Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:31:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 85683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2017, 10:17:35 am »


        Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 55 pháo binh, cho anh em lên tiếp thu hai khẩu pháo và một xe Hồng Hà là chiến lợi phẩm vừa thu được của địch. Chiếc xe cháy không dùng được, anh em pháo binh ta phấn khởi thu nhận pháo chiến lợi phẩm. Định quay pháo dùng luôn đạn của nó táng Pôn Pốt. Nhưng đồng chí Tiểu đoàn trưởng pháo không đồng ý và tổ chức kéo xe pháo về trong niềm hân hoan chiến thắng. Còn lính Tiểu đoàn 3, Đại đội 3 ở lại cảm thấy hơi buổn như vừa để mất cái gì.

        Khi các đơn vị của Sư đoàn đã về chốt giữ ở biên giới. Bọn Pôn Pốt lại tiếp tục xua quân chọc phá ta ở khu vực Mộc Hóa, Long An. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 lại liên tục xuất kích đánh địch ở khu vực này, đuổi chúng đến sát bờ sông Ba Sa, từ ngã ba đường 93- 94 về hướng Nam. Tuy vậy, khi ta xuất kích là bọn này lại chạy. Khi mình dừng rút về biên giới thì chúng lại bu bám ngay rất khó chịu. Trung đoàn lên phương án vượt sông Ba Sa để đón lõng đánh Pôn Pốt. Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 cùng trinh sát vừa đánh vừa luồn vào khu vực Công Pông Rổ, ý định làm bến vượt sông ở đây, để luồn sâu hẳn qua sông Ba Sa. Đại đội 6 gặp địch. Một trận chiến nảy lửa đã diễn ra ở đây giữa Đại đội 6, một Tiểu đội trinh sát với cả Tiểu đoàn địch, trận chiến kéo dài từ sáng. Bọn này như đã thấy được lực lượng luồn sâu chỉ có một Đại đội, nên chúng tổ chức vầy kín ba mặt, còn một hướng thì là đầm lầy. Đại đội 6 chống trả hàng chục lần tập kích của Pôn Pốt ở các hướng. Nhiệm vụ trinh sát nghiên cứu bến vượt không thực hiện được, nhưng Đại đội 6 bị địch vây hãm cũng không thể rút về được.

        Đại đội trưởng Phạm Anh Xướng đã chỉ huy anh em lợi dụng các gò đất, những cây thốt nốt giữa đồng kiên cường chiến đấu. Nhưng Đại đội 6 ở tình thế bất lợi về địa hình. Nên đến 2 giờ chiểu đã hy sinh gần chục anh em, số bị thương cũng gần hai chục. Đồng chí Xướng cũng bị thương. Đồng chí Xướng quê ở Nam Hà, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng đã là thương binh. Trong số hy sinh có một đồng chí cũng tên là Phú, quê 'Ihái Bình, trước đây cũng làm ở Tuyên huấn Trung đoàn, khi đi chiến đấu cũng được tăng cường xuống đơn vị. Được tin “Phú chính trị” ở Thái Bình hy sinh, nhiều người vẫn lầm tưởng là tôi.

        Trước tình hình đó, Trung đoàn điều Tiểu đoàn 1 tấn công đánh giải vây, đưa được hết liệt sĩ về nước. Đây cũng là một trận mà quân ta thiệt hại nhiều.

        Trận chiến ở hướng này ngày càng ác liệt. Pôn Pốt cay cú tăng cường thêm Sư đoàn 703 thuộc lực lượng tổng dự bị từ Công Pông Xom tới khu vực Svây Riêng. Chúng liên tục tiến công ta từ phía Bắc đường số 1 đến Nam đường số 1 tới Mộc Hóa - Long An.

        Các khu vực của Sư đoàn đảm nhiệm ngày nào cũng phải chiến với Pôn Pốt. Nếu cứ như vậy thì rất khó khăn trong việc giữ chốt biên giới nên các Tiểu đoàn phải vận dụng chiến thuật vừa chốt giữ vừa tấn công. Với chiến thuật này ta đã tiêu diệt được rất nhiều sinh lực của Pôn Pốt. Các đơn vị địa phương của Tây Ninh, Long An cũng đã được tăng cường kết hợp với Sư đoàn 341 tấn công địch, bảo vệ biên giới.

        Trong những lần tấn công địch ở đây, do hợp đồng không tốt nên có trận cũng đã xảy ra việc “quân ta chiến quân mình” _

        Mặc dù đang ở thế tiến công địch, nhưng để giải quyết vấn để biên giới bằng hòa bình nhằm: “Tăng cường tính đoàn kết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia”theo nguyên tắc công bằng hợp lý. Quân ta quyết định lùi về đúng biên giới và củng cố thế trận phòng thủ. sẵn sàng đánh địch nếu chúng tiếp tục lấn chiếm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2017, 08:51:05 am »

       
*

*        *

        Trái ngược với thiện chí giải quyết mọi xung đột bằng hòa bình của ta, ngay ngày 1 tháng 1 năm 1978, Pôn Pốt cho một Trung đoàn tăng cường phản kích ta trên hướng Trung đoàn 273, buộc ta lại phải tấn công tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 273 lại luồn sâu sang sát bờ sông Ba Sa, vu hồi, đón lõng sau lưng địch. Tiểu đoàn 1 và 2 chia làm hai hướng tấn công chính diện. Riêng Đại đội 3 được tăng cường một khẩu 12,7 ly, một khẩu ĐKZ82 và một Trung đội của Đại đội 1, tiến công từ biên giới vị trí chốt của Tiểu đoàn 3. Theo hợp đồng thông báo là có các đơn vị nhỏ của Quân khu 9 đánh từ hướng ngã ba Cột Cờ - Long An sang.

        Đúng 5 giờ sáng ngày 3 tháng 1 năm 1978, toàn tuyến bắt đầu nổ súng. Đại đội 3 dưới sự yểm hộ của khẩu 12,7 ly do đồng chí Tuyết, khẩu đội trưởng chỉ huy. Bắn thật mạnh vào các mục tiêu chốt giữ của Pôn Pốt. Ở đây chúng có khoảng một Đại đội, chúng chống trả rất ngoan cố. Anh em xung phong mấy lần mà không chiếm được chốt, vì mục tiêu gần, hai khẩu cối không phát huy được tác dụng. Tôi nói với anh Trụ, anh Tiễn là để tôi lùi lại khoảng hơn 100 mét mới bắn, chứ ở vị trí này không bắn được. Hai anh đồng ý hợp đồng khi nào cối bắn cấp tập thì các anh cũng dập các loại hỏa lực vào để đánh chiếm các chốt của Pôn Pốt. Tôi khom người chạy về lệnh cho hai khẩu đội lùi khoảng 100 mét. Chỉnh cự ly tầm hướng xong bắt đầu bắn “toong... toong...” hai quả đạn bay vút lên trời rồi rơi xuổng nổ phía sau phum. Tôi hô giảm tầm 100 mét. Hai phát bắn tiếp, tiếng nổ “toong... toong”. Nhìn đạn bay trong không trung thật hồi hộp. rồi oàng - oàng, đạn trúng mục tiêu cần bắn. Tôi hô anh em chỉnh lại tầm rồi cấp tập thả đạn. Tiếng toong- toong thật đều rồi dồn dập. ĐKZ82, B40, B41 cũng dồn dập bắn vào các mục tiêu. Khẩu 12,7 ly điểm xạ thật đều găm vào các bờ bụi chốt của Pôn Pốt, sau đó bắn lên cao cho bộ binh xung phong. Trước sức tấn công ba hướng của Đại đội 3, bọn Pôn Pốt bật chốt bỏ chạy, nhưng bọn này cũng bị tiêu diệt gần hết.

        Đại đội 3 phát triển lên qua đường đất. Ở đây có một trục đường đất từ Việt Nam qua. Đến 9 giờ các đơn vị đã làm chủ các mục tiêu. Tham mưu phó Thuật trực tiếp chỉ huy trận đánh. Xông xáo trên xe ô tô La Da trắng chạy từ khu vực Tiểu đoàn 2 đến tận vị trí của Đại đội 3 để kiểm tra tình hình. Mọi người đang nghĩ là “ông này” rất liều. Thì ùng, oàng, một quả B41 bay xoẹt qua đầu xe, rồi cứ thế các loại súng bộ binh thi nhau bắn về khu vực Đại đội 3 đang chiếm giữ.

        Xe của tham mưu phó chạy ngược trở lại hướng Tiểu đoàn 2. Anh em Đại đội 3 bắt đầu phản ứng bắn trả, nhưng có vẻ bọn này quyết chiếm vị trí xung yếu này nên cố bắn rất áp đảo. Tiếng ùng oàng của B40 và B41 liên tục. Tiếng súng AK giòn đều xen lẫn là tiếng nổ đanh gọn của M79 vào đội hình Đại đội 3.

        Tôi hô anh em chuẩn bị bắn, nhưng rất lưỡng lự vì thấy kiểu tấn công này rất nghi. Rút kinh nghiệm như Đại đội 6 mấy ngày trước. Mới đầu cũng cứ nghĩ Pôn Pốt là quân ta nên bị mất thế chủ động gây thiệt hại. Nhưng kiểu tấn công này có vẻ không phải là Pôn Pốt.

        Ban chỉ huy Đại đội lúc đó gần ngay hai khẩu đội cối. Anh Tiễn chạy sang mặt đỏ gay quát: “Sao anh không bắn đi”. Tôi nói: “Có vẻ như là quân mình”. Anh Tiễn nói: “Bọn Pôn Pốt chứ quân mình cái gì, anh bắn ngay”. Tôi lại giải thích: “Anh cứ bình tĩnh, anh em sẵn sàng rồi, để tôi kiểm tra thêm”. Đạn thẳng bắn rất rát, cắm phẩm phập vào mấy cây quanh khẩu đội. Tôi lợi dụng một gốc cây to, lấy ống nhòm quan sát. Lúc này đối phương đã tiến gần, trong khoảng hơn 100 mét. Tôi phát hiện cách ăn mặc và khẳng định là bộ đội mình. Anh Tiễn giật lấy ống nhòm quan sát và cũng công nhận là bộ đội ta. Lệnh cho liên lạc báo các Trung đội là ngừng bắn, làm hiệu bắt liên lạc. Tiếng súng của mình đã ngớt hẳn, đối phương càng hăng, càng bắn và tấn công mạnh hơn.

        Trung đội 1 của anh Dũng, quê ở Móng Cái, Quảng Ninh, phải cử mấy người cùng giơ khăn vẫy, mãi mới bắt liên lạc được. Khi thật sự nhận ra nhau, niềm vui vỡ òa. Thật bực mình giờ này mới tấn công, các anh phải chiến từ sớm rồi. Hóa ra là hai Đại đội công an biên phòng và bộ đội địa phương của Long An tấn công từ hướng Cột Cờ sang. Mò mẫm suốt từ sáng bây giờ mới tới đây. Thấy xe của tham mưu phó Thuật lại tưởng xe cấp to Pôn Pốt nên quyết tấn công tiêu diệt. Sự nhầm lẫn tai hại này dẫn đến một số đồng chí bị thương. Rất may là không ai hy sinh. Lúc đó tôi mới nói: “Các ông phải cảm ơn tôi nhé, chứ mấy chục quả cối này mà được “phát huy” thì khối ông bỏ mạng rồi.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2017, 09:03:34 am »

         
*

*        *

        Ngày 31 tháng 12 năm 1977, sau gần một tháng liên tục tấn công bọn diệt chủng Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia khỏi sự thảm sát của bè lũ Pôn Pốt, các đơn vị được lui quân về biên giới củng cố phòng thủ.

        Thật thoải mái khi về trên Tổ quốc mình, đất mẹ thiêng liêng mà ấm cúng như vòng tay của Người. Cũng nằm võng, nằm đất hoặc nằm ngoài đồng lúa, nhưng sao đất mẹ vẫn thấy gần gũi ấm áp thế. Anh em vẫn phải thay nhau gác. Nhưng hầu như mọi người có một đêm ngủ thật yên lành.

        Tiểu đoàn 1, trong đó có Đại đội 3, vẫn làm nhiệm vụ chốt giữ ở khu Vực MỘC Bài. Lúc 8 giờ, vừa ăn sáng xong chuẩn bị lên Đại đội giao ban thì đồng chí liên lạc chạy gấp xuống giọng thất thanh: “Anh Phú Đại đội báo chuẩn bị kết hợp cùng xe bọc thép tấn công ngay”. Tôi hỏi: “Mày đùa tao đấy à?”. Tôi nói sao vô lý thế, vừa về sao lại phải đi tác chiến gấp vậy. Đồng chí liên lạc nói anh cứ tập trung anh em rồi lên Đại đội nghe phổ biến nhiệm vụ. Tôi gọi anh Dự, Tiểu đội phó nói về tình hình và bán tín bán nghi cái lệnh vừa rồi. Hôm qua được thông báo ta rút quân về nước là: “Vỉ giữ sự ôn hòa, thiện chí hòa bình” mà sao lại có lệnh tấn công ngay?

        Tới Ban chỉ huy Đại đội, anh Tiễn, anh Trụ, anh Đạo, Chính trị viên phó cùng mấy đồng chí Trung đội trưởng đang chụm đầu chỉ trỏ ở bản đồ. Tôi hỏi ngay: “Có việc gì đấy các anh?”. Anh Trụ nói: “Ông Phú ngồi xuống đây đợi nốt đồng chí Kỳ Tiểu đội 11 lên nữa rồi phổ biến một thể’. Quan sát nét mặt mọi người cũng thấy căng thẳng, có vẻ không bình thường. Tôi nói: “Thì anh hãy nói luôn xem có việc gì?”. Anh Tiễn nói cách đây 30 phút có một xe Hồng Hà chở quân nhu của Sư đoàn, trên xe có khoảng chục đồng chí ở dưới cứ mới lên. Cứ tưởng ta còn ở bên kia nên chạy sang. Anh em chốt ở cửa khẩu bất ngờ quá ngăn không kịp, vừa có mấy anh em chạy được vể đây rồi. Sư đoàn và Trung đoàn chỉ thị cho Đại đội 3 cùng sáu xe bọc thép M113 tấn công sang giải nguy cho số anh em này và kéo xe về.

        Trời ơi! Lại còn thế nữa, thảo nào lúc nãy có nghe thấy tiếng súng. Thế có ai việc gì không?. Tôi hỏi nhưng biết ngay là sự việc nghiêm trọng rồi. Tôi nói tiếp giọng hơi gắt: “Thế sao các anh không tổ chức ngay đi mà còn ngồi bàn gì nhiều Bắt đầu tôi thấy lo, rất lo cho các anh em đó. Anh Tiễn nói thêm: “Xe bị nó bắn ở chỗ Rừng Sở, đã có hai đồng chí chạy được về, số còn lại không biết thế nào nữa.”

        Vừa lúc đó xe M113 của lữ đoàn 22 cũng ầm ầm lao đến. Các Trung đội nhanh chóng lên xe, tấn công thẳng đường số 1 sang. Xe chạy theo đội hình bậc thang vừa chạy vừa bắn. Súng 12,7 ly đều bắn điểm xạ thị uy. Thỉnh thoảng lại táng một quả ĐKZ. Tôi cũng đã nhiều lần ngồi trên xe cùng tiền nhập, hoặc cùng tác chiến với tăng thiết giáp. Nhưng có lẽ chẳng lần nào như lần này, xe chạy nhanh hết tốc độ, xóc ơi là xóc.

        Qua Pavét 1, chạy tiếp tới gần Rừng Sở, xa xa đã thấy lố nhổ bóng áo đen. Thấy lóe lửa phía trước tôi hô nguy hiểm. Nhưng cũng chẳng ai nghe thấy thì ùng oàng, đạn ĐKZ vọt xoẹt trên đầu. Kệ đoàn xe dũng mãnh lao lên. Đồng chí giữ B41 lựa thế phụt một quả hú họa về phía Pôn Pốt. Quần ta tiến thêm 200 mét nữa rồi dừng, cho bộ binh xuống rồi tiếp tục dàn hàng ngang tấn công. Các Trung đội nhanh chóng nhảy xuống chạy theo xe, vừa chạy vừa bắn. Các loại súng đều nhả đạn về phía Pôn Pốt, khói bụi mù mịt khét lẹt. Tiếng hô xung phong vang rền, các đồng chí xạ thủ 12,7 ly trên xe thật dũng cảm, cứ đều đều thùng - thùng - thùng điểm xạ ba viên một. Mọi người chạy tiến theo xe bọc thép, tôi hô anh em gióng cối ngay mặt đường bắn uy hiếp. Tôi ra lệnh ngay: “Thước tầm 300 mét, bốn quả cấp tập”. Thật hài lòng với anh em, đúng là những người lính thiện chiến. Toong, toong, toong, toong, không đợi nhìn đạn nổ. Tôi gọi mọi người thu cối để vận động theo bộ binh, vừa chạy vừa pằng, pằng, pằng, pằng về phía trước mấy loạt AK rồi lại tiếp tục vận động. Có lẽ trong chiến đấu chưa có trận nào tính chất như trận này. Anh em tấn công thật dũng mãnh, hầu như ai cũng biết rằng chỉ có tấn công thật mạnh, thật áp đảo mới làm cho bọn Pôn Pốt hoảng sợ, để cứu anh em mình. Tiếng hô xung phong của mọi người hòa lẫn tiếng súng các loại, tạo nên một bản hùng ca thật hoành tráng. Bất chợt tôi nghĩ giá như có máy quay phim, có ai quay được trận chiến hào hùng này thì thật là giá trị biết bao. Thật tiếc quá! Vận động được một đoạn tôi lại hô cối bắn tiếp, bọn Pôn Pốt cũng điên cuồng bắn trả. Một vài đồng chí đã trúng đạn bị thương rớt lại, tôi nói anh em đi cùng cối, đừng ở lại sau. Rút kinh nghiệm các trận trước, nhiều anh em rớt lại thì lại Pôn Pốt vòng đến. Đã thấy chiếc xe Hổng Hà cắm đấu chạy xuống bên Bắc đường. Đội hình Đại đội 3 cùng thiết giáp tấn công thêm lên khoảng 500 mét nữa rồi dừng lại đứng ở thế vòng cung. Chĩa súng hình rẻ quạt bắn điểm vể các hướng uy hiếp Pôn Pốt. Trên mặt đường, xác mấy thằng Pôn Pốt nằm vắt ngang vắt dọc trong các tư thế khác nhau, máu loang thành vũng.

        Tôi hô anh em tiếp tục bắn cối truy đuổi địch, rồi cùng anh Tiễn và mấy người nữa kiểm tra xe. Thi hài mấy anh em bị rất nhiều vết đạn. Gạo, rau trên xe tung tóe, anh em tìm thấy thêm hai chiến sĩ trúng đạn hy sinh trong tư thế chạy về hướng Tổ quốc. Xe Hồng Hà hỏng, chúng tôi nhặt mấy khẩu súng trên xe rồi nhanh chóng đưa các liệt sĩ lên xe bọc thép, sau đó đốt xe Hồng Hà. Bắn thêm mấy loạt nữa về phía Pôn Pốt rồi nhanh chóng quay trở về, vừa đi vừa kiểm tra xem có anh em nào thất lạc. Đi hơn một cây số thì gặp được một đồng chí bị thương mặt trắng bệch vẫy xe. Anh Tiễn hỏi còn ai nữa không? Đồng chí nói là em cũng không biết nữa. Mọi người trở về với chiến thắng và cùng với tâm trạng buồn, thật buồn!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2017, 04:28:06 am »

       
*

*        *

        Trung tuần tháng 1 năm 1978, trong khi đồng bào ta ở hậu phương đang chuẩn bị đón tết cổ truyền Kỷ Mùi, ở tuyến biên giới Tây Nam tình hình càng trở nên phức tạp nghiêm trọng. Đi ngược lại với thiện chí của ta, bọn phản động Pôn Pốt- Iêng xary tiếp tục cho quân đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam, ở các tỉnh biên giới Tây Ninh, Long An, An Giang, đồng Tháp và Kiên Giang.

        Để giáng trả hành động xâm lược trắng trợn của kẻ thù, các binh đoàn chủ lực cơ động được lệnh tiến công tiêu diệt địch, theo đó Sư đoàn 341 được điều tăng cường cho Quân khu 9.

        Ngày 17 tháng 1 năm 1978, toàn đội hình Sư đoàn, trừ Trung đoàn 270 đang chốt giữ ở Hà Tiên, lên đường hành quân bằng xe cơ giới. Địa bàn Tây Ninh bàn giao lại cho Sư đoàn 9 đảm nhiệm. Vượt gần 300 km tới Châu Đốc - An Giang. Tiểu đoàn 1 chốt giữ ở khu vực núi Sam, núi Bà. Tiểu đoàn 2 và 3 khẩn trương về chốt giữ ở Phú Cường, Bảy Núi. Đây là những địa danh nổi tiếng của vùng An Giang.

        Ngày 19 tháng 1, Sư đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2, 3 kết hợp cùng Sư đoàn 330 Quân khu 9 phải đẩy địch ra khỏi vùng đất Phú Cường. Trước đó, vùng này đã bị bọn Pôn Pốt lấn chiếm. Ban chỉ huy Trung đoàn bàn với Sư đoàn 330 là để Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 luồn sâu phía sau đội hình địch rồi đánh chiếm điểm cao 192, làm bàn đạp đánh xuống, tạo điều kiện cho Sư đoàn 330 đánh chính diện.

        Trận đánh tưởng như khó khăn, nhưng nhờ hai Tiểu đoàn này luồn sâu gây bất ngờ đánh hất trở lại nên bọn Pôn Pốt nhanh chóng vỡ trận. Lực lượng tấn công của Sư đoàn 330 cũng rất mạnh mẽ. Trận này chúng ta nhanh chóng giành thắng lợi, tiêu diệt được rất nhiểu địch, thu nhiều vũ khí. Giành lại địa bàn mà chúng đã lấn chiếm. Vừa kết thúc trận đánh giải phóng Phú Cường. Ngày 20 tháng 1, Sư đoàn lại được lệnh đánh địch giải phóng hai xã Khánh An, Khánh Bình thuộc huyện Châu Phú, An Giang. Ở đây địa hình vô cùng phức tạp hiểm trở, lực lượng Pôn Pốt rất đông, Quân khu 9 cùng Sư đoàn 341, Sư đoàn 330 và hải quân, không quân bàn bạc trận đánh hợp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Để tiêu diệt Pôn Pốt, giải phóng địa bàn quan trọng bị lấn chiếm này.

        Sau khi đánh xong trận ngày 3 tháng 1 năm 1978 toàn đội hình Trung đoàn lại rút về chốt phòng thủ biên giới. Anh em vẫn phải nằm bờ nằm bụi, màn trời chiếu đất. Quân số chiến đấu của các đơn vị đã vơi đi nhiều. Trung đoàn đã phải đôn các đồng chí ở cứ, tăng gia... động viên thu gom các đồng chí thương binh nhẹ trở lại đơn vị nhưng quân số cũng chẳng tăng được bao nhiêu. Địa bàn chốt giữ thì rộng, nên đêm đêm mỗi người phải trực gác nhiều hơn. Có Trung đội thì cứ gác theo phương thức quay vòng, mỗi người hai giờ nhưng cũng có Tiểu đội áp dụng hai người một vòng, cứ gác sáu giờ rồi đổi ca. Bọn Pôn Pốt chưa dám đánh lớn, nhưng vẫn dùng những phân đội nhỏ lẻ tập kích chớp nhoáng rồi bỏ chạy. Nên việc canh gác đều phải hết sức cảnh giác.

        Gần một tháng tác chiến liên tục trên rẻo đất Campuchia sát biên giới làm mọi người rất mệt. Ai nấy gầy tọp hốc hác hẳn đi. Chính những ngày tháng vất vả, gối đất nằm sương này làm cho tôi kiệt sức, nhiễm lạnh viêm phổi cấp. Đầu tiên là ho, ngấy sốt rồi ho rất nhiều, rũ rượi từng cơn. Khổ nhất là lúc gác đêm, trời lạnh lại càng ho nhiều. Ho long cả óc, lúc lên cơn ho, tay thì bịt miệng để tiếng ho không phát ra to, tay thì ép ngực đỡ phổi. Đồng chí y tá lúc đầu bảo tôi có khả năng viêm phế quản, rồi cho mấy viên Tetracyclin uống cũng chẳng có tác dụng. Tôi vẫn bị ho dữ dội, khạc ra cả máu nữa, lúc này đồng chí y tá báo với Đại đội là phải cho tôi đi viện điều trị.

        Ngày 16 tháng 1, tôi bàn giao công việc Tiểu đội cho Dự, Tiểu đội phó. Mọi người chia tay thật quyến luyến, cứ như tôi được ra quân giải ngũ không bằng. Cậu Hoài nói: “Anh mà đi lâu là em cũng về Sài Gòn đấy”. Tôi nói anh em cố gắng, chắc tôi đi viện mấy ngày thôi. Anh Trụ và anh Tiễn cũng xuống tận Tiểu đội để chia tay. Anh Tiễn nói: “Thôi anh ốm thì cứ đi điều trị, công việc ở đây có đồng chí Dự và anh em tôi, nhưng anh phải chữa nhanh nhanh lên đấy”. Anh Trụ thì tếu táo là: “Ổng cứ về Sài Gòn, em út nó chăm cho mấy ngày là khỏi chứ chẳng phải đi viện đâu”.

        Chà! Một thằng lính Tiểu đội trưởng ốm đi viện mà làm có vẻ quan trọng thế! Chẳng thiếu người mà. Tôi nghĩ thế nhưng lại nói: “Các anh ở lại chốt giữ cho kỹ, chắc tôi đi khoảng chục ngày an dưỡng rồi về thôi”.

        Thực ra tôi cũng hiểu tình cảm của anh em, nhất là với Ban chỉ huy Đại đội. Tuy rằng cấp bậc, chức vụ khác biệt nhưng mọi người vẫn rất tôn trọng tôi. Vì ai cũng hiểu lẽ ra tôi không bị thiệt thòi do nhầm lẫn trong đề bạt, thì bầy giờ cũng là cấp phó Đại đội. Chứ không phải là Tiểu đội trưởng như bây giờ. Nên trong sinh hoạt, tác chiến hoặc những lúc khó khăn, các anh thường tham khảo ý kiến của tôi. Còn trong Tiểu đội, thì ngoài tuổi tôi hơn hẳn mọi người, mà trong sinh hoạt anh em coi tôi là người anh thực sự.

        Tạm chia tay Đại đội 3, tôi lên đội điểu trị của Trung đoàn. Bệnh xá Trung đoàn cũng ở ngay làng Tiên Thuận, cách vị trí chốt của Đại đội 3 khoảng 4 km.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2017, 04:15:10 am »

     
        Tôi tới Đại đội 24 quân y Trung đoàn lúc 9 giờ sáng. Vừa đưa giấy giới thiệu của quân y Tiểu đoàn thì gặp ngay anh Thu y sĩ. Anh Thu trước là y sĩ của Tiểu đoàn 1 cùng Tiểu đoàn bộ với tôi. Quê anh Thu ở Ninh Giang, Hải Dương, đón tiếp tôi rất vồn vã, anh pha trà và gọi mấy anh em nữa cùng ngồi uống trà. Có anh Quyết y sĩ Tiểu đoàn 2 mới lên. Quê anh Quyết ở An Hải, Hải Phòng. Bác sĩ Nhật, Đại đội trưởng Đại đội 24 quân y. Mọi người hỏi thăm tình hình dưới đơn vị rồi xem qua bệnh của tôi, bác sĩ Nhật nói: “Cậu bị viêm phổi cấp thôi, có thể dãn phế quản nữa nên ho nhiều. Vỡ các mao mạch nhỏ, không có gì đáng kể, cứ điều trị ở Trung đoàn ít ngày rồi tính”.

        Anh Thu thông báo, vừa có đồng chí Lập Đại đội 9 của Tiểu đoàn 3 cũng nhập viện điều trị. Lập bị thương nhẹ ở kheo chân, cùng quê Thái Bình hai ông ở với nhau cho tiện. Anh Quyết gọi luôn anh Lập lên uống nước. Từ hôm đó tôi có thêm bạn đồng đội, lại đồng hương mới, thân thiết nhau từ đó cho đến ngày ra quân. Khi ra quân thì anh Lập làm chức Trưởng Tiểu ban quân lực Trung đoàn, còn tôi cũng Trung úy Trưởng Tiểu ban dân địch vận Trung đoàn. Những năm sau này làm kinh tế, đến tận bây giờ, Hoàng Quốc Lập quê ở Đông Huy, Đông Hưng, Thái Bình. Lập xung phong đi bộ đội khi mới 17 tuổi nên kém tôi ba tuổi, một người có ý chí mạnh mẽ trong sinh hoạt cũng như công việc. Mới nhìn tính cách thì hơi khó gần, nhưng nấp sau cái cứng cáp đó là một con người sống rất có trách nhiệm, ý chí và giàu tình cảm. Là Trung đội trưởng của Đại đội 9 Tiểu đoàn 3. Từ lúc kháng chiến chống Mỹ nhưng cũng do những nhầm lẫn về đề bạt của chuyên môn, cũng giống như tôi, quân hàm sĩ quan không về nên cũng rất bị thiệt thòi. Cũng vì lẽ đó nên hai anh em nhanh chóng tâm đầu, ý hợp trong mọi việc. Hiện nay anh Lập cũng là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương binh, nhiều ngành nghề chức năng, rất có uy tín tại thành phố Thái Bình.

        Buổi trưa mấy anh em đi ăn cơm xong lại về nghỉ. Đang vất vả ở chốt, giờ đây được về phía sau nghỉ ngơi thật là thoải mái. Không phải lo canh gác và địch địch, ta ta nữa. Giấc ngủ thật sâu, thật ngon. Từ khi ra biên giới 27/9 đến giờ hơn ba tháng, hôm nay được một giấc ngủ ngon nhất, an lành nhất.

        Đại đội 24 hay gọi là bệnh xá Trung đoàn có hơn hai chục người, có hai bác sĩ, năm y sĩ, hai dược sĩ, số còn lại là y tá và phục vụ. Ngoài ra, lúc nào cũng được tăng cường một Trung đội vận tải của Đại đội 25 làm công tác phục vụ như đào hầm hào, vận chuyển thương binh hay các nhiệm vụ khác. Thường thì ở đây chỉ sơ cấp cứu những trường hợp cấp thiết, sau đó lại chuyển lên phẫu cấp trên hay bệnh xá Sư đoàn.

        Một số anh em bị thương nhẹ thì cũng chữa trị tại đây. Thành phần tự tạo cớ ốm đau, theo dạng tư tưởng nản chí, thì cũng có vài người. Tuy vậy, về sống ở đây, khi tiếp xúc với những người chiến đấu dũng cảm, họ cũng thấy xấu hổ và dần dần muốn trở về đơn vị làm nhiệm vụ.

        Nơi đứng chân của bệnh xá cũng ngay tại khu vực tác chiến của Trung đoàn. Cũng trong phạm vi pháo của Pôn Pốt có thể tới và Pôn Pốt cũng có thể mò vào tập kích. Tháng 1 năm 1979 Đại đội 24 khi ở bên Campuchia thuộc tỉnh Công Pông Sư Pư, ban đêm cũng bị Pôn Pốt vào tập kích, hy sinh và bị thương mấy đồng chí.

        Nhưng với suy nghĩ của chúng tôi, thì đây cũng là phía sau. Cuộc sống và sinh hoạt yên bình, quán bia, quán nước mía, cà phê hay giải khát, cả quán nhậu nữa đều có. Loa đài xập xinh, những cô thôn nữ trong bộ đồ bà ba đủ màu sắc đong đưa mời chào thật hấp dẫn. Nếu không có tiếng súng thì cuộc sống nơi này là hòa bình, là thời bình có đầy đủ tất cả các hương vị của cuộc đời. Bỗng nhiên tôi chạnh nhớ đến anh em đang chốt giữ ngoài biên. Cuộc sống hàng ngày phải gối đất nằm sương, thiếu thốn đủ thứ. Nếu gióng theo đường chim bay thì từ đây ra ngoài chốt chưa đầy 2 km mà cuộc sống khác xa nhau. Đúng là: “Thiên đường và địa ngục".

        Tôi vừa tỉnh dậy đã thấy đồng chí y tá báo: “Các anh về rửa ráy xong xuống ăn sáng ngay, rồi chuẩn bị tư trang hành quân”. Hai anh em nhìn nhau ngạc nhiên, cùng hỏi y tá: “Đi đâu hả bạn mà bất ngờ thế?”. Đồng chí y tá trả lời là nghe phổ biến là đi xa đến tận vùng Châu Đốc, An Giang gì đó. Đơn vị đã chuẩn bị cả rồi, đợi xe đến là lên đường. Thôi kệ, đi đâu thì đi cứ làm mọi thủ tục sáng cái đã. Có ô tô hành quân là oai rồi. Hai anh em nhanh chóng làm vệ sinh rồi ra lán ăn cơm. Gặp anh Thu, anh nói: “Nhớ lấy nước đầy bi đông nhé, đi xa đấy mày ạ. Có cả cơm nắm nữa. Thương bệnh binh cũng phải cơm nắm, thịt kho. Ở đây khẩu phần ăn cao hơn dưới đơn vị”. Chúng tôi nhận phần ăn trưa rồi về thu xếp hành trang. Thực sự thì hành trang củng gọn. Đi chiến thì có cái bồng, một bộ quần áo, cái áo mưa, khăn mặt là đủ rồi. Còn bây giờ về cứ lấy lại ba lô. Cái bồng được gấp cho vào trong ba lô, không có súng đạn, cũng không có tư trang gì nhiều. Chỉ thêm cái võng, cái màn tuyn màu xanh từ thời kháng chiến chống Mỹ đến bây giờ vẫn dùng.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2017, 08:47:12 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2017, 02:57:03 pm »

       
*

*        *

        Lên đường, cấp tốc hành quân. Được phổ biến là đi xa khoảng 300km xuống miền Tây - Châu Đốc - An Giang. Bao lần hành quân khi thì bằng xe, khi đi bộ, còn lần này thì cũng đi bằng xe nhưng đi theo Đại đội quân y, chỉ có tư trang, không mang súng đạn. Hai anh em nhìn nhau như hẫng hụt, như thiếu thiếu cái gì.

        Xe chạy quay lại về hướng Sài Gòn, rồi cắt sang đường 4 về hướng miền Tây. Bây giờ, đi đâu bằng ô tô xe không có điểu hòa máy lạnh là không chịu được. Còn ngày ấy chúng tôi cứ được đi ô tô là sướng lắm rồi. Ngồi trên thùng xe được ngắm trời ngắm đất, ngắm cuộc sống tất bật và thanh bình của mọi người, nắng mấy, mưa mấy cũng không là cái gì. Đoàn xe bộ đội ta đi qua, mọi người đều như đứng lại nép vào bên đường. Nhìn theo đoàn người, đoàn xe ở chiến trận về. Không biết họ, những người đứng đứng kia họ đang nghĩ gì? Tin tức cuộc chiến tranh biên giới đã được báo chí, truyền hình đưa hàng ngày. Tuy thế, nhiều người dân vẫn chưa chú ý vì chiến sự ở tận biên giới Tây Nam. Nguyên liệu sản xuất cạn, nhiều nhà máy đóng cửa hay sản xuất cầm chừng, nông nghiệp chưa khai khẩn, gỡ bỏ bom mìn, chất nổ trên đồng ruộng hoang chưa xong, phân bón, giống má thiếu nên đời sống nhân dân lao động lâm vào khó khăn. Cái niềm vui của đất nước thống nhất, hết chiến tranh đã nguội. Mọi người bắt đẩu phải lo đến cuộc sống thực tế, cơm gạo hàng ngày.

        Tới quá trưa đã đến Cần Thơ. Vùng này nổi tiếng gạo trắng nước trong, bây giờ tôi đến. Xe xuống phà, chiếc phà, phát âm theo tiếng Pháp trại là bắc, mỗi chuyến chở tới hơn 20 xe cùng với hàng trăm người. Hai bên đầu phà, bà con buôn bán tấp nập, hoa trái thật nhiều, thật ngon, bày biện thật đẹp, cho bắt mắt khách. Đủ các loại quả, nào là sầu riêng, mít, dứa... hình như trái cầy miệt vườn tụ về đây. Trong lúc khát nước ăn trái cây thì không còn gì bằng. Thịt chim quay vàng óng mỡ bày trong những chiếc thúng la liệt. Thật kỳ lạ. Miền Tây màu mỡ, cây trái thật nhiều. Đi qua ven đường, nhìn những thiếu nữ vận đồ bà ba hoa, đang cầm gầu múc nước, té lên các gốc cây, đang lao động mà sao trông nhàn nhã, đẹp đẽ mượt mà đến vậy. Tự nhiên trong tôi trào lên cảm giác muốn có gia đình, với thửa ruộng mảnh vườn, có người phụ nữ của mình. Thèm quá, khát khao quá. Cứ giong ruổi chiến trận thế này, bao giờ mới có được những thứ tưởng như bình thường của đời người ấy.

        Xe chạy, cứ chạy tiếp. Rồi lại đi qua một cái phà nữa, sau này mới biết là phà Vàm Cống. Đến chiều tối thì tới thị xã Châu Đốc - An Giang. Như vậy quãng đường hành quân khoảng 300km. Mọi người xuống đi bộ, cách chỗ đỗ xe khoảng 2 km, đi men theo bờ sông. Trung đoàn bộ và Đại đội 24 đóng quân ở nhà dân, cạnh dòng sông Tiền Giang thật lớn, nước trong vắt. Có những cái thuyền lồng, nuôi cá thật lớn đang neo đậu hay lững lờ trôi. Đây là ấp Châu Long 1, xã Châu Phú B, huyện Châu Thành, thị xã Châu Đốc. Là vùng ngoại ô của thị xã, nhà cửa hầu hết làm dọc theo bờ sông. Tôi, anh Lập cùng hai đồng chí nữa, cũng nhập ngũ 1977- 1978 được phân công ở nhà anh Thành. Anh Thành trước làm ở công ty bảo hiểm, chị thì dạy học, có hai cháu nhỏ là Trinh và Hoài. Ở đây, cả vùng này, hầu như bà con là tín đổ đạo Hòa Hảo. Họ có tục lệ cúng lễ rất đơn giản, chỉ bằng cốc nước và vái lạy bốn phương trời đất. Không hương nhang, hoa quả như đạo Phật. Sáng sớm anh chị đã dậy vái lạy, ngày nào cũng thế.

        Sau những nghi thức chào hỏi dân vận. Rất nhanh chóng anh em tôi gây được thiện cảm với vợ chồng anh Thành. Đặc biệt là chị Lan rất quý tôi, coi tôi như em trai, thường chuyện trò kể về cuộc sống xưa và nay. Chị tâm sự cũng có người em trai trạc tuổi tôi, trước là trung úy chế độ cũ nhưng bị bệnh mất trước giải phóng mấy năm.

        Những tình cảm của anh chị Thành với tôi từ đó gắn bó đến tận bầy giờ. Chúng tôi vẫn thường điện hỏi thăm nhau. Tình cảm của anh chị Thành và người dân nơi đây thật đáng quý. Thật đáng trân trọng. Tôi có ba lần trở lại thăm anh chị. Đặc biệt năm 2005, khi cả nước kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng. Tôi, vợ tôi cùng một số gia đình cựu chiến binh Trung đoàn về thăm lại chiến trường xưa. Vào thăm thì thật buồn là vừa giỗ đầu của chị. Mọi người nói trước khi mất chị vẫn nhắc tới tôi. Lo cho tôi sao hồi này không thấy tin, dịp đó tôi đi nước ngoài nên không điện thoại được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 02:57:51 am »

       
*

*       *

        Sau thời gian ngắn dừng chân ở Châu Đốc, Tiểu đoàn 2, 3 của Trung đoàn 273 đã kết hợp với Sư đoàn 330 Quân khu 9 đánh tan bọn Pôn Pốt giải phóng Phú Cường. Sư đoàn 341 được lệnh tiếp tục đánh địch giải phóng hai xã Khánh An, Khánh Bình thuộc huyện Châu Phú, An Giang. Nơi đây địa hình rất phức tạp, là cù lao được bao bọc bởi sông Hậu, sông Châu Đốc nên toàn sình lầy, kênh rạch chằng chịt, rất thuận tiện cho phòng ngự và ngược lại tấn công thì lại rất khó. Bọn Pôn Pốt đã xua quân bất ngờ chiếm giữ nơi này gần hai năm. Quân khu 9 nhiều lần tấn công mà chưa giải phóng được.

        Bọn Pôn Pốt chiếm giữ hai xã này, ngoài các đơn vị địa phương của chúng, còn chủ yếu là Sư đoàn 2. Sư đoàn được tôn là ‘‘anh cả đỏ” của quân đội Pôn Pốt. Chúng chiếm giữ đã lâu, nên xây dựng phòng thủ hệ thống theo tuyến án ngữ liên hoàn, ngay từ ngã ba sông Châu Đốc. Có những chỗ lợi thế chúng chốt giữ, hầm hào kiên cố, kèm thêm cả các bãi mìn, hòng chống sự tiến công của ta với ý đồ lấn chiếm lâu dài. Ngoài ra, chúng được sự chi viện của pháo binh nên trong đất liền cũng rất mạnh.

        Ban chỉ huy Sư đoàn chấp nhận phương án tác chiến của Ban tác chiến Sư đoàn, do đồng chí Thiếu tá Lê Hải Anh, trưởng ban, cùng anh em soạn thảo. Là vẫn dùng theo lối đánh ở trường là luồn sâu vào bên sườn phía sau hướng phòng ngự chính của chúng, tạo thế bao vây chia cắt tiêu diệt địch.

        Trung đoàn 273, Trung đoàn 266 được phân công trên hướng chủ yếu. Dùng các Tiểu đoàn 1,2,3, 8 là lực lượng luồn sâu từ tây ấp Kô Ki, đi ngược lên hướng Bắc. Đi sâu vào phía sau địch ở phía Tây sông Châu Đốc. Kết hợp với tiêu diệt địch từ đồn biên phòng Bắc Đai đến đồn biên phòng Vạt Lài và khu vực tây của hai xã Khánh An, Khánh Bình.

        Đêm 3 tháng 2 năm 1978, nhằm ngày 29 tháng chạp năm Mậu Ngọ, khi mà cả nước đang chuẩn bị đón tết Nguyên đán Mậu Ngọ, thì các chiến sĩ Trung đoàn 273, Trung đoàn 266 của Sư đoàn 341, Trung đoàn 2 của Sư đoàn 330, Trung đoàn 2 của Tinh đội An Giang, cùng các lực lượng hải quân, tăng thiết giáp di chuyển đến các vị trí tập kết. Trung đoàn 273 và 266 ém quân, đợi Lữ đoàn công binh Quân khu bí mật bắc cầu phao vượt sông. Khoảng 1 giờ đêm ngày 4 tháng 2 cầu phao bắc xong. Các Tiểu đoàn được lệnh luồn sâu theo kế hoạch. Phải đi vòng xa, nhưng đến 5 giờ sáng các đơn vị đã vào chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công. Trời cuối năm se lạnh. Sương xuống dày, tầm quan sát không được xa, nên bọn Pôn Pốt không phát hiện được ta. Càng bất ngờ hơn khi chúng nghĩ ngày mai là ngày tết cổ truyền Việt Nam, nên ta không động binh. Bọn địch ở đây mới bị ta luồn sâu đánh tập hậu một trận Phú Cường nên còn rất ngớ ngẩn. Hơn nữa, với địa hình chốt giữ rất hiểm hóc và lại đã chiếm giữ rất lâu rồi, nên bọn này rất chủ quan. Chúng không biết rằng, lưỡi gươm của thần công lý, lưỡi gươm của sức mạnh, của ý chí Quân đội Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng đã cận kể bên cổ chúng, đang đợi giờ hành quyết.

        Đúng 6 giờ 15 phút ngày 4 tháng 2, sương tan dần. Các mục tiêu đã hiện rõ, ùng - ùng - ùng, những tiếng nổ đầu nòng của pháo binh ta bắn vào các mục tiêu. Oành - oành - oành, tiếng nổ inh tai gần đội hình ém quân. Rồi như ngưng lại để quan sát chỉnh tầm, rồi các loại pháo, cối thi nhau nhả đạn. Dàn nhạc, bản hợp xướng của pháo, cối cùng hỏa lực các loại,của lòng căm thù, sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa, đồng loạt dập vào các vị trí chốt giữ của Pôn Pốt. Pháo 130 ly bắn tầm xa, chế áp các trận địa pháo bên trong của chúng. Không thể phân biệt nổi tiếng nổ của từng loại pháo. Âm thanh rền vang như sấm. Rồi máy bay của ta xuất hiện, ném bom vào các mục tiêu, trận địa pháo, khu vực chỉ huy của Pôn Pốt. Rồi máy bay trực thăng quần đảo bắn róc két liên tục vào các chốt địch ở hướng Sư đoàn 330 đảm nhiệm. Hỏa lực thật mạnh. Đúng là trong chiến tranh chống Mỹ và giai đoạn đầu của cuộc chiến với Pôn Pốt này, chưa lần nào quân đội ta xuất quân đủ các quân binh chủng như đợt này. Dưới sông Châu Đốc, bốn tàu “há mồm” của hải quần đang tiến về vị trí đổ bộ. Trận địa địch chìm trong khói lửa. Các đồng chí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 như Nguyễn Song Thao, Tiểu đoàn trưởng Tô Quang Phụng, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ngọc, Trung đội trưởng Hoàng Quốc Lập Trung đội trưởng và nhiều đồng chí cán bộ khác thật sự mưu trí, khi xung phong đều lao lên trước thật dũng mãnh. Khi ngớt đợt tập kích hỏa lực bằng máy bay và pháo binh, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 tràn lên đánh chiếm địch ở khu vực đồn Bắc Đai. Địch lợi dụng hầm hào kiên cố, phòng thủ quyết liệt. Nhưng chỉ sau 35 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 3 đã đánh chiếm và tiêu diệt hết bọn địch ở đây để tạo nên bàn đạp mở thông ngã ba sông Châu Đốc. Tạo chỗ đứng đầu cầu, bến đổ bộ cho các tàu há mồm, nhả 12 xe bọc thép M113 và các Tiểu đoàn bộ binh Quân khu 9, Trung đoàn 266 tiến công khu vực Chây Thom.

        Cùng lúc Tiểu đoàn 3 đánh chiếm đồn địch ở đồn biên phòng Bắc Đai, Tiểu đoàn 2 dũng mãnh tấn công tiêu diệt địch ở đồn biên phòng Vạn Lài. Tiểu đoàn 1 phát triển tiến công phía tây đồn Bắc Đai, địch co cụm chống trả. Pháo binh của Pôn Pốt cũng đã gượng dậy bắn hỗ trợ cho bọn sống sót. Chúng bắn theo tọa độ tính sẵn, mật độ thật dày đặc, làm cho bộ đội ta thương vong nhiều, nhất là ở khu vực cầu phao vượt sông. Đạn pháo nổ dưới sông làm cá chết nổi trắng mặt nước. Trong những loạt pháo bắn trả đó, một loạt pháo làm hy sinh đồng chí Trần Quy Nhơn, tham mưu phó Trung đoàn và đồng chí Thắng, trợ lý tác chiến của Trung đoàn 273 cùng một số anh em khác.

        Pháo binh ta tiếp tục bắn chế áp vào sâu. Nhưng chắc bọn này có “mắt pháo” đài quan sát, nên chúng bắn vào quân ta cũng rất trúng đích. Ta tập trung phản pháo, mà chưa bịt miệng được toàn bộ pháo của chúng. Máy bay trực thăng HU cũng vẫn liên tục quần đảo hỗ trợ bộ binh tiêu diệt Pôn Pốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 03:04:40 am »


        Đến khoảng 9 giờ 30 phút, hầu như các mục tiêu của Sư đoàn 341 tấn công đã hoàn thành thì ở hướng quan trọng của Trung đoàn 2, Sư đoàn 330, Trung đoàn 2 tỉnh An Giang vẫn chưa mở được cửa, tấn công địch ở cù lao Khánh An - Khánh Bình.

        Nếu cứ để kéo dài thì toàn cục sẽ bất lợi cho ta. Ban chỉ huy liên quân quyết định điều lực lượng của Sư đoàn 341 gồm Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273 và một Tiểu đoàn của Trung đoàn 266 chi viện cùng Sư đoàn 330 tiến công địch ở đây.

        Lúc này, cầu phao tạm của Sư đoàn 330 cũng đã bắc xong. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 ào ào vượt sông. Trung đoàn 266 cũng được cơ động bằng “tàu há mồm” của hải quân đổ bộ vào tiến công cù lao Khánh An - Khánh Bình, khu vực ngã ba ấp Ba Đình. Khu này là Sở chỉ huy và kho hậu cần, quân y của Trung đoàn 11 của Pôn Pốt.

        Tiểu đoàn 2 đánh tràn lên, cùng với anh em Sư đoàn 330 đánh tràn xuống phía Bắc làng Xanh. Đánh thẳng vào sau đội hình địch đang cố thủ của chúng ở An Thạch. Bọn Pôn Pốt không còn đường lùi, chống trả thật quyết liệt, nhưng chúng đã vỡ trận, một số tổ chức vượt sông tháo chạy bằng thuyền, nhưng bị pháo cối và trực thăng tiêu diệt.

        Tiểu đoàn 1 sau khi đánh chiếm xong phía Tây đồn Bắc Đai, được lệnh vượt sình lầy khu bưng Bình Thiên tiến công vào phía Nam làng Xanh.

        Chiến sự nhỏ lẻ tiếp diễn đến 17 giờ chiều ngày 4 tháng 2 năm 1978. Quân ta làm chủ hoàn toàn cù lao Khánh An - Khánh Bình. Sau hai năm, khu vực hai xã này đã được giải phóng sạch bóng quân xâm lược tàn ác. Đúng chiều 30 tết Mậu Ngọ, các đơn vị được lệnh tạm chốt giữ tại các vị trí, địa bàn vừa giải phóng.

        Chiến thắng này mang ý nghĩa thật lớn. Đã khẳng định truyền thống và sức mạnh, ý chí mưu lược, sự hợp đồng quân binh chủng của quân đội ta, sự kết hợp hòa quyện chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương thật tuyệt vời, thật hoàn hảo. Đó là sức mạnh của toàn dân trong chiến tranh vệ quốc.

        Đảng bộ, chính quyền nhân dần Châu Đốc, An Giang đã dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341, nhất là khu vực Châu Đốc, các xã Khánh An - Khánh Bình vô cùng biết ơn các đơn vị đã chiến đấu, đánh đuổi, tiêu diệt bọn Pôn Pốt độc ác.

        Trong các bài giảng của các trường sĩ quan sơ cấp, cao cấp hay tập huấn... của các trường đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan đều lấy trận đánh Phú Cường, Khánh An - Khánh Bình, làm bài học giảng dạy cho các bộ môn quân sự quốc phòng. Qua trận chiến này, uy danh của Sư đoàn 341 ngày càng được tôn vinh, càng được sự yêu mến của nhân dân các tỉnh dọc miền biên giới Tây Nam. Thật đáng tự hào!

        Vừa nhận nhiệm vụ tạm thời chốt giữ đón xuân ăn tết tại địa bàn vừa giải phóng thì Ban chỉ huy Sư đoàn lại được thống báo, quân Pôn Pốt đang tập trung rất đông, chuẩn bị đánh chiếm thị trấn Hồng Ngự, tỉnh đồng Tháp. Toàn đội hình Sư đoàn lại chuẩn bị cơ động về Đồng Tháp.

        Trong khi toàn Trung đoàn đang làm công tác chuẩn bị chiến đấu giải phóng hai xã Khánh An - Khánh Bình, thấy tôi quá gầy ốm nên cấp trên cho về điều trị ở viện 7 Biên Hòa. Ra đi khi đơn vị đang bước vào trận chiến đấu mới, tôi áy náy vô cùng.

        Chiều tối, tôi và anh Lập cùng anh Mến chào anh chị chủ nhà, khoác ba lô ra phòng đợi bến xe thị xã Châu Đốc, để sáng hôm sau đón xe về Sài Gòn.

        Thị xã biên giới thời chiến không thật sôi động. Phố phường vắng vẻ. Cũng có hàng quán nhưng không đông đúc. Thỉnh thoảng Pôn Pốt bắn vu vơ sang mấy loạt pháo. Khu vực núi Sam, bên này là đền “Vía Bà”. Nhưng bên kia bọn Pôn Pốt vẫn còn chiếm giữ. Nếu tính theo đường “chim bay” thì cũng không xa. Hôm trước anh em tôi có lên thăm đền thấy vắng tanh. Anh em Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 1 đang chốt giữ ở đó. Các Đại đội bộ binh bên kia núi hàng ngày vẫn chiến đấu chặn địch lấn dũi chiếm đất.

        Ba anh em trải áo mưa ra nền nhà đợi nằm nghỉ. Trong lòng mọi người rất vui, háo hức vì được về phía sau nghỉ một thời gian. Nhưng phải nằm đợi đến sáng mai cảm thấy lâu quá, đợi chờ trong mong ngóng thật buồn và thấy thời gian đi thật chậm. Chậm hơn cả một mình ngồi gác ở cánh đồng nơi chiến tuyến. Vừa nằm một tý các loại muỗi to, muỗi bé, muỗi mẹ, muỗi con đã tấn công không chịu nổi. Anh em tìm cách mắc màn, cảm giác như buồn thiếu cái gì. Riêng tôi thì ho, không hút thuốc lá, còn hai bạn kia thì hết điếu nọ đến điếu kia.

        Tự nhiên tôi hỏi anh Lập: “Có đi uống cà phê không?”. Anh Lập nói: “Tiền đâu mà uống cà phê?”. Đúng là lính chiến, gian khổ là thế, ngoài hành trang đơn giản còn toàn là súng, là đạn. Còn bây giờ đi viện, súng, đạn củng không còn. Chỉ có cái ba lô bẹp, vì có cái gì nhiều đâu. Tiền thanh toán đi viện, có đáng là bao, trợ cấp của trung sĩ chỉ có mấy đồng. Tôi nói với Lập, cứ đi với tôi ra phố chơi cờ, uống cà phê. Anh Lập nói: “Thắng mới được uống, còn thua thì lấy gì ra mà chiêu đãi họ”. Tôi nói với Lập lúc ở Sài Gòn tôi hay chơi cờ với người Hoa ở Chợ Lớn nhiều rồi, cứ yên tâm. Lúc này tôi cũng muốn chơi cờ cho vui, vậy thôi chẳng phải vì tiền nong. Cuộc đời tôi, tôi luôn muốn giữ thanh sạch, không phải vì tiền.

        Hai anh em đi dọc từ bến xe vào phố khoảng trăm mét, gặp ngay một nhóm khoảng bốn, năm người đang chụm đầu chơi cờ tướng. Thấy anh em tôi đến mọi người ngẩng lên như có ý nhường chỗ ngồi. Tôi xin phép ngồi xem, bà con thấy hai chú bộ đội có vẻ say cờ thì rất thích. Hết ván cờ dở tôi xin phép cầm quân chơi một ván. Mọi người rối rít nhường chỗ cho kỳ thủ mới.

        Hồi năm 1975, khi đi viện 175 lúc rỗi, các thương bệnh binh không có gì vui hơn, giết thời gian hơn là chơi cờ tướng và chơi các loại bài. Tôi có học được vài nước đi, cách xuất quân và thế đánh pháo gọng sĩ, rồi chuyển thế pháo chồng. Công phá đối phương rất lợi hại. Ai thiếu kinh nghiệm là rất dễ thiệt quân, mất xe và thất bại nhanh chóng.

        Kết thúc trận đấu với ba người khác nhau tôi đều thắng với thế cờ này. Mọi người rất phục chú bộ đội mà “cao cờ” kêu cà phê, thuốc lá, bánh kẹo mời chúng tôi thật trịnh trọng. Anh Lập thì từ đó cứ phục tôi “sát đất”. Đến bây giờ, tôi với Lập vẫn thường hay nhắc về buổi tối Châu Đổc chơi cờ tướng, uống cà phê ở đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2017, 11:57:12 am »

       
*

*        *

        Sáng hôm sau ba anh em lên xe về Sài Gòn. Rồi tiếp tục bắt xe về viện 7 Biên Hòa. Điều trị được gần chục ngày, thì tôi và anh Lập cùng ra viện. Chia tay nhau ở Sài Gòn, mỗi người đi mỗi ngả riêng tư. Dự định sau hai ngày sẽ trở lại đơn vị.

        Tôi tranh thủ đi gặp một số người quen ở thành phố. Rồi vào sân bay Tân Sơn Nhất, chơi với người em trai thuộc Đại đội Trinh sát điện tử của Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân đóng quân trong sân bay. Hai anh em gặp nhau thật vui mừng. Trong đơn vị của Lộc, em trai tôi và nhiều anh em quê ở Thái Bình, cùng nhập ngũ đợt tháng 12/1974. Nghĩ ra đủ cách để chiêu đãi tôi rất thịnh soạn. Mọi người rất thích nghe tôi kể chuyện chiến đấu biên giới Tây Nam. Lộc cho tôi biết, bố mẹ và mọi người đểu rất lo cho tôi vì mấy tháng đi biên giới, tôi không có tin tức gì. Hàng ngày cứ thấy máy bay chở thương binh từ Tây Ninh về, Lộc cùng mấy bạn thường ra xem và vào cả viện quân y 175 để dò hỏi tin tức về tôi.

        Lúc này đã gần Tết Nguyên Đán, Lộc nói: “Có chú Tiến, nhà ngay trước cửa nhà tôi, vào công tác trong này, chuẩn bị về Thái Bình. Hiện đang ở khách sạn Tao Đàn, tức là nhà khách chính phủ”. Tôi đi mua mấy tấm thiệp ở bưu điện Sài Gòn, viết thư cùng lời chúc tết, mang đến đó ý định nhờ gửi về nhà.

        Tôi đang ngồi ở phòng đợi bên dưới. Thì thấy một người phụ nữ còn trẻ đi ra, mắt đăm đăm nhìn tôi, rồi mừng rỡ gọi tên tôi. Trong giây lát tôi nhận ra là người bạn gái tên Nhung. Bạn cùng học với nhau thời lớp 4 lớp 5 ở Thái Bình. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, thật vui. Qua chuyện trò, tôi được biết Nhung đang làm kế toán tại nhà khách này. Nhung hỏi tôi hiện giờ làm gì? Ở đâu? Tôi kể sơ sơ cho Nhung biết về đời bộ đội của tôi. Tôi nói: “Hiện đơn vị tôi vẫn đang chiến đấu ở biên giới Tây Nam, vùng Châu Đốc, An Giang. Tôi ốm đi viện. Bây giờ ra viện được nghỉ mấy ngày”. Nhung hỏi: “Sao Phú không về quê?”. Tôi nói: “Về thế nào được?. Hôm nay đã là ngày 27 tết rồi. Tàu xe rất khó, đi làm sao được!” Nhung nói tiếp: “Phú cứ về đi. Tôi sẽ mua vé máy bay cho Phú về”. Thật bất ngờ, khi có lời đề nghị giúp đỡ cao sang đó. Thời đó mà đi máy bay thì thật là khó vì máy bay thường chỉ giành riêng cho cán bộ đi công tác. Giá vé lại thật cao so với lính, nên với chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ tới phương tiện cao cấp này.

        Nhung thuyết phục tôi một lúc rồi nói: “ở đây tôi mua vé thì đơn giản. Vì nhà khách Chính phủ nên gọi ra sân bay là lấy được vé ngay”. Tôi ngần ngừ vì cũng quá bất ngờ, trong giấy ra viện của tôi có ghi là: “Ra viện được nghỉ công tác 10 ngày”. Đắn đo một chút, tôi đồng ý và nhờ Nhung lấy hộ vé để bay ra Bắc. Tôi về sân bay, bàn với Lộc, rồi quyên tiền của anh em cho vay. Chiều tôi trở lại khách sạn gặp Nhung. Nhung đã lấy được luôn vé khứ hồi cho tôi. Chuyến bay vào ngày 29 tết và vé vào ngày mùng 8 âm lịch.

        Tôi thầm cảm ơn Nhung. Người bạn gái chung một lớp thời phổ thông.

        Tôi trở lại sân bay, chỗ đơn vị Lộc, trong lòng chộn rộn mừng vui. Hai anh em đi mua một số quà, chủ yếu là đồ chơi trẻ em, khăn voan, bít tất nilon để mang ra Bắc làm quà.

        Tôi không gặp được Lập như đã hẹn. Cũng lỡ hẹn với Thanh, người bạn gái. Hôm trước đến chơi, tôi có hẹn là: “Sẽ cùng Thanh đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ ngày tết”. Do việc được ra Bắc, về quê quá bất ngờ nên tôi không kịp báo lại. Lỡ hẹn với anh Lập cũng không có gì quan trọng lắm. Còn riêng với Thanh, việc lỡ hẹn này, là nỗi ân hận của tôi cho đến tận bây giờ. Vì cho đến bây giờ và chắc là mãi mãi tôi không có cơ hội để sửa chữa, thực hiện lời hứa đó nữa.

        Chiều hôm sau, tôi và Lộc ra nơi làm thủ tục để bay ra Bắc. Trời ngày tết mà ở Sài Gòn, nhất là trong khu vực sân bay nắng nóng như đổ lửa. Tôi nhanh chóng làm những thủ tục an ninh. Rồi vào phòng đợi khoảng 30 phút thì lên máy bay. Hồi đó hàng không của mình chủ yếu là dùng máy bay hai hay bốn cánh quạt, còn gọi là động cơ, của Nga. Máy bay không có hệ thống điều hòa nhiệt độ như bây giờ. Trong lúc chờ đợi cất cánh, ai nấy mồ hôi đổ ra như tắm, trông rất khổ sở. Riêng tôi, thì phần vì quen với cái nóng, cái khổ, phần vì đang phấn khích vì chuyện đi phép thăm nhà bất ngờ này. Mà lại được đi bằng phương tiện máy bay hiện đại nên tôi cũng thấy bình thường mặc dù cái khăn mặt màu xanh của lính chiến phải vắt mồ hôi mấy lần. Miên man nghĩ đến hổi tháng 3/1976 khi đang làm Quân quản tại Sài Gòn, thì mẹ tôi vào thăm. Đúng lúc tôi chuẩn bị được đi phép. Thế là tôi bỏ đường bộ ô tô của Binh trạm. Hai mẹ con mua vé tàu thống nhất về theo đường biển. Sau hai ngày lênh đênh trên biển Đông, thì cập bến cảng Hải Phòng. Lần này được đi về nhà bằng máy bay nữa. Như vậy là tôi vào Nam, ra Bắc bằng đủ các loại phương tiện. Đi bộ, đi ô tô, đi tàu biển và lần này là máy bay trên trời. Một thằng lính chiến bộ binh súng dài mà như vậy cũng rất là oai, cũng thật là tự hào rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 04:52:51 am »


        Thế rồi, cũng đến giờ cất cánh. Khoảng 4 giờ 30 phút chiều thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Mọi người lên xe ô tô của hàng không về Hà Nội. Đi từ Sài Gòn ra Bắc khoảng hơn hai giờ bay, vậy từ Gia Lâm về bờ hổ Hoàn Kiếm mất gần ba tiếng đồng hồ, vì tắc đường ở trên cầu Long Biên. Ngày tết bà con đi lại quá đông. Với tôi, đó là lần chứng kiến cảnh tắc đường đầu tiên trong đời.

        Vừa xuống xe ở trạm hàng không bờ hồ Hoàn Kiếm, thì đã thấy bố tôi đứng đợi. Ông được ông Tiến hàng xóm về trước báo giờ bay của tôi nên lên Hà Nội đón tôi. Hai bố con mừng mừng, tủi tủi trào nước mắt. Không ngờ cuộc đời lại có những thay đổi nhanh như vậy. Hà Nội chuẩn bị Tết đông đúc, nhưng vẫn thấy nghèo nàn, không ầm ĩ, không ồn ã như Sài Gòn. Trời cuối năm ầm u lạnh. Những lá vàng rơi, bay lả tả trong chiều cuối Đông. Dân chúng còn đi toàn bằng xe đạp. Nhìn những người phụ nữ gò lưng rạp người đạp xe trông thật vất vả. Ở Sài Gòn, họ đi xe đạp kiểu dáng khác, trông thanh thản hơn nhiều. Thi thoảng ở đây mới có chiếc xe máy hoặc xe ô tô con cũ kỹ chạy qua, chạy lại.

        Hai bố con nhanh chóng đi xích lô ra bến xe Kim Liên mua vé ô tô về Thái Bình chuyến cuối. Gần mười giờ tối mới về đến nhà. Mọi người, mẹ tôi, anh em họ hàng ùa ra chào đón tôi. Đón người con từ chiến trường trở về. Cả nhà thật vui, thật cảm động, cười cười, nói nói. Nhưng mắt ai cũng đỏ hoe. Những giọt nước mắt của niềm vui gặp mặt, của niềm vui được đón người con từ chiến trận trở về an lành. Những hình ảnh đó, đến bây giờ, mấy chục năm rồi mà như mới hôm qua. Với tôi mãi mãi không thể nào quên!

        Sau khi ăn cơm xong, cả nhà trò chuyện tới khuya, tôi lên giường đi ngủ. Tôi vẫn bàng hoàng không tin là mình đang được sống, được ăn, được nằm tại gia đình mình. Tất cả những tình cảm của mọi người, nhớ nhung dồn nén đã lâu được bung ra thể hiện. Nên có thể nói tôi được chăm sóc thật đặc biệt. Nhà tôi, bố mẹ sinh được mười anh chị em. Nhưng một người anh trên tôi nghe kể lại bị “mất” ngay lúc chào đời. Bố tôi là bộ đội công nhân quốc phòng thuộc Quân khu 3, chuyên sản xuất, chế tạo vũ khí cho quân đội nên mẹ và gia đình tôi những năm chống Pháp, thường “chạy loạn”, định cư theo Công binh xưởng của ông. Cho nên mấy anh chị em đểu sinh ra mỗi người một tỉnh. Chị cả sinh ở Hải Phòng, chị hai sinh ở Nam Định, anh thứ ba sinh ra mất ngay ở Thanh Hóa. Tôi được sinh ra ở vùng Kim Tân, Thạch Thành, Thanh Hóa. Tiếp đến, cô em gái tên Lợi được sinh ở vùng Nam Định. Từ em trai Lộc trở xuống sau giải phóng, gia đình tôi về định cư tại Thái Bình, nên tất cả năm người em là Lộc, Quang, Vinh, Quý, Vịnh, đều được sinh ra ở Thái Bình. Tổng số anh chị em còn sống và trưởng thành là chín người, năm trai và bốn gái. Tôi là anh trai lớn nên mọi niềm tin yêu, hy vọng của bố, mẹ đặt vào tôi rất nhiều. Hồi nhỏ và khi lớn lên từ học hành cho đến sau này, lớn lên đi làm, tôi luôn là một người con ngoan, người anh gương mẫu trong gia đình.

        Đến thời điểm năm 1978 thì mới có tôi và em trai Lộc vào bộ đội. Chú Lộc khi đi bộ đội tháng 12/1974 thì được vào đơn vị Rada điện tử nên mệnh danh là lính “Cậu”, có nghĩa là lính ở binh chủng hiện đại, quan trọng. Còn tôi đi bộ đội vào luôn đơn vị bộ binh AK súng dài ở Trung đoàn 8, Quân khu 3. Sau đó tôi được chuyển sang Sư đoàn 308B. Khi Sư đoàn 341 thành lập, thì cả Trung đoàn 36B của tôi được chuyển qua, lấy phiên hiệu mới là: Trung đoàn 273.

        Đời lính bộ binh như các bạn đều biết thật là vất vả. Có lẽ cực khổ nhất trong các sắc lính của mình. Hành quân thì chỉ cơ động bằng đôi chân là chính. Từ xây nhà, đào hầm, tập luyện cho đến lấy gạo, lấy củi...đều bằng sức vóc của lính. Mà lúc đó anh em mình có mấy ai to lớn đâu. Lúc đó tôi nặng được hơn 40kg thuộc diện B2, lẽ ra không đủ sức khỏe đi bộ đội. Nhưng vì gia đình đông người, lại chưa có ai tham gia bộ đội hay phục vụ chiến trường nên vẫn được ưu tiên nhập ngũ. Thời đó được vào bộ đội là một vinh dự.

        Thế hệ chúng mình, hầu như con trai, lớn lên là đi bộ đội gần hết và hy sinh cũng không ít. Dù rằng, bây giờ các cấp chính quyển, các đoàn thể và anh em chúng mình có nói, có viết, thật nhiều, thật hay. Có thể hiện thế nào đi nữa thì cũng không thể nói hết, viết hết, không thể tả nổi tâm trạng buồn đau, lo lắng của người cha, người mẹ, người vợ, người thân. Nhất là người mẹ lo và thương cho con mình. Người con yêu dứt ruột sinh ra, mong ngóng lớn khôn từng giờ, từng ngày. Trong khó khăn thiếu cơm, thiếu sữa mẹ, để lớn lên, để trưởng thành. Rồi người con lại đi lính ra sa trường, cực khổ ở tuyến đầu, trước mũi tên hòn đạn quân thù. Lúc nào cũng có thể cướp đi mạng sống của con trai mình. Cũng chính vì những điếu đó cho nên mẹ tôi, đã dành tình cảm cho tôi thật nhiều, chăm sóc từng ly từng tý một. Buổi tối đầu đi ngủ bà còn nằm cạnh tôi, ôm ấp vuốt ve hít hà như hồi tôi còn bé.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM