nhiều, trong đó có cả tên Sư đoàn phó Sư đoàn 3 của chúng.

        Sau khi các đơn vị tấn công các mục tiêu đã hoàn thành với chiến thắng tuyệt đối. Tói 14 giờ ngày 23 tháng 11 lệnh cho đơn vị rút quân và thu dọn chiến trường, lượm lại những thứ mà quân ta vất lúc sáng như bộc phá ống, bộc phá gói, mìn định hướng, cầu vượt mương, cả những quả đạn cối, đạn ĐKZ. Anh em vận tải được mùa chiến lợi của chính mình.

        Riêng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 được tăng cường cùng Trung đội 1 của Đại đội 1 và 1 khẩu ĐKZ 82 ly, 1 khẩu 12,7 ly của Đại đội 4 hỏa lực, ở lại chốt giữ Pavét 1. Đại đội 2 chốt ở Pavét 2, Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 và Đại đội 1 về tập kết ở Mộc Bài. Tăng thiết giáp và các đơn vị về vị trí đóng quân như trước đây.

        Sau những ngày chốt giữ chuẩn bị tấn công địch mệt mỏi, căng thẳng. Giờ đây sau trận đánh thắng một cách “không ngờ”
nên phía ta từ chỉ huy cấp cao cho đến lính thì đều có tư tưởng xả hơi, nghỉ ngơi, coi thường địch. Khi được giao nhiệm vụ ở lại chốt giữ, ta cũng không chú trọng củng cố hầm hào mà tò mò khám phá những căn nhà bỏ hoang và lo việc cải thiện. Sư đoàn có kế hoạch triệu tập hội nghị quân chính vào sáng ngày 24 để rút kinh nghiệm trận đánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 10:59:45 pm »


        Thật ra, những ngày đầu tiên này các cấp chỉ huy cho đến lính, đều không hiểu được bản chất vấn đề cuộc chiến của Pôn Pốt, chiến thuật cũng như những ý đồ thâm độc của chúng. Độ chai lì, chịu gian khổ của lính Pôn Pốt trong cuộc chiến du kích đã song hành cùng với ta trong những năm tháng đánh Mỹ, Việt - Lào - Khmer anh em. Quân ta không thể ngờ rằng chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra chính nơi đây.

        Đại đội 3 cùng các đơn vị phối thuộc chốt lại phum Pavét 1. Ban chỉ huy Đại đội lúc ấy là anh Nguyễn Tiến Trụ, vào bộ đội 1971, trung úy quê Hải Hưng, là Đại đội trưởng. Chính trị viên là anh Quách Thanh Tiễn, trung úy, người dân tộc Mường ở Cẩm Long, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Chính trị viên phó là anh Nguyễn Tiến Đạo, quê Uông Bí, Quảng Ninh. Anh Từ Đại đội phó quân sự cũng quê Hưng Yên.

        Căn cứ vào địa hình của phum, diện tích khoảng một cây số vuông, hình thoi, có trục đường số 1 ở giữa. Trung đội 1 và một Trung đội của Đại đội 1 tăng cường chốt hướng đường Đông Nam, khẩu ĐKZ82 ở sát trục đường số 1 hướng Chi Phu. Trung đội 2 và 3 chốt hướng Tây Bắc. Khẩu 12,7 ly cũng bố trí gần sát đường số 1, có Tiểu đội bộ binh trợ chiến. Tiểu đội 11 hỏa lực cũng xé nhỏ, tăng cường đại liên và B41 cho các Trung đội. Hướng phòng thủ chính là hướng Chi Phu, Rừng Sở và Tây - Tây Bắc. Ban chỉ huy Đại đội cùng thông tin, nuôi quân, quản lý và hai khẩu cối 60 ly đặt ở giữa phum, sẵn sàng bắn mục tiêu phía trước. chiều tối sau khi ăn cơm xong, từng Trung đội, Tiểu đội đã ổn định vị trí chốt giữ của mình. Nhưng hầm hào ụ súng ta vẫn còn hời hợt, chỉ lợi dụng ụ đất hay hố chiến đấu của Pôn Pốt, sửa sang qua loa, tuy rằng có phân công canh gác kỹ càng. Mọi người đi ngủ, người ngủ võng, người lợi dụng hiên nhà, gầm sàn nhà để nghỉ, trời vào đêm thật im lặng. Với một diện tích như PaVét 1 mà có một Đại đội tăng cường hơn trăm tay súng thì rất mỏng, ban đêm cái phum này như càng rộng hơn. Ban chỉ huy Đại đội rất trăn trở. Hướng từ trục đường số 1 về Pavét 2 được coi nhẹ. Vì có Đại đội 2 chốt lại là hướng Việt Nam. Như vậy là lực lượng mỏng và thưa nên ý thức của mọi người cũng đã có sự đề phòng, vì cũng là đêm đầu tiên chốt trên đất Campuchia. Càng khuya trời càng yên tĩnh, bộ đội ta trừ người trực gác còn lại đều chìm vào giấc ngủ sau những ngày mệt nhọc. Một số anh em, nhất là khẩu 12,7 ly được tăng cường, anh em vừa canh gác vừa hút thuốc rất tự nhiên. Trăng sáng mờ, đất trời tĩnh lặng.

        Ùng... oàng rồi pằng pằng pằng, rồi liên tiếp ùng oàng, tiếng hô: “Trô trô trô”yang ầm phá tan sự yên tĩnh. Tất cả choàng dậy, vồ lấy súng đạn. Đã thấy tiếng AK, tiếng đại liên và cả tiếng B40 của hướng Trung đội 2 gần khu vực 12,7 ly bắn trả. Đại đội bộ nhốn nháo một lúc rồi rất nhanh ổn định. Đại đội trưởng Trụ cử Đại đội phó Từ và liên lạc Đại đội Nguyễn Văn Nên, quê Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình(trận ngày 6 tháng 12 năm 1977 Nên được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba) xuống hướng Trung đội 2 nắm tình hình, tiếng súng hai bên vẫn nổ, song thưa dần. Khẩu đội 12,7 ly bị trúng quả B40 đầu tiên của Pôn Pốt bị hư hỏng nặng không sử dụng được nữa. Chiến sĩ gác ca đó hy sinh và hai người khác bị thương. Lính Pôn Pốt tử vong hai tên ngay gần khẩu 12,7 ly do Tiểu đội 5, Trung đội 2, đồng chí Ngô Duy Phơn, quê ở An Đồng, Hưng Hà, Thái Bình là Trung đội trưởng đã chi viện kịp thời. Đã bắn chéo cánh sẻ tiêu diệt tốp này, đánh bật chúng ra. Đến gần trưa, Đổng chí Phơn hy sinh trong đợt tập kích khác.

        Anh Từ nhanh chóng cho chuyển thương binh, liệt sĩ về Ban chỉ huy sơ cứu và củng cố lại trận địa. Địch sau lần tập kích lại thấy im lặng. Nhưng các hướng báo về là đều thấy quân Pôn Pốt hô: “Trô trô”. Nhận định tình hình là chúng không nắm được lực lượng và cách bố phòng của ta nên hò hét thăm dò ta. Nhóm tập kích vào 12,7 ly có thể là trinh sát Pôn Pốt. Im lặng xong tất cả mọi người đều bừng tỉnh, khẩn trương củng cố hầm hào, đắp ụ súng ra vị trí chiến dẫu, cảng mắt ra, dỏng tai lên quan sát và nghe ngóng địch. Ai cũng thấy trận chiến ác liệt đã thực sự bắt đầu.

        Hai giờ 50 phút sáng, đổng chí Tiến là Trung đội trưởng Trung đội 3, quê Thái Nguyên, phát hiện khoảng hai Trung đội địch men theo hai bên đường số 1 tiến sát chốt tiền tiêu của ta. Chờ địch đến gần, thật gần, anh em đồng loạt nổ súng, tiêu diệt ngay mấy tên đi đầu, chúng không kịp bắn trả, kêu chí chóe gì đó rồi chạy lùi phía sau. Bọn địch bắn liên tiếp B40 - B41 - M79 vào trận địa chốt của Trung đội 3 và cả Trung đội 1, làm cho 3 đồng chí bị thương, trong đó có cả đồng chí Tiến, Trung đội trưởng. Sau này khám thương tật, anh Tiến là thương binh hạng 1/4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2017, 10:26:01 pm »


        Ban chỉ huy Đại đội hội ý báo cáo tình hình về Tiểu đoàn. Ta đều phán đoán đợt tập kích của địch trong đêm đều là trinh sát nắm tình hình, để chúng sẽ phản kích chiếm lại Pavét 1 vào ban ngày. Tiểu đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Minh Tân, quê Thanh Trì, Hà Nội và đồng chí Chính trị viên Nguyễn Kim Mận, quê Đôn Cư, Tịnh Xá, Bình Lục, Hà Nam, đều là những người đã có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Đã báo cáo tình hình lên Trung đoàn và Sư đoàn, động viên anh em Đại đội 3 bám chốt, chiến đấu, Tiểu đoàn sẽ chi viện khi cần thiết. Thực ra, trong đêm chi viện bằng hỏa lực thì được, chứ chi viện bằng bộ binh thì rất khó. Thường là trong huấn luyện đều nói về chốt giữ đêm là địch vào đơn vị nào thì đơn vị đó chiến đấu giữ bí mật lực lượng, không để bộc lộ vị trí và cách bố phòng, v.v... Các đồng chí cán bộ Tiểu đoàn đều đến khen ngợi và động viên Đại đội 3 tích cực củng cố hầm hào và làm nhiều ụ chiến đấu.

        Những bài học về kỹ chiến thuật, phòng ngự chốt giữ của ta rất bài bản. Nhất là Đại đội 3 hồi đánh Mỹ chốt giữ ở đường số 13 - Chơn Thành, Bình Long, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Minh Tân, lúc đó là Tiểu đoàn phó, tăng cường trực tiếp đã chốt giữ kiên cường, đánh lui nhiều đợt công kích của lữ đoàn xe tăng địch, bắn cháy ba xe. Mặc dù Đại đội trưởng Hồng, quê Hưng Yên, cùng gần 10 đồng chí hy sinh, nhưng vẫn giữ vững trận địa.

        Rạng sáng ngày 24, địch tập trung hai Tiểu đoàn đồng loạt tấn công vào 3 hướng chốt của Đại đội 3. Với hỏa lực rất mạnh bằng B40- B41- M79, đạn thẳng thì toàn đại liên và AK dồn dập bắn phá. Anh em các hướng chốt cũng bắn trả quyết liệt. Hai khẩu cối 60 ly cũng đã chi viện. Những phần tử và cự ly bắn được chuẩn bị từ trước chứ không thể hiệu chỉnh được vì khó quan sát. Riêng khẩu ĐKZ82 thì không được lệnh nổ súng vì mục tiêu đề phòng là xe tăng thiết giáp của Pôn Pốt. Anh em dùng AK chiến đấu như lính ở Trung đội bộ binh. Trận đấu súng qua lại khoảng 20 phút thì bọn Pôn Pốt lại rút ra và kêu pháo 105 ly ở Chi Phu bắn vào đội hình của ta, anh em đếm được 18 quả. Ta có thương vong nhưng trận địa vẫn được giữ vững.

        Gần 7 giờ sáng chúng lại nã pháo 105 ly và bắn cối 82 ly, 60 ly vào trận địa. Rồi tiếng thùng thùng của 2 khẩu 12,7 ly bắn xiên vào. Anh em đoán địch đang lợi dụng ruộng lúa bò vào tấn công chốt. Trung đội trưởng Ngô Duy Phơn tranh thủ chạy qua các chốt nhắc nhở, động viên anh em. Phát hiện địch vào gần, Phơn tung người ném liền hai quả lựu đạn vào tốp đi đầu. Toàn Trung đội chủ động bắn găm về phía trước. Khẩu đại liên của Tiểu đội 11 tăng cường cũng bắn chéo cánh sẻ sang ghìm đầu bọn Pôn Pốt. Khí thế chủ động tấn công rất dũng mãnh và bẻ gãy đợt mật tập, tức là bí mật tập kích của đối phương, vào hướng Trung đội 3 chốt giữ. Lúc này cối 82 ly, pháo 122 ly của Trung đoàn 4 đã bắn vào chung quanh Pavét 1 hỗ trợ cho Đại đội 3 giữ chốt.

        Bọn Pôn Pốt thật lỳ, chúng kiên trì lấn dũi, cố lợi dụng ruộng lúa bò vào gần chốt là đồng loạt đứng lên hô trô trô rồi bắn phá vào các chốt của ta, rồi lại nhanh chóng bò, chạy ra ngoài. Tới gần trưa, Trung đội 3 còn có 10 tay súng, Trung đội trưởng Phơn vẫn vận động tới các chốt nhắc nhở anh em quyết tâm giữ chốt, kiên cường đánh địch.

        Bọn Pôn Pốt lại tiếp tục tập kích lấn dũi, một hình thức đánh lấn của địch vào hướng Trung đội 3. Liên lạc của Đại đội xuống thông báo có hai Trung đội của Đại đội 2 cùng lực lượng vận tải đang đến tăng cường. Đúng lúc đó, bọn Pôn Pốt lại tập trung đánh dũi với số lượng đông hơn. Trung đội trưởng Phơn vừa chạy đến các chốt thông báo vừa bắn địch. Đang bắn thì Phơn khựng người ngã xuống bởi loạt AK của Pôn Pốt. Trung đội trưởng Phơn đã anh dũng hy sinh. Mới cách đây mấy ngày gặp Phơn, anh kể là mới về phép, nụ cười hiền lành, dễ thương của người đang yêu. Bây giờ, khi viết những dòng hồi ức này, tôi không cầm nổi nước mắt rơi xuống bàn phím, kính đã nhòe. Vô cùng thương nhớ đồng đội thật hiền lành đã cùng ở với nhau mấy năm hồi đầu quân ngũ.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM