Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:24:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862 - 1975  (Đọc 49477 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2017, 07:28:19 am »


        Cho tới lúc này, dân trên đảo và những người tù cũ cũng như đám ngục tốt trên hải đảo vẫn chưa biểu lộ thái độ chống đối gì. Thông báo hạm Noócdagaray lúc ấy do trung úy hải quân Sơvahê (Chevaher) chỉ huy cũng vừa ghé qua đảo. Sơvaliê tỏ ra hài lòng về đơn vị ngục tốt người bản xứ vừa được thành lập, cho đó là “một lực lượng chân chính có tinh thần cao”. 

        Ngày 1-2-1862, Bông quyết định thành lập nhà tù ở Côn Đảo, Saxơlu Lô ba đã phê chuẩn. Khi nhận được báo cáo của Rút xen, Bông liền bổ sung thêm một số điều khoản liên quan tời việc đãi ngộ đám nhân viên mới thu dụng, cử Rút xen làm Quản đốc đầu tiên của nhà tù. Một thuyền chiến bằng gỗ mới đóng mang tên Giô dép (Saint Joseph) trên đó có 12 lính do một thiếu úy chỉ huy được đưa ra đảo làm nhiệm vụ “một trạm gác nổi” để bảo đảm an ninh cho nhà tù vừa thành lập. Lực lượng tại chỗ của Pháp yếu hẳn đi sau khi chiếc tàu Nievơrơ được lệnh rút.

        Đã đến lúc người dân Côn Đảo tỏ rõ thái độ trước việc quân Pháp chiến Côn Đảo, phản đối việc triều đình Huế đầu hàng, ký hòa ước Nhâm Tuất cắt nhượng Côn Đảo và ba tỉnh miền Đông cho giặc.

        Đêm 28-6-1862, tù nhân bắt đầu cuộc nổi dậy. Họ phá xiềng vào nhà tên chúa ngục Rút xen. Binh lính và chỉ huy đơn vị người Việt vừa thành lập đã liên kết với tù nhân để hành động. Viên đội chỉ huy đã đem súng trang bị cho tù nhân. Họ đốt phá công sở, thiêu cháy nhà tù Côn Đảo. Một người tù gốc Hoa phản bội, báo cho Rút xen biết nên Rút xen đã cùng với 3 thuộc hạ người Pháp, 2 lính công binh và một thủy thủ chạy trốn trên chiếc pháo thuyền Xanh Giô dép. Nghĩa quân làm chủ Côn Lôn.

        Ngày 13-7-1862, nửa tháng sau khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Bông mới phái thông báo hạm Noócdagaray vừa được tăng cường thêm một số lính tới đánh chiếm lại Côn Đảo. Nghĩa quân chống lại mạnh mẽ, nhiều trận chiến đấu đã diễn ra ở An Hải. Rút xen cũng đã trở lại phối hợp với Sơvaliê tổ chức những cuộc càn quét khủng bố nhân dân trên đảo. Tên tù phản bội lại dẫn quân Pháp đi lùng sục. Nhân dân đã cùng nghĩa quân rút lên núi. Họ lập trại, đóng thuyền để đưa người về đất liền. 

        Giặc chia thành nhiều mũi càn quét, giết chết hai người và bắt được hơn 100 người, trong đó có một số tù nhân. Cả viên đội chỉ huy người Việt chỉ huy đơn vị coi tù cũng bị bắt, chính ông là người đã phát súng đạn cho nghĩa quân. Nghĩa quân cũng đã tổ chức cho 30 người tù 2 người lính và 6 dân thường dùng thuyền vượt biển.  Họ giết được 30 tên địch.

        Sau 13 ngày càn quét, khủng bố, Pháp đã thiêu hủy 12 lán trại, đốt một thuyền to. Ngày 25-7-1862, quân Pháp đem 20 nghĩa quân bị bắt ra xử bắn. 

        Trong ký ức của nhân dân Côn Đảo còn ghi lại một chuyện căm thù: sau một cuộc săn lùng ráo nết, ngoài số người chúng đã giết tại chỗ, giặc bắt về 20 người. Chúng bắt họ đào một hố to chôn hơn 100 xác người bị chúng giết. Lấp xong ngôi mộ tập thể đó, chúng đem chôn sống cả 20 người kia. Trước năm 1945, trên con đường ra Bưng Sấu người ta còn thấy nhiều xương chi, xương sọ trồi lên ven các gò cát, mỗi khi gió chướng thổi về.

        Tháng 5 năm 1863, thiếu úy hai quân Risa(Richard) được phái đến Côn Đảo để ổn định tình hình, tiếp tục xây dựng nhà tù Côn Đảo đã bị cuộc khởi nghĩa Tháng Sáu 1862 làm đình trệ. Số người bị Pháp bắt giam trong các cuộc càn quét ở ba tỉnh miền Đông Nam Bộ ngày một nhiều. Viên quản đốc mới của Nhà tù Côn Đảo được phái ra cùng với chuyến tàu chở 46 người tù . 

        Theo báo cáo của Risa, giữa năm 1863, nhà tù Côn Đảo trống trơn, tình cảnh của dân chúng khốn quẫn đến mức “không sao tả xiết”. Mùa màng bị thất bát, vườn tược bỏ hoang, lương thực thực phẩm thiếu thốn nghiêm trọng, đến thóc giống cũng không có. Nạn đói hoành hành trên đảo. Người dân phải ăn củ rừng, thằn lằn, dơi, chuột... tất cả những gì tìm được. Bầu không khí khủng bố, nỗi kinh hoàng bao trùm lên hòn đảo đã bị tàn phá nặng nề này. Nhiều tù nhân còn ẩn náu trên rừng, đêm tối mới xuống nhà dân tìm cái ăn. 

        Cả Côn Đảo lúc đó còn có 317 người, trong số đó có 76 phụ nữ là dân đảo; 20 người là vợ con tù nhân; số tù cũ còn lại 17 người. Người dân Côn Đảo đã chọn con đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh để bảo vệ hải đảo. Cuộc khởi nghĩa Tháng Sáu 1862 là lời cảnh báo đanh thép đối với bọn xâm lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2017, 07:02:26 pm »


Chương Một

NHÀ TÙ CÔN ĐẢO TỪ 1802 ĐếN 1930

        Các trại giam và các sở tù

        Dưới con mắt của bọn thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, có khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chúng cho rằng, Côn Đảo bốn bề trời biển mênh mông, cách đất liền gần trăm hải lý, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù.  Ở hải đảo xa xôi này những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội, với phong trào cách mạng và quần chúng nhân dân, không thể hoạt động gì được.

        Côn Đảo là một quần đảo hoang vắng, không như nhà tù ở các điểm dân cư lớn trong đất liền như Hỏa Lò ở Hà Nội, Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên ở đây có thể thi hành những biện pháp đàn áp dã man, tàn bạo nhất, người tù có đấu tranh mạnh mẽ tới đâu đi nữa cũng không thể gây được ảnh hương gì. Bọn cai ngục có thể thẳng tay giết hại người tù mà không ai hay biết. Chẳng thế, bọn thực dân đã đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho sóng biển nghe!”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập!”.

        Côn Đảo là nơi dân cư thưa thớt, nguồn lợi thiên nhiên phong phú. Muốn khai thác vùng đất này phải đưa nhân công từ nơi khác đến, cho nên dùng sức tù nhân ở đây thì thật là thích hợp.

        Nhận rõ vị trí đặc biệt của Côn Đảo, thực dân Pháp đã sớm quyết định xây dựng nhà tù đầu tiên ở Đông Dương trên quần đảo này, nhằm:

        - Cách ly những phần tử chống đối chính sách cai trị của thực dân, nguy hiểm và có hại đối với an ninh ở thuộc địa;

        - Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ, răn đe những người còn ở ngoài đời, làm cho họ khi ra tù thì tinh thần bạc nhược, khiếp sợ, thân thể tàn phế, không còn dám làm gì chống lại “mẫu quốc” và chế độ thống trị ở thuộc địa;

        - Bóc lột sức lao động của người tù để xây dựng và khai thác thuộc địa.

        45 ngày sau khi chiếm hải đảo, Bông đã phái viên trung úy hải quân Phêlích Rút xen đáp chiếc tàu hàng Nievơrơ ra xây dựng một cơ sở tạm thời đủ chứa chừng 200 người tù .

        Ngày 1-2-1862, Bông ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Tháng 3 năm 1862, ông ta lại bổ sung một số điều khoản liên quan đến việc sử dụng, đãi ngộ đám quan lại và ngục tốt cũ của triều đình Huế, lập một đại đội lính bản xứ để canh gác tù, cử Rút xen làm Quan đốc đầu tiên của nhà tù, cho thuyền chiến Êcô (Echo) chở 50 người tù đầu tiên ra rồi ở lại đó làm nhiệm vụ canh gác trên biển. Rút xen nhận được chỉ thị phải nhanh chóng tổ chức trồng trọt và chăn nuôi gia cầm, gia súc, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhưng cuộc khởi nghĩa của nhân dân và tù nhân Côn Đảo nổ ra ngày 28-6-1862 đã phá tan nhà tù vừa mới dựng, buộc thực dân Pháp phải làm lại từ đầu với viên Quản đốc thứ hai của Nhà tù Côn Đảo, trung úy hải quân Bi dô (Bizot). Giữa năm 1863, Bi dô mới ra đảo, bắt tù mò san hô, lấy củi, lập lò nung vôi, nung gạch, khai thác đá làm nhà tù. Tàu Êcô chở chuyến tù thứ hai, có 45 người ra giam ở đảo. 

        Sau khi đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, số người bị Pháp bắt tăng thêm nhiều, đến nỗi phải cắt cử một trung đội lính đến gác và nâng thêm biên chế nhân viên trại giam Côn Đảo. Tính đến tháng 7 năm 1867, ở đảo đã có tới 500 tù nhân. Nhà tù Côn Đảo lúc này chưa có quy chế, phải áp dụng quy chế của Khám Lớn (Sài Gòn). Tổ chức nhà tù đã khá chặt chẽ. Biên chế người bộ máy đã có 11 người Âu, một số giám thị người Việt và một trung đội lính thủy đánh bộ. Nhà tù đặt dưới quyền quản lý của Giám đốc Nội chính thuộc Soái phủ Nam Kỳ. Viên Quản đốc nhà tù có những quyền hạn về tư pháp đối với toàn hải đảo, quyền hành ngang với chức thanh tra bản xứ vụ ở các tỉnh khác. Công việc dự thảo quy chế Nhà tù Côn Đảo được đẩy mạnh. 

        Ngày 31-1-1873, Thống đốc Nam Kỳ Đuypơrê (Dupré) ban bố quy chế riêng cho Nhà tù Côn Đảo, gồm 43 điều, xác định trách nhiệm các nhân viên quản lý nhà tù, lương bổng, y phục cho mỗi loại, quy định chế độ khổ sai và các biện pháp trừng phạt người tù. Về thực chất vẫn là sự sao chép quy chế Khám Lớn (Sài Gòn), tuy có châm chước ít nhiều. Bản quy chế 1873 được áp dụng ở Côn Đảo 16 năm liền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2017, 03:41:41 am »


        Ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Giuyn Gơrêvi ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ, dưới quyền của viên Quản đốc chức vụ tương đương một viên tham biện bản xứ vụ (là quan đầu tỉnh thời đó ). Nhiều vấn đề về tính chất pháp lý của nhà tù được đặt ra như: Chức năng hành chính và quân sự của viên Quản đốc như thế nào? Côn Đảo sẽ phát triển kinh tế ra sao? Nó chỉ là một hòn đảo giam tù hay sẽ trở thành một quận có ngân sách tự trị như các quận khác? 

        Cuộc nổi dậy với quy mô to lớn của tù nhân xây dựng Hải Đăng Côn Đảo ở Hòn Bảy Cạnh ngày 27-8-1883 lại đặt vấn đề siết chặt kỷ luật đối với tù nhân, loại trừ những điều còn sơ hở trong việc điều hành nhà tù. 

        Bản quy chế thứ hai được soạn thảo và công bố ngày 11-12-1889 đã có tới 24 chương, 122 điều, bộ máy trị tù lên tới 87 người không kể quân số một đại đội thuộc Binh đoàn thuộc địa số 11 làm nhiệm vụ canh gác. Các sở trồng trọt, chăn nuôi, Sở lưới được tổ chức chu đáo hơn. Đặc biệt lại có thêm một kỹ thuật viên trồng trọt trông coi việc chăn nuôi, trồng trọt và phân phối thực phẩm tươi sống cho nhân viên các sở. Đối với tù nhân, bản quy chế có ghi thêm điều khoản số 51, chương X: “Cho phép các giám thị người Âu được quyền sử dụng vũ khí đối với đám tù nổi loạn hay âm mưu vượt ngục sa khi bắn chỉ thiên 3 phát mà không giải tán được hay trong trường hợp không bắt giữ được người tù vượt ngục”.

        Bản quy chế này được áp dụng trong suốt thời kỳ thực dân Pháp tiến hành công cuộc bình định và củng cố bộ máy cai trị ở Đông Dương. Theo đánh giá của viên chức ngạch cai trị, việc khai thác sức lao động tù nhân theo bản quy chế này tỏ ra rất có hiệu quả.

        Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX là giai đoạn “khó khăn”của Nhà tù Côn Đảo. Nhà tù đòi hỏi một khoản chi quá lớn. Các địa phương đều có nhà giam, nơi nào cũng cần đến sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng công thự, đường sá, cầu cống. Nhu cầu về sức lao động ở các thuộc địa khác như Guyan, Nuven Calêđôni, Tahiti đang rất cấp bách, Bộ Hải quân và thuộc địa hàng ngày kêu gào nhân công để làm đường và khai mỏ ở các thuộc địa của nước Pháp.

        Nghị định ngày 12-7-1891 của Toàn quyền Đờ Lanétxăng (De Lanessan) nói rõ: các tội phạm có án sẽ được đưa đi bất cứ nơi nào trong toàn xứ Đông Dương để dùng vào việc công ích. Ông ta cũng chỉ thị cho Nhà tù Côn Đảo phải chuyển 200 tù bằng tàu thủy Annamít ra Bắc Kỳ để làm con đường chiến lược Tiên Yên - Lạng Sơn. Tù Côn Đảo và Khám Lớn (Sài Gòn) cũng được sứ dụng để xây dựng thành phố Vũng Tàu. Thành phố này hàng ngày có tới 600-700 người tù làm khổ dịch trên các công trường làm đường vòng quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ , xây trại lính, công thự, nhà ở của binh lính, sĩ quan, viên chức thuộc địa, xây dựng hệ thống vị trí đặt pháo lớn bảo vệ bờ biển...

        Số tù giam ở Côn Đảo vợi hẳn đi. Người ta đã nêu ý kiến xét lại sự tồn tại của Nhà tù Côn Đảo, xác định lại xem ngân sách nào đài thọ, có nên phân tán tù nhân Côn Đảo về cho các tỉnh quản lý và sử dụng hay không?  Bàn đi cãi lại mãi, rút cuộc đâu lại vào đó. Nhà tù Côn Đảo vẫn rất cần thiết cho nền thống trị Pháp tại Đông Dương, phải tiếp tục củng cố nó dù tốn kém đến mấy. Côn Đảo là nhà tù phục vụ lợi ích chung của cả Đông Dương, nhưng giao cho Nam Kỳ quản lý, do ngân sách thuộc địa tài trợ.

        Trong bối cảnh đó , bản quy chế hoàn chỉnh của Nhà tù Côn Đảo được ban bố thi hành kể từ ngày 17-5-1916. Rút kinh nghiệm việc thi hành những bản quy chế trước, bản quy chế 1916 đã tạo ra cơ sở pháp lý ổn định, vừng chắc để điều hành ở Nhà tù Côn Đảo. Tù nhân được phân loại, thủ đoạn bóc lột lao động người tù tinh vi chặt chẽ hơn. Chế độ giam cầm, thủ đoạn tàn ác tù nhân nghiệt ngã hơn. Côn Đảo thật sự trở thành công cụ đàn áp lợi hại, có hiệu quả để xứng đáng với ngạch cai trị vừa được hoàn thiện nhằm đối phó với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ngày một dâng cao ở Đông Dương.

        Từ đó đến năm 1945, không thấy có gì thay đổi nhiều trong quy chế Nhà tù Côn Đảo nữa.

        Hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ 1862 đến 1945. Hệ thống đó bao gồm: những trại giam (các banh) và những sở chuyên môn, gọi tắt là các sở tù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2017, 04:33:43 am »


        Các trại giam

        Các trại giam chính ở Nhà tù Côn Đảo là:

        Banh I1: ở ngay giữa thị trấn Côn Đảo.

        Banh II: ngay cạnh Banh I, gần Nhà thương Côn Đảo. 

        Banh III: ở ngoại Ô thị trấn, nằm bên trái đường xuống sở Lò Vôi, cách Banh I khoảng một km. 

        Banh phụ của Banh III mới xây năm 1941.

        Đó là những khu nhà xây kiên cố bằng gạch, lợp ngói, nằm khuất sau 4 bức tường rào cao hơn 3 mét, trên cắm mảnh chai và chăng kẽm gai, bốn góc có 4 tháp canh, hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài.  Ngoài ra còn có một số trại giam nhỏ kiến trúc sơ sài: tường đất, mái tranh hoặc có nơi vách làm bằng gỗ, mái lợp ngói, phân bổ rải rác ở các sở tù khổ sai. 

        Banh I: Trong một thời gian lâu dài, Nhà tù Côn Đảo chỉ có một banh này, đây là nơi giam giữ đủ các loại tù Banh I được xây dựng trên một khoảng đất rộng 1015 m2 ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo. Trước cửa   Banh I là Văn phòng Xếp chánh. Sau Banh I là dãy nhà của gác ngục ngoại quốc. Bên trái Banh I là trại lính Tây, có một đại đội linh bộ binh thuộc Binh đoàn thuộc địa số 11. Năm 1875, chúng đã xây xong bức tường đá bao quanh Banh I và dãy khám bên phải cùng Nhà bếp và một số xà lim. Bức tường cao bao bọc Banh I xây bằng đá tảng, đứng bên ngoài chỉ nhìn thấy những mái nhà và ngọn báng nhô lên. Từ cổng sắt lớn nhìn vào, bên phải cổng, phía ngoài tường banh là Văn phòng giám thị, bên trái là nhà kho Banh I, nơi chứa gạo, thực phẩm tươi sống từ các sở tù đưa về: hàng ngày công chức, giám thị người Việt và cả những ngươi tù làm ở sở ngoài đến lãnh thực phẩm.

        Qua cổng sắt đi vào có hai dãy khám giam. (còn gọi là phòng giam) là nơi nhốt tù nhân. Giữa hai dãy khám là một khoảng sân có trồng hai hàng bàng. Cuối sân, đối diện với cổng vào có một giếng nước. Dãy bên phải có 5 khám giam, đánh số từ một đến 5, tiếp đó là khu Nhà bếp. Sau Nhà bếp là sân đập đá, có cổng sắt dày và tường đá bao quanh, nơi dành cho những người tù khổ sai thuộc loại “nguy hiểm” không được ra khỏi banh.  Dãy bên trái cũng có 5 khám giam, đánh số từ 6 đến 10.  Ngoài các khám giam là một hàng hiên rộng, đó là chỗ để người tù ăn cơm và tập trung mỗi khi ra vào khám. 

        Mặc dù rộng hẹp có khác nhau, các khám giam đều được xây theo cùng một quy cách. Đó là một gian nhà rộng chừng 150 m2, tường đá dày 50-60 cm. Bốn Ô cửa sổ hẹp khoảng 50 x 60 cm, bố trí ở chỗ đầu tường giáp mái ngói, còn bị bịt kín bằng những tấm tôn dày có trổ những lỗ nhỏ như đầu đinh, khiến cho không khí không thể lưu thông được. Khám giam chỉ có một cửa ra vào hẹp, có một cánh cứa gỗ dày nẹp sắt kiên cố, có chốt khóa thô và nặng, tù nhân thường gọi là cửa “rôn” (cửa ngục). 

        Bước qua ngưỡng cửa lại có một chuồng cửa bằng những gióng sắt to lắp vào một khung sắt chụp lấy lối đi từ phía trong, trông như một cái lồng hình chữ nhật dựng đứng, tù nhân gọi là cửa tăm bua. Cửa tăm bua đóng mở bằng loại chốt khóa đặc biệt. Cánh cửa “rôn” có một tò vò có nắp sắt đậy kín, chỉ có thể hé mở từ phía bén ngoài để cho cai ngục nhòm vào kiểm tra bên trong khám khi không cần mở cửa “rôn”. Cửa tăm bua có tác dụng giữ cho tù không gây mất trật tự ở ngay lối ra, đồng thời bảo vệ giám thị khi cần bước vào ở phía trong khám để kiểm soát, sau khi mớ cánh cửa gỗ bên ngoài. Hai mái nhà nặng nề kéo sụp xuống quá đầu tường chắn hết gió và ánh sáng từ mọi hướng. Ngay giữa trưa nắng, khi đóng cửa “rôn” lại thì khám giam tối như bưng, không khí ngột ngạt, lại thêm mùi cầu tiêu ở góc khám xông lên nồng nặc, vì cả ngày chỉ được dọn một lần vào buổi sáng. Một ngọn đèn treo lòng thòng giữa khám, cao trên tầm người với, phát ra một thứ ánh sáng lờ mờ. 

        Phía sau cái giếng cuối sân banh là dãy xà lim và Hầm Xay lúa. Dãy xà lim Banh I có cả thảy 20 xà lim, còn gọi là “hầm” tuy xây nổi trên mặt đất: 10 cái quay ra phía cổng banh, 10 cái kia đấu lưng lại, quay mặt vào bức tường banh phía sau. Xà lim nhỏ có thể nhốt một hoặc hai người tù, cái lớn nhốt được 5 đến 7 người tù. Nói hầm tối tức là nói đến loại xà lim nhỏ, chiều dài hơn 2 mét, rộng hơn 1 mét, chỉ để hở một cái lỗ nhỏ lại bịt kín bằng một lưới sắt. Sàn nằm bằng xi măng. Trên sàn có chôn một cái cùm gồm một suốt và hai vòng sắt.  Người tù bị chốt chặt hai chân vào đó suốt ngày. Một tháng bị phạt ở xà lim còn phải ăn cơm nhạt, uống nước lã 10 ngày. Hầm xây bằng đá, cao hơn 2 mét, trần xây cuốn. Mùa hè thì bắt nóng hầm hập suốt ngày. Mùa đông thì hơi đá tỏa ra, lạnh thấu xương. Cửa xà lim bằng sắt dày, đóng vào là kín như hũ nút, vách hầm sơn hắc ín đen ngòm.

        Người tù trần truồng, chân bị cùm, nằm ngửa mặt lên trần suốt ngày, trông nhơ một thây ma trong nhà mồ. Vào hầm tối ít lâu là người héo quắt lại, mắt mờ, chân đứng không vững. Cửa hầm tối cũng như cửa xà lim đều đóng im ỉm suốt ngày, chỉ hé vội trước giờ ăn để đưa cơm vào cho người tù.

----------------------
        1. Banh là ngục giam tù nhân, được phiên âm từ bage tiếng Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2017, 05:31:14 am »


        Năm 1930, 1931, 1932, nhiều người tù bị nhốt trong hầm tối, bị cắt suất ăn ba ngày liền. Ngày thứ tư mới được một nắm gạo xay dối, đến ngày thứ năm mới được một nắm cơm nhỏ. Theo quy chế, lệnh phạt nhốt hầm phải đợi quyết định của Thống đốc Nam Kỳ, căn cứ vào báo cáo của quản lý nhà tù ! Hình phạt nhốt hầm tối không kéo dài quá một tháng và chỉ dành cho những người nào đã qua 5 lần phạt xà lim hoặc bị nhốt xà lim hơn 60 ngày. Cũng theo quy chế thì 8 ngày một lần, viên y sĩ của trạm xá nhà tù phải tới các hầm tối kiểm tra không khí và ánh sáng tối thiểu có đủ để duy trì sức khỏe cho người tù hay không. Nhưng đó chỉ là những quy định trên giấy.

        Hầm xay lúa là khu vực nhốt những người tù thuộc loại “bất trị”, rất “nguy hiểm”cho nhà tù. Phạt xà lim và hầm tối chưa đủ tác dụng thì tiếp tục đày đọa họ xuống làm khổ sai ở Hầm xay lúa. Khu này gồm một khám giam có bệ xi măng để tù nằm và một gian hầm xay lúa để tù làm khổ sai. Khám giam cách hầm xay lúa một hành lang hẹp, làm nơi ăn cơm của tù nhân. Hầm xay lúa có 5 cối xay làm bằng vỏ thùng tonnô cũ. Phải 6 người tù mới quay nổi cái cối đó. Cứ hai người xiềng làm một, tù nhân phải quần quật quay cối xay từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Suốt ngày, lúc nào cũng bụi mù mịt và nhiều người tù đã mờ mắt sau một năm ở đây.

        Banh II: được xây dựng năm 1917 do thợ ở sở Tràng Tiền đưa ra xây. Từ cổng vào, bên phải phía ngoài tường banh là Văn phòng xếp banh, bên trái phía trong là khu xà lim Banh II gồm 14 xà lim chuyên nhốt những trọng phạm; trong số đó có những người bị giặc kết án tử hình đợi ngày hành quyết. Máy chém chở từ Khám Lớn (Sài Gòn) ra, đựng trong 4 cái hòm sơn đen được lắp đặt ở trước bệnh xá Banh II. Banh II cũng có hai dãy khám giam nhưng được xây dựng cao hơn, có cầu thang sắt chạy dọc suốt dãy để bọn giám thị đi tuần. Cuối sân banh, đối diện với cổng vào là bệnh xá của nhà tù. Banh II là nơi cấm cố tù chính trị. 

        Banh III: Banh này được khởi công xây vào năm 1928 gần trại cùi cũ, cùng thời với dãy nhà ở của giám thị. Banh III lúc đầu là nơi tạm giam tù nhân mới ở đất liền đưa ra đảo, họ bị nhốt ở đây 8 ngày, sau đó mới phân đi các banh khác, hoặc là giam ở đây. Làm như vậy cốt để những tin tức do tù từ đất liền đưa ra, sợ ảnh hưởng đến tù cũ . Sau này Banh III dùng làm nơi giam những người tù chính trị được hệt vào hạng “nguy hiểm” và “bất trị” vì can tội âm mưu phá rối trị an. Banh III có 3 dãy khám, chia thành 2 khu tách biệt. Nhìn từ cổng chính vào, dãy bên trái và dãy bên phải, họp với khu bếp cuối sân thành hình chừ U. Sau dãy khám bên phải, cách một bức tường ngăn là khu biệt giam của Banh III.

        Banh phụ của Banh III: Banh này xây năm 1941 để chứa tù bị bắt trong cuộc khủng bố trắng sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, nhất là sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Đây là một trại nhỏ có hai dãy khám giam. .

        Các sở tù1

        Từ khì thành lập đến trước ngày bị Nhật đảo chính (9-3-1945), bọn Pháp đã lập ở Côn Đảo nhiều sở tù (còn gọi là những sở chuyên môn) để khai thác sức lao động khổ sai của người tù trong việc canh tác đất đai, khai thác tài nguyên rừng và biển ở hải đảo. Không những tù thường phạm mà khi cần thiết Quản đốc nhà tù cũng đưa cả tù chính trị ra làm ở các sở, miễn là họ có sức lao động, có tay nghề và được bọn cai ngục nhận xét là tốt. Nhất là trong những năm đại chiến thế giới lần thứ II, máy bay phe Đồng Minh thường xuyên đánh phá tuyến giao thông trên biển nối liền Côn Đảo với Sài Gòn khiến cho việc tiếp tế ra đảo bị khó khăn. Đứng đầu những sở lớn thường là một giám thị người Pháp hoặc người có quốc tịch Pháp, dưới quyền chúng là một số giám thị người Việt và cặp rằng (cai tù). 

        Để có thể hình dung cơ cấu nhân sự của những sở này, có thể lấy Sở rẫy An Hải làm thí dụ .

        Dưới đây là những sở chính của Nhà tù Côn Đảo:

        Sở rẫy An Hải - An Hội: Sở này được thiết lập ở làng An Hải, một trong ba làng cổ nhất ở Côn Đảo (An Hải, An Hội và Cỏ Ống). Theo con số năm 1936, ở đây cả thảy có 50 người, không kể chủ sở, bao gồm: 3 cặp rằng; 2 đầu bếp; 2 thường trực ban đêm; 4 phu quét đường; 4 phu đổ thùng; 2 phu san, cào phân; một phu đánh xe bò; một người trồng rau; một người giữ vườn chuối; một người loong toong (planton); một người bồi, 2 người giữ vườn dừa; 25 người tạp dịch.

        Sở rẫy An Hải - An Hội chuyên trồng dừa, mít, vú sữa, mãng cầu. Tù khổ sai ở đây có thể tự cất chòi riêng để ở hàng ngày tập trung làm khổ dịch dưới quyền của giám thị người Việt.

--------------------
        1. Từ sở được dùng ớ đây có nghĩa là một dịch vụ (service) không nhất thiết là một cơ quan, như ta thường quan niệm. Ví dụ: Sở tẩy là kíp làm công việc vệ sinh ở các banh tù.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2017, 06:24:09 am »

 
        Sở đá : ở dưới chân Núi Chúa chuyên việc bắn mìn phá đá. Những khối đá hoa cương dùng để ốp con đường phía trước thị trấn Côn Đảo, xây cầu tàu Côn Đảo, xây móng nhà, tường nhà và các bức tường bao quanh các banh... đều do sở này cung cấp.

        Sở Tiêu: là nơi chuyên trồng hồ tiêu và những loại cây ăn quả như mít, dứa. . . Tù nhân làm khổ sai ở đây thường bị chết nhiều vì sốt rét.

        Sở Củi - Chuồng Bò: sở này có hai loại việc: chăn nuôi (bò, lợn) để cung cấp thịt và sữa cho bọn cai ngục và và cung cấp 4 loại củi cho cả Côn Đảo (củi nhà đèn, củi hầm than, củi hầm vôi, củi banh). Việc đốn củi vô cùng nặng nhọc, dễ xảy ra chết người, tù nhân bị hành hạ như một bày súc vật. Nhiều người tù tự chặt vào chân tay mình gây thương tật để khỏi bị làm khổ sai ở sở này.  

        Sở kéo cây: không có sở cứ nhất định, tù nhân khổ sai phải khai thác gỗ đóng bè chở về làm vật liệu xây dựng. Công việc nặng nhọc, tù dễ chết vì tai nạn và do làm việc quá sức.

        Sở Đất Dốc: chuyên trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà vịt.

        Sở Cỏ Ống: cách Banh I chừng 12km, là một sở trồng trọt lớn, có khi tập trung đến 200 - 300 tù khổ sai để trồng lúa, dừa, rau cải, chuối, mít, dứa, đu đủ. Từ nửa đêm tù nhân Sớ Cỏ ống đã phải đưa rau quả về thị trấn để tiếp tế cho các viên chức và các công sở trên đảo. Cỏ Ống cũng nổi tiếng là nơi nước độc, tù nhân bị bệnh, chết nhiều.

        Sở Lò Vôi: chuyên nung san hô thành vôi cung cấp cho toàn đảo. Ở đây có 4 đến 5 người tù trông coi việc đốt lò San hô do kíp san hô ở sở Chỉ Tồn khai thác và cung cấp.

        Sở Bông Hường: ở chân Núi Chúa, trồng cây ăn quả và các loại rau. Tù án lưu (relégués) tập trung ở sở này.  

        Sở Hòa Ni: tù nhân khổ sai phải trồng thứ nghiệm cây vang (vamllier).

        Sở Ông Đụng: ở sườn phía tây bắc của Núi Chúa, trồng khoai lang, thuốc lá, khoai môn, bí đỏ, bí đao, cà và mướp.

        Sở Muối: ở làng An Hội, làm muối cung cấp cho toàn đảo. Đây cũng là nơi tập trung tù án lưu, có khi đến 600 người.

        Sở Bản Chế: ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, gần nhà tên chúa ngục. Xưa kia chuyên để làm nơi giam giữ tù, nhưng sau chuyển thành khu xưởng thủ công, mỹ nghệ (làm đồi mồi, cẩn ốc...) do tù khổ sai có tay nghề làm nộp cho nhà tù. Ở đây còn có xưởng cơ khí sửa chữa nhỏ và giếng nước ngọt được bơm lên cung cấp cho các bếp, các sở.

        Sở Lưới: ở ngay trước dinh Quản đốc, tù ở sở này phải đan lưới, đóng ghe thuyền, đánh cá để cung cấp cá tươi cho viên chức các sở hành chánh trên đảo. Theo quy chế năm 1889, sở này do một giám thị người Pháp đứng đầu, dưới có một giám thị Ta-gan và ba giám thị người Việt trông coi. Số tù làm việc ở đây có tới 60 - 70 người. Nhà tù được quyền đánh cá trong phạm vi 3 hải lý quanh đảo. Việc đánh cá và tổ chức thuyền bè được tổ chức rất cẩn mật. Thuyền đỗ ở bến đều có xích sắt khóa vào bờ. Sở Lưới có một sà lúp, một thuyền máy nhỏ của viên Quản đốc, một thuyền nhỏ cho Sở dây thép, 2 thuyền để chuyên chở tiếp tế cho Hải Đăng ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau và liên lạc với Sở Cỏ ống, 3 sà lan và 2 thuyền đánh cá. Chiếc thuyền đánh cá mập cũng do sở này quán lý.

        Sở rẫy Ông Lớn : Quản đốc nhà tù có khu vườn rất rộng trồng cây ăn quả, trong tay nó có chừng 50 người tù trông coi khu vườn này. Trong tư dinh Quản đốc có bể nuôi vích, đồi mồi.

        Trên đây chỉ kể một số sở lao động khổ sai có tù nhân làm việc, chưa nói đến những công sở như: Sở dây thép, Sở dây thép gió, Nhà thương Côn Đảo, Sở Kho bạc , Sở Cò . . .

        Các chủ sở tù có đời sống cao, có quyền thế như những tên lãnh chúa, họp thành một lớp người được ưu đãi ở Côn Đảo. Phần lớn tù nhân ra làm ở các sở ngoài đều bị giam ở trong các trại ở ngay tại sở. Những tù nhân làm ở các sở gần trung tâm thị trấn thì ở trong các khám giam Banh I, ngày hai buổi đi làm, trưa và tối trở về khám giam. Trong Banh I, những người làm khổ sai tập trung ở Chỉ Tồn phải làm những khổ dịch nặng nề, cực nhọc nhất như xe củi, đập đá, kéo cây, lấy san hô. Họ bị giam trong các khám số 6, 7, 8, 9, 10 thuộc dãy khám bên trái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2017, 07:08:12 am »


        Tổ chức điều hành Nhà tù Côn Đảo

        Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo là một đơn vị hành chánh ngang cấp quận, đặc điểm nổi bật nhất là ở đây chỉ có tù, không có dân. Bộ máy hành chánh và bộ máy cai quản nhà tù trên đảo thống nhất làm một. Đứng đầu bộ máy ấy là viên Quản đốc nhà tù Côn Đảo cũng là quan chức hành chánh cao nhất của quần đảo trong chức danh Quản đốc quần đảo và Nhà tù Côn Lôn, thường giao cho một sĩ quan cấp trung úy trở lên, nếu thuộc ngạch cai trị thì cũng tương đương với chức tham biện.

        Ngay từ thời Bông làm Thống đốc Nam Kỳ, Quản đốc nhà tù Rút xen cũng là một thanh tra bản xứ vụ có quyền duyệt xét toàn bộ các vấn đề thuộc nhà tù và phụ trách tất cả quan lại cũng như quân lính triều đình Huế còn ở Côn Đảo. Quản đốc quần đảo và nhà tù nắm trong tay trọn quyền hành chánh trên toàn quần đảo lại vừa là chánh án tòa án tiểu hình, có thể xử tội nhân thêm một án đến 5 năm tù nữa.

        Quản đốc có quyền đối với các thuộc viên và toàn thể tù nhân trên đảo, có nhiệm vụ trừng phạt và tống giam các viên chức làm việc tắc trách, nếu cần sẽ đệ trình lên Giám đốc Nội chính để tăng thêm hình phạt đối với họ; ngoài ra còn ấn định các biện pháp đối với tù nhân. Quản đốc còn “đích thân trông coi việc làm của tù nhân”, “chịu trách nhiệm về những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh các trại giam và đưa tù nhân vào vòng kỷ luật”! (Quy chế Nhà tù Côn Đảo năm 1873, từ điều 1 - 5).

        Ở Côn Đảo, Quản đốc thực sự là “Chúa đảo” nắm toàn bộ quyền sinh, quyền sát trong tay. Tù nhân phải gọi Quản đốc nhà tù là “ông Lớn”, gọi nhà Quản đốc là “Dinh ông Lớn”, khu vườn cây của hắn là “Sở rẫy ông Lớn”. 

        Nhân vật quan trọng thứ hai, có quyền thay thế Quản đốc khi vắng mặt là viên Lục sự kế toán (agent comptable), theo quy chế nhà tù, có nhiệm vụ kế toán tổng quát, kế toán vật tư, giữ ngân sách trại giam. Ở Côn Đảo, viên lục sự này được gọi là “ông kho bạc” vừa là chủ sự kho bạc vừa là trưởng phòng lục sự của Côn Đảo. Chức vụ này ngang hàng với Xếp chánh (Giám thị trưởng).

        Dưới quyền Quản đốc, có một số người đứng đầu các cơ quan hành chánh như cò cảnh sát, xếp nhà đèn (nhà máy điện), chủ Sở dây thép gió, chủ Sở lục lộ, đốc công coi Sở sà lúp, chủ sự hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo, giáo viên trường tiểu học trẻ con Tây, giáo viên trường tiểu học Việt. Côn Đảo không có Sở mật thám, thay vào đó là Sở truy tầm, do một gác dang người Pháp cầm đầu.  Nhân viên sở này ăn mặc như lính nhưng đi đất và mang mã tấu, họ được tuyển trong số tù hình sự ác ôn nhất.

        Trong ngạch đề lao cai quản nhà tù thì Giám thị trưởng (thường gọi là Xếp chánh) là nhân vật quyền uy thứ hai sau Quản đốc. Xếp chánh nắm trọn quyền cai quản tù nhân về mặt an ninh trong các trại giam, điều phối lao động khổ sai cho các sở tù và đích thân điều khiển công việc khổ sai của tù nhân hằng ngày, trực tiếp chỉ huy các gác dang người âu cũng như các giám thị người Việt.

        Theo quy chế nhà tù, Xếp chánh có nhiệm vụ báo cáo tình hình tổng quát của nhà tù về các mặt công việc, kỷ luật, tình hình sức khỏe của tù nhân; cai quản trực tiếp các giám thị người âu và ma tà, điểm danh họ hàng ngày; mỗi tuần một lần khám vũ khí, đạn dược để báo cáo với Quản đốc về tình trạng, nguyên nhân hao hụt; đêm phải đi tuần trong các banh một lần, giữ tất cả các chìa khóa phòng giam do giám thị trực chuyển giao; thay mặt Quản đốc giải quyết những việc lặt vặt liên quan đến trật tự và vệ sinh trại giam; xem xét số lượng, chất lượng thực phẩm phân phát cho tù nhân; đích thân trông coi tình trạng cửa ngõ và chấn song sắt các banh và phải chịu trách nhiệm bảo đảm các ghe thuyền đậu trên bến khỏi bị tù lấy cắp để vượt đảo.

        Là nhân vật quan trọng thứ hai trên đảo, Xếp chánh có đời sống vật chất rất đầy đủ, không thua kém gì ông Lớn.

        Giám thị người Âu ở Côn Đảo có ưu thế rõ ràng hơn giám thị người Việt, họ được giao giữ chìa khóa các khám, các banh, được trang bị súng ngắn và súng trường, lưỡi lê và kiếm. Giám thị người Việt không được giữ chìa khóa, muốn mở cửa khám nào thì phải hỏi giám thị người Âu, dùng xong phải trao trả ngay, sau khi khóa cửa, giám thị người Âu lại đích thân kiểm tra lại. Nhà ở cũng riêng biệt. Giám thị người Âu có quyền khám xét tất cả mọi thứ mang vào khám, hoặc mang ra khỏi banh, dù là do ma tà đem. Họ làm nhiệm vụ tuần phòng trong banh, theo quy định chỉ ban đêm đi tuần mới được mang súng. Họ phải chịu bồi hoàn những tổn thất do tù nhân gây ra nếu như họ trông thấy mà không báo với Giám thị trường. Ở Côn Đảo có chừng trên dưới 40 giám thị người Âu hoặc người gốc các nước khác nhưng có vào làng Tây, tù nhân gọi họ là “gácdang” (gardien).

        Ma tà (giám thị người Việt) dưới quyền của giám thị người Âu, chịu trách nhiệm dẫn tù đi làm, đưa về banh, chịu trách nhiệm về công việc khổ sai của tù. Quy chế nhà tù ghi rõ : “phải cứng rắn với đám tù nhân và không được giao dịch với họ”. Ma tà được ở ngoài banh với gia đình, chỉ được phép vắng mặt nếu được Quản đốc hay Giám thị trưởng cho phép. Số lượng ma tà làm việc trong ngày do Quản đốc ấn định căn cứ báo cáo của Xếp chánh. Họ phải báo cáo rõ với Xếp chánh về tình hình thực hiện công việc, tình hình kỷ luật của đám tù nhân.  Hằng ngày được lãnh khẩu phần, gồm 1 kg gạo trắng, 250 gam cá khô hoặc 400 gam cá tươi nếu có, một năm được 2 chiếc chiếu.

        Nhân viên Nhà tù Côn Đảo là lực lượng đàn áp được bọn thực dân tin cậy, tuyển chọn trong đám binh lính và sĩ quan đã mãn hạn, phần lớn là những tên hung ác, tàn bạo, nham hiểm và quỷ quyệt, chúng không hề chùn tay trước một tội ác nào. Theo quy chế nhà tù, chỉ có Thống đốc Nam Kỳ mới được quyền cách chức chúng, luật pháp và báo chí thực dân hết lòng bảo vệ những hành vi man rợ của chúng đối với tù nhân. 

        Với hệ thống trại giam kiên cố, canh gác cẩn mật, trên một hải đảo trơ trọi giữa biển khơi sóng dữ, với chế độ tù đày man rợ , những thủ đoạn giết tù tinh vi , thâm hiểm, với bọn quản ngục khát máu, không còn tính người . . . Nhà tù Côn Đảo thật sự là “một lò sát sinh khổng lồ” mà thực dân Pháp đã xây nên nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta.

        Trong những năm tháng dưới ách nô lệ, biết bao người Việt Nam yêu nước đã bị lùa vào lò sát sinh này.  Chân xiềng, tay xích, trần trụi giữa bầy sói, họ đã hiên ngang chấp nhận cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù bằng tấm lòng “trung với nước, hiếu với dân”, bằng y chí kiên cường “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.  Và cuối cùng họ đã chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2017, 04:09:38 am »


        Những hình thức đàn áp người tù

        Tù nhân Côn Đảo bị kêu những loại án sau đây: án cấm cố, án phát lưu, án phóng trục, án khổ sai, án giam, án lưu. Những người tù chính trị thì bị nêu kêu ba loại án: cấm cố, phát lưu và phóng trục. Án khổ sai và án giam là chung cho tù chính trị và thường phạm. Án lưu dành riêng cho tù thường phạm. 

        Án khổ sai chia ra hai loại; khổ sai chung thân (hạn tù 32 năm) và khổ sai có thời hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 20 năm. Trên thẻ bài của tù khổ sai chung thân có ghi thêm chữ P. P. (à perpétuité). 

        Án phát thường gọi là “đi đày”, cũng có loại phát lưu chung thân và phát lưu có thời hạn. Trước năm 1930, có loại phát lưu người tù bị nhốt trong banh không được ra ngoài và có loại phát thường, tù nhân được ra làm ở ngoài banh. Nhưng sau này bọn Pháp bỏ sự phân biệt đó. 

        Án cấm cố: chỉ tù chính trị mới bị kêu loại án này.  Án cấm cố cũng chia ra hai loại: cấm cố chung thân và cấm cố có thời hạn 10 năm hay 20 năm. 

        Án phóng trục là cho người bị kêu án đi ở một nơi khác sinh sống, làm ăn nhưng chịu sự kiểm soát của quan cai trị địa phương, có thể mang theo gia đình. Ví dụ trường hợp cụ Lương Văn Can, bị phóng trục sang Campuchia sau khi phong trào Đông kinh nghĩa thục bị đàn áp.

        Tùy theo tội nặng nhẹ vi phạm trong nhà tù, người tù chính trị có thể còn bị cấm cố hầm hay là cấm cố xà lim. .. 

        Án lưu là loại án của tù thường phạm.

        Từ khi thành lập cho đến hết chiến tranh thế giới lần thứ I, tù thường và tù chính trị ở Côn Đảo đều bị giam chung, không có sự phân biệt. Lớp tù “quốc sự phạm” đầu tiên ra đảo là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế... phải đấu tranh mãi, bọn Pháp mới chịu giam riêng ở khám B (gồm khám 6 và 7 của Banh I). Đến năm 1916, theo quy chế mới của nhà tù, mới có sự phân loại tù, nhưng lại theo tiêu chuẩn riêng. Người tù được chia thành 3 hạng, căn cứ vào tình trạng tội phạm nặng hay nhẹ, hạnh kiểm xấu hay tốt, làm khổ sai chăm hay nhác, do giám thị đánh giá.

        Hạng I gồm tù nhân được điểm tốt nhất. Tù nhân loại này có thể được ghi tên vào danh sách ân giảm, ân xá hoặc được phóng thích có điều kiện nhưng phải do thống đốc Nam Kỳ đề nghị lên thượng cấp xét duyệt.  Loại tù này có thể được nhận làm “công nhân tư gia”, làm ở các văn phòng.

        Hạng II gồm các tù nhân có thể được sử dụng vào việc khai thác thuộc địa và làm những việc công ích khác. 

        Hạng III là loại kém nhất, phải làm công việc khổ sai nặng nhọc nhất, khi cần thì nhốt riêng (biệt giam).  Từ hạng III muốn lên được hạng II, người tù phải làm khổ sai ít nhất hai năm trong cấp phân loại ban đầu.  Từ hạng II muốn được lên hạng I, nhất thiết phải trải qua thời gian khổ sai bằng nửa mức án. Với những người bị kêu án khổ sai chung thân hoặc 20 năm khổ sai thì ít nhất phải trải qua 10 năm lao dịch rồi mới hy vọng được đề nghị.

        Thăng hay giáng hạng tù phải do chính quyền cấp trung ương quyết định dựa vào đề nghị của Quản đốc nhà tù. Những tù nhân bị phạt nhốt hầm đều bị Quản đốc đánh sụt hạng.

        Trên thực tế ở Côn Đảo, sự phân loại tù cơ bản nhất bao giờ cũng vẫn là sự phân biệt giữa tù chính trị và tù án thường.

        Đem so sánh sự thật kinh khủng về đời sống tù nhân với những lời lẽ trong mấy bản quy chế (phần nói về tổ chức lao động khổ sai, nhiệm vụ của người tù), chúng ta dễ dàng nhận thấy những nhà làm luật thực dân ở Đông Dương trước kia quả là những người xuất sắc (!) Họ có biệt tài trang trí nơi để máy chém thành một vườn hoa tươi đẹp!

        Lời lẽ ở đây thật là dễ nghe, nào là người tù nhân phải tuân lệnh Quản đốc và các giám thị, phải giữ gìn sạch sẽ sân chơi, chỗ ngủ, nhà bếp, không được ăn trầu, không hút thuốc trong khám, không được vẽ bậy lên tường, cấm làm ồn, cấm hút thuốc phiện trong khám...  Nhưng trên thực tế, để dập tắt những hình thức đấu tranh tập thể của người tù, quy chế Nhà tù Côn Đảo 1873 chỉ cần ghi: “Tuyệt đối cấn nói chuyện ồn ào, những cuộc hội họp, những lời thỉnh nguyện hay yêu cầu tập thể”.

        Để vắt kiệt sức lao động của người tù, quy chế ghi rõ: “Về vấn đề tổ chức công việc làm cho tù nhân thì công việc phải được phân phối sao cho không để một người tù nào rảnh rỗi”.

        Mọi quyền hành ở Nhà tù Côn Đảo đã trọn quyền ủy thác cho Quản đốc, “ông Lớn muốn làm gì thì làm, chỉ cần ngài có báo cáo về Sài Gòn là được Quy chế nhà tù đã khăng định điều ấy: ‘(Nếu xét cần trong việc duy trì trật tự, an ninh và vệ sinh thì những biện pháp thích hợp sẽ được áp dụng do lệnh của Quản đốc, miễn là Qủan đốc có tường trình lên ngài Giám đốc Nội vụ ở Phủ Thống đốc”. Thân phận người tù Côn Đảo gần như tuyệt vọng:

“Côn Lôn đi dễ khó về.
 Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2017, 03:46:07 am »


        Khó về vì Nhà ngục Côn Đảo có quá nhiều những biện pháp giết dần giết mòn người tù: ăn không đủ sống, ở không đủ chỗ, thở không đủ không khí, tắm không đủ nước, ốm không đủ thuốc men, mặc không đủ quần áo, rét không đủ chiếu, làm không kịp thở, chết không quan tài, không bia mộ... Trong khi đó ở Côn Đáo lại quá thừa xiềng gông, roi vọt, xà lim, hầm tối; thừa cai ngục tàn bạo, trắng trợn, ngu xuẩn, tham lam; thừa mánh khóe bịp bợm để đàn áp, lừa mị.

        Tổ quốc đã mất độc lập tự do, người dân bị bức vào con đường chết. Cái chết ở Nhà tù Côn Đảo được bọn thực dân tổ chức như thế nào? Cái lò sát sinh này đã ngốn hàng vạn con người bằng cách nào? Để làm sáng tỏ phần nào vấn đề ở đây chúng ta xem xét trên những nét đại cương nhất của chế độ Nhà tù Côn Đảo đối với đời sống người tù. 

        Côn Đảo là nơi tập trung tù án nặng từ các nhà lao khác đưa về đày biệt xứ, những người đứng đầu các phong trào, các đảng phái chính trị, những đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là những người mà địch liệt vào loại “nguy hiểm” bậc nhất đối với nền thống trị của chúng ở Đông Dương. Cho nên chế độ Nhà tù Côn Đảo cũng khắc nghiệt vào bậc nhất.

        Chế độ ăn uống, mặc, ở

        Chế độ ăn uống ở Nhà tù Côn Đảo vô cùng thiếu thốn, khổ cực. Theo quy chế, hằng ngày tù nhân được ăn 0,750 kg gạo; 0,250 kg cá; 0,020 kg mỡ; 0,010 kg muối, nhưng thực tế, bọn chủ thầu đã thông đồng với bọn chúa đảo, cai ngục bớt xén phần lớn. Chúng cho tù ăn cơm gạo lức hẩm lẫn trấu, thóc, cát sạn, mảnh sành... đến nỗi tù phải đổ nước cho trấu nổi lên, cát sạn lắng xuống, rồi gạn lấy cơm mà ăn. Vậy mà ăn cũng không đủ cầm hơi.

        Trong những năm 1943-1944, máy bay Đồng Minh phong tỏa đường biển giữa Sài Gòn và Côn Đảo, khẩu phần ăn của tù nhân rỗi ngày được một bát rưỡi cơm phải giảm xuống còn một bát. Ngay cả những lúc tiếp tế dễ dàng như những năm 1934-1936, suất ăn của tù nhân cũng không bao giờ đủ.

        Kíp đốn gỗ phải làm việc cực nhọc thế mà người tù vẫn phải “đi bới củ rẫy, củ nưa rừng trộn vào cơm ăn cho đầy dạ dày để có sức làm việc”. Cá khô là thức ăn chính của người tù nhưng lại toàn là thứ cá vụn, cá cơm, cá sặt, cá thác lác, vừa bé, vừa lắm xương, lại có mùi dầu rất khó ngửi. Đó là loại cá vừa đen, vừa đắng dùng làm phân bón mà bọn chủ thầu mua tranh với bọn chủ ruộng để làm thức ăn cho người tù. Nguyễn An Ninh gọi đó là “Vitamin Đ.A.” (Đ là đắng, A là amer tiếng Pháp cũng có nghĩa là đắng).

        Huỳnh Thúc Kháng cũng có bài thơ ngắn tả mâm cơm tù Côn Đảo hồi những năm đầu thế kỷ:

                                    Cá khô mặn như muối
                                     Cơm lức đen như sắt
                                     Bảy người chung một mâm
                                     Ngồi lết cứ xực gắt.


                                                          (Thi tù tùng thoại)

        Có điều trong bài thư không nói đến ruồi. Ruồi đậu vào mâm cơm nhiều đến mức người tù gọi “cơm xôi đỗ” Đó là nguyên nhân cái chết vì bệnh kiết lỵ của cả ngàn tù chính trị trong những năm 1940-1944. Khẩu phần rau còn đáng sợ hơn nữa, khi là những thân cây chuối dại thái to, khi là rau sam, rau càng cua, rau dền dại, tất cả các loại rau này đều hái trên núi, khi thì rau khoai lang vừa già vừa xơ, nhai mãi cũng không nổi.

        Một nhà báo không ít cảm tình đối với chế độ tù đày của Nhà tù Côn Đảo cũng phải ghi nhận: “Điểm đen trong vấn đề thực phẩm là rau cung cấp còn kém. Về nguyên tắc cứ 14 ngày mới có một chuyến tàu thủy liên lạc với đất liền.  Nhưng đôi khi do chủ hãng thất tín, tàu không ra đúng hạn và nhà tù có lúc phải 4-5 tuần liền không được ăn rau tươi”. Trong điều kiện đó, không thể nào có được bầu, bí, dưa chuột, khoai, đậu, cà chua, xà lách từ Sài Gòn gửi ra, người ta dành phần cho tù nhân ăn mồng tơi dại, rau chuối, khiến cho các ông tù chính trị nổi giận, làm đơn khiếu nại luôn”.

        Có lẽ nhà báo muốn nói đến việc cung cấp rau tươi cho mấy ông Tây gác đề lao, từ Sài Gòn chở ra! Rau tươi cho người tù là cỏ mần trầu, búp bàng quơ vội trên đường đi lao dịch mặc cho roi vọt của cai ngục giáng xuống đầu.  Nước mắm tất nhiên là loại tồi: muối pha nước lã đến 70% , ngửi mùi đến lộn mửa. . . Quanh năm giống như nông dân Pháp thời Trung cổ, tù nhân chỉ được nếm thịt có hai lần, đó là vào dịp Tết và 14 tháng 7.

        Sở dĩ chúng ta dừng lại tỉ mỉ một chút về việc ăn vì đó là nguồn sống duy nhất để người tù bù đắp sức lao động khổ dịch hằng ngày phải đổ ra. Mức lao động của họ ít nhất phải gấp 3 lần người bình thường. Vả chăng trong sách báo chính thức của thực dân, chúng ta gặp không ít những nhận định, đánh giá “khách quan và vô tư, của những người có thẩm quyền nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2017, 03:34:53 am »


        Bác sĩ Nhà tù Côn Đảo, đại úy Cuốcđuyriê, phụ trách y tế ở đảo từ 1937 đến 1938 đã nói:

        - Lượng calo trong khẩu phần tù nhân còn cao hơn khẩu phần của người lính Việt Nam cơ đấy!

        Quản đốc Nhà tù Côn Đảo thì nói:

        - Các tù nhân mới đến, cứ ba không cân một lần thì thấy trọng lượng của họ tăng từ 5-6%. Có một tên tù tăng đến 14 kg!

        Chúng ta đều biết “ông Lớn” Buviê không hề có ý định khôi hài khi trả lời một nhà báo khả kính. Những điều khẳng định của những nhân vật có thẩm quyền nhất trên đảo đã khiến cho ông Đơmariô (Demariaux) hoàn toàn yên tâm hạ bút:

        “Vấn đề thực phẩm cho tù nhân đã được thực hiện một cách tiến bộ. Công lao đáng ghi cho ông Pagie Thống đốc Nam Kỳ. Đây là khẩu phần hằng ngày: 800 gam gạo, 200 garn cá khô; 3 gam trà; 20 gam mỡ, 50 gam nước nắm; 150 gam rau.

        Ngoài ra, còn 400 gam thịt mỗi tuần lễ, và thỉnh thoảng khi câu được cá tươi, bắt được vích thì tù nhân được ăn tươi thêm, mà Nhà nước cũng không tổn phí gì.  Tù chính trị được uống trà Huế, thơm hơn các loại trà khác, được ăn nước mắm đóng trong chai chứ không phải nước mắm ca vò như ngày trước.

        Cơm được xới vào bát ăn chứ không phải nắm riêng thành từng nắm như trước. Bát cháo ăn sáng của họ bây giờ cũng thật tinh tươm”. 

        Ăn theo thực đơn của Thống đốc Pagie thì làm gì mà tù nhân Côn Đảo không tăng trọng như “ông Lớn” Buviê nói. Vậy mà tù chính trị vẫn “không biết điều’, họ vẫn yêu cầu kiểm tra việc cân đong thức ăn. Những việc này tuyệt đối cấm vì như nhà báo giải thích, “để họ tham gia kiểm soát cân đong như thế thì cuộc sống ở Banh II sẽ có vẻ như lối sống Xô viết mất?!”. 

        Ở Nhà tù Côn Đảo cơm bao giờ cũng thiếu, thức ăn không bao giờ đủ, nhưng lùa cho được miếng cơm vào miệng cũng không dễ. Những ai nuốt không nhanh là không kịp ăn hết suất cơm của mình. Thế là họ vội vàng gói cơm vào khăn đem theo. Nhưng coi chừng! ăn rồi, trước lúc vào khám lại phải cởi cả quần áo để gác ngục khám xét. Đôi khi họ mang được trót lọt, nhưng không phải là hiếm khi bọn gác ngục phát hiện ra và họ bị phạt rất nặng. Những tên Đờrốtsơ (Deroch), Títnê (Tisné), Musađo (Mouchador), Philông (Philon), đội Thanh, đội Trà, ma tà số 39 nổi tiếng khắt khe về vấn ớ này.

        Mỗi năm, cứ đến ngày 14 tháng 7, ngày Quốc khánh Pháp và ngày Tết, tù được phát một bộ quần áo xanh vải Nam Định, quần chỉ quá đầu gối, áo ngắn mặc hở cả bụng, khâu dối chưa mặc đã tuột chỉ. Quần áo không đủ, độc một bộ như thế làm sao đủ mặc trong 6 tháng.  Lao động khổ sai suốt ngày, người đầy bụi bặm đất cát nhưng không được tắm rửa. Một tuần hai lần, người tù được tắm không quá 15 phút.. Họ phải ngồi xếp hàng rồi cho nước xối qua một lượt, kỳ cọ rồi lại xối một lượt nửa, chưa hết bọt xà phòng cũng mặc, vào chậm là ăn đòn. Mọi yêu sách về điểm này đều được trả lời bằng hình phạt nhốt hầm tối, cùm, xiềng. Ghẻ lở là điều khó tránh khỏi.

        Các khám giam đều giống nhau ở chỗ chật chội, thiếu ánh sáng và không khí. Những khám ở Banh III lại còn hẹp hơn, chứa được từ 40 đến 50 người tù, nhưng chúng thường nhốt đến 80 có khi hơn 100 người. Sau trận bão cuối năm 1930, nhiều banh bị tốc mái, người tù ở ngay trong nhà mà hàng tháng phải chịu đựng cảnh màn trời chiếu đất. Đấu tranh mãi, bọn gác ngục mới chịu để anh em cắt cỏ tranh về lợp. Lúc đó tù phải dồn lại, nằm ép vào nhau mới đủ chỗ.

        Trong những năm từ 1936 đến 1939, số đông tù chính trị được thả, nhà tù có rộng ra đôi chút. Nhưng lại tiếp liền đến thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II, địch ra tay khủng bố, nhất là sau Nam Kỳ khởi nghĩa, mỗi khám nhốt đến hơn 200 người, nằm như nêm cối, phải “xếp thìa” mới tạm có chỗ nghỉ ngơi.

        Dựa theo 4 bức tường khám là 4 sạp dài bằng xi măng, 3 cái liền nhau hợp thành hình chữ U, có khám sạp không liền, tùy theo vị trí của cửa “rôn” và của cầu tiêu. Sạp được dùng làm chỗ ngủ cho người tù, đầu quay vào tường, phía chân có còng sắt gắn liền với bệ sạp.  Đối diện với cửa “rôn” là cầu tiêu, xây lọt ở đằng sau khám. Cầu tiêu có khe nhỏ, gió lọt vào mát, thoáng khí hơn chỗ khác. Nhiều khi nóng bức quá, anh em tù hay vào đó hóng gió, hít thở tuy chẳng có nhu cầu đi tiêu. 

        Do chật chội như vậy, tù nhân phải tự thu xếp với nhau mới đủ chỗ nằm nhất là phải tổ chức thay nhau đổi chỗ nằm, luân phiên nhau cùng “hưởng” không khí ở những nơi gần cứa “rôn” hay cửa cầu tiêu. Khi khám giam quá đông, người tù phải luân phiên nhau cho số này nằm, số kia ngồi. Những người ốm yếu mới được “ưu tiên” chỗ nằm. Tuy vậy, vẫn có một số phải nằm phía gần sát cầu tiêu hôi thối, dòi bọ bò cả người, lên mặt, lúc trở mình dòi bọ lép nhép dưới lưng.

        Trong khám giam không khí vừa thiếu vừa ngột ngạt. Mấy khe cửa sổ hẹp ở trên đầu tường tiếp giáp với mái nhà, bọn cai ngục còn bịt kín bằng những miếng tôn trổ những lỗ nhỏ như đầu đinh. Không ít người bị cùm và nhốt hầm vì đấu tranh đòi gỡ mấy miếng tôn đó. 

        Cả ngày bị nhốt trong khám giam, người tù chỉ được ra sân trong giờ ăn cơm, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 phút và mỗi ngày 2 lần tù cấm cố được phép ra ngoài sân độ 45 phút. Thời gian đó chỉ đủ hít thở không khí mà thôi.

        Từ năm 1935 đến năm 1939, do đấu tranh manh, thời gian cho tù ra sân được tăng thêm, được xuống hẳn sân chứ không chỉ quanh quẩn trong dãy hiên. Hạnh phúc biết bao khi thấy khoảng trời xanh qua tán lá bàng; khi nhìn những vệt nắng ấm áp lay động trên ngực, trên lưng mình, lưng bạn; khi được hít căng không khí trong lành.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM