Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 03:12:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862 - 1975  (Đọc 49864 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #210 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 06:44:04 am »


        Vào lúc 23 giờ, khi các trại đang khẩn trương chuẩn bị khẩu hiệu, bài trí nơi làm lễ để sáng ra làm đồng loạt vào lúc kẻng tan nghiêm thì đại úy Kiều Văn Dậu cùng Trưởng ty Thanh niên Nguyễn Văn Đồng và anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên Hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo vào Trại VII. Họ mở phòng 24 khu H, gặp nhóm cán bộ quân báo để báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn trật tự an ninh gốc thường án, quân phạm, lưu manh đang cướp bóc, gây rối loạn trên đảo. Nhóm binh sĩ, công chức yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, duy trì trật tự an ninh và đảm bảo tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo.

        Các đồng chí có trách nhiệm trong Khu H nhanh chóng hội ý và nhận định: Có thể Sài Gòn đã được giải phóng, cần tranh thủ thời cơ tự giải phóng cho mình, song cần hết sức cảnh giác âm mưu thủ tiêu tù chính trị của địch. Anh em yêu cầu nhóm công chức báo tin cho mượn rađiô để nghe tin tức và cử người ra ngoài trại để nắm tình hình.

        Rađiô được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe giọng nói thân thương của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã được thành lập và công bố 12 chính sách trong vùng mới giải phóng.

        Ngay sau phút bàng hoàng vì sung sướng, những người có trách nhiệm ở Khu H quyết định hành động; chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo. Lực lượng tù nhân giải phóng thu ngay khẩu súng cácbin và chùm chìa khóa Trại VII, người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu. Tiếng reo hò từ Khu H lan ra các khu Trại VII. Được tin Sài Gòn đã giải phóng, nhiều phòng chưa kịp mở khóa, anh em đã bẻ song, phá cửa, đạp tường ra. Lúc ấy là 1 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ba giờ sáng, cả 8 khu (A-B-C-D-E-F-G-H) của Trại VII hoàn toàn được giải phóng.

        Các đồng chí có trách nhiệm ở Trại VII triệu tập ngay một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 người) đế lãnh đạo cuộc nổi dậy. Đồng chí Trịnh Văn Tư được cử làm Bí thư. Đồng chí Phan Huy Vân (Hai Tân) Phó Bí thư, đồng chí Mai Xuân Công là ủy viên thường vụ. Ban chấp hành còn có các đồng chí Nguyễn Nam (Hà), Lê Văn Triết (Đoàn Cao Hồng)... Đảo ủy lâm thời đề ra chương trình hành động, gồm 3 điểm chính:

        - Cử người đi giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ.

        - Tổ chức ngay lực lượng võ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng.

        - Thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đào.

        Hai đồng chí Trần Ngọc Tự và Lê Viết Lành nhận nhiệm vụ tổ chức lực lượng võ trang. Các đồng chí chọn một số thanh niên khỏe mạnh, thành lập ngay một trung đội, võ trang bằng khẩu carbine vừa chiếm được và các loại vũ khí thô sơ đến chiếm trại lính Bắc Bình Vương ở khu vực Lò Vôi (gần Trại VI, Trại VII). Trung đội thứ 2 được tổ chức ngay sau đó, đến chiếm trại lính Bình Định Vương ở khu vực Sở Ruộng (gần Trại I, Trại IV, Trại V). Bọn lính ở hai trại này đã chạy hết, bỏ lại mấy thùng lựu đạn và vài khẩu súng.

        Trong lúc đó, Đảo ủy lâm thời tổ chức lực lượng chia thành nhiều tốp, từ Trại VII đến giải phóng các trại. Trại VI khu B lúc ấy giam gần 500 phụ nữ, có một số vừa bị đày ở đất liền ra trước đó 10 ngày. Chị em giấu được một chiếc rađiô, nghe được tin Sài Gòn giải phóng từ trưa 30-4-1975 nhưng không thể báo tin cho các trại và không tìm cách nào ra được. Mãi đến 3 giờ sáng, các chị mới vận động được tên Trưởng trại mở cửa cho ra. Cùng lúc ấy, lực lượng giải phóng của Trại VII cũng vừa đến. Các chị cử đại diện đến Trại VII nhận sự chỉ đạo của Đảo ủy lâm thời. Theo đề nghị của Đảo ủy lâm thời, các chị Hai Nhân và Tư Cúc tham gia Đảo ủy, chị Phạm Thị Đào tham gia chính quyền cách mạng.

        Rạng sáng 1-5-1975, tù nhân ở Trại I, Trại IV và Trại V vần chưa biết gì, Mọi người đang chờ kẻng tan nghiêm để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động thì lực lượng giải phóng từ Trại VII tràn vào mở cửa. Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên được giây phút kinh ngạc và sung sướng ấy. Ở Trại V có phòng không dám tin, đòi phải có đại diện của tù câu lưu ớ Trại VI khu B cũ đến, anh em mới ra khỏi nhà lao và hành động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #211 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 06:47:19 am »


        Tù chính trị ở Trại VIII, Trại II, Trại III biệt giam Chuồng Bò lần lượt được mở cửa. Khoảng 8 giờ sáng, lực lượng tù nhân đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. Lực lượng võ trang giải phóng phát triển lên một đại đội. Trung đội thứ 3 đến chiếm Ty cảnh sát, thu được một kho súng, đủ trang bị cho một tiểu đoàn. 10 giờ, Đài truyền thanh phát sóng báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền được tố chức theo tinh thần “hòa hợp - hòa giải dân tộc”, gồm 15 người, lấy tên là Ủy ban Hòa hợp - Hòa giải Dân tộc tỉnh Côn Sơn.

        Linh mục Phạm Gia Thụy được cử làm Chu tịch. Bảy ủy viên là tù chính trị vừa được giải phóng, trong các chức vụ: Phó Chù tịch thứ nhất, tống thư kí, ủy viên quân sự, ủy viên an ninh, ủy viên chính trị và thông tin, ủy viên kinh tế và xã hội; 7 ủy viên khác là sĩ quan, công chức, giám thị đã tham gia giúp tù chính trị trong cuộc nổi dậy giải phóng cỏn Đảo.

        Trưa 1-5-1975, lực lượng võ trang của tù nhân giai phóng phát triển lên một tiểu đoàn. Đồng chí Võ Thanh chỉ huy một đại đội lên chiếm sân bay Cỏ Ống. Trung đội bảo an và một số nhân viên bảo vệ sân bay nộp vũ khí đầu hàng. Ta thu 27 máy bay, nhiều chiếc còn nguyên vẹn.

        18 giờ, đại đội thứ 3 của lực lượng võ trang giải phóng đã chiếm chi khu quân sự Bến Đầm. Tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đáo, không phải nổ một phát súng nào. Buổi tối, Đảo ủy lâm thời họp mở rộng, có đại diện của tất cả các trại. Ban chấp hành được củng cố, gồm 14 đồng chí. Đảo ủy bàn việc quản lý, bảo vệ đảo và liên hệ với đất liền.

        Chiều 1-5-1975, tại thành phố Vũng Tàu vừa giải phóng, Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã họp với đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Khu ủy miền Đông, Sư đoàn Sao Vàng và Thành ủy thành phố Vũng Tàu, bàn phương án giải phóng Côn Đảo bằng một cuộc hiệp đồng quân chủng Hải-Lục - Không quân. Tiểu đoàn 445, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoan Sao Vàng anh hùng dược lệnh tập kết về cảng Rạch Dừa, đế xuống tàu ra giải phóng Côn Đảo. Đảng bộ và nhân dân thành phố Vũng Tàu đã gửi hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, rau xanh, thuốc chữa bệnh cho các chiến sĩ Côn Đảo.

        Chiều 2-5-1975, đài Vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng, chuyển bức điện của chính quyền cách mạng ở Côn Đảo về đất liền: “Ủy ban Hòa giải Hòa hợp Dân tộc ở Côn Sơn đã thành lập 7 giờ sáng ngày 1-5-1975. Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

        Đài phát sóng liên tục, đến 15 giờ ngày 3-5-1975 thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ!”.

        Rạng ngày 4-5-1975, tàu V.609 và tàu V.683 hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì những người tù chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo. 500 tấm ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Giờ phút ấy trang nghiêm ấy, không gian Côn Đảo dường như lắng lại, tan vào những giọt nước mắt nóng hổi trên gò má hóp của những người tù. Ủy ban Quân quản Côn Đảo được thành lập. Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị Côn Đảo đâ giành được thắng lợi trọn vẹn sau gần 20 năm thư thách nghiệt ngã, từng trải qua biết bao gian khổ hi sinh và những bước thăng trầm.

        Cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo là sự biểu hiện sinh động của tư tưởng bạo lực cách mạng trong nhà tù. Trong lúc phát huy sức mạnh tổng hợp của các hình thức và lực lượng vào cuộc đấu tranh chính trị, những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống khổ sai, đòi quyền dân sinh, dân chủ và đặc biệt chú trọng duy trì, phát triển tư tưởng bạo lực cách mạng. Sức mạnh chính trị kết tinh từ ý chí của những tập thể và cá nhân tiêu biểu, kiên cường đấu tranh chống ly khai, chống tố cộng, chống chào cờ từ hơn mười năm trước đã được nhân lên nhiều lần trong cuộc Đồng khởi chống chào cờ và chống khổ sai của hơn 4.000 người năm 1970.

        Đấu tranh vũ trang được sử dụng hạn chế trong một số cuộc vượt ngục tiếp tục được duy trì dưới hình thức võ trang tự vệ chống khủng bố trong thời kì đấu tranh trên cơ sở pháp lý Hiệp định Paris và kết hợp rất sinh động với sức mạnh chính trị trong đêm nổi dậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #212 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2017, 06:48:19 am »


KẾT LUẬN

        Quần đảo Côn Lôn cũng như các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Ngay từ khi lập nghiệp ở phương Nam, các triều đại phong kiến nước ta đã mờ mang, khai thác, xây dựng và bảo vệ quần đảo, thực hiện chủ quyền của mình một cách thường xuyên liên tục để biến quần đảo Côn Lôn thành một nơi trù phú, tham gia quá trình phát triển chung của đất nước. Việc tổ chức Đội Hoàng Sa để thống lĩnh các quần đảo với tư cách là một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; việc tổ chức cuộc nổi dậy của binh lính và cư dân trên đảo chống hành động xâm lược của Công ty Đông - Ân thuộc Anh ngày 3-2-1705 đời chúa Nguyễn Phúc Chu chứng tỏ điều đó.

        Thực ra, quần đảo Côn Lôn chỉ rơi vào tay thực dân Pháp từ ngày 28-11-1862, đúng 74 năm sau khi ký kết Hiệp ước Vécxai, hiệp ước đầu tiên của Nguyễn Ánh ký với nước Pháp, không có giá trị về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Từ ngày đó, thực dân Pháp đã lựa chọn Côn Đảo làm nơi xây dựng nhà tù để khủng bố và tiêu diệt bất kê lực lượng cách mạng nào dám chống lại chúng. Nhà tù Côn Đảo là con đẻ của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, một công cụ đàn áp để bảo vệ chính quyền thực dân. Cũng từ đó, Nhà tù Côn Đảo trở thành một chiến trường đặc biệt, nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, một mất một còn của những người yêu nước Việt Nam bị giặc tù đày chống lại bọn cướp nước.

        Từ ngày thành lập, Nhà tù Côn Đảo đã là tấm gương phản chiếu trung thành những bước thăng trầm trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta qua các thời kỳ. Mở đầu cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân xâm lược ở Côn Đảo là cuộc khởi nghĩa toàn đảo ngày 23-6-1862, nhân dân hải đảo nhất tề đứng lên phá tan nhà tù, đuổi quân Pháp ra khỏi quần đảo, thể hiện ý chí quật cường, không cam chịu làm nô lệ của nhân dân Côn Đảo.

        Những nghĩa quân thời Trương Định, Thủ Khoa Huân, những người ứng nghĩa cần Vương bị cầm tù ở Côn Lôn đã bất chấp chính sách giết sạch, phá sạch, đốt sạch của quân viễn chinh Pháp, liên tiếp chủ trương dùng bạo lực chống lại kẻ thù có bạo lực, tổ chức những cuộc bạo động, những cuộc nổi dậy cướp súng giặc, giết giặc, giải thoát khỏi cảnh ngục tù khủng khiếp.

        Trong nửa cuối thế kỷ XIX, khi đất nước bị xâm lược, Nam triều đã trở thành công cụ đàn áp cách mạng của thực dân Pháp, những cuộc vũ trang bạo động lẻ tẻ ở Côn Đảo rất ít khi thành công. Có khi đã thành công ở đảo lại bị tổn thất ở đất liền, do sự câu kết giữa thực dân cướp nước và bè lũ phong kiến phản động bán nước. Đó là trường hợp của cuộc khởi nghĩa vẻ vang ở Hòn Bảy Cạnh ngày 27-8-1883. Sau mỗi cuộc khởi nghĩa của tù nhân, thực dân Pháp càng siết chặt chế độ lao tù, tăng cường đàn áp, giết hại người tù với những thú đoạn gian xảo, tinh vi hơn.

        Hầu hết những người đứng đầu phong trào Văn Thân đã nhận ra điều đó. Bị cầm tù ở Côn Đảo những năm dầu thế kỷ XX, bộ phận sĩ phu phong kiến tiến bộ nhất đã từ chối hình thức đấu tranh bạo lực ở nhà tù mà chỉ biếu lộ sự phản kháng chế độ lao tù bằng dòng thơ tù, một dòng thơ cách mạng và yêu nước độc đáo trong lịch sử văn học dân tộc. Những bài thơ của lớp tù Văn Thân thuở đó đã biểu thị tinh thần yêu nước nồng nàn. ý chí kiên cường đấu tranh cho nền độc lập nước nhà, thổi bùng trong tâm trí các thế hệ tù Côn Đảo tinh thần bất khuất của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Khí tiết thanh cao của các sĩ phu yêu nước cũng đã cảm hóa được cả những người tù thường phạm.

        Những cuộc nổi dậy của tù nhân thuộc các phong trào Bãi Sậy, Yên Thế, Duy Tân, Thái Nguyên... trong những năm cuối chiến tranh thế giới thứ nhất đã phân hóa sâu sắc các sĩ phu Văn Thân bị cầm tù ở Côn Đảo. Một vài người tiếp tục chủ trương bạo động đã tham gia cuộc nổi dậy ở Banh I năm 1918; một số người khi mãn hạn tù đã tích cực tham gia những tố chức tiền thân của Đảng; những người còn lại đều “giữ được tấm lòng không thay đổi” (Huỳnh Thúc Kháng).

        Nửa cuối những năm 20, cánh cổng sắt của nhà tù đế quốc ở Côn Đảo mở rộng để đón những người tù chính trị bị bắt trong phong trào quốc gia bồng bột rồi chấm dứt với cuộc bạo động Yên Bái của Quốc dân đảng, lớp tù trí thức tiểu tư sản. Nếu như ngoài xã hội, “họ không biết đưa đất nước mình đi đến đâu” - như viên trùm mật thám Đông Dương Mácty (L. Marty) đã từng nhận xét, thì trong Nhà tù Côn Đảo họ cũng không làm được gì hơn thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #213 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 04:46:02 am »


        Đầu những năm 1930 hàng trăm tù nhân là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng có mặt tại đảo, họ không có một phương sách, một biện pháp, một cuộc đấu tranh nào đáng kế để chống lại chế độ lao tù. Có điều đáng ghi nhận là nội bộ những người tù Quốc dân đảng đã phân hóa ngày một sâu sắc và rõ nét. Một số ít do tư cách hèn hạ, không chịu đựng nổi cảnh ngục tù đã đầu hàng, làm cò mồi, chỉ điểm cho giặc; một số khác thì than thân trách phận vì đã bồng bột theo những thủ lĩnh thiếu suy nghĩ; còn bộ phận tiến bộ nhất đã tham gia những phong trào đấu tranh của tù nhân dưới sự lãnh đạo của tổ chức cộng sản trong nhà tù.

        Nhiều thanh niên trí thức sớm nhận ra sự bế tắc về đường lối của Việt Nam Quốc dân đảng và sự bất lực của những thủ lĩnh đảng này. Sống bên những người cộng sản, dần dần họ được cảm hóa vì nhân cách, vì tình thương và về lý tưởng cộng sản. Cùng học tập và đấu tranh với người cộng sản, dần dần họ tin tưởng vào sự lãnh đạo của những người cộng sản qua thể nghiệm bản thân trong đời sống lao tù. Những người tiên tiến nhất, ngay trong nhà tù, đã tự nguyện đứng dưới cờ cộng sản, một số khi ra tù trở thành đảng viên cộng sản.

        Cuối những năm 20, đầu những năm 30, nhất là sau cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, các chiến sĩ cộng sản bị đày ra Côn Đảo ngày một nhiều. Bè lũ thực dân âm mưu sử dụng hệ thống nhà tù đế giết hại tù chính trị, giết hại những người cộng sản. Song những lớp tù chính trị cộng sản bị đày ra Côn Đảo ngày một nhiều, mở ra một giai đoạn mới, khác hẳn về chất, trong phong trào đấu tranh của tù chính trị ở Côn Đảo.

        Bè lũ thực dân dùng hệ thống nhà tù nhằm mục đích tiêu diệt phong trào cách mạng Việt Nam, tiêu diệt Đảng Cộng sản Việt Nam. Phải đấu tranh giành lấy quyền sống, không thể để cho bọn chúa ngục muốn làm gì thì làm. Đấu tranh trong tù là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng, là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa những người cách mạng và bọn cướp nước đế bảo vệ sinh lực của Đảng, để bảo vệ lý tưởng của Đảng, để vươn lên ngang tầm những đòi hỏi mới của cách mạng. Người cộng sản mang trong mình tinh thần bất khuất của dân tộc, không một bạo lực nào của kẻ thù làm nhụt chí khí. Trong lao tù, tay chân bị xiềng xích, thân thế bị đánh đập tra tấn tàn nhẫn, họ vẫn bình tĩnh, lạc quan, giữ vững niềm tin vào cách mạng, suốt đời trung thành với cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc.

        Trong Nhà tù Côn Đảo, chính kẻ thù cũng thấy rõ người cộng sản là những con người có bản lĩnh chiến đấu phi thường. Bọn cai ngục tra tấn đánh đập, nhưng vừa đánh vừa sợ, vừa đánh vừa khâm phục những người tù cộng sản. Khó khăn gian khổ càng tôi luyện những chiến sĩ cộng sản thành những con người gang thép, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của chế độ nhà tù đế quốc dã man.

        Trong cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù, để thay đổi dù chỉ là một con cá khô mục thối, bớt một thanh củi, một hòn đá, một chuyến xe, một tảng san hô, thêm một phút được hít thở không khí..., những người cộng sản đã được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, tập hợp được đại đa số quần chúng, đã đưa ra những khẩu hiệu thích hợp, đã biết lúc tiến, lúc thoái để bảo vệ phong trào. Dưới sự tố chức và lãnh đạo của tổ chức Đảng trong tù, trận tuyến đấu tranh đã được phân rõ: một bên là bọn chúa ngục, một bên là tất cả tù nhân giành quyền sống.

        Có thể nói Côn Đảo cũng như nhiều nhà tù của đế quốc Pháp ở nước ta hồi đó, là biểu tượng của khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

        Ý nghĩa chính trị lịch sử lớn lao của cuộc đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo là đã góp phần quan trọng vào việc làm cho Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục tồn tại và phát triển, đập tan mưu đồ của thực dân Pháp hòng biến Nhà tù Côn Đảo thành công cụ để tiêu diệt Đảng Cộng sản.

        Cũng trong quá trình đấu tranh ở Nhà tù Côn Đảo, những người cộng sản đã góp phần vào việc giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam về tay giai cấp công nhân, cảm hóa những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng có tư tưởng tiến bộ, phân hóa và cô lập những phần tử xấu, mở rộng mặt trận thông nhất giải phóng dân tộc, giác ngộ và tranh thủ được sự cảm tình của các tầng lớp khác đối với Đảng Cộng sản,

        Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của “địa ngục trần gian” Nhà tù Côn Đảo, người chiến sĩ cách mạng có thể sống và đấu tranh được là nhờ có lòng tin tưởng sắt đá, không gì lay chuyên nổi vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Lòng tin này do giác ngộ lý tưởng cộng sản, do học tập, rèn luyện mà có. Những người cộng sản đã biến nhà tù khủng khiếp này thành trường học chủ nghĩa cộng sản. Bản lĩnh và tri thức cách mạng của các chiến sĩ cộng sản đã được nâng cao rõ rệt, một khi ra khỏi nhà tù là có thể lao ngay vào hoạt động cách mạng một cách có hiệu quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #214 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 04:46:37 am »


        Các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, từ Bác Hồ đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đều đã trải qua nhà tù của đế quốc. Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh và rất nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác của Đảng đã trải qua “trường đại học sau chân song sắt” ở Côn Đảo.

        Học lý luận cách mạng là để vận dụng sáng tạo vào hoạt động cách mạng, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng con người, nó đòi hỏi phải có một tình thương và niềm tin vô hạn đối với con người. Có tình thương và niềm tin thì mới dám dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Truyền thống của dân tộc ta, nhân dân ta là biết đấu tranh và biết thương yêu. Trong các nhà tù đế quốc trước đây, kể cả Nhà tù Côn Đảo, những người cách mạng rất thương yêu đoàn kết với nhau. Những người cộng sản ở Côn Đảo nhờ biết đoàn kết “thương người hơn cả thương thân”, nên đã có sức mạnh chiến thắng kẻ địch tàn ác và xảo quyệt. Đó cũng là một điểm rất quan trọng bảo đảm cho tổ chức Đảng luôn luôn giữ được sự thống nhất ý chí và hành động. Đoàn kết là do có đường lối, chủ trương đấu tranh đúng và do có tình thương yêu đồng chí sâu sắc.

        Ở Nhà tù Côn Đảo, tình đồng chí, tình thương yêu đoàn kết giữa những người cộng sản thật là cao đẹp. Nhờ vậy mà trong lúc những người tù thuộc các đảng phái khác gục ngã, thì những người cộng sản luôn luôn đứng vững.

        Trong cảnh tù đày chết chóc, không có tình cảm nào thiêng liêng, cao cả bằng tình đồng chí của những người cộng sản. Chính tình thương yêu cao cả này đã giúp người cộng sản chiến thắng những thủ đoạn được tính toán vừa tàn bạo vừa tinh vi của đế quốc hòng xóa bỏ nhân phẩm, thủ tiêu nhân cách, biến con người thành súc vật. Trong thiếu thốn mọi bề của cuộc sống lao tù, những người cộng sản “sống rất người” với mọi ý nghĩa cao đẹp nhất, họ chỉ lo cho anh em, cho đồng chí, không hề nghĩ đến mình kể cả tính mệnh. Do vậy mà cách mạng phát triển, nhờ thế mà Đảng tồn tại. Cách mạng càng khó khăn bao nhiêu thì người cách mạng càng cần phải giữ vững khí tiết cộng sản, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, bảo vệ sự đoàn kết chặt chẽ của Đảng. Những người cộng sản Việt Nam đã làm như thế ở địa ngục Côn Đảo, chính vì thế họ là người chiến thắng.
       
        Thế hệ tù nhân kháng chiến chống Pháp (1946- 1954) đã kế thừa tinh thần quật khởi của cách mạng Tháng Tám 1945. Không chỉ giới hạn cuộc đấu tranh ở mức độ “dân sinh, dân chủ” đòi quyền lợi hàng ngày, họ đã tổ chức tù nhân thành một đạo quân kháng chiến.

        Quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, Đảng ủy Côn Đảo đã xác định: Nhà tù là một mặt trận, tù nhân là những chiến sĩ hoạt động ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ của những người cộng sản trong tù là phải tổ chức tù nhân thành một lực lượng kháng chiến giữa sào huyệt kẻ thù. Phải liên tục công kích địch, phá hoại cơ sở vật chất, tuyên truyền giác ngộ binh lính địch, tạo điều kiện cho các chiến trường giành thắng lợi.

        Xuất phát từ tư tưởng đó, Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức toàn bộ tù nhân thành một đạo quân chiến đấu, dưới danh nghĩa công khai là Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo, có hệ thống tố chức chặt chẽ từ cấp toàn đảo đến từng tổ ba người. Phương châm hành động là tích cực công kích địch, liên tục đấu tranh từ thấp đến cao, đẩy kẻ địch vào thế bị động đối phó và tiến tới sử dụng bạo lực cách mạng, chớp thời cơ tự giải phóng cho mình.

        Khi nhận được tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết, Đảo ủy Côn Đảo đã chỉ đạo chuyển phương án vũ trang giải phóng thành cuộc tổng đình công kết hợp với bãi thực kéo dài 40 ngày đòi trao trả theo Hiệp định. Kết quả là thực dân Pháp phải trao trả toàn bộ số tù binh và tù chính trị mà chúng đã từng kết án phi pháp.

        Tiếp tục phương châm của thế hệ tù chính trị lớp tiền bối, Đảng đoàn ủy Côn Đảo thời chống Pháp đã quán triệt phương châm biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Các lớp học lý luận trong tù vẫn được duy trì thường xuyên, kể cả ở các khám tù cấm cố cũng như các kíp tù lao động khổ sai. Song thành tích nổi bật trong học tập của tù nhân kháng chiến là phong trào bình dân học vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #215 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 04:48:43 am »


        Nếu như thế hệ tù chính trị trước năm 1945 phần nhiều là trí thức giác ngộ cách mạng thì phần lớn lớp tù nhân kháng chiến lại là nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị vốn ít được học hành, nhiều người chưa biết chữ. Xóa mù chữ và phổ cập bậc tiểu học là chương trình hành động mà Liên đoàn tù nhân kháng chiến và Đảng ủy Côn Đảo quan tâm thực hiện như một nhiệm vụ chính trị lớn mà Đảng và Chính phủ ta đã giao phó. Hàng loạt lớp bình dân học vụ dã được tổ chức ở tất cả các khám. Mồi người tù bị đày ra Côn Đảo đều phải làm đơn gia nhập Liên đoàn tù nhân kháng chiến, đăng ký trình độ văn hóa và được phiên chế vào các lớp học thích hợp. Sau mỗi khóa học đều có kiểm tra để chuyển lớp, chuyển cấp.

        Theo tổng kết của Đảo ủy, năm 1952, ông già Tiếu là người cuối cùng được thanh toán nạn mù chữ tại khu biệt lập Banh II. Năm 1954, Liên đoàn tù nhân kháng chiến đã căn bản phổ cập tiểu học cho toàn thể tù binh, tù chính trị. Ở khu biệt lập Banh II, nhiều tù nhân đã kiên trì tự học toàn diện từ bậc tiểu học đến chương trình tú tài. Nhiều người khi vào tù mới học dở dang bậc tiếu học, khi ra tù (1954) đã có trình độ tương đương tú tài, thi vào đại học và phục vụ Tổ quốc trong nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.

        Thành tích đó xứng đáng là một chiến công trong lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ 100% số tù nhân được xóa mù chữ và phổ cập tiểu học ở một nhà tù khắc nghiệt như Côn Đảo mãi mãi là điểm son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh của thế hệ tù nhân trong kháng chiến chống Pháp.

        Một trong những điểm nối bật của lớp tù nhân kháng chiến là khí phách đấu tranh trước kẻ thù được nhân lên gấp bội, khi họ đã ý thức được phẩm giá của người công dân một nước Việt Nam độc lập, không chấp nhận trở lại vòng nô lệ, không khuất phục, không cúi đầu trước bất cứ một thê lực bạo tàn nào.

        Người thanh niên Lê Ngọc Hương tiêu biểu cho một thế hệ tù nhân kháng chiến, trong cuộc đấu tranh chống cúi đầu lúc điểm danh với lời tuyên bố bất hủ: “Cái đầu chúng tôi có thể rời khỏi cổ, nhưng từ nay không bao giờ cúi nữa”. Người thiếu nữ Võ Thị Sáu ung dung bước ra pháp trường Côn Đảo và từ chối rửa tội với lời tuyên bố hùng hồn: “Tôi không có tội! Chính bọn thực dán Pháp xâm lược mới là kẻ có tội”. Từ chối bịt mắt, chị nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hát bài Tiến quân ca và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm” khiến kẻ thù phải bàng hoàng kinh sợ, ngay cả khi chị đã ngã xuống rồi.

        Nhiều quan điểm lý luận trong tranh cách mạng đã được lớp tù chính trị kháng chiến nâng lên một trình độ mới như quan niệm về tù kháng chiến, về sự lãnh đạo của Đảng trong tù, về các hình thức đấu tranh trong tù mà lớp tù chính trị trước đây chưa có điều kiện giải quyết triệt để, nay cũng được Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo tổng kết qua thực tiễn đấu tranh, làm sáng tỏ.

        Nếu như luận điểm của Ngô Gia Tự “người cộng sản ở đâu cũng phải tổ chức, phải đấu tranh, trong hoàn cảnh nào củng phải lãnh đạo quần chúng... phải đấu tranh giành quyền sống, phải tranh thủ thời gian mà học tập, để có cơ hội về phục vụ hữu ích cho Đảng...” là tư tưởng chỉ đạo lớp tù chính trị tiền bối, trở thành một định hướng cho thế hệ tù chính trị cộng sản tiền bối thì lớp tù chính trị kháng chiến đã phát triển lên một trình độ cao hơn.

        Đảng bộ đã xác định: Nhà tù là một mặt trận, tù nhân là những chiến sĩ đối mặt kẻ thù ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ của những người cộng sản trong tù là phải tổ chức tù nhân thành một lực lượng kháng chiến ngay giữa sào huyệt kẻ thù, phải tổ chức tù nhân thành một lực lượng kháng chiến ngay trong lòng địch, giữa sào huyệt kẻ thù, phải liên tục đấu tranh, phá hoại cơ sở vật chất địch, làm suy yếu hàng ngũ địch, buộc địch phải thường xuyên bị động đối phó, tạo điều kiện cho các chiến trường giành thắng lợi.

        Đại hội lần thứ 4 của Đảng bộ Côn Đảo còn xác định rõ nhà tù là một mặt trận trong cuộc kháng chiến, tù nhân là một lực lượng của kháng chiến. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong cuộc chiến tranh giải phóng này là dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, đảng viên cũng phải tổ chức lại, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với kẻ thù.

        Đảng Đảo ủy Côn Đảo không chỉ lãnh đạo trong phạm vi nhân kháng chiến mà lãnh đạo toàn thể khối tù nhân, kể cả các tù chính trị thuộc các đảng phái khác, kể cả tù tư pháp (thường phạm) cũng như tù nhân các dân tộc Việt - Miên - Lào, không chỉ trong phạm vi nhà tù mà phải lãnh đạo quần chúng bị áp bức trên toàn địa bàn Côn Đảo, kể cả giám thị, công chức, binh lính bị bọn thực dân, đế quốc lừa gạt làm tay sai cho chúng.

        Đó là một bước tiến lớn trong tư duy lý luận của lớp tù nhân kháng chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #216 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 04:49:27 am »


        Điều đó cũng đưa tới những đặc trưng riêng trong các hoạt động của lớp tù chính trị kháng chiến. Chủ trương võ trang giải thoát là một thực tiễn sinh động.

        Vượt ngục, tự giải thoát là chuyện muôn thuở của người tù. Với những người tù Côn Đảo thì thà chết trên biển hay trong bụng cá mập còn dễ chịu hơn là chết bởi sự hành hạ của bọn đao phù tại “địa ngục trần gian này”. Vì thế mà các cuộc vượt ngục không chỉ nói đơn thuần là “năm ăn - năm thua” hay “chín phần chết - một phần sống” mà có thể nói là đi vào chỗ chết để tìm sự sống.

        Nhưng khác hẳn với những cuộc vượt ngục trước đó, tổ chức tù nhân kháng chiến đã xác định rõ mục đích cho mỗi cuộc vượt ngục là giải phóng một lực lượng cách mạng chứ không mang ý nghĩa giải thoát sinh mạng cho cá nhân. Các cuộc vượt ngục lẻ thì tùy theo điều kiện của từng nhóm, nhưng kế hoạch giải thoát từng bộ phận hay toàn thể tù chính trị thì cá nhân phải phục tùng tập thể. Toàn bộ kế hoạch giải thoát (dù là một bộ phận nhỏ) đều do thường vụ Đảo ủy trực tiếp chỉ đạo, sau khi đã tính toán thật kỷ những khả năng thành công hay thất bại, dù vẫn biết rằng: “Mưu sự tại nhân - thành sự tại thiên”. “Thiên” ở đây có thể hiểu là hàng loạt các yếu tố rủi ro mà trong hoàn cảnh của người tù Côn Đảo không thể kiểm soát được.

        Cuộc võ trang giải thoát lớn nhất trong lịch sử nhà tù này của 200 tù binh tại Bến Đầm (12-12-1952) không thành, nhưng nó đã để lại nhiều bài học quý về kinh nghiệm võ trang tự giải phóng của tù chính trị Côn Đảo. Mười ba năm sau, cuộc chiếm tàu địch, vượt Côn Đảo của 57 tù chính trị Côn Đảo thời chống Mỹ (27-2-1965) thắng lợi trọn vẹn trong điều kiện địch kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt đã minh chứng cho tư tương võ trang tự giải phóng của thế hệ tù chính trị kháng chiến là hoàn toàn có cơ sở, không chỉ về lý luận mà trên thực tiễn của Mặt trận Nhà tù.

        Tư tưởng võ trang giải thoát được tiếp tục hoàn thiện và phát triển đến đỉnh cao là cuộc nối dậy giải phóng Côn Đảo toàn thắng đêm 30 rạng ngày 1-5-1975.

        Lịch sử đấu tranh chính trị giai đoạn 1955-1975 ở nhà tù Côn Đảo mang những nét đặc thù của thế hệ tù chính trị trong nhà tù Mỹ - ngụy. Nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh trong giai đoạn này là đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết của người cách mạng, bảo vệ lí tưởng cộng sản, bảo vệ lí tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sáng cho dân tộc.

        Không chỉ là nơi cách ly, giam giữ, khủng bố, đày ải, giết hại như thời Pháp thuộc, Mỹ- ngụy đã biến Nhà tù Côn Đảo thành nơi tiến hành các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng tinh vi, thâm độc và tàn bạo nhất. Chúng không từ bỏ một thủ đoạn nào: cải huấn, tâm lý chiến, chiêu hồi, chiêu hàng, khủng bố tàn bạo, đày ải trường kỳ, đánh đập vô hạn độ, bỏ đói, bỏ khát triền miên, đẩy người tù vào cảnh ngộ cùng cực, làm cho họ kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần, rã rời về ý chí, để rồi đánh gục họ về lý tưởng.

        Mỹ - ngụy sử dụng đạo quân khủng bố gồm những tên tay sai trung thành, có lai lịch thâm thù cộng sản, kết hợp với những kẻ phản bội ghê tởm nhất, dưới sự chỉ huy của những tên cai ngục già đời, lọc lõi trong nghề, được tu nghiệp tại Mỹ, Anh, Đài Loan về quản trị khám đường, tình báo chiến lược, tâm lý cải huấn với sự trợ giúp ngày càng tăng của cố vấn Mỹ viện trợ Mỹ phương tiện đàn áp của Mỹ.

        Mỹ - ngụy đã kết hợp các kiểu khủng bố hành hạ tàn bạo như thời trung cổ với các kiểu đàn áp bằng phương tiện hiện đại nhất, dã man nhất, kết hợp hệ thống tình báo, mật báo, công an, giám thị, trật tự dày đặc đế kiểm soát từng hành vi, cử chỉ của người tù và một chiến lược bố phòng có thể tiêu diệt cả chục ngàn người tù trong phút chốc, giống như những trại tập trung của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ II.

        Sự tàn bạo của Mỹ - ngụy đạt đến trình độ tinh vi, sâu độc, vượt khỏi mọi giới hạn. Chúng không giết tù chính trị hàng loạt mà giết họ dần mòn, để họ chết lay chết lắt, chết trong đau đớn quằn quại triền miên, chết từng làn da thớ thịt, từng tế bào thần kinh, chết từng phần, từng phần cơ thể. Chúng không để cho người tù được chết dễ dàng mà đặt họ trong tình trạng sống dở, chết dở, đẩy họ đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết để tìm điểm yếu của từng người, tìm giây phút dao động, bối rối của họ mà tăng đòn tiến công, khuất phục lý tướng, buộc họ phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, phản bội lại chính mình, trở thành công cụ tay sai cho chúng, rồi sử dụng tư cách của một tên phản bội mà đánh phá lại cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #217 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2017, 04:49:50 am »


        Mỹ - ngụy không từ một thủ đoạn nào để truy bức người tù. Chúng có thể bịt tất cả lỗ thông hơi trong xà lim, không cho họ thở; có thể không cho họ ăn rau trong nhiều tháng, làm rối loạn các chức năng tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể. Chúng có thế đánh đập, đày ải đến mức rối loạn tâm thần, bỏ đói, bỏ khát triền miên làm cơ thể suy sụp, rã rời; có thể cấm cố, còng xiềng không kỳ hạn, đến mức teo cơ, bại liệt hàng trăm con người. Chúng có thế phạt không cho đổ thùng cầu, để xà lim ngập phân và nước tiểu giống như nhà cầu; có thể biến bệnh xá thành nhà xác, biến trại giam thành địa ngục.

        Mỹ - ngụy đã vận dụng những thành tựu khoa học hiện đại để đánh lên tất cả các giác quan người tù, sử dụng phương tiện hiện đại để đàn áp hàng loạt khi cần, kết hợp với kiểu hành hạ như thời trung cổ, làm cho người tù không còn ra hồn người, không khi nào được yên phận tù. Cả về sự tàn bạo, thâm độc và tinh vi, Mỹ - ngụy đều vượt xa thực dân Pháp. Chính vì thế mà loài người đã kinh ngạc, sững sờ và đau đớn trước những tội ác ghê tởm của Mỹ - ngụy khi một phần sự thật ở chuồng cọp Côn Đảo bị dư luận phanh phui.

        Đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết, luôn luôn là trung tâm cuộc đối đầu giữa người tù và bộ máy khủng bố của nhà tù. Người tù chân trong còng, tay trong xiềng, khi bị biệt giam cô độc giữa xà lim, khi trần trụi giữa bầy ác ôn say máu, họ phải chống trả với tập đoàn chống cộng có tiềm lực, phương tiện và sự tàn bạo, thâm độc vô hạn độ. Đó là nơi đối đầu gay gắt giữa ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội với một thế lực chống cộng quốc tế của chủ nghĩa thực dân mới, do đế quốc Mỹ và tay sai tiến hành tại miền Nam Việt Nam.

        Không chỉ hạn chế trong phạm vi bảo vệ quyền sống và sinh mạng chính trị của các chiến sĩ cách mạng, cuộc đấu tranh chính trị trong Nhà tù Côn Đảo chính là một bộ phận của cách mạng miền Nam, nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đồng thời mang ý nghĩa một cuộc đấu tranh giữa 2 ý thức hệ: cộng sản và tư sản, nhằm bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ nhân quyền, lẽ sống nhân văn, chống bạo lực, áp bức, chống thú tính, cường quyền.

        Đấu tranh chính trị bảo vệ khí tiết là đỉnh cao trong phong trào đấu tranh của tù nhân Côn Đảo. Bằng cuộc đấu tranh chính trị bảo vệ khí tiết, những người tù chính trị Côn Đảo đã biến nhà tù thành trận tuyến đấu tranh quyết liệt, đối mặt với kẻ thù.

        Phong trào đấu tranh của tù chính trị có lúc lôi cuốn hàng ngàn người tham gia, có lúc bị địch đàn áp chỉ còn lại vài người, nhưng không một lúc nào dừng lại. Nhiều người từng dao động, rơi rớt một đôi lần rồi lại vươn lên, vững vàng trong đội ngũ chiến đấu. Đã có quan điểm một thời đánh giá những người tù đã li khai là đầu hàng, phản bội, thậm chí cho rằng hơn 80% những người bị bắt, bị tù thời Mĩ-ngụy là có vấn đề. Nhận định không xuất phát từ thực tiễn lịch sử ấy làm cho việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ thiếu khách quan, việc sinh hoạt, công tác của những người từng bị bắt, từng ở tù gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chính sách và công tác cán bộ của Đảng.

        Đánh giá về những người bị bắt, bị tù cần phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đồng thời phải thấu hiếu những âm mưu thâm độc và tàn bạo của kẻ thù. Vào những lúc thử thách cao nhất của cuộc chiến đấu, đương đầu với sự khủng bố man rợ tột cùng, không phải ai cũng đủ bản lĩnh chịu đựng. Gương chiến đấu bền bỉ, kiên cường và toàn thắng của năm Anh trong lực lượng tù chính trị câu lưu, của sáu Anh trong lực lượng tù án chính trị và gương hi sinh vô cùng anh dũng của Trần Trung Tín, Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc cùng hàng trăm đồng chí, đồng bào là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

        Đó là những người anh hùng thật sự, nhiều lần anh hùng. Nhiều người trong số đó xứng đáng dược nhận danh hiệu cao quý nhất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Mỗi tấm gương ấy là những trang đẹp nhất trong lịch sử tranh cách mạng ở Nhà tù Côn Đảo giai đoạn này. Nhưng không chỉ có như vậy.

        Hàng ngàn người do sức chịu dựng có hạn, đã chọn những hình thức đấu tranh từ thấp lên cao, hàng ngàn người khác từng sai lầm, vấp ngã đã dũng cảm vươn lên đấu tranh. Đó là tuyến thứ 2 trong mặt trận đấu tranh chính trị của các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Côn Đảo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #218 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2017, 11:14:40 am »


        Có những người từng hàng chục lần bị đánh “rớt” vẫn kiên trì vươn lên đấu tranh, cho đến khi khẳng định được vị trí chính trị. Họ bị đánh đập, hành hạ, bị bỏ đói, bỏ khát, bị còng xiềng, cấm cố đến tàn phế, bại liệt, không còn lết nổi trên đôi tay được nữa. Đó là mức giá mà họ đã phải trả trong cuộc đấu tranh sinh tử, một mất một còn để bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ nhân cách con người.

        Giữa xà lim, chuồng cọp, trong nanh vuốt, cạm bẫy của kẻ thù, người chiến sĩ cách mạng luôn ý thức được rằng, nhà tù là một mặt trận mà người tù là chiến sĩ; cuộc đấu tranh trong nhà tù là một bộ phận của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong điều kiện đặc biệt khó khăn. Mỹ - ngụy dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo nhất với mục đích khuất phục đội ngũ trung kiên trong tù là nhằm đánh bại ý chí đấu tranh của một dân tộc, đánh rã lí tưởng cộng sản đang trở thành nguy cơ đe doạ nền thống trị của chủ nghĩa tư bản, thực dân.

        Chính vì thế mà đội ngũ ưu tú nhất trong lực lượng tù chính trị đã tự nguyện đảm nhận sứ mệnh lịch sử, đại diện cho chính nghĩa của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, chống chủ nghĩa thực dân mới; mang lý tưởng cộng sản và lẽ sống nhân văn, chống bạo lực, cường quyền.

        Đó là một trong những lý do mà Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã viết trong lời tựa cho bộ sách về Nhà tù Côn Đảo: “Nhà tù Côn Đảo luôn luôn là chiến trường cách mạng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù (...) Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm và thông minh của các chiến sĩ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự hy sinh cao cả của biết bao liệt sĩ trong cuộc chiến đấu ấy đã và đang tiếp tục khai hoa kết quả trong những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam ta"

        Đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu và đấu tranh chống chào cờ của tù án chính trị là những hình thức đấu tranh cao nhất. Điều đó không loại trừ và đòi hỏi phải kết hợp sử dụng những hình thức đấu tranh ở mức thấp hơn như: chống học tố cộng, chống hô khẩu hiệu phản động, tiến tới chống toàn bộ nội quy nhà tù, chống tất cả các âm mưu thủ đoạn của địch.

        Để giành được mục tiêu bảo vệ khí tiết, những người tù chính trị Côn Đảo đã vận dụng tất cả các hình thức thích hợp trong một cuộc đấu tranh: đưa đơn kiến nghị, tạo dư luận, thuyết phục, đấu lý, hô la, tuyệt thực, tuyệt ẩm, mổ bụng quyết tử tranh đấu... Có cuộc đấu tranh bắt đầu từ từng người, vài người, đến cả phòng, toàn trại và nhiều trại phôi hợp. Có trại tuyệt thực, trại đình công, trại đấu tranh dư luận, có người mổ bụng rồi toàn trại hô la, nhiều trại hô la hỗ trợ.

        Tất cả các hình thức, các lực lượng được huy động vào cuộc đấu tranh với mức tối đa, tạo nên sức mạnh ý chí to lớn của tù chính trị đề chiến đấu và chiến thắng. Mưu trí, sáng tạo của người tù chính trị Côn Đảo không chỉ dừng ở mức nghiên cứu lý luận, vận dụng các hình thức, phương pháp đấu tranh trong tù mà mưu trí, sáng tạo nằm ngay trong quá trình đấu tranh thực hiện những hình thức và phương pháp ấy.

        Người tù chính trị phải đem thân xác, ý chí, phẩm chất, nhân cách của mình ra chống lại cả bộ máy khủng bố với, chế độ kỷ luật, còng xiềng, cấm cố, đòn roi, súng đạn và bạo lực không hạn chế. Cuộc đấu tranh trong tù đòi hỏi vừa phải có trí tuệ, vừa có gan chịu đòn. Mỗi thắng lợi giành được, người tù chính trị phải đổi bằng máu xương và tính mạng mình. Hàng trăm người đà chết thê thảm trong tù, hàng ngàn người bị đày ải đến tàn phế, mang những chứng bệnh nan y mà từ ngày ra tù đến nay phải dùng nhiều thuốc hơn cơm, đau đớn, quằn quại trên giường bệnh nhiều hơn là giấc ngủ. Nhìn nhận cách mạng là sáng tạo thì chắc chắn sẽ không có một nơi nào mà sáng tạo lại phải trả giá đắt như trong nhà tù Côn Đảo.

        Trong điều kiện ngăn cách gắt gao và kiểm soát ngặt nghèo của kẻ địch, tù chính trị Côn Đảo vẫn tìm mọi cách tổ chức chi bộ, đảng bộ, hoặc ban lãnh đạo, tố trung tâm... ở từng trại, từng phòng. Song những nồ lực nhằm đi tới việc thành lập Đảo ủy, chỉ đạo cuộc dấu tranh chung toàn Côn Đảo không đạt kết quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #219 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2017, 11:15:48 am »


        Lực lượng tù chính trị câu lưu đã ly khai và lực lượng tù án chịu chào cờ, làm khổ sai, nhất là số công nhân tư gia, thư ký văn phòng (tù áo trắng) có điều kiện liên hệ, móc nối thông tin, tổ chức, thảo luận để đi đến quyết nghị thì lại thiếu lập trường khí tiết. Ngược lại những chiến sĩ trung kiên đương đầu với kẻ thù tàn bạo để bảo vệ ngọn cờ khí tiết thì đang bị biệt giam trong xà lim, hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò. Họ không có điều kiện liên hệ, thảo luận, đánh giá tình hình, thông tin cần thiết để tổ chức và chỉ đạo toàn diện.

        Từ năm 1963, nhờ đường dây bí mật, Trung ương Cục đã theo dõi và chỉ đạo cuộc đấu tranh trong các nhà tù, trong đó có Nhà tù Côn Đảo. Trung ương Cục đã chỉ đạo các Đảng bộ địa phương hỗ trợ cuộc đấu tranh trong tù, chỉ đạo lực lượng công khai hợp pháp ở Sài Gòn phối hợp chặt chẽ, đưa vấn đề tù chính trị ra trước công luận trong và ngoài nước. Những bức thư hàng năm của Trung ương Cục gửi ra Côn Đảo có giá trị thông tin tình hình, xác định chủ trương và cố vũ, nhân lên sức mạnh đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo.

        Tuy nhiên, sự chỉ đạo của Trung ương Cục mang tính chất định hướng hơn là chỉ thị, nghị quyết. Trong lúc chỉ đạo lực lượng tù chính trị đoàn kết đấu tranh, lấy mục tiêu bảo vệ khí tiết kết hợp với các yêu cầu dân sinh dân chủ làm nhiệm vụ chủ yếu, Trung ương Cục bao giờ cũng nhấn mạnh rằng: hình thức tổ chức và hình thức đấu tranh trong tù phải tùy tình hình cụ thể mà đề ra cho phù hợp.

        Trong nhiều trường hợp, không có sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, người tù chính trị phải tự lực chiến đấu, tự xác định mục tiêu chống các thủ đoạn tố cộng, diệt cộng, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu. Khi đã hình thành các Ban lãnh đạo, Chi bộ, Đảng bộ thì sự lãnh đạo tập thể được kết hợp chặt chẽ với tinh thần tự lực chiến đấu của từng cá nhân. Trong thời điểm cao trào hoặc những cuộc đấu tranh ở mức độ cao như tuyệt thực, mổ bụng hô la... thì vai trò lãnh đạo và ý chí đoàn kết đấu tranh của tập thể có vai trò quyết định. Khi địch đàn áp quyết liệt, một số đông đã dao động thì ý chí tự lực chiến đấu của những cá nhân kiên cường là nhân tố giữ vai trò quyết định thắng lợi.

        Trên mặt trận nhà tù, lực lượng đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết là ngọn cờ lãnh đạo, dù khi chưa thành lập chi bộ, chưa có tổ chức hoặc chỉ là những cá nhân tự lực chiến đấu, dù những cá nhân ấy không phải có quá trình lâu, không giữ chức vị cao trước khi bị bắt. Đã có nhiều tổ chức Đảng, nhiều cá nhân từng có cương vị cao trước khi bị bắt cố thể hiện vai trò lãnh đạo, nhưng vô hiệu, vì họ đã đứng bên lề cuộc đấu tranh chính trị bảo vệ khí tiết.

        Có người như Hoàng Dư Khương từng giữ cương vị lãnh đạo Phó Bí thư Xứ ủy từng có ảnh hưởng lớn trong tập thể tù chính trị, nhưng khi chấp nhận ly khai, đã tự đánh mất sự tín nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình. Ngược lại, có những người mà quá trình tham gia cách mạng, trình độ lý luận, cương vị công tác rất bình thường như ông già Cao Văn Ngọc (tù chính trị câu lưu, 64 tuổi), người thanh niên Ngô Đình Thời (tù án chính trị, 20 tuổi)... lại trở thành Ngôi sao sáng cho toàn thể tù chính trị noi theo vì họ đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết.

        Người thợ giày Lưu Chí Hiếu, văn hóa mới chỉ lớp 3 trường làng, cương vị cao nhất mới tương đương tiểu đội trưởng, chưa từng là chi ủy viên lại được cả một Đảng bộ mang tên, lấy phẩm chất khí tiết của anh làm tôn chỉ mục đích, làm nhiệm vụ hàng đầu cho Đảng bộ.

        Đảng bộ Lưu Chí Hiếu thành lập ở Trại VI Khu B (3-2-1972) là một Đảng bộ vững mạnh, thật sự có vai trò lãnh đạo vì được sinh ra từ cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị câu lưu, hội tụ được những tinh hoa tiêu biểu trong cuộc đấu tranh ấy. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu là nòng cốt của Đảo ủy lâm thời Côn Đảo trong đêm nổi dậy (đêm 30 rạng ngày 1-5-1975). Các đảng viên được Đảng bộ tập hợp và kết nạp mới trong tù về đều được Đảng công nhận và phát huy tác dụng tốt.

        Lực lượng tù nhân đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chính trị bảo vệ khí tiết, với những tập thể và cá nhân tiêu biểu, đã trải qua 19 năm liên tục đấu tranh, giành những thắng lợi chói lọi qua nhiều năm chống ly khai (1955-1964) chống nội quy, chống chào cờ (1960-1975) với đỉnh cao của cuộc Đồng khởi chống khổ sai và chống chào cờ năm 1970 và cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo năm 1975 xứng đáng được nhận những danh hiệu cao quí nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM