Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:43:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ biên giới tây nam đến đất chùa tháp Tập 1+2+3  (Đọc 85692 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2017, 04:40:04 am »

       
*

*      *

        Ở các hướng sư đoàn khác trong quân đoàn 4 như sư đoàn 9, sư đoàn 7, các đơn vị trực thuộc, địch vẫn ngoan cố mở những đợt tấn công sang đất ta.

        Sau này, qua tư liệu tôi mới biết được, thời gian giữa cho tới cuối năm 1978 này, bọn Pôn Pốt khát máu vẫn mang ảo tưởng có thể mở những đợt tấn công lớn như tháng 4 năm 1977, khi chúng dùng một sư đoàn tấn công chiếm một số vùng thuộc biên giới An Giang. Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, chúng ta đã phản công đánh tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn này của địch. Nhưng bọn địch vẫn chưa từ bỏ đã tâm xâm lược, sau đó vào ngày 25 tháng 9 , chúng lại dùng bốn sư đoàn tấn công sang đất ta ở Bến Cầu, Tân Châu Thành, thuộc Tây Ninh. Bè lũ Pôn Pốt hoang tưởng, rêu rao trên đài phát thanh, gieo rắc tư tưởng xâm lược cho binh lính chúng rằng, chỉ cần một ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn, thì mười năm, hai mươi năm tiêu diệt năm mươi triệu người Việt Nam. Ảo tưởng luôn bám chặt đầu óc ngông cuồng của kẻ xâm lược là thế.

        Về phía các đơn vị trong sư đoàn 341 đã có phương án tác chiến mới nhưng chưa có điều kiện đánh lại trận tiếp theo là do quân số, vũ khí chưa đủ. Cho dù một lớp chiến sĩ mới được bổ sung vào các đơn vị nhưng anh em chỉ mới huấn luyện quân sự cấp tốc chưa thực sự sử dụng thành thạo vũ khí. Vì vậy, các đơn vị được giao huấn luyện cho chiến sĩ mới ngay ở điểm tựa. Một số cán bộ trung đội, đại đội từ đơn vị khác chuyển sang thành thạo công tác quản lý, chỉ huy nhưng cũng cần có thời gian làm quen địa hình mới và cần bám nắm địch chắc hơn.

        Thế rồi, quân số của đại đội 1 chúng tôi cũng được tăng dần lên để đáp ứng biên chế của một đơn vị chủ lực. Do tiểu đoàn, trung đoàn điều từ các đơn vị trực thuộc về, từ hậu cứ sang. Số anh em ở hậu cứ thường có sức khỏe không thật tốt, một số trước đây mang tư tưởng chán nản, phát ngôn không chuẩn hoặc vướng phải kỷ luật. Số người thuộc dạng quân thu dụng ấy họ những tưởng sẽ được phục viên, nay nhận lệnh ra mặt trận không khỏi miễn cưỡng. Tuổi quân của họ cũng đã khá cao, phấn nhiếu hoàn cảnh gia đình ở hậu phương gặp không ít khó khăn, ra mặt trận biết sức khỏe có chịu đựng nổi không. Bao nhiêu tâm tư phức tạp diễn ra, giằng co trong một con người từ hậu cứ ra trận. Nhưng khi đến mặt trận, thấy bộ đội ta sống sinh hoạt bình thường, có lúc còn ca hát, họ an tâm phần nào và hòa nhập rất nhanh.

        Anh Đạc và một vài anh em đi viện củng đã trở về. Cho dù sức khỏe các anh chưa thật tốt nhưng khi biết tình hình đơn vị đang gặp khó khăn về quân số, các anh đã đề nghị được trở về sớm.

        Trung đoàn điều anh Nguyễn Văn Tiến ở đại đội 18 thông tin về làm chính trị viên trưởng đại đội, anh Trần Đức Quang từ đại đội 3 đến làm đại đội phó. Tuy cùng trung đoàn, nhưng tôi chưa gặp anh Tiến bao giờ. Còn anh Quang thì trước ở tiểu đội trinh sát của tiểu đoàn 1, cùng ăn, cùng ở với tôi nhiều năm. Anh Quang có dáng thư sinh, ít nói, hay cười, vô cùng lịch lãm. Cùng tiểu đoàn bộ nên anh em hiểu tính khí của nhau. Tuổi tác chúng tôi cũng gần ngang nhau nên dễ thân gần. Tôi mừng khi anh Quang từng là chiến sĩ trinh sát nay làm đại đội phó, vì đơn vị sẽ nắm địch tốt hơn. Như vậy là ban chỉ huy đại đội 1 lại được kiện toàn dầy đủ. Cả bốn người đểu là lính 1972. Anh Đạc quê ở Đông Triều, Quảng Ninh. Còn lại ba người chúng tôi đều quê Thái Bình. Cán bộ trung đội và tiểu đội cũng được điều từ các đơn vị khác về. Đại đội 1 vẫn được dưỡng sức trong cụm chốt chặn cùng khu vực tiểu đoàn bộ. Anh em ban chỉ huy, cán bộ chiên sĩ trong đại đội nhanh chóng làm quen nhau. Lo tổ chức học tập, hậu cần và ổn định tư tưởng. Mấy ngày sau thì lại lên vị trí chốt, dịch sang trái vị trí chốt cũ một quãng khá xa cho gần khu vực chốt của sư đoàn 7 hơn. Đây là thế đứng chân liên hoàn, hỗ trợ nhau khi có đối phương đánh sang. Thế trận như vậy là chặt chẽ lắm nhưng điều mà mọi người dân mong đợi là ta làm sao để cho dân có điều kiện sản xuất trên đồng giáp đường biên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2017, 04:41:46 am »


        Ký sự Đường vào Nông Pênh của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ, Phó tư lệnh quân đoàn 4. Chúng ta được biết cấp trên cũng suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để biên giới bình yên, nhân dân yên tâm sản xuất. Một vài nơi chúng ta đã đẩy địch sâu vào đất chúng để dân thu hoạch lúa mùa. Nhiều đơn vị vừa đánh địch vừa giúp dân thu hoạch mùa. Tình hình nội bộ địch lúc này cũng đã dấy lên những cuộc nổi dậy, chúng ta nhận được thông tin qua làn sóng điện, một số đơn vị của quân khu 203 báo tin khởi nghĩa và mong Việt Nam giúp dỡ. Nhận được thông tin, chúng ta đã nhanh chóng cử một tổ trinh sát di bắt liên lạc. Thiếu tướng Bùi Cát Vũ kể lại qua tập ký Đường vào Nông Pênh: “Cho đến một hôm giữa tháng 5 năm 1978, các chốt tiền tiêu báo vẽ là nghe thấy tiếng súng lớn nổ dữ dội ở hướng Preyveng, cùng lúc ấy các đài vô tuyến báo là liên tục nhận được tín hiệu thông tin truyền đi liên tục trên nhiều tầng sóng, lặp đi, lặp lại một câu: “Chúng tôi những người chiến sĩ, cán bộ thuộc quân khu 203 nổi dậy chống Pôn Pốt, chúng tôi muốn gặp các bạn Việt Nam”. Chúng tôi báo cáo tình hình đó lên trên thì đồng thời nhận được trên thông báo là Quân khu 203, đã nổi dậy. Thế là từng tốp trinh sát có cán bộ chỉ huy kiên cường, dày dạn kinh nghiệm được phái sang các khu rừng rậm nơi có các căn cứ của các đơn vị thuộc Quân khu 203. Giữa mùa lũ, anh em đạp lên những bãi mìn, những bưng rạch ngập ngụa sình lầy, những khu rừng hoang đầy những mây gai... quyết tìm bắt liên lạc với bạn. Những chốt tiến tiêu đều phái người bung ra xa. Các nơi đã báo cáo về đã bắt được liên lạc với một bộ phận nổi dậy hoặc đã gặp một cô sinh viên, một anh trí thức trốn trong rừng đã hơn tháng nay... Ở đâu trong đất Campuchia, hễ nghe tiếng súng là ta phái người đến. Có toán trinh sát sau ba ngày đi đã báo điện về là đến bờ sông Mê Kông... rồi mất hút luôn. Những hôm ấy ở cơ quan và đơn vị phía trước sau đều rộn vui. Có phải chăng đây là một điều kiện chính trị mới của bạn và cả của ta nữa. Sau này chúng tôi được biết, trong sự kiện ngày 28 tháng 5 năm 1978 này, ta đã liên lạc được với các đổng chí HenSomrin, ChiaSim, XutKeo, Chăn Thi, Hun Sen và các lực lượng ly khai Pôn Pốt khác”. Đoạn trích cuốn ký sự ấy đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu vô cùng quí giá.

        Sau này, vào khoảng năm 2009, tôi được đọc hồi ký của thủ tướng Hun Sen, do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành 2008, nhân đây xin dẫn lại những trang tư liệu chân thực nhất, quí giá nhất, để bạn đọc tham khảo: “Vào một ngày cuối năm 1976, tôi nhận lệnh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng vào lúc 2 giờ sáng. Tôi đoán rằng mình sẽ được chỉ thị tấn công Việt Nam vì đơn vị tôi đang đóng quân không xa với biên giới Việt Nam. Vào lúc 11 giờ tôi biết sẽ đi tiêu diệt một cuộc nổi dậy của cộng đồng Hồi Giáo ở Công Pông Chàm. Pôn Pốt lo rằng những người đạo Hồi sẽ đoàn kết thành một cộng đồng và sẽ phản đối chính sách cực đoan của ông ta vì đã gây ra cảnh nghèo đói, bệnh tật và chết chóc tràn lan. Tôi không còn tinh thần và thất vọng về chuyện dùng một lực lượng hùng hậu như thế để chống lại cộng đồng Hồi Giáo nhỏ bé, không được trang bị vũ khí. Tôi chống lại mệnh lệnh đó, lấy cớ là mình phải trở lại bệnh viện vào ngày hôm sau. Tôi bảo với phụ tá của mình là lực lượng của mình sẽ không thể hành quân vì bảy mươi phần trăm quân số đang bị sốt rét. Tôi trở lại bệnh viện và đơn vị tôi không bị đưa đi tấn công những người theo đạo Hồi. Hai tháng sau khi ra viện tôi được lệnh tấn công Việt Nam trên ba phòng tuyến dọc theo biên giới dài ba mươi cây số dọc theo biên giới Campuchia và Việt Nam. Tôi chỉ huy một tiểu đoàn, còn một tiểu đoàn do Hiêng Xom Rin chỉ huy. Tôi đã trì hoãn cuộc giao chiến ấy cho đến khi trốn thoát vào tháng 6 năm 1977"

        Vẫn theo dòng kể của hồi ký ấy, Thủ tướng Hun Sen cho biết, vào đêm 20 tháng 6 năm 1977, nhóm của ông gồm có năm người, Nhek Huon, Nuck Than, Sa Sanh và Phao An, Hun Sen là người chỉ huy của nhóm người này, quyết định trốn khỏi nanh vuốt Angkar. Lúc ấy họ nghĩ đang trốn khỏi kẻ thù này để sang một đối phương khác. Chết bởi viên đạn của Việt Nam còn hơn sống dở, chết dở dưới chế độ Khmer Đỏ. Năm người di chuyển luồn qua các cây thốt nốt cao mọc thưa thớt ở vùng đồng bằng và nguy hiểm, họ tiến gần tới lãnh thổ Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2017, 04:44:12 am »

         
        Tất cả họ mang trong ba lô vẻn vẹn một khẩu phần gạo, thuốc lá và hộp diêm. Hun Sen và bốn người mà ông tin tưởng lẩm bẩm khấn vái và bắt đầu đoạn đường dài vất vả của mình sang Việt Nam, 9 giờ tối ngày 20 tháng 6 năm 1977. Năm người di chuyển từng bước một cẩn thận qua những bãi mìn. Khi họ vượt qua biên giới thì đổng hồ của Hun Sen chỉ đúng hai giờ sáng. Đó là ngày 21 tháng 6. Điểm băng ngang của họ phía Campuchia là Koh Thmar, huyện Memot, tỉnh Congpong Chàm, và nằm ngang với huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé. Họ tiến đến trong nỗi sợ hãi. Bóng đêm làm cho họ khó thấy được các đơn vị bộ đội Việt Nam đồn trú ở đâu. Khi tiến vào lãnh thổ Việt Nam khoảng hai trăm mét, Hun Sen đề nghị với lính của ông rằng họ nên dừng lại nghỉ. Họ nấu một ít cháo rồi húp cháo loãng, không bao giờ đủ gạo trong tình trạng sắp chết đói là chuyện thường xảy ra dưới chế độ cai trị của Pôn Pốt. Trong lúc ăn qua loa dó, Hun Sen thấy những người đi cùng mình khóc, nhưng rồi vừa đi Hun Sen cũng âm thầm khóc vì không thể cho phép mình để người khác nhìn thấy, nếu thấy chắc họ không thể tin tưởng mình nữa.

        Sau khi ăn xong họ bỏ vũ khí và tiếp tục đi không có súng ống gì cả. Khi đi họ không thấy người bộ đội Việt Nam nào. Vào thời điểm mà Pôn Pốt sắp tấn công Việt Nam. Pôn Pốt nói là Việt Nam đang triển khai hai mươi sư đoàn dọc biên giới nhưng khi trốn sang họ không thấy bóng dáng bất cứ ai. Vào lúc 2 giờ chiều, họ đến một ngôi làng Việt Nam cách biên giới khoảng hai mươi cây số. Không có người nào trong số họ biết nói tiếng Việt, càng làm cho hành trình của họ mạo hiểm hơn, một người trong số họ có thể nói vài câu tiếng Việt lơ lớ mà chính anh ta cũng không hiểu rồi. Họ gặp một nhóm công nhân làm cho nông trườn cao su đang trên đường về nhà. Hun Sen tiến đến gần họ và biết được họ có thể nói một chút tiếng Campuchia. Các công nhân Campuchia dẫn năm người tới văn phòng ủy ban xã. Khoảng hai mươi phút sau có khoảng hai mươi chiến sĩ thuộc lực lượng dân quân tự vệ có trang bị súng trường đến hiện trường. Các dân quân ấy đối xử với năm người Campuchia hết sức nghi ngờ và giam họ lại để xét hỏi. Nhưng Hun Sen cảm thấy bình thường đối với một người lạ được chào đón theo kiểu ấy. Rồi họ trải chiếu cho năm người ngồi trong tư thế bị xem thường, sau dó họ xếp ba cái bàn rỏ ràng dành cho cấp trên : Chủ tịch ngồi ở bàn đầu đưa ra câu hỏi, trong khi hai người ghi chép , còn các người thông địch ngồi ở hai cái bàn kia. Thời gian tra hỏi kéo dài khoảng chín mươi phút. Hun Sen đoán họ nghĩ ông là gián điệp vào Việt Nam để thu thập tin tức. Hun Sen cho họ biết, thông thường một cán bộ chỉ huy không đảm trách công tác quân báo cho chính mình. Hun Sen còn cho biết là mình có nhiều người làm công tác này nên ông không phải tự làm công tác đó. Hun Sen cho biết, nếu chúng tôi muốn tấn công các làng xã Việt Nam thì chúng tôi có thể thực hiện quá dễ dàng vì chúng tôi không phải đối mặt với người bộ đội nào trên đường sang Việt Nam.

        Có vẻ như các câu trả lời đó đã thuyết phục được các viên chức địa phương Việt Nam ở đấy nên họ khiêng bàn ra và ngồi xuống trên chiếu cùng với những người vượt biên Campuchia. Với điệu bộ đó, những người Campuchia này đã cảm thấy yên lòng. Ngay lúc họ ngồi gần nhau thì những người Việt hiếu khách ùa tới. Họ nấu cơm cho nhóm người Campuchia ăn bằng nồi số 10. Họ được ăn bữa cơm sau hai năm phải ăn cháo. Cơm rau lang chấm với nước mắm và họ đã ăn hết mười suất cơm, ăn như để “trả thù” cho những ngày đói ăn. Thời gian đầu mọi người vẫn nghĩ nhóm của Hun Sen là do thám của Pôn Pốt. Khi thấy Hun Sen có cấp bậc cao, người ta tách ông ra để thẩm vấn riêng. Một người cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn có cấp bậc trung tá đã thẩm vấn một mình Hun Sen từ 7 giờ 30 tới 12 giờ trưa. Hun Sen thấy người này hơi quen nhưng ông ta tỏ ra không biết Hun Sen. Rồi thật là may, Hun Sen nhận ra là đã gặp người chỉ huy này năm 1970. Hồi đó Hun Sen mới là một tân binh, đã từng đi vào rừng trong vùng người cán bộ chỉ huy Việt Nam này và lực lượng của ông ta đóng quân. Thế rồi, sau những ngày dài dằng dặc những cuộc thẩm vấn, Hun Sen đã cho họ được niềm tin. Một sự kiện lớn trong đời Hun Sen là được gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng, lúc bấy giờ là Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và các cán bộ cao cấp khác tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 9 năm 1977. Đó là một ngày hết sức ý nghĩa .

        Sau các lần gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng, Hun Sen thấy lóe lên tia hy vọng đầu tiên trong tầm nhìn mà ông nhận thấy khả năng giải phóng đất nước mình. Họ nói chuyện trung thực và ông đã thẳng thắn cởi mở ý định tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng ông cảm thấy thất vọng bởi câu trả lời của đại tướng là: “Việt Nam luôn luôn tôn trọng chủ quyền của các nước khác”. Các cán bộ khác cũng trả lời tương tự như vậy. Hồi ký kể tiếp : “Họ cho chúng tôi biết là họ không thể giúp đỡ chúng tôi và họ sẽ cố gắng giải quyết vấn để bằng đàm phán với Campuchia dân chủ, tên gọi của chính phủ Khmer Dỏ. Một số tướng tá Việt Nam khuyên tôi sang Thái Lan tìm kiếm sự trợ giúp. Tôi nói với họ là tôi không thể từ bỏ dân tộc của mình, nếu họ không thể giúp tôi, tôi nói: “ Hãy cho tôi một ít vũ khí để tôi về Campuchia chiến đấu và nếu cần thì sẵn sàng hy sinh cho đất nước mình”.

        Vẫn theo dòng hổi tưởng, Thủ tướng Hun Sen kể tiếp: “Không phải tôi hoàn toàn không tìm kiếm được gì, tôi đã được chấp nhận nơi xin ty nạn, nhưng chính phủ Việt Nam từ chối ủng hộ quân sự cho tôi vì họ không muốn can dự quân sự vào quá nhiều. Nhưng tôi không phải tới Việt Nam để tìm kiếm nơi ty nạn chính trị, tôi muốn họ giúp giải phóng đất nước của tôi. Tôi biết, Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo Việt Nam đã từ chối lời thỉnh cầu của tôi và nói can thiệp quân sự có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước. Đúng vào thời gian nào đó, thái độ gây hấn của Pôn Pốt đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của Việt Nam. Hà Nội không còn giữ lập trường không can dự của họ nữa và tính đến hành động trả đũa. Pôn Pốt đã vướng phải sai lầm nghiêm trọng là đã giết người dân Campuchia, và cả những người gốc Việt, phát động các cuộc tấn công Việt Nam. Đó là cơ hội bằng vàng cho tôi, đến khi ấy Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lược lượng vũ trang của mình từ những người lánh nạn ở Campuchia đã chạy sang Việt Nam. Chính bản thân tôi đã không thể thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Pôn Pốt tấn công thì Việt Nam phải trả đũa. Họ cảm thấy bị xúc phạm và quyết định giúp chúng tôi”.

        Hun Xen kể tiếp: “Các nhà lảnh đạo Việt Nam đã tin vào dự đoán của tôi là Pôn Pốt đã có kế hoạch tấn công Việt Nam. Khi ấy ngày càng có nhiều người trốn sang Việt Nam. Việt Nam đã tin chắc là có nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tới an ninh của họ. Lúc đó các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cho gọi tôi tới sở chỉ huy của họ và yêu cầu xác định vị trí rõ ràng các tọa độ”.

        Các đơn vị bộ đội Việt Nam đã dập tan các đợt xâm lấn ấy. “Đó là cơ hội để tôi trở lại Campuchia tìm vợ con mình. Rồi tôi đến các trại tị nạn thăm hỏi, tuyển mộ lính cho lực lượng của mình. Trong thời gian chiến đấu, giải phóng tới đâu, thanh niên, kể cả những người trong hàng ngũ Pôn Pốt bấy lâu, hiểu được mưu đồ độc ác của bè lũ diệt chủng đã xin vào lực lượng cách mạng, chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã xây dựng được hăm tám tiểu đoàn. Từ đó, tôi lên kế hoạch giải phóng Campuchia trong năm năm tới”.

        Qua lời kể trên, chúng ta thấy được phần nào sự hình thành lực lượng cách mạng cứu nước Campuchia.

        Những cuộc nổi dậy chống bè lũ diệt chủng khắp dất nước Chùa Tháp là qui luật có áp bức tất có đấu tranh. Khi chúng ta liên lạc được với những chiến sĩ yêu nước Campuchia ấy đã báo hiệu tương lai tươi sáng. Có thể ví bây giờ ánh sáng đã loé lên cuối đường hầm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2017, 04:48:18 am »

       
*

*       *

        Trong thời gian đơn vị củng cố, ổn định biên chế gần xong, tôi được cử đi dự lớp tập huấn chính trị. Sau này, tôi mới hiểu là cấp trên trang bị kiến thức cho cán bộ để bước vào nhiệm vụ mới. Thời gian trong giấy triệu tập là một tuần, địa điểm tập huấn là ở khu vực ấp Cao Xá, cách thị xã Tây Ninh khoảng chục cây số.

        Xứ dạo Cao Xá quê gốc ở giáo phận Cao Xá, tỉnh Hải Hưng. Nay Hải Hưng đã tách ra thành hai tỉnh là Hưng Yên và Hải Dương. Bà con trong xứ đạo Cao Xá đi cư hồi chế độ Ngô Đình Diệm 1954. Lịch sử nước ta có nhiều cuộc đi dân để khai khẩn đất mới, đi mở cõi và có những cuộc đi dân vì lý do chính trị. Hiệp định Geneve đã chia cắt nước ta ra làm đôi, từ sông Hiền Lương trở vào Nam có thể gọi là vùng tạm chiếm, những tưởng hai năm sau sẽ tổng tuyển cử, nhưng kẻ thù trực tiếp là đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã vi phạm nghiêm trọng hiệp định. Chúng lập chính quyền bù nhìn gia đình trị, xuyên tạc chế độ ở miền Bắc, lôi kéo rất đông đồng bào công giáo vào Nam. Đồng bào công giáo tưởng đâu vào Nam sẽ dược sống sung sướng, nhưng khi đến nơi bị đẩy tới những vùng đất hoang, cằn cỗi làm rào chắn cho chế độ tay sai. Nhiều người thất vọng thì đã muộn. Họ đành phải lo làm lụng kiếm sống. Xứ Cao Xá nằm ngay cạnh trục đường bộ lớn. Xưa kia là vùng đất hoang, thiếu cả nước ngọt. Sau mấy chục năm, bây giờ làng xóm nơi đây đã ổn định nền nếp, có nhà thờ, có trường học, nhà dân cũng rất khang trang, sạch đẹp. Dấu vết của di dân, lập ấp còn lưu ở thổ đất mỗi gia đình được chia bằng nhau. Cũng ở theo từng lô, từng dãy theo hàng lối. Với tính cần cù, chịu khó, bản chất người nông dân, người giáo dân miền Bắc nên nhà cửa nơi đây khang trang, tuy vùng quê hẻo lánh nhưng vườn tược cây ăn trái sấm uất, nét mặt người dân thấy vui vẻ. Dân thường vui khi được

        Sống cảnh yên bình, được tạo cơ hội làm ăn phát đạt. Trong làng này có hàng quán bán đủ thứ tạp hóa, khu chợ nhỏ luôn đông khách. Ngoài giờ làm đồng, thanh niên chỉ biết túm tụm chơi bida hay đá bóng ở cái sân cỏ ven làng, chưa có sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư. Nhưng có điều là tình hình chính trị, thì dân ở đây vẫn chưa có cảm tình nhiều với chế độ mới. Có lẽ do họ chưa thấy được tính ưu việt của chế độ mới hay là chưa gột bỏ được cái gọi là tuyên truyền của đám tuyên úy, tay sai chế độ cũ. Nhưng rồi, chúng tôi cũng trò chuyện một cách thân tình, cởi mở với bà con. Là người gốc từ làng xã miền Bắc nên nhà cửa, lối sống vẫn còn mang nét cư dân của dồng bằng Bắc Bộ, lấy cái vững chắc, ăn no mặc ấm, nên nếp gia phong, con người cư xử với nhau từ tốn, lễ phép, làm chính. Hỏi về cuộc sống bây giờ mọi người đều thấy rất ổn, được sản xuất kinh doanh trong hòa bình, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu chứ không phải đóng thuế, con cái được đi học trường công, đi viện không mất tiền. Thanh niên không phải lo trốn lính. Tuy vậy, họ cũng cho biết là sau giải phóng hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng khan hiếm, trước đây thì hàng hóa từ nước ngoài tràn ngập mọi ngõ ngách. Đối với đa số con người ta vật chất trước mắt, cái ăn cái mặc hàng ngày là thước đo của một xã hội, cho nên chúng tôi thông cảm với họ. Cho dù họ nói đôi điều gay gắt, mình cũng chỉ nhẹ nhàng giải thích để họ hiểu thêm vế tình hình đất nước đang phải vừa xây dựng vừa đánh giặc bảo vệ biên cương nên đời sống nhân dân chưa thể tốt được như mong muốn.

        Tôi xin kể thêm, trên đường về tập huấn, tôi ghé quán Ba Cô gặp mấy chị em Cúc. Quán nước nhỏ này đã thân thuộc với tôi từ trước. Tôi thật bất ngờ, cảm động trước tình cảm vốn vã của mọi người. Đặc biệt là tình cảm của Cúc dành riêng cho tôi. Tôi như thể người thân của họ đi xa lâu ngày trở về. Cúc thể hiện tình cảm hồ hởi, có phần hơi thái quá như vồn vã nắm chặt hai tay tôi, đôi mắt long lanh vui cười, hai má ửng hồng. Làm tôi bối rối mắc cỡ trước biểu cảm dó của Cúc. Cúc đã bạo dạn trước sự có mặt của mấy người cùng dự lớp tập huấn và hai người em gái nữa. Chắc tôi vừa từ tuyến trước, đối mặt với cái chết trở về nên Cúc mừng như vậy. Nghĩ thế, tôi rất cảm động.

        Tôi nói với Cúc, về Cao Xá học mấy ngày anh sẽ có diều kiện đến chơi thăm nhà Cúc. Cúc mừng vui khôn xiết rồi hỏi thêm:

        - Anh Phú đã đến thăm Tòa Thánh Tây Ninh chưa?.

        Tôi đáp là chưa.

        Cúc nói tiếp:

        - Ở đó đẹp và vui lắm. Em sẽ đưa anh đi thăm .

        Tôi mừng vì sẽ được vãn cảnh Tòa Thánh Tây Ninh, một địa danh từng nghe nhưng chưa được tới:

        -Nếu được em dẫn đi thăm Tòa Thánh Tây Ninh thì vui biết mấy.

        Cúc bảo tôi tranh thủ ngày nghỉ để đi thăm Tòa thánh. Ở đây đến Tòa Thánh củng gần. Lời nói hẹn hò ấy khiến tôi háo hức xốn xang.

        Được gặp lại Cúc, nhận được lời hò hẹn như vậy, tôi mừng khôn xiết. Hóa ra, trong những ngày bám điểm tựa, lăn lộn trên biên giới, mình vẫn có người thương nhớ nhung. Nghĩ vậy, lòng tôi như ấm lên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2017, 04:49:02 am »


        Việc dự lớp học vậy mà khá vất vả. Đang ở chốt, ở chiến trường gian khổ ác liệt, lội ruộng, luồn sâu hiểm nguy cả đêm. Nhiều khi đứng ngâm hàng giờ, nhiều giờ cả đêm trong nước đói mệt, đỉa bâu, muỗi cắn. Bao nhiêu là cái vất vả, tưởng như trên đời này, không còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của người lính bộ binh nơi chiến trận.

        Được về đây học tập, không còn đói khát, không đạn bom, không phải lội đồng sình lầy hay trần lưng dưới nắng lửa, không phải lấy nước nhiễm phèn trong hồ, kênh rạch để tắm táp nhưng tâm trạng chúng tôi luôn mệt mỏi. Chỉ có mấy tiếng đồng hồ ngồi học mà cảm thấy thời gian dài vô tận, mệt mỏi, khó chịu vô cùng. Ai cũng uể oải kêu ca, không ai có thể ngồi nghiêm chỉnh được, cứ phải nghiêng bên nọ, ngà bên kia, có cà những tiếng ngáp dài. Để tránh mệt mỏi, mọi người thay đổi tư thế ngồi liên tục. Triệu chứng này phát sinh do đang hoạt động cường độ cao, nay về sống trong môi trường cần tiếp thu thông tin, kiến thức. Thông thường học chính trị, bài giảng khô khan, cứng nhắc. Chúng tôi hiểu thêm về tình hình nhiệm vụ mới của toàn Đảng, của đất nước trong giai đoạn mới cực kỳ khó khăn. Về kinh tế nông nghiệp luôn gặp thiên tai, năng suất thấp, nguyên liệu cho các nhà máy khan hiếm do bị bao vây cấm vận. Về chính trị, tình hình bất ổn trong khu vực, cùng âm mưu bành trướng bá quyến phương Bắc. Sự phản bội, phản dộng của tập đoàn phản động Pôn Pốt Iêng Xary lúc nào cũng làm cho ta căng thẳng gay cấn dọc miền biên giới Tây Nam.

        Nơi ngồi học là một căn nhà lợp tôn mượn của chính quyền địa phương, có lẽ đây là hội trường của xã, ấp. Bếp ăn do ban quản lý khóa học tổ chức, gạo cơ quan hậu cần cấp phát, thực phẩm mua ở chợ trời Long Hoa. Đối với người lính từng lăn lộn trên điểm tựa biên giới Táy Nam, lắm lúc thức ăn là bo bo hay bánh mì ăn với mắm khô, ruốc bông thì giờ đây được bùng bát cơm nóng, canh ngọt cũng là sung sướng lắm rồi. Không có nhà nghỉ dành riêng cho học viên nên ban phụ trách bố trí ở trong nhà dân. Nhân dân rất thích bộ đội ở trong nhà mình, mọi người xem chúng tôi như người thân, bà con ruột thịt, các má, các chị coi bộ đội như con em mình. Sống trong nhà dân, dù là học viên đi học, chúng tôi giữ nghiêm kỷ luật, nề nếp sinh hoạt, sáng dậy sớm tập thể dục, dọn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ rồi mới rửa ráy làm vệ sinh cá nhân, đi ăn sáng, lên lớp. Việc làm ấy đã khiến thanh niên, các cháu thiếu niên làm theo, hàng ấp trở nên thoáng dẹp hơn. Khi chúng tôi đi trên đường hay qua ngõ nhà ai cũng được mọi người hỏi han, mời vào nhà uống nước trò chuyện. Đó là một điều khiến chúng tôi cảm động. Bộ đội trước kia đi đâu thì cũng dựa vào dân. Nhất là thời kỳ huấn luyện ngoài Bắc. Hay hành quân di chuyển, đều dựa vào dân. đã lâu rồi mới được ở cùng dân, nên mới lại có cảm giác rất vui như là hồi đầu mới nhập ngũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:32:54 pm »

       
*

*       *

        Có thể nói lớp học này theo phương thức dã chiến. Tuy vậy, nền nếp rất chính qui, chứ không hề tạm bợ. Thời gian hành chính dành cho việc học, cuối tuần mới được nghỉ.

        Thật bất ngờ, chiều thứ sáu ấy, Cúc tìm đến chỗ tôi ở. Cúc tìm được nhà cũng là giỏi, cố mang cho tôi một giỏ trái cây to gồm xoài, nhãn, quýt. Cô cho biết, trên đường về nhà ghé vào thăm tôi một chút xíu. Ngồi chuyện trò một lúc, Cúc xin phép về vì đã cuối chiều. Tôi hẹn Cúc là sáng chủ nhật sẽ đến thăm nhà Cúc, rồi cùng đi thăm Tòa Thánh Tây Ninh. Vì tôi đã biết ngày chủ nhật được nghỉ. Chia tay Cúc, tự nhiên tôi cảm thấy thật lâng lâng khó tả, khó nói thành lời. Tôi mong ngóng đến chủ nhật để được đi chơi, để được gặp Cúc. Tuổi trẻ những năm tháng sống giữa mặt trận nên thiếu thốn tình cảm, mong được gặp người thân, nhất là bạn gái, cũng là lẽ tất nhiên.

        Địa điểm lớp học cũng gần đơn vị một người bạn, người đồng đội, đồng hương của tôi. Đó là Phạm Mạnh Hùng, lính thông tin thuộc tiểu đoàn 2. Vóc dáng Hùng thấp nhỏ, hơi gầy nhưng thông minh, lanh lợi, hoạt ngôn. Về nghiệp vụ thông tin, Hùng được xếp vào hạng có nghiệp vụ chuyên môn cao của tiểu đoàn. Hùng có trí nhớ tốt, các bảng số chữ đúc ký tự mật mã thông tin, tiếp thu kiến thức nhanh, nhớ rất dai. Ngoài ra, Hùng còn có khiếu kể chuyện hấp dẫn, biết nói những chuyện người khác thích. Hùng còn biết ứng xử trong những lúc cần thiết. Là lính 1972 nhưng mãi đến giữa năm 1977 mới được đi phép về thăm nhà lần đầu. Hồi ấy đi bằng phương tiện tàu hỏa, phải tới trạm tiếp đón ở ga Hố Nai, Biên Hòa chờ xếp toa, xếp tàu. Những người lính từ khắp nơi dồn về dây để đi phép dễ thân nhau vì cùng hoàn cảnh. Trong mấy ngày rảnh rỗi của những người lính từ khắp nơi dồn về đợi tàu ấy, Hùng thường kể về những chuyện yêu đương trai gái, tình vợ chổng cho họ nghe. Đấy củng là biện pháp để cho mọi người giải khuây, đỡ mệt mỏi khi dợi tàu đến, tàu cũng nhiều nhưng bộ đội đông nên chưa biết bao giờ mới tới lượt mình. Chuyện chiến đấu của Hùng không thể có hoặc nếu có thì không thể bằng anh em từng bám điểm tựa ở tuyến đầu, chuyện về lính thông tin sẽ kém hấp dẫn. Vậy là Hùng nói về chuyện thầm kín trong tình yêu lứa đôi, những điều gọi là chuyện phòng kín, màn the của chồng vợ, cả chuyện về đêm tân hôn. Chuyện thực ít nhưng Hùng phóng đại lên nhiều để cuốn hút người nghe. Bây giờ những điều này trong các sách báo, phim ảnh hay trên mạng google thì vô số. Còn ngày ấy những thông tin, những kỹ năng, những chuyện yêu dương, chuyện khác giới như vậy ít khi phô ra trên các phương tiện thông tin, nhất là ở những nước người dân còn ít nhiều mang tư tưởng phong kiến. Vậy là đám lính trẻ cùng đợi tàu bu lại, cứ há hốc mồm ra nghe anh chàng Hùng bốc đồng. Mặc dù Hùng còn kém tôi hai tuổi, cũng chưa có vợ nhưng nhờ trí nhớ tốt, việc gì cũng nhớ đến cả chi tiết chi ly, cũng có thể ngày làm quân quản Hùng đọc được các loại sách báo tiểu thuyết của chế độ cũ để lại nên thông tỏ những chuyện thầm kín như vậy. Trước giải phóng ở Sài Gòn có nhiều loại tạp chí, báo in đề cập tới chuyện phòng the. Con người ta khi trưởng thành nên được trang bị kiến thức tình yêu, tình dục để tránh đi những hậu quả không nên có, nhưng khi nói ra phô ra một cách trắng trợn thì sẽ làm mất đi vẻ đẹp của tình yêu, kể cả tình cảm xác thịt. Trong lĩnh vực tình cảm trai gái, vợ chồng giữ được sự tinh tế, trong sáng cũng là điều cần thiết. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa của người Việt chúng ta.

        Anh bạn Hùng của tôi vốn có tính khác người. Trong chuyến về quê ấy, khi Hùng nghỉ phép thì đơn vị nhận lệnh đi chiến đấu ở biên giới Tây Nam, chắc Hùng cũng có biết. Với người khác thì họ trở về đơn vị ngay hoặc hết phép là vào đơn vị liền. Thời đó, trễ phép là phải có thư vào đơn vị, sau đó phải chứng nhận của địa phương với lý do nào đó thật xác đáng. Nhưng Hùng đã ở nhà tới gần tám tháng mới trở vào đơn vị. Kể ra như vậy cũng là anh quá liều rồi. Khi cán bộ quân lực đơn vị hỏi: “Đồng chí đi phép thời gian được 30 ngày, mà sao đồng chí ở nhà lâu đến vậy?”. Hùng cự lại, phân trần: “Tôi đi bộ đội đã 5 năm, chưa được đi phép lần nào. Nếu cứ tính một năm được nghỉ phép một tháng. Cộng với ốm đau nữa, nên mới vào chậm như vậy”. Đồng chí cán bộ quân lực cười thông cảm. Có lẽ hoàn cảnh của các anh đều như nhau nên dễ chia sẻ, tha thứ. Đơn vị cũng không kỷ luật gì, vì lúc đó cũng đang rất cần người bù đắp quân số thiếu hụt. Anh em đi phép trở vào đơn vị cũng đã là tốt lắm rồi. Quân lực điều Hùng về đơn vị thu dung. Hiện bộ phận này đang tăng gia ở Tóc Xé, huyện Tiên Thuận, Tây Ninh. (Hiện nay Phạm Mạnh Hùng đang sinh sống ở Thái Bình). Tiện có người về bên đó, tôi viết thư nhắn Hùng đến chỗ tôi. Để rồi chủ nhật cùng đi chơi Tòa Thánh Tây Ninh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:34:21 pm »


        Khoảng 8 giờ sáng ngày chủ nhật, tôi và Hùng đón xe lam đi về thị xã Tây Ninh. Xuống xe, chúng tôi đi bộ để tìm đến nhà Cúc.

        Ngôi nhà ấy cách trung tâm thị xã khoảng một cây số. Ở ngay khúc quẹo gần thị xã, cách mặt đường khoảng ba, bốn chục mét có mấy khóm tre trúc cạnh đường. Đứng ngoài đường cũng nhìn thấy ngôi nhà xây một lầu, bên ngoài ốp những viên gạch men màu hồng. Thời bấy giờ, nhìn qua ngôi nhà cao vượt hẳn các mái tôn xung quanh cũng đoán được chủ nhân của ngôi nhà thuộc tầng lớp khá giả, biết trồng trúc làm cảnh trước nhà cũng là chú trọng đời sống văn hóa, tinh thần. Tuy khá giả nhưng con cái vẫn phải làm lụng bằng công việc bình thường là bán hàng nước giải khát, đáng quí biết bao.

        Cúc mừng rỡ chạy ra đón anh em chúng tôi. Chúng tôi vào nhà và được biết, má cô mất đã lâu, trên bàn thờ giữa nhà có chưng ảnh má cô. Hiện ở nhà này Cúc sống với một người dì ruột cùng một người em họ. Người dì giúp việc nhà. Người em họ giúp chăn đàn bò hơn chục con. Cúc là con út trong gia đình có bốn chị em.

        Tôi giới thiệu Hùng với Cúc để hai người làm quen. Cúc cũng nói về gia đình cho chúng tôi biết. Mồ côi mẹ sớm, chị em cô sống với người dì. Ba cô luôn bận đi làm ăn rất xa, có khi ở tận đồng bằng sông Cửu Long, ông kinh doanh nhiều ngành từ trước giải phóng nay vẫn tiếp tục. Hiện nay, trước tình hình thóc lúa ngày càng nhiều, ông đang chuẩn bị mở nhà máy xay xát gạo.

        Tôi hơi ngạc nhiên vì ông bố kinh doanh lớn như thế mà con gái vẫn bán ở quán nước nhỏ. Sau này, tôi mới hiểu, nhiều gia đình kinh doanh lớn ở miền Nam, người nào làm việc nấy, con cái tự lập chứ không dựa dẫm bố mẹ. Người có tính tự lập bao giờ cũng có tính cách vững chãi, tự tin.

        Rồi tôi nói với Cúc:

        - Có người bạn nào nữa thì em mời đi chơi cùng cho vui.

        Cúc đáp:

        - Vậy thì hai anh dùng nước để em đi gọi nhỏ bạn đến nữa rồi ta cùng đi.

        Cúc nhảu đi đâu đó, một lúc sau dẫn một cô gái trẻ đến. Chúng tôi chào hỏi, trò chuyện làm quen rồi cả bốn người ra đường đón xe đi về Tòa Thánh Tây Ninh. Ở đây xe vận tải hành khách nhiều nhưng người ta thích sử dụng xe lam, một loại xe vận tải cỡ nhỏ, tốc độ vừa phải, đi rất an toàn. Tiếc rằng hiện nay loại xe này không còn nữa.

        Tôi vui và Cúc cũng thật vui. Tuổi trẻ cùng đi đã ngoại với nhau thế này còn gì bằng. Hùng lại là người giỏi hỏi chuyện, nói chuyện. Nên mọi người cười nói rất vui vẻ. Bây giờ tôi mới nhận ra Cúc mặc cái quần Jean xanh, cái áo thun đỏ, bó sát người, mẫu quần áo thời trang bấy giờ, trông thật nhanh nhẹn và hấp dẫn. Trên xe có mấy người cùng đi. Thấy anh em tôi cười đùa vui vẻ, mọi người cũng vui lây. Bà con hỏi thăm chúng tôi ở đơn vị nào? Tình hình biên giới ra sao? Hỏi thăm chúng tôi đi đâu? Tôi đáp lại một cách từ tốn, nhã nhặn. Mọi người lại hỏi thêm về quê hương, bản quán, bố mẹ thề nào. Bà con ở đây tỏ ra thương mến bộ đội. Trò chuyện với mọi người tôi thấy rất ấm áp.

        Chợt một bà má hỏi:

        - Các con đánh nhau sao mà thấy bộ đội mình bị thương, hy sinh, quá trời vậy?.

        Vậy là nhân dân đã biết hết mọi sự kiện ở biên giới rồi. Cũng đúng thôi vì hàng ngày bộ đội hành quân lên biên giới, xe vận tải đưa thương binh, liệt sĩ về phía sau. Các nghĩa trang mai táng liệt sĩ ở gần đây. Rồi trong các làng ấp có người đi chiến đấu hy sinh. Làm gì mà dân không biết.

        Tôi ngắm bà mẹ, một dáng người lam lũ, khuôn mặt khắc khổ nhưng toát lên vẻ nhân hậu. Có thể má là người đã từng nuôi giấu cán bộ, bộ đội thời chống Mỹ, cũng có thể là một người dân bình thường. Mọi việc diễn ra trên đất nước bao giờ cũng được nhân dân nhận xét, đánh giá và thường là chính xác. Tôi cũng không biết trả lời má như thế nào cho phải nên chỉ trả lời chung chung rằng, bọn địch rất tàn bạo, chúng ta đã đánh nhiều trận thắng, đẩy chúng về bên kia biên giới. Tuy vậy, bọn địch đông, nham hiểm nên có đồng chí hy sinh, bị thương.

        Mấy người gật đầu im lặng. Khuôn mặt bà má trở nên buồn. Chắc là người mẹ nên bà biết con cái là tài sản quí nhất, mất đi là nỗi đau cho các bà mẹ ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:37:03 pm »


        Mấy người khách cùng đi lại tiếp tục trò chuyện vui. Nhưng mấy câu hỏi của bà má làm không khí trò chuyện đang vui của chúng tôi chùng xuống. Tự nhiên tôi nhớ đồng đội đang ở điểm tựa. Mình về để học mà đi chơi thế này có nên chăng? Thế rồi, đầu óc tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ, không còn cảm giác hào hứng, vô tư, vui đùa như lúc đầu nữa. Ngồi bên Cúc đường xấu, xe xóc, lắm lúc chiếc xe như chồm lên, nghiêng đi, tôi thấy thương các bạn. Tiếng động cơ của cái xe lam 3 bánh, cũ kỹ nổ phành phạch, Cúc nép vào người tôi, do đường xóc và cũng có thể là cố ý. Tôi cầm nắm bàn tay Cúc bóp xiết nhè nhẹ. Cúi nhìn bàn tay. Ôi bàn tay con gái trắng hống, mềm mại, ấp áp thon thả mới đẹp làm sao! Bỗng chốc trong tôi cái cảm giác lâng lâng xốn xang khó tả lại trào lên mạnh mẽ, khó nói thành lời. Tôi nhìn Cúc, Cúc cũng quay sang nhìn tôi, mắt long lanh thẹn thùng. Bắt gặp ánh mắt tôi, Cúc mỉm cười bẽn lẽn. Cái lúm đồng tiền tròn nhỏ bên má, trông thật đẹp, thật duyên. Sao đó mà tôi lại buông một tiếng thở dài như cố kìm nén điều gì? Cái cảm giác buổi đầu bên người con gái ngây thơ, trong trắng đó, mãi sau này còn đọng lại trong tôi.

        Xe dừng cách cổng Tòa Thánh Tây Ninh một quãng ngắn. Từ xa đã như choáng ngợp bởi cái cổng rất đồ sộ, hoành tráng, phía trên có dòng chữ lớn: “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Phía dưới có dòng chữ Hán trổ khắc nội dung ấy. Hai câu đối trổ dọc hai cột cổng cũng bằng chữ Hán, nét chữ chân phương. Sau này tôi mới được một người thông tỏ Hán văn dịch cho nghe là:

        Cao thượng cho tôn đại đạo hòa bình dân chủ mục
        Đài tiền sùng bái tam kỳ cộng hưởng tự do quyền.


        Hai chữ dầu hai câu ghép thành Cao Đài. Hai câu ấy được dịch là: “Đấng chi tôn ở trên cao hơn hết, đạo lớn hòa bình hướng tới dàn chủ - Trước đền đài tôn thờ ba kỳ, cùng chung hưởng quyền tự do”.

        Đúng là ở nơi đây đã lâu rồi, tôi được mọi người hay nhắc tới Tòa Thánh Tây Ninh. Tôi cứ nghĩ tầm cỡ cũng giống như tòa nhà thờ Tin Lành trước cửa nhà tôi mà thủa nhỏ tôi thường vào đó chơi. Trẻ em gia đình không mang tín ngưỡng đạo giáo ở quê tôi rất thân với bạn bè cùng trang lứa người các tôn giáo. Tôi nhớ, vào những sáng chủ nhật có một linh mục mặc bộ đồ dài màu đen, đeo tròng kính trắng, giọng nói nhẹ nhàng rao giảng đạo. Vị mục xứ đạo quê tôi rất giản dị, thân thiện, yêu trẻ nhỏ. Thực tế nhà tu hành nào cũng yêu trẻ em. Thấy bọn trẻ chúng tôi ông thường cho mỗi đứa hai cái kẹo. Kẹo rất ngon như là loại kẹo bây giờ. Chứ không giống như những cái kẹo chanh, kẹo bột của chúng ta những năm chiến tranh. Nhưng chúng tôi thường không dám ăn vì loáng thoáng nghe đồn trong kẹo đó có bùa ngải hễ ăn là phải theo đạo. Không hiểu sao thời bấy giờ nhiều người hơi dị ứng với tôn giáo, trong lý lịch phần đông ghi ở mục tôn giáo bằng chữ không. Mấy người chúng tôi đứng trước cổng, tôi nhẩm đọc từng dòng khắc trên cổng.

        Một người đàn ông tuổi đã cao, đội khăn xếp, vóc dáng gân guốc, mặc đồ dài màu trắng đục. Sau đó tôi biết ông là chức sắc ở đây, đến trò chuyện thân tình và cho chúng tôi biết sơ qua về đạo Cao Đài:

        - Đạo Cao Đài chính thức làm lễ khai đạo vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Thìn, tính theo dương lịch là ngày 19-11-1926. Lễ khai đạo ở chùa Gò Kén, huyện Hòa Thành, kéo dài trong ba tháng, nhiều người đến xin gia nhập đạo. Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong việc hành đạo hay sao đó mà gây ra tình trạng mất đoàn kết, gây lộn liên tục khiến sư trụ trì chùa Gò Kén là Hòa Thượng Thích Như Nhãn, sư trụ trì đòi lại chùa. Dĩ nhiên các tín đồ Cao Đài phải cuốn khăn áo ra đi. Để có nơi hành đạo gấp, các chức sắc tín đổ mua lại mảnh đất này để làm nơi thờ tự, hành đạo. Lúc đầu chỉ một mảnh vườn nhỏ, các vị dựng lên mái nhà gỗ, lợp lá. Vậy mà tín đồ tới dự lễ, nghe truyền đạo rất đông, chức sắc Tòa Thánh Tây Ninh ai cũng rất thương, thông cảm, chia sẻ thức ăn, đồ uống với tín đồ từ xa đến, họ là những người nghèo. Phải chăng, cơ sở vật chất một tôn giáo nghèo cũng góp phần tăng cảm hóa và các chức sắc rất thân tình chia ngọt sẻ bùi với tín đồ. Ngược lại khi nhà thờ, thánh thất nguy nga quá, lộng lẫy quá cũng khiến người ta lạnh cảm với nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:37:30 pm »


        Rồi đến khi tín đổ đông đảo, đạo Cao Đài được nhiều nhà giàu, quan chức tới gia nhập thì các chức sắc tính tới chuyện phải mở rộng khuôn viên Tòa Thánh. Nhưng lúc ấy thực dân Pháp đã lo ngại đạo Cao Đài sẽ dấy lên phong trào chống Pháp nên cho mật thám rình rập, ra lệnh cho chính quyền sở tại không cho mở mang Tòa Thánh. Các vị chức sắc mua đất xung quanh nhưng với danh nghĩa để trồng cao su. Hiện nay trong khuôn viên Tòa Thánh còn dấu mấy gốc cao su, như là nhân chứng của thời đó. Nhờ mua được đất, khuôn viên Tòa Thánh mới rộng tới một cây số vuông như bây giờ. Trong quá trình xây dựng, hành lễ, lại xảy ra mâu thuẫn trong việc thờ phụng thánh nhân này, gạt thánh nhân nọ rồi kinh kệ như thế nào nên một số chức sắc tách ra lập chi phái riêng. Phân chia ra nhiều hệ chi, phát triển nhiều phái, thậm chí mâu thuẫn nhau trong cả quan niệm về tổ phụ, thần thánh, nhiều đạo giáo cũng đã có. Năm 1933 quyền giáo tông Thượng Trung Nhựt, chính thức phát lệnh khởi công xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh. Tuy vậy, chỉ xây được một khung nhà thờ hành đạo. Đến đời Tiếp Thế Lê Thế Vinh, Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Chưởng quản Nhị Hữu Hình Đài, đã huy động 500 vị phạm Môn, tiền thân của cơ quan Phước Thiện bây giờ, xây dựng công trình Tòa Thánh Tây Ninh để làm nên vóc dáng hoành tráng như hiện nay. Dĩ nhiên, nhiều hạng mục được đời sau xây dựng tu bổ thêm. Có thể nói, tín đồ đạo Cao Đài đã đóng góp nhiều của cải, công sức để xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh này.

        Cũng như các đạo giáo khác, đạo Cao Đài là hệ thống mở. Nghĩa là cổng không hề đóng mà mở rộng cho ai muốn vào thì vào, ra thì ra. Nguyên thủy đạo giáo chân chính nào cũng răn dạy, khuyên bảo người ta sống có nhân đức, yêu sự bình yên, trọng con người, thương người nghèo khổ lầm than, hướng tới một xã hội công bằng. Đạo Cao Đài chắc cũng vậy mới có rất đông tín đồ. Vâng, một tôn giáo mà không răn dạy tín đổ hành thiện thì chẳng thuyết phục được ai. Có điều, một vài kẻ đã lợi dụng đức tin gây ra những việc làm trái với đạo lý.

        Khi biết hai chúng tôi từ biên giới về đây, vị chức sắc hồ hởi khoe:

        - Từ khi xảy ra chiến sự ở biên giới Tây Nam, đã có rất nhiều thanh niên đạo Cao Đài đã nhập ngũ, nhiều người đã lập công trong chiến đấu. Ở vùng giáp ranh biên giới có rất đông bà con là tín đồ Cao Đài, họ vẫn ở lại sản xuất, ủng hộ bộ đội chiến đấu.

        Người dân đất nước mình là vậy, có thể đức tin, tín ngưỡng khác nhau, nhưng tấm lòng yêu nước nồng nàn như nhau. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ người mang đức tin đạo Cao Đài, trong đó có những trí thức, đã xả thân cứu nước, nhiều người lập công lớn. Trong công cuộc xây dựng xã hội mới và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nhân dân mang đức tin đạo Cao Đài hăng hái sản xuất làm giàu cho gia đình và đất nước, người ở biên giới Tây Nam vẫn bám đất, cùng với lực lượng vũ trang tạo nên phên giậu vững chắc dọc đường biên. Cũng như đồng bào có đức tin và không mang đức tin tôn giáo, tín dồ đạo Cao Đài đã hăng hái xây dựng làng, ấp ngày càng giàu đẹp.

        Tạm biệt vị chức sắc cởi mở, thân thiện chúng tôi xin phép vào thăm Tòa Thánh. Khuôn viên Tòa Thánh thật rộng lớn như Thảo cầm viên Sài Gòn. Chúng tôi vào khu đền thờ chính. Ngôi đền chính của Tòa thánh cao, to, uy nghi. Kiến trúc gần giống như các nhà thờ của đạo

        Thiên chúa. Bên trong mọi người đang hành lễ. Những tu sĩ trong bộ áo dài màu trắng đục đi lại làm những bài lễ cẩu khấn gì đó mà tôi không rõ lời. Chính giữa điện trên cùng là một quả cầu lớn, có những tia hào quang tỏa ra xung quanh. Các tín đồ Cao Đài đang quỳ lễ rất nghiêm trang. Miệng lầm rầm đọc theo những câu kinh, hưởng ứng theo động tác nghi lễ của chủ lễ. Không khí trang nghiêm có phần hơi lạnh vì tòa nhà qua cao rộng. Lối kiến trúc của nhà thờ và Tòa Thánh gần giống nhau. Vòm trần cao rộng mênh mông, các giáo dân ngước nhìn lên cao, tiếng đọc kinh cũng vang xa. Làm cho mọi người cái cảm giác rộng lớn, xa xăm của vũ trụ bao la. Mà con người thì thật nhỏ bé.

        Theo nhận thức của tôi lúc đó, Tam Kỳ Phổ Độ hiểu đơn giản tức là vũ trụ bao la có các đấng thần linh tối cao trị vì như Phật là kỳ thứ nhất. Chúa Giesu Đức Chúa Trời là kỳ thứ hai. Còn Đạo Cao Đài đây, là thờ Thiên Nhãn tức là “Mắt Trời” gọi là kỳ thứ ba. Thủ đô của Đạo Cao Đài là ở đây. Tòa Thánh Tây Ninh này, giống như đạo Hòa Hảo thì thánh địa ở Châù Đốc, tỉnh An Giang. Nhưng đạo Hòa Hảo, không có thánh thất mà chỉ có một ngôi nhà, hình như là nơi sinh của giáo chủ, tín đồ gọi là thầy Huỳnh Phú Sổ. Vậy mà tín đồ rất đông, nhưng hành lễ cầu kinh tại gia đình, tu tại gia. Đó là theo sự quan sát và tầm hiểu biết của cá nhân tôi, chẳng biết có đúng không?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2017, 09:37:58 pm »


        Tôi kéo tay Cúc ra ngoài để mọi người hành lễ. Trong cuộc sống một điều quan trọng là tôn trọng đức tin của nhau. Trong cuộc sống có ba điều không thể xúc phạm nhau là quê hương, đức tin và giọng nói, tức là ngôn ngữ. Trong lúc anh em tôi đang vui với niềm vui của tuổi trẻ. Khuôn viên rộng, cây cối nhiều, nhưng du khách cũng không đông lắm. Một số thợ ảnh lăng xăng mời kéo chụp ảnh. Chúng tôi cùng chụp chung, rối chụp riêng mấy bức hình. Hồi đó ở đây những thợ ảnh chuyên nghiệp này, có một cách chụp ảnh rất lôi kéo được khách. Là cùng một tấm phim người ta bịt đi nửa ống kính. Chụp làm hai lần, ở hai vị trí khác nhau. Làm cho tấm hình được lồng ghép cảnh trí hai nơi như là cái bóng, các cảnh trí, hay cả tòa diện thờ chính rất lớn đều trong một tấm hình. Bây giờ đây, công nghệ kỹ thuật số phát triển cao, chụp ảnh bằng phim nhựa đã đi vào dĩ vãng. Hơn thế hiện nay, không chỉ máy ảnh mà điện thoại di động cũng chụp được ảnh nên có được tấm hình quá dễ dàng, còn vào những năm 1970 thế kỷ XX, có được một bức ảnh khó khăn làm sao. Chụp ảnh bằng phim còn phải tráng, rửa, phơi phong, nhiêu khê vô cùng. Giờ đây ta chỉ bấm máy ảnh, điện thoại là xem được ngay tấm hình hoặc có thể quay một đoạn phim, sau đó tải vào máy vi tính hay gửi cho bạn bè ở bất cứ nơi đâu.

        Khuôn viên Tòa Thánh Tây Ninh rộng tới độ tôi nghĩ, không đủ thời gian ngắm nghía cho hết được.

        Kiến trúc Tòa thánh đồ sộ nhưng chi tiết hoa văn rất nhỏ, cầu kỳ, đẹp mắt. Chính hoa văn cũng biểu tượng cho đức tin.

        Tôi cầm tay Cúc, chậm chậm đi khắp mọi nơi. Hùng và cô bạn Cúc như là cố ý tách chúng tôi ra. Để cho hai đứa được chuyện trò tự nhiên hơn thì phải. Tôi rất vui, vui thật là vui. Cúc cũng vậy, đôi mắt Cúc long lanh ngời hạnh phúc. Nhưng với tôi, thỉnh thoảng lại thấy như mình nhỏ bé quá, bất lực quá, tâm trạng tôi xốn xang bất định thế nào ấy. Mỗi khi chợt nghĩ đến nhiệm vụ và cuộc sống hiện tại của tôi, của người lính chiến, nay đây mai đó đang còn rất nặng nể, chưa thể biết sống chết thê nào.

        Đã gần giữa trưa, chúng tôi ra một quán nhỏ ăn cơm, miền Nam gọi là cơm bụi, mỗi người một đĩa cơm. Cơm bụi mọi thứ đều bày trên một cái đĩa, có cơm thịt gà, sườn heo, cá kho, có cả dưa leo muối mắm trông món nào cũng hấp dẫn. Cơm vừa phải nhưng thức ăn nhiều món tha hồ chọn, chủ quán còn tặng khách mỗi người một ly trà đá. Ở miền Nam trời nóng nên dùng trà đá là hợp nhất. Cúc và bạn ăn cơm gà. Còn tôi và Hùng ăn cơm sườn. Tôi và Hùng gọi mỗi người một chai bia. Chị em Cúc uống nước ngọt, mọi người cụng ly, chúc tụng nhau vồn vã. Có lẽ cơm đĩa sườn heo nướng chấm nước tương ớt không đâu ngon bằng ở đây. Miếng sườn thái to gần bằng bàn tay, được nướng vàng cháy sém cạnh thơm phức, vài lát dưa leo, vài miếng cà chua, vài cọng hành, mấy lá xà lách, chút nước tương. Nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi được ăn đĩa cơm sườn ngon đến như vậy. Cái buổi trưa ấy, bữa cơm ấy, buổi đi chơi ấy, cho đến hôm nay nó vẫn đang hằn sâu, đang hiện diện thường trực trong tôi như mới hôm qua. Chẳng bao giờ phai nhạt.

        Từ dạo vãn cảnh Tòa Thánh Tây Ninh đến nay cũng đã mấy chục năm, vậy mà kỷ niệm ấy vẫn còn tươi nguyên trong tôi. Cuộc thăm tuy thời gian ngắn nhưng tôi hiểu biết, nhận thức được nhiều điều. Không chỉ về một đạo giáo mà còn là kiến thức về kiến trúc Tòa Thánh, dấu ấn văn hóa. Du lịch văn hóa hiện nay được đánh giá mang lại nhận thức mới, học hỏi được nhiều điều về một quốc gia, dân tộc, tôn giáo, danh nhân. Du lịch văn hóa đem đến cho con người ta tâm hồn thanh cao, cảm hứng tâm hồn giàu có phong phú thêm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM